Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

20180228. MỘT MÌNH GIỮA BẦY SÓI...

ĐIỂM BÁO MẠNG
MỘT MÌNH GIỮA BẦY SÓI...

NGUYỄN THƯỢNG LONG/ BVN 27-2-2018

Nguyễn Đăng Mạnh
GS Nguyễn Đăng Mạnh
Cũng vào những ngày này 10 năm về trước, báo chí lề phải, đặc biệt là các tờ báo của ông tướng công an Hữu Ước bỗng xuất hiện loạt bài đánh dữ dội tập Hồi ký của nhà giáo, nhà văn Nguyễn Đăng Mạnh. Người ta đưa cho nhau đọc những bài viết của Đặng Huy Giang (Bệnh thường tình mà nên tránh), bài của Đỗ Hoàng (Một cuốn hồi ký lẫn nhiều sạn), bài của Nguyễn Hữu Thắng (Về hồi ký của Nguyễn Đăng Mạnh – Tác giả SGK văn học), của Thanh Trúc (Tâm sự đường đời hay nơi trút hận). Đặc biệt người đọc thấy rất không bình thường khi đọc những bài của Chu Giang - Nguyễn Văn Lưu (ông này chắc là người Thanh Hoá), với bài “Về hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh” đăng trên Hồn Việt số 18 ra tháng 12/ 2008 và bài của Thượng Nguyên (ông này chắc chắn là dùng bút danh) với bài “Chất độc hại trong một cuốn hồi ký” đăng trên An ninh thế giới số 815 ra ngày thứ tư (10/12/2008.)
Có một điều không bình thường nữa là loạt bài kể trên không hề vấp phải nỗ lực phản biện đáng kể nào trên các kênh thông tin chính thống cũng như không chính thống. Phải chăng đã có một sự đồng thuận tuyệt đối với các tác giả này? Theo tôi không phải như vậy.
Tôi nghĩ, đến nay về cơ bản xã hội Việt Nam vẫn chỉ là xã hội bưng bít thông tin. Những gì mà báo đảng, đài đảng nói đến, mặc nhiên được coi là chân lý, là quan điểm chính thống. Nhà báo, Nhà đài của đảng mà đã đánh ai, chửi ai thì người đó thân bại, danh liệt và tàn đời là cái chắc. Người cầm bút trong một xã hội như thế để an toàn cho bản thân buộc phải hạ mình làm kẻ xu thời, bưng bô, minh hoạ cho người cầm quyền để lĩnh lương mà thôi.
Khi các nước cộng sản đông Âu lần lượt theo nhau chuẩn bị sụp đổ, một giai đoạn ngắn, người cầm bút trong nước được đảng cởi trói với lời động viên của đảng trưởng Nguyễn Văn Linh làm nức lòng mọi người: “ Hãy tự cứu trước khi trời cứu” và “ Hãy nhìn thẳng vào sự thật, quyết không bẻ cong ngòi bút”.Cố nhà văn Nguyễn Minh Châu ngay lập tức đã ra lời tuyên bố“Hãy hát lời ai điếu cho một nền văn học minh họa” và lập tức văn đàn nước Việt sôi sục với những hiện tượng văn học đặc sắc gắn liền với tên tuổi của những Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Phùng Gia Lộc, Tạ Duy Anh, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh… Nhưng than ôi! “Cuộc vui ngắn chẳng tày gang”, ít lâu sau, người cầm bút lại bị trói. Gần đây, để tránh từ minh hoạ, người ta nói đến một cái “Lề Phải” bắt buộc đối với mọi người. Trên cái “Lề Phải” chật hẹp đó chen chúc nhau hơn 800 tờ báo, tạp chí các loại là những “Hội nghề nghiệp” mà có lúc người ta đã gọi là “Hội nhà đất” vì các quan thì mải tranh nhau ghế nọ, ghế kia để được phân nhà, phân đất, còn lính tráng hội viên…ngoài một thiểu số rất nhỏ giữ được phẩm chât kẻ sĩ, đa số còn lại để sống được với nghề đành phải nhắm mắt mà thớ lợ, mà đổi trắng thay đen, cúi mặt mưu sinh trong cảnh: “Chợ trời thật giả đâu chân lí / Hàng hoá lương tâm cũng thiếu thừa!”
Trong bối cảnh như thế, những chiến sĩ an ninh cầm bút trong đội quân đặc nhiệm của tướng quân Hữu Ước mặc sức tung hoành múa bút như múa gươm, múa kiếm ở chốn không người, không có đối thủ. Người ta cũng đã quá quen với những trận Boxing mà chỉ có một bên được tự do ra đòn còn người bên kia bị trói chặt chân tay, bịt mắt và bịt mồm mà chịu trận. Trận Boxing giữa “Võ sĩ Thượng Nguyên” và cuốn Hồi kí của Nhà giáo Nhân Dân Nguyễn Đăng Mạnh trên ANTG ngày 10/12/2008 là một trận so găng bất công như vậy.
Trong bài đánh của mình, Thượng Nguyên lớn tiếng đòi nhà giáo Nguyễn Đăng Mạnh phải trình làng đầy đủ băng ghi âm, ghi hình, đầy đủ các loại chứng cớ này nọ làm cơ sở cho việc viết hồi ký của ông. Điều đó chỉ là những đánh đố mà Thượng Nguyên đã cưòi khẩy khi biết rằng thầy Mạnh không thể trưng ra được. Có những chi tiết để trưng ra được thì bà cụ thân sinh ra thầy Mạnh phải sinh thành ra ông sớm hơn hàng chục năm trước. Đòi hỏi vô lý này của Thượng Nguyên được thể hiện rất đậm nét ở phần viết có tiêu chí : “Xác định nguồn tài liệu để ông Mạnh viết chương này”, tức là chương 7 của cuốn hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh – Chương viết về những hồi ức liên quan đến đời tư của ông Hồ chí Minh. Hãy xem Thượng Nguyên nghĩ gì và viết gì về chuyện chứng cớ :
“ Theo lời giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh thể hiện trong cuốn hồi ký thì toàn bộ nội dung chương này (chương 7- NTL),những chi tiết độc nhất, ác nhất, xấu nhất…nói về Bác Hồ và những người dưới quyền và bảo vệ Bác Hồ thì hoàn toàn ông nghe người ta kể. Mà những người kể đó không có một ai từng được sống gần cụ Hồ. Tỉ như Vũ Thư Hiên (Một người lưu vong ở nước ngoài), Dương Thu Hương (Nữ văn sĩ sinh năm 1947). Một vị giáo sư ở ĐHSP Hà Nội (Không nêu tên), rồi tới giáo sư Ngô Thúc Lanh (Không nói rõ địa chỉ). Nhưng buồn cười ở chỗ ông Lanh lại nghe ông Văn Tân kể cho người khác và truyền đạt lại.” (ANTG số 815-10/12/2008) (Hết trích)
Trong bài báo ngắn đó, 3 lần Thượng Nguyên giới thiệu mình suốt đời làm công tác nghiên cứu mà lại không hề biết những nhân vật đã tiếp súc với ông Mạnh là ai. Thế thì Thượng Nguyên đã nghiên cứu cái gì? Những người làm công tác nghiên cứu ở trang lứa 60, 70…trở lên, ai mà chẳng biết nhà văn Vũ Thư Hiên hội viên Hội nhà văn Việt Nam là con lớn của cụ Vũ Đình Huỳnh nguyên thư kí riêng của ông Hồ và nhiều năm cụ Huỳnh đã sống bên cạnh ông ấy. Ai mà chả rành Dương Thu Hương là ai? Ai mà chẳng biết giáo sư Ngô Thúc Lanh, nhà toán học nổi tiếng quê ở làng Gáo (Tảo Khê - Vân Đình - Ứng Hoà - Hà Tây cũ). Ai chả rành Văn Tân là một học giả nổi tiếng về nhiều lĩnh vực. Ai trong giới nghiên cứu mà trong đời chẳng một lần lật giở những trước tác, khảo cứu của ông Văn Tân. Có lẽ chỉ có một mình nhà nghiên cứu Thượng Nguyên là không biết những nhân vật nổi tiếng này.
Tôi không hiểu là một nhà nghiên cứu, ông Thượng Nguyên giao tiếp với bạn bè theo kiểu cách gì mà ông lại dị ứng với cách giao tiếp của ông Mạnh với mọi người như thế. Có thể Thượng Nguyên giao tiếp với ai xong là đến màn trao cho nhau những những chứng cớ theo kiểu “ông đưa chân giò bà thò chai rượu”cũng nên! Tôi nghĩ, nếu mọi giao tiếp trong đời sống đều phải tuân thủ cái quy định thô thiển đó thì có lẽ chẳng ai dám nói chuyện với ai.
Thượng Nguyên nói chương 7 trong hồi ký của ông Mạnh là chương độc nhất, ác nhất và xấu nhất nói về Hồ Chí Minh và những người dưới quyền ông, là người luôn cổ xuý cho một đời sống đa nguyên, tôi quan niệm đó là quyền phát biểu ý kiến của Thượng Nguyên. Tôi cũng rất coi trọng ý kiến cho rằng, chương 7 hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh là một chương hay về Hồ Chí Minh vì chương này đã đem lại cho người đọc một hình ảnh lãnh tụ thật hơn, đời hơn và nhân bản hơn. Thượng Nguyên viết:
“ Cuối cùng là chính thức ông giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh tận mắt thấy Chủ Tịch Hồ Chí Minh chỉ có 2 lần. Đó là từ sau cách mạng tháng 8/1945, Bác Hồ về thăm Bắc Ninh. Lúc đó ông NĐM dậy học cấp 2 ở trường Hàn Thuyên (trong khối học sinh đứng vẫy cờ đón Bác). Lần thứ 2 vào khoảng 1961 khi Bác Hồ về thăm Nghệ An. Lúc đó ông NĐM công tác ởĐHSP Vinh. Như thế có nghĩa là 2 lần ông Mạnh tận mắt nhìn thấy cụ Hồ, không liên quan gì tới những nội dung vớ vẩn, bậy bạ ông thể hiện trong chương 7 này” (Hết trích)
Tôi không thể hiểu nổi nhà nghiên cứu Thượng Nguyên dựa vào đâu mà tự đề ra quy định, muốn viết về ai thì phải sống với người đó. Xin hỏi các ông đã từng có bài đánh giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh như: Nguyễn Văn Lưu, Đặng Huy Giang, Nguyễn Hữu Thắng, Đỗ Hoàng và ngay cả Thượng Nguyên…vậy ai trong số các quý vị đã từng sống với gia đình ông Mạnh mà nay các ông tung bút dữ dằn đến thế? Để thêm phần thuyết phục, Thượng Nguyên hạ bút khoe:
Bởi làm công tác nghiên cứu, tôi có may mắn được tiếp cận với nhiều nguồn tài liệu. Đặc biệt là nguồn từ cơ quan tình báo, an ninh (chủ yếu xâm nhập từ nước ngoài vào và quần chúng trong nước khi nhận được đã giao nộp cho cơ quan an ninh). Tôi nhớ cách nay trên 10 năm, lục trong cái đống hổ lốn tài liệu phản động ấy thống kê lại thấy có tới mười mấy % (?) là tài liệu mà kẻ địch và phần tử xấu tập trung đả kích, bôi nhọ uy tín lãnh tụ Hồ Chí Minh mà trong đó một số bản có những chi tiết giống như trong chương 7 của hồi ký NĐM. Hồi đó, tôi nghe nói (Lại là tôi nghe nói!? – NTL) các cơ quan chức năng đã tiến hành truy tìm nguồn gốc tài liệu này, nhưng không rõ kết quả ra sao?” (ThượngNguyên báo đã dẫn).
Tôi nghĩ, nếu quả thật có một nhà nghiên cứu Thượng Nguyên thật thì đó cũng chỉ là một nhà nghiên cứu kiểu thầy bói sờ…voi mà thôi. Chẳng có một nhà nghiên cứu nào mà lại có phương pháp luận nghiên cứu là “Tôi nghe nói…” để rồi viết ra những dòng chữ cực kỳ vô trách nhiệm với người được nghiên cứu, mà đối tượng được nghiên cứu ở đây lại là một giáo sư nổi tiếng. Thượng Nguyên lớn tiếng chỉ trích ông Mạnh là Đồ hóng hớt”, là “Nghe hơi nồi chõ” thì với đoạn trích trên, Thượng Nguyên cũng bộc lộ mình cũng rứa! Đặc biệt tệ hại là Thượng Nguyên buông thõng một kết luận hết sức phản cảm: “Không rõ kết quả ra sao…!?”. Rất may, có lẽ Thượng Nguyên chỉ là một nhà nghiên cứu cấp Phường chứ Thượng Nguyên mà ngồi ghế chánh toà thì vô khối lương dân phải chết oan vì ông.
Cùng với những phát triển như vũ bão của cách mạng KHKT, đặc biệt là những tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin, trong một thế giới hội nhập, nhân loại của thế kỷ 21 đang hồ hởi, vùng vẫy để bước ra khỏi những định kiến chính trị đầy kìm hãm, thoát khỏi các loại vỏ kén chính trị đầy giáo điều gò bó để khẳng định tầm vóc đích thực của mình, của dân tộc mình, quốc gia mình thì Thượng Nguyên lại tỏ ra thích thú giới thiệu mình như sứ giả của một thời mông muội:
Bao năm làm cái nghề nghiên cứu, chỉ quen đọc tài liệu có sẵn do người ta chuyển tới, ngồi phân loại rồi đọc, thành ra cái khoản mạng mung kể như mù tịt (!?)”. (Hết trích)
Theo Thượng Nguyên kể, cuối cùng nhờ được một thằng cháu nào đó làm tin học, nó truy cập hộ cho để Thượng Nguyên nghiền 302 trang “Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh” chỉ trong một đêm là xong béng, lại có chương, có đoạn Thượng Nguyên nói phải đọc tới 2 lần! Tôi nghĩ Thượng Nguyên bịa quá dở. Một cuốn sách viết về cả một đời đi học, dậy học, viết văn của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, nhà văn Nguyễn Đăng Mạnh mà Thượng Nguyên chỉ lườm nguýt có một đêm lại đọc trên máy tính rất khó đọc thì đây thực sự là một kỉ lục mà không một Bloger nào có thể phá được.
Tôi nghĩ, Thượng Nguyên chưa đọc hồi ký NĐM, ông ta chỉ nghe người ta kể lại rồi đặt hàng để ông ta viết bài đánh mà thôi. Thượng Nguyên lý giải thế nào về hiện tượng ông Nguyễn Đăng Mạnh viết chữ “Tác” thì Thượng Nguyên lại luận ra là chữ“Tộ” sau đây: Trang 121 ông Nguyễn Đăng Mạnh viết trong hồi ký của ông:
Tôi được tận mắt thấy Hồ Chí Minh 2 lần. Lần thứ nhất sau cách mạng tháng 8. Sau cuộc khởi nghĩa tháng tám 1945 bố tôi đưa cả gia đình về Thị xã Bắc Ninh. Tôi tiếp tục học cấp 2 ở Trường Hàn Thuyên…” (Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh).
Nhà nghiên cứu Thượng Nguyên lại luận ra là: “Cuối cùng chính thức ông Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh tận mắt thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có 2 lần. Đó là từ sau cách mạnh tháng 8 năm 1945. Bác Hồ về thăm Bắc Ninh. Lúc đó ông Nguyễn Đăng Mạnh dậy học cấp 2 ở Trường Hàn Thuyên (!?) (ANTG số 815- Thượng Nguyên).
Thế mà Thượng Nguyên hối hả đi đến kết luận: “BIỆN PHÁP XỬ LÝ NÀO TRƯỚC SỰ VIỆC TRÊN?”
Thưa các đồng nghiệp! Thưa các thầy cô giáo dậy văn trên nhiều vùng đất nước đã từng thụ nghiệp từ thầy Nguyễn Đăng Mạnh! Thưa các Thạc Sĩ, các Tiến Sĩ văn chương đã từng được Thầy Mạnh dìu dắt! Các vị nghĩ gì về những dòng chữ mà nhà nghiên cứu Thượng Nguyên đã viết về người thầy của các quý vị? Phần tôi, tôi nghĩ chỉ có những kẻ chuyên sài bằng giả và cả đời kiếm sống bằng nghề bưng bô mới viết lên những dòng chữ bố láo như thế này:
Một nhà giáo Nhân Dân, một giáo sư văn chương, Giải thưởng nhà nước về Văn Học - Nghệ Thuật đã từng vang bóng một thời. Theo thiển ý của tôi, để thanh thản quãng đời còn lại, tốt nhất là ông nên trả lại những gì người ta đã dành cho ông (Học hàm, Học vị, Danh hiệu, Giải thưởng…) ẵm nó làm gì để trong lòng canh cánh bao nỗi hận. Và nếu có thể hãy tìm đến một nơi nào đó trên hành tinh này, mà ở nơđó người ta có thể ban thưởng cao hơn, xứng tầm với trí tuệ của ông” (Báo đã dẫn) Tôi linh cảm thấy hình như chẳng có một Thượng Nguyên bằng xương bằng thịt nào hết, Thượng Nguyên ở đây là một nhóm người có văn hóa của những kẻ chuyên sài bằng giả mà thôi.
*
* *
Trong một bài viết khác, có nội dung tương tự nhưng của tác giả Nguyễn Văn Lưu, Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh lại phải chịu những đòn đánh “Quỷ khóc - Thần sầu” kiểu khác. Nguyễn Văn Lưu chê Nguyễn đăng Mạnh là trịch thượng là không hiểu gì về tiếng Việt khi ông Mạnh gọi Stalin (Đại nguyên soái quân đội Xô viết, Nhà lãnh đạo Liên bang Xô Viết), Churchil (Thủ tướng Anh), Roosevelt (Tổng thống Hoa Kì) là “3 tay này…”!?.Tôi không hiểu người dân Anh, dân Mỹ họ kính yêu Thủ tướng, Tổng thống của họ theo kiểu cách gì? Không biết họ có tung hô các ông này như người Việt Nam tung hô Bác Hồ của người Việt Nam không? Tôi biết chỉ có ông Tố Hữu có câu thơ tung hô ông Stalin đã làm người Việt Nam có tự trọng nào cũng rất ngượng: “…Tiếng đầu đời con gọi Stalin!”.Tôi e rằng, ông Lưu sẽ mắng ông Tố Hữu : Gọi như thế cũng là trịch thượng, phải gọi là : “…Tiếng đầu đời con gọi bác Stalin !” mới là đúng tiếng Việt!
Thưa nhà lý luận phê bình Nguyễn Văn Lưu, ông thần đồng Trần Đăng Khoa lúc 9, 10 tuổi viết về Tổng thống Mĩ còn sách mé, trịch thượng hơn ông Nguyễn Đăng Mạnh nhiều, ông Khoa viết: “…ngu xuẩn nhất nhì là Tổng Thống Mỹ!” sao không thấy ông nổi đoá lên! Cứ theo cái logic kính yêu & sự sành sỏi về tiếng Việt của ông thì từ nay dân Việt sẽ phải gọi các bậc Tiên Đế của mình gắn liền với những tiền tố, tiếp đầu ngữ gì…thì mới là đúng tiếng Việt? Tôi không phải là NHÀ, là LỀU gì, tôi thất vọng về chuyện này quá. Chẳng lẽ văn đàn nước Việt đã tàn mạt đến mức, giờ đây các NHÀ chỉ chăm chú vào những chuyện vớ vẩn như thế để bắt bẻ nhau cho qua ngày đoạn tháng hay sao? Dựa trên những bắt bẻ về từ ngữ, Nguyễn Văn Lưu đã vội quy kết Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh là trịch thượng và không am tường tiếng Việt!?
Hà Đông 2 - 2018
Nguyễn Thượng Long
- Nguyên giáo viên dậy Địa Lý GD-ĐT Hoà Bình-Hà Tây
- Nơi ở :Văn la – Phú La – Hà Đông – Hà Nội.
- ĐT: 0433521066 & 01652323836
Email: nguyenthuonglong571@gmail.com
Tác giả gửi BVN

Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

20180227. BÌNH LUẬN VỀ BÁO CÁO TỔNG KẾT HAI DỰ ÁN BAUXITE TÂY NGUYÊN

ĐIỂM BÁO MẠNG
LỜI THẲNG VỀ 2 DỰ ÁN BAUXITE: NHỚ BÀI HỌC FORMOSA

CHÂU AN/  ĐV 23-2-2018

Loi thang ve 2 du an bauxite: Nho bai hoc Formosa
Dự án bauxite cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn

(Doanh nghiệp) - Với tiền lệ dự án nhà máy Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm biển nghiêm trọng, 2 dự án bauxite Tây nguyên nên lấy đó làm bài học.

Đánh giá thẳng thắn
Theo thông tin trên báo chí, mới đây Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã có báo cáo tổng kết, đánh giá hiệu quả đầu tư thí điểm 2 dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ gửi Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Báo cáo nêu rõ, trong quá trình sản xuất, dự án đã xảy ra sự cố 3 lần nhưng được khắc phục kịp thời. Bộ TN-MT cho rằng ''trong tương lai, dự án vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ô nhiễm và sự cố môi trường có thể xảy ra''.
Trao đổi với Đất Việt về thông tin trên, ngày 22/2, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên ĐBQH Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng cho biết: "Không ai có thể tính hết được các sự cố bất ngờ trong quá trình sản xuất, đặc biệt là với công nghệ lạc hậu của Trung Quốc.
Vì vậy, với dây truyền công nghệ ảnh hưởng đến cộng đồng, môi trường, phải tính toán sao cho có ngọn ngành để làm sao triệt tiêu các yếu tố bất lợi ảnh hưởng không mong muốn trong quá trình vận hành.
Kết luận của Bộ TN-MT như vậy, theo tôi, rất thẳng thắn. Trước mắt sẽ còn rủi ro thì cần tìm ra giải pháp khắc phục đến tận cùng. Như vậy, phải yêu cầu chủ đầu tư, trình bày các giải pháp. Nếu không làm được thì phải có các giải pháp mạnh nhất, báo cáo lên Chính phủ để xử lý thẳng tay".
Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, ĐBQH Bùi Văn Xuyền - Ủy viên thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình khóa XIII cho biết: "Trước đây, tại kỳ họp Quốc hội tôi cũng đã được nghe báo cáo về hai dự án bauxite. Bản thân tôi cũng đã tiếp cận nội dung này, nhưng tôi thấy cả hai đều có niên hạn khai thác dài, kể cả khả năng hoàn vốn và sinh lời.
Theo tôi, trong Luật bảo vệ môi trường đã có những quy định rõ về việc đánh giá đầy đủ những tác động môi trường, quy trình quan trắc, giám sát của các dự án. Bộ TN-MT phải tăng cường công tác quản lý, giám sát, yêu cầu đáp ứng đầy đủ quy định trong Luật bảo vệ môi trường. Không phải để sự cố xảy ra rồi mới khắc phục, đó là điều khó chấp nhận.
Về phía chủ đầu tư là TKV, cần phải đưa ra các biện pháp cần thiết, ngăn chặn xử lý ngay từ ban đầu. Đồng tình là nhiều yếu tố kỹ thuật không lường trước được sự cố, nhưng rõ ràng tất cả phải trong tầm kiểm soát, bởi quá trình vận hành nhà máy, khai thác quản lý, sử dụng đều do con người tạo ra.
Tôi cho rằng Bộ TN-MT cần xem xét lại, báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa đảm bảo chính xác, đầy đủ, không đảm bảo yêu cầu đặt ra thì cần phải có đánh giá lại".
Đừng gây ra hậu quả rồi mới quy trách nhiệm
Cũng ở góc độ khác, theo ĐBQH Bùi Văn Xuyền, cần có ý kiến thẩm định, phản biện của các nhà khoa học, các chuyên gia. Điều này rất cần thiết vì sau quá trình thử nghiệm rất cần có đánh giá tổng thể.
Vị ĐBQH thẳng thắn: "Nếu thực sự dự án không đem lại hiệu quả, trước mắt là môi trường sau đó mới là hiệu quả kinh tế, như mong muốn thì có lẽ cũng phải dừng lại. Điều này tốt hơn việc tiếp tục đầu tư để rồi thua lỗ.
Tôi không đồng tình với quan điểm "đâm lao phải theo lao", làm với bất cứ mọi giá. Điều đó là không chấp nhận được.
Chúng ta đã có bài học của Formosa Hà Tĩnh, gây ra hậu quả rồi mới quy trách nhiệm, xử lý những hậu quả đã rồi. Bài học nhãn tiền như vậy rồi thì cần có các cam kết rõ ràng, mạch lạc, rất mạnh mẽ từ các chủ đầu tư, các nhà khoa học..
TKV cần có các phương án cụ thể về bảo vệ môi trường, cam kết trách nhiệm trước cơ quan chức năng".
Ông Xuyền khẳng định thêm, bản thân cơ quan bảo vệ môi trường từ Tổng cục môi trường, Bộ TN-MT, cũng cần có xem xét đánh giá toàn diện nội dung này, đảm bảo an toàn tuyệt đối, trừ các trường hợp bất khả kháng. Bộ TN-MT phải thể hiện được trách nhiệm của mình trong việc này.
Châu An
LỜI THẲNG VỀ 2 DỰ ÁN BAUXITE: NỖI LO SỰ CỐ

NGỌC HÀ/ ĐV 21-2-2018

Loi thang ve 2 du an bauxite: Noi lo su co
Tổ hợp bauxite Tân Rai tại Tây Nguyên

(Diễn đàn trí thức) - ''Nguyên lý cơ bản thì ai cũng có thể nói được, nhưng quan trọng hơn đi vào cụ thể để đưa ra lời cảnh báo rõ ràng''

Theo thông tin trên báo chí, mới đây Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo tổng kết, đánh giá hiệu quả đầu tư thí điểm 2 dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ gửi Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Báo cáo nêu rõ, trong quá trình sản xuất, dự án đã xảy ra sự cố 3 lần nhưng được khắc phục kịp thời. Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng ''trong tương lai, dự án vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ô nhiễm và sự cố môi trường có thể xảy ra''.
Trao đổi với Đất Việt về thông tin trên, TS. Nguyễn Văn Ban nguyên Trưởng ban Nhôm - Titan Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam (cũ) cho rằng, lời cảnh báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường là điều không phải bàn cãi. Từ trước tới nay, những dự án này luôn tiềm ẩn nguy cơ về ô nhiễm và sự cố môi trường có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
''Không phải đến bây giờ mới xuất hiện nguy cơ ấy. Riêng về hồ bùn đỏ, trước đó đích thân những vị lãnh đạo cấp cao đã căn dặn phải luôn lưu tâm.
Nguyên lý cơ bản thì ai cũng có thể nói được, nhưng quan trọng hơn đi vào cụ thể để đưa ra lời cảnh báo rõ ràng. Từ đó cùng nhau tìm ra giải pháp cho vấn đề, tránh các nguy cơ có thể xảy ra.
Đối với 2 dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ, phải xem xét rất kỹ tình hình vận hành bấy lâu nay, kiểm tra lại thiết kế. Có những vấn đề cố hữu và có cả những vấn đề mới nảy sinh.
Phải nắm rõ được hết những vấn đề đó thì mới có thể đánh giá sát được nguy cơ về ô nhiễm và sự cố môi trường có thể xảy ra tại các dự án này'', ông Ban nêu quan điểm.
Theo TS. Nguyễn Văn Ban, nguy cơ tiềm ẩn rõ ràng nhất là ở hồ chứa bùn đỏ. Bùn đỏ khác bùn thải, bùn đỏ được thải ra trong quá trình xử lý Alumin, có hàm lượng kiềm cao. Còn bùn thải được thải ra trong quá trình khai thác quặng cũng có màu đỏ. Tính chất và mức độ nguy hại của 2 loại bùn này cũng khác nhau.
Ở Hungary đã từng xảy ra sự cố vỡ hồ chứa bùn đỏ và nó trở thành một trong những thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử của nước này. Do đó, ông Ban cho rằng, cần phải tiến hành khảo sát cụ thể các đập hồ chứa bùn đỏ tại 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ, từ đó đưa ra đánh giá và các giải pháp cụ thể.
''Tiềm ẩn thì rõ ràng là tiềm ẩn rồi, nhưng cái tiềm ẩn ấy có hiện hữu và đe dọa đến môi trường hay không, đe dọa ở khu vực nào, đe dọa như thế nào? Đó mới là điều cần phải bàn tới một cách cụ thể về mặt kỹ thuật'', vị chuyên gia nhấn mạnh.
Trong báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường có yêu cầu các bộ: Xây dựng, Khoa học và Công nghệ xem xét, hướng dẫn chủ dự án xử lý khối lượng lớn bùn đỏ, tro xỉ thải để tái sử dụng các loại chất thải này nhằm giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường và tăng hiệu quả kinh tế cho dự án.
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Ban cho biết, trước đây đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về xử lý bùn đỏ. Phải thừa nhận rằng ý tưởng này rất hữu ích nhưng tính hiện thực của nó là không có..
''Nhiều nước trên thế giới đã nghiên cứu về phương án xử lý bùn đỏ nhưng không thành công. Không thành công không phải là về mặt khoa học - kỹ thuật mà là về mặt kinh tế.
Với một loại nguyên liệu chứa chỉ khoảng 30% sắt thì đứng về mặt sản xuất gang thép thì nó là nguyên liệu thứ cấp. Ngay cả quặng có hàm lượng sắt cao hơn, khi sản xuất cũng còn gặp khó khăn nếu xét về mặt kinh tế.
Các chuyên gia đã nhìn nhận được vấn đề này từ rất lâu rồi, nhất là những người sản xuất gang, thép. Họ phải công nhận rằng, việc tận dụng bùn đỏ là không có hiệu quả kinh tế, không làm được'', ông Ban phân tích.
Ngọc Hà

Thứ Hai, 26 tháng 2, 2018

20180226. NGHI VẤN GIAN LẬN XÉT GIÁO SƯ, PHÓ GIÁO SƯ

ĐIỂM BÁO MẠNG
NGHI VẤN GIAN LẬN XÉT GIÁO SƯ, PHÓ GIÁO SƯ

PHƯƠNG LINH /GDVN 26-2-2018

Đơn của Tiến sĩ Phạm Thế Dân về trường hợp của ông Trần Thiện Thanh (ảnh: P.L)
Tiến sĩ Phạm Thế Dân – Giảng viên chính, nguyên Phó Trưởng khoa, Bí thư chi bộ khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (đã nghỉ hưu) vừa gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đơn tố cáo có liên quan đến việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn Phó Giáo sư 2017 với ông Trần Thiện Thanh.
Hiện ông Thanh đang là giảng viên của khoa Vật lý – Vật lý kỹ thuật, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Nghiên cứu sinh và người phản biện cùng đơn vị chuyên môn
Theo tố cáo của Tiến sĩ Phạm Thế Dân, bằng Tiến sĩ của ông Trần Thiện Thanh đã được cấp không đúng quy định của pháp luật, bất hợp pháp, vì bằng này được cấp trên cơ sở kết luận của Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ cấp cơ sở đào tạo, được thành lập trái với quy định của pháp luật.
Đồng thời, nó còn vi phạm nghiêm trọng Quy chế đào tạo trình độ Tiến sĩ, ban hành kèm theo quyết định 1020 của Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ký ngày 10/9/2010.
Tiến sĩ Phạm Thế Dân dẫn chứng cụ thể, theo quyết định 329 của Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh, trong Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ cấp cơ sở đào tạo cho luận án Tiến sĩ, chuyên ngành Vật lý nguyên tử và hạt nhân của ông Trần Thiện Thanh, có Tiến sĩ Huỳnh Trúc Phương ngồi ghế phản biện 3.
Ông Phạm Thế Dân khẳng định, Tiến sĩ Huỳnh Trúc Phương là người sinh hoạt trong cùng đơn vị chuyên môn với nghiên cứu sinh Trần Thiện Thanh là bộ môn Vật lý hạt nhân – Kỹ thuật hạt nhân, khoa Vật lý – Vật lý kỹ thuật của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh.
Chính vì vậy, theo Tiến sĩ Phạm Thế Dân, ông Huỳnh Trúc Phương không thể ngồi ghế phản biện 3 trong Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ cấp cơ sở đào tạo cho luận án Tiến sĩ của ông Trần Thiện Thanh được.
Tiến sĩ Phạm Thế Dân cho rằng, vì bằng Tiến sĩ của ông Thanh được cấp không đúng theo quy định của pháp luật, không hợp pháp, nên ông Trần Thiện Thanh cũng không đáp ứng được tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư, được quy định tại khoản 3, điều 8 của Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư.
Ngoài ra, trong Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ cấp cơ sở đào tạo cho luận án Tiến sĩ này của ông Thành, do Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Lâm làm Chủ tịch Hội đồng.
Theo Tiến sĩ Phạm Thế Dân, ông Nguyễn Ngọc Lâm là Phó Giáo sư chuyên ngành Điện tử (được công nhận năm 2001), không đúng chuyên ngành với luận án của ông Trần Thiện Thanh là chuyên ngành Vật lý nguyên tử và hạt nhân, nên ông Lâm không thể làm Chủ tịch Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ này.
Đây là điều đã vi phạm vào khoản 2, điều 35, Quy chế đào tạo trình độ Tiến sĩ ban hành kèm theo quyết định 1020 của Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ký ngày 10/9/2010.
Trong đó quy định rõ, Chủ tịch Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ phải là người có chức danh Giáo sư, Phó giáo sư đúng chuyên ngành với luận án.
Đại học Quốc gia thành phố: Nội dung tố cáo đúng
Liên quan đến những tố cáo của Tiến sĩ Phạm Thế Dân, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã có kết luận số 1875, do Trưởng ban Thanh tra – Pháp chế, ông Lâm Tường Thoại ký.
Trong đó, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, qua giải trình của nhà trường (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thành phố), người ngồi ghế phản biện 3 (Tiến sĩ Huỳnh Trúc Phương) và nghiên cứu sinh (Trần Thiện Thanh) cùng bộ môn, nhưng khác nhóm nghiên cứu.
Ban sau đại học - Đại học Quốc gia thành phố tư vấn chuyên môn: Khoản 2, điều 35, Quy chế đào tạo trình độ Tiến sĩ của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được giải thích: Phản biện không sinh hoạt chuyên môn, không sinh hoạt học thuật với nghiên cứu sinh, không cùng tham gia nghiên cứu, không cùng là đồng tác giả với nghiên cứu sinh trong các công trình đã công bố, không tham gia cùng nghiên cứu sinh trong các sinh hoạt chuyên môn định kỳ.

Kết luận nội dung tố cáo của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)
Điểm b, khoản 1, điều 4, thông tư 10/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ rõ, đơn vị chuyên môn là bộ môn, khoa, phòng chuyên môn.
Tổ xác minh của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét, phản biện 3 sinh hoạt cùng đơn vị chuyên môn với nghiên cứu sinh là chưa phù hợp với quy định hiện hành.
Trách nhiệm thuộc về Phòng đào tạo sau đại học, Hiệu trưởng nhà trường (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thành phố).
Đối với tố cáo có liên quan đến ông Nguyễn Ngọc Lâm – Chủ tịch Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ cấp cơ sở đào tạo, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận, ông Lâm là Phó Giáo sư chuyên ngành điện tử, tự động, do thầy có nhiều công trình thuộc về thiết bị điều khiển (điều khiển các máy về hạt nhân).
Giải trình của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Ngọc Lâm được đào tạo, nghiên cứu, công tác liên quan đến lĩnh vực Vật lý hạt nhân.
Từ năm 2006 đến nay, ông Nguyễn Ngọc Lâm có tham gia giảng dạy thuộc bộ môn Vật lý hạt nhân, tham gia, là thành viên Hội đồng nghiệm thu đề án “Phát triển ứng dụng bức xạ, đồng vị phóng xạ trong công nghiệp đến năm 2020.
Sau khi giải thích các mảng chính của lĩnh vực Vật lý và Kỹ thuật Hạt nhân, Đại học Quốc gia thành phố nói Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Lâm thuộc về lĩnh vực Thiết bị hạt nhân.
Tổ xác minh Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét, có ý kiến: Việc đánh giá về năng lực, uy tín chuyên môn chưa được quy định cụ thể, các ý kiến tư vấn chuyên môn đáng tin cậy, hợp lý. Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Lâm làm Chủ tịch Hội đồng là không trái quy định hiện hành.

Văn bản giải trình 89 của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thành phố (ảnh: P.L)
Trong khi đó, ngày 26/1/2018, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh – ông Trần Lê Quan đã ký văn bản giải trình số 89, gửi Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước (được cơ quan này cung cấp cho Tiến sĩ Phạm Thế Dân)
Theo đó, nhà trường đã giải thích rằng, đề tài luận án tiến sĩ của ông Trần Thiện Thanh thuộc đơn vị chuyên môn nhóm nghiên cứu Vật lý hạt nhân lý thuyết, Vật lý hạt nhân công nghiệp, còn Tiến sĩ Huỳnh Trúc Phương lại thuộc đơn vị chuyên môn là Nhóm nghiên cứu Vật lý hạt nhân phân tích, nên cả 2 ông hoàn toàn không thuộc cùng đơn vị chuyên môn.
Nhà trường đe phóng viên
Ngày 21/2, với mong muốn được lắng nghe tiếng nói khách quan, đa chiều hơn về sự việc này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đến Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thành phố để có được thông tin liên hệ với Tiến sĩ Trần Thiện Thanh.
Tuy nhiên, do sinh viên chưa đi học, lãnh đạo còn bận đi chúc tết, nên nhân viên trực Phòng tổ chức hành chính nói không có lãnh đạo ở trường, nên không dám cung cấp bất cứ thông tin gì cho phóng viên.
Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ qua điện thoại với Giáo sư Trần Linh Thước – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, thì được chuyển máy cho nói chuyện với cô Huyền – Phòng Thanh tra, pháp chế va Sở hữu trí tuệ (theo lời Giáo sư Thước nói).
Đáng ngạc nhiên, trong khi chỉ muốn xin thông tin để liên hệ Tiến sĩ Trần Thiện Thanh, sau khi biết phóng viên đã có giải trình số 89 của nhà trường, cô Huyền đã dọa: Đây là văn bản riêng của trường, muốn đăng phải có sự cho phép của trường về những nội dung muốn trích đăng, chứ không phải muốn đăng là đăng, và cũng không phải là văn bản của thầy Dân.
Cô Huyền nói do không lưu thông tin số điện thoại ông Thanh, nên đề nghị phóng viên gửi lại câu hỏi, muốn hỏi trường hay muốn hỏi các thầy, và cần phải mang theo giấy giới thiệu, card visit, thẻ nhà báo và các giấy tờ có liên quan khi đến trường làm việc.
Trong khi đó, Giáo sư Trần Linh Thước hứa sẽ nói khoa Vật lý - lý – Vật lý kỹ thuật cung cấp số điện thoại liên hệ của Tiến sĩ Trần Thiện Thanh, nhưng đến nay vẫn chưa thấy, còn khi phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam gọi lại cho giáo sư, thì máy đã liên tục ở chế độ bận.
Phương Linh
BÀI LIÊN QUAN:
  

Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2018

20180225. NHỮNG VỤ DÙNG BẰNG GIẢ 'NỔI TIẾNG'

ĐIỂM BÁO MẠNG
NHỮNG VỤ DÙNG BẰNG GIẢ 'NỔI TIẾNG' *

VŨ THANH/ BVN 24-2-2018
Dẫn lời bài viết với tiêu đề “Vì sao có người khát khao bằng giả” (http://www.bbc.com/vietnamese/world-43130145), BBC tiếng Việt cho rằng “Nhu cầu có bằng cấp và học vị trên thế giới thường rất cao, khiến không ít chính trị gia cố kiếm bằng giả dù nguy cơ mất chức luôn có”.
Bài báo điểm qua một số vụ tai tiếng trong giới chính trị gia như tại CHLB Đức, đã rút bằng Tiến sĩ của bà Annette Schavan Bộ trưởng Bộ Giáo dục vào năm 2013 vì đạo văn luận án Tiến sĩ, hay trước đó Bộ trưởng Quốc phòng Karl-Theodor zu Guttenberg, từng có kỳ vọng lên Thủ tưởng, đã bị tước bằng Tiến sĩ vào năm 2011, do bị phát hiện không trung thực khi sao chép phần lớn tài liệu từ nguồn khác trong luận văn Tiến sĩ. Cả hai vị Bộ trưởng trên đều đã phải từ chức.



Bộ trưởng Giáo dục Đức, bà Annette Schavan (ảnh trên) và Bộ trưởng Quốc phòngĐức, ông Karl-Theodor zu Guttenberg đều phải từ chức vì không trung thực về tấm bằng Tiến sĩ
Kể cả Thủ tướng cũng không có vùng cấm, tại Moldova, một quốc gia thuộc Liên Xô cũ, Thủ tưởng Chiril Gaburici vì khai man là có bằng tốt nghiệp đại học, đã buộc phải từ nhiệm vào năm 2015. Không những thế, sau đó ông ta còn bị khởi tố vì việc sử dụng bằng giả.
Thủ tưởng Cộng hòa Moldova, ông Chiril Gaburici buộc phải từ chức năm 2015 và bị khởi tố vì sử dụng bằng Đại học giả
Còn tại Hoa Kỳ, một vị chức sắc của Đại học danh tiếng MIT (Massachuset Institute of Technology), bà Marilee Jones, Trưởng khoa Giáo vụ đã phải từ chức vào năm 2007 vì gian dối về bằng cấp trong 28 năm. Cụ thể, trong hồ sơ của bà khai có bằng từ ba trường là Albany Medical College, Union College và Rensselaer Polytechnic Institute, song trên thực tế bà Jones không hề có bằng nào ở bất cứ trường nào nêu trên.
Bà Marilee Jones, Trưởng khoa Giáo vụ của Đại học MIT (Massachuset Institute of Technology), Hoa Kỳ, đã gian dối bằng cấp 28 năm và phải từ chức vào năm 2007.
Tại London, ngày 31/1/2018 vừa qua, ông Henry Bolton - lãnh đạo Đảng Độc lập (UKIP) của Anh Quốc đã thừa nhận có gian dối vì khai đã tốt nghiệp Học viện Quân sự Hoàng gia Sandhurst. Chắc chắn sắp tới ông Henry cũng sẽ phải từ chức Lãnh đạo đảng này vì tội kê khai bằng cấp không trung thực.
Ông Henry Bolton, Lãnh đạo Đảng Độc lập Anh Quốc thừa nhận đã kê khai không thực về bằng tốt nghiệp học viện Quân sự Hoàng gia
Theo phóng sự “Degrees of Deception” (Bằng Lừa), trên kênh BBC Radio 4 ở Anh Quốc thì dịch vụ bằng giả, bằng dởm thu lợi hàng triệu đô la một năm. Người mua ở Anh Quốc không chỉ gồm các chính trị gia mà còn có bác sĩ, y tá, thậm chí có người làm trong một tổ hợp quân sự. Các trường giả được nêu tên như Brooklyn Park University, Nixon University… đã bán ít nhất 3000 bằng cấp, chứng chỉ giả trong hai năm 2013-14, trong số đó có cả bằng tiến sĩ, thạc sĩ.
Còn tại Pakistan, năm 2010, hai Nghị sĩ Quốc hội là Jamshed Dasti (Đảng Nhân dân) và Nazir Jat (Liên đoàn Hồi giáo) phải từ chức vì dùng bằng giả. Vụ việc đã lên đến Tòa Tối cao. Một trong các trường dỏm mà các quan chức Pakistan thường “mua” bằng là Nixon University, các nhà báođã cố gắng tìm kiếm ngôi trường có tên như vậy ở Anh nhưng không thể thấy.
Ông Jamshed Dasti (ảnh trên) và ông Nazir Jat, những ngôi sao đang lên trong chính trường Pakistan phải từ chức vì sử dụng bằng giả
Còn ở Việt Nam, câu chuyện sử dụng bằng dỏm, bằng giả không thiếu, song, đáng quan tâm nhất là các vị quan chức, thậm chí một số chính trị gia cũng khoác cho mình một tấm bằng Tiến sĩ…
Năm trước, điển hình là ông Nguyễn Xuân Anh, bị cách chức Ủy viên Trung ương, Bí thư Đà Nẵng do một số khuyết điểm trong đó có việc kê khai và sử dụng bằng cấp không trung thực (bằng của Trường California Southern University, Mỹ, không được công nhận); hay ông Lê Kim Toàn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Định, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, sử dụng bằng tiến sĩ dỏm của Trường Đại học Bulacan State (Philippines) cũng phải chịu án kỷ luật… 
Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng (ảnh trên) và ông Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, đều bị kỷ luật vì liên quan đến việc sử dụng bằng Tiến sĩ dỏm
Gần đây nữa, Ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam bị phát hiện đã kê khai trong hồ sơ là có bằng “Tiến sĩ Hàng hải”, hình thức đào tạo từ xa 02 năm, do Viện Khoa học, Nghiên cứu và Thực nghiệm Điện tử, Ô tô và Thiết bị điện (Viện NIIAE, CHLB Nga) cấp.
Hồ sơ của Nguyễn Xuân Sang khai có Bằng tiến sĩ hàng hải, từ xa 02 năm của Nga cấp
Viện NIIAE nơi ông Nguyễn Xuân Sang ghi danh chỉ nghiên cứu về điện, điện tử, công nghệ ứng dụng cho ô-tô, máy nông nghiệp, đường bộ… , tuyệt nhiên không đào tạo ngành hàng hải, vì vậy Trường không thể cấp bằng Tiến sĩ hàng hải. Và ông Nguyễn Xuân Sang đã khai man việc có bằng Tiến sĩ Hàng hải. Đáng lưu ý là ông Sang chỉ có bằng Kỹ sư, chưa học thạc sĩ, không có bằng Thạc sĩ nhưng lại được cấp bằng Tiến sĩ, điều đó cũng thấy hẳn cái quy trình nhận học sinh vào làm “Tiến sĩ”của Viện NIIAE (Nga) đó cũng chỉ có mục đích chính là thu tiền mà thôi!
Báo Lao Động đăng tin về bằng Tiến sĩ của ông Sang không được công nhận
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cục Quản lý Chất lượng Giáo dục cũng đã có văn bản và thông tin chính thức về việc chương trình và bằng Tiến sĩ do Cơ sở đạo tạo, Viện Khoa học, Nghiên cứu và Thực nghiệm Điện tử, Ô tô và Thiết bị điện (CHLB Nga), nơi cấp bằng cho ông Nguyễn Xuân Sang là không được công nhận.
Các vị này cần bằng Tiến sĩ dỏm để làm gi? Hẳn đó là sự háo danh, khoác cho mình một cái áo lòe thiên hạ; và sau nữa, lấy đó làm cơ sở, lợi thế để được cất nhắc, leo cao hơn khi có thời cơ.
Sau háo danh là háo lợi! ông Nguyễn Xuân Sang sử dụng bằng “Tiến sĩ Hàng hải” dỏm cho việc thi Chuyên viên chính năm 2014 (tuy thi trượt) và thi lại vào năm 2016, nên đã hưởng lợi từ việc do kê khai có “bằng Tiến sĩ” được cấp tại nước ngoài để được miễn thi môn Ngoại ngữ (tiếng Anh).
Trang tin của Bộ Thông tin Truyền thông viết về tấm Bằng Tiến sĩ không được công nhận của Cục trưởng Hàng hải Nguyễn Xuân Sang
Thực tế ông Sang học từ xa, chỉ ở Việt Nam; không hề biết tiếng Nga, trong hồ sơ chỉ có bằng B tiếng Anh nhưng khai trình độ tương đương C, và đây cũng là một sự khai man nhằm có lợi cho cá nhân. 
Ông Sang kê khai để miễn thi ngoại ngữ trong kỳ thi nâng ngạch lên chuyên viên chính vào năm 2014, cũng như thi lại năm 2016 là đã vi phạm hướng dẫn của Bộ Nội vụ về việc tổ chức thi nâng ngạch lên chuyên viên chính về việc miễn thi môn ngoại ngữ. Như vậy đây là việc ông Sang khai man nhằm trục lợi việc miễn thi ngoại ngữ.
Với cái mác “Tiến sĩ Hàng hải”, tuy dỏm, nhưng với một khoản bôi trơn rất lớn cho Đinh La Thăng - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải lúc đó, nên Nguyễn Xuân Sang đã được Đinh La Thăng đưa từ Giám đốc một đơn vị, vượt cấp lên thẳng Cục trưởng Cục Hàng hải. Đây là cái lợi lớn hơn khi dùng bằng “Tiến sĩ” của Nguyễn Xuân Sang. 
Nguyễn Xuân Sang (ảnh phải) được Đinh La Thăng bổ nhiệm thẳng từ hàm trưởng phòng lên thẳng Cục trưởng Cục Hàng hải, dù không đạt tiêu chuẩn chuyên viên chính và khai man hồ sơ bằng cấp, sử dụng bằng Tiến sĩ dỏm
Nếu bằng “Tiến sĩ Hàng hải” từ xa của Nguyễn Xuân Sang do Viện Khoa học, Nghiên cứu và Thực nghiệm Điện tử, Ô tô và Thiết bị điện (Nga) cấp là thật, là đàng hoàng thì ông ta cần tới Bộ Giáo dục và Đào tạo (Cục Quản lý Chất lượng Giáo dục) để làm thủ tục công nhận; và ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như ông Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Giáo dục cần công khai xin lỗi ông Nguyễn Xuân Sang. 
Và, các cơ quan báo chí nào đã đưa tin ông Nguyễn Xuân Sang dùng bằng dỏm cũng phải công khai đăng tin xin lỗi, bồi thường danh dự cho ông Nguyễn Xuân Sang, và đính chính rằng Bằng Tiến sĩ Hàng hải từ xa do Nga cấp cho ông …đúng là “bằng thật” !
Bằng Tiến sĩ của Nguyễn Xuân Anh (ảnh trên) và bằng Tiến sĩ của Nguyễn Xuân Sang (ảnh dưới) đều không được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công nhận
Hơn nữa, nếu bằng “Tiến sĩ Hàng hải từ xa” của Nga cấp cho Nguyễn Xuân Sang là loại bằng được công nhận thì không có lý do gì bằng “Tiến sĩ từ xa” của trường Đại học California Southern University nơi Nguyễn Xuân Anh, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng theo học, lại không được chính danh! Và chắc chắn Trung ương cũng cần thiết phải minh oan cho nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh.
Thật đắng lòng, người dân Việt Nam đã và đang hàng ngày phải đưa vào dạ dầy mình thực phẩm, trái cây…nhiễm độc, đang phải sử dụng nhiều mặt hàng giả, hàng dởm dù biết hay không! Các thứ dởm, giả, nhái, đểu…cứ quẩn quanh, bao vây người dân Việt. Nay lại cả hồ sơ, bằng cấp… giả, dỏm thì thất bất hạnh cho xã hội, vì những người có chức có quyền ấy dùng cái giả, dỏm đó để leo lên những vị trí cao hơn, rồi họ sẽ đưa cái xã hội này đi tới đâu…?!
Kê khai và sử dụng bằng cấp không trung thực cũng là một dạng “tham nhũng bằng cấp”, “tham nhũng học vị”… như một vị Nghị sĩ đã từng nói…! “Lò đã nóng, củi tươi cũng cháy”, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện sự cương quyết khi xử lý những đại án. So với các vụ việc tham nhũng, gây hậu quả nghiệm trọng thì việc sử dụng bằng cấp giả, bằng cấp dỏm… chỉ như những cành củi nhỏ trong cái Lò của Tổng Bí thư, nhưng nếu không xử lý, thì hậu quả của nó thật khôn lường…!
V.T. Tác giả gửi BVN
* Tiêu đề bài do NTB đặt lại