Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

20180227. BÌNH LUẬN VỀ BÁO CÁO TỔNG KẾT HAI DỰ ÁN BAUXITE TÂY NGUYÊN

ĐIỂM BÁO MẠNG
LỜI THẲNG VỀ 2 DỰ ÁN BAUXITE: NHỚ BÀI HỌC FORMOSA

CHÂU AN/  ĐV 23-2-2018

Loi thang ve 2 du an bauxite: Nho bai hoc Formosa
Dự án bauxite cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn

(Doanh nghiệp) - Với tiền lệ dự án nhà máy Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm biển nghiêm trọng, 2 dự án bauxite Tây nguyên nên lấy đó làm bài học.

Đánh giá thẳng thắn
Theo thông tin trên báo chí, mới đây Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã có báo cáo tổng kết, đánh giá hiệu quả đầu tư thí điểm 2 dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ gửi Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Báo cáo nêu rõ, trong quá trình sản xuất, dự án đã xảy ra sự cố 3 lần nhưng được khắc phục kịp thời. Bộ TN-MT cho rằng ''trong tương lai, dự án vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ô nhiễm và sự cố môi trường có thể xảy ra''.
Trao đổi với Đất Việt về thông tin trên, ngày 22/2, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên ĐBQH Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng cho biết: "Không ai có thể tính hết được các sự cố bất ngờ trong quá trình sản xuất, đặc biệt là với công nghệ lạc hậu của Trung Quốc.
Vì vậy, với dây truyền công nghệ ảnh hưởng đến cộng đồng, môi trường, phải tính toán sao cho có ngọn ngành để làm sao triệt tiêu các yếu tố bất lợi ảnh hưởng không mong muốn trong quá trình vận hành.
Kết luận của Bộ TN-MT như vậy, theo tôi, rất thẳng thắn. Trước mắt sẽ còn rủi ro thì cần tìm ra giải pháp khắc phục đến tận cùng. Như vậy, phải yêu cầu chủ đầu tư, trình bày các giải pháp. Nếu không làm được thì phải có các giải pháp mạnh nhất, báo cáo lên Chính phủ để xử lý thẳng tay".
Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, ĐBQH Bùi Văn Xuyền - Ủy viên thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình khóa XIII cho biết: "Trước đây, tại kỳ họp Quốc hội tôi cũng đã được nghe báo cáo về hai dự án bauxite. Bản thân tôi cũng đã tiếp cận nội dung này, nhưng tôi thấy cả hai đều có niên hạn khai thác dài, kể cả khả năng hoàn vốn và sinh lời.
Theo tôi, trong Luật bảo vệ môi trường đã có những quy định rõ về việc đánh giá đầy đủ những tác động môi trường, quy trình quan trắc, giám sát của các dự án. Bộ TN-MT phải tăng cường công tác quản lý, giám sát, yêu cầu đáp ứng đầy đủ quy định trong Luật bảo vệ môi trường. Không phải để sự cố xảy ra rồi mới khắc phục, đó là điều khó chấp nhận.
Về phía chủ đầu tư là TKV, cần phải đưa ra các biện pháp cần thiết, ngăn chặn xử lý ngay từ ban đầu. Đồng tình là nhiều yếu tố kỹ thuật không lường trước được sự cố, nhưng rõ ràng tất cả phải trong tầm kiểm soát, bởi quá trình vận hành nhà máy, khai thác quản lý, sử dụng đều do con người tạo ra.
Tôi cho rằng Bộ TN-MT cần xem xét lại, báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa đảm bảo chính xác, đầy đủ, không đảm bảo yêu cầu đặt ra thì cần phải có đánh giá lại".
Đừng gây ra hậu quả rồi mới quy trách nhiệm
Cũng ở góc độ khác, theo ĐBQH Bùi Văn Xuyền, cần có ý kiến thẩm định, phản biện của các nhà khoa học, các chuyên gia. Điều này rất cần thiết vì sau quá trình thử nghiệm rất cần có đánh giá tổng thể.
Vị ĐBQH thẳng thắn: "Nếu thực sự dự án không đem lại hiệu quả, trước mắt là môi trường sau đó mới là hiệu quả kinh tế, như mong muốn thì có lẽ cũng phải dừng lại. Điều này tốt hơn việc tiếp tục đầu tư để rồi thua lỗ.
Tôi không đồng tình với quan điểm "đâm lao phải theo lao", làm với bất cứ mọi giá. Điều đó là không chấp nhận được.
Chúng ta đã có bài học của Formosa Hà Tĩnh, gây ra hậu quả rồi mới quy trách nhiệm, xử lý những hậu quả đã rồi. Bài học nhãn tiền như vậy rồi thì cần có các cam kết rõ ràng, mạch lạc, rất mạnh mẽ từ các chủ đầu tư, các nhà khoa học..
TKV cần có các phương án cụ thể về bảo vệ môi trường, cam kết trách nhiệm trước cơ quan chức năng".
Ông Xuyền khẳng định thêm, bản thân cơ quan bảo vệ môi trường từ Tổng cục môi trường, Bộ TN-MT, cũng cần có xem xét đánh giá toàn diện nội dung này, đảm bảo an toàn tuyệt đối, trừ các trường hợp bất khả kháng. Bộ TN-MT phải thể hiện được trách nhiệm của mình trong việc này.
Châu An
LỜI THẲNG VỀ 2 DỰ ÁN BAUXITE: NỖI LO SỰ CỐ

NGỌC HÀ/ ĐV 21-2-2018

Loi thang ve 2 du an bauxite: Noi lo su co
Tổ hợp bauxite Tân Rai tại Tây Nguyên

(Diễn đàn trí thức) - ''Nguyên lý cơ bản thì ai cũng có thể nói được, nhưng quan trọng hơn đi vào cụ thể để đưa ra lời cảnh báo rõ ràng''

Theo thông tin trên báo chí, mới đây Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo tổng kết, đánh giá hiệu quả đầu tư thí điểm 2 dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ gửi Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Báo cáo nêu rõ, trong quá trình sản xuất, dự án đã xảy ra sự cố 3 lần nhưng được khắc phục kịp thời. Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng ''trong tương lai, dự án vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ô nhiễm và sự cố môi trường có thể xảy ra''.
Trao đổi với Đất Việt về thông tin trên, TS. Nguyễn Văn Ban nguyên Trưởng ban Nhôm - Titan Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam (cũ) cho rằng, lời cảnh báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường là điều không phải bàn cãi. Từ trước tới nay, những dự án này luôn tiềm ẩn nguy cơ về ô nhiễm và sự cố môi trường có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
''Không phải đến bây giờ mới xuất hiện nguy cơ ấy. Riêng về hồ bùn đỏ, trước đó đích thân những vị lãnh đạo cấp cao đã căn dặn phải luôn lưu tâm.
Nguyên lý cơ bản thì ai cũng có thể nói được, nhưng quan trọng hơn đi vào cụ thể để đưa ra lời cảnh báo rõ ràng. Từ đó cùng nhau tìm ra giải pháp cho vấn đề, tránh các nguy cơ có thể xảy ra.
Đối với 2 dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ, phải xem xét rất kỹ tình hình vận hành bấy lâu nay, kiểm tra lại thiết kế. Có những vấn đề cố hữu và có cả những vấn đề mới nảy sinh.
Phải nắm rõ được hết những vấn đề đó thì mới có thể đánh giá sát được nguy cơ về ô nhiễm và sự cố môi trường có thể xảy ra tại các dự án này'', ông Ban nêu quan điểm.
Theo TS. Nguyễn Văn Ban, nguy cơ tiềm ẩn rõ ràng nhất là ở hồ chứa bùn đỏ. Bùn đỏ khác bùn thải, bùn đỏ được thải ra trong quá trình xử lý Alumin, có hàm lượng kiềm cao. Còn bùn thải được thải ra trong quá trình khai thác quặng cũng có màu đỏ. Tính chất và mức độ nguy hại của 2 loại bùn này cũng khác nhau.
Ở Hungary đã từng xảy ra sự cố vỡ hồ chứa bùn đỏ và nó trở thành một trong những thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử của nước này. Do đó, ông Ban cho rằng, cần phải tiến hành khảo sát cụ thể các đập hồ chứa bùn đỏ tại 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ, từ đó đưa ra đánh giá và các giải pháp cụ thể.
''Tiềm ẩn thì rõ ràng là tiềm ẩn rồi, nhưng cái tiềm ẩn ấy có hiện hữu và đe dọa đến môi trường hay không, đe dọa ở khu vực nào, đe dọa như thế nào? Đó mới là điều cần phải bàn tới một cách cụ thể về mặt kỹ thuật'', vị chuyên gia nhấn mạnh.
Trong báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường có yêu cầu các bộ: Xây dựng, Khoa học và Công nghệ xem xét, hướng dẫn chủ dự án xử lý khối lượng lớn bùn đỏ, tro xỉ thải để tái sử dụng các loại chất thải này nhằm giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường và tăng hiệu quả kinh tế cho dự án.
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Ban cho biết, trước đây đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về xử lý bùn đỏ. Phải thừa nhận rằng ý tưởng này rất hữu ích nhưng tính hiện thực của nó là không có..
''Nhiều nước trên thế giới đã nghiên cứu về phương án xử lý bùn đỏ nhưng không thành công. Không thành công không phải là về mặt khoa học - kỹ thuật mà là về mặt kinh tế.
Với một loại nguyên liệu chứa chỉ khoảng 30% sắt thì đứng về mặt sản xuất gang thép thì nó là nguyên liệu thứ cấp. Ngay cả quặng có hàm lượng sắt cao hơn, khi sản xuất cũng còn gặp khó khăn nếu xét về mặt kinh tế.
Các chuyên gia đã nhìn nhận được vấn đề này từ rất lâu rồi, nhất là những người sản xuất gang, thép. Họ phải công nhận rằng, việc tận dụng bùn đỏ là không có hiệu quả kinh tế, không làm được'', ông Ban phân tích.
Ngọc Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét