Thứ Hai, 13 tháng 8, 2018

20180813. LUẬT ĐẶC KHU ĐÃ BỊ BỎ ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
BA ĐẶC KHU ĐÃ ÂM THẦM CHẾT RỒI ?

PHẠM TRẦN/doithoaionline/ BVN 11-8-2018

Cảnh sát và người biểu tình đối mặt nhau trên quốc lộ 1 ở Bình Thuận, 11/6/2018.
Cảnh sát và người biểu tình đối mặt nhau trên quốc lộ 1 ở Bình Thuận, 11/6/2018.
Có tín hiệu từ Việt Nam cho thấy dự Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, hay 3 Đặc khu Vân Đồn (tỉnh Qủang Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đã âm thầm tự chết.

Sau đây là những chỉ dấu:

Thứ nhất, dự Luật này không có trong chương trình nghị sự của kỳ họp thứ 26 của Ban Thường vụ Quốc hội từ ngày 8-8 đến ngày 13-8-2018. Thường vụ Quốc hội cũng không có kế hoạch tái xét trong hai kỳ họp tháng 9 và tháng 10 (theo báo SGGP -Sài Gòn Giải phóng- ngày 04/08/2018)
Theo Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ thảo luận và cho ý kiến tại phiên họp này các luật: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Kiến trúc.
Báo SGGP viết: ”Được hỏi về vấn đề này, người phát ngôn của Quốc hội - Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt “đang được cân nhắc lại”. Việc tiếp tục xem xét dự án luật này, theo Tổng thư ký Quốc hội, còn chờ vào kết quả quá trình tiếp thu ý kiến nhân dân thế nào, tiếp thu ý kiến cử tri một cách rất thận trọng.”
Khi quyết định hoãn bỏ phiếu, Quốc hội nói là:” Để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân, hoàn thiện dự thảo luật cho thật sự chất lượng.”
Nhưng từ khi Quốc hội chấp thuận đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xin lùi thảo luận và bỏ phiếu Luật Đặc khu, dự trù ngày 15/06/2018 tại kỳ họp 5 đến kỳ họp 6 tháng 10/2018, thì chưa thấy Chính phủ hay Quốc hội tổ chức bất kỳ cuộc Hội thảo hay thăm dò ý dân nào về Luật Đặc khu. Nếu có cũng chỉ trao đổi lẻ tẻ giữa cử tri và Đại biểu Quốc hội tại các buổi tiếp xúc hạn chế ở địa phương.
Do đó, thật khó biết điều mà ông Nguyễn Hạnh Phúc nói phải chờ có “kết quả quá trình tiếp thu ý kiến nhân dân” rồi mới có quyết định là căn cứ vào cách tiếp thu nào, hoặc đến bao giờ thì có quyết định mới về Luật Đặc khu ?
Đáng chú ý là quyêt định không thảo luận Luật Đặc khu tại Ban Thường vụ Quốc hội kỳ này (26) xẩy ra chỉ vài ngày sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phút đã quy định vào ngày 2/8/2018, chỉ thị cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư “ Phối hợp chuẩn bị Báo cáo về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.” (Đặc khu)
Như vậy, nếu trong liên tiếp 3 tháng 8,9 và 10 mà Thường vụ Quốc hội vẫn không có nghị trình thảo luận thì xem như Luật Đặc khu đã bị ngâm tôm đến hết năm 2018 để tự chết
Thứ hai, dư luận trong dân, báo chí và cả Quốc hội đã nguội dần về chuyện Đặc khu. Thảng hoặc đó đây cũng có những lời của giới chuyên gia khuyên Chính phủ nên bỏ Dự luật đặc khu vì lỗi thời, tốn phí và và không bảo đảm thành công. Tuy nhiên, ai cũng quan ngại đến tham vọng chính trị của láng giềng khó tin Trung Cộng luôn luôn muốn nhảy vào chiếm ưu thế tại 3 Đặc khu.
Thứ ba, tuy bây giờ nhà nước tạm được hưởng những giây phút gió lặng, biển êm để xử phạt, hay trừng phạt những người dân biểu tình chống Đặc khu mà nghĩ mình sẽ mãi mãi ở thế thượng phong. Ảnh hưởng của các cuộc biểu tình bất bạo động và bạo động ở Bình Thuận vẫn còn âm ỷ trong nhân dân. Một làn sóng bất mãn ngầm đã xuất hiện trong quần chúng, nhưng đám Giặc Cờ Đỏ có tên chính thức là “Liên minh Cờ đỏ”, do Công an tổ chức chống phá và khủng bố dân chống đảng đàn áp, đã tàn lụi.
Chúng đã bị nhân dân nhận diện từ sau buổi ra mắt ngày 29/10/2017 ở xã Sơn Hải, gần Giáo họ Văn Thai, thuộc Giáo xứ Song Ngọc, thuộc huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An. Với chiêu bài “Bảo vệ an ninh Tổ quốc”, cuộc phô trương lực lượng của lối 700 người, đa phần là thanh niên, thanh nữ là nhằm chống lại các cuộc tuần hành đòi bồi thường và đòi tống cổ Formosa ra khỏi Việt Nam của người dân, đa phần là giáo dân Công giáo ở Nghệ An. Họ là một bộ phận nạn nhân của thảm họa cá chết và làm biển ô nhiễm do Nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh gây ra cho 4 tỉnh miền Trung gồm Hà Tĩnh, Qủang Bình, Qủang Trị và Thừa Thiên-Huế hồi tháng 4/2016.
Do đó, bất cứ động thái nào mới của đảng nhằm làm sống lại Luật Đặc khu có lợi cho Trung Cộng cũng chỉ làm cháy bùng lên ngọn lửa tranh đấu của nhân dân.
Những quan tâm
Vì vậy mà chuyên gia Kinh tế bà Phạm Chi Lan đã nói với BBC tiếng Việt ngày 03/08/2018:” Tốt nhất là nên bỏ Luật Đặc khu”. Bà cũng “hy vọng vẫn còn có những tiếng nói thuyết phục nhà nước về việc không cần thiết phải có đặc khu kinh tế.”
Trong khi đó TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói rằng: “Xét từ góc độ thí điểm thể chế thì việc thiết kế trong dự luật đã không thành công. Xét từ góc độ kinh tế, luật đặc khu là một lựa chọn chính sách sai lầm. Vậy thì chúng ta vội thông qua dự luật về các đặc khu để làm gì?”
Ông Dũng đặt câu hỏi: "Luật về đặc khu để làm gì? Nếu để thúc đẩy kinh tế phát triển thì các nguồn lực khan hiếm của đất nước cần phải đầu tư vào đâu để thúc đẩy kinh tế phát triển và tạo hiệu ứng lan tỏa nhanh nhất? Câu trả lời không thể tranh cãi là phải đầu tư vào TP.HCM và Hà Nội. Chắc chắn không phải là vào những nơi nằm xa các trung tâm kinh tế, cơ sở hạ tầng vật chất, nơi kỹ thuật, cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội chưa phát triển như Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Xét từ góc độ kinh tế, luật đặc khu là một lựa chọn chính sách sai lầm". (báo Một Thế Giới, ngày 08/06/2018)
Vốn đâu ra?
Ngoài quan tâm về chính trị-kinh tế và quốc phòng trước nguy cơ rơi vào tay Trung Cộng, nhiều bài báo trong nước còn đặt vấn đề tìm đâu ra vốn đầu tư. Theo một bài viết trên VOV (Voice of Vietnam, Tiếng nói Việt Nam, ngày 11/05/2018) thì:” Theo Đề án thành lập đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, nguồn vốn huy động để xây dựng 3 đặc khu lên tới hơn 1,5 triệu tỷ đồng.
Cụ thể, cơ cấu của 1.570.000 tỷ đồng để làm đặc khu như sau: 270.000 tỷ dành cho đặc khu Vân Đồn trong giai đoạn 2018 - 2030, trong đó tỷ lệ vốn trong nước và nước ngoài là 50 - 50; 400.000 tỷ dành cho đặc khu Bắc Vân Phong trong giai đoạn 2019 - 2025; 900.000 tỷ trong giai đoạn 2016 - 2030 để đưa đảo Phú Quốc trở thành một đặc khu sầm uất, trong đó nguồn vốn trong nước chiếm khoảng 59%, vốn nước ngoài khoảng 41%.”
Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay, con số hơn 1 triệu tỷ đồng nói trên là tổng nhu cầu đầu tư toàn xã hội của cả 3 đặc khu và ngân sách chỉ hỗ trợ một phần không nhiều trong số này. Hiện tại, Vân Đồn đề xuất ngân sách hỗ trợ 10%, Phú Quốc 19%, Bắc Vân Phong hơn 30% và các đề xuất này vẫn đang trong quá trình xem xét, chứ chưa “chốt”.
“Trước con số này”, VOV viết tiếp, “Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn: Vốn đầu tư công trung hạn 5 năm chỉ đạt hơn 2 triệu tỷ đồng. Vậy ngân sách lấy ở đâu ra số tiền lớn để làm 3 đặc khu? Thành lập 3 đặc khu kinh tế là để thu hút nguồn lực, tạo động lực hình thành 3 đầu tàu, lôi kéo nền kinh tế đất nước chứ không phải để tiêu tiền.”
Cần đặc khu làm gì?
Nhưng tại sao Bộ Chính trị lại ráo riết thúc đẩy thành lập 3 Đặc khu làm gì trong khi Việt Nam đã có tới 362 khu kinh tế ? Thắc mắc này chưa ai trả lời được, nhưng khi 3 vị trí chiến lược quốc phòng xuất hiện trong đề nghị gồm Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc thì nhiều chuyên gia, trí thức và cựu tướng lãnh trong Quân đội bắt đầu quan ngại cho an ninh quôc gia.
Tiêu biểu như Thượng tướng Nguyễn Văn Được — Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã nói tại Quốc hội:” Làm kinh tế dứt khoát phải làm nhưng không phải bằng mọi giá, nhất là trong điều kiện của ta thì cả ba khu này đều nhạy cảm. Vân Đồn giáp với phía Bắc; Bắc Vân Phong giáp biển Đông và Phú Quốc là sát với Campuchia nhưng hiện vùng này Trung Quốc đã nhảy vào rồi".
Do đó, tướng Được nghi vấn:” 70 năm, 99 năm họ vào đó làm gì? Ta đâu thể biết hết vì đã lọt vào rồi. Đà Nẵng, Ninh Thuận chưa có đặc khu kinh tế nhưng Trung Quốc đã đưa tiền cho người dân để dân mua đất cho họ. Nếu biển Đông có phức tạp và phía Tây cũng phức tạp thì tình hình rất nguy". (theo báo Một Thế Giới, ngày 08/06/2018)
Bộ Chính trị CSVN do Tổng Bí thư thân Tầu, ông Nguyễn Phú Trọng cầm đầu, đã hối thúc thành lập 3 Đặc khu tại phiên họp ngày 17-03-2017. Sau đó Kết luận số 21-TB/TW gồm 6 điểm được Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh ký tên ban hành ngày 22/03/2017 quy định “về các đề án xây dựng các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang)”.
Nguyên văn 3 điểm quan trọng gồm:
1- Đề án xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là đề án lớn, có nhiều vấn đề mới và khó, nhưng đã được trình bày cụ thể, rõ ràng, Bộ Chính trị đánh giá cao việc chuẩn bị đề án. Đây là chủ trướng lớn của Đảng đã được thông qua nhiều kỳ đại hội, do vậy cần quyết tâm triển khai thực hiện, làm từng bước vững chắc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
2- Đồng ý cho thành lập ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) trực thuộc cấp tỉnh, nhắm khai thác tốt nhất các tiềm năng khu vực có lợi thế vượt trội, thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư, công nghệ cao, phương thức quản lý mới tiên tiến, hình thành khu vực tăng trưởng cao, tạo thêm nguồn lực và động lực, góp phần thúc đầy nhanh phát triển và tái cơ cấu kinh tế cho tỉnh, vùng và cả nước. Cơ cấu, mô hình tổ chức chính quyền đơn vị hành chính – kinnh tế đặc biệt do Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt quy định.
3- Đồng ý thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ; giao Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo, thành viên là đại diện các bộ, ngành, các địa phương có đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và các chuyên gia tham gia.
Nhưng Việt Nam đã từng thất bại khi làm Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo là “đặc khu” đầu tiên ra đời năm 1979 nhằm phục vụ phát triển ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt.
Sau đó, trong giai đoạn Đổi Mới thì Việt Nam lại ra đời các khu gọi là “kinh tế mở” ở các tỉnh miền Trung như Dung Quất, Chu Lai, Nghi Sơn, Vũng Áng nhưng cũng vẫn không tạo được sức đột phá cần thiết.
Cho đến nay, theo tài liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì Việt Nam:” Có 18 khu kinh tế ven biển, 26 khu kinh tế cửa khẩu, cả nước có 328 khu công nghiệp được thành lập. Các khu kinh tế đã thu hút được 153 tỷ USD, chiếm 52% đăng ký đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 42%, xuất khẩu bằng 52%, thu hút khoảng 3 triệu lao động; đồng thời, khi triển khai các dự án trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất cũng tạo điều kiện để quản lý tốt hơn về môi trường và công nghệ.”
Tuy nhiên, theo tài liệu phổ biến trên Internet thì: “Việc phát triển các khu kinh tế vẫn còn một số hạn chế như ít có sự khác nhau giữa mục tiêu và hướng phát triển ngành, thể chế đặt ra cho các khu khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất chưa có nhiều vượt trội, thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp, nhiều đầu mối.”
Văn kiện này kết luận:“Việt Nam hiện đã có nhiều khu kinh tế nhưng các đặc khu kinh tế vẫn chưa thực sự được triển khai áp dụng đúng nghĩa, nơi mà các thể chế được mở rộng, thông thoáng, nâng cấp cao hơn và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, tối ưu nhất cho đầu tư.
Để các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trở thành các vùng động lực tăng trưởng cho đất nước, điều tiên quyết là phải có mô hình và cơ chế đột phá.”
Lý do chống
Nhưng người dân và các chuyên gia kinh tế không nhìn cùng hướng với Bộ Chính trị. Họ yêu cầu nhà nước phải rà soát lại các khu kinh tế, khu công nghiệp và khu chế xuất xem làm ăn ra sao, xấu, tốt chỗ nào để trả lời cho người dân biết tại sao phải có thêm 3 Đặc khu, mà lại ở 3 vị trí sống còn của đất nước ?
Dân cũng muốn Bộ Chính trị trả lời tại sao: ” Báo cáo giám sát hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước cho thấy trong giai đoạn 2011-2016, nợ của doanh nghiệp đã gia tăng lên tới 1,6 triệu tỷ đồng (gần 73 tỷ USD) ?” (theo Zing.VN, ngày 28/05/2018)
Zing.VN viết tiếp: "Theo báo cáo, tính đến 31/12/2016, cả nước còn 583 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, bao gồm 7 tập đoàn kinh tế, 67 tổng công ty Nhà nước, 17 công ty TNHH MTV hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con, 492 doanh nghiệp độc lập thuộc các bộ, ngành, địa phương.”
Các Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) do các Bộ quản lý điều hành gồm: Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nộng nghiệp và Bộ Thông tin&Truyền thông (TTTT)
Ngoài ra dân cũng thắc mắc tại sao Bộ Quốc phòng lại có riêng một Cục Kinh tế để “thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội nhân dân Việt Nam” ?
Theo tài liệu chính thức thì Cục này được “ thành lập ngày 24 tháng 12 năm 1998” có nhiệm vụ:
Chỉ đạo các loại hình sản xuất kinh tế của Quân đội gồm: Các khu kinh tế quốc phòng, các chương trình, mục tiêu quốc gia về xoá đói giảm nghèo do Quân đội đảm nhiệm, chỉ đạo hoạt động của các doanh nghiệp và các đơn vị thường trực tham gia hoạt động sản xuất kinh tế.
Nghiên cứu, vận dụng các chính sách, chế độ, quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế với các doanh nghiệp và các đơn vị sản xuất kinh tế trong Quân đội; tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước và Bộ Quốc phòng liên quan đến công tác quản lý, chế độ chính sách, quy hoạch, kế hoạch sản xuất kinh tế của Quân đội.
Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định và trực tiếp quản lý các dự án đầu tư của Nhà nước, của các nguồn tài chính khác trong và ngoài nước cho các khu kinh tế quốc phòng, các chương trình mục tiêu quốc gia về xoá đói giảm nghèo, các hoạt động sản xuất kinh tế của các doanh nghệp trong Quân đội thuộc lĩnh vực kinh tế.
Quản lý, chỉ đạo xây dựng và thực hiện các kế hoạch sản xuất kinh tế dài hạn, trung hạn, ngắn hạn và hàng năm của các doanh nghiệp kinh tế quốc phòng, doanh nghiệp kinh tế, phần nhiệm vụ làm kinh tế của các doanh nghiệp quốc phòng. Các chương trình kinh tế xã hội tại các khu kinh tế quốc phòng, các kế hoạch xoá đói giảm nghèo và tổng hợp kết quả làm kinh tế trong Quân đội hàng năm.
Quản lý và chỉ đạo hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến thương mại của Quân đội, hỗ trợ các doanh nghiệp quân đội hội nhập kinh tế quốc tế.
Tham gia quản lý vốn và tài sản của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, chưa bao giờ thấy Quốc hội hay Cơ quan thanh tra của đảng hoặc nhà nước công bố việc thanh tra, hoặc giám sát việc làm ăn của Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng.
Công ty lớn nhất của Quân đội Cộng sản Việt Nam là Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội, tên tiếng Anh là Viettel Group, thành lập năm 2004. Tính đến năm 2017, tổng cộng có 70,000 nhân viên trong và ngoài nước. Trị giá tài sản là 11 tỷ Dollars vào năm 2015, lợi tức hàng năm khoảng 2 tỷ Dollars.
Luật Đặc khu
Cần nhắc lại rằng, dự luật Đặc khu gồm 6 Chương, 85 Điều, nếu được thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2019. Nội dung Luật đã gây bất bình tại Quốc hội và trong người dân trong và ngoài nước, nhất là giới trí thức và chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, cựu Đại biều Quốc hội và các cựu đảng viên cao cấp, vì Luật đã dành qúa nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài.
Rất nhiều người đã quan ngại và quyết liệt chống nếu những ưu đãi về đất đai, đầu tư du lịch, nhà ở, cửa biển, hải cảng, sân bay và kinh tế như quy hoạch trong dự luật, lọt vào tay các nhà đầu tư Trung Cộng, những người lúc nào cũng nuôi tham vọng chiếm cứ lãnh thổ Việt Nam như họ đã làm tại Bauxite Tây Nguyên và gang thép Formosa Hà Tĩnh.
Riêng về thuế và các dịch vụ tài chính, các ưu đãi đó bao gồm:”Miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm và giảm một nửa trong các năm tiếp theo. Thậm chí, nếu là nhà quản lý, nhà khoa học, hay chuyên gia được miễn thuế tới 10 năm đầu, nhưng không quá 2030. Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Nhà đầu tư được thuê đất tối đa 99 năm so với mức tối đa 70 năm hiện tại.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng được hưởng những ưu đãi thuế xuất nhập khẩu tại khu phi thuế quan, được lưu hành tự do ngoại tệ và có thể làm visa ngay tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.” (theo phân tích của VOV.VN, Đài Tiếng nói Việt Nam, ngày 22/04/2018)
Điểm quan trọng nhất gây bất bình trong nhân dân là, trong dự luật Đặc khu nguyên thủy của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã viết nguyên văn tại Khoản 1, Điều 32 nói về “Quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất tại đặc khu:“Căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu quyết định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm; trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định.”
Đó là lý do tại sao đã có hàng chục ngàn người dân đủ mọi thành phần đã bất ngờ tự phát biểu tình chống Đặc khu và Luật an ninh mạng (Quốc hội chấp thuận ngày 12/06/2018) từ Nam ra Bắc. Họ đã giương cao các các biểu ngữ cầm tay và băng rôn (band-role) chống Đặc khu, chống Trung Quốc và thề không cho Trung Quốc thuê đất, dù chỉ 1 ngày.
Các biểu ngữ khác còn có nội dung:
- “Get out, China!”, “KHÔNG đặc khu, KHÔNG an ninh mạng!”, “Cho thuê đất là bán nước!”…
- “Đả đảo cộng sản bán nước”, “Đả đảo Việt gian”.
- " Đả đảo Luật An ninh mạng, Luật Bịt miệng dân"
- “Bài học từ Formosa: Một ngày cũng không cho thuê đất.”
- “Thà đất nước nghèo mà bình yên - Ham giàu mà mất nước.”
- “Vì độc lập, phản đối Đặc khu”!
- “Vì tự do, phản đối Luật An ninh mạng”!
Đây là lần đầu tiên trong 43 năm, hàng ngàn người dân đã tràn ngập nhiều ngả đường phố suốt ngày và đêm 10/06/2018 tại Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai và nhiều thành phố khác để chống Luật thành lập 3 Đặc khu Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).
Trước ngày dân biểu tình và trước sức ép của dư luận, Bộ Chính trị đảng CSVN đã họp đến 3 giờ sáng ngày 09/6/2018 để quyết định lùi thời gian thông qua Luật Đặc khu đến kỳ họp 6 của Quốc hội vào tháng 10/2018.
Sau đó, Quốc hội đã đồng ý với đề nghị của Chính phủ không quy định trường hợp đặc biệt thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu có thể được kéo dài không quá 99 năm.
Lý do dân chống vì ai cũng lo ngại Luật này sẽ mở đường cho Trung Quốc vào cướp đất di dân để chiếm đóng 3 vị trí chiến lược quốc phòng quan trọng của Việt Nam:
- Vân Đồn (Tỉnh Quảng Ninh), cửa ngõ ra Vịnh Bắc Bộ, là chặng dừng chân đầu tiên của tầu bè Trung Hoa đi xuống Việt Nam, nhưng cũng là tuyến phòng ngự ở vùng biển Đông Bắc của Việt Nam từ thời các Vua chúa Việt. Hơn nữa Vân Đồn chỉ cách đảo Hải Nam, căn cứ Tầu ngầm của Trung Hoa, chừng 200 hải lý (mỗi hải lý dài 1,852 mét).
- Bắc Vân Phong (Tỉnh Khánh Hòa), nhìn thẳng ra Trường Sa, trực diện với các vị trí đóng quân của Trung Hoa trên các bãi đá, nay đã biến thành đảo mà Bắc Kinh chiếm của Việt Nam từ 1988 gồm Subi, Gaven, Chữ Thập, Gạc Ma và Châu Viên. Ngoài ra Bắc Vân Phong cũng chỉ cách vịnh chiến lược nổi tiếng Cam Ranh trên 60 cây số. Khánh Hòa cũng là nơi phát xuất các tầu Hải quân Việt Nam tiếp vận lương thực và luân chuyển quân lính ra vào 21 vị trí đóng quân của Việt Nam ở Trường Sa.
- Phú Quốc (Tỉnh Kiên Giang), nằm trong vịnh Thái Lan là vị trí phòng thủ chiến lược cực nam của Việt Nam. Từ Phú Quốc, tầu bè và máy bay có thể đi khắp Á Châu-Thái Bình Dương, sang Ấn Độ Dương để đi qua Trung Đông.
Theo tài liệu của nhà nước CSVN thì:”Chủ trương phát triển đặc khu kinh tế xuất hiện ngay từ sau Đổi mới ra đời, và được văn bản hoá ở Nghị quyết trung ương 4 khóa VIII (1997), Văn kiện Đại hội X năm 2006. Đến năm 2017, trên cơ sở Thông báo kết luận số 21-TB/TW ngày 22/3/2017 của Bộ Chính trị, Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, được chuẩn bị từ năm 2014 mới chính thức được Chính phủ trình ra Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV (tháng 10-11/2017).”
Như vậy, sau khi bị nhân dân phản đối để phải lùi thêm từ kỳ họp 5 tháng 6/2018 đến kỳ họp 6 tháng 10/2018 rồi bây giờ Thường vụ Quốc hội lại bỏ lửng cho đến cuối năm thì Luật Đặc khu không chết cũng ngấp ngoái.
P.T.
Nguồn: http://doithoaionline2.blogspot.com/2018/08/3-ac-khu-am-tham-chet-roi.html

'CÂN NHẮC LẠI'  LUẬT ĐẶC KHU': SỢ DÂN HAY SỢ NỘI BỘ ĐẢNG ?

PHẠM CHÍ DŨNG/ BVN 12-8-2018

Hoàn toàn không như những gì mà nhóm lợi ích của luật Đặc khu hình dung quy trình thông qua sẽ thông thống suôn sẻ, bộ luật ác nghiệt này không chỉ phải chịu lời oán thán và lên án từ Bắc chí Nam của nhiều triệu người dân Việt, mà còn có thể trở thành một trong những tâm điểm của cuộc chiến ác liệt giữa các thế lực trong nội bộ đảng vào nửa cuối năm 2018 và kéo sang cả năm 2019.

Bất ngờ ‘cân nhắc lại’

Vào những ngày đầu tháng Tám năm 2018, nỗi lo sợ và phẫn nộ của người dân Việt về ‘Luật bán nước’ (một tục danh mà nhân dân đặt cho dự luật Đặc khu) đã một lần nữa tạm dịu xuống khi một bản thông cáo mới nhất về chương trình kỳ họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - được phát đi từ Văn phòng Quốc hội - đã bất ngờ biến mất nội dung ‘cho ý kiến về dự án luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu)’ như chương trình được lên trước đó.
Dự án luật này “đang được cân nhắc lại” - Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc viện dẫn lý do.
Lần đầu tiên nỗi lo sợ của dân tạm lắng là vào tháng Sáu năm 2018 khi ‘đảng và nhà nước ta’ buộc phải lùi thông qua luật Đặc khu sau cuộc biểu tình khổng lồ lên đến hàng trăm ngàn người ở Sài Gòn và lan ra hơn 50% tỉnh thành trong cả nước, biến thành một sự kiện phản ứng chính trị chưa từng có đối với chế độ cầm quyền kể từ thời đểm năm 1975.
Thân phận của dự luật Đặc khu vào năm 2018 đang ngày càng nhái lại số phận Điều 60 luật Bảo hiểm xã hội ba năm trước.

Bài học Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội

Vào cuối tháng Ba năm 2015, cuộc đình công của gần 90.000 công nhân tại công ty Pou Yuen ở Sài Gòn và công nhân ở một số tỉnh thành khác phản đối Điều 60 Luật Bảo Hiểm Xã Hội quá bất công khi không cho nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần đã mang tính quy mô chưa từng thấy, cũng là lần đầu tiên không phải công nhân phản đối doanh nghiệp mà chính là phản ứng quyết liệt mang tính đối đầu với một chính sách nhà nước.
Tình thế khẩn cấp khi đó là nếu Luật Bảo Hiểm Xã Hội không được sớm sửa đổi và công nhân không thể nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, trong đó đương nhiên phải bỏ quy định phi lý về việc người đóng bảo hiểm xã hội dưới 20 năm mới được nhận trợ cấp một lần, rất nhiều cuộc đình công và biểu tình của lớp người dưới đáy xã hội này sẽ tái bùng phát và còn ghê gớm hơn nhiều ở các địa phương Việt Nam.
Với tinh thần “nước đến chân mới nhảy” bất di bất dịch trong hệ thống chính trị Việt Nam, chỉ đến lúc giới công nhân đồng loạt phản ứng dữ dội thì 500 đại biểu quốc hội và 200 ủy viên trung ương mới giật mình lo sợ “tình hình sẽ diễn biến phức tạp.”
Sau đó, và như một “phép màu, phía chính phủ phát ra kiến nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh Điều 60 Luật Bảo Hiểm Xã Hội theo hướng trước mắt cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì có quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần, hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng như quy định của Luật Bảo Hiểm Xã Hội Luật năm 2006.
Phong trào đình công không khoan nhượng của hàng trăm ngàn công nhân đã thắng lợi!
3 năm sau, 2018. Tình trạng còn trầm trọng hơn nhiều. Không chỉ là một điều luật bất cập mà còn mang nguy cơ mất nước trong những nội dung ‘cho thuê như bán’ của dự luật Đặc khu và khiến ‘Mật ước Thành Đô’ trở nên sờ sờ trườc mắt cho tương lai gần Việt Nam trở thành một tỉnh của Trung Quốc, dù cho tới nay chẳng người dân nào được nhìn thấy bản mặt của mật ước này.

Chính - Ngân và Phúc?

Bất chấp phản ứng dữ dội của dư luận xã hội và hàng triệu cử tri về ý đồ nhượng địa trong dự luật Đặc khu và cảnh báo đặc khu có thể bị Trung Quốc lợi dụng để di dân, vào giữa năm 2018 Quốc hội Việt Nam vẫn một lần nữa chứng tỏ cái năng lực nổi bật của nó: không chỉ hùa theo các nhóm lợi ích để tăng vọt thuế và ‘bóc lột dân ta đến tận xương tủy’, ‘cơ quan dân cử’ này còn tiến xa hơn một bước bằng một kỳ họp châu đầu vào ‘luật bán nước’, trong khi hoàn toàn không thèm ngó ngàng gì đến cảnh nạn hàng ngàn người dân ở ‘Khu đô thị mới Thủ Thiêm’ đã bị chính quyền TP.HCM biến thành dân oan, phải tha phương cầu thực và cả những cái chết tự treo cổ do quá phẫn uất khi bị cưỡng chế đẩy đuổi khỏi mảnh đất sinh nhai duy nhất.
Trừ một số rất hiếm hoi dân biểu phát tiếng nói phản biện, tuyệt đại đa số còn lại trong số gần 500 đại biểu quốc hội vẫn tiếp tục thói ‘ngủ ngày’ trong cơn mộng du vong bản và vong dân.
Mạng xã hội đã biến thành một chiến trường gầm vang với vô số chỉ trích, kể cả chửi rủa nhắm vào Bộ Chính trị đảng, đặc biệt xoáy vào những nhân vật có liên quan trực tiếp đến dự luật này là Phạm Minh Chính - Ủy viên bộ chính trị, Trưởng ban Tổ chức trung ương và là bí thư tỉnh Quảng Ninh vào thời lập dự án cho đặc khu Vân Đồn tại tỉnh này; Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch quốc hội và là nhân vật đã ủng hộ tuyệt đối ‘Luật bán nước’, thậm chí còn áp dụng tiểu xảo chính trị với phát ngôn đầy tính áp đặt ‘Bộ Chính trị đã kết luận rồi…’ như một cách nói để không cho ai nói khác với đảng; và cả Nguyễn Phú Trọng - một tổng bí thư mà sau chuỗi hô hào ‘lò nóng lên rồi!’ thì lại gần như mất dạng trước con sóng phẫn nộ của nhân dân đòi hoãn hay hủy bỏ dự luật Đặc khu.
Cuộc tổng biểu tình ngày Mười tháng Sáu năm 2018 chống luật Đặc khu đã chứng tỏ cái sức mạnh biển trời của nó trước con thuyền mục nát của chính quyền. Cuộc biểu tình khổng lồ này cũng là đầu tiên xác quyết không chỉ phản đối một chủ trương hay một chính sách của chính quyền, mà còn thể hiện sự phản kháng trực tiếp đối với chính quyền.
Sang tháng Bảy năm 2018, lồng trong bầu không khi căng thẳng và tàn nhẫn khi công an lao vào ‘bắt nguội’ và đưa ra xử án nhiều người dân biểu tình, Thủ tướng Phúc bắt đầu lấp ló ‘sẽ xin ý kiến nhân dân về luật Đặc khu’.
Chính phủ đã quan tâm đến ‘ý kiến nhân dân’ từ khi nào thế?
Còn nhân dân thì làm sao quên được một sự thật quá sức trần trụi: một trong những quyền dân đã được hiến định từ Hiến pháp năm 1992 là trưng cầu dân ý vẫn chưa hề được luật hóa cho đến tận giờ đây.
‘Luật bán nước’ là một minh chứng hùng hồn về quan điểm quên dân và gạt dân. Dù đã được âm thầm chuẩn bị trong nội bộ đảng cầm quyền từ vài năm trước, nhưng chỉ đến sát kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2018, ‘luật bán nước’ mới được công bố một cách chính thức như đặt sự đã rồi. Còn trước đó, đã không có bất kỳ một động tác nào, dù là nhỏ nhất hoặc chỉ mang tính mị dân, nhắm đến việc thông báo cho dân hoặc lấy ý kiến của dân về dự luật đặc khu. Và càng tuyệt đối không có bất kỳ ý tưởng nào của chính quyền về ‘trưng cần dân ý’ đối với dự luật gắn liền với cơ thể chủ quyền lãnh thổ này.

Sợ dân và sợ lẫn nhau

Không còn nghi ngờ gì nữa, hiệu ứng của cuộc tổng biểu tình Mười tháng Sáu và phong trào văn thư kiến nghị, phản bác trước đó của giới trí thức đã buộc đảng cầm quyền, chính phủ và một quốc hội ‘đầu sai của đảng’ phải lùi thông qua dự luật Đặc khu để ‘nghiên cứu tiếp’, để cho đến nay phải tìm cách hoãn bàn về ‘luật bán nước’ vì lo sợ sẽ bùng nổ một phong trào biểu tình khổng lồ mới của dân chúng, dù trước đó đã muốn đặt dự luật này vào sự đã rồi mà không thèm quan tâm đến quan điểm, chính kiến và ý kiến của các tầng lớp nhân dân.
Không chỉ sợ dân chúng biểu tình, giới quan chức cao cấp và đặc biệt là những quan chức đã hứa hẹn với đủ điều với Bắc Kinh về một mô hình đặc khu ‘dành cho người Trung Quốc’, những quan chức đã âm thầm gom đất trong các đặc khu để chờ ngày đặc khu được thông qua chính thức thì sẽ ‘xả hàng’ với giá cao ngất trời…, còn sợ hãi lẫn nhau.
Hiện tượng Ủy ban Thường vụ quốc hội của người đàn bà nổi tiếng diêm dúa Nguyễn Thị Kim Ngân bất thần thông báo hoãn bàn về ‘Luật bán nước’ đã hé ra một sự thật: trong đảng và trong khối cơ quan chính phủ cùng các tỉnh thành, không phải quan chức nào cũng ‘đồng cam cộng khổ’ về lợi ích đất đai và xu hướng ‘Thiên triều hóa’ với dự luật Đặc khu, không phải quan chức cũng sẵn sàng cúi gật một cách vô não và vô đạo như một nghị trường ‘cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp’.
Từ trước khi dự luật Đặc khu được đưa ra trung ương nghị bàn, một số cựu thần và một bộ phận trong giới cách mạng lão thành đã có những phản ứng nhất định. Nhưng sau khi nổ ra cuộc tổng biểu tình ngày Mười tháng Sáu của dân chúng và khi người ta chứng kiến một Nguyễn Phú Trọng cũng nói nước đôi chứ không thể ủng hộ tuyệt đối ‘luật bán nước’ theo cách mà những Phạm Minh Chính, Nguyễn Thị Kim Ngân có lẽ rất mong muốn, đã có những cựu thần công khai lên tiếng phản đối dự luật Đặc khu trước ông Trọng và trong các cơ quan đảng. Hẳn sự phản ứng này, được tích tụ từ trước tháng Sáu và phát ra mạnh hơn sau tháng Sáu, đã tạo nên một sức ép đủ lớn khiến bộ phận quan thức yêu mến ‘luật bán nước’ phải chùn tay mà chưa dám đặt dự luật này lên bàn nghị luận như một hành vi khiêu khích toàn dân.
Không chỉ có thế, những động thái lạ lùng vừa công khai vừa âm thầm xảy ra xung quanh luật Đặc khu từ tháng Năm năm 2018 đến nay càng cho thấy nếu dự luật này được nhóm lợi ích thúc đẩy theo cách cố đấm ăn xôi, nó có thể trở thành một trong những tâm điểm của cuộc chiến ác liệt giữa các thế lực trong nội bộ đảng vào nửa cuối năm 2018 và kéo sang cả năm 2019, dẫn đến những hậu quả tung tóe mà không một quan chức dây phần nào muốn nhìn thấy.
P.C.D.
Tác giả gửi BVN
LUẬT ĐẶC KHU ĐÃ BỊ BỎ ?

BÙI QUANG VƠM/ BVN 13-8-2018

Với 423/432 đại biểu có mặt tán thành, sáng 11/6, Quốc hội Hà Nội đã quyết định loại khỏi chương trình việc thông qua dự án luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (luật Đặc khu) và được quyết định lùi lại vào kỳ họp sau, kỳ họp thứ 6, vào tháng 10/2018.
Nhưng trước khi trình QH, dự thảo sẽ phải đưa ra cho Thường vụ Quốc hội xem xét, thảo luận trước vào kỳ họp trong tháng 8, nhưng,thông cáo mới nhất từ Văn phòng Quốc hội, ngày 4/8, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký QH, dự án luật này “đang được xem xét thận trọng, tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân. Hiện vẫn còn thời gian để Chính phủ chỉnh sửa, hoàn thiện, vì 2 tháng nữa kỳ họp thứ 6 mới diễn ra”.
Sau đó ông này thả một câu treo lửng lơ: “việc Quốc hội xem xét dự án luật vào thời điểm nào còn chờ vào kết quả quá trình tiếp thu ý kiến nhân dân thế nào, tiếp thu ý kiến cử tri thế nào...”.
Nhưng lại nói rõ: “trong dự kiến chương trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét các dự án thuộc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cả năm 2019 và những tháng cuối năm 2018, dự luật đặc khu cũng chưa xuất hiện”.
Sợ dân rồi?
“Bộ chính trị đã quyết định, Quốc hội bàn để ra luật, chứ không thể không ra luật”. Đó là lời bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị KimNgân, nhưng Quốc hội đã không thể thông qua, phải lùi ngày bỏ phiếu lại, bây giờ lại lấp lửng rằng trong chương trình từ nay cho đến hết năm 2019, “chưa xuất hiện” Luật Đặc khu.
Chuyện như đùa! Chương trình xem gì, xét gì, phê chuẩn gì, v.v đều do Thường vụ Quốc hội cũng tức là Bộ chính trị quyết định. Không có trong chương trình là do Bộ chính trị không cho đưa vào, chứ Luật nào tự “xuất hiện”hay tự “chưa xuất hiện”được? chuyện công bố ỡm ờ này phải được hiểu rằng, Dự luật Đặc khu đã được bãi bỏ. Bộ chính trị đã quyết định không đưa dự luật ra bỏ phiếu thông qua tại Quốc hội, ít nhất từ nay tới hết năm 2019.
Như vậy, Dự luật được lẳng lặng bãi bỏ, hay lẳng lẳng thực hiện một cách vụng trộm? Tại sao phải lấp lửng?
Công khai bỏ là công khai thừa nhận Bộ chính trị thiếu trí tuệ, thiếu sáng suốt, Kết quả nghiền ngẫm suốt 20 năm của những đỉnh cao trí tuệ của đảng đã cho ra một sản phẩm không đủ tiêu chuẩn qua cửa công chúng. Bộ chính trị, mấy ông “giời con” đã không bằng trí tuệ của dân?
Chưa thông qua, mà cơn sóng phản đối đã làm ông Thủ tướng Phúc hốt hoảng kêu lên “đang có một làn sóng khủng khiếp” buộc ông ngay 8/6 phải vội vã đề nghị Quốc hội lùi ngày phê chuẩn, nhưng ngày 10/06 vẫn nổ ra Tổng biểu tình trên khắp cả nước với hàng trăm ngàn người tham gia.
Lùi, nhưng nếu Đảng, Chính phủ và Quốc hội vẫn tìm cách thông qua đúng cái Dự luật này, thì một cuộc Tổng biểu tình với quy mô và quyết tâm lớn hơn sẽ chắc chắn nổ ra.
Nếu cuộc tổng biểu tình này nổ ra, trước kỳ họp tháng 10, nhiều khả năng sẽ đi kèm với một cuộc đảo chính cướp chính quyền.
Ngày 10/6, biểu tình nổ ra đồng loạt trên gần 50 tỉnh, có “biểu hiện bạo loạn có tổ chức bởi những phần tử lạ, tại Phan Rí Cửa”. Ngày 12/6, Bộ trưởng Tô Lâm phải bay vào kiểm tra trực tiếp. Ngày 14/06 bộ Công an ra quyết định trang bị máy bay trực thăng vũ trang, tên lửa chống tăng cho cấp huyện, súng đại liên, trung liên cho cấp xã, và có hiệu lực ngay lập tức. Tiếp đến, ngày 12/07, chủ tịch nước Trần Đại Quang công bố sẽ áp dụng Thiết quân luật ở một số thành phố.
Những động thái này cho thấy, Bộ chính trị chắc chắn đã có thông tin tình báo về một kế hoạch cướp chính quyền, hoặc do chính các tổ chức quần chúng đồng loạt nổi dậy, hoặc bởi một hay vài lực lượng chống đối, lợi dụng phong trào, mượn gió bẻ măng, chẳng hạn của Tướng lĩnh Quân đội kết hợp Công an, của hệ thống tay chân ông Ba X liên kết với hệ thống đàn em của ông Lê Thanh Hải?! Thiết quân luật, cướp vũ khí và dùng trực thăng bắn tên lửa vào dân, vào quân đảo chính, dùng xe tăng cán chết dân như Tàu Cộng cán chết sinh viên năm 1989 tại Thiên An Môn?
Tại sao dân chống?
Có hai nguyên nhân chính:
1- Nguy cơ Tàu.
“Trung Quốc (Tàu Cộng) không bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính đất nước ta”. Đó là lời Giáo sư, nhà giáo nhân dân, Thiếu tướng công an Trương Gia Long, Tổng cục phó Tổng cục chính trị Bộ Công an.
Người Tàu đã có mặt trên suốt 10 tỉnh biên giới giáp ranh, hàng vạn người, rào làng, sinh con đẻ cái, xây trường học, dựng đền thờ, làm nhà thương, xây cầu, đổ bê tông đường, và cấm người Việt lai vãng.
Hàng vạn công nhân Tàu, phần lớn là quân nhân xuất ngũ, có mặt trên Tây Nguyên, sản xuất quặng nhôm với những bể chứa hàng triệu m3 bùn đỏ độc hại. Chỉ một hành động làm nổ các bể bùn đỏ này, hàng trăm nghìn hecta đất sẽ bị nhiễm độc nhiều đời, hàng triệu ngườisẽ chết và không còn môi trường sống.
Hàng trăm nhà máy, hàng trăm công ty do người Tàu quản lý, hàng vạn lao động được đưa sang từ Tàu lục địa rải suốt từ biên giới phía Bắc tới tận cùng bờ biển phía Nam. Như một chiến dịch tràn ngập lãnh thổ.
Bây giờ, nếu Luật Đặc khu thành hiện thực, ba khu vực yết hầu của cả ba miền đất nước có nguy cơ trở thành nhượng địa cho tư bản và dân di cư người Tàu dưới danh nghĩa nhà đầu tư, hoàn tất âm mưu thôn tính Việt Nam, thực hiện thời kỳ Bắc thuộc mới.
Cơ sở của sự lo sợ này của dân chúng là những cam kết của Hà Nội trong Hiệp ước Thành Đô, mà chính cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã thốt lên, rằng “một thời kỳ Bắc thuộc mới bắt đầu”.
Không ai biết nội dung bí mật của Hiệp ước, nhưng báo Tàu thì lấp lửng công khai cam kết của Hà Nội xin trở thành thuộc quốc, thành một tỉnh, một khu tự trị của Cộng hoà Trung Hoa vào năm 2020, trong khi 15 điều cam kết thực thi trong Tuyên bố chung do ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký với Trung Cộng tháng 1/2017, gồm các nội dung mà nhiều chuyên gia đánh giá giống như sự tiếp tục của quá trình xoá bỏ biên giới hai nước, chuyển dần hệ thống hành chính Việt Nam hoà tan vào nền quản trị Trung Cộng.
Tổng biểu tình rầm rộ cho thấy, người Việt vĩnh viễn không chấp nhận đảng CS của ông Trọng “hữu nghị, anh em” với Tàu; bất cứ kẻ nào trong chính quyền CS quỵ luỵ Tàu, thân Tàu, kẻ đó là kẻ thù của người Việt.
Tất cả sự có mặt của người Tàu trên đất Việt hiện nay, cả di dân lẫn kinh tế, không được dân Việt thừa nhận, sẽ bị huỷ, bị quốc hữu hoá, khi chế độ đương thời bị phế truất.
Vì vậy, một khi Luật Đặc khu không có thêm điều luật chống Tàu, thì sẽ còn biểu tình.
2- Nguy cơ tham nhũng.
Nếu vẫn duy trì phương thức quản trị đang áp dụng trên cả nước hiện nay, tức là không thừa nhận quyền độc lập bất khả can thiệp của Tư pháp, cấm tự do báo chí và điều tra độc lập, cấm tự do biểu đạt và quyền tự bảo vệ lợi ích của lao động và dân chúng, đảng vẫn độc quyền bổ nhiệm và miễn nhiệm quan chức, thì tham nhũng là không thể tránh khỏi, không khác gì tình trạng trên cả nước hiện nay.
Quyền hạn của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Đặc khu là quyền hạn tập trung và rất lớn, trong khi cơ quan giám sát là Hội đồng nhân dân Đặc khu chỉ không quá 15 người, vẫn được bầu ra theo cơ chế hiện tại, nghĩa là đảng cử, đảng bỏ phiếu, bịa phiếu, sẽ không có gì đảm bảo chống được lợi ích nhóm và tham nhũng khép kín.
Quyền hạn của Chủ tịch Đặc khu tập trung và rất lớn, đem lại cho vị Chủ tịch đặc lợi lớn, sẽ là nguồn gốc của việc “chạy” tham nhũng chính trị.
Dự luật quy định: Trưởng đặc khu, hay Chủ tịch Uỷ ban nhân dân đặc khu do Chủ tịch Uỷ ban tỉnh giới thiệu, Hội đồng nhân dân bầu, và Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn. Nhưng dù ai đề cử hay giới thiệu, chỉ một ý kiến của Bí thư Tỉnh uỷ đủ để được thay bằng một ứng viên khác. Để phê chuẩn, dù Thủ tướng có ý gì, một ý kiến của Tổng bí thư đủ để huỷ bỏ mọi kết quả.
Như vậy, để có vị trí trong hệ thống đặc quyền, đặc lợi của đặc khu, có thể phải chạy tất cả, từ Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Bí thư Tỉnh uỷ, tới Văn phòng Chính phủ, tới Thủ tướng, tới Văn phòng Trung ương đảng, tới Tổng bí thư, nhưng rõ ràng, điều kiện cần và đủ là chỉ “chạy” Bí thư Tỉnh uỷ và “chạy”Tổng bí thư. Đảng độc quyền quyết định công tác cán bộ.
Chống Tam quyền phân lập, vừa đá bóng vừa thổi còi, lòng tham và sự hấp dẫn của đồng tiền đã có thể biến cả Thủ tướng “Ba X”, cả Bí thư thành uỷ Đinh La Thăng, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Trung tướng anh hùng Phan Văn Vĩnh, v.v. thành tội phạm, Bí thư Lê Thanh Hải thành một thứ “Bố già”.
Đặc khu với dự luật như vậy, sẽ chả mấy chốc sản sinh một loạt những tên ăn trộm mới, cho ra đời những tên đảng viên tỷ phú mới.
Dự luật phải như thế nào
Bộ chính trị đang âm mưu lùi vô thời hạn Luật Đặc khu để tránh một cuộc tổng biểu tình có nguy cơ phế truất chế độ. Nhưng vẫn không biết đảng quyết định bỏ hay âm thầm thực thi không cần công khai luật? Đây là một dạng “lách” Hiến pháp, thủ đoạn không nói đến, cấm nhắc đến, lờ đi giả như không biết, như kiểu “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”, như kiểu Luật biểu tình, một kiểu chiến thuật để “cứt trâu hoá bùn” rất quen thuộc của Bộ chính trị Đảng CS.
Không, không cần phải “tiểu nhân” như vậy. Để thỏa mãn lòng dân, Dự luật Đặc khu chỉ cần thêm hai việc:
1- Thêm điều khoản cấm mọi nhà đầu tư có nguồn gốc Tàu cộng. Luật sẽ ngăn chặn bằng mọi giá sự thâm nhập cuả Trung Cộng vào đặc khu dưới mọi hình thức có thể. Cấm mọi nhà đầu tư đến từ các quốc gia độc tài, phi dân chủ.
2- Chủ tịch Đặc khu do dân bầu trực tiếp và bãi miễn bất cứ lúc nào khi phát hiện tham nhũng.
Thử nghiệm mô hình mới.
Nếu đặc khu là nơi thí điểm các mô hình quản trị kinh tế và xã hội tiên tiến, để rút bài học và tổng kết kinh nghiệm mở rộng áp dụng cho cả nước, thì tại sao không đưa vào thử nghiệm mô hình Thị trường Tự do trên nền tảng Xã hội dân chủ đa nguyên? Trong mô hình đa nguyên, không có lực lượng chính trị nào là lãnh đạo, Tư pháp, Toà án và cảnh sát giữ vai trò trung lập, trung gian hoà giải các xung đột xã hội. Với quy mô tương đương huyện, 300.000 tới 350.000 dân, việc vận dụng thể chế Dân chủ trực tiếp là hoàn toàn khả thi và sẽ đem lại hiệu quả kinh tế xã hội rất cao. Trưởng đặc khu sẽ do dân bầu trực tiếp, mọi luật lệ, chính sách liên quan tới toàn dân sẽ do dân trực tiếp bỏ phiếu. Báo chí tự do, điều tra độc lập, mọi mâu thuẫn, xung đột đều tự do dàn xếp thông qua thương lượng ôn hoà giữa các đại diện xã hội dân sự với nhau, với doanh nghiệp, với chính quyền... Đây là mô hình Thuỵ Sĩ, tương ứng với một dạng thể chế chính trị tiên tiến của nền văn minh châu Âu hiện đại.
Ba đặc khu có thể thử nghiệm ba mô hình khác nhau.
*
Nếu Dự luật không được bổ sung để cấm người Tàu thâm nhập và không được thay đổi một cách căn bản để ngăn chặn nguy cơ tham nhũng, thì có thể khẳng định là Dự luật Đặc khu được Bộ chính trị quyết định đưa ra ép Quốc hội làm luật, có âm mưu đen tối: Hiện thực hoá những bước cuối cùng của quá trình Hán hoá lãnh thổ; Thanh toán đối thủ để tập trung quyền lực, chiếm chỗ đặc lợi, và thu gom đặc quyền vào tay phe nhóm, chuẩn bị cho một kế hoạch tham nhũng đại quy mô.
Nếu Đặc khu ra đời từ một ý tưởng trong sáng, nó phải trở thành cơ hội để áp dụng và phổ biến rộng rãi các mô hình dân chủ tiên tiến, đã được thử thách bằng lịch sử tiến hoá của nhân loại, đang tồn tại và phát triển trong phần tiến bộ nhất của Hành Tinh.
12/8/2018
B.Q.V.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét