Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2023

20230220. KHÁI NIỆM 'TỔ QUỐC', 'QUÊ HƯƠNG', 'QUỐC GIA' ?

  ĐIỂM BÁO MẠNG


LẦM LẪN GIỮA 'TỔ QUỐC' VÀ THỂ CHỂ

GS NGUYỄN VĂN TUẤN/ FB 19-3-2023


Đó là một trong những lầm lẫn rất tai hại và có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Người Việt chúng ta có khái niệm ‘Tổ quốc’ rất đáng học. Nó không hẳn có nghĩa đơn giản như ‘motherland’ hay ‘fatherland’ trong tiếng Anh. Tổ quốc, theo cách chúng ta hiểu, là đất nước do tổ tiên để lại. Nhưng không đơn giản là ‘đất nước’ mà còn là sự gắn bó tình cảm, một loại tình cảm thiêng liêng khó mô tả bằng lời (giống như cảm giác bước chân tới Phú Thọ, Đền Vua Hùng vậy). Tôi có thể nói quê hương thứ hai là Úc, nhưng tổ quốc là Việt Nam. Tôi có sự gắn bó tình cảm thiêng liêng với Việt Nam, nhưng loại tình cảm đó không có đối với Úc. Do đó, tổ quốc không chỉ là địa lí (physical) mà còn bao hàm ý nghĩa tinh thần (spiritual).
Chế độ chánh trị (political regime) là tập hợp những triết lí, qui tắc, chuẩn mực chánh trị đằng sau sự hoạt động của một chánh phủ. Ở Úc tôi, hai đảng Liberal và Lao động có những suy nghĩ khác nhau và theo đuổi những lí tưởng khác nhau. Một đảng là bảo thủ (không hẳn là xấu), một đảng là cấp tiến (không hẳn là tốt). Họ luân phiên lập chánh phủ điều hành đất nước Úc.
Nói ra cũng thừa, nhưng vẫn cần phải nói trong bối cảnh hiện nay: Chế độ chánh trị không phải là tổ quốc. Chế độ chánh trị đến rồi đi, tổ quốc là do tổ tiên để lại và vĩnh viễn. Việt Nam ta đã trải qua những triều đại Đinh, Lê, Lý Trần, Nguyễn. Đâu có ai nói mấy triều đại đó là ‘Tổ quốc’; họ chỉ là những chánh phủ điều hành đất nước. Như là một qui luật phổ quát, các triều đại đến rồi đi, không có triều đại nào tồn tại vĩnh viễn. Tổ quốc cao hơn chế độ chánh trị.
Một điều đáng quan tâm là nhiều người, kể cả quan chức, xem chế độ chánh trị là tổ quốc. Đó là sai lầm của người ít suy nghĩ thì còn hiểu được, nhưng sai lầm của quan chức cao cấp thì đáng ngạc nhiên. Lại có người biết phân biệt sự khác biệt giữa hai thực thể đó, nhưng họ vẫn cố tình lập lờ để cho giới trẻ đánh đồng chế độ chánh trị với tổ quốc là một. Đó là một sự nhồi sọ, và nạn nhân bị nhồi sọ lầm tưởng rằng chế độ là tổ quốc. Từ sự lầm lãn đó, họ có những phản ứng phi lí trí: hễ ai có suy nghĩ khác chánh phủ là họ chụp cái nón ‘phản bội tổ quốc’. Tuy cách chụp mũ rất thô thiển, nhưng nó đủ mạnh để huy động những đám đông cuồng nộ.
Lại nhớ chuyện cũ về hai vị Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm. Chuyện kể rằng ông HCM muốn mời ông NĐD tham chánh trong một chánh phủ liên hiệp, nhưng ông NĐD không chịu. Tại sao? Tại vì ông ấy “sẽ vẫn tiếp tục chống Pháp nhưng không thể đi với Việt Minh”. Khi viên đại sứ Ba Lan hỏi ông HCM về quan điểm đó, ông nói “Ông ấy yêu nước theo cách của ông ấy”. Đó là một thái độ dung nạp vậy. Đâu có ai nói ông NĐD ‘phản bội tổ quốc’.
Có thể nói mà không sợ sai rằng: người Việt Nam -- bất kể theo thể chế nào -- cũng yêu tổ quốc. Đó chính là lời giải thích tại sao mỗi khi Tàu đụng tới VN là bà con hải ngoại, bất kể trường phái chánh trị, đều đồng lòng đứng lên bảo vệ. Do đó, cáo buộc 'phản quốc' đối với những người không theo thể chế mình theo đuổi (hay tôn thờ) là thật sự vô tri vậy.
Tóm lại, dong dài một chút như trên chỉ để nói rằng thể chế, kể cả thể chế chánh trị, không phải là tổ quốc. Tổ quốc là vĩnh viễn, còn thể chế chỉ tạm thời. Tổ quốc cao hơn thể chế. Tổ quốc dung nạp những người có quan điểm khác nhau. Do đó, đánh đồng thể chế với tổ quốc là một điều rất sai lệch và cần phải chấm dứt.

Nguyễn Tuấn 


BAO GIỜ THÌ CÓ NGUYÊN THỦ QUỐC GIA ĐÚNG NGHĨA ?

TS NGUYỄN NGỌC CHU/ FB 18-2-2023


1. Thể chế chính trị Việt Nam hiện nay chia quyền lực cho 4 trụ cột: Tổng bí thư (TBT), Chủ tịch nước (CTN), Thủ tướng (TT), Chủ tịch Quốc hội (CTQH), nên không có một ai trong số đó đảm nhận vai trò nguyên thủ quốc gia đúng nghĩa.
TBT là người có quyền lực cao nhất trong Đảng, nhưng không phải là đại diện cho quốc gia, mà chỉ đại diện cho đảng phái. Vì thế khi đi thăm các quốc gia khác, nhiều nước không tiếp đón theo nghi lễ nguyên thủ quốc gia. Thậm chí, muốn đi thăm cũng không có lý do để nguyên thủ các quốc gia khác cất lời mời. Khi đi thăm, vấn đề rải thảm đỏ, bắn đại bác chào mừng, tổ chức quốc yến… theo nghi lễ nguyên thủ đòi hỏi những đàm phán vất vả của ngoại giao. TBT cũng không điều hành bộ máy của quốc gia, không điều hành nền kinh tế của đất nước. TBT không phải là nguyên thủ quốc gia.
CTN theo danh nghĩa là nguyên thủ quốc gia. Nhưng CTN không có quyền quyết định nhân sự như TBT. CTN cũng không điều hành đất nước như TT. Trên thực tế CTN ít quyền hơn TBT, ít quyền hơn TT.
TT điều hành trực tiếp chính phủ. Nhưng nhân sự chính phủ cũng không do TT quyết định mà do BCH TƯ Đảng và Bộ Chính trị quyết định. TT cũng không thực quyền điều hành chính phủ. Đi thăm các quốc gia khác, TT cũng không phải là nguyên thủ quốc gia.
CTQH điều hành Quốc hội (QH) nhưng mọi quyết định quan trọng của QH đều do Đảng quyết định trước, sau đó mới đưa cho QH thông qua để hợp lệ về thủ tục. CTQH ít quyền hơn TBT, ít quyền hơn TT.
Thực chất, Việt Nam hiện nay không có nguyên thủ quốc gia đúng nghĩa.
2. Đại sa số các nước chọn ra nguyên thủ quốc gia hoặc qua thể thức bàu cử trực tiếp, hoặc qua thể thức bàu ra nghị viện, rồi nghị viện bàu ra nguyên thủ quốc gia.
Thể thức bàu cử trực tiếp là thể thức tốt nhất chọn nguyên thủ quốc gia. Bởi vì đây là thể thức đối đầu trực tiếp, mang tính được mất, sống còn. Nên nguyên thủ quốc gia chọn ra từ thể thức bàu cử trực tiếp thường là những thân hình chính trị mạnh mẽ, thông tuệ.
Thể thức bàu nguyên thủ quốc gia thông qua nghị viện có lúc mang tính thoả hiệp, nên nguyên thủ quốc gia chọn qua thể thức này ít quyết liệt, không phải ai cũng có tính cách thủ lĩnh.
Nhưng dẫu bằng thể thức nào thì nhờ tính dân chủ và minh bạch, sòng phẳng và thực chất chứ không giả hiệu trong bàu cử, các nguyên thủ quốc gia đều sắc sảo và mạnh mẽ, tuy mức độ có khác nhau.
Vị trí CTN của Việt Nam được Đảng quyết định nhân sự trước, nhưng không phải bỏ phiếu trong toàn Đảng, cũng không phải bàu cử trực tiếp ở Ban chấp hành Trung ương Đảng, mà bằng sự thảo luận và quyết định của các uỷ viên Bộ chính trị. Sau đó ứng viên CTN được đưa ra để QH thông qua.
CTN của Việt Nam không được chọn theo các thể thức như đa số các nước trên địa cầu.
3. Nguyên thủ quốc gia là vị trí quan trọng nhất trong bộ máy nhà nước. Nguyên thủ quốc gia là thân hình chính trị lớn nhất của một nước. Nguyên thủ quốc gia là bộ mặt của nhà nước. Nhìn vào nguyên thủ quốc gia biết trạng thái đất nước.
Một nguyên thủ quốc gia yếu không thể đại diện cho một quốc gia mạnh.
Một quốc gia mạnh không thể có một nguyên thủ quốc gia yếu.
Nhìn vào nguyên thủ quốc gia, có thể tự hào.
Nhìn vào nguyên thủ quốc gia có thể xấu hổ.
Nhìn vào nguyên thủ quốc gia, có thể vui mừng.
Nhìn vào nguyên thủ quốc gia có thể lo lắng.
Nhìn vào nguyên thủ quốc gia, có thể hy vọng.
Nhìn vào nguyên thủ quốc gia có thể bi quan.
Đất nước cần một nguyên thủ quốc gia mạnh mẽ, thông tuệ, thực quyền để thực sự có ích cho đất nước. Một ước mơ mà ở các nước được hiện thực sau mỗi nhiệm kỳ 4-5 năm. Nhưng ở Việt Nam thì đến bao giờ?
Đã nhiều thập niên Việt Nam chưa có một CTN để lại ấn tượng. Rất cần phải cải cách thể thức lựa chọn nguyên thủ quốc gia.

Nguyen Ngoc Chu


ĐÔI ĐIỀU TRAO ĐỔI VỚI TS NGUYỄN NGỌC CHU

NGÔ THẾ BÍNH/ Blog 20-2-2023

Tổ quốc, Quê hương, Quốc gia đều là những từ Hán-Việt. Tổ quốc là vùng đất sinh sống có cội nguồn lâu đời của một số tộc người có chung đặc điểm về lịch sử, kinh tế, văn hoá, xã hội. Tổ quốc cũng là cách gọi yêu quý vùng đất có ông bà, cha mẹ, họ hàng và bản thân đã hay đang sinh sống.
Quê hương cũng có nghĩa tương tự nhưng vùng đất có phạm vi tương đối hẹp mang địa danh làng, xã, huyện v.v... GS Tuấn không nên gọi cả nước Úc là quê hương thứ hai vì nó quá rộng!
Quốc gia là vùng đất có đường biên rõ ràng, có tên gọi và hiến pháp độc lập. Do hiện tượng xâm lược, sáp nhập, ly khai... một quốc gia có thể mở rộng, thu hẹp, tiêu vong, lập mới...cùng với những thay đổi hiến pháp, thể chế và người cầm quyền. Tuy nhiên đối với con người thì Tổ quốc, Quê hương vẫn không thay đổi. Đồng ý với GS Tuấn: không thể đồng nhất Tổ quốc với Thể chế.
Đồng ý với TS Chu: nước ta chưa có nguyên thủ quốc gia đúng nghĩa. Nhưng nguyên thủ quốc gia như phân tích của GS Nguyễn Văn Tuấn cũng là phạm trù thể chế, mà Thể chế lại khác với Tổ quốc. Những cảm xúc Tự hào, Xấu hổ, Vui mừng, Lo lắng, Hy vọng, Bi quan ... có thể có vì nguyên thủ quốc gia cũng chỉ là nhất thời và càng không to lớn như vì Tổ quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét