Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

20150130. ĐỀ XUẤT SỬA ĐỔI LUẬT TÍN DỤNG VÀ LUẬT DOANH NGHIỆP

ĐIỂM BÁO MẠNG
MỘT ĐỀ NGHỊ CẢI CÁCH CƠ BẢN: VIẾT LẠI LUẬT TÍN DỤNG VÀ LUẬT DOANH NGHIỆP
Bài của TS VŨ QUANG VIỆT trên TBKTSG 29/1/2015
(TBKTSG) - Kinh tế Việt Nam có thể nói là đã hết đà phát triển, và để đẩy cao tốc độ tăng trưởng GDP (không hẳn là phát triển), đổi mới thể chế nhằm bảo đảm nền tài chính quốc gia lành mạnh là một trong nhiều yêu cầu bức thiết để kinh tế phát triển hữu hiệu, và là yêu cầu quan trọng nhất.
Nền tài chính giống như mạch máu trong cơ thể, không có nền tài chính lành mạnh không thể có một nền kinh tế phát triển lành mạnh. Hiện nay, nền tài chính bị nhóm lợi ích tài chính sử dụng nhằm mục đích chính là đầu cơ tài sản từ địa ốc, chứng khoán và đến cả sản xuất ảo. Lạm phát, nợ tăng quá mức, và nợ xấu là hệ quả, đưa đến tình trạng một số người giàu nhanh chóng còn đại đa số vẫn rất khó khăn.
Nói một cách rất đơn giản ở một nền kinh tế không có lạm phát, nếu nợ là 100 ngang bằng với GDP với lãi suất năm là 5% thì GDP tăng 5% chỉ đủ để trả lãi. Hiện nay tỷ lệ nợ của Việt Nam đã bằng 164% GDP thì GDP tăng 5% chỉ đủ để trả 60% lãi, như thế phải tăng đến 8% mới có thể trả được lãi.
Tất nhiên thực tế có khác một chút vì một tỷ lệ không nhỏ nợ nước ngoài có được trong quá khứ là nợ ưu đãi với lãi suất thấp, nhưng việc tăng nợ ở mức hiện nay với lãi suất cao là điều không thể kéo dài. Lạm phát chính là biện pháp hay chính sách để người vay không phải trả nợ vì giá trị thật của nợ giảm. Một chính quyền cổ vũ cho tăng tín dụng, đẩy lạm phát là một chính quyền của giới đầu cơ.
Chính sách phát triển kinh tế: dựa vào sự “bùng nổ” ngân hàng
Cho đến mới đây, đổi mới là cởi trói nông dân, là mở cửa thị trường cho đầu tư nước ngoài, là mở rộng cho tư nhân lập doanh nghiệp, nhưng tác động tích cực của chúng dần dần bị chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp quốc doanh làm tổn thương nặng nề. Chính sách phát triển của Việt Nam dựa vào sự “bùng nổ” ngân hàng, vốn không chỉ được tung ra cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà còn cho các doanh nghiệp tư nhân sân sau của nhiều quan chức.
Khi kinh tế thoái trào nợ xấu tăng lên là đương nhiên. Không ai biết chính xác nợ xấu của Việt Nam là bao nhiêu và không biết là ai nợ ai, vì cho đến nay không có một bản báo cáo chi tiết nào được công bố.
Tuy thế, thật lạ là mới đây (10-2014) chính Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại cuộc họp chính phủ đã tiết lộ là nợ xấu bằng 17% vào năm 2012 đã giảm xuống còn 5,4% và sẽ giảm xuống 3% vào năm 2015 (1).  Trong khi trước đó vào năm 2012, Thanh tra NHNN tuyên bố rằng nợ xấu chỉ có 8,8% (2).  Tuy nhiên, không thể tin vào lời tuyên bố chung chung nếu thông tin cụ thể và có hệ thống không được trưng ra.
Tình hình tài chính tín dụng ở Việt Nam
Chính sách ưu tiên cho DNNN và tạo cơ hội cho nhóm lợi ích này được xem là chính sách “tay không bắt giặc”, làm giàu không cần vốn, mà chỉ cần tăng cung tiền và vay mượn nước ngoài. Chính việc tăng cung tiền, đẩy tín dụng từ 69% GDP năm 2006 lên mức 125% GDP vào năm 2010 đã tạo ra lạm phát. Có người đặt vấn đề là tại sao một số nước như Thái Lan, Malaysia có tỷ lệ tín dụng trên GDP cũng cao gần như Việt Nam nhưng lạm phát lại thấp? Đây là vấn đề cần tìm hiểu sâu về mặt lý thuyết kinh tế, nhưng rõ ràng ở đây không chỉ là mức độ tiền tệ hóa nền kinh tế (qua tỷ lệ cao) mà là việc tăng tốc độ cung ứng tiền ở Việt Nam (gấp 3,5 lần) trong một thời gian rất ngắn (bốn năm) nhằm đạt tốc độ tăng GDP cao. Thực tế lạm phát cao nhưng tốc độ tăng GDP lại giảm từ năm 2006 đến nay.
Chính sách dồn lực vào phát triển tập đoàn nhà nước với việc cho phép mở rộng hoạt động ngoài ngành, thí dụ như tập đoàn đóng tàu, tập đoàn bưu chính viễn thông, tập đoàn dầu khí... lại có thể mở các công ty sân sau như ngân hàng, địa ốc, chứng khoán, quĩ đầu tư mạo hiểm, bảo hiểm và các công ty khác nữa đã dẫn đến nhiều hệ lụy.
Rất nhiều các công ty sân sau này là nửa tư nửa công nhưng lại lấy danh nghĩa công để có thể thu hồi đất từ nông dân, vay mượn ngân hàng thoải mái, và lại có thể dùng tiền vay ngân hàng để lao vào các cuộc phiêu lưu có hại cho nền kinh tế nhưng có lợi cho những người quản lý doanh nghiệp và các quan chức liên quan đến sự ra đời và kiểm soát công ty.
Tập đoàn nhà nước trở nên rất thiếu hiệu quả là vì thế. Theo báo cáo của nhà nước, tổng nợ của các tập đoàn vào cuối năm 2014 là 1,5 triệu tỉ đồng (71,4 tỉ đô la Mỹ). Đây chỉ là báo cáo về tập đoàn và tổng công ty gồm 786 doanh nghiệp trong tổng số hơn 3.265 DNNN. Nếu tính đủ, số nợ của DNNN cao hơn nhiều.
Tổng thể bức tranh nợ của nền kinh tế: tín dụng và các khoản vay nợ khác
Bảng 1, bảng 2 và bảng 3 và Phụ lục chi tiết về nợ cho thấy toàn cảnh vấn đề nợ của Việt Nam từ năm 2006 đến 2014. Gọi là toàn cảnh nhưng phần nợ trong bóng tối không thông qua ngân hàng đã không được
người viết thống kê vì không có số liệu. Nợ này bao gồm nợ qua tín dụng ngân hàng, nợ qua phát hành trái phiếu trong nước, và nợ nước ngoài qua vay ngân hàng hay phát hành trái phiếu.
Có thể tóm gọn như sau:
1. Toàn bộ nợ cho đến năm 2014 là 303 tỉ đô la, bằng 164% GDP. Số nợ tăng rất mạnh sau năm 2006, lúc đó chỉ bằng 98% GDP.
2. Tín dụng vài năm gần đây tăng chậm nhưng đã tăng trở lại từ năm 2013. Dù sao, để thay thế, nợ bằng trái phiếu trong nội bộ nền kinh tế đã tăng mạnh, từ 5% tổng số nợ lên 11% năm 2013. Về số tuyệt đối, trái phiếu tăng từ 4 tỉ đô la năm 2006 lên 38 tỉ năm 2014. Nợ nước ngoài vẫn tiếp tục tăng, từ 25,6 tỉ đô la năm 2006 lên hơn gấp đôi, ít nhất là 56 tỉ năm 2014.
3. Nợ công theo định nghĩa của Việt Nam chỉ gồm nợ của chính phủ và chính phủ bảo lãnh năm 2014 theo ước tính là 112 tỉ đô la Mỹ, bằng 37% tổng số nợ của nền kinh tế, và con số chính xác năm 2013 là 90 tỉ đô la Mỹ, bằng 35% tổng số nợ.
4. Nợ công hay có thể gọi là nợ của khu vực kinh tế nhà nước phải tính cả phần nợ của doanh nghiệp nhà nước (chỉ có thể tính thêm phần nợ của tập đoàn vì không nắm được nợ của DNNN khác). Số liệu chính xác từ Bộ Tài chính khi tổng hợp lại cho thấy năm 2013, nợ công gồm cả nợ của DNNN là 143,6 tỉ đô la (cao hơn con số 90 tỉ theo cách tính của chính phủ) và bằng 53% tổng nợ của cả nền kinh tế. Trong khi đó, khu vực kinh tế nhà nước chỉ sản xuất ra 32% GDP.
5. Nguyên nhân gây ra nợ công lớn không chỉ vì chính sách xây dựng hạ tầng cơ sở mà còn vì chính sách chi tiêu cho tập đoàn DNNN, tưởng là có thể đẩy mạnh tốc độ tăng GDP, và khi chúng thiếu hiệu quả gây khủng hoảng kinh tế thì lại có cớ tăng chi kích cầu. Kết quả là nợ nhà nước phình to, chiếm tỷ lệ rất lớn của GDP nhưng cuối cùng chỉ là giúp tìm việc cho nhóm lợi ích và giúp cho giới đầu cơ làm giàu.
Nhìn vào ngân sách quốc gia có thể thấy tỷ lệ thiếu hụt ngân sách so với GDP rất lớn và không có dấu hiệu giảm (bảng 4). Bình thường thiếu hụt so với GDP ở mức 3% đã được coi là nghiêm trọng, đòi hỏi điều chỉnh chính sách chi tiêu của nhà nước. Năm 2010-2011 thiếu hụt tương đối thấp vì phải đối phó với lạm phát cao. Và cũng chính vì lý do này, biện pháp bán trái phiếu thay vì chỉ phát hành tiền đã xuất hiện từ năm 2010. Tất nhiên về mặt tài chính, đây là biện pháp khôn ngoan hơn, thậm chí cần khuyến khích thay vì tăng cung tiền. Nhưng nếu lạm dụng thì việc trả nợ sẽ lại là vấn đề mà nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối phó trong tương lai gần.
Nhìn chung, nợ đang ở mức rất cao và còn đang tăng mạnh, do đó khả năng trả nợ trong tương lai cần phải đặt thành vấn đề.
Đề nghị cải cách cơ bản: viết lại Luật Tín dụng và Luật Doanh nghiệp
Chỉ nói cơ cấu lại nền kinh tế như tăng chỗ này, giảm chỗ kia thì không có nhiều ý nghĩa. Vấn đề cơ bản là xây dựng được một nền tài chính lành mạnh làm cơ sở để nền kinh tế phát triển lành mạnh. Viết lại Luật Tín dụng là yêu cầu cơ bản. Việc viết lại này không đòi hỏi phải thay đổi Hiến pháp hiện nay.
1. Luật các tổ chức tín dụng (gọi tắt là Luật Tín dụng) hiện nay cho phép sở hữu chéo, giữa các ngân hàng và giữa ngân hàng với công ty đầu tư tài chính và doanh nghiệp phi tài chính. Chính điều này đã tạo ra cơ sở để tư bản thân hữu nảy nở. Chính điều này đã đẩy mạnh tín dụng, đưa đến nợ xấu, làm suy yếu kinh tế. Luật Tín dụng và Luật Ngân hàng Nhà nước cũng không làm rõ trách nhiệm trước pháp lý về nghĩa vụ công bố thông tin.
2. Cần viết lại Luật Tín dụng cấm không cho phép doanh nghiệp phi tài chính làm chủ ngân hàng, và cấm không cho ngân hàng làm chủ doanh nghiệp phi tài chính và đầu tư rủi ro. Chính việc xóa bỏ ranh giới giữa ngân hàng và đầu tư tài chính, kể cả đầu tư rủi ro ở Luật Mỹ thời Clinton, mà Việt Nam sao chép, đã đưa đến khủng hoảng tài chính ở Mỹ và việc viết lại luật ở Mỹ sau đó. Hơn nữa ở Việt Nam còn cho phép sở hữu chéo giữa doanh nghiệp phi tài chính và tài chính, biến ngân hàng thành hòm tiền cho doanh nghiệp sử dụng và không chịu sự đánh giá nghiêm túc về khả năng làm lời.
Mỹ đã thay đổi, còn Việt Nam thì sao? Mới đây, có quyết định của chính phủ cấm tập đoàn Dầu khí không được góp vốn ngoài ngành chính, hay kinh doanh bất động sản, mở hay mua cổ phần ngân hàng hay công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán, không được góp vốn vào công ty khác nếu mà người quản lý, điều hành hoặc người sở hữu chính của doanh nghiệp này là vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị em ruột của thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Ban Giám đốc và kế toán trưởng Công ty mẹ. Đây là một bước tiến mới, nhưng rất tiếc lại có câu nối đuôi là “trừ trường hợp được phép của Thủ tướng”(3). Như vậy nó không phải là luật. Đã là luật thì không có ngoại trừ. Và đã là luật thì nó sẽ phải áp dụng cho mọi loại doanh nghiệp. Luật trừ này sẽ tạo ra một chuỗi tham nhũng.
3. Cần viết rõ trong Luật Tín dụng và cả Luật NHNN đòi hỏi mọi doanh nghiệp dù công hay tư phải công bố báo cáo tài chính có kiểm toán hàng quí và hàng năm, đòi hỏi NHNN phải công bố trên mạng toàn diện và đầy đủ các thông tin cần thiết về hệ thống tài chính tiền tệ quốc gia theo tiêu chuẩn mà IMF hay Bank of International Settlement khuyến nghị. Mọi công dân đều có quyền yêu cầu doanh nghiệp và NHNN chia sẻ thông tin theo luật định.
4. Lành mạnh hóa nền tài chính bằng cách viết lại luật chỉ là một điều kiện cần để kinh tế có thể hoạt động hữu hiệu. Các điều kiện khác vẫn là nền kinh tế phải có tính cạnh tranh, không ưu tiên do đó cần xóa bỏ dần DNNN, trước mắt cần tăng tính hữu hiệu của chúng bằng cách thay thế các thành phần quản lý thiếu khả năng, và điều kiện để đánh giá khả năng chính là việc công bố kế toán tài chính có kiểm toán.
Đối với các DNNN độc quyền như sản xuất điện, cần nghiêm cấm đầu tư ngoài hoạt động mà DNNN được độc quyền. Cũng cần viết lại Luật Doanh nghiệp để bảo đảm rằng chính quyền chỉ có thể thiết lập một DNNN mới nếu nó nhằm mục đích phục vụ lợi ích công, và nhất thiết phải được Quốc hội thông qua nếu là doanh nghiệp trung ương hoặc Hội đồng Nhân dân tỉnh hay thành phố thông qua nếu là doanh nghiệp địa phương.
Đề nghị trước mắt về giải quyết nợ xấu
1. Cần công bố một cách minh bạch ai nợ ai và nợ bao nhiêu.
2. Thực hiện luật phá sản đối với ngân hàng và doanh nghiệp rơi vào nợ nần quá sâu, không thể cứu nếu không chi một lượng tiền quá lớn. Để tránh lạm dụng, tỷ lệ nợ xấu trên tài sản có thể phát mãi là thước đo cần được xác định. Trong trường hợp này, các ngân hàng khác có quyền được mua lại.
3. Trong biện pháp cứu các ngân hàng có nợ xấu cao nhưng có tiềm năng, nếu không có ngân hàng nào mua lại, biện pháp cơ bản là việc Bộ Tài chính xác định giá trị của ngân hàng và mua lại cổ phiếu ở mức kiểm soát được ngân hàng, thay thế hệ thống quản lý nhằm tổ chức lại. Nhà nước sẽ bán đi khi ngân hàng đã có thể hoạt động hữu hiệu trở lại.
(1) http://cafef.vn/tai-chinh-ngan-hang/tu-nam-2012-den-thang-102014-ty-le-no-xau-da-giam-tu-17-xuong-con-543-201410292008472831.chn
(2) http://www.tapchitaichinh.vn/Trao-doi-Binh-luan/Thuc-trang-no-xau-tai-cac-ngan-hang-Viet-Nam-va-giai-phap-thao-go/16290.tctc
(3) http://www.moj.gov.vn/ct/tintuc/Pages/van-ban-c

Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

20150129. XOAY QUANH "ĐỀ XUẤT" LUẬT HÓA CHẠY CHỨC, CHẠY QUYỀN

ĐIỂM BÁO MẠNG
CHẠY CHỨC CHẠY QUYỀN NÊN HỢP THỨC HÓA ?
Bài của GS NGUYỄN VĂN TUẤN trên tuan's blog 25/1/2015
***
Thoạt đầu đọc tựa đề tôi cứ tưởng nhà báo mỉa mai, nhưng đọc bài viết thì hoá ra đây là một ý kiến nghiêm chỉnh của một vị cựu viện trưởng Viện Khoa học hành chính (1). Có vẻ lí luận của ông là ở các nước có nền kinh tế thị trường (như Mĩ và phương Tây) người ta có chạy chức chạy quyền, và VN thì đang theo đuổi kinh tế thị trường [định hướng XHCN], nên VN cũng nên cho phép chạy chức chạy quyền. Thoạt đầu nghe qua thì cũng … có lí, nhưng tôi nghĩ ông viện trưởng đã sai (thậm chí nguỵ biện) ngay từ căn bản.
Cái sai lầm đó là do ông hiểu sai chữ "chạy" (tiếng Anh là "run") ở các nước phương Tây. Ở phương Tây, hay cụ thể Úc này, họ có cụm từ "run for office" mà ý nghĩa chính là vận động, chứ không có nghĩa chạy chức chạy quyền theo nghĩa của VN. Cần phải phân biệt hai sự việc này thì mới thấy cái sai của ý kiến luật hoá chạy chức chạy quyền ở VN.
Run for office có nghĩa là vận động để được tiến cử trong đảng và được dân bầu. Khi một vị trí dân biểu trở nên trống (do người trước nghỉ hưu hay từ chức), thì mỗi đảng sẽ tiến cử một ứng viên. Vì đảng có nhiều ứng viên, nên họ phải cạnh tranh nhau để được tiến cử. Cạnh tranh không phải chi tiền để mua chức như kiểu VN, mà là qua một cương lĩnh và thành tích hoạt động trong quá khứ. Khi được đảng tiến cử, ứng viên còn phải cạnh tranh với các ứng viên của các đảng đối thủ, nhưng lần này là tranh thủ cử tri. Đây là giai đoạn cần tiền để vận động và họ phải tranh thủ yểm trợ của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp là những mạnh thường quân của các đảng chính trị, nhưng họ đóng góp khá cân đối. Nếu họ cho đảng A 10 ngàn đôla thì họ cũng cho đảng B số tiền đó để không mang tiếng thiên vị (và họ cũng chẳng biết đảng nào sẽ chiến thắng). Ứng viên phải trình bày một chiến lược khả dĩ để phát triển cộng đồng và qua đó thuyết phục cử tri. Hai chữ "thuyết phục" ở đây rất quan trọng. Thật vậy, các ứng viên cạnh tranh và vận động cử tri qua thuyết phục, chứ không phải qua đảng tiến cử. Đảng tiến cử anh, nhưng anh có thuyết phục được cử tri hay không là chuyện khác. Điều nhấn mạnh là tất cả đều diễn ra một cách minh bạch.
Còn ở VN, chạy chức chạy quyền có một ý nghĩa hoàn toàn khác với chữ "run for office" ở phương Tây. Ở VN, chạy chức chạy quyền thực chất là MUA. Họ mua chức và mua quyền. Mua bằng tiền là chính. Chúng ta đã nghe quá nhiều về chuyện mua quan bán chức ở VN. Từ cấp thấp đến cấp cao. Chúng ta từng nghe chuyện một ông bí thư huyện ở Hà Tĩnh nhận 75 triệu đồng của một người muốn chen chân vào chức tạp vụ trong huyện. Ngay cả một ngành cao quí là giáo dục mà cũng có nạn chạy chức. Một "suất giáo viên" với cái giá 100 triệu đồng không làm ai sốc. Còn các chức cấp Sở, Vụ, Bộ nghe nói giá còn "ác liệt" hơn. Do đó, chạy chức chạy quyền ở VN là một hình thức hối lộ - tham nhũng, chứ không phải như "run for office" bằng hình thức thuyết phục công chúng ở phương Tây.
Thật vậy, chạy chức chạy quyền ở VN là một hình thức hối lộ - tham nhũng. Hành động đó tạo cho những kẻ có quyền cơ hội để tham nhũng. Ngay cả một cựu quan chức cao cấp cũng nói "Đây chính là hành vi tham nhũng của những người có chức có quyền. Tôi không chấp nhận được chuyện chạy việc, chạy chức, chạy quyền nhưng không biết làm thế nào để ngăn chặn. Những hành động chống đối của cá nhân chỉ là “ném đá ao bèo” mà thôi. Thực tế, nhiều người đứng lên tố cáo đã chuốc phải phiền phức, thiệt hại cho chính bản thân" (2). VN thường rập khuôn theo Tàu, và tôi ngờ rằng phong trào mua quan bán chức ở VN cũng chỉ là một bắt chước từ Tàu mà thôi (3). Ở Tàu, có người không mua chức được bằng tiền, thì họ mua bằng … tình (3). Không có lí do gì mà hợp thức hoá hành động sai trái đó. Một xã hội mua qyan bán chức như thế sẽ đi đến đâu. Tôi thấy đó là một ý nghĩ hơi điên rồ.
Tuy nhiên, qua bài phỏng vấn của ông, một người trong cuộc, chúng ta mới biết rằng "Hiện tôi cho rằng bộ máy khá tắc trách. Khi những người trong cuộc cấu kết với nhau rồi thì chỉ những người trong cuộc biết với nhau thôi, còn người ngoài cuộc bó tay." Điều ngạc nhiên là chính ông viện trưởng "cũng muốn chạy để có chức," nhưng ông đính chính rằng "Vào để tôi có cơ hội đóng góp được nhiều hơn. Cho nên đừng nhầm lẫn giữa cái người ta muốn chức với mục tiêu vào chức ấy để lời dụng, kiếm lời cho cá nhân, có hại cho cái chung." Xem ra đính chính của ông khó thuyết phục ai. Đã bỏ tiền ra mua chức thì người bỏ tiền phải xem đó là một đầu tư. Mà, đầu tư là phải lấy lại vốn và có lời. Chỉ có một cách để đạt hai mục tiêu lấy lại vốn và kiếm lời là tham nhũng và ăn cắp của dân. Và, thế là xã hội bị cuốn hút trong một vòng tròn không có lối ra. Ngạc nhiên một điều là vị viện trưởng này có bằng tiến sĩ và mang hàm phó giáo sư! Nên chăng cần xem lại luận án của ông có đạt chuẩn học thuật, hay đó là một sản phẩm của một qui trình mua bán mà ông đang đề xướng.
===
***
CHẠY CHỨC, ĐÃ ĐẦU TƯ THÌ PHẢI SINH LỜI ?
Bài của THỊNH HÀ trên TVN   28/1/2015
***
LTS: Đề xuất luật hóa chuyện chạy chức chạy quyền của PGS.TS Nguyễn Hữu  Tri, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia mới đây tiếp tục gây tranh luận. Xin giới thiệu bài viết của tác giả  Thịnh Hà để bạn đọc cùng trao đổi.
Đề xuất của  nguyên Viện trưởng Viện khoa học hành chính dựa trên hai căn cứ chủ yếu: "Đã là kinh tế thị trường thì chạy là tất nhiên, luật hóa cho tiền chạy nổi lên, dễ kiểm soát" và "trên thế giới ai cũng chạy chức chạy quyền, kể cả Obama".
Vị GS “quên” mất rằng, cũng là chạy nhưng chạy một cách công khai, đàng hoàng bằng chính sức lực, tài năng và ý chí của mình để về đích khác hẳn với chạy tắt, chạy dối gian – chẳng hạn đua xe đạp, đến đoạn đường vắng cho người và xe lên ô tô, chạy vượt lên trước rồi thả xuống.
Từ cái cách tư duy khập khiễng ấy, mà dẫn tới hàng loạt suy diễn xa rời bản chất.
Thứ nhất, đâu phải chỉ đến lúc xuất hiện nền kinh tế thị trường thì người ta mới lo chạy chức quyền. Sử sách ghi rõ từ bao đời nay, các triều đại vua Việt đều cấm chuyện mua bán quan tước, coi đó là chuyện khuất tất không thể chấp nhận.
Thứ hai, ông Tri đã nhầm một cách rất chân thành ở chỗ cách ‘chạy’ vào Nhà Trắng của Tổng thống Obama không giống như ông nghĩ. Tranh cử chức tổng thống tốn rất nhiều tiền vì cần chi phí cho quảng bá hình ảnh, đi lại, tổ chức… Thế nhưng, dù là ai, tốn bao nhiêu tiền đi nữa, nhất định phải có thực tài. Nói chính xác là tài năng của ứng cử viên phải được đa số chấp nhận.
Thứ ba, dùng tiền để vận động tranh cử không hề đồng nghĩa với mua, bán, trong khi ông Tri cho rằng có thể mua để đồng tiền NỔI lên, dễ quản lý. Từ thuở có nhà nước cách đây hàng ngàn năm, chẳng có chế độ nào chấp nhận cách mua quan bán tước cho tiền… nổi lên (và tóm lấy) kiểu như thế.
Điều mà dân cần ở lãnh đạo – bất kể cấp bậc nào là tài- tâm- ý chí. Cả ba điều cấu thành nên tiêu chí chuẩn mực của một người lãnh đạo, không có đồng tiền nào mua nổi
Cứ giả sử như việc này mà được luật hóa thật, thì điều đầu tiên cần làm đó là phải lập "sàn" giao dịch chạy chức - chạy quyền mà cái giá của nó không thể nào lượng định nổi bởi có chức bằng tiền tức là đầu tư. Đã là đầu tư thì phải tìm cách sinh lợi. Muốn sinh lợi thì phải tăng cường kiếm chác. Quan càng tham vọng kiếm nhiều, dân càng khổ, xã hội hỗn loạn…Hệ lụy tiếp đó là xã hội thêm trì trệ, rối mù, tình trạng tắc trách không được  giải tỏa, sự phức tạp càng tăng.
Trong khi đó, người có nhiều tiền không có nghĩa là người có tài kinh bang tế thế. Tiền do làm ăn bất chính, do buôn bán ma túy, do thừa kế… chẳng liên quan đến khả năng tề gia, trị quốc.
Cái vòng luẩn quẩn đã hiện ra: Ông Tri cho rằng cơ chế hiện nay không cho phép người trưởng non kém ‘thích’ người phó tài nên càng cần phải luật hóa chuyện… chạy. Ông giải thích sao nếu kẻ bỏ ra nhiều tiền để có chức nhưng vẫn hoàn toàn kém tri thức, khả năng để điều hành một bộ máy phức tạp. Người như thế liệu có thể xử lý vấn nạn trưởng kém không thích phó giỏi lâu nay.
Muốn chọn được người thực tài, có đức, biết rõ điều hơn, lẽ thiệt, hãy có cơ chế cho dân bầu cử dân chủ.
Đừng đổ lỗi cho kinh tế thị trường. Nhiều nước rành rành nền kinh tế thị trường sao ít khi có tham nhũng, ít khi thấy quan chức yếu kém?
Những văn bản trên trời, những đề xuất lạ đời mọc ra ngày càng lắm. Phải chăng hầu hết những sai phạm về cái gọi là ý tưởng ấy cũng bắt nguồn từ chỗ “chạy” mà ra? Những ý tưởng ích nước lợi dân chẳng tiền nào mua được cho dù có chạy bằng cả cơ nghiệp.
Trên đời, có hai cái trong nhiều thứ không thể mua được, đó là đức độ và hiểu biết. Đã là không mua được, thì tại sao lại cần luật hóa cho dễ bán mua?
  • Thịnh Hà

Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

20150128. BÌNH LUẬN VỀ ẢNH HƯỞNG GIÁ DẦU ĐẾN VIỆT NAM

 ĐIỂM BÁO MẠNG
VN "TIẾN THOÁI LƯỠNG NAN" VÌ GIÁ DẦU ?
Bài của BBC 27/1/2015
Những lần giảm giá xăng nhỏ giọt không tạo nên tác động đủ lớn đối với vật giá tại Việt Nam, theo giới chuyên gia
***
Chính phủ Việt Nam chưa biết cách phát huy mặt tích cực và hạn chế tác động tiêu cực của tình trạng giảm giá dầu, theo ý kiến một chuyên gia trong nước.
Nhận định trên đuợc kinh tế gia Phạm Chi Lan, cựu thành viên trong ban cố vấn chính phủ, đưa ra trong cuộc phỏng vấn với BBC ngày 27/1.
Trước đó, hôm 22/1, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh được báo điện tử VnExpress dẫn lời cho biết tăng trưởng kinh tế năm 2015 sẽ trượt xa so với chỉ tiêu nếu giá dầu tiếp tục giảm.
"Khi giá dầu về mức 40 đôla mỗi thùng ... thì GDP có thể giảm 1%, nghĩa là nếu dự kiến 2015 GDP tăng 6,2% thì chỉ còn 5,2% mà thôi”, ông nói.
Trước đó, một số ý kiến trong giới quan sát cho rằng việc giá dầu giảm xuống 40 đôla/thùng là hoàn toàn có thể xảy ra.
"Không có dấu hiệu nào cho thấy Opec sẽ ngưng sản xuất quá mức, vì vậy, nhiều khả năng chúng ta sẽ thấy giá dầu giảm xuống mức 40 đôla trong những tuần tới," phân tích gia Michael Hewson từ CMC Markets nói với BBC trong cuộc phỏng vấn gần đây.
Trong tin ngày 27/1, báo tài chính Bloomberg dẫn số liệu riêng cho biết thâm hụt ngân sách của Việt Nam sẽ đạt 5,3% GDP trong năm nay, cao hơn mức chỉ tiêu 5%.
Hiện dự toán thu ngân sách từ dầu thô cho năm 2015 là 93 nghìn tỷ đồng, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch Đầu tư.
Khoản thu ngân sách trên dựa trên mức giá dự toán dầu thô là 100 đôla/thùng.
Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam có thể hụt thu ngân sách khoảng 60.000 tỷ đồng trong năm nay nếu giá dầu rơi xuống mức giá 40 đôla/thùng, tương đương 3 tỷ đôla.
'Không phát huy được lợi thế'
"Tôi nghĩ là chính phủ đang cố gắng nhưng thực sự để bù với hụt thu ngân sách thì không dễ dàng", bà Phạm Chi Lan nói với BBC qua điện thoại".
"Ngay cả giá dầu giảm có giúp cho giá đầu vào của các sản phẩm khác giảm thì cũng cần có thời gian và trông đợi vào nỗ lực thực tế của các ngành cũng như sự phục hồi của các doanh nghiệp".
Bà Lan cho rằng vấn đề ngân sách cần được xem xét dù có xảy ra tình trạng giảm giá dầu hay không.
"Tôi cho rằng đây cũng là một dịp để xem lại vấn đề ngân sách theo hướng khác, nghĩa là thực hiện theo tinh thần tái cơ cấu như đã đề ra với đầu tư công. Làm sao để không chỉ đầu tư công mà chi tiêu công cũng hiệu quả hơn", bà nói.
"Như mấy năm vừa rồi chi thường xuyên tăng rất cao và vì vậy làm ảnh hưởng đến phần đầu tư của nhà nước."
"Dù giá dầu có không giảm hay không thì cũng cần tái cơ cấu về chi tiêu công. Gánh nặng trả nợ đang ngày càng lớn, chiếm phần lớn hơn so với GDP."
Trong nỗ lực nhằm phát huy lợi thế của tình trạng giảm giá dầu, chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo cho các doanh nghiệp bán lẻ giảm giá xăng ít nhất 20 lần từ giữa năm 2014.
Tuy nhiên theo bà Lan, nỗ lực này không tạo những tác động đáng kể.
"Những cố gắng giảm giá xăng dầu trước hết để đáng hoan nghênh", bà nói.
"Nhưng những lần giảm, nhất là trong thời gian đầu, quá nhỏ giọt, không tạo thay đổi tích cực lên vật giá".
"Ngành liên quan nhất là vận tải, có giá đầu vào xăng dầu chiếm rất lớn trong chi phí, thì giá cước vận tải chưa giảm được bao nhiêu."
"Ở đây có một số người lấy lý do là trong thời gian vừa qua thì thời gian vừa qua xăng tăng quá nhiều, người ta không kịp tăng theo, tới khi giá giảm ít một thì người ta cho là chưa đủ để giảm giá vận tải."
"Đến nay mức giảm giá đã khá lớn thì cũng đã đến lúc các doanh nghiệp vận tải phải giảm giá xuống mới hợp lý, nhưng họ không làm."
"Vì vậy nên giá đầu vào cho các doanh nghiệp trong những lĩnh vực khác cũng không được bao nhiêu."
"Tôi nghĩ đây là cái không thể chờ được nữa mà cần có sức ép mạnh hơn", bà nhận định.