Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2018

20180428. QUANH CHÍNH SÁCH NÂNG TUỔI HƯU VÀ SIM CHÍNH CHỦ

ĐIỂM BÁO MẠNG
NÂNG TUỔI HƯU VÀ CÂU CHUYỆN VỀ 'HỌC GIẢ' CỦA ÔNG BỘ TRƯỞNG  ĐÀO NGỌC DUNG

TRÚC GIANG/VNTB/ BVN 26-3-2018

Bảo hiểm xã hội Việt Nam ưu việt khi đóng ít nhưng hưởng nhiều (!?)

Thời Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, đã một lần Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội gửi tờ trình Chính phủ đề xuất sửa đổi Bộ Luật Lao động theo hướng tăng thêm tuổi lao động đến 62với nam, và 60 với nữ. Khi ấy Quốc hội đã không thông qua.

Nay thì đến đời Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, lại tiếp tục đề xuất kịch bản cũ về tăng tuổi nghỉ hưu cho nam là 62 và 60 với nữ. Lý do chung của tăng tuổi nghỉ hưu là tránh vỡ quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH).

Theo nhiều chuyên gia tài chính thì điểm chung nữa của chuyện 2 đời bộ trưởng đều trung thành với đề xuất tăng tuổi hưu, có thể là từ khả năng quản trị còn nhiều hạn chế của người đứng đầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền. 
Ảnh: báo Điện tử Chính phủ

Trình bày đề án cải cách BHXH hôm 23-4 trước Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đưa ra những con số thống kê rằng tính đến cuối năm 2017, cả nước có 13,6 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 5,67% so với năm 2016.

“Trên thế giới hiện không có nước nào chính sách BHXH lại thông thoáng như Việt Nam. Đó là đóng ít nhưng hưởng nhiều, đóng thời gian ngắn nhưng lại hưởng dài, ngoài hưởng phần mình đóng lại còn hưởng thêm phần nhà nước hỗ trợ. Rồi người lao động đóng BHXH xin rút một lần, đến một thời gian sau có việc mới lại đóng và lại xin rút một lần”... - Bộ trưởng Dung trình bày.
[http://bit.ly/2Fa6GUV]

Tuy nhiên Bộ trưởng Dung không lý giải được vì sao với ưu việt của “đóng ít hưởng nhiều”, nhưng người lao động và người sử dụng lao động vẫn không mặn mà chuyện tham gia BHXH bắt buộc này?

Con số báo cáo của Bộ trưởng Dung thì hiện có khoảng 230.000 doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động. Tuy nhiên, phía cơ quan thuế (Bộ Tài chính) lại đưa ra con số cả nước có tới 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Như vậy vẫn còn trên 300.000 doanh nghiệp chưa tham gia BHXH bắt buộc. Nếu quả tình đúng như lời của Bộ trưởng Dung “đóng ít nhưng hưởng nhiều, đóng thời gian ngắn nhưng lại hưởng dài”, thì chắc chắn người lao động sẽ biểu tình đình công nếu như chủ sử dụng lao động cố tình trốn tránh khoản BHXH bắt buộc này.

Nhà chức trách công hãy tạo ra thật nhiều việc làm

PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện, phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế - Luật, nói rằng đúng là có những nước đã thành công trong việc bảo vệ Quỹ BHXH nhờ biện pháp kéo dài tuổi lao động. Có nước thậm chí không đặt ra độ tuổi hưu trí bắt buộc, như Úc, đến một độ tuổi nào đó do luật ấn định, người lao động có quyền nghỉ ngơi và hưởng lương hưu; nếu không thích nghỉ thì cứ tiếp tục làm việc bình thường. Quỹ BHXH không chịu áp lực lớn do việc chi trả lương hưu và luôn dồi dào, từ đó có điều kiện bảo đảm cho người thụ hưởng những phúc lợi tốt nhất có thể.

“Tuy nhiên, hầu hết những nước ấn định tuổi hưu trí cao đều có một điểm chung là dân số không đông và có nhiều việc làm. Việt Nam hiện đang thiếu cả 2 yếu tố đó. Cứ hình dung: Việc kéo dài độ tuổi lao động thì tất yếu sẽ dẫn đến sự phổ biến tình trạng một người giữ một vị trí vị làm trong khoảng thời gian dài hơn. Người lao động trẻ buộc phải tìm một việc làm khác và nếu không tìm được thì sẽ lâm vào cảnh thất nghiệp”. PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện phân tích.

Vấn đề chính ở đây, Quỹ BHXH được tạo ra là để bảo đảm cho những người tham gia sự chăm sóc vật chất cần thiết, đặc biệt là bảo đảm điều kiện sinh sống bình thường trong trường hợp không còn đủ sức lao động để tạo thu nhập. Mặt khác, vấn đề đối với nhà chức trách công - người chịu trách nhiệm tổ chức vận hành quỹ - là làm thế nào để nguồn quỹ luôn được dồi dào. Điều chắc chắn là càng có nhiều người có việc làm thì càng có nhiều thành viên tham gia đóng góp vào Quỹ BHXH.

Quỹ BHXH đang bị thất thoát!!

“Suy cho cùng, để giải quyết vấn đề bảo đảm nguồn thu cho quỹ BHXH, đồng thời vẫn thực hiện được mục tiêu đề ra đối với quỹ này, cách tốt nhất và bền vững nhất là tạo ra thật nhiều việc làm chứ không phải là tăng tuổi hưu. Nói cách khác, cần có chính sách và biện pháp thích hợp nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho việc đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh; kích thích nhu cầu sử dụng lao động trong các khu vực, ngành nghề. Trách nhiệm chính trong việc xây dựng, thực hiện những chính sách, biện pháp ấy thuộc về nhà chức trách công.

Bên cạnh đó, cần xây dựng khung pháp lý chặt chẽ cho việc thực hiện nghĩa vụ đóng góp vào Quỹ BHXH của người sử dụng lao động, của doanh nghiệp. Đặc biệt, phải có biện pháp chế tài mạnh và nghiêm khắc đối với các trường hợp trốn tránh nộp phí bảo hiểm, nợ phí bảo hiểm dây dưa. Nếu hệ thống luật pháp hoàn chỉnh và hữu hiệu, lại vừa có nhiều việc làm, đồng thời tuổi lao động được kéo dài thì tất nhiên Quỹ BHXH sẽ thu được nhiều nhưng lại chi ít, do đó sẽ luôn có điều kiện nảy nở, tăng trưởng và lớn mạnh; xã hội sẽ được hưởng lợi”. PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện, biện giải.

Quá tầm cho nhà chức trách công Đào Ngọc Dung?

Người viết tin rằng những vấn đề mà PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện đặt ra, đều quá tầm xử lý của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. Lý do: ông Đào Ngọc Dung không được học hành tử tế, từng bị bắt quả tang quay cóp trong kỳ thi tuyển sinh sau đại học tại Học viện Hành chính Quốc gia. [http://bit.ly/2FcOA4B] Tuy nhiên sau đó vụ việc này lại được ‘đổ thừa’ giám thị “nặng tay” vì “thí sinh Đào Ngọc Dung có sử dụng giấy nháp không có chữ ký của giám thị phòng thi, tờ giấy nháp phẳng, không bị gấp” - có nghĩa đây không phải là ‘phao’.

Sau đó, Ban Chấp hành TƯ Đảng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách và phân công công tác khác đối với ông Đào Ngọc Dung, Uỷ viên TƯ Đảng, Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn. [http://bit.ly/2HQBwai] Tháng 12 năm 2006, ông Dung được Bộ Chính trị chuyển về công tác tại Ban Cán sự Đảng Ngoài nước và giữ chức Bí thư, Trưởng ban. Ông Dung vẫn tiếp tục là Ủy viên Trung ương Đảng.

Trên cổng thông tin điện tử Chính phủ, phần giới thiệu lý lịch Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho thấy dường như ông không theo học hệ đào tạo tập trung chính quy của trường đại học nào, vì từ năm 18 tuổi (1980) đến năm 20 tuổi, ông Dung là cán bộ Huyện đoàn Lý Nhân, tỉnh Hà Nam Ninh.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đương nhiệm Đào Ngọc Dung

7 năm kế tiếp, ông lần lượt trải qua các chức vụ Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ huyện Đoàn Lý Nhân rồi Phó Bí thư Huyện đoàn, Phó Chủ tịch Ủy ban Thiếu niên nhi đồng huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam Ninh. Trước tuổi 30, ông Dung lần lượt ngồi vào ghế Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Trưởng ban Tổ chức - Kiểm tra Tỉnh đoàn Hà Nam Ninh rồi tỉnh Nam Hà (sau tách tỉnh), Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Hà khóa IV; Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Hà…

Với lý lịch chức vụ như vậy nên chắc hẳn ông không còn quỹ thời gian nào để có thể theo đuổi các chương trình đào tạo chính quy của trường đại học, mà chỉ có thể theo học hệ tại chức, hay còn gọi là hệ đào tạo vừa học vừa làm.

Tuy vậy có lẽ ông Dung tư chất thông minh, bởi theo đăng tải trên trang web của Chính phủ, trong bề bộn chức vụ của một nhà chức trách công, ông Đào Ngọc Dung vẫn kịp có học vị Thạc sỹ quản lý hành chính công, và Cử nhân lý luận chính trị. [http://bit.ly/2Hkztob]

T.G.
VNTB gửi BVN.

KHI KHÁCH HÀNG MUỐN 'DẮT' NHÀ MẠNG RA TÒA

HÒA TÂN/TBKTSG 27-4-2018

Mấy ngày qua khách hàng đổ dồn đến cập nhật thông tin theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP tại các cửa hàng của công ty viễn thông, các cửa hàng luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh: Thành Hoa.
(TBKTSG Online) - “Trong hợp đồng với nhà mạng, không có điều nào buộc chụp hình, hoặc bổ sung cái gì khi Chính phủ bổ sung quy định. Vậy thì ta kiện được”, một facebooker đã viết như vậy và hơn 2 tuần qua, trên mạng xã hội và các bình luận trên báo mạng, không ít người đòi “dắt” nhà mạng ra tòa.
Không ít facebooker lập luận có lý khi nói hợp đồng với nhà mạng là căn cứ pháp lý để có thể khởi kiện. Điển hình như hợp đồng với nhà mạng MobiFone không có bất cứ điều khoản nào ràng buộc rằng khi nào nhà mạng yêu cầu cung cấp thông tin bổ sung, thì khách hàng bắt buộc phải cung cấp, nếu không sẽ cắt. Hợp đồng cũng không có điều khoản nào quy định, khi Nhà nước có luật mới, Chính phủ có thêm quy định, là khách hàng buộc phải theo các yêu cầu của nhà mạng thực hiện các quy định bổ sung.
“Từ đây cho thấy, việc phải có ảnh chân dung bổ sung vào hồ sơ thuê bao là trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ chứ không phải trách nhiệm của khách hàng”, một facebooker viết.
Bằng các lập luận pháp lý từ chính các điều khoản theo hợp đồng mẫu của nhà mạng, không ít facebooker cho rằng khách hàng có quyền khởi kiện nhà mạng nếu nhà mạng tự động buộc khách hàng đến cửa hàng chụp ảnh bổ sung thông tin, mà lẽ ra nhà mạng phải đàm phán và tìm cách nào đó để có thông tin của khách hàng.
Thậm chí ngay cả cái gọi là sim “rác”, khách hàng cũng có thể kiện nhà mạng ra tòa nếu chủ sim “rác” chứng minh đó là số điện thoại của mình trước tòa án.
Có facebooker còn nói sẵn sàng kiện nếu bị cắt liên lạc, dù kiện không thắng cũng quyết làm cho doanh nghiệp “chừa cái thói làm ăn cửa quyền đi!”.
Facebooker có tên Huỳnh Tuấn K, viết: “Tôi cũng kiện ra tòa nếu cắt số của tôi, vì khi ra đăng ký sử dụng trả trước tôi đã cung cấp bản sao chứng minh nhân dân, các giấy tờ khác theo như nhà mạng yêu cầu, nay bắt tôi cung cấp thêm ngoài phạm vi hợp đồng là sao?”.
Một người có tên Đoàn đã bình luận trên một tờ báo mạng: “Hiện tại các điểm hỗ trợ của nhà mạng làm việc quá cứng nhắc. Các thuê bao đã đăng ký chính chủ. Có chứng minh nhân dân rồi thì bây giờ ra kiểm tra lẽ ra chỉ cần chụp thêm ảnh chân dung thôi để bổ sung là được, đằng này ra bắt ngồi ghi vào tờ khai như kiểu mất sim đi đăng ký lại, quá mất thời gian. Tôi sử dụng 5 sim. Trong đó 3 sim MobiFone và 2 sim Viettel. Mất 1 ngày mới làm được 2 sim. Trong khi kiểm tra thì chỉ thiếu ảnh chân dung. Bắt ngồi ghi ra 5 đến 10 số thường gọi hoặc nhắn tin của mỗi thuê bao không biết để làm gì?”.
Chuyện người dùng điện thoại di động dọa kiện các nhà mạng là có thật trên mạng xã hội 2 tuần nay trước cảnh chen chúc chụp ảnh chân dung cho nhà mạng, để lại quá nhiều bức xúc trong khách hàng.
Có người còn than phiền nhà mạng bắt buộc thuê bao phải nộp 20.000 đồng để chụp hình trong khi nhu cầu này không phải của các chủ thuê bao. Có người nghe theo hướng dẫn trên trang web của các nhà mạng, tải ứng dụng rồi úp hình cả buổi không được, lúc báo bận, lúc nâng cấp, lúc không hoạt động. Có khách hàng kể gửi hồ sơ online trên ứng dụng một nhà mạng mà 1 tuần vẫn trong trạng thái chờ duyệt. “Chắc là nhà mạng duyệt theo kiểu thủ công chăng”, facebooker này nói vui.
Cũng có không ít người cho biết ở Mỹ, Singapore, Malaysia người ta vẫn yêu cầu thông tin khi đăng ký sim điện thoại ban đầu, chỉ có điều ở Việt Nam ngay từ đầu không làm vậy, các nhà mạng đua nhau, tranh nhau phát triển thuê bao, nên bây giờ nhà mạng yêu cầu thì sẽ gây ra sự xáo trộn không ít.
Chiến dịch dọn dẹp sim “rác” mấy năm trước và nay là chụp ảnh chân dung, bổ sung thông tin đã làm khổ không ít khách hàng sử dụng điện thoại di động mà lỗi nào phải thuộc về khách hàng. Do vậy, chuyện khách hàng lôi hợp đồng ra và đòi “dắt” nhà mạng ra tòa cũng là điều dễ hiểu.

BƯỚC LÙI CỦA 'CHÍNH PHỦ KIẾN TẠO PHÁT TRIỂN'

ĐỖ THÀNH NHÂN /BVN 28-4-2018
Mở đầu

Số điện thoại 0913.470250 được hợp đồng thuê bao với Vinaphone từ những ngày mới có mạng điện thoại di động ở những vùng đô thị với 9 số ban đầu là 091470250; từ đó đến nay cũng chỉ duy nhất một chủ sử dụng liên tục, tính ra cũng đã hơn 20 năm.

Ngày 21/4/2018 nhận được thông báo (hình 1, nhập dấu tiếng Việt):

“(TB) Theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP của Chính Phủ thuê bao (TB) của quý khách (QK) cần bổ sung thông tin, ảnh chụp chân dung. Để đảm bảo TB tiếp tục hoạt động sau ngày 24/4/2018 theo quy định, kính mời QK mang CMTND hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đến cửa hàng VinaPhone (Mở cửa đến 21h00) hoặc qua kênh Online tại http://my.vinaphone.com.vn để bổ sung thông tin. Kiểm tra tình trạng thông tin TB: soạn TTTB gửi 1414. Để biết chi tiết và tìm cửa hàng VinaPhone gần nhất xin liện hệ 18001091 (0 d). Nếu QK đã thực hiện, vui lòng bỏ qua tin nhắn này. Trân trọng cảm ơn QK!”

Chủ thuê bao không thể bỏ số điện thoại đã gắn bó hơn 20 năm, nên đành phải vào website http://my.vinaphone.com.vn để cập nhật thông tin theo hướng dẫn và nhận được tin nhắn (hình 2, nhập dấu tiếng Việt):

“Thông tin của Qúy Khách đã được VinaPhone chuyển tới bộ phận phê duyệt. VinaPhone sẽ thông báo tới Qúy Khách kết quả phê duyệt trong thời gian sớm nhất. Trân trọng cảm ơn!”

Cập nhật xong thông tin, nhưng tình trạng quyền sở hữu, sử dụng tài sản của chủ thuê bao vẫn phải chờ “kết quả phê duyệt” của nhà mạng! Hệ lụy của Nghị định 49/2017/NĐ-CP sẽ dẫn đến nhiều vấn đề vĩ mô khác nữa, tôi xin được phân tích qua bài viết dưới đây.

Thứ nhất: lãng phí

Như giới thiệu ở phần “Mở đầu”, chọn phương án đơn giản là tự chụp ảnh CMND mặt trước, mặt sau; ảnh chân dung; cập nhật thông tin cá nhân, mục đích sử dụng, cam kết: làm đúng theo từng bước hướng dẫn, tổng thời gian 30 phút (nếu được nhà mạng phê duyệt).

Tạm tính cả nước có khoảng 110 triệu thuê bao điện thoại di động, giả sử tất cả các nhà mạng đều buộc phải đăng ký thông tin như Vinaphone.

Tổng thời gian mất đi nếu đăng ký online: 3,3 tỷ phút = 55 triệu giờ = 6.875.000 ngày công lao động (8 giờ). Bình quân ngày công là 200.000 đồng. Có nghĩa là xã hội phải chi ra số tiền lên đến 1.375 tỷ đồng.

Thực tế con số chi ra lớn hơn nhiều lần, bởi vì: (1) nhiều người phải đến trực tiếp nhà mạng để đăng ký lại thông tin, thêm thời gian, chi phí đi lại; (2) nhà mạng phải bố trí thêm nhân lực để phục vụ đăng ký lại; (3) nhà mạng phải đầu tư thiết bị và chương trình để xử lý một khối lượng dữ liệu hình ảnh 330 triệu file, dung lượng khoảng 110 TB (3 ảnh / 1MB).

Thứ hai: không phù hợp với tinh thần “Cách mạng 4.0” của “Chính phủ kiến tạo phát triển”

Thủ tướng luôn kêu gọi xây dựng một “Chính phủ kiến tạo phát triển” trong xu thế hội nhập với “cách mạng 4.0”. Theo tinh thần đó thì những chính sách vĩ mô Chính phủ ban hành sẽ chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển, giảm thiểu thủ tục hành chính, tối ưu hóa quản lý nhà nước và xã hội bằng công nghệ thông tin và mục đích cuối cùng là giảm thiểu chi phí xã hội.

Hiện nay, đi kèm với số CMND và ảnh chân dung từng người, chúng ta đã có ít nhất là 2 cơ sở dữ liệu (CSDL) bao phủ ở tầm quốc gia:

1. CSDL Chứng minh nhân dân / Thẻ căn cước do cơ quan công an lưu giữ. Tất cả mọi người từ 14 tuổi trở lên phải có CMND và tối đa 15 năm phải đổi lại.

2. CSDL Giấy phép lái xe do Bộ Giao thông vận tải quản lý cho người từ 18 tuổi. Giấy phép lái xe hạng A1-A3 không thời hạn, nhưng hạng A4 trở lên có thời hạn từ 5 năm đến 10 năm phải đổi lại.

Chưa kể CSDL về Hộ chiếu cũng có hình ảnh, CMND và thời hạn đổi lại. CSDL người vi phạm pháp luật v.v…

Các Bộ Công an, Giao thông Vận tải, Thông tin Truyền thông đều thuộc quyền quản lý, điều hành của Chính phủ. Với công nghệ xử lý số liệu “big data” hiện nay, thì Bộ Thông tin Truyền thông là hoàn toàn có khả năng chia sẻ thông tin ảnh chân dung, nơi cư trú theo số CMND của chủ thuê bao điện thoại từ các Bộ Công an, Giao thông Vận tải vô cùng đơn giản, thời gian chương trình thực hiện chưa đầy 1 giây!

Thứ ba: không khả thi

Tôi không biết, mục đích của Thủ tướng khi ký Nghị định 49 buộc người sử dụng điện thoại chụp ảnh để làm gì? Nhưng khi ảnh chân dung gắn với thuê bao điện thoại thì Chính phủ phải ban hành thêm nhiều văn bản pháp luật nữa. Như: quy định thời gian tối đa phải đăng ký lại thuê bao; khi thay số CMND do chuyển vùng, đổi chỗ ở, thay nơi đăng ký hộ khẩu, thay đổi đối tượng sử dụng trong gia đình cũng phải đăng ký lại; trách nhiệm chủ thuê bao khi mất điện thoại (có sim) mà không báo với cơ quan chức năng v.v… Liệu Chính phủ có quản lý nổi biến động thông tin nhân thân của hàng trăm triệu chủ thuê bao điện thoại?!

Với một món hàng là sim điện thoại giá trị 50.000 đồng nhưng buộc hai bên mua bán phải thực hiện nhiều thủ tục: tạo lập hợp đồng, số hóa CMND, đăng ký hộ khẩu thường trú, chụp ảnh chân dung, về lâu dài là không khả thi. Người mua ngại thủ tục, người bán (nhà mạng) cạnh tranh với nhau và tất nhiên sẽ lách nhiều cách để bán được hàng. Và, thực tế điều đó đang diễn ra.
Liệu các doanh nghiệp viễn thông có bảo mật được CSDL khách hàng?, lấy gì bảo đảm là doanh nghiệp viễn thông không sử dụng thông tin khách hàng để làm lợi riêng? trước tình trạng luật pháp thiếu chế tài và chuẩn mực đạo đức kinh doanh ở mức thấp.

Với người cố tình vi phạm pháp luật thì sử dụng nhân thân của một người khác để đăng ký sim điện thoại cũng không phải là khó khăn; sim đã kích hoạt có tiền thì mua được.

Vĩ thanh

Như phân tích ở trên, Nghị định 49 đã tạo ra một sự lãng phí không đáng có, đi ngược lại xu thế phát triển, về lâu dài cũng không khả thi. Có lẽ Chính phủ nên cho dừng thực hiện để giảm bớt thiệt hại cho xã hội, phù hợp với tư duy “Chính phủ kiến tạo phát triển” và tiến trình của “Cách mạng 4.0”.

Nếu phải quản lý sim thì chỉ cần số CMND / căn cước là đủ; tình trạng sim rác, sim không chính chủ là do lỗi nhà mạng, nhưng lại bắt chủ thuê bao phải chịu là không bình đẳng. Với những chủ thuê bao liên tục trên 2 năm thì xác định nhân thân chủ thuê bao rất đơn giản, không nhất thiết phải tạo một áp lực lớn cho xã hội đến nỗi hàng triệu người chen lấn đăng ký cập nhật thông tin.

Điều quan trọng là Nghị định 49 tạo tiền lệ cho các ngành nghề, lĩnh vực khác buộc khách hàng phải đưa ảnh chân dung để quản lý, chẳng hạn như:

- Ngân hàng trước tình trạng mất tiền sẽ đề xuất khách hàng chụp ảnh chân dung đối chiếu mỗi lần giao dịch.

- Công an quản lý xe chính chủ sẽ đề xuất chủ xe dán ảnh chân dung vào giấy chứng nhận đăng ký xe.

- Bộ Tài nguyên môi trường sẽ đề xuất đưa ảnh của những người là chủ sử dụng đất in luôn trong sổ đỏ để tránh giao dịch lừa đảo.

- Giấy đăng ký kết hôn in luôn hình hai vợ chồng, cứ 5-10 năm đăng ký lại một lần để nhân viên khách sạn dễ quản lý! v.v…

Đ.T.N.
Tác giả gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét