Thứ Hai, 27 tháng 2, 2023

20230228. BÀN VỀ TIÊU CHÍ XẾP HẠNG ĐẠI HỌC VNUR

    ĐIỂM BÁO MẠNG


GS NGUYỄN VĂN TUẤN: 'CHẲNG CÓ BẢNG XẾP HẠNH ĐẠI HỌC NÀO 

ĐÁNG TIN CẬY'

LÊ HUYỀN/ VNN 23-2-2023

Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Công nghệ y tế thuộc ĐH Kỹ thuật Sydney (Úc), việc các trường đại học nổi tiếng, chất lượng đào tạo được xã hội thừa nhận nhưng có thứ hạng tương đối thấp là thường tình.

GS Nguyễn Văn Tuấn cho hay, trào lưu xếp hạng đại học trên thế giới chỉ mới xuất hiện khoảng chừng 25 năm trước đây. Bắt đầu từ bảng xếp hạng AsiaWeek, Đại học Giao thông Thượng Hải (1999), rồi đến phụ trang giáo dục đại học của tạp chí Times, QS World University Ranking. Ở Việt Nam, 5 năm trước đã có nỗ lực xếp hạng đại học và công bố bảng xếp hạng, tuy nhiên ngay cả không có bảng xếp hạng thì công chúng cũng đã hình thành một bảng xếp hạng. 
 
Việt Nam cần thiết có bảng xếp hạng đại học
 
Trên thế giới vẫn có nhiều người nghi ngờ các bảng xếp hạng đại học. Xin hỏi ông là có cần bảng xếp hạng đại học Việt Nam không?
 
GS Nguyễn Văn Tuấn: Câu trả lời có lẽ sẽ gây ra tranh cãi. Tôi biết sẽ có người cho là không cần thiết các bảng xếp hạng vì các trường đại học Việt Nam vẫn còn ‘non trẻ’ và khoa học chưa đủ bề dày để tính toán. Tôi ghi nhận những nhận định đó. Nhưng cá nhân tôi vẫn nghĩ là cần thiết phải có xếp hạng đại học. Có nhiều lí do để các bảng xếp hạng đại học tồn tại, nhưng tôi nghĩ đến 3 lí do chính sau đây:
 
Thứ nhất là thị trường và nhu cầu của 'khách hàng'. Việt Nam đã có hơn 150 trường đại học và rất nhiều chương trình đào tạo. Do đó, học sinh sau khi tốt nghiệp trung học đứng trước những lựa chọn và bảng xếp hạng đại học sẽ giúp cho họ và phụ huynh đi đến một quyết định.
 
Thứ hai, là động lực để cải cách. Có những trường đại học lâu đời và quy mô lớn, được công chúng đánh giá cao, nhưng khi đưa vào tính toán và phân tích khách quan thì lại không được xếp hạng cao. Ở Úc đã xảy ra vài trường hợp như thế, mà theo đó các trường 'trẻ' có hạng cao hơn các đại học có tuổi hơn 120 năm. Kết quả xếp hạng như thế làm cho đại học tụt hạng ngạc nhiên và tìm cách cải tiến cho tốt hơn. 


"Ngay cả khi không có bảng xếp hạng đại học thì công chúng cũng đã hình thành một bảng xếp hạng"- GS Nguyễn Văn Tuấn

Thứ ba, là tạo ra sự cạnh tranh dẫn đến chất lượng đào tạo và nghiên cứu tốt hơn. Kết quả xếp hạng là một cách để các đại học tự nhìn lại mình, đối chiếu và so sánh, tìm ra những khía cạnh chưa tốt để cải tiến cho tốt hơn. Do đó, tôi nghĩ bảng xếp hạng đại học có giá trị kích thích sự cạnh tranh, kết quả là sinh viên và xã hội sẽ được hưởng lợi. 

Trước đây, bảng xếp hạng đại học do nhóm ĐH Giao thông Thượng Hải (còn gọi là ARWU) thực hiện là để nhằm "đánh thức" và nâng cao năng lực nghiên cứu của các trường đại học Trung Quốc, còn bảng xếp hạng QS thì mang tính thương mại và nhắm đến sinh viên chọn trường. Bảng xếp hạng này của Việt Nam thì chưa rõ mục tiêu, nhưng nhóm muốn đặt ra những tiêu chuẩn phù hợp với tình hình ở Việt Nam.
 
Vậy theo ông bảng xếp hạng đại học nên dựa vào những tiêu chí nào?  
 
GS Nguyễn Văn Tuấn: Theo tôi, câu trả lời liên quan đến sứ mệnh của một đại học, bao gồm kiến tạo ra tri thức mới, đào tạo và phụng sự cộng đồng. Từ cách nhìn đó tôi nghĩ có 3 nhóm tiêu chí xếp hạng: nghiên cứu khoa học, giảng dạy và cơ sở vật chất. 
 
Tuy nhiên, nói như thế là đơn giản, vấn đề khó khăn hơn là đề ra những tiêu chuẩn cụ thể và càng khó hơn là tìm trọng số cho mỗi tiêu chuẩn cụ thể. Ví dụ như nếu chúng ta lấy số bài báo khoa học được công bố làm 1 tiêu chuẩn (trong bộ tiêu chuẩn), thì câu hỏi đặt ra là trọng số cho tiêu chuẩn đó là bao nhiêu. Sẽ khó có trọng số hợp lí nếu chưa có những nghiên cứu khoa học nghiêm túc. 
 
Tôi nghĩ đó là một lí do mà tất cả các bảng xếp hạng đại học trên thế giới đều bị phê bình: cơ sở khoa học cho trọng số. Ví dụ như bảng xếp hạng ARWU bị phê bình là tuỳ tiện và chẳng dựa vào phương pháp thống kê và nhóm xếp hạng cũng chấp nhận phê bình này.
 
Trường nổi tiếng nhưng hạng thấp là thường tình
 
Theo ông những trường nổi tiếng, chất lượng đào tạo được xã hội thừa nhận nhưng có hạng tương đối thấp, kết quả này có hợp lí không?
 
GS Nguyễn Văn Tuấn: Vấn đề 'xã hội' là ai? Tôi thấy nếu bảng xếp hạng đại học được thực hiện bài bản và có phương pháp có thể chấp nhận được. Còn kết quả thì có thể làm cho nhiều người ngạc nhiên, nhưng đối với tôi thì không ngạc nhiên. Tôi đã theo dõi và phân tích các ấn phẩm nghiên cứu khoa học từ các trường đại học Việt Nam, và kết quả của chúng tôi cũng rất nhất quán với bảng xếp hạng đại học. Những đại học lâu đời, qui mô lớn, và được nhà nước ưu đãi đầu tư lại là những đại học có năng suất khoa học kém hơn các đại học mới. 
 
 Ông có thể cho biết ở nước ngoài, việc xếp hạng được tiến hành như thế nào và tiêu chí ra sao? Các số liệu được thu thập thế nào hay dựa vào số liệu do chính các trường đưa ra và như thế có đáng tin cậy?
 
GS Nguyễn Văn Tuấn: Có nhiều bảng xếp hạng đại học trên thế giới, trong số này nổi tiếng nhất là ARWU, QS và THE – Times Higher Education. Nhóm AWRU dựa vào 4 tiêu chí chính là số cựu sinh viên tốt nghiệp đoạt giải Nobel và Fields, số giáo sư đoạt giải Nobel và Fields, số nhà khoa học được trích dẫn nhiều lần, số bài báo khoa học trên hai tập san Nature và Science, số bài báo khoa học trên tập san trong danh bạ SCIE, SSCI, và thành tựu của giáo sư và đội ngũ giáo sư. 
 
Ngược lại, thay vì tập trung vào các tiêu chí nghiên cứu khoa học của ARWU, nhóm QS dựa vào sự đánh giá của giới khoa bảng từ các trường khác, số sinh viên tốt nghiệp làm việc trong các công ty toàn cầu, phần trăm giáo sư là người nước ngoài, phần trăm sinh viên là người nước ngoài, tỉ số sinh viên/giáo sư, và số lần trích dẫn tính trên đầu người giáo sư. 
 
Phần lớn giới làm khoa học đều biết rằng những tiêu chí như số lần trích dẫn cao và số công trình 2 tập san danh tiếng Science và Nature là thước đo quan trọng của nghiên cứu khoa học. Giả dụ rằng chúng ta cho trọng số 30% cho những giáo sư có trích dẫn cao và bài báo trên 2 tập san danh tiếng Science và Nature, và trọng số 10% cho các tiêu chí còn lại, thì tổng số điểm của đại học A sẽ là 81.73 và đại học B là 65.56. Theo cách đánh giá này thì đại học A có chất lượng cao hơn đại học B. Ví dụ đơn giản trên cho chúng ta thấy một vấn đề nổi cộm, đó là vấn đề phương pháp xác định trọng số. Câu hỏi then chốt cần đặt ra là làm thế nào để xác định được trọng số cho mỗi tiêu chí?


Sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM (Ảnh: Thanh Tùng)

Chẳng có bảng xếp hạng đại học nào là đáng tin cậy cả. Mối tương quan giữa xếp hạng của các bảng xếp hạng đại học rất thấp, thấp đến độ chẳng có ý nghĩa gì đáng kể. Một số trường trong danh sách Top 50 của ARWU thậm chí có năm không nằm trong danh sách Top 500 của THE. Tính tổng cộng, chỉ có 133 trường nằm trong cả hai danh sách. Phân tích này một lần nữa cho thấy cách xếp hạng của cả hai nhóm không đáng tin cậy. 
 
Chính vì tính phi khoa học này nên trong thực tế đã xảy ra chuyện khôi hài như: Năm 2004, ĐH Malaya (một đại học lâu đời nhất của Mã Lai) được THE xếp hạng 89. Trước “tin vui” này, hiệu trưởng trường ra chỉ thị treo biển to tướng ở cổng trường với hàng chữ “University of Malaya a world’s top 100 university”. Nhưng chỉ một năm sau, khi THE xếp hạng lại thì ĐH Malaya tụt xuống hạng 169, dù trong thời gian ngắn đó đại học này chẳng có thay đổi gì về nghiên cứu khoa học hay nhân sự. Hệ quả là sau đó vị hiệu trưởng này mất chức. 
 
Ba yêu cầu cho một bảng xếp hạng đại học
 
Xếp hạng ĐH là một trong những thước đo về chất lượng của trường ĐH đó. Làm thế nào để có thước đo chính xác về phân tầng cũng như xếp hạng ĐH thưa ông?
 
GS Nguyễn Văn Tuấn: Sẽ không bao giờ có thước đo nào chính xác về chất lượng. Ngay cả khái niệm "chất lượng" trong giáo dục đại học đã khó có thể đi đến một sự đồng thuận. Theo tôi, một cách làm tốt hơn trong việc xếp hạng đại học là thu thập dữ liệu theo thời gian thì mới phản ảnh chính xác hơn cách thu thập dữ liệu chỉ một năm.  
 
Vậy theo ông một bảng xếp hạng đại học phải đáp ứng những điều kiện gì để công chúng có thể tin vào và giới giảng viên chấp nhận? 
 
GS Nguyễn Văn Tuấn: Tôi không dám nói là mình phản ảnh tiếng nói của giới giảng viên đại học nhưng tôi có quan điểm riêng. Quan điểm của tôi là một bảng xếp hạng đại học hợp lí phải đáp ứng 3 yêu cầu: khoa học, phương pháp và phương pháp luận, minh bạch. 
 
Về khoa học, bất cứ bảng xếp hạng nào cũng phải mang tính khoa học, hiểu theo nghĩa phải có nghiên cứu và nghiên cứu phải được công bố. Nghiên cứu khoa học giúp quyết định tiêu chuẩn nào quan trọng và cần thiết, để xác định trọng số, vì nếu không có nghiên cứu thì trọng số sẽ rất tuỳ tiện và không thuyết phục được ai. 
 
Về phương pháp và phương pháp luận, bảng xếp hạng đại học phải dựa trên cơ sở của một phương pháp phân tích thích hợp và phương pháp luận phải được xây dựng trên một cơ sở triết lí vững vàng. Những bảng xếp hạng như QS theo tôi là kém thuyết phục vì phương pháp luận không được đánh giá cao. 
 
Về minh bạch, bất cứ bảng xếp hạng nào nên công bố tất cả số liệu cho mỗi đại học và cách mà họ xử lí số liệu. Trong thế giới khoa học mở ngày nay, minh bạch là điều kiện rất quan trọng. Các bảng xếp hạng về chỉ số hạnh phúc và xếp hạng đại học, người ta đều công bố số liệu cụ thể để độc giả có thể đánh giá và các chuyên gia có thể phân tích. 
TIN LIÊN QUAN:

TIÊU CHÍ BẢNG XẾP HẠNG VNUR DÙNG CHƯA ĐẠI DIỆN CHO CHẤT LƯỢNG DẠY HỌC Ở ĐẠI HỌC
BẮC SƠN/GDVN 25-2-2023

GDVN-Theo Phó giáo sư Lê Văn Hảo, đối với người học và phụ huynh, thông tin đơn thuần về kết quả xếp hạng trường đại học hiện chưa phải là một nhu cầu lớn.

Mới đây, một bảng xếp hạng các trường đại học trong nước “made in Vietnam” - VNUR (Vietnam’s University Rankings) chính thức được công bố. Các tiêu chí, tiêu chuẩn nhanh chóng trở thành chủ đề bàn tán trong giới học thuật.

Chia sẻ góc nhìn cá nhân về bảng xếp hạng này, Phó giáo sư - Tiến sĩ Lê Văn Hảo, một chuyên gia kiểm định chất lượng giáo dục đánh giá cao tinh thần làm việc và sản phẩm đầu tay của nhóm nghiên cứu.

Tiêu chí bảng xếp hạng VNUR dùng chưa đại diện cho chất lượng dạy học ở đại học ảnh 1

Phó giáo sư Lê Văn Hảo đánh giá cao những nỗ lực của nhóm nghiên cứu, tuy nhiên, theo ông bảng xếp hạng này vẫn còn một số điểm hạn chế cần xem xét và điều chỉnh lại. Ảnh: NVCC

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Lê Văn Hảo cho biết:

“Công trình này là sản phẩm của nhóm nghiên cứu gồm những nhà giáo tâm huyết, có chuyên môn sâu thực hiện với mục đích phi lợi nhuận, do vậy đây là một sản phẩm rất đáng được ghi nhận và trân trọng”.

Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn chia sẻ, góp ý với nhóm nghiên cứu về một số điểm còn chưa phù hợp đối với bảng xếp hạng mới này.

Theo mô tả của nhóm nghiên cứu, bảng xếp hạng hướng tới phục vụ nhóm đối tượng chính yếu là các em học sinh phổ thông và phụ huynh nhằm cung cấp những thông tin đáng tin cậy để lựa chọn trường đại học thích hợp. Phó giáo sư Hảo cho rằng, việc xây dựng một bảng xếp hạng đại học nhằm mục đích như trên là cần thiết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy phần lớn các bảng xếp hạng trường đại học không có đóng góp lớn đến quyết định chọn trường của nhóm đối tượng này nếu chưa cung cấp đủ các thông tin cần thiết.

“Nhiều kết quả khảo sát trên thế giới cho thấy, khi lựa chọn một trường đại học để theo học, nếu so với các bảng xếp hạng trường, người học quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố khác như: sự có mặt của ngành học yêu thích, vị trí địa lý của trường, yêu cầu về đầu vào, học phí, cơ hội việc làm sau tốt nghiệp, ... Do vậy, đối với người học và phụ huynh, thông tin đơn thuần về kết quả xếp hạng trường đại học hiện chưa phải là một nhu cầu lớn”, ông Hảo nói.

Để thực hiện bảng xếp hạng này, nhóm nghiên cứu đã độc lập thu thập dữ liệu từ các nguồn thông tin đang được công khai như đề án tuyển sinh, báo cáo ba công khai của các trường, dữ liệu quản lý của các Bộ chủ quản và cơ sở dữ liệu khoa học WoS (Web of Science).

Các thông tin mà nhóm nghiên cứu sử dụng về lý thuyết đảm bảo được tính khách quan và độc lập. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, các thông tin này vẫn còn có sự hạn chế nhất định về tính tin cậy, đặc biệt là báo cáo ba công khai của các cơ sở giáo dục.

Theo đó, từ kinh nghiệm thực tế đi kiểm định chất lượng tại các trường đại học, Phó giáo sư Hảo cho biết tính tin cậy của các báo cáo này cũng có chừng mực. Có trường khai thông tin trung thực, tuy nhiên cũng có nhiều nơi cung cấp thông tin tại báo cáo chưa hoàn toàn chính xác với thực tiễn. Như vậy, khi dựa vào một số nguồn thông tin chưa được kiểm chứng để chấm điểm và xếp hạng thì rõ ràng kết quả sẽ nảy sinh nhiều vấn đề. Điều này cũng đã được một số chuyên gia chỉ ra sau khi bảng xếp hạng VNUR được công bố.

Bàn về các tiêu chuẩn, tiêu chí của bảng xếp hạng VNUR, Phó giáo sư Hảo đã chỉ ra một số điểm theo ông là cần được xem xét và điều chỉnh.

Tiêu chí bảng xếp hạng VNUR dùng chưa đại diện cho chất lượng dạy học ở đại học ảnh 3

Bảng tóm tắt 6 tiêu chuẩn và 17 tiêu chí của VNUR

Cụ thể, thứ nhất, về tiêu chuẩn đầu tiên được nhóm nghiên cứu xem xét đánh giá là “Chất lượng được công nhận” - chiếm trọng số 30% trên tổng các tiêu chí, trong đó có 4/6 tiêu chí liên quan đến hoạt động kiểm định chất lượng. Nhóm nghiên cứu xếp kiểm định cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo theo các bộ tiêu chuẩn khu vực và quốc tế với tổng trọng số là 12%, trong khi kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước có tổng trọng số là 8%;

Theo Phó giáo sư Hảo, nhóm nghiên cứu đang đề cao kiểm định nước ngoài so với kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay chưa có nghiên cứu chính thức nào làm cơ sở để khẳng định rằng một trường hay chương trình được kiểm định theo nước ngoài có hiệu quả, chất lượng hơn so với kiểm định trong nước. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay nên lấy trọng số như nhau đối với hai dạng kiểm định chất lượng này.

Thứ hai, về tiêu chuẩn “Dạy học” (có trọng số 25%), nhóm nghiên cứu sử dụng hai tiêu chí: Tỉ lệ số lượng sinh viên trên một giảng viên (13%) và tỉ lệ số lượng giảng viên có học vị tiến sĩ trên tổng số giảng viên (12%).

Chuyên gia kiểm định Lê Văn Hảo cho rằng, hai tiêu chí này chưa phải là những yếu tố có thể đại diện cho chất lượng dạy học ở đại học. Theo đó, không hẳn trường nào đáp ứng được hai tiêu chí này là đã dạy học tốt vì chất lượng dạy học còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố quan trọng khác như cách thức tổ chức và các phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, môi trường sư phạm, phương tiện dạy học, cơ sở vật chất thực hành – thực tập, hoạt động hỗ trợ người học, ...

Cuối cùng, theo Phó giáo sư Hảo, cách làm “xếp hạng” các cơ sở giáo dục đại học dễ gây ra vấn đề. Theo đó, việc xếp thứ hạng cao - thấp sẽ nảy sinh nhiều ý kiến trái chiều bởi thứ hạng chưa phản ánh đúng chất lượng được đối sánh theo một bộ tiêu chuẩn đánh giá được lựa chọn.

Theo đó, Phó giáo sư Hảo đề xuất, thay vì xếp hạng, hoặc song song với xếp hạng thì nhóm nghiên cứu nên làm thêm định hạng (rating), chẳng hạn xếp theo số sao (star) như nhiều tổ chức xếp hạng đang làm. Điều này cũng tựa như khi một khách du lịch muốn chọn khách sạn để lưu trú, họ không quan tâm đến thứ hạng cao – thấp mà chỉ là cấp sao của khách sạn đó. Cách làm này cũng góp phần thúc đẩy sự hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học để cùng nâng cao chất lượng thay vì cạnh tranh thứ hạng.

Chia sẻ thêm, Phó giáo sư Hảo cho rằng, một tổ chức xếp hạng muốn tồn tại lâu dài cần tới cả nguồn lực về tài chính lẫn con người. Theo đó, việc công khai nguồn lực hỗ trợ tài chính cho nhóm nghiên cứu (hay tổ chức xếp hạng) cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp xây dựng lòng tin từ xã hội. Bên cạnh đó, để tăng sức thuyết phục đối với xã hội, bộ tiêu chuẩn dùng để xếp hạng và cách thức thu thập thông tin cần được đánh giá bởi một hội đồng khoa học mở rộng và có chuyên môn sâu trong lĩnh vực này.

Bảng xếp hạng VNUR mới công bố chỉ là sản phẩm đầu tiên của nhóm nghiên cứu, tuy nhiên, ông Hảo cũng nhấn mạnh, bản thân nhóm nghiên cứu cần sớm nhận diện các điểm hạn chế của bảng xếp hạng hiện tại để có những điều chỉnh về tiêu chí, tiêu chuẩn và cách thu thập thông tin cho phù hợp hơn. Đồng thời, có thêm những lưu ý, khuyến nghị thích hợp đối với các đối tượng quan tâm về những giá trị thông tin mà bảng xếp hạng cung cấp.

Phó giáo sư - Tiến sĩ Lê Văn Hảo lấy bằng Master về giáo dục học tại Trường Đại học Simon Fraser, Canada vào năm 1996, bằng PhD về giáo dục học tại Trường Đại học Melbourne, Úc vào năm 2001. Chuyên môn của ông bao gồm các lĩnh vực: phát triển chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và đánh giá, bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục, và quản trị chiến lược trong giáo dục. Ông là một trong số các kiểm định viên chất lượng giáo dục đại học đầu tiên của Việt Nam. Hiện tại, Phó giáo sư Hảo là Trưởng Bộ phận Học thuật xuất sắc của Trường Đại học Quốc tế Miền Đông.

Bắc Sơn

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét