Thứ Ba, 6 tháng 2, 2018

20180206. QUANH CHUYỆN BÀN 'GỘP TẾT TA VÀO TẾT TÂY'

ĐIỂM BÁO MẠNG
TRANH LUẬN 'GỘP TẾT TA VÀO TẾT TÂY' : BỎ QUÊN ...ĐIỀU THEN CHỐT !

TS MAI THANH SƠN/ TVN  5-2-2018

Tết Mậu Tuất 2018, Tết Nguyên đán cổ truyền, Tết ta, Tết tây, Hiến pháp, Di sản văn hóa phi vật thể, Dân tộc thiểu số

Ý tưởng bỏ Tết Nguyên đán được GS. Võ Tòng Xuân đề xuất cả chục năm trước đã mở ra một cuộc tranh luận kéo dài cho đến nay. Các bên tán đồng hay phản đối đều đưa ra những lý lẽ “có vẻ rất thuyết phục” dưới vô vàn góc độ: kinh tế, an ninh xã hội, an toàn giao thông, truyền thống văn hóa... 
Tôi không phủ nhận hoàn toàn ý kiến của cả hai bên, chỉ xin lưu ý, khi bàn về một quyết định hệ trọng như vậy, chúng ta không thể không tham chiếu khung pháp lý hiện hành. 
Sự nhầm lẫn trong khái niệm “Tết cổ truyền dân tộc/quốc gia” 
Trong các cuộc tranh luận hiện nay cả trên báo chí và mạng xã hội, khái niệm “Tết Nguyên đán”, thường được gọi là “Tết ta” để phân biệt với Tết Dương lịch là “Tết tây”, luôn mặc nhiên được hiểu là “Tết cổ truyền của dân tộc/quốc gia Việt Nam”. Thực ra, đây là một cách hiểu không đầy đủ. 
Việt Nam là quốc gia đa tộc người, và các cộng đồng tộc người hiện vẫn sử dụng nhiều hệ lịch pháp, với những điểm khởi đầu của năm mới (Tết) khác nhau. Tết Nguyên đán chỉ là điểm khởi đầu năm mới của hệ lịch pháp chúng ta vẫn quen gọi là “âm lịch”, vốn được dùng phổ biến ở nhiều tộc người phương Đông từ mấy ngàn năm qua. 
Theo cố GS. Trần Quốc Vượng, cách gọi “âm lịch” như thói quen xưa nay của người Việt mới chỉ “phản ánh đúng một nửa bản chất” của hệ lịch pháp này. Ông cũng cho rằng, xét về mặt nào đó, hệ lịch pháp này có nhiều điểm ưu việt hơn Dương lịch của phương Tây, vì nó có sự kết hợp giữa chu kỳ của cả mặt trăng và mặt trời. Vì thế, ông luôn gọi đầy đủ đó là “âm dương hợp lịch”.  
Mặc dù được đánh giá là hợp lý và có sức sống lâu bền như vậy, nhưng “âm dương hợp lịch” vẫn không hẳn là lịch pháp bao trùm của dân tộc/quốc gia. Hệ lịch này chỉ có ở các tộc người chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Hán. Tại Việt Nam, hiện nay cũng chỉ có khoảng trên dưới 20 tộc người sử dụng “âm dương hợp lịch”: Kinh, Mường, Hoa, Tày, Nùng… 
Các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng – Miến sử dụng hệ lịch riêng, mỗi năm có 365 ngày nhưng chia thành 10 tháng; mỗi tháng 3 tuần, mỗi tuần 12 ngày, ứng với 12 con giáp; 5 ngày còn lại tính vào những ngày lễ tết. Hà Nhì là tộc người cho đến nay vẫn sử dụng phổ biến hệ lịch này, và năm mới của họ bắt đầu vào khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11 của “âm dương hợp lịch”. 
Người H’mông cũng lịch riêng, và năm mới của họ bắt đầu vào khoảng cuối tháng 11, đầu tháng 12 của âm dương hợp lịch... 
Ở duyên hải Nam Trung bộ, cộng đồng người Chăm đều theo lịch Sakawi Ahiér, coi lễ hội Rija Nagar, được tổ chức vào khoảng tháng 4 Dương lịch, là thời điểm tiễn đưa năm cũ đón mừng năm mới. Cũng trong khoảng thời gian này, đồng bào Khmer Nam bộ cũng tổ chức đón năm mới thông qua lễ hội  Chol Chnam Thmay. 
Riêng các tộc người thiểu số tại chỗ khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên cho đến trước 1975 không có tục đón Tết mừng năm mới. Họ không có hệ thống lịch pháp được văn bản hóa mà chủ yếu dựa theo mùa rẫy và sự vận hành đắp đổi của tuần trăng. Hàng năm, sau khi thu lúa rẫy, hầu hết các tộc người đều tổ chức lễ Mừng lúa mới và bắt đầu vào mùa Ning nơng, kéo dài từ cuối tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau – theo âm dương hợp lịch. Đó cũng chính là thời điểm chuyển giao năm cũ sang năm mới, nhưng không có một ngày Tết cụ thể. 
Như vậy, Tết Nguyên đán hay “Tết ta” theo thói quen vẫn gọi hiện nay chỉ là Tết của tộc người Kinh và các tộc người sử dụng “âm dương hợp lịch” chứ không thể coi là Tết cổ truyền của dân tộc/quốc gia. Trên thực tế, không có một “Tết cổ truyền” chung cho cả 54 cộng đồng tộc người ở Việt Nam. 
“Ăn Tết”, nhìn từ các Công ước Quốc tế... 
Theo Điều 2, Công ước Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO (thông qua tháng 10/2003), các di sản văn hóa phi vật thể được bảo vệ được hiểu theo nghĩa rất rộng: từ các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt đến tri thức, kỹ năng được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, được không ngừng tái tạo để thích nghi với môi trường và mối quan hệ qua lại giữa cộng đồng với tự nhiên và lịch sử của họ, đồng thời hình thành trong họ một ý thức về bản sắc và sự kế tục. Tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội là một trong các hình thức thể hiện di sản văn hóa phi vật cần bảo vệ đó. 
Còn theo Công ước Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa của UNESCO (thông qua tháng 10/2005), “đa dạng văn hóa là một đặc tính của nhân loại, là di sản chung của nhân loại, cần được tôn vinh và bảo vệ vì lợi ích của tất cả mọi người... Đa dạng văn hóa, phát triển mạnh mẽ trong môi trường dân chủ, khoan dung, công bằng xã hội và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc và các nền văn hóa, là yếu tố không thể thiếu đối với hòa bình và an ninh ở cấp độ địa phương, quốc gia và quốc tế.”  
Công ước nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa đối với sự gắn kết xã hội và khẳng định “sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, bao gồm cả các biểu đạt văn hóa truyền thống, là một yếu tố quan trọng cho phép các cá nhân và các dân tộc thể hiện và chia sẻ ý tưởng và giá trị của mình với những cá nhân và những dân tộc khác.” 
Công ước cũng lưu ý về “tầm quan trọng của sức sống của các nền văn hóa, kể cả đối với những người thuộc các dân tộc bản địa và thiểu số, thể hiện ở sự tự do sáng tác, phổ biến và phân phối các biểu đạt văn hóa truyền thống của họ, và việc tiếp cận chúng để hưởng thụ vì sự phát triển của chính họ”. 
Cả 2 Công ước trên đây đều là sự cụ thể/chi tiết hóa Tuyên ngôn Nhân quyền (1948), Công ước quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (1966), Công ước quốc tế về Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (1966) của Liên hợp quốc. Tư tưởng của các công pháp quốc tế trên đây cũng chính là những cơ sở để Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam tham chiếu, hoàn thiện và ban hành Hiến pháp 2013 và các bộ luật liên quan trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.  

Tết Mậu Tuất 2018, Tết Nguyên đán cổ truyền, Tết ta, Tết tây, Hiến pháp, Di sản văn hóa phi vật thể, Dân tộc thiểu số
Người H’mông cũng có tết riêng. Ảnh minh họa: Lã Anh/ Báo Giao thông
...Và Hiến pháp, Luật Di sản Văn hóa Việt Nam  
Cho dù chiếm tới hơn 86% dân số của cả nước, người Kinh cũng vẫn không phải là chủ nhân duy nhất của nước CHXHCN Việt Nam. Tính từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946, Hiến pháp Việt Nam đã trải qua 4 lần sửa đổi, nhưng bao giờ cũng có ít nhất một điều khoản nhấn mạnh đến vị thế đồng chủ thể quốc gia, nghĩa vụ cũng như quyền lợi của các tộc người thiểu số. Mới đây nhất, Điều 5 - Hiến pháp 2013 chỉ rõ: 
“1. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. 
2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. 
3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. 
4. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước.” 
Cũng từ các căn cứ pháp lý quốc tế và Hiến pháp 2013, ngày 23/07/2013, Quốc hội đã ban hành quyết định hợp nhất Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa, có hiệu lực từ ngày 01/01/2010 trong một văn bản Luật mới. Khoản 1, Điều 4, bộ Luật này đưa ra định nghĩa: “Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng tái tạo và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác”. 
Các khoản mục trong Điều 8 và Điều 9 của Luật Di sản Văn hóa 2013 cũng khẳng định các nội dung quan trọng: (i) Mọi di sản văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam, có xuất xứ ở trong nước hoặc từ nước ngoài, thuộc các hình thức sở hữu, đều được bảo vệ và phát huy giá trị; (ii) Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu di sản văn hóa. Chủ sở hữu di sản văn hóa có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. 
'Tết' của các dân tộc khác cũng cần được bảo vệ 
Căn cứ vào các Công ước quốc tế, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (2013) và Luật Di sản Văn hóa (2013) có thể khẳng định mấy điểm then chốt. 
Thứ nhất, tất cả các tộc người đang sinh sống trên lãnh thổ nước ta đều có quyền ngang nhau trong các thực hành văn hóa và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống được kế thừa từ thế hệ đi trước, bao gồm cả lịch pháp và các tri thức về sự dịch chuyển của vũ trụ/tự nhiên/và xã hội trên dòng thời gian. 
Thứ 2, Tết Nguyên đán chuyển tải nhiều giá trị văn hóa, lịch sử và có nhiều ý nghĩa xã hội đối với các tộc người sở hữu nó. Vì thế, hoàn toàn có thể khẳng định đó là một di sản văn hóa phi vật thể của người Kinh và các cộng đồng tộc người theo âm dương hợp lịch. Và do vậy, Tết Nguyên đán cần được bảo vệ theo tinh thần của các Công ước quốc tế cũng như khuôn khổ pháp lý hiện hành. 
Thứ 3, xét dưới góc độ văn hóa, lịch sử và ý nghĩa xã hội, phong tục/tập quán tiễn đưa năm cũ/đón mừng năm mới của tất cả các tộc người thiểu số đang sinh sống trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam đều là những di sản văn hóa phi vật thể, cần được bảo vệ như Tết Nguyên đán của các tộc người theo âm dương hợp lịch. 
TS. Mai Thanh Sơn, Viện Khoa học xã hội vùng Trung bộ - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam 

BỎ HAY GIỮ 'TẾT CỔ TRUYỀN': MỘT GÓC NHÌN KHÁC

TS MAI THANH SƠN/ TVN 6-2-2018

Tết Mậu Tuất 2018, Tết Nguyên đán cổ truyền, Tết ta, Tết tây, Hiến pháp, Di sản văn hóa phi vật thể, Dân tộc thiểu số
Đường phố Hà Nội được trang hoàng dịp Tết. Ảnh: Zing.vn
Trong Phần 1 bài viết này, người viết đã chỉ ra một vấn đề căn cốt chưa được đề cập đến trong cuộc tranh luận bỏ hay giữ Tết ta hiện nay, đó là các công ước quốc tế và khung pháp lý hiện hành. Có thể nói, sự nhận thức về “Tết” và “thực hành văn hóa Tết” ở nước ta hiện nay cơ bản còn nhiều điểm bất cập. Xuất phát từ góc nhìn của tộc người chiếm đa số trong cả nước, từ lâu Chính phủ đã mặc nhiên coi Tết Nguyên đán là Tết cổ truyền của dân tộc/quốc gia; và việc cả nước được nghỉ làm việc vào dịp Tết Nguyên đán là đương nhiên. 
Không chỉ dừng ở đó, chính quyền nhiều địa phương ở khu vực miền núi phía Bắc còn vận động đồng bào các tộc người Hà Nhì và H’mông bỏ Tết cổ truyền để ăn Tết Nguyên đán như người Kinh. Chính vì thế, một số công chức/viên chức/lao động trong các công ty/doanh nghiệp là người Hà Nhì và người H’mông sống xa nhà, muốn đón năm mới cùng gia đình theo truyền thống cha ông sẽ phải xin nghỉ phép. 
Ở khu vực người Chăm và người Khmer tuy không có tình trạng vận động đồng bào ăn Tết theo người Kinh, nhưng vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, các cán bộ người Chăm, người Khmer muốn được đón năm mới trọn vẹn cùng gia đình cũng buộc phải nghỉ phép chứ không có chế độ riêng. Đến khi người Kinh và các tộc người theo âm dương hợp lịch ăn Tết Nguyên đán, các tộc người còn lại chỉ coi đó là những ngày nghỉ bình thường, không hề có ý nghĩa văn hóa hay tâm linh.  
Nhìn từ góc độ cộng đồng, các nhà trí thức, báo giới và các Facebooker hiện đang có 2 xu hướng trái ngược: “Bỏ” hay “Giữ” Tết Nguyên đán. Cuộc tranh luận trên mạng xã hội trong những ngày giao mùa đang ngày càng trở nên sôi nổi, nhưng phía Nhà nước chưa hề đưa ra bất cứ bình luận chính thức nào. Cá nhân tôi không muốn tham gia vào cuộc tranh luận rất khó phân thắng bại này, chỉ xin đưa ra một vài ý kiến để khép lại bài viết này. 
Thứ nhất, việc viện dẫn các lý do liên quan đến hội nhập quốc tế hay kinh nghiệm Nhật Bản để bỏ Tết Nguyên đán chưa thực sự thuyết phục. Ngay cả người Nhật, sau hơn một thế kỷ bỏ Tết Nguyên đán, hiện cũng đang có những người muốn phục hồi lại truyền thống này [1]. 
Các hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội thường xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán nhưng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho Tết. Việc quản lý xã hội là trách nhiệm chung của nhà nước, cộng đồng và gia đình. Sự kết hợp giữa các bên liên quan dựa trên các quy định của luật pháp để khắc phục tình trạng đó là điều tối quan trọng. 
Thứ 2, theo quy định của Hiến pháp, các tộc người thiểu số đều là đồng chủ thể quốc gia. Với tư cách là chủ thể văn hóa tộc người, họ có các quyền bình đẳng với chủ thể văn hóa tộc người Kinh. Phong tục/tập quán tiễn đưa năm cũ/đón mừng năm mới của các tộc người không ăn Tết Nguyên đán cũng phải được xem là những di sản văn hóa phi vật thể. Người dân các tộc người thiểu số có trách nhiệm chung tay bảo tồn các giá trị văn hóa và di sản mà cha ông để lại, và nhà nước có nghĩa vụ hỗ trợ/hoặc tạo điều kiện để họ thực hiện trách nhiệm nặng nề đó.  

Tết Mậu Tuất 2018, Tết Nguyên đán cổ truyền, Tết ta, Tết tây, Hiến pháp, Di sản văn hóa phi vật thể, Dân tộc thiểu số
Người Tây Nguyên tổ chức lễ Mừng lúa mới và bắt đầu vào mùa Ning nơng, kéo dài từ cuối tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau – theo âm dương hợp lịch. Ảnh: Báo Gia Lai
Thứ 3, Tết Nguyên đán chỉ là di sản của riêng người Kinh và các tộc người sử dụng âm dương hợp lịch, không phải của chung tất cả các tộc người Việt Nam, không liên quan đến truyền thống văn hóa các tộc người đang sử dụng các hệ lịch pháp khác. Việc Nhà nước “quốc gia hóa” Tết Nguyên đán rõ ràng là sự áp đặt khiên cưỡng, có biểu hiện của tư tưởng “dân tộc lớn”, chưa thực sự phản ánh đúng tinh thần được quy định trong Công ước “Về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể” và Công ước “Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa” và Hiến pháp hiện hành. 
Thứ 4, nếu đã coi phong tục tiễn đưa năm cũ/đón mừng năm mới của tất cả các tộc người đều là di sản văn hóa phi vật thể, Nhà nước cần có chính sách chung cho việc bảo tồn, tránh tình trạng như hiện nay: trong dịp Tết Nguyên đán của người Kinh và các tộc người theo âm dương hợp lịch, tất cả người lao động đều được nghỉ; trong khi đó, các tộc người khác không được nghỉ trong dịp lễ hội đón năm mới của mình. Để đảm bảo tính nghiêm minh trong việc thực hiện Luật Di sản Văn hóa, chính quyền các địa phương miền núi phía Bắc cần chấm dứt ngay cuộc vận động người Hà Nhì, người H’mông bỏ Tết cổ truyền, ăn theo Tết Nguyên đán. 
Thứ 5, khi đã không coi Tết Nguyên đán là “Tết cổ truyền của dân tộc/quốc gia”, Nhà nước sẽ không còn lý do để đóng cửa các công sở, các nhà máy/xí nghiệp trong những ngày giao thời của âm dương hợp lịch. Ngày nay, Dương lịch đã được coi là phương tiện tính đếm thời gian trên phạm vi quốc gia, chế độ nghỉ cuối năm nên theo thông lệ quốc tế. Việc bảo tồn di sản văn hóa Tết hoàn toàn được trao cho các cộng đồng sở hữu. Cá nhân nào muốn tham gia, cần xin nghỉ phép theo chế độ hiện hành. Quy định này có hiệu lực đối với tất cả các cộng đồng tộc người trên phạm vi cả nước, không phân biệt đa số hay thiểu số. 
Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể đảm bảo cho quá trình vừa hội nhập/phát triển bền vững, vừa bảo tồn được truyền thống văn hóa của các tộc người trong khuôn khổ dân tộc/quốc gia.  
TS. Mai Thanh SơnViện Khoa học xã hội vùng Trung bộ - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
----
[1] Công sứ Nhật Bản Hideo Suzuki: Nhiều người Nhật muốn khôi phục Tết Nguyên đán, Báo Lao động, 01/02/2014.
CÁC BÀI LIÊN QUAN:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét