Thứ Bảy, 24 tháng 2, 2018

20180224. BÌNH LUẬN SÁCH 'VỮNG BƯỚC TRÊN CON ĐƯỜNG ĐỔI MỚI' CỦA ÔNG NGUYỄN PHÚ TRỌNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
'VỮNG BƯỚC ĐỔI MỚI' HAY KIÊN TRÌ TÍN ĐIỀU HỦ BẠI ?
BÙI TÍN / VOA/ BVN 22-2-2018

Ông Nguyễn Phú Trọng
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang sống những ngày vui. Trong các Tổng bí thư từ xưa đến nay, ông Trọng là Tổng bí thư nắm được nhiều quyền lực nhất.
Trong tay ông có quyền lực tối cao Tổng bí thư, kiêm thêm quyền lực Bí thư Quân ủy TƯ lãnh đạo số 1 các lực lượng vũ trang, còn kiêm chức Ủy viên thường vụ Đảng ủy lực lượng Công an, cộng thêm quyền uy cực lớn nữa là Trưởng ban chỉ đạo trung ương phòng chống tham nhũng, có quyền sinh quyền sát đối với bất kỳ cán bộ đảng viên nào.
Ông Trọng còn là Tổng bí thư đầu tiên tự cho quyền tham dự để chỉ đạo cuộc họp Chính phủ mặc dầu không có chức vụ gì trong Chính phủ. Ông đang tập dượt để sẽ sớm kiêm nhiệm chức Chủ tịch nước, theo chế độ nhất nguyên hóa bên Trung Cộng?
Niềm vui đầu năm 2018 của ông Trọng còn được tăng gấp bội vì tháng Hai này ông đã nhận Huy hiệu hiếm hoi «50 năm tuổi đảng» trong một buổi lễ trọng thể, đi cùng với 1 bài báo dài của Nhị Lê trên tạp chí Cộng sản, ngợi ca ông là «đảng viên mẫu mực về liêm khiết, trong sạch, mộc mạc, tình nghĩa thủy chung đồng thời có thái độ quyết liệt, cẩn trọng trong lãnh đạo».
Cũng nhân dịp này, nhà xuất bản quốc gia Sự thật cho ra mắt cuốn sách của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với đầu đề Vững bước trên con đường Đổi mới, 2 tập, gồm các bài phát biểu, trả lời phỏng vấn từ năm 2014 đến nay, với ý định hướng dẫn việc chỉnh đốn đảng, nhiệm vụ hàng đầu hiện nay.
Tư duy chính trị của ông Trọng trong 7, 8 năm qua, ai theo dõi tình hình Việt Nam đều biết rõ, chẳng cần phải đọc 2 tập sách trên.
Đó là tư duy cực kỳ bảo thủ, giáo điều thâm căn cố đế, tóm tắt trong 8 điều kiên định: kiên định học thuyết Mác-Lê; kiên định chủ nghĩa xã hội mác xít; kiên định chế độ độc đảng; kiên định nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN; kiên định 3 quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp đặt dưới sự lãnh đạo tập trung, duy nhất, thường xuyên liên tục của đảng; kiên định phương châm «đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thay mặt quản lý»; kiên định coi sở hữu Quốc doanh là chủ đạo trong nền kinh tế; kiên định đường lối đối ngoại «bề ngoài là làm bạn với mọi nước, thực chất là ngả hẳn về phía ông bạn 4 tốt 16 chữ vàng», theo nguyên tắc 3 không: không liên minh quân sự với nước ngoài, không có quân đội và căn cứ quân sự nước ngoài, không dựa vào nước này để chống nước khác.
Tám điều kiên định trên nói lên điều gì? Nó nói tư duy cứng nhắc không thể thay đổi, không thể đổi khác, nghĩa là đóng cửa cho mọi sự thay đổi. Vậy thì cái gọi là con đường đổi mới là không hề có thật, là giả vờ đổi mới, là đổi mới giả tạo, là bịt chặt con đường đổi mới, duy trì những đường lối cũ kỹ, cổ hủ đã bị loài người phủ định vứt bỏ không thương tiếc.
Đổi mới sao được khi ôm chặt chủ nghĩa Mác - Lê và chủ nghĩa xã hội Mác-xít đã bị Liên Xô các nước Đông Âu vứt bỏ gần 30 năm rồi, còn xây tượng đài Tưởng niệm hơn 100 triệu oan hồn nạn nhân của nó như một lời thề không bao giờ cho nó sống lại tại các nơi đã chôn vùi nó. Đổi mới sao được khi chế độ độc đảng toàn trị là trái ngược với nền dân chủ của thời đại văn minh, khi chế độ pháp quyền đã chế ngự chế độ theo luật rừng man rợ tồn tại từ xa xưa; đổi mới sao được khi phủ nhận quyền tư hữu về ruộng đất, về tài sản, về quyền tự do và bình đẳng trong kinh doanh là thủ tiêu quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi công dân và gia đình trong xã hội. Đổi mới sao được khi trong thời đại toàn cầu hóa, khi thế giới phân cực, lại ngăn cấm nước ta kết bạn thân, kết đồng minh chiến lược, liên minh chiến lược với các nước có thiện chí mà ta có thể tin cậy theo chủ quyền bất khả xâm phạm chọn bạn của mỗi nước, sao ta lại tự trói mình một cách dại dột đến vậy?
Xét cho cùng việc đổi mới của Việt Nam suốt 70 năm nay là đổi mới suông, trên chữ nghĩa, ngoài mồm, không có một thực chất nào. Về mặt đàn áp dân chủ và nhân quyền, tình hình còn xấu hơn, tệ hại hơn trước, càng đổi mới càng thêm cũ, thêm lạc hậu. Về mặt tôn trọng luật pháp, nền tư pháp có quyền độc lập, tình hình cũng ngày càng thụt lùi, để trở nên lạc hậu tệ hơn hơn cả thời thuộc Pháp và thời đại phong kiến.
Cho nên không phải ngẫu nhiên có nhà bình luận đã mỉa mai cho rằng ông Trọng đã có thể tự vỗ ngực trở thành một lãnh tụ anh minh, một quân vương sáng suốt khi ra tay xét xử các vụ đại án lớn, để các bị cáo phải khóc lóc van xin «lượng khoan hồng nhân văn của Bác Trọng», để ông tha cho tội chết.
Không phải ngẫu nhiên mà ông Nguyễn Phú Trọng được công luận trong và ngoài nước nhận diện như Tổng bí thư ham mê quyền lực nhất, chống các chiến sĩ dân chủ độc ác nhất, thiển cận về chính trị, đối ngoại nhất, ít đi ra nước ngoài để tìm hiểu và hội nhập với thế giới nhất, tư duy cũ kỹ và lão hóa nhất mà lại có vẻ tự phụ, tự mãn nguy hiểm nhất!
Có thể khẳng định về mặt kéo lùi xã hội, giam hãm đất nước trong cảnh nhân dân không có tự do dân chủ, không có nền tư pháp độc lập, thành quả phát triển không được phân chia hợp lý công bằng, nguyên nhân cốt lõi là thuộc chế độ độc đoán độc đảng và trách nhiệm duy nhất là thuộc về sự lãnh đạo kiên trì sai lầm kéo dài của Đảng Cộng sản mà Tổng bí thư có phần trách nhiệm lớn nhất.
Trên góc độ ấy, có thể nói tội của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị còn nặng hơn tội của 2 bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh.
Mới đây nhân kỷ niệm 42 năm ngày 30/4, Giáo sư Đào Công Tiến đã đề nghị toàn quốc nên tổ chức một cuộc Cầu Siêu lớn Tưởng niệm mọi oan hồn của các bên không phân biệt hy sinh trong chiến tranh, trong đó Đảng Cộng sản sám hối vì đã gây nên mất mát về nhân lực, tài nguyên và đau khổ bất công chồng chất không đáng có để đổi mới thật sự về mọi mặt chính trị, kinh tế, tài chính, quốc phòng và đối ngoại. Ông Tiến là đảng viên ngay thẳng sáng suốt yêu nước thật lòng, yêu dân thực dạ.
Mới đây, ông Nguyễn Trung, một trí thức nặng lòng với đất nước, đề nghị «một lộ trình và một mô hình dân chủ thật sự mới mẻ» cho đất nước đã chìm quá sâu trong lạc hậu cổ hủ về mọi mặt.
Linh mục Nguyễn Văn Lý, tù nhân lương tâm cũng nhân danh «Tập họp Quốc dân Việt Nam» kêu gọi cuộc tập họp, tuần hành hàng tuần của ngày càng đông đảo nhân dân thuộc mọi giới, nghề nghiệp, tôn giáo, địa phương, tập dượt đấu tranh bền bỉ quyết liệt cho đến thắng lợi.
Đó là những tư duy lành mạnh, thức thời xây dựng cần được mọi tấm lòng lương thiện yêu nước thương dân trong và ngoài nước hưởng ứng một cách thiết thực, huy động sức mạnh của toàn dân, tạo nên một cuộc đổi đời, một cuộc Cách mạng Dân chủ và Nhân quyền, mở ra kỷ nguyên Tự do của dân tộc Việt Nam.
B.T.
Tác giả gửi BVN
HIẾN KẾ CHO TỔNG BÍ THƯ
NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 23-2-2018
1-Giới thiệu vấn đề

Đầu năm 2018, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật phát hành bộ sách 2 tập: “VỮNG BƯỚC TRÊN CON ĐƯỜNG ĐỔI MỚI” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nó được đánh giá theo 2 luồng khác nhau. Thông tin lề phải ca ngợi hết lời, cho rằng: “Bộ sách thể hiện quan điểm chỉ đạo, những trăn trở, tinh thần trách nhiệm của người lãnh đạo cao nhất của Đảng đối với những vấn đề quan trọng của đất nước, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, góp phần định hướng cho cán bộ, đảng viên tiếp tục rèn luyện bản lĩnh chính trị, trí tuệ, phẩm chất đạo đức, kiên định vững vàng đường lối đổi mới.

Thông tin lề trái đưa ra những nhận định ngược lại, cho rằng: “Đó là tư duy cực kỳ bảo thủ, giáo điều thâm căn cố đế, là sự kiên định những thứ đã tỏ ra quá lạc hậu và phản tiến bộ, là tư duy cứng nhắc, đóng cửa mọi sự thay đổi. Đổi mới chỉ là giả vờ, là lừa bịp để ngăn cản những cải cách dân chủ hóa.  Đổi mới sao được khi ôm chặt chủ nghĩa Mác – Lê (CNML) đã bị Liên Xô và các nước Đông Âu vứt bỏ , khi chế độ độc đảng toàn trị là trái ngược với nền dân chủ của thời đại văn minh, khi phủ nhận quyền tư hữu về ruộng đất, về tài sản, về quyền tự do và bình đẳng trong kinh doanh v.v…”.

2-Đoán ý của ông Trọng

Qua những việc làm, đặc biệt là “đốt lò chống tham nhũng”, là in bộ sách, ông Trọng muốn cho mọi người thấy mục đích là làm vững mạnh và trong sạch Đảng, là kiên trì CNML. Ông cố biện minh cho mục đích trong sáng, chính nghĩa, là công lao to lớn và cũng được một số người ca tụng, đề cao. Tuy vậy đó chỉ là bề ngoài. Liệu trong sâu thẳm của tư tưởng, trong gốc gác của tâm thức có chứa đựng ý đồ nào khác? Ý đồ đó thường được giấu kín, mọi người muốn biết chỉ có thể đoán. Dựa trên tâm lý chung có thể đoán ý đồ giấu kín gồm 2 phần. Trước mắt là củng cố quyền lực cá nhân để được mọi người phục tùng, ca ngợi, để chứng tỏ tài năng, phẩm chất siêu việt. Lâu dài là muốn lưu danh thiên cố, được dựng tượng đồng bia đá.

Nhiều người hoàn toàn thông cảm với ý đồ giấu kín ấy vì đó cũng là thường tình của nhân loại. Tuy vậy tôi muốn nhắc ông một điều rất quan trọng sau đây.  Theo niềm tin tâm linh thì : “Mưu sự tại người, thành sự tại Thượng Đế ”, quy vai trò quyết định cho Thượng Đế.  Nếu tuyệt đối tin vào duy vật, phủ nhận tâm linh thì ý câu trên vẫn đúng khi thay bằng ”Mưu sự tại người, thành bại tại Quy luật khách quan”.  Nhiều người rất muốn làm những việc để được lưu danh thơm, nhưng có lưu được hay không lại phụ thuộc chủ yếu vào kết quả của công việc đối với nhân loại chứ không phải ý muốn cá nhân. Nếu ai đó rất muốn lưu danh mà việc làm mang lại tai họa cho nhân dân thì chỉ có thể lưu danh xú uế.  Khi đến thăm đền thờ Tống Nhạc Phi, tôi thấy tượng Tần Cối trong hình dáng ô nhục, đó là một dẫn chứng sinh động. (Tần Cối, tể tướng thời Nam Tống, quyền cao chức trọng, tuyên bố là có kế sách làm cho Thiên hạ thái bình,  nhưng mang dã tâm bán nước và hãm hại trung thần, bị lịch sử lên án).

Để đánh giá kết quả công việc là tốt hay xấu đối với nhân loại không thể dựa vào ý kiến chủ quan và những lời tâng bốc nịnh hót của những người lệ thuộc. Những người đó, dù có bằng cấp cao, nhưng nếu thiếu dũng cảm, thiếu trung thực thì dễ trở thành kẻ nô lệ về tư tưởng. Khó có thể biết được sự thật khi chỉ có thông tin từ một nguồn phụ thuộc vào mình. Những người như Ceausescu (Rumani), Honekcơ (Đức), Sadam Hussen (Irăc), Gadaphi (Libi)…,không những rất muốn lưu danh với tượng đồng bia đá mà họ rất tin vào mục đích trong sáng , vào chính nghĩa của mình, tin vào lực lượng  bảo vệ  và những lời ca ngợi họ. Kết quả họ bị thân bại danh liệt, một trong những nguyên nhân là chỉ nghe tâng bốc từ một phía nên không biết được sự thật. Những người như Lênin, Stalin, Mao Trạch Đông, khi còn sống là những vị chúa tể, thế nhưng tội lỗi của họ vẫn bị lịch sử phán xét. Nhiều lãnh tụ một thời được nhà nước bỏ nhiều tiền của để dựng tượng đài rồi đến lúc nhân dân lại mất công phá bỏ.

 Để tiếp cận chân lý cần “Nhìn cho rộng, suy cho kỹ”, đặc biệt là phải có được ý kiến phản biện gay gắt của những người bất đồng, của đối lập. Những người ở ngôi cao thường rất tự tin, được sự ủng hộ và ca ngợi của một số đông, nhưng không ít người phải chịu thất bại thảm hại  mà nguồn gốc sâu xa là “ Làm trái Mệnh Trời” hoặc “làm trái quy luật” mà không tự biết vì vô minh và kiêu ngạo, vì thích nghe lời nịnh hót, tâng bốc.  Đến khi tỉnh ngộ ra thì đã quá muộn.

3-Hiến kế

Tôi mong rằng cơ bản ông Trọng là người tử tế. Ông đã làm được một số việc như “đốt lò chống tham nhũng”,  giữ được liêm khiết về hình thức, hình như không có  nhóm lợi ích và sân sau . Nhưng nhiều việc khác ông đã làm trái mệnh Trời, không phù hợp quy luật mà không tự biết, ông vẫn quá tin vào CNML và chính nghĩa của mình, quá tin vào những lời tụng ca của những kẻ vô minh, xảo ngôn hoặc nô bút. Nếu như vậy thì cái mộng tượng đồng bia đá sẽ không thực hiện được mà có nhiều khả năng bị lịch sử lên án hoặc được dựng tượng ô nhục như Tần Cối. Năm 1983, ông làm nghiên cứu, đề tài : "Các hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm làm mạnh mối quan hệ với quần chúng trong giai đoạn hiện nay: dựa trên kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Liên Xô"[. Bây giờ, sau khi Liên xô sụp đổ, ông thử rà soát lại và đối chiếu với thực tế xem nó như thế nào. Tuy năm nay ông đã 74 tuổi, nhưng nếu kịp thời tỉnh ngộ ra để hối cải thì vẫn chưa muộn.  Tôi là một trong các giáo sư VN đã nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy môn “Phương pháp luận nghiên cưu khoa học và sáng tạo” cho trình độ tiến sĩ và thạc sĩ. Tôi có vài kế có thể hiến để ông tham khảo. Trước mắt chỉ xin nêu 2 kế sau:

Kế 1- Hãy tiếp cận sự thật và quy luật

Câu “Hãy nhìn thẳng vào sự thật” được nói nhiều từ ĐH 6 ĐCSVN. Nhờ thế mà có được sự sửa sai trong kinh tế, đưa VN thoát khỏi bần cùng. Bây giờ nhiều sự thật vẫn đang bị che lấp. Một số quy luật về xã hội mà CNML công nhận, một thời được nhiều người cho là duy nhất đúng thì thực tế đã chứng tỏ sai lầm, thế mà ông vẫn chưa thấy ra. Những trí thức, những chuyên gia của Đảng xung quanh ông phần lớn vô minh, không thể trông mong. Những báo cáo của các địa phương, của các ban ngành cũng không đáng tin cậy hoàn toàn. Ngay những cảm nhận chủ quan của ông cũng nên được nghi ngờ. Tất cả đều đã bị sương mù che phủ dày đặc. Tôi tin ông vẫn còn lương tri, vẫn muốn tiếp cận sự thật và hiểu đúng quy luật. Thế nhưng hình như chưa có ai đủ trình độ và tín nhiệm cũng như đủ dũng cảm và có điều kiện để trình bày cho ông biết, hình như ông cũng chưa nắm được nghệ thuật nghe thấu cảm. Nếu thế có vài cách. Cách đơn giàn mà có hiệu quả cao là đối thoại với những người bất đồng chính kiến.  Ông nên tự tham gia đối thoại. Trước mắt chưa cần công khai. Ông có thể gọi thêm vài ba người ở Hội đồng lý luận (HĐLL) cùng tham gia. Người đối thoại với ông sẽ do các tổ chức xã hội dân sự bình chọn công khai trong số những người tự ứng cử hoặc được ông mời. Nội dung đối thoại do hai bên đề xuất và hiệp thương trước. Nếu ông ngại xuất đầu lộ diện trong đối thoại thì hãy cử một nhóm trong HĐLL. Cuộc đối thoại được ghi băng đầy đủ để ông nghe. Sau này có thể mở rộng đối thoại giữa các thành viên của HĐLL, của các cán bộ Đảng với các đại diện dân sự. Trong lúc chờ đợi sự đề cử và tín nhiệm của các tổ chức xã hội dân sự tôi xin tự ứng cử vì nhận thấy mình đủ trình độ và tư cách trao đổi với ông về những sai lầm cơ bản của CNML, về cách tiếp cận sự thật mà tôi đoán ông đã bị che lấp và về các quy luật mà có nhiều khả năng ông đã hiểu nhầm.

Kế 2- Hãy để lại một ấn tượng đẹp

Ông có nhận định: “Trăm năm nữa chưa chắc đã có CNXH”, còn tôi xin khẳng định rằng “Chủ nghĩa Cộng sản chắc chắn sẽ sụp đổ, không sớm thì muộn”. Ông hãy nghĩ đến lúc đó. Vừa rồi báo chí công bố một số bài của Lê Kiên Thành viết về người cha là cựu Tổng bí thư Lê Duẩn với một số tự hào. Ông hãy nghĩ đến việc, khi ông chết rồi, khi cộng sản bị sụp rồi mà con cháu ông vẫn có thế viết một cái gì đó tự hào về ông mà vẫn được nhân dân chấp nhận. Tôi hiến kế sau, một phần là giúp ông, giúp con cháu ông, phần chính là góp ý kiến vào tiến trình dân chủ hóa. Việc đốt lò chống tham nhũng tuy có gây được một số tiếng vang, nhưng đó mới chỉ là chống chứ chưa xây, và cũng chỉ mới chống hiện tượng cục bộ chứ chưa đụng đến bản chất và toàn diện. Ông có thế làm một số việc thuộc phạm trù xây và có tính bản chất. Ông đã từng nói: “Chúng ta dân chủ đến thế là cùng”. Bây giờ trước diễn đàn Quốc hội, với tư cách là một đại biểu QH, (chứ không phải tư cách Tổng bí thư), ông nên phát biểu ngắn  gọn về một số việc làm để bảo đảm sự dân chủ, trong đó trước mắt QH cần thông qua các luật liên quan đến nhân quyền như Luật Biểu tình, Luật lập hội; Luật tự do ngôn luận và báo chí. Sau đó, về phía Đảng ông đốc thúc thực hiện. Ngoài ra nên đề xuất các cải cách để nâng cao uy tín và hiệu quả hoạt động của QH. Không ai khác mà nên là chính ông phải đánh tan dư luận trong dân cho rằng QH chỉ là cơ quan biểu quyết theo lệnh của Đảng, mang nặng tính bù nhìn. Đánh tan dư luận không phải bằng tuyên truyền mà bằng việc làm cụ thể, có hiệu quả, đó là viêc xây dựng một QH có thực chất.

Xây dựng QH thực chất. Hơn nửa thế kỷ qua bầu QH khá vất vả, tốn kém, nhưng chỉ là dân chủ giả hiệu, quá lãng phí. Trong nhiệm kỳ này QH cần sửa đổi Luật bầu cử để có thể dùng cho đợt bầu sắp tới. Hướng nhắm đến là bầu được những người thật sự xứng đáng đại diện cho dân, thể hiện trí tuệ và nguyện vọng của dân. Tuy rằng trong thời gian qua tầng lớp tinh hoa của dân tộc bị mai một nhiều, một số theo dòng chảy máu chất xám ra nước ngoài, số khác bị bắt nhốt hoặc bị hạn chế hoạt động, nhưng người tài giỏi trong dân vẫn còn. Muốn chọn được người tài giỏi và liêm chính, phải tổ chức bầu cử thật sự dân chủ, xóa bỏ từ trong ý nghĩ và việc làm   “Đảng cử dân bầu”,  không chọn người theo cơ cấu, bãi bỏ việc Mặt trận độc quyền giới thiệu.  Phải có sự tranh cử công khai, để cho các tổ chức dân sự có tiếng nói công bằng. Để trở thành ĐBQH phải có chương trình hành đông, tranh cử minh bạch và được tín nhiệm cao của cử tri, ngoài ra không cần thêm một tiêu chuẩn nào khác. Cần có điều luật quy định rằng một người không thể đồng thời ở trong cơ quan hành pháp và lập pháp. Làm như vậy không những tránh được tệ nạn vừa đá bóng vừa thổi còi mà còn làm tăng trí tuệ cho cơ quan quyền lực.

Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc đất nước cần đổi mới lần hai mà nội dung chính là cải cách thể chế. Việc cải cách trong hòa bình tốt nhất là bắt đầu từ QH. Trong lúc chưa thay đổi Hiến pháp hoặc chưa xóa điều 4, mà vẫn công nhận QH là cơ quan quyền lực cao nhất thì cần phải thực hiện được điều sau:  QH ít nhất ngang cấp với Trung ương Đảng. Tôi hình dung như trong các nước có chế độ 2 Viện thì ở VN hiện nay Trung ương Đảng đóng vai trò Thượng nghị viện và QH đóng vai trò Hạ nghị viện. Hai Viện độc lập với nhau. Có được như thế thì việc tồn tại ủa QH mới có ý nghĩa.

Thực hiện cải cách thể chế từ hoạt động của QH, việc này bị CNML phê phán là “cải lương”, nhưng nhiều nước đã thành công nhờ đấu tranh nghị trường.

Nhân viết về Q, thiết nghĩ, Hội trường chính nhà QH có tên Diên Hồng. Tên ấy nói lên sự thống nhất ý chí của Triều đình và nhân dân quyết hy sinh chống ngoại xâm, đáp lại lời kêu gọi: “Thần dân nghe chăng sơn hà nguy biến (lời bài hát cũ)”. Thế nhưng nơi ấy các ĐBQH đã ngồi yên lặng nghe lời phủ dụ của Tập Cận Bình, kẻ có dã tâm chiếm đoạt đất đai và nô dịch dân ta. Ngay sau đó hắn ngang nhiên tuyên bố Hoàng Sa và Trường Sa là đất Trung quốc. Tôi nghĩ, để lấy lại tinh thần dân tộc thì QH nên làm lễ tẩy uế Hội trường Diên Hồng.

4-Lời kết

Ông Trọng chắc có biết câu châm ngôn cúa Nga “Một cái đầu là tốt, nhưng hai-tốt hơn” (Adna gơlôva khơrasô, nô đve- luse). Cái đầu thứ nhất ở đây là đầu biết suy nghĩ, cái đầu thứ hai, theo tôi hiểu, không phải để phụ họa mà là để phản biện. Ông là người có trí tuệ, có mưu lược, có niềm tin vững chắc, nhưng tiếc rằng trí tuệ ấy, niềm tin ấy có thiếu sót cơ bản mà những người thầy trong quá khứ của ông còn bị sai phạm nặng hơn. Họ đã gieo vào đầu ông những điều mà cả họ và ông đều cho là chân lý với đầy đủ các chứng minh cần thiết. Tiếc rằng trong đó có chứa nhiều ngụy biện mà phải có một trình độ nào đó và lòng dũng cảm mới phát hiện ra. Chắc ông biết rõ có nhiều người, vào thời trẻ đã rất say mê CNML, nhưng khi trưởng thành họ đã thấy được các tác hại của nó, họ đã thay đổi quan điểm. Đó là kết quả của tự đấu tranh và chiến thắng bản thân. Xin chép ra đây bài thơ của Tướng quân Trần Độ:

Những mong xóa ác ở trên đời
Ta phó thân ta với đất trời
Tưởng ác xóa rồi thay cực thiện
Không ngờ cái ác lại luân hồi

Tôi đoán ông chưa hiểu thấu đáo cái ác mà Tướng Trần Độ nói đến. Hình như trong cuộc đời ông chưa có dịp nào đem tư tưởng, quan điểm của mình cọ xát với thực tế, đem lý luận của mình đối thoại với những người phản biện thuộc bậc thầy xem có đứng vững được không. Mong cho ông gặp dược những người thầy, người bạn có đủ trí tuệ và dũng cảm giúp ông nhận thức đúng quy luật, tiếp cận được chân lý. Mong cho ông tự chiến thắng được bản thân về những điều mà thông tin lề trái nói không sai về ông. Được như vậy thì có khả năng ông được tượng đồng bia đá cả trên thực tế và trong lòng dân tộc. Còn nếu ông vẫn kiên định như bây giờ thì chưa biết chuyện gì sẽ xẩy ra.

Nguyễn Đình Cống. Số ĐT : 01689 578620


Tác giả gửi BVN
DANH THƠM LÀ LẼ SỐNG CỦA KẺ SĨ
NGUYỄN HIẾU/ VOV 19-2-2018
danh thom la le song cua ke si hinh 1
Câu chuyện tiêu biểu nhất cho danh tiết sĩ phu Bắc Hà kể về cuộc đối đáp của Ngô Thì Nhậm và Đặng Trần Thường qua hai lần thắng bại của từng người. Khi Vua Quang Trung với danh tiếng và mục tiêu chân chính của mình trước nạn ngoại xâm đã thu phục và trọng dụng Ngô Thì Nhậm, mời ông nhậm chức Thượng thư Bộ lại - chức cao nhất trong sáu bộ, tương đương chức thủ tướng hiện nay.
Khi Đặng Trần Thường vốn là sĩ phu (kẻ có học gian trá) muốn được Ngô Thì Nhậm tiến cử làm quan, ông đã từ chối thẳng thừng với câu nói: “Ở đây cần kẻ có tài, có hạnh chứ không cần kẻ ra luồn vào cúi”.
Khi Đặng Trần Thường theo nhà Nguyễn đánh bại Tây Sơn, được giao là kẻ trừng phạt một số quan Tây Sơn bằng roi tại Văn Miếu đã ra câu đối bắt Ngô Thì Nhậm đối: “Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai, ai dễ biết ai”. Ngô Thì Nhậm khẳng khái đối: “Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu thời thế thế thời phải thế”. Thường bắt chữa “thế thời phải thế” thành “thế đành theo thế”. Ngô Thì Nhậm không nghe. Thường đã sai tẩm thuốc độc vào roi đánh chết Ngô Thì Nhậm.
Kẻ sĩ hay sĩ phu Bắc Hà là tên gọi, cũng là danh xưng của tầng lớp trí thức có tiết tháo ở Đàng Ngoài tính từ sông Gianh ( Quảng Bình ) ra vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 thời Trịnh - Nguyễn phân tranh.
Nhắc lại điển tích kinh điển về tiết tháo sĩ phu Bắc Hà để thấy. Hai đặc trưng lớn nhất của những người được vinh dự mang danh này là sự học hành, hiểu biết và nhân cách làm người. Đó là những trí thức mà “họ không ham sự giàu sang không chính đáng. Sự nghèo khổ không làm họ thay đổi nhân cách và dũng khí quyền, bạo lực không làm họ khuất phục” (Phú quý bất năng dâm. Bần tiện bất năng di. Uy vũ bất năng khuất).
Nhớ đến chuyện xưa đầy khí phách của sĩ phu tiền nhân tôi lại liên hệ đến chiếc lò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được nhóm lên bằng ý chí quyết tâm tiêu diệt bằng được hiểm họa của đại dịch tham nhũng. Đó là đại dịch có nguy cơ làm suy sụp rường cột quốc gia, làm băng hoại đạo đức đảng viên - những người từng được dân tin, dân yêu vì đạo đức trong sáng, quên mình vì dân, vì nước.
Nói về tham nhũng của giới quan trường thì thời nào và ở nước nào cũng có và việc tiêu diệt nó đều là những việc làm quả cảm nhất, công bằng nhất vì cuộc sống của người dân, sự tồn vong của thể chế. Tham nhũng bao giờ cũng gắn với những người có chức có quyền. Trong điều kiện quyền lực trong tay, thì chỉ cần một chút thiếu công tâm, một sự tha hóa trong tâm hồn kẻ cường quyền thì lập tức tham nhũng xuất hiện.
Cách đây 2.500 năm thành A-ten của Hy Lạp cổ đã ban lệnh sẽ tống cổ ra khỏi thành và không cho tham gia chính sự trong 10 năm đối với bất kỳ chính khách nào phạm vào hai tội tham nhũng và trai gái. Hơn 700 năm trước, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã cảnh báo 5 điều họa, trong đó có “tham nhũng lan tràn” sẽ làm cho quốc sỉ mất, liêm sỉ tan và quốc gia bại vong... Năm 1950, trong khói lửa của cuộc chiến tranh vệ quốc, Bác Hồ kính yêu đã gạt nước mắt ký bản án tử hình đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu vì tham nhũng...
Và nay một thực tế đau lòng đã xảy ra trong chế độ ta là nạn tham nhũng đã trở thành tệ nạn đang phá hoại trầm trọng đất nước, làm băng hoại không ít cán bộ đảng viên và đáng sợ hơn là mất niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - với tư cách là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhìn ra mối nguy cơ của đại dịch tham nhũng, bằng tất cả dũng khí và mưu lược của một kẻ sĩ Bắc Hà đã phất lên ngọn cờ tiêu diệt bằng được sự tham nhũng, sự lộng quyền. Ông trở thành một người đốt lò vĩ đại đã nhóm lên chiếc lò được cháy lên bằng ngọn lửa của lương tâm, và công lý để thiêu hủy bằng được cơn đại dịch tham nhũng và lạm quyền.    
Người có học bao giờ cũng trọng cái danh và xa lánh mọi ham hố vật chất, sự ích kỷ vun vén quyền lợi cho cá nhân, cho gia đình mình. Vài ba chục năm trở lại đây, người dân từng biết khá nhiều vị có chức sắc bằng quyền lực của mình cất nhắc con cái, người thân vào những vị trí này nọ. Mỗi lần có sự việc nào đó từ cưới xin cho con, thượng thọ cho bố mẹ, không ít vị lợi dụng chức vị để kiếm chác. Trên thiếp mời còn lòe loẹt in đủ chức danh và học vị.
Với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì không. Đã kinh qua nhiều chức vụ cao nhất của nhà nước, của Đảng nhưng từ việc lớn cho đến việc nhỏ, trong dân gian chưa có lời đồn, giai thoại nào về sự lợi dụng quyền hạn của ông để mưu lợi cho mình, cho người thân.
Về với lớp từ phổ thông đến đại học, Tổng Bí thư vẫn khiêm nhường, hòa đồng với mọi người. Ngay cả khi đang ở vị trí cao nhất Quốc hội, khi về với lớp học cũ, ông vẫn khiêm tốn với bạn đồng môn với các thầy, các cô giáo cũ. 
Ông  nói: Xin cho em, cho tôi được để mọi chức tước ngoài căn phòng này. Em đến đây mãi mãi là học trò cũ của các thầy, các cô ngày nào. Còn tôi gặp may mắn hơn các bạn. Chức tước như phù vân, còn mãi với nhau là tình thầy trò, bè bạn. Mong chúng ta luôn giữ được điều đó - nhà báo Dương Đức Quảng người cùng khóa Văn 8 với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  thuật lại lời Tổng Bí thư và cho biết thêm:  “Khi chụp ảnh kỷ niệm lớp, anh vẫn nhường cho người cao tuổi ngồi trên. Lúc thư nhàn, anh vẫn về thăm những thầy cô giáo của mình với lòng kính trọng, biết ơn chân thành. “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” là đạo làm người của kẻ sĩ vậy.
Lò lửa chống tham nhũng đang ngùn ngụt cháy đúng như mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”. Chiếc lò đó đã bắt đầu và sẽ liên tục thiêu ra tro những củi gộc mối mọt, độc địa. Ngọn lửa nghìn độ đó không chỉ được nuôi bằng lương tâm, dũng khí mà còn bằng trí tuệ, tài thao lược bài bản, có lớp lang của một kẻ sĩ có tâm, có tài, có dũng. Nhờ có chiếc lò và ngọn lửa hợp lòng dân như vậy nên chưa bao giờ cuộc chiến đấu chống tham nhũng lại quyết liệt, công bằng và có kết quả như lúc này.
Xin nhắc lại người nhóm lò và giữ cho ngọn lửa trong lò đó, người đứng đầu cuộc chống tham nhũng đang có hiệu lực làm nức lòng người đó chính là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - một kẻ sĩ Bắc Hà ta đó./.


Nhà văn Nguyễn Hiếu
 'NGƯỜI ĐỐT LÒ VĨ ĐẠI'-PHONG TRÀO  TÔN SÙNG CÁ NHÂN BẮT ĐẦU !
THIỀN LÂM/ Cali Today 21-2-2018
Ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng bí thư đảng CSVN – vừa được báo đảng Việt Nam chính thức xưng tụng thêm một biệt danh mới: “Người đốt lò vĩ đại”.
Có thể hiểu, một phong trào tôn sùng cá nhân ông Trọng cũng đã chính thức khởi động.
Ngày 19/2/2018, trong bầu không khí tết nguyên đán và “năm mới thắng lợi mới”, Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) đã đăng tải bài viết cho rằng: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – với tư cách là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhìn ra mối nguy cơ của đại dịch tham nhũng, bằng tất cả dũng khí và mưu lược của một kẻ sĩ Bắc Hà đã phất lên ngọn cờ tiêu diệt bằng được sự tham nhũng, sự lộng quyền”, và “Ông trở thành một người đốt lò vĩ đại đã nhóm lên chiếc lò được cháy lên bằng ngọn lửa của lương tâm, và công lý để thiêu hủy bằng được cơn đại dịch tham nhũng và lạm quyền”.
VOV thuộc sự quản lý của Ban Tuyên giáo trung ương đảng CSVN, đứng đầu bởi ông Nguyễn Thế Kỷ – cựu Phó trưởng ban tuyên giáo trung ương và được xem là “học trò cưng” của giáo sư Nguyễn Phú Trọng về mặt ý thức hệ xã hội chủ nghĩa và cường độ tuyên truyền cho công cuộc “chống tham nhũng” của ông Trọng.
Từ sau “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy” – một phát ngôn “xuất thần” của Nguyễn Phú Trọng vào tháng Tám năm 2017 và trùng với thời điểm cuộc khủng hoảng Đức – Việt bùng nổ từ việc Nhà nước Đức tố cáo mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh nay tại Berlin vào tháng 7/2017, đến nay “Người đốt lò vĩ đại” đã trở thành danh xưng chính thức dành cho “lãnh tụ Nguyễn Phú Trọng”.
Trước đó, ông Trọng đã được một số văn nhân cận thần xưng tụng thành “Sỹ phu Bắc Hà”, “Minh quân”. Và cả “Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo”.
Trước Nguyễn Phú Trọng, chưa có một tổng bí thư nào được tụng ca ngút trời như thế.
Vào năm 1986, tổng bí thư đảng Cộng sản khi đó là Nguyễn Văn Linh đã phát động chủ trương “những việc cần làm ngay” để chống tham nhũng và tệ nạn quan liêu cửa quyền hành chính trong đảng. Tuy nhiên mức độ tham nhũng vào thời gian đó chủ yếu là tham nhũng nhỏ, tham nhũng vặt, hoàn toàn chưa có những vụ “đại án tham nhũng” với quy mô lên đến hàng trăm triệu USD như hiện thời.
Ba chục năm sau thời Nguyễn Văn Linh, dường như Nguyễn Phú Trọng muốn tái hiện hình ảnh một tổng bí thư theo tinh thần “đổi mới”. Tháng Sáu năm 2016, ngay sau khi tái nhiệm chức vụ tổng bí thư, ông Trọng đã phát ra chủ trương “việc cần làm ngay” và bắt đầu khởi động giai đoạn đầu tiên của chiến dịch “chống tham nhũng” của ông.
Lần đầu tiên trong lịch sử 73 năm của chế độ một đảng Cộng sản ở Việt Nam, một chiến dịch được xem là “Chống tham nhũng” trên phương diện tuyên truyền, hay còn có tên là “Đốt lò” theo cách gọi dân gian, đã được nhân vật đứng đầu đảng Cộng sản là Nguyễn Phú Trọng kích phát với quyết tâm và quy mô lớn chưa từng có.
Nhưng cuộc chiến “chống tham nhũng” của ông Trọng lại mới chỉ bắt đầu. Bắt đầu sau gần hai năm chấp nhiệm chức vụ tổng bí thư nhiệm kỳ 2, và gần 6 năm từ khi ông ngồi ghế này.
Trong suốt nhiệm kỳ đầu, Nguyễn Phú Trọng đã không để lại một dấu ấn nào về chống tham ô, tham nhũng. Vài ba vụ án kinh tế lớn đươc đưa ra tòa xét xử chỉ mang ấn tượng của “tập thể Bộ Chính trị”. Bất chấp vài ba phát ngôn rập khuôn như “phải chống tham nhũng quyết liệt” của ông Trọng, chỉ số tham nhũng trong giới quan chức ở Việt Nam vẫn chỉ tiến không giảm trên bảng xếp hạng của các tổ chức nghiên cứu quốc tế.
Khác hẳn với ba chục năm trước, chế độ chính trị ở Việt Nam bị xem là “quốc nạn” về tham nhũng. Từ hàng chục năm trước đó, đã có nhiều đồn đoán về hàng ngàn quan chức bậc trung – cao có tài sản nổi và chìm lên đến hàng trăm triệu USD mỗi người. Còn đến nay, có đến vài ba “đại gia” ở Việt Nam đã lọt vào danh sách những người giàu nhất thế giới, đính kèm một dòng tiền chuyển bất hợp pháp ra nước ngoài lên đến 19 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2015 – theo một tiết lộ của Hồ sơ Panama. Tính gộp cả vài chục năm trước đó, số tiền chuyển ra nước ngoài lên đến hơn 80 tỷ USD. Nhiều dư luận cho rằng trong số tiền lưu chuyển không rõ gốc gác và đầy nghi ngờ đó, tiền của giới quan chức chiếm chủ yếu. Mà tiền của quan chức lại chủ yếu, hoặc tuyệt đại đa số là tiền tích góp do tham ô tham nhũng, bị xem là “hút máu dân”.
Đến nay, vẫn còn nhiều tranh cãi về mục đích thực chất của “đốt lò” là chống tham nhũng một cách thực chất hay chỉ là một chiến dịch thanh trừng các đối thủ chính trị trong quá khứ gần và ngay trong hiện tại.
Bởi cho tới giờ này ông Trọng mới chỉ chứng tỏ được sự nghiệp của ông là “chống tham nhũng thời kỳ trước”, tức “thời kỳ Nguyễn Tấn Dũng”, hoặc còn gọi là “chống tham nhũng một bên” chứ chưa có gì gọi là công bằng khi còn sờ sờ ra đó những Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng y tế liên đới trách nhiệm vụ nhập thuốc ung thư giả, Võ Kim Cự – cựu bí thư Hà Tĩnh liên đới trách nhiệm vụ thảm họa xả thải của Formosa, Trịnh Văn Chiến – Bí thư Thanh Hóa bị quá nhiều dư luận về tài sản, làm ăn riêng và bồ bịch…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét