Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2023

20230212. TRAO ĐỔI: CHUYỆN 'TRƯỜNG ĐẠI HỌC' LÊN 'ĐẠI HỌC'

ĐIỂM BÁO MẠNG

ĐỪNG NÓNG VỘI ĐỔI TRƯỜNG ĐẠI HỌC LÊN ĐẠI HỌC: CHIẾC ÁO KHÔNG LÀM NÊN THÀY TU

ANH TRANG th/GDVN 11-2-2023

GDVN-Ủng hộ việc trường ĐH lớn định hướng lên đại học nhưng các chuyên gia nhấn mạnh trước đó các trường nên tập trung vào chất lượng đào tạo, nâng cao uy tín

Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018. Một trong những điểm nổi bật của Nghị định này là các hướng dẫn cụ thể nhằm sắp xếp lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học, với các quy định về phát triển và liên kết “trường đại học” thành “đại học”.

Các trường đại học không nên "nóng vội" trong việc thay đổi danh xưng

Bàn về vấn đề chuyển đổi “trường đại học” thành “đại học”, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Đức Cảnh - chuyên gia giáo dục Hoa Kỳ cho rằng, điều xã hội mong chờ không phải là sự thay đổi danh xưng mà mục tiêu chính là sự hình thành một mô hình giáo dục ưu việt, nội dung chương trình giảng dạy, nghiên cứu được cập nhật và chất lượng đào tạo được nâng cao, mang lại hiệu quả cho người học và đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho xã hội.

Về cơ bản, “đại học” hay “trường đại học” đều là cơ sở giáo dục đại học, có cùng một mục tiêu, nhiệm vụ và chức năng, sự khác biệt ở đây là mô hình tổ chức và quy mô đào tạo.

Cụ thể, mô hình đại học (university) thường được thiết kế cho những cơ sở giáo dục đại học có quy mô tương đối lớn, đào tạo đa lĩnh vực và nhấn mạnh nghiên cứu.

Đừng nóng vội đổi trường ĐH lên đại học: “Chiếc áo không làm nên thầy tu” ảnh 1

Ông Trần Đức Cảnh, Chuyên gia giáo dục Hoa Kỳ. Ảnh: Phạm Minh

Mới đây, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chuyển thành Đại học Bách khoa Hà Nội là hướng đi đúng vì đây là trường lớn, chất lượng giáo dục đã được khẳng định nên chuyển đổi sẽ giúp trường trong việc quản lý điều hành, nâng cao vị thế của trường.

"Việc nâng thành mô hình đại học đối với một số trường đại học lớn là xu hướng tốt. Tuy nhiên, phát triển một đại học cần phải có thời gian cùng với mục tiêu và kế hoạch thực hiện rõ ràng.

Mặc dù với thời đại công nghệ phát triển như hiện nay giúp cho thời gian trưởng thành của một đại học được rút ngắn hơn, tuy nhiên, nhìn nhận từ thực tế, các đại học uy tín nước ngoài thường mất ít nhất 50 năm tuổi mới khẳng định được thương hiệu của mình.

Do vậy, các trường đại học ở Việt Nam không nên nóng vội trong việc thay đổi danh xưng, mà nên tập trung vào chất lượng đào tạo, nâng cao uy tín... Các thay đổi giáo dục mang tính cơ học, theo phong trào và giai đoạn sẽ không mang lại giá trị lâu dài”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Cũng theo ông Trần Đức Cảnh, hiện nay, tại nước ta đang xảy ra tình trạng "lộn xộn" trong danh xưng đại học, trường đại học.

Điều này có lẽ bắt nguồn từ thuật ngữ trong tiếng Anh là "university" và "college". Hai từ này đối với các trường sử dụng tiếng Anh đều là đại học, nên ta mới phân biệt bằng cách dịch ra đại học và trường đại học.

Chuyên gia lưu ý, không ít người cho rằng “college” là nhỏ, thấp và không ít trường hợp ở Việt Nam dịch thành “cao đẳng”. Thực ra, nghĩa từ "college" rất rộng và đa dạng, có thể dùng cho trường đại học với bậc đào tạo 2 năm đến những trường nghiên cứu hàng đầu của Mỹ như Dartmouth College, Boston College...

Tiêu chí nhận sinh viên của các trường gắn với danh xưng "college" như Williams, Amherst, Bowdoin .. cũng không kém các đại học top đầu thế giới như Harvard hay Yale.

Các trường thành viên trong hai đại quốc gia và ba đại học vùng ở nước ta hiện nay dùng trường đại học (nằm trong đại học) giống như "university" nằm trong "university". Chính vì vậy, người nước ngoài chắc chắn sẽ khó hiểu được mô hình này của Việt Nam.

Đặc biệt, ông Trần Đức Cảnh khẳng định “chiếc áo không làm nên thầy tu”, danh xưng của đại học cũng vậy, do đó các trường nên tập trung vào thực chất.

Chuyển đổi mô hình cần xem xét đem lại lợi ích gì cho người học

Còn theo Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT, mô hình quản trị đại học phù hợp cho mỗi trường còn phụ thuộc vào quy định của Nhà nước và điều kiện, định hướng phát triển của từng cơ sở.

Việc thay đổi mô hình đào tạo sẽ là đúng đắn nếu đem lại lợi ích cho người học. Mặt khác, nếu việc chuyển mô hình chưa đem lại lợi ích cho người học thì các trường có thể dùng nguồn lực đó để củng cố, đầu tư nâng cao chất lượng.

“Để nâng cao chất lượng của trường đại học cần những nguồn lực rất lớn. Trường đại học mỗi năm chỉ tuyển sinh một lần, trong khi đó, nếu có trục trặc phát sinh như xây dựng cơ sở vật chất không đúng thời hạn hay tuyển sinh không được như mong muốn… thì sẽ phải mất thời gian thêm một năm nữa mới có thể điều chỉnh được", Tiến sĩ Lê Trường Tùng nói.

Đừng nóng vội đổi trường ĐH lên đại học: “Chiếc áo không làm nên thầy tu” ảnh 2

Ảnh minh họa: Ngọc Ánh

Hiện nhiều trường muốn chuyển đổi thành đại học và cho rằng như vậy là vị thế lớn hơn, nhưng cái tên không quyết định việc lớn hay nhỏ. Khi nhiều đại học ra đời thì danh xưng "đại học" cũng không nhiều giá trị. Do vậy cần có quy định siết chặt việc chuyển đổi từ "trường đại học" thành "đại học", chỉ đơn vị nào đủ thực lực, chất lượng thực sự, đáp ứng các tiêu chí quy định mới được trình hồ sơ về việc chuyển đổi.

Quan trọng, khi các trường đã đáp ứng được các tiêu chí về luật, quy định để chuyển thành mô hình đại học thì Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung xem xét trường lý giải việc thay đổi sẽ đem lại lợi ích gì cho người học, không lý giải được thì cần kiên quyết không đồng ý việc chuyển đổi.

“Đặc biệt lưu ý, tất cả các yếu tố cần tập trung vào người học. Thực hiện chuyển đổi số, xếp hạng đại học, chuyển đổi mô hình từ trường đại học thành đại học,...cần phải xem xét có đem lại lợi ích cho người học hay không?”, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT nhấn mạnh.

Tại Điều 4 Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định điều kiện để chuyển trường đại học thành đại học như sau:

a) Trường đại học đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp;

b) Có ít nhất 03 trường thuộc trường đại học được thành lập theo quy định tại khoản 4 Điều này; có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người;

c) Có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường đại học công lập; có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Tại Điều 5 Nghị định này cũng có nêu rõ điều kiện để các trường đại học liên kết thành đại học như sau:

a) Có ít nhất 3 trường đại học cùng loại hình công lập hoặc cùng loại hình tư thục liên kết thành đại học hoặc có ít nhất 3 trường đại học là trường đại học tư thục và trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận liên kết thành đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận;

b) Có dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của đại học do các trường đại học liên kết với nhau xây dựng, trong đó xác định mục tiêu, sứ mạng chung; các quy định về tổ chức, tài chính, tài sản; các nội dung khác (nếu có);

c) Có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp trường đại học công lập hoặc có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp tại mỗi trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Anh Trang
'ĐẠI HỌC' HAY 'TRƯỜNG ĐẠI HỌC': VẤN ĐỀ NẰM Ở NĂNG LỰC QUẢN TRỊ, MỨC ĐỘ TỰ CH
VÕ VĂN MINH/ GDVN 9-2-2023

Thứ nhất, “Đại học” và “trường đại học” là hai thuật ngữ đã từng được bàn luận cách đây trên 20 năm, kể từ khi ra đời các khái niệm “đại học quốc gia” và “đại học vùng”. Và sau đó đến năm 2009, những thuật ngữ trên mới chính thức được đưa vào Luật Giáo dục sửa đổi.

Cách đây hơn 10 năm, một lần nữa câu chuyện đại học và trường đại học tiếp tục được bàn luận khi xây dựng Luật Giáo dục đại học. Mô hình đại học quốc gia và đại học vùng với các trường đại học thành viên trực thuộc đã được quy định bởi Luật Giáo dục đại học (năm 2012).

"Đại học" hay "trường đại học": Vấn đề nằm ở năng lực quản trị, mức độ tự chủ ảnh 1

Ảnh minh họa: nguồn: HUST

Năm 2018, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học tiếp tục khẳng định về những mô hình trong đào tạo đại học này; và sau đó Nghị định số 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, trong đó, có nội dung hướng dẫn về việc để một trường đại học chuyển đổi thành đại học.

Năm 2022, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chính thức “lên” Đại học Bách khoa Hà Nội. Sự kiện này thu hút sự quan tâm của cả xã hội và một lần nữa gây ra những tranh luận về những điểm khác nhau giữa trường đại học và đại học.

Thứ hai, tranh luận là cần thiết và cũng không thể khác. Bởi lẽ, qua tranh luận nhiều thứ mới vỡ lẽ. Những tưởng khái niệm “đại học” và “trường đại học” sau trên 20 năm bàn luận đã được thông suốt, thế nhưng thực tế thì ngay cả nhiều người trong các trường đại học vẫn còn mơ hồ.

Mặt khác, trong quá trình phát triển của giáo dục đại học Việt Nam đã từng có trường đại học ra đời được mấy năm rồi giải tán; nhiều trường cao đẳng “lên” đại học rồi gặp khó khăn; một số trường cao đẳng (có đào tạo sư phạm) từng đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước, chưa phát triển lên thành đại học, nhưng giờ, hướng phát triển cũng chưa biết sẽ như thế nào… Cho nên, các bên có liên quan có trách nhiệm luôn đặt ra câu hỏi là điều dễ hiểu!

Khi một vấn đề còn nhiều cách hiểu khác nhau thì chắc chắn sẽ còn nhiều điểm khó. Sẽ là rất tích cực nếu tranh luận với tinh thần xây dựng. Đồng thời sẽ quan trọng hơn nếu làm tốt công tác truyền thông. Rất cần giải thích, thuyết phục để tất cả cùng hiểu, cùng thực hiện, cùng xây dựng vì một nền giáo dục đại học hiện đại, bền vững.

Thứ ba, cho đến nay, các trường đại học ở Việt Nam có lịch sử hình thành và phát triển rất khác nhau, có trường trên trăm năm tuổi, có trường chỉ mới có vài năm. Một số trường đại học hiện gọi là lớn mạnh, nhưng so với thế giới thì chưa thể so sánh, nhất là ở khía cạnh bền vững.

Chúng ta cũng đã chứng kiến có trường đang phát triển vượt bậc trong một thời gian ngắn nhưng bỗng chững lại. Có trường, có ngành từng rất có tiếng, nay tuyển sinh rất khó và chưa thể biết tương lai sẽ ra sao. Sứ mệnh và tầm nhìn của một số trường thay đổi theo lãnh đạo… Từ thực tế như vậy, kiến thiết một nền giáo dục đại học Việt Nam rất cần nhiều hơn sự quan tâm của toàn xã hội và cả hệ thống chính trị.

Thứ tư, chúng ta từng chứng kiến, có giai đoạn các trường đa ngành tách ra thành các trường với nhóm ngành hẹp cho dễ phát triển chuyên sâu; có khoa lớn tách ra thành những khoa nhỏ; có ngành rộng tách ra thành các chuyên ngành hẹp… Rồi có lúc, lại có nơi “tái cấu trúc” theo cách gộp lại…

Xu hướng phát triển giáo dục đại học nhìn chung là đa ngành; các ngành đào tạo có xu thế phát triển theo hướng “liên ngành”, “xuyên ngành”... Chính vì vậy, nhiều trường đại học đã có kế hoạch phát triển lên đại học, cũng là sự lựa chọn hợp lí cho chiến lược phát triển bền vững, chứ không phải là vì danh hay để hưởng các quyền lợi gì khác. Luật cho phép, phù hợp với xu hướng, đồng thời các trường có nguồn lực, có năng lực quản trị tốt thì đổi mới để phát triển là rất cần thiết.

Thứ năm, tuy nhiên có một thực tế là các khái niệm "đại học", "trường đại học", "trường trực thuộc", "trường thuộc đại học", "trường thuộc trường"… ngay cả tiếng Việt cũng đã khó hiểu cho nhiều người, việc dịch sang tiếng Anh càng gây ra tranh cãi.

Cần phải rà soát, quy định cụ thể hơn để có sự thống nhất trong cách gọi cũng như hoạch định chính sách phát triển hợp lí.

Thứ sáu, xu hướng phát triển chung là hướng đến hội nhập quốc tế. Do vậy, giáo dục đại học cũng cần chủ động hoà nhập vào “sân chơi” chung của giáo dục đại học quốc tế từ cách gọi, quản trị đại học và quản lí nhà nước về giáo dục đại học. Hiện nay, một số quy định về quản lí nhà nước tưởng chừng rất cụ thể như quy mô tuyển sinh, số ngành, hay tỉ lệ giảng viên/sinh viên, tỉ lệ diện tích, tỉ lệ học sau đại học… để phân tầng hay nâng bậc vẫn mang tính rào cản hơn là khuyến khích kiến tạo, đổi mới sáng tạo.

Nếu xu thế chung là đa dạng, vậy có nhất thiết phải rạch ròi một đại học/ trường đại học chỉ định hướng nghiên cứu hoặc chỉ định hướng ứng dụng hay không? Có nhất thiết phải có 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ, quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người [1]… thì mới được chuyển đổi thành đại học hay không?

Hoặc có thực sự phù hợp nếu để các trường đại học tự phát triển và nâng lên thành đại học?

Hoặc để các doanh nghiệp, các tập đoàn mạnh về tài chính, có nguyện vọng phát triển trường đại học là xem xét chấp thuận việc họ tham gia thành lập các trường đại học tư thục hay không?

Thứ bảy, vấn đề của chúng ta là cần phân định quản lí nhà nước về giáo dục đại học và quản trị của các cơ sở giáo dục đại học. Xét về mục tiêu của việc nâng trường đại học lên đại học thực chất không phải ở cách gọi hay phát triển về quy mô mà chính là ở nâng cao năng lực quản trị, mức độ tự chủ. Vậy, nếu không cần thay đổi cách gọi thì liệu có cơ chế nào khuyến khích để nâng cao năng lực quản trị và để các trường phát triển mạnh hơn, bền vững hơn không?

Xét về chiến lược phát triển nguồn nhân lực của đất nước, chúng ta cần có quy hoạch, sắp xếp hệ thống cơ sở giáo dục đại học, quy mô đào tạo, các lĩnh vực hình đào tạo… đảm bảo tính đại diện, tính bao phủ đối với không gian phát triển quốc gia, đồng thời trên cơ sở đó phân bổ hợp lí nguồn lực để phát triển bền vững và cân xứng.

Từng giai đoạn cần có những chính sách ưu tiên, khuyến khích đối với một số loại hình, nhóm ngành đào tạo cụ thể. Chẳng hạn như một số ngành cần phải thu học phí cao để đầu tư nâng cao chất lượng, nhưng cũng có những ngành phải miễn giảm học phí và thậm chí khuyến khích học bổng để thu hút người học, người giỏi... Cần sử dụng các chính sách của nhà nước để thúc đẩy phát triển giáo dục đại học đi kèm với các công cụ hành chính kiểm soát để quản lí nhà nước về giáo dục đại học.

Tốt nhất là khuyến khích bằng các chính sách thuế hợp lí đối với các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế đầu tư, chia sẻ nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư các phòng thí nghiệm, các giảng đường hiện đại tại các cơ sở giáo dục đại học…. Hạn chế để các doanh nghiệp đầu tư mở trường đại học nhưng mục tiêu chỉ “đào tạo nghề”. Điều đó không phải là cách tốt để phát triển chất lượng đại học mà có khi “làm hỏng” giáo dục đại học.

Thứ tám, đã là đại học hay trường đại học dù có khác nhau ở tên gọi thì sứ mệnh cũng phải đảm bảo: (1) sáng tạo tri thức, (2) truyền bá tri thức và (3) phục vụ cộng đồng, xã hội.

Các đại học quốc gia, đại học vùng, các trường đại học trọng điểm quốc gia cần phải được đầu tư đúng tầm để thực hiện các nhiệm vụ quốc gia, nhiệm vụ vùng. Xét cho cùng, nguồn lực lao động chất lượng cao sẽ quyết định đến chất lượng phát triển của đất nước. Nếu quy hoạch mạng lưới đại học hợp lí và các chính sách của nhà nước phù hợp sẽ thúc đẩy phát triển bền vững đất nước và ngược lại.

Chúng ta cần theo đúng xu thế phát triển của thời đại và hội nhập với “sân chơi” chung toàn cầu, tất nhiên giáo dục đại học cần phải đi trước, dẫn đường. Việc chuyển đổi mô hình quản trị đại học theo các quy định của pháp luật chưa hẳn sẽ phát triển và đạt được các mục tiêu mong đợi nếu như chưa thực sự quan tâm đến sự thông suốt về tư tưởng của các bên liên quan. Nếu chú tâm áp đặt bằng các quy định về hành chính, bằng các chế tài mà ít quan tâm đến phát triển năng lực quản trị, văn hoá tổ chức,… thì rất dễ “chạy đua” mang tính thời đoạn và sẽ rất khó bền vững lâu dài.

Giáo dục đại học Việt Nam rất cần phát triển bền vững để kiến tạo đất nước hùng cường và hạnh phúc!

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Nghi-dinh-99-2019-ND-CP-huong-dan-thi-hanh-Luat-Giao-duc-dai-hoc-sua-doi-432145.aspx

Võ Văn Minh
PHẢI CHĂNG CHUYỂN 'TRƯỜNG ĐẠI HỌC' LÊN 'ĐẠI HỌC' CHỈ ĐỂ TĂNG THÊM NGUỒN THU ?
KHÁNH AN th /GDVN 8-2-2023

Sau khi Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chuyển thành Đại học Bách khoa Hà Nội, một số trường đại học khác như Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Công nghiệp Hà nội, Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Y Hà Nội cũng đang có lộ trình để chuyển đổi thành đại học. [1]

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội) cho biết, việc đào tạo đa ngành đa lĩnh vực vốn là xu hướng chung của toàn cầu.

Phải chăng chuyển "trường đại học" lên "đại học" chỉ để tăng thêm nguồn thu? ảnh 1

Giáo sư Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. (Nguồn: VNU).

Theo Giáo sư, nếu trường đại học nào nhận thấy mình có đủ điều kiện để chuyển lên mô hình đại học như: đã và đang đào tạo đa lĩnh vực (khoa học tự nhiên, khoa học nhân văn, y dược,...); có quy mô số lượng sinh viên chính quy đáp ứng đủ theo quy định; mô hình đó mang lại thuận lợi hơn cho trường; giúp đào tạo người học được tốt hơn thì việc chuyển từ trường đại học lên đại học sẽ không gây ra vướng mắc gì cho hệ thống giáo dục đại học.

Hiện nay có trường đại học của Việt Nam đã và đang đào tạo gần như đa lĩnh vực, quy mô đào tạo lớn thì khi chuyển sang đại học sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn như: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Nhìn nhận từ thực tế có thể thấy, đa số các đại học trên thế giới đều đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực từ lâu rồi và việc đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực như vậy để phục vụ nền kinh tế thị trường nên hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

Mặt khác, theo Giáo sư Đào Trọng Thi, còn nhiều trường nước ta đang đào tạo theo đơn ngành hoặc một vài ngành thì việc chuyển đổi thành đại học không cần thiết, không mang lại thêm lợi ích gì cho cả trường lẫn người được đào tạo.

Và không phải trường đại học nào muốn cũng có thể chuyển thành đại học mà phải đảm bảo đủ bộ tiêu chí theo các quy định hiện hành.

Do đó, nếu trường đại học nào thấy phù hợp với mô hình đại học, có đủ tiêu chí để chuyển đổi và có thể đào tạo tốt hơn khi chuyển đổi thành đại học thì có thể xây dựng lộ trình.

Cũng theo Giáo sư Đào Trọng Thi, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về bản chất thực sự của trường đại học và đại học. Đại học không phải to hơn trường đại học.

Hơn nữa, mặc dù cũng đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, nhưng đại học khác với đại học quốc gia, đại học vùng. Bởi theo quy định, mô hình của đại học quốc gia, đại học vùng có cấp bậc về mặt hành chính, nhiệm vụ đào tạo chiến lược quốc gia, phát triển vùng khác so với đại học.

Giáo sư Đào Trọng Thi cũng cho rằng, việc các cơ sở giáo dục đại học đào tạo đa lĩnh vực cũng là để phù hợp với nền kinh tế chuyển đổi hiện nay của Việt Nam nhưng đây sẽ là một quá trình lâu dài và cần chuyển đổi theo nhu cầu đào tạo.

Cũng bàn về vấn đề trên, Tiến sĩ Phạm Quốc Luyến, nguyên Giám đốc điều hành Trường Đại học Tân Tạo (Long An) cho biết, từ khi có Nghị định 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ, nhiều trường đại học hiện nay đang "chạy đà" để chuyển đổi thành đại học, mong muốn mở rộng quy mô, nâng cao số lượng sinh viên nhằm nâng cao nguồn thu cho trường.

Phải chăng chuyển "trường đại học" lên "đại học" chỉ để tăng thêm nguồn thu? ảnh 3

Tiến sĩ Phạm Quốc Luyến, nguyên Giám đốc điều hành Trường Đại học Tân Tạo (Long An). (Ảnh: NVCC).

Theo Điều 4, Nghị định 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ về việc chuyển trường đại học thành đại học và thành lập trường thuộc cơ sở giáo dục đại học thì một trong các điều kiện là phải có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người.

“Việc thực hiện lộ trình chuyển đổi thành đại học của một số trường đại học chủ yếu để có tính chính danh trong việc tăng quy mô đào tạo hơn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo hệ chính quy cho các trường chính là để đảm bảo chất lượng đào tạo. Theo tôi, các trường đại học tăng quy mô lên quá lớn sẽ khó đảm bảo được chất lượng”, thầy Luyến nói.

Hiện nay nguồn thu chủ yếu của các trường đến từ học phí. Không giống như cơ sở giáo dục đại học trên thế giới có thể thu được thêm từ các dịch vụ tư vấn hay nghiên cứu khoa học... Vì vậy, có trường mong muốn tăng quy mô để tăng người học, giúp tăng thêm nguồn thu.

Cũng theo Tiến sĩ Phạm Quốc Luyến, vấn đề quan trọng trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam là mô hình quản trị đại học và đảm bảo chất lượng đào tạo chứ không phải danh xưng là đại học hay trường đại học.

“Theo tôi, việc phân ra đại học và trường đại học là không cần thiết, thậm chí tạo ra sự rối rắm trong thuật ngữ danh xưng. Trong khi đó, trước kia, chúng ta chỉ có trường đại học và trong trường đại học có các khoa đã rất dễ hiểu về mô hình rồi.

Nếu các trường cứ tiếp tục theo nhau trong xu hướng chuyển từ trường đại học thành đại học, sẽ không giải quyết được vấn đề căn cốt của chất lượng đào tạo bậc đại học mà chỉ thay đổi được danh xưng”, thầy Luyến bày tỏ quan điểm.

Điều 4 về giải thích từ ngữ của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (2018) nêu:

1Cơ sở giáo dục đại học là cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, thực hiện chức năng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, hoạt động khoa học và công nghệ, phục vụ cộng đồng.

2. Trường đại học, học viện (sau đây gọi chung là trường đại học) là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này.

3. Đại học là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này; các đơn vị cấu thành đại học cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung.

4. Đơn vị thành viên là trường đại học, viện nghiên cứu có tư cách pháp nhân, do Thủ tướng Chính phủ thành lập, cho phép thành lập theo quy định của pháp luật; được tự chủ trong tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của đại học.

5. Đơn vị trực thuộc là đơn vị có tư cách pháp nhân của cơ sở giáo dục đại học, do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định thành lập; tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.

6. Đơn vị thuộc là đơn vị không có tư cách pháp nhân của cơ sở giáo dục đại học, do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định việc thành lập; tổ chức và hoạt động theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học, phù hợp với quy định của pháp luật.

7. Trường là đơn vị đào tạo thuộc cơ sở giáo dục đại học, do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định việc thành lập theo quy định của Chính phủ, tổ chức và hoạt động theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.

Điều 7 về cơ sở giáo dục đại học của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (2018) cũng nêu:

Cơ sở giáo dục đại học có tư cách pháp nhân, bao gồm đại học, trường đại học và cơ sở giáo dục đại học có tên gọi khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Đại học quốc gia, đại học vùng là đại học thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước.

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://vov.vn/xa-hoi/chuyen-tu-truong-dai-hoc-len-dai-hoc-can-thuc-chat-tranh-hao-danh-post990663.vov

Khánh An
HÀNG LOẠT TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐẶT MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN THÀNH
 ĐẠI HỌC
BẮC SƠN/GDVN 6-2-2023

Điểm lại những sự kiện giáo dục nổi bật năm 2022, hẳn sẽ ít người quên được câu chuyện về đại học và trường đại học từng gây nóng dư luận hồi cuối năm. Đây cũng là một trong những chủ đề được chương trình Táo Quân 2023 lựa chọn “điểm mặt” lên sóng.

Cụ thể, chương trình đã dành thời lượng khá dài (khoảng 13 phút) trao đi đổi lại về vấn đề trường đại học/đại học. Trong phần thi giải câu đố, Nam Tào đã đố các Táo phân biệt khái niệm về đại học và trường đại học với những phương án trả lời khiến ngay cả người nghe cũng dễ “rối não”.

Hàng loạt trường đại học đặt mục tiêu phát triển thành đại học ảnh 1

Nội dung câu hỏi về phân biệt khái niệm đại học và trường đại học được Nam Tào đưa ra tại phần thi giải câu đố. Ảnh: DN

Bên cạnh những giây phút giải trí, đây cũng là một vấn đề quan trọng chúng ta cần nghiên cứu, tìm hiểu. Việc nâng cấp từ “trường đại học” lên “đại học” được nhiều lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học kỳ vọng là một bước tiến quan trọng nhằm tăng cường hơn nữa tính tự chủ đại học và đây cũng là cơ sở để có thêm những ưu tiên trong công tác nghiên cứu, giảng dạy và đầu tư phát triển trường.

Đại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị đầu tiên chuyển từ trường đại học lên đại học sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (gọi tắt là Luật 34) và Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật 34 có hiệu lực thi hành.

Với sự phát triển tự thân các trường đại học, cùng xu thế tự chủ trong giáo dục đại học, dự báo trong thời gian tới, sẽ có thêm một số đại học được hình thành trên cơ sở nâng cấp từ trường đại học.

Hiện nay nhiều cơ sở giáo dục đại học cũng đang có kế hoạch, lộ trình chuyển đổi, nâng cấp mô hình từ trường đại học lên thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực đào tạo.

Cụ thể, theo Chiến lược phát triển của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân giai đoạn 2020-2030, nhà trường xác định tầm nhìn trở thành đại học theo định hướng nghiên cứu, đa ngành, đa lĩnh vực, thuộc nhóm 5 đại học hàng đầu của Việt Nam.

Theo đó, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ xây dựng và chuyển đổi mô hình tổ chức thành đại học với 3 cấp, bao gồm: (1). Đại học; (2). Các trường thành viên, các viện/trung tâm nghiên cứu; (3). Các Khoa/ Bộ môn hoặc đơn vị chuyên môn. Bên cạnh các đơn vị này là hệ thống các đơn vị chức năng, dịch vụ, hỗ trợ công tác đào tạo.

Hệ thống các trường thành viên dự kiến bao gồm: Trường Kinh doanh, Trường Kinh tế, Trường Khoa học và Công nghệ và một số các trường khác (theo điều kiện và lộ trình phát triển).

Tại lễ khai giảng năm học 2022-2023, Trường Đại học Cần Thơ cũng đã công bố thành lập 04 trường, 01 khoa và 01 viện mới, trên cơ sở các đơn vị hiện có (gồm Trường Nông nghiệp, Trường Kinh tế, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Bách khoa, Khoa Giáo dục Thể chất, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm).

Mặt khác, Trường cũng đang xúc tiến thủ tục thành lập 2 phân hiệu tại tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng. Đây là những bước tiến quan trọng để thực hiện chiến lược phát triển đến năm 2030, chuyển Trường Đại học Cần Thơ trở thành Đại học Cần Thơ.

Phát biểu nhân dịp kỉ niệm 55 năm thành lập trường, Giáo sư Nguyễn Thanh Phương - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Cần Thơ cho hay:

“Trên con đường phía trước, Trường Đại học Cần Thơ tiếp tục xây dựng thành một đại học đa ngành, đa lĩnh vực và tiếp tục chuyển đổi nhanh từ lượng sang chất, chuyển đổi số theo hướng đại học thông minh, phấn đấu để trở thành một trong những trường chất lượng hàng đầu của Việt Nam và trên thế giới ở một số lĩnh vực”. [2]

Ngay từ sớm, Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có chủ trương phát triển thành Đại học. Tương tự Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh cũng chủ trương thành lập 3 trường thành viên ở giai đoạn năm 2021-2025 nhằm chuẩn bị cho lộ trình tiến lên đại học.

Cuối tháng 10 năm 2021, 3 trường thành viên thuộc Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh (UEH) chính thức được thành lập, gồm: Trường Kinh doanh UEH; Trường Kinh tế, luật và quản lý nhà nước UEH; Trường Công nghệ và thiết kế UEH.

Theo kế hoạch phát triển của trường, đến giai đoạn 2026-2030 sẽ thành lập thêm Trường Quốc tế và nâng cấp Phân hiệu Vĩnh Long thành trường đại học của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, đến năm 2030, UEH sẽ trở thành đại học đa ngành có danh tiếng học thuật và bền vững trong khu vực Châu Á.

Một số trường khác cũng đã có định hướng phát triển thành đại học với nhiều trường thành viên như: Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội định hướng trở thành đại học đào tạo, nghiên cứu khoa học ứng dụng đa năng, phát triển theo mô hình đại học thông minh.

Cuối năm 2021, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã mở mới một trường đầu tiên, có tên Trường Ngoại ngữ - Du lịch, trên cơ sở sát nhập 2 khoa Ngoại ngữ và khoa Du lịch.

Chưa triển khai nhưng Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh cũng từng vạch ra chiến lược phát triển lâu dài theo mô hình một đại học với 4 trường thành viên gồm: Trường nông nghiệp (College of agriculture), Trường công nghệ (College of technology), Trường kinh tế và phát triển (College of economics and development), Trường khoa học (College of science). Ngoài ra, còn có Viện Sau ĐH (College of graduate) Trung tâm đào tạo quốc tế và nghiên cứu công nghệ cao (School of international training and advanced technology research).[1]

Khối các trường đào tạo ngành sức khỏe cũng có định hướng phát triển nâng cấp lên đại học. Cụ thể, Trường Đại học Y Hà Nội với tầm nhìn phát triển thành đại học nghiên cứu ngang tầm với các trường đại học y khoa hàng đầu ở châu Á; Trường Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh định hướng phát triển thành đại học khoa học sức khỏe hàng đầu Việt Nam, ngang tầm các đại học trong khu vực.

Theo Nghị định 99 của Chính phủ, trường đại học muốn chuyển thành Đại học cần đáp ứng các điều kiện cụ thể như: trường đại học đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp;

Về quy mô, yêu cầu cần có ít nhất 03 trường đại học thành viên hoặc có 03 trường thuộc trường đại học. Trường đại học phải có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người; có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường đại học công lập; có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018 thì trường đại học được hiểu là cơ sở đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành; Đại học được hiểu là cơ sở giáo đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực với các đơn vị cấu thành cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung; và lĩnh vực được hiểu là tập hợp các nhóm ngành có điểm chung về kiến thức, kỹ năng chuyên môn trong phạm vi hoạt động nghề nghiệp, khoa học và công nghệ.

Theo yêu cầu phát triển, khi các cơ sở giáo dục đã phát triển đủ về “nội lực”, việc nâng cấp từ trường đại học lên thành đại học sẽ là cơ hội để các trường đổi mới cấu trúc và hệ thống quản trị bên trong, từ đó giúp tinh gọn hơn bộ máy quản lý, tập trung nguồn lực để phát triển hiệu quả hơn.có cơ hội được hưởng thêm các chính sách đầu tư tập trung hiệu quả hơn, hay có thêm tự do trong việc lựa chọn các môn học hoặc các chương trình liên ngành ở các trường trực thuộc, hay lựa chọn được giảng viên giỏi nhất,...

Đây là những kỳ vọng về mặt lý thuyết. Trên thực tế, việc vận hành và phát triển mô hình đại học và trường đại học vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn luận thêm, như: sự kết nối giữa các trường đại học thành viên, giữa trường đại học thành viên với đại học, hay việc phát huy hiệu quả các nguồn lực, nguy cơ tăng thêm tình trạng quan liêu,...

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước hiện có 267 cơ sở đào tạo bậc đại học (chưa tính khối an ninh quốc phòng). Trong đó, cả nước có 6 đơn vị đại học (gồm 2 đại học quốc gia, 3 đại học vùng và đại học Bách khoa Hà Nội) với những sứ mệnh và nhiệm vụ phát triển khác nhau.

Trong đó, đại học quốc gia có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở tầm quốc gia, gắn với những ngành nghề, lĩnh vực quan trọng để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội của cả đất nước.

Các đại học vùng lại gắn sứ mệnh của mình với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của từng vùng cụ thể.

Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện sứ mệnh đào tạo nhân lực chất lượng cao cho vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước, trên cơ sở tăng cường đầu tư, phát triển có trọng tâm, trọng điểm.

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://vietnamnet.vn/moduong-cho-nhieu-truongdai-hoc-lendai-hoc-570171.html

[2]: https://www.ctu.edu.vn/chienluoc/ctu.pdf

Bắc Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét