Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2023

20230211.CÁC TRƯỜNG ĐH VN ỨNG PHÓ THẾ NÀO VỚI ChatGPT

ĐIỂM BÁO MẠNG

Quốc tế: Đoàn cứu nạn của Bộ Công an xuyên đêm tìm kiếm 15 người bị vùi lấp ở Thổ Nhĩ Kỳ (VNN 11/2/2023)-Loạt vụ nổ rung chuyển Melitopol, Mỹ - Brazil bàn lập liên minh hòa đàm cho Ukraine (VNN 11/2/2023)-Video đặc nhiệm Ukraine bắn cháy xe thiết giáp 'Kẻ hủy diệt' của Nga (VNN 11/2/2023)-Kiev tố Nga bắn tên lửa qua Romania và Moldova, tấn công hạ tầng năng lượng khắp Ukraine (VNN 11/2/2023)-Phương Tây sẽ không viện trợ tiêm kích cho quân đội Ukraine? (VNN 11/2/2023)-Video Nga mất hàng chục xe bọc thép vì lọt vào trận địa phục kích của Ukraine (VNN 11/2/2023)-Video Nga mất hàng chục xe bọc thép vì lọt vào trận địa phục kích của Ukraine (VNN 11/2/2023)-50 k tình bầu bí với Thổ Nhĩ Kỳ (BVN 11/2/2023)-Có những điều Tập Cận Bình không thể cưỡng lại (BVN 10/2/2023)-Ngô Nhân Dụng-Liệu Việt Nam sẽ chuyển sang các nhà cung cấp khác Nga sau tai nạn máy bay quân sự? (BVN 10/2/2023)-Carlyle A. Thayer-Chuyên gia: Su-22 rơi có thể do "máy bay cũ, phi công thiếu đào tạo" (BVN 10/2/2023)-

Trong nước: Buộc người dân ra công an phường xin xác nhận cư trú là 'hành dân' (VNN 11/2/2023)-Ba đặc điểm quan trọng của tạp chí (VNN 11/2/2023)-Internet Việt Nam mong manh thế nào (BVN 11/2/2023)-Trịnh Xuân Thanh vẫn là “nghi phạm kép” về rửa tiền tại Đức (BVN 10/2/2023)-Võ Thị Hảo-

Kinh tế: Mối lợi nghìn tỷ của ngân hàng sau cái bắt tay với bảo hiểm (VNN 11/2/2023)-'Titanic' trở lại rạp chiếu sau 26 năm với phiên bản chưa từng có (VNN 11/2/2023)-Muốn kinh tế độc lập tự chủ, cần doanh nghiệp tư nhân hùng mạnh (VNN 11/2/2023)-Mối liên hệ giữa nhóm máu và nguy cơ đột quỵ (VNN 11/2/2023)-Dự án công sở hơn 5 tỷ xây dang dở thành nơi nuôi lợn gà (GD 11/2/2023)-2023: Mở rộng toàn quốc việc xác thực sinh trắc học khi người dân lên máy bay (VNN 11/2/2023)-Giũ bỏ tiếng xấu lập dị nơi công sở (KTSG 11/2/2023)-Hộ khẩu điện tử đã có, chỉ thiếu… máy đọc chip (KTSG 11/2/2023)-Biến động giá xây dựng công trình trong thời gian qua (KTSG 11/2/2023)-Nhà đầu nước ngoài kén chọn hơn trên thị trường chứng khoán châu Á (KTSG 11/2/2023)-Cơ hội việc làm ngành điều dưỡng tại Nhật Bản (KTSG 10/2/2023)-SCG (Thái Lan) có thể trì hoãn khởi công nhà máy carton ở Vĩnh Phúc (KTSG 10/2/2023)-

Giáo dục: Vụ tham ô 86 tỷ ở Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng: Lộ nhiều khuất tất tài chính (GD  11/2/2023)-Bị phản ứng, Trường ĐH Y Dược Hải Phòng bất ngờ miễn “kinh phí đào tạo” 21 triệu (GD 11/2/2023)-Đừng vì HS chọn lệch tổ hợp hoặc không cùng bộ SGK mà không cho chuyển trường (GD 11/2/2023)-Danh sách bị giảm 24 HS sau chuẩn y, Hiệu phó CĐ Kỹ thuật Đắk Lắk nói gì? (GD 11/2/2023)-Khó có cơ sở để giảm tải chương trình lớp 12 trong kỳ thi tốt nghiệp 2023 (GD 11/2/2023)-Sở GD Hải Phòng đề xuất thi 3 môn vào lớp 10: Phụ huynh, học sinh phấn khởi (GD 11/2/2023)-Thiếu nhiều GV, Điện Biên kiến nghị không cắt giảm cơ học biên chế ngành GD (GD 11/2/2023)-Đầu tư tiền triệu thi KHKT, thưởng chỉ 500-700 nghìn đồng, sao HS, GV vẫn làm? (GD 11/2/2023)-Chuyên gia giáo dục trên thế giới nói gì về ChatGPT? (GD 11/2/2023)-Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Sở Giáo dục Hà Tĩnh bị kiểm điểm để xem xét kỷ luật (GD 11/2/2023)-HV Công nghệ Bưu chính Viễn thông có 4 phương thức tuyển sinh, thêm 2 mã ngành (GD 11/2/2023)-Các trường lại bước vào mùa lựa chọn sách giáo khoa vất vả và hình thức (GD 11/2/2023)-ChatGPT giúp SV hoàn thành luận văn, trường ĐH ở Việt Nam ứng phó ra sao? (GD 11/2/2023)-Thi ĐGNL mỗi nơi một dạng đề, thí sinh gặp khó khăn không nhỏ (GD 11/2/2023)-Vụ HS đánh nhau ở Nghệ An: Bị chỉ trích có em nghỉ học, trường thận trọng xử lý (GD 11/2/2023)-Thanh Hóa: Sau tết hơn 300 học sinh chưa có chỗ học, Huyện Đông Sơn chỉ đạo nóng (GD 11/2/2023)-

Phản biện: Nỗi lo mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình (TVN 11/2/2023)-Trần Thuỷ-Muốn kinh tế độc lập tự chủ, cần doanh nghiệp tư nhân hùng mạnh (VNN 11/2/2023)-Lương Bằng-Đừng nóng vội đổi trường ĐH lên đại học: “Chiếc áo không làm nên thầy tu” (GD 10/2/2023)-Món nợ với miền Tây (BVN 11/2/2023)-Trần Hữu Hiệp-Vì sao người ta nói nhiều về ChatGPT? (BVN 10/2/2023)-Thierry Poibeau-

Thư giãn: 'Titanic' trở lại rạp chiếu sau 26 năm với phiên bản chưa từng có (VNN 11/2/2023)-Ngôi nhà chữa lành tâm hồn, decor bằng nhiều tượng phật (VNN 11/2/2023)-

ChatGPT XUẤT HIỆN, LIỆU CÓ TRÀN NGẬP LUẬN ÁN 'TIẾN SĨ AI' ?

LINH AN th/GDVN 10-2-2023

GDVN-Mới đây, có nghiên cứu cho thấy ChatGPT có thể viết một bản tóm tắt (abstract) bài báo khoa học, thậm chí soạn cả bài báo khoa học.

LTS: ChatGPT đang được nhận được sự quan tâm của dư luận. Với lĩnh vực giáo dục, người dùng có thể sử dụng phần mềm này để làm bài tập, thậm chí là viết luận văn tốt nghiệp.

Để có thêm góc nhìn về tác động cũng như thách thức của ChatGPT đến lĩnh vực giáo dục, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, hiện là Giáo sư Xuất sắc và Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế thuộc Đại học Công nghệ Sydney, Giáo sư y khoa (kiêm nhiệm) của Đại học New South Wales.

ChatGPT xuất hiện, liệu có ngập tràn "tiến sĩ AI"? ảnh 1

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, hiện là Giáo sư Xuất sắc và Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế thuộc Đại học Công nghệ Sydney, Giáo sư y khoa (kiêm nhiệm) của Đại học New South Wales.

Phóng viên: Nếu để chỉ ra những thách thức mà ChatGPT đưa đến đối với những nhà giáo trong việc dạy học, lên lớp, giảng bài, đặc biệt là trong kiểm tra đánh giá người học thì Giáo sư sẽ đề cập đến những gì?

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Nói chung, các thiết chế xã hội thường đi sau sự tiến bộ của công nghệ, và phải tìm cách đối phó với những công nghệ mới. Sự ra đời của ChatGPT và những công cụ tương tự (chatbot) đã đặt ra nhiều vấn đề trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Trong đó một số vấn đề vẫn chưa có giải pháp hay câu trả lời.

Đối với giảng dạy, các đại học đã có những qui định mang tính đối phó như báo cho các trợ giảng và sinh viên biết về khả năng và hạn chế của ChatGPT. Giảng viên và sinh viên có thể sử dụng nó như là một công cụ trợ giúp chứ không thể thay thế suy nghĩ của con người. Ngoài ra, một số đại học tìm cách hạn chế sinh viên sử dụng ChatGPT qua các biện pháp như thay đổi các ra bài tập, và đồng thời cảnh báo sinh viên về vi phạm đạo đức học thuật khi sử dụng ChatGPT làm bài tập.

Đối với xuất bản khoa học, mới đây, có nghiên cứu cho thấy ChatGPT có thể viết một bản tóm tắt (abstract) bài báo khoa học, thậm chí soạn cả bài báo khoa học, và có vài bài báo liệt kê ChatGPT là một tác giả công trình khoa học! Trước sự phát triển đó, các tập san khoa học phải đề ra qui định mới không cho đề ChatGPT là tác giả một bài báo khoa học. Nhiều nhà xuất bản khoa học chính thống cũng khuyến cáo các nhà khoa học không được sử dụng ChatGPT để soạn bài báo khoa học.

Phóng viên: Vừa qua thông tin ChatGPT trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) chỉ mất 23 tiếng để hoàn thành luận văn tốt nghiệp của một sinh viên đại học tại Nga đang dấy lên nhiều hoang mang. Nhiều chuyên gia lo ngại, nếu người học lạm dụng ChatGPT thì rất dễ chúng ta sẽ có một tầng lớp cử nhân AI, thạc sĩ AI, thậm chí tiến sĩ AI tràn ngập giới khoa học. Ông nghĩ sao về điều này?

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Rất khó đánh giá ChatGPT tốt ra sao trong trường hợp cụ thể trên vì tôi không biết luận văn đó thuộc cấp nào (cử nhân hay thạc sĩ). Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu ChatGPT có thể viết một luận văn hoàn chỉnh, dù chỉ là cấp cử nhân. Một luận văn hoàn chỉnh đòi hỏi phải có giả thuyết, phương pháp, kết quả thí nghiệm, diễn giải kết quả, và tài liệu tham khảo.

Kinh nghiệm của tôi cho thấy ChatGPT không có khả năng phát biểu một giả thuyết cụ thể, không thể viết phần phương pháp thích hợp, và rất dở trong phần bàn luận. Còn phần tài liệu tham khảo thì ChatGPT sai be bét. Tôi đã thử hỏi ChatGPT về tài liệu tham khảo cho một chủ đề loãng xương, và ChatGPT đưa ra câu trả lời hoàn toàn sai, không chỉ một lần mà nhiều lần. Tất cả câu trả lời của ChatGPT về tài liệu tham khảo đều “bịa” (tức là không có thật).

Do đó, tôi nghĩ ChatGPT sẽ không bao giờ viết một luận văn hoàn chỉnh vì nó không bao giờ thay thế được suy nghĩ của con người. ChatGPT không bao giờ thay thế được cái mà phương Tây gọi là "critical thinking" (tạm hiểu là “tư duy phân tích”).

Viết một bài luận văn về một chủ đề đòi hỏi người viết phải hiểu chủ đề một cách chuyên sâu, chứ không phải chỉ bề mặt như ChatGPT cung cấp. Một ví dụ đơn giản là trước câu hỏi “Loãng xương là gì?” thì ChatGPT cung cấp câu trả lời mang tính phổ thông và chỉ đúng một nửa. Có thể trong tương lai khi thông tin đầy đủ hơn thì ChatGPT sẽ cho ra câu trả lời tốt hơn.

Nhưng ngay cả có thêm thông tin thì chất lượng thông tin là một vấn đề. Thông tin trên mạng hay thậm chí trong thế giới khoa học cũng “thượng vàng hạ cám”, chứ không có giá trị như nhau. Như người trong khoa học hay nói, 'nếu đầu vào là rác thì đầu ra cũng là rác' (garbarge in, garbage out); tương tự, nếu thông tin mà ChatGPT sử dụng có chất lượng thấp thì câu trả lời không thể nào tin cậy được.

Phóng viên: Thêm một vấn đề được đặt ra cấp bách hiện nay là làm sao để chống đạo văn khi người học được sử dụng ChatGPT, thưa ông?

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Đây cũng là một thách thức lớn, nhưng không phải là không có cách phòng ngừa. Trong thực tế, đã có vài người sáng chế ra nhu liệu để phát hiện đạo văn từ ChatGPT. Chẳng hạn như một sinh viên báo chí thuộc Đại học Princeton đã tạo ra một ứng dụng có tên là GPTZero có thể phát hiện những câu văn từ ChatGPT. Nhiều người sử dụng GPTZero và đánh giá rằng nó rất hiệu quả.

Đạo văn và ChatGPT là một vấn đề, nhưng vấn đề lớn hơn là kiến thức bị thiên lệch. Bởi vì ChatGPT sử dụng thông tin trên mạng và dùng thủ thuật xác suất để phân định các tình huống khả dĩ, rồi dựa vào đó mà đưa ra câu trả lời có xác suất cao nhất. Điều này có nghĩa là những thông tin được xuất hiện nhiều nhứt trong thế giới mạng thì có xác suất cao trở thành là một phần của câu trả lời do ChatGPT đưa ra.

Những thông tin về lịch sử và xã hội trong thế giới mạng thường thiên lệch, nên ChatGPT thường đưa ra những câu trả lời lệch lạc, một chiều, và đây là điều đáng quan tâm bởi vì nó có thể làm cho kho tàng kiến thức bị thiên lệch. Đó là điều đáng quan tâm.

Phóng viên: Cuối cùng, để không bị ChatGPT “qua mặt” thì theo Giáo sư, người thầy cần thay đổi những gì?

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Thực tế, một người bình thường rất khó phân biệt câu văn do con người viết hay do ChatGPT viết nếu không có kiến thức tốt về chuyên ngành. Ví dụ như tôi có thể đánh giá câu “Bone mass is a predictor of osteoporosis” là sai, nhưng người ngoài ngành có thể xem đó là câu văn đúng.

Hay như ChatGPT định nghĩa loãng xương là “một tình trạng y khoa, được định nghĩa bởi xương yếu và dễ vỡ, dẫn đến nguy cơ gãy xương cao hơn” tuy mới đọc qua thì thấy cũng có lý, nhưng đối với người trong chuyên ngành thì câu trả lời này rất ... ngây thơ. Do đó, để ChatGPT không “qua mặt”, người thầy cần phải có kiến thức vững vàng và chuyên sâu.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn.

Linh An (thực hiện)
CHUYÊN GIA GIÁO DỤC THẾ GIỚI NÓI GÌ  VỀ ChatGPT?
KHÁNH AN dịch?/GDVN 11-2-2023

Chỉ hai tháng sau khi ra mắt, ChatGPT đã liên tục gây chú ý và xôn xao trong dư luận. Các nhà phát triển của chatbot này đã nhận được nhiều lời khen ngợi vì đã tạo ra được một phần mềm có thể tương tác qua lời nói của người dùng và viết phản hồi giống con người của công cụ này.

ChatGPT đã thực hiện nhiệm vụ của mình bằng cách tìm kiếm một lượng lớn dữ liệu trên web. Qua cách chia nhỏ dữ liệu thành các từ và cụm từ ngắn, nó có thể phân tích cú pháp và đưa ra câu trả lời của mình. Công cụ này được một nhóm các nhà phát triển đào tạo để hiểu các sắc thái của ngôn ngữ tự nhiên mà con người sử dụng.

Chuyên gia giáo dục trên thế giới nói gì về ChatGPT? ảnh 1

Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Tổ quốc).

Không những vậy, chatbot này cũng có nhiều công dụng từ việc hỗ trợ kiểm tra chính tả, ngữ pháp đến ngôn ngữ dễ tiếp cận được nhiều hơn với mọi đối tượng, kể cả với những người khuyết tật hoặc những người đang học một ngôn ngữ mới.

Đã có nhiều cuộc thảo luận xoay quanh ChatGPT tập trung vào việc người dùng lạm dụng tiềm năng của chatbot này. Mối quan tâm hàng đầu là khả năng học sinh, sinh viên sử dụng ChatGPT để viết bài luận và các bài tập khác.

Vừa qua, các trường công lập ở phía Tây và bang Victoria của Úc đã cùng với các tiểu bang New South Wales, Queensland và Tasmania đưa ra lệnh cấm toàn diện đối với việc sử dụng ChatGPT ở trường học với học sinh, sinh viên. Quyết định này được đưa ra khi ChatGPT bị cấm tại một số học khu thuộc Mỹ, Pháp và Ấn Độ.

Giáo viên đã được yêu cầu tìm kiếm các dấu hiệu cho thấy học sinh đang sử dụng công cụ này ở nhà. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy công nghệ AI như công cụ do OpenAI tạo ra được sử dụng trong các trường học.

Nhiều chuyên gia giáo dục trên thế giới đang kêu gọi mọi người nên bình tĩnh và xem ChatGPT - một công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) như một cơ hội, thay vì trở ngại trong giáo dục.

Chia sẻ từ Phó giám đốc điều hành của Hội đồng Nghiên cứu Giáo dục Úc, Tiến sĩ Catherine McClellan cho biết, sự hoảng loạn về các mối đe dọa công nghệ đối với giáo dục không phải mới.

Tuy nhiên, bà McClellan không nghĩ rằng sự hoảng loạn này và lệnh cấm người học sử dụng những công cụ AI là cách nên làm. Thay vào đó, những nhà giáo dục nên biết cách sử dụng để nó là một công cụ có giá trị đối với người học.

Giáo sư George Siemens của Đại học Nam Úc, một chuyên gia quốc tế về AI và giáo dục cũng gợi ý rằng các giáo viên nên tập trung vào cách AI có thể làm được để cải thiện giáo dục.

Theo vị Giáo sư này, các chatbot như ChatGPT là những đổi mới sẽ luôn xuất hiện và tồn tại, phát triển. Thay vì cấm sử dụng, hãy để những công cụ này trở nên có lợi hơn khi giáo viên khám phá và thử nghiệm chúng để hiểu rõ hơn về những gì mà AI có thể làm cho việc dạy và học.

Ví dụ, nếu bạn là giáo viên và yêu cầu ChatGPT tạo giáo án mẫu cho một môn toán học lớp 5, thì nền tảng này sẽ tạo ra một bộ mục tiêu, mọi tài liệu bạn cần, cùng với một loạt hoạt động phù hợp cho học sinh ở cấp độ đó. Hoặc nếu bạn đang dạy lập trình, ChatGPT có thể tạo và gỡ lỗi mã mà bạn yêu cầu.

Không những vậy, công cụ này có thể giúp người dạy lập kế hoạch, tạo ý tưởng và tổ chức các bài học hàng tuần. Điều quan trọng là các chatbot thông minh này có thể tiết kiệm được thời gian chuẩn bị cho giáo viên và họ thể làm được thêm nhiều việc có ý nghĩa hơn cho học sinh của mình.

Việc giảng dạy đang thay đổi một cách nhanh chóng. Do đó, qua việc nắm bắt các công nghệ mới và tìm hiểu cách AI có thể bổ sung cho việc giảng dạy, giáo viên, những người làm giáo dục nên chuẩn bị một tương lai mới phát triển, cạnh tranh với những công nghệ tốt và thông minh nhất cho học sinh.

Giáo sư Siemens cũng cho rằng, AI có thể giảm thiểu công tác quản lý cũng như có thể mang đến cho học sinh, sinh viên những trải nghiệm học tập mới. Tuy nhiên, điều quan trọng là giáo viên phải chia sẻ với người học về những lợi ích và rủi ro xung quanh việc sử dụng chúng.

Bởi giáo dục đang ở đỉnh điểm của sự bùng nổ lớn về đổi mới và sáng tạo và AI là trung tâm của sự bùng nổ này. Những công cụ trí tuệ nhân tạo mở ra một cơ hội hoàn toàn mới cho việc tạo ra kiến ​​thức và sáng tạo ý tưởng để cải thiện phương pháp giảng dạy.

Sự hội tụ của con người và AI làm việc cùng nhau chính là tương lai. Do đó, nên đảm bảo rằng giáo viên và học sinh có thể tạo dựng được sự quen thuộc mà họ cần để ngày càng phát triển mạnh mẽ trong không gian mới này.

Khánh An (dịch)
VÌ SAO NGƯỜI TA NÓI NHIỀU VỀ ChatGPT ?
THIERRY POIBEAU/ BVN 10-2-2023

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

clip_image002

Việc ChatGPT ra mắt vào ngày 30 tháng 11 vừa qua đã đánh dấu một cột mốc mới trong sự phát triển các công nghệ về xử lý ngôn ngữ. Trong mọi trường hợp, đây là lần đầu tiên một hệ thống AI, kết quả trực tiếp từ công trình nghiên cứu, đã khơi dậy sự nhiệt tình như thế: nhiều bài viết đã xuất hiện trên các báo chuyên ngành cũng như trên các báo phổ thông. ChatGPT (hay OpenAI, công ty phát triển ChatGPT, hoặc cả hai) đã đều đặn dẫn đầu xu hướng trên Twitter cho đến tận hôm nay.

Vì sao có một tiếng vang lớn như thế? Liệu các khả năng của ChatGPT có đánh dấu một bước ngoặt khác so với các công nghệ trước đây trong việc tạo ra các văn bản hay không?

Có thể trò chuyện với ChatGPT

Rõ ràng, ChatGPT đã cho phép một bước nhảy vọt về chất: nó có khả năng trả lời hầu hết mọi tra vấn bằng ngôn ngữ tự nhiên, theo cách thường phù hợp.

GPT2, rồi GPT3 – các mô hình ngôn ngữ trước đây do OpenAI phát triển – đã tỏ ra rất mạnh trong việc tạo ra văn bản từ một vài chữ hoặc cụm từ được đưa ra dưới dạng lời nhắc (cái được gọi là “prompt [nhắc lời]”): người ta thường nói đến “con vẹt” (stochastic parrots/con vẹt ngẫu nhiên), như đề xuất của Emily Bender, và nhiều nhà nghiên cứu phê bình khác về các kỹ thuật này.

Thật vậy, người ta có thể nói rằng các hệ thống này tạo ra văn bản từ những mẫu câu được rút ra từ kho ngữ liệu khổng lồ mà các hệ thống này có sẵn... ngay cả khi phải diễn đạt hình ảnh con vẹt này một cách tinh tế: các hệ thống không lặp lại các đoạn trích từng chữ một, mà tạo ra một cách tổng quát một văn bản gốc bằng cách sử dụng lại, diễn giải lại, kết hợp các yếu tố thấy được trong nhiều ngữ liệu khác nhau.

ChatGPT lấy lại các đặc điểm đó, nhưng phần “chat” (đối thoại) sẽ bổ sung một khía cạnh hoàn toàn khác, và thường có vẻ loè bịp.

Hệ thống không còn tạo ra chỉ một đoạn văn từ một câu được đưa ra từ lúc đầu. Giờ đây, nó có thể trả lời, một cách chính xác, những câu hỏi đơn giản cũng như những câu hỏi phức tạp, nó có thể cung cấp các yếu tố lập luận, nói nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau, phân tích hoặc phát triển một mã tin học, trong số nhiều thứ khác nữa.

Ví dụ: nếu được hỏi liệu hai nhân vật có thể gặp nhau hay không, hệ thống sẽ có khả năng xác định ngày tháng tương ứng với sự tồn tại của các nhân vật, so sánh các ngày tháng đó và suy diễn câu trả lời từ đó. Đây là thứ tầm thường đối với con người, nhưng chưa có hệ thống nào, cho đến nay, có thể trả lời loại câu hỏi này một cách chính xác như thế, nếu không có tính chuyên môn cao.

Ngoài ngôn ngữ, ChatGPT còn có thể cung cấp các yếu tố lập luận toán học (nhưng thường là sai) và đặc biệt là phân tích mã tin học.

Trên quan điểm này, ChatGPT đã đi trước một bước so với các đối thủ cạnh tranh.

ChatGPT, một hệ thống khép kín

Liên quan đến hoạt động của hệ thống, khó có thể nói gì hơn, bởi vì OpenAI, dù mang tên gọi là open [mở], nhưng lại phát triển các hệ thống đóng. Điều đó có nghĩa là không thể tiếp cận mã tin học (mã nguồn) được sử dụng, và hiện nay phần lớn các nghiên cứu gắn liền với Chat GPT vẫn là một bí mật công nghiệp – mặc dù, tất nhiên, đã có nhiều nhóm khác đang nghiên cứu về các hệ thống tương tự, và cũng dựa trên cơ sở kỹ thuật học sâu. Vì thế, người ta có một ý tưởng về những gì được OpenAI sử dụng.

Nhiều công ty khác đã duy trì một mô hình cởi mở hơn, chẳng hạn như Meta với các công trình được tiến hành ở FAIR, thường là các dự án mở và được công bố tại các hội nghị chính trong lĩnh vực này. Nhưng, nói chung, người ta đang ngày càng chứng kiến nhiều nghiên cứu khép kín. Ví dụ, trong khi Apple luôn có một mô hình phát triển riêng tư và rất bí mật, thì Deepmind lại có một mô hình mở và có lẽ mở ít hơn một chút, bởi vì giờ đây công ty đang nằm dưới sự kiểm soát của Google.

Tự thân hệ thống ChatGPT có thể trở thành một thương phẩm: OpenAI được tài trợ bởi Microsoft, công ty có thể quyết định đóng cửa quyền truy cập vào hệ thống vào một ngày nào đó, nếu điều đó có lợi cho họ.

Khi thử nghiệm ChatGPT, bạn đã đóng góp (một cách miễn phí) để cải thiện nó

Trong khi chờ đợi, OpenAI hưởng lợi từ sự phổ biến rộng rãi mà công cụ của họ mang lại, cũng như hưởng lợi từ tất cả các mối tương tác của người dùng với ChatGPT. Nếu người dùng báo rằng câu trả lời không tốt, hoặc yêu cầu công cụ điều chỉnh lại câu trả lời có tính đến một yếu tố bổ sung, thì đó là bấy nhiêu lượng thông tin mà hệ thống lưu trữ được và có thể sử dụng lại để tinh chỉnh câu trả lời vào một lần sau, theo yêu cầu đã được đưa ra hoặc theo một yêu cầu tương tự. Khi thử nghiệm ChatGPT, chúng ta đang làm việc miễn phí cho OpenAI!

Quay trở lại với chính hệ thống, phần đối thoại chính là thứ tạo nên sức mạnh và nét riêng biệt của ChatGPT (so với GPT3 chẳng hạn). Đây không còn là một mô hình ngôn ngữ “đơn giản” có khả năng tạo ra văn bản “trên từng cây số”, mà là một hệ thống đối thoại thực sự. ChatGPT hẳn đã hưởng lợi từ hàng triệu hoặc hàng tỷ ví dụ được đánh giá bởi con người, và giai đoạn hiện tại – giai đoạn mà hàng trăm nghìn người dùng đang “chơi” gần như miễn phí với hệ thống – vẫn còn có thể giúp nó liên tục cải tiến, bởi vì, tất nhiên, tất cả các mối tương tác đều được ghi lại và được khai thác vì mục đích cải tiến này.

Hiện tại, việc truy cập vào kho dữ liệu hàng tỷ ngữ liệu để hiệu chỉnh một mô hình ngôn ngữ theo kiểu “GPT” là khá đơn giản, ít nhất là đối với những ngôn ngữ được phổ biến rộng rãi trên Internet.

Nhưng những dữ liệu giúp hiệu chỉnh ChatGPT (đối thoại, tương tác với con người), tự thân chúng, không được công khai, và đây là điều mang lại cho OpenAI một lợi thế đáng kể so với đối thủ cạnh tranh.

Ví dụ: Google có nhiều nguồn dữ liệu khác nhau, nhưng có lẽ cũng khả dĩ khai thác được đối với loại hệ thống này – đặc biệt khi Google đã phát triển, từ nhiều năm qua, một đồ thị kiến thức, có khả năng đưa ra câu trả lời với độ tin cậy cao hơn ChatGPT. Đặc biệt, việc phân tích các chuỗi tra vấn từ công cụ tìm kiếm Google có thể cung cấp những thông tin có giá trị để hướng dẫn sự tương tác với người dùng... Tuy nhiên, trong khi chờ đợi, chính OpenAI là bên có sẵn ChatGPT, chứ không phải Google: OpenAI có lợi thế hơn.

ChatGPT đã vượt qua các vòng thử nghiệm đầu tiên

Trên thực tế, ngay cả khi có khả năng vượt qua những giới hạn của ChatGPT, thì hệ thống vẫn từ chối giải thích cách thức tạo ra một quả bom, tạo ra những câu chuyện khiêu dâm, hoặc cho thấy cảm xúc (ChatGPT thường trả lời rằng ChatGPT là một cỗ máy, rằng ChatGPT không có cảm xúc hoặc cá tính). OpenAI rõ ràng đã có sự quan tâm đến cách thức truyền thông của họ. Công ty cũng đã hết sức quan tâm đến việc “che chắn” hệ thống, giúp hệ thống làm thất bại hầu hết những cạm bẫy có thể làm hỏng loại ứng dụng này trong vài giờ, điều thường xảy ra đối với các hệ thống mở cho công chúng.

Ví dụ, chúng ta có thể kể đến Meta, vào tháng 11 năm ngoái, đã phải rút lại hệ thống có tên gọi là “Galactica” sau hai ngày ra mắt trên mạng. Galactica đã được luyện tập trong lĩnh vực khoa học và được thiết kế để cung cấp dịch vụ cho các nhà nghiên cứu. Lần đầu tiên nó được quảng cáo là có khả năng viết các bài báo khoa học, một cách tự động, từ một lời nhắc… trước khi công ty làm rõ Galactica chỉ là một công cụ hỗ trợ cho công việc viết bài. Nhưng chiến lược truyền thông đáng tiếc này đã gây ra một cuộc tranh cãi, buộc Meta phải nhanh chóng gỡ bỏ Galactica.

Thierry Poibeau

Ngược lại, ChatGPT vẫn hiện diện trực tuyến trên mạng, và luôn khơi dậy nhiều đam mê từ một lượng lớn công chúng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều câu hỏi được đặt ra: Mức độ tác động của ChatGPT sẽ ra sao? Những ứng dụng nào khác sẽ phát sinh từ nó? Và công ty OpenAI (và Microsoft, nhà đầu tư chính của nó) nhắm đến mô hình kinh tế nào?

T.P.

*

Thierry Poibeau là giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu quốc gia của Pháp (CNRS), Ecole Normale Supérieure (ENS) – PSL

Nguồn bản gốc: “ChatGPT : pourquoi tout le monde en parle ?”, The Conversation, ngày 11/01/2023.

Nguồn bản dịch: phantichkinhte123.com


ĐỂ KHÔNG BỊ ChatGPT 'VƯỢT MẶT', NGƯỜI THẦY PHẢI THAY ĐỔI
 NHỮNG GÌ?
PHẠM MINH th/GDVN 12-2-2023

GDVN- Những nhà giáo dục, các nhà trường sẽ có biện pháp thi cử mới, đánh giá mới hoặc điều chỉnh các phương thức cũ để nó phù hợp với “thời đại của ChatGPT”.

Sự xuất hiện của ChatGPT - ứng dụng AI của công ty khởi nghiệp OpenAI đã cho thấy sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo và đang tạo nên “cơn sốt” trên toàn cầu.

Theo nhiều chuyên gia, ngành giáo dục cũng đang đứng trước thách thức lớn khi sản phẩm công nghệ này có thể thay con người viết luận văn, giải toán, lập luận phân tích các vấn đề và tương tác lại các yêu cầu của người dùng một cách nhanh chóng.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phạm Hiệp - Trưởng nhóm nghiên cứu đổi mới giáo dục Reduvation, Trường Đại học Thành Đô về dự báo những tác động của ChatGPT trong tương lai, nhất là đối với hoạt động dạy và học hằng ngày.

Để không bị ChatGPT "vượt mặt", người thầy cần phải thay đổi những gì? ảnh 1

Tiến sĩ Phạm Hiệp cho rằng, ChatGPT có thể trở thành người bạn học với mỗi người, giúp chúng ta học tập hiệu quả hơn. (Ảnh: NVCC)

Phóng viên: Thưa Tiến sĩ Phạm Hiệp, liệu sự ra đời của ChatGPT có đang là thách thức lớn đặt ra cho ngành giáo dục?

Tiến sĩ Phạm Hiệp: Đây không phải là lần đầu tiên có một sản phẩm công nghệ cũng như trí tuệ nhân tạo được đưa vào trong đời sống cũng như vào trong giáo dục. Trước ChatGPT thì khoảng 25 năm trước, sự xuất hiện của Google với tốc độ tìm kiếm thông tin cực nhanh cũng đã tạo nên một “cơn sốt” khiến nhiều người, đặc biệt những nhà giáo dục phải lo ngại. Tương tự có thể kể đến sự ra đời của Wikipedia, hay phần mềm như Grammarly để kiểm tra ngữ pháp, phần mềm Quillbot để chỉnh sửa câu, những phần mềm giải toán bằng AI,…

Tất nhiên, sự kiện lần này có giá trị đặc biệt hơn vì đây là lần đầu tiên chúng ta thấy có một sản phẩm công nghệ tương tác nhanh và tức thời đối với những câu hỏi của người dùng như vậy.

ChatGPT sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới cho hoạt động dạy và học nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với những nhà giáo trong việc dạy học, lên lớp, giảng bài, đặc biệt là trong kiểm tra đánh giá người học.

Phóng viên: Ông có thể nói rõ hơn về thách thức trong hoạt động kiểm tra đánh giá người học trước sự xuất hiện của ChatGPT?

Tiến sĩ Phạm Hiệp: Nếu chúng ta vẫn dùng cách thức kiểm tra, đánh giá cũ, đơn thuần là yêu cầu người học làm bài tập, gửi bài luận, làm bài ở nhà gửi cho thầy cô, và việc chấm bài sơ sài thì người học sẽ dễ dàng dùng ChatGPT thực hiện các nhiệm vụ học tập thay mình. Nghĩa là giáo viên có thể bị “qua mặt”, bị đánh lừa, không thể đánh giá chính xác năng lực học tập của học sinh, sinh viên.

Tuy nhiên nếu kiểm tra đánh giá bao gồm cả quá trình, người thầy theo sát học trò trong thời gian học tập và đưa ra những đánh giá trong cả quá trình thì ChatGPT không thể “đánh lừa” được một người thầy nào.

Người học có quyền dùng ChatGPT và chúng ta không thể cấm người học dùng công nghệ này được, nhưng nếu người học không tập trung, không chọn lọc, không “tiêu hoá” những thông tin được ChatGPT đưa ra thì rất có thể họ cũng chỉ là “cái máy” truyền đạt lại những thông tin được AI chuẩn bị cho họ mà thôi.

Vì vậy, đây không phải là vấn đề khiến chúng ta phải quá lo lắng, vì những nhà giáo dục, các nhà trường sẽ có biện pháp thi cử mới, đánh giá mới hoặc điều chỉnh các phương thức cũ để nó phù hợp với “thời đại của ChatGPT” cũng như xu hướng giáo dục hiện đại.

Phóng viên: Với khả năng giải toán, làm thơ, lập luận, phân tích, … liệu ChatGPT có đang “đe doạ” vị trí của người thầy?

Như tôi đã nói, đúng là ChatGPT không chỉ giúp chúng ta tìm kiếm thông tin mà còn giúp giải quyết được nhiều vấn đề khác, nếu người thầy sát sao với người học, hệ thống kiểm tra đánh giá sát sao trong cả quá trình thì không ai đánh lừa được người thầy cả.

Người học có thể sử dụng ChatGPT viết một bài luận nhưng phần mềm công nghệ này không thể thay các em trình bày trước hội đồng, trước các thầy cô giáo.

Vẫn là người học phải đứng lên trình bày, và người học không hiểu thì không thể hoàn thành nhiệm vụ học tập, cũng không thể trả lời được những câu hỏi phản biện của thầy cô. ChatGPT cũng không thể thay thế được những tương tác trong học tập.

Như vậy, có thể thấy sự chuyển biến tất yếu của công nghệ và giáo dục, người thầy phải thay đổi trong cách dạy học, kiểm tra đánh giá, không còn cách nào khác.

Phóng viên: Nhiều khả năng của ChatGPT khiến con người phải kinh ngạc, cũng có người lo ngại, người học sẽ bị lệ thuộc vào công nghệ, trở nên lười tư duy, lười sáng tạo?

Tiến sĩ Phạm Hiệp: ChatGPT cũng như những ứng dụng đã xuất hiện trước đây, nó sẽ cho thấy rõ ràng hơn, ai là người chăm chỉ và ai là người lười suy nghĩ.

Người chăm chỉ chịu khó thì sẽ biết tận dụng ChatGPT như một trợ lý học tập cho mình, giúp mình tư duy nhanh hơn, giải quyết vấn đề nhanh hơn, tìm kiếm tài liệu chọn lọc, thông minh và hiệu quả hơn. Còn người nào lười biếng sẽ bị lệ thuộc vào nó và không thể phát triển năng lực tư duy, sáng tạo.

Phóng viên: Thêm một vấn đề được đặt ra là làm sao để chống đạo văn khi người học được sử dụng ChatGPT, thưa ông?

Tiến sĩ Phạm Hiệp: Tôi được biết, đã và đang có những ứng dụng để phát hiện ra việc sử dụng phần mềm ChatGPT, có thể giờ nó chưa phổ biến nhưng rồi những phần mềm này sẽ phổ biến hơn, hoàn thiện hơn, giúp chúng ta giải quyết vấn đề này.

Tương tự như trước đây, Google, Wikipedia giúp cho người học tìm kiếm được tài liệu rất nhanh, nhiều người chỉ có copy thông tin để trả bài nhưng bằng phần mềm kiểm tra đạo văn như Turnitin, … thì chúng ta có thể phát hiện ra ai là người đạo văn.

Tương lai sẽ có những phần mềm hoàn thiện để nhận biết những bài văn, bài luận viết bằng ChatGPT.

Hơn nữa, qua trải nghiệm cá nhân những ngày qua khi tôi sử dụng ChatGPT có thể thấy, nội dung thông tin ChatGPT đưa ra không phải lúc nào cũng đúng, cũng chuẩn xác. Có những nội dung phần mềm AI này trả lời rất tốt, còn có những nội dung lại trả lời thiếu logic, thiếu tính thống nhất giữa các câu trả lời nếu bị hỏi dồn dập.

Vì thế mà người học dựa hoàn toàn vào nó là sai lầm, nó đưa ra thông tin nào cũng tin và chép vào bài thì kết quả có thể là một bài luận với nội dung ngô nghê, bất hợp lý. Lúc đó chẳng cần phần mềm nào mà chỉ cần người thầy đọc kỹ cũng sẽ nhìn ra ngay.

Vậy điều quan trọng là trước một sản phẩm công nghệ thông minh thì khi đó con người cũng cần phải thông minh hơn để xử lý nó, mình cần nhìn nó như một công cụ hỗ trợ cho học tập, công việc.

Tất nhiên về mặt quản lý thì các nhà trường cũng cần phải có những điều chỉnh về mặt quy chế đào tạo, quy chế người học để phù hợp với bối cảnh mới, chứ không thể dùng các phương thức cũ được.

Phóng viên: Vậy với đối tượng là học sinh phổ thông, ở các bậc tiểu học, trung học cơ sở, có thể tính tự giác trong học tập chưa cao, ông nghĩ chúng ta có nên cấm các em dùng ChatGPT?

Tiến sĩ Phạm Hiệp: Không thể cấm các em sử dụng ChatGPT, như 25 năm trước có ý kiến cho rằng cần cấm sử dụng Google, nhưng không ai cấm được, mà chúng ta phải có hướng dẫn, để các em dùng ChatGPT một cách thông minh, hiệu quả.

Tôi lại cho rằng, chính những học sinh nhỏ tuổi, trong sáng lại có thể sử dụng tốt phần mềm công nghệ này cho học tập.

Chúng ta phải hiểu, các bạn trẻ sinh ra trong thời đại công nghệ cũng giống như con cá được sinh ra dưới nước thì cá phải biết bơi, chúng ta không thể cấm các em sử dụng ChatGPT được, các em được sống và sử dụng công nghệ chứ không thể cô lập nó. Nên có biện pháp sử dụng phù hợp.

Ví dụ, khi tôi ở vị trí của một người học, thay vì học nhóm với bạn bè thì tôi học nhóm với ChatGPT, có thể ChatGPT sẽ phát triển thành một phiên bản trao đổi bằng lời nói, giao tiếp với tôi, tôi hoàn toàn có thể học tập cùng ChatGPT.

Quá trình học hỏi, trao đổi và nhận được câu trả lời từ AI, có lúc tôi sẽ dừng lại để tra cứu thông tin đã nhận được và hỏi lại nó, như vậy có phải là chúng ta đang thay đổi hành vi dạy và học không?

ChatGPT có thể trở thành người bạn học với chúng ta như người bạn học bình thường khác, hai người trao đổi không phải nội dung nào cũng đúng, việc chúng ta hiểu nhầm, hiểu sai là bình thường, ChatGPT cũng có thể hiểu sai vấn đề nào đó, nhưng việc nó cung cấp, trao đổi thông tin cùng mình đã là tốt rồi.

Nhiệm vụ của người học là phải biết cách kiểm tra thông tin, từ đó nâng cao năng lực học tập của mình, năng lực phát hiện vấn đề, kiểm chứng thông tin, và nhớ đừng vội tin ChatGPT.

Tôi nghĩ tới một thời điểm nào đó, thay vì chúng ta hỏi nhau “đã Google chưa” thì chúng ta sẽ hỏi "đã ChatGPT chưa”. Trong bối cảnh đó, có thể ChatGPT sẽ trở thành một công cụ không thể thiếu trong hoạt động dạy và học hằng ngày, điều này là một xu hướng tốt.

Phóng viên: Ở những nền giáo dục trên thế giới, họ tiếp nhận sản phẩm công nghệ ChatGPT này như thế nào, thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ Phạm Hiệp: Thời gian qua, đã có những phản ứng khác nhau trên toàn thế giới và hầu hết mọi người đều tỏ ra kinh ngạc trước khả năng trả lời câu hỏi, tương tác, giải quyết vấn đề của ChatGPT.

Hiện có nhóm ủng hộ chào đón công nghệ này, có nơi lại dè dặt với nó, có nơi đưa ra những thay đổi quy chế về đạo đức học thuật, đạo đức dạy và học sao cho phù hợp với sự ra đời của ChatGPT

Các nhà nghiên cứu, các hiệp hội ở các quốc gia cũng đã liên kết, có nhiều diễn đàn trao đổi, thảo luận về tác động sản phẩm công nghệ này đối với giáo dục.

Chúng ta đang rơi vào bối cảnh công nghệ đi trước khiến con người phải chạy theo sau.

Tôi tin trong suốt năm 2023 đến 2024, câu chuyện này vẫn còn nóng, ChatGPT sẽ còn vận động thay đổi, sẽ khác qua từng ngày, ChatGPT của ngày mai sẽ có thể rất khác ChatGPT của ngày hôm nay. Cũng như Google hiện nay rất khác Google hồi mới ra đời. Chính vì vậy, mọi ngành đều đang nghĩ cách sử dụng và kiểm soát nó một cách hiệu quả, hợp lý nhất.

Phóng viên: Tương lai có thể có những phiên bản ChatGPT hoàn thiện hơn, thông minh hơn. Vậy người thầy phải thay đổi như thế nào nếu không muốn bị công nghệ “vượt mặt”?

Tiến sĩ Phạm Hiệp: Người thầy phải học tập suốt đời, tìm cách sử dụng ChatGPT như một công cụ hỗ trợ hoạt động dạy và học, nghiên cứu chứ không lệ thuộc vào nó.

Ví dụ giáo viên hỏi ChatGPT mẫu đề cương môn học nào đó, câu trả lời nhận được từ ChatGPT, người thầy chỉ dùng để tham khảo thôi, từ đó, với chuyên môn, vận dụng năng lực và sự sáng tạo của mình để điều chỉnh cho phù hợp. Như vậy, ChatGPT đã hỗ trợ công việc của người thầy một cách nhanh hơn. Nhưng đó cũng chỉ là kiến thức của AI nên người thầy phải biến thông tin mình nhận được thành sản phẩm của chính mình.

ChatGPT hữu ích, nhưng nếu lười không nghiên cứu và sử dụng nó đúng cách thì sẽ phụ thuộc vào nó và không thể phát triển bản thân.

Như chính tôi cũng đang điều chỉnh lại cách làm việc của mình khi có sự hiện diện của ChatGPT, tôi phải tập sử dụng hằng ngày để tìm được phương thức phù hợp nhất cho việc giảng dạy và nghiên cứu của mình. Cá nhân tôi chưa tìm được phương thức cuối cùng nhưng cũng đã rút ra được một số cách làm mới phù hợp hơn.

Như vậy, người thầy cần thay đổi hành vi dạy và tự học của chính mình.

Nếu dùng ChatGPT có chiến lược và suy nghĩ, biết tư duy và sáng tạo thì hiệu quả học tập, làm việc sẽ tăng lên, tiết kiệm được thời gian hơn rất nhiều.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Phạm Hiệp!

Phạm Minh (thực hiện)

ChatGPT GIÚP SV HOÀN THÀNH LUẬN VĂN, TRƯỜNG ĐẠI HỌC Ở VIỆT NAM ỨNG PHÓ RA SAO ?

NGỌC MAI/GDVN 11-2-2023

GDVN- Nếu sử dụng ChatGPT vào mục đích gian lận thì trường đại học sẽ có phương án phòng chống, xử lý kịp thời.

Những ngày qua, câu chuyện một sinh viên Trường Đại học Nhân văn Nga sử dụng ChatGPT để hoàn thành luận văn tốt nghiệp đã gây nên làn sóng tranh cãi trong dư luận.

Cụ thể, sinh viên này chia sẻ trên Twitter về việc bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp với sự hỗ trợ nhanh chóng của ChatGPT và được hội đồng thông qua với đánh giá “đạt yêu cầu” khi chương trình chống đạo văn xác nhận tính nguyên bản đến 82%. Hiện, Trường Đại học Nhân văn Nga đã đề xuất các cơ sở giáo dục hạn chế quyền truy cập vào ChatGPT.

Việc sử dụng hệ thống mạng nơ-ron và trí tuệ nhân tạo đang được xem là một thách thức mới trong các hoạt động khoa học và giáo dục. Một số trường đại học cũng đặt ra sự cần thiết phải phát triển các công cụ để nhận biết việc sử dụng mạng nơ-ron trong các luận văn và cũng như tăng các nhiệm vụ mà sinh viên chỉ có thể tự hoàn thành.

ChatGPT giúp SV hoàn thành luận văn, trường ĐH ở Việt Nam ứng phó ra sao? ảnh 1

ChatGPT cán mốc 100 triệu người/tháng chỉ 2 tháng sau khi trình làng. Ảnh minh hoạ: nguồn Báo Long An

Trước lo ngại ChatGPT thay thế sinh viên làm luận văn, luận án, thực hiện hành vi gian lận thi cử, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với một số trường đại học về mức độ ảnh hưởng, phương án xây dựng kịch bản ứng phó với ChatGPT đối với sinh viên.

Trường có phương án phòng chống nếu sinh viên sử dụng ChatGPT cho hành vi gian lận

Chia sẻ với phóng viên, một vị Phó Hiệu trưởng trường đại học đào tạo về công nghệ thông tin và truyền thông ở Hà Nội cho biết, ChatGPT cũng tương tự như Google. Tuy nhiên, khi nhập tìm kiếm, Google sẽ trả lại rất nhiều kết quả và người dùng phải đọc, lọc xem kết quả nào là phù hợp nhất với mục đích tìm kiếm.

“ChatGPT thông minh hơn Google ở chỗ hiểu khá tốt nội dung tìm kiếm, kết quả trả về cho người dùng không phải một danh sách mà là một câu trả lời sát nhất với câu hỏi", vị này cho biết.

Về việc một số trường đại học nước ngoài hạn chế quyền truy cập vào ChatGPT, theo vị này, yêu cầu hạn chế quyền truy cập vào ChatGPT hay cấm sử dụng cũng tương tự như cấm gian lận, quay cop trong thi cử. Tức là, trong học tập, thi cử, cứ những gì không xuất phát từ tự thân làm bài của học sinh, sinh viên mà sử dụng một công cụ hỗ trợ khác để hoàn thành, lấy làm kết quả của mình thì đều bị cấm.

"Khi chưa có ChatGPT, muốn tìm kiếm thông tin, người dùng sẽ sử dụng Google để chắt lọc, ghép nối nội dung của nhiều bài viết thành bài của mình. ChatGPT ra đời sẽ giảm bớt công sức tìm kiếm cho người dùng vì cho ra đáp án sát, tương đối chính xác và sử dụng được. Đây cũng là một dạng quay cop, đạo văn.

Tôi không bàn đến chuyện cấm ChatGPT của một số trường là hợp lý hay không. Chúng ta nên hiểu, trong thi cử, bất kể một thiết bị nào hỗ trợ dẫn đến hành vi gian lận, quay cop thì các trường cấm sử dụng là yêu cầu hết sức bình thường", vị này chia sẻ.

Hiện ChatGPT cũng mới xuất hiện ở Việt Nam nên nhà trường chưa nghiên cứu sâu vào việc sinh viên sẽ sử dụng ứng dụng này như thế nào. Trong thời gian tới, nếu ChatGPT ảnh hưởng nhiều đến sinh viên thì nhà trường sẽ có phương án ứng phó cụ thể.

"Nếu sinh viên sử dụng ChatGPT vào mục đích trải nghiệm, khám phá được những điều hay ho thì không có vấn đề gì. Nhưng nếu sử dụng vào mục đích gian lận thì trường sẽ có phương án phòng chống, xử lý kịp thời”, vị Phó Hiệu trưởng nhận định.

Cùng bàn về vấn đề này, một cán bộ quản lý giáo dục hiện đang công tác tại trường đại học có quy mô đào tạo lớn về khối ngành công nghệ kỹ thuật cho biết, trước sự ra đời của ChatGPT, các ngành thuộc nhóm công nghệ thông tin như: Lập trình, Phân tích dữ liệu… sẽ chịu tác động khá lớn.

“Đây thực sự là vấn đề cần quan tâm, khi một vài năm gần đây ngành/nghề này được đông đảo các bạn trẻ theo đuổi”, vị này chia sẻ.

Ngoài ra, Insider cũng đã tổng hợp các ngành nghề có thể bị gián đoạn bởi các công cụ AI như ChatGPT, gồm có: Nhóm các ngành nghề liên quan đến truyền thông, quảng cáo, tiếp thị, các ngành thuộc về nhóm tư vấn, hỗ trợ khách hàng (tư vấn pháp lý, dịch vụ khách hàng), các ngành về phân tích (tài chính, thị trường…) và các ngành sử dụng ngôn ngữ làm phương tiện (giáo viên, báo chí…).

“ChatGPT cũng như các Bot AI đang gây ra sự lo ngại đáng kể cho các cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, đây thực sự là xu hướng của công nghệ trong thời đại 4.0. Một số trường đại học đưa ra các biện pháp đối phó với tình huống mới này, trong đó có việc cấm người học sử dụng vào các mục đích thực hiện các bài luận, bài kiểm tra. Đây là cách xử lý dễ hiểu khi các nhà trường đang bị đặt trước những vấn đề mới, phức tạp và chưa có cách xử lý thích hợp.

Tuy nhiên, về lâu dài, tôi không cho rằng đây là cách xử lý tối ưu vì những gì đã trở thành xu hướng thì không nên và không thể né tránh hoặc cấm cản. Điều cần thiết là tìm ra các giải pháp phù hợp, có hiệu quả để ứng xử với sự xuất hiện của ChatGPT hay bất kể một ứng dụng công nghệ trí tuệ nào mới sẽ tiếp tục ra đời”, vị cán bộ quản lý nêu quan điểm.

Sẵn sàng kịch bản ứng phó ChatGPT

Tiếp cận dưới góc độ cá nhân, vị cán bộ chia sẻ rằng cảm thấy hứng thú nhiều hơn là lo ngại trước sự xuất hiện của ChatGPT. Vì đây là công cụ có khả năng hỗ trợ rất tốt cho học tập và nghiên cứu trong các trường đại học. Việc khai thác đúng công cụ này sẽ giúp nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục và đào tạo trong các nhà trường. Hoạt động tự học, tự nghiên cứu của sinh viên sẽ vô cùng thuận lợi, môi trường học tập sẽ được mở rộng vượt ra phạm vi của nhà trường, lớp học.

Trước vấn đề phát sinh như ChatGPT có thể thay sinh viên làm luận văn, luận án, khóa luận, vị cán bộ quản lý giáo dục trường đại học không coi đây là vấn đề quá nghiêm trọng.

Cụ thể, thứ nhất, để ChatGPT cho ra được một sản phẩm hoàn thiện như luận văn tốt nghiệp, sinh viên phải biết “hỏi” – nghĩa là đặt được vấn đề, chọn từ khóa phù hợp cho vấn đề nghiên cứu của mình.

Để xác định được những nội dung này, sinh viên phải thực sự hiểu được những vấn đề mà mình cần hướng đến, đây cũng là một cách học.

Thêm nữa, dù là công cụ mạnh nhưng sản phẩm của ChatGPT cũng chưa thể sử dụng được ngay mà vẫn cần quá trình biên tập và chỉnh sửa nhất định. Do vậy, sinh viên cũng cần phải có kiến thức, kỹ năng cần thiết để xử lý mà ChatGPT đưa ra.

Thứ hai, ChatGPT có khả năng tổng hợp rất nhanh từ những dữ liệu có sẵn và khả năng nội suy. Hay nói cách khác, ChatGPT có khả năng rất mạnh trong tìm kiếm thông tin, viết báo cáo tổng hợp, viết các văn bản dựa vào năng lực tổng hợp thông tin, cũng như đưa ra các suy luận từ các quy luật và nội dung đã có sẵn.

Tuy nhiên, ChatGPT không có khả năng hoặc không thực sự mạnh với những yêu cầu nằm ngoài cơ sở dữ liệu của nó thu thập được, hay những vấn đề có tính thực tiễn, thời sự hoặc đòi hỏi sáng tạo chỉ có ở con người.

“Do vậy, chỉ cần có thêm các yêu cầu mang tính sáng tạo hoặc giải quyết những vấn đề thực tiễn trong các yêu cầu, đề tài giao cho sinh viên thì việc sử dụng ChatGPT cũng sẽ không thay thế được sinh viên trong thực hiện các công trình này”, vị cán bộ cho biết.

Thứ ba, với cách đánh giá luận văn, khóa luận của sinh viên hiện nay, các nhà trường không chỉ dựa vào tài liệu sinh viên nộp mà sinh viên còn phải bảo vệ những luận điểm, nội dung được đưa ra trong bài luận của mình trước thầy, cô hoặc cả một hội đồng. Do vậy, sinh viên không đơn giản vượt qua được hình thức đánh giá này chỉ nhờ sự hỗ trợ của công nghệ ChatGPT mà không có năng lực thực sự.

Như vậy, để ứng phó hiệu quả với những hệ lụy có thể có từ việc xuất hiện các Bot AI, ChatGPT, các nhà trường cần quan tâm lúc này:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đối với các thành viên trong nhà trường về ý nghĩa của “thực học” và tác hại của việc đối phó với các kỳ thi.

Hai là, cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo theo hướng chuyển dần từ dạy cái đã xảy ra sang dạy cái sẽ xảy ra.

Ba là, đổi mới phương pháp đánh giá, đưa các yêu cầu đánh giá năng lực thực sự của người học như khả năng sáng tạo, áp dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn… Tăng cường đánh giá quá trình đối với hoạt động học tập thay cho việc tập trung vào đánh giá kết thúc. Đa dạng hóa yêu cầu đối với sản phẩm ghi nhận kết quả học tập thay cho một bài luận hoặc khóa luận mang tính lý thuyết.

Bốn là, sử dụng một số công cụ công nghệ hỗ trợ giúp xác định nội dung hình thành bởi Bot AI, ChatGPT… như GPTZero, OpenAI’s AI Text Classifier… để kiểm tra, rà soát các bài luận, khóa luận của sinh viên.

Ngọc Mai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét