Thứ Hai, 9 tháng 4, 2018

20180409. BÌNH LUẬN NÓNG VỀ GIÁO DỤC

ĐIỂM BÁO MẠNG
GIÁO DỤC, ĐÃ ĐẾN LÚC PHẢI NÓI CHO RA NHẼ 

XUÂN DƯƠNG / GDVN 8-4-2018

Nhiều chuyên gia, học giả và chính khách đồng ý với câu trả lời cho câu hỏi “Học để làm gì” của Jacques Delors (người Pháp) và xem đó là triết lý giáo dục:
Học để chung sống; Học để biết; Học để làm; Học để tồn tại”. 
Vấn đề là giáo dục không chỉ có “học” mà còn “dạy” vì thế “học để làm gì” phụ thuộc vào chuyện “dạy như thế nào”.
Sự kết hợp hài hòa, khoa học giữa dạy và học tạo nên thành công cho một nền giáo dục.  
Trên thế giới không tồn tại bất kỳ một khuôn mẫu giáo dục nào phù hợp với mọi quốc gia, ngay trong một quốc gia giáo dục vẫn phải chú ý đến đặc thù riêng của mỗi tộc người, vùng miền,...
Giới lãnh đạo, các nhà quản lý giáo dục phải tự tìm cho đất nước mình một con đường riêng, có tham khảo thành công của các quốc gia khác chứ không phải là bê nguyên xi “cái thành công” của người ta áp vào thực tại nước mình.
Theo quan điểm cá nhân, ba yếu tố tạo nên thành công của nền giáo dục là:
- Nhà giáo;
- Tài chính - Cơ sở vật chất;
- Nội dung chương trình, sách giáo khoa, quy hoạch mạng lưới.
Cả ba yếu tố này đều phụ thuộc vào thể chế chính trị. Trong một số nước đó là chủ trương, chính sách, định hướng của đảng cầm quyền còn một số nước khác là Hiến pháp, các đạo luật mà Quốc hội ban hành.
Ở Việt Nam, lâu nay dư luận thường nhìn nhận mọi thành công, thất bại của giáo dục đều bắt nguồn từ chỉ đạo, điều hành của bộ chủ quản, tức là Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bản thân người viết đôi khi cũng bị cuốn hút theo định hướng này.
Một hai năm trở lại đây, những góc khuất phía sau bức tranh toàn cảnh nền giáo dục nước nhà dần dần hé lộ.
Thực tế là Bộ Giáo dục và Đào tạo không phải là cơ quan nhà nước duy nhất quản lý giáo dục và càng không phải là cơ quan giữ vai trò quyết định trong toàn bộ hoạt động giáo dục và đào tạo nước nhà.
Câu hỏi đặt ra là ngành Giáo dục chịu trách nhiệm đến đâu trước những thành tích cũng như yếu kém của giáo dục Việt Nam so với khu vực và thế giới?
Để trả lời câu hỏi này, cần đánh giá khách quan ba yếu tố nêu trên.
Thứ nhất: Nhà giáo
Quan điểm về vai trò của nhà giáo
Về yếu tố con người, Đảng và Nhà nước đều khẳng định:
Nguồn lực quý báu nhất, có vai trò quyết định nhất là con người Việt Nam; nhân tố con người chính là nguồn sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam”. [1]
Xuất phát từ truyền thống “Không thày đố mày làm nên”, từ quan điểm “con người là yếu tố quyết định”, có thể khẳng định Nhà Giáo giữ vai trò quan trọng nhất trong thành công của nền giáo dục hiện đại.
Cũng có ý kiến cho rằng “con người” trong giáo dục gồm ba đối tượng “cán bộ quản lý - thầy - trò”, họ khẳng định “Quan điểm giáo dục là phải lấy người học làm trung tâm”.
Từ quan điểm này có ý kiến đòi hỏi “phải xây dựng lại các hình thức tổ chức dạy học và các phương pháp dạy học phù hợp”.
Với quan điểm này, “hình thức và phương pháp dạy học” được lựa chọn trước sau đó mới nghĩ đến chuyện “nhào nặn” nhà giáo sao cho phù hợp với hình thức và phương pháp đó.
Minh họa cho quan điểm này là dạy học theo phương pháp VNEN, các nhà giáo bị biến thành đối tượng thử nghiệm cách dạy học du nhập từ nước ngoài chứ không chỉ là học trò.
Một trong những nhà giáo nổi tiếng, Giáo sư Hoàng Tụy cho rằng: “Vai trò quyết định đối với chất lượng giáo dục vẫn thuộc về các yếu tố có liên quan trực tiếp tới người thầy”.
Loay hoay giữa hai luồng quan điểm ấy trong một thời gian dài, không đánh giá đúng vai trò trọng tâm của nhà giáo dẫn đến hậu quả là hình thành một đội ngũ nhà giáo trình độ chuyên môn không thể nói đã đạt trình độ chung của thế giới.
Đội ngũ giáo viên chỗ thừa, chỗ thiếu, phần lớn học trò bậc phổ thông diện giỏi, xuất sắc không chọn sư phạm làm nghề yêu thích của mình.
Gần đây nhất, quan điểm chỉ đạo của Đảng là “lương nhà giáo phải được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính” không nhận được sự ủng hộ của một số cơ quan chức năngchỉ cho thấy nhận thức về vai trò nhà giáo trong nhà trường vẫn chưa có biến chuyển cần thiết.
Mất cân bằng giới trong đội ngũ giáo viên
Một sự thật khác là nhân lực ngành Giáo dục đa số là phụ nữ, những người luôn chịu nhiều thiệt thòi so với nam giới.
Tại tỉnh Lâm Đồng, tỷ lệ nữ giáo viên chiếm 76%. [2]
Một thống kê dẫn từ nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy trong số 1,1 triệu giáo viên từ mầm non đến phổ thông có 882.500 giáo viên nữ, chiếm khoảng 79,54%, bình quân 4 giáo viên nữ có một giáo viên nam. [3]
Số liệu trong “Tờ gấp giáo dục đào tạo 2017” cho thấy ở bậc đại học tỷ lệ này tương đối cân bằng, tổng số giảng viên là 72.792 người, số giảng viên nữ là 35.064 người.

Tờ gấp giáo dục đào tạo 2017 (nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Hiện tượng cô giáo bị bắt buộc phải quỳ xin lỗi phụ huynh; nữ giáo sinh thực tập bị phụ huynh đánh động thai phải nhập viện; phụ huynh xông vào tát cô giáo ngay tại lớp học,… cho thấy sự mất cân bằng giới tính trong đội ngũ nhà giáo mang đến những hậu quả tai hại.
Nếu đó là nam giáo viên liệu phụ huynh có thể manh động đến mức hành hung khiến thày giáo phải nhập viện?
Liệu đã đến lúc, cần phải xem xét tỷ lệ tuyển chọn giáo sinh vào khối trường Sư phạm theo hướng bảo đảm hài hòa về tỷ lệ giới?
Quản lý nhà giáo
Trong tổng số hơn 1,25 triệu nhà giáo từ mẫu giáo đến đại học, chính quyền địa phương và các bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội quản lý khoảng 1,2 triệu người.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quản lý trực tiếp (về nhân sự) một số lượng khá nhỏ cán bộ, giảng viên các trường đại học, cao đẳng mà bộ này “chủ quản” và cán bộ cơ quan bộ.
Quản lý nhà giáo tại địa phương là chính quyền, tức là Ủy ban nhân dân song trực tiếp là Sở Nội vụ hoặc Phòng Nội vụ.
Có thể suy ra theo ngành dọc, quyền quyết định số lượng, chất lượng đội ngũ nhà giáo (bậc phổ thông) không thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo mà là Bộ Nội vụ.
Để chứng minh xin liệt kê một vài sự kiện:
Tại tỉnh Cà Mau, trong kỳ thi tuyển viên chức giáo dục gần đây, người có điểm thi gần như tuyệt đối - thí sinh Nguyễn Thái Tâm (huyện Thới Bình) đạt 394/400 điểm, sau đợt chấm phúc khảo thí sinh này bị trượt viên chức vì thí sinh Cù Hoàng Linh, điểm thi ban đầu là 389, phúc khảo tăng 5,5 điểm và có tổng điểm 394,5 cao hơn Nguyễn Thái Tâm 0,5 điểm?
Báo Tienphong.vn đưa tin, ba người cháu vợ ông Nguyễn Tráng Kiện Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thới Bình, kiêm Chủ tịch Hội đồng thi tuyển viên chức năm 2017 đều trúng tuyển với số điểm là 369, 388, 391, điều đáng nói là ba thí sinh này lại là chị em ruột?
Cuối năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tổ chức thi tuyển viên chức giáo dục trong phạm vi toàn tỉnh (có 1.658 chỉ tiêu).
Sau phúc khảo toàn tỉnh có 13 người đậu thành rớt, 8 thí sinh rớt lại đậu trong đó một thí sinh từ rớt nhưng sau phúc khảo đã thành... thủ khoa!
Trả lời báo chí ông Đoàn Dụng - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi cho biết:
"Huyện Nghĩa Hành, Đức Phổ... cũng có thông tin phản ánh về điểm số của các thí sinh, nhưng Bình Sơn là nổi cộm nhất". [4]
Điều đáng quan tâm trong tường thuật nêu trên của Tuoitre.vn không phải là chuyện “đỗ - trượt” của các thí sinh mà là người trả lời báo chí - ông Đoàn Dụng - Giám đốc Sở Nội vụ chứ không phải vị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.
Thí sinh trượt lần đầu bỗng thành thủ khoa sau phúc khảo nói lên điều gì?
Trách nhiệm tổ chức thi tuyển giáo viên cho các trường lại thuộc ngành Nội vụ nói lên điều gì?
Một khi ngành Nội vụ nắm quyền quyết định việc thi tuyển nhân sự giáo viên thì ngành Giáo dục buộc phải đón nhận dù kết quả thi tuyển ấy công tâm hay có vấn đề.
Trao cho ngành Nội vụ (chứ không phải ngành Giáo dục) quyết định số lượng và chất lượng đội ngũ nhà giáo có phải là cách thức phù hợp hay cần xem xét lại?
Mặt khác, không thể khẳng định, rằng trao cho ngành Giáo dục toàn quyền tuyển chọn giáo viên thì tình trạng trượt bỗng thành thủ khoa sẽ được cải thiện vì giám khảo, cán bộ chấm thi được tuyển chọn phần lớn đều là giáo viên giỏi tại địa phương.
Cách khắc phục là tập trung toàn bộ ứng viên trong tỉnh thi tuyển tại một địa điểm, chấm chéo giữa các tỉnh hoặc liên tỉnh.
Người trúng tuyển được quyền ưu tiên chọn địa điểm công tác theo thứ tự điểm đạt được.
Tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường sư phạm do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 27/12/2017, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu ý kiến:
Học sinh vào học ngành sư phạm phải là những học sinh ưu tú nhất, quyết tâm để năm 2018 điểm đầu vào sư phạm nằm trong top đầu, các trường không vì chạy theo chỉ tiêu mà chấp nhận điểm đầu vào thấp”.
Vấn đề không chỉ các chuyên gia mà người dân cũng nhận thấy, cũng thống nhất là muốn thu hút “học sinh ưu tú” theo học ngành Sư phạm thì khi ra trường, giáo sinh phải được đảm bảo hai điều kiện “việc làm và thu nhập”.
Người học sau khi ra trường muốn có việc làm phải thi tuyển, muốn nâng lương phải được bình xét, cả hai yếu tố này lại do ngành khác quyết chứ không phải ngành Giáo dục.
Với cơ chế như vậy làm sao ngành Giáo dục có thể tuyển học sinh ưu tú bậc phổ thông vào các trường sư phạm? Liệu sau bao nhiêu năm nữa mong muốn của Bộ trưởng Nhạ sẽ thành hiện thực nếu cơ chế quản lý không thay đổi?
Mấu chốt tạo nên bức tranh giáo dục nước nhà (bậc phổ thông và một phần đại học) nằm ở chỗ ngành Giáo dục bị cách ly việc quản lý con người.
Có thể thấy yếu tố con người - tức là nhà giáo -  ngành Giáo dục có vai trò khá yếu nếu không nói là bị “lấn sân”.
(còn nữa)
Tài liệu tham khảo:
Xuân Dương
Thứ hai: Tài chính - cơ sở vật chất
Xin điểm qua vài sự kiện:
Một mảng vữa trên trần phòng học bất ngờ sập xuống làm một số học sinh bị thương. Sự việc vừa xảy ra tại Trường Trung học phổ thông Trần Nhân Tông, Hà Nội. (Tuoitre.vn 23/3/2018);
Sập sàn phòng học khiến 10 học sinh nhập viện (Vov.vn, 26/8/2017);
Xót xa chứng kiến ngôi trường nghèo vách đất, thủng mái ở Lào Cai (Khampha.vn, 2/8/2016);
Trường học xuống cấp nghiêm trọng, thầy trò kêu cứu (Baophapluat.vn);…

Một lớp học thuộc Trường Tiểu học Trịnh Tường, Bát Xát, Lào Cai (ảnh Khampha.vn)
Về quan điểm chỉ đạo
Nghị quyết 29-NQ/TW khẳng định: “Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo tối thiểu ở mức 20% tổng chi ngân sách”.
Tuy nhiên đã có ý kiến “20% ngân sách chi cho giáo dục đã đi đâu?”. [5]
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết:
Hiện nay, 20% ngân sách nhà nước cho ngành Giáo dục chủ yếu phân bổ cho các địa phương cũng như các bộ ngành khác, phần ngân sách do Bộ Giáo dục và Đào tạo làm đầu mối trực tiếp quản lý thực chất chỉ chiếm khoảng 4,8% trong tổng số". [5]
Nội dung công bố trên trang bìa “Tờ gấp giáo dục đào tạo 2017” do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cho thấy, năm 2017 tổng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo là 215.167 tỷ đồng, trong đó phần dành cho trung ương là 22.194 tỷ đồng. 
Như ý kiến Bộ trưởng Nhạ, “trung ương” ở đây bao gồm nhiều bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội (công đoàn, thanh niên, phụ nữ,…) phần Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp quản lý (4,8%) khoảng 10.300 tỷ đồng nghĩa là chưa đến 50% phần dành cho “trung ương”.
Phát biểu của Bộ trưởng Nhạ gián tiếp cho thấy cơ sở vật chất trường học xuống cấp đến mức thầy trò phải kêu cứu là lỗi của địa phương chứ không phải Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Để làm sáng tỏ trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong bức tranh toàn cảnh giáo dục, đặc biệt là việc sử dụng ngân sách, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo thực hiện đề tài nghiên cứu cấp quốc gia:
"Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục ở Việt Nam 2011-2017".

Tờ gấp giáo dục đào tạo 2017 - phần giải trình ngân sách (nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Bất cập trong thực hiện
Báo Laodong.com.vn trong bài “Sở Giáo dục và Đào tạo "cản" nguồn kinh phí được hỗ trợ?” tường thuật vụ việc tại tỉnh Gia Lai như sau:
Ông Thuận (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo) có công văn gửi Sở Tài chính tỉnh Gia Lai hỏi việc phân bổ số tiền trên để mua sắm trang thiết bị đồ dùng, sửa chữa, xây dựng có đúng nội dung chi và mục đích chi hay không?
Ngày 18-4, ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai, cùng các bên liên quan đã có buổi họp nghe Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo việc phân bổ, triển khai thực hiện dự toán năm 2017.
Sau đó, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã ra Văn bản 836/VP-KT thông báo ý kiến chỉ đạo của ông Hoàng là không phân bổ nguồn kinh phí 33,03 tỉ đồng để trang bị đồ dùng dạy học, sửa chữa, xây mới tại các trường lớp…”.
Không chỉ các tỉnh miền núi, ngay tại Hà Nội báo chí đưa tin:
Thầy Phan Thanh Tùng - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Nhân Tông - cho biết trường đã xuống cấp từ năm 2010 do khu phòng học được xây dựng cách đây vài chục năm.
Đến năm 2013, nhà trường cùng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xây dựng kế hoạch tu bổ trình Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội với nguồn vốn từ ngân sách thành phố.
Tuy nhiên, đến nay, nhà trường vẫn chờ được xây dựng lại hệ thống phòng học”. [6]
Muốn có kinh phí xây dựng mới, tu bổ, sửa chữa trường lớp hoặc là ngành Giáo dục phải “có công văn gửi Sở Tài chính” hoặc là “chờ từ 2013 đến nay (2017)”?
Ngân sách dành cho giáo dục không phải là từ nguồn địa phương mà được lấy từ ngân sách nhà nước, chỉ còn mỗi việc duyệt chi cho hợp lý mà có trường phải chờ tới 5 năm chưa được duyệt, để đến mức vữa trần rơi xuống đầu học sinh thì lỗi thuộc về cơ quan nào?
Hai ví dụ nêu trên liệu đã đủ minh họa những bất cập trong việc sử dụng ngân sách dành cho giáo dục và sự quan tâm của chính quyền địa phương đến công tác xây dựng, tu bổ trường lớp, đặc biệt là đến sự an toàn tính mạng của con em chúng ta?
Thứ ba: Nội dung chương trình, sách giáo khoa, mạng lưới giáo dục,…
Đây là mảng mà Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chịu trách nhiệm.
Thời gian qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho Chính phủ ban hành: Khung trình độ quốc gia (18/10/2016); Thành lập Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016 - 2021; Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo 2016-2021; Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trong đó có phần giáo dục tích hợp (27/7/2017),…
Xét về mặt khối lượng, có thể đồng tình rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ này làm được khá nhiều việc mặc dù còn tồn tại không ít câu hỏi về chất lượng, chẳng hạn sách giáo khoa, các môn học tích hợp,…
Khâu yếu nhất, gần như chưa có bất kỳ biến chuyển gì là quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại họcgiáo dục nghề nghiệp.
Sau bao nhiêu năm, vẫn chưa thấy giải thể, chia tách, sáp nhập được bất kỳ cơ sở giáo dục đại học yếu kém nào trừ Đại học Hà Hoa Tiên (Hà Nam) chuyển giao sang Bộ Công an.
Sự xuất hiện “như nấm sau cơn mưa” một loạt đại học, cao đẳng đã khiến “cuộc chiến” giành sinh viên trở nên quyết liệt.
Sự “ngắc ngoải” của hệ thống trường cao đẳng, nhất là cao đẳng sư phạm địa phương đã trở thành mối lo chung của cả xã hội.  
Người dân than phiền quá nhiều về chuyện năm nào cũng phải bỏ tiến mua sách giáo khoa, kinh doanh sách giáo khoa thu lợi nhuận khủng nhưng lợi ích mang lại có nhằm tái đầu tư cho giáo dục?
Một số lĩnh vực như đào tạo sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ), phong hàm (phó giáo sư, giáo sư), quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp,… là những tồn tại vẫn chưa được giải quyết.
Một trong những tồn tại mà dư luận xã hội quan tâm là công tác thanh tra, giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo với các cơ sở đào tạo trình độ đại học.​
Vì sao “Lò ấp tiến sĩ” hoạt động nhiều năm, báo chí đề cập liên tục nhưng mãi đến năm 2017 mới có kết luận thanh tra?
Những vấn đề nêu trên đã được người viết đề cập trong nhiều bài viết nên xin không đề cập tiếp trong loạt bài này.
Không được quản lý trực tiếp người và tiền, nghĩa là không có “thực” thì làm sao vực được “đạo”?
Cái khó của ngành Giáo dục nằm ở đây và nút thắt này ngành Giáo dục không thể tự tháo gỡ.
Vấn đề là các bộ, ngành liên quan có muốn chung tay cùng ngành Giáo dục hay vì những lý do “khách quan” nào đó mà dẫu có “chung một loài” thì bầu vẫn là bầu, bí vẫn là bí?
Nếu cứ ngậm bồ hòn làm ngọt, nếu cứ “chín bỏ làm mười” thì bao giờ giáo dục mới trở thành “quốc sách hàng đầu”, liệu đã đến lúc không thể im lặng, phải nói cho ra nhẽ?
Nếu phải chỉ ra lỗi thì đó là “lỗi cơ chế” hay lỗi của riêng ngành Giáo dục?
Tài liệu tham khảo:
[5] Vietnamnet: 20% ngân sách chi cho giáo dục đã đi đâu?
[6] Zingnews: 40 trường học ở Hà Nội xuống cấp, chờ sửa chữa
Xuân Dương


HÓA GIẢI MẶT TRÁI CỦA THỨ GIÁO DỤC 'CÁ ĂN KIẾN, KIẾN ĂN CÁ'
UÔNG NGỌC DẬU/ TVN 9-4-2018
Thày trò,đạo đức,nhà trường và xã hội,gia đình và nhà trường
Thầy cô có thể la mắng, trách phạt học sinh, nhưng đằng sau đó phải cho các em thấy được tình yêu thương vô bờ bến của mình! Ảnh minh hoạ: Tuổi trẻ.

 - Để không còn những biểu hiện của thứ giáo dục quỳ gối, giáo dục bạo hành, ăn miếng trả miếng, cá ăn kiến, kiến ăn cá, thì chỉ với người thầy thôi, là chưa đủ và không công bằng.
Những sự cố giáo dục lặp lại
Trong vài tháng lại đây, liên tiếp những sự cố giáo dục, khiến xã hội giật mình, bất an. Chưa hết dư âm vụ cô giáo ở Long An bị phụ huynh bắt quỳ gối, lại vụ phụ huynh ở Nghệ An tấn công cô giáo đang mang thai, khiến cô phải quỳ xuống xin tha để bảo vệ bào thai. Cũng ở Nghệ An, một phụ huynh đã tấn công một giáo viên dạy thể dục đến mức phải nhập viện chỉ vì trước đó, người thầy đã tát học trò vì đốt giấy trong trường học. 
Chuyện cô giáo ở Hải Phòng phạt trò nói chuyện riêng trong lớp bằng hình thức bắt uống nước giặt giẻ lau bảng, còn đang nóng, thì lại xảy ra vụ bảo mẫu nhà trẻ ở Quảng Bình bạo hành, trói chân, nhét giẻ vào miệng trẻ. Xã hội đang ồn ào vụ cô giáo ở một trường PTTH huyện Nhà Bè, tp HCM suốt 4 tháng liền lên lớp chỉ ghi bảng mà không “mở miệng” vì sợ trò ghi âm phát tán trên mạng, thì lại rùng mình vì vụ học trò lớp 12 ở Quảng Bình cầm dao phục trước cổng trường đâm thầy trọng thương, chỉ vì thầy nhắc xoá hình xăm trên cổ...
Trong khi đó, ở huyện Krông Pách, tỉnh Đắc Lắc, hơn 500 giáo viên được mấy đời chủ tịch huyện này ký hợp đồng, phút chốc mất việc, với bao nghi vấn về nạn chạy hợp đồng, chạy việc, tham nhũng...Mà hiện tượng này, mấy năm lại đây, không còn là cá biệt, khi nó xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành, khiến người ta xót xa với hình ảnh người thầy trong mặt trái của cơ chế thị trường...
Không hề thái quá khi có nhận xét rằng, sự cố giáo dục đang xảy ra theo hướng lặp lại, ngày một dày đặc hơn và mức độ ngày một nghiêm trọng hơn. Phải chăng đấy là biểu hiện tâm lý xã hội thường trực trạng thái nóng nảy, bức xúc, thiếu kiềm chế, cả giận mất khôn. Đó là hệ quả tất yếu từ những sức ép môi trường xã hội khi mà những thang bậc giá trị đang bị đảo lộn, đạo đức xã hội xuống cấp, những chuẩn mực đạo đức vốn hình thành lâu đời và từng chứng tỏ sự bền vững trong đời sống xã hội và nơi nhà trường, thì nay bị xô lệch, gãy vụn, méo mó.
“Cá ăn kiến, kiến ăn cá”: Biểu hiện mặt trái của nền giáo dục
Những ai quan tâm đến hoạt động giáo dục, nhìn vào những sự cố xảy ra liên tục này, không thể không nhận ra bức tranh giáo dục nước nhà đang rất có vấn đề. Thầy đang không ra thầy, trò càng không ra trò.
Vai trò nhà trường, gia đình và xã hội đối với giáo dục đang thiếu đi tính tích cực và luôn ở thế bị động, chỉ mới chú trọng can dự giải quyết hậu quả, xử lý phần ngọn. Vụ việc này xử lý chưa xong, lại bùng phát vụ việc khác. Vụ việc sau dẫm đúng vết trượt vụ việc trước.
Sau mỗi sự cố, nhìn lại, vẫn mồn một mối xung đột giữa thầy với trò, giữa người thầy với bậc làm cha làm mẹ. Chưa bao giờ tình trạng thầy cô mang tâm lý sợ hãi, sợ trò và cha mẹ trò, lại nặng nề đến vậy! Và cũng chưa bao giờ phương pháp xử lý tình huống và lối ứng xử của thầy cô giáo lại thiếu chuyên nghiệp, gây nhiều sự cố đến vậy!
Các sự cố giáo dục xảy ra gần đây, tuy không gian có khác, thời gian có khác, nhưng hình thức, nội dung cho tới bản chất vụ việc không mấy khác.
Vẫn là bảo mẫu bạo hành khiến con trẻ tổn thương thể chất lẫn tinh thần. Vẫn là thầy cô mắc lỗi khi xử lý tình huống sư phạm khiến học trò cảm thấy bị xúc phạm, làm nhục, và trò, và cả phụ huynh, tìm cách trả thù thầy cô, như cái cách mà giới xã hội đen vẫn thường làm ngoài xã hội. Đây lại thêm một biểu hiện tiêu cực của giáo dục nước nhà, với những biểu hiện bạo hành, thua đủ, ăn miếng trả miếng, cá ăn kiến, kiến ăn cá.
Một nhà giáo có gần 40 năm trong nghề, chuyên gia trong ngành giáo dục, đã có nhận xét: “Cô bắt trò uống nước giẻ lau bảng. Thầy bị học sinh đâm dao. Hai việc khác nhau, nhưng hình như có mối quan hệ nhân quả”.
Không phải là hình như, mà là đúng thế.
Xử lý trong hệ thống
Có chuyên gia giáo dục đã lên tiếng: Nhà trường sư phạm nơi đào tạo đội ngũ thầy cô giáo phải chịu trách nhiệm về những sản phẩm lỗi của mình. Điều này không sai. Đổi mới, cải cách giáo dục, phải bắt đầu bằng đổi mới tuyển chọn, đào tạo và sử dụng, đãi ngộ người thầy. Người thầy chưa ra thầy, gồm cả nhân cách và trí tuệ, thì không thể có sức cảm hoá và hoá giải mọi sự cố, xung đột.
Một khi người thầy còn phải chạy chọt, đút lót để có một chỗ dạy; một khi đồng lương chưa đủ trang trải cuộc sống; một khi môi trường giáo dục nơi nhà trường sư phạm còn chưa hết bộn bề nhếch nhác, thì còn lâu mới có người thầy cho ra thầy, người thầy có tâm thế, quyền uy với học trò, cha mẹ học trò và xã hội.
Nhưng, để không còn những biểu hiện của thứ giáo dục quỳ gối, giáo dục bạo hành, ăn miếng trả miếng, cá ăn kiến, kiến ăn cá, thì chỉ với người thầy thôi, là chưa đủ và không công bằng. Nhà trường, không thể khác, là một phần của đời sống xã hội, là sản phẩm của xã hội. Xã hội thế nào thì nhà trường thế ấy. Những tác động tiêu cực từ bên ngoài xã hội vào nhà trường, dù thường chậm, nhưng khi nó hiện hữu, thì sự lan truyền và sức công phá của nó không thể lường hết.
Vậy thì sau mỗi sự cố giáo dục, những công văn, chỉ thị từ chính quyền hay ngành giáo dục, xem ra cũng cần, nhắm xử lý tình huống, trấn an dư luận. Nhưng như thế chưa đủ. Kể cả những quyết định kỷ luật nghiêm khắc nhất hay biện pháp truy cứu trách nhiệm hình sự, thì cũng không thể giải quyết tận gốc vấn đề. Bằng chứng là đã có những bảo mẫu bạo hành con trẻ bị truy tố, kết án tù, nhưng nạn bạo hành nơi nhà trẻ, lớp mẫu giáo vẫn xảy ra.
Với giáo dục, quốc sách hàng đầu, nơi mang thiên chức tối hệ trọng là đào tạo nguồn lực con người cho đất nước, cần đặt trong mối quan hệ nhân quả, giữa xã hội- đất nước với giáo dục và tiến hành một cuộc mổ xẻ nghiêm túc để nhận rõ thực trạng, căn nguyên. Vị thế của giáo dục, thực trạng quá nóng bỏng hiện nay rất đáng để tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý, tiếp nhận trí tuệ và ý chí toàn dân nhằm hoá giải thứ giáo dục quỳ gối, giáo dục bạo hành, cá ăn kiến, kiến ăn cá...
Nhân những sự cố giáo dục tai tiếng xảy ra liên tiếp gần đây, Quốc hội cần có phiên chất vấn, giải trình, làm rõ trách nhiệm của xã hội và cá nhân, từ đó có những quyết sách phù hợp hoá giải mặt trái của nền giáo dục nước nhà.
Uông Ngọc Dậu
BÀI LIÊN QUAN:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét