Thứ Sáu, 9 tháng 2, 2018

20180209. BÌNH LUẬN VỀ TÀI NGUYÊN DẦU KHÍ, DU LỊCH VIỆT NAM

ĐIỂM BÁO MẠNG
MẤT NGỦ: VIỆT NAM SẼ CẠN DẦU TRONG 3 NĂM NỮA? 

THIỀN LÂM/ Cali Today/ BVN  8-2-2018

Xuất khẩu dầu thô giảm mạnh. Ảnh: Zing.vn
Mới vào đầu năm 2018, một tin tức kinh tế có thể khiến giới chóp bu Việt Nam mất ngủ là hầu hết các mỏ dầu ở Việt Nam đều đã khai thác trong thời gian dài và hiện đang trong giai đoạn cuối dẫn tới suy giảm sản lượng tự nhiên. Mỏ Bạch Hổ cung cấp sản lượng lớn nhất, chiếm hơn 60% sản lượng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) từ xưa đến nay, đã vào giai đoạn suy kiệt.
Tin tức trên được phát ra bởi ông Từ Thành Nghĩa, Tổng giám đốc Vietsovpetro.
“Móng mỏ Bạch Hổ còn quanh quẩn 10 triệu tấn, tối đa chỉ khai thác được 4-5 năm nữa thôi”, ông Từ Thành Nghĩa nói tại Hội nghị tổng kết năm 2017 của PVN mới đây. “Việc duy trì mỗi năm khai thác trên 4 triệu tấn là một thách thức”.
Theo báo cáo của PVN, gia tăng trữ lượng dầu khí năm 2017 đạt thấp hơn nhiều so với mục tiêu chiến lược đề ra. Mục tiêu đề ra trong nước là 20-30 triệu tấn/năm và ở nước ngoài là 8-12 triệu tấn/năm (tổng cộng là 28-42 triệu tấn/năm) thì năm 2016, 2017 PVN đều không hoàn thành và đạt thấp hơn nhiều (năm 2016 đạt 16,66 triệu tấn quy dầu và năm 2017 đạt 4,0 triệu tấn quy dầu). Hầu hết các mỏ đều đã khai thác trong thời gian dài và đang trong giai đoạn cuối dẫn tới suy giảm sản lượng tự nhiên hàng năm từ 15% tới trên 30%.
Vào năm 2010 - 2011, PVN và Chính phủ đã ước tính trữ lượng dầu của Việt Nam đủ để khai thác đến năm 2030. Vài năm sau đó khi tốc độ khai thác được đẩy mạnh gấp đôi, “deadline” cho trữ lượng dầu được gia giảm vào năm 2025.
Tuy nhiên trong hai năm trở lại đây, “deadline” mới đã được thiết lập: trữ lượng dầu chỉ còn đủ để khai thác trong 4-5 năm.
Nhưng “deadline” trên cũng chỉ mang ý nghĩa hết sức tương đối như tình trạng tương tự của quỹ bảo hiểm xã hội.
Vào năm 2011, tình trạng quỹ bảo hiểm xã hội được báo cáo là còn đủ chi dùng cho đến năm 2030, nhưng sau đó tương tự như vấn đề trữ lượng dầu, quỹ này được dự báo chỉ còn đủ chi dùng đến năm 2025. Còn vài năm gần đây, các cơ quan bộ ngành của chính quyền đã cuống cuồng vì nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội rất cận kề. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang phải tung ra nhiều lý lẽ không hề thuyết phục để thuyết phục người lao động không lãnh trợ cấp một lần khi nghỉ việc, mà theo chế độ lãnh lương hưu, đơn giản vì nếu nhiều người cùng lãnh trợ cấp một lần, quỹ bảo hiểm xã hội sẽ không thể có tiền chi trả và sẽ vỡ tung!
Như vậy, có thể hiểu “deadline” thực sự cho trữ lượng dầu khai thác ở Việt Nam chỉ được khoảng 3 năm nữa, tức đến năm 2021 – trùng với kỳ đại hội đảng lần thứ 13, nếu còn có đại hội này.
Lẽ ra, chính quyền Việt Nam có thể kéo giãn tiến độ khai thác dầu để “bảo đảm an ninh năng lượng” như những từ ngữ hoa mỹ và thời thượng hiện nay. Thế nhưng tình hình ngân sách lại không cho phép sự kéo giãn đó.
Sau tiết lộ chấn động “ngân sách trung ương chỉ còn 45 ngàn tỷ đồng mà không biết chi cho cái gì” của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh vào cuối năm 2015, tình hình ngân sách Chính phủ (bao gồm cả ngân sách đảng cầm quyền) chưa bao giờ quay quắt như giờ đây. Đến đầu năm 2017, chính tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải thốt ra lời cảnh báo “sụp đổ tài khóa quốc gia”. Tình trạng ngân sách cho đến lúc đó là “khó khăn gấp bội năm 2016” – như tiết lộ của vài chuyên gia tài chính của chính quyền.
Một trong những “khó khăn gấp bội” như thế có nguồn gốc từ thực trạng giảm thu trong xuất khẩu dầu thô. Từ năm 2015 đến nay, giá dầu thô quốc tế đã sụt gần một nửa và do đó đã khiến số thu từ xuất khẩu dầu thô của Việt Nam cũng giảm khoảng 40%, tức hụt đến 50.000 – 60.000 tỷ đồng.
Tại kỳ họp Quốc hội tháng 5 - 6 năm 2017, Chính phủ còn phải nêu ra một đề xuất đặc biệt: gia tăng sản lượng khai thác dầu thô. Tuy nhiên, phía Ủy ban kinh tế quốc hội lại “lăn tăn” trước đề xuất này. Lý do đơn giản là trữ lượng dầu thô của Việt Nam chẳng còn bao nhiêu, do đó “cứ đào lên mà ăn” như tốc độ hiện nay thì chẳng mấy lúc sẽ hết sạch.
Một trong những tiềm năng có thể cứu vãn ngân sách là mỏ khí đốt Cá Rồng Đỏ ở lô 136/03 thuộc Bãi Tư Chính. Nếu Công ty Repsol của Tây Ban Nha khoan thăm dò thành công thì ngân sách cùng chế độ Việt Nam sẽ được chia phần không ít.
Nhưng nguồn thu ngoại tệ từ khí đốt của ngân sách Việt Nam lại bị “đối tác chiến lược toàn diện” Trung Quốc thẳng tay bóp nghẹt.
Nhiều nguồn tin quốc tế và trong nước cho biết vào ngày 24/7/2017, chính quyền Việt Nam đã phải yêu cầu ngừng hoạt động thăm dò khí đốt của Repsol – một công ty Tây Ban Nha liên doanh với Việt Nam – ngay tại Bãi Tư Chính mà vẫn được Bộ Ngoại giao chiến đấu võ miệng “thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam”. Tâm thế “giương cờ trắng” quá dễ và quá nhanh vào lúc Trung Quốc mới chỉ tung một đòn phủ đầu tâm lý là một bằng chứng không thể rõ hơn: Bộ Chính trị Hà Nội đã trở nên yếu ớt đến mức bị “người đồng chí 4 tốt” o ép theo cách có muốn kiếm tiền ngay trong vùng hải phận của mình cũng không còn được.
Quả là chưa bao giờ trong lịch sử triều đại của mình, đảng CSVN lại túng quẫn lẫn khốn khó như lúc này.
T.L.
ỨNG XỬ VỚI TÀI NGUYÊN, VĂN HÓA VÀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG
TS NHUYỄN THỊ HẬU/ TheLEADER 8-2-2018
Ứng xử với tài nguyên, văn hóa và chuyện du lịch bền vững
Di sản Tràng An.
Ai đã từng đi nước ngoài dù ít hay nhiều đều có nhận xét, thiên nhiên mỗi nơi một vẻ đẹp nhưng thiên nhiên Việt Nam cũng rất tuyệt vời, nhất là những danh thắng thì không thua kém nơi nào. 
Đồng thời nhiều người còn có thêm một nhận xét khác, ở nhiều nước khi phát triển du lịch thì cảnh quan tự nhiên đẹp hơn nhờ những công trình nhân tạo nhưng ở nước ta phần lớn nơi danh thắng thì có tình trạng ngược lại.
Đấy là một sự thật tồn tại từ nhiều năm qua và dường như ngày càng lan rộng ra nhiều địa phương, nhiều loại hình cảnh quan khác nhau!
 Ứng xử với tài nguyên, văn hóa và chuyện du lịch bền vững
Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu
Là một đất nước có tiềm năng về du lịch nhờ địa thế, địa hình đa dạng có núi rừng biển đảo, nhiều khu vực thoát khỏi sự tàn phá trong chiến tranh và chưa bị con người khai thác nên còn giữ được vẻ hoang sơ, khí hậu nhiệt đới điều hòa quanh năm, văn hóa tộc người phong phú độc đáo… 
Du lịch trở thành ngành “kinh tế không khói” phát triển mạnh từ thời kỳ “mở cửa” với phương thức chủ đạo là khai thác di sản tự nhiên và di sản văn hóa. Cũng chính vì vậy trong hai thập kỷ đầu thế kỷ 21 phần lớn các danh lam thắng cảnh, khu bảo tồn thiên nhiên, những nơi cảnh quan còn nguyên sơ… bắt đầu bị khai thác quá sức.
Dấu hiệu dễ nhận biết là việc xây dựng các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh... tràn lan cáp treo, chùa chiền lộng lẫy, khu biệt thự cao cấp, lâu đài bắt chước kiến trúc Hoa, Âu, Mỹ mọc lên san sát.
Đánh đổi cho những công trình hoành tráng đến mức kệch cỡm là hàng trăm hàng ngàn hecta rừng bị xóa sổ, bãi biển đẹp trở thành “sở hữu” của một vài resort, những trái núi bị phá nham nhở hoặc biến mất, cùng với đó là sự tàn phá hệ sinh thái của một số loài vật quý hiếm và sự biến đổi môi trường sống của cộng đồng trong khu vực.
Nhiều người đã chỉ ra nguyên nhân quan trọng của “làn sóng” đầu tư du lịch ở những nơi danh thắng là giá trị “bất động sản” ở khu vực đó mang lại lợi nhuận rất cao. Nhưng còn có một nguyên nhân khác nằm ở việc xác định mục tiêu của phát triển du lịch. 
Dưới nhãn hiệu “du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp” chủ yếu nhằm vào những thay đổi trong nhu cầu du lịch của người Việt, đó là dịch vụ vui chơi giải trí và mua sắm, thích những gì “mới lạ”, thay vì phải du lịch đến các nước trong khu vực thì các đại gia bất động sản đã “đi tắt đón đầu” những nhu cầu này của một thị trường đang có xu hướng tăng nhanh. 
Đầu tư nhiều thì cần thu hồi vốn nhanh, bằng mọi cách làm sao để du khách phải tiêu/tốn tiền vào các dịch vụ ở đó (kể cả dịch vụ về “tâm linh”). Từ đó “du lịch” hiện nay còn tạo ra những nhu cầu tiêu xài mới mà tiếc rằng mang lại rất ít sự hiểu biết về văn hóa nhưng lại làm du khách quên đi ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn, thậm chí còn ngụy biện cho rằng, tàn phá thiên nhiên để “phục vụ” nhu cầu du lịch là tất yếu!
Cũng như đối với di sản văn hóa ở đô thị, một “mâu thuẫn” luôn tồn tại ở các địa phương là làm thế nào vừa phát triển kinh tế nhưng đồng thời vừa bảo tồn di sản thiên nhiên, di sản văn hóa? 
Giải quyết mâu thuẫn này thì phần thua thiệt thường ở về phía di sản văn hóa vì nơi nào cũng vì mục tiêu hàng đầu là tăng trưởng kinh tế nhanh chóng! 
Cần nhận thấy, “tăng trưởng kinh tế” nhanh và nóng nhưng không phải bao giờ cũng mang lại kết quả - đồng thời cũng là mục tiêu của sự tăng trưởng kinh tế - là cải thiện, nâng cao đời sống cộng đồng địa phương cả về vật chất và tinh thần! 
Quan trọng nhất là nó không mang lại sự bền vững cho quá trình thay đổi ở địa phương và cộng đồng, vì chỉ có khai thác mà không giữ gìn, bảo tồn, chỉ mang lại lợi ích cho một khu vực, một bộ phận từ nguồn lợi và tài sản của toàn thể cộng đồng và các thế hệ sau, tất yếu sẽ là sự “phồn vinh giả tạo”.
Khi mục đích phát triển du lịch là để thu về “tiền tươi thóc thật” thể hiện từ “tầm nhìn chiến lược” của địa phương đến ngành quản lý và nhất là những nhà đầu tư thì dẫn đến quan điểm và hành xử không coi trọng và phá hoại nguồn vốn tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn. 
Vì vậy hiện nay tại một số nơi cũng có thiên nhiên đẹp hoặc từng là địa điểm du lịch đã bị quên lãng... nếu chưa nằm trong “tầm nhìn” của địa phương, hoặc chưa được phát hiện, khám phá, chưa có đại gia nào dòm ngó “đầu tư dự án” thì những nhà nghiên cứu, nhà quản lý và doanh nhân, những ai có tâm khi có dịp đến đó đều thầm mong đừng “phát triển du lịch” để nơi đây còn giữ được tài nguyên thiên nhiên - một tài sản quý cho thế hệ con cháu! 
Ở đó còn ẩn chứa những tiềm năng quý giá mà nếu được khai thác phù hợp, đúng mức với mục đích nhân văn, bền vững thì sẽ mang lại lợi ích kinh tế, danh tiếng về văn hóa và sự quảng bá không thua kém bất cứ nơi nào trên thế giới.
Sự thay đổi quan điểm, chính sách ở tầm vĩ mô nhiều khi bắt đầu từ nhu cầu bức thiết của cuộc sống và từ thực tiễn phát triển theo xu hướng tiến bộ. 
Đòi hỏi chính sách thay đổi là đúng đắn và cần thiết, nhưng nếu thực sự yêu quý quê hương, thực sự mong muốn đất nước phát triển bền vững và thực sự là thế hệ có trình độ quản lý và tri thức văn hóa tiên tiến thì mỗi doanh nhân, doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực du lịch cần nhận được sự tư vấn tốt hơn về văn hóa nói chung, về giá trị lịch sử, tự nhiên, văn hóa nói riêng của khu vực... 
Nguồn vốn tự nhiên và văn hóa không mất đi mà sẽ cho “lợi nhuận” lâu dài nếu biết gìn giữ và khai thác hợp lý.
Đặc biệt, nguồn vốn này còn góp phần mang lại cho những thế hệ người Việt Nam tinh thần nhân văn trong ứng xử với thiên nhiên và những cộng đồng bản địa - một trong những tiêu chí quan trọng nhất trong tiến trình hội nhập với thế giới văn minh thời đại công nghiệp 4.0.
(*) Tác giả là Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu
DALAT PALACE HÔM NAY: SỰ SUY VONG CỦA MỘT DI SẢN KIẾN TRÚC ?
MAI THÁI LĨNH/ BVN 8-2-2018
Vào cuối năm 2017, giữa lúc các nhà quy hoạch công bố một cách ồn ào dự án 3 ngàn tỷ để “hiện đại hóa khu phố trung tâm” Đà Lạt thì ở một vị trí trung tâm khác (trung tâm của toàn thành phố chứ không chỉ là khu phố trung tâm), một sự kiện đã xảy ra một cách khá lặng lẽ nhưng chắc chắn sẽ để lại những hậu quả không thể lường trước cho tương lai của thành phố du lịch nổi tiếng này…
Dalat Palace - một di sản kiến trúc:
Cho mãi đến gần đây, Dalat Palace luôn giữ vị trí “đệ nhất khách sạn” của thành phố Đà Lạt. Mặc dù quyết định xây dựng đã có từ năm 1916 (dưới thời của Toàn quyền Roume), mãi đến năm 1922 (dưới thời của Toàn quyền Maurice Long), khách sạn mới được hoàn thành và đưa vào hoạt động với tên gọi là Langbian Palace (hình 1):
Hình 1: Khách sạn Langbian Palace thập niên 1930
Năm 1943, dưới thời của Toàn quyền Decoux, mặt tiền của khách sạn có sự thay đổi: những đường nét cầu kỳ bị xóa bỏ, thay vào đó là một bề ngoài giản dị hơn (hình 2). Sự thay đổi này được thực hiện bởi Kiến trúc sư Paul Vesseyre (1896-1963). Tên khách sạn cũng được đổi thành Dalat-Palace.
Vào thập niên 1990, khi Công ty Du lịch Lâm Đồng liên doanh với tỷ phú người Mỹ Larry Hillbloom (1943-1995) để thành lập Công ty DRI, ông này đã đổ vào đây 40 triệu $US để nâng cấp ba công trình (sân golf, khách sạn Dalat Palace và khách sạn Du Parc). Mặt tiền của khách sạn lại thay đổi một lần nữa, nhưng nhìn chung vẫn giữ lại diện mạo của lần sửa đổi trước, chỉ khôi phục lại những họa tiết trang trí ở đường viền sát mái nhà (corniche) (xem hình 3). Nhà tư bản người Mỹ xem ra cũng quý trọng thiên nhiên và đối xử với di sản kiến trúc của Đà Lạt một cách văn minh.
Hình 2 : Dalat Palace giữa thập niên 1960
Hình 3 : Dalat Palace năm 2014
Cùng với sân golf Đồi Cù và khách sạn Du Parc, số phận của Dalat Palace trôi nổi: từ sở hữu “quốc doanh” trở thành sở hữu “liên doanh”, rồi vuột khỏi tay của nhà nước để trở thành “sở hữu 100% của tư bản ngoại quốc”, cuối cùng lại trở thành sở hữu “tư nhân” của các nhà tư bản thân hữu nội địa!
Tập đoàn Hoàn Cầu và công trình “nâng cấp” khách sạn Dalat Palace:
Năm 2014, Tập đoàn Hoàn Cầu do bà Trần Thị Hường tức Tư Hường (1936-2017) sáng lập đã trở thành “đồng sở hữu” sân golf Đồi Cù, khách sạn Dalat Palace và khách sạn Du Parc. Tập đoàn thành lập công ty con có tên là Công ty TNHH Hoàn Cầu Đà Lạt để quản lý các hoạt động của tập đoàn tại Đà Lạt. Cuối năm 2014, tỉnh Lâm Đồng quyết định cho Tập đoàn Hoàn Cầu thuê Dinh 1 trong vòng 50 năm (!).
Công trình đầu tiên mà Hoàn Cầu đóng góp cho địa phương là trùng tu Dinh 1, được khai trương vào tháng 9 năm 2015. Nhân dịp này, tập đoàn hứa hẹn sẽ đầu tư thêm giai đoạn 2: xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp trên diện tích rừng cảnh quan, với khu khách sạn đến 200 phòng, khu nhà hàng, hội nghị có sức chứa từ 500 đến 800 chỗ và 27 biệt thự tiêu chuẩn 5 sao, với số vốn 600 tỷ đồng (1).
Hai năm sau, nhân dịp lễ hội Festival Hoa Đà Lạt 2017, tập đoàn lại cho ra đời công trình thứ hai: “nâng cấp” khách sạn di sản Dalat Palace bằng cách xây thêm một tòa nhà đồ sộ dưới danh nghĩa Trung tâm Hội nghị Dalat Palace (Dalat Palace Convention Center)!
Ngày nay, khách sạn có đến hai cổng chính. Ở phía đông, từ đường Trần Phú người ta có thể đi vào khách sạn bằng cổng cũ, nay được gắn dòng chữ “Dalat Palace Heritage Hotel” (Khách sạn di sản Dalat Palace). Ở phía tây, người ta cũng có thể đi vào bằng cổng mới, được gắn dòng chữ Dalat Palace Convention (hình 4).
Hình 4 : Cổng vào Trung tâm Hội nghị Dalat Palace
  
Điều đập ngay vào mắt mọi người là hai tòa nhà có hai phong cách kiến trúc hoàn toàn khác nhau lại nối với nhau một cách gượng ép theo kiểu “đem râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Vì tòa nhà mới xây gần sát khách sạn cũ, cho nên nếu nhìn từ bên kia hồ Xuân Hương, ta thấy khách sạn Dalat Palace trước chỉ cómột, nay biến thành hai. Trong tấm ảnh dưới đây (hình 5), chúng ta thấy bên trái (hướng đông) là khách sạn Palace cũ, bên phải (hướng tây) là tòa nhà mới. Do đó, người dân thường gọi tòa nhà mới là “Dalat Palace mới” để phân biệt với “Dalat Palace cũ”!
Hình 5 : Khách sạn Dalat Palace từ một biến thành hai
Tòa nhà mới có hai mặt tiền. Một mặt tiền lấp ló đằng sau hàng rào sắt, còn mặt tiền thứ hai phơi lồ lộ ngoài mặt đường Hồ Tùng Mậu (hình 6 và 7).
Hình 6 : Dalat Palace mới phía sau hàng rào sắt
Hình 7 : Dalat Palace mới trên đường Hồ Tùng Mậu
Hai phần nhô cao với bốn mái vòm (dome) (2) – sáng kiến phát sinh trong quá trình thi công, là một trong những lý do khiến Tập đoàn Hoàn Cầu bị Chủ tịch UBND Thành phố là Võ Ngọc Hiệp ký giấy phạt 40 triệu đồng. Theo VNExpress, xét về diện tích xây dựng, Hoàn Cầu được cho phép xây 4.784 m2 nhưng trong thực tế đã xây 7.087 m2, dôi ra 2.303 m2, còn về chiều cao thì công trình vượt hơn 6m so với thiết kế được phê duyệt (3).
Tất nhiên, như vẫn thường xuyên diễn ra ở Việt Nam ngày nay, “phạt” có khi chỉ là một hình thức chiếu lệ. Trong quyết định phạt có thòng thêm câu “yêu cầu chủ đầu tư lập thủ tục điều chỉnh giấy phép xây dựng và thiết kế theo quy định”. Vì vậy, sau đó thủ tục điều chỉnh được thực hiện nhanh chóng để Dalat Palace kịp khai trương đúng vào dịp lễ hội Festival Hoa Đà Lạt (hạ tuần tháng 12 năm 2017).
Trong thực tế, công trình này đã được bật đèn xanh cho phép từ lâu. Trước khi khởi công xây dựng Dalat Palace mới, Tập đoàn Hoàn Cầu đã xây một bức tường rào kiên cố để phân định ranh giới giữa cái gọi là “khuôn viên khách sạn Dalat Palace” với bên ngoài. Do đó, ngoài hai cổng phía đông và phía tây nói trên, về phía hồ Xuân Hương còn có một cái cổng đồ sộ được thiết kế một cách khá cầu kỳ nhưng có phần màu mè, diêm dúa, hoàn toàn xa lạ với phong cách trang nhã, lịch sự của người Pháp trước đây (hình 8).
Hình 8 : Cổng mới từ phía hồ Xuân Hương
Tại sao nói Dalat Palace bị biến dạng”?
Đọc đến đây, có lẽ độc giả sẽ thắc mắc: tại sao nói Dalat Palace bị biến dạng trong khi Tập đoàn Hoàn Cầu chưa động chạm đến khách sạn Dalat Palace cũ?
Hình 9 : Khách sạn Dalat Palace và hồ Xuân Hương (1971)
Nói biến dạng là vì bất cứ công trình kiến trúc quan trọng nào cũng gắn bó với không gian xung quanh nó. Ngay từ đầu, các nhà thiết kế đô thị và Kiến trúc sư người Pháp đã chọn cho Dalat Palace một vị trí đặc biệt: nằm trên trục đường chính (đường Yersin, sau 1975 đổi tên thành đường Trần Phú) và nhìn xuống hồ Xuân Hương. Tấm không ảnh đăng kèm (hình 9) do các phi công lái trực thăng chụp vào thời Việt Nam Cộng hòa giúp chúng ta thấy được khung cảnh bao quanh Dalat Palace. Trước mặt khách sạn là một thảm cỏ trải dài về phía hồ Xuân Hương, không hề có hàng rào bao quanh. Về phía tây và tây-bắc của khách sạn là cả một rặng thông xanh mướt. Phía bên kia hồ còn có một thảm xanh khác. Đó là phần công viên trên Đồi Cù (3) đã bị rào lại từ đầu thập niên 1990 để “nâng cấp” sân golf 9 lỗ thành sân golf hiện đại 18 lỗ – nay cũng lọt vào tay Tập đoàn Hoàn Cầu (4).
Điều đó cho thấy từ thời Pháp thuộc cho đến thời Việt Nam Cộng hòa đã có quy định nghiêm ngặt để duy trì màu xanh xung quanh khách sạn. Nói cách khác, không có cái gọi là “khuôn viên của khách sạn” như cách nghĩ hiện nay.
Màu xanh của bãi cỏ, của rừng thông và màu xanh của mặt nước hồ chính là những yếu tố tạo thành khung cảnh thiên nhiên bao quanh “đệ nhất khách sạn”. Xóa bỏ màu xanh để thay bằng xi-măng, sắt thép chính là nhát búa phá hoại đầu tiên mở đường cho sự suy vong của Dalat Palace – di sản kiến trúc hàng đầu của thành phố.
Chỉ còn vài năm nữa, Dalat Palace sẽ tròn 100 tuổi (1922-2022). “Khách sạn di sản” sẽ kỷ niệm bách niên bằng khuôn mặt nào? Bằng khuôn mặt trang nhã, lịch sự của một khách sạn nằm trong lòng thiên nhiên thơ mộng hay bằng một khuôn mặt trơ trụi, được giải phẫu thẩm mỹ và trang điểm công phu nhưng rất mực… vô duyên? (5)
Chú thích:
(1) Dinh I Đà Lạt chính thức mở cửa đón du khách, Nhân dân 19/09/2015:http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/du_lich/item/27476902-dinh-i-da-lat-chinh-thuc-mo-cua-don-du-khach.html
(2) Báo Tuổi trẻ gọi phần này là “ụ nổi”. Xem : “Đình chỉ công trình sai phép trong khách sạn cổ Dalat Palace”, Tuổi Trẻ,23/10/2017: https://tuoitre.vn/dinh-chi-cong-trinh-sai-phep-trong-khach-san-co-dalat-palace-20171023172621852.htm
(3) Khánh Hương, “Công trình sai phép hơn 2.300 m2 ở Đà Lạt”, VNExpress 7/11/2017:
(4) Mai Thái Lĩnh, Đồi Cù Đà lạt, Bauxite Vietnam 4/10/2014:
(5) Website chính thức của Tập đoàn Hoàn Cầu chỉ tự nhận là “đồng sở hữu”, ngoài ra còn có tập đoàn nào khác cũng “đồng sở hữu” thì cho đến nay vẫn còn là điều bí ẩn!!!
Đà Lạt, những ngày cuối năm Đinh Dậu
7/2/2018
M.T.L.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét