Thứ Tư, 27 tháng 2, 2019

20190227. BÌNH LUẬN TRƯỚC THƯỢNG ĐỈNH MỸ-TRIỀU TẠI HÀ NỘI

ĐIỂM BÁO MẠNG
3 KHUYẾN NGHỊ ĐỂ THƯỢNG ĐỈNH MỸ-TRIỀU THÀNH CÔNG*

TS NGUYỄN CÔNG TRỤC/ GDVN 25-2-2019

Chủ tịch Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Donald Trump trong hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất tháng Sáu 2018, ảnh: AP.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 đang đến rất gần. Có thể nói, khắp nơi trên thế giới đang hồi hộp nghe ngóng, chờ đợi thời khắc quan trọng sẽ diễn ra như thế nào tại Việt Nam, cả về hình thức lẫn nội dung của cuộc hội ngộ lịch sử này. 
Hòa chung với không khí đó, chúng tôi muốn cùng bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chia sẻ góc nhìn về sự kiện quan trọng này.
Mỹ và Triều Tiên đều có thể tìm thấy ở Việt Nam bài học giá trị
Thời gian qua đã có nhiều ý kiến bình luân, lý giải về sự lựa chọn này. Chúng tôi cũng đã từng có bài chia sẻ, phân tích trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam. 
Trong đó, chúng tôi cũng đã từng thẳng thắn nêu rõ quan điểm của mình về nhận định một chiều của nhiều người cho rằng, đến Việt Nam sẽ là cơ hội để nhà lãnh đạo Triều Tiên học tập kinh nghiệm của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực về đối nội cũng như đối ngoại, theo quan điểm của phía Hoa Kỳ. 
Điển hình là phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đề xuất với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un: 
"Việc chúng ta hợp tác, chứ không phải giao chiến, là bằng chứng cho thấy khi một quốc gia quyết định xây dựng cho mình tương lai tươi sáng hơn với Mỹ, chúng tôi sẽ giữ đúng lời hứa của mình.
Tổng thống Donald Trump tin đất nước của ngài có thể tái tạo con đường của Việt Nam nếu ngài nắm bắt cơ hội này. Phép màu này có thể trở thành phép màu của ngài”. 
Theo quan điểm của chúng tôi, căn cứ vào những diễn biến của lịch sử thăng trầm trong quan hệ Việt - Mỹ, bài học được đúc kết có thể áp dụng thiết thực cho quan hệ Mỹ - Triều có lẽ không chỉ dành riêng cho Triều Tiên. 
Nói một cách song phẳng, bài học từ thực tế Việt Nam cũng dành cả cho Hoa Kỳ, với tư cách là một cường quốc, đã từng “làm mưa làm gió” kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh cho đến nay, nhưng lại gặp phải không ít khó khăn trở ngại, thậm chí nhiều khi phải gánh chịu những tổn thất nặng nề, làm suy giảm uy tín và vị thế của nước Mỹ cả về đối nội cũng như đối ngoại. 
Phải chăng chính vì thế mà trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ lần thứ 45, ngài Donald Trump đã phải ghi đậm dòng chữ "Make America Great Again” lên chiếc mũ nổi bật của mình như là một khẩu hiệu tranh cử  xuyên suốt để đánh gục các đối thủ ngang sức ngang tài?
Thiết nghĩ đó mới là lý do đầy đủ để những nhà lãnh đạo Mỹ-Triều có tiếng nói chung khi đưa ra quyết định lựa chọn Việt Nam làm điểm đến cho cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử lần thứ 2. 
Và nếu trên một tinh thần thật sự cầu thị, tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi, cuộc gặp lần này mới có thể đạt được những bước tiến tích cực và thiết thực, đáp ứng kỳ vọng của nhân loại nói chung, nhân dân hai nước Mỹ - Triều nói riêng.
Bình đẳng cùng có lợi mới tạo được đột phá trong đàm phán
Nếu đàm phán trên một tinh thần thật sự cầu thị, tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi, cuộc gặp lần này mới có thể đạt được những bước tiến tích cực và thiết thực, đáp ứng kỳ vọng của nhân loại.
Theo nhiều  nguồn tin khác nhau trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh lần 2, mặc dù cả Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đều không thể hiện dấu hiệu cho thấy họ muốn quay lại tình trạng đối đầu, nhưng để tránh việc đó xảy ra, các cuộc đàm phán sắp tới cần phải có sự tiến triển.
Vì vậy, các bên không thể chần chừ mãi được.  
Tuy nhiên, qua theo dõi diễn biến cục diện bán đảo Triều Tiên, chúng tôi cảm thấy còn có khoảng cách khá xa trong quan điểm, lập trường của hai bên trước khi gặp nhau. 
Tổng thống Mỹ cho biết, ông muốn Triều Tiên chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân nhưng không gây sức ép về thời gian biểu đối với Bình Nhưỡng trước cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 tại Hà Nội. 
Ông Donald Trump khẳng định, trong thời gian chờ đợi Triều Tiên tiến hành xong quá trình giải trừ hạt nhân, Mỹ sẽ vẫn duy trì các lệnh trừng phạt, vẫn duy trì quân lính và vũ khí chiến tranh, kể cả vũ khí hạt nhân, tại Hàn Quốc. 
Trong khi đó, Bình Nhưỡng lại mong muốn cải thiện quan hệ chính trị như được nêu trong Tuyên bố Singapore về mối quan hệ Mỹ-Triều mới. 
Hiện tại, Bình Nhưỡng đang mong muốn Washington ký tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên kéo dài hàng thập kỷ; đồng thời đề nghị chấm dứt các lệnh trừng phạt đang gây khó khăn cho đời sống của người dân Triều Tiên vô tội.
Các lệnh cấm vận này đang  gây tổn thất nặng nề lên nền kinh tế của đất nước Triều Tiên, một quốc gia đã và đang phải chịu những hậu quả nặng nề bởi cuộc chiến tranh từ 6 thập kỷ trước. 
Như vậy, có thể thấy rằng, mặc dù Triều Tiên và Mỹ đã đồng ý tổ chức hội đàm thượng đỉnh, nhưng hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong lộ trình cụ thể thực hiện phi hạt nhân hóa, xây dựng lòng tin và xây dựng thể chế hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. 
Chúng tôi cho rằng nếu những rào cản khó có thể vượt qua đó không được gỡ bỏ, thì kết quả của các cuộc gặp thượng đỉnh sẽ rất mong manh; có chăng cũng chỉ dừng lại ở những nguyên tắc chung chung, vô thưởng, vô phạt, chỉ có lợi cho những toan tính vụ lợi khác. 
Để những cuộc gặp thượng đỉnh có được những bước tiến tích cực, đáp ứng kỳ vọng của toàn thể nhân loại trong bối cảnh quốc tế đầy những biến động bất trắc hiện nay, thiết nghĩ những nhà đàm phán cần nhận diện một cách khách quan những nguyên nhân sâu xa của tình trạng căng thẳng đó để có cách giải quyết vấn đề tận gốc. 
3 khuyến nghị chính sách với đàm phán Mỹ - Triều
Theo chúng tôi, có lẽ có những nguyên nhân sau đây:
Thứ nhất: Vấn đề khiến dư luận hết sức quan ngại, thậm chí đang trở thành trọng tâm của các cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều đã, đang và sẽ diễn ra, đó là vấn đề “phi hạt nhân hóa” bán đảo Triều Tiên. 
Chúng tôi cũng hoàn toàn chia sẻ với những quan ngại đó. Tuy nhiên, thiết nghĩ chúng ta nên cùng nhau tìm hiểu xem lý do của tình trạng “hạt nhân hóa” này?
Lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng, để không bị chèn ép, ức hiếp dưới mọi hình thức, mọi cá thể, dù là cá nhân hay quốc gia, đều tìm mọi cách để tồn tại. Một trong những biện pháp để tự vệ, họ có quyền tự trang bị những loại vũ khí đủ để chống lại bất kỳ sự đe dọa nào. 
Những cuộc chạy đua vũ trang đã và đang tồn tại trên trái đất này đã chứng minh tính tất yếu của “quy luật đấu tranh sinh tồn” đó. 
Vì vậy, phải chăng trong hoàn cảnh phải “đấu tranh sinh tồn” trước những đe dọa bằng vũ lực, kể cả kho vũ khí hạt nhân đang tồn trữ ở phần phía Nam bán đảo Triều Tiên, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên buộc phải  trang bị cho họ thứ vũ khí tương tự?
Mặc dù để có được nó, người dân Triều Tiên phải “thắt lưng buộc bụng”, phải chịu đựng hy sinh, vượt qua mọi khó khăn gian khổ.
Để “phi hạt nhân hóa” bán đảo Triều Tiên một cách triệt để, có lẽ các quốc gia có liên quan, đặc biệt là các cường quốc hạt nhân, cần chủ động thực hiện những lộ trình thích hợp, có tính đến những mối quan tâm, lo lắng trước hoàn cảnh của các quốc gia nhỏ yếu trong mối tương quan sức mạnh quốc tế hiện nay.
Thứ hai, việc thể chế hòa bình trên bán đảo Triều Tiên qua 6-7 thập niên đến nay vẫn chưa được xây dựng, theo quan điểm của chúng tôi, không phải xuất phát từ ý chí của nhân dân 2 miền Nam Bắc Triều Tiên, mà xuất phát từ những nguyên nhân sâu xa khác. 
Chúng tôi đồng tình với nhận định rằng, giải quyết mâu thuẫn Trung-Mỹ và giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên có mối liên hệ chặt chẽ.
Tuy nhiên, điều cần nêu rõ là việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và duy trì trật tự hạt nhân Đông Bắc Á không thể tách rời sự phối hợp giữa các nước lớn. 
Theo đó, các siêu cường, trong đó có Trung Quốc, Mỹ, nên tiếp tục hỗ trợ chiến lược cho Triều Tiên, cố gắng để Triều Tiên đàm phán một cách bình đẳng, nhằm đảm bảo tính bền vững của cuộc đàm phán, cân bằng lợi ích của các bên, đảm bảo các bên đều có thể hưởng lợi. 
Nếu chỉ vì lợi ích chiến lược trong cuộc cạnh tranh địa - chính trị đang diễn ra, cả Trung Quốc, Mỹ và các cường quốc khác, đều phải gánh chịu trách nhiệm về sự tồn vong của nhân loại đang đứng trước thảm họa hủy diệt bởi cuộc chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra.
Thứ ba, Để biến những kỳ vọng nói trên trở thành hiện thực trong tương lai gần không phải là điều dễ dàng trong tình thế quốc tế hiện nay;
Tuy nhiên, nếu biết khai thác được những điểm tương đồng trong quan hệ địa- chính trị, địa- kinh tế giữa các quốc gia trong phạm vi toàn cầu, chúng tôi vẫn kỳ vọng vào những thành quả tích cực của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ- Triều lần thứ 2 sẽ diễn ra tại Hà Nội nay mai. 
Đặc biệt,chúng tôi tin rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên hiện tại có đủ bản lĩnh và trí tuệ để nhìn nhận, lựa chọn áp dụng đường lối đúng đắn, sao cho đất nước mình có thể vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để phát triển một cách độc lập, tự chủ và bình đẳng, không có sự can thiệp của bất kỳ ai, bất kỳ thế lực nào. 
Điều này mới là sự tương đồng giữa hai dân tộc Việt Nam và Triều Tiên. 
Bởi vì, cả hai dân tộc đều là tuyến đầu của cuộc cạnh tranh địa - chính trị trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh mà kết quả là sự chia cách 2 miền Nam Bắc diễn ra từ đầu những năm 50 của thế kỷ trước.
Vì vậy, cả hai dân tộc đều phải trải nghiệm qua nhiều thử thách của tình cảnh chia ly, phân cách và những cuộc chiến huynh đệ tương tàn, mà tàn dư của nó cho đến nay vẫn còn là những nỗi đau khôn nguôi trong lòng của mỗi một người dân của cả 2 dân tộc Việt – Triều. 
Tiêu đề bài viết do NTB đặt.
Tiến sĩ Trần Công Trục
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:
TRUMP VÀ KIM MUỐN GÌ Ở THƯỢNG ĐỈNH TẠI HÀ NỘI ?

VŨ NGỌC YÊN/ BVN 26-2-2019

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un vào ngày 27 và 28/02 tại Hà Nội. Đây là hội nghị thượng đỉnh nối tiếp hội nghị đầu tiên diễn ra vào tháng 6/2018 tại Singapore.
Theo chương trình, hai bên sẽ thương thảo về các biện pháp phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cũng như thiết lập mối quan hệ mới giữa Mỹ và Bắc Hàn. Dựa vào những tuyên bố tích cực của chính quyền hai nước trước ngày tổ chức, một số nhà phân tích đã suy đoán rằng hội nghị song phương lần này có thể sẽ đạt được kết quả thực chất, tái lập hoà bỉnh cho bán đảo Triều Tiên và Á châu.

Trump chờ đợi gì ở Kim?

Mục tiêu hàng đầu của Mỹ là phi hạt nhân hóa Triều Tiên một cách toàn diện. Trump đòi hỏi Bắc Hàn từ bỏ vũ khí nguyên tử và các hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục điạ ICBM có khả năng bắn tới Mỹ.
Trump muốn Bình Nhưỡng đưa ra một thời biểu phi hạt nhân hóa rõ ràng, cũng như có những biện pháp cụ thể cho hướng này, chẳng hạn Bắc Hàn trở lại Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, công khai toàn bộ chương trình hạt nhân và chấp nhận kiểm tra quốc tế. Về phía Mỹ, Trump khẳng định sẽ không xâm chiếm, lật đổ chế độ cộng sản Triều Tiên, cũng như dỡ bỏ một phần cấm vận và hỗ trợ các cải cách kinh tế cho Triều Tiên.
Dư luận cho rằng Tổng thống Trump dường như đang khao khát tìm một chiến thắng cho chính sách đối ngoại giúp ông tăng uy tín với cử tri trong nước, thuận lợi cho cuộc bầu cử tổng thống năm tới, nên ông sẵn sàng nhượng bộ, đáp ứng những nguyện vọng của Kim một khi Bắc Hàn cam kết huỷ bỏ một số cơ sở hạt nhân và tên lửa. Nhưng phát triển vũ khí hạt nhân là công cụ bảo tồn chế độ cộng sản độc tài nên Kim sẽ không dễ dàng thỏa mãn ước vọng của Trump.

Kim mong ước gì ở Trump?

Kim đòi hỏi Mỹ phải chứng thực lời nói bằng những hành động cụ thể, thay vì đưa ra những yêu cầu đơn phương, đi ngược lại thoả thuận đạt được trong hội nghị đầu tiên tại Singapore vào tháng 6/2018.
Kim muốn Mỹ phải bỏ toàn bộ cấm vận, ký kết hoà bình, chấm dứt tình trạng chiến tranh kéo dài từ năm 1953 trên bán đảo Triêu Tiên, rút quân khỏi Nam Hàn, nhìn nhận bang giao và viện trợ kinh tế…
Bỏ cấm vận và trợ giúp kinh tế rất quan trọng đối với Bắc Hàn. Chế độ đã chuyển hướng cải cách kinh tế sau vụ thử nghiệm hỏa tiễn đạn dạo xuyên lục địa vào tháng 11/2017. Kim cho rằng Bắc Hàn đã tuân thủ cam kết sau khi dẹp các khu thử nguyên tử và ngưng phóng hoả tiễn.
Bình Nhưỡng sẽ không bắt đầu tiến trình phi hạt nhân hóa chừng nào Mỹ chưa đồng ý nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế. Có Trung Cộng chống lưng và sở hữu nguyên tử Bắc Hàn không quá sợ trước những đe dọa của Mỹ.

Hội nghị sẽ đạt kết quả thực chất?

Vì phát triển vũ khí hạt nhân là công cụ bảo tồn chế độ cộng sản độc tài, nên không mấy ai tin Bắc Hàn sẽ từ bỏ kho vũ khí nguyên tử. Tuy nhiên Bắc Hàn sẽ nhượng bộ phần nào những đòi hỏi của Mỹ để làm Trump hài lòng, như cho phép giám sát viên của Cơ quan nguyên tử năng quốc tế đến Yongbyon, nhưng Triều Tiên sẽ không trở lại Hiệp ước Không phổ biến vũ khí nguyên tử mà nước này đã rút khỏi vào tháng 1.2003.
Tổng thống Trump dường như đang khao khát tìm một chiến thắng cho chính sách đối ngoại, giúp ông tăng uy tín với cử tri trong nước, thuận lợi cho cuộc bầu cử tổng thống năm tới nên ông sẵn sàng đáp ứng những nguyện vọng của Kim để Hội nghị thành công. Mỹ có thể nhượng bộ, dỡ bỏ một phần cấm vận song song với việc phi hạt nhân hóa và thay thế lệnh ngừng bắn năm 1953 tại Triều Tiên bằng một tuyên bố kết thúc chiến tranh.
Đây là tuyên bố biểu hiện thiện ý chí chính trị. Một Hiệp định hoà bình còn cần thởi gian thương thảo với nhiều tác nhân trong khu vực như Trung Cộng, Nhật Bản, Nam Hàn. Mỹ hỗ trợ các dự án kinh tế liên Hàn ở đặc khu kỹ nghệ Kaesong hoặc thúc đẩy chương trình du lịch vùng núi Kumgang ở Bắc Hàn. Mỹ đồng ý khởi đầu bình thường hóa ngoại giao qua việc hai bên sẽ thiết lập cơ quan đại diện liên lạc.

Tại sao họp ở Việt Nam?

Giới truyền thông cho rằng Trump và Kim đồng ý để Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị vì các lý do: Hà nội cách Bình nhưỡng 2.700km, Kim dễ dàng di chuyển đến Việt Nam. Việt Nam là nước cùng theo đuổi ý hệ cộng sản như Bắc Hàn, bảo đảm an ninh cho Kim, Việt Nam đã bình thường hóa bang giao với Mỹ và Trump đã đến Việt Nam.
Hơn nữa Trump muốn gửi tín hiệu tới Hàn Cộng qua cuộc gặp song phương tại Hà Nội là các quốc gia từng giao chiến có thể thiết lập bang giao với nhau, vẫn có thể duy trì chế độ độc tài cộng sản của mình mà không phải sợ Mỹ ép chuyển hóa qua dân chủ như trường hợp Cộng sản Việt Nam.
Tại Việt Nam, chính quyền Hà Nội khai thác, thổi phồng lý do Kim sẽ chính thức thăm Việt Nam trước ngày tổ chức Hội nghị là muốn tìm hiểu, nghiên cứu kinh nghiệm của Cộng sản Việt Nam, từ một nước theo nền kinh tế tập trung, đã chuyển đổi sang một nền kinh tế theo hướng thị trường, mà vẫn duy trì được chế độ độc đảng. Kim Jong-un sẽ là lãnh tụ đầu tiên đi thăm Việt Nam thống nhất kể từ chuyến đi năm 1964 (chuyến thứ hai) của ông Kim Nhật Thành (ông nội của Kim Jong-un).

Thái độ Trung Cộng, Nhật Bản và Nam Hàn đối với Hội nghị

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ chế độ Triều Tiên chống Mỹ và Nam Hàn, Trung Cộng đã tổn thất cao với hơn 400.000 người bị thương vong. Trung Cộng và Hàn cộng từng có mối bang giao mật thiết. Mao Trạch Đông đã từng ví von tình hữu nghị giữa hai nước như “môi và răng”. Môi hở răng sẽ lạnh.
Từ năm 1961 hai nước ký Hiệp định hữu nghị và hỗ tương. Bắc Kinh cam kết sẽ đoàn kết chiến đấu một khi Bắc Hàn bị tấn công. Nhưng từ khi Trung Cộng mở cửa cải cách kinh tế và hợp tác thương mại với Nam Hàn, Bắc Hàn chỉ trích giới lãnh đạo Bắc Kinh là thành phần “xét lại”. Mối quan hệ hai nước ngày càng phức tạp. Đối với Trung Cộng, Triều Tiên chỉ gây rắc rối và Trung Cộng không được lợi gì từ việc có một nước láng giềng hung hăng, được vũ trang hạt nhân và cực kỳ khó dự đoán.
Bắc Kinh biết Trump lợi dụng khủng hoảng Triều Tiên làm đòn bẩy trong cuộc tranh chấp địa chính trị với Trung Cộng. Trump chống Kim không phải Bắc Hàn có khả năng đe dọa an ninh Mỹ mà Kim thích hợp là con bài gây sức ép chống Bắc Kinh. Hiện tại Mỹ có khoảng 200.000 quân trú đóng ở hàng trăm căn cứ quân sự trên thế giới. Chỉ riêng tại Nhật, Mỹ bố trí 40.000 quân, đặt tổng hành dinh của Hạm đội Bảy và nhiểu chiến đấu cơ chỉ trong vài phút có thể bay tới Trung Cộng.
Tại Nam Hàn, Mỹ có 30.000 quân, thiết lập hai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối “THAAD”, mà Mỹ lấy cớ bảo vệ Nam Hàn, nhưng thực ra là nhằm vào các tên lửa của Trung Cộng.
Trung Cộng muốn bán đảo Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, nhưng không muốn chế độ của gia tộc Kim ở Bắc Hàn sụp đổ, gây ra những thảm cảnh hàng triệu người Triều Tiên chạy nạn vào Trung Cộng, cũng như không muốn thấy sự thống nhất bán đảo Triều Tiên tạo ra một nước Đại Hàn, đồng minh của Mỹ sát biên giới của mình. Vì vậy Trung Cộng một mặt muốn Mỹ - Bắc Hàn sớm đi tới thoả thuận phi hạt nhân hóa từng bước để kiềm chế tính hung hăng không kiểm soát của Bắc Hàn và mặt khác khuyến cáo Bắc Hàn không nên vội hữu hảo với Mỹ.
Nhật Bản và Nam Hàn, hai nước đồng minh của Mỹ đều hỗ trợ những nỗ lực phi hạt nhân hóa trên toàn bán đảo Triều Tiên. Đối với Nhật, vấn đề Triều Tiên liên hệ mật thiết đến sự ổn định chính trị và kinh tế. Nhật rất mong Mỹ và Bắc Hàn đạt nhiều tiến triển trong Hội nghị thượng đỉnh lần hai này tại Việt Nam.
Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in đặt hy vọng vào giải pháp ôn hoà cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Nam Hàn không muốn căng thẳng trong mối quan hệ với Trung Cộng. Chính quyền Nam Hàn nhiều lần khẳng định Nam Hàn không cho phép Mỹ lạm dụng các hệ thống THAAD chống Trung Cộng và Nam Hàn sẽ không tham dự một liên minh quân sự Mỹ - Nhật kiềm chế Trung Cộng.
Tổng thống Moon hứa, sẽ bằng mọi cách ngăn cản chiến tranh chống Bắc Hàn. Kim ngạch thương mại của Nam Hàn và Trung Cộng lớn hơn tổng số kim ngạch của Nam Hàn với hai nước Nhật - Mỹ. Tổng thống Nam Hàn theo đuổi một chính sách chuyển hóa qua tiếp cận với hy vọng Triều Tiên sớm cải cách chính trị và kinh tế, nhờ đó hai miền càng gắn bó hơn qua các mối liên kết giao thông và đầu tư.
Tổng thống Moon Jae-in đã gắn liền số phận chính trí của ông vào kế hoạch hoà bình và thống nhất đất nước từng bước không bạo lực. Hy vọng ông sẽ nhận được tín nhiệm của nhân dân trong cuộc bầu cử Tổng thống 2022 tại Nam Hàn.
V.N.Y.

Nguồn: https://baotiengdan.com/2019/02/23/trump-va-kim-muon-gi-o-thuong-dinh-tai-ha-noi/

THƯỢNG ĐỈNH TRUMP-KIM VÀ BÀI HỌC CỦA VIỆT NAM CHO TRIỀU TIÊN

LÊ HỒNG HIỆP/ NCQT 26-7-2019

Khi Kim Jong-un tới Hà Nội để dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tuần này, ông sẽ không chỉ tìm kiếm một thỏa thuận với Mỹ về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Rốt cuộc, một thỏa thuận như vậy sẽ chỉ là công cụ để Kim đưa Triều Tiên thoát khỏi sự cô lập và trừng phạt quốc tế để cải cách đất nước nghèo đói của mình, điều này sẽ giúp nhà lãnh đạo 35 tuổi duy trì sự cai trị của mình trong nhiều thập niên tới. Do đó, hội nghị lần này và chuyến thăm song phương tới Việt Nam mang đến cho Kim một trải nghiệm hiếm hoi về những gì có thể là một nguồn kinh nghiệm hữu ích cho các kế hoạch tương lai của ông nhằm cải cách đất nước.
Triều Tiên ngày nay mang nhiều nét tương đồng với Việt Nam trước khi mở cửa và áp dụng cải cách thị trường, còn gọi là chính sách Đổi mới, vào cuối những năm 1980. Trước đó, giống như  Triều Tiên ngày nay, Việt Nam là một nền kinh tế chỉ huy bị chi phối bởi các doanh nghiệp nhà nước yếu kém, phải đối mặt với tình trạng nghèo đói và kém phát triển rộng khắp do chi tiêu quá mức cho quốc phòng và các lệnh trừng phạt quốc tế nặng nề vì gửi quân vào Campuchia. Sau 30 năm cải cách, Việt Nam đã tăng quy mô nền kinh tế hơn 30 lần, trở thành một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới với tổng kim ngạch thương mại gấp đôi GDP và thoát khỏi tình trạng thu nhập thấp vào năm 2010.
Quan trọng hơn, mặc dù Việt Nam không bị cai trị bởi một cá nhân lãnh đạo tập quyền như Kim, nhưng hệ thống độc đảng do Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) thống trị phần lớn tương đồng với Bắc Triều Tiên, nơi Đảng Lao động Triều Tiên của Kim đang nắm quyền lực độc tôn. Những cải cách kinh tế trong ba thập niên qua đã củng cố sự cai trị của ĐCSVN bằng nhiều cách, trong đó có việc nâng cao tính chính danh cho Đảng ở trong nước lẫn quốc tế. Vì Kim Jong-un rất lo lắng cho an ninh của bản thân cũng như chế độ của mình, các bài học của ĐCSVN có thể được ông quan tâm.
Về đối ngoại, Việt Nam cũng từng là kẻ thù không đội trời chung với Hoa Kỳ, và mãi đến năm 1994, Washington mới dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế đối với Việt Nam để mở đường cho bình thường hóa quan hệ một năm sau đó. Kể từ đó, quan hệ song phương liên tục được củng cố đến mức hai nước gần như trở thành “bán đồng minh”. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất Việt Nam và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ mười một, trong khi Việt Nam đang trở thành thị trường xuất khẩu ngày càng thiết yếu đối với các công ty Mỹ và là đối tác quan trọng trong chiến lược an ninh khu vực của Washington.
Trong bối cảnh Kim Jong-un đang mong muốn cải thiện quan hệ với Mỹ và tiến hành cải cách kinh tế, Việt Nam là một mô hình hợp lý hơn so với Trung Quốc để Kim có thể tham khảo. Trung Quốc là một quốc gia rộng lớn với 1,5 tỷ dân, tạo cho Đảng Cộng sản Trung Quốc dư địa nhằm thực hiện một số chính sách mà các quốc gia nhỏ hơn nhiều như Triều Tiên và Việt Nam không thể có được. Quan trọng hơn, Triều Tiên sẽ không muốn tỏ ra phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc bằng cách áp dụng mô hình của nước này, vì một sự phụ thuộc như vậy không chỉ khiến Triều Tiên dễ bị tổn thương trong dài hạn mà còn cản trở nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Mỹ, nước ngày càng xem Trung Quốc như một mối đe dọa.
Theo nhiều cách, vấn đề hạt nhân đối với Triều Tiên cũng tương tự như vấn đề Campuchia đối với Việt Nam trong những năm 1980. Việt Nam đã phải trải qua những khó khăn rất lớn để giải quyết vấn đề Campuchia trước khi có thể thoát khỏi các lệnh trừng phạt quốc tế và đạt được những bước đột phá trong đàm phán bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Tương tự, Triều Tiên sẽ phải giải quyết vấn đề hạt nhân trước khi Washington có thể đưa ra những “phần thưởng” cho quốc gia này. Hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ hai có thể được coi như một bước đi tiếp theo mà Kim thực hiện để đạt được mục tiêu đó.
Với các lợi ích lớn mà hai bên đưa ra mặc cả, việc kỳ vọng vấn đề hạt nhân của Triều Tiên sẽ được giải quyết chỉ sau vài vòng đàm phán là không thực tế. Tuy nhiên, có những lý do để tin rằng hai bên sẽ cố gắng đạt được một số kết quả có ý nghĩa khi gặp nhau tại Hà Nội tuần này. Vì đây là hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai, họ muốn có một số kết quả cụ thể để cho thấy sự tiến bộ trong các cuộc đàm phán song phương. Kim cần một kết quả tích cực để thể hiện thiện chí của mình và tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán tiếp theo với Mỹ, trong khi Trump cần một phần thưởng để đóng góp vào bộ sưu tập di sản đối ngoại của mình, đồng thời củng cố vị thế trong nước trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Như vậy, một định nghĩa rõ ràng hơn về khái niệm “phi hạt nhân hóa” có thể là một trong những kết quả mà hai bên hướng tới. Hoặc hai bên có thể cố gắng đưa ra một tuyên bố chấm dứt chính thức Chiến tranh Triều Tiên, cuộc chiến mà về mặt kỹ thuật vẫn chưa kết thúc vì giao tranh chấm dứt vào năm 1953 theo một thỏa thuận đình chiến thay vì một hiệp ước hòa bình.
Bất kể hội nghị thượng đỉnh lần này mang lại kết quả ra sao, Kim vẫn có thể muốn quan tâm tới một bài học khác từ Việt Nam trong ứng xử với Hoa Kỳ. Một số lãnh đạo ĐCSVN từng rất lo ngại về ý định của Hoa Kỳ nhằm lật đổ chế độ của họ thông qua chính sách mà họ gọi là “diễn biến hòa bình”, một kế hoạch khuyến khích cải cách kinh tế và chính trị theo hướng tự do tại Việt Nam, điều cuối cùng sẽ làm xói mòn sự cai trị của ĐCSVN. Để làm dịu mối lo đó, Việt Nam đã nhất quyết đòi đưa vào bản tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác toàn diện song phương với Mỹ năm 2013 một cam kết rằng hai bên sẽ tôn trọng lợi ích chính trị của nhau, ngụ ý rằng Hoa Kỳ sẽ từ bỏ mọi nỗ lực nhằm lật đổ chế độ của ĐCSVN.
Triều Tiên có thể muốn đạt được một cam kết tương tự từ Mỹ ngay tại hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim lần thứ hai, ngay cả khi như trường hợp của Việt Nam cho thấy, việc lật đổ các chế độ như của Kim hay ĐCSVN không phải là lợi ích của Washington, đặc biệt là trong bối cảnh Đông Á . Lợi ích tối quan trọng của Washington bây giờ và trong nhiều thập niên tới chính là ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Giống như một Việt Nam ngày càng trở nên độc lập so với Trung Quốc kể từ sau Đổi Mới, một Triều Tiên cải cách mạnh mẽ và độc lập sẽ phục vụ cho lợi ích chiến lược của Mỹ tốt hơn nhiều so với một Triều Tiên nghèo đói và phụ thuộc vào Trung Quốc. Tuy nhiên, một cam kết như vậy sẽ giúp Kim tự tin hơn để buông bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình, và giúp Trump có cơ hội thể hiện sự chân thành trong đàm phán với Triều Tiên.
Một phiên bản của bài viết đã được đăng trên Vietnam Finance.
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

ẢNH HƯỞNG CỦA TRUNG QUỐC VỚI THƯỢNG ĐỈNH MỸ-TRIỀU

THANH BÌNH /GDVN 27-2-2019

Nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong-un (trái) nói chuyện với ông Tập Cận Bình ở Đại Liên, Trung Quốc nhân chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 5/2018. (Ảnh: AP)
Điều chưa chắc chắn là liệu trong dài hạn, Triều Tiên lựa chọn nghiêng về phía Trung Quốc hay Mỹ, hay sẽ vận dụng chiến lược ngoại giao nước bé theo truyền thống là khích nước này cạnh tranh nước kia.
Nhưng có một điều chắc chắn là Triều Tiên vẫn cần sự hỗ trợ của Trung Quốc để gia tăng ảnh hưởng đòn bẩy trong những cuộc đàm phán.
Động lực thúc đẩy quan hệ Trung-Triều
Mặc dù không đóng vai trò chính trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim nhưng nỗ lực và ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên trong tương lai là rất lớn.
Nếu cuộc gặp thượng đỉnh và hoạt động ngoại giao tiếp theo tỏ ra là một bước ngoặt trong tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên thì vai trò của Trung Quốc trong việc đạt được mục tiêu lịch sử này chắc chắn sẽ thay đổi.
Động lực chủ yếu thúc đẩy chính sách của Trung Quốc đối với Triều Tiên là các lợi ích kinh tế và an ninh.
Trên mặt trận kinh tế, mặc dù cán cân thương mại hai bên nghiêng về phía Triều Tiên, nhưng một thị trường khu vực cởi mở và ổn định vẫn có lợi cho Trung Quốc, đặc biệt là các tỉnh Đông Bắc.
Quyền tiếp cận cảng biển không bị đóng băng ở Rason, nơi có cảng Rajin, có thể rút ngắn các tuyến vận tải biển từ Trung Quốc đến Nhật Bản, các thành phố ở phía nam Trung Quốc và các nước khác ở Đông Nam Á.
Hàng hóa được vận chuyển qua Rajin chủ yếu là gỗ xẻ, than đá và các vật liệu thô dùng trong xây dựng mà phần lớn đang chịu lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.
Do đó, việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc sẽ tạo ra cơ hội kinh doanh ngắn hạn giữa khu vực đông bắc Trung Quốc và Triều Tiên.
Mối quan ngại hàng đầu của Trung Quốc là sự ổn định trong khu vực, trong đó có việc đảm bảo sự an toàn thực sự của các thành phố biên giới nước này và việc duy trì sự cân bằng chiến lược ở Đông Bắc Á.
Điều này có nghĩa là Bắc Kinh và Mỹ chia sẻ lợi ích và ủng hộ việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Do Triều Tiên bị cô lập khỏi cộng đồng quốc tế nên các mối quan ngại đã gia tăng về khả năng thiếu hụt công nghệ hạt nhân ở Triều Tiên, đặc biệt là trong lĩnh vực an toàn và quản lý tai nạn hạt nhân.
Sự quan ngại như vậy đã trở nên rõ ràng vào tháng 9/2017, sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 6, khi các báo cáo về việc một địa điểm thử hạt nhân bị sụp đổ làm dấy lên những quan ngại về khả năng tràn phóng xạ.
An ninh của Triều Tiên đang lệ thuộc vào Trung Quốc?
Trung Quốc và Triều Tiên đã ký Hiệp ước hữu nghị, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau năm 1961.
Hiệp ước này quy định rằng hai nước có thể thực hiện mọi biện pháp cần thiết, kể cả hỗ trợ quân sự để chống lại bất kỳ quốc gia hay liên minh nào có thể tấn công một trong hai nước.
Điều đó có nghĩa là nếu rơi vào tình trạng chiến tranh, Trung Quốc được Triều Tiên trao cho quyền can dự vào bán đảo Triều Tiên.
Quyền này cực kỳ quan trọng đối với Trung Quốc nhằm đảm bảo chính sách “3 không”: không chiến tranh, không bất ổn và không vũ khí hạt nhân.
Đồng thời, sự chuyển biến của Triều Tiên sẽ đóng vai trò đáng kể, quyết định thành công của Trung Quốc trong việc duy trì sự cân bằng chiến lược ở Đông Bắc Á và có lẽ ngay kể cả trong việc thay thế vai trò lãnh đạo của Mỹ đối với trật tự khu vực trong tương lai.
Mặc dù đã có Hiệp ước nhưng Trung Quốc vẫn không tin rằng họ buộc phải bảo vệ Triều Tiên trong bất kỳ cuộc xung đột nào do Bình Nhưỡng khởi xướng.
Dù Trung Quốc có phủ nhận quan hệ liên minh chính thức với Triều Tiên nhưng cộng đồng quốc tế nói chung vẫn nhìn nhận quan hệ Trung-Triều theo cách này.
Sự trỗi dậy và môi trường an ninh luôn thay đổi của Trung Quốc đã gây ra những cuộc tranh cãi trong giới học thuật Trung Quốc về việc liệu Trung Quốc có nên từ bỏ nguyên tắc không liên kết hay không.

Các chuyên gia dự đoán Mỹ có thể tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên tại Hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần 2 (Ảnh: CNN).
Thực tế, Trung Quốc đã tăng cường trao đổi và hợp tác quân sự với một số nước đối tác của mình. Tuy nhiên, một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết quan hệ Trung-Triều không phải là quan hệ đối tác mà thay vào đó là quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống.
Nhận định này cho thấy vị trí độc nhất vô nhị của Triều Tiên trong các mối quan hệ song phương của Trung Quốc nhưng cũng cho thấy sự mơ hồ, không rõ ràng của Bắc Kinh trong quan hệ với Bình Nhưỡng.
Điều này có thể làm xói mòn lòng tin của Triều Tiên vào Trung Quốc với tư cách là bên đảm bảo an ninh.
Triều Tiên hầu như không có lựa chọn thay thế về an ninh. Triển vọng ký kết về một hiệp ước hòa bình với Mỹ trong tương lai gần là điều Triều Tiên mong muốn.
Tại cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim lần 2 sắp tới, các chuyên gia dự đoán Washington sẵn sàng đưa ra tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên với những điều kiện nhất định, trong đó chắc chắn có việc xây dựng lộ trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Mặc dù vậy, Triều Tiên chắc chắn vẫn cần sự hỗ trợ của Trung Quốc để gia tăng ảnh hưởng đòn bẩy trong những cuộc đàm phán.
Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 3/2018, cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đều thừa nhận việc phát triển quan hệ Trung-Triều là một sự lựa chọn chiến lược.
Tài liệu tham khảo:
1. https://thediplomat.com/2017/08/china-and-north-korea-have-a-mutual-defense-treaty-but-when-would-it-apply/
2. http://www.eastasiaforum.org/2019/02/25/chinas-behind-the-scenes-role-in-trump-kim-talks/
3. https://www.scmp.com/news/asia/southeast-asia/article/2187506/trump-thanks-helpful-xi-vietnam-fine-tunes-security-hanoi
4. https://www.asiatimes.com/2019/02/article/why-north-korea-wont-be-the-next-vietnam/
Thanh Bình
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:
TẠI SAO TRIỀU TIÊN KHÔNG THỂ SAO RẬP VIỆT NAM 
 
DIÊN VỸ lược dịch/ VNTB/ BVN 27-2-2019


VNTB - Trước hội nghị thượng đỉnh Kim-Trump, Cả Trum lẫn Pompeo đều ve vãn Triều Tiên rằng họ có thể mô phỏng cải cách thị trường của Việt Nam để trở thành “tên lửa kinh tế” và nhiều người cũng có cũng nhận định như vậy. 
https://1.bp.blogspot.com/-el9PUCJKFG4/XHPvCyJujnI/AAAAAAAAA3g/lvVBdDGtZ9IZuDwiPFELxMUeKWzW_Z4fwCLcBGAs/s640/Kim-Jong-Un-expected-to-visit-industrial-sites-in-Vietnam-ahead-of-summit.jpg
 
Kim Jong Un chuẩn bị khởi hành đi Việt Nam 
 
Nhưng hai quốc gia cộng sản này lại có nhiều sự khác biệt về chính trị, kinh tế nên để được như Trump nói là không thể.
Đây là mô hình không mới và phía Triều Tiên đã có các cuộc thảo luận trực tiếp với Việt Nam từ những năm 1990. Năm 2012 ông Kim đã gửi một phái đoàn đến Hà Nội để nghiên cứu kinh nghiệm cải cách Việt Nam và việc chuyển hướng sang chủ nghĩa xã hội định hướng thị trường
Những điểm tương đồng
Triều Tiên có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam đêm trước đổi mới. Ví dụ “ Chính phủ đàn áp nhất thế giới” mà Washington dành cho Việt Nam năm 1983 thì “danh hiệu” đó giờ được chuyển sang cho Bắc Hàn.
Cả hai đều ở thời điểm tương ứng về lịch sử cũng lạc hậu kinh tế. Năm 1984, Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia nghèo nhất thế giới; thu nhập bình quân đầu người chỉ là 160 đô la Mỹ, theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào thời điểm đó.
Lạm phát thường đạt gần 1.000%, trong khi xuất khẩu không đáng kể, mặc dù Liên Xô đã mua chúng với giá tăng cao. Hà Nội đã phụ thuộc vào nhập khẩu từ khối Xô Viết, và nợ công bị tê liệt. Việt Nam cũng phải chịu các lệnh trừng phạt do một số quốc gia phương Tây áp đặt.
Đối với các nhà kinh tế bên ngoài Bắc Triều Tiên - và có lẽ đối với hầu hết các chuyên gia bên trong cũng vậy - gần như không thể đánh giá chính xác tình trạng của nền kinh tế Triều Tiên.
Một ước tính gần đây của một nhóm nghiên cứu của người Bắc Triều Tiên làm việc tại ngân hàng trung ương Hàn Quốc, ước tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của họ vào năm 2017 ở mức 32,3 tỷ đô la.
Hà Nội đã phi quân sự hoá từ những năm 1980 vì Hà Nội không còn khả năng trả lương cho quân nhân và nhiều người quay sang tham gia buôn bán nhỏ, việc này đã cứu vãn Việt nam thoát khỏi nạn đói. Theo Bill Hayton, đây là điều Triều Tiên nên học hỏi Việt Nam vì Bình Nhưỡng hiện là một quốc gia quân sự.
Tuy nhiên những điểm khác biệt đáng kể làm cho Triều Tiên không dễ gì mô phỏng kinh nghiệm cải cách của Hà Nội được

Khác biệt về chính trị 
Triều Tiên hiện đang được yêu cầu từ bỏ kho vũ khí hạt nhân với phạm vi có thể nhắm vào các thành phố của Mỹ trong khi đó vào cuối những năm 1980, cộng đồng quốc tế chỉ đơn thuần yêu cầu Việt Nam rút quân khỏi nước láng giềng Campuchia sau khi xâm chiếm đất nước này vào năm 1979.
Đảng Công nhân cầm quyền Triều Tiên ngày nay được xem là một triều đại độc tài hơn cả một Đảng Cộng sản thông thường nào khi mà Triều tiên đã được ba thế hệ trong gia đình Kim cai trị. Và do đó bất cứ ai từ bên ngoài gia đình Kim đều không có cơ hội sử dụng bất kỳ quyền lực chính trị quan trọng nào.
Trong khi đó, từ đầu năm 1986 Việt Nam có sáu lãnh đạo đảng khác nhau và cũng như nhiều Thủ tướng trong hệ thống độc đảng độc tài của Việt Nam.
Đảng Cộng sản Việt Nam, luôn luôn đi theo cái gọi là “tập trung dân chủ” từ những năm 1970 khi Đảng thống nhất rằng 4 vị trí chính trị cao nhất không bao giờ được giao cho một người nắm giữ một lúc.
Quy định này chỉ bị huỷ đi vào năm ngoái khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trở thành Chủ tịch nước. Tuy nhiên, các lãnh đạo cao cấp bị giới hạn hai nhiệm kỳ, dự kiến sẽ rút lui sau đó khi họ trên 65 tuổi.
Như vậy, sự phân chia quyền lực này không chỉ thường xuyên làm trẻ hóa Đảng với các quan chức trẻ tuổi, mà còn đảm bảo không ai giành được quyền kiểm soát độc tài.
Một sự đổi mới chính trị như vậy là không tưởng ở Triều Tiên ngày nay vì “Tập trung dân chủ” của Việt Nam, gần như chắc chắn sẽ tiêu diệt Đảng Công nhân Triều Tiên của Kim, một nhà độc tài đơn độc lãnh đạo hàng đất nước chục năm.
Trong khi cả hai đảng cộng sản cầm quyền về cơ bản đã từ bỏ tư tưởng xã hội chủ nghĩa trong những thập kỷ gần đây. Nhưng Hà Nội chuyển từ kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường, họ cũng ưu tiên cải thiện quan hệ quốc tế để tạo thuận lợi cho thương mại. Thêm bạn bớt thù là một phương châm được Đảng nghĩ ra từ đầu năm 1988. Bắc Triều Tiên tuy đã chính thức loại bỏ từ “chủ nghĩa cộng sản” ra khỏi hiến pháp năm 2009, nhưng thay vào đó là hệ tư tưởng “ưu tiên hàng đầu cho quân sự” của nhà lãnh đạo tối cao.
Ngoài ra hơn 90% người Việt Nam được hỏi ủng hộ thương mại tự do, tỷ lệ cao hơn đáng kể so với các quốc gia Đông Nam Á khác theo như khảo sát gần đây của FT Confingu Research, một dịch vụ nghiên cứu của Thời báo Tài chính – Financial Times.
Trong khi đó cộng sản ở Triều Tiên lại nhấn mạnh về sự thuần khiết chủng tộc Triều Tiên và đoàn kết chống Mỹ. Vì vậy để tạo ra ý kiến khác biệt, kể cả loại bỏ ý tưởng bài Mỹ sẽ rất khó khăn.
Khác biệt về lịch sử
Năm 1986, Chính phủ do Đảng Cộng sản Việt Nam có thể huênh hoang rằng chỉ trong 40 năm, họ đã đánh bại chủ nghĩa thực dân, thống nhất đất nước, chiến thắng các cuộc xâm lược nước ngoài, của cả Mỹ lẫn Trung Quốc, và thậm chí giải phóng nước láng giềng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Khả năng khoe khoang của Đảng Cộng sản về những thông tin quốc gia đó đã xoa dịu phần nào những bất ổn kinh tế sâu sắc của họ vào thời điểm đó.
So với Việt nam, Triều Tiên ngày nay đã thất bại trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-53 và đã không tham gia vào bất kỳ cuộc xung đột quân sự quan trọng nào kể từ khi bán đảo Triều Tiên vẫn bị chia cắt giữa Bắc và Nam. Trong khi đó kinh tế Triều Tiên là một trong những nền kinh tế lạc hậu nhất thế giới với những năm đói khát dai dẳng.
Những thiếu sót trong lịch sử của Triều Tiên có thể được bù đắp bằng vũ khí hạt nhân mà họ đã phát triển và khiêu khích Hoa Kỳ, nhưng phi hạt nhân hóa rõ ràng là cách duy nhất có thể bắt đầu đổi mới theo kiểu Việt Nam.
Khi Hà Nội bắt đầu cải cách thị trường tự do vào năm 1986 khi hầu hết các nước láng giềng đều lạc hậu về kinh tế, kể cả Trung Quốc. Điều đó làm cho họ dễ dàng để bắt kịp hơn.
Nếu Triều Tiên muốn lập thực hiện quá trình chuyển đổi kinh tế tương tự, họ sẽ bị Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc bao vây, các nền kinh tế lớn thứ hai, thứ ba và thứ 12 tương ứng, và theo một trật tự kinh tế toàn cầu tinh vi và chặt chẽ hơn nhiều.
Tuy nhiên để Triều Tiên có thể dễ dàng tái tạo kinh nghiệm cải cách Việt Nam, phần lớn phụ thuộc việc Bình Nhưỡng có tin rằng việc chuyển đổi kiểu như vậy là có thể hay không và kể cả khả năng thành công của hội nghị thượng đỉnh Kim-Trump này.
Nguồn : Why North Korea won’t be the next Vietnam
VNTB gửi BVN

Thứ Ba, 26 tháng 2, 2019

20190226. TỰ DIỄN BIẾN, TỰ CHUYỂN HÓA: QUY LUẬT CỦA PHÁT TRIỂN

ĐIỂM BÁO MẠNG
ĐỪNG CHỤP MŨ THEO LỐI 'CƯỠNG TỪ ĐOẠT Ý'

TÔ VĂN TRƯỜNG/ BVN 24-2-2019

Thế nhưng, lâu nay chúng ta đang sống trong thế giới biến đổi không ngừng. Công thức cho sự thành công của ngày hôm qua hầu như chắc chắn sẽ là công thức cho sự thất bại của ngày mai” (Michael Hammer). Trong thế giới đầy biến động đó, nước Nga và Đông Âu đã từ bỏ lý thuyết của thể chế CNXH Liên Xô cũ. Cộng sản Trung Hoa thì chuyển sang chủ nghĩa dân tộc. Trump hướng theo “American first”, nước Anh cũng Brexit. Ngay cả Putin cũng tuyên bố ủng hộ lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông vv… Những điều đó, buộc chúng ta phải luôn ở tư thế sẵn sàng để đón đầu những cơ hội thuận lợi mang lại lợi ích cho dân, cho nước và để đương đầu, vượt qua mọi thách thức do sự thay đổi ấy tạo ra.
“Chụp mũ” bằng những cụm từ ngô nghê, trừu tượng.
Lâu nay, nhiều vị lãnh đạo từ trung ương đến các địa phương mỗi khi huấn thị hay phát biểu trước hội nghị thường sử dụng cụm từ trừu tượng, ngô nghê như “tự diễn biến, tự chuyển hóa, và tham vọng quyền lực” để “chụp mũ” phê phán các đối tượng không “kiên định” đi theo lối mòn.
Đây là vấn đề “nhạy cảm” nhưng đã đến lúc chúng ta phải cùng nhau “mổ xẻ” vấn đề này để giữ uy tín của Đảng. Đất nước chỉ có thể phát triển khi những người có trách nhiệm không né tránh những vấn đề được coi là cấm kỵ, mạnh dạn đặt lên bàn những vấn đề gay cấn để công khai thảo luận nhằm tìm ra đối sách.
Chúng ta sống trong cái xã hội này, nó quá quen thuộc, nên gần như trở thành phải chấp nhận mà sống. Những người tâm huyết luôn trăn trở với vận nước thường hay bị sốc, và đau đớn vì những gì mình chứng kiến, theo thời gian cũng bình thản hơn rất nhiều, vì hiểu đó là quy luật tất yếu của một lối đi “chính trị hóa” thê thảm toàn bộ đời sống xã hội theo kiểu áp đặt, ngộ nhận, “chụp mũ” lạc hậu, nhân danh bảo vệ Đảng mà thực ra là hại nước, hại Đảng, làm cho dân tộc ta bị kìm hãm tư duy.
Vận động luôn là thuộc tính cơ bản của mọi dạng vật chất, chuyển hóa là kết quả tất yếu của vận động. Việc dùng những từ ngữ (không thể xem là khái niệm nghiêm chỉnh), như “tự chuyển biến, tự chuyển hóa” trong các văn kiện chính thức và ngôn ngữ của lãnh đạo hiện nay là sai từ gốc, là “cưỡng từ đoạt ý” bất chấp tư duy thông thường của con người. Ngay từ trước Đại hội Đảng khóa XI, nhiều người đã đề cập đến vấn đề cơ chế và văn hóa của người Việt, đòi hỏi người đương chức, đương quyền tự đổi mới mình đặc biệt là đổi mới tư duy là việc rất khó. Suy cho cùng cái “thói quen” (như Lenin nói) và tư duy nhiệm kỳ vẫn còn hằn sâu trong nếp nghĩ của không ít người có thẩm quyền.
Thủ tướng Winston Churchill đã từng nói “To improve is to change; to be perfect is to change often”. (Nếu tự con người không thay đổi quan điểm theo năm tháng thì chẳng thể tự hoàn thiện được mình). Khổ nỗi là các vị lãnh đạo và giới truyền thông nước ta cứ nói nửa vời, theo kiểu mù mờ, “tự diễn biến, tự chuyển hóa” thì diễn biến và chuyển hóa theo chiều hướng nào? Dù tự diễn biến hay chuyển hóa, tốt hay xấu cho đất nước mới là điều quan trọng. Nước nào, chế độ nào, thời kỳ nào mà chẳng có “chuyển hóa” và cần phải, “chuyển hóa”! Thành thử mấy cụm từ, mấy khái niệm ấy chẳng có tội tình gì trở thành những cụm từ và khái niệm mang ý tiêu cực, bị dùng để đe dọa và khép tội những công dân có trách nhiệm.

Đại hội Đảng khóa VI Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ đạo “Đổi mới” tư duy cho viết lại báo cáo chính trị (Ảnh trên mạng).

Đảng tự chuyển biến, tự chuyển hóa tư duy từ Đại hội khóa VI

Trước hết, nên làm rõ hơn “tự diễn biến, tự chuyển hóa” là thế nào trước khi phê phán. Chúng ta phải thừa nhận, con người luôn sống theo thói quen, nên tự đổi mới, nhất là đổi mới tư duy là không dễ. Khó, thậm chí rất khó, nhưng không phải không làm được. Thực tế, nhờ tự đổi mới tư duy, tức “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, bắt đầu từ những người lãnh đạo cao cấp nhất, chúng ta mới có Nghị quyết Đại hội đang VI (1986) đưa đất nước phát triển cho đến nay.
Đổi mới của Đảng từ 1986 thực chất là tự chuyển hóa về tư duy kinh tế, chấp nhận kinh tế nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường thay cho quan điểm ngự trị trước đó là xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa theo chủ nghĩa Mác-Lênin xóa bỏ tư hữu về tư liệu sản xuất và Nhà nước quản lý nền kinh tế theo kế hoạch pháp lệnh.
Với tư duy đổi mới, lãnh đạo Đảng đứng đầu là Tổng Bí thư Trường Chinh đã dũng cảm viết lại Văn kiện Đại hội Đảng khóa VI chuyển hóa phương thức quản lý kinh tế đem lại chuyển biến tích cực cho nền kinh tế và cho đất nước nói chung. Đấy là thực tế chứng minh hùng hồn, là thước đo minh chứng cho việc tự chuyển hướng, tự diễn biến theo chiều hướng tích cực là cần thiết. Đường lối phát triển phù hợp quy luật phát triển của sự vật đã đưa nước ta vượt qua cơn khủng hoảng được toàn dân ta và bạn bè trên thế giới ghi nhận.
Không có người nào không tự diễn biến, tự chuyển hóa, kể cả người đã chết. Còn diễn biến theo chiều hướng tốt hay xấu là vấn đề khác. Chỉ một chiều coi tư duy ý thức hệ của Đảng cộng sản Việt Nam là chuẩn, còn diễn biến khác đi là tà đạo - cách nhìn sự vật như vậy là độc tài và độc quyền chân lý! Mà trong khi đó chân lý của tư duy ý thức hệ của Đảng, nếu Đảng tôn thờ tư duy ý thức hệ của mình như vậy thì đấy là chuyện của Đảng, nhưng không được ốp lên dân. Cầm quyền mà áp đặt lên dân như vậy là cai trị theo lợi ích của một nhóm người trong Đảng.
Ở Việt Nam, xưa nay công tác lý luận thường đi vào ngõ cụt, không thuyết phục vì tư duy giáo điều, làm thui chột những ý tưởng đổi mới. Nhớ lại, trước Đại hội Đảng lần thứ XI, ngay cả ông Nguyễn Văn An nguyên Chủ tịch Quốc hội khi phát biểu về “lỗi hệ thống” cũng bị “chụp mũ”. Người dân đủ trí tuệ để hiểu và đánh giá những ý kiến vì dân, vì nước của những vị trưởng thượng, chuyên gia gạo cội của nước nhà. Lịch sử bao giờ cũng công bằng và luôn đòi hỏi đánh giá sự thật và chỉ có sự thật.

Tham vọng quyền lực

Tham vọng quyền lực cũng thế! Nếu người ta tham vọng (dịch nôm ra là “mong muốn”- nghe có vẻ nhẹ hơn) quyền lực để được đóng góp nhiều nhất cho đất nước thì tốt chứ sao! Chỉ ghét là ghét cái đám quan chức “mũ ni che tai”, “gió chiều nào che chiều ấy” để bám giữ quyền lực mà thôi! Với cái đội ngũ cán bộ chiến lược phần lớn như vậy, lại thêm một đội tham mưu xu nịnh kiểu “Hòa Thân” nó phỉnh đủ thứ… thì đất nước đi đến đâu?
Khi đám đông ở trạng thái hỗn loạn, để ổn định và phát triển, ta cần đến một nhà độc tài, một nhà nước chuyên chính. Ngược lại, trong một xã hội độc tài, chuyên chính, để phát triển ta lại cần một nền dân chủ. Đây là “hai pha” của một chu kỳ phát triển, không có tốt và xấu. Tham vọng quyền lực là bản năng, cũng không có tốt và xấu, chỉ có yếu và mạnh. Muốn đánh gía một xã hội, hay một con người tốt hay xấu, đúng sai, ta cẩn hiểu đúng tình trạng của nó.
Tuy nhiên, nếu tham vọng quyền lực với nghĩa là khát khao nắm quyền nhưng theo nghĩa tiếm quyền - nghĩa là không có tính chính danh được nhân dân và pháp luật thừa nhận thì đó là tham nhũng quyền lực. Đây là tội tham nhũng tàn ác nhất, đẻ ra toàn bộ mọi tham nhũng khác, và gây ra cho đất nước nhiều tổn thất nhất so với bất kỳ tội tham nhũng nào khác.
Viển vông và bất hợp lý là một nan đề không dễ giải quyết, khi quốc gia được điều hành bởi một cơ chế chồng chéo, lẫn lộn giữa lãnh đạo chính trị và hành chính công quyền. Nếu không đổi mới tư duy phát triển, không thay đổi cách tuyển chọn nhân sự cấp cao (ưu tiên cho các nhà kỹ trị), không tiếp cận với kiến thức chung của nhân loại, không tự diễn biến, tự chuyển hóa theo hướng tích cực thì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam dân giầu, nước mạnh xã hội công bằng dân chủ và văn minh có hình chữ S này sẽ trở thành một đất nước có hình dấu hỏi (?) với những trở trăn không bao giờ chấm dứt về con đường phát triển của đất nước.
Khi gửi bản dự thảo bài viết này, tôi nhận được nhiều ý kiến phản hồi chia sẻ, đồng tình, đặc biệt là ý kiến của Anh Vũ Ngọc Hoàng nguyên Ủy viên Trung ương Đảng - Phó ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương nguyên văn như sau:
“Tôi nhất trí với anh Tô Văn Trường về việc phải có nhiều ý kiến, nhiều bài viết đấu tranh phê phán lại các kiểu chụp mũ, quy chụp rất lạc hậu, nhưng họ nhân danh bảo vệ Đảng mà thực ra là hại nước, hại Đảng, làm cho dân tộc ta bị kìm hãm tư duy.
Hãy coi đó là một tệ nạn nguy hiểm, xấu xa và ác độc, mọi người có tri thức và lương tri phải liên tục và mạnh mẽ đấu tranh để chống lại, vạch mặt thói xấu ấy. Nếu chúng ta cứ cúi đầu chịu thua thì thật đáng buồn cho dân tộc và cho Đảng. Cán bộ lãnh đạo các cấp sắp tới kỳ đại hội đến đây cần phải có tiêu chuẩn là nhận thức đúng, biết bảo vệ và quyết tâm ủng hộ tự do ngôn luận, tự do thể hiện chính kiến. Ai còn lạc hậu, u tối trong việc này thì đừng ủng hộ họ làm lãnh đạo nữa, để đỡ khổ cho tập thể Đảng và cộng đồng dân tộc”.

Lời kết

Tôi viết bài này vào ngày cuối của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán xuân Kỷ Hợi 2019. Xin có mấy vần thơ coi như thay cho lời kết:
“Bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông
Bàn tay tạo hoá nối vòng gần xa
Mong cho đất Việt quê nhà
Đổi thay, thay đổi để ta hoà đồng
Qua đi băng giá mùa đông
Xuân xanh cho đất tự lòng trổ hoa
Hè về giông bão sẽ qua
Thu vàng kén sắc nương qua đông tàn
Non cao, biển bạc, rừng vàng
Trời xanh cho ánh hào quang rạng ngời”.
T.V.T.
Tác giả gửi BVN.