Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2018

20180826. VIẾT VỀ NGHỀ THINK TANGK

ĐIỂM BÁO MẠNG
NHỮNG CÂU CHUYỆN THÚ VỊ VỀ MỘT THINK TANGK ĐẶC BIỆT Ở VIỆT NAM

PHƯƠNG ÁNH /CafeF 22-8-2018

“Từ quá khứ đến hiện đại, ở đâu, think tank cũng luôn đóng một vai trò quan trọng”, bà Phạm Chi Lan nói và chia sẻ với Trí Thức Trẻ những kỷ niệm về thời kỳ đẹp của giới think tank Việt Nam.

Think tank là thuật ngữ khá rộng chỉ các tổ chức tư vấn chính sách (gồm cả cá nhân độc lập) mà ở đó các chuyên gia có trình độ hiểu biết sẽ hỗ trợ cho những người ra quyết định chính sách giải quyết những vấn đề mà họ phải đương đầu, bà Phạm Chi Lan nói.
Người phụ nữ có dáng người bé nhỏ này đã trải qua nhiều thăng trầm cùng các câu chuyện chính sách tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, và nay ở tuổi 75, bà vẫn hoạt động với tư cách chuyên gia độc lập.

Những câu chuyện thú vị về một think tank đặc biệt ở Việt Nam - Ảnh 1.
Theo bà Lan một trong những yếu tố quan trọng nhất để think tank phát huy tốt vai trò của mình là sự cởi mở của lãnh đạo. Bởi, chỉ khi được tự do nghiên cứu, trao đổi, được lắng nghe, được tôn trọng ý kiến, các trí thức mới có động lực để hoạt động, cống hiến hết mình.
Thời nào, ở đâu lãnh đạo tỏ ra thờ ơ, khó chịu, thậm chí có thái độ trù dập đối với những tiếng nói phản biện, thì think tank sẽ không có đất dụng võ. Tác động này không chỉ với một vài cá nhân, tổ chức nghiên cứu mà sẽ lan rộng ra toàn giới trí thức và xã hội.
“Thái độ của người lãnh đạo sẽ quyết định vai trò, chức năng và đóng góp của các think tank”, bà Chi Lan nói. Và hình ảnh của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải, luôn được bà Lan nhắc đến với đầy cảm xúc kính trọng.
Những câu chuyện thú vị về một think tank đặc biệt ở Việt Nam - Ảnh 2.
Năm 1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt thành lập Tổ tư vấn cải cách. Thời điểm đó, tổ có 8 thành viên thường trực. Tổ trưởng là ông Lê Xuân Trinh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khi đó. Số lượng chuyên gia hơn 60 người.
Theo bà Lan, thực tế không phải đến năm 1993 Thủ tướng Kiệt mới quan tâm, lắng nghe giới trí thức. Nhiều năm trước đó, khi ông Kiệt còn là Bí Thư thành uỷ TP. HCM, ông đã tìm kiếm sự tư vấn của “Nhóm thứ sáu”.
“Nhóm thứ sáu” là cách gọi một nhóm trí thức ở miền Nam thường tụ họp vào chiều thứ sáu hàng tuần, nói chuyện, thảo luận, bàn bạc, đề xuất... các giải pháp gỡ thế bí cho nền kinh tế, chứ nhóm không có tên, không chủ quản, điều lệ, chức vụ, kinh phí.
Thứ quý nhất mà họ có là tri thức, kinh nghiệm và lòng nhiệt thành, muốn đóng góp cho nhà lãnh đạo và cống hiến cho đất nước. Thành viên của nhóm là những tên tuổi như Huỳnh Bửu Sơn, Phan Tường Vân, Trần Trọng Thức, Trần Bá Tước, Phan Chánh Dưỡng...
Sau này, nhiều người trong Nhóm thứ sáu vẫn tham gia hoặc đóng góp ý kiến với Tổ tư vấn của Thủ tướng Kiệt.
Những câu chuyện thú vị về một think tank đặc biệt ở Việt Nam - Ảnh 3.
Sự đa dạng, nhiều năng lực chuyên môn khác nhau trong Tổ tư vấn đã giúp cho ông Kiệt có được những thông tin, kiến thức, ý tưởng và cách làm cần thiết để chèo lái, đưa nền kinh tế Việt Nam theo con đường đổi mới, vượt ra khỏi khủng hoảng từ bối cảnh đất nước chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, cơ chế bao cấp cũng như tình trạng bị cô lập.
“Cách tập hợp của Thủ tướng Kiệt rất hay”, bà Lan bình luận. Bởi trong tổ có một số người là trí thức, nhà kỹ trị ở miền Nam trước năm 75, cũng như những người miền Bắc dưới thời bao cấp nhưng có tư duy đổi mới và một số chuyên gia đang sinh sống ở các nước phương Tây. Chính điều này đã tạo ra sự bổ trợ cho nhau, nhằm giúp nền kinh tế chuyển đổi mà không gặp nhiều trở ngại do sự không tương thích với thực tế.
Những câu chuyện thú vị về một think tank đặc biệt ở Việt Nam - Ảnh 4.
Giữa các thành viên là sự lắng nghe, tôn trọng, trân quý nhau. Những cuộc tranh luận, hẳn nhiên là không thể thiếu, nhưng được dựa trên những nguyên tắc đó và trên lòng yêu nước, trên tinh thần cống hiến của mọi người mà tạo nên sự đồng thuận.
“Họ cũng hiểu rõ tinh thần, ý chí của Thủ tướng Kiệt và mục tiêu Thủ tướng đặt ra. Họ thực sự cảm kích, tin tưởng và yêu quý, kính trọng Thủ tướng để tận tâm làm việc, đóng góp cho Thủ tướng những ý kiến rút từ ruột gan, trí não của mình”, bà Lan nói và gọi đó là thời kỳ đẹp của think tank ở nước ta.
Những câu chuyện thú vị về một think tank đặc biệt ở Việt Nam - Ảnh 5.
Ông Phan Văn Khải kế nhiệm ông Võ Văn Kiệt năm 1997 và tiếp tục phát huy những di sản mà người tiền nhiệm để lại, trong đó có Tổ tư vấn, lúc này đã được điều chỉnh, tổ chức lại gọn nhẹ hơn thành Tổ nghiên cứu đổi mới kinh tế - xã hội và hành chính, gọi tắt là Tổ tư vấn đổi mới vào năm 1996. Sau này, Tổ được đổi tên thành Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ.
Năm 1996 cũng là thời điểm bà Phạm Chi Lan tham gia vào Tổ. Như vậy, bà Lan có 1 năm được làm việc với Thủ tướng Võ Văn Kiệt và hầu hết thời gian sau đó là với Thủ tướng Phan Văn Khải.
Những câu chuyện thú vị về một think tank đặc biệt ở Việt Nam - Ảnh 6.
Thủ tướng Phan Văn Khải và Ban nghiên cứu của Thủ tướng
Theo đó, hàng loạt các chính sách và văn bản pháp quy được hình thành, hoàn thiện hơn, phù hợp hơn với nguyên tắc thị trường và tương thích dần với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, tạo cơ chế cho khu vực tư nhân phát triển.
Nhờ vậy, trong hai nhiệm kỳ của Thủ tướng Khải, nền kinh tế nước ta đã vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính trong khu vực, đạt được mức tăng trưởng cao, ổn định tốt và mở rộng hội nhập với thế giới bên ngoài, hoàn tất việc đàm phán gia nhập WTO.

Những câu chuyện thú vị về một think tank đặc biệt ở Việt Nam - Ảnh 7.
“Think tank của Thủ tướng Khải cũng như tinh thần Thủ tướng Kiệt trước đây, ngoài việc phát huy trí tuệ của từng cá nhân còn tích cực thúc đẩy việc kết nối với cộng đồng, lắng nghe trí thức và người dân”, bà Lan nói.
Một điều rất đáng quý, theo bà Lan, là mọi công việc mà Tổ Tư vấn hay Ban Nghiên cứu làm đều vì mục tiêu chung, không vụ lợi. Nhóm chuyên trách phần lớn là những người đã về hưu, “vui vẻ với đồng hưu, không sợ mất ghế”, cùng một số chuyên gia kiêm nhiệm rất đồng lòng với cơ chế 5 không: không biên chế, không lương, không chức vụ, không có cấp trên cấp dưới và quan trọng nhất là không bị ràng buộc, hạn chế gì khi góp ý kiến với Thủ tướng.
Những câu chuyện thú vị về một think tank đặc biệt ở Việt Nam - Ảnh 8.
“Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người năng động, chịu khó đi thực tế, gặp gỡ để lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, của người dân. Ngay từ đầu, Thủ tướng đã rất quan tâm thúc đẩy cải cách, đặc biệt về cải thiện môi trường kinh doanh”, bà Lan đánh giá.
Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gồm 15 người, đến nay đã hoạt động được một năm. Tuy nhiên bà Lan vẫn bày tỏ băn khoăn xung quanh cơ chế hoạt động của think tank này.
Theo bà, Tổ tư vấn hơi “kín tiếng”, ít thông tin ra xã hội về hoạt động của mình. Những thông điệp của Tổ cho tới nay được thể hiện chủ yếu qua một số diễn đàn, hội thảo. Trong khi đó, xã hội đang rộng mở hơn với nhiều thông tin đa chiều, nhiều ý kiến đa dạng và còn rất nhiều vấn đề trăn trở. Mọi người mong đợi tiếng nói mạnh mẽ, thường xuyên, kịp thời hơn của các thành viên Tổ tư vấn.
Theo bà, để phát huy tối đa tiềm năng trí thức của Tổ tư vấn, nên có cơ chế để các thành viên có thể lên tiếng mà không nhất thiết đại diện ý kiến “chính thống” của Tổ. Tức là họ được hoạt động ở hai vai trò, là thành viên của Tổ, và cũng là người nghiên cứu, nhà trí thức có suy nghĩ độc lập của mình, sẵn sàng trao đổi, thảo luận, chia sẻ với xã hội.

Những câu chuyện thú vị về một think tank đặc biệt ở Việt Nam - Ảnh 9.
“Ý kiến có thể đúng, có thể sai, nhưng cần được đưa ra để tranh luận. Trước đây, think tank của ông Kiệt, ông Khải được như vậy. Điều đó càng thúc đẩy mọi người cố gắng học hỏi, suy nghĩ, lên tiếng một cách có trách nhiệm hơn”, bà Lan nói.
Sau khi Ban Nghiên cứu giải thể giữa năm 2006, những người thuộc nhóm think tank thời ông Kiệt, ông Khải vẫn tiếp tục đóng góp cho xã hội qua các kênh khác nhau. Một số vẫn là những chuyên gia có uy tín thường được xã hội tham vấn mỗi khi các chính sách kinh tế, mới hình thành.
Một số vị như các ông Đào Xuân Sâm, Vũ Quốc Tuấn, Nguyễn Trung, Tương Lai, Võ Đại Lược, Huỳnh Bửu Sơn,… thì đúc kết lại những năm tháng đóng góp chất xám của mình bằng các cuốn sách với nhiều khuyến cáo vẫn còn nguyên giá trị. Hay ông Vũ Quang Việt ở nước ngoài vẫn liên tục gửi về nước những phân tích, đánh giá cập nhật, đầy tâm huyết và trí tuệ.
“Không ai trả công cho họ. Ở tuổi hơn 70, thậm chí là 90, họ vẫn không nguôi trăn trở với sự phát triển của đất nước và bền bỉ cố gắng đóng góp thêm”, bà Lan nói.
Kết thúc câu chuyện, bà nói rằng tinh thần của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải vẫn luôn rực cháy trong lòng những người từng có cơ hội góp sức trong think tank ngày ấy. Bà cũng mong, nhiệt huyết và trí tuệ của các thế hệ trí thức Việt, sẽ được phát huy mạnh mẽ vì sự phát triển của đất nước Việt Nam, đặc biệt trong thời đại kinh tế trí thức ngày nay.
Bài:
Phương Ánh
Thiết kế:
Hương Xuân
CHUYỆN KHÓ TIN Ở MỘT THINK TANGK VIỆT NAM ĐƯỢC THẾ GIỚI XẾP HẠNG
VƯƠNG DIỆU QUÂN /CafeF 23-8-2018
Doanh nghiệp Mỹ “đỡ đầu” cho các hoạt động nghiên cứu của think tank. Chính phủ Trung Quốc có chính sách đầu tư mạnh cho viện nghiên cứu để quảng bá sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Trong khi đó, think tank Việt Nam chỉ có thể “nằm mơ” với các điều kiện tương tự.
Theo Báo cáo xếp hạng think tank toàn cầu năm 2017 (2017 Global Go to think tank index report) được xây dựng bởi TTCSP Đại học Pensylvania, Viện nghiên cứu châu Mỹ (Việt Nam) xếp thứ 97 (tăng 2 bậc so với năm 2016) trong Bảng xếp hạng think tank hàng đầu Đông Nam Á. 
Chung quanh câu chuyện thứ hạng của viên nghiên cứu của Việt Nam trong bảng xếp hạng thế giới, PGS.TS Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ (VIAS) đã nhắc đến những mô hình thu hút vốn đầu tư mà think tank Việt Nam chưa bao giờ có được.
Chuyện khó tin ở một think tank Việt Nam được thế giới xếp hạng - Ảnh 1.
2017 là năm thứ hai Viện nghiên cứu châu Mỹ có tên trong Bảng xếp hạng Think tank hàng đầu Đông Nam Á. Ông nhận định như thế nào về thứ hạng của Viện? 
Tôi rất bất ngờ với xếp hạng của TTCSP Đại học Pensylvania. Dù xếp hạng 97 tăng 2 bậc so với năm trước nhưng ít nhất, việc xuất hiện trong Bảng xếp hạng này cũng thể hiện sự ghi nhận của quốc tế đối với Viện nghiên cứu châu Mỹ trong quá trình hội nhập khoa học. 
Mặc dù vậy, cần thừa nhận rằng năng lực của Viện hiện nay cũng ở mức độ tương đối vừa phải. Trong thời gian qua, chúng tôi cố gắng làm sao có những hoạt động nghiên cứu gắn với những vấn đề quốc tế và thúc đẩy những vấn đề đó lên. Báo cáo điều tra, đánh giá bước đầu theo cách nghiên cứu chung của quốc tế. Thứ hai là Viện cũng bắt đầu đưa ra được những xuất bản quốc tế.

Chuyện khó tin ở một think tank Việt Nam được thế giới xếp hạng - Ảnh 2.
Vì sao ông dùng từ “tương đối vừa phải” khi nhận xét về Viện của mình? 
Khi so sánh với các think tank tương tự tại nước ngoài, tôi phải thừa nhận là đội ngũ của họ tốt hơn Viện rất nhiều. Tôi đã sang Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS – Hoa Kỳ). Chuyên gia của họ có khả năng phân tích rất tốt và có thể phân tích ngay những vấn đề đang diễn ra trên thế giới. 
Điều thứ hai, think tank của họ là nơi kết nối và họ có thể mời ngay chuyên gia đến thảo luận. Mỗi tuần, CSIS tổ chức các loại sự kiện. Ở đó, bạn có thể vào để thảo luận vấn đề năng lượng, quan hệ Mỹ - Trung, an ninh hàng hải,… Chuyên gia phân tích sâu sắc và các chương trình còn được live stream. 
Trong khi đó, Viện nghiên cứu châu Mỹ tổ chức được 3-4 sự kiện như thế mỗi năm đã là thành công lắm rồi. Hội thảo nhỏ thì nhiều, nhưng để thực sự ghi dấu ấn thì một năm chỉ tổ chức được 3-4 sự kiện, vì kinh phí dành cho việc này không có nhiều, mỗi năm Viện chỉ được ngân sách cấp cho vài trăm triệu đồng.

Chuyện khó tin ở một think tank Việt Nam được thế giới xếp hạng - Ảnh 3.
Nguồn đầu tư nào cho những hoạt động như vậy của think tank? 
Khi nền kinh tế phát triển, thương mại quốc tế gia tăng, các công ty bắt đầu quan tâm đến việc đầu tư vào đâu, môi trường đầu tư như thế nào. Nhưng cái họ lo lắng nhất là vấn đề an ninh. Đâu tư vào đó liệu có xảy ra vấn đề gì không. Điều thứ hai họ quan tâm về nơi đầu tư là ai sẽ trở thành người đứng đầu đất nước, chính sách của người mới là gì. Từ những dữ liệu này, doanh nghiệp mới lập ra chiến lược đầu tư. 
Do đó, các công ty “đỡ đầu” những viện nghiên cứu và tài trợ hoạt động của viện. Đấy là một kênh hút vốn rất quan trọng. Ví dụ như Viện nghiên cứu chiến lược của Hàn Quốc do một doanh nghiệp thành lập và đầu tư hàng tỷ USD cho hoạt động của viện. 
Ở Trung Quốc, các viện nghiên cứu được đầu tư cực mạnh, từ thời điểm nước này công bố sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Họ tổ chức rất nhiều hội thảo quốc tế, mời diễn giả từ nhiều nơi trên thế giới. Tôi không nói là Chính phủ đầu tư hoàn toàn, nhưng họ có chủ trương đầu tư cho việc đó. Một mặt là quảng bá cho “Vành đai và Con đường”. Mặt khác là hỗ trợ những chương trình khác để đẩy mạnh giao lưu quốc tế.

Chuyện khó tin ở một think tank Việt Nam được thế giới xếp hạng - Ảnh 4.
Còn Việt Nam thì gần như chưa có công ty nào quan tâm đến viện nghiên cứu. Một là, năng lực nghiên cứu của viện nghiên cứu Việt Nam còn lẹt đẹt. Hai là, quan tâm của doanh nghiệp đối với các lĩnh vực nghiên cứu có hỗ trợ hoạt động cho họ chưa nhiều. Đa phần các công ty Việt Nam mới chỉ nghĩ đến chuyện xuất khẩu được các lô hàng. Còn chiến lược đầu tư thì chưa làm, trái ngược với những công ty quốc tế. 
Những viện nghiên cứu quốc tế làm được việc đó nên hút được nguồn tiền của doanh nghiệp, còn viện nghiên cứu Việt Nam hiện nay chủ yếu trông vào ngân sách Nhà nước. Đây cũng là thực trạng chung ở những nước kém phát triển. 
Làm sao để viện nghiên cứu giữ được tính trung lập nếu nhận nguồn tài trợ từ doanh nghiệp? 
Nếu nhận tài trợ của doanh nghiệp thì không lo lắm về câu chuyện bảo đảm tính trung lập. Như tôi vừa nói, họ cần những phân tích thật sự khách quan, đúng diễn biến và có cơ sở trước khi tiến hành đầu tư.
Chuyện khó tin ở một think tank Việt Nam được thế giới xếp hạng - Ảnh 5.
Được tổ chức quốc tế đánh giá, xếp hạng nhưng VIAS khá “kín tiếng” trên truyền thông. Vì sao như vậy? 
Thực tế, quan điểm của Viện vẫn được trao đổi trong các hội thảo. Trong những nhóm nhỏ như vậy nhưng việc đề cập đến các vấn đề còn rất nhiều điều phải cân nhắc, suy nghĩ,… cho nên việc tham gia công bố ở diễn đàn lớn hơn là khá khó. Nội dung nghiên cứu nhạy cảm, có nhiều điều chưa chưa thể công bố. Ví dụ như Việt Nam cần ứng biến như thế nào trong quan hệ với Mỹ và các nước,… điều này rất nhạy cảm. 
Về con người, cán bộ của Viện cũng tham gia vào các hội thảo quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung, quan hệ giữa Việt Nam với các nước đang có những biến động rất nhiều. Những vấn đề như vậy cần con người có “độ chín” để tham gia. Thứ hạng 97 là một đánh giá chính xác vì Viện mới chỉ bắt đầu tham gia, chứ vững vàng với lực lượng đông đủ thì chưa. Chúng tôi còn yếu.

Chuyện khó tin ở một think tank Việt Nam được thế giới xếp hạng - Ảnh 6.
Nếu vậy, Viện đã truyền tải kết quả nghiên cứu như thế nào? 
Có nhiều kênh để truyền tải kết quả nghiên cứu mà báo chí chỉ là một kênh. Cách thứ hai là tổ chức hội thảo và mời các chuyên gia từ nhiều nơi khác nhau. Qua tiếng nói của cán bộ Viện và chuyên gia thì thông tin được truyền tải đến người quan tâm hoặc người làm chính sách. Những cơ quan hoạch định chính sách có thể lắng nghe các luồng quan điểm, còn việc đưa vào chính sách hay không vẫn là việc của họ. Nhưng dù sao kênh đó là qua trọng với các học giả. 
Cách thứ ba là viết báo cáo kiến nghị, trực tiếp gửi lên các cơ quan chức năng của Nhà nước. Về việc này, Viện đang thực hiện qua kênh chính thức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Cơ quan khoa học làm tư vấn và phản biện chính sách chứ không hoạch định chính sách.  
Chúng tôi đều viết báo cáo về những nội dung nghiên cứu có tính dài hơi hoặc những vấn đề thời sự, cấp bách như khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, tình hình Biển Đông,… Đây là hướng mà cả Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam làm mạnh trong nhiều năm gần đây.
Có khó khăn nào trong việc thực hiện những nghiên cứu về những vấn đề thời sự không? 

Chuyện khó tin ở một think tank Việt Nam được thế giới xếp hạng - Ảnh 7.
Khi diễn ra căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, một cơ quan cấp cao đã đề nghị Viện phân tích về chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ. Các báo cáo như thế gửi đi thông qua Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và được phản hồi tích cực về chất lượng, có tính khoa học, kịp thời và có sộ sâu. Đó là nghiên cứu lâu nay của Viện nên có thể viết báo cáo được ngay.
Nghiên cứu về biển Đông được thực hiện từ năm 2014. Hiện nay, Viện đang có một nghiên cứu nữa về chính sách của Mỹ ở Biển Đông đang ở giai đoạn triển khai nên chưa thể nói về kết quả. Những thông tin về Biển Đông tương đối phổ biến, đặc biệt là chính sách của Mỹ. 
 Cái khó đối với nghiên cứu hiện nay chính là những vấn đề giữa Trung Quốc với các nước ASEAN. Như đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biên Đông (COC), nội dung đàm phán rất khó tiếp cận. Nghiên cứu mà khi không có thông tin về chuyện đó thì rất khó. Đó cũng là điều người nghiên cứu phải chấp nhận.

Chuyện khó tin ở một think tank Việt Nam được thế giới xếp hạng - Ảnh 8.
Trong bối cảnh thiếu các nguồn đầu tư cho nghiên cứu, làm thế nào để phát triển Viện? 
Đây đúng là một câu chuyện quá khó. Chính vì vậy, một số cán bộ của Viện đã chuyển ra bên ngoài làm, khiến chảy máu chất xám. Các viện ở đây (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cũng trong tình trạng chung như thế. 
Muốn làm nghiên cứu và ổn định được phải mất từ 10-15 năm. Làm nghiên cứu một cách quyết tâm mới vượt qua được giai đoạn đó và có những cơ hội để tự sống được. Trong những năm đầu để tự sống bằng tiền nghiên cứu là khó. Những bạn không chịu được giai đoạn đó sẽ phải chuyển sang khu vực doanh nghiệp hoặc tự làm thêm kiếm sống. Làm nghiên cứu ở Việt Nam rất gian nan. 
Tôi cho rằng quan trọng nhất vẫn là nâng cao uy tín của Viện. Từ đó mới vượt qua được ngưỡng và hy vọng sau này sẽ dễ dàng hơn. Mình bây giờ cũng đang động viên mọi người làm chuyện đó.
 
Vương Diệu Quân
 
Hải Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét