Thứ Tư, 18 tháng 4, 2018

20180418. PHẢN ỨNG VỀ DỰ LUẬT THUẾ TÀI SẢN

ĐIỂM BÁO MẠNG
VIỆT NAM ĐỈNH RỒI, CÓ CẦN HỎI Ý DÂN NỮA KHÔNG ?
XUÂN DƯƠNG/ GDVN 18-4-2018

Số liệu kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước năm 2016 (ảnh: Vietnamnet.vn)
Nói Việt Nam “đỉnh rồi” bởi các nước giàu có người ta đều thu thuế tài sản nên Việt Nam cũng phải thu.
Các nước giàu có như Mỹ, Anh, Nhật, Hàn,… đều thu thuế tài sản thì có lý gì Việt Nam lại không thu?
Đem Việt Nam so với các “đỉnh” của thế giới có phải là Việt Nam cũng … “đỉnh rồi” hay chỉ là kiểu suy nghĩ “gần” mà có người nói theo tiếng Tàu là “thiển cận”?
Hễ nói đến thu thì viện dẫn các nước thế này, thế nọ, chẳng hạn giá điện thu lũy tiến do các nước đều thế, còn khi nói đến tăng lương thì bảo ngân sách còn hạn chế nên phải từ từ.
Cứ mỗi lần tăng lương là các thứ chi phí tăng theo kiểu “lấy mỡ nó rán nó”.  
Biện minh cho kiểu suy nghĩ “gần”, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính - cho rằng:
Sao lại gọi là tận thu, dưới 1 tỷ không đánh thuế, nhà gần như không bị đánh thuế, thuế suất thì thấp so với các nước trong khu vực. Như thế nào gọi là tận thu?”.
Thật ra nói nhìn gần là hơi oan cho Bộ Tài chính, trong dự thảo sự “nhìn xa” của bộ này nhiều người không để ý, đó là Quốc hội đã thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo đó giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20% xuống còn từ 15% - 17%.
Giảm thuế doanh nghiệp tức là giảm thu ngân sách, vậy nên để “bù giảm” thì phải có khoản thay thế?
Có phải là “nước chảy chỗ trũng” không khi giảm thuế doanh nghiệp là có lợi cho giới chủ, tức là người giàu, bù lại bằng cách đánh thuế cả người giàu lẫn nghèo, mà người nghèo lại chiếm đại bộ phận dân chúng?   
Theo dự thảo có hai phương án thuế nhà ở là 0,3% hoặc 0,4% giá trị căn nhà, kèm hai phương án thu thuế với nhà trên 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỷ đồng.
Tổ hợp các phương án, Bộ Tài chính dự kiến bốn con số mà ngân sách sẽ tăng thêm: 22.700 - 23.300 - 30.300 - 31.000 tỷ đồng, quy đổi với giá thị trường ngày 16/4/2018 (1 USD tương đương 22.800 đồng) thì ngân sách sẽ có thêm khoảng từ 1 - 1,4 tỷ đô la Mỹ.
Hãy thử tính toán số tiền mà người dân có thể sẽ phải nộp so với đóng góp của các doanh nghiệp nhà nước (doanh nghiệp nhà nước).
Báo cáo của Chính phủ về tình hình tài chính của doanh nghiệp nhà nước năm 2016 cho thấy: cả nước có 583 doanh nghiệp nhà nước sở hữu tổng tài sản hơn 3 triệu tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp này là 139.000 tỷ đồng. [1]
Theo quy định từ 1/1/2016 tất cả doanh nghiệp đều chịu chung mức thuế 20%, vậy thực chất lãi mà toàn bộ doanh nghiệp nhà nước nộp ngân sách sẽ chỉ là 111.200 tỷ đồng.
Dễ dàng tính ra số tiền thuế tài sản thu từ dân (nếu luật được thông qua) sẽ bằng từ 20,4% đến 28% tổng thu từ các doanh nghiệp nhà nước!
Một bài viết trên Thanhnien.vn cho thấy, khoản thu thuế tài sản năm 2017 là 1.800 tỷ đồng (thuế nhà ở chưa thu), nếu tận thu được khoản thuế tài sản như đề xuất của Bộ Tài chính, ngân sách sẽ có thêm từ 22.700 đến 31.000 tỷ đồng, tăng so với 2017 lần lượt là 20.900 đến 29.200 tỷ đồng so với số tiền thu từ thuế tài sản hiện nay.
Chỉ cần ban hành sắc thuế mới, khoản thu ngân sách sẽ tăng từ 1.200% đến 1.700% so với cách thu hiện nay mà chẳng cần đến tăng năng suất và phát triển sản xuất, nói thế liệu có thiếu chính xác? [2]
Nếu được thông qua, Luật thuế mới sẽ tác động thế nào đến toàn xã hội?
Đối với người làm chính sách
Liên quan đến một ngôi nhà có những loại thuế nào?
Đất xây nhà - thuế; Xây nhà - thuế; Mua nhà - thuế; Ở nhà mình -  thuế; Bán nhà - thuế;…
Liệt kê một tí đã có 5 sắc thuế liên quan đến một căn nhà ở của người Việt, nếu “tính đúng, tính đủ” thì còn nhiều loại thuế, phí khác, liệu đây có phải là thuế chồng thuế?
Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trước lúc lâm chung căn dặn vua Trần Anh Tông:
Nay lúc bình thời, phải khoan thư sức dân, làm kế sâu rễ, bền gốc, ấy là thượng sách để giữ nước”.
Lịch sử nhân loại cho thấy triều đại nào làm được điều đó thì thịnh, ngược lại thì suy, nếu những người ngồi lo chính sách chỉ nghĩ đến thành tích của nhiệm kỳ mà quên đi “kế sâu rễ, bền gốc” thì đó là công hay tội?
Nỗi lo lớn nhất của các gia đình người Việt ngày nay chính là nhà ở, không “an cư” thì làm sao “lạc nghiệp”? Làm lòng dân bất an có phải là cách trị quốc văn minh?
Đối với ngành thuế
Một tài liệu do Ban Phân tích Doanh nghiệp của Ngân hàng Thế giới công bố cho thấy khoản “quà biếu” mà doanh nghiệp phải trao cho cán bộ thuế chiếm tỷ lệ như sau:
Các doanh nghiệp Nam Phi - 3,13%; Việt Nam - 33,68 %; Trung Quốc - gần 39%; Philippines và Thái Lan vào khoảng hơn 22%. [3]
Nếu không có khoản lót tay này, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam chẳng cần giảm thuế từ 20% xuống 15-17% làm gì và ngân sách không thất thu một khoản lớn đến mức phải đánh thuế người nghèo.
Thêm đối tượng phải đóng thuế thì phải thêm người thu thuế, liệu tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp có như căn bệnh truyền nhiễm, lây lan sang cả các hộ gia đình?
Đối với người dân
Một điều khá lạ là diện tích đất tính thuế, theo dự thảo:
“Diện tích đất tính thuế (căn hộ để ở) = diện tích nhà x hệ số (0,2);
Diện tích đất tính thuế (căn hộ kết hợp ở và kinh doanh -shophouse) = diện tích nhà x hệ số (0,3)”.
Giả sử trên một mảnh đất rộng 1.200 m2, xây chung cư cao 30 tầng, mỗi căn hộ để ở rộng 100 m2, trừ đi 200 m2 cầu thang, hành lang thì số căn hộ sẽ là 300.
Nếu nhân hệ số 0,2 thì diện tích “đất” tính thuế sẽ là 100x0,2x300 = 6.000 m2trong khi thực tế quỹ đất chỉ tốn 1.200 m2. Tại sao không lấy 1.200 m2 chia đều cho 300 căn hộ?
Liệu Bộ Tài chính có nên thay thế khái niệm “đất” bằng khái niệm “sàn” để tránh những hệ lụy khi người dân ở chung cư không có “đất”?
Với một nhóm cư dân khá đông đảo là người nghỉ hưu - chẳng hạn giáo viên mầm non, tiểu học, lao công,… lương hưu còn phải được bù thêm cho bằng lương cơ bản, ngôi nhà của họ do cha ông để lại, họ lấy đâu tiền để nộp thuế?
Nếu họ không nộp thuế có bị phạt tù vì vi phạm luật?
Theo Ngân hàng Thế giới, hiện vẫn còn tồn tại khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân tộc thiểu số và nhóm đa số tại Việt Nam, nhóm thiểu số chỉ chiếm 15% dân số nhưng chiếm 50% số người nghèo. [4]
Lấy gì đảm bảo sắc thuế mới không tác động tới nhóm cư dân này khi luật chỉ quan tâm đến giá trị tài sản mà không chú ý đến nguồn thu của chủ sở hữu?
Liệu các ngôi nhà sàn trị giá vài tỷ đồng của đồng bào dân tộc có phải là đối tượng chịu thuế?
Đối với nhà nước
Thuế là khoản thu chính của ngân sách, điều này dân chúng đều biết, đóng thuế là nghĩa vụ của công dân, điều này mọi công dân đều hiểu.
Vấn đề là theo chiều ngược lại, tiền thuế của dân được sử dụng như thế nào thì dân có được nhà nước công khai, minh bạch?
Tất nhiên, ở quốc gia nào cũng thế, có một vài khoản chi có thể không công bố ngay.
Tuy nhiên khoản chi từ ngân sách nhà nước cho các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức hội đoàn nghề nghiệp như Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Liên đoàn bóng đá, Hội nhà báo,… mỗi năm lên đến 14 nghìn tỷ đồng [5] liệu có sự đồng ý của dân?
Việc chia nhỏ các đơn vị hành chính khiến tiền trả lương cho đội ngũ cán bộ, công chức tăng vọt, khiến phải chi khá nhiều tiền cho việc xây trụ sở mua sắm xe cộ, thiết bị,… có phù hợp ý dân?
Một nhà nước minh bạch nghĩa là dân có quyền được biết tiền mình nộp được sử dụng thế nào.
Khi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước kinh doanh thua lỗ thì nhà nước phải lấy “tiền túi” bù lỗ chứ không thể lấy tiền thuế của dân.
Thiết nghĩ, chủ trương của Bộ Tài chính động chạm đến toàn dân thì cần phải trưng cầu ý dân. Luật Trưng cầu ý dân đã có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016 có nên đem ra sử dụng?
Cũng may là chúng ta còn có thời gian để bàn thảo, góp ý thêm cho sắc thuế này, theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khi trả lời tờ Tuổi trẻ hôm 17/4 thì sắc thuế trên chưa có trong kế hoạch xây dựng luật của Quốc hội cho đến hết năm 2019. [6]
Tài liệu tham khảo:
[1]http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/doanh-nghiep-nha-nuoc-tai-san-3-trieu-ty-no-1-5-trieu-ty-406264.html
[2] https://thanhnien.vn/thoi-su/ap-luat-thue-tai-san-thu-ngan-sach-tu-nha-dat-tang-toi-1700-953065.html
[3]https://www.fsppm.fuv.edu.vn/cache/MPP2019-513-R10.3V-Cai-cach-thue-o-VN_Huong-toi-mot-he-thong-hieu-qua-&-cong-bang-hon,-2011,-Ch.-2--World-Bank-(V)-2018-02-10-15070115.pdf
[4]http://www.worldbank.org/vi/news/press-release/2016/02/23/new-report-lays-out-path-for-vietnam-to-reach-upper-middle-income-status-in-20-years
[5]http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/bo-bien-che-de-giam-ganh-nang-11-trieu-nguoi-an-luong-309270.html
[6] https://tuoitre.vn/chua-xem-xet-luat-thue-tai-san-nha-o-to-den-het-2019-20180417143909348.htm
Xuân Dương
MẤY LỜI VỀ CHÍNH SÁCH THUẾ ĐÁNH LÊN TÀI SẢN
QUỲNH ANH */ NĐT 16-4-2018
Tổng quan về thuế
Những tranh luận về thuế là một trong những tranh luận gây chia rẽ sâu sắc kể cả trong chốn nghị trường cũng như ở đời sống thường ngày. Sở dĩ, có sự chia rẽ như vậy vì các bên trong tranh luận thường có lợi ích trái ngược nhau trong việc thực thi các sắc thuế hay phân phối lợi ích từ thuế.
Đơn cử, ở góc độ thu thuế, người nộp thuế thì muốn giảm thiểu số thuế phải nộp trong khi đa số (không phải tất cả) cơ quan thuế thì muốn thu càng nhiều càng tốt. Ở góc độ chi tiêu tiền thuế, người nộp thuế muốn tăng tính minh bạch, các bộ phận hoạch định ngân sách có xu thế né trách nhiệm giải trình.

Khi thực thi một sắc thuế, người ta sẽ có những thứ tự ưu tiên nhất định tuỳ thuộc vào bối cảnh kinh tế - xã hội. Ảnh minh hoạ: Zing

Khi đưa ra các sắc thuế, các cơ quan hữu quan thường dựa trên ba chức năng của thuế: tái phân phối thu nhập để giảm bất công bằng, điều tiết tiêu dùng, tạo nguồn thu cho ngân sách.
Có người sẽ đặt câu hỏi: tại sao lại phải tái phân phối thu nhập? Câu trả lời là: do trong xã hội luôn có sự bất bình đẳng (một cách tương đối) trong thu nhập, người ta kỳ vọng rằng nhờ chính sách thuế sẽ làm giảm sự bất bình đẳng này thông qua việc dùng tiền thuế để đầu tư các dịch vụ công và giảm chi phí tiếp cận các dịch vụ này đối với người nghèo dẫn tới làm tăng tổng phúc lợi xã hội.
Chức năng thứ hai được hình thành dựa trên giả định con người phản ứng đối với các khuyến khích. Khi không muốn người tiêu dùng sử dụng những loại hàng hoá có ngoại tác tiêu cực, chính phủ đánh thuế lên hàng hoá đó làm giá của nó tăng cao và lượng cầu hàng hoá đó giảm xuống.
Chức năng thứ ba gần như là hiển nhiên cho các chính quyền hiện nay. Nguyên lý quản lý hiện đại cho rằng: chính phủ chỉ nên thực hiện những việc mà thị trường không làm tốt. Dựa trên nguyên lý này thì chính phủ sẽ không tham gia kinh doanh vì thị trường làm rất tốt việc này. Nhưng nghịch lý là, nếu không tham gia kinh doanh thì không có nguồn thu, trong khi chính phủ vẫn phải chi tiêu cho sự tồn tại của bộ máy hành chính, cung cấp hàng hoá công và nhiều dịch vụ công khác. Giải pháp cho vấn đề này chính là chính phủ sẽ thu thuế như nguồn tài chính để duy trì các chức năng của mình và đổi lại chính phủ sẽ tạo ra những luật chơi để đảm bảo thị trường hoạt động hiệu quả.
Tuy nhiên, phải nhấn mạnh một điều: ba chức năng nói trên hiếm khi đồng hành cùng nhau trong một sắc thuế. Thông thường sẽ có một lý do lấn át các lý do còn lại. Chính vì thế, khi thực thi một sắc thuế, người ta sẽ có những thứ tự ưu tiên nhất định tuỳ thuộc vào bối cảnh kinh tế - xã hội. Như đã nói ở trên, việc đánh thuế thường gây chia rẽ, nên người hoạch định thường đưa ra những lý do nhằm ổn định tâm lý người dân, đặc biệt là những chính quyền theo đường lối dân túy.
Một chính sách thuế được gọi là tốt nếu như nó thoả mãn được các tiêu chí sau đây.
Đầu tiên, sắc thuế phải hiệu quả, có nghĩa là có cơ sở thuế rộng và thuế suất thấp. Cơ sở thuế rộng đảm bảo tính bền vững của nguồn thu trong khi thuế suất thấp làm giảm tổn thất xã hội, giảm động cơ trốn thuế.
Tiếp theo, sắc thuế phải đảm bảo sự công bằng cả theo chiều ngang và theo chiều dọc. Công bằng theo chiều ngang được hiểu là: hai cá thể có khả năng chi trả như nhau phải được đối xử về thuế như nhau. Công bằng theo chiều dọc có nghĩa là hai cá thể có khả năng chi trả khác nhau thì phải đối xử khác nhau trong nghĩa thực thi sắc thuế.
Hiển nhiên, chúng ta đều hiểu rằng ai có khả năng chi trả cao hơn thì sẽ phải đóng thuế nhiều hơn (một cách tương đối) thì mới gọi là công bằng. Cuối cùng, sắc thuế phải khả thi - chi phí hành thu phải nhỏ hơn doanh thu thuế.
Về đề xuất thu thuế nhà
Trước hết dựa vào lý thuyết tổng quan ở trên để phân tích động cơ chính của đề xuất dựa trên lý do nào. Việc sở hữu, tích lũy tài sản như xây nhà là việc nhà nước không cấm. Mặt khác việc tích lũy tài sản như vậy có tác động tích cực tới nền kinh tế vì thông qua hoạt động tích luỹ tài sản này lượng vốn trong nền kinh tế cũng gia tăng. Như vậy việc đánh thuế nhà đất không phải nhằm mục đích điều tiết tiêu dùng.
Vậy đề xuất đánh thuế này có giảm bất công bằng?
Theo ý kiến cá nhân của người viết, nếu chỉ đánh thuế lên nhà ở mà không đánh thuế lên tài sản khác, thì câu trả lời là không. Những lập luận dưới đây ủng hộ câu trả lời này. Giả sử một đại gia và một công chức cùng sở hữu nhà có giá trị như nhau. Do giá trị của ngôi nhà như nhau nên họ cùng phải nộp một số tiền thuế như nhau. Nhưng đối với vị công chức, tài sản lớn nhất của anh ta là căn nhà, trong khi đó vị đại gia còn có nhiều loại tài sản khác.
Nói cách khác, khả năng chi trả của đại gia cao hơn nhiều so với công chức. Điều này dẫn tới tỷ lệ thuế phải nộp so với khả năng chi trả của vị công chức cao hơn tỷ lệ này của anh đại gia. Trong thuật ngữ chuyên ngành, đây là sắc thuế có tính lũy thoái nên không đảm bảo giảm bất công bằng.
Loại trừ hai lý do trên, thì đề xuất này thiên về hướng thu thuế để bổ sung ngân sách. Đặt trong bối cảnh hiện nay, các hiệp định thương mại song phương và đa phương được ký kết và có hiệu lực, nguồn thu từ thuế ngoại thương giảm đáng kể trong khi chi ngân sách càng ngày càng gia tăng thì suy luận này là hợp lý.
Việc đánh thuế lên sở hữu nhà có khả thi?
Một khi, người nộp thuế ý thức được rằng khi họ nộp thuế nhà, chính quyền sử dụng tiền thuế đó để đầu tư cơ sở hạ tầng, cải tạo môi trường sống và gián tiếp làm giá bất động sản tăng lên, họ sẽ sẵn sàng nộp. Lúc đó chi phí tuân thủ sẽ thấp hơn trường hợp ngược lại.
Theo quan sát của người viết, trong bối cảnh người dân xây một cái chuồng gà cũng bị xử phạt, thì việc xác định chủ sở hữu, giá trị của một ngôi nhà không phải là việc khó. Điều đó cho thấy rằng việc né thuế (hợp pháp) đối với sắc thuế này là rất khó.
Với tâm lý chung “an cư lạc nghiệp”, thì cơ sở thuế của thuế đánh lên nhà ở rộng hơn so với thuế đánh lên các tài sản khác. Và đây là thuế hàng năm phải nộp, nên xét về khía cạnh ngân sách thì nó tương đối bền vững. Vấn đề ở đây là xác định ngưỡng chịu thuế là bao nhiêu, thuế suất ở mức nào, cấp nào được quyền thu và cấp nào được hưởng lợi từ tiền thuế này?
Như đã nói ở trên, lực lượng cán bộ ở địa phương nắm rõ tình hình xây dựng mua bán trao đổi bất động sản trên địa bàn của mình. Như vậy, nên để cho địa phương thu thuế này là tốt nhất. Nhưng để địa phương có động lực thu thuế thì họ phải được hưởng lợi từ nguồn thu này. Hơn thế nữa, việc tích lũy bất động sản là sử dụng nguồn lực của địa phương nên để cho địa phương được hưởng phần lớn số thu từ thuế đánh lên nhà ở là việc làm hợp lý.
Vậy ngưỡng chịu thuế là bao nhiêu? Nên để mỗi địa phương tự đặt ra ngưỡng chịu thuế và thuế suất hay là cào bằng trong cả nước? Để trả lời câu hỏi này, cần phải có điều tra cụ thể. Nhưng một cách định tính, chúng ta nên để các địa phương tự quyết ngưỡng chịu thuế và thuế suất.
Điều này đảm bảo mức thuế sẽ phù hợp với hoàn cảnh từng địa phương giúp khả năng hành thu tốt hơn. Ví dụ, ở vùng nông thôn, hầu hết các gia đình xây nhà giá trị thấp trong khi ở đô thị thường xây nhà giá trị cao hơn. Như vậy nếu cào bằng ngưỡng chịu thuế và thuế suất, có khả năng doanh thu thuế nhà ở các vùng nông thôn sẽ rất thấp (đôi khi không đủ bù chi phí hành thu) dẫn đến không khả thi.
Ở một khía cạnh khác, tính “hiện” của thuế nhà ở rất cao, tức người chịu thuế dễ dàng ước lượng được mức giảm của thu nhập khả dụng. Việc này bất lợi cho chính quyền nếu họ không có trách nhiệm giải trình. Để khuyến khích người dân tuân thủ sắc thuế này cần phải tăng tính minh bạch khi sử dụng nguồn thu từ thuế nhà. Một khi, người nộp thuế ý thức được rằng khi họ nộp thuế nhà, chính quyền sử dụng tiền thuế đó để đầu tư cơ sở hạ tầng, cải tạo môi trường sống và gián tiếp làm giá bất động sản tăng lên, họ sẽ sẵn sàng nộp. Lúc đó chi phí tuân thủ sẽ thấp hơn trường hợp ngược lại (thiếu minh bạch).
Nói tóm lại, việc thu thuế nhà ở là một trong các giải pháp giúp giảm căng thẳng của vấn đề ngân sách trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên để đề xuất này hiệu quả và khả thi nên để cho địa phương tự quyết ngưỡng chịu thuế và thuế suất và để nguồn thu này cho địa phương thay vì chuyển về trung ương.
Hơn thế nữa, chính quyền địa phương tăng cường tính minh bạch trong việc sử dụng tiền thuế này là một điều kiện để giảm chi phí tuân thủ của sắc thuế nêu trên.
*Quỳnh Anh (GV ĐH Mở TP HCM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét