Thứ Ba, 13 tháng 2, 2018

20180213. TẾT ĐẾN NÓI CHUYỆN THỐNG KÊ

ĐIỂM BÁO MẠNG

TẾT ĐẾN NÓI CHUYỆN THỐNG KÊ

PHAN MINH NGỌC/ TBKTSG 12-2-2018

Nhu cầu mua sắm gia tăng vào dịp cận Tết Nguyên đán thường được viện dẫn là lý do cho sự gia tăng chỉ số tiêu dùng của tháng 1 hàng năm. Ảnh minh họa: VY.
(TBKTSG Online) - Năm hết, Tết đến, số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK) cho hay chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2018 tăng 0,51% so với tháng trước, tăng 2,65% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.
Theo lý giải của TCTK, lạm phát của tháng 1-2018, tháng giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, tăng là điều dễ hiểu, khi mà đây là tháng có Tết Dương lịch và là tháng giáp Tết Nguyên đán, cũng là thời điểm nhu cầu tiêu dùng, mua sắm bắt đầu tăng.
Ngoài ra, bên cạnh những lý do “khách quan” khác như ngành điện tăng giá điện, ngành y tế tăng mức phí khám chữa bệnh v.v…, TCTK còn cho rằng lạm phát tháng 1-2018 tăng là do tháng cuối năm nhu cầu sửa chữa nhà cửa tăng làm cho giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,35%, giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,38%.
Giải thích trên của TCTK xem ra cũng có lý, vì rõ ràng là trong tháng giáp Tết thì ai hầu như cũng hối hả với việc chi tiêu, mua sắm, không mua sắm đồ ăn Tết thì cũng mua sắm đồ trang trí hoặc mua… quà biếu sếp, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng tăng vọt. Và vì cũng là tháng giáp Tết nên nhiều gia đình có nhu cầu sửa chữa nhà cửa cho khang trang hơn để đón năm mới. Bởi thế, TCTK cứ đều đặn hàng năm vào tháng 1 hoặc những tháng có nhu cầu tiêu dùng của xã hội tăng vọt, ví dụ như tháng 8 (là tháng giáp với tháng có khai giảng năm học mới) đều tích cực vận dụng lại công thức “là tháng có nhu cầu tiêu dùng, mua sắm bắt đầu tăng” để giải thích hiện tượng CPI tăng mạnh và hầu như chẳng có ai, kể cả giới chuyên gia, thắc mắc hay phản đối gì.
Tương tự, vào quí 1 hàng năm, tốc độ tăng trưởng GDP thường là thấp nhất so với 3 quí còn lại của năm trong bất cứ năm nào. Ngoài một số lý do cụ thể nào đó, TCTK và một số lãnh đạo ngày giải thích sự tăng trưởng chậm chạp này là do quí 1 là quý có hai cái Tết, Dương lịch và Nguyên đán, nên có nhiều ngày nghỉ, làm gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP. Và rồi lời giải thích này cũng luôn làm yên lòng dư luận bởi xem ra… quá đúng!
Nhưng không cần phải ngẫm kỹ lắm thì cũng sẽ nhận ra sự bất ổn trong lời giải thích mang tính “thời vụ” (seasonal; không phải tháng nào cũng vậy) kiểu trên. Vì lạm phát mà ta đang nói đến ở đây là lạm phát hàng tháng, thể hiện tốc độ tăng giá cả tiêu dùng của một tháng cụ thể nào đó so với cùng tháng đó ở năm trước liền kề. Có nghĩa là tháng 1 này năm trước cũng là tháng có Tết Dương lịch và giáp Tết Nguyên đán. Vậy mà sao lạm phát của tháng 1 (những) năm trước lại thấp hơn lạm phát của tháng 1 năm nay?
Cũng giống như vậy là chuyện tăng trưởng GDP. Cũng là quí 1, nhưng tại sao tăng trưởng GDP của quí 1 của năm nào đó lại chậm hơn của (những) năm trước đó, mặc dù quí 1 năm nào cũng đều có 2 cái Tết, với số ngày nghỉ gần tương tự nhau?
Vậy thì, rõ ràng, những yếu tố mang tính thời vụ như trên không phải là, không được phép trở thành lý do để biện minh hoặc dùng để giải thích cho bất cứ sự bất thường nào đó về kinh tế, xã hội. Hay nói ngược lại, chính bởi tính thất thường, thời vụ như vậy mà người ta phải dùng đến phép so sánh trong cùng giai đoạn, cùng thời kỳ, thời điểm để loại bỏ những “nhiễu” thống kê này nhằm có được những con số thống kê có ý nghĩa.
Cần lưu ý thêm rằng các cơ quan thống kê thế giới đều tiến hành thu thập số liệu lạm phát cơ bản (loại trừ biến động giá cả của lương thực, thực phẩm tươi sống, xăng dầu…) như là một nỗ lực để loại bớt ảnh hưởng của yếu tố thời vụ (ví dụ, do mất mùa ở một nước nào đó làm tăng giá nhập khẩu lương thực thế giới, kéo theo giá lương thực trong nước).
Mặc dù TCTK cũng thu thập và công bố số liệu về lạm phát cơ bản hàng tháng nhưng điều đáng tiếc là họ lại thường không cung cấp giải thích cần thiết tại sao lạm phát cơ bản của, ví dụ, tháng 1/2018 lại tăng 0,18% so với tháng trước và tăng 1,18% so với cùng kỳ, nhờ đó giúp cho giới làm chính sách và công luận hiểu được thực sự điều gì đang xảy ra với lạm phát (và tăng trưởng) và làm thế nào để kiềm chế lạm phát (và phục hồi tăng trưởng).
Do đó, mong là từ nay về sau chúng ta sẽ không phải được nghe chuyện nghỉ Tết với tăng tiêu dùng và nhu cầu sửa chữa nhà cửa trước Tết như là một cái cớ hoàn hảo cho sự tăng lên về lạm phát hay chậm lại về tăng trưởng GDP ở Việt Nam. Thay vào đó, lý do nền tảng đằng sau hiện tượng giá cả tăng lên và tăng trưởng chậm lại là những điều cần được báo cáo, phân tích và mổ xẻ kịp thời, thấu đáo để đưa ra được những giải pháp xử lý thích hợp nhất có thể.
TIN , BÀI LIÊN QUAN

ĂN CHƠI NHƯ THẾ, ĐÂU CÒN LÀ XUÂN...

UÔNG NGỌC DẬU/ TVN 13-2-2018

 - Còn vài ngày nữa là đến Tết Mậu Tuất-Tết của số đông người Việt. Nhìn cách sắm sửa chuẩn bị cho sự ăn và sự chơi tết của một bộ phận người Việt, thấy bộc lộ thú ăn chơi hơn người, khác người, xa lạ với triết lý xuân, phong tục tết...
Có một bộ phận gặp thời, trúng lộc, giàu lên, tiền nhiều, tết là dịp tiêu tiền, không tiếc tiền, cho thỏa nguyện chuyện ăn chơi hơn người. 

Tết,đào rừng
Còn vài ngày nữa là đến Tết Mậu Tuất. Ảnh minh hoạ: Chở đào rừng xuống phố (thể thao văn hoá)
Không hiếm người bỏ tiền, thuê người lên núi cao, vào rừng sâu săn lùng kỳ hoa dị thảo, tìm những mai, đào cổ thụ. Chặt cành, cưa cây, chưa thỏa sở nguyện. Người ta bứng gốc, trốc rễ, đưa nguyên cả thứ cây trời sinh ra không phải cho riêng một ai, về nhà mình, thành thứ riêng của mình. Tiêu tốn nhiều chục triệu, nhiều trăm triệu đồng chỉ để thoả mãn thú chơi hơn người mấy ngày tết, phút chốc, những kỳ hoa dị thảo trời đất sinh ra trăm năm mới thành, bỗng thành cây khô củi mục. Rồi đây, qua nhiều cái tết như cái tết Mậu Tuất này, rừng núi sẽ vắng bóng những mai vàng, đào thắm; những kỳ hoa dị thảo sẽ chỉ còn trong ký ức của những ai ưa hoài niệm.
Không ít người, trước Tết cả nhiều tháng, cất công lên rừng, xuống biển, đặt hàng những thứ độc và lạ, những ba ba thượng nguồn sông Mã, cá anh vũ sông Đà, cá lăng Sê-rê-phốc, cá tra dầu, cá hô “khủng” trên dòng Mê-Kông, cá mó gù ngoài biển... Họ không ngần ngại phô phang với thiên hạ về sự độc, sự lạ, về số tiền bỏ ra để có được và cả sự ham hố khác người. Một bữa tiệc ngày Tết, với những thứ sơn hào hải vị thuộc hàng “tiến vua”, giá thành hàng chục triệu đồng, là chuyện chưa lớn với nhà giàu. Chuyện lớn là họ công khai cổ xuý cho thứ triết lý vặt: Kẻ giàu sang có quyền săn lùng và hưởng thụ mọi thứ độc và lạ, kể cả những loài sinh vật có tên trong sách đỏ! Chuyện lớn nữa là nó tạo ra nghịch cảnh “kẻ ăn không hết, người lần không ra”, cái cảnh “Cửa son rượu thịt ôi/Ngoài đường xương chết rét”(Đỗ Phủ).
Bất hoà từ đây và bất an cũng từ đây.
Xuân là tập hợp những đa dạng, hài hoà và tinh tuý. Cái cách ăn và chơi xuân, hưởng Tết theo lối tận diệt để thỏa mãn sự hơn người, đâu còn là xuân?
Tết là sum vầy, tràn trề vị tha, hỉ xả. Nhưng đâu phải ai cũng được sum vầy? Những người lính biên giới, hải đảo xa... Những công nhân lao công dọn rác xuyên giao thừa... Những bác sỹ, hộ lý trong bệnh viện...Những người vô gia cư và chắc chắn còn bao người nghèo chưa biết chắc là có tết...
Mỗi người, trở về cái gốc văn hoá truyền thống vị tha, mở lòng nhân hậu,là rút ngắn lại hố ngăn cách bất hoà.
Ngày cận tết Mậu Tuất, truyền thông-đặc biệt là truyền thông xã hội, đem đến cho công chúng câu chuyện xúc động về tấm lòng nhân hậu, vị tha. Vợ chồng chị Jerry Phương ở thành phố Hồ Chí Minh, qua thông tin trên mạng xã hội đã vượt cả ngàn cây số, đến huyện biên giới Mường Lát, Thanh Hoá, đón cô bé Pang tật nguyền khốn khó về làm con, chăm sóc, dạy dỗ, chữa bệnh cho em. Về mức độ giàu có, chắc chắn vợ chồng chị Jerry Phương không so được với những đại gia hưởng tết bằng kỳ hoa dị thảo, sơn hào hải vị kia. Nhưng, anh chị có thứ mà những người kia không thể có, đó là tấm lòng nhân hậu, là của để dành “phúc đẳng hà sa”!
Cuối năm Đinh Dậu, lại thêm câu chuyện ấm lòng khác. Đó là câu chuyện về chiếc áo thi đấu có chữ ký của các cầu thủ U23 tặng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau khi đội tuyển thi đấu giải U23 châu Á thành công trở về...
Thủ tướng đã cho bán đấu giá công khai kỷ vật này, lấy tiền lo tết cho người có công và người nghèo. Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết đã bỏ ra 20 tỉ mua chiếc áo.
Chắc chắn trong giới lãnh đạo không ít người sở hữu kỷ vật được tặng, biếu có giá trị.
Chắc chắn, không ít doanh nghiệp và cá nhân giàu có như Tập đoàn FLC sẵn sàng bỏ tiền ra, nhận kỷ vật về, một đồng tiền bỏ ra mua về, không chỉ là kỷ vật.
Như thế, sẽ làm cho xuân thêm xuân, tết thật tết.
Như thế, xã hội mỗi ngày bớt đi sự đối nghịch, bất hoà.
Uông Ngọc Dậu

CUỘC HỘI NGỘ GIỮA ĐẢNG, MÙA XUÂN VÀ DÂN TỘC

NHỊ LÊ/ TVN 13-2-2018

Đảng - Mùa Xuân - Dân tộc hội ngộ như một lẽ tự nhiên, cuộc hội ngộ của thiên thời - địa lợi - nhân hòa. Một cuộc hội ngộ “đẹp như cùng hẹn trước” của Trời đất, của Lịch sử, của Thời đại với dân tộc Việt Nam!   
LTS: Trước thềm Xuân mới, Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của TS Phạm Đình Đảng (bút danh Nhị Lê) – Phó Tổng Biên Tập Tạp Chí Cộng sản luận bàn về vinh quang và trách nhiệm to lớn của Đảng Cộng Sản Việt Nam trước vận hội mới của dân tộc.
Ngày 3-2-1930, Mùa Xuân Canh Ngọ, cách đây tròn 88 năm, Đảng Cộng sản Việt Nam - “Đứa con nòi của giai cấp lao động” Việt Nam sinh thành! Sự kiện lịch sử trọng đại này là kết quả tất yếu của sự kết tinh lịch sử giữa chủ nghĩa Mác - Lê-nin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam được hun đúc và sục sôi trong truyền thống mấy ngàn năm đầy gan góc, hy sinh oanh liệt và thắng lợi vẻ vang của biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước, thương nòi.
Tất cả phẩm giá tinh hoa ấy chung đúc nên Đảng Cộng sản Việt Nam. Mốc son lịch sử chói lọi đó là sự kết tinh khát vọng của dân tộc, là lời đáp lại đòi hỏi phát triển của lịch sử dân tộc, là sự vận động phù hợp với yêu cầu của thời đại, là hiện thân khát vọng chân chính của hơn 20 triệu đồng bào Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, không gì cưỡng được và không thế lực thù địch nào đương thời cản nổi và dập tắt được, lúc bấy giờ.
Sự kiện lịch sử trọng đại đó, mốc son lịch sử chói lọi đó là hiện thân của sự chỉ đạo sáng suốt, những nỗ lực không mệt mỏi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Đó còn là sự giác ngộ, lựa chọn, dũng cảm và gan góc hy sinh của hàng nghìn chiến sĩ cách mạng; là sự kết tinh tâm nguyện bất diệt của hàng triệu đồng bào hữu danh và vô danh nguyện xả thân, tin theo, gửi gắm và bảo vệ Đảng Cộng sản Việt Nam - “đứa con nòi xuất thân từ giai cấp lao động” Việt Nam, sống trong lòng dân tộc, giữa ngọn gió thời đại mới.
Chân lý độc lập tự do và Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hòa quyện làm một cách tự nhiên là tất yếu!
Bước tiến dài của dân tộc
Vừa ra đời giữa máu lửa, gông xiềng nô lệ, Đảng đã trở thành người lãnh đạo, người tổ chức của cách mạng Việt Nam, được nhân dân đón nhận và chở che. Và, 88 năm qua, Đảng ta, người lãnh đạo cách mạng Việt Nam, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân lao động nước nhà, người chiến sĩ rất mực tin cậy và thủy chung, người bạn rất mực nhân ái và chan hòa của đồng chí và bầu bạn quốc tế khắp năm châu đã sống trong lòng dân tộc, tiếp tục trưởng thành cùng đất nước, không phụ lòng tin cậy, sự ủy thác của nhân dân, xứng đáng với niềm tin cậy của bầu bạn năm châu.
Dưới ngọn cờ của Đảng, đất nước, dân tộc và nhân dân ta vượt lên muôn vàn thử thách, giành bao thắng lợi, lập nên bao kỳ tích vẻ vang. Dưới ngọn cờ của Đảng, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam lớn lên từ giang san xã tắc mấy ngàn năm của ông cha để lại, trưởng thành từ chiếc nôi truyền thống mấy ngàn năm văn hiến Việt Nam. Đảng ta - đội tiền phong của dân tộc, “đứa con nòi của nhân dân lao động” cùng 90 triệu đồng bào ta đưa Tổ quốc Việt Nam “từ trong máu lửa. Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, đang ngẩng đầu, tự tin vững bước trên con đường xã hội chủ nghĩa, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh, cùng nhân loại tiến bộ!
Những năm 1930 - 1931, khi ấy, Đảng vừa mới ra đời, đã cùng nhân dân làm một cuộc duyệt binh lịch sử Xô-viết Nghệ-Tĩnh, báo hiệu Tổ quốc nhất định cập bến độc lập, tới ngày tự do! Kẻ thù vây bủa, âm mưu bóp chết Đảng. Và, bao xương trắng máu đào các chiến sỹ cách mạng và nhân dân đổ xuống vì nền độc lập tự do của Tổ quốc.
Chỉ riêng trong cấp Trung ương của Đảng đã có 14 đồng chí bị đế quốc Pháp bắn, chém, hoặc tra tấn đến chết trong nhà tù. Trong 31 đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng ta, trước ngày khởi nghĩa đã bị đế quốc Pháp kết án 222 năm tù đày. Máu của những người con ưu tú của dân tộc nhuộm đỏ thắm đất đai sông núi: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần...và hàng ngàn chiến sĩ cách mạng, hàng vạn đồng bào ta gan góc hy sinh vì lý tưởng độc lập tự do của Tổ quốc... đã tô thắm thêm ngọn cờ của Đảng!
Không có con đường nào khác, sự hy sinh vì Tổ quốc không cần đến, thậm chí bẻ gãy mọi điều luật, hơn nữa lại là những điều luật thực dân cổ xúy và bảo vệ cho sự tự do chém giết. Tất cả sự hy sinh của các bậc tiền nhân và đồng bào ta hiến dâng cho sự thiêng liêng và cao cả hơn hết thảy, là Tổ quốc phải độc lập, là dân tộc Việt Nam phải tự do, đã làm kẻ thù run sợ và khuất phục mọi điều luật thực dân!
Mười lăm năm sau những năm 1930 đầy máu và nước mắt ấy, với mùa Thu Ất Dậu, bằng một cuộc Cách mạng Tháng Tám, Đảng cùng dân tộc lật nhào ngai vàng ngàn năm phong kiến thống trị và phá tan xích xiềng ngót một trăm năm nô lệ thực dân Pháp, dựng nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; đưa nhân dân từ thân phận nô lệ lên địa vị người làm chủ nước nhà; mở ra kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Đó là lý tưởng của Chính cương vắn tắt (năm 1930) của Đảng ta là, tiến hành cuộc “tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng(1) để đi tới xã hội cộng sản”(2) trở thành sự thật. Cuộc cách mạng đó trực tiếp cổ vũ phong trào chống đế quốc và phong kiến của hai nước láng giềng trên bán đảo Đông Dương là Lào và Cam-pu-chia; góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, nhất là các nước trong khu vực Đông - Nam Á và những nước thuộc địa của thực dân Pháp ở các châu lục khác. “Đó là thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam, mà cũng là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác - Lê-nin ở một nước thuộc địa”(3).
Đó là một bước đi ngắn của cách mạng nhưng là bước tiến dài của dân tộc, có ý nghĩa mệnh hệ của đất nước vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, giữa thế kỷ XX.
Gần 64 năm trước, ngày 7/5/1954, dưới ngọn cờ của Đảng, Quân đội ta, toàn thể dân tộc Việt Nam ta làm nên một Điện Biên lừng lẫy, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ và gian khổ, đưa miền Bắc vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam và cổ vũ các dân tộc trên thế giới vùng dậy lật nhào ách thống trị của chủ nghĩa thực hiện trên quy mô toàn cầu. “Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là thắng lợi của các lực lượng hoà bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới. Một lần nữa, chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã soi đường cho giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam kháng chiến cứu nước thành công, giữ gìn thành quả cách mạng của mình”(4).
Dưới ngọn cờ của Đảng, nhân dân ta tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng: vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai của chúng, thực hiện thống nhất nước nhà. Hơn 20 năm, toàn dân tộc kiên cường dưới ngọn cờ của Đảng, được sự ủng hộ và giúp đỡ chí tình của đồng chí, bạn bè quốc tế và nhân loại tiến bộ, chúng ta đã giành được thắng lợi hoàn toàn.
Với Đại thắng Mùa Xuân năm 1975, dân tộc ta hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất Tổ quốc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Ách nô dịch của chủ nghĩa thực dân mới sụp đổ ở Việt Nam. Việt Nam vinh dự đứng trong hàng ngũ tiên phong chống đế quốc, là biểu tượng của lòng dũng cảm, là lương tri, là phẩm giá loài người trong thế kỷ XX.
Hơn 39 năm trước, máu đào xương trắng nhân dân nước Việt Nam ta lại đổ nơi phên dậu phía Tây Nam và cách đây 38 năm, mây đen vần vũ quần đảo nơi biên cương phía Bắc, dưới ngọn cờ của Đảng, hồn thiêng sông núi hun đúc chí khí dân tộc “chúng chí thành thành”, anh linh muôn bậc tiền hiền phù hộ, buộc Việt Nam ta nổi thêm một trận gió to quét sạch bùn nhơ phía Tây Nam bờ cõi, buộc làm một cuộc tự vệ biên giới phía Bắc, giữ gìn cương thổ lịch sử nghìn năm vững chãi, và dân tộc đã san định hai mặt biên thùy Tổ quốc.
2018: Năm “bản lề” đầy bản lĩnh trên nền móng 30 năm Đổi mới
Nền độc lập vô giá của dân tộc, sự tự do tất yếu của nhân dân được phát triển và giữ gìn toàn vẹn! Minh chứng cho một chân lý giản dị của thời đại: Những kẻ chà đạp nền độc lập tự do của dân tộc khác thì chính sự độc lập tự do của họ tự bị tổn thương và thậm chí tự bị chính họ sỉ nhục và chà đạp!
Sự nghiệp đó là cuộc cách mạng vĩ đại, góp phần làm tan rã hệ thống thuộc địa, làm phá sản chủ nghĩa thực dân cũ và thực dân mới, thúc đẩy phong trào độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Thắng lợi đó là sự thể hiện bản lĩnh, trí tuệ của Đảng ta, sự đoàn kết, ý chí quyết tâm, lòng nhân hậu của dân tộc Việt Nam và sự ủng hộ của bầu bạn quốc tế; là niềm tin của lớp lớp cần lao đang bị đọa đày, áp bức; là lương tâm, phẩm giá của thời đại ngày nay.
Đặc biệt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 30 năm đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, kể từ Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986), con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng được xác định rõ hơn, đã đưa đất nước ta vượt qua muôn vàn thách thức hiểm nghèo, chủ động phá thế bị bao vây cấm vận, tranh thủ mọi thời cơ, nhân lên những thuận lợi, ra sức phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, mở rộng quan hệ quốc tế, tạo tiền đề vững chắc, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Sự kiên định, thống nhất lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, sự phấn đấu và hy sinh không sờn lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm thực hiện lý tưởng cao cả, trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã xây nên một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần gìn giữ hoà bình thế giới, vì sự phát triển và tiến bộ xã hội của loài người ở thế kỷ XX và trong thế kỷ XXI.
Thực tiễn cách mạng phong phú và hào hùng đó của dân tộc đã để lại nhiều bài học vô giá, đặc biệt là những bài học xây dựng Đảng ngang tầm trách nhiệm to lớn và nặng nề mà lịch sử dân tộc giao phó, trong cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ của nhân dân ta, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự trường tồn của dân tộc, sự phát triển và tiến bộ của đất nước, bất chấp mọi thủ đoạn và chiêu bài của các thế lực thù địch mưu toan bôi nhọ, xuyên tạc, phủ nhận vị thế, vai trò và trách nhiệm lịch sử của Đảng.
Không có cuộc sống bất tử, chỉ có những sự nghiệp bất tử! Sự nghiệp 88 năm vẻ vang của Đảng đối với Tổ quốc và dân tộc Việt Nam, không thể gì khác hơn, là một trong những sự nghiệp như vậy! Không có ai, không có gì có thể làm vấy bẩn, chà đạp và bác bỏ được!
Mời độc giả đón đọc kì 2: “Trí tuệ thăng hoa trên nền móng đại đoàn kết toàn Dân tộc”
Nhị Lê
-----
Chú thích:
(1) Khái niệm “tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng” về sau được Đảng ta gọi là “cách mạng dân tộc dân chủ”
(2) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, t. 2, tr. 2
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr. 409
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 410

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét