Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2023

20230219. NHỚ VỀ CUỘC CHIẾN CHỐNG TQ XÂM LƯỢC 1979

  ĐIỂM BÁO MẠNG

CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI 1979: SÒNG PHẲNG VỚI LỊCH SỬ KHÔNG PHẢI

 KÍCH ĐỘNG HẬN THÙ

TRẦN TRUNG HIẾU/ VNN 17-2-2023

Ngày 17/2/1979, 60 vạn quân Trung Quốc mở cuộc tấn công ào ạt trên 6 tỉnh biên giới Việt -Trung. Hôm nay sự kiện đó đã tròn 44 năm.

Đã có nhiều sự thay đổi tích cực sau việc bình thường hóa quan hệ Việt - Trung năm 1991. Chúng ta gác lại quá khứ, hướng tới tương lai vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển nhưng không có nghĩa lãng quên những gì đã xảy ra. 

Sự thật lịch sử

Thứ nhất, sự kiện ngày 17/2/1979 và nhiều năm sau, đó là một cuộc chiến tranh xâm lược có tính toán nằm trong tham vọng bá quyền của Trung Quốc. Họ đã hạ quyết tâm, chủ động vạch kế hoạch, tổng động viên lực lượng để tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn vào lãnh thổ Việt Nam. Trung Quốc đã tìm cách lý giải và biện minh cho hành động này chỉ là “cuộc phản công tự vệ”, bất chấp đạo lý và pháp lý.


Những người lính tuổi 18, 20 tham gia mặt trận Vị Xuyên trong cuộc chiến bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Ảnh tư liệu

Thứ hai, với Việt Nam, đó là cuộc chiến tranh vệ quốc để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn  lãnh thổ, vì khát vọng hòa bình của nhân dân. Dân tộc Việt Nam luôn trân quý hòa bình và yêu chuộng nền hòa bình nhưng sẽ không bao giờ chịu khuất phục trước bất cứ hành động xâm lược nào, dù kẻ thù hung hãn tới đâu.

Thứ ba, ngày 17/2/1979 quân đội Trung Quốc xâm lược và đến ngày 18/3/1979, họ tuyên bố hoàn thành rút quân sau 1 tháng gây chiến, nhưng cuộc chiến không chỉ dừng lại 1 tháng mà nó còn kéo dài dai dẳng đến năm 1989, tuyến biên giới các tỉnh phía Bắc mới ngưng tiếng súng.

Thứ tư, suốt 10 năm đó, quân đội Trung Quốc đã gây cho Việt Nam sự tổn thất vô cùng to lớn về người và của. Họ đã tiến hành nhiều vụ thảm sát tàn bạo, tàn phá nhiều làng mạc, nhà cửa, cơ quan trường học, công trình dân sinh của quân và dân dọc 6 tỉnh biên giới phía Bắc.

Thứ năm, về phía Trung Quốc, xét về mặt quân sự, đây là thất bại nặng nề. Trên phương diện ngoại giao, đa số các nước trên thế giới phản đối hoặc biểu thị thái độ không đồng tình, yêu cầu Trung Quốc ngưng cuộc chiến.

Chủ quyền thiêng liêng

Chiến tranh là điều không ai muốn, nhưng khi đã nổ ra vì bất kỳ lý do gì thì không thể lãng quên. Thời gian dần xóa đi những vết tích đau thương, nhưng sự thật của cuộc chiến tranh đó cần nhắc lại đầy đủ, không thêm bớt và cũng không nên che dấu, càng không nên khoét sâu, thổi bùng thù hằn dân tộc.

Hãy nói đúng lịch sử và bản chất của sự kiện! Cần phải đối xử công bằng với lịch sử. Thời thế, quan hệ bạn- thù đổi thay, nhưng lợi ích quốc gia dân tộc, đặc biệt là độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thì không bao giờ thay đổi.

Nhắc lại cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 1979 là cách tri ân người đã ngã xuống, là cách nhắc nhở với thế hệ trẻ, cho hậu thế những bài học lịch sử và cũng là cách chúng ta thể hiện vị trí đàng hoàng, đĩnh đạc của một quốc gia có chủ quyền trước các cường quốc.


Tác giả cùng cuốn sách ông biên tập tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên - Hà Giang. Ảnh: tác giả cung cấp

Ôn lại cuộc chiến không phải để “gặm nhấm quá khứ” mà để rút ra bài học cho hiện tại, hướng tới tương lai - một tương lai hòa bình, hữu nghị và hợp tác để cùng nhau phát triển. Từ cuộc chiến bùng nổ 44 năm trước, cho đến hôm nay, chúng ta đều phải thẳng thắn thừa nhận: Sòng phẳng với lịch sử không phải kích động hận thù.

44 năm qua, thời gian đủ dài để 2 bên có điều kiện nhìn lại cuộc chiến này một cách khoa học, đầy đủ và chân thực để tìm ra phương thức xử lý tối ưu các vấn đề tồn tại. Nhắc lại cuộc chiến một cách khách quan, khoa học là cách tốt nhất để đẩy lùi những luận điệu xuyên tạc, dùng lịch sử để kích động, đồng thời là cách tốt nhất giáo dục cho thế hệ trẻ truyền thống yêu nước, lòng tự tôn dân tộc và trách nhiệm công dân với Tổ quốc.

Bài học từ lịch sử

Lịch sử bản chất là luôn sòng phẳng, khách quan. Cái gì đã xảy ra rồi cũng có lúc sẽ được đặt trên bàn cân lịch sử để luận định. Chúng ta nhìn lại cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc trước hết là để rút ra bài học cho chính mình: Cái gì lẽ ra có thể tránh được và cái gì cần nhớ để nhắc lại cho thế hệ sau. Giữ được hòa khí, hòa hiếu nhưng không được nhu nhược, hèn nhát. Hiểu lịch sử để không ngộ nhận, mơ hồ và bị động, chủ động đối phó những bất trắc trong tương lai.

Nhắc đến cuộc chiến để gửi gắm thông điệp hòa bình, đồng thời để chúng ta đều thấy có phần trách nhiệm xây dựng, thúc đẩy và phát triển truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân 2 nước nói chung và nhân dân vùng biên Việt - Trung nói riêng.

Xét về góc độ lịch sử thì cuộc chiến bùng nổ 44 năm trước giống như một vết hằn, một cái hố ngăn cách quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cách tốt nhất là làm thế nào để “cái hố” ấy không bị đào sâu thêm, khoét rộng ra, để rồi mỗi khi đi qua trên cái cầu hữu nghị được bắc qua “cái hố” ấy vẫn nhìn thấy bài học đắt giá.

Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, việc đẩy mạnh hợp tác trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh đổ, không can dự vào công việc nội bộ của nhau và cùng có lợi là tất yếu. Không được lãng quên sự thật nhưng không nên dùng nó để khơi gợi, khoét sâu hận thù trong quá khứ.

Quan hệ ngày một phát triển hiện nay giữa Việt Nam với các cựu thù như Pháp, Nhật, Mỹ luôn cho chúng ta thấy rõ điều đó. Đó cũng là bài học lịch sử quý giá, là kinh nghiệm lịch sử thiết thực phục vụ cho đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp và khó lường.

Trần Trung Hiếu

NHÂN DÂN KHÔNG BAO GIỜ QUÊN
MẠC VĂN TRANG/ FB 16-2-2023

Ngày 17/2/1979 Trung cộng đã đưa hơn 60 vạn quân, hơn 400 xe tăng và nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh khác, bất ngờ tấn công vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta. Chúng gây nên tội ác tày trời “giết sạch, phá sạch”. Mấy vạn đồng bào và chiến sĩ ta đã hy sinh trong cuộc chiến đánh đuổi quân xâm lược.
Sự thật lịch sử cần phải được nói rõ mới rút ra bài học đúng đắn cho cả hai bên. Nhưng chính quyền Trung cộng vẫn coi cuộc xâm lược của họ là chính đáng: “Dạy cho Việt Nam bài học”(?). Họ còn lập Bảo tàng ghi nhớ chiến công…
Chính quyền Việt Nam lâu nay lại muốn xoá ký ức về cuộc chiến CHÍNH NGHĨA của Quân, Dân ta chăng?
- Sử sách cho học sinh học chỉ qua loa mập mờ;
- Báo chí đưa tin chiếu lệ, gọi là cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc nhưng không nêu chống quân xâm lược nào (?);
- Phim ảnh, sách báo về cuộc chiến Biên giới này bị che giấu. Hôm qua, Đạo diễn Trần Văn Thuỷ - nổi tiếng với các phim “Những người dân quê tôi”, “Hà Nội trong mắt ai”, “Chuyện Tử tế”, “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai”… gọi điện cho tôi, nói về phim “Phản Bội”. Ông nói, bộ phim ấy, ông cùng anh em làm phim đã lăn lộn ở chiến trường mấy tỉnh biên giới phía Bắc, ghi lại những hình ảnh không bao giờ có thể quên. Phim đã được nhiều Giải thưởng, nhưng rồi mất tăm. Bây giờ ông muốn tìm lại cũng không có cách nào tìm được!
- Bảo tàng cũng không có dấu vết về cuộc chiến. Cách đây dăm năm, tôi thăm Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh rất hiện đại, đặt tại Hồng Gai, thấy các hình ảnh tố cáo tội ác quân xâm lược Pháp, Nhật, Mỹ rất đầy đủ và những cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân ta. Tôi hỏi, tại sao Quảng Ninh bị quân Trung cộng xâm lược tháng 2/1979 gây bao tội ác và quân dân ta đã anh dũng đánh đuổi bọn chúng, báo chí ngày đó từng nêu nhiều gương anh dũng chiến đấu… sao Bảo tàng trống không? Mấy cô thuyết minh nói, trên chỉ đạo thế nào, chúng cháu làm vậy. Tôi bảo, các cô chuyển lời góp ý của tôi lên cấp trên: Không được quên lịch sử như vậy… Hai năm sau ra Hồng Gai, tôi lại vào Bảo tàng, vẫn không một dấu vết nào nói đến cuộc chiến bảo vệ Biên giới năm 1979 và những năm sau đó! Các cô thuyết minh giải thích, vì có khách du lịch Trung quốc thăm Bảo tàng (!). Tôi bảo, thế khách Pháp, Nhật, Mỹ thăm Bảo tàng thì sao?
- Ngăn cản người dân tập trung tưởng niệm đồng bào, chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến 17/2/1979. Chuyện này xảy ra ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh từ trước tới nay dưới nhiều hình thức ấu trĩ, tức cười…
Có giáo sư lịch sử nói, phải ngồi với bạn để trao đổi xem mình nên nói cuộc chiến này thế nào, tránh nhạy cảm (!)...
Tóm lại, chính quyền, giới sử học nhà nước không dám nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật lịch sử về cuộc chiến Chính nghĩa chống quân xâm lược Trung cộng 1979 và sau nhiều năm nữa, cũng như việc hoạch định Biên giới phía Bắc. Che giấu sự thật lịch sử thì không bao giờ có bài học lịch sử đúng đắn; càng che giấu sự thật thì Nhân dân lại càng tò mò và quyết tâm làm sáng tỏ sự thật. Như vậy gây ra sự phân tâm giữa Nhà nước và Nhân dân trong nhìn nhận, đánh giá sự kiện lịch sử.
Tôi biết có nhiều Cựu chiến binh, văn nghệ sĩ vẫn nung nấu viết về sự thật lịch sử cuộc chiến này. Nhà văn Phạm Viết Đào có thể là một ví dụ tiêu biểu. Do quá say sưa viết về đề tài “nhạy cảm”, blogger Phạm Viết Đào đã bị bắt hôm 13/06/2013 vì tội danh "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" và bị kết án 14 tháng tù!
Ra tù, ông càng dấn thân quyết tâm tìm kiếm tài liệu làm rõ sự thật của cuộc chiến tranh tàn khốc mà bị che giấu.
Vào cuối tháng 11/2022, tôi ra Hà Nội, may mắn được nhà văn Phạm Viết Đào ôm 5 tập sách: tập 1-2-3-4-5 bìa và tên như nhau: "VỊ XUYÊN VÀ THẾ SỰ VIỆT - TRUNG” đến tặng, mỗi tập đều trên 600 trang, khổ 16×22.
Đây là bộ sách nghiên cứu, sưu tập hết sức công phu hơn 3.000 trang về chủ đề như tên sách đã nêu. Sức làm việc của nhà văn thật phi thường!
Tôi ôm bộ sách mà rưng rưng, thốt lên: Thương Bọ quá Bọ Đào ơi!
Vậy đó, Nhân dân sẽ không bao giờ quên lịch sử! Các chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc sẽ được ghi nhớ mãi trong lòng dân tộc.

16/2/2022

Mạc Van Trang 


PHẨM CÁCH QUỐC DÂN

THÁI HẠO/ FB 17-2-2023



Người dân Hàn Quốc cúi đầu trước bia tưởng niệm những người dân Việt Nam bị lính Hàn thảm sát năm xưa.

Cách đây 2 ngày (14/2) 35 công dân Hàn Quốc, gồm thường dân, luật sư, nhà nghiên cứu chiến tranh Việt Nam, nhiếp ảnh gia, đã tham dự một lễ tưởng niệm đặc biệt trên đất Quảng Nam. Họ đến để làm gì vậy?
Năm 1968, lính Hàn Quốc khi tham chiến tại Việt Nam đã thảm sát 135 thường dân tại Hà My, để lại lòng căm hờn và nỗi đau vô hạn cho những người còn sống. Chiến tranh đã lùi xa, mọi thứ tưởng chừng như đã phai mờ, nhưng từ một vụ kiện lạ lùng của một người nông dân Quảng Nam kiện chính phủ Hàn Quốc – vì cả 5 người trong gia đình bà đã chết oan khốc trong tay lính Hàn. Và mới đây, phiên tòa có một không hai ấy đã tuyên thắng kiện cho người phụ nữ nông dân Việt Nam.
Vụ kiện kéo dài mấy năm trời, như lời bà Thanh kể trong bộ phim tài liệu do đạo diễn Doan Hong Le thực hiện, lúc đầu bà rất căm thù người Hàn Quốc, nhưng trong quá trình theo kiện, rất nhiều người dân xứ kim chi đã đứng cạnh bà, từ sinh viên, luật sư, ký giả đến dân thường, họ hoạt động bằng tất cả thái độ công chính phi quốc gia, đòi hỏi chính phủ nước mình phải thực hiện trách nhiệm đối với tội ác đã gây ra, và bà Thanh dần thay đổi cái nhìn của mình.
“Họ góp tiền để cô Thanh đi kiện chính phủ của mình, bởi vì với họ, chính phủ hay bất cứ đảng phái nào cũng chỉ là một tổ chức quản lý điều hành xã hội, cái họ yêu mến và đấu tranh cho nó chính là những giá trị dân chủ và nhân quyền - những thứ vì con người - đứng ngoài thể chế và ý thức hệ, từ những học sinh đứng cúi đầu bên bia tưởng niệm vụ thảm sát lắng nghe câu chuyện lịch sử bi thảm do quốc gia mình gây ra; những sinh viên cầm tấm bảng đề "Tôi Muốn Sự Thật" trong các cuộc biểu tình trước Bộ Quốc phòng, những nhà hoạt động xã hội làm việc quên cả tuổi thanh xuân; những luật sư đeo đuổi vụ việc hàng năm trời miễn phí; những nhà báo - bất chấp sự đe dọa từ các cựu chiến binh Hàn từng tham chiến ở Việt Nam - quyết bảo vệ sự thật đến cùng, đến một hệ thống truyền thông vây quanh cô Thanh trong các cuộc họp báo ở Seoul - để chỉ mong đem tới cho công chúng một điều: sự thật” (Đoàn Hồng Lê).
Một vụ kiện trở thành một cuộc hòa giải, và lớn hơn nữa, thành một sự tha thứ và tình yêu thương, vượt qua bờ cõi quốc gia. Người Hàn Quốc đã thể hiện một phẩm cách quốc dân tử tế, họ xứng đáng được sống trong thịnh vượng và hạnh phúc.
Cũng ngày này cách đây 44 năm, một đội quân xâm lược của Tàu đã tràn qua biên giới Việt Nam, giết hại hàng vạn người, “Độc ác thay, trúc Nam sơn không ghi hết tội/ Nhơ bẩn thay, nước Đông hải không rửa sạch mùi”. Nhưng, không biết đến khi nào chúng ta mới được nhìn thấy một sự tử tế như thế từ nước láng giềng?
Xin mượn lời đạo diễn Đoàn Hồng Lê, “Một xã hội đẹp vì sự đấu tranh cho lương tri con người, cho phẩm giá của quốc gia họ, và vì thế nó đem lại cho con người niềm tin. Niềm tin đó được khẳng định ngày hôm qua, khi tòa án Seoul phán quyết rằng bị cáo- chính phủ Hàn quốc thua kiện! Một xã hội mang tinh thần như vậy chẳng phải là điều đáng mơ ước hay sao?”.
Có ai mơ ước?

'LIÊN HIỆP QUỐC Ở ĐÂU KHI TRUNG QUỐC XÂM LƯỢC VIỆT NAM 1979'

NGUYỄN QUỐC TẤN TRUNG/ FB 17-2-2023


Một trong những câu hỏi mà bạn đọc có thể thấy đâu đó khi đang tranh cãi về vấn đề chiến tranh Nga - Ukraine là, “Liên Hiệp Quốc ở đâu khi Trung Quốc xâm lược Việt Nam 1979?”.
Một số nhóm dùng cách tiếp cận này để chỉ trích vai trò và tầm ảnh hưởng của LHQ, cũng như cho rằng LHQ thiên vị, “đế quốc” và không muốn giúp đỡ Việt Nam.
Để giải quyết câu hỏi này, có một vài tài liệu sơ cấp chúng ta có thể tham khảo:
* Biên bản họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (UNSC) số hiệu S/PV.2115
* Biên bản họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc số hiệu S/PV.2117
* Dự thảo Nghị quyết Số S/13117 (Do Xô Viết soạn để lên án Trung Quốc)
➤ Điểm cần lưu ý THỨ NHẤT: Các quốc gia Xã hội Chủ nghĩa muốn “đóng cửa nói chuyện với nhau”.
Cả hai cuộc họp (theo biên bản S/PV.2115 và S/PV.2117) trước Hội Đồng Bảo An không phải do Trung Quốc, Việt Nam, hay Liên Xô yêu cầu triệu tập (tức các quốc gia có quyền và lợi ích liên quan trực tiếp đến cuộc chiến).
Thay vào đó, hai cuộc họp quan trọng nói trên được yêu cầu bởi một nhóm các quốc gia bao gồm Bỉ, Na Uy, Vương Quốc Anh và Hoa Kỳ để thảo luận về tình hình an ninh tại Đông Nam Á.
Dù đại diện của Việt Nam (bác Hà Văn Lâu), Liên Xô và Trung Quốc, đều có mặt, và chửi nhau rất dữ, họ đều không có ý định mang vụ việc lên Hội Đồng Bảo An.
Điều này được thể hiện rõ hơn nữa với Dự thảo Nghị quyết Số S/13117 do Czechoslovakia và Liên Xô soạn, vốn lên án hành vi xâm lược của Trung Quốc. Dự thảo này không được hai quốc gia xã hội chủ nghĩa theo đuổi đến cùng để mang ra vòng bỏ phiếu.
Nói cách khác, dự thảo nghị quyết lên án Trung Quốc không bị phủ quyết hay bị UNSC phản đối. Chỉ là Liên Xô rút dự thảo lại mà thôi.
Các thông tin trên khiến cho một số nhà nghiên cứu, quan sát quốc tế cho rằng các quốc gia XHCN muốn “đóng cửa bảo nhau” để không làm mất mặt chủ nghĩa Cộng sản trước cộng đồng quốc tế.
➤ Điểm cần lưu ý THỨ HAI: Các chính quyền phương Tây (trừ Hoa Kỳ) đều thể hiện quan điểm ủng hộ Việt Nam.
Chửi Việt Nam dữ nhất là Trung Quốc, nhưng cũng hề hước nhất. Ví dụ, bạn sẽ lần đầu được nghe khái niệm “Social-Imperialism” (Hay “Đế quốc Xã hội chủ nghĩa).
Họ dùng khái niệm này để chỉ trích Liên Xô và xem Việt Nam là “con cờ” của “đế quốc” kiểu mới này.
Mặt khác, không như một số nhóm tưởng tượng, nhiều chính phủ phương Tây ủng hộ Việt Nam.
Ví dụ, chính phủ Vương quốc Anh nói:
“[...] my Government deplores the Chinese armed attack on Viet Nam. We have impressed on the Government of China the need for China to withdraw from Viet Nam. We urge them today to do so immediately.”
(Chính phủ chúng tôi lên án hành vi tấn công quân sự của Trung Quốc vào Việt Nam. Chúng tôi khẳng định sự cần thiết của của việc Trung Quốc rút quân khỏi Việt Nam. Và chúng ta thúc đẩy họ làm điều đó ngay lập tức - lược dịch).
Chính phủ Anh cũng là chính phủ duy nhất có lên án chính quyền Pol Pot khi nhắc tới vấn đề Kampuchea.
Chính phủ New Zealand, ba phải hơn một chút, nhắc đến việc Việt Nam đang đóng quân ở Kampuchea:
“[...] hope that the Council will adopt a resolution insisting upon the withdrawal of Chinese forces from Viet Nam and Vietnamese forces from Cambodia…”
(Chính phủ chúng tôi hy vọng Hội Đồng sẽ thông qua một nghị quyết yêu cầu Trung Quốc rút quân khỏi Việt Nam, cũng như Việt Nam rút quân khỏi Cambodia - lược dịch)
Tuy nhiên, nói chuyện nước đôi kiểu này không phải chỉ có các quốc gia phương Tây. Jamaica, Zambia hay Bangladesh đều chọn cách tiếp cận này, khả năng cao vì họ không muốn phật lòng Trung Quốc.
Hai quốc gia bênh Việt Nam trực diện và chửi thẳng Trung Quốc chỉ có Angola và Cuba.
***
Xét tổng quan, không có nền tảng về tư liệu sơ cấp cho thấy LHQ và các thành viên của Hội đồng Bảo an bỏ qua vấn đề Việt Nam bị Trung Quốc xâm lược.
Một khía cạnh rõ ràng hơn là cả Việt Nam, Trung Quốc và Liên Xô đều không muốn mang vấn đề này ra thảo luận trước cộng đồng quốc tế.
Về phía Việt Nam, cách lý giải khả dĩ nhất là chính phủ Việt Nam không muốn vấn đề Kampuchea có điều kiện được nhắc lại tại Hội đồng Bảo an. Kèm theo đó có lẽ chúng ta tự tin rằng mình hoàn toàn có thể đánh bật quân đội Trung Quốc mà không cần sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.

Tan Trung Nguyen Quoc


GỬI CÁC EM HỌC SINH

THÁI HẠO/ FB 17-2-2023


144 chữ cho một cuộc tấn công xâm lược Tổ quốc Việt Nam.
Đó là toàn bộ nội dung về một cuộc chiến đẫm máu do Trung Quốc tiến hành đối với đất nước và nhân dân Việt Nam được sách giáo khoa Lịch sử của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam biên soạn cho toàn thể học sinh Việt Nam học suốt mấy chục năm nay.
Copy lại nguyên văn:
“Bảo vệ biên giới phía Bắc: Hành động thù địch chống Việt Nam của tập đoàn Pôn Pốt được một số nhà lãnh đạo Trung Quốc lúc đó đồng tình ủng hộ. Họ còn có những hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị của nhân dân hai nước : cho quân khiêu khích dọc biên giới, dựng lên sự kiện “nạn kiều”, cắt viện trợ, rút chuyên gia. Nghiêm trọng hơn, sáng 17 – 2 -1979, quân đội Trung Quốc huy động 32 sư đoàn mở cuộc tiến công dọc biên giới nước ta từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Phong Thổ (Lai Châu)
Để bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc, nhân dân ta, trực tiếp là quân dân sáu tỉnh biên giới phía bắc, đã đứng lên chiến đấu. Đến ngày 18 – 3- 1979, quân Trung Quốc rút khỏi nước ta” (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sách giáo Khoa lịch sử lớp 12).
Không có thiệt hại! Không người chết! Không máu đổ! Nhưng thực tế thì hàng vạn quân và dân thường vô tội của nước ta đã bị tàn sát; nhà cửa, làng mạc, thành phố điêu tàn, những bi thương và ai oán đến nay vẫn chưa tan trên nhiều số phận của đồng bào ta. Mẹ tôi đã tham gia cuộc chiến này năm 18 tuổi, nhưng may mắn hơn hàng chục nghìn người Việt Nam bất hạnh, mẹ đã trở về.
Hãy xem cái cách mà sách giáo khoa viết: “một số nhà lãnh đạo Trung Quốc”, “làm tổn hại đến tình hữu nghị”. Chỉ “một số” sao? Chỉ “làm tổn hại đến tình hữu nghị” thôi ư? Máu đâu, đất đâu, nước mắt đâu?
Cũng như các em, ngày xưa tôi đã được học như thế. Và gần như không biết gì về sự thật lịch sử với bộ mặt tàn ác của quân xâm lược Tàu và tội ác mà chúng đã gây ra cho nhân dân Việt Nam.
Các em hãy đọc cha ông ta xưa, đọc những “áng thiên cổ hùng văn” như của Nguyễn Trãi để thấy Đại Việt trong quá khứ đã không ươn hèn thảm hại mà né tránh kẻ thù. “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời dựng nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương”. Cha ông anh hùng đã dõng dạc gọi giặc Tàu là “quân cuồng Minh”, là “thằng nhãi con Tuyên Đức”, là “giặc nước”, là “thù lớn”...
Lịch sử không chỉ được học từ những chiến thắng và lòng kiêu hãnh của cha ông, lịch sử còn nên được học từ cả những hèn nhát của một thời, để biết chân ngụy, hư giả, từ đó mà trưởng thành và gánh vác trách nhiệm đối với Tổ quốc thân yêu.

Thái Hạo


NHỮNG TƯỢNG ĐÀI DÂN LÂP

HUY ĐỨC/ FB 17-2-2023


Ảnh: FB tác giả
Cảm xúc thật khó tả khi lại lang thang Biên giới vào đúng “những ngày 17-2”, nhất là khi trong xe có hai cựu binh, Hồ Tuấn và Trần Anh Đức (Trưởng ban liên lạc cựu binh Trung đoàn 567 tại Cao Bằng).
Trong hồ sơ đề nghị phong tặng anh hùng [mà sau này nhà báo Mai Thanh Hải tìm thấy ở Cục chính sách, Bộ Quốc phòng] ghi chiến tích của Hồ Tuấn là “tiêu diệt hơn 100 tên Bành trướng”. Đồng đội của anh gọi Hồ Tuấn là “Tráng sĩ đèo Khau Chỉa”.
Nhưng, anh là người duy nhất trong danh sách ấy không được phong anh hùng.
Lý do cũng rất là… Hồ Tuấn. Cuối năm 1980, khi “mặt trận tạm thời bình yên”, Hồ Tuấn, lúc này đã nổi tiếng trên báo đài vì liên tục được mời tham gia các cuộc báo công, nhận được tin có quà của bố gửi lên Thị Xã. Anh báo với trung đội trưởng xin nghỉ phép cắt rừng từ đèo Mã Phục, đi bộ gần 20 km, về. Quà là một ký trà và một ít tiền.
Hồ Tuấn nhớ người yêu, đang học ở trường Pháp Lý, hứa, “Khi nào gặp sẽ cho anh… hôn”, bèn bắt xe chạy về Thường Tín. Anh nhớ lại, “Thời đó, ngu lắm, đi mấy trăm cây số mà chẳng dám tới cả cầm tay, nói gì tới… hôn”.
Ngay trong đêm anh tức tốc tìm cách trở lại đơn vị. Chiều hôm sau tới nơi thì mới biết, đêm trước, đại đội báo động, cho là anh đào ngũ, đi tìm náo loạn cả lên. Trung đội trưởng không báo lên đại đội anh về có phép, đại đội phó báo lên Trung đoàn… Anh về, tìm gặp đại đội phó, chỉ nói một câu, “Biết mày đối xử thế, hồi đó tao không cứu, cho bọn Tàu nó bắt mày”.
Trước đó, anh Cương, Chính trị viên đại đội (C16, E567) xách xe đạp đi tìm khắp thị xã. Ông rất muốn Hồ Tuấn được phong anh hùng. Nhưng, đã trễ… Ông Cương quê ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh [Hồ Tuấn rất muốn tìm lại ông]. Không được… hôn, trượt “anh hùng”, nhưng, Hồ Tuấn cười ha hả, “Anh hùng có khi lại không được sống như chính mình”.
Thượng úy Trần Anh Đức, bám trụ ở Khau Chỉa suốt 12 ngày đêm. Khi trung đoàn 567 được điều sang Vị Xuyên, góp phần làm thay đổi thế trận ở đây bằng trận đánh mở đầu ở cao điểm A6b ngày 31-5-1985, Trần Anh Đức, khi đó là tiểu đoàn phó tham mưu, trụ trên chốt 10 tháng, đánh 73 trận. Khi được chi viện thay thế, tóc anh và những người lính của mình đã dài tới vai và rất ít khi được tắm.
Tác giả cùng ông Hồ Tuấn trong hang Keng Riềng. Ảnh: FB tác giả
Trên cao điểm A6b, khi còn lại một mình, chiến sĩ thông tin Đỗ Quang Thịnh, gọi pháo bắn xuống đầu mình vì quân Trung Quốc đã lúc nhúc bên ngoài công sự. Thượng úy Trần Anh Đức nói, “Anh em vận tải ở Vị Xuyên còn dễ chết hơn cả anh em trên chốt. Có người lính khuân nước lên chốt, nửa đường bị bắn tỉa thủng can nước, đã lấy ngón tay bịt lỗ can nhựa, tiếp tục đưa nước lên… họ còn anh hùng hơn cả những người cầm súng”.
Cả Hồ Tuấn, Trần Anh Đức, Đỗ Quang Thịnh... và hàng vạn thanh niên khác, buông súng là trở về, không ai từng đề nghị xem xét lại các thành tích chiến đấu của mình. “Chúng tôi được trở về là may mắn hơn những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại. May mắn hơn những đồng bào mà chúng tôi đã không bảo vệ được khi giặc tới nhà…”
Mấy năm qua, Ban Liên lạc cựu chiến binh trung đoàn 567 đã vận động nhau đóng góp, xây một Đài hương trước hang Keng Riềng, tưởng niệm 26 người lính, quân y sĩ và thường dân giúp chăm sóc thương binh, bị quân Trung Quốc chặn cửa hang giết một cách man rợ vào sáng sớm 2-3-1979.
Một Đài hương khác cũng vừa được xây ở Lạc Diễn, xã Hạnh Phúc, huện Quảng Hòa, tưởng niệm 20 bộ đội và văn công [trong đó có 16 nữ], bị quân Trung Quốc giết vào ngày 28-2-1979. “Các chiến sỹ nữ văn công bị đám lính Trung Quốc lao vào xâu xé hãm hiếp, rồi dùng cọc nhọn, lưỡi lê đâm nát thi thể các cô gái. Hai mươi người bị giết hại, các thi thể nữ không một mảnh vải bị chúng phơi ngoài cánh đồng mấy ngày…”.
Ảnh: FB tác giả
Ký ức 17-2 trong lòng những người lính này không bao giờ nguôi. Nhưng, họ được sinh ra không phải để làm lính, không phải để làm anh hùng. Hồ Tuấn nói, “Chúng xâm lược thì phải đánh cho chúng biết thế nào là Việt Nam, nhưng đánh là để có hòa bình”.
Phần thưởng lớn nhất của những người lính là được trở về, sống trong hòa bình, chứ không phải là huân chương. “Chúng tôi muốn làm gì đó cho những đồng đội của mình không có may mắn ấy”, cựu binh Trần Anh Đức nói.
Cuối giờ chiều, chúng tôi quay lại Tổng Chúp, nơi 43 phụ nữ và trẻ em bị quân Trung Quốc lấy búa đập đầu ném xuống giếng... Trước 17-2-2009, tôi và phóng viên Lê Quang Nhật lần đầu tới đây, chặt bớt cành tre để chụp tấm bia ghi lại tội ác này của quân Trung Quốc. Tấm bia giờ vẫn ở trong lùm tre nhưng đã tuột một đầu đinh, rơi xuống. Lòng giếng khơi đã cạn, tứ bề vẫn cỏ mọc, chưa có lối vào.

Truong Huy San 


NĂM NAY CŨNG CÓ ĐÔI NÉT KHIẾN LÒNG TÔI ĐƯỢC AN ỦI

NGUYỄN NGUYÊN BÌNH/ TD 17-2-2023



Đã thành truyền thống, mỗi năm đến ngày kỉ niệm cuộc chiến tranh chống Trung Cộng xâm lược 17-2, chúng tôi đều đi thắp hương dâng hoa các liệt sĩ ở Nghĩa trang Tây Tựu - Hà Nội. Anh em chúng tôi năm nay thưa vắng hơn mọi năm vì đã có thêm nhiều người trở thành “tù nhân lương tâm” (buồn quá)…
Tuy vậy, năm nay cũng có đôi nét khiến lòng tôi được an ủi. Đến nghĩa trang, chúng tôi gặp được một nhóm khá đông các Cựu chiến binh (CCB) Sư đoàn 3, các anh đi thắp hương đồng đội hi sinh trên chiến trường Lạng Sơn năm ấy.
Các anh dâng hương tưởng niệm xong thì cùng đồng ca bài 'Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới' của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Bài hát được sáng tác tức thời ngay ngày đầu cuộc chiến đấu, bài hát đã động viên kịp thời bao chiến sĩ quân ta, đã làm nức lòng nhân dân cả nước ta… (vậy mà, như một bác CCB cho biết: Có thời người nào đó, cấp nào đó đã cự nự nhạc sĩ Phạm Tuyên chỉ vì trong bài hát có câu lên án quân TQ là “quân xâm lược bành trướng dã man”???). Giọng hát của những người lính già năm xưa chả còn được hùng hồn đúng nhịp nhưng cũng khiến chúng tôi cảm động rưng rưng…
Rồi chúng tôi cùng các bác ấy đi dâng hoa lên từng ngôi mộ. Một bác chỉ cho tôi mộ của em Quân, con bác Đồng Sĩ Nguyên, em ấy là đại đội trưởng pháo binh, hi sinh rất sớm trên chiến trường Lạng Sơn. Tôi xót xa nhớ lại những kỉ niệm khi gia đình bác Đồng Sĩ Nguyên cùng gia đình cha mẹ tôi sống gần nhau trên Việt Bắc trong thời kì kháng chiến, em sinh vào thời kì “chỉnh quân chỉnh huấn” nên bác Nguyên đặt cho em tên là Nguyễn Tiến Quân (1953)…
Ảnh: FB tác giả
Có bác CCB hỏi chúng tôi, có phải người mộ đạo đi dâng hương làm phúc không (vì thấy chúng tôi không phải thân nhân, cũng không phải đồng ngũ)? Tôi ghé tai bảo rằng chúng tôi là những người yêu nước thương nòi, nhưng đã bị những người cõi trên nào đó gọi là “phản động”. Bác ấy a lên một tiếng rồi nở nụ cười tươi, lại đưa tay bắt tay, xiết chặt!
Còn phía mấy người thuộc lực lượng an ninh và dân phòng quen mặt thì năm nay không tỏ vẻ gì khó chịu như mọi năm. Trái lại, có người còn có những cử chỉ lời nói có ý thân thiện (chưa hiểu vì sao). Dù gì, tôi cũng ghi nhận, và động viên các bạn ấy. Bảo rằng nên biết công các liệt sĩ mới là đúng đạo lý dân tộc, nếu để Tàu Cộng nó xâm chiếm nước ta thì chính các bạn cũng chả có chỗ trú thân nữa, phải không?
Chuyện còn có thể nói thêm nữa, nhưng xin phép dừng, vì biết nhiều người không muốn đọc dài!
NGUYỄN NGUYÊN BÌNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét