Thứ Năm, 5 tháng 4, 2018

20180405. BĂN KHOĂN VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN

ĐIỂM BÁO MẠNG
LẠC QUAN QUÁ LÀM LU MỜ KHÓ KHĂN

TƯ GIANG/ TBKTSG 3-4-2018


Các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam dù gia tăng về số lượng thành lập nhưng lại nhỏ đi đáng kể về quy mô vốn và lao động trung bình. Ảnh: NGUYỄN NAM

(TBKTSG) - Gần đây nhiều người bắt đầu tỏ ra lạc quan khi nói tới Việt Nam có 4 tỉ phú, chứng khoán tăng kỷ lục sau 11 năm, và đặc biệt là tăng trưởng kinh tế lên tới 7,41% trong quí 1. Những dấu hiệu đó là đáng mừng nhưng phía sau nó còn cả bức tranh doanh nghiệp đầy khó khăn và đáng được quan tâm hơn.
Có thêm hai tỉ phú theo xếp hạng của Forbes trong năm nay là đáng mừng, làm danh sách những doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam dài hơn... Những doanh nghiệp này có điểm chung là gắn với phát triển bất động sản, song đây chính là điểm đáng lo mà một báo cáo chung của Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Đại học Kinh tế Quốc dân đề cập.
Phần lớn các tập đoàn kinh tế tư nhân ở Việt Nam, báo cáo viết, gắn liền với bất động sản và khai thác tài nguyên là tài sản quốc gia. Để tiếp cận với những tài nguyên này, doanh nghiệp thường phải xây dựng quan hệ đặc biệt tốt với các cơ quan, các quan chức nhà nước có quyền quyết định về phân bổ, quy hoạch sử dụng đất hay cấp phép xây dựng. Mối quan hệ đó tạo nên tai tiếng về chủ nghĩa thân hữu, về tham nhũng...
Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp tư nhân cũng đang đối mặt với khó khăn. Tiến sĩ Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ tăng cao liên tục từ năm 2012, và hiện nay lên đến hơn 48% tổng số doanh nghiệp. Ông khẳng định, khu vực doanh nghiệp tư nhân vẫn đang đối diện với những khó khăn “rất rõ ràng”. Cần nhắc lại một con số của Tổng cục Thống kê: cả năm 2017 có 126.859 doanh nghiệp đăng ký thành lập thì có tới 72.666 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể và tạm ngừng hoạt động. Trong hai tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể và tạm ngừng hoạt động tăng cao hơn là 19.661, vượt qua số doanh nghiệp thành lập mới là 18.703.
Nền kinh tế thị trường đích thực phải có khu vực tư nhân, nhất là tư nhân trong nước làm nòng cốt.
Các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam dù gia tăng về số lượng thành lập nhưng lại nhỏ đi đáng kể về quy mô vốn và lao động trung bình. Theo báo cáo PCI 2017 của VCCI công bố tuần trước, một doanh nghiệp dân doanh điển hình hiện có chưa đến 20 nhân viên và 1,2 tỉ đồng vốn đầu tư cố định. Chỉ 14% số doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo; 11% xuất khẩu trực tiếp hay gián tiếp thông qua các nhà cung cấp và chỉ có 6% cung ứng hàng hóa hoặc dịch vụ cho các doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam. Khu vực này không lớn lên được, chỉ chiếm trung bình khoảng 8-9% GDP trong cả thập kỷ qua.
Một điều không thể không kể đến là khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang chiếm nhiều nguồn lực nhất mà lại hoạt động không hiệu quả. Về danh nghĩa, số doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã giảm mạnh còn 240, nhưng số vốn được cổ phần hóa và thoái khỏi các DNNN chỉ chiếm 8%. Có nghĩa còn tới 92% vốn nhà nước vẫn nằm trong các DNNN. Tổng vốn nhà nước ở doanh nghiệp mới đây được báo cáo lên tới 5,4 triệu tỉ đồng, một số vốn rất lớn.
Trong khi cả khu vực DNNN và tư nhân èo uột thì doanh nghiệp FDI đang vươn lên mạnh mẽ. Khu vực này tiếp tục mở rộng ảnh hưởng trong nền kinh tế Việt Nam với giá trị xuất khẩu lên tới hơn 155 tỉ đô la, chiếm 73% xuất khẩu của cả nước, và giá trị nhập khẩu hơn 126 tỉ đô la Mỹ, chiếm 60% tổng nhập khẩu vào nền kinh tế.
Theo báo cáo PCI 2017, tỷ lệ doanh nghiệp FDI có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam tăng từ 50% lên 60%, là mức độ lạc quan nhất kể từ năm 2011. Nhiều chuyên gia, đại biểu quốc hội đã bày tỏ lo ngại tình trạng nhiều doanh nghiệp FDI thường xuyên báo lỗ trong nhiều năm, đóng góp rất ít vào ngân sách nhà nước, trong khi vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
Bức tranh trên cho thấy, doanh nghiệp của Việt Nam có quy mô nhỏ đi, năng lực hạn chế và không tham gia được vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều tổ chức như CIEM, VCCI đã gợi ý, kiến nghị các giải pháp bên ngoài nhằm gỡ bỏ những khó khăn, rào cản đối với sự phát triển, tăng trưởng của các doanh nghiệp, bao gồm cắt giảm gánh nặng quy định pháp luật, cải thiện cơ sở hạ tầng, tăng khả năng tiếp cận tài chính, đất đai, giảm các rào cản do thiếu minh bạch và chi phí không chính thức. Tuy nhiên, việc cải tiến những yếu tố này qua nhiều năm vẫn chưa thực sự góp phần tạo nên những doanh nghiệp thành công mang tầm quốc tế.
Chuyên gia Nguyễn Quang Thái nhận xét, nền kinh tế thị trường đích thực phải có khu vực tư nhân, nhất là tư nhân trong nước làm nòng cốt. Nhưng thực tế, chính sách kinh tế đã dựa trên tư duy lạc hậu, kìm hãm dai dẳng sự phát triển lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân và doanh nghiệp tư nhân.
Muốn phát triển kinh tế thì phải dựa vào doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nội địa. Người ta lo ngại rằng, một khi lạc quan quá đà thì sẽ không nhìn nhận những khó khăn, rào cản để đưa ra các giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp. Đó là điều rất đáng cảnh báo trong bối cảnh hiện nay.

CAFE TRUNG NGUYÊN : ĐÂU CHỈ LÀ CHUYỆN CỦA ANH VŨ, CHỊ THẢO
HIỆU MINH/ TVN 5-4-2018

Đó là bài toán mà anh Vũ và chị Thảo nên giải quyết vì quyền lợi “đứa con café” Trung Nguyên nếu không muốn để chú cá voi Moby-Dick của Starbucks thắng ngay trên Việt Nam – đất nước đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu café thô.
Thưa anh chị,
Tôi viết mấy dòng này với mong muốn café Việt tỏa hương xa hơn nữa so với tiềm năng vốn có cả thế kỷ nay, cũng như làm thế nào thương hiệu Trung Nguyên vững mạnh như giấc mơ “vua café thế giới” của anh chị.
Hồi còn làm việc tại Washington DC, mỗi lần về Việt Nam công tác, đồng nghiệp đều dặn tôi mua café. Thôi thì đủ loại cho các bạn thử, café Mai, VinaCafe, rồi Highland hay Trung Nguyên… Các bạn đều thích và hỏi sao không xây dựng các thương hiệu café mạnh mà cạnh tranh với Starbucks. Tôi không thể trả lời!
Kể cũng lạ, một quốc gia xuất khẩu hạt café thô với giá trị 3,2 tỷ đô năm 2017, chiếm 10% thị phần thế giới, đứng thứ 2 chỉ sau Brazil, nhưng không có một thương hiệu tinh tế nào nổi tiếng tầm toàn cầu. Câu hỏi của đồng nghiệp không khỏi khiến tôi trăn trở.
Đặng Lê Nguyên Vũ,Lê Hoàng Diệp Thảo,Cafe Trung Nguyên,King cafe,Cafe Việt Nam,Starbucks
Những ồn ào xunh quanh vợ chồng doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ đang là câu chuyện được quan tâm hàng đầu thời gian qua.
Nhớ năm 2013 nghe tin Starbucks sắp vào Việt Nam, chính anh Vũ, người muốn “lãnh đạo café thế giới” đã tuyên bố không sợ cạnh tranh, vì anh cho rằng, Starbucks chỉ là “người khổng lồ không có bản sắc”.
Nhưng tôi từng cảnh báo “nguy cơ Starbucks” là có thật. Năm 2003 họ chỉ có 7.000 cửa hàng, năm 2017 con số này đã lên hơn 27.000 trên toàn thế giới.
Tôi còn nhờ bạn đến thử Starbucks ở Sài Gòn khi nó mở cửa và thách vui, nếu sau ba tháng Starbucks không thuyết phục nổi, thì ước vọng “lãnh đạo café thế giới” sẽ thành hiện thực và giấc mơ Mỹ khó có chỗ đứng trên đất Việt.
Khi đó, có người bạn từng bình luận trên trang cá nhân của tôi rằng, khi Stabucks nhập cuộc, mọi chuyện sẽ thay đổi. Cách đối xử, trả lương nhân viên, nguồn cung cấp vật liệu, nguyên liệu sẽ áp dụng một tiêu chuẩn mới qua các chương trình xã hội như fair trade coffee (café nguyên liệu phải mua từ một nguồn cung cấp được đối xử “tử tế” với nhà vườn, không được ép giá, hay là sustainable agriculture (nông nghiệp bền vững, canh tác phải thân thiện với môi trường).
Hôm nay sau 5 năm hoạt động, xem bản đồ Starbucks ở Việt Nam đã có 35 quán, trong đó 24 tại Sài Gòn, 9 ở Hà Nội, 1 tại Đà Nẵng, và 1 quán ở Hải Phòng. “Không bản sắc” đang lấn lướt tại quê nhà.
Đọc đôi dòng tâm sự trên báo của chị Lê Hoàng Diệp Thảo về café, về cuộc sống gia đình, những uẩn khúc, tôi hiểu, để xây dựng được Trung Nguyên như ngày nay, có tình yêu đôi lứa, có nước mắt, có nụ cười, có cả những khổ đau.
Chuyện gia đình buồn vui thuộc về nhân loại có từ ngàn năm nay, xin chia sẻ với anh chị. Ở bên Mỹ khi vợ chồng ly hôn, tòa luôn xét ai là người có thể nuôi con để mang lại lợi ích tốt nhất cho các con. Chuyện chia gia tài hay quyền nuôi chỉ là vấn đề thủ tục.
Nhưng anh chị còn có một “đứa con” quan trọng khác. Đó là café Trung Nguyên do chính anh chị và hàng ngàn, hàng vạn người “mang nặng đẻ đau” sau mấy thập kỷ mới có được. Thương hiệu Trung Nguyên không thuộc sở hữu riêng của vài người mà là đóng góp của người khai phá và trồng café, người làm cỏ, người hái lượm, người rang xay, người pha chế, kể cả rửa chén…
Vậy nên nói cho cùng, những câu chuyện liên quan đến Trung Nguyên cũng là câu chuyện chung của quốc gia vì quyền lợi của “đứa con mang tên café”. Tiếp cận như thế sẽ nhẹ nhàng hơn và tìm lối ra dễ hơn.
Từ đáy lòng tôi luôn yêu tiếng tí tách từ phin mỗi sáng, nhỏ nhoi thế thôi nhưng lại giúp quốc gia những bước tiến lớn trong hội nhập. Hẳn rằng, những mgười mê ly café mỗi sáng cũng như anh chị đều vì Việt Nam, đều có tấm lòng với xứ sở dựa trên phát triển bền vững dù cách tiếp cận hay suy nghĩ có khác nhau.
Café cũng như internet, như mạng xã hội, nếu không ai dùng thì chẳng có giá trị gì, nhưng nếu có người bạn trao đổi thì đó là không gian cho kết nối. Từ hàng chục năm nay, Trung Nguyên đã tạo ra không gian café bản sắc riêng có đẳng cấp và đang giúp kết nối tuyệt vời. Tên tuổi Trung Nguyên đang cần anh chị và hàng triệu người chung tay.
Đó là bài toán mà anh Vũ và chị Thảo nên giải quyết vì quyền lợi “đứa con café” nếu không muốn để chú cá voi Moby-Dick của Starbucks thắng “vua café thế giới” ngay trên Việt Nam – đất nước đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu café thô nhưng chưa thực sự có thương hiệu xứng tầm.
Hiệu Minhtháng 4/2018.

XÓA CẤP TỔNG CỤC BỘ CÔNG AN- PHÁ NGUY CƠ TẠO PHẢN CỦA 'ĐÀN EM' BA DŨNG

FB PHẠM VIẾT ĐÀO/ viet-studies 4-4-2018
Dư luận đang bàn tán xôn giao về chủ trương cái cách lại bộ máy tổ chức của Bộ Công an, xóa cơ cấu tổ chức bộ máy cấp tổng cục. Để hiểu được sâu xa về sự cải tổ quyết liệt cơ cấu cái bộ máy của cái đội quân vẫn được coi là “ còn đảng còn mình ấy’, chúng ta nên tìm hiểu ai là “cha đẻ” của cái bộ máy “ cấp tổng cục” ở cái Bộ vẫn xưng danh “thanh kiếm và lá chắn “ của chế độ, của Đảng ?
Xin dẫn một số thông tin đáng lưu ý:
” Ngày 15 tháng 9 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ ký Nghị định số 77/2009/NĐ-CP, Quy định chức năng nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an. Theo đó, 6 Tổng cục hiện tại của Bộ Công an (An ninh nhân dân, Cảnh sát nhân dân, Xây dựng Lực lượng, Hậu cần, Tình báo, Kỹ thuật) được tách, sát nhập và đổi tên thành 8 Tổng cục đó là (An ninh 1, An ninh 2, Xây dựng Lực lượng, Hậu cần-Kỹ thuật, Tình báo, Cảnh sát Phòng-chống Tội phạm, Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp).
Ngày 17 tháng 11 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ký Nghị định số 106/2014/NĐ-CP, Quy định chức năng nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an và có hiệu lực từ 01/01/2015. Theo đó, 8 Tổng cục (An ninh 1, An ninh 2, Xây dựng Lực lượng, Hậu cần Kỹ thuật, Tình báo, Cảnh sát Phòng chống tội phạm, Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, Cảnh sát Thi hành án và hỗ trợ tư pháp) được sát nhập lại thành 6 Tổng cục (An ninh, Chính trị, Hậu cần-Kỹ thuật, Tình báo, Cảnh sát và Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp). Cũng theo đó, Tổng cục Xây dựng Lực lượng được đổi tên thành Tổng cục Chính trị Công an nhân dân”…
( WikiPedia)
Như vậy, mô hình cấp tổng cục Bộ Công an chính thức được củng cố, tăng cường dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Lê Hồng Anh. Đây là cái Bộ luôn trương cái khẩu hiệu “ còn Đảng còn mình ấy” nhưng về bản chất sâu xa lại là bộ máy được sử dụng để gác cửa cho Chính phủ theo Nghị định số 77/2009/NĐ-CP và Nghị định số 106/2014/NĐ-CP. Những người được bổ nhiệm đứng đầu các cơ quan này do Thủ tướng ký bổ nhiệm, kinh phí hoạt động hàng năm cũng với các chế độ đãi ngộ chìm nổi mọi thứ ẩn sủng đều do Thủ tướng ký cấp…
Danh nghĩa cấp tổng cục, đứng đầu thường là sĩ quan đeo lon trung tướng nhưng thực quyền trong không ít trường hợp trực tiếp, to hơn hơn các vị thứ trưởng của Bộ Công an.
Có ý kiến cho rằng đây là sáng kiến của Tướng Lê Hồng Anh, một anh đương là binh bét nhảy lên đeo lon đại tướng, để yên lòng quân, để chúng đỡ tâm tư nên đã bày ra “thế trận-bộ máy tổ chức cấp tổng cục” để xếp ghế cho quân, mỗi vị có một sân chơi, một góc trời, vương quốc riêng…
Suy nghĩ như thế là thô thiển-thô sơ, kiểu ” suy bụng ta ra bụng bò”? Vậy ai là người bày cái mô hình cấp Tổng cục ở Bộ Công an, một cơ quan-tổ chức có đặc quyền thống lĩnh quân trong cả nước trong lĩnh vực quân quản của mình?
Theo người viết bài này, mô hình tổ chức cấp tổng cục Bộ Công an là mô hình-thế trận “công an trị” được các bậc thầy như Beria (Liên Xô), Mao Trạch Đông- Khang Sinh ( Trung Quốc), Ceausescu ( Romania) thích dụng…Người bày đường chỉ lối cho Ba Dũng sắp xếp cái Bộ Công an theo mô hình-thế trận cấp Tổng cục, để Thủ tướng đích thân nắm trực tiếp, không ai khác chính là Tướng Lê Đức Anh, học trò yêu của Lê Đức Thọ, người cha đỡ đầu cho Ba Dũng…
Chính nhờ biết dùng “thanh kiếm và lá chắn” đúng lúc, đúng chỗ đội quân đặc nhiệm nên Tướng Lê Đức Anh đã dành được chiếc ghế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng 1986. Trước chiếc ghế quyền lực này, một loạt tướng lĩnh đàn anh của Lê Đức Anh đã ngã khụyu khi mon men sờ mó, đó là các tướng Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn. Cả 2 viên tướng này đều được dự kiến sắp xếp nắm chiếc ghế BT Bộ Quốc phòng nhưng đều đã bị đột tử…
Khi Ba Dũng nắm chắc được chiếc ghế Thủ tướng, việc đầu tiên của Ba Dũng đó là việc tìm cơ chế để trực tiếp nắm chắc bộ máy Bộ Công an, sử dụng nó làm lá chắn cho quyền lực thủ tướng của mình. Thử hình dung, với cái bộ nắm quyền sinh quyền sát này, Ba Dũng có một “bộ sậu đàn em” trên dưới 15 ông tướng, nắm quyền lực, quyền lợi ngang cơ thứ trưởng, quyền lực trực tiếp hơn cả thứ trưởng thì yên tâm quá còn gì.
Cùng với chủ trương ký ban hành Nghị định 101/2009/NĐ-CP thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động các Tập đoàn kinh tế trọng điểm, các quả đấm thép năm 2009, Ba Dũng đã có thể nắm trong tay quyền sinh quyền sát toàn bộ yết hầu của cái quyền sinh, quyền sát của đất nước này từ đồng tiền hạt gạo đến sung ống, đạn dược…
Còn nhờ vụ binh biến năm 2015, dư luận mạng đưa tin rầm rộ về việc Tướng Phùng Quang Thanh, dựa hơi Trung Quốc, định sử dụng Quân khu 9 và Quân khu Thủ đô lật Nguyễn Tấn Dũng.
Người viết bài này đã được một ông bạn có nhà cạnh Hồ Tây rỉ tai: đêm qua, một cái đêm tháng 5/2015 ấy, ông ta không ngủ được vì thấy cảnh sát cơ động tuần suốt đêm dọc tuyến đường ven Hồ Tây…Dọc tuyến đường này có một số tư dinh của các sĩ quan cao cấp Quân khu Thủ đô và có cả doanh trại dành cho sĩ quan cao cấp Bộ Quốc phòng tá túc trên trục đường này.
Như vậy, trước thềm Đại hội XII lực lượng công an đã được sử dụng làm hậu thuẫn, bảo vệ vòng trong của Đại hội. Trước khi Đại hội diễn ra, Tướng Trần Đại Quang đã tổ chức diễu binh công an tại sân vận động Mỹ Đình, khoe trương những vũ khí chống khủng bố hiện đại nhất mới được nhập về…
Như vậy, cùng với mũi ra quân tấn công vào vụ đánh bạc hàng ngàn tỷ liên quan tới các sĩ quan cao cấp của tổng cục cảnh sát, phát pháo hiệu mở màn giống như trận Him Lam 1954, Buôn Ma Thuột 1975 nhằm xóa thế cờ có nguy cơ dẫn tới sự tạo phản.
Có ý kiến cho rằng, với cái cách xóa cấp tổng cục này sẽ tạo thuận lợi cho phong trào đòi nhân quyền, dân chủ…Đừng mơ, đây là thao tác nghiệp vụ nhằm nắm lại thanh kiếm công an sẽ vào tay ai mà thôi.
Với động thái quyền lợi của nhóm lợi ích quân đội được lờ đi không bị đụng chạm trong vụ sân golf Tân Sơn Nhất cho thấy: Lực lượng này đang được trọng dụng để giúp cải tổ ngành công an, đề phòng các ông tướng công an. Và cuộc cải tổ này, một viên tướng hồi hưu, tướng Lê Văn Cương đã hô lên với báo chỉ: cải tổ công an cần bàn tay sạch…Không rõ ông tướng này phát ngôn cho nhóm lợi ích nào, chắc không phải đại diện cho tiếng nói của dân đen…
Công luận và vỉa hè đang chờ xem công cuộc cải tổ huyết mạch này mang lại lợi ích cho ai! Người dân có được hưởng chút thành quả nào không chắc là còn phải chờ. Trong khi đó Thủ tướng Chính phủ thì lại đang hô hào dân cùng đồng cam cộng khổ. Giá xăng dầu lại sắp lên kịch trần vị được cộng thêm thuế, phí bảo vệ môi trường!
P.V.Đ.

  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét