Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2018

20180803. BÌNH LUẬN VỀ ÔNG TRƯƠNG MINH TUẤN

ĐIỂM BÁO MẠNG
TRƯƠNG MINH TUẤN ĐI ĐÂU VỀ ĐÂU ?

BÙI QUANG VƠM/ BVN 2-8-2018
Kết quả hình ảnh cho trương minh tuấn bị kỷ luật

Theo các báo Việt Nam, vào ngày 16/7, Bộ Chính trị bố trí lại công việc cho ông Trương Minh Tuấn, một ủy viên Trung ương Đảng, tạm miễn chức Bộ trưởng bộ 4 T, nhưng quay về nhận phân công công việc tại Ban Tuyên giáo Trung ương.
Trở lại Ban Tuyên giáo Trung ương sau hơn 4 năm, ông Trương Minh Tuấn bày tỏ lời "cảm ơn tập thể lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương đã dang rộng vòng tay để đón ông trở về" (ai đón?!)
Ông nói, “vốn từng là bộ đội, ông xin hứa thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao với 'tinh thần của người lính’, và nói ‘dù có ngã gục ở đâu thì tiếp tục đứng dậy ở đó’”.
Bộ đội gục ngã rồi đứng dậy! Ông Tuấn bị bắn ngã, nhưng lại đứng dậy tiếp tục những hành vi mình vẫn làm, vừa làm, và đang làm? Có phải ông Tuấn muốn nói vậy không?
Ăn cắp tiền dân, tiền nước bị bắt quả tang mà dám tự ví là bộ đội gục ngã, thì ra cướp đoạt tài sản quốc gia, biển thủ tiền của dân của nước là một chiến trường để các ông “bộ đội cụ Hồ” đánh chém, giành giật, chia chác với nhau, rồi khi ngã lại tiếp tục đứng dậy đánh tiếp, cướp tiếp, giật tiếp? Ai bắn gục ông, kẻ thù đã bắn ông là ai, ông lại đứng dậy, lại cầm súng bắn ai? Tư duy của một ông Bộ trưởng Bộ Báo chí tuyên truyền thời cộng sản thật là một loại bệnh.
Nhưng chuyện ông về lại Ban Tuyên giáo là chuyện phức tạp, chuyện của một giai đoạn phức tạp, gọi là giai đoạn khủng hoảng suy thoái của Đảng CS cầm qyền.
- Vì có hai khả năng, một là, do đảng không còn người làm tuyên giáo nữa. Bây giờ, những người có chút văn hoá, những người còn chút tự trọng, có chút học thức thật, chẳng còn ai nhận làm tuyên giáo nữa, buộc phải dùng lại con người ông Tuấn, một kẻ có tiếng tham lam, tiểu nhân, nhưng khét tiếng sát thủ báo chí. Tuấn cùng Bắc Son chỉ đạo tổ chức đấu thầu tư vấn định giá AVG với các cứ liệu bịa đặt. Tuấn ký quyết định mua AVG gây thất thoát gần 8000 tỷ đồng. Tuấn ra thông cáo báo chí phản bác quyết định của Thanh tra Chính phủ và kết luận của Ban kiểm tra trung ương. Tuấn chỉ đạo AVG hoàn trả toàn bộ số tiền nhận thanh toán của Mobifone nhằm xí xoá khi không thể trốn tội.Việc mua bán AVG của Mobifone là việc trộm cắp tài sản quốc gia một cách có ý thức, có tổ chức và có kế hoạch, với thủ đoạn và sự đồng loã của nhiều tổ chức, nhiều cá nhân, nhưng ông Tuấn tước giấy phép xuất bản, ông Tuấn tịch thu thẻ nhà báo, ông Tuấn ký quyết định đình bản, ông Tuấn chủ biên sách: ”Phòng chống tự diễn biến, tự chuyển hoá”.
Tuấn là loại người như vậy, tham lam, gian xảo và... đểu. Ăn cắp, nhưng khi chưa bị phát hiện, thì vừa cầm tiền, vừa liếm mép, vừa lên bục rao giảng đạo đức cách mạng, chửi bới suy thoái, chửi bới tự diễn biến, vừa vung gươm chém giết tự do báo chí. Thật là tởm lợm. một loại người như vậy mà còn là trung ương uỷ viên, sau khi bị bắt quả tang ăn cắp lại về hành nghề rao giảng và quản lý tư tưởng, đạo đức.
Có lẽ, khái niệm đạo đức cộng sản khác với khái niệm đạo đức chung của nhân loại. Tham nhũng, tha hoá, ăn cắp, cờ bạc, hiếp dâm, ấu dâm…, gì cũng được, miễn là chống lại Tam quyền phân lập, chống đa đảng đa nguyên, chống dân chủ, nhân quyền… đều đủ đạo đức để có thể vào đảng, rồi từ từ vào uỷ viên trung ương, uỷ viên Bộ chính trị. Trương Minh Tuấn là một loại khuôn mẫu điển hình, đặc trưng của nền đạo đức cộng sản XHCN.
- Còn khả năng thứ hai, chuyện về Ban Tuyên giáo của Tuấn lặp lại chuyện Đinh La Thăng về Phó Ban kinh tế Trung ương, chỉ là việc lôi ra khỏi “kén”, để cơ quan điều tra làm nốt việc khởi tố bắt giam. Tội làm thất thoát gần 8000 tỷ đồng của ngân quỹ quốc gia là khung tội tử hình. Quy trình sẽ luôn là kỷ luật đảng, Quốc hội bãi tư cách đại biểu, Viện kiểm sát khởi tố, Công an bắt giam, cuối cùng là vào tù bằng phán xét của Toà.
Trương Minh Tuấn thừa biết quy trình này, nhưng trong đầu ông ta vẫn lởn vởn một loại ảo ảnh. Trong lịch sử các Bộ trưởng Tuyên truyền, chưa bao giờ Tổng bí thư đảng có được một nô bộc mẫn cán, trung thành, ầm ĩ và khát máu tự do báo chí và dân chủ như Trương Minh Tuấn. Chưa bao giờ số nhà báo bị tước giấy phép, số toà báo bị đình bản nhiều như thời dưới tay Trương Minh Tuấn. Dư luận gọi họ Trương là sát thủ của báo chí, đồ tể của tự do ngôn luận.
Cũng chưa bao giờ có một Bộ trưởng lại hiểu thấu đáo lập trường chuyên chính vô sản, ý nguyện và thèm khát bịt miệng dân chúng của Tổng bí thư đảng đến như Bộ trưởng Tuấn.
Nhưng việc một tên ăn cắp tới ngàn tỷ đồng của công quỹ mà thoát án tử hình, trong khi một đứa bé chỉ ăn cắp một chiếc bánh mì phải chịu án ba năm, là một việc không một loại xã hội nào có thể chấp nhận. Dù ông Tổng bí thư có tiếc nuối, có che chắn, Trương Minh Tuấn không thể tiếp tục hành nghề Tuyên giáo. Với cái cốt trộm cắp đã bị lột tẩy, Tuấn không thể rao giảng đạo đức được nữa. Cho nên, chắc chắn, chuyện về nhận việc tại Ban Tuyên giáo, chỉ là chuyện ngồi chờ ra Toà. Ông Trọng là người luôn săn sóc, lau chùi chỗ ngồi của mình, nên tưởng cũng đừng quá ảo tưởng.
Có điều, với chính bản thân chế độ đang tồn tại như một nghịch lý, thì mọi chuyện có thể phi lý, đều phải phi lý và thậm chí buộc phải phi lý.
Ông Tân bộ trưởng 4 T Nguyễn Mạnh Hùng, gần 20 năm làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel có thể khác ông Tuấn Không? Đương nhiên là khác. Mỗi ông một đường đi, mỗi ông một kiểu thành đạt. Nhưng, cùng ở trong một guồng máy, ăn cùng mâm, gắp đồ ăn bằng cùng một loại đũa, có khác chỉ là khác vỏ.
Theo ông Phạm Quý Thọ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ từ Học viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, “các ông lần lượt thăng tiến theo đúng quy trình, nên thường là sự tiếp tục của người đi trước, làm cho xong những gì người trước đang còn dở dang”. Ông Tuấn vốn là Thứ trưởng của ông Nguyễn Bắc Son, người trước thảo quyết định, người sau ký quyết định, và bây giờ cả hai cùng ngồi đợi vào tù. Cho nên, chuyện đúng quy trình mà có người tiếp theo sạch hơn người đi trước là chuyện phi lý.
Viettel nổi tiếng là một Tập đoàn siêu đặc quyền. Và bằng siêu đặc quyền, Viettel không khó để tạo ra siêu lợi nhuận. Và từ siêu lợi nhuận, thì không khó để thấy các ông chủ của nó có siêu quyền lực.
Không phải tự nhiên mà cả Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phản bội lại cam kết đã lăn tay của mình, rồi cả thanh tra thành phố cam đoan 157 ha đất nông nghiệp đồng Sênh của xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức là đất quốc phòng, của Tập đoàn truyền thông Viettel, do ông Nguyễn Mạnh Hùng làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc.
Ban kiểm tra Trung ương cũng vừa kết luận vụ đánh bạc công nghệ cao tại Phú Thọ dưới sự bảo kê của Trung tướng Tổng cục trưởng an ninh mạng bộ Công an, anh hùng các lực lượng vũ trang Phan Văn Vĩnh có sự liên quan, dính líu của Viettel, Mobifone và Vinaphone.
Nếu yêu cầu ông Nguyễn Mạnh Hùng khai báo tài sản, thì chắc chắn, “lại cũng ‘khủng’ tới mức không thể công khai được”!
Không biết việc đưa ông Hùng về làm Bộ trưởng có phải là mưu kế “đưa lên” không? Bộ trưởng là cấp cao hơn, nhưng “mồi” thì không hơn. Lên vừa để bỏ chỗ lại cho người khác, vừa để tiện điều tra, nhưng lại cũng vừa để Thủ tướng đoạt lại lực lượng báo chí. Khó biết được, thực chất là gì.
Vụ ông Tuấn cho người ta một nhận định rằng, lúc một quan chức của đảng hùng hổ, hung hăng và ầm ĩ nhất, là lúc ông ta đã bị lộ chân tướng. Ầm ĩ để che đậy và tung hoả mù, hung hăng để răn đe và trấn áp. Hãy truy tìm những kẻ to mồm chống tham nhũng nhất, không cần chờ dư luận, đảm bảo chính xác 100%.
Lại có ý kiến nói rằng, cách gợi ý và giới thiệu địa chỉ tốt nhất cho chuyện “chạy” chính là đàn áp và chứng tỏ quyền lực. Sợ mới phải chạy, và chạy thì phải chọn kẻ có quyền.
Nhưng dù sao thì chuyện ông Tuấn cũng là một tấm gương chứng minh luật nhân quả nhãn tiền. Ác giả, ác báo. Chả phải là đảng trong sạch gì, nhưng trời thì luôn có mắt. Chuyện “ăn mặn” của ông Tuấn không phải chờ tới đời con ông Tuấn mới “khát nước”.
Chuyện ông Trọng đang lo là chuyện chuẩn bị nhân sự cho đại hội XIII. Nói như ông Phạm Quý Ngọ thì tất cả các vụ đại án đều là sản phẩm của giai đoạn trước. Nhưng ai là người của giai đoạn này không phải sinh ra và kế tục của giai đoạn trước.
Ông Nguyễn Sinh Hùng đã không giấu giếm, khi ngay từ 2010, đã nói: Hôm nay thấy sai một chút chỗ này, "cách chức, kỷ luật ", ngày mai thấy sai chỗ kia, "cách chức, kỷ luật", rồi lấy đâu ra người mà làm việc, các đồng chí?”
Như vậy thì chuyện Hội nghị trung ương 7 vừa rồi thất bại chỉ là chuyện “đúng quy trình”. Hai Uỷ viên Bộ chính trị khuyết chỗ, không thể bầu bổ sung, trong khi dự kiến bãi miễn hai Uỷ viên Bộ chính trị khác không thực hiện được. Danh sách trung ương khoá tới, bây giờ, vẫn để trống gần một nửa.
Ông Trọng cố tiếp tục phất cờ chống tham nhũng để tạo thế cưỡi trên lưng hổ, không thể nhảy xuống và cũng chẳng ai thiết/dám lên thay. Bỏ quy định trần tuổi và giới hạn nhiệm kỳ, ông Trọng có thể chiếm thêm một nhiệm kỳ nữa, nhưng, thần thiêng nhờ bộ hạ, ông làm việc với ai? Ai làm việc với ông?
Thiên hạ người ta nói, “những ông đảng đang chuẩn bị đề bạt, chỉ là những kẻ chưa bị bại lộ, giao chức quyền rồi mới phát hiện, lại cho bãi chức, điều tra rồi bỏ tù”. Cho nên 200 ông trung ương đương nhiệm, không ông nào không dính, không lẽ bỏ đi hết, mà đưa các ông mới vào, làm sao biết ông nào dính, ông nào không ?!
Mà nếu vẫn cứ chống Tam quyền phân lập, chống tự do báo chí, chống tự do ngôn luận, thì giả sử có người chưa kịp ‘dính’ rồi cũng thành ‘dính’.
Ông Trọng trăm tuổi thì đảng mới yên được.
1/8/2018
B.Q.V.
Tác giả gửi BVN

VÌ SAO TỔNG TRỌNG 'TÁI CHỈ ĐỊNH' TRƯƠNG MINH TUẤN LÀM  PHÓ BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG ?

THIỀN LÂM/ BVN 3-8-2018

Chỉ vài ngày sau khi Trương Minh Tuấn phải nhận thông báo bị ‘thôi giữ chức’, mà thực chất là bị cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), đồng nghĩa với việc bị cách chức Bộ trưởng Bộ này, vì sao lại thêm một quyết định chỉ định Trương Minh Tuấn làm Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương?
Bởi vào tháng Tám năm 2016 ông Tuấn đã được Nguyễn Phú Trọng chỉ định ngồi vào cái ghế ấy kiêm chức Bộ trưởng TT-TT.
Phải chăng ông Trọng sợ rằng hai năm qua công luận đã quên bẵng Trương Minh Tuấn là người của Ban Tuyên giáo trung ương, nên hai năm sau phải công bố một quyết định mới nhằm ‘tân trang’ cho nhân vật này?
Cái ghế Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương phải chăng là động tác vớt vát ‘thể diện và uy tín’ cho Trương Minh Tuấn?
Vào đầu tháng Bảy năm 2018, cái cách ‘cảnh cáo Trương Minh Tuấn’ – mà vai trò ‘tổng đạo diễn’ hiển nhiên thuộc về Tổng bí thư Trọng – đã khiến người ta dễ hình dung hơn về một chủ ý, hay sâu xa hơn nữa là một thâm ý của ông Trọng trong sách lược phân biệt đối xử giữa ‘củi nhà’ và ‘củi rừng’ cùng tương lai chiến dịch ‘chống tham nhũng’ của ‘Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’.
Cái cách kỷ luật trên có vẻ giống như một kiểu ‘đánh bùn sang ao’ để cứu vớt Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn khỏi phải theo chân cựu Ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng vào tù.

https://www.baocalitoday.com/wp-content/uploads/2018/08/trong.png
Tình cảm ưu ái của Nguyễn Phú Trọng (phải) dành cho Trương Minh Tuấn (trái) là khá rõ. Ảnh: Tin tức hàng ngày
Kết quả kỷ luật trên cũng xác nghiệm mối lo ngại của dư luận ngay trước đó về việc Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đã ‘chạy án’ và thoát tội là có cơ sở.
Tình cảm ưu ái của Nguyễn Phú Trọng dành cho Trương Minh Tuấn là khá rõ, khác hẳn với trường hợp Đinh La Thăng, dù Trương Minh Tuấn ‘ứng’ với Đinh La Thăng bởi tính chất ‘rất nghiêm trọng’ trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Vào tháng Năm năm 2016, ngay sau khi bị kết luận ‘rất nghiêm trọng’ vào thời kỳ còn là chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, bị kỷ luật và phải rời hai cái ghế Ủy viên Bộ chính trị lẫn Bí thư Thành ủy TP.HCM quá màu mỡ, dù được chỉ định làm Phó trưởng ban Kinh tế trung ương, nhưng vụ Thăng bị khởi tố và tống giam bảy tháng sau đó đã khiến lộ rõ ý đồ của Nguyễn Phú Trọng: đưa Thăng về Ban Kinh tế trung ương là do ‘biện pháp tình thế’, tức Tổng Trọng chưa thể ‘xử’ Thăng ngay vào thời điểm đó, mà chỉ để tạm tại Ban Kinh tế trung ương như một cách ‘nhốt quyền lực vào lồng’, chờ cơ hội thuận lợi sẽ tống Thăng vào ‘lò’.
Còn Trương Minh Tuấn từ năm 2016 đã nổi lên như một ngôi sao sáng trên chính trường Việt Nam với thành tích lặp đi lặp lại không biết ngán ngẩm công cuộc ‘chống tự diễn biến, tự chuyển hóa’ của người thầy Nguyễn Phú Trọng. Về mặt tư tưởng hệ và cách thức giáo điều, Trương Minh Tuấn hiển nhiên đã tỏ ra đồng cảm tuyệt đối với nhà mác xít Nguyễn Phú Trọng và dành được thiện cảm của ông Trọng.
Trương Minh Tuấn cũng là nhân vật được một số dư luận xem là ‘sát thủ báo chí’, nắm giữ quyền sinh quyền sát đối với gần hết khối báo chí nhà nước, cũng là người đặc biệt tỏ ra ‘cực đỏ’ và ‘kiên định chủ nghĩa xã hội’ từ năm 2016 khi chính thức nhậm chức Bộ trưởng Bộ TT-TT.
Không chỉ cần thiết cho Nguyễn Phú Trọng trong chủ trương kiên định ‘chống tự diễn biến, tự chuyển hóa’, Trương Minh Tuấn còn có thể trở thành nhân vật khó có thể thay thế vào lúc này khi luật An ninh mạng đã được một Quốc hội ‘nghị gật’ cắm đầu bấm nút thông qua và một Tổng bí thư muốn ‘vận dụng’ luật này để ‘bảo vệ chế độ’ và áp chế mọi tiếng nói khác biệt chính kiến. Trương Minh Tuấn chính là công cụ đắc lực để một đảng toàn trị và độc đoán được bảo vệ và kéo dài hơi thở phập phù ngày nào hay ngày nấy.
Khác hẳn ‘củi rừng’ Đinh La Thăng mà đã bị Nguyễn Phú Trọng sẵn lòng xử án tù giam đến 31 năm, Trương Minh Tuấn lại là một dạng ‘củi nhà’, để dù có bị kỷ luật và bị cách chức thì vẫn có thể ‘hạ cánh an toàn’.
Nhưng Trương Minh Tuấn cũng bị nghi ngờ rất lớn về ‘âm mưu chia chác’ bởi nhân vật này đã trực tiếp ký phê duyệt hợp đồng ‘Mobifone mua AVG’ khi còn là cấp phó cho Nguyễn Bắc Son, để Lê Nam Trà của Công ty Mobifone ký hợp đồng mua Công ty AVG.
Trương Minh Tuấn cũng là quan chức bị đồn đoán rất nhiều về việc đã nhận một ngôi biệt thự trị giá hàng triệu USD của Phạm Nhật Vũ – em trai của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và là một trong những kẻ chủ mưu vụ AVG nhưng cho tới nay vẫn không hề xuất hiện tên tuổi trong kết luận thanh tra của Thanh tra chính phủ về vụ AVG cũng như trong công bố khởi tố và bắt giam của Bộ Công an.
Giờ đây, quan chức nhúng chàm Trương Minh Tuấn lại nghiễm nhiên trở thành sếp của hơn 800 tờ báo nhà nước và có quyền răn dạy về ‘đạo đức cách mạng’.
Trong chiến dịch được xem là ‘chống tham nhũng’ của Nguyễn Phú Trọng, vụ ‘Mobifone mua AVG’ và cá nhân Trương Minh Tuấn được dư luận đặc biệt chú tâm. Giờ đây khi tất cả mọi người chứng kiến ông Trọng xử vụ Trương Minh Tuấn quá nhẹ nhàng theo cách ‘đập chuột sợ vỡ bình’, điều được ông Trọng tuyên xưng là ‘chống tham nhũng không có vùng cấm’ sẽ hoàn toàn vô giá trị trong con mắt thế thái nhân tình, còn tất cả những tụng danh dành cho ông Trọng như ‘Sỹ phu Bắc Hà’, ‘Minh quân’, ‘Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ và gần đây nhất là ‘Người đốt lò vĩ đại’ sẽ chỉ còn gió thoảng mây bay và chẳng còn nghĩa lý gì nữa.
T.L.
VNTB gửi BVN

ÔNG TRƯƠNG MINH TUẤN LÀM 'THẦY DÙI' CHO BỘ CHÍNH TRỊ

THẢO VY/ BVN 1-8-2018

Ông Trương Minh Tuấn sẽ làm gì khi ngồi vào ghế Phó ban chuyên trách Ban Tuyên giáo Trung ương?
Chiều ngày 27-7-2018, tại Ban Tuyên giáo Trung ương diễn ra hội nghị triển khai quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ. Theo đó, ông Trương Minh Tuấn, nguyên bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông vừa bị Chủ tịch Nước ký quyết định đình chức, đã được Bộ Chính trị phân công làm Phó ban Chuyên trách Ban Tuyên giáo Trung ương.
Chuyên nghề thầy dùi
Dân gian gọi là ‘thầy dùi’ đối với người chuyên kiếm chuyện để xúi giục người này người khác gây xích mích, mâu thuẫn với nhau, để mình ở giữa kiếm lợi. ‘Thầy dùi’ hiểu theo nghĩa tốt đẹp hơn, đó có thể là người chuyên tham vấn, tư vấn cho đối tượng nào đó. Ở đây, theo quy định nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì ông Trương Minh Tuấn trên cương vị Phó ban chuyên trách (chưa rõ ông chuyên trách về vấn đề gì?), sẽ làm ‘thầy dùi’ cho ông Nguyễn Phú Trọng, tức người đứng đầu Bộ Chính trị.
Ban Tuyên giáo Trung ương có các quyền lực được ghi tại Quyết định số 80-QĐ/TW của Bộ Chính trị, ban hành ngày 28-8-2007. Theo đó, “Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, về chủ trương, quan điểm và chính sách của Đảng trong lĩnh vực tuyên truyền, báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo và một số lĩnh vực xã hội; đồng thời là cơ quan chuyên môn - nghiệp vụ về các lĩnh vực công tác này của Đảng” (trích Điều 1).
Đi vào cụ thể, một trong những nhiệm vụ được Bộ chính trị giao là “Nghiên cứu tình hình tư tưởng trong Đảng và trong xã hội, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, nội dung, giải pháp xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng” (trích Điều 2.1). Nôm na, Ban Tuyên giáo Trung ương là một thứ cảnh sát chìm chuyên xoi mói, giám sát về quyền tự do ngôn luận, quyền suy nghĩ của các đảng viên.
Ông Trương Minh Tuấn liên quan đến vụ án Mobifone – AVG đã được khởi tố điều tra, nên theo đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bằng quyền lực Chủ tịch Nước, ông Trần Đại Quang đã ký quyết định tạm đình chỉ chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Xét về mặt Hiến pháp, ông Trương Minh Tuấn là một công dân... chưa có tội. Còn nếu căn cứ theo các quy định về tố tụng hình sự, thì ông Trương Minh Tuấn là đối tượng nằm trong diện nhận… “giấy triệu tập”. Nay, ông Trương Minh Tuấn được ‘cắt kiêm nhiệm’, để ngồi hẳn vào ghế ‘ông phó trùm’ của cơ quan ‘mật vụ tư tưởng’, thì liệu các điều tra viên trong vụ án Mobifone – AVG có thể làm tốt phận sự của mình? Bởi khác hẳn nếu so ông Đinh La Thăng ngồi vào ghế Phó Ban Kinh tế Trung ương vốn chỉ là hữu danh vô thực.
Liệu ông Trương Minh Tuấn có dùi vào tai ông Tổng Bí thư rằng ở đây AVG thuộc gia đình của Tập đoàn Vingroup, nếu tiếp tục ‘khui sâu’ vào đó sẽ gây ảnh hưởng đổ vỡ dây chuyền hàng loạt cổ phiếu trên sàn của Vingroup, bao gồm cả việc đe dọa phá sản dự án sản xuất xe hơi thương hiệu Việt đình đám…
Báo chí sẽ bị ‘bịt miệng’ triệt để hơn?
Ngay khi thông tin Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội nghị triển khai quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ, phân công ông Trương Minh Tuấn làm Phó ban chuyên trách Ban Tuyên giáo Trung ương, thì làng báo Sài Gòn tin rằng rồi đây báo chí sẽ tiếp tục đối mặt với đe dọa đình bản, thậm chí cả việc bị thu hồi giấy phép, đóng cửa luôn tờ báo như từng xảy ra với báo Sài Gòn Tiếp Thị.
Cựu Tổng Biên tập báo Thanh Niên, ông Nguyễn Công Khế nói rằng bộ ba Đinh Thế Huynh, Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn chính là những người đã hạn chế quyền tự do báo chí ở Việt Nam thông qua cái gọi là bản đề án quy hoạch báo chí.
“Đề án quy hoạch báo chí mới này đã cố tình gạt ra rìa rất nhiều tờ báo có đông bạn đọc, kể cả tờ Thanh Niên và Tuổi Trẻ, với lý do Trung ương Đoàn và TP Hồ Chí Minh cũng chỉ nên có một tờ báo mà thôi. Hiến pháp đâu có quy định Hội - Đoàn nào là được xếp vào loại quan trọng để được cấp giấy phép cho xuất bản báo?.
Ông Nguyễn Công Khế (trái) trong một lần bắt tay Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (phải).
Quy hoạch lần này không đánh trúng được vào chỗ làm thế nào để báo chí Nhà nước đóng một vai trò tích cực hơn trong việc đưa đến người đọc những tin tức nóng hơn, trung thực và kịp thời hơn, ít vùng cấm hơn để lấy lại niềm tin từ đông đảo người đọc. Trái lại, nó có vẻ như bị lạc vào chỗ không cần thiết phải làm là tìm cách hạn chế quyền ra báo đối với các tổ chức Hội - Đoàn được Nhà nước cho phép hoạt động”. Ông Nguyễn Công Khế nhận xét.
Xem ra tiếng là ‘báo Nhà nước’ mà còn bị bóp nghẹt như than thở của ông Nguyễn Công Khế, thì vài tháng tới đây, khi Luật An ninh mạng có hiệu lực, ắt hẳn quyền tự do ngôn luận sẽ chỉ còn là thứ tự do nói theo ý Đảng, trong khuôn phép định hướng của Tuyên giáo Trung ương, từ ông ‘thầy dùi’ Trương Minh Tuấn chẳng hạn (!?).
T.V.
VNTB gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét