Thứ Năm, 23 tháng 2, 2023

20230224. GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI SỬA ĐỔI (2)

    ĐIỂM BÁO MẠNG


'CẦN COI ĐẤT ĐAI LÀ BẤT ĐỘNG SẢN MẸ'

TS ĐINH ĐỨC SINH/ TVN 23-2-2023

Sửa luật Đất đai năm 2013 để pháp luật cho phép nhà nước được làm gì và không được làm gì trong thực hiện tổng thể và liên hoàn quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt về đất đai.

LTS: Tiếp tục đóng góp ý kiến cho dự thảo luật Đất đai sửa đổi, Tuần Việt Nam xin giới thiệu quan điểm của TS Đinh Đức Sinh, người cho rằng cần có định nghĩa về đất đai để minh định quản lý.

Tôi rất đồng tình với ý kiến của Đại biểu Lê Thanh Vân trong bài “Đâu là trách nhiệm tập thể, đâu là trách nhiệm cá nhân?”.

Đại biểu đặt vấn đề: “Về chế độ sở hữu, trong Hiến pháp hiện hành quy định sở hữu toàn dân. Sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện, nhưng nhà nước là ai, cách thức sử dụng quyền đại diện của Nhà nước, đại diện cho sở hữu toàn dân thì luật quy định chứ Hiến pháp không quy định. Luật Đất đai quy định sở hữu toàn dân và Nhà nước là đại diện nhưng Nhà nước là ai, là thiết chế nào thì luật Đất đai lại không minh định”.

Để tiếp nối quan điểm của đại biểu và hưởng ứng đợt lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi, bổ sung luật Đất đai, tôi xin góp ý rằng việc sửa luật Đất đai đang được tiến hành cần xử lý được những bất cập đã, đang có và sẽ còn phát sinh để tránh được những kinh nghiệm rất đau đớn.

“Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu”. Thể chế này lần đầu tiên được ban hành tại luật Đất đai năm 2003, và lần đầu tiên được ghi vào Hiến pháp năm 2013.

Trong không ít vụ án liên quan đến đất đai, có thể thấy nhiều bị can vừa là người Quản lý Nhà nước (QLNN), vừa là người đại diện Chủ Sở Hữu Toàn Dân (CSHTD) về đất đai đã trục lợi, thông đồng, thậm chí là chiếm đoạt về đất đai.


Nhất thiết phải đưa ra một định nghĩa về đất đai của luật Đất đai. Ảnh: Hoàng Hà

Bên cạnh đó, những bất cập của luật Đất đai hiện này còn dẫn đến lãng phí, sử dụng kém hiệu quả các nguồn lực về đất đai, tài nguyên, khoáng sản hay những lãng phí vô cùng tận về qui hoạch treo, giải phóng mặt bằng chậm, thời gian xây dựng công trình kéo dài, vốn đầu tư phải bổ sung gấp nhiều lần so với kế hoạch ban đầu hay hệ lụy là rừng nguyên sinh bị chặt hạ, đất ruộng bị bỏ hoang hóa, diện tích cây xanh tại các đô thị bị giảm.

Sửa luật Đất đai kỳ này cần kế thừa tối đa các nội dung QLNN về đất đai đã có từ luật Đất đai năm 1987, luật Đất đai năm 1993, luật Đất đai sửa đổi năm 1998, luật Đất đai sửa đổi năm 2001; Đồng thời cần sáng tạo tối đa những nội dung nhà nước đại diện CSHTD về đất đai.

Theo đó, việc kế thừa giúp giảm thiểu những tranh cãi không cần thiết về QLNN đối với đất đai vì đã quá rõ; Việc sáng tạo giúp giảm thiểu những ngộ nhận về người đại diện này bởi đây là đại vấn đề nhưng đã được ghi thành luật một cách vội vàng, chủ quan. Chỉ một ly mà đi một dặm. Sau đây tôi xin nêu một số đề xuất.

Thứ nhất, về tổng thể, nhất thiết phải đưa ra một định nghĩa về đất đai của luật Đất đai.

Trong các luật Đất đai đã được ban hành của Việt Nam, chỉ duy nhất luật Đất đai năm 1987 đã làm được việc này với định nghĩa rằng: “Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quí giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt không gì thay thế được của nông nghiệp, lâm nghiệp, là thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống, là địa bàn phân bố các khu dân cư, xây dựng các cơ sở kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh và quốc phòng. Trải qua nhiều thế hệ, nhân dân ta tốn bao công sức và xương máu mới khai thác, bồi bổ, cải tạo và bảo vệ được vốn đất như ngày nay”.

Luật Đất đai năm 2003, năm 2013 đều không có định nghĩa về đất đai nên tuy có nhiều chương, mục, điều, khoản hơn các luật trước đó, nhưng vẫn vừa thừa vừa thiếu.  

Tôi đề nghị lấy lại toàn bộ định nghĩa đã có của luật Đất đai năm 1987, và thêm vào đó một đoạn mới về “đất đai là bất động sản mẹ của toàn bộ bất động sản trên đất”.

Thứ hai, luật Đất đai từ năm 2003 đến nay đã quá đơn điệu, vừa vô tình, vừa hữu ý khi phân chia toàn bộ đất đai thành 3 nhóm: Đất nông nghiệp; Đất phi nông nghiệp; Đất chưa sử dụng.

Trên thực tế, đất chưa sử dụng chiếm tỷ trọng rất nhỏ, chỉ vài ba phần trăm so với tổng số đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp. Với sự phân loại này, luật Đất đai từ 20 năm qua đã chủ ý lấy đất nông nghiệp làm chuẩn mực để định hình cho toàn bộ các nội dung về QLNN và đại diện CSHTD đối với tổng đất đai của quốc gia.

Sự tiếp cận này tỏ ra quá chật hẹp so với động thái phát triển của Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần có sự quản lý của nhà nước. Sự chật hẹp này tự nó đã chứa đựng trong đó những xung đột để bung ra, trong đó có cả tích cực và tiêu cực.


Những bất cập của luật Đất đai hiện này dẫn đến lãng phí, sử dụng kém hiệu quả các nguồn lực về đất đai, tài nguyên, khoáng sản. Ảnh: Hoàng Hà

Đặc biệt, trong khi tuyệt đối hóa tính nông nghiệp cho toàn bộ đất đai quốc gia, luật Đất đai từ năm 2003 đến nay lại hoàn toàn bỏ quên thuộc tính kim cương của đất đai (là bất động sản mẹ của toàn bộ bất động sản trên đất). Không có đất thì không có bất cứ bất động sản nào khác.

Do vậy phân loại đất phải căn cứ vào các thuộc tính của bất động sản trên đất (như công trình nông nghiệp, công nghiệp, nhà ở, hạ tầng công cộng, an ninh quốc phòng, tôn giáo tín ngưỡng...) để có chủ trương, chính sách giải pháp chung và riêng thích hợp.

Thứ ba, về quyền sở hữu, luật Dân sự năm 2015 tại Điều 158 đã phân định thành 3 quyền: Quyền chiếm hữu; Quyền sử dụng; Quyền định đoạt. Trong các quyền đó, luật Đất đai từ năm 2003 đã tách quyền sử dụng đất thành một quyền độc lập để nhà nước giao quyền này cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu về đất đai, và nhà nước giữ hai quyền còn lại là quyền chiếm hữu và quyền định đoạt đối với tất cả các loại đất.

Việc đặt quyền sử dụng đất độc lập so với hai quyền còn lại như vậy khiến mỗi quyền trong hệ thống ba quyền đều trở nên què quặt, không thể hoạt động một cách bình thường, tất yếu dẫn đến những biến thể khó lường.

Rất đáng chú ý là việc tách quyền sử dụng đất như trên đã được coi là tâm điểm của việc thiết kế luật Đất đai với nội hàm nhà nước đại diện CSHTD về đất đai từ năm 2003, rồi làm tiếp năm 2013, và nay đang tiến hành sửa.

Sự thật, khi pháp luật qui định đất đai là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, mà nhiều thập niên trước đó nhà nước đã là đại diện hợp pháp của toàn dân thì nhà nước đương nhiên là đại diện CSHTD về đất đai. Sự đương nhiên này cho phép nhà nước thi hành mọi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm đã được hiến định vào việc thực hiện quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt về đất đai một cách thích hợp đối với mỗi loại đất vì mục tiêu Dân giàu - Nước mạnh - Công bằng - Dân chủ - Văn minh. 

Sửa luật Đất đai năm 2013 để pháp luật cho phép nhà nước được làm gì và không được làm gì trong thực hiện tổng thể và liên hoàn quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt về đất đai chứ không phải đơn giản chỉ là việc nhà nước giữ lại hai quyền, còn quyền sử dụng đất thì giao cho tổ chức, cá nhân thực hiện. Đây không phải là phương án duy nhất về nhà nước đại diện CSHTD đối với đất đai đã được lựa chọn trong lịch sử lập hiến, lập pháp của Việt Nam.

Cuối cùng, nói đi rồi cũng phải nói lại rằng vấn đề nhà nước đại diện CSHTD về đất đai không phải là một phát kiến mới của luật Đất đai năm 2003, mà là một thể chế đã được ghi vào Hiến pháp năm 1959.

Thể chế này không những đã đi vào cuộc sống mà đã trở thành những hiện thực kinh tế - chính trị - xã hội hợp lòng dân trong 20 năm (1959-1980).


 Ảnh minh hoạ: Hoàng Hà

Cụ thể, điều 11 ghi: “Ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong thời kỳ quá độ, các hình thức sở hữu chủ yếu về tư liệu sản xuất hiện nay là: hình thức sở hữu của nhà nước tức là của toàn dân, hình thức sở hữu của hợp tác xã tức là hình thức sở hữu tập thể của nhân dân lao động, hình thức sở hữu của người lao động riêng lẻ, và hình thức sở hữu của nhà tư sản dân tộc”.

Điều 12: “Các hầm mỏ, sông ngòi, và những rừng cây, đất hoang, tài nguyên khác mà pháp luật qui định là của nhà nước đều thuộc sở hữu toàn dân”.

Điều 14: “Nhà nước chiếu theo pháp luật bảo hộ quyền sở hữu về ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác của nông dân”. 

Điều 16: “Nhà nước chiểu theo pháp luật bảo hộ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất và của cải khác của nhà tư sản dân tộc”.

Điều 20: “Chỉ khi nào cần thiết vì lợi ích chung, Nhà nước mới trưng mua, hoặc trưng dụng, trưng thu có bồi thường thích đáng các tư liệu sản xuất ở thành thị và nông thôn, trong phạm vi và điều kiện do pháp luật qui định”.


Trong khi đó, cũng là nhà nước đại diện CSHTD, Hiến pháp năm 1980 chủ trương xây dựng “nền kinh tế quốc dân chủ yếu có hai thành phần: thành phần kinh tế quốc doanh thuộc sở hữu toàn dân và thành phần kinh tế hợp tác xã thuộc sở hữu tập thể của nhân dân lao động”– Điều 18.

Phương án này được thay thế bằng phương án của thời kỳ Đổi Mới với Hiến pháp năm 1992. Tại Điều 15, Hiến pháp này chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng XHCN.

Nhưng thực hiện Hiến pháp này, luật Đất đai năm 2003 lần đầu tiên đưa vào thực hiện phương án toàn bộ đất đai đều thuộc SHTD do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Từ phương án này, khiếu kiện của nhân dân về đất đai đã gia tăng đột biến và chiếm tới 70% tổng số khiếu kiện trong cả nước hàng năm.

Ý Đảng thể hiện trong Hiến pháp năm 1959 và Hiến pháp năm 1992 về đất đai, về sở hữu toàn dân, về đại diện chủ sở hữu toàn dân vốn đã hợp với lòng dân, thì từ khi luật Đất đai năm 2003 ra đời đã phát sinh những bất trắc.

Nguyên nhân là do luật này đã qui định Nhà nước chỉ thực hiện quyền chiếm hữu đất và quyền định đoạt đất, còn quyền sử dụng đất thì giao cho các tổ chức, cá nhân trong xã hội.

Sửa luật Đất đai năm 2013, tôi cho rằng cần sửa các bất cập của luật này từ những nguyên nhân trên đây.  

TS Đinh Đức Sinh

QUẢ BOM ĐOÀN VĂN VƯƠN
TRƯƠNG HUY SAN/ FB 21-2-2023
[Khi Đỗ Hữu Ca bị bắt, tôi không nghĩ tới "luật nhân quả" mà nghĩ tới Luật Đất đai. Chính chính sách đất đai đã trao quyền bắt bớ những người tử tế như anh Đoàn Văn Vươn cho những kẻ "tội phạm" như Ca. Xin post lại bài về Luật Đất đai tôi viết 11 năm trước vài ngày sau khi anh Đoàn Văn Vươn bị bắt. Tôi sẽ viết về sửa Luật Đất đai một cách thời sự hơn trong những ngày tới đây. Bài dài, xin chỉ những ai quan tâm hẵng đọc kỹ]
Khi lực lượng cưỡng chế huyện Tiên Lãng đến khu đầm, anh Vươn cho nổ trái mìn tự tạo cài dưới một bình gas. Bình gas không nổ. Nhưng, trái mìn tự tạo vẫn gây tiếng vang như một quả bom, “quả bom Đoàn Văn Vươn”. Vụ nổ không chỉ gây rúng động nhân tâm mà còn giúp nhìn thấy căn nguyên các xung đột về đất đai. Quyền sở hữu nói là của “toàn dân”, trên thực tế, rất dễ rơi vào tay đám “cường hào mới”.
Sự Tùy Tiện Của Nhà Nước Huyện
Quyết định giao bổ sung 19,5 ha đất nuôi trồng thủy sản cho ông Đoàn Văn Vươn, ký ngày 9-4-1997, ghi thời hạn sử dụng là 14 năm tính từ ngày 14-10-1993. Theo báo Thanh Niên, ở thời điểm ấy, chính quyền huyện Tiên Lãng đã quy định thời hạn giao đất cho nhiều cá nhân, hộ gia đình rất tùy tiện: có người được giao 4 năm; có người 10 năm... Tuy thời điểm này chưa có các nghị định hướng dẫn chi tiết việc thi hành, nhưng Luật Đất đai năm 1993 đã nói rõ thời hạn giao đất nuôi trồng thủy sản cho hộ gia đình và cá nhân là 20 năm.
Theo Nghị định ngày 28-08-1999, nếu chính quyền Tiên Lãng không tùy tiện thì gia đình ông Vươn có quyền sử dụng phần đất này cho đến ngày 9-4-2017, tính từ ngày ông được huyện ký giao; tối thiểu cũng phải đến ngày 15-10-2013, nếu huyện “ăn gian” tính theo ngày Luật Đất đai có hiệu lực. Vấn đề là, cho dù đất được giao của gia đình ông Vươn hết hạn thì có phải là đương nhiên bị thu hồi để giao cho người khác như cách mà Tiên Lãng đã làm. Luật Đất đai 2003 quy định hạn điền cho loại đất nuôi trồng thủy sản là 3 hecta và với phần đất vượt hạn mức của ông Vươn có thể áp dụng Điều 35 để cho ông tiếp tục thuê như quy định đối với đất đai nông nghiệp.
Sở Hữu Toàn Dân
Tuy dịch từ Hiến pháp 1936 của Liên xô, Hiến pháp 1959 của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn chưa “quốc hữu hóa đất đai”. Cho dù, từ thập niên 1960s ở miền Bắc và từ cuối thập niên 1970s ở miền Nam, ruộng đất của nông dân đã bị buộc phải đưa vào tập đoàn, hợp tác xã, đất đai chỉ chính thức bị coi là thuộc “sở hữu toàn dân” kể từ Hiến pháp 1980.
Theo Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc: “Trong bản dự thảo Hiến pháp 1980 do Chủ tịch Trường Chinh trình Bộ Chính trị vẫn đề nghị duy trì đa hình thức sở hữu, trên cơ sở khuyến khích 5 thành phần kinh tế. Theo tôi biết thì Bộ Nông nghiệp và Ban Nông nghiệp Trung ương cũng không đồng ý quốc hữu hóa”. Nhưng, ngày 10-9-1980, trong một bài nói chuyện trước Ban chấp hành Trung ương có tựa đề, “Hiến pháp mới, Hiến pháp của chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa”, Tổng Bí thư Lê Duẩn nói: “Nhân đây, tôi nhấn mạnh một điểm rất quan trọng trong Dự thảo Hiến pháp mới là chuyển toàn bộ đất đai thành sở hữu toàn dân. Đề ra như vậy hoàn toàn đúng với quy luật tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Ông Nguyễn Đình Lộc, thành viên Ban thư ký của Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp 1980, thừa nhận: “Khi đó, uy tín Lê Duẩn bao trùm. Mặt khác, nhiều người cũng không hình dung được bản chất của sở hữu toàn dân là quốc hữu hóa”.
Tuy chấp nhận quốc hữu hóa đất đai nhưng theo ông Tôn Gia Huyên, lúc bấy giờ là Vụ phó vụ Quản lý Đất đai, ông Trường Chinh chủ trương giữ nguyên hiện trạng chứ không tịch thu ruộng đất như điều mà Lenin đã làm với kulax ở Nga sau năm 1917. Ông Trường Chinh yêu cầu ghi vào Điều 20 của Hiến pháp 1980: “Những tập thể và cá nhân đang sử dụng đất đai được tiếp tục sử dụng và hưởng kết quả lao động của mình theo quy định của pháp luật”.
Khi Hiến pháp 1992 bắt đầu được soạn thảo, theo ông Phan Văn Khải: “Thủ tướng Võ Văn Kiệt và tôi muốn sửa Hiến pháp theo hướng, trao quyền sở hữu ruộng đất cho nông dân nhưng không thành công, chúng tôi đành phải tìm ra khái niệm, trao 5 quyền cho người sử dụng đất”. Trong Đại hội Đảng lần thứ VII, vòng I, nhiều nhà lãnh đạo địa phương đã lên tiếng ủng hộ “đa sở hữu hóa đất đai”. Nhưng, ở cấp cao, theo Trưởng ban Biên tập Hiến pháp 1992, ông Nguyễn Đình Lộc: “Không ai có đủ dũng cảm đứng lên đòi bỏ sở hữu toàn dân, vì đó là một vấn đề nhạy cảm, đụng đến chủ nghĩa xã hội. Khi chuẩn bị bài phát biểu về Hiến pháp cho Tổng Bí thư Đỗ Mười, tôi có trình bày, nhưng ông Đỗ Mười nghiêng về sở hữu toàn dân. Ông tin vào điều ông Lê Duẩn nói, sở hữu toàn dân là quan hệ sản xuất tiên tiến. Ông Đỗ Mười tin, trước sau gì ta cũng tới đó nên cứ để vậy”.
Các Nhà Làm Luật
Luật Đất đai 1993 đã trao cho người dân 5 quyền: sử dụng, chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp và cho thuê quyền sử dụng đất. Nhưng, so với Hiến pháp 1992, Luật Đất đai 1993 có một điểm lùi. Hiến pháp ghi: “Nhà nước giao đất cho các tổ chức và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài”. Trong khi Luật chỉ giao đất cho cá nhân và chỉ giao có thời hạn. Ông Tôn Gia Huyên giải thích: “Thời hạn giao đất thực chất chỉ là ý chí chính trị, là sợi chỉ cuối cùng để phân biệt giữa sở hữu tư nhân và sở hữu Nhà nước”. Là ranh giới để trấn an những người vẫn còn tin, Việt Nam tiếp tục đi lên chủ nghĩa xã hội.
Nhưng, cái ranh giới tưởng có giá trị trấn an ấy đã lại rất mù mờ, mù mờ ngay trong đầu chính các nhà lập pháp. Tháng 7-1993, sau bốn buổi thảo luận trên Hội trường về Luật Đất đai, các đại biểu miền Nam đề nghị “giao đất lâu dài” như Hiến pháp 1992, trong khi các đại biểu miền Bắc và miền Trung lại tán thành giao đất có thời hạn; thậm chí có đại biểu còn đòi rút ngắn thời hạn giao đất xuống còn từ 10-15 năm. Trong tính toán của nhiều người, giao đất có thời hạn nghĩa là sau đó Nhà nước có thể lấy lại để giao cho người khác. Đại biểu Đặng Quốc Tiến, Bắc Thái, nói: “Đất ít, người đông, giao có thời hạn thì sẽ bảo đảm cho công tác điều chỉnh đất đai khi có biến động nhân khẩu”. Ông Nguyễn Bá Thanh, khi ấy là Chủ tịch Thành phố Đà Nẵng, đã rất hăng: “Đi nghĩa vụ quân sự 2 năm thì kêu dài, giao đất 20 năm thì bảo ngắn”.
Khi Luật Đất đại 1993 được đưa ra sửa đổi, Chính phủ đề nghị nâng thời hạn giao đất nông nghiệp từ 20 năm lên 50 năm. Trong hai ngày 14 và 16-11-1998, nhiều đại biểu cũng đã phản ứng, thậm chí còn có phần gay gắt. Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Đại Thắng, Đại Lộc (Quảng Nam) ông Trần Văn Mai nói: “Số nông dân chưa có đất đang trông chờ cho hết thời điểm 20 năm, bây giờ đã được 5 năm, còn 15 năm nữa họ sẽ được chia đất. Nếu bây giờ ta tăng thời hạn lên 50 năm sẽ là một sự hụt hẫng lớn của nhân dân với Đảng”. Theo cách hiểu của ông Trần Văn Mai: “Hoặc hết hạn 20 năm, hoặc người sử dụng đất chết, chúng ta sẽ thu hồi cấp lại cho những nhân khẩu phát sinh”. Nhưng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, ông Nguyễn Đức Hoan đã phát biểu: “Đừng lo cho 20 năm sau không có đất để phân phối lại. Bây giờ ở ta 80% dân số làm nông nghiệp. Không lẽ 20 năm sau cũng 80%?”. Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Đồng Tháp ông Trương Minh Thái cho rằng: “Đừng nghĩ chúng ta chỉ có thể điều phối ruộng đất ở nông thôn bằng cách thu hồi rồi chia lại. Chúng ta đã giao cho người dân năm quyền, họ có thể để thừa kế, hoặc sang nhượng cho người chưa có đất”.
Đất Dân Quyền Quan
Năm quyền của người sử dụng đất sau đó được “pháp điển hóa” trong Bộ Luật Dân sự 1995 như các quyền dân sự. Quyền sở hữu, tuy “trá hình” này, vẫn là cơ sở pháp lý để hình thành thị trường địa ốc. Và trong giai đoạn đầu, nhờ tư vấn của World Bank, thị trường đã được điều hành bằng công cụ thuế. Cho dù do thuế suất quá cao, Luật Thuế Chuyển quyền sử dụng đất, ngay lúc ấy, đã khiến nhà đất đóng băng nhưng sử dụng công cụ thuế chính là thừa nhận giá trị các giao dịch dân sự liên quan tới đất đai. Tuy nhiên, chính quyền các cấp có vẻ như không mấy mặn mà với vai trò đứng ngoài. Các giao dịch, đặc biệt là mua bán đất đai đã bị hành chánh hóa: Nhà nước thu hồi đất của người bán rồi giao đất cho người mua. Thay vì thu thuế chuyển quyền, người mua phải đóng tiền sử dụng đất, đặt người có đất trong tình thế phải trả tiền hai lần.
Đỉnh cao của sai lầm về chính sách là Pháp lệnh 14-10-1994 và Nghị định 18, hướng dẫn thi hành Pháp lệnh đó. Theo Nghị định 18, các tổ chức không còn được giao đất có đủ các quyền như Hiến pháp 1992. Những doanh nhân tiên phong như Tăng Minh Phụng, Liên Khui Thìn, Trần Quang Vinh… đã vay hàng ngàn tỷ đồng để mua đất, sau Nghị định 18 phải chuyển những lô đất ấy thnh đất thuê và chỉ được thế chấp ngân hàng theo giá trị số tiền thuê đã trả cho nhà nước. Khi bị bắt, cũng nhân danh “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”, Hội đồng thẩm định do Nhà nước lập ra đã tính, có những mét vuông đất, giá không bằng que kem. Đất biệt thự đường Trần Phú, Vũng Tàu, mà chỉ được Tòa công nhận giá ba-trăm-đồng/m2. Khoản chênh lệch giữa giá thực mua và giá của Tòa được coi là thất thoát để buộc tội các doanh nhân này lừa đảo.
Trong tù, có lúc Minh Phụng nói với Luật sư Nguyễn Minh Tâm: “Xin luật sư hãy nhìn vào mắt em để xem em có phải là người lừa đảo?”. Ngày 12-7-1999, khi nghe Luật sư Tâm nhắc lại câu này Minh Phụng đã bật khóc trước Tòa. Cũng đầu tư vào đất đai cùng một phương thức tuy khác quy mô, nhưng, thái độ của Nhà nước với giá đất đã biến ông Lê Văn Kiểm, Huy Hoàng, thành anh hùng và tử hình ông Tăng Minh Phụng.
Danh Chính Ngôn Thuận
Đầu tháng 12-2011, Chính quyền Đà Nẵng nơi ông Nguyễn Bá Thanh là Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân đã đề nghị cho tư nhân sở hữu đất đai. Sau 20 năm lãnh đạo một địa phương, có lẽ ông Nguyễn Bá Thanh nhìn thấy, quyền sở hữu trá hình đã đặt đất đai của người dân vào tay chính quyền cấp huyện với quá nhiều rủi ro. Điều 38, Luật Đất đai 2003, nói: Nhà nước chỉ thu hồi đất khi “cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế” (khoản 7). Nhưng, tại khoản 10 cũng của Điều 38, Luật lại mở ra khả năng: Nhà nước thu hồi những phần đất “không được gia hạn khi hết thời hạn”. Chính quyền cấp huyện được Luật giao quyền giao đất và thu hồi đất của cá nhân và hộ gia đình. Nếu chính quyền Tiên Lãng áp dụng điều 67, tiếp tục giao đất cho ông Vươn, thì đã không có gì xảy ra, nhưng họ đã đẩy ông vào khoản 10, Điều 38: Thu hồi đất vì “không được gia hạn” khi thời hạn giao đất của ông đã hết.
Sau “trái bom Đoàn Văn Vươn”, chúng ta biết, khu đất đầm mà anh có không phải là đất được nhà nước giao mà là đất do gia đình anh phải lấn biển, khai hoang. Suốt 5 năm “trầm mình dưới nước từ mờ sáng tới tận tối khuya”, biết bao lần bị bão biển cuốn phăng để đắp được một bờ kè dài hai cây số, tạo nên bãi bồi màu mỡ và một khu đầm nuôi tôm cá rộng gần 40 hecta. Cũng nơi đây, anh Vươn mất một đứa con gái 8 tuổi vì khi cha mẹ mải làm con gái của anh đã rơi xuống cống. Đừng nói chuyện thu hồi, lẽ ra chính quyền Tiên Lãng phải xấu hổ khi ký quyết định giao cho anh Vươn phần đất của chính anh, phần đất mà anh Vươn đã phải gắn bó suốt 20 năm, đã đổ cả mồ hôi và máu.
Nếu như, quyền sở hữu về đất đai của người dân được công nhận, thì cách khai hoang, lấn biển của gia đình anh Vươn phải được coi như một hình thức thủ đắc ruộng đất mà từ xa xưa cha ông ta đã áp dụng cho người dân để ngày nay Việt Nam liền một dải từ Lạng Sơn đến Mũi Cà Mau. Nếu như quyền sở hữu về đất đai của người dân được công nhận, Chính quyền không thể hành chính hóa các giao dịch dân sự liên quan đến đất đai. Các đại gia không thể thậm thụt với đám cường hào thu hồi những mảnh đất của dân mà họ mua không được.
Nhưng đó là câu chuyện có thể được thảo luận trong quá trình sửa đổi Hiến pháp. Người dân đang dõi theo thái độ của Chính phủ, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước trường hợp Đoàn Văn Vươn.
Theo cách giải thích của Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca thì đất ông Vươn nằm trong vùng quy hoạch xây dựng một sân bay quốc tế. Nếu thu hồi bây giờ hoặc chuyển thành thuê thì mai này nhà nước không phải bồi thường cho ông Vươn. Đỗ Hữu Ca nói: “Với công trình đặc biệt quan trọng như thế thì đền bù sẽ rất lớn. Ông Vươn cố giữ lại như thế để lấy đền bù khi dự án được triển khai”. Có thể Đỗ Hữu Ca là một công chức mẫn cán chứ không phải là “cụ Bá”. Nhưng, lo quyền lợi của nhà nước sao không tính quyền lợi của dân, không tính máu và mồ hôi 20 năm của gia đình anh Vươn. Chắc Đỗ Hữu Ca không nghĩ, anh em, bà con ông và chỉ vài năm nữa chính ông cũng là dân.
Đỗ Hữu Ca có lẽ không nhớ chuyện anh rể của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sáng 17-4-2009, bị “áp giải ra khỏi hiện trường” khi chính quyền huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương tiến hành cưỡng chế thu hồi hơn 185 hecta cao su của ông để làm khu công nghiệp. Ông đã không đồng ý cho giải tỏa, mặc dù, 185 hecta cao su này ông có được nhàn hạ hơn so với công sức khai hoang, lấn sóng của anh Vươn và mức đền bù thì cao hơn gấp 20 lần giá vốn. Nhắc lại câu chuyện này để thấy, bất luận là ai, khi phải đối diện với tấc đất của mình thì mới thấy của đau, con xót.
Dù sao thì hành động chống người thi hành công vụ của anh Đoàn Văn Vươn cũng phải được đưa ra xét xử. Nhưng, thông điệp mà các địa phương chờ đợi không phải là những năm tù cho anh mà là thái độ của nhà nước với chính quyền Tiên Lãng. Từ năm 2013, ruộng đất của nông dân bắt đầu lần lượt hết hạn giao đất. Nếu như quyết định của Chủ tịch Tiên Lãng Lê Văn Hiền không bị coi là sai, hơn 500 chủ tịch huyện trên cả nước có thể noi gương thu hồi đất đáo hạn của nông dân để… giao, thì không biết điều gì sẽ xảy ra. Đừng chậm trễ và đừng để “quả bom Đoàn Văn Vươn” lại nổ.

PS: Sử dụng hình Đỗ Hữu Ca, bị report, nhà X chu đáo quá.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét