Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

20230301. 80 NĂM RA ĐỜI 'ĐỀ CƯƠNG VĂN HOÁ VIỆT NAM'

 ĐIỂM BÁO MẠNG

HỘI THẢO '80 NĂM ĐỀ CƯƠNG VĂN HOÁ VIỆT NAM (1043-2023)-KHỞI NGUỒN VÀ ĐỘNG LỰC PHÁT TRIN'

TRẦN THƯỜNG, HOÀNG HÀ/ VNN 27-2-2023

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, cần kiên quyết chống lại mọi sự xâm lăng về văn hoá, bài trừ các hình thức văn hoá lai căng, mê tín, dị đoan, ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục.

Ngày 27/2, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTT&DL, Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức hội thảo cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hoá Việt Nam (1943-2023) – Khởi nguồn và đồng lực phát triển”.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Uỷ viên Bộ Chính trị, GĐ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tham dự hội thảo.  

Hội thảo gồm 2 phiên "Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam" và  "Văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới".

Những chân lý bất diệt

Khai mạc hội thảo, GĐ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho biết, Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943 do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo, thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng.


Ông Nguyễn Xuân Thắng: Cần chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hoá có phẩm chất, năng lực chuyên môn xứng tầm với yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới.

Đề cương về văn hóa khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa mới trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Nhìn lại chặng đường 80 năm qua, được thấm nhuần, kết tinh trong những chủ trương, đường lối của Đảng, được kiểm chứng bằng những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã toả sáng những giá trị cốt lõi của một văn kiện mang tầm Cương lĩnh.

Ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, với chủ trương “Văn hoá, nghệ thuật cũng là một mặt trận, văn nghệ sỹ là chiến sỹ trên mặt trận ấy”, Đảng đã tập hợp được đông đảo đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ yêu nước, nhiều người đã từ bỏ con đường “vinh thân, phì gia” sát cánh cùng mọi tầng lớp nhân dân, dấn thân theo cách mạng.

Bản Đề cương đã góp phần hình thành nên những chân lý bất diệt, như: "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ", “Văn hoá còn thì dân tộc còn. Văn hoá mất thì dân tộc mất”, xây dựng một nền văn hóa mới “lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”, “phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”,…. 

Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, những chân lý này trở thành kim chỉ nam soi đường, dẫn lối dân tộc ta đi qua hai cuộc kháng chiến trường kì, vĩ đại và trong công cuộc kiến thiết, xây dựng nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc sau ngày hoà bình, thống nhất. 

Khởi nguồn từ tư tưởng “nghệ thuật vị nhân sinh” của bản Đề cương, ngày nay, Đảng ta đã hình thành quan điểm phát triển con người phải được đặt vào vị trí trung tâm và là mục tiêu của quá trình phát triển văn hóa. 


Hội thảo tập hợp 1 báo cáo trung tâm và 175 tham luận của các cơ quan, tổ chức, các cá nhân nhà quản lý, nhà khoa học và những người trực tiếp làm công tác văn hóa nghệ thuật trong cả nước.

Hội thảo tập hợp 1 báo cáo trung tâm và 175 tham luận của các cơ quan, tổ chức, các cá nhân nhà quản lý, nhà khoa học và những người trực tiếp làm công tác văn hóa nghệ thuật trong cả nước.

“Nền văn hóa mà chúng ta đang xây dựng là nền văn hóa của nhân dân, nhân dân vừa là chủ thể sáng tạo, trao truyền, đồng thời cũng là chủ thể thụ hưởng những giá trị của nền văn hóa ấy”, GĐ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định. 

Ông cho rằng, văn hóa phải hướng mọi sáng tạo, mọi hoạt động phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân, mặt khác, cần phải vun đắp cho những tài năng văn hóa nghệ thuật, để có những tác giả với những tác phẩm mang giá trị đỉnh cao.

Kiên quyết chống lại mọi sự xâm lăng về văn hoá, bài trừ các hình thức văn hoá lai căng, mê tín, dị đoan, ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục, tăng cường sức đề kháng, miễn nhiễm với những luận điệu xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc sự nghiệp cách mạng và truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Xây dựng bộ chỉ số quốc gia về phát triển văn hóa

Báo cáo tại hội thảo, Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, bên cạnh những giá trị về nền tảng lý luận, nguyên tắc cốt lõi, những nội dung của Đề cương về văn hóa Việt Nam còn có giá trị thực tiễn lớn lao trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong suốt 8 thập niên qua.

Quá trình phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam đã có những bước tiến tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, một số hạn chế trong vận dụng giá trị và nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa vẫn đang tồn tại khiến cho các quan điểm xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được triển khai mạnh mẽ, chưa thực sự thấm sâu trong các tầng lớp nhân dân.


Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng.

Công tác cán bộ của lĩnh vực văn hoá (quản lý văn hoá, đội ngũ văn nghệ sỹ) chưa được quan tâm đúng mức, cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành, cơ quan các cấp, giữa khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân chưa chặt chẽ. Môi trường văn hóa có lúc, có nơi chưa lành mạnh, có mặt xuống cấp...

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng cần kiên trì thực hiện quan điểm đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý từ “làm văn hóa” sang “quản lý Nhà nước về văn hóa”. 

Ông phân tích, phát triển con người gắn với chăm lo và đề cao văn hóa gia đình; đề cao văn hóa trong nhà trường; đề cao văn hóa trong xã hội, lan tỏa những giá trị truyền thống, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” “lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực”. 


Trước đó, các đại biểu đã khai mạc Triển lãm ảnh 80 năm ra đời "Đề cương về văn hóa Việt Nam"

Phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, định hướng phát triển nhân cách của con người Việt Nam, nhất là trong thế hệ trẻ. 

Lãnh đạo Bộ VHTT&DL đề nghị, xây dựng bộ chỉ số quốc gia về phát triển văn hóa và triển khai ứng dụng định kỳ để đo lường, đánh giá và giám sát sự đóng góp và tăng trưởng của lĩnh vực văn hóa trong tổng thể phát triển quốc gia. Không để tụt hậu và từng bước đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hoá, du lịch. 

CHÁU NỘI TỔNG BÍ THƯ TRƯỜNG TRINH NÓI VỀ TRUYỀN THỐNG ĐẶC BIỆT CỦA GIA ĐÌNH

TRẦN THƯỜNG/VNN 28-2-2023


Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh chia sẻ, Tổng Bí thư Trường Chinh với tư cách là người cha, người ông luôn khuyến khích, động viên con cháu trong nhà đọc sách. Tất cả mọi người trong gia đình đều có tủ sách riêng.

Đề cương văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo, được công bố năm 1943 là một văn kiện lịch sử vô giá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cách mạng, kháng chiến, chỉ ra con đường vận động, phát triển của nền văn hóa mới Việt Nam.

Trong phiên tọa đàm của hội thảo "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển" diễn ra ngày 27/2, TS Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cháu nội của cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã có những chia sẻ về người ông của mình.

TS Đặng Xuân Thanh mô tả, cuộc đời của Tổng Bí thư Trường Chinh – con người, nhân cách thấm đẫm chất của quê hương Nam Định, trong gia đình thấm đẫm chất văn hóa nhưng có nét rất đặc biệt.

Những tính cách rất đặc trưng của Tổng Bí thư Trường Chinh là sự nghiêm cẩn, sự thận trọng, đó là nguyên tắc trong công việc. Những tính cách này trở nên nổi tiếng và đã trở thành giai thoại thời kỳ ông còn công tác.



TS Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà

"Trong gia đình chúng tôi, có nhiều người làm công tác nghiên cứu khoa học. Dù hoạt động trong lĩnh vực Triết học, Văn học hay Vật lý học thì niềm say mê, sự cống hiến đều xuất phát từ truyền thống gia đình", TS Đặng Xuân Thanh chia sẻ.

Ông Thanh cho biết, ba người con trai của Tổng Bí thư Trường Chinh đều phục vụ trong quân ngũ. GS Đặng Xuân Kỳ (bố của TS Đặng Xuân Thanh) ở trong quân đội 9 năm mới trở về làm công tác nghiên cứu khoa học. Hai chú của TS Thanh sau giải phóng miền Nam cũng quay trở lại môi trường học thuật.

Sự nghiêm cẩn, nghiêm túc, thận trọng… trong nghiên cứu khoa học ở mỗi thành viên, được rèn luyện từ những cuộc trao đổi trong gia đình, từ những cuốn sách mà Tổng Bí thư Trường Chinh với tư cách là người cha, người ông luôn khuyến khích, động viên con cháu trong nhà đọc.

Ông Thanh cho biết, tất cả mọi người trong gia đình đều có tủ sách riêng.

"Đây là một đặc trưng của gia đình chúng tôi. Khi tôi chỉ mới 6 tuổi mới biết đọc, biết viết thì đã được ông nội đóng cho một tủ sách cao khoảng một mét bằng gỗ sần sùi. Ông đã trích tiền lương mua cho tôi những cuốn sách mà tôi nhớ rất rõ như: "Không gia đình", "Túp lều bác Tôm", "Những tấm lòng cao cả"… Thời điểm đó, nếu tôi muốn đọc nhiều hơn thì lại tìm tới tủ sách của bố, của ông, của chú.

Lúc đầu đọc cũng không hiểu được mấy, nhưng càng đọc nhiều lại càng thấm, có cả những tác phẩm như "Chiến tranh và hòa bình" (Lev Tolstoy), "Những người khốn khổ" (Victor Hugo)..." TS Đặng Xuân Thanh nhớ lại.

Ông cũng cho biết, không có bữa cơm nào không có thảo luận nhỏ về các chủ đề chính trị, văn hóa, lịch sử… qua những lần như thế, văn hóa tự thấm vào mỗi thành viên. Có những cuộc tranh luận nảy lửa giữa GS Đặng Xuân Kỳ với Tổng Bí thư Trường Chinh về những vấn đề đất nước.


Tổng Bí thư Trường Chinh và phu nhân. Ảnh: Tư liệu

Ông Thanh nói thêm, tủ sách gia đình là một nét truyền thống riêng, có từ thời ông nội của Tổng Bí thư Trường Chinh - TS Đặng Xuân Bảng. Sau khi từ quan, ông Bảng đã thành lập thư viện tư nhân đầu tiên ở miền Bắc, người ta đồn rằng, sách nhiều tới mức trải rộng sáu gian nhà tranh.

TS Đặng Xuân Thanh nhấn mạnh, với một truyền thống như vậy thì gia đình luôn lấy làm tự hào và cố gắng truyền lại cho các thế hệ sau.

Ông Thanh cũng kể lại câu chuyện đời thường giữa cố Tổng Bí thư và vợ (bà Nguyễn Thị Minh), hai người gần như có một sự khác biệt rất lớn. Bà Nguyễn Thị Minh chỉ học hết lớp 4, tuy nhiên, hai cụ là những người rất thực tế.

"Có những lúc tôi chứng kiến cảnh ông nội vui vẻ đọc thơ tặng bà và ôm vai người vợ của mình dù khi đó ngoài 60 tuổi rồi, khiến bà đỏ mặt. Những hình ảnh đó từng ngày, từng tháng ngấm vào từng thành viên trong gia đình", ông Thanh kể.

TS Đặng Xuân Thanh tin rằng, chính môi trường gia đình, sự yêu thương và từ sự nghiêm túc, nghiêm cẩn, nguyên tắc sống của ông nội đã ảnh hưởng rất nhiều đến con cháu sau này, ảnh hưởng đến con đường sự nghiệp.

Ông Thanh bày tỏ vinh hạnh vì được làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nơi có tiền thân là Ban nghiên cứu Sử-Địa-Văn, do Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ đạo GS Trần Huy Liệu xây dựng đề án thành lập.


Ảnh: Báo Nam Định

Nói về nhà lý luận, nhà thơ Trường Chinh, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định, với hơn 200 bài thơ dưới bút danh Sóng Hồng, Tổng Bí thư Trường Chinh là nghệ sĩ lớn. Hai câu thơ nổi tiếng của ông: "Dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ/ Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền" được nhiều người biết đến.

Thơ ông rất khỏe khoắn, chân thực và lạc quan nhưng ông luôn gắn bó thơ với đời sống. Không chỉ là nhà sáng tạo, Tổng Bí thư Trường Chinh còn là nhà lý luận xuất sắc về thơ. Theo chuyên gia Nguyễn Đăng Điệp, quan niệm nghệ thuật và cách mạng của ông không thể tách rời, "mỗi nghệ sĩ cũng là một chiến sĩ".

PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp cho rằng, Tổng Bí thư Trường Chinh có sự kết hợp giữa tư duy nghệ sĩ và tư duy lý luận. Đọc lý luận của ông, người ta nhìn thấy sự hấp dẫn, sự lôi cuốn, thể hiện cái nhìn minh triết, sắc sảo, kết hợp giữa tư duy của nhà văn hóa và nhà chính trị.

Nhờ vậy, Tổng Bí thư nắm bắt tinh hoa dân tộc và nhân loại, đồng thời thấy được xu thế vận động của lịch sử và từng bước đi của cách mạng Việt Nam.

Bản Đề cương Văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo dù rất ngắn gọn nhưng cho thấy sự khúc chiết của tư duy, thể hiện cách nhìn chính xác và khoa học.

 Ý NIỆM VỀ VĂN HOÁ ĐẢNG

TS NGUYỄN VĂN ĐÁNG/TVN 27-2-2023

Để lãnh đạo bằng văn hóa chính trị, Đảng cần định hình rõ bản sắc văn hóa chính trị, không chỉ góp phần tạo nên văn hóa dân tộc mà còn tạo động lực khiến mỗi cá nhân được hấp dẫn và tự giác chấp nhận các giá trị, niềm tin, và chuẩn mực chính trị.

Từ đề cương văn hóa năm 1943

Bối cảnh đất nước trong những thập kỷ đầu thế kỷ 20 đã đặt ra sứ mệnh lịch sử cho các tổ chức chính trị ở nước ta, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam, là thực hiện cuộc cách mạng nhằm lật đổ chế độ cai trị của thực dân ngoại bang, giành lại nền độc lập cho dân tộc.

Trong số các tổ chức chính trị thời kỳ đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nổi lên và dần trở thành một đảng chính trị có tổ chức chặt chẽ nhất, mục tiêu chính trị rõ ràng và có sức thuyết phục nhất, cho nên đã quy tụ được sự ủng hộ từ đông đảo các lực lượng xã hội.

Những thắng lợi trong lãnh đạo cách mạng dân tộc, thống nhất và phát triển đất nước do Đảng đã đáp ứng được những vấn đề lợi ích sống còn của số đông dân chúng và cả dân tộc.


Bản “Đề cương Văn hóa Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943.

Chính động lực ra đời và tiến trình lãnh đạo cách mạng dân tộc trong gần một thế kỷ qua đã tạo nên sự gắn bó mật thiết giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với lợi ích của đa số người dân trong xã hội. Đặc biệt, vai trò không thể thay thế trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước đã đưa Đảng Cộng sản Việt Nam lên địa vị vững chắc của một đảng chính trị duy nhất đảm nhiệm vai trò lãnh đạo và cầm quyền ở nước ta cho đến ngày nay.

Ngay từ những ngày đầu lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đặc biệt coi trọng vai trò của văn hóa, lãnh đạo văn hóa, và cách mạng văn hóa. “Đề cương văn hóa Việt Nam 1943” đã chỉ rõ: kinh tế, chính trị, văn hóa là ba mặt trận mà Đảng phải hoạt động. Đảng phải lãnh đạo được văn hóa mới tạo được ảnh hưởng trong xã hội, góp phần cho sự thành công trong vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng.

Do bối cảnh khi đó, “Đề cương văn hóa Việt Nam 1943” chưa đề cập đến vấn đề “Văn hóa Đảng”. Cho đến hiện nay, chủ đề văn hóa Đảng cũng chưa được trình bày rõ ràng trong các văn kiện đại hội.

Thực tế này thể hiện phần nào qua nhận định trong Báo cáo 10 năm thực hiện cương lĩnh 2011: “thiếu các tiêu chí cụ thể về xây dựng văn hóa trong Đảng”. Vì thế, mặc dù đã xác định từ rất sớm về tầm quan trọng của văn hóa trong lãnh đạo nhưng đến nay, ý niệm về văn hóa Đảng vẫn chưa rõ ràng và Đảng chủ yếu lãnh đạo bằng tư tưởng, chủ trương, đường lối, chứ chưa đặt ra vấn đề Đảng lãnh đạo bằng văn hóa.

Văn hóa chính trị

Cần khẳng định, văn hóa Đảng là văn hóa của một tổ chức chính trị, cho nên trước hết văn hóa Đảng là văn hóa chính trị. Theo đó, văn hóa Đảng tập hợp hệ giá trị, biểu tượng, và niềm tin chính trị có vai trò định hình cách thức tư duy, thái độ, và hành động chính trị của mỗi đảng viên cũng như bản thân tổ chức Đảng.

Cấu phần phi vật chất quan trọng nhất của văn hóa Đảng là hệ tư tưởng và lý thuyết chính trị. Nếu tư tưởng chính trị cho biết những gì đúng đắn mà Đảng đề cao và theo đuổi, thì lý thuyết chính trị trình bày cách thức, biện pháp để đạt được những mục tiêu đó.

Cụ thể hơn, đó là tư tưởng về chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, và các lý luận về con đường đi đến các giai đoạn xã hội nêu trên của chủ nghĩa Marx – Lê Nin, và của Đảng.


Văn hóa của Đảng và Nhà nước tiêu biểu cho dân tộc và xu thế phát triển của nhân loại để có thể dẫn dắt, định hướng xây dựng hệ giá trị Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng

Ngược lại, cấu phần vật chất của văn hóa Đảng bao gồm tất cả những gì mà chúng ta có thể nhận biết được qua các giác quan như: mầu cờ, lễ nghi, hệ thống tổ chức, quy định, biểu tượng, công trình kiến trúc, di tích lịch sử, di vật của các nhà hoạt động cách mạng…

Mặc dù có mối liên hệ mật thiết với nhau nhưng cần phân biệt giữa văn hóa Đảng với văn hóa Nhà nước và văn hóa dân tộc. Văn hóa dân tộc là văn hóa của cả cộng đồng người, thể hiện qua “Hệ giá trị Việt Nam” như: Yêu nước, Đoàn kết, Tập thể, Độc lập. Văn hóa của Nhà nước là văn hóa khu vực công, thể hiện qua “Hệ giá trị công” như: Liêm chính, Trung thực, Trách nhiệm, Minh bạch, Bình đẳng.

Trong khi đó, văn hóa Đảng là văn hóa của một tổ chức chính trị, thể hiện qua “Hệ giá trị chính trị xã hội chủ nghĩa” như: Cộng đồng, Nhân văn, Công bằng xã hội, Sở hữu tập thể.

Nhận thức rõ về mối liên hệ chặt chẽ nhưng không đồng nhất với nhau giữa ba hệ thống văn hóa nêu trên, Báo cáo thực hiện Cương lĩnh 2011 chỉ ra nhu cầu: “Xây dựng và thực hiện hệ giá trị Việt Nam…Xây dựng hệ giá trị của Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, cầm quyền, và của Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.

Theo đó, văn hóa của Đảng và Nhà nước tiêu biểu cho dân tộc và xu thế phát triển của nhân loại để có thể dẫn dắt, định hướng cho việc xây dựng hệ giá trị Việt Nam trong thời gian tới.

Hệ thống trường Đảng

Với văn hóa dân tộc, cá nhân có thể tiếp nhận và thẩm thấu qua nhiều môi trường khác nhau, như: gia đình, trường học, nhóm bạn bè, và truyền thông đại chúng. Gắn với từng giai đoạn phát triển trong suốt cuộc đời, cá nhân từng bước mở rộng sự tiếp xúc với các môi trường văn hóa nêu trên, qua đó từng bước định hình được bản sắc văn hóa cá nhân, thể hiện rõ nhất qua cách nghĩ và cách sống riêng của mình.

Tầm nhìn 2045 và vai trò lãnh đạo, cầm quyền của ĐảngGắn kết chặt chẽ với lợi ích của nhân dân, của dân tộc chính là điều kiện then chốt để Đảng giữ vững bản chất đã được xác quyết từ ngày thành lập.

Do đặc thù của văn hóa tổ chức chính trị, không phải mọi cá nhân đều có thể lĩnh hội văn hóa Đảng ngay từ khi sinh ra. Khi trưởng thành, cá nhân có thể tiếp xúc với văn hóa chính trị nói chung và văn hóa Đảng nói riêng chủ yếu qua hệ thống truyền thông đại chúng, với mức độ khác nhau.

Hệ thống trường Đảng chính là thiết chế đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng, bảo lưu, vun đắp, và chuyển giao các giá trị văn hóa Đảng. Khác với trường học thông thường, hệ thống trường Đảng các cấp cung cấp cho cá nhân đầy đủ nhất những bản sắc của văn hóa Đảng.

Mặc dù phạm vi ảnh hưởng hẹp hơn so với hệ thống truyền thông đại chúng nhưng hệ thống trường Đảng, nhờ nội dung giảng dạy toàn diện và có chiều sâu, lại có khả năng khắc đậm hơn trong tâm thức mỗi cá nhân về văn hóa chính trị của Đảng.

Trong hệ thống một Đảng lãnh đạo và cầm quyền, văn hóa Đảng chính là thành tố then chốt bậc nhất tạo nên văn hóa chính trị của cả một quốc gia. Bản sắc văn hóa Đảng sẽ ảnh hưởng đến nhận thức và thái độ của người dân về các thiết chế chính trị như Đảng, Chính quyền, Hiến pháp và Luật pháp…

Cũng vì thế, văn hóa Đảng chính là yếu tố sâu xa bậc nhất để có thể thu hút sự ủng hộ của người dân với các chủ trương chính trị, tầm nhìn lãnh đạo của Đảng và chính sách công của Nhà nước.

Cũng có nghĩa, để có thể lãnh đạo bằng văn hóa chính trị, Đảng phải định hình rõ bản sắc văn hóa chính trị, không chỉ để góp phần tạo nên văn hóa dân tộc mà còn tạo động lực khiến mỗi cá nhân được hấp dẫn và tự giác chấp nhận các giá trị, niềm tin, và chuẩn mực chính trị. Nhờ đó, văn hóa Đảng có thể điều chỉnh được nhận thức và hành vi chính trị của cá nhân theo định hướng chính trị mà Đảng mong muốn.

Với những di sản sẵn có, hệ thống trường Đảng đứng trước những cơ hội và yêu cầu cao hơn để trở thành các thiết chế văn hóa chính trị. Để đáp ứng được kỳ vọng vai trò và có sức hấp dẫn với các thành viên trong xã hội, trường Đảng không chỉ hoạt động đơn thuần như một cơ sở đào tạo, mà phải hướng đến trở thành một biểu tượng văn hóa với những đặc trưng về trí tuệ, đạo đức, văn minh.


TS Nguyễn Văn Đáng