Thứ Năm, 8 tháng 2, 2018

20180208. QUANH SỰ KIỆN PHONG GIÁO SƯ, PHÓ GIÁO SƯ NĂM 2017

ĐIỂM BÁO MẠNG
TĂNG ĐỘT BIẾN GIÁO SƯ, PHÓ GIÁO SƯ: CÁC TRƯỜNG NÓI GÌ ?

NGUYỄN THẢO/ VNN 5-2-2018

giáo sư, phó giáo sư, bài báo khoa học
Số lượng giáo sư, phó giáo sư đạt chuẩn qua các năm gần đây. Đồ họa: Lê Huyền
 Lãnh đạo một số trường đại học cho biết có tâm lý lo ngại, cấp tập ở các ứng viên trong đợt xét tiêu chuẩn chức danh giáo sưphó giáo sư năm 2017.

Việc tăng đột biến số lượng giáo sư, phó giáo sư đạt chuẩn năm nay đã được GS.TSKH Trần Văn Nhung – Tổng Thư ký Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước – lý giải do 2 nguyên nhân.
Một là thời hạn nhận hồ sơ đăng ký được lùi lại nửa năm so với các năm trước. Nguyên nhân thứ hai, năm 2018 sẽ có sự thay đổi về quy định phong GS, PGS, nên tâm lý chung của các ứng viên mong muốn mình đi về "chuyến tàu cuối".
Do đó, năm nay, sự gia tăng số lượng ứng viên vừa do yếu tố tâm lý, vừa do họ có thêm thời gian để làm hồ sơ.
Trước con số 1.229 giáo sư, phó giáo sư đạt chuẩn năm 2017 – so với 703 giáo sư, phó giáo sư năm 2016 và 522 người đạt chuẩn năm 2015, việc dư luận đặt câu hỏi là điều dễ hiểu.
Lãnh đạo một số trường đại học cũng là các thành viên nằm trong hội đồng xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư cấp cơ sở cho biết có tâm lý lo ngại, cấp tập ở các ứng viên trong đợt xét tiêu chuẩn năm nay.
PGS Trần Văn Tớp - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội – chia sẻ, “có tăng tốc theo nghĩa tập trung cố gắng hoàn thiện”.
Theo danh sách công bố, năm nay Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có 4 giáo sư và 33 phó giáo sư được công nhận – so với năm 2016 là 2 giáo sư và 26 phó giáo sư.
Theo PGS Tớp, quy chế mới trong dự thảo về xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư ngày càng cao hơn, nên hiển nhiên các ứng viên tiềm năng sẽ cố gắng tìm nhiều cách để có đủ điểm công trình, thậm chí có thể chưa đạt được nhưng cũng cố gắng làm trong năm nay.
“Thường thì các hội đồng cơ sở sẽ xem xét cho cán bộ của mình, cho nên đánh giá cũng ở thang rộng hơn một chút. Tuy nhiên, hội đồng cơ sở của Bách khoa làm rất nghiêm túc, cẩn thận. Với 8 hồ sơ xét duyệt chức danh giáo sư, hội đồng cơ sở đã loại 2 hồ sơ, lên hội đồng liên ngành còn 5 và lên cấp Nhà nước còn 4. Số hồ sơ phó giáo sư ở cấp cơ sở là gần 60 hồ sơ, và qua 3 vòng là còn 33 người được công nhận. Như vậy, tỷ lệ đạt của Bách khoa là khoảng 50%”.
Còn xét về chất lượng giáo sư, phó giáo sư năm nay của Bách khoa, theo ông, trừ một vài ngành khối Khoa học xã hội, Kinh tế, Lý luận chính trị, phần lớn các ngành khối Kỹ thuật đều có số lượng công bố tương đối tốt, gần như ai cũng có bài công bố ISI. “Đội ngũ giáo sư năm nay của Bách khoa có rất nhiều bài ISI, đội ngũ trẻ”.
Thậm chí, Bách khoa có một trường hợp mà ông cho rằng rất đáng tiếc.
“Ứng viên này có tới hơn 200 bài báo, trong đó có một nửa là ISI. Điểm số rất cao nhưng chỉ thiếu một quyển sách. Hội đồng chức danh liên ngành đánh giá rất cao ứng viên và đề nghị đặc cách, nhưng lên hội đồng Nhà nước thì không đủ phiếu đạt”.
Tuy nhiên, với trường hợp này, ông cho rằng, nếu để năm sau xét duyệt theo quy chế mới thì "rất có thể sẽ đạt mà không cần phải viết thêm sách nữa".
Ngoài ra, về mặt đảm bảo chất lượng xét duyệt, năm nay Bộ GD-ĐT còn xây dựng ban thanh tra hội đồng cơ sở - ông thông tin thêm.
“Tất nhiên với quy chế theo hướng chặt chẽ hơn, người ta cũng phải có những cái cấp tập hơn, ví dụ như viết sách. Nếu như trước kia không có động lực, nhưng sang năm quy chế có thể chặt hơn, tiêu chí viết sách có thể bỏ đi, không tính điểm nữa, trong khi sách đã viết hòm hòm rồi… thì việc thời gian kéo dài đến tháng 8 cũng là điểm thuận lợi hơn để ứng viên hoàn thiện. Hoặc có thể có nghiên cứu rồi nhưng chưa kịp viết bài thì cũng phải gấp rút dành thời gian viết bài. Thậm chí, dự kiến bài viết đăng ở tạp chí này có thể quy trình làm chậm thì ứng viên lại chuyển sang một cơ sở khác”.
PGSTớp cho rằng, chắc chắn có tâm lý làm thế nào để cố gắng hoàn thiện cho kịp, nhưng chỉ với những ứng viên thiếu chút đỉnh, còn có những trường hợp “có cố cũng không thể được”. 
Trong số 4 giáo sư được công nhận năm nay của Bách khoa, ông cho biết, hầu hết ứng viên đều đã xét duyệt từ 2-4 lần, chứ không phải là lần đầu.

giáo sư, phó giáo sư, bài báo khoa học
Lễ công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS năm 2015 (Ảnh Văn Chung)
GS.TS Phạm Quang Minh – Hiệu trưởng ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG Hà Nội năm nay trường chỉ có 1 ứng viên bị loại.
Năm nay, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn có 3 giáo sư, 15 phó giáo sư đạt chuẩn – nhiều hơn so với mọi năm, nhưng không quá nhiều. Những năm trước, trường có trung bình từ 12-15 giáo sư, phó giáo sư đạt chuẩn. 
Trong khi đó, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội, thành viên Hội đồng chức danh giáo sư ngành Cơ học, nhận định, mặt bằng chung số lượng giáo sư, phó giáo sư năm nay tăng nhiều, tuy nhiên với Trường ĐH Công nghệ thì không có gì đặc biệt.
“Ở ĐH Công nghệ, các ứng viên cho chức danh giáo sư đều trượt hết, mặc dù đều có công bố khoa học. Các ứng viên trong Hội đồng ngành Cơ học mà tôi tham gia cũng đều có công bố quốc tế cả” – ông chia sẻ.
Là thành viên nằm trong Hội đồng xét duyệt cấp cơ sở và cấp ngành, ông cho biết năm nay ĐH Công nghệ và ngành Cơ học không tăng đột biến, chỉ tăng nhẹ hơn mọi năm một chút.
“Các bạn đều đi học nước ngoài về, có bài công bố quốc tế, đều chuẩn bị rất kỹ và rất xứng đáng” – GS. Đức khẳng định.
Về lý do tăng đột biến, ông đồng ý rằng một phần là do Bộ ban hành tiêu chuẩn mới có phần cao hơn, nên chắc chắn dẫn dến tâm lý lo ngại.
Nguyễn Thảo

CÓ 'TRẢ' CHỨC DANH GIÁO SƯ VỀ  TRƯỜNG ĐẠI HỌC?

NGUYỄN THẢO, LÊ NA/ VNN 7-2-2018

Sau đợt công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư cuối cùng theo quyết định 174, sắp tới đây công việc này có giao hoàn toàn về các trường đại học?
Quá độ: Cần hội đồng công tâm và có năng lực thẩm định
PGS. TSKH. Phạm Đức Chính, Viện Cơ học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho rằng "trước sau gì chúng ta cũng phải tiếp cận dần cách làm của thế giới".
Tuy nhiên, không phải nước nào cũng để các trường đại học tự chủ việc này. Ví dụ như Pháp cũng có Hội đồng cấp Nhà nước thông qua.
Sau mỗi lần "rộ" lên thông tin về mặt trái của việc công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư, chuyện "trả" lại hoàn toàn cho các trường lại được đề cập tới như một giải pháp mạnh mẽ.
Nhìn tổng thể, theo PGS Chính, trong bối cảnh của Việt Nam, nếu đưa việc xét duyệt về các trường ngay thì "sẽ có vấn đề".
“Cái dở của chính sách hiện nay là lại khuyến khích bổ nhiệm quan chức có bằng giáo sư, tiến sĩ. Nếu giao về các trường, người nọ người kia sẽ dùng cái danh đó để leo lên chức này chức kia trong chính quyền".
Nếu muốn giao tự chủ hoàn toàn cho các trường, trước hết môi trường đại học phải đảm bảo tính khoa học thuần túy, không đưa tiêu chuẩn bằng cấp trong việc bổ nhiệm chốn quan trường.
Quy trình hiện tại
Hội đồng chức danh giáo sư cấp cơ sở: Xét duyệt ở cấp trường
Hội đồng chức danh cấp ngành: Xét duyệt bước 2
Hội đồng chức danh cấp nhà nước: Xét duyệt cuối cùng và công nhận đạt chuẩn.
Các khâu này đều có thủ tục "bỏ phiếu kín"
Bổ nhiệm: Các trường đại học sẽ bổ nhiệm các giáo sư, phó giáo sư đã được Nhà nước công nhận
Không chỉ PGS Chính, nhiều người trong giới nhìn nhận việc tiếp tục duy trì hội đồng nhà nước vẫn đang cần thiết. 
Dự thảo công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư để thay thế cho quyết định 174 đã đưa ra một số tiêu chuẩn mới cho các chức danh này. Đây là những tiêu chuẩn được đánh giá là chặt chẽ hơn và đi vào thực chất hơn.
Với hệ thống xét duyệt chức danh GS, PGS thông qua các Hội đồng như hiện tại, theo ông Chính, có 2 yếu tố quan trọng nhất cần thay đổi.
Thứ nhất, GS, PGS phải có công bố quốc tế và phải là tác giả chính của công bố quốc tế đó, chứ không phải “ghé tên”. “Nghiên cứu sinh ghé tên với các thầy thì còn có thể chấp nhận được. Đã là GS, PGS thì hiển nhiên phải là tác giả chính. Đó là điều quan trọng”.
Thứ hai, quan trọng hơn là cần thay đổi các hội đồng ngành và Hội đồng Nhà nước.
“Những người ngồi hội đồng phải là những người có công bố quốc tế tốt, là tác giả chính của công bố quốc tế, là những người xuất sắc hơn người khác thì mới có năng lực thẩm định”. "Việc này có những cơ sở làm rất tốt, nhưng có những cơ sở tương đối dễ dãi, vàng thau lẫn lộn" – PGS. Chính nhận xét.
Ông cho rằng, với những ngành không có công bố quốc tế thì "đành chịu", nhưng với những ngành đã có nhiều công bố quốc tế tốt thì việc để người ngồi hội đồng có công bố “đuối” là không chấp nhận được.
Theo ông, hội đồng phải đảm bảo cả 2 yếu tố công tâm và có năng lực thẩm định.
“Thực ra, những người đã có công bố tốt thì họ có điều kiện để công tâm hơn. Hội đồng là yếu tố quan trọng để đảm bảo chất lượng” – ông khẳng định.
Tuy nhiên, PGS. Chính cũng cho rằng mỗi ngành lại có một đặc thù khác nhau, nếu khắt khe quá thì cũng khó, vì thế cần làm từng bước và tùy từng ngành. Năng lực thẩm định của hội đồng cũng thể hiện ở sự linh hoạt, và hội đồng giỏi mới có thể linh hoạt được.
Ông lấy ví dụ về một trường hợp bị đáng tiếc Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ứng viên đã có hàng trăm công bố quốc tế nhưng chỉ vì thiếu tiêu chuẩn viết sách mà bị loại. “Với những người giỏi hơn hẳn các tiêu chí này kia thì có thể linh hoạt. Hội đồng giỏi mới có thể linh hoạt được. Với những người như thế thì họ thừa sức viết những loại sách mà tiêu chí yêu cầu, chỉ là thiếu thời gian”.
"Mọi tiêu chí chỉ là cái khung mang tính tương đối. Hội đồng đánh giá phải là những người có năng lực nếu muốn hội nhập quốc tế. Hội đồng cũng cần phải mở rộng, PGS cũng có thể ngồi hội đồng, chỉ cần công bố quốc tế tốt" - ông nhấn mạnh.
GS Ngôn ngữ Nguyễn Đức Dân (TP.HCM) bày tỏ: "Đã từng có hiện tượng những người xứng đáng nhưng thiếu điều kiện cần là tiềm lực tài chính nên trượt là đương nhiên. Đây là tệ nạn của xã hội vì vậy rất cần sự công tâm của hội đồng, những người cầm cần nảy mực".
Một giảng viên có gần 30 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus, hiện đang công tác ở một trường đại học công lập chia sẻ:
“Tôi và một số đồng nghiệp hiện đang làm những công việc giống như các trường đại học trên thế giới đang làm. Và chúng tôi cũng chẳng quan tâm đến chuyện chức danh kia nữa".
Theo anh, nếu có một môi trường chính sách đồng bộ thì việc xét duyệt thông qua các hội đồng chức danh hay giao về các trường sẽ đều tốt cả.
“Như hiện tại, nếu giao về trường, không cẩn thận thì câu chuyện vẫn sẽ như cũ. Những trường như ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Duy Tân…, cần những người làm thật, có bài báo thật để nâng đẳng cấp quốc tế về nghiên cứu. Họ sẵn sàng đầu tư cho nghiên cứu. Nhiều trường công lập không làm được điều đó. Người ta phải cân bằng số tiền đó cho các loại đề tài".
Anh cũng nhìn nhận những tiêu chuẩn mới được cho là cao hơn, thực chất hơn như dự thảo thay thế cho quyết định 174 là những điểm tiến bộ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại và với cung cách không thay đổi như hiện nay... thì những người muốn đều có thể "đáp ứng" những tiêu chí này.
Nói một cách ngắn gọn, “chừng nào lên được PGS là tăng lương thêm 6 triệu đồng thì còn những chuyện đó. Còn nếu lên PGS không được tăng lương, mà là muốn cống hiến bằng sản phẩm đẳng cấp quốc tế, câu chuyện sẽ khác”.
Giáo sư cũng như... thợ bậc 7, nên bỏ "giáo sư nhà nước"
PGS Nguyễn Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM là một trong 85 người đạt tiêu chuẩn GS đợt này. Khi đặt câu hỏi “ông nghĩ gì khi đi cùng “chuyến tàu 174"?”, ông Sen nói: “Tôi làm quản lý nên không có nhiều thời gian cho nghiên cứu khoa học, vì vậy phải tích lũy dần, nay mới đủ chuẩn nên nộp hồ sơ”.
Ông Sen nhìn nhận: “Nếu chuyển cho các trường tự quyết định, trường nhỏ sẽ lệ thuộc vào trường lớn, nêu đốt cháy giai đoạn thực hiện như thế giới là chưa được ngay. Tuy nhiên, trong tương lại việc này phải điều chỉnh để theo thông lệ quốc tế".
Theo ông, những tiêu chuẩn mới đã chú ý đến hội nhập quốc tế. Đối với ngành khoa học tự nhiên, việc này “dễ thở”, nhưng với ngành khoa học xã hội nhân văn, 1 - 2 bài báo quốc tế không đơn giản. “Đây cũng là lý do mà 1/3 trong số 1.266 ứng viên đạt chuẩn GS, PGS năm nay không có công bố quốc tế. Hội nhập quốc tế là một quá trình, chứ không phải ngày một, ngày hai”.
Từ năm 2015, Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM) gây chú ý với ý định tự công nhận và bổ nhiệm chức danh giáo sư. Đến nay, nhà trường đang sử dụng khái niệm "giáo sư" cho các chức vụ chuyên môn, gồm: giáo sư trợ lý, giáo sư dự bị và giáo sư thực thụ. Khi được bổ nhiệm các chức vụ này, số lương sẽ tăng lên đáng kể. Sau một số năm nhất định không có sản phẩm khoa học theo chuẩn, nhân sự sẽ bị miễn nhiệm, trở về giảng viên bình thường.
Đã có nhiều người trong giới nêu ý kiến cần phải xem giáo sư, phó giáo sư là những bậc cao nhất trong các thang bậc nghề nghiệp ở đại học. Như vậy, đó là các vị trí công việc, tương tự như thợ bậc 7 trong thang bậc thợ nghề. Cách "định vị" này sẽ giúp các chức danh giáo sư, phó giáo sư trở lại đúng thực chất, không còn là thứ "danh hiệu" để ban tặng cho những người muốn "làm sang" ngoài xã hội. Khi đó, nó là câu chuyện tự chủ, "tự bơi" cuả các trường đại học.
Khi soạn thảo luật Giáo dục Đại học, đã có đề xuất cần phải định nghĩa giáo sư là chức danh của giảng viên đại học. Tuy nhiên điều này chưa được ngã ngũ.
Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT nhìn nhận việc đưa giáo sư lên “thượng tầng kiến trúc” với chức danh mang tính quốc gia như hiện nay là không hợp lý, lẽ ra chỉ nên ở mức “hạ tầng kỹ thuật” của các trường đại học là phù hợp.
Do đó, "nên bỏ giáo sư nhà nước. Việc công nhận/bổ nhiệm giáo sư là của các trường đại học, và giáo sư là giáo sư của một trường cụ thể".
Theo GS Nguyễn Đức Dân, về lâu dài việc công nhận/bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư nên để các trường đại học tự quyết định như Trường ĐH Tôn Đức Thắng hiện nay. “Trước sau gì thì cũng phải đi theo xu hướng chung của thế giới chứ không thể đi một đường riêng như hiện này. Khi thực hiện như vậy sẽ có những người sẽ không xứng đáng nhưng đây là sự cạnh tranh của trường”.
Ông Võ Văn Sen, 1 trong 85 tân giáo sư năm 2017:
Tôi không buồn khi xã hội bày tỏ nghi hoặc về chất lượng ứng viên đạt chuẩn vì đây là ý kiến cá nhân. Chất lượng của 1.226 giáo sư, phó giáo sư năm 2017 sẽ dựa vào cách làm việc của hội đồng chức danh xét duyệt có nghiêm túc hay không, còn bản thân người nộp hồ sơ thì phải tin tưởng ở hội đồng. Chân lý là cụ thể chứ không chung chung, làm tổn thương những cá nhân xứng đáng”. 
 Nguyễn Thảo - Lê Na

Ở TUỔI 36, PHẠM HOÀNG HIỆP LÀ  GIÁO SƯ TRẺ NHẤT NĂM 2017

THÙY LINH /GDVN 8-2-2018



Anh Phạm Hoàng Hiệp cùng các giáo sư toán học hàng đầu thế giới (Ảnh: Báo Công an nhân dân)

Ngày 1/2, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước đã xét duyệt, bỏ phiếu tín nhiệm và công bố danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017.

Theo đó, người trẻ tuổi nhất được phong giáo sư năm 2017 là phó giáo sư Phạm Hoàng Hiệp, sinh ngày 01/03/1982 tại Hải Dương thuộc Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam. 
Được biết, năm 2011, Phạm Hoàng Hiệp cũng là người trở thành Phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam khi mới 29 tuổi.
Năm 2004, Phạm Hoàng Hiệp học lớp chất lượng cao, Khoa Toán-Tin Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; năm 2007 trở thành Thạc sĩ tại Đại học Sư phạm Hà Nội; trở thành Tiến sĩ vào năm 2008 tại Đại học Umea, Thụy Điển; Tiến sĩ khoa học: 2013 tại Trường Đại học Aix-Marseille, Pháp và đạt tiêu chuẩn Phó giáo sư năm 2011. 
Trong một chia sẻ trên Báo Công an nhân dân khi được nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho nhà khoa học trẻ vào năm 2015, anh Phạm Hoàng Hiệp kể: 
“Mãi đến năm lớp 9, sau khi tình cờ đọc một cuốn sách về số học mà bố tôi đã mua cho trước đó từ rất lâu, tôi lần đầu phát hiện ra vẻ đẹp của toán học và có niềm đam mê mới về toán.
Tôi say sưa tìm lời giải các đề toán trong Tạp chí "Toán học và tuổi trẻ". Hồi đó, tôi dành vài ngày để giải một bài toán, có đôi lần lời giải của tôi được tạp chí chọn đăng.
Chính trong thời gian đó, tôi đã rèn cho mình cách tự học, tự đọc sách và suy nghĩ giải quyết vấn đề”.
Nói về bí quyết của sự thành công, anh Hiệp cho hay, muốn thành công thì phải có đam mê, ham học hỏi, có tinh thần khám phá cái mới và luôn cố gắng để vượt qua chính mình.
Trong bối cảnh hội nhập thế giới, muốn thành công còn phải biết trau dồi ngoại ngữ để có thể trao đổi khoa học với cộng đồng toán quốc tế.
Bản thân anh Hiệp vẫn thường có những chuyến đi nước ngoài ngắn hạn theo lời mời của các trường đại học. Đó cũng là những dịp được giao lưu, trao đổi kết quả nghiên cứu và học hỏi lẫn nhau trong thế giới hội nhập hiện nay.
Là người trẻ có thành công khá sớm, anh Hiệp từng đưa ra lời khuyên:
“Tuổi trẻ là lúc chúng ta có sức khỏe, lòng nhiệt huyết và sự tiếp thu kiến thức nhanh nhạy nhất.
Tuổi trẻ trôi qua rất nhanh, do đó mỗi người phải biết tranh thủ thời gian này để học tập kiến thức, nâng cao trí tuệ của bản thân.
Tùy theo khả năng của mình, mỗi người sẽ chọn lĩnh vực, ngành nghề phù hợp.
Làm giỏi một nghề nghiệp nào có ích cho xã hội cũng sẽ mang lại vinh quang và hạnh phúc cho chính mình”.
Thùy Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét