Thứ Tư, 20 tháng 7, 2022

20220721.NGÀNH Y: NĂNG LỰC BỘ TRƯỞNG KHÁC NĂNG LỰC BÁC SĨ

ĐIỂM BÁO MẠNG


Y TẾ SẼ TỐT HƠN KHI BỘ TRƯỞNG LÀ BÁC SĨ ?

NGUYỄN TUẤN/BVN 19-7-2022

Nhiều người nghĩ như vậy, nên ở vài nơi trên thế giới (không nhiều) người ta hay bổ nhiệm bác sĩ hay người trong ngành y làm bộ trưởng y tế. Nhưng nghiên cứu chỉ ra rằng tình hình y tế dưới thời bộ trưởng là bác sĩ không hẳn là tốt hơn dưới thời bộ trưởng không phải là bác sĩ. Tôi nghĩ nên tách Bộ Y tế hiện nay thành 2 bộ riêng: healthcare và public health.

Việc "giao quyền" Bộ trưởng Bộ Y tế cho một người phụ nữ không phải là bác sĩ hay trong ngành y đã là đề tài bản thảo của nhiều người. Có lẽ lần đầu ở Việt Nam người ta phá tiền lệ bằng cách giao quyền điều hành hệ thống y tế cho một người ngoài ngành y.

Trong cộng đồng y tế có ý kiến cho rằng người ngoài ngành y sẽ khó làm việc tốt, nhưng cũng có ý kiến cho rằng không cần phải là người trong ngành y mới là một bộ trưởng tốt. Nhưng tất cả các ý kiến chỉ là chủ quan (dễ hiểu) và chẳng có bằng chứng gì cả.

Câu hỏi là: có bằng chứng nào cho thấy bộ trưởng y tế là bác sĩ điều hành hệ thống y tế tốt hơn bộ trưởng y tế là người ngoài ngành y? Ở Đức, trong thời gian 1955 - 2017, có nhiều (đa số) bộ trưởng y tế không phải là bác sĩ, mà là chuyên gia từ các ngành khác như luật sư, thầy giáo, nhà kinh tế, nhà xã hội học, tâm lý học, y tá, thậm chí thợ mộc và nông dân.

Các nhà nghiên cứu Đức đã đã làm một phân tích rõ ràng để trả lời câu hỏi: dưới thời bộ trưởng không phải là bác sĩ, ngành y tế có tốt hơn so với thời bộ trưởng không phải là bác sĩ [1]. Kết quả phân tích cho thấy dưới thời bộ trưởng y tế là bác sĩ thì năng lực bệnh viện và cơ sở vật chất và tài trợ cho ngành y có tăng trưởng, nhưng "đầu ra" thì không thay đổi đáng kể so với thời kỳ bộ trưởng không phải là người trong ngành y. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng khi bộ trưởng y tế là bác sĩ thì người trong ngành y được hưởng lợi tốt hơn.

Kết luận trên dĩ nhiên nói lên rằng nếu bộ trưởng y tế là bác sĩ hay người trong ngành y thì sẽ dẫn đến tình trạng thiên vị (favoritism). Người có chuyên môn y tế điều hành hệ thống y tế có cái lợi là họ có kiến thức (và có khi kỹ năng liên quan) để có thể triển khai các chánh sách hay cải cách một cách có hiệu quả. Nhưng vì là người trong ngành nên họ có xu hướng thiên vị ngành của mình, và hậu quả là người trả thuế phải trả cái giá cho sự thiên vị của họ.

Vài năm trước, khi Mã Lai [Malaysia] bổ nhiệm một nhà khoa học làm bộ trưởng y tế, báo chí cũng có 'lời ra tiếng vào'. Trả lời trước báo chí, ông tân bộ trưởng (là một tiến sĩ về độc chất học từ ICL) tóm tắt một câu quan trọng rằng (tạm hiểu):

"Nhiệm vụ của tôi không phải là giải quyết một vấn đề y khoa phức tạp (vì đó công việc của bác sĩ); nhiệm vụ của tôi là quản lý chiến lược và đem hệ thống chăm sóc y tế đến người dân".

Đem hệ thống chăm sóc y tế đến người dân. Đó nên là một lý tưởng và mục tiêu của Bộ Y tế.

Nhưng đó là tình hình ở bên Mã Lai và Đức, nơi mà thể chế chánh trị và trình độ cũng như cơ sở vật chất y tế rất khác với Việt Nam.

Ở Việt Nam, ngành y tế rất bộn bề chứ không 'clean' như mấy nước giàu có như Mã Lai, Đức hay Úc. 'Bề bộn' ở đây hiểu theo nghĩa có quá nhiều vấn đề cần phải giải quyết, kể cả những vấn đề liên quan tới:

• y tế công cộng và dịch bệnh truyền nhiễm vẫn còn là mối đe doạ;

• hệ thống bệnh viện cũ kỹ và quá tải ở nhiều nơi;

• đào tạo và nhân lực ngành y tế;

• và nhứt là tình trạng tham nhũng hệ thống.

Nên tách Bộ Y tế thành 2 bộ

Nếu là ông PMC, tôi sẽ tách Bộ Y tế thành hai bộ riêng: một bộ tập trung vào việc phòng bệnh gọi là public health (y tế công cộng), và một bộ tập trung vào healthcare (thiên về y khoa và điều trị).

Ưu tiên số 1 của healthcare hiện nay là làm sao bảo đảm cho người dân mắc bệnh có được dịch vụ chăm sóc với cái giá vừa phải. Theo thiển ý, nên bổ nhiệm người trong ngành y phụ trách bộ healthcare.

Public health hay y tế công cộng phải là một ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Khi y tế công cộng không làm tốt thì các bệnh viện sẽ 'lãnh đủ' và quá tải. Bệnh truyền nhiễm vẫn là một đe doạ lớn ở Việt Nam. Thành ra, ưu tiên số 1 của y tế công cộng là phải ngừa bệnh không lây và các bệnh truyền nhiễm ở quy mô cộng đồng. Đối với bộ public health, bộ trưởng không nhất thiết phải là người trong ngành y.

Nói cho cùng, mục tiêu tối thượng của ngành y tế là kiến tạo một quốc gia khoẻ mạnh với người dân sống khoẻ, sống lâu, và an tâm. "Sống khoẻ" có nghĩa là giảm thiểu bệnh tật và hậu quả của bệnh tật, và qua đó nâng cao chất lượng sống cho người dân. Chất lượng sống rất quan trọng. "Sống lâu" là kéo dài tuổi thọ qua các biện pháp y tế cộng đồng. Và, "an tâm" có nghĩa là làm sao bảo đảm người dân không lo lắng cái túi tiền trong tuổi già hay lúc lâm bệnh. Tôi nghĩ hiện nay, Việt Nam chưa đạt được cả 3 lý tưởng này. (Thật ra, họ cũng chưa đặt ra mục tiêu như đề cập).

Những vấn đề mang tính hệ thống ở trên làm cho các bộ trưởng loay hoay giải quyết các vấn đề cục bộ và ngắn hạn, nên chẳng còn tâm sức đâu là suy nghĩ chuyện xa xôi như sống khoẻ, sống lâu, và an tâm, hay "medical excellence". Thành ra, không nên hy vọng và cũng chẳng nên kỳ vọng gì từ sự thay đổi nhân sự mới cả. Người trong hay ngoài ngành y cũng sẽ chẳng tác động gì khi mà “nghị quyết” là phương tiện quản lý chiến lược. Mọi việc rồi sẽ êm đềm trôi như dòng dòng sông lặng lờ mà thôi, để rồi cuối nhiệm kỳ thì lại tự tung hô với nhau là "đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc".

____

[1] Adam Pilny, Felix Roesel. Are Doctors Better Health Ministers? American Journal of Health Economics 2020. https://www.journals.uchicago.edu/doi/abs/10.1086/710331

Biểu đồ: Ảnh hưởng đến hệ thống y tế của các bộ trưởng là bác sĩ. Khi các đường ngang vắt ngang qua cột 0 thì có nghĩa là không có ý nghĩa thống kê. Chẳng hạn như số giường bệnh dưới thời bộ trưởng y tế là bác sĩ có tăng, nhưng không có ý nghĩa thống kê. Toàn bộ biểu đồ cho thấy hệ thống y tế dưới các thời bộ trưởng là bác có tốt hơn, nhưng không đáng kể.

clip_image002

N.T.

Nguồn: FB Nguyễn Tuấn


CHUYỆN TÔI LÀM TRÁI NGÀNH NGHỀ

PHẠM XUÂN CẦN/ TD 18-7-2022

Tôi có thể khẳng định ngay rằng: Phàm đã là lãnh đạo thì ở nhiều mức độ khác nhau sẽ phải làm trái ngành, trái nghề, nói chính xác hơn là phải làm những việc mà mình chưa được đào tạo trong trường, lãnh đạo càng cao càng như vậy.
Tôi vốn học đào tạo tại Học viện An ninh nhân dân (ANND), chuyên ngành phản gián. Ra trường, ở lại trường, nghiên cứu và giảng dạy đúng chuyên ngành đó. Về địa phương, cho đến khi làm phó phòng tham mưu an ninh, thì vẫn có thể nói là làm đúng ngành, đúng nghề, mặc dù đã có những công việc mình chưa hề được học. Khi lên làm trưởng phòng tham mưu, thì phần mình đã học chỉ chiếm khoảng 1/4 những thứ mình phải làm, vì mình phải lãnh đạo và trực tiếp tham mưu cả những vấn đề của lực lượng cảnh sát, rồi hậu cần, xây dựng lực lượng, thậm chí cả các lĩnh vực có hàm lượng khoa học kĩ thuật cao, như viễn thông, cơ yếu, công nghệ thông tin... Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ là trong ngành công an, trái nghề thì có thể, nhưng trái ngành thì có lẽ chưa.
Nhưng, đến 2001, tôi được luân chuyển vào chức Phó bí thư thường trực Thành ủy Vinh, thì rõ ràng công việc đòi hỏi phải có kiến thức toàn diện hơn, đến mức cái bằng đại học hầu như chỉ là một "chứng cứ" là mình có học đại học mà thôi. Mặc dù trước đó đã có phông kiến thức không đến nỗi, nhưng vẫn phải học rất nhiều.
Tôi nhớ việc đầu tiên trên cương vị mới của mình là phải phát biểu trong một cuộc họp tổng kết về công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em. Tất nhiên là đơn vị chuyên môn như thường lệ đã gửi báo cáo và một dự thảo phát biểu cho lãnh đạo. Tôi đọc báo cáo và xem qua dự thảo bài phát biểu. Nếu mình đến dự, chẳng cần suy nghĩ chi nhiều, đến lượt thì cầm bài có sẵn đó lên đọc cho... suôn thì cũng chẳng sao, đặc biệt rất chi là... an toàn. Tôi đã không làm thế, mà tham khảo thêm một số tài liệu về tâm lý học giáo dục, các văn bản pháp luật về công tác liên quan, gọi điện trao đổi thêm với một số người có kinh nghiệm... Đến cuộc họp, tôi chú ý lắng nghe và từ diễn biến cuộc họp, tự soạn cho mình một đề cương, mang những thông tin và hơi thở của chính cuộc họp đó, để phát biểu.
Rồi đến một hội nghị của Ngân hàng Nông nghiệp. Nhận được báo cáo, sau khi đọc kĩ, tôi đã mời một ông bạn vong niên là phó GĐ ngân hàng Công thương đến nhà nói chuyện một buổi tối, trong đó có bình luận về bản báo cáo đó, cũng như những vấn đề khác của ngành ngân hàng và ngân hàng nông nghiệp. Với sự chuẩn bị như vậy tôi khá tự tin khi phải "phát biểu chỉ đạo" ở những diễn đàn như vậy.
Thế nhưng, có những lĩnh vực mà then chốt không phải nằm ở văn bản, giấy tờ, mà đòi hỏi mình phải xâm nhập và trải nghiệm. Hồi mới về Thành ủy Vinh, nghe nói, rồi họp bàn rất nhiều về những khó khăn trong quản lý giết mổ gia súc (lợn, trâu, bò) tập trung tại các lò mổ. Thấy rằng cứ họp thế này cũng chẳng giải quyết được, tôi đã cùng trưởng phòng kinh tế mấy hôm liền, cứ 3-4 giờ sáng thì mò đến các lò giết mổ ở Nghi Phú, Vinh Tân, Bến Thủy để "vi hành". Tất nhiên, mình đến đó không phải để học chọc tiết, cạo lông, hay làm lòng: "Làm lợn, lấm láp là lúc làm lông/ Lâu la là lúc làm lòng/ Lân la liếm láp là lục luộc". Đến đó qua quan sát, hỏi chuyện sẽ thấy ra những vấn đề về quản lý, để điều chỉnh về mục tiêu, về quy trình quản lý, về nhu cầu đầu tư và khả năng "xã hội hóa" đầu tư vào lĩnh vực này.
Cứ vậy, cứ vậy, theo phương châm vừa bồi bổ phông kiến thức nền, vừa "đụng đâu học đấy", bản thân mình sẽ không ngại khi đụng đến những lĩnh vực mới.
Cũng trong thời gian ở Thành ủy Vinh, tôi cũng có nhiều cơ hội làm việc và hiểu công việc của ngành Y tế và các bệnh viện, vì tổ chức đảng của các cơ sở y tế đóng trên địa bàn thành phố, khi đó đều thuộc phạm vi quản lý của Thành ủy Vinh. Thời kì này, tôi đã "sát cánh" với Giám đốc Sở Y tế, để cùng xử lý các "điểm nóng" trong ngành.
Một lần, khi bàn mãi về phương án nhân sự cho một bệnh viện mà chưa ổn, vì đưa ai lên cũng sợ "anh em khoa khác không phục", tôi nửa đùa, nửa thật: "Hay là chị đưa tôi về làm giám đốc bệnh viện này đi?". Giám đốc sở cười: "Anh thì có chuyên môn chi về y mà làm giám đốc bệnh viện?". "Ơ, thế chị không thấy mấy bệnh viện tư có bệnh viện mô có bác sỹ làm giám đốc đâu? Chính vì không có chuyên môn, cho nên sẽ không ai chê tôi chuyên môn kém cả. Và, vì không có chuyên môn nên tôi sẽ chuyên tâm lo quản lý, ko lo chi chuyện kê đơn, bốc thuốc, đỡ đẻ hay mổ xẻ cả".
Tất nhiên là không ai đưa tôi về làm giám đốc bệnh viện, nhưng nếu điều đó xẩy ra, thì chắc chắn là tôi cũng sẽ phải vừa làm, vừa học. Tôi sẽ không học để bắt mạch, kê đơn, mổ xẻ được, vì cũng không thể, nhưng tôi sẽ học theo kiểu học "giết mổ gia súc" đã nói ở trên.
Nghe nói Quyền Bộ trưởng Y tế cũng có ý tiếc là trước không học ngành y, đồng thời hình như cũng nói là sẽ đi học. Tôi chân thành khuyên bà rằng, có đi học thì cũng nên học theo kiểu "giết mổ gia súc" của tôi, đừng học như một sinh viên y khoa thực thụ. Khi mỗi bộ phận trên cơ thể con người gần như là một ngành khoa học, thì để học hiểu thôi, chưa nói thành thạo về chuyên môn, mỗi người cũng cần đến khoảng hai... trăm năm. Khi đó thì bộ trưởng bộ Y đừng mơ đến chuyện thành thạo hết mọi chuyên khoa. Bà hãy quản lý ngành theo kiểu người ta cầm một chùm nho. Cứ nắm lấy cái cuống mà nhấc nó lên, đừng nắm từng quả.
Chuyện trái ngành trái nghề của tôi còn tiếp tục mấy tập nữa, khi chuyển sang Sở Khoa học và Công nghệ và nay về hưu, lại tiếp tục chuyển sang lĩnh vực nghiên cứu lịch sử. Nhưng, có thể nói như thế này: Nếu có một tư chất khá và một phông kiến thức nền không đến nỗi, lại chịu khó học bằng nhiều cách, thì chuyện làm việc trái ngành, trái nghề cũng không phải là bất khả thi, nhất là đối với lãnh đạo.
Tuy nhiên, những điều tôi nói trên đây là để "LÀM ĐƯỢC" lãnh đạo, còn cái quan trọng hơn ở ta là làm thế nào để "ĐƯỢC LÀM" lãnh đạo thì tôi... chịu! (Cái này bà Quyền Bộ trưởng chắc chắn đã rất giỏi rồi!)

PXC

CHUYÊN MÔN CỦA BỘ TRƯỞNG

BS TRẦN VĂN PHÚC/ BVN 21-7-2022

Hồi mới tốt nghiệp đại học, để nâng cao kiến thức và kỹ năng, mỗi ngày nghỉ, tôi - cũng giống những bác sĩ trẻ khác - vẫn đến bệnh viện để học hỏi thêm bằng cách phụ mổ.

Trong một ca cấp cứu thoát vị cơ hoành, một bệnh lý mà các tạng trong ổ bụng chui lên lồng ngực gây suy hô hấp, bác sĩ trưởng khoa - cũng là trưởng tua trực - thực hiện phẫu thuật mở lồng ngực. Quá trình mổ cho thấy việc đẩy các tạng xuống ổ bụng rất khó và làm thế nào để không thoát vị trở lại càng khó hơn. Khi đó anh phải gọi thêm một bác sĩ trong khoa đến phụ. Bác sĩ ấy nói rằng, đáng lẽ phải mở bụng để có trường mổ, dễ dàng kéo các tạng xuống, đồng thời cũng dễ khâu gia cố cột trụ cơ hoành và cơ hoành. Nhưng thay vì phải mở thêm đường bụng, bác sĩ đó vẫn khéo léo đưa các tạng về đúng vị trí, đồng thời lách dụng cụ phẫu thuật xuống khâu dưới ổ bụng.

Lúc đó tôi đã hiểu, trong công việc hàng ngày tại sao trưởng khoa không được bác sĩ kia coi trọng, thậm chí một số bác sĩ khác cũng tỏ ý bất phục.

Điều quan trọng nhất với vị trí trưởng khoa là kiến thức chuyên môn để đưa ra những quyết định cần thiết trong lĩnh vực y khoa hẹp. Mỗi khoa có hơn chục bác sĩ, nếu trưởng khoa là người giỏi nhất về chuyên môn, tất cả nhân viên sẽ phục tùng. Nguyên tắc tương tự, nếu trưởng khoa lên làm phó giám đốc phụ trách chuyên môn của một khối có hàng trăm bác sĩ, phó giám đốc chỉ có thể thuyết phục đồng nghiệp nếu có năng lực chuyên môn vượt trội. Nhưng lên đến giám đốc bệnh viện quản lý hàng nghìn nhân viên, giám đốc Sở Y tế lãnh đạo vài chục bệnh viện, đặc biệt là Bộ trưởng Y tế, thì các kỹ năng đòi hỏi phải thay đổi.

Lúc này, phẩm chất chuyên môn chỉ là thứ yếu, người lãnh đạo không cần nắm rõ kiến thức khám chữa bệnh cụ thể, chứ chưa nói đến phải là chuyên gia hàng đầu. Bộ trưởng Bộ Y tế trước đây được bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia. Họ có thể là giáo sư tiến sĩ nhưng không thể nắm được kiến thức hầu hết lĩnh vực chuyên môn.

Lãnh đạo cấp càng cao, thì năng lực chuyên môn có thể càng ít đi, nhưng năng lực quản lý và lãnh đạo sẽ rất quan trọng.

Lãnh đạo ngành y là những giám đốc Sở Y tế hay cao nhất là Bộ trưởng - những người có thể giải quyết các vấn đề lớn cho ngành, bằng cách sử dụng cấp dưới trực tiếp. Theo nghĩa này, cấp dưới trực tiếp là công cụ để giải quyết vấn đề, cấp dưới đó lại tiếp tục sử dụng nguồn nhân lực quản lý trực tiếp của họ.

Năng lực con người có giới hạn, đặc biệt với một lĩnh vực khó như y khoa, không ai toàn tài nắm vững mọi thứ. Thực tế làm việc khiến tôi nhận ra, lãnh đạo ngành có am hiểu nhất định về chuyên môn chưa chắc đã tối ưu được hiệu quả điều hành.

Với không gian chức năng và nhiệm vụ như vậy, họ thường có tâm lý khó chấp nhận cấp dưới giỏi hơn.

Xuất thân từ chuyên gia ngành, trong quá trình làm việc, có những lãnh đạo hình thành thói quen cho rằng mình giỏi hơn cấp dưới, lâu dần trở nên độc đoán trong việc ra quyết định và giao nhiệm vụ. Khi triển khai một công việc, nếu cấp dưới có quan điểm trái chiều, phản ứng đầu tiên của lãnh đạo là phủ nhận, sau đó tìm cách chứng minh mình giỏi hơn, thay vì hành động mang lại lợi ích cho ngành.

Không ai trả lời được câu hỏi, một Bộ trưởng Y tế như thế nào là tốt nhất. Câu trả lời phụ thuộc vào việc người đó là ai và làm việc như thế nào.

Trong xã hội hiện đại hôm nay, lãnh đạo ngành có nhiều cách để hoàn thành nhiệm vụ và đạt được mục tiêu, với điều kiện có cấp dưới trực tiếp giỏi và hết mình vì công việc.

Bộ trưởng Y tế không phải là người giải quyết những vấn đề chuyên môn y khoa phức tạp của những bác sĩ chuyên gia, mà nhiệm vụ của Bộ trưởng là lãnh đạo ngành ở tầm chiến lược, nhằm mục tiêu mang lại hệ thống y tế tốt nhất cho người dân.

Dưới bộ trưởng còn có các thứ trưởng phụ trách từng nhiệm vụ khác nhau, còn có trợ lý bộ trưởng, các chức danh chuyên môn hay kỹ thuật trong Bộ có thể giải quyết tốt vấn đề nghiệp vụ; vì thế mà theo tôi, Bộ trưởng Y tế không nhất thiết phải giỏi chuyên môn.

Chìa khoá giúp bộ trưởng thành công, trước hết là xây dựng được bộ máy, ban cố vấn xung quanh mình giỏi, bản lĩnh và trong sạch. Họ phải được giao đúng việc, phù hợp năng lực và sở trường; được tin tưởng tham vấn trong các quyết định chuyên môn. Khi hình thành được đầu tàu ổn định, cả hệ thống sẽ sớm vận hành lại.

Ngoài chuyên môn, nhân sự giúp việc Bộ trưởng phải trong sạch và bản lĩnh. Vì Y tế là lĩnh vực mang lại lợi ích nhóm rất lớn. Nếu các lãnh đạo cấp cao không trong sáng và bản lĩnh, sẽ dễ bị thao túng bởi các nhóm lợi ích.

Cả 14 bộ trưởng y tế trước đây đều là chuyên gia y tế. Lần này, với cách lựa chọn khác trước, tôi hy vọng sẽ đi kèm với sự thay đổi tư duy điều hành Bộ Y tế. Khi đã có điều kiện tiên quyết, là bộ máy giúp việc như trên, Bộ trưởng nên tập trung vào các vấn đề chính sách, thay vì giải quyết sự vụ, vốn là công việc của các hội đồng chuyên môn hoặc đơn vị cấp dưới.

Có một số vấn đề chính sách lớn trong ngành y cần được tập trung giải quyết. Thứ nhất là thu nhập cho nhân viên y tế - vấn đề tồn đọng từ lâu và đã trở thành giọt nước tràn ly khi đại dịch Covid-19 ập đến ba năm qua. Công việc quá tải, thu nhập không đầy đủ, rủi ro nghề nghiệp lớn, hàng chục nghìn nhân viên y tế bỏ việc, gây nên áp lực thiếu nhân sự trầm trọng cho y tế công. Cần cải thiện, tiến tới chấm dứt tình trạng bác sĩ phải tay trong tay ngoài giữa bệnh viện công và bệnh viện tư mới đủ sống.

Thứ hai là giải quyết càng nhiều, càng nhanh càng tốt các chính sách bất hợp lý dẫn đến sự yếu kém của hệ thống bệnh viện công: Y tế địa phương èo uột, bệnh nhân đổ về tuyến trung ương; Chủ trương đấu thầu, mua sắm thuốc, thiết bị y tế lạc hậu và bất cập; Chính sách viện phí chậm đổi mới, chưa thực hiện tính đúng và thu đủ nên không đảm bảo cân đối thu, chi của các bệnh viện...

Thứ ba, cần có chính sách xã hội hóa y tế đủ mạnh để thu hút đầu tư, phát triển dịch vụ chăm sóc y tế ngoài công lập, nhằm phân tải cho hệ thống y tế công. Tôi cho rằng, khi cơ chế khuyến khích này đủ tốt, hệ thống bệnh viện tư sẽ mọc lên nhiều hơn, kể cả ở vùng sâu, vùng xa, giảm dòng bệnh nhân đổ về các thành phố lớn, góp phần tiết kiệm chi phí cho toàn xã hội.

Cuối cùng, nhưng chưa hết, là xem xét và sửa đổi tổng thể chính sách về bảo hiểm, hướng tới mục tiêu bệnh viện không chỉ phục vụ người có tiền, mà người nghèo cũng có thể tiếp cận điều kiện chữa trị chất lượng cao thông qua bảo hiểm y tế.

Những thách thức nhiệm kỳ trước để lại là rất lớn, nhưng đều sẽ có cách giải quyết nếu việc thiết kế chính sách, thay vì tạo lợi ích cho một nhóm người, hướng tới sứ mệnh cao nhất của ngành y là tạo nên một đất nước khỏe mạnh; trong đó người dân được cải thiện chất lượng sống, giảm bệnh tật thông qua việc được chăm sóc y tế kịp thời và đầy đủ.

T.V.P.

P/s: Bài viết đã đăng trên mục GÓC NHÌN của Vnexpress

Nguồn: FB BS. TRẦN VĂN PHÚC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét