Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2018

20180202. LẠI BÀN VỀ THỐNG KÊ CHỈ TIÊU GDP

ĐIỂM BÁO MẠNG
VẪN LÀ TĂNG 'CHƯỞNG' VÌ CHỈ TIÊU 'TĂNG TRƯỞNG'

TRẦN VĂN/ VOA/ BVN  31-1-2018

Đồng hồ nợ công của tạp chí The Economist nêu con số nợ công của Việt Nam vào ngày 16/7/2017 là hơn $94 tỉ. (Hình: Trích từ website của The Economist)
Ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam, lại gieo hoang mang cho các chuyên gia kinh tế trong và ngoài Việt Nam khi chỉ đạo Tổng cục Thống kê (GSO), đưa các dữ liệu liên quan đến hoạt động kinh tế ngầm, hoạt động kinh tế phi pháp vào việc tính toán GDP.

Khái niệm hoạt động kinh tế phi chính thức chỉ những hoạt động kinh tế ngầm, hoạt động kinh tế phi pháp, hoạt động kinh tế ở cấp độ gia đình tự sản tự tiêu, các hoạt động kinh tế bị sót khi thu thập dữ liệu.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng GSO, Tổng cục Thống kê của Việt Nam đã thu thập và đã xử lý được dữ liệu của ba mảng liên quan đến hoạt động kinh tế phi chính thức là: Hoạt động kinh tế ở cấp độ gia đình không đăng ký kinh doanh, hoạt động kinh tế ở cấp độ gia đình tự sản tự tiêu và các hoạt động kinh tế bị bỏ sót. Săp tới, cơ quan này sẽ thu thập và sẽ xử lý dữ liệu của kinh tế ngầm, kinh tế phi pháp để tính toán GDP.

Ông Vũ Quang Việt, cựu chuyên viên thống kê của Liên Hiệp Quốc, người từng là cố vấn cho một dự án về tính toán GDP đối với các hoạt động kinh tế phi chính thức tại một số quốc gia châu Á, châu Phi của Liên Hiệp Quốc, khuyến cáo, nếu không bảo đảm khả năng thu thập dữ liệu thường xuyên và chính xác, đặc biệt là với hoạt động kinh tế ngầm, hoạt động kinh tế phi pháp (mại dâm, đánh bạc, buôn lậu,…) thì không nên đưa vào GDP vì vô giá trị và dễ làm lạc hướng.

Tại sao đưa hoạt động kinh tế ngầm và hoạt động kinh tế phi pháp vào GDP lại dễ làm lạc hướng? Ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), một trong những người đồng quan điểm với ông Việt (cần thu thập dữ liệu về hoạt động kinh tế phi chính thức để hoạch định chiến lược phát triển kinh tế nhưng không nên gộp kinh tế ngầm, kinh tế phi pháp vào GDP để tăng quy mô của nền kinh tế), giải thích, gộp hoạt động kinh tế ngầm, hoạt động kinh tế phi pháp vào GDP sẽ nâng GDP lên và khiến tỉ lệ bội chi, tỉ lệ nợ nần tính trên GDP giảm, hồ sơ tăng trưởng kinh tế sẽ… đẹp hơn.

Sự “kiên định” của chính quyền Việt Nam trong việc đeo đuổi chỉ tiêu tăng trưởng GDP để hồ sơ tăng trưởng kinh tế…đẹp là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới thảm trạng hiện nay (ngân sách liên tục thâm thủng, nợ nần càng ngày càng cao).

*

GDP là cách gọi tắt Gross Domestic Product (tổng sản phẩm nội địa - diễn đạt ngắn gọn là toàn bộ chi tiêu của một quốc gia trong một khoảng thời gian nhất định). Bởi GDP thường được dùng để đánh giá mức độ tăng trưởng kinh tế của một quốc gia nên trong vài thập niên gần đây, thông qua Quốc hội Việt Nam, giới lãnh đạo Đảng CSVN đặt định chỉ tiêu tăng trưởng GDP hàng năm, thúc chính phủ Việt Nam phải “phấn đấu” để chứng minh cả khả năng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của mình, lẫn kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là… ưu việt.

Theo thời gian, các chuyên gia kinh tế nhận ra, những số liệu liên quan đến tăng trưởng GDP, tăng trưởng kinh tế không đồng nghĩa với ấm no, hạnh phúc. Tăng trưởng GDP, tăng trưởng kinh tế của một quốc gia có thể rất cao nhưng theo sau đó, khoảng cách giữa giàu và nghèo có thể càng ngày càng lớn, bất bình đẳng xã hội có thể tăng vọt, tài nguyên cạn kiệt, môi trường sống có thể bị hủy hoại trên diện rộng. Đó là lý do khái niệm tăng trưởng bền vững, phát triển bền vững xuất hiện. Chẳng riêng các chuyên gia kinh tế mà một số viên chức hữu trách ở Việt Nam cũng thú nhận, dù luôn đạt hoặc vượt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế nhưng tăng trưởng kinh tế và tiến trình phát triển ở Việt Nam là… thiếu bền vững.
Dẫu trên thực tế có không ít cơ quan truyền thông tại Việt Nam giới thiệu hàng loạt tài liệu, nhận định của các chuyên gia kinh tế trên thế giới, cảnh báo “mặt trái” của những số liệu liên quan tới tăng trưởng GDP, tăng trưởng kinh tế,…
Chẳng hạn Nhịp Cầu Đầu Tư tóm tắt và giới thiệu cuốn“Wellbeing Economy: Success in a World Without Growth”(Nền kinh tế hạnh phúc: Thành công trong một thế giới không tăng trưởng) của Lorenzo Fioramonti. Vị giáo sư về Kinh tế Chính trị của Đại học Pretoria - Nam Phi này đưa ra nhiều ví dụ nhằm giúp người ta không ngộ nhận về tăng trưởng GDP: Bán thận lấy tiền sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP nhưng giáo dục trẻ con, nấu một bữa ăn phục vụ cộng đồng, tổ chức cải thiện thể lực cộng đồng thì không thể tạo ra số liệu - không đóng góp gì vào tăng trưởng kinh tế. Một quốc gia đốn toàn bộ cây cối để bán sẽ giúp GDP tăng vọt, còn giữ - chăm bón cây cối thì không. Một quốc gia bảo tồn thiên nhiên vì lợi ích của tất cả mọi người thì khó mà đưa được chuỗi hoạt động ấy vào tăng trưởng kinh tế nhưng nếu tư nhân hóa, thương mại hóa các khu bảo tồn để thu phí thì quyết định đó sẽ đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP. Tương tự, tất cả mọi người khỏe mạnh sẽ không tác động đến số liệu tăng trưởng kinh tế, song mọi người đổ bệnh thì GDP sẽ tăng mạnh nhờ chi tiêu cho thuốc men, bác sĩ, bệnh viện… Fioramonti nhấn mạnh, chạy theo tăng trưởng GDP, tăng trưởng kinh tế là dại dột. Hệ thống kinh tế tốt là hệ thống trao cho dân chúng quyền lựa chọn hạnh phúc phù hợp với giá trị và động cơ của họ.

Còn Tia Sáng giới thiệu “Tăng trưởng kinh tế và hạnh phúc nhân sinh” của Tôn Thất Nguyễn Thiêm. Ông Thiêm khẳng định, cứu cánh của kinh tế là góp phần tạo dựng hạnh phúc cho cõi nhân sinh thông qua sự tăng trưởng của xã hội. Động lực thúc đẩy tăng trưởng chỉ có thể thật sự lớn mạnh nếu bản thân tiến trình tạo dựng tài sản kinh tế được xây dựng trên cơ sở những cảm thụ có thật về hạnh phúc của con người. Tăng trưởng là điều kiện cần cho hạnh phúc nhưng mặt khác, tăng trưởng cần có hạnh phúc để trở thành phát triển bền vững! Tăng trưởng không thể đơn thuần chỉ là tạo ra của cải vật chất mà nhất thiết phải mang đến một luân lý tinh thần, bồi đắp các mối quan hệ giữa người với người trong công cuộc mưu cầu hạnh phúc của mỗi một cá nhân. Thiếu yếu tố đó, tăng trưởng vật chất sẽ dẫn đến khủng hoảng xã hội trầm kha, gây rối loạn nghiêm trọng, cản trở việc khởi động một tiến trình phát triển thật sự!

Rồi những chuyên gia kinh tế như Vũ Thành Tự Anh thì phân tích về hiệu quả đầu tư của Việt Nam với các quốc gia khác, so sánh chúng để chứng minh giá mà Việt Nam phải trả cho tăng trưởng GDP quá cao. Nhắc nhở GDP chỉ là phương tiện chứ không phải và không bao giờ là mục đích cuối cùng của nền kinh tế. Nếu tính cả những thiệt hại và chi phí do ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, căng thẳng xã hội… gây ra thì số liệu về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khó mà có thể như đã công bố. Có chuyên gia như ông Bùi Trinh cảnh cáo, nếu tiếp tục theo đuổi tăng trưởng GDP kiểu như đổ tiền vào các tượng đài, đẩy GDP lên bất kể tượng đài chẳng tạo ra tác động tích cực nào cho phát triển, kinh tế vĩ mô sẽ càng ngày càng bất ổn, không thể giảm bội chi mà chỉ lún sâu hơn trong nợ nần.

… Tuần trước, Thủ tướng Việt Nam vẫn dõng dạc tuyên bố: Nếu tăng trưởng thấp thì đó là một cái tát vào mặt Chính phủ.

*

Tháng trước, nhiều giới sửng sốt khi GSO của Việt Nam công bố, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2017 là 6,81% GDP, cao hơn chỉ tiêu tăng trưởng mà Quốc hội Việt Nam đề ra (6,7% GDP) và vượt xa dự đoán của mọi người, kể cả của Ủy ban Giám sát Tài chính thuộc Quốc hội Việt Nam trước đó chỉ… một ngày.

Tháng này, ông Phúc vừa khuyên GSO “không chạy theo thành tích để đưa ra số liệu không cơ bản”, vừa trao hàng loạt Huân chương Lao động đủ hạng cho các tập thể, cá nhân của ngành thống kê, dù hoạt động của ngành này được chính ông nhận định còn “đơn điệu”, chưa chú ý tới các thống kê liên quan tới chất lượng tăng trưởng như: Môi trường, năng suất lao động, xã hội

Chính phủ Việt Nam giải thích, sở dĩ họ muốn GSO đưa kinh tế ngầm, kinh tế phi pháp vào tính toán tăng trưởng kinh tế vì GDP thay đổi thì nợ nần còn “dư địa” (thêm cơ hội vay mượn) để “đầu tư cho phát triển”. Khi nợ nần bị khống chế bởi “trần”, “trần” lại tương ứng với một tỉ lệ nhất định về GDP (hiện là 65% GDP) thì “dự đoán” kinh tế ngầm, kinh tế phi pháp hiện vào khoảng 30% GDP rõ ràng là hết sức hấp dẫn. Cộng 30% đó vào GDP sẽ đẩy “trần” nợ cao lên. “Đầu tư” cho “phát triển” các trung tâm hành chính, quần thể quảng trường - tượng đài, đại dự án, những chương trình “kích cầu” sẽ lại… như xưa! Nội các của ông Phúc lại có thể vênh vang, xênh xang như nội các của ông Dũng vì lúc nào cũng “bảo đảm mục tiêu tăng trưởng dù kinh tế thế giới, kinh tế khu vực bất ổn, khó lường”.

Các chuyên gia kinh tế đã lặp đi, lặp lại rằng thu thập - xử lý dữ liệu liên quan tới kinh tế ngầm, kinh tế phi pháp rất khó chính xác, cách tốt nhất để hạn chế kinh tế ngầm, kinh tế phi pháp, giúp họat động của ngành thống kê dễ dàng, đáng tin cậy hơn là công khai hóa, minh bạch hóa hoạt động của hệ thống công quyền. Tuy nhắc nhở ngành thống kê phải “trung thực” song chính phủ Việt Nam không tha thiết với công khai hóa, minh bạch hóa. Họ mê “dự đoán” kinh tế ngầm, kinh tế phi pháp tương đương“30% GDP”.

Ngộ nhỉ?

T.V.
Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/tang-truong-cai-tat-vao-mat-chinh-phu/4231164.html 


KHÔNG THỂ KIỂM SOÁT ĐƯỢC 'KINH TẾ NGẦM'

TS BÙI TRINH/ ĐBND 31-1-2018

Theo chuyên gia kinh tế BÙI TRINH, việc điều tra thông tin về khu vực kinh tế chưa được quan sát rất phức tạp, đặc biệt là thành tố kinh tế ngầm và kinh tế phi pháp sẽ không thể kiểm soát được. Hơn nữa, nếu điều chỉnh quy mô GDP theo hướng cộng thêm khu vực kinh tế chưa được quan sát thì phải điều chỉnh tỷ lệ nợ công, bội chi, cùng với hàng loạt các quyết sách của Quốc hội bởi tất cả đều dựa vào GDP để tính và điều này có thể gây những bất ổn.
Không thể kiểm soát được
- Ông đánh giá như thế nào về chủ trương điều chỉnh quy mô của nền kinh tế của Chính phủ, trong đó bao gồm cả khu vực kinh tế chưa được quan sát?
- Khu vực chưa được quan sát bao gồm 5 thành tố: Hoạt động kinh tế ngầm, hoạt động kinh tế phi pháp, hoạt động kinh tế chưa định hình, hoạt động kinh tế bị bỏ sót do chương trình thu thập dữ liệu cơ bản chưa cập nhật.
Tôi lấy một ví dụ: Doanh nghiệp luôn có 2 loại báo cáo là báo cáo thuế và báo cáo nội bộ. Sự chênh lệch số liệu giữa hai báo cáo này được coi là kinh tế ngầm. Loại hình này rõ ràng không thể thống kê được, nên không có nước nào tính vào quy mô GDP. Đối với hoạt động kinh tế phi pháp bao gồm buôn lậu, mại dâm, ma túy, ở các nước đều có thống kê nhưng một số nước không tính vào GDP. Hơn nữa, ở nước ta đây là những hoạt động không thuộc phạm trù sản xuất, vì vậy càng không thể đưa vào để tính toán GDP.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, về nguyên tắc, nếu tính đúng phương pháp của thống kê Liên Hợp Quốc thì quy mô của nền kinh tế hiện tại đã bao gồm một phần khu vực kinh tế chưa được quan sát. Vì GDP được tính theo phương pháp chi tiêu cuối cùng, tổng sản phẩm quốc nội của một quốc gia là tổng số tiền mà các hộ gia đình trong quốc gia đó chi mua các hàng hóa cuối cùng cộng chi tiêu dùng của Chính phủ cộng với tích lũy tài sản cộng chênh lệch xuất nhập khẩu. Vậy thì dù họ ở khu vực kinh tế nào cũng phải chi tiêu cho nhu cầu của mình. Thực tế cũng cho thấy, nhiều dự án điều tra kinh tế về tự sản, tự tiêu của Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) được tính vào GDP. Nếu giờ tính lại chẳng khác nào phủ nhận tất cả những kết quả điều tra, thống kê những năm vừa qua?
- Theo ông, việc tính toán các thành tố của khu vực kinh tế chưa được quan sát sẽ gặp những khó khăn gì?
- Việc điều tra thông tin về khu vực kinh tế chưa được quan sát rất phức tạp, đặc biệt là thành tố kinh tế ngầm sẽ không thể kiểm soát được. Ngay cả  Mỹ, nước có nền quản trị tốt, tính minh bạch cao cũng khó khăn trong việc kiểm soát khu vực này. Vì vậy, họ cũng không tính khu vực này vào quy mô GDP mà chỉ thực hiện điều tra tại một vài năm nào đó. Con số thống kê không chính xác sẽ kéo theo hàng loạt các chính sách bị sai lệch. Hơn nữa, nếu điều chỉnh quy mô GDP theo hướng cộng thêm khu vực kinh tế chưa được quan sát thì phải điều chỉnh tỷ lệ nợ công, bội chi, cùng với hàng loạt các quyết sách, chính sách của Quốc hội bởi vì tất cả đều dựa vào GDP để tính. Điều này cực kỳ khó khăn và gây bất ổn.

Nguy cơ mất cân đối rất lớn
- Nếu điều chỉnh quy mô GDP như vậy sẽ đem đến những rủi ro gì cho nền kinh tế, thưa ông?
- Như tôi đã nói ở trên, để thống kê được khu vực kinh tế chưa được kiểm soát này rất khó khăn, thậm chí kinh tế ngầm không thể tính được, khi đưa vào GDP để quy mô GDP tăng lên, lúc đó tỷ lệ nợ công và bội chi so với GDP sẽ còn rất nhỏ. Dù có tính thêm vào GDP thì ngân sách cũng khó có thể thu được từ khu vực này, như vậy dẫn đến không kiểm soát được nợ công và bội chi.
Báo cáo của Chính phủ về tình hình nợ công giai đoạn 2015 - 2017 và kế hoạch 2018 cho thấy, tăng trưởng GDP bình quân 2015 - 2018 theo giá so sánh là 6,6%, tăng trưởng bình quân về nợ công vùng theo giá so sánh là 8,1%. Bội chi ngân sách năm 2017 tính theo phương pháp mới (không bao gồm trả nợ gốc) so với GDP là 3,48% nhưng tính lại theo phương pháp cũ tỷ lệ này là 6,43%. Thực hiện chương trình triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2018, Bộ Tài chính đặt ra kế hoạch bội chi theo phương pháp mới là 3,7% GDP, như vậy bội chi theo phương pháp cũ sẽ là 6,6% GDP. Tốc độ tăng trưởng bội chi bao gồm trả nợ gốc bình quân giai đoạn 2015 đến 2018 là 8,4% cao hơn tăng trưởng GDP bình quân 1,8 điểm phần trăm. Nếu cộng thêm khu vực kinh tế chưa quan sát được vào GDP thì tỷ lệ bội chi theo cách mới chỉ khoảng 2,8% GDP. Để đạt được bội chi theo kế hoạch là 3,7% GDP đồng nghĩa với việc được chi ra thêm khoảng 61.000 tỷ đồng và nợ cũng tăng lên đáng kể, trong khi nguồn trả nợ thực chất không phải từ con số GDP mà từ nguồn thu ngân sách. Từ đó dẫn đến nguy cơ mất cân đối rất lớn của nền kinh tế cũng như khả năng trả nợ.
- Theo ông, nếu phải điều chỉnh quy mô GDP sát với hoạt động kinh tế thì cần lưu ý điều gì để có được kết quả chính xác?
- Cần thay đổi phương pháp thống kê theo đúng phương pháp của Liên Hợp Quốc là tính GDP dựa trên tổng cầu cuối cùng tức là GDP cần được tính trực tiếp bằng phương pháp chi tiêu cuối cùng. Vì hiện nay, Việt Nam vẫn tính GDP dựa trên tổng cung mà tăng trưởng tính từ cầu và tăng trưởng từ cung có khoảng cách chênh lệch rất lớn. Song song với đó, phải hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật đối với các hoạt động nhạy cảm có nguy cơ ngầm, ngăn chặn nạn tham nhũng, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ hiện nay. Bởi nguồn gốc của kinh tế ngầm phần nhiều là do tham nhũng, tiêu cực.
- Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Quỳnh thực hiện



CẢI CÁCH VÀ HỆ LỤY TỪ BỘ LUẬT DÂN SỰ 2015

LS NGUYỄN TIẾN LẬP/ TBKTSG 30-1-2018


LTS: Sau khi TBKTSG ngày 18-1-2018 đăng bài viết "Chủ thể theo BLDS năm 2015 - giải pháp của sự hội nhập" của tác giả Nguyễn Ngọc Điện cho rằng việc Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 xác định chỉ có hai loại chủ thể là cá nhân và pháp nhân là “phù hợp với thông lệ quốc tế”, tòa soạn nhận được bài viết của luật sư Nguyễn Tiến Lập trao đổi lại, theo đó cho rằng cải cách này của BLDS năm 2015 cần được bàn thêm, xuất phát từ những hệ lụy mà nó gây ra cho đời sống xã hội. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Việc Thông tư 32/2016 của Ngân hàng Nhà nước yêu cầu mọi tổ chức không có tư cách pháp nhân phải đóng tài khoản để chuyển sang giao dịch dưới danh nghĩa cá nhân là minh chứng cho những cách hiểu khác nhau đối với quy định mới về chủ thể trong BLDS 2015. Do đó, cần có những trao đổi công khai và toàn diện hơn về vấn đề này.
Chủ thể pháp luật dân sự là gì ?
Trong tư pháp (pháp luật dân sự), chủ thể đầu tiên và quan trọng nhất luôn luôn là “con người tự nhiên” hay các cá nhân. Nhiệm vụ của pháp luật không chỉ là bảo vệ lợi ích của bản thân cá nhân khi là chủ thể mà còn, và quan trọng hơn, là lợi ích của những người khác giao dịch với nó. Đáng lưu ý mỗi cá nhân khi đi vào pháp luật không phải lúc nào cũng có đầy đủ các quyền năng của một chủ thể, tức các quyền hay tư cách chủ thể có thể được phân thành nhiều cấp độ. Ví dụ, một đứa trẻ khi ra đời đã ngay lập tức là chủ thể pháp luật, tức có các quyền và nghĩa vụ, tuy nhiên do chưa có khả năng quyết định độc lập, việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của nó bị giới hạn và có điều kiện như phải được đại diện thông qua cha mẹ hay người giám hộ. Tư cách chủ thể của một đứa trẻ sẽ hoàn thiện khi nó trưởng thành.
Với sự phát triển của đời sống, khái niệm “chủ thể pháp luật” trở nên phức tạp hơn, từ con người cá nhân ban đầu được mở rộng ra các đối tượng khác liên quan đến con người. Đó là các đơn vị xã hội được gọi là “tổ chức” do con người lập nên, thậm chí cả các con vật nuôi có nhu cầu được bảo vệ. Trong thời đại công nghệ số, chủ thể pháp luật đang được xem xét mở rộng ra cả các thực thể kỹ thuật phi con người như người máy (robot) có trí tuệ nhân tạo...
Trong bối cảnh đó, vấn đề cần bàn không nên xoay quanh các định nghĩa hay khái niệm truyền thống về chủ thể pháp luật, mà quan trọng là làm sao để pháp luật có thể bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích của con người khi tương tác với nhau và với các đối tượng khác. Để làm được điều đó, mỗi người khi giao dịch cần không được nhầm lẫn, tức biết rõ đối tác của mình là ai, các quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm giữa mình và đối tác là gì và các hệ quả pháp lý nếu phát sinh vi phạm, tranh chấp.
Pháp nhân ra đời thế nào và tại sao cần đến nó ?
Pháp nhân (tiếng Hán) hay juridical person (tiếng Anh) là “con người” được pháp luật tạo ra. Khởi thủy, con người có nhu cầu cùng phối hợp để làm một việc gì đó và khi đó, họ thiết lập những “cái chung” như mục tiêu, tài sản và hành động chung. Cái chung này tạo nên chất lượng mới, khác với cái cá nhân ban đầu và được gọi là “tổ chức”. Tổ chức có dạng đơn sơ như hội, nhóm, diễn đàn, câu lạc bộ với một số thành viên hữu hạn, cho đến các cấu trúc phức tạp như công ty, hiệp hội nghề nghiệp, trường đại học với số lượng thành viên lên tới hàng trăm, hàng ngàn hay thậm chí cả triệu người. Pháp luật nói chung không hạn chế các dạng thức tổ chức mà con người có thể sáng tạo ra. Trên nền tảng các tổ chức được hình thành, pháp luật đã tạo ra một cách thức để phân loại các cấp độ tổ chức, tức “pháp nhân”. Mục đích của việc này nhằm trước hết bảo vệ những người giao dịch với đối tượng không rõ ràng là “tổ chức” qua việc cung cấp thông tin minh bạch rằng họ đang giao dịch với ai và hệ quả pháp lý là gì.
Bởi thế, pháp luật các nước đặt vấn đề đơn giản bằng cách đưa ra cách thức để người dân lựa chọn: các tổ chức không cần đăng ký công khai, có tính khép kín nội bộ như nhóm, hội, câu lạc bộ; và tổ chức được đăng ký công khai như công ty, hiệp hội, trường đại học... Đăng ký công khai là ghi tên một tổ chức vào danh bạ của tòa án hay cơ quan có thẩm quyền, kèm theo công bố điều lệ và thông tin cơ bản như loại hình, mục tiêu, người đại diện, tài sản để công nhận tổ chức đó là pháp nhân. Ở nhiều nước, khi đăng ký, một ký hiệu riêng còn được gắn với tên tổ chức để mọi người dễ dàng nhận diện. Điểm phân biệt cơ bản từ góc độ một người giao dịch với tổ chức là: nếu là pháp nhân, anh có thể yên tâm rằng chủ thể đó vẫn tồn tại nguyên vẹn khi người đại diện hay sở hữu tổ chức đó thay đổi hoặc chết; trong khi đối với một tổ chức không phải là pháp nhân, các quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó có thể thay đổi nếu có sự thay đổi của người đại diện hoặc các thành viên tùy thuộc vào thỏa thuận của họ khi thành lập tổ chức này. Việc liên đới chịu trách nhiệm của các thành viên (được gọi là trách nhiệm vô hạn) khi tổ chức bị yêu cầu trả nợ cũng là một yếu tố nữa để phân biệt; tuy nhiên điều kiện này không căn bản ở chỗ đối với một tổ chức không là pháp nhân, các thành viên vẫn có thể thỏa thuận với nhau về loại trừ hay giới hạn trách nhiệm của họ.
Sự dị biệt, không rõ ràng trong pháp luật Việt Nam và hậu quả
Tư duy pháp lý nhiều năm qua ở Việt Nam luôn luôn bắt đầu từ quản lý nhà nước và do đó, việc xác định một tổ chức là pháp nhân cũng trước hết nhằm mục tiêu này. Bởi thế, mặc dù trong các BLDS từ năm 1995 tới nay đều có định nghĩa về pháp nhân (và định nghĩa này cơ bản tương thích với thông lệ chung), nhưng một tổ chức muốn là pháp nhân vẫn phải có thủ tục công nhận. Trong khi các BLDS đều không quy định cụ thể về thủ tục ấy, trên thực tế xảy ra hai tình huống: một tổ chức sẽ được xác định là pháp nhân theo quy định cụ thể của một văn bản pháp luật hoặc được ghi trong một văn bản hành chính(*). Do mục đích công nhận pháp nhân không rõ ràng, cho nên cũng là doanh nghiệp một chủ sở hữu nhưng công ty TNHH một thành viên được Luật Doanh nghiệp xác định là pháp nhân, trong khi doanh nghiệp tư nhân với các đặc tính về tổ chức, tài sản và hoạt động tương tự thì lại không.
Tuy nhiên, xét từ góc độ chủ thể pháp luật, trên thực tế hầu như tất cả các văn bản pháp luật, bao gồm cả Hiến pháp và Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, đều có đối tượng điều chỉnh khá rộng, được ghi chung là cơ quan, tổ chức, cá nhân và chủ thể khác. Do đó, bên cạnh cá nhân, bất cứ tổ chức nào được thành lập và đăng ký hợp pháp, có tên gọi và con dấu riêng đều được coi là chủ thể pháp lý, không phụ thuộc vào việc có hay không tư cách pháp nhân.
Vấn đề rắc rối nảy sinh bởi BLDS 2015 đã đi xa hơn bằng cách quy định đối tượng điều chỉnh theo hướng thu hẹp chỉ bao gồm cá nhân và pháp nhân (điều 1) và xác định rằng, nếu một tổ chức không có tư cách pháp nhân mà tham gia một giao dịch thì chủ thể tham gia giao dịch sẽ là thành viên của nó, tức cá nhân (điều 101). Hệ quả pháp lý kéo theo là các rủi ro. Chẳng hạn, với một doanh nghiệp tư nhân hay văn phòng luật sư được đăng ký hợp pháp nhưng lại không được quy định là pháp nhân, nếu ký một hợp đồng dưới danh nghĩa tổ chức như thường lệ thì theo BLDS 2015, hợp đồng đó sẽ có nguy cơ bị tòa án tuyên bố vô hiệu do “thiếu năng lực chủ thể”. Thực chất vì thế, để phòng ngừa rủi ro cho các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 32/2016 gây tranh cãi nói trên.
Nhiều ý kiến còn cho rằng, quy định mới về chủ thể của BLDS 2015 đã “vênh” với tất cả các văn bản luật còn lại và gây khó cho cả doanh nghiệp và một số cơ quan nhà nước. Chẳng hạn, cơ quan thuế khó chấp nhận một báo cáo tài chính do đơn vị là tổ chức nộp lên với số liệu tiền lấy từ tài khoản cá nhân; hay khách hàng của các tổ chức có liên quan cũng khó đồng ý với điều này.
Tóm lại, trên một nền tảng chung đã tồn tại nhiều năm của pháp luật hiện hành với sự chấp nhận nhiều đối tượng khác nhau là chủ thể, việc thay đổi cách tiếp cận theo hướng cắt gọn có phần máy móc của BLDS 2015 trong phương diện này, đặc biệt lại được tiến hành đơn lẻ, thiếu tính tổng thể và đồng bộ, đã vô tình tạo ra các hệ lụy không đáng có cho đời sống xã hội nói chung và việc thực thi pháp luật nói riêng. Để hội nhập với quốc tế, cải cách pháp luật dù nhỏ cũng cần một quá trình bài bản với nhận thức và tư duy mới. Tuy nhiên, không thể chậm trễ hơn, để làm giảm bớt các tác động tiêu cực trước mắt đối với người dân và doanh nghiệp từ các quy định pháp luật mới này, các cơ quan chức năng của cả ba hệ thống lập pháp, hành pháp và tư pháp cần sớm vào cuộc để có giải pháp thực tế xử lý vấn đề nêu trên.
(*) Từng có một ban quản lý dự án vốn không có tư cách pháp nhân, tuy nhiên trong quyết định của một bộ khi thành lập lại ghi là pháp nhân, do đó tư cách chủ thể pháp lý độc lập của cơ quan này đã được tòa án công nhận.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét