Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2018

20180831. NỢ CÔNG CAO DO ĐÂU?

ĐIỂM BÁO MẠNG
NỢ CÔNG CAO DO ĐÂU ?

NGUYỄN TRANG NHUNG/ RFA 29-8-2018
Hình minh họa. Một người đếm đô la ở một nơi đổi ngoại tệ ở Hà Nội
Hình minh họa. Một người đếm đô la ở một nơi đổi ngoại tệ ở Hà Nội- AFP
Mấy ngày gần đây, báo chí trong nước đưa tin mỗi người Việt Nam gánh 35 triệu đồng nợ công năm 2018, tương ứng với tổng nợ là 3,5 triệu tỉ đồng và tỷ lệ nợ công trên GDP là 63,92%, theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.[1] Các con số này đều tăng so với các con số tương ứng của năm 2017. Như vậy, tỷ lệ nợ công trên GDP đã tiến gần hơn tới mức trần là 65%. Dự báo cho thấy tổng nợ sẽ tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo, cụ thể là hơn 3,9 triệu tỉ đồng vào năm 2019 và gần 4,3 triệu tỉ đồng vào năm 2020.
Theo Báo cáo Đánh giá Chi tiêu công Việt Nam do Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới công bố vào tháng 10/2017, Việt Nam thuộc nhóm các nước có tỷ lệ nợ công trên GDP tăng nhanh nhất thế giới.[2] Nhiều con số và thông tin liên quan khác, chẳng hạn lãi suất của các khoản vay vốn đã cao lại càng cao trong tương lai, cho thấy Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mất an toàn nợ công.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nợ công cao, trong đó bao gồm 5 nguyên nhân chủ yếu: (1) bội chi ngân sách kéo dài, (2) đầu tư công không hiệu quả, (3) kỷ luật ngân sách yếu kém (4) phân cấp ngân sách không hiệu quả, và (5) chi phí lãi vay cao. Ngoài ra là một số nguyên nhân khác.

Bội chi ngân sách kéo dài

Năm 2017, nợ chính phủ chiếm 51,8% GDP, nợ chính phủ bảo lãnh chiếm 9% GDP, nợ chính quyền địa phương chiếm 0,6% GDP.[3] Các con số tương ứng của các năm cũ hơn cho thấy một cấu hình tương tự, theo đó nợ chính phủ là thành phần chủ yếu của nợ công. Nguồn gốc chủ yếu của nợ chính phủ, theo nhiều phân tích và nhận định, lại là bội chi ngân sách kéo dài. Như vậy, bội chi ngân sách kéo dài là nguồn gốc chủ yếu của nợ công. Cũng theo báo cáo Đánh giá Chi tiêu công Việt Nam, cán cân tài chính đang phải đối mặt với rủi ro lớn, do bội chi ngân sách đang ở mức cao, bình quân giai đoạn 2011 – 2015 là 5,6% GDP.[4]

Biểu đồ tỷ trọng nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của Việt Nam qua các năm
Biểu đồ tỷ trọng nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của Việt Nam qua các năm Tác giả tổng hợp từ Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính và báo chí
Theo nhiều nghiên cứu, bội chi ngân sách ở mức thấp nhưng kéo dài vẫn nguy hiểm. Việt Nam không những có bội chi ngân sách kéo dài mà còn ở mức cao nên rủi ro đối với an toàn nợ công là không nhỏ. Điều này dẫn đến một câu hỏi là bội chi ngân sách ở mức nào là không cao (?). Không có câu trả lời thống nhất cho câu hỏi này, tuy nhiên, một số chi tiêu chung được dùng bởi các quốc gia có nền tài khóa lành mạnh có thể làm rõ vấn đề. Theo Hiệp ước Maastricht 1992, các quốc gia thành viên phải duy trì thâm hụt ngân sách không quá 3% GDP. Nếu dựa trên mức được thừa nhận bởi cộng đồng quốc tế này, Việt Nam đang duy trì mức mặc định cao, là 5%, cho bội chi ngân sách hàng năm.

Đầu tư công không hiệu quả

Tháng 10 năm ngoái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố tình trạng không hiệu quả của việc đầu tư 42.000 tỷ đồng trong 72 dự án. Trong bối cảnh các nguồn thu ngày càng hạn hẹp thì đầu tư không hiệu quả gây ra tổn thất và gánh nặng cho ngân sách. Theo PGS. TS Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãng phí trong đầu tư công thể hiện ở việc chi chưa đúng chế độ, chính sách, không bố trí đủ nguồn vốn, chất lượng công trình xây dựng thấp.[5] Cũng theo ông, nhiều dự án dở dang, chậm tiến độ, làm tăng tổng mức đầu tư cũng là nguyên nhân gây nên lãng phí.

Đoàn tàu tuyến Cát Linh - Hà Đông
Đoàn tàu tuyến Cát Linh - Hà Đông Courtesy of Bộ Giao thông Vận tải
Có thể kể đến nhiều dự án trong tình trạng nêu trên. Dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây có tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng thêm 10.738 tỷ đồng. Dự án đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân điều chỉnh từ 4.956 tỷ đồng lên 6.742 tỷ đồng. Hàng loạt các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Uông Bí – Hạ Long qua hai lần điều chỉnh đã tăng tổng mức đầu tư hơn gấp đôi.[6] Gần đây nhất, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được báo chí đưa tin về tình trạng đội vốn từ 8.769 lên 18.000 tỷ đồng. Một số dự án đường sắt khác cũng trong tình trạng tương tự, như dự án đường sắt đô thị TP. HCM tuyến 1, đoạn Bến Thành – Tham Lương, và dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo.[7]
Một cách tổng quát, có thể nhận biết hiệu quả đầu tư của quốc gia qua hệ số đầu tư tăng trưởng ICOR. Theo tính toán, hệ số này của Việt Nam trong giai đoạn 2006 – 2010 là 5,73, trong giai đoạn 2011 – 2015 là 5,9[8], nghĩa là Việt Nam phải đầu tư gần 6 đồng mới được 1 đồng tăng trưởng, trong khi hệ số này của các nước trong khu vực là 3 – 4.[9]

Kỷ luật ngân sách yếu kém

Liên quan tới hai nguyên nhân kể trên, phải kể tới nguyên nhân chủ quan là kỷ luật ngân sách. Kỷ luật ngân sách là một tập hợp các nguyên tắc và quy định về việc dự thảo, phê duyệt và thực hiện ngân sách nhà nước. Theo IMF, kỷ luật ngân sách bao gồm bốn nhóm: (1) kỷ luật về nợ công, (2) kỷ luật về cán cân ngân sách, (3) kỷ luật về chi ngân sách và (4) kỷ luật về thu ngân sách.[10] Tại Việt Nam, kỷ luật ngân sách cũng xác lập theo 4 nhóm này, trong đó 3 nhóm sau có ảnh hưởng trực tiếp tới thâm hụt ngân sách và nợ công.
Kỷ luật về cán cân ngân sách không nghiêm, thể hiện qua bội chi ngân sách ở mức cao và kéo dài (như đã nêu trên). Bên cạnh đó là sự dễ dãi trong việc điều chỉnh dự toán, quyết toán thâm hụt ngân sách. Trong năm tài khóa 2013, dự toán mức thâm hụt ngân sách là 162.000 tỉ đồng, sau đó được Quốc hội điều chỉnh lên 195.500 tỷ đồng (theo Nghị quyết số 54/2013/QH13). Đến tháng 5/2015, khi có quyết toán ngân sách năm 2013, con số thâm hụt ngân sách được quyết toán là 236.769 tỷ đồng, vượt 41.269 tỷ đồng so với mức Quốc hội đã điều chỉnh, bằng 6,6% GDP thực tế.[11]

Quốc hội Việt Nam họp ở Hà Nội hôm 21/5/2018
Quốc hội Việt Nam họp ở Hà Nội hôm 21/5/2018 AFP
Theo Luật Ngân sách Nhà nước[12], mức thâm hụt ngân sách không được vượt quá mức chi đầu tư phát triển. Mặc dù quy định này không cho thấy một biện minh rõ ràng cho việc quản lý thâm hụt ngân sách, song cơ bản có ý nghĩa nhất định. Tuy nhiên, trên thực tế, quy định này không được tuân thủ.
Ngoài ra, việc nới rộng các chỉ tiêu tài khóa lẫn bỏ qua hoặc xem nhẹ các chỉ tiêu vượt mức khác cũng cho thấy kỷ luật ngân sách yếu kém, mà việc nơi rộng tỷ lệ nợ công trên GDP theo thời gian là một ví dụ điển hình.
Liên quan đến vấn đề này là thẩm quyền của Quốc hội và Chính phủ. Theo Hiến pháp 2013 cũng như Hiến pháp 1992, Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định kế hoạch ngân sách trong khi Chính phủ có thẩm quyền đề xuất, xây dựng kế hoạch ngân sách. Tuy nhiên, thực tế diễn ra không như quy định. Quốc hội không thực sự có thẩm quyền trong việc quyết định kế hoạch ngân sách, hay nói cách khác, thẩm quyền này chỉ mang tính hình thức.

Phân cấp ngân sách không hiệu quả

Phân cấp ngân sách tại Việt Nam đang tồn tại nhiều bất cập làm trầm trọng thêm tình hình nợ công tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2011 – 2016, 50 tỉnh vẫn nhận trợ cấp cân đối từ trung ương[13], trong khi sử dụng nguồn trợ cấp này cũng như nguồn thu ngân sách địa phương không hiệu quả. Sự thiếu vắng các cơ chế giám sát chặt chẽ cùng chế tài nghiêm khắc càng làm cho ngân sách nhà nước thất thoát. Mặc dù trợ cấp không được tính như nợ chính quyền địa phương, nhưng việc trợ cấp cho các địa phương làm tăng gánh nặng ngân sách, cũng như làm tăng nợ công của quốc gia.

Chi phí lãi vay cao

Nợ nước ngoài trên GDP là một trong các chỉ tiêu an toàn nợ công. Trong số các khoản vay nước ngoài, bên cạnh các khoản vay ưu đãi ODA là các khoản vay có lãi suất cao. Riêng về các khoản vay ODA, đây không nhất thiết là các khoản vay ưu đãi như danh nghĩa của nó, khi các chi phí của các khoản vay này không hề rẻ như nhiều phân tích đã chỉ ra.[14] Các khoản vay với lãi suất cao làm tăng gánh nặng trả nợ của quốc gia. Lãi suất trái phiếu mà chính phủ phát hành để vay nước ngoài cao hơn các đối thủ cạnh tranh như Indonesia và Philippines.[15]

Các nguyên nhân khác

Thông tin thiếu minh bạch
Minh bạch thông tin là một điều kiện thiết yếu cho quản lý nợ công. Sự thiếu công khai, minh bạch dẫn đến bất đối xứng thông tin và kéo theo rủi ro đạo đức và vấn đề ủy quyền – thừa hành. Luật Quản lý Nợ công[16] quy định Bộ Tài chính có trách nhiệm công khai thông tin về nợ công, theo đó 6 tháng một lần, Bộ Tài chính phải phát hành bản tin nợ công dưới dạng dữ liệu trên website của Bộ. Tuy nhiên, Bộ chỉ công bố thông tin nợ công 1 lần 1 năm, và nội dung báo cáo thì không đủ chi tiết để có thể khai thác, thường bao gồm các thông tin không có ý nghĩa, hoặc có ý nghĩa không đáng kể cho việc phân tích nợ công.[17]
Nghĩa vụ nợ phát sinh
Nợ của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không được tính vào nợ công. Các khoản nợ này trên danh nghĩa là các khoản nợ do DNNN vay và DNNN trả. Tuy nhiên, thực tế không hẳn như vậy. Khi các DNNN đứng trước nguy cơ vỡ nợ, chính phủ sẽ can thiệp bằng cách thanh toán nợ của các doanh nghiệp này. Đây là nghĩa vụ nợ tiềm ẩn, thường xảy ra tại các nước đang phát triển, và đối với các DNNN. Nghĩa vụ nợ tiềm ẩn thường là nguyên nhân của nhiều trục trặc về rủi ro nợ công do chúng làm phát sinh nghĩa vụ nợ ngoài dự tính của các cơ quan quản lý.[18]
Chú thích:
[1] Mỗi người Việt ‘gánh’ 35 triệu đồng nợ công
[2] Đáng lo ngại: Nợ công Việt Nam thuộc nhóm tăng nhanh nhất thế giới
[3] Nợ chính phủ bảo lãnh giảm mạnh
[4] Như [2]
[5] Đầu tư công không là ‘chùm khế ngọt’
[6] Như [5]
[7] “Choáng” với mức đội vốn đầu tư của hàng loạt dự án đường sắt đô thị
[8] Đánh giá tác động của tái cơ cấu đầu tư công đến nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2015
[9] Khắc phục điểm nghẽn về hiệu quả đầu tư công
[10] Nâng cao kỷ luật tài khóa ổn định kinh tế vĩ mô
[11] Như [10]
[12] Luật cũ năm 2002 (đã hết hiệu lực), và luật mới năm 2015 (hiện có hiệu lực)
[13] Quan hệ giữa ngân sách trung ương với ngân sách địa phương: Thực trạng và một số đề xuất
[14] ODA không hoàn lại chưa hẳn là “ngon, bổ, rẻ”
[15] Tính bền vững của nợ công ở Việt Nam
https://tuoitre.vn/tinh-ben-vung-cua-no-cong-o-viet-nam-378593.htm
[16] Luật cũ năm 2009 (đã hết hiệu lực) và luật mới năm 2017 (hiện có hiệu lực)
[17] Đỗ Thiên Anh Tuấn (2014), Các mô thức quản lý nợ công và vấn đề của Việt Nam
[18] Như 17
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Thứ Năm, 30 tháng 8, 2018

20180830. BÌNH LUẬN VỀ CÔNG CUỘC CHỐNG THAM NHŨNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
PHÍA TRƯỚC NGUYỄN PHÚ TRỌNG LÀ CẢ MỘT ĐẠI DƯƠNG GẦM THÉT

PHẠM CHÍ DŨNG/ NV/ BVN 29-8-2018
https://i2.wp.com/www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2018/08/Pham-Chi-Dung-Thu-Thiem.jpg?zoom=1.5&fit=800%2C533&ssl=1
Vụ người dân Thủ Thiêm, Sài Gòn, bị cướp đất, cướp nhà, có dấu hiện Nguyễn Phú Trọng để cho chìm xuồng. (Hình: Pháp Luật TP.HCM)
Dù chiến dịch “đốt lò” của Nguyễn Phú Trọng đã xử được một số quan chức tham nhũng, dù cũng giống như Tập Cận Bình đánh vào khu vực công an và cả khu vực quân đội, nhưng vẫn đang tồn tại một sự bất xứng và thiên vị giữa các khu vực.
Và giữa “củi nhà” với “củi rừng.”
Một cuộc chiến thiên vị
Dư luận đang cho rằng trong cuộc chiến “chống tham nhũng”, Nguyễn Phú Trọng thiên về đốt “củi rừng” nhiều hơn hẳn đốt “củi nhà.”
Trong vụ Đà Nẵng vào cuối năm 2017, trong khi Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh bị cách chức Ủy viên Trung ương Đảng, thì Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Huỳnh Đức Thơ – bị cho là có rất nhiều sai phạm về mặt đất đai – vẫn bình chân như vại và chỉ nhận một cảnh cáo nhẹ nhàng từ phía Chính phủ.
Còn ở Sài Gòn, một quan chức cao cấp của Thành ủy thành phố này là Phó Bí thư Thường trực Tất Thành Cang đã cố ý làm trái trong việc ký thông qua chủ trương bán đất công giá bèo cho Quốc Cường Gia Lai, bán 32 hécta đất ở Nhà Bè, nhưng cho tới giờ Tất Thành Cang vẫn chưa hề bị kỉ luật, và vụ việc này đang có nhiều dấu hiệu chìm xuồng.
Nhưng ở Sài Gòn còn một vụ lớn hơn nhiều – một Thủ Thiêm đẫm máu, đẫm nước mắt cùng những cái chết tự treo cổ phẫn uất của dân oan đất đai khi bị cưỡng chế. Sau nhiều hứa hẹn của cơ quan chức năng, vẫn không có bất kỳ kết luận thanh tra nào của Thanh tra Chính phủ công bố về vụ Thủ Thiêm.
Rất nhiều người dân đang cho rằng khi lần mò vào vụ Thủ Thiêm, Nguyễn Phú Trọng thấy đụng phải quá nhiều quan chức nên ông ta muốn làm ém nhẹm hoặc cho chìm xuồng vụ này.
Vậy cuộc chiến được xem là “chống tham nhũng” của Nguyễn Phú Trọng có công bằng hay không?
Một trường hợp cực kỳ bất xứng trong xử lý quan chức là hai vụ Đinh La Thăng và Trương Minh Tuấn. Cả hai quan chức Đinh La Thăng và Trương Minh Tuấn đều bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đánh giá có sai phạm “rất nghiêm trọng”, nhưng trong khi Đinh La Thăng lãnh hai án 31 năm tù giam, thì Trương Minh Tuấn lại nghiễm nhiên trở thành Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đảng để tiếp tục răn dạy báo giới và giới văn nghệ sĩ về “đạo đức cách mạng sáng ngời”.
Chưa kể những quan chức khác – bị người dân xem là tội đồ dân tộc: Võ Kim Cự – cựu Bí thư Hà Tĩnh đã tiếp tay cho Formosa gây ra thảm họa xả thải gây ô nhiễm 4 tỉnh miền Trung và khiến nửa triệu người dân phải treo thuyền treo niêu và mất kế mưu sinh, Nguyễn Thị Kim Tiến – đương kim Bộ trưởng Y tế – quan chức phải chịu trách nhiệm về vụ một công ty của ngành này nhập khẩu thuốc ung thư giả và khiến hàng ngàn bệnh nhân ung thư phải chịu hai lần cái chết. Nhưng tội trạng của hai quan chức này đều không một lần được Nguyễn Phú Trọng hé môi, dù chỉ là hé theo cách đầu môi chót lưỡi.
Với bản thành tích sơ bộ trên của Nguyễn Phú Trọng, làm thế nào để so sánh ông Trọng với Tập Cận Bình?
Một thất bại rõ rệt
Chỉ có bản lĩnh mới làm nên hình ảnh và quyền lực. Trong khi Tập Cận Bình không chỉ tống những viên tướng lĩnh cao cấp dát vàng trong nhà của công an và quân đội Trung Quốc vào sau chấn song nhà tù mà còn trực tiếp chỉ huy các đại chiến khu với một quyền uy tuyệt đối, Nguyễn Phú Trọng có vẻ vẫn quá trầy trật khi đến giờ chỉ mới “tiếp quản” Bộ Quốc phòng và bước đầu “làm nhân sư”’ Bộ Công an, dù Đại hội 12 “bất cứ ai, trừ Dũng” đã trôi qua từ lâu.
Vai trò, vị thế và tương lai chính trị của Nguyễn Phú Trọng cũng bởi thế đang và sẽ khá chông chênh.
Ông ta chỉ còn khoảng hơn hai năm cho một núi việc cùng ưu tư “làm sao để lại dấu ấn sử xanh”. Nhưng còn lâu mới được như một Tập Cận Bình, gần như mất sạch đối thủ chính trị, xung quanh Nguyễn Phú Trọng vẫn thoắt ẩn thoắt hiện hàng lô hàng lốc những cái bóng không ưa ông ta, những cái bóng mà luôn có thể làm cho Trọng không còn giữ được cái bóng của mình nữa.
Trong khi đó, lại đang có những biểu hiện cho thấy ông Trọng thỏa mãn quá sớm với bản thành tích chống tham nhũng còn quá ít ỏi của ông ta. Không ít lần ông Trọng đã khiến cho một bộ phận không nhỏ cán bộ lão thành, công chức và người dân vốn còn nặng tâm lý “theo đảng, tin đảng” suýt vỡ tim vì thất vọng.
Đến giờ, hơn một năm sau khi chủ trương về kiểm tra tài sản của 1,000 cán bộ cao cấp thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý được chính thức phát ra, chủ trương này cũng gần như chính thức thất bại.
Hiển nhiên là trong giấc mơ kéo dài được hơn một năm qua, chiến dịch kiểm tra tài sản 1,000 quan chức của ông Trọng đã bị “đụng tường” – một bức tường lớn, rất cao và còn “khó nhằn” hơn cả sự chống đối quyết liệt đang diễn ra trong nội bộ đảng Trung Quốc.
Cũng hiển nhiên là mặc dù không thiếu tham vọng để làm một cuộc cách mạng long trời lở đất như Tập Cận Bình ở Trung Quốc, Nguyễn Phú Trọng lại quá thiếu chân đứng cho chiến dịch tìm ra núi tài sản bất minh của giới quan chức Việt Nam.
Trớ trêu thay, sự hụt hẫng chân đứng đầu tiên lại thuộc về Nguyễn Phú Trọng: Từ giữa năm 2018 đến nay, ông ta đã không chịu hồi âm cho một bản kiến nghị của nhiều trí thức bất đồng đòi hỏi Trọng phải công khai tài sản thì mới biết được ông ta có xứng đáng “thu phục nhân tâm” hay là không.
Phía trước ông Trọng là gì?
Chỉ còn hơn hai năm nữa sẽ đến Đại hội 13 của đảng cầm quyền vào năm 2021, nếu còn có đại hội đó. Nguyễn Phú Trọng liệu có in đậm giấc mơ như “ngồi, ngồi nữa, ngồi mãi” như Tập Cận Bình?
Chỉ biết rằng vào giữa nhiệm kỳ của Đại hội 12, đã chẳng thấy ông Trọng nào thoái lui khỏi cương vị Tổng Bí thư như điều được cho là cam kết của chính ông ta ngay trước khi Đại hội 12 mở màn. Nếu quả đúng là đã có một cam kết bị nuốt lời như thế, còn giờ đây lại là bối cảnh mà Tổng Bí thư Trọng được một số văn nhân cận thần vây quanh ca tụng ngút trời và thậm chí gợi ý về việc “thêm một nhiệm kỳ nữa”, chẳng có gì bảo đảm là ông Trọng sẽ tự nguyện nhường lại ngôi vị Tổng Bí thư cho những Trần Đại Quang, Phạm Minh Chính, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Xuân Phúc… hay các quan chức thuộc hàng cháu chắt của ông ta tại Đại hội 13.
Nhưng tương lai là thứ không thể đoán biết. Điều gì sẽ xảy ra nếu trong tương lai không xa, Tổng Bí thư Trọng mệt mỏi cùng tuổi già không thể cưỡng trong cuộc chiến được xem là “chống tham nhũng” nhưng chẳng đi tới đâu của ông ta mà do đó bắt đầu tìm cách thoái lui khỏi cái ghế quyền lực, hoặc “im cho nó lành” trong cơn bể dâu chính trị nội bộ và những đối ngoại xáo xào chẳng biết đâu mà lường – như vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, hoặc chính quyền lực của ông Trọng sẽ bị lấn át một cách nguy hiểm bởi những thế lực mới nổi lên trong nội bộ đảng?
Trong khi tương lai trở thành “bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo” và “lưu danh sử xanh” của Nguyễn Phú Trọng vẫn còn quá mờ mịt, ông ta có thể bị hất đổ vào bất kỳ thời điểm nào ông bị đổ bệnh hoặc phải tạm thời rời bỏ quyền lực tối cao, để sau đó bị “hồi tố” – không chỉ bởi những đối thủ chính trị và các thế lực tham nhũng, mà còn có thể do chính những “người tâm phúc” và cận thần mà ông Trọng đã từng tin cậy như loại “cộng sản tốt tương đối” hoặc “có nhùng chàm nhưng đã gột rửa”.
Hãy nhắc lại một bài học kinh điển: sau vụ chỉ đạo bắt cựu Ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng vào Tháng Mười Hai, 2017 và giáng hai bản án tổng cộng 31 năm tù giam đối với nhân vật này, Nguyễn Phú Trọng đã chính thức “leo lên lưng cọp”, chính thức xóa bỏ tiền lệ Ủy viên Bộ chính trị không bị bắt giam và xử tù, và cũng chính thức vượt qua lằn ranh lo sợ “mình mà xử thằng này thì thằng khác sẽ xử mình”.
Hiện tại và tương lai, ông Trọng dù có muốn cũng không còn nhảy khỏi lưng cọp được nữa.
Phía trước ông ta là cả một đại dương gầm thét.
P.C.D.
Tác giả gửi BVN

LỜI HỨA MA MỴ CỦA NGUYỄN THIỆN NHÂN VÀ NỖI ĐAU THỦ THIÊM

NGUYỄN VĂN DŨNG/ DÂN LUẬN 28-8-2018

Ở bài trước chúng ta đã quay ngược thời gian để nhớ lại những lời nói ngọt ngào và việc làm lửng lơ của Nguyễn Thiện Nhân, ở bài này tôi sẽ đề cập đến những lời hứa ma mị và hành động bạc bẽo của diễn viên mới Nguyễn Thiện Nhân tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm và những dự án khác!
Như chúng ta biết, báo chí “lề đảng” đồng loạt đăng tải thông tin ông Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân có cuộc tiếp xúc cử tri Quận 2 ngày 20/6 và chuyến vi hành trưa 16/7 đến thăm một số hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Sau khi tung ra những lời có cánh và hứa hẹn “sẽ cùng người dân giải quyết đến cùng sự việc”, ông Nhân đã khuyên người dân vào ở khu tái định cư (với chất lượng tồi tệ) tiếp tục điệp khúc “chờ giải quyết” và khẳng định "không gạt bà con"! Thậm chí còn đề nghị: "Bà con ráng chờ đến ngày 15/7" - Thanh tra Chính phủ có kết luận về các vấn đề liên quan Khu đô thị Thủ Thiêm.
Vọng từ hệ thống truyền thanh, phát ra bên ngoài hội trường Nhà văn hóa Thiếu nhi quận 2, những lời có cánh của Bí thư Nhân đầy nghĩa tình "làm sao không đau được". Nhiều người dân đã khóc! Mà theo như báo chí nhà nước cho rằng, họ khóc vì ông đã "thấu cảm" trước hoàn cảnh của dân Thủ Thiêm, họ khóc vì tin vào lời hứa "Thành ủy không gạt bà con đâu". Dân khóc vì lần cuối họ tin vị Bí thư Thành uỷ sẽ có giải pháp "hợp tình hợp lý" giúp bà con. Thực tế ông Nhân đã làm gì để vơi đi nỗi đau ấy của người dân?
Trưa 16/7, hình ảnh trên truyền thông ông Nhân được một đội liên ngành mặc thường phục, đi cùng nhóm phóng viên ảnh đông đảo theo sát từng bước chân khi đến chung cư tái định cư 17,3ha, phường Bình Khánh và khu tạm cư An Phú của phần lớn người dân Thủ Thiêm khiếu kiện từ hơn chục năm qua. Rất đông người dân mang theo giấy tờ, hồ sơ trên tay hy vọng được trình bày. Họ gào thét, chỉ tên những lãnh đạo Quận 2 và các sở ngành đã tháo dỡ, cưỡng chế nhà họ trái pháp luật. Trên mạng xã hội lan truyền nhiều clip cảnh giằng co, gào khóc khi cảnh vệ của ông Nhân ngăn cản và đẩy một số dân oan ra xa. Nhiều người lao theo ông Bí thư, gọi với: "Bác Nhân ơi, người dân Thủ Thiêm đã khổ suốt mười mấy năm rồi, hãy cứu chúng tôi", "Bác Nhân ơi giữ gìn sức khỏe đặng giải quyết cho bà con, bác Nhân ơi..."
Hàng loạt tờ báo “lề phải” dẫn lời một số người dân Thủ Thiêm “bày tỏ lòng biết ơn” bác Nhân rất nhiều. Rằng chuyến thăm của ông nhằm “nắm tình hình” cuộc sống của người dân và truyền thông điệp về việc thành phố “rất quan tâm, lắng nghe”, “sẽ giải quyết kiến nghị”. Nhưng thực chất chuyến vi hành này chỉ là hành động nhằm “kéo dài thời gian” trong lúc các vụ khiếu kiện tại Thủ Thiêm vẫn chưa xử lý dứt điểm, đặc biệt là đã qua hạn chót 15/7. Thêm một lần nữa bị thất hứa về việc công bố kết luận chính thức về thanh tra dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm theo chỉ đạo của Thủ Tướng. Đúng hơn là nó đã trì hoãn đến hàng chục năm trời từ lúc người dân Thủ Thiêm rên siết trong thảm cảnh bị cướp đất, đến nay vẫn biệt tăm bản kết luận thanh tra được trông đợi ấy. Hiện giờ người dân Thủ Thiêm vẫn chỉ biết trông chờ vào lời hứa miệng “không gạt bà con” của ông Nhân hồi tháng trước. Sao mà người dân đáng thướng đến thế?
Hai hình ảnh đối nghịch của ông Nguyễn Thiện Nhân, giữa những lời hứa ma mị có cánh và thực tế chưa có bất cứ hành động nào giúp đỡ dân oan khi đi ‘thực tế’ ở Thủ Thiêm. Nếu trong lần tiếp xúc ngày 20/6, ông Nhân tay bắt mặt mừng tung ra những lời có cánh, nghĩa tình và được các tờ báo nhà nước ví như vị ‘cứu tinh’ đối với những người dân đã mỏi mòn nước mắt, thì lần thăm Thủ Thiêm ngày 16/7, ông Nhân lại phải dạo bước trong vòng bảo vệ của hàng chục công an để né tránh làn sóng dân oan xô tới đòi hỏi ông Nhân phải thực hiện những hứa hẹn.
Nguyễn Thiện Nhân “thiết tha” đề nghị họ rời khu tạm cư vào ở khu tái định cư, không phải trả tiền nhà, chỉ trả tiền dịch vụ điện, nước, trong thời gian chờ giải quyết. Ô hay, thích đưa dân đi đâu là đi sao? Chẳng có cái gì rõ ràng và đảm bảo cả về quyền lợi và pháp lý! Đúng là giải quyết trò trẻ con!
Lời hứa có giá trị nhất của ông Nguyễn Thiện Nhân có lẽ là câu “những hộ ngoài ranh quy hoạch sẽ không phải di dời nữa” nhen nhóm lại hy vọng của người dân được lấy lại phần nào công lý tưởng đã chìm hẳn vào đống bùn đen Thủ Thiêm. Nhưng chẳng bao lâu sau, người dân lại ngớ người ra trước mê hồn trận làm thế nào để xác định ‘ngoài ranh quy hoạch’, trong khi toàn bộ bộ máy chính quyền đang cố tình lấp liếm vụ ‘tấm bản đồ gốc biến mất’ đã bị một bàn tay đen đúa nào đó cho biến mất suốt nhiều năm qua.
Nếu thực hiện đúng như hứa hẹn của Nguyễn Thiện Nhân, sẽ có hy vọng cho hàng ngàn hộ dân Thủ Thiêm lấy lại công bằng, được định cư trên mảnh đất sinh nhai của họ, và cũng có hy vọng làm rõ về những cái chết oan khuất của người dân khi bị chính quyền cưỡng chế đẩy đuổi, dồn vào đường cùng. Nhưng cho đến giờ này và sẽ rất lâu nữa, không chỉ Bản đồ gốc quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm không thấy tăm hơi, mà cả kết luận thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm của Thanh tra chính phủ cũng chẳng thấy đâu. Bi kịch ‘dân ăn quả lừa’ và ‘Thủ Thiêm chìm xuồng’ rất có thể lại một lần nữa tái hiện như rất nhiều lần cái bi kịch đó đã hành hạ người dân Thủ Thiêm trong suốt hai chục năm qua.
Trước kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2018, với áp lực quá lớn của dư luận xã hội đã buộc đảng bộ và chính quyền TP.HCM không thể nhắm mắt làm ngơ. Thế nhưng, bản báo cáo của chính quyền TP.HCM với Chính phủ về Thủ Thiêm đã hoàn toàn ‘xù’ trách nhiệm, còn thòng một câu ‘UBND TP đang xem xét, trao đổi với Thanh tra Chính phủ để thống nhất hướng xử lý báo cáo Thủ tướng Chính phủ’ trong khi vụ Thủ Thiêm có quá nhiều dấu hiệu của hành vi ‘cố ý làm trái’ và tham nhũng. Đây có phải là câu trả lời vì sao đến giờ này, ông Nguyễn Thiện Nhân không thực hiện lời hứa và Thanh tra Chính phủ chưa thể công bố chính thức ngoài tài liệu bị rò rỉ có cố ý lên mạng xã hội?
Trong suốt kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2018 ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Quyết Tâm và đoàn đại biểu quốc hội Tp.HCM đã tuyệt đối ‘cấm khẩu’ về vụ Thủ Thiêm, đối nghịch với những kiến nghị khẩn thiết của dân oan Thủ Thiêm và cử tri Sài Gòn thông qua đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM. Vai trò của Quốc hội và Hội đồng nhân dân TP.HCM giám sát thực hiện dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm như thế nào để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân?.
Nhìn người dân Thủ Thiêm gào khóc xé ruột, chạy theo ông Nhân để bày tỏ mong muốn và hy vọng, tôi thấy xót xa! Đã có ý kiến cho rằng tại sao người dân nhận thức còn kém như thế! Tại sao họ lại tin và trông chờ vào một ông bù nhìn, không đủ bản lĩnh để lo cho quyền lợi của mình? Người dân không biết “hỏi tội” những kẻ đại diện tư cách công dân của mình khi bỏ tiền đóng thuế nuôi đám ‘đại biểu Quốc Hội’ bù nhìn, đám Hội đồng nhân dân vô tích sự tại địa phương. Ông Nguyễn Thiện Nhân là một quan chức của đảng tại địa phương, không có tư cách pháp lý giải quyết các vấn đề đất đai hay quyền lợi của người dân nơi đây, không có tư cách làm thay bộ máy chính quyền mà người ta bảo là “do dân bầu ra” kia. Chừng nào người dân còn chưa nắm chắc luật về tổ chức nhà nước và thực thi luật thì còn tồn tại nhiều nhóm lợi ích bất chấp pháp luật để cướp đất của dân.
Tại sao có đầy đủ các cơ quan chức năng, cơ quan giám sát của Hội đồng nhân dân TP.HCM, nhưng vẫn xảy ra những chuyện khó hiểu ở Thủ Thiêm như vậy? Chỉ có thể trả lời là có những 'bàn tay lông lá' nào thò vào vấn đề ở Thủ Thiêm mà ông Nguyễn Thiện Nhân thừa biết khi nói ra những lời hứa ma mị ấy! Người dân không còn tin tưởng chính quyền Quận 2. Quốc hội cần đứng ra giám sát chứ không phải Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM nữa vì ở đây tồn tại những vấn đề cực kỳ nghiêm trọng.
Bản chất của việc thu hồi đất là để bán cho nhà đầu tư xây dựng nhà. Không còn khu trung tâm, quảng trường, nhà hát, khu vui chơi giải trí như quy hoạch ban đầu, bây giờ thành những khu phân lô bán nền. Những đồng tiền đã làm biến dạng đô thị mới Thủ Thiêm.
Việc phát triển Thủ Thiêm hiện đại là cần thiết. Nhưng những gì người dân được nhận là quá cay đắng và tàn nhẫn. Đất đai, nhà cửa được cha ông họ gầy dựng kiên cường từ hàng trăm năm trước mới có ngày hôm nay. Vậy mà, các Tập đoàn được chống lưng thực hiện dự án đã chiếm hết nhà cửa ruộng vườn. Các hộ dân ở đây thực sự rơi vào cảnh cùng quẫn, bấn loạn. Trái với nỗi khổ ì ạch trong các khu định cư và tạm cư của người dân, thì các dự án bất động sản thương mại xây dựng nhanh như ăn cướp! Đáng sợ nhất là người dân đã sống và làm chủ nhiều đời trên bán đảo Thủ Thiêm này bỗng chốc bị đẩy ra trở thành những người khách nghèo của bán đảo, bị chèn ép đủ điều.
Với người dân Thủ Thiêm, họ vất vả, khổ sở quá lâu, bởi ròng rã bao năm ôm đơn đi khiếu nại, nhiều người đã quá già yếu, chỉ mong ngày cuối đời được sống an nhiên bên mảnh vườn của mình. Họ mong đợi buổi tiếp xúc với Bí thư Nguyễn Thiện Nhân như dịp để mở lòng, bày tỏ hết những ẩn ức lâu nay. Ấy thế mà những hy vọng ấy, niềm tin ấy của người dân nơi đây đều bị rơi tõm vào vô vọng! Lọt thỏm giữa nhịp sống ồn ào sôi động.
Các tập đoàn kinh tế lớn đi đến đâu cũng được ưu đãi và xây dựng nhanh như xếp đồ nhựa, nhưng dân ở đó đều phải rên xiết, kêu than thiệt hại mất đất, mất nhà và bị đuổi dồn như những người dân hạng ba dưới đáy của xã hội. Lãnh đạo địa phương gần như chỉ đứng hết về phía các doanh nghiệp. Ngay cả chuyện 30ha đất nông nghiệp mà ông Tất Thành Cang cho chủ trương để Công ty Tân Thuận bán cho Công ty Quốc Cường không biết đến khi nào mới xử lý kỷ luật? Ông Nhân giao cho Ủy ban Kiểm tra Thành ủy kiểm tra dấu hiệu vi phạm của Công ty Tân Thuận như thế nào ?
Chuyện ông Nguyễn Thiện Nhân nói rằng “Tôi nói giọng Bắc nhưng là người miền Nam, tôi sẽ không gạt bà con đâu” có phải là phân biệt vùng miền? điều này khiến tôi lại nhớ ông Nguyễn Đức Chung người Bắc, giọng Bắc qua vụ Đồng Tâm nuốt lời hứa như thế nào. Bởi vậy, chữ Tín của quan chức rất xa xỉ, bất kể người Nam hay người Bắc, người trước hay người sau. Thời nào cũng thế!
Không chỉ là một con ma nhà họ hứa, Nguyễn Thiện Nhân còn ngấm ngầm kết giao với bố già mafia Đinh Trường Chinh! Cái tên mà khi nghe đến giới giang hồ đều biết. Đại gia nghìn tỷ này có quá khứ giang hồ khiếp đảm, đã từng ồn ào trong vụ đánh đập và ép vợ cũ sử dụng ma túy là Hoa hậu Diễm Hương! Và gần đây nhất là vụ tranh chấp nội bộ ồn ào liên quan dự án bất động sản The Mark có vị trí đắc địa tại Quận 7 do VK Housing (liên doanh giữa HDTC nắm 20% vốn với Daewoo Star Birdge của Hàn Quốc) làm chủ đầu tư. Sau khi HDTC cổ phần hóa, 70% vốn nhà nước từ Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn được chuyển bán cho Tập đoàn Việt Hân của Đinh Trường Chinh. Từ đó có những động thái hình sự hóa tranh chấp thương mại, khi ông Đinh Trường Chinh tung chiêu triệt hạ đối thủ khi tố cáo đối tác liên doanh VK Housing “giả mạo hồ sơ, tài liệu” tới Cơ quan CSĐT. Đồng thời đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư thu hồi giấy đăng ký doanh nghiệp và giấy chứng nhận đầu tư dự án khiến VK Housing phải kêu cứu đến Thủ tướng. Sau khi các cơ quan xem xét, giám định tài liệu thì kết quả lại không có dấu hiệu giả mạo.
Chưa đạt được mục đích, Đinh Trường Chinh đã đi đêm với Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, dùng bàn tay của người đứng đầu thành phố tiếp tục bóp chết nhà đầu tư Hàn Quốc nhằm thâu tóm dự án. Sau 2 năm kể từ khi thâu tóm HDTC, doanh nghiệp của vị đại gia xấu tính này chẳng triển khai bất kỳ dự án nào mà chỉ lo thưa kiện những doanh nghiệp đã từng hợp tác với HDTC trong quá khứ. Đinh Trường Chinh đang dần lộ rõ bản chất "vong ơn bội nghĩa" của mình với những đối tác. Đứng sau các phi vụ đó chính là chị gái của Đinh Trường Chinh, bà Đinh Ngọc Thu Hương, Chánh án tòa án cao cấp TP.HCM, là cầu nối cho Chinh và các quan chức từ trung ương đến địa phương và là người cầm chìa khóa mỗi khi Đinh Trường Chinh đứng ra thưa kiện các đối tác làm ăn của mình, hối lộ những quan chức bưng bít cho các dự án của Chinh.
Năm 2016 thị trường bất động sản bắt đầu nóng lên vì rộ tin Đinh Trường Chinh bị bắt do cấu kết với ông Trần Anh Tuấn (Chủ tịch Ngân hàng Hàng Hải - Maritimes Bank, là chồng của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường bị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội vì vi phạm đến quốc tịch và kê khai tài sản) để rút ruột hơn 30.000 tỷ của ngân hàng này. Trước đó, Đinh Trường Chinh đã đột ngột sa thải một số nhân viên vì họ hiểu rõ chuyện làm ăn phi pháp và con người tàn bạo của Đinh Trường Chinh. Hàng loạt dự án như Goldmark City (136 Hồ Tùng Mậu, Hà Nội), khu phức hợp Skymark tại Bà Rịa Vũng Tàu, khu đô thị Du lịch Sinh Thái và Thể thao Tam Nông hoàn toàn rơi vào cảnh bế tắc và đình trệ.
Phải chăng ông Nguyễn Thiện Nhân đã có một âm mưu thông đồng tập thể giữa nhiều quan chức - những kẻ cướp lố 150 -160 ha đất ngoài quy hoạch và các đại gia nghìn tỷ trong nhiều dự án trên toàn thành phố, nên ông mới nuốt lời hứa ma mị như thế ? Và hàng chục ngàn người dân lại tiếp tục rên xiết vì bị ‘ăn quả lừa’, còn ông và các nhóm lợi ích lại tiếp tục các dự án chia phần?