Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2018

20180818. BÌNH LUẬN VỀ HIỆN TƯỢNG 'THÍCH HỌC NGÀNH CÔNG AN'

ĐIỂM BÁO MẠNG
VIỆT NAM HÀNH TRÌNH  ĐẾN TỤT HẬU, LỤN BẠI ?

NGUYỄN ĐÌNH ẤM/ BVN 16-8-2018

Một quốc gia, vùng lãnh thổ tồn tại, phát triển do nhiều yếu tố nhưng  kinh tế, văn hoá vẫn là nền tảng.
Thời nguyên thuỷ, nô lệ, bộ tộc, bộ lạc hùng cường dựa vào sức mạnh cơ bắp, số đông với nền kinh tế hái lượm, săn bắn. Thời phong kiến dựa vào cơ bắp, kinh tế nông nghiệp, thủ công. Thời tư bản nhờ khoa học công nghệ thế hệ 1, 2, 3 (Cơ khí,  năng lượng, tin học...). Thời đại ngày nay là cuộc cách mạng 4.0, khoa học công nghệ số, trí tuệ nhân tạo.
Thế giới phát triển ban đầu nhờ lực lượng cơ bắp, tài nguyên, khoáng sản... nhưng càng về sau dựa vào trí tuệ con người để phát triển kinh tế. Trí tuệ con người lại phải dựa vào nền giáo dục có hưng thịnh hay không. Một nước muốn phát triển theo kịp thời đại phải phát minh, ứng dụng những ngành khoa học, công nghệ hiện đại mà VN cũng không ngoài quy luật.
Định hướng đến đặc quyền, đặc lợi
Thế nhưng, VN đã và đang đi ngược lại quy luật của tự nhiên, thời đại: Hành trình đến tụt hậu, lụn bại.
Không có quốc gia nào cần phát triển kinh tế, văn hoá mà điểm thi vào ngành công an, lại cao hơn các ngành phục vụ kinh tế, văn hoá. Điểm vào ngành giáo dục – ngành tạo ra trí tuệ và nhân cách con người, là động lực của sự phát triển thời nay – lại bết bát nhất, người thầy bị rẻ rúng, bệ rạc nhất. Nhiều năm nay điểm vào các trường sư phạm thấp cỡ “đội sổ”. Ngành Sư phạm Ngữ văn trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai khoá này chỉ có 4 thí sinh gửi nguyện vọng và có 9 ngành không tuyển được thí sinh nào. Hàng vạn giáo viên các cấp đang sống vật vờ trong sự nghèo khó, bất trắc, thất nghiệp, dạy hợp đồng với thù lao rẻ mạt...
Ngược lại với ngành sư phạm và các ngành khác, điểm chuẩn vào ngành công an luôn cỡ cao nhất. Một suất vào biên chế công an theo dư luận rộng rãi trung bình từ 500 triệu đến một tỷ đồng tuỳ địa phương, “chỗ ngồi”, cấp, chức. Năm trước người ta chào vào công an nghĩa vụ 300-350 triệu đồng/suất. Có chuyện, một cháu quê Hoà Bình tốt nghiệp Học viện Tài chính, tu nghiệp Anh quốc về xin vào một ngân hàng ở Hà Nội nhưng mỗi tháng cơ quan giao phải đòi nợ 2,5 tỷ đồng. Không thể “trụ” được, gia đình phải bỏ ra 700 triệu đồng để vào làm kế toán viên của một đơn vị công an. Vì khao khát vào ngành CA nên phần lớn những học sinh có nguyện vọng vào ngàng này ở Hà Giang đã được nâng điểm lên gần đến con số 10 mỗi môn. Hội đồng thi THPT năm nay ở tỉnh Lạng Sơn phải xếp  35 CSCĐ nghĩa vụ được đặc cách thi phòng riêng, phá vỡ truyền thống xếp thí sinh theo thứ tự và vần A,B,C (để bảo đảm ngẫu nhiên, khách quan, công bằng) từ xưa nay ở VN và thế giới. Phải làm thế để làm gì nếu không phải là quyết tâm sắt đá phải trở thành công an chuyên nghiệp “cao cấp”? Mỗi một môn khoa học có sự hấp dẫn riêng của nó. Tuy nhiên khoa học về nghề công an không thể hấp dẫn hơn những ngành truyền thống như kinh tế, toán, văn, sử, vật lý, địa, ngoại ngữ... Và chắc chắn ngành khoa học công an không phải là ngành có nội dung phổ biến hấp dẫn nhất.
Một ngành bản thân nó không phải hấp dẫn nhất, nhưng thiên hạ đổ xô vào đó, theo tôi là do sự định hướng của nhà cầm quyền. Nhà cầm quyền VN cũng như ông TBT đảng Nguyễn Phú Trọng không dấu diếm ưu tiên số một của các nguồn lực quốc gia mà công an là một nòng cốt là bảo vệ đảng, “còn đảng, còn mình”.
Do ưu tiên bảo vệ đảng trước tiên nên ngành công an được hưởng nhiều ưu tiên, ưu đãi mà ít ngành nào có. Một người vào học ở ngành công an không phải trả học phí, khi ra trường không  phải lo tiền tỷ chạy việc. Khi công tác hưởng các chế độ của lực lượng vũ trang, con cái đi học được miễn, giảm học phí, bản thân, người thân ốm đau được chữa bệnh miễn phí như gia đình quân nhân, khi xuất ngũ được bảo lưu lương, được trợ cấp nghỉ việc, chưa có nhà ở được xét cấp nhà ở, khi hy sinh thì thân nhân hưởng chế độ người có công, khi chết thân nhân được hưởng chế độ bảo hiểm XH, trợ cấp... Một công an bình thường cứ 3 năm được xét lên quân hàm một lần vì vậy lương, phụ cấp của một công an luôn tăng đều đặn không phụ thuộc yếu tố nào và cao hơn so với một chuyên viên nhà nước tương đương. Vì vậy, đời sống của công an luôn  vững chắc hơn những nhân viên khác cùng hoàn cảnh.
Tuy nhiên, những cái “hơn” kia của một công an chưa đáng gì so với những thứ lợi ích vô hình mà họ có được ở một xã hội nhiễu nhương. Khi trong gia đình, họ hàng có người làm công an thì không lo bị oan sai. Người, thế lực nào định xâm phạm lợi ích của ai đó thì phải “nhìn trước, ngó sau” nếu gia đình, họ hàng đối tượng có người làm công an thì hãy coi chừng. Mọi chuyện rắc rối trong XH đều do công an phán xét đầu tiên. Một người bị đánh chết hay người mất con gà trình báo cũng đều do công an, điều tra kết luận. Người thoát tội hay chết oan, lên “voi” hay xuống “chó” cũng do công an đầu tiên. Nếu một công an không có quyền trong địa bàn, lĩnh vực đó thì đã có đồng ngiệp, bạn bè của họ thay mặt. Đặc biệt, những gia đình có người làm công an (chức vụ càng cao càng hot) thì việc kinh doanh buôn bán khỏi lo bị chèn ép, ăn hiếp... Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam, thợ nhôm kính Phan Văn Anh Vũ… chỉ nhờ mấy anh tướng công an bảo kê mà kiếm hàng nghìn tỷ đồng, Vũ nhôm thoắt cái làm thượng tá tình báo, của cải vô biên. Nhiều gia đình kinh doanh nhất là ở vỉa hè không có người làm công an thì phải “thuê mướn” người bảo kê. Thời ông Nguyễn Đức Chung làm giám đốc công an Hà Nội, hầu hết lính của ông bảo kê các hộ, cơ sở kinh doanh. Người được công an ưu ái, bảo kê mới  được yên tâm làm ăn không lo côn đồ, trộm cắp, nhân viên thuế má, công an... “sờ gáy”. Kinh doanh nhà nghỉ mà không có bảo kê thì “sạt nghiệp bất cứ lúc nào”. Chỉ cần một con nghiện sốc thuốc chết ở nhà nghỉ mà công an tỏ ra “có vấn đề” lằng nhằng mãi không cho đem chôn thì “khỏi làm ăn”... Ai có người thân làm công an ra đường thì vững tâm, nếu bị tuýt còi chỉ cần a lô là hầu hết đồng nghiệp thông cảm...
Vừa qua cả loạt tướng soái công an khủng như thượng tướng Trần Việt Tân, Phan Văn Vĩnh, trung tướng Nguyễn Văn Hoá, Phan Hữu Tuấn, Bùi Văn Thành... bị lộ những hành vi dân không thể ngờ; 35 CSCĐ ở Lạng Sơn được đặc cách thi THPT phòng riêng; nhiều công dân chỉ “ngủ qua một đêm” thành tá công an... chứng tỏ quyền uy và sự lộng hành ở ngành này đến mức nào. Công an có đủ “tiếng, miếng”, phần lớn quan chức công an quận, huyện trở lên là những đại gia. Tỷ lệ quan chức từ phường xã đến trung ương, quốc hội gốc gác và là công an rất cao, những chức vụ quan trọng nhất trong chính quyền như bộ trưởng tư pháp, toà án tối cao... thường là từ công an.
Công an được trang bị những trang, thiết bị hiện đại nhất để chống biểu tình như xe cộ, máy phá sóng vô tuyến, máy phá màng nhĩ, tới đây công an xã là chính quy chuyên nghiệp, công an huyện được cấp xe tăng, máy bay...
Dư luận tôn vinh công an thuộc “đẳng cấp” cao nhất trong xã hội, thời “công an trị” là có lý?
Người ta đổ xô vào đây là lẽ đương nhiên.
Lãng phí, tụt hậu, lụn bại
Với một ngành chỉ có trách nhiệm bảo vệ một tổ chức đảng CS, an ninh trật tự xã hội mà thu hút những bộ óc thông minh, trí tuệ nhất (đủ điểm vào các trường ngành công an) trong khi các ngành làm nên sự hùng cường kinh tế quốc gia (như bách khoa, kinh tế quốc dân, giáo dục...) chỉ dành cho những trí tuệ tầm thấp thì quốc gia đó đã tình nguyện hành trình đến tụt hậu, lụn bại. Đặc biệt lãng phí là hàng nghìn, hàng vạn bộ óc tinh tuý, phương tiện đắt tiền được sung vào những việc chẳng nước nào có như “binh đoàn AK 47”, dư luận viên... chuyên lần mò dư luận xã hội để cãi vã nhăng quậy vô tích sự với những tiếng nói trái ý đảng CS.
Một số lớn nữa được sử dụng vào những sứ mạng không cần trí não như: Đi rình mò canh cổng khủng bố tinh thần, cản trở những người bất đồng chính kiến đi lại, người hay đi biểu tình ôn hoà bảo vệ tổ quốc, môi trường, hội họp...

Rình
Đánh dân


Bố ráp Văn Giang
Họ cũng chuyên đi yểm trợ doanh nghiệp trấn áp dân trong các tranh chấp dân sự, cướp đất, bảo vệ những đại gia BOT “trấn lột” (lời nguyên phó văn phòng QH Nguyễn Sĩ Dũng) dân... Những “côn đồ” hành hung dã man, đê hèn những người bất đồng chính kiến Trần Thị Nga, Nguyễn Chí Tuyến, Lê Mỹ Hạnh... cũng là những bộ óc tinh tuý? Bởi vì, tất cả những vụ hành hung lộ liễu ấy nhưng không vụ nào công an “giỏi nhất thế giới” tìm ra thủ phạm? Đặc biệt, những bộ óc tài năng được huy động vào những việc “không hiểu để làm gì” như hôm 21/4/2018 hai vụ tai nạn giao thông được “sáng tạo” ra để khủng bố, sách nhiễu, xúc phạm đại tá an ninh Nguyễn Đăng Quang, nhà giáo, nhà thơ Hoàng Hưng, nhà văn Nguyễn Nguyên Bình, TS Nguyễn Quang A, ThS Đào Tiến Thi... về thăm bà con Đồng Tâm. Từ hôm 20-22/4/2018 hai “trí tuệ cao” liên tục canh cổng rồi ngày 22/4 họ theo tôi đi thăm người ốm cả ngày ở mãi quận Từ Liêm không hiểu để làm gì? TS Nguyễn Quang A thường xuyên bị những bộ óc “đạt điểm cao” canh cổng hót lên ô tô chở đi vòng vèo cả ngày chỉ để TS không đi đến được một nơi nào đó. Cuộc đi nước ngoài nào về cũng bị “trí tuệ cao” câu lưu vô cớ...
Không biết bao nhiêu nghìn, vạn những trí tuệ đạt điểm cao nhất trong các kỳ thi THPT, đại học đã, đang thực hiện những sứ mạng hạ cấp?
Chỉ vì sự trường tồn của mình bằng bất kỳ giá nào mà đảng CS đã quá lãng phí những bộ óc tinh tuý của dân tộc còn dân ta thì đã bỏ phí vốn quý của một con người, gia đình, dòng họ chỉ vì mối lợi trần trụi trước mắt.
Rõ ràng Việt Nam đang rất lãng phí chất xám, thực hiện  hành trình đến tụt hậu, lụn bại.
N.Đ.A.
Tác giả gửi BVN

TẠI SAO KHÔNG DÁM 'ĐỐI THOẠI'

MẠNH KIM / BVN 18-8-2018

Các thành viên Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam. Ông Võ Văn Thưởng đứng thứ hai từ trái sang.
Ngày 18-5-2017, tại một hội nghị trực tuyến toàn quốc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nói: “Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý”.
Nói thế thôi chứ “chúng ta” của Võ Văn Thưởng sợ đối thoại hơn tất cả thứ gì khác. Suốt chiều dài lịch sử đảng cộng sản lẫn nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, chẳng bao giờ tồn tại cái gọi là “đối thoại” và “lắng nghe ý kiến”. Ngày 30-10-1956, chỉ với bài diễn văn ngắn đọc tại một phiên họp Mặt trận Tổ quốc, về sai lầm của cuộc Cải cách ruộng đất, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường, một học giả tài năng xuất chúng, đã lãnh một hậu quả khủng khiếp là bị trù dập suốt đời. Ngay cả những người trong hệ thống chính quyền cộng sản, từ Hoàng Minh Chính, Trần Bách, Nguyễn Hộ, Nguyên Ngọc, Trần Độ, đến thậm chí Võ Nguyên Giáp, còn bị “đập” tơi tả khi “bày đặt có ý kiến” thì huống hồ “nhân dân” của một chính quyền “do dân, vì dân”!
Tại sao “chúng ta” của Võ Văn Thưởng không dám “đối thoại” với người dân? Không dám bởi vì không thể, không có khả năng, không đủ trình độ, và đặc biệt không đủ lý lẽ để giải thích hoặc biện minh cho những sai lầm chính sách, nhất là những gì liên quan cơ cấu bộ máy thể chế, từ “tam quyền phân lập” giả hiệu đến thậm chí cả Hiến pháp, trong đó luôn khẳng định “Bỏ điều 4 Hiến pháp là tự sát”.
“Chúng ta” của Võ Văn Thưởng không muốn tự sát, như những cái chết oan khuất của những người đấu tranh bị bắt vào đồn và tử vong vì “tự ngã” hoặc “tự tử”. Cái chết bởi bạo lực nhân dân trong ngày cuối của một chế độ độc tài là nỗi ám ảnh đáng sợ. Tiếng kinh chiều tàn cầu hồn cho một cái chết đang đến gần cứ vọng bên tai, thường trực. U tối, rùng rợn, và ám ảnh. Cho nên làm sao họ đủ dũng cảm để đối mặt những “câu hỏi thời đại” của nhân dân, trong đó có câu hỏi “Việt Nam có chấp nhận mất nước khi nấp dưới cái bóng Trung Quốc?”.
Bối cảnh Việt Nam hiện nay không giống giai đoạn khối XHCN tan rã bởi “bọn xét lại” khiến Nguyễn Văn Linh phải hộc tốc sang Đông Âu kêu gọi “cứu nguy sự tan rã của khối anh em đoàn kết XHCN”. Tuy nhiên, nguy cơ sụp đổ bởi sự nổi dậy nhân dân ngày càng lớn hơn bao giờ. Bài học sức mạnh nhân dân trong các cuộc cách mạng Cam hoặc cách mạng Hoa nhài đã làm lạnh sống lưng những kẻ cai trị Việt Nam. Bằng mọi giá phải giữ thể chế - họ hoảng hốt lo sợ, khi mà sự mục ruỗng chế độ đã đến mức trầm trọng mà nguyên nhân của nó xuất phát từ chính những sai lầm căn bản mang tính nội tại hơn là từ “thế lực thù địch bên ngoài”. Bằng mọi giá phải siết lại tự do, đưa dân chủ vào khái niệm “dân chủ tập trung” do Đảng và Nhà nước giám sát chứ không thể thả lỏng tự do để tự do hình thành dòng chảy như là một xu hướng tất yếu. Bạo lực là giải pháp duy nhất cho sự bảo vệ chế độ ở thời điểm này.
Nếu thật sự lắng nghe ý kiến người dân thì họ đã nghe và đã sửa. Ngày 22-1-1990, lá Tâm thư với chữ ký của hàng trăm trí thức kiều bào do giáo sư tiến sĩ Nguyễn Ngọc Giao đại diện, gửi về Việt Nam từ Pháp, đã cảnh báo:
“Do những đường lối, chính sách không phù hợp với tình hình thế giới cũng như với thực tế của Việt Nam, nước ta đã bị cô lập về mặt kinh tế cũng như ngoại giao và vẫn chưa thoát ra khỏi cảnh nghèo khó. Đau lòng hơn nữa, cuộc đổi mới khởi động năm 1986 đã bị trì hoãn, bỏ lỡ một cơ may lớn, làm tổn thương lòng tin của nhân dân mới phần nào được phục hồi. Những biến cố vừa xảy ra ở Đông Đức, Tiệp Khắc và nhất là Rumani cho thấy là trong một tình hình chính trị, kinh tế, xã hội bế tắc kéo dài quá lâu, sự thụ động bề ngoài của quần chúng mà sức kiên nhẫn chịu đựng dẫu sao cũng có giới hạn, nhiều khi chỉ là sự bình lặng trước cơn bão lớn. Để tránh cho đất nước khỏi rơi vào thảm kịch Thiên An Môn hay Rumani, trước tiên cần nhận thức rằng không thể dùng đàn áp hay bạo động để giải quyết những vấn đề trầm trọng hiện nay của đất nước mà phải tìm được những phương pháp chính trị thích nghi. Hãy vì quyền lợi tối cao của dân tộc, sớm cải tổ hệ thống chính trị hiện có bằng cách: Thực sự tách rời các định chế của Nhà nước ra khỏi bộ máy chính đảng để cho Nhà nước thu hồi trọn vẹn những quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp của mình, để cho không một ai cũng như không một tổ chức nào có thể đứng trên và chi phối Nhà nước; Thiết lập một nền dân chủ đa nguyên, thực sự bảo đảm an toàn cá nhân và các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội, lập đảng…”.
Tâm thư đã được “đón nhận” và được “phản hồi”: Những trí thức kiều bào ký tên vào Tâm thư không được cấp visa về nước; có người thậm chí được “đăng tên” ở “Bảo tàng tội ác Mỹ-Ngụy” trong suốt 14 năm; danh sách 34 người ký tên đầu tiên được niêm yết ở trụ sở công an địa phương cũng như sứ quán một số nước! Từ năm 1990 đến nay, có bao nhiêu “tâm thư” của đồng bào trong nước lẫn hải ngoại? Có ý kiến nào được lắng nghe? Những người dân can đảm dám hành động và lên tiếng vì yêu nước đã luôn nhận lãnh một kết cục bi thảm: điểm dừng của họ là nhà tù, như Trần Huỳnh Duy Thức.
Khó có thể tưởng tượng một “lý thuyết gia” về “tư tưởng” như Võ Văn Thưởng sẽ “ăn nói” như thế nào khi đối mặt với Phạm Đoan Trang, với Trịnh Hữu Long, với Nguyễn Anh Tuấn… Khó có thể hình dung một nhân vật trong Bộ chính trị, kể cả “tiến sĩ Xây dựng Đảng” Nguyễn Phú Trọng, đủ khả năng và lý lẽ để “nói chuyện phải quấy” với những gương mặt trẻ đại diện cho “bọn phản động”. Ngày đó, ngày mà nhà cầm quyền chịu ngồi xuống, để bắt tay và nói chuyện với sinh viên, với công nhân, với những người đấu tranh, có thể chẳng bao giờ xảy ra. Thay vào đó là bạo lực đàn áp, là những bản án tù nghiệt ngã và những cái chết vì “tự sát” trong đồn công an. Hãy dừng lại đi! Dân tộc này đã đổ quá nhiều máu và đã gánh chịu quá nhiều đau thương. Hãy dừng lại những nắm đấm và chìa ra những bàn tay. Không dân tộc nào có thể đi lên phía trước, khi để lại sau lưng những gương mặt người dân bầm tím và những ánh mắt oán thù, bởi sự xuống tay của bạo lực cường quyền.


Mạnh Kim là nhà báo độc lập với hơn 20 năm trong nghề chuyên mảng thời sự chính trị quốc tế, cộng tác với nhiều tờ báo trong nước lẫn hải ngoại. Vài năm gần đây, anh tập trung vào các vấn đề thời sự Việt Nam trong tình hình đất nước có nhiều biến động gay gắt.
M.K.
Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/vo-van-thuong-trinh-huu-long-pham-doan-trang/4532864.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét