Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2015

20150116. VỀ GIÁO DỤC HỘI NHẬP VÀ ĐỔI MỚI

ĐIỂM BÁO MẠNG
GIÁO DỤC HỘI NHẬP "TOÀN CẦU HÓA"
Bài NGUYỄN THỊ BÌNH / GDVN/ BVB 16/1/2015

 

***
“Giáo dục nước ta đang đứng truớc những thách thức và cơ hội chưa từng có do yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững”...Nguyên Phó chủ tịch nước nói.
Trước yêu cầu đòi hỏi cần đổi mới cấp thiết của giáo dục và đào tạo, bài viết của bà Nguyễn Thị Bình, Nguyên Phó Chủ tịch Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam như là một nội dung góp ý, định hướng phát triển giáo dục và đào tạo, đặc biệt trong vấn đề khoa học công nghệ. 
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết này. 
Mở đầu bài viết, bà Bình nhận định, trong bối cảnh toàn cầu hoá ngày càng sâu rộng, khoa học – công nghệ ngày càng tiến triển mạnh mẽ, nhiều vấn đề về môi trường, dân số, khí hậu… nảy sinh theo chiều hướng ngày càng gay gắt. Để đáp ứng yêu cầu mới, rõ ràng giáo dục không thể cứ như hiện nay mà cần phải có sự thay đổi căn bản và toàn diện.
Muốn giáo dục thay đổi căn bản và toàn diện thì các quyết sách về giáo dục không chỉ nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc trước mắt mà còn phải tạo cơ sở để phát triển toàn bộ hệ thống giáo dục với tầm nhìn vài thập kỷ. Như vậy, mỗi quyết sách phải được cân nhắc kỹ càng trên cơ sở những luận cứ khoa học.
Bà Nguyễn Thị Bình
***
Việc ngành giáo dục tổ chức một hội thảo tập hợp các nhà khoa học nghiên cứu về giáo dục trong cả nước là một sáng kiến, một sự tái khởi động cần thiết về chuẩn bị cho những thay đổi căn bản và toàn diện về giáo dục. Đây là một cơ hội tốt để suy ngẫm và thảo luận về khoa học giáo dục cũng như về sự cần thiết phải đổi mới cách nghĩ, cách làm đối với giáo dục.
Đổi mới về khoa học giáo dục
Nói đến khoa học giáo dục, là đụng chạm đến một lĩnh vực nghiên cứu phức tạp vào loại nhất. Phức tạp, vì đối tượng của nó là con người từ tuổi ấu thơ cho đến tuổi trưởng thành, và ngày nay, khi loài người mong muốn xây dựng một xã hội học tập, với ý tưởng “giáo dục cho mọi người” và “học suốt đời”, thì đối tượng nghiên cứu của khoa học giáo dục lại mở rộng đến con người ở mọi lứa tuổi. Phức tạp, còn vì phạm vi nghiên cứu của khoa học giáo dục ngày càng rộng lớn mà vấn đề được đặt ra để nó giải quyết lại vốn đã tồn tại từ rất lâu.
Song ở mỗi thời đại, mỗi quốc gia, dân tộc lại cần có lời giải đáp riêng của mình. Đó là, “Con người, trước hết là trẻ em, cần phải học những gì và tại sao lại phải học những điều đó?” Gần đây hơn, do sự phát triển của xã hội, lại thêm: “Làm thế nào để mọi trẻ em đều được học và đều học được?”. Dù nhiều đề tài, đề án nhưng suy đến cùng phải chăng mọi nghiên cứu về khoa học giáo dục đều hội tụ ở chỗ tìm đáp án cho hai câu hỏi đó sao cho phù hợp với thực tiễn đất nước và đặc điểm thời đại?
Ngày nay ở nước ta, vai trò của khoa học giáo dục đã được thể chế hoá. Luật giáo dục 1998 cũng như Luật giáo dục 2005, đều có quy định: Nhà nước ưu tiên phát triển khoa học giáo dục và yêu cầu mọi chủ trương, chính sách về giáo dục phải được xây dựng trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học giáo dục. Tuy nhiên, khoa học giáo dục nước ta chưa thực hiện được vai trò dẫn dắt của mình. Bộ Chính trị (khoá X) trong thông báo 242 ngày 15/4/2009 đã nhận định: “Chất lượng nghiên cứu khoa học giáo dục còn bất cập, chưa đề ra được những giải pháp kịp thời, có hiệu quả để khắc phục hạn chế, yếu kém…
Một số chính sách về giáo dục còn chủ quan duy ý chí, xa thực tế, thiếu sự đồng thuận của xã hội”. trong khi nhiều vấn đề tồn đọng đã lâu chưa có giải pháp thì giáo dục nước ta lại đối mặt với nhiều vấn đề mới nảy sinh mà chưa có giải pháp nghiên cứu đáng kể nào. Chẳng hạn, các vấn đề: thị trường giáo dục, chiến lược hội nhập quốc tế, triển khai hệ thống giáo dục mở… Như vậy, có thể nói, khoa học giáo dục nước ta đã tụt hậu so với thực tiễn giáo dục; nó không những không phát huy được vai trò làm cơ sở cho việc xây dựng chủ truơng, chính sách giáo dục, mà trong nhiều trường hợp trở thành thứ khoa học minh hoạ chính sách.
Vì sao lại có tình trạng như vậy?
Trước hết, về động lực nghiên cứu. Sứ mệnh của nhà khoa học, tất nhiên bao gồm cả khoa học giáo dục, là tìm chân lý. Sứ mệnh này được thực hiện khi bản thân nhà khoa học có nhu cầu tìm chân lý, coi đó là động lực của mình. Nhưng nhu cầu này chỉ trở thành động lực khi các nhu cầu bậc thấp hơn được thoả mãn, trong đó có nhu cầu đời sống (ăn, mặc, ở) và nhu cầu an toàn cá nhân. Giải thích về tình trạng một số người trong giới khoa học chạy sô với các dự án, các công việc làm thêm, không thực sự dốc toàn tâm toàn ý vào việc nghiên cứu, có ý kiến: “Khoa học khó có thể cho đi trước bát cơm!” Để có lời giải thoả đáng làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách liên quan đến động lực nghiên cứu của các nhà khoa học giáo dục thì có lẽ cần khảo sát, điều tra một cách căn cơ, bài bản.
Thứ hai, về môi trường nghiên cứu. Nhiều ý kiến cho rằng môi trường nghiên cứu của chúng ta có vấn đề. Các nhân tố ngoài khoa học còn lấn át các nhân tố khoa học. Các nhân tố ngoài khoa học thì có nhiều thứ. Điều các nhà nghiên cứu về khoa học giáo dục muốn nói đến trước hết là sự cởi mở về học thuât, hay nói sát hơn, là nhu cầu phát huy quyền tự do trong học thuật.
Thứ ba, về bộ máy nghiên cứu. Điều đáng mừng là gần đây, theo đề nghị của Bộ, Chính phủ đã cho lấy lại cái tên Viện Khoa học giáo dục thay cho tên Viện Chương trình và Chiến lược giáo dục, vốn chỉ thể hiện sự hợp nhất của hai viện trước đó mà khi sắp xếp về tổ chức đã đưa một số bộ phận về trường làm hạn chế phạm vi nghiên cứu của viện. Chủ trương của Chính phủ và của Bộ cho lấy lại tên Viện Khoa học giáo dục là sự khẳng định mạnh mẽ vai trò đầu não của Viện.
Để xứng đáng là đầu não, Viện cần tăng cường những bộ phận nghiên cứu về các môn khoa học có tính chất nền tảng như tâm lý học, đặc biệt là tâm lý lứa tuổi, về khoa học phát triển giáo dục, về triết lý giáo dục, về nguyên lý giáo dục, về giáo dục suốt đời, về kinh tế học giáo dục; đồng thời củng cố những bộ phận nghiên cứu các khoa học có tính chất công cụ, ứng dụng như xây dựng chương trình, phương pháp bộ môn, đo lường giáo dục, điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, v.v... Là đầu não nhưng không thể biệt lập và đơn độc. Viện khoa học giáo dục phải phối hợp chặt chẽ với Học viện Quản lý giáo dục và các trường Đại học sư phạm, đại học giáo dục, để có những công trình nghiên cứu mở đường cho sự phát triển của giáo dục nước ta.
Cái khó hiện nay của Viện có lẽ là lực lượng nghiên cứu mỏng, phân tán, trong khi các vấn đề của giáo dục lại nhiều và phức tạp.
Sự cần thiết phải đổi mới tư duy giáo dục
Một vấn đề rất quan trọng đối với khoa học giáo dục, có tác dụng chi phối dẫn dắt, tạo nền cho công trình nghiên cứu, và tất nhiên cũng chi phối, dẫn dắt, tạo nền cho cả hoạt động thực tiễn về giáo dục, đó là triết lý giáo dục. Vì tầm quan trọng như vậy nên trước những lúng túng, bất cập trong lĩnh vực giáo dục, thời gian vừa rồi mới có ý kiến cho rằng chúng ta thiếu triết lý giáo dục.
Nếu quan niệm triết lý giáo dục là hệ thống lý luận phản ảnh sự nhận thức chung nhất đóng vai trò chỉ đạo hoạt động giáo dục... thì có lẽ không phải chúng ta không có triết lý giáo dục. Nhưng trước những đòi hỏi mới đối với sự nghiệp giáo dục, cần và có thể bổ sung, điều chỉnh triết lý giáo dục của chúng ta cho phù hợp, mà quan niệm về mục tiêu đào tạo là một nội dung tập trung và cụ thể.
Chúng ta đều biết, ngay sau khi thành lập nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, xuất phát từ nhận thức “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, Bác Hồ đã xác định, để giữ vững độc lập dân tộc, tự do và hạnh phúc cho nhân dân thì nhiệm vụ khẩn cấp của giáo dục là xây dựng hệ thống giáo dục bình dân nhằm “diệt giặc dốt”. Bác cũng từng đặt kỳ vọng vào việc giáo dục thế hệ trẻ để đưa nước ta đến chỗ sách vai cùng cường quốc năm châu. Chính phủ ngay sau đó cũng đã xác định mục tiêu của nền giáo dục mới là: “Tôn trọng nhân phẩm, rèn luyện chí khí, phát triển tài năng” và khẳng định tính chất cơ bản của nền giáo dục là: “dân tộc, khoa học, đại chúng với tôn chỉ phụng sự lý tưởng quốc gia và dân chủ”.
Cuộc cải cách giáo dục năm 1950, chủ yếu về giáo dục phổ thông, một lần nữa tái khẳng định tính chất dân tộc, khoa học, đại chúng với mục tiêu đào tạo những người “công dân lao động tương lai”.
Khi đất nước được thống nhất, nhiệm vụ của nền giáo dục quốc dân đã được xác định lại là: “chăm sóc và giáo dục thế hệ trẻ ngay từ tuổi thơ ấu cho đến lúc trưởng thành, nhằm tạo ra cơ sở ban đầu rất quan trọng của con người Việt Nam mới, người lao động làm chủ tập thể và phát triển toàn diện”. Để thực hiện điều đó, nguyên lý giáo dục là: “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội”. Đặc biệt, ngay từ thời kỳ đó, tư tưởng học tập thường xuyên và vai trò của giáo dục không chính quy đã được nhấn mạnh.
Sau Đại hội VI, trong quá trình đổi mới, cùng với việc tiếp tục theo duổi mục tiêu giáo dục toàn diện đức, trí, thể, mỹ và lược bỏ những tiêu chí mang tính ý chí luận (như đào tạo con người Việt Nam mới và làm chủ tập thể), đã có thêm những quan điểm mới về sứ mạng của giáo dục (nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài), về vai trò của giáo dục (cùng với khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển) cũng như xác định sự chia sẻ trách nhiệm giữa nhà nước và nhân dân (chủ trương xã hội hóa giáo dục và xác lập tư cách pháp nhân của nhà trường ngoài công lập).
Tuy nhiên, những quan điểm mới có nhiều phần lâm vào tình trạnh chưa thực sự được quán triệt, còn dừng ở các văn kiện (như vai trò quốc sách hàng đầu của giáo dục) hoặc bị lệch lạc trong quá trình triển khai ( xã hội hóa giáo dục được nhấn mạnh về huy động nguồn lực và thậm chí giảm nhẹ vai trò của nhà nước).
Ngày nay, chúng ta lại bước vào một giai đoạn mới của phát triển đất nước. Giai đoạn thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa để trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 trong bối cảnh thế giới đi vào kinh tế tri thức. Giáo dục của ta đứng trước những yêu cầu mới cao hơn. Đó là thách thức rất lớn. Để xác định triết lý giáo dục, trước hết là mục tiêu giáo dục, cho hiện nay và cho tương lai 10 – 20 năm tới, cần có tổng kết sâu sắc về sự phát triển giáo dục trong ít nhất 10 năm qua; đồng thời xem  xét hướng phát triển của giáo dục thế giới. UNESCO gần đây đã nêu ra bốn cột đỡ của giáo dục: học để biết, để làm, để làm người, để chung sống, có thể xem đấy là sự gợi ý rất quan trọng giúp chúng ta đổi mới tư duy giáo dục, hoàn thiện triết lý giáo dục, cũng như cụ thể hóa mục tiêu giáo dục của chúng ta.
Để đất nước ta tồn tại và phát triển trong bối cảnh thế giới ngày nay, phải nâng cao trí tuệ và năng lực của con người Việt Nam. Vì vậy, giáo dục không thể cứ như hiện nay mà cần phải có sự thay đổi căn bản và toàn diện, một sự bứt phá thực sự. Đấy chính là lý do khiến cho nhiều nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục đề xuất phải cải cách giáo dục, với quan niệm, cải cách giáo dục là sự thay đổi căn bản, sâu sắc và toàn diện về mô hình phát triển và mục tiêu của cả hệ thống giáo dục, trái hẳn với cách đổi mới giáo dục mà chúng ta từng thực hiện trong suốt những năm vừa qua, vốn chỉ nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc bằng giải pháp tình thế, vừa không đồng bộ vừa thiếu hệ thống.
Tất nhiên trong cuộc thay đổi căn bản, sâu sắc, toàn diện như vậy, các nhà khoa học giáo dục phải là người đóng vai trò nòng cốt trong việc xây dựng luận cứ khoa học cho các chủ trương, chính sách về giáo dục.
N.T.B/GDVN
VẪN CHỈ LÀ HÔ TO "QUYẾT TÂM" (!?)
Bài pv VŨ MINH GIANG /Giáo Dục/ BVB 16/1/2015)
***
GS.TSKH Vũ Minh Giang cho rằng nhiệm vụ đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo không hề đơn giản và chính ngành giáo dục cũng chưa biết bắt đầu từ đâu.
Hội nghị Trung ương 10 đã xác định 12 nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong những năm tới trong đó có nhiệm vụ đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ.
Bình luận về khả năng hoàn thành nhiệm vụ này, GS.TSKH Vũ Minh Giang –Nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cần phải xác định rõ chúng ta phải làm gì chứ không phải cứ hô quyết tâm rất to, rất lớn, nhưng khi hỏi phải bắt đầu từ đâu thì lại hết sức lúng túng.
- Theo ông chúng ta có những cơ sở nào để hoàn thành nhiệm vụ trên?
- Hiện tại, chưa thể nói liệu chúng ta có hoàn thành được nhiệm vụ trên hay không. Thế nhưng, nhìn vào những động thái triển khai có thể thấy có vẻ như chúng ta đang gặp khó khăn ở đâu đó.
***
Gs.Ts. Vũ Minh Giang
***
Ngành giáo dục đang ở trong trạng thái xuất hiện nhiều vấn đề cần giải quyết, không phải chỉ là khắc phục các điểm còn hạn chế hay các khuyết tật…mà dường như nó còn đang đòi hỏi phải thay đổi một cách căn bản. Tuy nhiên, người ta mới chỉ thể hiện quyết tâm chứ chưa có quyết tâm cao và chưa thể hiện bằng hành động cụ thể.
Hơn nữa, họ cũng chưa hiểu, chưa xác định được một cách rõ ràng rằng muốn thay đổi toàn diện và căn bản, chúng ta phải bắt đầu từ đâu, phải làm những gì…Ngành giáo dục đã hiện thực hóa quyết tâm trên bằng việc thay đổi sách giáo khoa hay đổi mới hình thức thi…, nhưng tôi nghĩ làm thế chưa chắc đã đúng. Cần phải xác định rõ chúng ta phải làm gì chứ không phải cứ hô quyết tâm rất to, rất lớn, nhưng khi hỏi phải bắt đầu từ đâu thì lại hết sức lúng túng.
- Chúng ta nên bắt đầu từ đâu, phải làm những gì để có thể hoàn thành nhiệm vụ trên trong 5 năm tới thưa ông?
- Xin cho tôi hỏi không chỉ những người làm ở lĩnh vực giáo dục, đổi mới căn bản và toàn diện nghĩa là thế nào? Thế nào là căn bản, thế nào là toàn diện? Tôi hỏi như vậy không phải để đánh đố mà tôi tin rằng bất cứ ai cũng nhận thấy khó để trả lời câu hỏi trên chứ không chỉ các thầy cô giáo.
Họ cứ nói chung chung như thế mà không xác định được rằng để làm được điều đó không hề đơn giản. Muốn hiện thực hóa được quyết tâm đó cần có sự tham gia của nhiều tầng lớp, trước hết là những người làm trong ngành giáo dục. Nếu những đối tượng này cũng không hiểu chúng ta nên bắt đầu từ đâu và phải làm những gì thì sẽ rất khó để thực hiện nhiệm vụ này. Còn nếu ai cũng cứ đổ dồn hết trách nhiệm đó cho ngành giáo dục, cho những người làm chuyên môn, cấp dưới nghĩ đó là nhiệm vụ của cấp trên thì còn khó hơn nữa.
Tôi nghĩ ta nên bắt đầu từ việc rà soát lại chương trình đào tạo từ cấp dưới lên cấp trên. Trên cơ sở đó mới tính đến chuyện đổi mới chương trình và có lộ trình đổi mới những người thực hiện chương trình đó.
Hiện tôi thấy những việc cần làm như trên họ chưa làm, thậm chí họ đang đi ngược quy trình.
- Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận từng hứa trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, trước đồng bào, cử tri cả nước rằng sẽ khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm các môn học chính. Theo ông đây có phải là một trong những hành động góp phần hiện thực hóa quyết tâm trên?
- Việc dạy thêm, học thêm đã và đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Đó cũng là việc khiến ngành giáo dục tạo ra sự phản cảm đối với các phụ huynh và toàn xã hội. Ngoài ra, đó cũng là nỗi hãi hùng với nhiều thế hệ học trò.
Thế nhưng, đây không phải là hiện tượng mà ta nói chống hay cấm mà được. Trước khi cấm hay chống, ta phải biết vì sao nó xuất hiện, nó từ đâu ra? Hình như nhiều người vẫn chưa xác định được điều đó. Cá nhân tôi cho rằng đó là một trong muôn muôn vàn hiện tượng “đẻ ra” từ một nền giáo dục cũ, lạc hậu – nền giáo dục lấy tiếp cận nội dung là chủ đạo, tức là họ hay dạy những kiến thức cụ thể cho người học từ mẫu giáo đến đại học.
Phương pháp dạy đó đã trở thành “đồ cổ”, đã trở nên lỗi thời với thế giới nhất là với sự bùng nổ của kiến thức, của khoa học công nghệ như hiện nay. Cứ dạy và học như thế làm sao tiếp thu xuể các kiến thức mới? Cũng chính vì thế nên năm nào Bộ Giáo dục cũng nghĩ đến chuyện thay đổi chương trình sách giáo khoa và nội dung giảng dạy bao giờ cũng quá tải. Do không học xuể nên học trò phải “nhồi thêm” bằng cách học thêm.
Tôi không trách ai trong việc dạy thêm – học thêm mà tôi muốn nói đến một thực thể giáo dục duy trì quá lâu tình trạng lạc hậu như thế.
- Thế còn việc thực hiện cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích bằng các giải pháp đổi mới công tác đề thi, công tác thi đua khen thưởng, việc đánh giá kết quả học tập…, ông có nghĩ đó là một hành động cụ thể góp phần hoàn thành nhiệm vụ “đổi mới căn bản và toàn diện” đã đặt ra?
- Tôi xin nói thẳng là riêng với thực trạng đó càng cấm càng bị. Muốn chấm dứt chỉ có cách là bỏ nền giáo dục tiếp cận nội dung cụ thể hiện nay đi. Khi có quá nhiều kiến thức người ta không học được hoặc do lười, học sinh sẽ học tủ hoặc nếu gian dối, học sinh sẽ quay cóp. Tiêu cực chính là từ nền giáo dục đó mà ra. Thùng rác
Xem thử Lưu lại
Vậy có nên tiếp tục rà soát, điều chỉnh nội dung dạy và học theo hướng tinh giảm; thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện; tập trung đổi mới phương pháp dạy và học không thưa ông?
Người ta cứ nói rầm rầm về chuyện thay đổi phương pháp dạy và học, nhưng tôi xin hỏi thay đổi cái gì ở phương pháp trong khi ta còn chưa biết dạy cái gì? Phải hiểu về chương trình, cơ cấu của cái ta muốn truyền thụ thì mới có thể nói tới chuyện phương pháp.
- Tức là theo ông chúng ta nên thay đổi nội dung sách giáo khoa?
- Không hẳn. Nội dung sách giáo khoa chỉ là cái vỏ, cái thể hiện còn việc thay đổi chương trình học mới là quan trọng. Hiện nay chúng ta đang chưa xác định được cần phải đưa cái gì vào trong sách giáo khoa.
Chúng ta nên dạy cho học trò cách xử lý thông tin chứ không phải các thông tin cụ thể. Chẳng hạn với môn lịch sử, thay vì giới thiệu, “nhồi” vào đầu học sinh một khối lượng khổng lồ các mốc thời gian diễn ra sự kiện rồi ý nghĩa của chúng… – những thứ mà lên mạng tìm kiếm người ta có thể dễ dàng tìm thấy khi cần, tại sao người ta không dạy cho học sinh những điều căn cốt trong lịch sử, rồi cách xử lý thông tin để tìm ra sự thật, chân lý từ nhiều nguồn thông tin khác nhau? Làm thế chắc chắn học sinh sẽ thấy hấp dẫn hơn thay vì bị nhồi vào đầu đủ thứ kiến thức mà chắc gì thầy nói đã đúng?!
- Thời gian qua, các bậc phụ huynh cũng cảm thấy bất an hơn khi liên tiếp lộ diện những cuốn sách in sai, bài toán kiểu đánh đố thiếu thực tế, thiếu nhân văn, thậm chí là ghê rợn. Ông nghĩ sao về thực trạng này?
- Đó lại là chuyện khác. Các nội dung quái đản xuất hiện trong sách tham khảo có thể là do sự cẩu thả hay quan niệm sai của một số người biên soạn.
Gần 100.000 sinh viên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng vẫn thất nghiệp. Theo ông đó có phải là hệ lụy của phương pháp giáo dục hiện nay?
Nhiều khi người ta đổ lỗi cho giáo dục vì điều đó là đúng, nhưng theo tôi chưa đủ. Vấn đề còn nằm ở chỗ thị trường lao động đã bị lấp đầy hay chưa. Chưa nói đến chuyện đào tạo không đúng, cái chính là không có chỗ làm việc. Rõ ràng chúng ta đang rất thiếu chỗ làm việc do nền kinh tế chưa phát triển và có những tiêu cực trong cách bố trí lực lượng lao động.
     - Xin trân trọng cảm ơn ông!
(Theo Giáo Dục)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét