Thứ Tư, 25 tháng 4, 2018

20180425. MỘT NĂM SỰ KIỆN ĐỒNG TÂM

ĐIỂM BÁO MẠNG
NGƯỜI DÂN ĐỒNG TÂM GỬI TÂM THƯ  TỚI HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 7

NGUYỄN ĐĂNG QUANG/ TD/ BVN 20-4-2018


Chiều qua (18/4/2018), cụ Lê Đình Kình gọi điện cho tôi kể về buổi mít tinh kỷ niệm một năm ngày xảy biến cố Đồng Tâm. Buổi lễ diễn ra đã 3 ngày, cụ nói vẫn còn khá mệt, song tỏ ra vô cùng phấn khởi. Cụ cho biết, buổi lễ kỷ niệm đã vượt qua mọi cản trở bởi chính quyền không muốn buổi lễ kỷ niệm này diễn ra, nhưng nó vẫn diễn ra và thành công mỹ mãn! Đồng thời cụ cho tôi biết, nhân dịp này, người dân xã Đồng Tâm đã gửi một TÂM THƯ đến Hội nghị Trung ương 7 sắp nhóm họp vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5 tới.
Ngay sau đó cụ đã chuyển cho tôi toàn văn bức “TÂM THƯ của NGƯỜI DÂN ĐỒNG TÂM gửi HỘI NGHỊ LẦN THỨ 7 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐCSVN (Khóa  XII)”. Cụ nhờ tôi công bố “Tâm thư” này lên mạng, nhưng do Facebook của tôi bị kẻ xấu đánh sập từ chiều hôm 14/4/2018 đến giờ vẫn chưa khôi phục được, nên tôi gửi và nhờ các trang mạng xã hội chuyển tải bức “Tâm thư” này đến các bạn đọc xa gần, dư luận rộng rãi trong và ngoài nước biết để cùng nhau chia xẻ!
Bức “Tâm thư” gửi Hội nghị Trung ương 7 đề ngày 15/4/2018, vào đúng ngày kỷ niệm một năm xảy ra biến cố Đồng Tâm. Thư dài 5 trang khổ A4, nhưng chỉ lấy chữ ký của 9 công dân xã Đồng Tâm, song đều là chữ ký của các công dân tiêu biểu. Cụ Kình nói: “Nếu lấy rộng rãi chữ ký thì có đến cả ngàn người muốn ký. Nhưng vì khuôn khổ trang giấy có hạn nên chỉ đủ chỗ ký cho 9 người thôi”.
Trong những người ký tên, tôi thấy có 3 người khá tiêu biểu: Ngoài cụ Lê Đình Kình, một đảng viên được nhân dân Đồng Tâm coi là thủ lĩnh của cuộc đấu tranh chống giặc nội xâm, có 2 người khác khá đặc biệt, tiêu biểu cho 2 thế hệ: Trước hết là cụ Lê Thanh Doãn. Cụ Doãn năm nay đã 90 tuổi, và đặc biệt hơn, cụ là đảng viên lão thành, vừa nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng! Người kia là bà Nguyễn Thị Lan, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐND xã Đồng Tâm. Trong số 9 người ký tên, bà Lan là người trẻ nhất, trẻ cả về tuổi đời cũng như về tuổi đảng! Tuổi đời mới có 52, còn tuổi đảng thì khá khiêm tốn, mới chỉ 20 tuổi.
Quả là đau lòng khi người đảng viên trẻ này bị Đảng khai trừ và cách chức Bí thư Đảng ủy, bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐND xã. Về việc này, người dân Đồng Tâm khẳng định: “Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nguyễn Thị Lan là một đảng viên trong sạch, không nằm trong bất cứ đường dây tham nhũng nào, được nhân dân toàn xã rất quý trọng và tin tưởng!
Người dân Đồng Tâm nhận định, việc Thành ủy Hà Nội và Huyện ủy Mỹ Đức kỷ luật bà Lan là sự trù dập thô bạo của một số lãnh đạo Thành phố Hà Nội nhằm thẳng cánh loại bỏ mọi đảng viên không ăn cánh với họ và mạnh mẽ đấu tranh chống bọn đầu xỏ tham nhũng. Họ lấy lý do bà Lan “bỏ nhiệm sở” trong những ngày xảy ra biến cố Đồng Tâm để kỷ luật bà. Lý do này thật nực cười! Trong 8 ngày xảy ra biến cố, bà Nguyễn Thị Lan đóng vai trò rất quan trọng. Nhờ có bà nên 38 con tin bị bắt giữ hôm 15/4/2017 được đối xử nhân văn và không một ai bị tra tấn, đánh đập, “trong khi toàn bộ lãnh đạo chủ chốt khác của Đảng ủy và UBND xã bỏ nhiệm sở trốn mất tăm”!
Chính bà Lan là một trong những người chủ trì buổi đối thoại trực tiếp giữa Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung với người dân Đồng Tâm hôm 22/4/2017, và cũng là người đọc to trước loa “Bản cam kết 3 điểm” của Chủ tịch Chung trước sự reo mừng của hàng ngàn người dân Đồng Tâm. Nhiều người khẳng định, nguyên nhân thực sự của việc kỷ luật này là do bà Lan đã “kiên quyết từ chối, không chịu ký xác nhận “đất cánh đồng Sênh là đất quốc phòng” theo sự chỉ đạo của Huyện ủy Mỹ Đức; và một nguyên nhân khác là do bà “không chịu nằm trong bất cứ đường dây của bọn tham nhũng nào”!
Có lẽ không ai làm suy yếu nội bộ Đảng (theo tiêu chí xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh) hơn mấy ông lãnh đạo Thành ủy Hà Nội khi lấy oán trả ân, cố tình trù dập thô bạo một đảng viên trung thực, trong sạch, người đã kiên quyết sát cánh với người dân chống tham nhũng, được quần chúng nhân dân tin tưởng và yêu quý như bà Nguyễn Thị Lan! Và có lẽ cũng chẳng ai có thể làm mất thể diện bộ máy chính quyền Thủ đô hơn mấy ông bà lãnh đạo UBND, HĐND Hà Nội và huyện Mỹ Đức khi tổ chức tiến hành các biện pháp thô thiển để bãi nhiệm bằng được chức danh Chủ tịch HĐND xã Đồng Tâm đối với bà Lan vào sáng hôm 13/12/2017!
Tôi hy vọng bức Tâm thư trên của người dân Đồng Tâm sẽ đến được đúng nơi nhận, và tất cả 198 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ được đọc và nghiên cứu kỹ nội dung Tâm thư này trước ngày khai mạc Hội nghị vào đầu tháng 5 tới! Toàn thể người dân xã Đồng Tâm khẩn thiết mong muốn Hội nghị toàn thể lần thứ 7 BCHTƯ Đảng (Khóa XII) sẽ xem xét thấu đáo tâm tư, nguyện vọng của họ, đặc biệt là 4 vấn đề cụ thể được nêu rõ trong Tâm thư để kịp thời đề ra biện pháp cứu vãn tình thế và cứu người dân Đồng Tâm thấp cổ bé họng đang sống đầy lo âu ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội!
(P/s: Xin mời quý độc giả đọc bản chụp bức TÂM THƯ đính kèm dưới đây).


GUỒNG QUAY CƯỚP ĐẤT VÀ SỰ KIỆN ĐỒNG TÂM

NGUYỄN VŨ BÌNH/ BVN 20-4-2018

Phần 1
Thời kỳ đổi mới nền kinh tế Việt Nam đến nay đã được hơn 30 năm. Trong số tất cả các hệ lụy đau thương mà đảng cộng sản và nhà cầm quyền Việt Nam gây ra cho nhân dân, thì vấn đề cướp đất là một trong hai tội ác lớn nhất, cùng với ô nhiễm môi trường.
Quá trình cướp đất này bắt đầu từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước, thập kỷ những năm 2000 bắt đầu giai đoạn khốc liệt, và thập kỷ hiện tại đạt tới đỉnh điểm của guồng quay cướp đất.

1- Tại sao nói là cướp đất?

Về lập luận của nhà cầm quyền, cũng như những luật, văn bản pháp lý mà nhà cầm quyền vận dụng, hợp thức hóa tiến trình cướp đất, đó là điều luật: đất đai thuộc sở hữu toàn dân, người dân không có quyền sở hữu mà chỉ có quyền sử dụng. Cùng với đó là các chính sách đô thị hóa, chính sách phát triển công nghiệp, khu công nghiệp.
Toàn bộ các điều luật và chính sách đi kèm việc thu hồi đất (cách gọi của nhà cầm quyền) phục vụ mục đích chung (làm đường giao thông, mở rộng đô thị, xây khu công nghiệp...) đều có đầy đủ, và về lý thuyết có thể làm vỏ bọc hoàn hảo cho dã tâm trục lợi trong việc này.
Đại khái, trên cơ sở đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhà nước có thể thu hồi đất (quyền thu hồi đất xuống tới cấp huyện) để phục vụ cho mục tiêu chung là phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Phát triển kinh tế - xã hội trong việc thu hồi đất là mở rộng đô thị, xây dựng các khu dân cư, chung cư, xây dựng các nhà máy, xí nghiệp và khu công nghiệp. Đó cũng là việc xây dựng các công trình quốc gia về quân sự, về văn hóa, xã hội.
Khi thu hồi đất, các đơn vị có trách nhiệm tính toán, bồi thường để không thiệt hại cho người dân có đất, đang sử dụng đất đai. Đồng thời, nếu thu hồi đất người dân đang dùng làm tư liệu sản xuất, tức là đất nông nghiệp, thì phải đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho những lao động của các hộ dân bị thu hồi đất.
Đó là toàn bộ quy trình, quy định về việc thu hồi đất của người dân cho mục đích chung, công ích.
Với quy trình này, nếu nhà cầm quyền các cấp thực hiện đầy đủ, đồng thời không vụ lợi, không trục lợi thì sẽ không có bất kỳ điều gì xảy ra. Tuy nhiên, với sự độc quyền lãnh đạo, quyền lực tuyệt đối và không hề bị kiểm soát, giám sát đồng thời giá cả đất đai đã tăng chóng mặt do mấy cơn sốt đất, các cấp lãnh đạo làm sao có thể bỏ qua một miếng mồi ngon có trị giá hàng chục tỷ, trăm, ngàn tỷ đồng như vậy?
Ban đầu, người ta còn lập dự án, thông qua dự án và tiến hành các thủ tục tối thiểu. Càng về sau, những vấn đề về thủ tục càng bị bỏ qua, không cần biểu diễn nữa, và làm một cách trắng trợn. Rất nhiều nơi hiện nay, khi thu hồi đất xong, nhà cầm quyền xây dựng hạ tầng qua loa như đường đi, hệ thống điện... rồi phân lô bán nền ngay.
Khốn nạn nhất là có nhiều nơi, những hộ dân bị thu hồi đất có thể mua ngay lại đất của nhà mình với giá gấp nhiều lần giá nhà nước đền bù thu hồi đất. Ví dụ, ở phường Dương Nội, quận Hà Đồng, Hà Nội nhà cầm quyền thu hồi đất với giá 201.600 đồng/1 m2 có thể bán ngay cho chủ nhà với giá 35 triệu đồng/1 m2.
Như vậy, người dân đang sinh sống, làm ăn yên ổn trên mảnh đất thổ cư của gia đình, đất nông nghiệp thì với chính sách sỡ hữu toàn dân về đất đai, nhà cầm quyền đã áp giá một cách vô cùng rẻ mạt, thu hồi toàn bộ đất đai của người dân và bán với giá gấp rất nhiều lần để trục lợi, chia chác.
Việc dùng sức mạnh để lấy của, lấy gia tài của người khác trong khi họ không mong muốn đó chính là hành vi ăn cướp, toàn bộ quá trình này là cướp đất đã và đang diễn ra khắp đất nước.
Thảm cảnh của hàng triệu dân oan trên khắp cả nước đã diễn ra. Sự phản kháng của người dân cũng diễn ra khắp nơi, từ anh nông dân Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng đến Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình, nông dân Dương Nội, Hà Đông, Văn Giang - Hưng Yên... và vừa qua là Đồng Tâm - Mỹ Đức.

2- Guồng quay bạo tàn

Có thể nói, quá trình cướp đất như một guồng quay và không có điểm dừng. Guồng quay có thể hiểu trên hai khía cạnh. Thứ nhất, muốn cướp được đất, không chỉ một cơ quan, một đơn vị nào có thể làm được, mà phải kết hợp rất nhiều ngành.
Thông thường sẽ có doanh nghiệp đứng ra lập dự án, có thể là sản xuất, có thể là khu công nghiệp và cũng có thể làm khu dân cư, chung cư. Dự án sẽ nhanh chóng được các cấp ủy, chính quyền và ban ngành đoàn thể thông qua.
Một ngành quan trọng nhất mà không một dự án nào có thể bỏ qua, đó là công an. Công an để thị uy và trấn áp ngay lập tức những phản kháng của những hộ dân, gia đình bị thu hồi đất.
Và để hiệu quả cho việc trấn áp, cũng như đạt mục đích cuối cùng là cướp được đất, các ngành kiểm sát và tòa án luôn sẵn sàng để vào cuộc, xử lý ngay những người chống đối. Tất cả đều diễn ra nhịp nhàng, ăn khớp.
Một khía cạnh nữa của guồng quay cướp đất, đó là tất cả các địa phương, tất cả các quận, huyện trong cả nước đều diễn ra tình trạng cướp đất. Sự khác biệt có chăng chỉ là mức độ nhiều ít đất đai cướp được, hoặc mức độ tàn khốc trong việc cướp đất.
Bởi vì quyền thu hồi đất được cấp huyện thực hiện nên không một địa phương nào có thể thoát khỏi guồng quay tàn bạo này.
Với một sự chênh lệch vô cùng lớn về giá cả đất đền bù và giá thị trường, mức lợi nhuận, hay chính xác hơn là số tiền cướp được quá lớn khiến cho guồng quay không thể dừng lại được.
Hết lớp cán bộ này đến lớp cán bộ khác, hết quan chức này đến quan chức khác, người bị bắt vào tù vì tham nhũng đất đai, người sau lên lại tiếp tục cướp đất và rút kinh nghiệm của người trước.
Cũng phải nói rằng, trong một số trường hợp, tại một số địa phương, việc cướp đất diễn ra quá tàn bạo, không ngụy trang khéo léo (tức là hợp thức hóa bằng các nghị quyết, chính sách, văn bản) và quan trong nhất là ăn chia không đều, đã có nhiều quan chức, cán bộ đã bị mất chức, vào tù. Nhưng cán bộ vào tù, guồng quay cướp đất vẫn không dừng lại và chưa biết khi nào dừng lại...
Phần 2
3- Khi nào guồng quay dừng lại?
       Trong phạm vi một địa phương, cấp có thẩm quyền thu hồi đất là cấp huyện, cũng tùy điều kiện kinh tế - xã hội địa phương, vị trí cũng như địa thế, guồng quay cướp đất có thể tạm dừng. Một huyện miền núi, vùng sâu vùng xa dù có cướp được đất, thì đất đồi núi cũng không bán được giá cao. Vậy nên chỉ có những vị trí đắc địa, thị trấn hoặc khu du lịch trong quy hoạch mà khi cướp và bán hết rồi thì tự nhiên vòng quay dừng lại. Tại các địa phương ở vùng đồng bằng, các tỉnh ven biển thì guồng quay hầu như không bao giờ dừng lại. Ban đầu là các khu đất đẹp cho du lịch, xây dựng khu dân cư cao cấp, chung cư... thời kỳ đầu nhắm vào các khu đất nông nghiệp, vì giá cả đền bù rẻ và dễ cướp hơn, sau khi hết thì cướp cả đất thổ cư của người dân từ nhiều đời đã sở hữu và đang sinh sống. Sự tàn bạo nhất là nhắm vào các khu đất thổ canh, thổ cư của người dân, đẩy họ tới những nơi hẻo lánh, thưa thớt dân cư và hạ tầng hầu như không lo được cho họ.
       Một câu hỏi được đặt ra là, trong chế độ hiện nay, có ai (ngoài dân thường) mong muốn guồng quay cướp đất tàn bạo này dừng lại, và có thể dừng lại được không? Câu trả lời là không. Ngoài người dân thường có thể vẫn có những người mong muốn guồng quay này dừng lại, đó là những người trong bộ máy không thu được lợi gì từ guồng quay đó, những nhân viên bình thường. Kể cả những người cảnh sát cơ động, những người lính chỉ làm theo nhiệm vụ đi đàn áp người dân cũng mong muốn không phải làm những công việc thất đức. Nhưng đó là những người không có vị trí, vai trò gì và không quyết định được điều gì. Còn lại tất cả những người được hưởng lợi từ guồng quay tàn bạo này, càng quan chức, quan chức cao cấp càng thu lợi nhiều đều không bao giờ muốn nó dừng lại. Ngoài việc không kẻ nào trong guồng máy muốn từ bỏ việc kiếm tiền theo cách tàn bạo này, còn một vấn đề nữa mà guồng quay không thể dừng lại được. Đó là một sự đan xen lợi ích, cấu kết và cố kết lợi ích, tất cả trong guồng máy và phải quay theo guồng máy. Bất kể ai, kẻ nào dừng lại hoặc đi ngược lại lợi ích của guồng máy đều bị nghiền nát hoặc thải loại.
       Vậy thì có bao giờ và khi nào guồng quay dừng lại? Câu trả lời là có. Đó là khi chế độ thay đổi, với chính thể dân chủ thay thế, việc đầu tiên là công nhận quyền tư hữu tài sản, trong đó quan trọng nhất là tư hữu đất đai. Chỉ có đến khi đó, guồng quay cướp đất bạo tàn mới dừng lại và chấm dứt.
4- Sản phẩm của guồng quay cướp đất: Dân Oan
       Dân oan là những người bị xâm hại quyền lợi chính đáng do các đại diện quyền lực các cấp sử dụng các chính sách và thủ đoạn bất minh dựa trên quyền lực độc tôn và tuyệt đối của đảng cộng sản Việt Nam. Tuyệt đại đa số dân oan là những người bị xâm hại quyền lợi về đất đai, nhà cửa. Với hai chính sách sở hữu toàn dân về đất đai và phát triển khinh tế - xã hội, nhà cầm quyền các cấp đã sử dụng để cướp ruộng đất của người dân làm phát sinh hàng trăm ngàn, hàng triệu người dân oan trên khắp mọi miền tổ quốc.
       Thời kỳ trước đây, khi mà thông tin chưa rộng mở, người dân bị mất đất, bị cướp đất có phản kháng nhưng cũng chỉ là những tiếng kêu tuyệt vọng, sau đó bị đàn áp nặng nề và rơi vào quên lãng. Nhưng trong vòng 5-7 năm trở lại đây, với sự xuất hiện của mạng Internet, và nhất là sự sôi động của mạng xã hội facebook, của cộng đồng mạng tiến bộ, quan tâm và đứng về phía người dân, thì tình thế đã và đang bắt đầu thay đổi. Gần đây, cuộc đấu tranh giữ đất của bà con ở các địa phương được cộng đồng mạng quan tâm, chúng ta mới thấy hết được mức độ tàn bạo của chính sách cướp đất và thực tế cướp đất của các cấp cầm quyền ở Việt Nam. Đầu tiên là những việc phù phép để hợp thức hóa những khu đất không thuộc quyền quản lý của người dân, chuyển đổi mục đích sử dụng, chuyển đổi chức năng để bán và chia chác. Sau đó, việc định giá tùy tiện, rẻ mạt đất nông nghiệp và đất thổ cư của người dân để bán với giá thị trường cao gấp nhiều lần. Nhưng còn những khuất tất, những sự phi lý, ngang ngược trong việc cưỡng chế, cướp đất đối với các hộ dân cụ thể, đã và đang được người dân phản ảnh mới thấy hết được sự kinh hoàng của guồng quay cướp đất. Gần đây nhất, thông tin của báo chí cho biết, sáng 23-3-2017, tại thôn Ngọc Sơn Tây (xã Bình Phục, Thăng Bình, Quảng Nam), ông Nguyễn Văn Tưởng (47 tuổi, không vợ không con) đã tự tử sau khi có những hành vi quá khích do bức xúc chuyện đền bù giải tỏa đất đai. Ông Tưởng có mảnh đất có sổ đỏ là là 562,1 m2 (trong đó diện tích đất ở là 87,5 m2 và 423 m2 đất trồng cây hằng năm) nhưng bị thu hồi đất chỉ với giá 21 triệu đồng. Ban đầu, nhà cầm quyền không cho ông Tưởng mua đất tái định cư vì ông không có vợ con. Sau đó ông Tưởng đấu tranh, Ông được mua đất tái định cư nhưng số tiền đền bù không đủ để Ông mua 100 m2 đất tái định cư. Do bị cướp đất, không đủ tiền để mua đất tái định cư để sống, Ông đã phẫn uất dùng dao đâm cán bộ, sau đó tự tử. Những vụ việc cướp đất vô cùng đau xót đang diễn ra hàng ngày hàng giờ trên đất nước Việt Nam.
       Những người dân oan mất đất đã đi đòi công lý, khiếu kiện ở các địa phương của mình, nơi trực tiếp xâm hại quyền lợi của họ đều không có kết quả. Nhà cầm quyền các địa phương bao che cho nhau vì có dính dáng lợi ích trong guồng quay, tiến trình cướp đất. Không những không được trả lại quyền lợi, họ còn bị đàn áp, đánh đập, thậm chí tống giam. Một số người đã đi khiếu kiện ở cấp cao hơn, cấp trung ương tại Hà Nội và Sài Gòn. Họ đã tới các cơ quan trung ương như: văn phòng chính phủ, văn phòng quốc hội, văn phòng trung ương đảng, tổng thanh tra nhà nước... Nhà cầm quyền luôn nói họ đi khiếu kiện vượt cấp và tìm cách đẩy trả họ về địa phương, đẩy quả bóng trách nhiệm cho các địa phương khiến người dân oan mệt mỏi. Mục đích của họ là để người dân oan từ bỏ việc khiếu kiện. Nhiều người dân oan đã khiếu kiện ròng rã mấy chục năm trời, có người ít cũng 5-7 năm. Cuộc sống của họ vô cùng khổ cực vì theo đuổi việc khiếu kiện, không còn làm ăn gì được nữa.
       Những người dân oan khiếu kiện sau nhiều năm đi đòi công lý, phần lớn họ đã hiểu ra rằng không thể lấy lại được những đất đai, tài sản của bản thân và gia đình đã mất, nhưng họ cũng không còn điều kiện để làm ăn sinh sống bình thường nữa, bắt buộc phải chấp nhận cuộc sống tạm bợ ở các thành phố trung tâm, kết hợp việc khiếu kiện. Trong hoàn cảnh đó, họ cũng may mắn được những người dân tốt bụng giúp đỡ, và nhất là những người quan tâm tới vấn đề xã hội, những người thuộc phong trào dân chủ quan tâm giúp đỡ. Qua một thời gian, mối liên hệ giữa những người dân oan và phong trào dân chủ đã rất gắn bó, tốt đẹp. Tuy nhiên, nhà cầm quyền một lần nữa lại sử dụng thủ đoạn để phán hoại mối quan hệ này, đánh phá bà con và phong trào dân oan...
Phần 3
5- Sự kiện Đồng Tâm - Mỹ Đức
        a - Căn nguyên gốc rễ vụ việc ở Đồng Tâm - Mỹ Đức
     Tháng 4 năm 1980, ông Đỗ Mười lúc đó là phó thủ tướng đã quyết định thu hồi 47,36 ha đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức để xây dựng sân bay quân sự Miếu Môn. Cũng như nhiều dự án ở Việt Nam, dự án này cũng đã không được thực thi. Năm 2010, tức sau 30 năm chờ đợi, chính phủ và bộ quốc phòng đã ra quyết định chính thức không xây dựng sân bay Miếu Môn. Như vậy, theo luật đất đai, 47,36 ha đất nông nghiêp này phải trả lại cho các chủ nhân của nó. Tức là người dân xã Đồng Tâm. Nhưng điều lạ lùng đã và đang xảy ra, nó vẫn nằm dưới sự quản lý của quân đội với cái tên ngắn gọn “đất quốc phòng”.
      Chưa hết, khu đất 6,8 ha bên cạnh cũng được chính quyền xã và huyện thu hồi thành đất quốc phòng, nhưng lại được phân lô để bán. Kết quả là, tháng 11 năm 2016, nhà cầm quyền huyện Mỹ Đức cùng xã Đồng Tâm đã đưa công an, cảnh sát cơ động… đến cưỡng chế khu đất 6,8 ha mà họ gọi là đất quốc phòng, dù nhân dân xã Đồng Tâm đã nhiều năm đi khiếu kiện, nhưng không được cơ quan nào giải quyết thoả đáng.
       Ngày 15-04-2017, công an đã đi xe đến Đồng Tâm, họ yêu cầu ông Lê Đình Kình, 82 tuổi, người đứng đầu cuộc đấu tranh giữ đất, ra cánh đồng để chỉ cho họ cọc mốc đất quốc phòng. Ra đến nơi, công an đã vật ông Kình ra, bắt đưa lên ô tô, họ còn bắt thêm một số dân làng đưa đi. Theo nhiều nguồn tin, ông Kình đã bị thương tích, vỡ xương chậu.
       Lẽ ra, quân đội phải trả lại cho những người dân xã Đồng Tâm 47,36 ha đất của sân bay Miếu Môn, Viettel chỉ là một tổ chức kinh doanh giầu có của quân đội, giờ đây họ muốn có đất để phát triển cơ sở sản xuất kinh doanh, họ phải thương lượng trực tiếp với những người nông dân, mua lại đất của họ với giá thỏa thuận theo thị trường. Lẽ ra khi thu hồi 6.8 ha đất kề bên nhà cầm quyền phải định giá theo sát giá thị trường, trên tinh thần thương lượng thì nhà cầm quyền huyện Mỹ Đức đã làm ngược lại.
      Căn nguyên gốc rễ vấn đề là luật đất đai bất cập: "đất đai thuộc sỡ hữu toàn dân", người dân có tiền mua đất nhưng chỉ được quyền sử dụng đất mà không có quyền sở hữu đất, khi người dân không có quyền sở hữu đất, quyền sỡ hữu đó thuộc về toàn dân - nghĩa là thuộc về nhà nước (đại diện cho toàn dân) Căn cứ trên luật này, nhà nước có quyền thu hồi và áp giá theo chủ kiến riêng, hệ quả là mâu thuẫn đất đai giữa người dân và chính quyền xảy ra khắp mọi vùng miền trên cả nước.
       b - Diễn biến vụ việc
       Ngay sau khi cụ Lê Đình Kình và 3 người nữa bị bắt đi (ngày 15/4), người dân xã Đồng Tâm đã bức xúc, bùng nổ và bắt ngay một số cảnh sát cơ động, cán bộ và lãnh đạo cấp huyện. Tổng số người mà nhân dân xã Đồng Tâm đã bắt giữ là 38 người. Trong số đó, có một phó chủ tịch huyện, 1 trưởng ban tuyên giáo huyện Mỹ Đức, một trung đoàn trưởng cảnh sát cơ động, 1 phó trưởng công an huyện và số còn lại là cảnh sát cơ động. Người dân đã giữ những người này ở nhà văn hóa xã, canh giữ cẩn mật và đối xử nhân đạo, tử tế. Cũng ngay sau đó, người dân đã rào làng (thôn Hoành), đặt những chướng ngại vật trên các con đường vào làng và cho người canh giữ kiểm soát những con đường đi vào làng. Cảnh sát, công an và các ban ngành chức năng của huyện cũng đã đổ về vây kín, kiểm soát những người muốn đi vào thôn Hoành. Không khí rất nóng bỏng.
       Ngày 17/4, sau khi thông qua các kênh thương lượng, phía nhà cầm quyền đã thả 3 người bị bắt cùng cụ Kình, và đêm hôm 17/4, phía người dân làng Hoành đã thả 15 cảnh sát cơ động. Trong các ngày tiếp theo, không khí xung quanh vụ việc ở Đồng Tâm, Mỹ Đức đã tràn ngập các trang mạng xã hội, còn trên thực địa, cảnh sát cơ động vẫn vây kín làng, kiểm soát ngặt nghèo, cắt điện, cắt sóng, phá sóng điện thoại...
     Đêm ngày 19/4, theo một số nguồn tin, phía nhà cầm quyền đã cho côn đồ tấn công, ném đá vào làng, người dân đã đáp trả và đẩy lùi hai cuộc tấn công. Đã các thông tin nhiễu loạn về việc đêm 19/4 sẽ có cuộc tấn công vào làng. Nhưng cuối cùng sự việc đã không xảy ra. Người dân yêu cầu chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung vào đối thoại với người dân về vấn đề đất đai, sau đó sẽ thả hết người. Ngày 20/4, Ông Nguyễn Đức Chung sau mấy ngày cộng đồng mạng lên tiếng yêu cầu, đã có buổi xuống làm việc với người dân, nhưng chỉ dừng lại ở huyện Mỹ Đức, gửi giấy mời 100 dân làng lên huyện họp mặt, dân không tới vì gửi giấy mời quá muộn, và sợ bị lừa bắt trên đường tới huyện. Cũng trong buổi làm việc với huyện, không có người dân xã Đồng Tâm, ông Chung đã ra quyết định thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất sân bay Miếu Môn và đất ở đồng Sênh, xã Đồng Tâm. Lãnh đạo Thanh tra đi cùng đã hứa sẽ thanh tra đúng pháp luật trong vòng 45 ngày.
      Ngày 21/4, người dân thôn Hoành tiếp tục thể hiện thiện chí khi thả ông trưởng ban tuyên giáo huyện ủy, vì lý do nhân đạo, ông này bị bệnh và đã được thả, viết cam kết người dân đối xử tốt, không bị đánh đập, hành hạ và nhục mạ. Cộng đồng mạng tiếp tục lên tiếng yêu cầu chủ tịch thành phố tới đối thoại với người dân.
       Ngày 22/4, chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung đã cùng đoàn công tác xuống tận xã Đồng Tâm đối thoại với người dân. Trong buổi làm việc, ông Chung đã hứa, và ký vào văn bản sẽ không truy tố hình sự người dân xã Đồng Tâm sau vụ việc vừa qua. Đồng thời sẽ giải quyết toàn diện vụ việc về đất đai của bà con, xem xét việc bắt giữ cụ Lê Đình Kình theo trình tự tố tụng. Bà con thôn Hoành xã Đồng Tâm đã thả nốt những người còn giam giữ. Những người này đều cam đoan không bị đối xử tệ bạc, vui mừng khi được người dân thả ra. Như vậy, đã kết thúc toàn bộ 7 ngày (từ 15-22/4) căng thẳng, phản kháng của người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.
     c - Bình luận về sự kiện
     Đây là một sự kiện lớn, quan trọng trong thời điểm khắp nơi người dân căm phẫn với nhà cầm quyền các cấp sử dụng luật đất đai về sở hữu toàn dân, thu hồi và đền bù với giá vô cùng rẻ mạt, để bán với giá đất thị trường gấp nhiều lần, mà cộng đồng mạng sử dụng từ cướp đất để nói lên bản chất của sự việc này. Lần đầu tiên ở Việt Nam người dân phản kháng, bắt giữ người của nhà cầm quyền mà lãnh đạo phải tới để đối thoại. Trước đó, đã có nhiều cuộc nổi dậy của người dân, như ở Thái Bình năm 1997, hoặc ở làng Nhô, hay còn gọi là thôn Lạc Nhuế, xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng, Hà Nam năm 1992... tất cả đều bị đàn áp một cách không thương tiếc. Đánh giá về sự kiện này, ngay lúc này đây, có thể chưa thấy hết được ý nghĩa của nó. Nhưng chúng ta cũng cần biết được, thành công của sự kiện này là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là cách ứng xử, chiến thuật của người dân xã Đồng Tâm, đã biết tận dụng sức mạnh của cộng đồng mạng trong việc yêu cầu nhà cầm quyền thực hiện những quyền lợi của mình. Có thể đánh giá nhanh một số những việc làm rất khôn khéo của bà con xã Đồng Tâm trong sự kiện vừa qua.
     - Đầu tiên, tuy bắt giữ người, nhưng bà con đã đối xử với những người bị bắt giữ rất tử tế, không hề có sự dọa dẫm, nhục mạ hoặc đánh đập, trả thù nào, mặc dù người thân của bà con bị bắt vô lý, bị đánh đập và xô đẩy tới gẫy chân, gẫy đùi...
     - Bà con viết khẩu hiệu, cắm cờ ở các điểm đặt chướng ngại vật, tất cả đều là những khẩu hiệu tuyệt đối tin tưởng vào đường lối chính sách của đảng và nhà nước, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật. Điều này, mới nhìn qua thì thấy rằng bất lợi, rằng bà con vẫn con tin tưởng vào nhà nước thì sẽ bị lừa, hoặc sẽ bị đối xử tệ bạc. Nhưng nghĩ kỹ, thì đó là một chiến thuật hết sức khôn ngoan. Thông điệp mà bà con gửi tới nhà cầm quyền, là chúng tôi luôn tin tưởng đảng và nhà nước, luôn chấp hành pháp luật, chúng tôi làm việc này là bất đắc dĩ, để chống lại cường quyền và tham nhũng, chứ chúng tôi không chống lại đảng và nhà nước. Trong các trao đổi với nhà cầm quyền, bà con cũng hết sức mềm dẻo, chỉ yêu cầu được đối thoại với chủ tịch thành phố, chỉ yêu cầu làm rõ những quyết định về việc sử dụng đất đai theo đúng pháp luật, sẽ chấp hành đầy đủ nếu có tất cả các văn bản quyết định về khu đất tranh chấp, đồng thời hứa thả người ngay nếu chủ tịch đối thoại...
     - Tuy nhiên, thông qua cộng đồng mạng, bà con lại gửi ra những thông điệp hết sức cứng rắn, và những thông tin gây hứng khởi và sục sôi cho cộng đồng mạng. Ví dụ, thông tin ra ngoài việc tẩm xăng vào 20 cảnh sát cơ động, lúc nào cũng sẵn sàng tử thủ, có thể hi sinh cả 6000 nhân mạng để đòi công lý... Với cộng đồng mạng luôn đứng về phía bà con, và sẵn có những hiểu biết, căm phẫn đối với nhà cầm quyền thì những thông tin đó sẽ được lan truyền và nhân lên gấp nhiều lần, tạo thành một sức ép vô cùng lớn đối với nhà cầm quyền và các cá nhân giữ trọng trách trong việc giải quyết vụ việc. Nhưng hay hơn nữa, bà con Đồng Tâm luôn giữ khoảng cách với những người hoạt động trong phong trào dân chủ, và thể hiện sự độc lập, không nghe theo sự “xúi bẩy” như cách mà nhà cầm quyền hay vu cho những người đấu tranh. Đây chính là điều độc đáo của bà con xã Đồng Tâm, tận dụng được sức mạng vô biên của cộng đồng mạng, nhưng không bị mang tiếng nghe theo, hoặc kết nối, tiếp tay cho “phản động” theo cách gọi của nhà cầm quyền. Tất nhiên, đối với phong trào dân chủ, những việc này của bà con cũng làm phiền lòng không ít người. Tuy nhiên, nếu hiểu được những cạm bẫy, những đòn thù khốc liệt của nhà cầm quyền, những người đấu tranh cần hiểu và thông cảm cho bà con trong hoàn cảnh đó.
     - Điều cuối cùng, đối với nhà cầm quyền, trong các giao dịch, bà con đã rất thận trọng, làm các văn bản, cam kết rất chặt chẽ, tùy đối tượng mà mức độ cam kết khác nhau. Có thể có người nói rằng, việc Nguyễn Đức Chung, chủ tịch thành phố chỉ làm cam kết bằng giấy viết tay, không có con dấu và điểm chỉ là không có giá trị pháp lý, hoặc không có giá trị thực hiện, thực tế. Nhưng việc một chủ tịch thành phố lớn, thủ đô đã phải ký vào cam kết, những điều được toàn thể người dân, và cả nước biết như vậy, đã là một thành công tuyệt vời. Để có thể tráo trở, lật lọng một văn bản giữa thanh thiên bạch nhật như vậy, họ sẽ phải trả giá rất lớn cho uy tín của cá nhân và của nhà cầm quyền. Có thể nói, đánh giá một cách tổng quát, trong bối cảnh hiện tại, người dân xã Đồng Tâm đã làm được điều kỳ diệu, một thắng lợi tuyệt đối, mặc dù con đường phía trước không hề bằng phẳng, dễ dàng mà có thể phải trả giá khá đắt.
Hà Nội, ngày 27/4/2017
N.V.B.
Nguồn:
ĐỒNG TÂM: YÊU THƯƠNG VÀ CẢM PHỤC
NGUYỄN NGUYÊN BÌNH / BVN 24-4-2018


Giữ đất ba trăm ngày
Có đêm nào vui bằng đêm nay
Đêm lịch sử Đồng Tâm sáng rực…”
Nhại mấy câu thơ Tố Hữu xưa để tả cảm xúc của bản thân mình hôm qua, khi từ chỗ Ủy ban xã Phúc Lâm huyện Mỹ Đức trở về làng Hoành. Đêm muộn rồi, mà trước cổng làng và trước cửa mấy nhà gần chỗ cụ Kình, rất đông bà con trong làng vẫn đứng đợi để đón xe của chúng tôi cùng một bộ phận khác của dân làng (mà phần lớn là các bà các cô trong ‘đội quân tóc dài’) đã sát cánh với chúng tôi suốt 6,7 tiếng đồng hồ, từ Ủy ban xã Phúc Lâm trở về. Quang cảnh đèn đóm sang choang, tiếng người xôn xao, tưng bừng, vui quá, giống như đêm giao thừa. Chúng tôi ôm nhau thắm thiết, có người rơi nước mắt, như đón người thân lâu ngày mới gặp lại, (mà thực ra chuyện mới xảy ra từ đầu giờ chiều chứ lâu la gì).
Từ chiều, ngay khi biết tin công an kết hợp côn đồ dàn cảnh để chặn xe không cho chúng tôi yên ổn ra về, thì bà con đã túa ra đông lắm. Cứ như từ trên trời hiện xuống vậy. Rồi suốt cả tiếng đồng hồ khi chúng tôi ngồi chờ dài cổ (để các loại công an, áo xanh, áo vàng, áo thường dân, và cả cái loại dân phòng áo luôm nhuôm mang mặt tới “giải quyết sự vụ” nhưng lại chả ai chịu giải quyết cái việc cỏn con, là có một cái xe máy vứt chềnh ềnh cách đầu xe chúng tôi cả sải chân, chẳng có tí va chạm nào) thì các bà các chị lại luôn chăm lo kiếm nước mát cho chúng tôi uống, kiếm nón che cho người phải ra giữa nắng đối thoại với nhân viên công quyền, kiếm quạt cho chúng tôi đỡ bức sốt, lại còn an ủi động viên chúng tôi nữa… Nhưng không chỉ có những chăm sóc chí tình như vậy. Bà con còn âm thầm làm những việc mà chúng tôi còn khờ khạo chưa biết cách làm để đối phó, vì chưa va chạm nhiều với các ‘thể loại’ cùn lầy như các vị công quyền vẫn thường dùng đối phó với dân Đồng Tâm. (sẽ kể ở đoạn sau)
Chờ mãi, rồi cũng xuất hiện một ‘đồng chí’ có vẻ nhiều quyền hạn, cho mang chiếc xe máy ngang ngược kia đi, chúng tôi đã tưởng mình sẽ được giải thoát ngay. Nhưng không, bà con Đồng Tâm đã nhạy bén phát hiện ra một chiếc xe cẩu mới xuất hiện cách độ trăm mét, liền kêu to báo động cho chúng tôi: “Các bác lên xe ngồi đi, họ định cẩu xe mình đi đấy”. Theo mệnh lệnh, chúng tôi lên xe ngay, khiến họ không thể cẩu xe được. Thất bại thêm một thủ đoạn gây khó dễ, ‘nhà chức trách’ xoay ra cách bảo chúng tôi đến trụ sở Ủy ban xã Phúc Lâm ngay gần đấy khám nghiệm xe, để kết luận sự việc cho xong. Bà con lại kêu lên nhắc nhở chúng tôi cẩn thận, luôn bám sát xe, chụp ảnh trước khi xe bị khám đề phòng nhân việc khám xe, có thể họ tìm cách bỏ vật gì nguy hiểm vào. Xe nổ máy đi theo hướng của một công an áo xanh chỉ, nhưng đi được một quãng ngắn thì nghe tiếng đồng bào la ó: “Sai đường rồi, không phải Ủy ban xã Phúc Lâm đi đằng ấy” (thực ra công an định lừa chúng tôi về chỗ công an ở huyện, cách xa địa bàn Đồng Tâm và tách khỏi bà con đang theo bảo vệ chúng tôi). Lại phải đấu tranh rất găng, cánh công an mới chịu để xe chúng tôi quay lại, thực sự đi về hướng UB xã Phúc Lâm (chúng tôi không muốn đi xa khỏi sự yểm trợ của nhân dân Đồng Tâm, vì còn xa lạ với địa bàn và tình hình ở đây). Đến cổng UB Phúc Lâm, chúng tôi yêu cầu phía công an phải đề đồng bào cùng vào làm việc, vì từ trưa đến giờ các vị lừa chúng tôi nhiều rồi, chúng tôi không thể tin thiện chí của các vị, nếu các vị không tiếp tục làm những việc khuất tất thì tại sao không để nhân dân vào chứng kiến… Họ vạch trời chỉ đất, thề thốt rất ghê nhưng cả chúng tôi và đồng bào đều không tin. Họ nói, xe cứ vào đã, rồi sẽ cho một số người dân vào. Y như rằng, xe vừa chuyển bánh lọt qua cổng là họ liền sập cổng, khóa nghiến lại. Hàng mấy trăm đồng bào chỉ còn biết đứng bám cổng nhìn vào theo dõi và lo lắng cho chúng tôi. Các bà, các chị gọi với vào dặn chúng tôi đừng cho họ đến gần người mình, trông chừng túi xách, điện thoại v.v.. Họ bắt người trong đoàn vào lấy lời khai với tư cách nhân chứng, bà con lại dặn chúng tôi khi khai đừng đi vào chi tiết, đừng trả lời theo các câu hỏi lan man của họ… Chỉ 3 người vào ‘làm việc’ mà họ cũng câu giờ rất lâu khiến bà con sốt ruột, sợ chúng tôi đói (lúc đó khoảng bảy giờ rưỡi tối), lại bảo nhau đi mua bánh mỳ, bánh bao và nước tiếp tế cho chúng tôi. Bà con còn mang mấy chiếc chiếu đến và tuyên bố rằng nếu công an cố tình giữ chúng tôi hết đêm thì bà con cũng trải chiếu ngủ ngay bên ngoài cổng Ủy ban để canh chừng, bảo vệ chúng tôi.
Lúc đó tuy bực bội về các trò vô lối của công an, nhưng cũng phải bật cười vì thấy một chú ra vẻ cẩn thận săm soi rất kĩ chỗ đầu xe chúng tôi, rồi săm soi rất kĩ chiếc xe máy ‘bị nạn’, chú tỏ vẻ vui mừng thấy chỗ cái ốp che bên ngoài ống bô có vài vết xước rất mờ, chú rút tuốc nơ vít trong túi ra tháo cái ốp đó, gói vào trong bọc giấy cát tông, băng dính niêm phong cẩn thận. Lúc thấy chú dở tuốc nơ vít ra, tôi e nếu chú rạch thêm mấy nhát thì hỏng việc nên rút máy ảnh ra chụp ngay và cảnh báo là tôi đã chụp đấy nhé. Càng buồn cười hơn nữa là sau đấy, khi xem lại các ảnh của mọi người (bác Nguyễn Đăng Quang, bác Quang A, cô Hoàng Hà, chú Thanh lái xe và ảnh của bà con Đồng Tâm) thì té ra đó là các động tác hoàn toàn thừa (cả tôi lẫn chú công an). Các tấm ảnh kia cho thấy, chiếc xe đánh võng ban đầu để cản trở chúng tôi là xe màu xanh đen, còn xe được gọi là bị nạn thì lại… biến thành một chiếc màu trắng; và khi được vất ra đường để ăn vạ thì bên có ống bô xe lại nằm phía trên của xe, làm sao mà nó quệt xuống đất để trầy xước được cơ chứ! Còn một việc tức cười cho sự sơ hở của công an nữa, đó là xem lại tấm ảnh mà mọi người chụp được ngoài hiện trường thì hóa ra… chính chiếc ô tô 4 chỗ tạt qua đầu xe chúng tôi, khiến chúng tôi phải dừng ở giữa đường, tạo điều kiện cho hai tên đánh võng vứt xe máy ra trước đầu xe chúng tôi để ăn vạ, thì lại là xe của nhân viên công quyền (trong công an hay Ủy ban chi đó), vì lúc đó nó đang chễm chệ đỗ trong sân này. Số xe mồn một là 30 E/ 856 26. Đúng là giấu đầu hở đuôi. Đến thế mà công an vẫn chưa chịu buông tha chúng tôi, vẫn nói cần tìm được ‘nạn nhân’ để hai bên gặp nhau mới giải quyết được. Lúc đó chúng tôi thấy quá vô vọng và tiếc hùi hụi vì đã ngu dốt không kịp thời chụp được ảnh cái thằng tóc tai cạo trắng hai bên, để dài sau gay, xăm trổ xanh lè đã gây sự với chúng tôi rồi chuồn đi mất hút. (Lúc đó chúng tôi đều nhìn thấy rõ đồng bọn lấy xe máy chở nó đi nhưng lại chỉ mải vỗ tay cười giễu cái trò vờ vịt trẻ con của nó). Ấy thế mà, kỳ diệu thay, bà con Đồng Tâm mới giỏi làm sao, đã tìm ngay ra tên đó, đã ghi được hình và tiếng hắn thừa nhận là không hề bị xe chúng tôi va quệt, người không có thương tích gì, xe tự ngã vì có hơi rượu… Bằng chứng thép đó đã khiến công an phải chấp nhận, không còn tìm được cớ gì giữ được người và xe chúng tôi. Buộc phải để chúng tôi cùng bà con ra về.
Về đến làng, bày ra một bữa ăn ngon lành nữa bắt chúng tôi ăn ‘cho lại sức’. Rồi, bà con nhất quyết không cho chúng tôi về thẳng Hà Nội vì sợ bọn kia đã thua, mất mặt, cay cú, sẽ gây thêm sự cố gì nguy hiểm hơn chăng. Chúng tôi, nhất là chú Thanh, ‘cán bộ đường lối’ thì rất muốn về ngay trong đêm để trả xe theo đúng hẹn; còn bà con thì không chịu như vậy. Có người nói dỗi: “Các bác mà về bây giờ thì suốt đêm nay cả làng sẽ không ngủ được vì lo lắng đấy, các bác tính sao thì tính!”. Thế là đành phải theo mệnh lệnh của trái tim thôi. Ngủ lại Đồng Tâm một đêm…
Người ta hay dùng câu chuyện ‘Tái ông thất mã’ để nói về những điều hay dở rủi may bất ngờ luân chuyển với nhau. Nay so ra thì, chuyện chúng tôi về thăm cụ Kình và dân làng Hoành Đồng Tâm cũng chẳng mấy sai. Nhờ có việc công an địa phương toa rập gây sự bằng cái trò rạch mặt ăn vạ vụng về thô thiển như trên mà chúng tôi được thêm một trải nghiệm sâu sắc trong đời, để thêm yêu thương và cảm phục NGƯỜI ĐỒNG TÂM.
Khuya 22 - 4 - 2018.
N.N.B.
ĐỒNG TÂM 2: THẮNG LỢI 'ĐỔI NGƯỜI' CỦA NHÂN DÂN MỸ THỌ-MỸ AN !
PHẠM CHÍ DŨNG/ Cali Today News/ BVN 24-4-2018
Ảnh: RFA
Việt Nam - Cali Today News - Một sự trùng hợp ngẫu nhiên của lịch sử vừa diễn ra: tháng Tư năm 2018, tròn một năm ngày nổ ra vụ Đồng Tâm ở Hà Nội và trùng với thời điểm người dân Đồng Tâm hân hoan tổ chức kỷ niệm cái ngày mà Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung phải ký sống và lăn tay vào bản cam kết không “hồi tố” dân Đồng Tâm, người dân ở hai xã Mỹ Thọ và Mỹ An, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định đã tái hiện thắng lợi “đổi người” mà Đồng Tâm đã giành được một năm trước.
Vào ngày 18/4/2018, khoảng một chục người dân xã Mỹ Thọ và Mỹ An tập trung phản đối Tổng công ty cổ phần thương mại và xây dựng (Viettracimex) lắp đặt cột quan trắc gió phục vụ dự án điện gió vì nghi ngờ chính quyền lấy đây là cớ để cho công ty bên ngoài khai thác quặng titan, chặt phá rừng dương, gây ô nhiễm môi trường.
Người dân địa phương cho biết chính quyền địa phương cho công ty đưa xe vào thi công, lắp đặt cột quan trắc gió mà không báo cho người dân biết. Người dân muốn bảo vệ nguồn nước đầu nguồn và bảo vệ rừng dương. Người này cũng cho biết đã có nhiều doanh nghiệp trước kia vào rừng dương khảo sát rồi chặt dương trơ gốc. Người dân lo ngại rừng dương bị đốn ngã sẽ không có gì để chắn cát, gió, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân khi trời có bão và gió.
Ngay cả báo Công an TP.HCM ngày 19/4 cũng thừa nhận rằng phóng viên của tờ báo này đã chứng kiến nhiều diện tích rừng dương tại hai xã đã bị chặt phá, bị đốt để tạo thành đường đi và mặt bằng. Các phóng viên báo này cho biết khu rừng bị chặt nằm sâu bên trong và rất khó tiếp cận nếu không có người dân dẫn đường vì bất cứ ai lạ vào khu vực này đều bị cấm.
Nhưng bất chấp báo chí đã lên tiếng cảnh báo về nạn khai thác tràn lan titan ở Bình Định khiến môi trường bị tàn phá, nguồn nước ngầm cạn kiệt, bệnh tật do ô nhiễm gieo rắc chết chóc khắp các làng quê ven biển, hàng trăm hecta rừng dương phòng hộ ven biển có tuổi đời từ 50 đến 60 năm đã bị triệt hạ hoàn toàn…, giới quan chức địa phương lại tỏ ra cực kỳ vô trách nhiệm cùng biểu hiện mờ ám mang tính cấu kết với nhóm lợi ích của các doanh nghiệp khai thác.
Trước con sóng biểu tình phản đối Viettracimex của người dân hai xã Mỹ Thọ và Mỹ An, ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch huyện Phù Mỹ - lại nói với báo Công an TP.HCM rằng “chưa có thông tin về dự án nào làm tại rừng dương” và ông ta “sẽ kiểm tra lại thông tin”.

“Kiểm tra lại” như thế nào?

Không những không có biện pháp nào chế tài Viettracimex, chính quyền Phù Mỹ và Bình Định mà còn điều hàng trăm cảnh sát cơ động với súng ống và dùi cui đến hiện trường biểu tình để đàn áp dân theo truyền thống độc trị và lấy đông hiếp yếu. Công an đã thẳng tay bắt giữ đến 18 người bị vu là quá khích, chống người thi hành công vụ.
Nhưng trong hai ngày 19 và 20/4, hàng trăm người dân xã Mỹ An và Mỹ Thọ tiếp tục đổ ra đường phản đối, kéo đến Ủy ban nhân dân xã Mỹ Thọ đòi người.
Cùng lúc, người dân bắt giữ 4 cán bộ địa phương gồm Bí thư, Chủ tịch xã Mỹ Thọ cùng hai cán bộ công an đang làm con tin trong trụ sở xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định để đòi thả 18 người dân bị bắt trước đó.
Trước áp lực liên tục và gia tăng của người dân, đến tối 21/4, chính quyền Bình Đĩnh đã phải thả những người dân bị họ xem là “quá khích” để đổi lấy việc người dân hai xã Mỹ Thọ và Mỹ An thả 4 cán bộ.

Đồng Tâm 2 đã hiện ra như thế!

Một năm trước vào ngày 22 tháng Tư năm 2017, 6 ngàn người dân Đồng Tâm thượng tôn tinh thần đồng tâm cùng kỷ luật tổ chức cao đến mức kinh ngạc trong đấu tranh phản kháng đã giành được thắng lợi lớn chưa từng có trong lịch sử tranh đấu của dân oan Việt Nam: để đổi lấy việc người dân thả toàn bộ 37 cảnh sát cơ động bị bắt giữ, chính quyền phải cam kết sẽ không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm vì tội “bắt giữ người trái pháp luật”.
Vụ nông dân Đồng Tâm đặt dấu ấn trong lịch sử phản kháng chế độ bằng hành động bắt giữ cả một trung đội cảnh sát cơ động cùng một số quan chức vừa công an vừa chính quyền đã chính thức chấm dứt thời hoàng kim công an trị. Khác hẳn với cảnh trước đây công an gần như muốn bắt ai thì bắt và không hề nương tay với dân oan đất đai, vài giai đoạn này hầu như toàn miền Bắc, một phần miền Trung và có thể cả một số địa phương ở miền Nam, đều tràn ngập “điểm nóng đất đai” mà có thể phát sinh việc bắt giữ cá nhân công an hay đơn vị công an vào bất kỳ lúc nào nếu bị đàn áp.
Không hề dễ dàng để một cộng đồng nông dân đưa chính quyền vào thế buộc phải đàm phán và phải cam kết sẽ không truy tố họ. Sau chuỗi tranh đấu gian khổ của nhiều cộng đồng dân oan đất đai trước đây mà nhiều người trong số họ đã bị công an tống vào nhà giam từ năm này sang năm khác, khủng hoảng xã hội Việt Nam đã tiệm cận giới hạn bùng nổ và người dân, điển hình là ngư dân Hà Tĩnh, nông dân Đồng Tâm và người dân Mỹ Thọ - Mỹ An đã vượt qua ranh giới sợ hãi trong lòng.
Tính chính nghĩa đương nhiên của họ trong việc bảo vệ môi trường sống và quyền được sống, tính hợp pháp của họ trong hành động phòng vệ chính đáng trước các lực lượng đàn áp của chính quyền càng vươn lên bao nhiêu, nỗi sợ hãi của giới quan chức chính quyền, công an cùng công cụ cảnh sát, an ninh càng run rẩy bấy nhiêu.
Nhưng phía trước người dân Mỹ Thọ - Mỹ An vẫn còn nhiều việc phải làm và phải kiên tâm tranh đấu.
Hãy đừng bao giờ quên những bài học đau đớn trong lịch sử. Thọ Ngọc, Thanh Hóa năm 1989 và Quỳnh Phụ, Thái Bình năm 1997 - những cuộc “khởi nghĩa” của người nông dân cũng bước đầu giành thắng lợi, nhưng sau đó không lâu đã bị những đòn chơi bẩn của chính quyền và công an nhấn chìm trong lao tù.
Thông thường, công an sẽ chờ vài ba tháng sau vụ việc để xoa dịu sự phẫn nộ dân chúng và khiến bầu không khí lắng lại, rồi tổ chức khởi tố vụ án, khởi tố bị can, kể cả “bắt nguội”. Kinh nghiệm xương máu đã là quá nhiều ở Dương Nội, Văn Giang, Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Tĩnh, Bình Thuận… và nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ. Gần đây nhất là Đồng Tâm.
Nhưng sau một năm bền bỉ và quật cường tranh đấu, người dân Đồng Tâm vừa giành được thắng lợi thứ hai: đầu tháng Tư năm 2018, Tiểu đoàn 31 - một đơn vị quân đội được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ quản lý đất quốc phòng ở khu vực Đồng Sênh, đã triển khai lực lượng đào hào xây tường rào dọc theo mốc giới cũ phân chia đất quốc phòng (sân bay Miếu Môn) và đất nông nghiệp của Đồng Tâm (đồng Sênh) - theo đúng nguyện vọng và cũng là một yêu sách của người dân Đồng Tâm.
Động tác “đào hào xây tường” trên - dù mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ yêu sách của phong trào Đồng Tâm - nhưng mang một ý nghĩa rất quan trọng: sau một thời gian dài tổ chức chiến dịch tấn công phong trào Đồng Tâm trên nhiều mặt cùng nhiều thủ đoạn nhưng không những không mang lại kết quả khả dĩ nào mà còn bị thất bại cùng quá nhiều tai tiếng, thậm chí một số quan chức quân đội và công an còn phải chịu nguy cơ bị tống vào “lò” của Nguyễn Phú Trọng trong bối cảnh dầu sôi lửa bỏng trong nội bộ đảng năm 2018, giới quan chức Bộ Quốc phòng, Cơ quan điều tra hình sự thuộc bộ này và Viettel (Tập đoàn Viễn thông quân đội, doanh nghiệp hưởng lợi trực tiếp nếu “đánh chiếm” thành công 59 ha đất Đồng Sênh của xã Đồng Tâm) đã phải “buông” một phần mục tiêu “chiếm đất”, phải thừa nhận phần đất “tranh chấp” là của người dân Đồng Tâm chứ không phải của phía quân đội như đã từng nhận vơ.
Động tác “đào hào xây tường” trên cũng là một bằng chứng trực tiếp phủ nhận hoàn toàn quan điểm “toàn bộ là đất quốc phòng, không có đất nông nghiệp” của Thanh tra Hà Nội - được chỉ đạo bởi Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố Hà Nội và cũng là “chính khách cộng sản” đã trở mặt với nhân dân Đồng Tâm dù đã phải ký sống và lăn tay vào bản cam kết với Đồng Tâm vào tháng Tư năm 2017.
P.C.D.
Bài đã đăng trên Cali Today News.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét