Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2018

20180406. THƯƠNG TIẾC ĐẠI TÁ-BLOGGER BÙI VĂN BỒNG QUA ĐỜI

ĐIỂM BÁO MẠNG

ĐẠI TÁ-BLOGGER BÙI VĂN BỒNG QUA ĐỜI

BBC 5-4-2018

Blogger, đại tá Bùi Văn Bồng qua đời hôm 4/4, hưởng thọ 68 tuổi

Blogger, đại tá Bùi Văn Bồng qua đời hôm 4/4, hưởng thọ 68 tuổi


Theo nhà văn Phạm Thành, trước đó ông Bồng đã đi khám ở bệnh viện 108 vì bệnh ở chân, sau đó ông về quê quán ở Định Hưng, Yên Đinh, Thanh Hóa nghỉ ngơi.
Nhưng ông đột ngột qua đời vào hôm 4/4 với nghi vấn bệnh tim. Người thân chỉ phát hiện ra ông vài tiếng sau đó.
Ông Bồng được biết đến với trang blog riêng (bvbong.blogspot) với các bài viết bình luận về chính trị xã hội Việt Nam.
Thời gian gần đây, trang này chủ yếu tập hợp bài viết, tin tức từ các nguồn khác, mà theo ông Bồng là để "tập hợp các góc nhìn khác nhau về kinh tế và chính trị của Việt Nam và khai trí".
BBC từng phỏng vấn vị đại tá trong bài Lập đài tưởng niệm Gạc Ma và nhìn lại hồi tháng Bảy 2017.

'Trang thông tin đa chiều'

Trên trang cá nhân Bùi Văn Bồng ghi rõ: "Đây là trang thông tin đa chiều, các cộng tác viên và bài các tác giả post lên trang BVB là thể hiện quan điểm, tư tưởng, nhận thức riêng của các tác giả."
Ông Bùi Văn Bồng sinh năm 1951 tại làng Duyên Hy, xã Định Hưng, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá.
Ông từng làm việc ở đài phát thanh quân đội sau đó chuyển sang làm cho báo Quân Đội Nhân Dân trước khi ông về hưu và lập blog riêng.


Nhà văn Phạm Thành kể với BBC hôm 5/4 rằng:
"Tôi biết anh Bồng từ hồi anh em học phổ thông cùng đi bộ đội. Hai anh em làm báo viết văn cùng thời với nhau. Anh Bồng sau này vào Hồ Chí Minh rồi anh đi Cần Thơ, tôi thì ở Hà Nội, Khi anh về quê làm nhà bạn bè thi thoảng đến thăm."
"Anh Bồng là một con người hào sảng ăn to nói lớn rất quý bạn bè. Bên cạnh đó, anh là con người sớm nhận thức sự bảo thủ trì trệ của Đảng Cộng sản Việt Nam không mang lại lợi ích đất nước."
Đại tá an ninh Nguyễn Đăng Quang cũng có mặt tại lễ tang hôm 5/4, ông kể lại ông gặp ông Bồng khi biết ông cũng xuống đường biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm biển đảo vào 2011.
"Theo học thức chủ nghĩa Mác, mọi nhận thực đều xuất phát tứ thực tiễn khách quan. Theo chia sẻ của anh, ngay từ khi còn trong quân ngũ, anh đã thấy các bất cập của xã hội. Anh đã rất bất bình với một số hiện tượng xã hội cho nên anh lập blog riêng để lên tiếng bày tỏ chính kiến riêng đồng thời cũng kết bạn với nhiều người.


"Có thể nói là anh Bùi Văn Bồng đầu tiên là một sĩ quan quân đội, một đảng viên Đảng Cộng Sản lâu năm, nhưng anh luôn gắn bó tình cảm đối với quê hương, đối với dân tộc. Anh ấy luôn luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên ý thức hệ, lên trên lập trường giai cấp nên anh ấy được sự đồng cảm quý mến của bạn bè trong nước và nước ngoài."
"Anh là một người cởi mở thẳng thắn, khảng khái, không quỳ gối trước thế lực nào cả. Đặc biệt quan điểm của anh Bồng là việc giữ nước và bảo vệ chủ quyền biển đảo, chống lại bá quyền Trung Quốc."
"Anh Bồng có nhiều lần tâm sự với tôi anh không bị công khai quấy nhiễu cản chở nhưng anh thường bị những người có trách nhiệm đến khuyên bảo không nên quá mạnh miệng hay bày tỏ chính kiến quá rõ ràng. Anh ấy chỉ gật đầu. Quan điểm của anh ấy được thể hiện rõ ràng qua các bài blog của anh ấy."
Trước tin ông đột ngột qua đời, nhiều nhà văn, blogger đã tỏ lòng thương tiếc với các bài đăng trên mạng xã hội.
VĨNH BIỆT BẠN LÍNH, BẠN BÙI VĂN BỒNG
PHẠM ĐÌNH TRỌNG/ BVN 6-4-2018


Gặp nhau, biết nhau ở phố nhà binh Lý Nam Đế, Hà Nội. Báo Quân đội nhân dân của Bùi Văn Bồng và nơi làm việc của tôi, Xưởng phim Quân đội, cùng ở đầu phố Lý Nam Đế.

Cùng chuyển vào làm việc ở phương Nam đất nước, gia đình tôi và gia đình Bùi Văn Bồng lại cùng làm nhà trên khu đất quân đội đường Phạm Văn Bạch quận Tân Bình, trước năm 1975 là hàng rào kẽm gai và bãi mìn góc phía tây sân bay Tân Sơn Nhất. Gia đình tôi và gia đình anh cùng ở bên số chẵn đường Phạm Văn Bạch và cách nhau chỉ hai căn nhà.

Nhưng anh không ở Sài Gòn. Mang nặng duyên nợ với mảnh đất màu mỡ phù sa sông Tiền sông Hậu, anh xuống Tây Đô Cần Thơ làm trưởng đại diện báo Quân đội nhân dân ở đồng bằng sông Cửu Long. Sau này đôi lần tôi và anh gặp lại nhau đều gặp trên mảnh đất duyên phận của anh. Ít gặp nhau trong đời nhưng hầu như đêm nào tôi và anh cũng thấy hình ảnh của nhau, cũng gặp suy nghĩ, nỗi niềm của nhau trên trang viết, trên trang blog trung thực và đầy trách nhiệm của anh và trên những trang báo mạng.

Trái tim người lính đã đập cùng nhịp đập với đất nước, đã đau cùng nỗi đau mất mát với nhân dân những năm tháng chiến tranh. Chiến tranh đã qua đi nhưng đất nước đang bị những nhóm lợi ích xâu xé, tàn phá tan hoang hơn cả thời chiến tranh. Chiến tranh đã qua đi nhưng nhân dân vẫn đang phải chịu những mất mát vô cùng lớn lao.

Trong chiến tranh có thể mất xương máu, mất tính mạng và người dân sẵn sàng hi sinh xương máu, hi sinh tính mạng để giành độc lập thống nhất đất nước. Thật vô lí, đất nước đã độc lập, thống nhất, trong cuộc sống hòa bình người dân lại bị quyền lực nhà nước độc tài cộng sản tước đoạt mất những giá trị cơ bản không thể thiếu của kiếp người, những giá trị làm người. Người dân chỉ là bầy nô lệ, không có quyền con người, không có quyền công dân, không có quyền làm chủ đất nước. Nền độc lập phải đổi bằng tính mạng của cả chục triệu người dân đã trở nên vô nghĩa.

Thời chiến tranh, tôi và anh cùng mặc áo lính, cùng đi vào những ngả đường máu lửa, cùng chia sẻ bom đạn, sốt rét, đói khát với những ngưới lính để cùng viết về người lính. Ngày nay tôi và anh cùng cởi bỏ chiếc áo lính, mang lại chiếc áo dân sự, đi cùng người dân viết về cuộc đấu tranh với nhà nước độc tài cộng sản, giành lại những giá trị làm người, giành lại quyền làm chủ đất nước của 90 triệu người dân Việt Nam.

Nghỉ hưu, tiếng gọi thì thầm nhưng tha thiết của quê hương gọi anh về với dòng sông Mã quê anh. Anh lại mang trang blog BÙI VĂN BỒNG sôi động sự sống, ấm áp tấm lòng đôn hậu của anh từ sông Hậu về sông Mã. Tưởng như sức sống mạnh mẽ của mảnh đất phù sa sông Mã cùng tình cảm ấm áp của chòm xóm quê hương sẽ là nguồn dinh dưỡng nuôi con người thể phách, nuôi con người tinh thần Bùi Văn Bồng mạnh mẽ như dòng sông Mã, bền bỉ như màu xanh cánh đồng Yên Định quê anh. Nào ngờ!

Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác
Tôi lại đau trước bác mấy ngày
Làm sao bác vội đi ngay
Chợt nghe tôi bỗng chân tay rụng rời

Nỗi thảng thốt của nhà thơ Nguyễn Khuyến trước sự ra đi đột ngột của người bạn tri kỉ Dương Lâm cũng là nỗi thảng thốt của tôi tối ngày 4.4.2018 khi được tin sự rời bỏ dương thế đột ngột của bạn tôi, nhà báo, nhà thơ Bùi Văn Bồng.

Cùng thế hệ lớn lên phải dập mặt vào cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trong lịch sử Việt Nam triền miên chiến tranh nhưng tôi lớn hơn Bùi Văn Bồng mấy tuổi. Tôi lại mỏng cơm, nhẹ cân, mong manh hơn Bùi Văn Bồng nhiều. Vậy mà Bùi Văn Bồng lại giành phần đi trước.

Với sự ra đi vội vã, tức tưởi của Bùi Văn Bồng, tôi lại ngậm ngùi thương thế hệ chúng ta quá Bùi Văn Bồng ơi!

P.Đ.T.
Tác giả gửi BVN.

NHÀ NƯỚC

PHẠM ĐOAN TRANG/ Chính trị bình dân/ BVN 5-4-2018

Rộng hơn khái niệm chính quyền là khái niệm nhà nước. Nó có hai nghĩa, tức là có hai cách hiểu về khái niệm này.

CÁCH HIỂU 1: NHÀ NƯỚC LÀ QUỐC GIA

Nhà nước là gì, ví dụ khi ta nói “Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, “Nhà nước Palestine”, “Nhà nước Do Thái”?

Theo James Garner, nhà nước là một cộng đồng người chiếm hữu một lãnh thổ xác định, hoàn toàn không chịu sự kiểm soát từ bên ngoài, và sở hữu một chính quyền có tổ chức mà tất cả cư dân sinh sống trong lãnh thổ đó đều phải phục tùng1

Định nghĩa của Garner đã bao gồm đủ bốn yếu tố căn bản của một nhà nước: con người (dân), lãnh thổ (đất), chính quyền, và chủ quyền hay quyền tối cao.

1. Dân

Người ta hay nói phải có nhà nước, mới có công dân (người mang quốc tịch của nước đó). Nhưng cũng phải có dân mới có nhà nước. Các nhà tư tưởng Hy Lạp cổ đại cho rằng dân số của một nước không nên quá đông mà cũng không nên quá thưa. Cần phải đủ đông để sản xuất của cải vật chất nuôi nhau, và đủ ít để dễ cai quản. Plato cho rằng số dân lý tưởng của một thành bang như Athens hay Sparta là ở mức 5.040 người. Triết gia Pháp Rousseau lại ấn định 10.000 người là số dân lý tưởng của một nhà nước.

2. Lãnh thổ

Không có đất thì không có nước”. Không có một lãnh thổ xác định thì không thể có nhà nước, nói cách khác, không tồn tại một nhà nước không có lãnh thổ. Lãnh thổ bao gồm không chỉ đất đai mà cả nước - hồ, sông, biển... - và vùng không trung bên trên đó.

3. Chính quyền trong quan hệ với nhà nước

Chính quyền, như chúng ta đã thấy trong phần định nghĩa ở trên, “là một tập hợp các cá nhân và thiết chế với chức năng làm ra và thực thi luật pháp trong và cho một xã hội” (Austin Ranney). Ở đây, trong quan hệ với nhà nước, chính quyền là công cụ, là bộ máy để thông qua đó nhà nước tồn tại và thực thi các chức năng của nó, và mọi người dân có thể cùng chung sống với nhau. Nói cách khác, chính quyền là cỗ máy vận hành của nhà nước.

Các chức năng mà nhà nước thực hiện thông qua bộ máy chính quyền gồm những gì? Là bảo đảm trật tự và an ninh trong xã hội, quốc phòng (bảo vệ đất nước khỏi các thế lực ngoại xâm), thực thi công lý, thúc đẩy thịnh vượng về kinh tế và sự phát triển... Bạn đọc chú ý là trong các chức năng ấy, không có chức năng “trấn áp các thế lực phản động trong nước”. Chính vì thế mà Nhà nước Việt Nam cộng sản thường phải mượn danh nghĩa “bảo đảm trật tự và an ninh” để đàn áp các lực lượng chính trị đối lập mà họ dán nhãn chung là “phản động”, “thế lực thù địch”.

Bạn cũng chú ý: Nhà nước và chính quyền là hai khái niệm khác nhau. Nhà nước rộng hơn chính quyền, bao gồm cả chính quyền và người dân. Trong khi đó, chính quyền không bao gồm dân.

Một điều quan trọng nữa là, chính quyền có thể thay đổi, có thể được thành lập mới hoặc bị lật đổ, xóa bỏ đi để một chính quyền mới thay thế. Nhưng nhà nước là vĩnh cửu, không thay đổi, chừng nào còn duy trì được cả bốn yếu tố căn bản của nó: dân, đất, chính quyền, chủ quyền.

4. Chủ quyền

Chủ quyền, hay quyền tối cao, là quyền ra quyết định cuối cùng và là quyền cao nhất, không còn quyền lực nào ở trên nó nữa.

Chủ quyền có hai loại: chủ quyền đối nội và chủ quyền đối ngoại.

- Chủ quyền đối nội: Nhà nước có quyền lực tối cao đối với tất cả các công dân của nó, tất cả người dân sinh sống trong lãnh thổ của nhà nước đó.

- Chủ quyền đối ngoại: Nhà nước độc lập khỏi bất kỳ sự kiểm soát nào từ bên ngoài lãnh thổ của nó.

Với định nghĩa trên của James Garner, hẳn các bạn cũng thấy, nhà nước (tiếng Anh: state) và quốc gia (tiếng Anh: nation) là hai khái niệm đồng nghĩa, và chúng đều bao gồm bốn yếu tố nêu trên: dân, đất, chính quyền, chủ quyền.

CÁCH HIỂU 2: NHÀ NƯỚC LÀ CHÍNH QUYỀN

Cách hiểu thứ hai gần gũi hơn với đa số người Việt. Dân Việt Nam, khi nghe thấy từ “nhà nước”, thường nghĩ ngay đến chính quyền, ví dụ như trong cụm từ đã quá quen thuộc: “Đảng và Nhà nước” (chữ đảng viết hoa để chỉ đảng Cộng sản Việt Nam).

Ở Việt Nam, cách hiểu này phổ biến hơn cách hiểu thứ nhất.

Còn chính quyền là gì thì mời bạn xem lại Chương I, “Định nghĩa chính quyền”, của Phần II này.
***
Nếu hiểu nhà nước là quốc gia (theo cách hiểu thứ nhất), thì trong tiếng Anh có khái niệm nation-state. Nhiều người dịch nó sang tiếng Việt là “quốc gia dân tộc” - một từ rất khó hiểu, tối nghĩa. Đúng ra thì phải chuyển ngữ nó như thế nào?

Một vài khái niệm khác

Nation-state là một loại hình nhà nước nối kết thực thể chính trị của nó với thực thể văn hóa của dân tộc. Từ điển Oxford định nghĩa nation-state “là một nhà nước có chủ quyền, trong đó đa số công dân của nó được thống nhất với nhau bởi các yếu tố định hình một dân tộc, như ngôn ngữ và nguồn gốc chung”. Nation- state là một sự đồng nhất hóa giữa nhà nước và dân tộc.

Vậy, nation-state là một nhà nước mang tính chất một quốc gia, khác với city-state là một nhà nước ở quy mô thành phố. City-state dịch là thành bang, còn nation-state có thể được dịch là “nhà nước độc lập”, “quốc gia độc lập”.

Nhà nước có gì khác với đất nước (tiếng Anh: country)?

Nhà nước là một thực thể chính trị-pháp lý, trong khi đất nước là một thực thể mang tính văn hóa-sắc tộc. Nhà nước phải có chủ quyền (chủ quyền là một trong bốn yếu tố căn bản xác lập nên một nhà nước), trong khi một đất nước có thể không có chủ quyền - chẳng hạn bị mất chủ quyền vào tay ngoại xâm. Điều quan trọng là người dân của đất nước ấy, về mặt tâm lý, vẫn coi họ là dân một nước, cùng chia sẻ một đất nước chung, cùng chia sẻ một ý chí chung là được chung sống với nhau trong một đất nước, ngay cả khi nhà nước của họ mất chủ quyền.


Chữ S thân yêu”. Ảnh: Lê Thế Thắng (Thắng Sói)

Thế còn dân tộc là gì?

Từ “dân tộc” trong tiếng Việt có hai nghĩa.

Nghĩa thứ nhất là nhân dân. Chẳng hạn khi ta nói: “Dân tộc Việt Nam là một”, câu này hàm ý toàn thể nhân dân Việt Nam đều thống nhất.

Nghĩa thứ hai là sắc dân, sắc tộc, ví dụ khi ta nói “người dân tộc thiểu số”, “dân tộc Kinh”, “dân tộc H’mong”, “dân tộc Tày”, hay “người Thượng”, “người Ba-na”... Ở đây, một dân tộc được hiểu là một cộng đồng người có chung một nền văn hóa, lịch sử, và đặc biệt, chung một cách giải thích về nguồn gốc của họ. Chẳng hạn, người Kinh (chiếm 90% dân số Việt Nam) cho rằng họ là con cháu vua Hùng; tổ tiên của họ là mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân, hai vị tiên và rồng này kết hợp với nhau sinh ra trăm người con, trong đó có các vua Hùng. Còn người Mường lại có cách lý giải khác về sự xuất hiện của dân tộc Mường, đó là tích “Chim Ây, Cái Ứa”.

Việt Nam có 54 sắc dân, hay thường được gọi là “54 dân tộc anh em”.



Một người H’mong thi leo cột mỡ lấy bim bim trong lễ hội xuống đồng ở Sapa (sau Tết âm lịch). Ảnh: Lê Thế Thắng (Thắng Sói)
P.Đ.T.
__________
Chú thích:
1- “Political Science”, Government of Tamilnadu, 2003

HẠNH PHÚC LÀ CÁI CHI CHI ?

NGUYỄN QUANG BÌNH/ TBKTSG 5-4-2018



(TBKTSG) - “Rứa mà sang à, rứa mà sướng chi!”, đó là lời cự cãi của mấy chị em bạn bè về quyết định của H’Hen Niê.
H’Hen Niê đã chọn ngồi trên xe công nông thay cho xe sang được chào mời đưa cô về buôn làng trong niềm hạnh phúc “vinh quy bái tổ” sau khi đoạt vương miện Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam năm 2017. Điều ấy lại làm nhiều chị em đắn đo không biết nên hiểu “hạnh phúc” là chi đây.
Lại nữa, mấy hôm rày người ta bàn về hai từ “hạnh phúc” hơi nhiều, nhất là sau khi Liên hiệp quốc công bố thứ hạng các quốc gia trong Báo cáo Hạnh phúc thế giới 2018 (World Happiness Report 2018). Trong báo cáo này, Việt Nam đứng thứ 95/162 quốc gia và vùng lãnh thổ, tụt một hạng so với năm 2017. Phần Lan đứng thứ nhất dù GDP trên đầu người của đất nước hạnh phúc nhất hành tinh thua nhiều nước châu Âu và thua xa Hoa Kỳ. Nhiều nước châu Phi bị xếp cuối bảng.
Không ít người cứ tưởng nước có GDP cao, tăng trưởng kinh tế mạnh, ấy là quốc gia “trong mơ”. Chứ như Bhutan, nơi được nhiều người cho là “xứ sở hạnh phúc”(*), là một nước nhỏ bé nằm chẹt giữa hai đại cường quốc Ấn Độ và Trung Quốc, vốn có mức sống còn thấp với 10% dân số sống dưới ngưỡng nghèo khổ, gần một nửa số hộ gia đình chưa có điện... nhưng nhiều người vẫn cho đó là xứ hạnh phúc đấy thôi!
GDP là thước đo quan trọng về tăng trưởng kinh tế cho một quốc gia, nhưng phải chăng giàu sang là tất cả? Người viết rất thích câu nói của Thượng nghị sĩ Robert Kennedy đọc được đâu đó khi ông nói về GDP như sau: “GDP đo được mọi thứ, nhưng trừ một việc: nó chẳng thể nào đo được cuộc sống của anh hay tôi có đáng sống hay không”.
Lấy Bhutan để so với một nước lớn, chẳng hạn như Trung Quốc, hẳn là kỳ quặc. Tuy nhiên, trong lòng một nền kinh tế tăng trưởng bậc nhất nhì thế giới như Trung Quốc hiện nay, vẫn nóng lên những bất bình đẳng giàu nghèo, nghề nghiệp bấp bênh, lại nạn ô nhiễm môi trường, tình trạng tham nhũng hối lộ, các giá trị cuộc sống và niềm tin xã hội bị đảo lộn... thì e rằng vẫn không có hạnh phúc.
Chỉ cần nhìn vào cách chọn của H’Hen Niê khi về làng và bảng xếp hạng của Liên hiệp quốc vinh danh Phần Lan lần này, hay cách nhìn về Bhutan của nhiều người, thì khái niệm hạnh phúc có gì đó khác.
Dù mức sống của người dân Bhutan nói chung còn thấp, nhưng điều đó không có nghĩa là lạc hậu mà là “đơn sơ”, tuy còn nghèo nhưng hệ thống y tế và giáo dục đều miễn phí cho toàn dân, có đến 90% trẻ em đến trường. Bhutan vẫn không ngừng ước mơ trở thành một quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế tốt, song không vì hiện đại để quên nhiệm vụ bảo vệ và gìn giữ môi trường cùng truyền thống văn hóa nước mình.
So với thước đo GDP, thì chỉ số hạnh phúc đặt nặng hơn về an lạc trong tâm hồn, sức khỏe, sử dụng thời gian hợp lý, giáo dục, mức sống, đa dạng sinh học, cuộc sống đa văn hóa, quản trị tốt và sức sống cộng đồng.
Nhìn qua lăng kính ấy, hạnh phúc không phải là sự tích tụ giàu sang phú quý, mà là một cuộc sống vừa đủ với thân tâm an lạc, con người phân chia thời gian sao cho tìm lại chính mình.
Hạnh phúc là sự chọn lựa của một cá nhân và của một cộng đồng để sống một cuộc sống với mình và với người, hài hòa giữa cái tiểu ngã và đại ngã như người phương Đông thường tâm niệm.
Chuyến về buôn của H’Hen Niê bằng đoàn “công-voa” (convoi) xe cày là một chọn lựa “hạnh phúc” của riêng cô dành cho bà con buôn làng, đó chẳng phải là sự hài hòa giữa cái riêng và cái chung sao?
(*) Tên một bài viết của tác giả Nguyễn Văn Mỹ trên Sài Gòn Tiếp Thị bản in số xuân Mậu Tuất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét