Thứ Hai, 30 tháng 4, 2018

20180430. BÀN VỀ 'LỰC' CHỐNG GIẶC NỘI XÂM

ĐIỂM BÁO MẠNG
ĐÔI ĐIỀU VỀ CÁC LOẠI 'LỰC' TRONG CUỘC CHIẾN CHỐNG NỘI XÂM

XUÂN DƯƠNG/ GDVN 28-4-2018

Ảnh minh họa: Quantri.vn
Có nhiều loại loại “lực” ảnh hưởng đến công cuộc chống giặc nội xâm mà Đảng, Nhà nước đang tiến hành, chẳng hạn: Quyền lực, Năng lực, Nội lực, Động lực, Hấp lực, Ma lực…
Mỗi loại lực có ảnh hưởng và tầm tác động khác nhau và người viết không có tham vọng cũng như không đủ kiến thức để đi sâu phân tích.
Trong loạt bài này chỉ là những điều nhiều người đã nói, đã viết, thêm vào đôi chút thiển kiến để ai muốn đọc thì đọc, ai không muốn thì thôi.
Lãnh đạo (hay cai trị) một quốc gia, trước hết phải nói đến Quyền lực.
Quyền lực thể hiện ở hai đặc điểm: “Tầm ảnh hưởng và khả năng điều khiển”.
Việc thâu tóm quyền lực không thể đạt được chỉ bằng năng lực mà còn phụ thuộc vào thời vận, tương quan sức mạnh giữa các lực lượng chính trị,…
Trường hợp người ta có được quyền lực nhờ sự trợ giúp về kinh tế, quân sự từ các thế lực nước ngoài hoặc sự thỏa hiệp của các phe nhóm trong nước thì người nắm quyền nói chung không thể có “tầm ảnh hưởng” cũng như khả năng “điều khiển”.
Quyền lực vốn tự do nhưng sẽ mất tự do khi bị chiếm dụng.
Một khi “Quyền lực trong tay kẻ mạnh” thì bản thân quyền lực cũng trở thành tù binh, cũng bị mất tự do như chính thể chế mà quyền lực đó chi phối.
Trường hợp bị chiếm dụng một cách bất hợp pháp, quyền lực bị biến thành công cụ đàn áp dân chúng, nếu được ủy thác hợp pháp, quyền lực giúp lực lượng lãnh đạo quản lý đất nước.
Lịch sử đã chứng minh, kẻ yếu không thể duy trì quyền lực lâu dài, có chăng chỉ là một giai đoạn ngắn ngủi trước khi bị lực lượng mạnh hơn giành mất.

Tại các quốc gia - trừ các nước theo thể chế quân chủ kiểu cũ - quyền lực nằm trong tay một hoặc một liên minh các đảng phái chính trị, dẫu có thế thì quyền lực cuối cùng cũng được trao vào tay một cá nhân được lựa chọn qua bầu cử hoặc được các phe phái hiệp thương đưa lên vị trí lãnh đạo.“Đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, câu nói này cho thấy để duy trì quyền lực không cách nào hơn là dựa vào dân, hợp lòng dân thì tồn tại, trái ý dân thì sớm muộn cũng bị lật đổ.
Sự hiệp thương, nói theo ngôn ngữ thông thường là “mặc cả” giữa các thế lực chính trị là nguyên nhân khiến không ít trường hợp, người trở thành lãnh đạo không phải là nhân vật kiệt xuất.
Những người tài năng “thường thường bậc trung” được hiệp thương lựa chọn, đặt vào vị trí cao nhất thường không được trao quyền lực trọn vẹn.
Phần lớn trường hợp chỉ là để các phe phái dễ thao túng, những người như thế không mấy khi mang lại ích lợi gì cho quốc gia, dân tộc.
Mang danh nghĩa người đứng đầu, thực chất họ không có quyền để quyết bất kỳ vấn đề trọng đại nào.
Một khi đi đây, đi đó, phát biểu này nọ đều phải dựa vào tờ giấy đã được chuẩn bị sẵn, người ta dễ nhận thấy hình hài một con rối trong bộ vest lịch lãm.
Với mỗi quốc gia, quyền lực phụ thuộc vào điều gì?
Lấy ví dụ bốn siêu cường đứng đầu thế giới về sức mạnh tổng hợp quân sự - kinh tế là Mỹ, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản.
Mỹ và Nhật có sự cân bằng giữa ba nhánh quyền lực, Nga và Trung Quốc dường như quyền lực tập trung vào Tổng thống hoặc Chủ tịch mặc dù vẫn có hai nhánh quyền lực khác là Lập pháp và Tư pháp.
Mỹ theo thể chế tam quyền phân lập trong khi Nhật lại theo chế độ quân chủ lập hiến, tại các quốc gia theo thể chế này vua được coi là nguyên thủ nhưng chỉ đóng vai trò danh dự, quyền hành pháp trong tay Thủ tướng.
Tại Mỹ, ông Donal Trump giành được 306 phiếu đại cử tri (bà Clinton được 232 phiếu), tính ra tỷ lệ phiếu đại cử tri bầu cho ông Trump chỉ là 56,87%.
Tại Nhật Bản, có 312/465 hạ nghị sĩ bầu cho ông Shinzo Abe, còn tại thượng viện ông Abe nhận được 151 trên 242 phiếu ủng hộ để trở thành Thủ tướng.
Tỷ lệ bầu cho ông Shinzo Abe lần lượt là 67% và 62,4%.
Liên bang Nga là một hình mẫu có thể xem là hơi đặc biệt.
Đầu năm 2018, ông Putin trúng cử tổng thống nhiệm kỳ thứ tư với tỷ lệ phiếu là 76,7%.
Tại quốc gia này, thể chế “tam quyền phân lập” không thật sự rõ ràng, Tổng thống không gặp nhiều khó khăn từ Hội đồng Liên bang (Thượng viện) và Duma Quốc gia (Hạ viện), quyền lực của Tổng thống gần như bao trùm mọi lĩnh vực và đôi khi có vẻ lấn sang cả lập pháp và tư pháp.
So về tiềm lực kinh tế, Nga chỉ mấp mé top 10 thế giới nhưng tiềm lực quốc phòng của họ lại đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.
Tại Trung Quốc, ông Tập Cận Bình được 100% đại biểu Quốc hội bầu là Chủ tịch nước.
Như thế, ở Trung Quốc, người đứng đầu đảng cũng là nguyên thủ quốc gia.
Với thể chế chính trị khác người như vậy, Trung Quốc lại chiếm vị trí thứ hai thế giới về kinh tế, thứ ba thế giới về quân sự và đang đe dọa vị thế số 1 của Mỹ.
Dù thể chế chính trị có khác nhau song có một thực tế không thể phủ nhận là bốn quốc gia nêu trên đều là những quốc gia hùng cường với sức mạnh kinh tế, quân sự lấn át nhiều nước nếu không nói là phần còn lại của thế giới.
Vậy vị thế quốc gia được quyết định bởi thể chế chính trị hay tài năng người đứng đầu?
Các dẫn chứng nêu trên cho thấy, vị thế một quốc gia không hoàn toàn phụ thuộc vào thể chế chính trị.
Bằng vào chủ trương, quyết sách hợp lý, với tài năng của người đứng đầu, sự nhanh nhạy của ekip lãnh đạo, cả bốn quốc gia Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật dù khác nhau về thể chế song đều là những quốc gia mạnh nhất thế giới cả về quyền lực cứng lẫn quyền lực mềm.
Cho đến nay thu nhập bình quân của Việt Nam khoảng hơn 2.300 USD còn Trung Quốc đã là 8.000 USD.Lấy Trung Quốc để so sánh, thể chế chính trị Việt Nam và Trung Quốc là tương đồng, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời năm 1945, bốn năm sau - vào năm 1949 - nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa mới ra đời.
Việt Nam tương đương Nhật Bản, Đức về diện tích và dân số: Nhật rộng 379.067 km2, dân số khoảng 120 triệu người; Đức rộng là 357.021 km², dân số khoảng 82 triệu người; Việt Nam diện tích 331.210 km², dân số gần 100 triệu người.
Thể chế chính trị hoàn toàn khác nhau, tiềm lực kinh tế, quốc phòng hai nước này vượt hơn hẳn Việt Nam.
Bằng vài phân tích nêu trên, có thể thấy bộ máy lãnh đạo, năng lực người đứng đầu, quyền lực mà họ (và bộ tham mưu của họ) có được đóng vai trò không hề kém so với thể chế chính trị.
Vậy nên Việt Nam muốn thoát khỏi tình trạng yếu kém về kinh tế, tham nhũng tràn lan, lòng dân bất an thì trước hết phải có một đội ngũ lãnh đạo sáng suốt, một người đứng đầu đủ mưu lược và dũng khí đương đầu với các tập đoàn tội phạm mà chúng ta quen gọi là “nhóm lợi ích”.
Bên cạnh đó cần những cải cách thể chế để có một nhà nước minh bạch, thượng tôn pháp luật.
Điều mà dân chúng mong muốn không phải là ai lãnh đạo mà là họ lãnh đạo như thế nào.
Để duy trì vị thế lãnh đạo, trước mắt phải làm trong sạch lực lượng lãnh đạo tức là đảng viên và các tổ chức của đảng.  
Gốc rễ của vấn đề nằm ở chỗ cho đến trước Đại hội Đảng lần thứ 12, dường như các cơ quan, tổ chức, cá nhân đều ngại chỉ đích danh những phần tử “nằm vùng” trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp, chẳng hạn mấy viên tướng Công an, một số lãnh đạo tỉnh, trung ương mới bị khởi tố hoặc bị các hình thức kỷ luật đảng.
Muốn công phá các “nhóm lợi ích” khi mà chúng đã bén rễ rất sâu vào cơ quan công quyền, đặc biệt là cơ quan bảo vệ pháp luật thì người đứng đầu phải nắm trong tay vũ khí đủ mạnh.
Nói cách khác, đây là giai đoạn phải tập trung quyền lực, tất cả công cụ chuyên chính phải được trao vào tay người dũng cảm, chấp nhận hy sinh vì lợi ích quốc gia, dân tộc chứ không phải chỉ vì sự sống còn của tổ chức.
Hiện thời, vẫn có một độ trễ nhất định về thời gian giữa kỷ luật của Đảng và xử lý của các cơ quan chính quyền, Quốc hội, giữa mức độ kỷ luật Đảng với việc xử lý sai phạm theo Bộ Luật Hình sự, ngược lại cũng có những vấn đề mà Chính phủ chỉ đạo, được dư luận ủng hộ nhưng lại chưa được áp dụng bên cơ quan Đảng.
Xin nêu hai ví dụ minh họa cho nhận định này:
Thứ nhất, tại phiên họp thứ 15 của Ủy Ban Kiểm tra Trung ương cuối tháng 6/2017, Phó Bí thư Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh bị đánh giá là mắc khuyết điểm nghiêm trọng.
Do bà Thanh khiếu nại, tháng 11/2017 Ban Bí thư y án kỷ luật cảnh cáo bà Phan Thị Mỹ Thanh (Vietnamnet.vn 24/11/2017).
Đến phiên họp thứ 23 (12-12/3/2018) Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiếp tục xem xét và kết luận vi phạm của bà Thanh là “rất nghiêm trọng”.
Vậy là qua 9 tháng, mức độ sai phạm tăng từ “nghiêm trọng” lên “rất nghiêm trọng” vì sao bà Thanh vẫn chưa bị bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội, vẫn còn là Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai?
Sự chậm trễ tới gần 1 năm của Quốc hội có phải là vướng những quy định pháp luật hay còn phải chờ quyết định cuối cùng từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương?
Thứ hai, Thủ tướng Chính phủ nêu quan điểm “Chính phủ không bán bia, không bán sữa” nhằm tập trung vào công tác quản lý vĩ mô.
Nhiều đơn vị 100% vốn nhà nước đã được chào bán cho tư nhân trong và ngoài nước theo chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp, vậy thì Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh có nên duy trì việc kinh doanh đất đai, bất động sản?
Và một câu hỏi cần phải đặt ra, để tránh xuất hiện thêm những “Út trọc”, “Vũ nhôm” hay Tân Thuận trong tương lai, các cơ quan liên quan có nên xem xét lại chủ trương tham gia làm ăn kinh tế thuần túy (ngoại trừ sản xuất phục vụ nhu cầu trang bị cho lực lượng vũ trang)?Vụ bán 32 ha đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè mà công ty Tân Thuận (trực thuộc Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện gây xôn xao dư luận vừa qua có phải chỉ là cá biệt, đặc thù của thành phố này hay cũng còn những vụ việc tương tự ở nơi khác?
Có thể thấy, để đạt thắng lợi trong cuộc chiến chống nội xâm, trước hết phải làm trong sạch tổ chức, nếu nội bộ trong chưa thông suốt, vẫn còn ai đó chưa chịu “dẹp sang bên” hoặc chưa bị bắt buộc “dẹp sang bên” thì rất khó chỉ đạo bên ngoài.
Trở lại vấn đề tập trung quyền lực, sẽ có những nghi ngại nếu quyền lực tập trung quá lớn dễ dẫn tới độc quyền, nghi ngại như vậy không sai nhưng cần đặt trong bối cảnh hiện tại.
Thay đổi một nền kinh tế lạc hậu nhiều thập niên so với thế giới (năng suất lao động trì trệ đến mức chỉ bằng 1/20 Singapore); một không gian văn hóa, đạo đức xuống cấp nghiêm trọng; kỷ cương phép nước bị xem thường, một đội ngũ cán bộ công chức “đông như quân Nguyên” nhưng không ít “cắp ô”, hoặc “tham nhũng vặt” thì có cần một bàn tay sắt?
Nếu cứ để diễn ra tình trạng xem xét kỷ luật một lãnh đạo cấp tỉnh mất gần một năm như trường hợp bà Phan Thị Mỹ Thanh thì thời gian đâu để lo việc quốc gia đại sự?
Một khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận sai phạm của đảng viên là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì cần phải xem tương đương với các tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng mà Bộ Luật Hình sự quy định.
Dân chúng sẽ không phục nếu một đảng viên mắc sai phạm “rất nghiêm trọng” nhưng lại không bị xử lý về mặt pháp luật, nhiều trường hợp chỉ là “nghiêm túc rút kinh nghiệm”.
Nhiều ý kiến cả trong và ngoài nước cho thấy chiến dịch chống tham nhũng từ sau Đại hội 12 đã thể hiện không có vùng cấm, đã động chạm đến những “nhóm lợi ích” mạnh về kinh tế và lực lượng, những vùng đất vốn được xem là địa bàn “nhạy cảm” như Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh,…
Quyết tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, của Trung ương thể hiện qua cảnh báo: “Chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang bên để người khác làm”.
Không phải là không có trường hợp người ta không “dẹp sang bên” mà còn ngáng đường, còn lợi dụng số đông để cản trở tiến trình chống tham nhũng trong khi số đông không phải lúc nào cũng đúng, điều này có thể thấy trong thông báo kết thúc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa 11:
Bộ Chính trị đã thống nhất cao tự nhận và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương xem xét có hình thức kỷ luật khiển trách về trách nhiệm chính trị đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị…
Sau khi thảo luận, cân nhắc nhiều mặt, Ban Chấp hành Trung ương đã bỏ phiếu quyết định không kỷ luật Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị”.
“Không kỷ luật Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị” là trái với tinh thần “thống nhất cao tự nhận hình thức kỷ luật khiển trách” của Bộ Chính trị.
Chống nội xâm nếu có một bàn tay “sắt và sạch” thì có nên trao toàn quyền hành động?
Ý của người viết là “trao quyền” chứ không phải là “giành quyền”.
Năng lực có nổi trội đến mấy mà không được trao quyền lực thì cũng bó tay trước căn bệnh đã trở thành kinh niên trong xã hội Việt Nam hiện tại.
Trao quyền là danh chính ngôn thuận, là biểu hiện sự tin tưởng của dân đối với người được lựa chọn, và đương nhiên dân sẽ không nhầm lẫn trao quyền cho người nhụt ý chí, cho kẻ đầu cơ chính trị, nhất là những kẻ “nằm vùng” trong bộ máy.
Và Nhân Dân, tin vào chủ trương, đường lối cũng như người lãnh đạo nhưng sẽ vẫn luôn nhớ lời người chiến sĩ cộng sản Tiệp Khắc G. Phuxích trong tác phẩm “Viết dưới giá treo cổ”:
“Hỡi nhân loại, ta yêu người nhưng hãy cảnh giác”.
(còn nữa)
Xuân Dương


CHÍNH TRƯỜNG KHÔNG PHẢI LÀ NƠI TRƯNG BÀY LÒNG TỪ THIỆN, HAY CỦA KẺ YẾU BÓNG VÍA
XUÂN DƯƠNG/ GDVN 1-5-2018
Ảnh minh họa: Shutterstock

Sau Quyền lực cần phải nói đến Năng lực.
Năng lực cùng với Quyền lực tạo nên “Quyền năng” tức là khả năng chi phối, định đoạt (số phận, mọi hoạt động,…) các đối tượng liên quan.
Năng lực của một cá nhân là “vốn tích lũy”, một phần do trời sinh, một phần do học tập, rèn luyện, thu thập từ cuộc sống.
Dưới bất kỳ góc độ nào, những người trở thành Tổng thống, Chủ tịch, Thủ tướng,… thông qua các cuộc bầu cử ít nhiều đều phải có năng lực thu hút (cũng có khi là lừa dối) cử tri.
Trường hợp trở thành người đứng đầu thông qua các cuộc ngã giá phía hậu trường không nhất thiết phải có năng lực nổi trội.
Bình luận về tác phẩm Quân vương của Nicolas Machiavel, nhiều tác giả có chung nhận định: “Những người mưu mẹo, xảo quyệt dễ thành công hơn người lương thiện”.
Không thể ngây thơ cho rằng người mưu mẹo, xảo quyệt là không có năng lực, tuy nhiên loại người này sau khi thâu tóm quyền lực sẽ nhanh chóng trở thành chiếc “thớt tanh tao” thu hút “ruồi muỗi”, kẻ trí giả sẽ xa lánh, dân chúng sẽ phẫn nộ, sớm muộn rồi cũng sẽ bị vạch mặt, bị cho vào thùng rác lịch sử.
Những kẻ đầu cơ chính trị, những kẻ “buôn vua” thời nào cũng có và Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Lên án hoặc phê phán những kẻ đó nhưng cũng không nên xem họ là kẻ bất tài bởi thâu tóm quyền lực, tập hợp được quanh mình một lực lượng hùng hậu khuynh đảo chính trường không bao giờ là kẻ dốt nát, không phải là kẻ không có năng lực lãnh đạo.
Không phải là vô cớ mà nhiều người đều thống nhất nhận định chính trường là vũ đài trình diễn năng lực của những người giỏi thủ đoạn, mưu mô, dối trá chứ không phải nơi trưng bày lòng từ thiện, kẻ yếu bóng vía không thể trụ nổi.
Trong khi những người được xem là đại diện cho cái tốt - các vị sáng lập tôn giáo, các triết gia - thống trị thế giới về tư tưởng thì nhiều kẻ không phải như vậy lại thống trị thế giới thực, tức là xã hội loài người.
Cuộc chiến chống “giặc nội xâm” kéo dài hơn 30 năm tính từ Đại hội Đảng VI năm 1986, là cuộc chiến kéo dài nhất lịch sử Việt Nam hiện đại (chống Pháp 1945-1954, chống Mỹ 1954-1975, chống Tàu 1979-1988,…) và cho đến nay vẫn còn tiếp tục.
Vì sao cuộc chiến này kéo dài nhiều thập niên đến thế?
Có thể nguyên nhân là do đánh giá sai về lực lượng tham nhũng, đặc biệt là chưa dành cho thủ lĩnh tham nhũng sự tôn trọng đúng mức khiến cho lực lượng này âm thầm phát triển, bám sâu, leo cao vào mọi ngõ ngách của thể chế.
Coi thường kẻ địch luôn là nguyên nhân dẫn tới thất bại.
Tham nhũng trở nên phổ biến, trở nên nhức nhối bởi có lúc tập đoàn này đủ khả năng biến pháp luật thành “đường cong mềm mại”, khiến người dân phải lo sợ cho sinh mạng chính trị của mình và không ít người thẳng thắn, trung thực phải cúi đầu im lặng.
Quyến rũ kẻ tham địa vị, lừa gạt kẻ cả tin và tuân theo nguyên tắc bất di bất dịch “Không bao giờ tuân theo nguyên tắc”, đó là phác thảo sơ bộ của “nhóm lợi ích” mà dư luận quen gọi là những kẻ tham nhũng.
Với những kẻ như thế, khoan dung, mềm mỏng, thuyết phục hầu như không có tác dụng.
Muốn chiến thắng trong cuộc chiến, cần phải thu thập kinh nghiệm, bài học từ chính những kẻ “ăn của dân không từ thứ gì” để lập kế sách đối phó theo kiểu “gậy ông đập lưng ông”.
Sự phát triển tham nhũng đến mức như ngày nay là quá trình tích lũy nhiều chục năm, khiến các “hậu duệ tham nhũng” đã kịp biến đổi gen, năng lực “kháng luật” của chúng có vẻ như đã gần hoàn thiện.
Giống như loài ong, khi một con ong chúa tách khỏi đàn thì lũ ong thợ sẽ bay theo, chiếc tổ cũ chỉ còn con ong chúa già, nguy cơ không thể phát triển đàn là hiện hữu.
Bên cạnh nguyên nhân coi thường kẻ địch, có thể còn nguyên nhân khác, đó là năng lực cầm quân và quyết tâm của các vị chỉ huy.
Chống Pháp, chống Mỹ, chống Tàu chúng ta đều yếu hơn về trang thiết bị quân sự nhưng có bộ chỉ huy tài giỏi, đoàn kết được sức mạnh toàn dân, nhất là có quyết tâm “dù phải đốt cả dãy Trường Sơn, cũng phải giành cho được tự do, độc lập”, đó là nguyên nhân thắng lợi.
Chống tham nhũng dai dẳng, kéo dài không hẳn là do lực lượng tham nhũng quá mạnh mà còn là do những liên hệ chồng chéo giữa người chống và kẻ tham.
Trở thành lãnh đạo là ngay lập tức vợ, con, cháu, chắt thành ông nọ, bà kia dù trước đó chẳng mấy ai biết tên, biết mặt là một thực tế diễn ra hàng ngày.
Vấn đề là cho đến gần đây, đa số vụ việc đều “đúng quy trình”, thế có nghĩa là “quy trình” đã góp phần “nâng tầm” những cá nhân kém năng lực trở thành có năng lực!
Sau Đại hội 12, chuyển hướng của cuộc chiến là “ta tự đánh vào ta”, dù đau đến mấy cũng phải đánh.
Nếu bộ tham mưu chống tham nhũng chỉ gồm những người “chống tham nhũng có khi chúng tôi chết trước” thì chắc chắn không có chuyện nhiều Bí thư, Chủ tịch tỉnh, tướng, tá các lực lượng vũ trang bị đưa ra trước vành móng ngựa.
Chẳng chính trị gia thành đạt nào lại không rút ra bài học từ những kẻ trở thành bạo chúa cũng như chẳng doanh nhân giàu có nào lại không học tập kinh nghiệm từ những kẻ lừa lọc.
Những người tự ái, giữ mình thật trong sạch, lùi về ở ẩn không phải là tấm gương nên soi.
Chống lại kẻ xảo quyệt bằng lòng nhân hậu, vị tha là điều chỉ nên dạy cho trẻ nhỏ.
Như triết lý của Chủ nghĩa Mác - Lênin, cần phải “Dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền”.
Cuộc chiến chống nội xâm chính là cuộc chiến bảo vệ chính quyền và vì thế không thể dùng cách khuyên nhủ.
Muốn chiến thắng trong cuộc chiến chống nội xâm, người lãnh đạo ít nhất cũng phải sở hữu vũ khí tương xứng với vũ khí mà bọn tham nhũng sử dụng.
Vậy bọn tham nhũng đã dùng vũ khí gì?
Vũ khí chiến lược chính là “tìm người nhà, không tìm người tài”.
Hiệu quả không thể phủ nhận mà thứ vũ khí trên mang lại là mấy chục năm qua, bộ máy công quyền đã được nhồi nhét một “bộ phận không hề nhỏ” những kẻ bất tài, trong đó “hậu duệ” chỉ là một trong bốn năm thành phần được người đời gọi là “tứ ệ” hay “ngũ ệ”.  
Thực chất đó chính là cách vận dụng sách lược “dân ngu dễ trị” thời thực dân, phong kiến dưới dạng mới “quan tham dễ bảo”.
Một khi đã là quan tham thì chắc chắn phải “nhúng chàm”, động một tí là sợ, chỉ cần “bề trên” thở mạnh là toát mồ hôi, là vội răm rắp tuân theo chỉ bảo.
Tất nhiên khi đã “ngoan” như thế có gì sơ sẩy thì chả lẽ “bề trên” bỏ mặc?
Đã có trường hợp đương chức đầu tỉnh có ngót trăm héc ta đất mà hồ sơ chẳng thấy ghi trường lớp nào, động vào là báo chí lãnh đủ, là phải đính chính, gỡ bài và nộp phạt rất nặng.
Kém năng lực mà được đặt vào ghế quyền lực là mối nguy của quốc gia nhưng lại cần thiết để tạo vây cánh bảo vệ cho kẻ cầm đầu.
Muốn có vũ khí tương đương phải theo chính sách “tìm người tài, không tìm người nhà”.  
Tìm người tài không khó, vấn đề là sử dụng người tài như thế nào bởi người tài thường có chính kiến, thường không dễ bảo.
Nghe lời nghịch nhĩ mà nhăn trán, chau mày thì chẳng bao giờ có được kẻ sĩ dưới trướng.
Các cụ ngày xưa bảo “dốt thì đừng có dạy khôn” không có ý là mọi thứ đều dốt mà chỉ là đừng có cái gì cũng dốt.
Lưu Bị thời Tam quốc võ kém, mưu dốt nhưng hơn người ở chỗ biết thu phục nhân tâm, thế nên xưng hùng một cõi chẳng kém gì kẻ gian hùng Tào Tháo.
Người nắm quyền có năng lực nổi trội vừa tạo nên uy tín với cộng đồng song cũng tạo ra đối thủ, để duy trì quyền lực không thể không trấn áp các phe nhóm chống đối.
Không ít trường hợp, đối thủ trở thành kẻ thù và đó là khởi điểm của cuộc chiến tranh giành quyền lực.
Có thể cuộc chiến ấy không có bên thắng, bên thua và kết quả lại là sự thỏa hiệp mới mà quyền lực được phân chia lại tùy theo tương quan lực lượng.
Sự khác biệt trong cuộc chiến chống nội xâm ngày nay là không thể có kết quả hòa bởi hòa nghĩa là thua.
Một cuộc chiến bắt buộc phải thắng chắc chắn không phải là cuộc chiến dễ dàng, càng không thể kết thúc một sớm, một chiều.
Điều này đòi hỏi người lãnh đạo phải có năng lực nhìn xa, trông rộng.
Phải chuẩn bị đội ngũ kế cận trong vòng vài chục năm chứ không phải chỉ trong một hai nhiệm kỳ.
Tổng thống đầu tiên của Liên bang Nga Boris Yeltsin đã tạo nên một tình trạng hỗn độn cả kinh tế lẫn chính trị trong nước sau khi Liên Xô tan rã.
Khi Yeltsin trao cho Vladimir Putin chức Tổng thống lâm thời, Putin cũng phải “trao nghị định cấp nhà nước cho người tiền nhiệm Boris Yeltsin về việc đảm bảo không truy tố ông ta cùng gia đình ra tòa vì những lỗi lầm đã mắc phải trong thời gian nắm quyền”. [1]
Như đã nói, phe tham nhũng tạo lực lượng bằng cách dung túng cho các thành viên “nhúng chàm”, vậy nên vũ khí tương đương là hãy “giúp” người cầm quân cưỡi lên mình hổ, cưỡi rồi thì không muốn xuống và - tuy hơi phi đạo lý một chút - không thể xuống.
Khi yêu cầu “những người nhụt ý chí dẹp sang bên” thì cũng với đó cũng nên đòi hỏi những người kém năng lực “ngồi riêng một chỗ”, nói một cách nhân văn là dọn cho họ một mâm cơm tươm tất theo kiểu người xưa bảo “khù khờ hưởng thái bình”.
Kém năng lực không phải là người xấu, nhưng sẽ vô tình biến họ thành người xấu nếu trao cho họ quyền lãnh đạo bởi họ không mang lại lợi ích gì cho công cuộc xây dựng xã hội mới.
Một khi đã xác định chống tham nhũng, lãng phí là cuộc chiến chống giặc nội xâm thì không thể xem các nhóm lợi ích, các tập đoàn tham nhũng là “những đồng chí trót nhúng chàm”, phải xem đó là kẻ thù.
Vị thế của một quốc gia không chỉ là con số tỷ phú, số máy bay, tàu chiến hay thu nhập bình quân đầu người mà còn là cách mà người dân nước đó - đặc biệt là người đứng đầu - cư xử thế nào với kẻ thù của đồng bào mình, tổ quốc mình.
(còn nữa)
Tài liệu tham khảo:
[1] http://antg.cand.com.vn/hau-truong/Vladimir-Putin-Tong-thong-quyen-luc-trong-long-nguoi-dan-Nga-462638/
Xuân Dương


XIN HỎI, CÒN ĐỒNG CHÍ NÀO CHƯA BỊ LỘ ?
XUÂN DƯƠNG/ GDVN 4-5-2018

Như đã đề cập, Quyền lực và Năng lực - gọi tắt là Quyền năng - cho thấy tầm ảnh hưởng của người/tổ chức nắm quyền lãnh đạo đến thể chế kinh tế, chính trị, vị thế quốc gia,…
Quyền năng của lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu ảnh hưởng trực tiếp đến sức mạnh tổng hợp của đất nước, hình ảnh của đất nước, dân tộc trước toàn thế giới, nó cũng có thể tạo nên hiệu ứng tiêu cực nếu quyền năng nằm trong tay người cực đoan, không đủ nhân cách.
Ngược lại chính bản thân con người, từ người bình thường đến lãnh đạo, từ cấp phường xã đến đến Bí thư, Chủ tịch, Tổng thống, Thủ tướng cũng đều tạo ra và bị tác động bởi không ít loại “lực” trong đó có Hấp lực và Ma lực.
Học sinh trung học đều được học về “Lực hấp dẫn”, đó là lực hút giữa các vật thể.
Lực hấp dẫn có độ lớn tỷ lệ thuận với khối lượng của hai vật và tỷ lệ nghịch với bình phương khoảng cách giữa chúng.
“Hấp lực” chỉ xuất hiện trong xã hội loài người chứ không phải trong tự nhiên.
Hấp lực được hiểu là sức lôi cuốn cộng đồng, là năng lực nổi trội của cá nhân (tổ chức) đến mức làm mê hoặc người khác, khiến người khác tin tưởng, ủng hộ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin không phải ngây thơ khi cởi trần tắm trong hồ băng, lái máy bay hay cưỡi tàu ngầm, những hành động ấy tạo hình ảnh một tổng thống mạnh mẽ theo cách mà cả người phương Đông lẫn người phương Tây tôn thờ:
Điều quý giá nhất là một khối óc minh mẫn trong một cơ thể tráng kiện”.
Làm lãnh đạo, dù nhân phẩm cao đẹp đến mấy mà quặt quẹo, nay ốm mai đau thì cũng không thể thu hút được niềm tin nơi công chúng.
Người có lòng tự trọng sẽ xin từ chức khi biết không đủ sức khỏe đảm nhận công việc.
Tiếc rằng khá nhiều trường hợp khi mất chức, khi đối mặt với bản án, người ta tìm đến bệnh viện như là cứu cánh mặc dù trước đó họ thực sự “sung mãn” hơn cả người lao động chân tay!
Viện lý do sức khỏe là đánh mất chút sĩ diện cuối cùng, không phải là không còn hấp lực với dân chúng.
Cựu lãnh tụ đảng và nhà nước Cuba - Phidel Castro - vào tháng 9/1960 đã diễn thuyết liền 4 giờ 29 phút tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc.
Điều đáng nói không phải là thời gian dài của buổi diễn thuyết mà ở chỗ ông Phidel không cần phải có tờ giấy chuẩn bị sẵn.
Đọc diễn văn khác với phát biểu ý kiến, nếu một người phát biểu ý kiến mang tính chỉ đạo tại bất kỳ hội nghị nào cũng dành tới quá nửa thời gian nhìn vào tờ giấy đặt trên bục thì hoặc là sợ nói sai hoặc là khả năng hùng biện … hơi thiếu.
Khiếm khuyết này luôn là điểm trừ cho hấp lực của người phát biểu với người nghe trực tiếp và những người ngồi trước màn hình ti vi.
Thành viên Chính phủ trước Quốc hội hứa nhiều điều, kết thúc nhiệm kỳ bằng phát biểu: “Xin nhận trách nhiệm trước Quốc hội về những gì chưa làm được, trách nhiệm của tôi là truyền đạt lại cho bộ trưởng kế tiếp” thì không chỉ bản thân người đó mà cả Chính phủ cũng mất điểm trước người dân.
“Hấp lực” của một lãnh đạo không chỉ liên quan đến tài năng, uy tín mà còn liên qua rất nhiều đến một khái niệm mà giới ngoại giao gọi là “Ngôn ngữ hình thể”.
Có một nhận xét thế này, không ít vị đứng đầu cơ quan chưa quan tâm đến “ngôn ngữ hình thể” của mình nơi công cộng.
Một người có vị trí cao nơi công quyền, trước ống kính máy quay, trên diễn đàn hoặc là so vai rụt cổ, hoặc là mặt nghếch lên trời, nói năng thì chưa chuẩn giọng luôn tạo hình ảnh không đẹp.
Đành rằng “trời sinh ra thế” nhưng không có nghĩa là không thể chỉnh sửa, nếu không sửa được tật của bản thân thì làm sao sửa được tật của xã hội?
Thế nên diễn thuyết trước đám đông mà nói ngọng, hấp lực của họ với người nghe chỉ là thu hút lời đàm tiếu!
Đối với một bộ phận không biết có còn là “nhỏ” quan chức, hấp lực không đến từ trí tuệ hay sự gương mẫu trong đạo đức, lối sống.
Hấp lực mà họ tạo ra có nét tương đồng với lực hấp dẫn:
Độ lớn của hấp lực tỷ lệ thuận với quyền lực và tỷ lệ nghịch với bình phương tài sản”.
Chẳng cứ phải ở đỉnh cao quyền lực, chỉ cần là người đứng đầu một cơ quan, một địa phương, một lời nói buông ra là khối người tán thưởng.
Trên sân khấu, trước diễn đàn, chẳng thiếu người tìm cách chen lại thật gần để có bức ảnh treo ở phòng khách nhà mình.
Chẳng may “ngã ngựa”, họ giống như chiếc nam châm điện bị tắt điện, hấp lực biến mất và những ai trót treo ảnh họ ở giữa nhà lập tức cất vội.
Sau khi “nhập kho”, chữ ký của Chu Vĩnh Khang trên lời đề tặng khẩu hiệu cho trường Đại học Dầu Khí Bắc Kinh bị xóa bỏ.
Báo Global Times (Hoàn Cầu thời báo) đưa tin, những tấm ảnh chụp cảnh Chu đến thăm trường nhân dịp 60 năm thành lập cũng bị gỡ khỏi trang tin của trường.
Nói đến bộ phận quan chức thuộc nhóm “không nhỏ”, có sự khác nhau rất rõ so với thế giới.  
Ở các nước phát triển, có quyền không có nghĩa là giàu như ông chủ doanh nghiệp, khi đương chức họ không dành thời gian kiếm tiền.
Làm Tổng thống Hoa Kỳ hai nhiệm kỳ như các ông Obama, Clinton khi nghỉ hưu vẫn đi diễn thuyết, viết sách tăng thêm thu nhập.
Còn một bộ phận quan chức Việt ngay khi đang làm việc vẫn “buôn chổi đót”, “chạy xe ôm”, nhưng khi nghỉ hưu là lặn mất tăm, chẳng thấy viết thêm được chữ nào (cũng có thể ngày trước đều do thư ký viết hộ).
Chẳng thấy họ tiếp tục truyền thống chăm chỉ “làm đến thối móng tay”, cũng chẳng thấy họ buôn chổi hay nuôi lợn, sửa xe máy - như ông cựu Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa - mặc dù lương hưu không rủng rỉnh đến mức … chê tiền?  
Nghe đồn một người ve áo bốn sao hai gạch (đại tá) mà có biệt thự tọa lạc trong khuôn viên rộng cả nghìn mét vuông “đất kim cương”.
Thế đất lưng tựa núi, mặt nhìn ra biển mà giới phong thủy gọi là “tựa sơn, đạp thủy”.
Lại nghe nói trị giá mỗi mét vuông ngót nghét trăm triệu đồng.
Nếu quả thế thì mấy “khúc củi” vừa bị cho vào “lò”, cấp bậc còn “khủng” hơn cả hai gạch bốn sao, không biết họ có bao nhiêu?
Vậy thì quyền lực hay nhân cách tạo nên hấp lực của cán bộ?
Câu trả lời là cả hai, mượn tạm quyền của dân rồi ỉm đi, xem là của riêng mình, loại này chỉ tạo ra hấp lực với “ruồi muỗi”.
Nhân cách cao thượng, nói năng đàng hoàng, dẫu không “đẹp trai” như hai ông cựu Bộ trưởng “nghề nông” và “nghề buôn”, dẫu các ông ấy đã vui thú điền viên người ta vẫn kính trọng, vẫn không hết lời ca ngợi.
Hấp lực cũng như Lực hấp dẫn, là tương tác giữa ít nhất hai đối tượng, đặc điểm của xã hội Việt Nam hiện đại là “quan” tìm đến “doanh” và “doanh” tìm đến “quan”.
Giống như chế độ đa thê, “quan” là một “bộ phận không nhỏ” còn “doanh” thì hầu hết.
Hệ quả của cuộc hôn nhân “quan - doanh” này cho ra đời một loại tế bào mới “nửa quan, nửa doanh” giống như loài Nhân sư - nửa người, nửa sư tử - trong thần thoại Ai Cập.
“Tế bào quan doanh” ấy không phát triển theo cách thông thường - tức là sinh ra người - nó giống như tế bào ung thư, không biết đang có nguy cơ hay đã di căn khắp xã hội.
Bên cạnh câu nói nổi tiếng của ông Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ: “Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỷ đồng, thậm chí cả ngàn tỷ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng...” thì cũng có người không ngại rút ra kết luận: “Từ “quan cỏ” đến “quan nhớn”, trong túi ít thì vài ba tỷ, nhiều thì… không biết”.
“Không biết” là vì nhiều quá không đếm xuể chứ không phải “vài đồng bọ” không bõ công đếm.
Lấy cái tít của Vietbao.vn “Biệt phủ của các lãnh đạo” hỏi Google, nhận được hơn 11 triệu kết quả, xin liệt kê vài bài trong số đó:
“Vì sao quan chức lại có dinh thự, "biệt phủ" xa hoa đến vậy?” (Vov.vn 16/6/2017);
“Điểm mặt những biệt phủ quan chức gây xôn xao dư luận năm 2017” (Vtc.vn 01/01/2018);
“Có những nỗi đau mang tên “biệt phủ” ” (Congluan.vn 29/3/2018);…
Đến đây rõ ràng là biệt phủ càng lớn thì “bình phương tài sản càng lớn” và do đó “Độ lớn hấp lực” của quan tiệm cận đến “mo”.  
Một khi hấp lực của quan mà “về mo” thì liệu có nên tìm cái “lỗ nẻ”?
Hỏi thế vào thời điểm này có lẽ chỉ có người cùng đẳng cấp với Bờm.
Thời nay, người như Trịnh Xuân Thanh“Vũ nhôm” sắm sẵn cái “thẻ xanh” chứ dại gì mà tìm “lỗ nẻ”, vợ con, gia sản đã ém sẵn ở nước ngoài từ lúc còn khoác vai, nắm tay các “đồng chí chưa bị lộ”, nếu chẳng may thành “củi” thì khóc, thì xin ra nước ngoài chăm sóc vợ con!
Không biết sắp tới khi xử “Vũ nhôm”, “Út trọc”, trước tòa có ai sụt sùi xin tòa cho về chăm sóc người cao tuổi?
Để tránh đưa ra suy diễn một chiều về hấp lực của cán bộ, xin trích ý kiến truyền thông:
“Tại sao CSGT (cảnh sát giao thông - chú thích) “dầm mưa, dãi nắng” vẫn bị ghét?”. (Infonet.vn, 18/6/2015);
“Kỳ lạ: Ghét người giàu, không ưa cán bộ”. (Nongnghiep.vn, 7/6/2017);
“Dân ghét các ông chủ tịch cậy thế, cậy quyền”. (Vietnamnet.vn, 1/9/2017);
“Sao cứ nghĩ xấu cán bộ?” (Thanhnien.vn, 6/10/2017)…
Có một loại giống như Hấp lực, cũng có sức thu hút người khác nhưng không phải phải bởi tài năng, đức độ mà từ sự lấp lánh kim tiền, từ vị thế có thể có thể hái ra tiền hay tạo chỗ đứng trong xã hội, loại lực ấy gọi là “Ma lực”.
Ngày xưa, Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bài “Thói đời” viết: “Thớt có tanh tao ruồi muỗi đậu; Gang không mật mỡ kiến bò chi”.
Ngày nay chẳng cứ quyền to, bé như “Vũ nhôm” nhưng lại “nhiều màu”, thế là có “ma lực” khủng thu hút “ruồi muỗi”, có điều “ruồi muỗi” ở đây không chỉ xăm trổ đầy mình mà lắm lúc còn cả cổ cồn ca-vát, ve áo có không chỉ có sao vạch mà là nhành lá.
“Ma lực đồng tiền” mạnh đến mức hai doanh nhân trẻ là Phan Sào Nam  (sinh năm 1979) và Dương “phò mã” (sinh năm 1975) đủ sức biến hai vị tướng công an ngang tuổi vào cỡ “lục thập nhi nhĩ thuận” thành “sâu nằm vùng” trong chính cơ quan chống tội phạm Bộ Công an.
Không phải chỉ người có chức, ma lực đồng tiền đã khiến không ít người dân “trồng rau hai luống”, lấy than tre làm thuốc chống ung thư, trộn lõi pin vào phế liệu cà phê để bán kiếm tiền.
Nhưng vì sao một bộ phận không nhỏ cán bộ lại dễ bị “Ma lực đồng tiền” cám dỗ đến vậy?
Trả lời câu hỏi này cần quay lại một chút thời xa xưa, khi ấy lớp trẻ luôn được nhắc nhở phải “phấn đấu...”.
Một vận động viên chạy khi chạm đích là dừng lại, thậm chí nằm vật ra vì đã bung hết sức để cán đích, đến đích rồi thì không cần cố thêm gì nữa.
Nếu mục đích của “phấn đấu” chỉ là để vào một chỗ nào đó, một vị trí chính trị nào đó thì sau khi vào rồi người ta chẳng còn động lực nào khác, đó chính là nguyên nhân “phai nhạt lý tưởng, tự diễn biến, tự chuyển hóa” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng cảnh báo.
Nếu “vào đảng để phấn đấu” thì việc vào đảng là tự nguyện, là đơn giản, là không cần những thủ tục rườm rà nhưng sau đó là cả chặng đường dài phấn đấu xây dựng một quốc gia “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.   
Việc xem xét kết nạp đảng viên ngày nay khá nghiêm ngặt nhưng vì sao lại để lọt khá nhiều người thoái hóa, biến chất trong bộ máy, kể cả ở cấp trung ương?
Phải chăng cần xem xét lại chiến lược phát triển đội ngũ, cần người phấn đấu cho mục đích  xây dựng một nhà nước “của dân, do dân và vì dân” chứ không phải người “phấn đấu vào đảng”?   
Những người phấn đấu không nhằm mục đích đó đương nhiên sẽ nhằm mục đích khác, đó là tiền tài, danh vọng và một bản năng nguyên thủy - duy trì huyết thống.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) chẳng ngại ngần vạch rõ:
Một bộ phận không nhỏ cán bộ, lãnh đạo ở các địa phương biểu hiện chỉ quan tâm đến phái nữ vì muốn có thêm vợ bé hay bồ nhí để quản lý khối tài sản khổng lồ do tham nhũng mà có”.
Bà Khánh cho rằng chuyện này chỉ xảy ra ở “địa phương”, thực ra chỗ khác chắc gì không có và mục đích cũng chẳng phải chỉ là để “quản lý khối tài sản khủng”!
“Vợ bé hoặc bồ nhí” do ma lực của “khối tài sản khổng lồ” thu hút chắc chắn không phải là người “trông xa thì tưởng Thúy Kiều, nhìn gần mới biết người yêu Chí Phèo”.
Đó phải là “chân dài”, “gái nóng” (hot girl) như câu chuyện “nâng đỡ không trong sáng gái nóng” ở tỉnh Thanh khiến ông “Phó tỉnh” bị mất chức.
Đến nay người ta vẫn chưa hết băn khoăn, rằng chỉ mình ông Phó Chủ tịch tỉnh “nâng đỡ” hay vẫn còn “đồng chí chưa bị lộ”.
Ngày xưa người ta bảo “gái ngoan tìm chồng”, ngày nay “gái ngoan” bảo “cần gì chồng”, làm bồ quan vài năm có nhà lầu, ôtô, đời vừa “sung” vừa “sướng”, “không tiền cạp đất mà ăn à”?
Thực ra, nếu người ta đến với nhau mà “không mất gì của bọ” thì phê phán cũng nên tùy trường hợp.
Có điều, nếu làm quan mà “mang tiền cho gái” thì phải nghiêm túc xem xét nguồn gốc khối tài sản đó và đương nhiên cả sự thiệt hại về uy tín của cơ quan mà người đó lãnh đạo.
Còn một thứ ma lực khác, không nói đến chắc là khiếm khuyết lớn, đó là các loại danh vị “ưu tú” “nhân dân” khen tặng các nghệ sĩ, nhà giáo, thày thuốc, và hai loại học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư dành riêng cho người dạy học.
Nếu không phải là ma lực, nếu chỉ là sự đánh giá công lao của xã hội với nghệ sĩ, nhà giáo, thày thuốc thì vì sao người ta lại bất chấp nhân phẩm để rồi bị gạt ra vì không đủ tiêu chuẩn?
Vì sao người ta lại phải cãi nhau, thậm chí cạch mặt nhau chỉ vì một lá phiếu bầu?
Hấp lực và Ma lực viết tiếp chắc còn nhiều điều thú vị, nhưng làm mất thời gian bạn đọc thế là quá đủ, xin phép quý vị tạm dừng.
Xuân Dương

Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2018

20180429. HOÀI NIỆM CỦA NHÀ GIÁO NGUYỄN THƯỢNG LONG NHÂN NGÀY 30/4

ĐIỂM BÁO MẠNG
HOÀI NIỆM 30-4: "TÌM MÃI YÊU THƯƠNG"

NGUYỄN THƯỢNG LONG/ BVN 13-4-2018


Ảnh Internet
…Khi những cánh cổng sắt nặng nề của dinh Độc Lập bị các chiến xa và xe tăng Quân Giải Phóng húc đổ vào trưa 30 – 4 – 1975, thì trong một căn phòng nhỏ ở đường Yết Kiêu Hà Nội, có một người đàn ông gương mặt u uẩn, tóc trắng xoá xoã vai đang trầm ngâm bên chén rượu và cây đàn piano, ngay lúc đó, trong tay ông cây đàn đã rung lên những hợp âm làm xao xuyến lòng người :
Từ nay người biết yêu người
Từ nay người biết thương người ”.
Người đàn ông đó là nghệ sĩ đa tài Văn Cao và những ca từ, hợp âm trên cũng là tiết tấu chính, cảm hứng chủ đạo cho ca khúc tràn đầy tính nhân bản “Mùa Xuân Đầu Tiên”, cũng là ca khúc cuối cùng trong sự nghiệp sáng tác văn – thơ – nhạc – hoạ đầy vinh quang và cũng cay đắng của ông. 

Tôi nghĩ rằng đã là người Việt Nam, dù ở đâu trên mặt đất này thì ai ai vào ngày tháng đó cũng thở phào lấp ló là những hy vọng và dự định cho ngày mai. Nhưng những gì đã diễn ra sau mốc lịch sử đó lại không hoàn toàn như vậy, đến nỗi hơn mười năm sau (1987), ngày ông Nguyễn Văn Linh tuyên bố cởi trói cho văn nghệ sĩ, nhà văn NHT một lần phải thốt lên : “Vinh quang nào mà chẳng xây trên những nỗi điếm nhục !”. Tôi không biết tâm trạng của anh NHT lúc đó như thế nào mà lại phải thốt lên những lời dữ dội như vậy. Thế hệ tôi và anh NHT sinh ra và lớn lên gắn liền với sự ra đời của nhà nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà – Độc lập Tự do Hạnh phúc”. Tuổi ấu thơ chúng tôi trôi đi cùng với những cuồng nộ của một thế thái nhân tình rất xa lạ với những phẩm chất truyền thống của một dân tộc bản chất là hiền hoà. Kí ức đầu đời của thế hệ chúng tôi chưa thể nhạt nhoà về những gì đã đến sau những phát triển quái gở của những tín điều xa lạ và hoàn toàn ngoại lai. Vẫn còn nguyên đó những câu hỏi đầy ám ảnh :
  • Tại sao ngay từ ngày đảng vừa ra đời đã đưa ra khẩu hiệu ghê rợn “Đào tận gốc, trốc tận rễ” đám Trí – Phú – Địa – Hào… rồi bây giờ lại gọi đó mới chính là nguyên khí của đất nước !
  • Tại sao thảm kịch CCRĐ với số nạn nhân lên tới 172008 người mà oan sai tới 123266 người mà chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ nói: “Một Đảng biết nhận ra khuyết điểm của mình, Đảng đó còn có thể tiến bộ” rồi ông rút khăn tay lau nước mắt là xong. Hóa ra là ông chỉ lo lắng cho đức hạnh và sự sống còn của đảng, chứ đâu có xót xa cho những vong hồn oan khuất. Chao ôi sao máu người Việt Nam mình lại bị rẻ rúng đến thế ?
  • Tại sao lại phải cải tạo thực ra là đánh sập công thương nghiệp tư bản tư doanh tới 2 lần (Miền Bắc sau năm 1954 - Miền Nam sau 30 - 4 - 1975). Sau 1986 đến nay lại phải làm lại gần như từ đầu.
  • Tại sao lại phải mở ra các “Pháp trường trắng” trong vụ đàn áp nhân văn giai phẩm và xét lại chống Đảng. “Pháp trường trắng” là : “Nơi không có đầu rơi, không có máu chảy, nhưng có người chết” - (Nguyễn Tuân).
Hăm hở theo đảng đi tìm cái thứ “Thiên Đường XHCN vô vọng” ngay từ những ngày chưa cướp được chính quyền… nhưng phải đến sau 5 đợt CCRĐ (1953/1956) thì lần đầu tiên người dân miền Bắc và miền Trung mới biết thế nào là “Người Cộng Sản” và đó cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc di cư, thực ra là tháo chậy kinh hoàng vào miền Nam của hàng triệu giáo dân miền Bắc sau 1954. Ngay sau đó là sự kiện các trí thức, văn nghệ sĩ trong nhóm “Nhân văn giai phẩm” bị đàn áp khốc liệt, một lần nữa làm cả nước bàng hoàng khi biết thế nào là “Trí – Phú – Địa – Hào đào tận gốc trốc tận rễ”, thế nào là“Bạo lực cách mạng”, thế nào là “Đấu tranh giai cấp”, thế nào là “Chuyên chính vô sản”.
Sau những đợt tẩy não cải tạo tư tưởng ở Ấp Thái Hà - Hà Nội 1955 - 1958, đảng đã thắng lợi lớn, khi phần đông văn nghệ sĩ đã sám hối, hạ mình chấp nhận thân phận của những kẻ tôi tớ cầm bút để suốt đời tô vẽ, minh họa cho các đường lối chính sách của đảng.
Những văn sĩ trí thức có tiết tháo phải trả giá rất đắt cho thái độ bất phục tùng đảng của mình. Người thì bị quản thúc suốt đời như các Giáo Sư đại học Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường. Người thì vào tù với những mức án nặng nề như Nguyễn Hữu Đang, Nữ Sĩ Thụy An, chủ nhà in Minh Đức – Trần Thiếu Bảo, Phạm Tại, Lê Nguyên Chí, nhẹ nhất cũng là lên Điện Biên Tây Bắc để lao động cải tạo như các ông Nguyễn Huy Tưởng, Huỳnh Văn Gấm, Nguyễn Tuân, Văn Cao, Nguyễn Văn Tý. Học giả nổi tiếng Phan Khôi, một trong những người thành lập tờ Nhân Văn bị lăng nhục và qua đời ngay giữa năm1959 tại Hà Nội. Nhà thơ Lê Đạt với tuyên ngôn: “Mang bục công an đặt giữa trái tim người / Bắt tình cảm ngược xuôi theo luật đi đường nhà nước”, cùng Trần Dần, Tử Phác bị khai trừ khỏi đảng và phải đi chăn bò 10 năm liền ở Chí Linh. Quá cùng quẫn nhà văn Trần Dần tác giả của “Người người lớp lớp” và tuyên ngôn: “Tôi bước đi không thấy phố, không thấy nhà / Chỉ thấy mưa sa trên mầu cờ đỏ” (Nhất Định Thắng) đã cắt cổ tự tử không thành. Nhà văn, nhà thơ Phùng Quán, tác giả của tác phẩm nổi tiếng “Vượt Côn Đảo” và tuyên ngôn “Yêu ai cứ bảo là yêu / Ghét ai cứ bảo là ghét” (Lời mẹ dặn)…,dù ông gọi Tố Hữu là cậu ruột cũng vẫn bị đuổi khỏi quân đội, khai trừ khỏi hội nhà văn phải sống vật vờ ở ven Hồ Tây với nghề câu cá trộm, uống rượu chịu, viết văn chui. Nhà thơ Hoàng Cầm tác giả của “Em ơi! Buồn làm chi / Anh đưa em về bên kia Sông Đuống” vì quá hoảng sợ mà nhiều năm rơi vào trạng thái trầm cảm, loạn thần, phải sống dựa vào ma túy. Nhiều văn sĩ, thi sĩ khác chọn cách bẻ bút, bỏ chậy để không phải làm kẻ bưng bô cho chế độ như nhà thơ Hữu Loan tác giả bài thơ nổi tiếng “Mầu tím hoa sim” bỏ Hà Nội về Thanh Hóa làm nghề thồ đá thuê để mưu sinhNhà văn Nguyên Hồng tác giả tiểu thuyết nổi tiếng “Bỉ Vỏ” cùng đàn con nhỏ, bỏ lại hết tem phiếu, sổ gạo, sổ hộ khẩu Hà Nội nhếch nhải dắt nhau về Yên Thế - Bắc Giang để vừa cuốc đất nhặt cỏ vừa viết “Sóng Gầm”. Nguyễn Tuân, một nhà văn nổi tiếng là cương trực, có người gọi ông là “NGÔNG SĨ”, tác giả “Vang bóng một thời”sau 30 - 4 - 1975 vào Sài Gòn, ông phải cay đắng thốt lên với các đồng nghiệp ở đó: “Moa còn sống được cho đến hôm nay là nhờ Moa biết sợ…”.
Thử hỏi, những trí thức văn nghệ sĩ ưu tú nhất đã từng hồn nhiên đi với cách mạng từ những ngày đầu mà còn bị đối xử như thế, phải sống trong sợ hãi như thế thì người dân đen hôm nay, đại đa số trí thức hôm nay, để yên phận làm sao mả họ chẳng chọn cách sống ơ hờ trong nỗi sợ hãi, rụt rè, vô cảm, nhắm mắt trước bất công, cam chịu trước cường quyền và có lẽ đây cũng là một chọn lựa sai lầm khủng khiếp dẫn tới lối sống trung thực không còn đất để tồn tại. Lối sống thực dụng, giả dối, đầu hàng đã chiến thắng và lên ngôi. Cũng có thể nói, từ thời điểm này truyền thống bất khuất trước cái ác, cái phi nhân của dân tộc Việt Nam không còn nữa. Chúng ta đã trở thành một đàn Cừu ngoan ngoãn, một cộng đồng robot vô hồn để ĐCS dắt đi qua một cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài và vô nghĩa. Cuộc tương tàn bi thảm đó chỉ tạm chấm dứt vào trưa ngày 30 - 4 - 1975.
Thời gian và năm tháng đã trôi qua đã đủ để minh oan cho những nạn nhân của “PHÁP TRƯỜNG TRẮNG” ngót 60 năm trước. Những con người tài hoa, dũng cảm và trung thực…đến nay đã có vài người trong họ được âm thầm vinh danh trở lại, số đông còn lại thì hỡi ôi… người còn, người mất, người đang sống nhưng phải sống đời sống thực vật, cỏ cây, người tha hương biệt xứ mãi mãi ôm theo những kí ức đầy ám ảnh nặng nề. Tại sao lại phải làm như thế ? Câu hỏi này còn ám ảnh dân tộc Việt Nam không biết đến bao giờ.
Hôm nay, lại một ngày kỷ niệm 30/4 nữa đến với đất nước chúng ta, dân tộc chúng ta. Cái ngày lịch sử mà cựu Thủ tướng, cựu Uỷ viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam Võ Văn Kiệt đã từng ngậm ngùi mà nói : “Có triệu người vui ! Cũng có triệu người buồn !”. Vì sao mà cùng là một ngày mà người vui thì gọi ngày 30 - 4 là ngày “Quốc Khánh”, còn người buồn thì gọi đó là ngày “Quốc Hận !”. Xin hỏi :
  • Tại sao sau ngày 30 - 4 - 1975 ngày con Lạc ở miền Bắc chiến thắng cháu Hồng ở miền Nam, người chiến thắng không thực lòng hoà hợp, hoà giải mà lại đóng lên trán cái thể chế có số quốc gia công nhận họ còn nhiều hơn cái nhà nước đã đánh thắng họ dòng chữ ô nhục “NGỤY QUYỀN”! Ai đã tạo ra những thương tổn không đáng có trong lòng những người cùng chung huyết thống bị bại trận? Những ngày tháng tù đầy, cải tạo và phân biệt đối xử với quân nhân, viên chức chính quyền cũ và vợ con gia đình họ đến nay vẫn là những kí ức đầy hãi hùng.
Vì những hãi hùng này mà ngày đó hàng triệu người con đất Việt phải liều thân bỏ xứ ra đi, mong kiếm tìm một vận hội mới. Người chiến thắng không chỉ làm ngơ mà còn không hiếm những kẻ trục lợi dựa trên cuộc tháo chạy kinh hoàng diễn ra trong nhiều năm đã làm biết bao gia đình tan nát, bao nhiêu người phải chết trong tuyệt vọng, phải khuynh gia bại sản, phải nhơ nhuốc vì hải tặc, phải hoài thân trong bụng cá, phải bỏ xác trên đảo hoang. Người sống sót đến được nơi cần đến không mấy ai tránh khỏi những sang chấn tinh thần không dễ bình phục.
Tượng Đài Thuyền Nhân. (Ảnh Internet)
Sau nhiều năm tha hương biệt xứ, cộng đồng “Thuyền Nhân” nay người thành công nhiều, người thành công ít, nhưng mỗi khi nhớ về quê hương, xứ xở bên cạnh những bồi hồi là chung một nỗi ngậm ngùi : “Tổ Quốc ! Một quá vãng cần phải quên đi”Đến nay đã có nhiều nhân vật nổi tiếng của chế độ VNCH… quyết định tìm về cố quốc với nhiều lý do đã phải nhắm mắt bịt tai trước những la ó, của nhiều tha nhân cùng cảnh ngộ. Đặc biệt trong đoàn người ra đi năm đó, đến nay vẫn có quá nhiều người dường như vẫn chưa ra khỏi những ám ảnh của quá khứ, vẫn thề không đội trời chung, không đứng cùng đất với cộng sản. Đó chính là nguyên nhân làm nổ ra những cuộc biểu tình rợp trời là cờ vàng phản đối các vị nguyên thủ của Việt Nam cộng sản khi họ xuất ngoại công cán qua những nơi có đông người đồng bào của mình ở & cũng chẳng có gì là vui vẻ dành cho các nhân vật nổi tiếng của VNCH khi họ trở về Việt Nam. Sự dè bỉu đến với họ không chỉ đến từ những người Quốc Gia đang ở hải ngoại, mà còn đến cả từ những người trong nước. Đâu có phải người trong nước nào cũng hoan hỉ với họ. Hãy nghe mấy ông Nhạc Sĩ Nhân Dân, đỏ ngực là huân chương, huy chương là giải thưởng nhà nước, giải thưởng HCM vì đã viết những sáng tác ca ngợi Mác – Lê – Mao, ca ngợi Đảng - Bác...lườm nguýt, chê bai, dè bỉu, những gì về ông Phạm Duy ngay trên những trang báo lề phải. Theo họ, chỉ có họ mới là người yêu nước còn ông Phạm Duy chỉ là kẻ Dinh Tê, trở cờ với ĐCS mà thôi.
Tại sao đảng và nhà nước đã gọi những người bỏ nước ra đi sau 30 – 4 – 1975 là “Khúc ruột ngàn dặm” mà cứ vào dịp cuối tháng 3 hàng năm trở đi, hệ thống truyền thông báo chí chính thống đồ xộ lại một lần lên đồng và tự sướng về chiến công“Đánh cho Mỹ cút – Đánh cho ngụy nhào”. Hành động xát muối vào những vết thương đau đớn trong lòng những người đồng bào của mình như thế, đâu có phải là hành vi ứng xử của những người có trí tuệ và lương thiện. Như vậy ngày có tiếng nói chung giữa “Bên Thắng Cuộc” và “Bên Thua Cuộc”…vẫn còn xa vời lắm. Vậy thì những gì mà nhạc sĩ tài hoa Văn Cao viết trong ca khúc “Mùa Xuân Đầu Tiên” sau ngày 30 – 4 – 1975:
Từ nay người biết yêu người
Từ nay người biết thương người”
hóa ra vẫn chỉ là một ngộ nhận của một DÂN OAN nổi tiếng của chế độ mà thôi. (Còn nữa)
Viết lần đầu 4 – 2011 / Hoàn thiện 4 – 2018
N.T.L.
Tác giả gửi BVN

TỪ CỘT ĐỒNG MÃ VIỆN NĂM XƯA ĐẾN CỘT ĐỒNG Ý THỨC HỆ  HÔM NAY

NGUYỄN THƯỢNG LONG / BVN 21-4-2018

Có thể nói, bất khuất trước những bạo tàn là một trong những phẩm chất vốn có của dân tộc Việt Nam. Tương truyền từ ngàn xưa, trong đêm dài 1000 năm Bắc thuộc, người nước Nam ngoài việc phải lên rừng tìm ngà voi, xuống biển tìm châu báu để cống nạp cho mẫu quốc Trung Hoa, nước Nam ta nhức nhối trên thân mình là những cột đồng với lời nguyền ác độc “ĐỒNG TRỤ CHIẾT – GIAO CHỈ DIỆT” cùng những bùa chú các loại của người phương Bắc, nhằm trấn yểm long mạch đất nước này.
Theo truyền thuyết, đỉnh núi Lam Thành – Hưng Nguyên là nơi chôn “đồng trụ” của Mã Viện
Là những thầy địa lý tài ba, họ quá tin vào những pháp thuật, những lời nguyền, bùa chú… sẽ làm nước Nam lụn bại, bị Hán hóa và đời đời là Quận Huyện của Bắc Quốc. Họ không biết chúng ta về phong thủy lại liền mạch cùng tổ sơn Himalaya ngút ngàn hùng vĩ, có Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ cùng sự dồi dào yếu tố ĐỊA LINH – NHÂN KIỆT đã góp phần hóa giải thành công lời nguyền của Mã Viện ngay từ những năm đầu của thiên niên kỷ thứ nhất. Không có thời kỳ nào nước Nam bị khô kiệt nhân tài vì những bát quái trận đồ của phù thủy lừng danh Cao Biền (821 – 887). (Tìm đọc “Trận đồ bát quái của Cao Biền trên sông Tô Lịch” - “Thắng địa Thăng Long & Địa linh đất Việt” của Trần Văn Việt và Nguyễn Văn Túc).
Mã viện 14 TCN – 49 SCN
Tôi tin là rồi những “16 chữ vàng” (Láng giềng hữu nghị - Hợp tác toàn diện - Ổn định lâu dài - Hướng tới tương lai), “4 tốt” (Láng
giềng tốt - Bạn bè tốt - Đồng chí tốt - Đối tác tốt)… một dạng “bùa chú” mới thời cộng sản của những Giang Trạch Dân, Lý Bằng, Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình được những Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Nông Đức Mạnh, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu, Nguyễn Phú Trọng… giúp sức đưa vào Việt Nam, rồi cũng sẽ chung số phận với những gì mà những Mã Viện, Cao Biền, Hoàng Phúc … đã từng thi thố từ hàng ngàn năm trước mà thôi. Trừ những đám Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc, Hoàng Văn Hoan, trừ những kẻ đang bán dần đất nước cho Tàu… truyền thống phải cảnh giác với người Tàu đã là thái độ thường trực của người Việt Nam yêu nước từ lâu rồi.
Nhưng… đất nước chúng ta lại đang thực sự lao đao vì một thứ cũng hoàn toàn ngoại lai do những người cộng sản Việt Nam du nhập và khư khư lưu giữ suốt 88 năm nay. Đó là “Ý THỨC HỆ MÁC – LÊ”. Vì sao mà một dân tộc có truyền thống“Nhiễu điều phủ lấy giá gương / Người trong một nước phải thương nhau cùng”… lại dễ dàng bị cuốn vào cơn gió chết chóc một cách dễ dàng như vậy!
Dễ hiểu thôi, cố giáo sư Trần Quốc Vượng đã từng nói: “Hồ Chí Minh chở Chủ nghĩa Mác Lê vào Việt Nam trên cỗ xe Nho giáo” nên về cơ bản, “Ý THỨC HỆ MÁC LÊ” cũng mang hồn cốt của Khổng Nho với biết bao hạn chế không khắc phục được. Nếu cơ sở tư tưởng của Khổng nho là “Tứ Thư – Ngũ Kinh” thì cơ sở tư tưởng của Mác Lê là “Tư bản Luận”. Nếu chuẩn mực đạo đức của Khổng Nho là “Tam tòng tứ đức – Tam cương Ngũ thường”, là “Quân xử thần tử - Thần bất tử bất trung”,thì chuẩn mực của ý thức hệ Mác Lê đã chuyển “Trung với nước – Hiếu với dân” thành “Trung với Đảng hiếu với dân”, và “Yêu nước là yêu CNXH”. Trong bài “Nỗi ám ảnh của quá khứ”, giáo sư Trần Quốc Vượng nói rõ hơn: “Chủ nghĩa quốc tế của Mác Lê mà Nguyễn Ái Quốc và những người cộng sản mang về áp dụng vào một xã hội nông dân châu Á nghèo khổ, khác hẳn cơ địa xã hội tư sản Tây Âu, nơi hình thành chủ nghĩa Marxisme”.
Những người cộng sản Việt Nam tiền bối cũng có căn cước là nông dân chính hiệu. Cho nên không có gì là lạ, ngay từ khi chưa cướp được chính quyền thì “TRÍ – PHÚ – ĐỊA – HÀO” là cái gai trong mắt họ cần phải “ĐÀO TẬN GỐC TRỐC TẬN RỄ”. Là những lãnh tụ nông dân, nên phát súng đầu tiên của Cải Cách Ruộng Đất họ dành cho ân nhân của họ là bà Nguyễn Thị Năm, chỉ vì bà là địa chủ. Là những lãnh tụ nông dân, nên mới có chuyện “Tiếng đầu đời con gọi Stalin”  “Bên ni biên giới là nhà / Bên tê biên giới cũng là quê hương” (Tố Hữu). Là những lãnh tụ nông dân, nên mới có chuyện lùa nhân dân đi tìm thiên đường XHCN mà “Không biết đến hết thế kỷ này đã thành hiện thực chưa?” (Nguyễn Phú Trọng), và ròng rã 88 năm nay, với “Ý THỨC HỆ” đó, ĐCS đã đặt đất nước luôn ở vị trí cửa dưới, chầu rìa trong những cuộc chơi mà quyền định đoạt luôn luôn thuộc về các siêu cường.
Trong một thế giới đơn cực không còn đối trọng bởi Liên Xô và hệ thống XHCN đã tan rã ngót 30 năm rồi, thế giới đó đang lấp đầy là những tín điều thực dụng đến nghiệt ngã nhưng lại là chân lý: “Mọi lý thuyết đều là màu xám – Còn cây đời mãi mãi xanh tươi”. Thế giới đó “Không có liên minh nào là vĩnh viễn – Không có kẻ thù nào là vĩnh viễn – Chỉ có lợi ích là vĩnh viễn”… thì ĐCS Việt Nam dường như vẫn chưa ra khỏi cơn hoang tưởng vào sự vô địch của “Ý THỨC HỆ MÁC LÊ”. Tại sao ĐCS lại coi thường người dân đến như vậy?
Thực ra ĐCS Việt Nam thừa biết là “Ý THỨC HỆ MÁC LÊ” đã hết sức sống rồi, nhưng nếu từ bỏ nó thì ĐCS không có lý do tồn tại. Mất đảng tức là mất độc quyền cai trị dân tộc Việt Nam, là không còn cơ hội để vơ vét tham nhũng được nữa. Thế là người ta cấy vào “NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG”, biểu tượng của kinh tế TBCN một cái đuôi xấu xí “ĐỊNH HƯỚNG XHCN”. Vậy là đã có một cuộc hôn phối gượng ép giữa “CHỦ NGHĨA TƯ BẢN RỪNG RÚ” với “Ý THỨC HỆ MÁC LÊ PHIÊN BẢN STALIN - MAO”, hình thành nên một mô hình chính trị quái đản chưa từng thấy trong lịch sử loài người. Ở Việt Nam, “Cuộc Hôn Phối” bệnh hoạn này đã tạo ra một thứ “CỘT TRỤ” vô hình, nhưng nó phát tác lực “TRẤN YỂM” là vô cùng ghê gớm.
  • Vì thứ “CỘT” đó mà nguyên khí dân tộc bị tiêu tán, nội lực dân tộc bị suy kiệt vì chia rẽ, vì hận thù.

  • Vì thứ “CỘT” đó mà mọi giá trị trong xã hội Việt Nam bị đảo lộn nghiêm trọng. Vì thứ “CỘT” đó, Việt Nam sẽ không bao giờ có Đa Nguyên chính trị, không bao giờ có tam quyền phân lập, không bao giờ có bầu cử trực tiếp… và ĐCS mãi mãi có quyền hành xử và hiện diện như một lực lượng chiếm đóng.
  • Vì thứ “CỘT” đó mà các lực lượng vũ trang Việt Nam trở thành lực lượng “Chỉ biết còn đảng còn mình”. Quân đội thì bỏ nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ để mải mê làm kinh tế. Công an thì hèn với giặc ác với dân, làm “Thanh Kiếm – Lá Chắn” cho đảng.
  • Vì thứ “CỘT” đó mà xã hội Việt Nam xuất hiện ngày càng đông đảo tầng lớp “Tư Bản Đỏ”, bên cạnh đó là sự tàn tạ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường sống của ngót 100 triệu con người không còn trong lành.
  • Vì thứ “CỘT” đó mà trí thức văn nghệ sĩ mất hết bản lĩnh trở thành những kẻ bưng bô tầm thường cho quyền lực để sinh nhai.
  • Vì thứ “CỘT” đó mà Bệnh viện – Nhà trường biến thành thương trường, chợ búa. Nơi đó những thầy cô giáo xấu, những thầy thuốc bất lương tha hồ thi thố các chiêu trò ma giáo.
  • Vì thứ “CỘT” đó mà công nhân thì bị giới chủ bóc lột tàn tệ, thất nghiệp lang thang sống kiếp làm thuê làm mướn khắp thế giới.
  • Vì thứ “CỘT” đó nông dân thì bị mất đất đai vì lá bùa“Đất đai là sở hữu toàn dân do nhà nước thay mặt đứng ra quản lý” vẫn sừng sững án ngữ luật pháp hiện hành.
  • Vì thứ “CỘT” đó mà kho tàng tiếng Việt đã xuất hiện những thuật ngữ vô cùng biểu cảm “Thuyền Nhân, “Dân Oan” . Những thuật ngữ này có tính tố cáo rất cao.
  • Vì thứ “CỘT” đó mà người Trung Quốc tự do ra vào Việt Nam, ngày Việt Nam trở thành quận huyện của Trung Quốc đã cận kề.
Chiến tranh đã lùi xa qua 43 năm mà hiện trạng của Việt Nam lúc này không làm ai hài lòng. Đất nước đã thống nhất nhưng chưa hề có Dân Chủ, chưa hề có Độc Lập, chưa hề có Tự Do, chưa hề có Hạnh Phúc… Tất cả là do sự kiên định cái mớ lý thuyết màu xám đó. Vì khư khư cái thứ mà các dân tộc văn minh đã vứt bỏ mà nội lực dân tộc bị huỷ hoại, suy yếu vì bất đồng vì chia rẽ. Tương lai của dân tộc rồi sẽ ra sao? Ai là người có lỗi trước tiền nhân? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử đây?
Hình như sự kiên định “Ý THỨC HỆ MÁC LÊ” của ĐCS Việt Nam là dấu hiệu cho biết nghiệp báo vì những gì đã diễn ra trong quá khứ của dân tộc là nặng nề đến thế nào. Sẽ có điều gì khác không nếu sau hiệp nghị Giơnevơ 1954, phía Bắc vĩ tuyến 17 sẽ là những người dân miền Nam và nam vĩ tuyến 17 sẽ là những người dân miền Bắc? Người dân miền Nam mà sống với những người cộng sản ở miền Bắc, họ sẽ phải tiếp thu ý thức hệ của ĐCS. Đảng sẽ dúi vào tay họ khẩu AK47 được sản xuất từ Liên Xô. Người miền Bắc mà phải sống ở nam vĩ tuyến 17, trong tay họ sẽ là những khẩu AR15 được sản xuất ở Hoa Kỳ. Điều gì sẽ xảy ra đây? Lịch sử sẽ phải viết khác đi chăng? Chẳng thể có câu trả lời dứt khoát được. Nhưng một điều có thể chắc chắn là người miền Nam mà sống ở miền Bắc cũng sẽ biết thế nào là đấu tố trong cải cách ruộng đất, thế nào là: “Mang bục công an đặt giữa trái tim người / Bắt tình cảm ngược xuôi theo luật đi đường nhà nước” (Lê Đạt), sẽ phải thắt lưng buộc bụng, phải làm việc bằng hai để xây dựng chủ nghĩa xã hội, vẫn phải dốc sức để “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào” như lời kêu gọi của Hồ Chí Minh. Người miền Bắc sống ở miền Nam cũng làm sao mà thoái thác được nhiệm vụ là người lính ngăn chặn làn sóng “ĐỎ” đang lăm le tràn ngập khắp Châu Á. Và nếu như lịch sử lại có một kết cục ngược lại, ngày 30/4/1975 lại kết thúc chiến tranh ở Hà Nội thì liệu người dân ở đó có thoát được những cuộc tập trung cải tạo để tẩy não như những gì đã xảy ra ở miền Nam sau 30/4/1975? Câu hỏi này cũng chẳng có câu trả lời khẳng định được. Nhưng chắc chắn sẽ xảy ra cái điều mà nhà thơ Nguyễn Duy đã nói tới trong bài “Đá ơi” là:Nghĩ cho cùng / Mọi cuộc chiến tranh / Phe nào thắng thì nhân dân đều bại”… Vậy là bi kịch vẫn đến với dân tộc chúng ta như một thứ tiền định. Chúng ta vẫn chỉ là những con tốt thí, những quân cờ trên bàn cờ “Ý THỨC HỆ” mà thôi.
Để có được mấy thứ này ông Phạm Duy
phải nói: “Tôi chống gậy chứ đâu có chống cộng…”
Vào thời điểm tôi đang viết những dòng chữ này, các Fan hâm mộ các ca sĩ hải ngoại của cư dân nơi tôi ở đang vô cùng háo hức đón chờ thế hệ hậu duệ của những tài danh Chế Linh (Chế Phong), người hùng Biệt Động Quân Duy Khánh với quý tử Chế Phi cùng với những siêu sao cỡ Khánh Ly, Thanh Tuyền, Giao Linh, Tuấn Vũ, Tuấn Ngọc, Elvis Phương, Trường Vũ, Quang Lê, Hoài Linh, MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên… “Nối vòng tay lớn” - điều mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã ao ước ngay từ buổi trưa 30/4 của 43 năm về trước. Đây là một dẫn chứng sinh động cho điều mà ông Võ Văn Kiệt đã từng nói: “Có hàng trăm con đường yêu nước khác nhau. Tổ Quốc Việt Nam không của riêng một ai, một Đảng, một phe phái, hay một tôn giáo nào”. Những cuộc “Nối vòng tay lớn” tương tự đã, đang và có thể sẽ còn diễn ra dồn dập hơn nữa, liệu quá trình đó có làm lu mờ đi vừng hào quang của chiến thắng 30/4/1975? Tất nhiên là có. Khi phải hạ mình đón nhận những đồng tiền của bọn“Ngụy” bỏ nước ra đi vì bị họ đánh thắng… thì còn đâu vầng hào quang nào nữa. Hóa ra chúng ta đã “Dắt tay nhau đi dưới những tấm biển chỉ đường… khônhề trí tuệ” (Xin lỗi Tiến sĩ Hà Sĩ Phu). Cái giá của cuộc tương tàn để có một xã hội như thế này… thật là thê thảm và vô nghĩa. Tôi nghĩ, nếu được làm lại thì những người Việt Nam yêu nước, thương nòi, có văn hoá, có nhân cách, có lòng tự trọng… sẽ hành xử khác những gì mà những người chiến thắng đã làm sau ngày 30/4/1975.
Lại một ngày 30/4 nữa sắp đến… Xin các đỉnh cao trí tuệ đừng bắt dân tộc tôi phải tiếp tục lên đồng, phải tự sướng với những tín điều đã không còn sức thuyết phục nữa rằng, 30/4 là ngày “Đánh cho Mỹ cút – Đánh cho ngụy nhào”Nên chăng hãy coi 30/4 là ngày để người Việt Nam ở cả bên thắng cuộc và bên thua cuộc cùng lắng lòng mình lại, để suy tư về những thảm kịch đã đến với mảnh đất đau thương này, đến với dân tộc bất hạnh này… Nếu ai đó mừng vui nghĩ ngày 30/4 hàng năm là ngày “Quốc Khánh” thì nên hiểu đó là ngày Quốc Khánh của một nước Việt Nam thứ 2 ở hải ngoại. Nước Việt Nam đó có 4 triệu dân, cũng máu đỏ da vàng, cũng thờ cúng tổ tiên ông bà như người Việt Nam trong nước, cũng vững tin “Truyện Kiều còn tiếng ta còn – Tiếng ta còn nước Nam còn” (Phạm Quỳnh). Nước Việt Nam đó không tôn thờ “Ý THỨC HỆ MÁC – LÊ”, nhưng họ cũng xuống đường phản đối Trung Quốc mỗi khi nước này giở trò với cố hương của họ và từ nước Việt Nam đó mỗi năm có hơn 13 tỷ Mỹ kim kiều hối chảy về giúp cho CHXHCN Việt Nam bù đắp thâm hụt do tham nhũng tràn lan và nợ công cao ngút trời.
Mọi năm… người ta vẫn coi 30/4 là ngày “Đánh cho Mỹ cút – Đánh cho ngụy nhào”. Đánh cho Mỹ cút cái gì mà ông lớn, ông nhỏ nào cũng đua nhau cho con cháu ôm tiền cướp được đi Mỹ để mua nhà, mua đất sẵn cho ngày tháo chạy? Đánh cho ngụy nhào cái gì mà lại hạ mình gọi “Những kẻ đĩ điếm lười lao động” là “Khúc ruột ngàn dặm”. Ngày nào mà những giáo điều quan trọng nhất của tà thuyết ngoại lai, như “Bạo lực cách mạng triệt để”, “Chuyên chính vô sản đến cùng”, “Chính quyền trên đầu mũi súng”… chưa được cởi bỏ thì những gì mà nhạc sĩ tài hoa Văn Cao viết trong ca khúc “Mùa Xuân Đầu Tiên” sau ngày 30/4/1975: “Từ nay người biết yêu người - Từ nay người biết thương người” vẫn chỉ là một mơ ước của một DÂN OAN nổi tiếng của chế độ mà thôi.

N.T.L.
Tác giả gửi BVN
***
Nguyễn Thượng Long
- Nguyên giáo viên dậy Địa Lý GD-ĐT Hoà Bình-Hà Tây
- Nơi ở :Văn la – Phú La – Hà Đông –
ĐT 0433521066 & 01652323836.
- Email: nguyenthuonglong571@gmail.com


QUỐC NẠN... 

NGUYỄN THƯỢNG LONG/ BVN 30-4-2018
        
       Vào buổi trưa 30- 4-1975, trong một căn gác nhỏ ở Đường Yêt Kiêu - Hà Nội, khi nghe tin các xe tăng của quân giải phóng đã húc đổ cổng sắt dinh Độc Lập, nhạc sĩ tài danh Văn Cao đã nghĩ đến viễn cảnh: “ Từ nay người biết thương người / Từ nay người biết yêu người”. Không biết sau 43 năm ngày 30-4, ở bên kia thế giới, nhạc sĩ Văn Cao có day dứt điều gì không khi cảm hứng đó không hề trở thành hiện thực. Ông có bao giờ nghĩ, đằng sau vừng hào quang 30-4 rực màu máu đó, ông và đồng bào của ông… hóa ra cũng chỉ là những con tốt tầm thường trong những ván bài mà cầm chịch là những cường quốc ngoại bang và “Một bên thắng…còn nhân dân đều bại” (ND).
Dễ hiểu thôi, dân tộc Việt Nam có truyền thống chống ngoại xâm, điều đó không cần bàn cãi, nhưng chúng ta cũng là dân tộc nhẹ dạ và cả tin đến nỗi “Trái Tim lầm lỡ để trên đầu”(Tố Hữu). “BÊN THẮNG CUỘC” thì quá tin vào “Tấm biển chỉ đường của trí tuệ” (HSP) và cộng sản Nga Tàu sẽ đưa mình tới thiên đường XHCN. “BÊN THUA CUỘC” lại quá tin vào thế giới tự do với cường quốc số 1 Hoa Kỳ sẽ giúp mình không bị nhuộm “ĐỎ” và họ sẽ đưa quốc gia mình tới thịnh vượng. Chính vì sự cả tin đó, chúng ta cùng rơi vào thân phận là những quân cờ trên bàn cờ của các nước lớn lúc nào không biết. Thái độ nửa vời của các nước lớn Liên Xô - Mỹ - Trung Quốc trong những gì đã diễn ra suốt từ 8-1945 qua Hội nghị Giơ-ne-vơ 1954, qua Hội nghị Pari 1973, qua sự kiện Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa 1974, qua chiến tranh biên giới phía Bắc 2-1979, qua thảm sát Gạc Ma 1988 thậm chí là ngay cả lúc này dù Việt Nam công khai thực thi đường lối “Đu dây” giữa các nước lớn để tồn tại thì thân phận chỉ là quân cờ trên bàn cờ quốc tê của chúng ta vẫn không có gì thay đổi.
Cái giá mà dân tộc Việt Nam phải trả cho sự cả tin là vô cùng thê thảm. Hãy xem cái bóng đen Trung Quốc đã phủ bóng lên đất nước này, dân tộc này ngay từ Hội Nghị Giơ-ne-vơ 1954 như thế nào: Hồi ký của nhà báo quốc tế Úc - Bơc sét trang 264 có đoạn viết : “…Ông Phạm Văn Đồng đã chấp nhận thỏa hiệp quan trọng do sức ép của Trung Quốc. Những thỏa hiệp đó… Chu Ân Lai đạt được trong các cuộc gặp song phương với Măngđét Phrăng xơ (Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Pháp – NTL). Vào ngày 10-7-1954 ông Phạm văn Đồng đã chấp nhận một đường ranh giới quân sự tạm thời dọc theo vĩ tuyến 16 (Thực tế lúc ký kết lại là vĩ tuyến 17 – NTL) chứ không phải là vĩ tuyến 13 như ông đã đề nghị. Ông cũng phải chấp nhận các cuộc bầu cử của mỗi miền sau 2 năm chứ không phải là 6 tháng và ông đã rút lui những đòi hỏi cho những người Khơ me ít xa rắc và Pa thét Lào cùng tham gia hội nghị” (Nhà xuất bản Thông Tin lý luận - Hà Nội 1985).
Chu Ân Lai đến với Hội Nghị Giơ ne vơ 1954.
Vì áp lực của Chu Ân Lai, ông Đồng buộc phải chấp nhận những thua thiệt quá lớn. Bình luận về giây phút ông Đồng đặt bút ký hiệp định đình chiến Giơ-ne-vơ , U Bơcsét viết tiếp: “ Ông Phạm Văn Đồng xúc động sâu sắc nói với chúng tôi: Tôi chẳng biết sẽ giải thích việc này như thế nào với các đồng chí đồng bào chúng tôi ở miền Nam” (Hết trích). Than ôi! Ký một văn bản quốc tế quan trọng liên quan đến vận mệnh của cả 3 nước Đông Dương mà ông Đồng phải than lên những lời như thế, hóa ra ông Đồng ký trước hết là vì Trung Quốc chứ đâu có phải ông Đồng ký vì 3 dân tộc Đông Dương.
Chịu áp lực của Trung Quốc đến như vậy mà sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, ĐCS Việt Nam vẫn tiến hành tiếp một cuộc chiến đẫm máu đồng bào kéo dài 20 năm (1955-1975) với niềm tin ngô nghê: “Bên ni biên giới là nhà / Bên tê biên giới cũng là quê hương” và “Trung Quốc là hậu phương rộng lớn của Việt Nam”. Còn lãnh đạo cộng sản Việt Nam vẫn cứ bắt nhân dân theo mình nghĩ: “Bác Mao chẳng ở đâu xa - Bác Hồ ta đó chính là Bác Mao”. Họ đâu có biết Mao chỉ muốn biến Bắc Việt Nam trở thành vùng đệm an toàn cho lãnh thổ Trung Quốc, nên Mao chủ trương đánh Mĩ là đánh đến người Việt Nam cuối cùng, nên khi chiến tranh phá hoại của Mỹ lan rộng ra miền Bắc Việt Nam… Mao làm nghĩa vụ cộng sản quốc tế với Việt Nam kiểu gì mà lại bóng gió bắn tin đến phía Mỹ: “Mi không đụng đến ta thì ta không đụng đến mi!”. Về phía Mỹ… giữa lúc các nỗ lực rút chân ra khỏi bãi lầy Việt Nam đang lâm vào bế tắc, thông điệp đó của Mao có khác gì chiếc phao được ném cho kẻ đang chới với giữa sóng dữ. Không bỏ lỡ thời cơ, hoạt động ngoại giao bóng bàn giữa Trung Quốc và Mỹ diễn ra sôi động đánh dấu giai đoạn tan băng trong quan hệ 2 nước. Và ngày 28/2/1972 Nixon và Mao ký Tuyên Bố chung Thượng Hải, Trung Quốc đã hiện nguyên hình là kẻ đâm sau lưng dân tộc Việt Nam, bán đứng dân tộc Việt Nam. Diễn biến này hình như vẫn chưa đủ độ cay đắng để ĐCS Việt Nam đang say máu sớm bừng tỉnh để cảnh giác trước kẻ hàng xóm tồi tệ của mình.
Nhiều năm liền hội đàm Ba Lê (1968-1973) chỉ là nơi để các chính trị gia đeo kính đen ngủ gật và đấu khẩu theo kiểu kéo cưa lừa xẻ. Với Tuyên bố chung Thượng Hải 1972 trong tay… tháng 12 năm đó Mỹ hoàn toàn yên tâm Trung Quốc sẽ không can thiệp khi Mĩ mở chiến dịch Linebacker II dùng siêu pháo đài bay B52 ném bom dã man vào Hà Nội, những mong đưa Bắc Việt trở về thời đồ đá và đem lại một kết thúc chiến tranh có lợi cho đồng minh VNCH. Không đầy một tháng sau trận bom dữ dội đó, ngày 27-1-1973, dưới sức ép của cả 3 siêu cường Mỹ - Nga - Trung Quốc, VNCH và VNDCCH buộc phải ký hiệp định Pari. Hà Nội thắng lớn vì không phải triệt thoái toàn bộ lực lượng vũ trang của mình ra khỏi phần đất phía nam vĩ tuyến 17. VNCH rơi vào tình thế bị bỏ rơi. Người Mỹ chính thức bước ra khỏi con đường hầm không lối thoát đang làm rúng động nước Mỹ. Luôn tự nhận mình là đỉnh cao trí tuệ mà những lãnh đạo cộng sản ngày đó lại không hề nhìn thấy một tình thế quá rõ là: Hệ thống XHCN đã bắt đầu khủng hoảng, mô hình xô viết đã bắt đầu rạn nứt. Liên Xô thực sự hụt hơi vì chậy đua vũ trang với Mỹ và oằn lưng vì gánh vác nghĩa vụ quốc tế trong đó có Việt Nam… thì cú bắt tay Mĩ - Trung Quốc đã đặt cách mạng Việt Nam vào thế Địa Lý - Chính Trị rất bất lợi. Mỹ không chỉ có lỗi bỏ rơi đồng minh chiến lược của mình là VNCH, vin vào lý do Phạm Văn Đồng đã ký công hàm 1958 Mỹ - Nga cùng ngoảnh mặt đi để mặc Trung Quốc tự do cưỡng chiếm Hoàng Sa phần lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam (1974) nên từ đó cho tới ngày 30 / 4 / 1975 chiến tranh Việt - Mỹ không còn là sự xung đột của ý thức hệ, nó chỉ còn là cuộc nội chiến tương tàn. Với lực lượng áp đảo, cùng khối lượng vũ khí chiến cụ đạn được vô cùng hùng hậu của Nga - Tàu, con Lạc cháu Hồng miền Bắc nhanh chóng hạ gục con Lạc cháu Hồng miền Nam lúc đã bị Mỹ bỏ rơi. Đất nước đã được thống nhất theo lời hiệu triệu hết sức ngớ ngẩn của đảng trưởng Lê Duẩn “Ta đánh là đánh cả cho Liên Xô và Trung Quốc” . Cuộc đánh đấm đó có phải là đánh giặc ngoại xâm như cha ông trên suốt chiều dài lịch sử đâu mà mãi mãi tự hào!
Hình ảnh một Đặng Tiểu Bình, 10 h sáng 29/1/1979 tại thảm cỏ trước Nhà Trắng, xúng xính trong bộ đồ của một cao bồi miền viễn tây, ông ta cao hứng luận bàn về “Mèo Trắng - Mèo Đen” và thẳng thừng đe dọa sẽ “Dạy cho bọn tiểu bá côn đồ Việt Nam một bài học!”…Vậy mà lời tuyên bố đầy tính xúc phạm đó của Đặng Tiểu Binh cũng chẳng làm ĐLĐ Việt Nam giật mình mà bừng tỉnh cơn mê : “Với đại thắng 30-4-1975…từ nay sẽ không còn kẻ nào dám xâm lược bờ cõi chúng ta nữa!” . Đâu có lâu la gì, hơn 2 tuần lề sau 17-2-1979 lời cảnh cáo của Đăng Tiểu Bình đã thành hiện thưc. Trong bối cảnh cả Nga cả Mỹ đều làm ngơ, cuộc chiến tranh biên giới được kích hoạt với 60 vạn lính sơn cước Trung Quốc đồng loạt tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc của Việt Nam Cuộc chiến tranh này mãi mãi là nỗi đau nhức nhối của người Việt Nam. Tháng 3-1988 Trung Quốc cưỡng chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam. Nghe nói ngày đó Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh chỉ thị là không được đánh trả với cung cách không thể hèn hạ hơn: “Nếu họ tấn công chúng ta bằng súng đạn! Ta đáp trả họ bằng tình hữu nghị!” nên trận chiến đó chỉ là một cuộc thảm sát kinh hoàng, 64 chiến sĩ công binh Việt Nam bị lính Tàu bắn hạ như người ta bắn chim sẻ. Xác họ chìm sâu trong lòng đại dươngÍt lâu sau trong cơn hoảng loạn vì hệ thống cộng sản Đông Âu lần lượt sụp đổ, Liên Xô lúc đó đang hấp hối bên bờ vực thẳm tan rã, đất nước rơi vào thế cực kỳ nguy ngập “Chân không đến đất - Cật chẳng đến giời”. Với não trạng của những con tốt bị bỏ rơi cùng đường “Đi với Mỹ sẽ mất đảng - Đi với Trung Quốc sẽ mất nước”, nhưng “THÀ MẤT NƯỚC CÒN HƠN LÀ MẤT ĐẢNG” (NVL)… ĐCS Việt Nam đã nhanh chóng chọn giải pháp quỳ gối trước Trung Quốc, kẻ thù truyền kiếp bằng thỏa ước Thành Đô 9/1990.
Có thể nói, cùng với công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng, thỏa hiệp Thành Đô 1990 …là những dẫn chứng sinh động nhất cho tội lỗi tày trời của ĐCS Việt Nam, khi họ tạo điều kiện thuận lợi để Trung Quốc mở ra “Một thời kỳ Bắc Thuộc mới” như lời cảnh báo của cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. Từ đó đến nay, ĐCS Việt Nam vẫn mê lú, hy vọng Trung Quốc sẽ thay Liên Xô trong sứ mạng nhuộm đỏ cả hoàn cầu này, ĐCS Việt Nam sẽ được Trung Quốc cưu mang… BLĐ Việt Nam cố tình bắt dân tộc phải lãng quên những đau đớn đã đến vì người Trung Quốc. Ai mà nhắc đến Hoàng Sa 1974, chiến tranh biên giới 1979, nhắc đến cuộc thảm sát Gạc Ma 1988 sẽ bị coi là những thế lực thù địch.
Là những người tôn thờ triết lý “KHÔNG CÓ LIÊN MINH NÀO LÀ VĨNH VIỄN - KHÔNG CÓ KẺ THÙ NÀO LÀ VĨNH VIỄN - CHỈ CÓ LỢI ÍCH LÀ VĨNH VIỄN” (The firt America) người Mỹ không thể cùng đứng mãi bên VNCH trong vũng lầy của một cuộc tương tàn giữa những người Việt Nam cùng huyết thống. Người Mĩ quyết định bỏ cuộc trong thế trận ngăn chặn thành công làn sóng“ĐỎ” không cho lan tràn xuống vùng Đông Nam Á và người Mỹ đã xâm nhập thành công vào Trung Quốc, một thị trường hơn 1 tỉ dân. Như thế, người Mỹ đâu có trắng tay sau chiến tranh Việt Nam. Nếu sau ngày 30/4/1975 người Mỹ không vì hối hận mà dang tay đón nhận làn sóng Thuyền Nhân bỏ xứ ra đi… thì hình ảnh “Hiệp Sĩ Nhân Quyền Mĩ” chắc chắn sẽ hoen ố, sẽ chẳng ra gì trong con mắt của người Việt Nam. Tôi tin rằng đến nay nếu phải nhắc lại cuộc chiến tranh đó, nghĩ lại những gì đã xảy ra trước và trong ngày 30/4/1975, người Mỹ chỉ coi đó là những kỷ niệm buồn cùng với những toan tính, những nước cờ thành công và cả không thành công của họ.
Người dân Đà Nẵng với tầu sân bay USS Carl Vinson tháng 3-2018.
Điều gọi là “Hội chứng Việt Nam vẫn còn là bóng ma ám ảnh nước Mỹ”, chỉ là sản phẩm của những kẻ hoang tưởng và tự sướng mà thôi. Thật khôi hài, đầu tháng 3-2018, tàu sân bay USS Carl Vínson với đoàn tàu hộ tống rất hùng hậu cùng 6000 lính Mỹ cập cáng Đà Nẵng… trong bối cảnh toàn bộ dàn tứ trụ triều đình của Việt Nam tránh mặt hết, bỏ mặc khách cùng dân chúng Đã Nẵng hân hoan hát múa hòa giải “NỐI VÒNG TAY LỚN” tới 5 ngày đêm liền… Thái độ lảng tránh cựu thù của BLĐ Việt Nam nói lên điều gì? Chiến thắng 30- 4 hoành tráng đến thế kia mà! Sao bây giờ lãnh đạo ta lại sợ Mỹ sợ Ngụy đến thế hay sao? Sống trong thời đại @... một học sinh tiểu học nào lúc này cũng trả lời được: “ĐCS Việt Nam không sợ Mỹ, càng không sợ Ngụy. Họ chỉ sợ Hoàng đế Tập Cận Bình…mà thôi”.
Người Trung Quốc cũng đâu có thua thiệt gì khi họ chơi tới bến con bài Việt Nam đánh Mỹ. Cái lớn lao nhất mà họ đạt được là hơn 3 thập kỷ sau khi hòa hoãn được với Mỹ nhờ tuyên bố chung Thượng Hải 1972… Trung Quốc từ một nước đói nghèo đã trở thành cường quốc thứ 2 thế giới về kinh tế. Nếu đem những chiến lợi phẩm khác mà Trung Quốc thu được nhờ chiến tranh Việt Nam… như Thác Bản Giốc, Ải Chi Lăng, Bãi Tục Lãm, Hoàng Sa, Gạc Ma - Trường Sa, Bauxite Tây Nguyên, Formosa, Lee and men, Vũng Áng, hàng triệu ha rừng thượng nguồn, hàng ngàn dự án ở Việt Nam mà Trung Quốc thắng thầu… cùng vùng biển của Việt Nam bị Trung Quốc nắm giữ… đem so với số súng đạn, dép râu, mũ cối, lương khô Tàu họ viện trợ cho Việt nam trong chiến tranh… cú áp phe xương máu người Việt Nam này Trung Quốc lỗ hay lãi đây thưa các ông Nguyễn Văn Linh, Nông Đức Mạnh, Lê Khả Phiêu, Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Nguyễn Phú Trọng… những người rước “Thập Lục Kim Tự “ và “Tứ Hảo” về để tiếp tục ám quẻ đất nước này.
Hôm nay, trong tay là NQ 36, ngày ngày tuyên giáo đảng cứ ra rả nói đến hòa hợp hòa giải, xóa bỏ hận thù, mơn trớn gọi những người năm xưa phải vượt biển tìm tự do là “KHÚC RUỘT NGÀN DẶM”. Trong khi đó cứ mỗi ngày 30-4 hàng năm đến, là một lần họ xát muối vào nỗi đau của “BÊN THUA CUỘC” qua việc bắt người dân cả nước hoan hỉ lên đồng coi ngày đó là ngày đánh dấu sự kiện “ĐÁNH CHO MỸ CÚT - ĐÁNH CHO NGỤY NHÀO”, cùng với việc tiếp tục bắt bớ, giam cầm những người dân trong nước dám đấu tranh đòi TỰ DO - DÂN CHỦ - NHÂN QUYỀN một cách ôn hòa. Cách hành xử phản cảm, khó coi như thế không biết sẽ còn tiếp diễn đến bao giờ. Theo tôi, ngày 30-4-1975 chỉ nên đơn giản hiểu là ngày“TIỀN ĐỒN” của phe cộng sản đánh thắng “TIỀN ĐỒN” của thế giới tự do và là ngày để người Việt Nam ở cả bên thắng cuộc và bên thua cuộc cùng lắng lại lòng mình trước những thảm kịch chỉ có lợi cho những kẻ ngoại bang, những siêu cường mà thôi. Như vậy, ngày 30/4 đâu có xứng đáng là biểu tượng của sự toàn bích. Cuộc thống nhất đất nước cưỡng bức ngày đó cũng làm xuất hiện những chia rẽ mới rất đáng tiếc đối với nhiều thế hệ người Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước như điều mà ông Võ Văn Kiệt đã nói : “Triệu người vui – Triệu người buồn”.
Xin hỏi những người coi ngày 30- 4-1975 là ngày quốc khánh cho nhà nước CHXHCNVN thống nhất: Quốc khánh rồi mà khi dàn khoan HD 981 bất ngờ nhảy vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam, Quốc vụ khanh Dương Khiết Trì dám cất lời kêu gọi xấc xược giữa Hà Nôi rằng, “Những đứa con hoang đàng... hãy về với nước mẹ Trung Hoa vĩ đại!”!
Đất nước đã thống nhất được 43 năm mà ngày 30-4 vẫn tiếp tục được coi là ngày “Quốc Khánh” đối với “Bên Thắng Cuôc” và là ngày “Quốc Hận” với “Bên Thua Cuộc” thì con đường để Việt Nam đi đến hòa hợp hòa giải là không dễ trở thành hiện thực. Ngày mà người Việt Nam ở trong nước cũng như ngoài nước có được một tiếng nói chung, một lộ trình chung, một đề án chung để Tổ Quốc Việt Nam hiện diện trong thế giới nhốn nháo này ở tư thế ngửng cao đầu, xứng tầm với những gì mà dân tộc lẽ ra phải được khẳng định từ lâu rồi, những gì mà Văn Cao ao ước :“Từ nay người biết yêu người /Từ nay người biết thương người”có lẽ vẫn còn xa vời lắm. Ngày dân tộc Việt Nam trả xong nghiệp báo còn xa. Chúng ta vẫn tiếp tục là những kẻ nhỡ chuyến tàu đi về phía DÂN CHỦ.
Cũng một kiếp người…
Thử hỏi trong lịch sử dân tộc, có giai đoạn nào, có thời kỳ nào và vì ai mà nguyên khí bị tha hóa, nội lực dân tộc bị huỷ hoại, suy yếu vì chia rẽ, vì ngờ vực lẫn nhau lại dai dẳng, bi thương, sâu sắc & nghiêm trọng đến như vậy. Tương lai của dân tộc rồi sẽ ra sao? Ai là người có lỗi trước tiền nhân ? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử đây?
Lời cuối:
Có thể lắm, khi đọc bài viết này, sẽ có người lên án tôi, chỉ vì tôi không suy nghĩ như họ. Tôi chủ trương không tranh biện. Tôi “KHÔNG…” không phải là tôi không dám, là người luôn cổ xúy cho một đời sống chính trị ĐA NGUYÊN tôi tôn trọng mọi ý kiến dị biệt có văn hóa. Viết loạt bài về ngày 30-4 này, tôi chỉ có một tham vọng duy nhất là cung cấp cho người đọc một góc nhìn không giống ai khi nghĩ về những kiếp nạn mà dân tộc mình phải chịu đựng.
Theo tôi, đã đủ điều kiện để nói: Sau 88 năm ngày ĐCS Việt Nam ra đời, họ đã du nhập vào đất nước này ý thức hệ Mác - Lê, phiên bản của Stalin - Mao Trạch Đông…, cái thứ vô cùng xa lạ với truyền thống của dân tộc đó đã biến dân tộc Việt Nam vốn rất năng động, thông minh, quật cường trước cái ác thành một cộng đồng thoái hóa, bạc nhược, một đàn Cừu chỉ biết vâng lời. Chúng ta những hậu duệ của nòi giống Rồng Tiên đã bị các thứ ngoại lai đó biến mình thành những con tốt tầm thường trong những ván bài mà người Việt Nam luôn luôn là những người thủ bại. Tôi tin sẽ đến ngày dân tộc Việt Nam bừng tỉnh bước ra khỏi những u mê lạc lối và thế hệ người Việt Nam trong tương lai sẽ làm hồi sinh lại đất nước đau thương này. Họ sẽ không bao giờ vướng phải những sai lầm mà các bậc tiền bối của họ đã không dưới một lần mắc phải./. (Hết)
Ngày giỗ tổ Hùng Vương 4 - 2018
N.T.L.
- Nguyên giáo viên dạy Địa Lý GD-ĐT Hoà Bình-Hà Tây
- Nơi ở :Văn La – Phú La – Hà Đông – Hà Nội.
ĐT 0433521066 & 01652323836. Email:nguyenthuonglong571@gmail.com
Tác giả gửi BVN. Chúng tôi tôn trọng quan điểm và phong cách của người viết.

4 – 2018