Thứ Bảy, 17 tháng 1, 2015

20150117. AI ĐƯỢC HƯỞNG LỢI TỪ TỶ GIÁ TĂNG ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
TỶ GIÁ TĂNG, AI HƯỞNG LỢI ?
Bài THANH TRÚC trên TGTT 16/1/2017
[141602]_MG_0640
***
Nếu phân tích sâu các số liệu mà tổng cục Thống kê mới công bố, sẽ thấy nhiều điều đáng lo ngại từ việc điều chỉnh tăng tỷ giá. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hưởng lợi nhiều, trong khi các doanh nghiệp trong nước… yếu đi.
Ngay đầu năm 2015, ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng tỷ giá USD lên thêm 1%. Việc này diễn ra ngay khi có thông tin tổng kết năm 2014: năm thứ ba liên tiếp Việt Nam có thặng dư thương mại. Thoạt nhìn, đây là thông tin tích cực, vì tỷ giá thăng sẽ thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, đảm bảo cho thặng dư thương mại của Việt Nam tăng trưởng hơn trong năm nay. Tuy nhiên, nếu phân tích sâu thêm các số liệu mà tổng cục Thống kê công bố, sẽ thấy nhiều điều đáng lo ngại. Kết thúc năm 2014, Việt Nam xuất khẩu 150 tỉ USD, nhập khẩu 148 tỉ USD. Như vậy, cả năm Việt Nam thặng dư 2 tỉ USD.
Kim ngạch xuất khẩu của khu vực trong nước tăng 10,4% trong năm 2014, gần gấp ba lần so với năm 2013. Tuy nhiên, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh hơn – mức tăng tới 15,2%, đạt 101,6 tỉ USD (67,7% tổng kim ngạch xuất khẩu).
Theo đánh giá của chuyên gia dù chiếm tới 2/3 kim ngạch xuất khẩu nhưng doanh nghiệp FDI chỉ đóng góp khoảng 20% GDP.
Những dữ liệu trên cho thấy, đồng USD tăng giá đem lại lợi ích cho xuất khẩu, nhưng 2/3 lợi ích đó rơi vào khối FDI. Điều đáng chú ý là những mặt hàng do khối FDI sản xuất chủ yếu là gia công, lắp ráp, sử dụng nhiều lao động nên giá trị gia tăng thấp. Do vậy, có chuyên gia đánh giá dù chiếm tới 2/3 kim ngạch xuất khẩu nhưng doanh nghiệp FDI chỉ đóng góp khoảng 20% GDP!
Xuất khẩu của khối FDI ngày càng phình to cũng phản ánh sự yếu kém của khối doanh nghiệp trong nước trong đón đầu các cơ hội xuất khẩu từ các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương của chính phủ. Thực tế là những năm gần đây đã có dòng dịch chuyển đơn hàng từ một số quốc gia lân cận sang Việt Nam, thấy rõ trong năm qua ở lĩnh vực dệt may. Nhưng những đơn hàng này rơi vào đâu? Những năm qua đã có làn sóng đầu tư từ nước ngoài để đón đầu các hiệp định thương mại. Và các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện chiếm 99,6% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước; hàng dệt, may chiếm 59,4%; giày dép chiếm 77%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác chiếm 89,7%; điện tử, máy tính và linh kiện chiếm 98,8%.
Một dữ liệu đáng chú ý nữa, năm 2014, trong khi khối doanh nghiệp FDI xuất khẩu 101,6 tỉ USD thì chỉ nhập khẩu 84,5 tỉ USD, xuất siêu 17,1 tỉ USD. Trong khi đó khối doanh nghiệp trong nước xuất khẩu chỉ 48,4 tỉ USD thì nhập khẩu tới 63,5 tỉ USD, nhập siêu 15,1 tỉ USD. Chưa có dấu hiệu gì cho thấy trong năm 2015 xu hướng “trong nước nhập siêu, nước ngoài xuất siêu” này thay đổi. Những số liệu này cũng chỉ ra rằng, khối doanh nghiệp trong nước do lệ thuộc máy móc, nguyên vật liệu nước ngoài nên sẽ chịu nhiều thiệt hại từ việc điều chỉnh tỷ giá, và càng kém sức cạnh tranh so khối doanh nghiệp FDI.              
Về cơ cấu xuất khẩu, tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản đạt 66,5 tỉ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2013; chiếm 44,3% tổng kim ngạch hàng hoá xuất khẩu với mặt hàng điện thoại và linh kiện ước đạt 24,1 tỉ USD, tăng 13,4% và chiếm 16,1%. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ đạt 57,9 tỉ USD (trong đó kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt hơn 24 tỉ USD, da giày đạt 9 tỉ USD), tăng 15,9% và chiếm 38,6%. Năm 2014, mặc dù có sự bứt phá trong xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản, với tổng cộng kim ngạch đạt hơn 25 tỉ USD – nhóm mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, nhưng số này cũng chỉ chiếm hơn 1/6 tổng kim ngạch.
Thanh Trúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét