Thứ Bảy, 17 tháng 2, 2018

20180217. BÌNH LUẬN ĐẦU NĂM VỀ KINH TẾ VIỆT NAM

ĐIỂM BÁO MẠNG
VÌ SAO THU NHẬP THỰC TẾ CỦA NGƯỜI DÂN TĂNG CHƯA ĐÁNG KỂ ?

VŨ PHƯƠNG/ GDVN 15-2-2018



Nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng, năm 2018 kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục bứt phá, lập kỷ lục mới trên nền tảng tăng trưởng kinh tế ấn tượng năm 2017. Ảnh: TTXVN

Kinh tế Việt Nam năm 2017 đã hoàn thành các chỉ tiêu vượt dự đoán không chỉ giới chuyên gia trong nước mà ngay cả với các tổ chức tín dụng uy tín quốc tế.
Đây là năm đầu tiên Việt Nam đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội do Quốc hội đề ra. Nổi bật hơn cả là tăng trưởng GDP còn vượt chỉ tiêu kế hoạch (6,81% so với 6,7% mục tiêu) - mức cao nhất trong nhiều năm qua.
Đặc biệt, tăng trưởng theo từng ngành đạt được những con số ấn tượng như lĩnh vực nông, lâm thủy sản tăng 2,9%; Công nghiệp và xây dựng tăng 8%; Dịch vụ tăng 7,44%.
Quy mô nền kinh tế năm 2017 đạt trên 5 triệu tỷ đồng, trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tiếp tục là thành phần chủ lực, đóng góp 74% vào quy mô nền kinh tế.
GDP trên đầu người năm 2017 đạt 53,5 triệu đồng/năm (2.385 đô la Mỹ), tăng 3,7 triệu đồng/năm (170 đô la Mỹ) so với 2016.
Số doanh nghiệp thành lập mới là 126.859 với tổng số vốn đăng ký  lên đến 1.296 ngàn tỷ đồng và mang lại việc làm cho 1,16 triệu lao động; doanh nghiệp trở lại hoạt động 26.448.
Nhìn chung tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa lên đến 21,2% trong khi tăng trưởng về kim ngạch nhập khẩu là 20,8%.
Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt 17,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là con số kỷ lục trong vòng 10 năm qua sau quá trình nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài.
Trong đó, có tới 5 dự án trị giá hàng tỷ đô la Mỹ được cấp chứng nhận đầu tư trong năm 2018.
Ngành du lịch, tiếp nối thành công của năm 2016 tiếp tục đạt kỷ lục với 10 triệu khách. Năm 2017, gần 13 triệu khách quốc tế đặt chân đến Việt Nam, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu du lịch lữ hành 2017 ước tính đạt 35,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Bùi Trinh đánh giá: “Năm 2017, nền kinh tế chứng kiến hàng loạt con số kỷ lục trên nhiều lĩnh vực: Tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 21,2% trong khi tăng trưởng về kim ngạch nhập khẩu là 20,8%.
Thặng dư thương mại vượt mốc 400 tỷ đô la Mỹ; vốn FDI cũng đạt con số kỷ lục và cao nhất từ trước đến nay. Số doanh nghiệp thành lập mới lên đến trên 120 ngàn.
Điều này cho thấy năm 2017 là một năm thuận lợi và phần nào đó Chính phủ kiến tạo đã phát huy tác dụng khá tích cực.
Đặc biệt, vấn đề chống tham nhũng năm qua làm rất mạnh, điều này đã không chỉ còn là khẩu hiệu mà được Đảng và Nhà nước thực hiện quyết liệt, củng cố thêm niềm tin cho người dân và doanh nghiệp”.
Nhìn vào những con số, chỉ số kinh tế rất ấn tượng, cao kỷ lục năm 2017, không ít người cho rằng đó là điều rất đáng mừng cho kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Bùi Trinh, không nên quá vui mừng bởi sức lan tỏa đến thu nhập của người dân tăng lên không đáng kể.
“Công nghiệp chế biến và xuất khẩu tăng cao, lên con số kỷ lục, nhưng nó không lan tỏa nhiều đến thu nhập cho người dân vì chúng ta chủ yếu là gia công.
Hơn nữa, vấn đề về môi trường, ô nhiễm nhà kính ngày càng tăng do chính ngành công nghiệp chế biến gây ra.  
Thực tế, tăng khí thải nhà kính sẽ không chỉ là hiểm họa của Việt Nam mà còn trên cả thế giới.
Đặc biệt, con số xuất khẩu không mang lại nhiều thu nhập cho người dân, đổi lại con người phải trả giá cho việc làm tổn hại đến môi trường.
Bởi vậy, việc cần làm phải là phát triển nền kinh tế bền vững như xuất khẩu dịch vụ. Đây là lĩnh vực không gây ảnh hưởng môi trường, tăng lượng khí thải nhà kính và lan tỏa rất mạnh đến nâng cao thu nhập cho người nhân theo mô hình cân bằng tổng thể.
Bên cạnh đó, xuất khẩu lĩnh vực nông nghiệp cũng lan tỏa rất tốt đến thu nhập cho người dân. Như năm qua xuất khẩu rau quả vượt qua dầu khí và gạo. Tuy nhiên, lĩnh vực nông nghiệp cũng tác động ít nhiều đến hiệu ứng nhà kính.
Trong tương lai muốn phát triển ngành nông nghiệp bền vững cần đầu tư vào nông nghiệp xanh, sạch.
Về mặt kinh tế, lĩnh vực nông nghiệp rất quan trọng, đây là lĩnh vực mang lại nguồn thu nhập thực chất, lớn cho người dân”, ông Trinh phân tích.

Tiến sĩ Bùi Trinh cho rằng, FDI và GDP tăng cao không có ý nghĩa nhiều đối với nền kinh tế bởi vậy không nên quá vui mừng về hai chỉ số này. Ảnh: Báo Hải quan. 
Ngoài vấn đề môi trường, khí thải nhà kính, Tiến sĩ Bùi Trinh cũng đặt ra vấn đề rất đáng suy nghĩ về việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): “Qua 30 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào Việt Nam (1987 – 2017), chúng ta không thể phủ nhận những đóng góp của khu vực này đối với sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.
Kêu gọi FDI là chủ trương đúng, cần thiết và không thể từ chối khi chúng ta đã hội nhập kinh tế quốc tế.
Nhưng thực tế cho thấy, cách thu hút các dự án FDI còn nhiều vấn đề, hạn chế như về ô nhiễm môi tường, khí thải nhà kính. Các vấn đề đó nảy sinh do cách thu hút FDI vừa qua rất ồ ạt, thiếu tính lựa chọn.
Chúng ta kỳ vọng vào các dự án FDI là nguồn tiền, lao động và sự chuyển giao công nghệ.
Nhưng thực tế các kỳ vọng trên về FDI đều không đạt được. Về chuyển giao công nghệ gần như bằng không.
Người dân Việt Nam gần như không được hưởng lợi gì từ các dự án FDI, ngân sách cũng không được hưởng lợi từ FDI”.
Tiến sĩ Bùi Trinh phân tích: “Về nguồn tiền, lượng thuế ưu đãi cho FDI tương đương lượng đầu tư. Như vậy rõ ràng nếu ưu tiên cho doanh nghiệp nội sẽ tốt hơn rất nhiều.
Đáng báo động, trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, gây ô nhiễm môi trường lại có nhiều doanh nghiệp FDI”.
Theo vị chuyên gia này, đến thời điểm này việc chọn lựa các nhà đầu tư FDI cần  kèm theo cam kết cụ thể là phải đảm bảo an toàn cho môi trường.
Cần phải kiên quyết từ chối các dự án FDI nếu không đáp ứng được điều kiện này. Dự án FDI cần tạo nên giá trị đích thực, có lợi cho doanh nghiệp đầu tư, nhưng đồng thời cũng phải mang lại lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam và người dân.
“Là chủ nhà, chúng ta có có quyền lựa chọn các nhà đầu tư có điều kiện, đáp ứng được kỳ vọng… ví dụ điều kiện trong hàng hóa khu vực FDI thì hàm lượng Việt Nam có bao nhiêu trong sản phẩm đó thì mới cho đầu tư. Chứ không thể mời gọi, thu hút theo kiểu ào ào”, Tiến sĩ Bùi Trinh nói.
Về con số tăng trưởng GDP kỷ lục năm 2017, Tiến sĩ Bùi Trinh cho rằng, tăng trưởng GDP cao hay thấp không có ý nghĩa gì nhiều đối với nền kinh tế Việt Nam. GDP tăng trưởng càng cao có thể tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Hơn nữa, tăng trưởng GDP cũng không lan tỏa nhiều đến thu nhập của người dân.
Tăng trưởng GDP không có ý nghĩa với nền kinh tế vì qua một số việc như xây tượng đài, xây nghĩa trang hàng ngàn tỷ thì GDP ngay trong năm đó càng tăng. GDP tăng vì đầu tư tăng, nhưng lại không có ý nghĩa gì đối với nền kinh tế, về lâu về dài còn dẫn đến những tác động tiêu cực.
Đánh giá tiềm năng, cơ hội cho kinh tế Việt Nam năm 2018, Tiến sĩ Bùi Trinh nhận định: “Kinh tế Việt Nam đang có độ mở rất lớn, các dự báo đều cho thấy kinh tế thế giới năm 2018 tiếp tục ổn định và Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng trên 6,5%.
Lĩnh vực nông lâm thủy sản sẽ tiếp tục là điểm sáng trong nền kinh tế Việt Nam năm 2018. Đây là lĩnh vực quan trọng góp phần lan tỏa, giúp tăng thu nhập đáng kể cho người dân.
Trước đây, vẫn những con người ấy, mảnh đất ấy, loại cây trồng đó, nhưng chưa thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính, nhưng năm qua một số mặt hàng nông sản đã có mặt tại nhiều nước đòi hỏi yêu cầu chất lượng, hình thức cao.
Rõ ràng việc chuyển giao cơ cấu cây trồng, vật nuôi của người dân đã rất hiệu quả và nông nghiệp chất lượng cao là một trong những thế mạnh cần phải tiếp tục đầu tư, góp phần quan trọng vào tăng trưởng nền kinh tế".
Vũ Phương
'KINH TẾ VIỆT NAM CÓ THỂ BÙNG NỔ NHƯ KỲ TÍCH  ĐỘI TUYỂN U23 '
VŨ PHƯƠNG/ GDVN 16-2-2018
Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm cho rằng, nền kinh tế Việt Nam muốn đuổi kịp các nước phải có những bước đột phá. Tăng trưởng kinh tế 2017 là tiền đề cho phát triển kinh tế bền vững những năm tiếp theo. Ảnh: Ngọc Quang. 
Nền kinh tế có nhiều cơ hội bứt phá
Năm Đinh Dậu khép lại, Việt Nam đã gặt hái được những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế và được nhiều tổ chức quốc tế uy tín đánh giá cao. Đặc biệt, tăng trưởng GDP năm 2017 đạt 6,81%, cao nhất trong 7 năm qua.
Năm 2017 cũng là năm đầu tiên Việt Nam đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra. Đặc biệt nền kinh tế đang từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm dần khai thác tài nguyên, chuyển sang công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển các ngành dịch vụ, du lịch.
Việc đạt được kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực đã góp phần củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi, động lực trong toàn xã hội. Trong đó, nhiều chỉ số kinh tế quan trọng đều tăng trưởng mạnh, lập kỷ lục như kim ngạch xuất khẩu rau quả đã vượt qua cả dầu khí, gạo.
Đáng chú ý, đây là năm đầu tiên nền kinh tế Việt Nam đạt quy mô 5 triệu tỷ đồng (tương đương 223 tỷ đô la Mỹ). Mức GDP bình quân trên đầu người đạt 2.385 đô la Mỹ, tăng thêm 170 đô la Mỹ so với năm 2016.
Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2017 tăng 20 bậc, lên hạng 68/157 quốc gia, vùng lãnh thổ. Theo Ngân hàng thế giới công bố, báo cáo môi trường kinh doanh năm 2018, Việt Nam đã tăng 14 bậc.
Báo cáo cũng nêu rõ, Việt Nam và Indonesia là 2 nước thực hiện nhiều cải cách nhất trong 15 năm qua trên toàn cầu.
Bối cảnh kinh tế thế giới vẫn đang theo chiều hướng tốt lên, cùng với đó, những nền tảng cho tăng trưởng kinh tế tiếp tục được phát huy trong thời gian qua, được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2018.
Từ những chỉ số trên nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2018 và các năm tiếp theo kinh tế Việt Nam hoàn toàn có cơ hội bứt phá và đạt những thành tựu lớn hơn.

Kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2017 đạt con số kỷ lục 3,5 tỷ đô la Mỹ vượt qua dầu khí và gạo. Ảnh: Vũ Phương
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam đánh giá: “Nội lực phát triển nền kinh tế Việt Nam đang tăng mạnh, tăng đều từ xuất khẩu, chế biến chế tạo, nông nghiệp đến đầu tư nước ngoài (FDI)…
Những chỉ số kinh tế đều tăng trưởng mạnh năm 2017 mới chỉ là những biểu hiện của sự phát triển nhưng sẽ là tiền đề phát triển kinh tế bền vững năm 2018 và các năm tiếp theo.
Năm qua nền kinh tế nước ta đã phát triển đều trên nhiều lĩnh vực như thị trường chứng khoán, hàng hóa, lao động, khoa học công nghệ đều phát triển rất khởi sắc. Có thể nói là phát triển trên tất cả các lĩnh vực đều tốt hơn, điều này rất đáng mừng”.
Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm chỉ ra: “Đặc biệt là những vấn đề trước đây chúng ta làm nhiều lần, nói nhiều lần nhưng làm chưa được hoặc làm chưa tới, kết quả không được như mong muốn.
Như vấn đề chống tham nhũng, trước đây nói rất nhiều nhưng làm chưa hiệu quả. Qua những vụ xử lý cán bộ tham nhũng, tham ô vừa vừa qua có thể thấy rõ. Qua đó, lấy lại được lòng tin trong nhân dân. Đặc biệt liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, xử lý cán bộ làm trong sạch nội bộ.
Tất cả các yếu tố đó tạo nên sức mạnh cho toàn xã hội, điều kiện để phát triển kinh tế toàn diện năm 2017. Tiền đề phát triển kinh tế bền vững năm 2018 trên tất cả các lĩnh vực đầu tư, lao động..
Bao trùm hơn nữa là lấy lại được lòng tin của nhân dân, những năm qua thực tế lòng tin người dân có giảm. Công cuộc chống tham nhũng đã đạt được những kết quả nhất định, kinh tế phát triển toàn diện được quốc tế đánh giá cao trên nhiều lĩnh vực như văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo…
Kinh tế phát triển mà nhân dân vẫn thiếu lòng tin thì cũng không ổn, nhưng thời gian gần đây niềm tin trong nhân dân tiếp tục được củng cố, đó là điều rất đáng mừng”.
Cần phải tiếp tục tổ chức, sắp xếp lại cán bộ
Ngoài những mặt tích cực, điểm sáng nền kinh tế xã hội năm qua, Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm cũng chỉ ra một số vấn đề, hạn chế còn tồn tại: “Sự chuyển động nhận thức và hành động toàn bộ máy chưa đều, còn lỗ hổng, trong đó chuyển động mạnh mẽ nhất mới ở cấp trung ương và lan sang một số tỉnh từ việc xây dựng đường lối, xây dựng luật pháp, nhận thức tư tưởng.
Đáng nói sự chuyển biến về đường lối chính sách, cách hành động, chỉ đạo mới ở trung ương chứ chưa lan ra toàn xã hội, đặc biệt là cấp cơ sở còn chậm.
Nếu cứ như thế này mãi thì rất đáng lo bởi cấp trên chỉ đạo, đưa ra đường lối, chủ trương đúng đắn mà dưới thực hiện không đến nơi đến chốn, thiếu hiệu quả, thiếu quyết liệt. Như thế người dân sẽ càng mất dần niềm tin.
Vấn đề lớn hơn là công tác phòng chống tham nhũng, vừa qua chúng ta mới gợi lên được nhận thức, ý thức chứ chưa thành hành động, chưa thành sự tự giác toàn hệ thống.
Những cán bộ bị xử lý gần đây chủ yếu là những vụ án quy mô lớn, nhưng tình trạng tham nhũng vặt ở các địa phương vẫn còn, điều này gây tâm lý bức xúc cho người dân.
Thêm nữa, vấn đề năng suất lao động, trình độ khoa học công nghệ, kỹ thuật, sức cạnh tranh nền kinh tế Việt Nam so với khu vực và thế giới còn khá xa. Cho nên muốn thực hiện được kế hoạch đuổi kịp các nước cần phải có những bước đột phá”.
Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm phân tích: “Trước hết đột phá về bộ máy tổ chức con người, khoa học công nghệ, cách làm, phương pháp làm, kỷ cương kỷ luật. Nếu đẩy lên được sẽ tạo được cú hích, tạo đột phá phát triển nền kinh tế.
Từ kỳ tích của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam có thể suy ra, tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam còn nhiều, nền kinh tế hoàn toàn có thể bứt phá.
Bóng đá có huấn luyện viên tốt sẽ tập hợp được sức mạnh, tạo được chí khí chung nhìn về một mục tiêu của toàn đội. Đồng lòng theo một mục tiêu sẽ thành công, kinh tế cũng vậy làm được như thế sẽ phát triển.
Đúc kết từ bóng đá để nghĩ về kinh tế sẽ thấy khó khăn nào cũng vượt qua và bật lên được, chưa bao giờ cầu thủ Việt Nam đá bóng trên tuyết mà thi đấu ngang ngửa với các đội bóng hơn cả về kinh nghiệm, thành tích, thể lực... Đó là bài học kinh nghiệm cần rút ra và phấn đấu theo hướng đó".
Theo ông Cao Sỹ Kiêm, từ việc nhỏ đó thôi đã chỉ ra kinh nghiệm, thực tiễn, công tác cán bộ rất quan trọng, lịch sử vẫn như thế, vẫn những con người đấy, nhưng người đứng đầu khơi dậy được, tập hợp được sẽ tạo thành sức mạnh và vượt qua tất cả.
Không chỉ bóng đá mà kinh tế cũng vậy, chưa làm đã đòi bớt xén, vơ vét thì làm sao người ta có động lực làm việc, phấn đấu, có kết quả, có phong trào.
Nhận định về tình hình kinh tế năm 2018, Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm tin tưởng: “Kết quả năm 2017 sẽ kế thừa, tạo nền tảng cho năm 2018 và các năm tiếp theo. Doanh nghiệp cốt lõi của nền kinh tế đang trên đà phát triển, chuyển hướng, khởi sắc, kể cả số doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp đã hoạt động.
Tạo lên những vòng xoay mới, động lực mới cho nền kinh tế phát triển, tạo thế đứng của chúng ta vững chắc. Năm nay các ngành vươn lên được đang dẫn dắt nền kinh tế được xã hội coi trọng như xuất khẩu, nông nghiệp công nghệ cao… tạo động lực thực sự.
Sắp tới vọng Nghị quyết trung ương 6 về công tác cán bộ, bố trí lại cán bộ, sàng lọc để loại bỏ những cán bộ năng lực yếu kém, bố trí cán bộ có năng lực sẽ làm bật nền kinh tế đi lên.
Không gì bằng chí khí, sự đoàn kết, đặt mục tiêu chung và cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau sẽ tạo thành sức mạnh”.
Vũ Phương
THÁCH THỨC LỚN CỦA KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2018
VŨ PHƯƠNG/ GDVN 17-2-2017
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định, năm 2018 kinh tế Việt Nam hoàn toàn có nền tảng tăng trưởng ấn tượng nếu doanh nghiệp giảm được các loại phí phi chính thức. Ảnh: Quang Huy




Năm 2017 được coi là năm thành công của nền kinh tế Việt Nam với nhiều kỷ lục ở cả tăng trưởng GDP, xuất khẩu, thu ngân sách, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, khách du lịch đến Việt Nam… đều đạt kỷ lục trong nhiều năm qua.
Đáng chú ý, diễn đàn kinh tế thế giới xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc, lên thứ 55/137; Ngân hàng Thế giới xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, lên thứ 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2017 tăng 20 bậc, lên mức 68/157 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tình hình kinh tế Việt Nam tháng 1/2018 đặt nhiều kết quả tích cực do bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi.
Cụ thể chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 1/2018 ước tính tăng cao ở mức 20,9% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng 23,8%, đóng góp 17,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 15,4%, đóng góp 1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 10,5%, đóng góp 2,3 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,8%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp mới cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Trong tháng 1/2018, cả nước có 10.839 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 98,3 nghìn tỷ đồng, tăng 20,6% về số doanh nghiệp và tăng 8,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.
Hoạt động xuất nhập khẩu cũng tăng mạnh. Kim ngạch xuất khẩu tháng 1/2018 ước tính đạt 19 tỷ đô la Mỹ.
Dự báo của các chuyên gia khá lạc quan về tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu năm 2018, tạo điều kiện đề thúc đẩy gia tăng xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế, nếu Việt Nam tận dụng được cơ hội của các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết.  
Bên cạnh những tín hiệu đáng mừng, những con số tăng ấn tượng, vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn thách thức lớn đòi hỏi cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực hơn nữa.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương đánh giá: “Năm 2018 kinh tế Việt Nam có nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Có thể chỉ ra thuận lợi, cũng như cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam đó là Chính phủ đang nỗ lực thực hiện thông điệp kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả.
Qua đó hy vọng sẽ có các bước cải cách thể chế, thực hiện công khai, minh bạch thông tin để người dân có thể tham gia và giám sát vào công cuộc phòng chống tham nhũng. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường vai trò giám sát và xây dựng của báo chí”.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhấn mạnh: “Năm 2018, Chính phủ sẽ đẩy mạnh, đẩy nhanh cải cách doanh nghiệp Nhà nước, cổ phần hóa, qua đó sẽ tăng thêm năng lực hoạt động, cạnh tranh của doanh nghiệp.
Dự báo lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục khởi sắc và tăng trưởng. Thực tế, ngày càng nhiều doanh nghiệp trong nước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tạo ra sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, sạch đáp ứng được yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu.
Tỷ lệ xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2017 đã gặt hái được nhiều thành công với kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục và năm 2018 sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Có thể nói nông nghiệp là lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, có ý nghĩa tăng thêm tỷ trọng trên thị trường quốc tế.
Điều này hoàn toàn khác với những dự án thuộc doanh nghiệp Nhà nước đã thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng như lĩnh vực sắt thép, phân bón, xơ sợi… của ngành công thương”.
Nhiều cuộc cạnh tranh gay gắt ngay trên "sân nhà" 
Bên cạnh những cơ hội, thuận lợi thì kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với không ít thách thức lớn.
“Thách thức lớn đối với kinh tế Việt Nam năm 2018 liên quan đến những vấn đề rất cơ bản của nền kinh tế.
Trước hết là các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, trong năm 2018 các mặt hàng nhập khẩu có thuế xuất xuống còn 0% -5%. Như vậy có nghĩa thị trường trong nước sẽ không còn là thị trường riêng của doanh nghiệp Việt. Đó sẽ là cuộc cạnh tranh rất gay gắt mà doanh nghiệp trong nước phải đối mặt.
Bên cạnh đó, giá điện sẽ tăng, giá vận tải, phí BOT cũng đang rất cao. Chi phí về vận tải, kho bãi các nước chỉ chiếm khoảng 12% GDP, trong khi đó tại nước ta chi phí này chiếm đến 27% GDP.
Như vậy, rõ ràng các doanh nghiệp nội đang phải trả cho các chi phí trên một khoản tiền khá lớn”, ông Doanh cho biết.
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, thuế nhập khẩu sẽ giảm xuống, khoản thu ngân sách từ thuế sẽ giảm theo rất nhiều.
Bộ Tài chính đã trình 5 dự luật, trong đó có tăng thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp... Trong đó, thuế thu nhập cá nhân được điều chỉnh từ 5 triệu đã đánh thuế và mức lũy tiến cũng tăng lên. Những vấn đề này cần tiếp tục thảo luận và cân nhắc áp dụng ở những thời điểm phù hợp, tránh gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhắc đến chi phí không chính thức mà các doanh nghiệp đang phải chịu: "Chi phí chính thức có thể tăng lên, nhưng bên cạnh đó phí không chính thức vẫn rất cao, trong đó có chi phí “bôi trơn” mà các doanh nghiệp đã đề cập, điều đó phản ánh thực tế “trên nóng dưới lạnh” vẫn đang diễn ra.
Chính phủ rất quyết tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, giảm thủ tục hành chính, giảm thuế, nhưng cấp dưới thực hiện chưa tới, chưa quyết liệt vì thế mà nhiều chi phí vẫn chưa giảm. Như thế thì doanh nghiệp nội cạnh tranh thế nào với sản phẩm nước ngoài?".
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định: “Số doanh nghiệp đăng ký mới tăng rất ấn thượng, khởi nghiệp doanh nghiệp đang có đà. Phát triển doanh nghiệp tiếp tục ổn định thể hiện môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện.
Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, phá sản cũng còn cao. Theo kết quả khảo sát cứ 10 doanh nghiệp hoạt động mới thì sau một năm hoạt động chỉ có 1-2 doanh nghiệp tiếp tục duy trì được. Tỷ lệ doanh nghiệp tồn tại như vậy là khá thấp.
Vì vậy phải đặt ra vấn đề, công cuộc cải cách tới đây có giúp được doanh nghiệp hoạt động, trụ vững hay không? Nếu không sẽ rơi vào rủi ro lớn”.
Cũng theo vị chuyên gia này, nếu thuế tăng lên, doanh nghiệp trong nước sẽ khó cạnh tranh được ngay trên sân nhà, mà không cạnh tranh được sẽ mất thị phần trong nước.
Điều đó có thể ảnh hưởng rất lớn đến sự sống còn của doanh nghiệp mới khởi nghiệp. Điều đó có ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng nền kinh tế và công ăn việc làm người dân như thế nào?
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhấn mạnh: “Đó là thách thức rất lớn mà các cơ quan chức năng cần phải có phân tích, đánh giá và có biện pháp thiết thực. Bên cạnh đó, rất mong Quốc hội sẽ lắng nghe để có giải pháp thích hợp”.
Vũ Phương

CÁC MÂU THUẪN HAY THẾ TIẾN THOÁI LƯỠNG NAN TRONG KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN Ở VIỆT NAM
 
LÊ VĨNH TRIỂN/viet-studies/ BVB 17-2-2018

Hình minh họa
 
Tác giả tiếp cận các vấn đề của Việt Nam bằng cách phân tích các mâu thuẫn hay những thế lưỡng nan mà chính quyền Việt Nam phải đối phó trong quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế đất nước. Cách thức chính quyền đối phó với các thế lưỡng nan đến lượt chúng lại dẫn chính quyền vào những thế lưỡng nan mới – lưỡng nan trong giải quyết các thế lưỡng nan hay mâu thuẫn trong giải quyết các mâu thuẫn. Điều đó cho thấy hoặc chính quyền chưa nhận ra các mâu thuẫn để có giải pháp phù hợp, hoặc nhận ra nhưng chưa thành công trong việc giải quyết các mâu thuẫn. Phần cuối bài là một vài gợi ý giải quyết vấn đề.
Lưỡng nan tổng quát giữa tăng trưởng kinh tế và tham nhũng:
Tăng trưởng kinh tế để tăng uy tín, củng cố chính danh nhưng tham nhũng phát sinh lại làm sụt giảm uy tín và hủy hoại tính chính danh của chính quyền.
 
Để duy trì quyền lực lãnh đạo khả dĩ được chấp nhận một cách chắc chắn, chính quyền cộng sản Việt Nam đã nhận thấy từ sau Đổi mới - 1986, tăng trưởng kinh tế có ý nghĩa quyết định. “Tăng trưởng” luôn là mục tiêu của hết đời tổng bí thư, thủ tướng này đến đời tổng bí thư, thủ tướng khác. Điều đó cũng hợp lý vì theo kinh nghiệm của các nền kinh tế đi trước, đặc biệt là các nước như Hàn Quốc, Đài loan và gần đây hơn là Trung Quốc. Tăng trưởng cao và liên tục luôn là mục tiêu kinh tế được cho là sẽ đưa đất nước vượt lên từ thu nhập thấp sang công nghiệp và hiện đại phát triển. Từ đó, các giải pháp duy trì tăng trưởng kinh tế, có thể nói là bằng mọi giá luôn được áp dụng. Tuy nhiên, chính sách tăng trưởng cao và liên tục dẫn đến sự trả giá ít nhất về hai mặt. Đó là tài nguyên cạn kiệt - môi trường bị hủy hoại, và tham nhũng không thể kiểm soát được. Xem xét các giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng nêu trên, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến hệ lụy tham nhũng trong hoàn cảnh thể chế Việt Nam. Chính tham nhũng nảy sinh từ tăng trưởng làm sụt giảm tính chính danh và uy tín của chính quyền.
 
Chúng tôi cho rằng đó chính là mâu thuẫn hay thế lưỡng nan tổng quát giữa tăng trưởng kinh tế và tham nhũng từ trong kinh tế và phát triển ở Việt Nam. Cụ thể là, không thể không tăng trưởng để tăng uy tín, duy trì tính chính danh của đảng lãnh đạo, nhưng tăng trưởng thì phát sinh tham nhũng làm mất uy tín và xoáy mòn tính chính danh của đảng lãnh đạo.
 
Sau đây, chúng tôi sẽ trình bày một số các chính sách tăng trưởng kinh tế của nhà nước, nhằm gia tăng uy tín, củng cố tính chính danh nhưng lại gây ra tham nhũng, mà chúng tôi cho rằng nó làm xoáy mòn tính chính danh của nhà nước và đảng cầm quyền. Cụ thể, trong tăng trưởng kinh tế, chúng tôi đề cập lần lượt các chính sách cổ phần hóa Doanh nghiệp nhà nước (CPHDNNN), thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI, khai thác tài nguyên khoáng sản quốc gia, và đầu tư công bằng nguồn ngân sách nhà nước đồng thời trình bày “đứa con” tham nhũng bất trị của các chính sách này.
 
Thứ nhất, chính sách cổ phần hóa DNNN: lưỡng nan tăng trưởng - tham nhũng:
 
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhà nước phải liên tục tạo nguồn thu cho đầu tư, nhằm tạo công ăn việc làm, gia tăng tổng sản lượng. Các chính sách như Cổ phần hóa Doanh nghiệp nhà nước vừa tăng nguồn thu cho ngân sách để tái đầu tư, vừa thúc đẩy hiệu quả của chính các DNNN để các doanh nghiệp này tác động tích cực vào tăng trưởng và phát triển kinh tế. Vì thế, CPH luôn được xác định là giải pháp nâng cao hiệu quả của DNNN và tạo nguồn cho tăng trưởng. Giải pháp một công đôi việc này tăng cường tính chính danh, vãn hồi uy tín của chính quyền vì sự yếu kém triền miên của DNNN đã làm xoáy mòn lòng tin của dân đối với chính quyền trong quản lý kinh tế, trong khi sự thiếu ngân sách đầu tư làm nhà nước bị động trong việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng.
 
Tuy nhiên, chính quá trình CPH-DNNN bản thân nó lại là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng. Việc định giá thấp DNNN để bán cổ phần ra công chúng, nhưng thường tạo điều kiện cho “tay trong” mua lại trong điều kiện không minh bạch kéo dài nhiều năm đã biến nhiều tài sản công thành tài sản của các quan chức tham gia cổ phần hóa. Các công ty sân sau được thành lập nhằm hợp thức hóa việc bán rẻ tài sản nhà nước từ các DNNN chuẩn bị CPH và mua đắt tài sản từ các doanh nghiệp sân sau là phổ biến. Việc chuyển đổi quyền sử dụng đất đai của nhà nước trong các DNNN chuyển sang cổ phần là mồi ngon cho tư nhân- thân hữu các quan chức… Vì vậy, một mặt CPH làm cho một số các DNNN hay từng là DNNN năng động và hiệu quả hơn, tạo vốn cho ngân sách đầu tư của nhà nước góp phần vào tăng trưởng kinh tế và vì thế làm tăng uy tín, củng cố tính chính danh. Mặt khác, tham nhũng và sự giàu lên bất chính của các quan chức nhà nước và thân hữu lại khoét sâu sự oán thán của người dân, làm nhà nước mất uy tín và đảng cầm quyền suy yếu tính chính danh. Đây là mâu thuẫn hay thế lưỡng nan thứ nhất của tăng trưởng và tham nhũng.
 
Thứ hai, chính sách khai thác tài nguyên thiên nhiên: lưỡng nan tăng trưởng kinh tế - tham nhũng và tàn phá môi trường
 
Tăng trưởng dựa trên khai thác tài nguyên thiên nhiên có sẵn có thể nói là biện pháp ít phức tạp, dễ hình dung nhất, nhưng đó là nơi giao thoa rõ nhất của tham nhũng và tàn phá môi trường. Việc khai thác không hiệu quả dẫn đến thua lỗ triền miên của các dự án khai thác tài nguyên, làm thất thoát thu ngân sách nhà nước nặng nề, dù đã được cảnh báo nhưng vẫn tiếp tục diễn ra. Từ các mỏ khai thác than đá, đến các nhà máy lọc dầu, từ các dự án boxit ở Tây nguyên, đến dự án khai thác khoáng sản lớn nhất nước như dự án Núi Pháo, các sai phạm được thấy ở tất cả các khía cạnh, từ khai thác bán không khai báo, kỹ thuật khai thác lạc hậu làm thất thoát tài nguyên đến việc xử lý các vấn đề về môi trường, đền bù di dời dân cư. Cấp phép khai thác tràn lan nhưng thiếu quy hoạch và minh bạch trong quản lý là hai vấn đề song hành ngày càng nghiêm trọng. Mặt khác, sự độc quyền khai thác tài nguyên khoáng sản của các DNNN tuy với danh nghĩa là bảo vệ tài nguyên nhưng thực chất lại vượt ngoài kiểm soát của luật pháp, khai thác cạn kiệt tài nguyên, thiếu hiệu quả và tham nhũng tràn lan. Tham nhũng được nói dưới dạng thất thoát trong công nghiệp khai thác tài nguyên khoáng sản luôn thể hiện với đơn vị ngàn tỷ đồng. Đó là chưa tính đến hậu quả của sự cạn kiệt tài nguyên, kể cả tài nguyên rừng và ô nhiễm môi trường nặng nề từ các dự án, vốn rõ ràng nhưng không cho thấy được kiểm soát.
 
Chính sách tăng trưởng nhằm tạo nguồn thu từ việc bán tài nguyên đã thể hiện sự thiệt hại đối với chính quyền (xoáy mòn uy tín) lớn hơn rất nhiều so với cái được (lòng tin của dân vào chính quyền qua tăng trưởng, tạo việc làm)! Điều đó cho thấy chính quyền ở vào thế lưỡng nan giữa một bên là tăng trưởng bằng việc khai thác tài nguyên và bên kia là hậu quả môi trường bị hủy hoại và tham nhũng từ các đại dự án khai thác. Vấn đề chiến lược đặt ra là hậu quả của các dự án này về dài hạn, sự cạn kiệt tài nguyên và không thể hồi phục về môi trường có thể được xem như những khoản “ghi nợ” vào tương lại đối với uy tín và tính chính danh của chính quyền. Việc xử lý dứt khoát, minh bạch sớm có thể giúp chính quyền cứu vớt ít nhiều uy tín của mình với chi phí thấp hơn nhiều so với các biện pháp thiếu dứt khoát và không minh bạch.
 
Thứ ba, chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI: lưỡng nan tăng trưởng kinh tế - tàn phá môi trường.
 
Đây là thế lưỡng nan giữa mặt tích cực là tăng trưởng kinh tế và mặt trái là việc lệ thuộc vào đầu tư nước ngoài trong phát triển kinh tế và môi trường bị tàn phá. FDI trong 30 năm qua đã chứng tỏ là một trụ cột cung cấp vốn để đầu tư và tăng trưởng. Đầu tư từ nước ngoài liên tục tăng trong hơn 10 năm gần đây, đóng góp quan trọng trong việc tăng thu ngân sách nhà nước qua nghĩa vụ thuế, tạo việc làm, cải thiện cân cân xuất nhập khẩu, tăng chất lượng công nghệ và quản lý doanh nghiệp. Từ đó, FDI được cho là động lực lớn đối với tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, do nhiều nước chưa tôn trọng các tiêu chuẩn về môi trường cùng với sự dễ dãi của chính quyền các cấp trong việc gọi vốn đầu tư bằng mọi giá, ngoài vấn đề hiệu quả đầu tư từ FDI thấp hơn so với các nước, khả năng lan tỏa về công nghệ và quản lý doanh nghiệp từ doanh nghiệp FDI là rất thấp, không như kỳ vọng thì việc tàn phá môi trường của các dự án đầu tư FDI khoét sâu mặt tiêu cực của nó. Điều này đặt chính quyền vào thế lưỡng nan của tăng trưởng- do FDI mang lại - và vấn đề môi trường. Câu hỏi “chọn thép hay chọn cá?” của đại diện một nhà đầu tư nước ngoài lớn thể hiện cụ thể lưỡng nan này.
 
Thứ tư, đầu tư công và thế lưỡng nan tăng trưởng kinh tế - tham nhũng:
 
Các chính sách kinh tế nêu trên đều được thi hành nhằm hướng tới tăng trưởng kinh tế mà về cơ bản là tạo nguồn thu cho ngân sách để từ đó đầu tư tăng trưởng. Đầu tư công lại là giải pháp trực tiếp chi ngân sách để tạo tăng trưởng. Tuy nhiên, tham nhũng trong đầu tư công là vấn đề đau đầu của chính quyền Việt Nam vì có thể nói nó như người anh em sinh đôi của chính đầu tư công tại Việt Nam. Tham nhũng xảy ra trong mọi khâu của một dự án đầu tư công, từ khâu lập hồ sơ dự án, quy hoạch, đến phê duyệt thẩm định. Thất thoát diễn ra ngay từ cả nhiều chủ trương đầu tư, thiết kế, đền bù giải phóng mặt bằng, triển khai điều hành quy hoạch hàng năm, đến lựa chọn nhà đầu tư và thực hiện thi công.

Vì thế, tuy đầu tư công Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn trong GDP nhưng hiệu quả được đánh giá là rất thấp so với các nước, nghĩa là Việt Nam phải đầu tư nhiều USD hơn các nước để có 1 USD đóng góp và GDP. Tham nhũng được cho kéo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thì tham nhũng trong đầu tư công có thể nói là minh chứng rõ ràng nhất. Rõ ràng, đối với đầu tư công, nhà nước không thể không thực hiện cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nhưng tham nhũng trầm trọng trong đầu tư công rõ ràng đặt nhà nước vào thế lưỡng nan của việc củng cố uy tín và tính chính danh của mình.
 
Sơ kết: Việc thực thi các chính sách nêu trên nhằm tăng trưởng kinh tế để duy trì uy tín chính trị và tính chính danh cho chính quyền lại đồng thời làm phát sinh tham nhũng và vấn đề môi trường. Hai hệ lụy này lại triệt tiêu nỗ lực duy trì uy tín và tính chính danh. Vì vậy, chống tham nhũng và hạn chế ảnh hưởng của hệ lụy môi trường đến chất lượng tăng trưởng là điều chính quyền phải đương đầu. Trong khi vấn đề môi trường dường như chưa được quan tâm đúng mức thì đối với tham nhũng, chính quyền Việt Nam đang tỏ ra rất dứt khoát và mạnh mẽ.
 
Chúng tôi không cho rằng vấn đề môi trường ảnh hưởng đến uy tín và tính chính danh của chính quyền cộng sản ít hơn tham nhũng. Những hậu quả của bùn bô xit, cá chết hàng loạt do các nhà máy thép, sự kiện Formosa, nạn phá rừng, buôn lậu gỗ tràn lan góp phần gây lũ lụt đã cho thấy sự phẫn nộ của công chúng; đảng cộng sản cũng nhận ra điều đó, cũng như nhận ra rằng đó chính là hệ quả của chính sách tăng trưởng kinh tế thiếu kiểm soát, không minh bạch. Tuy nhiên, do khuôn khổ của bài báo, tác giả tạm thời dành sự quan tâm đối với một số mâu thuẫn hay thế lưỡng nan mà chính quyền phải đối phó khi chống tham nhũng. Vấn đề môi trường sẽ được đề cập trong bài khác.
 
Chống tham nhũng và những mâu thuẫn hay lưỡng nan phát sinh trong việc chống tham nhũng
 
Để tiếp tục tăng trưởng kinh tế đồng thời cứu vãn uy tín và tính chính danh do hệ lụy tham nhũng gây ra, chính quyền Việt Nam xác định tham nhũng là giặc nội xâm và thậm chí đe dọa sự tồn vong của đảng lãnh đạo. Vì vậy, chính quyền đã tỏ ra quyết tâm chống tham nhũng. Tuy nhiên, tác giả cho rằng chính quyền vừa chống tham nhũng vừa phải đối phó với các thế lưỡng nan trong chính quá trình chống tham nhũng của mình, và mức độ thành công của việc chống tham nhũng tùy thuộc vào cách chính quyền xử lý các lưỡng nan hay mâu thuẫn nội tại này.
 
Thế lưỡng nan về thông tin (minh bạch và chống tham nhũng)
 
Để chống tham nhũng, thất thoát nảy sinh trong việc thực hiện các giải pháp tăng trưởng kinh tế như cổ phần hóa DNNN, đầu tư công hay khai thác tài nguyên, việc tôn trọng các nguyên tắc minh bạch, đòi hỏi giải trình và quy trách nhiệm đối với các quan chức quản lý nhà nước, quản lý kinh tế liên quan có ý nghĩa quyết định. Bên cạnh đó việc nới lõng kiểm soát truyền thông báo chí và khuyến khích người dân tham gia chống tham nhũng sẽ hỗ trợ hữu hiệu chính quyền trong công cuộc chống tham nhũng, đồng thời gia tăng uy tín và sự chính danh của chính quyền vì sự gắn kết với người dân cho mục tiêu chung. Tuy nhiên, khi các thông tin về thất thoát, về tham nhũng, về sự giàu lên bất thường của qua nhiều quan chức được phơi bày, sự ta thán, phẫn nộ của dân chúng một mặt thúc đẩy chính quyền quyết tâm chống tham nhũng nhằm làm hài lòng dân chúng, mặt khác làm chính quyền lo ngại sự phẫn nộ đi quá xa với quy mô có thể vượt tầm kiểm soát của họ.
 
Mặt khác, về mặt kinh tế - như tác giả đã phân tích trong bài “Privatizing State-Owned Enterprises in Vietnam: Government Dilemmas” trên the Diplomat (bản tiếng Việt “Thế lưỡng nan của Việt Nam trong quá trình tư nhân hóa” trên trang Nghiên cứu Quốc tế 24/7/2017) – khi kinh tế phát triển, lợi ích kinh tế mang lại cho cả khu vực nhà nước và tư nhân, đặc biệt qua việc CPH-DNNN và việc tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển. Khi đó có sự gia tăng đòi hỏi các quyền lợi dân sự từ khu vực tư nhân do quyền lực nhà nước giảm tương đối trong mối quan hệ với người dân. Quyền của người dân gia tăng trong bối cảnh thông tin được cởi mở - phơi bày những thất thoát và tham nhũng - sẽ càng làm trầm trọng hơn sự lo ngại nêu trên của chính quyền đối với sự phẫn nộ của công chúng. Chính quyền từ chỗ chấp nhận minh bạch, tự do thông tin và khuyến khích báo chí và dân chúng tham gia chống tham nhũng mau chóng chuyển sang hạn chế thông tin, kiểm duyệt báo chí chặt chẽ hơn. Các nguyên tắc minh bạch, giải trình bị hạn chế, tòa án thiếu độc lập và báo chí bị kiểm soát sẽ làm hiệu quả chống tham nhũng bị giảm sút, triệt tiêu.
 
Vậy trong việc chống tham nhũng, nếu mở rộng thông tin, tăng cường minh bạch, sự phẫn nộ của dân chúng về tham nhũng có thể vượt ngoài kiểm soát của chính quyền. Từ đó, dẫn đến kiểm soát thông tin, báo chí, hạn chế minh bạch mà kết quả là hy sinh ít nhiều hiệu quả của việc chống tham nhũng.
 
Thế lưỡng nan về thực thi công lực: gia tăng sức mạnh trấn áp và chống tham nhũng
 
Vì lo sợ - hay nhằm ngăn ngừa khả năng xảy ra bạo động chống lại chính quyền khi sự phẫn nộ của công chúng và thông tin về tham nhũng, môi trường trong dân tăng cao, trong hoàn cảnh quyền lực của nhà nước bị yếu đi tương đối khi so với người dân như đã phân tích thì ngoài việc hạn chế truyền thông, kiểm soát chặt chẽ báo chí, hạn chế việc thực thi các nguyên tắc pháp quyền minh bạch, giải trình và chịu trách nhiệm cũng như hạn chế sự độc lập của tư pháp, chính quyền còn tăng quy mô sử dụng các công cụ trấn áp, tăng sức mạnh của bộ máy công an, an ninh để ngăn chặn và triệt tiêu nguy cơ bạo động. Tuy nhiên, mâu thuẫn hay thế lưỡng nan mới xảy ra. Sự gia tăng các biện pháp trấn áp đồng nghĩa với việc vừa tăng chi ngân sách và quyền lực cho an ninh và công an và điều này lại gây ra tham nhũng. Tham nhũng trong khu vực này càng khó kiểm soát khi nó còn gắn liền với tham nhũng quyền lực. Như vậy, một mặt chính quyền chống tham nhũng, nhưng mặt khác chính quyền sử dụng chính sách hai gọng kiềm là kiểm soát thông tin và tăng cường trấn áp, mà gọng kiềm thứ nhất thì hạn chế khả năng chống tham nhũng của chính quyền, trong khi gọng kiềm thứ hai gây ra tham nhũng mới. Đây chính là thế lưỡng nan mà chính quyền cần giải quyết để việc chống tham nhũng có thể có những kết quả nhất định nhằm phát huy hiệu quả của các chính sách tăng trưởng kinh tế.
 
Kết luận:
 
Để duy trì tính chính danh, củng cố uy tín cho đảng lãnh đạo, chính quyền phải thực hiện nhiều giải pháp tăng trưởng kinh tế, các giải pháp lại làm phát sinh tham nhũng và làm tồi tệ hơn vấn đề môi trường. Các hệ lụy này lại làm mất uy tín và suy giảm tính chính danh của chính quyền.
 
Chính quyền vì thế phải chống tham nhũng. Để chống tham nhũng, chính quyền phải tăng cường minh bạch, công khai, tăng yêu cầu chịu trách nhiệm của các quan chức, nới lõng kiểm soát báo chí và tôn trọng hơn tiếng nói của người dân cũng như sự độc lập của tòa án. Các giải pháp về thông tin này tạo điều kiện nhiều hơn cho công chúng thể hiện tiếng nói của họ về sự trầm trọng của tham nhũng cũng như về cách thức chống tham nhũng của chính quyền. Thay vì phải tiếp tục theo cách thức tích cực này để gia tăng việc thực hiện các nguyên tắc pháp quyền, chính quyền lựa chọn giải pháp vừa chống tham nhũng vừa kiểm soát và hạn chế truyền thông báo chí nhằm hạn chế thông tin. Đồng thời với việc này là sự trao quyền nhiều hơn cho các công cụ trấn áp nhằm dập tắt những bất mãn, phản kháng của người dân. Cả việc kiểm soát thông tin, hạn chế thông tin tiêu cực, hạn chế phê phán và việc đầu tư gia tăng cho các công cụ trấn áp lại khiến tham nhũng gia tăng. Đó chính là vòng luẩn quẩn trong công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam. Nếu chính quyền không tìm cách thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn này, việc chống tham nhũng sẽ không thể thành công và chất lượng tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nghiệm trọng, thậm chí sự tăng trưởng sẽ bị chính tham nhũng tàn phá. Điều xấu hơn có thể xảy ra là việc chính quyền ngày càng lệ thuộc vào chính công cụ trấn áp của chính mình mà tham nhũng phát sinh ngay trong chính công cụ đó!
 
(Xuân Mậu Tuất 2018 -Kính tặng các bạn quan tâm đến thực trạng Việt Nam)
 
Lê Vĩnh Triển 
 
-----------------------------
Tài liệu tham khảo:
 
Về chính sách CPH-DNNN:
 
Về đầu tư công:
 
Về chính sách thu hút FDI:
 
Về chính sách khai thác tài nguyên:
[*] Tác giả làm việc tại Khoa Quản Lý Nhà Nước, trường Đại học Kinh Tế Hồ Chí Minh.
----------------
(Viet-Studies)     
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét