Thứ Hai, 16 tháng 4, 2018

20180416. THƯƠNG VỤ GRAB-UBER

ĐIỂM BÁO MẠNG
LUẬT CẠNH TRANH VÀ THƯƠNG VỤ GRAB-UBER

NGỌC LAN/ TBKTSG 27-3-2018

Còn nhiều vấn đề tranh cãi sau cuộc sáp nhập giữa Grab với Uber. Ảnh:TL
(TBKTSG Online) - Khi Uber công bố việc bán toàn bộ mảng kinh doanh tại Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam, cho Grab hôm 26-3, đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi xung quanh vấn đề thương vụ này có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không và luật này có đủ điều kiện để xem xét một cuộc sáp nhập ngoài biên giới hay không?
Thâu tóm Uber, Grab đi đến mục tiêu độc quyền tại Việt Nam
Tại sao Uber hay Grab chỉ là bên thứ ba?
Hôm 27-3, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng ( Bộ Công Thương) đã có văn bản gửi Công ty TNHH Grab Taxi. Trong nội dung văn bản do Phó Cục trưởng Trịnh Anh Tuấn ký, có nêu: “Để có căn cứ xem xét, đánh giá việc mua lại theo quy định của pháp luật cạnh tranh, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đề nghị doanh nghiệp phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến việc mua lại nêu trên và hợp đồng Grab mua lại Uber tại Đông Nam Á”, báo cáo trước ngày 3-4.
Yêu cầu này xuất phát từ quy định kiểm soát tập trung kinh tế (Điều 3, Chương II Luật Cạnh tranh). Hành vi "tập trung kinh tế" được quy định trong Luật Cạnh tranh có hành vi “mua lại, sáp nhập doanh nghiệp”.
Vấn đề đáng chú ý là ngoại trừ Công ty TNHH GrabTaxi có thành lập pháp nhân ở Việt Nam, thì đối tác Uber Việt Nam luôn khẳng định không phải là doanh nghiệp mà chỉ được Uber B.V có trụ sở tại Hà Lan ủy quyền. Đó cũng là vấn đề tranh cãi về mô hình tổ chức khiến Uber Việt Nam trước đây không kê khai thuế, không nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), và điều này cũng là cơ sở để Uber Việt Nam kiện Cục Thuế TPHCM ra tòa khi bị truy thu thuế đến nay chưa ngã ngũ.
Vậy có nên coi Grab mua Uber là mua lại doanh nghiệp hay không. Luật Cạnh tranh có quy định hình thức tập trung kinh tế là bao gồm cả việc “một doanh nghiệp mua một phần tài sản của doanh nghiệp khác để kiểm soát, chi phối toàn bộ hoặc một nghành nghề của doanh nghiệp mua lại (Khoản 3, Điều 17). Uber Việt Nam nếu không phải là doanh nghiệp như họ công bố, thì cũng không thể phủ nhận việc họ là một phần của doanh nghiệp Uber B.V có trụ sở tại Hà Lan. Như vậy, hoạt động mua lại của Grab với Uber hoàn toàn có thể mang ra xem xét về hành vi tập trung kinh tế.
Luật Cạnh tranh cũng có thể điều chỉnh luôn cả hoạt động mua bán này cho dù thương vụ không diễn ra ở Việt Nam và một trong hai bên mua bán (Uber không công nhận tư cách pháp nhân doanh nghiệp). Bởi luật được phép điều chỉnh từ tổ chức đến cá nhân cung ứng sản phẩm, dịch vụ tại Việt Nam.
Tiếp đến, hành vi tập trung kinh tế như thế nào thì bị cấm? Theo luật thì sự kết hợp giữa các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% thị phần trên thị trường liên quan. Như vậy, cơ sở nào để chứng minh cuộc sát nhập này khiến thị phần “cung cấp phần mềm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý, kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng” của Grab và Uber chiếm trên 50%?
Trên thực tế, theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) hôm 19-12-2017 khi tổng kết hai năm triển khai thực hiện thí điểm ứng dụng công nghệ trong quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (gọi tắt là theo Quyết định 24) đã cho thấy, trong số 10 doanh nghiệp kinh doanh theo hình thức này Grab đã có 18.110/36.809 phương tiện ô tô kết nối (chiếm 49,19% thị phần) tính đến 24-11-2017. Cộng với 3614 xe của Uber có kết nối và được cấp phù hiệu xe hợp đồng tại Sở Giao thông Vận tải TPHCM (tính đến tháng 5-2017) thì lượng xe của hai doanh nghiệp là 21.7245/36.809 xe của cả nước kinh doanh theo hình thức kết nối giữa người sử dụng và xe (chiếm 59,01% số phương tiện cung cấp dịch vụ kết nối).
Đó là chưa thống kê hết được các xe tự kết nối với Grab hay Uber qua ứng dụng (apps) mà chưa có phù hiệu do các Sở GTVT cấp. Nếu tính cả thì con số và thị phần chắc chắn lớn hơn nhiều.
Như vậy, vấn đề của Cục quản lý cạnh tranh là phải chứng minh được, tại thị trường Việt Nam, hành vi sáp nhập của Grab và Uber chiếm trên 50% thị phần trên thị trường liên quan.
Như vậy, trong trường hợp này, thị trường liên quan là gì? Quy định của luật cho biết: Thị trường sản phẩm liên quan là thị trường của hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả. Uber và Grab tới nay vẫn không thừa nhận là hoạt động kinh doanh taxi mà chỉ là các công ty cung cấp dịch vụ kết nối nên không thể lấy thị trường kinh doanh taxi truyền thống là thị trường liên quan nhằm làm "giảm bớt" thị phần cho Uber hay Grab.
Còn xét về thị trường địa lý liên quan là khu vực địa lý cụ thể trong đó có những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau với các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực lân cận thì Hà Nội không thể so sánh với Khánh Hòa hay TPHCM so sánh với Hà Nội do những khác biệt đáng kể về thị trường nên không tính được là thị trường liên quan cho Grab hay Uber.
Theo báo cáo của TP Hà Nội được Bộ GTVT dẫn lại, các doanh nghiệp kinh doanh trên thị trường kết nối vận tải bằng công nghệ tại thủ đô, tính riêng Grab đã có 11.474 xe/12.654 xe, chiếm 90,67% tổng phương tiện tham gia (tính đến 20-11-2017).
Grab mua lại mảng kinh doanh của Uber ở Đông Nam Á, và Việt Nam chỉ là một trong số các thị trường trong cuộc sáp nhập này. Tuy nhiên, nếu cuộc mua bán này bị xem xét theo Luật Cạnh tranh và các Sở GTVT tạm dừng cấp phép chuyển đổi xe hợp đồng đã cấp cho Uber qua cho Grab thì ít nhiều việc kinh doanh tại Việt Nam sau cuộc sáp nhập cũng không dễ dàng gì.
Mời bạn đọc cho biết ý kiến về vấn đề này.

ÔNG LỚN TAXI VIỆT 'ĐÁP TRẢ' VỤ GRAB MUA UBER NHƯ THẾ NÀO ?

CAO TRUNG/ TT 2-4-2018

TTO - Phương Trang rót 2.200 tỉ vào ứng dụng đặt xe cho khách hàng trả giá, Mai Linh Bike không tăng giá giờ cao điểm còn Vinasun đề nghị quy hoạch taxi công nghệ trong cuộc chiến với Grab.

Ông lớn taxi Việt đáp trả vụ Grab mua Uber như thế nào? - Ảnh 1.

Sắp tới, người tiêu dùng sẽ có thêm nhiều lựa chọn khi di chuyển, không chỉ là ứng dụng có “xuất xứ ngoại”. Trong ảnh: xe ôm công nghệ của một hãng trong nước chuẩn bị ra mắt - Ảnh: Q.AN
Trả lời Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Trí Dũng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần xe khách Phương Trang - cũng xác nhận Phương Trang quyết định mua Vivu và đổi tên thành VATO.
Ông Trần Thành Nam, sáng lập ứng dụng gọi xe công nghệ Vivu, xác nhận doanh nghiệp vận tải xe khách Phương Trang đã đầu tư 100 triệu USD vào Vivu và đổi tên ứng dụng thành VATO. 
Điểm khác biệt, ông Trần Thành Nam cho biết ứng dụng gọi xe này cho phép người dùng mặc cả với lái xe (giá tối thiểu VATO đưa ra) để có thể nhanh chóng hoàn thành chuyến đi.
Có nghĩa là, chẳng hạn, khi khách đặt xe nhìn thấy mức giá hiển thị là 100.000 đồng cho quãng đường đi, người đặt nếu chê đắt có thể trả giá còn 80.000 đồng, nếu tài xế đồng ý thì chuyến xe xuất phát. 
Nhận định chức năng này cả Uber và Grab đều không có, tuy nhiên ông Nam cho hay ứng dụng mới cạnh tranh với Grab dự kiến chính thức ra mắt tại Hà Nội và TP.HCM trong tháng 4-2018.
Với số lượng xe hơi đăng ký hiện tại 2.000 xe, ông Nam cho biết giá tiền khách hàng phải trả 8.500 đồng/km tương tự như GrabCar, nhưng tỉ lệ chiết khấu tài xế phải nộp là 20% vẫn thấp hơn 5% so với Grab đang thu hiện tại.
Trong khi đó, ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Linh, cho biết số lượng đối tác là tài xế ôtô và xe máy của Uber sang đăng ký gấp nhiều lần so với trước đây. 
Tạo khác biệt với Grab, ông Huy cho biết với Mai Linh Bike, hãng cam kết chỉ thu 15% chiết khấu và tặng 100% phí đồng phục cho đối tác lái xe nếu trong tháng đầu đạt doanh thu từ 2,5 triệu đồng trở lên.
Đặc biệt, Mai Linh mua bảo hiểm cho tất cả đối tác lái xe sau khi đối tác hoạt động được 6 tháng. Mức giá cước được Mai Linh Bike áp dụng là 11.000 đồng/2km đầu và 3.700 đồng/km tiếp theo, và cam kết không tăng giá vào giờ cao điểm.
Trong khi đó, ông Trương Đình Quý, Phó tổng giám đốc Taxi Vinasun, cho biết Dự thảo Nghị định 86 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô (sửa đổi đang được Bộ GTVT gửi qua Bộ Tư pháp thẩm định) không những đã không có thay đổi về khái niệm xe vận tải hợp đồng, mà còn đưa thêm quy định về thực hiện hợp đồng điện tử...
Trong khi theo ông, hợp đồng bằng giấy hay điện tử chỉ là phương thức giao kết, không phải mô hình kinh doanh.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong giao kết hợp đồng đang được thực hiện ở cả đường thủy và đường không. Vì vậy, không thể có thêm một mô hình kinh doanh là hợp đồng vận tải điện tử.
Ông Quý kiến nghị Dự thảo Nghị định 86 cần bổ sung quy định UBND tỉnh, thành có quyền và trách nhiệm phải quy hoạch lượng xe "taxi công nghệ", phù hợp với quy hoạch.
Đáng lưu ý, ông Quý kiến nghị bổ sung quy định về đăng ký giá và quy định giá trần, giá sàn cho các loại xe kinh doanh vận tải bằng ôtô.
Uber rút lui, Phương Trang rót hơn 2.000 tỉ để cạnh tranh Grab
TTO - Phương Trang cho biết đã đầu tư 100 triệu USD (hơn 2.200 tỉ đồng) vào ứng dụng Vivu, đổi tên thành VATO để cạnh tranh với Grab lấp chỗ trống của Uber.
CÔNG TRUNG

TRẦN PHI TUẤN/ TTO 4-2018

TTO - Khi trả 100.000 đồng cho tài xế Uber có bao giờ bạn tự hỏi tiền sẽ chảy vào túi ai, Uber được hưởng mấy phần? Vì sao Uber bị tố trốn thuế, và mãi không chịu có lời?

Tiền của Uber chảy về đâu? - Ảnh 1.

Câu hỏi trên tưởng là dễ trả lời, nhưng thực ra không như mọi người nghĩ. Theo phần chiết khấu ăn chia, Uber được hưởng 25%, trước đây là 20, và tài xế - hay đối tác theo cách gọi của Uber sẽ có 75.000 đồng còn lại.
Vấn đề là tài xế không nhận được khoảng 75.000 đồng đó ngay vì lập tức Uber sẽ trừ vào tài khoản của lái xe số tiền 100.000 đồng. Nhưng Uber nào trừ?
Tiền đi đâu, về đâu?
Tại Việt Nam, người ta đã quen với cái tên Uber Việt Nam, nhưng rồi, trong vụ truy thu thuế, và cả vụ kiện ngành thuế ra tòa, một cái tên khác xuất hiện: Uber BV. Vậy mối quan hệ này như thế nào?
Trở lại tình huống ban đầu, khi bạn trả 100.000 đồng cho tài xế thì số tiền đó sẽ vượt Đại Dương qua đến Hà Lan nơi đăng ký hoạt động của Uber BV, tên đầy đủ và chính xác là Uber Internationla BV. Đây chính là công ty thu nhận mọi hoạt động kinh doanh của Uber tại Việt Nam và khắp toàn thế giới.
Bấy giờ, dòng tiền từ Việt Nam chảy đến Uber ở Hà Lan sẽ chia làm hai phần, một là khoảng 75% mà tài xế được chia, một là 25% mà Uber được hưởng.
Số tiền 75.000 nói trên một tuần sau sẽ được hoàn trả cho tài xế và lúc này Uber ở Hà Lan có 25.000 đồng.
Nhưng đó chưa phải là điều lắt léo nhất. Thử hình dung, thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam là 20%, hấp dẫn hơn 25% ở Hà Lan, vậy tại sao Uber không để tiền ở Việt Nam để được hưởng thuế suất thấp hơn?
Khi 25.000 đồng được chuyển đến Uber International BV ở Hà Lan thì tiền không nằm ở đó mà lại được chuyển đến một công ty khác, đăng ký hoạt động ở Hà Lan nhưng có trụ sở điều hành tại Bermuda, một hòn đảo ở vùng Caribbean. Công ty này có tên là Uber International CV.
Đến đây tưởng cũng cần nhắc đến mô hình hai công ty Hà Lan mà Uber đang áp dụng, gọi là Double Dutch. Công ty thứ nhất, Uber International BV và công ty thứ hai là Uber International CV.
Điểm độc đáo của công ty thứ hai là không hề có nhân viên, và trụ sở lại nằm trong một công ty luật. Đấy chính công ty bình phong - shell company - danh bất hư truyền.
Vậy là, nếu lần theo dấu dòng tiền sẽ thấy 25.000 đồng mà Uber International BV Hà Lan đang nắm giữ đó thì 99% sẽ được chuyển đến Uber International CV ở Bermuda.
Điều đó có nghĩa là chỉ còn 250 đồng, tương ứng với 1%, ở lại Hà Lan, còn 24.750 đồng còn lại sẽ chuyển đến đảo giấu tiền ở vùng Carribean.
Số tiền từ Hà Lan đến Bermuda đó được gọi là phí bản quyền, và theo ngôn ngữ trong thỏa thuận của Uber BV và Uber CV thì đó là "Intangible Property License Agreement", tức là Thỏa thuận bản quyền tài sản vô hình. Theo luật Hà Lan, tiền phí bản quyền này không phải đóng thuế.
Điều kỳ diệu của Bermuda và những thiên đường náu thuế khác (tax haven) chính là thêm một lần nữa Uber không phải đóng thuế. Khoản tiền từ Hà Lan chảy đên Bermuda như vậy được bảo toàn.
Và từ đây, chỉ một phần rất nhỏ, 1,5% của số tiền ở Bermuada đó, theo điều tra của tạp chí Fortune, được chuyển đến cho Uber Technology, Inc có tổng hành dinh tại San Francisco, Mỹ. Và người Mỹ chỉ có thể đánh thuế được trên số tiền nhỏ nhoi này.
Uber ở Việt Nam đóng thuế như thế nào?
Các nhà điều hành Uber đã tính toán rất kỹ. Uber BV là pháp nhân nước ngoài vì thế đóng thuế theo thuế khoán, thuế nhà thầu. Mức thuế này ở Việt Nam là 2% trên doanh thu được hưởng, và 3% trên lợi nhuận làm ra.
Theo lẽ, trong doanh thu 25.000 đồng của Uber tại Hà Lan đó, Uber phải đóng thuế cho Việt Nam 2%, là 500 đồng.
Vấn đề là Uber kê khai bao nhiêu doanh thu được hưởng để có thể đóng 2% thuế khoán này?
Không ai có thể biết được Uber thu bao nhiều tiền, và cũng không ai biết được Uber có bao nhiêu xe ở Việt Nam, và mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng thực hiện bao nhiêu cuốc xe.
Uber có một phần mềm để bảo mật, ngăn cản sự dòm ngó của cơ quan chức năng. Vậy nên, Uber có thể khai bao nhiều là tùy thích?
Riêng con số 3% thuế thu nhập doanh nghiệp đánh trên lợi nhuận thì có lẽ muôn đời Việt Nam không thể thu được vì phần tiền chảy qua Hà Lan rồi đến Bermuda thuế đã được rửa sạch dấu vết.
Trừ phi, Uber có một nỗi ám ảnh về trách nhiệm xã hội nào đó nên báo lãi, còn không thì hoàn toàn báo lỗ. Một năm, Uber trên toàn thế giới có hàng tỉ cuốc xe, doanh thu hàng chục tỉ USD và phần Uber được hưởng 25% đó vẫn là con số tỉ đô.

Tiền của Uber chảy về đâu? - Ảnh 2.

Như vậy, nếu theo dấu được dòng tiền, cơ quan thuế có thể nắm gáy được Uber, ít nhất thì cũng phần thuế nhà thầu 2% đó. Nhưng một bức màn nhung huyền bí đã che phủ tất cả vì doanh thu của Uber vẫn là một ẩn số.
Ngành thuế ở Việt Nam chỉ có thể thu được hai món: Một là thuế thu nhập cá nhân, hai là thuế VAT, nhưng cả hai sắc thuế này, oái oăm thay, lại đổ lên đầu tài xế, hay đối tác theo cách gọi của Uber.
Điều đáng nói nữa là Uber sẽ thu hộ nhà nước khoản thuế này từ tài xế, và sau đó sẽ nộp vào ngân sách nhà nước. Nhưng một lần nữa, doanh thu của Uber không ai đong đếm được, vì thế phần thu hộ hay kê khai, giả dụ Uber muốn "ăn dày", họ vẫn có cách để làm được.
Chính vì thế, vụ tranh chấp giữa cơ quan thuế ở TP.HCM truy thu và phạt 66,68 tỉ đồng của Uber, dẫn đến hai lần Uber phát đơn kiện Cục thuế TP.HCM, lại là tranh chấp giữa thuế VAT thu từ tài xế.
Hơn nữa, Uber luôn viện dẫn Việt Nam và Hà Lan đã có Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần, và theo họ, Uber đã đóng thuế ở Hà Lan rồi thì không phải đóng thuế ở Việt Nam nữa. Mà Uber đóng thuế ở Hà Lan như thế nào thì phần trên đã phân tích rõ.
Hội nhập quốc tế đấy là tuân thủ luật chơi quốc tế, khó có thể dùng các quyết định hành chính để giải quyết một vấn nạn mang tính toàn cầu.
Kỹ nghệ né thuế, lách thuế, hay nói trắng ra là trốn thuế, được đội ngũ các chuyên gia thuế, tài chính và luật dày dạn kinh nghiệm thực hiện, và cần phải nhắc đến đó chính là hợp pháp.
Vì thế, rất khó để truy theo dấu vết của dòng tiền, và càng không biết được kỹ nghệ kê khai thuế của những công ty đa quốc gia thì khó có thể buộc họ tuyên bố có lãi để đóng thuế được.
Và cũng vì thế, buộc Uber có trụ sở tại Việt Nam, và bắt buộc Uber phải có lãi để đóng thuế thu nhập doanh nghiệp là một điều hết sức khó khăn.
Vậy còn Grab? Grab liệu có theo bước chân của Uber sau khi thâu tóm thị trường của đối thủ tại Đông Nam Á? Cuộc chiến giành thị trường đã hoàn toàn thắng lợi, vậy đã đến lúc Grab không còn báo lỗ để đóng thuế?
Một điều đừng quên đó là 51% cổ phần của Grab Việt Nam là của ông Nguyễn Tuấn Anh, 49% còn lại là của Grab có trụ sở tại Cayman Islands - một cái tên quen thuộc trong các quần đảo giấu vàng ở vùng biển Caribean huyền thoại, và sau lưng Grab là những nhà tài chính đại tài. 

TRẦN PHI TUẤN - THEO TTCT
GRAB VẪN HOẠT ĐỘNG BÌNH THƯỜNG TRONG THỜI GIAN BỊ ĐIỀU TRA VỀ CẠNH TRANH

LAN NHI/ TBKTSG 14-4-2018

(TBKTSG Online)- Cục quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã ra quyết định điều tra sơ bộ vụ Grab mua lại các hoạt động của Uber tại thị trường Việt Nam trong vòng 30 ngày. Theo luật thì trong thời gian đó ứng dụng Grab vẫn hoạt động bình thường.
Cũng tại buổi làm việc này, Uber cho biết kể từ 24 giờ ngày 8-4, Uber đã chính thức chấm dứt hoạt động của ứng dụng Uber tại Việt Nam và đã đóng cửa văn phòng Uber tại đây. Như vậy giao dịch tập trung kinh tế giữa Grab và Uber đã chính thức hoàn tất.Quyết định điều tra về hành vi hạn chế cạnh tranh, có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế theo Luật cạnh tranh của Bộ Công Thương được đưa ra hôm 12-4 sau nhiều lần làm việc với Grab và đại diện hợp pháp của Uber tại Việt Nam.
Trước đó, trong văn bản gửi Bộ Công Thương, Grab Việt Nam cho biết thị phần sau sát nhập của cả Grab và Uber trên thị trường liên quan tại Việt Nam thấp hơn 30%. Do đó, họ cho rằng các bên tham gia giao dịch không phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành và hoàn tất giao dịch tại Việt Nam.
Không đồng tình với giải trình này, Cục quản lý cạnh tranh đã ra quyết định điều tra sơ bộ vụ việc. Một quyết định được đánh giá là muộn vì ngay sau khi Uber tuyên bố sát nhập vào Grab, nhiều quốc gia Đông Nam Á đã có những phản ứng tức thì để ngăn chặn cuộc sát nhập này. Như Singapore và Philipine ra quyết định hành chính yêu cầu các bên giữ nguyên tình trạng trước sát nhập, không được bàn giao tài sản, nhân sự giữa các bên. Malaysia yêu cầu Grab không tăng giá nếu không muốn nhận được các quyết định xử phạt ở mức cao hơn.
Song, hơn 1 tuần sau vụ sát nhập, Việt Nam mới ra được một quyết định sơ bộ, điều tra tạm thời vụ việc trong vòng 30 ngày, tìm các chứng cứ liên quan đến thị phần và thị trường liên quan của hai hãng kinh doanh dịch vụ kết nối xe là trên 50% hay không- một hành vi bị ngăn cấm và buộc phải báo cáo theo quy định về tập trung kinh tế.
Theo luật thì trong thời gian điều tra sơ bộ, hoạt động của Grab vẫn bình thường. Sau 30 ngày, khi Cục quản lý cạnh tranh thông báo về việc sát nhập này có những dấu hiệu vi phạm Luật cạnh tranh đến đâu thì quyết định tạm thời đối với hãng này mới được đưa ra. Sau đó, cục còn phải ra quyết định điều tra chính thức dựa vào kết quả sơ bộ nếu thấy có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế.
Cuộc điều tra chính thức sẽ diễn ra trong vòng 180 ngày (6 tháng), vẫn theo quy định của luật trước khi áp dụng một biện pháp chính thức với Grab.

NỀN KINH TẾ KHÔNG CÓ GƯƠNG MẶT NGƯỜI

TBKTSG 15-4-2018

(TBKTSG) - Uber kết thúc những chuỗi dài tranh cãi tại Việt Nam với giới quản lý, với taxi truyền thống bằng cách rút hẳn khỏi thị trường Đông Nam Á, nhường chân cho Grab để đổi lấy phần hùn trong công ty này. Nay có lẽ chẳng ai quan tâm xác định Uber là doanh nghiệp vận tải hay công ty công nghệ có phần mềm kết nối lái xe và người tiêu dùng. Và nay xuất hiện các nỗi lo như thương vụ mua bán này tạo cơ hội để Grab thao túng một thị trường gần như độc quyền...


Thật ra, Uber ra đi, đã để lại một bài học lớn cho cả khu vực: đó là nền kinh tế kỹ thuật số với những mô hình kinh doanh ưu việt lại là nền kinh tế không có gương mặt người. Điều này không những đúng cho Uber mà còn ứng với nhiều loại hình kinh doanh kỹ thuật số khác.
Với một doanh nghiệp bình thường, khi thương lượng bán hoạt động cho doanh nghiệp khác, điều thường trực trong bàn đàm phán là số phận nhân viên, là cách tiếp nhận khách hàng cũ, là sự tiếp nối những truyền thống làm nên văn hóa của doanh nghiệp trước khi bán đi.
Đằng này hàng ngàn người vay vốn ngân hàng, đầu tư vào một chiếc xe để chạy dịch vụ cho Uber, hoàn toàn không ngờ một hôm thức dậy, Uber không còn tồn tại với họ. Dĩ nhiên nhiều người trong số họ vẫn sẽ tiếp tục đầu quân cho Grab nhưng với họ, Uber là sự bội tín khi từng dùng nhiều từ hoa mỹ để lôi kéo họ vào cuộc chơi, kể cả mang nợ không nhỏ với ngân hàng. Trước đó hàng ngàn tài xế taxi truyền thống, do cạnh tranh không lại với các chiêu thức giảm giá cho khách hàng và thưởng cho lái xe nên đã bỏ hãng, vay tiền mua xe chạy Uber và nay lại gặp cảnh tiến thoái lưỡng nan.
Nếu bị chất vấn, ắt Uber cũng có lập luận để thoát như mọi cuộc tranh luận trước: tài xế không phải là nhân viên của chúng tôi nên chúng tôi không có trách nhiệm lo cho họ, chúng tôi chỉ cung cấp sự kết nối!
Đây chính là đặc điểm “bất cận nhân tình” của Uber nói riêng và kinh tế kỹ thuật số nói chung. Facebook, Google chỉ xem người dùng là các số liệu thống kê để họ tăng giá trị cổ phiếu và để bán thông tin cho ai muốn mua. Đừng trông chờ họ bảo vệ sự riêng tư cho người dùng. Một khi người ta xem các hoạt động của từng cá nhân chỉ như các chấm li ti trong bức tranh “dữ liệu lớn - big data” thì làm sao các mô hình này có gương mặt người cho được.
Thiết nghĩ đây là yếu tố quan trọng nhất trong cân nhắc của các nhà làm chính sách, giới quản lý mỗi khi suy tính cách ứng xử với các mô hình mới của nền kinh tế số, kể cả những trào lưu làm nên cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được nói đến quá nhiều thời gian qua. Dùng robot để thay công nhân thì quá hay, quá tuyệt vời nhưng cũng phải nghĩ đến số phận những người công nhân bị tước đoạt công việc chứ. Đặt máy chủ ở trong hay ngoài nước đâu quan trọng bằng, giả dụ, một quy định, cho phép người dùng biết rõ họ bị thu thập thông tin gì từ trước tới nay (mà châu Âu đã ban hành).
Quan tâm đến lợi ích của người tiêu dùng, tức người dân; bảo vệ quyền lợi của họ trước mọi rủi ro xâm hại... những góc nhìn đó còn quan trọng và cấp bách hơn chuyện thu được đồng thuế từ các doanh nghiệp trong nền kinh tế kỹ thuật số. Và biết đâu những doanh nghiệp khởi nghiệp trong các lĩnh vực mới biết chú ý đến tính người lại thành công vượt trội, hơn cả Uber hay Grab nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét