Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2019

20190531. KỶ NIỆM 10 NĂM TRANG 'BAUXITE VIỆT NAM'

ĐIỂM BÁO MẠNG

TẠM ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ DỰ ÁN BÔ-XIT TÂY NGUYÊN

LÊ XUÂN KHOA /BVN 29-5-2019


Mười năm trước, nhà văn hóa Nguyễn Huệ Chi cùng hai đồng nghiệp Phạm Toàn và Nguyễn Thế Hùng sáng lập diễn đàn điện tử Bauxite Việt Nam (BVN) và khởi xướng Thư Kiến nghị gửi Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ chống dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Sở dĩ có thư kiến nghị này vì trước đó đã có nhiều nhà cách mạng lão thành, nhân sĩ và trí thức góp ý với chính quyền, chỉ rõ những sai lầm và hậu quả nguy hại của dự án về mọi mặt chính trị, kinh tế, quốc phòng, văn hóa, xã hội và môi trường. Tuy nhiên, các lãnh đạo Đảng và Nhà nước vẫn chủ trương tiến hành khai thác bô-xít theo quy hoạch thay vì khuyến cáo ngưng các dự án này cho đến khi có kết quả nghiên cứu toàn diện, theo những đề nghị chính đáng của những nhà phản biện. Hai thí điểm được lựa chọn để thực hiện dự án là Tân Rai thuộc tỉnh Lâm Đồng và Nhân Cơ, tỉnh Đăk Nông.
Bản Kiến nghị nhận định: “Việc khai thác tài nguyên của đất nước, trong đó có tài nguyên bauxite, là việc làm cần thiết, nhưng đó không thể là việc làm bằng mọi giá”. Kiến nghị cũng  nhấn mạnh vào ba mối quan tâm lớn về sai lầm của lãnh đạo Việt Nam và dã tâm của lãnh đạo Trung Quốc:
  1. Chủ trương lập dự án được công khai hóa vào cuối năm 2008 sang đầu năm 2009, song thực ra nó đã được ký tắt với người Trung Quốc từ nhiều năm về trước mà không hề xin ý kiến nhân dân thông qua Quốc hội do dân bầu ra; toàn bộ báo cáo tiền khả thi chưa bao giờ được trình ra trước nhân dân và đại diện của nhân dân tức Quốc hội;
  2. Người Trung Quốc đóng cửa các mỏ khai thác bauxite của họ để chuyển sang khai thác ở Việt Nam, định trút gánh nặng ô nhiễm môi trường cho các thế hệ Việt Nam hôm nay và nhiều đời mai sau – những hành động y hệt như họ đã và đang làm ở châu Phi với sự giúp sức của những chế độ cai trị tham nhũng tại châu lục này, và đang bị dư luận thế giới theo dõi chặt chẽ và hết sức công kích;
  3. Kỹ thuật, công nghệ và nhân công khai thác dự định du nhập chủ yếu từ Trung Quốc, một cường quốc mới nổi dậy với nền kinh tế đang giàu lên nhưng bên trong vẫn chứa đựng không ít thực trạng bất khả tín, trong đó liên quan đến vấn đề khai thác bauxite là sự nổi tiếng của Trung Quốc trên toàn thế giới hiện đại như là một quốc gia gây ô nhiễm môi trường vào bậc nhất, chưa kể những “vấn nạn” khác (chỉ mới trong tháng Ba vừa rồi Chính phủ nước Úc đã phải hủy bỏ một dự án khai thác khoáng sản ở Nam Úc ký với Trung Quốc vì lý do quốc phòng).
Sau khi được công bố vào tháng 5 năm 2009, bản Kiến nghị lập tức được hàng ngàn người ký tên  ủng hộ làm dấy lên cả một phong trào phản biện của đông đảo trí thức và khoa học gia trong và ngoài nước. Tôi là một trong số 135 người ký tên trong đợt đầu tiên và sau đó cũng đã góp một bài trên diễn đàn BVN nhan đề “Dự án bô-xít Tây nguyên: Suy nghĩ của một người Việt Nam ở nước ngoài”. Trong những năm tháng tiếp theo, cùng với các diễn biến của tình hình đất nước, diễn đàn BVN không chỉ giới hạn trong chủ đề bauxite Tây nguyên mà đã mở rộng thành một diễn đàn chung của tất cả những ai quan tâm đến những vấn đề nóng bỏng về chính trị, kinh tế, xã hội, về sự tồn tại và phát triển của đất nước và dân tộc.
Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 10 năm diễn đàn Bauxite Việt Nam, mặc dù đã trọng tuồi và sức khỏe suy giảm nhiều, tôi vẫn muốn góp thêm một số suy nghĩ về tiến trình khai thác bô-xít Tây nguyên, đánh giá kết quả của dự án sau 6 năm đi vào hoạt động ở Tân Rai và 3 năm ở Nhân Cơ. Tuy việc thực hiện dự án còn trong vòng thử nghiệm, và còn phải mất từ 6 đến 10 năm nữa vốn đầu tư mới có thể được thu hồi (theo dự tính của Bộ Công Thương), việc thẩm định kết quả dự án vào lúc này rất cần thiết để có thể quyết định xem dự án có xứng đáng được tiếp tục và có nên bỏ thêm vốn đầu tư hay không. Chắc chắn rằng điều mà toàn dân đang muốn biết là các cơ quan thực hiện dự án đã giải quyết ra sao những mối quan tâm chính đã được nêu lên bởi những người yêu nước và những nhà phản biện khoa học, trước và trong khi dự án được thi hành.
Những mối quan tâm lớn
Những ý kiến phản biện và khuyến cáo xây dựng đã có rất nhiều và phổ biến rộng rãi, chỉ cần được nhắc đến khi đối chiếu với các báo cáo của những nhà thực hiện dự án. Ở đây chỉ cần tóm lược một số ý kiến cơ bản và điển hình, bắt đầu bằng những lá thư gửi các lãnh đạo của hai nhân vật nổi danh quốc tế là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà khoa học trẻ tuổi Ngô Bảo Châu.
Trong thư gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 05.01.2009, sau khi nhấn mạnh vào vị trí chiến lược trọng yếu của Tây Nguyên về an ninh, quốc phòng và những cảnh báo nghiêm trọng của các nhà khoa học về mặt kinh tế, xã hội và môi trường, ĐT Võ Nguyên Giáp viết: “Cần nhắc lại rằng, đầu những năm 1980 Chính phủ đã đưa chương trình khảo sát khai thác bô-xít trên Tây Nguyên vào chương trình hợp tác đa biên với khối COMECON. Tôi được phân công trực tiếp theo dõi chỉ đạo chương trình này. Sau khảo sát đánh giá hiệu quả tổng hợp của các chuyên gia Liên Xô, khối COMECON đã khuyến nghị Chính phủ ta không nên khai thác bô-xít trên Tây Nguyên do những nguy cơ gây tác hại sinh thái lâu dài rất nghiêm trọng, không thể khắc phục được đối với dân cư chẳng những tại chỗ mà còn cả dân cư và vùng đồng bằng Nam Trung Bộ”.
Trong lá thư gửi cho Quốc hội ngày 17.05. 2009, GS Ngô Bảo Châu trước hết nhận xét mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử “vừa là một phần hữu cơ vừa là một nguy cơ cho sự tồn vong của bản sắc Việt Nam”. Ông xác định điều đáng quan tâm không phải là quan hệ giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc mà là chính sách “thực dân mới” của chính quyền Trung Quốc. dùng sức mạnh kinh tế và công nghệ hiện đại để giành nhiên liệu, nguyên liệu và thị trường. GS Châu lưu ý Quốc hội, “Trung Quốc thực hiện chính sách thực dân mới một cách có hệ thống ở châu Phi, châu Mỹ La-tinh và mọi nơi có nhiên liệu, khoáng sản trong đó có Việt Nam. Trong trường hợp Việt Nam, ảnh hưởng quá mức của Trung Quốc có thể kéo thêm hệ quả nguy hiểm là quan hệ hữu cơ vốn có của văn hóa Trung Quốc với văn hóa Việt Nam trở thành đô hộ văn hóa… Vấn đề độc lập văn hóa, giữ gìn bản sắc vô cùng hệ trọng, xin Quý vị lưu ý”.
Về vấn đề lợi, hại của dự án bauxite Tây nguyên, GS Châu đưa ra năm phản biện cần lưu ý mà tôi xin tóm gọn như sau:
     1. Nguồn bô-xít lớn của Việt Nam hấp dẫn các nước công nghiệp đói bô-xít (tôi muốn thêm “nhất là Trung Quốc”). Điều đó không tất nhiên có nghĩa là ta phải khai thác bô-xít; nếu muốn, ta có thể lựa chọn thời điểm, qui mô và điều kiện thích hợp.
     2. Về hiệu quả kinh tế, phần “lỗ kế hoạch” thì chắc chắn mà không rõ sẽ kéo dài bao nhiêu năm, phần lãi sau đó sẽ rất nhỏ vì những chi phí quá lớn, không kể chi phí khó lường trước cho môi trường;
     3. Diện tích sử dụng cho khai thác bô-xít dự kiến là 8.6% tỉnh Đăk Nông là một con số khổng lồ nếu ta nghĩ đó là 8.6m2 trên tổng diện tích 100m2 nhà của ta;
     4. Khó khăn đặc thù của ta là khai thác bô-xít ở đầu nguồn một số sông lớn (như sông Đồng Nai), chưa có tiền lệ trên thế giới. Như vậy nhất định sẽ ảnh hưởng tai hại đến môi trường mà khả năng bảo vệ môi trường lại không thể đảm bảo;
     5. Triển vọng tạo công ăn việc làm, nếu so sánh với mức đầu tư hàng ti đô-la Mỹ, thì có nhiều cách hay hơn, an toàn hơn, hiệu quả nhãn tiền hơn… Lưu ý con số công ăn việc làm trong báo cáo (của Chính phủ) tương đương với con số hộ dân bị di chuyển.
GS Châu kết luận lá thư bằng môt câu chắc nịch: “trong Qui hoạch chung khai thác bô-xít ở Tây nguyên, phần có hại thì cầm chắc, phần có lợi thì mong manh”.
Đáng chú ý là trong số những nhà phản biện chống dự án bô-xít Tây nguyên có một số là đảng viên, quan chức nhà nước và đại biểu Quốc hội. Về mặt tổng quát, hãy kể đến hai chuyên gia cao cấp từng phục vụ trong Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) là cơ quan thực hiện dự án cùng với nhà thầu Chalieco của Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Bộ Công Thương. Người thứ nhất là Tiến Sĩ Nguyễn Thành Sơn, nhận xét: “Nếu tiếp tục cho phát triển các dự án bauxite như cách làm hiện nay, về lâu dài cái giá phải trả của Việt Nam là không phát triển được cây công nghiệp trên vùng Tây Nguyên do thiếu nước ngọt, thổ nhưỡng đất bazan thay đổi và có nguy cơ làm mất và ô nhiễm nguồn nước ngọt để phát triển kinh tế cho các tỉnh vùng hạ lưu như Đồng Nai, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh”. Dựa trên các số liệu của TKV, TS Sơn cũng ước tính TKV đã trả cho nhà thầu Trung Quốc Chalieco xây nhà máy Tân Rai cao hơn giá trị thật 343 triệu USD. Người thứ hai là ông Nguyễn Văn Ban, nguyên Trưởng ban Alumin Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam. Ông Ban cho biết “Trung Quốc bỏ thầu với giá rất thấp. Nhưng sau khi bỏ thầu xong, được VN chọn để ký EPC, giá hợp đồng lại tăng lên”. Đặc biệt, theo ông Ban, “công nghệ Trung Quốc tiêu hao nước, than, kiềm đều cao hơn mức các nước có công nghệ tiên tiến”.
Ngoài những quan tâm cơ bản và tổng quát trên đây, còn có những quan tâm về từng lãnh vực riêng như kinh tế tài chính, an ninh quốc phòng, môi trường sinh thái, kỹ thuật công nghệ, và  văn hóa, xã hội. Tất cả những quan tâm này cần phải được đối chiếu với những báo cáo của các cơ quan thực hiện dự án để xem những vấn đề nào đã được giải quyết và giải quyết ra sao, những vấn đề nào còn tồn tại và cần được giải quyết như thế nào. Tôi sẽ chỉ làm công việc đối chiếu các thông tin khác biệt, còn việc đánh giá về các lãnh vực chuyên môn của dự án xin dược dành cho các chuyên gia trong giới phản biện.
Báo cáo kết quả dự án của Bộ Công Thương
Sau khi dự án bô-xít chính thức hoạt độmg sản xuất alumin-nhôm tại Tân Rai từ năm 2013 và Nhân Cơ năm 2016, cơ quan chủ quản dự án là Bộ Công Thương và cơ quan giám sát là Bộ Công nghệ và Môi trường đã có một số báo cáo về tiến độ thực hiện dự án cho Bộ Chính trị và Quốc hội. Ngày 31 tháng Mười 2018, Bộ trường Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã tổng kết sơ khởi về hiệu quả của dự án. Theo Cổng Thông tin Điện tử của Bộ Công Thương thì nội dung của bản tổng kết sơ khởi này chình là những câu trả lời của BT Trần Tuấn Anh cho câu hỏi của bà Nguyễn Thi Kim Thúy, Đại biểu Đà Nẵng, tại Quốc hội sáng 31.10.2018. Bà Thúy hỏi về hiệu quả kinh tế của các công trình khai thác bô-xít ở Tây nguyên, và khi nào Chính phủ tiến hành đánh giá hai dự án thí điểm ở Tân Rai và Nhân Cơ.
Bài tường thuật của Bộ Công Thương ghi chép vắn tắt những câu trả lời của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, được trích dẫn nguyên văn dưới đây:
Thứ nhất, về hiệu quả của các dự án bauxit ở Tây Nguyên. Đến nay, các dự án đạt được một số kết quả ban đầu như sau:
(1) Dự án alumin Tân Rai đã đi vào vận hành thương mại từ tháng 10 năm 2013, hiện nay, dự án đã sản xuất ổn định, năm 2017: 636,7 ngàn tấn alumin đạt công suất vận hành theo cam kết của nhà thầu (630 ngàn tấn/năm), năm 2018 dự kiến sẽ đạt sản lượng 650 ngàn tấn alumin (đạt công suất thiết kế).
(2) Dự án alumin Nhân Cơ, ngày 16 tháng 12 năm 2016, đã có sản phẩm alumin đầu tiên và ngày 01 tháng 7 năm 2017 Nhà máy chính thức đưa vào vận hành thương mại, năm 2017 đạt 501ngàn tấn alumin (đạt 77% công suất thiết kế), theo kế hoạch năm 2018 sản lượng đạt 580.000 tấn alumin; năm 2019 sẽ đạt công suất thiết kế là 650.000 tấn alumin.
Mặc dù thời gian các dự án đi vào hoạt động chưa dài (Tân Rai 5 năm và Nhân Cơ gần 2 năm), song qua quá trình vận hành sản xuất thời gian qua đã cho thấy việc vận hành các nhà máy ổn định, sản phẩm đầu ra đạt chất lượng tốt, các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm, tiêu hao nguyên vật liệu, năng lượng đã đạt được theo thiết kế, một số chỉ tiêu đạt cao hơn so với thiết kế. Các hạng mục công trình của dự án đã được đầu tư đồng bộ, đặc biệt là các hạng mục liên quan đến công tác xử lý bùn đỏ, bảo vệ môi trường. Các vấn đề về môi trường, xã hội, an ninh, quốc phòng... theo mục tiêu đề ra được bảo đảm.
Cũng đáng mừng là thời gian qua ta cũng gặp thuận lợi về thị trường. Trong năm gần đây và hiện nay giá bán alumin trên thị trường khả quan: giá trung bình năm 2017 là 344 USD/tấn (FOB), bình quân 8 tháng đầu năm 2018 là 480 USD/tấn, có thời điểm tháng 4 năm 2018 giá alumin lên đến 672 USD/tấn. Đây là mức giá tốt so với phương án tính toán ban đầu để bảo đảm hiệu quả đầu tư của dự án (với mức tính toán giá bán alumin trên 300 USD/tấn thì dự án bắt đầu có hiệu quả kinh tế). Do vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh của 2 dự án tới thời điểm này khá thuận lợi và ổn định, sản phẩm sản xuất ra đạt tiêu chuẩn chất lượng và thị trường tiêu thụ chấp nhận tốt (sản xuất ra tới đâu bán hết tới đó, thậm chí chưa đáp ứng hết nhu cầu của khách hàng). Đến nay TKV đã cấp alumin/hydrat đến các thị trường Trung Đông (U.A.E), Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan...
Bên cạnh đó, điểm tích cực là sau một thời gian ngắn, chúng ta đã nhanh chóng làm chủ được công nghệ, Chủ đầu tư đã có và tiếp tục các giải pháp cải tiến kỹ thuật công nghệ, hợp lý hóa dây chuyền sản xuất, nâng cao sản lượng sản xuất nhờ đó giá thành sản phẩm alumin giảm đáng kể giá thành sản xuất năm sau thấp hơn năm trước.
Việc 2 dự án bôxít đi vào hoạt động đã tạo năng lực sản xuất mới để đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước nói chung và vào sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên và 2 tỉnh Đăk Nông và Lâm Đồng nói riêng.
Thứ hai, về vấn đề đánh giá việc thí điểm khai thác bauxit ở Tây Nguyên. Tại Nghị quyết số 775/NQ-UBTVQH13 ngày 23 tháng 6 năm 2014, UBTV Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo triển khai việc tổng kết thí điểm sau khi 02 dự án đi vào vận hành, sản xuất, kinh doanh ổn định.
Đây là 2 dự án có qui mô lớn, có ý nghĩa và tác động nhiều mặt, không chỉ về kinh tế mà còn về môi trường, xã hội... tác động tới phát triển của khu vực Tây Nguyên nói riêng và rộng hơn là kinh tế đất nước. Do vậy, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay Bộ Công Thương đang phối hợp với các Bộ ngành, với UBND tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Đăk Nông, TKV và các cơ quan khác có liên quan để tiến hành rà soát, đánh giá kỹ việc triển khai thực hiện các dự án này để có báo cáo với Chính phủ, với Bộ Chính trị và với Quốc hội.
Đánh giá bản tổng kết sơ khởi của Bộ Công Thương
Nhìn chung, bản tổng kết sơ khởi của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ngày 31.10.2018 chủ yếu là trả lời câu hỏi cụ thể của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy về hiệu quả kinh tế của dự án khai thác bô-xít Tây nguyên, nhưng cũng có một phát biểu ngắn về những khía cạnh khác: “Các vấn đề về môi trường, xã hội, an ninh, quốc phòng,.. theo mục tiêu đề ra được bảo đảm”. Bản tổng kết sơ khởi này rất lạc quan, thậm chí mới đây, vào đầu tháng Tư 2019, BT Trần Tuấn Anh lại cho hay là Bộ Công Thương đang khẩn trương hoàn thành báo cáo để trình Chính phủ và Quốc hội với đề xuất nâng công suất cho hai nhà máy và mở rộng đầu tư khai thác bauxite ở Tây Nguyên.
Trước khi viết bài này, tôi có may mắn được đọc bài kỷ niệm 10 năm diễn đàn BVN của nhà báo kỳ cựu Lê Phú Khải là một trong số những trí thức đầu tiên lên tiếng phản đối dự án bô-xít Tây nguyên từ những tháng đầu năm 2009, sau các nhà quân sự Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Trọng Vĩnh, các nhà văn Nguyên Ngọc và Phạm Đình Trọng. Trong suốt mười năm qua, ông Lê Phú Khải tiếp tục theo dõi sát tình hình khai thác bô-xít Tây nguyên, do đó đã xác nhận một số thành quả của dự án như BT Trần Tuấn Anh đã trình bày khi trả lời câu hỏi của Đại biều Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy, nhưng ông vẫn khẳng định rằng “hiệu quả thực sự của dự án Bauxite Tây Nguyên vẫn là một bài toán rủi ro khó lường, nó bất cập ngay từ đầu vì chỉ dựa vào quyết tâm chính trị của nhà nước”. Tôi rất đồng ý với ông Lê Phú Khải, nhưng muốn nói thêm rằng cho đến nay, các nhà thực hiện dự án mới chỉ giải quyết được một phần về công nghệ sản xuất alumin. Các kỹ sư Việt Nam đã biết dùng kỹ thuật Bayer tân tiến của Mỹ thay thế cho kỹ thuật lạc hậu của Trung Quốc, nhưng những quan tâm lớn khác về môi trường sinh thái, an ninh quốc phòng chưa được giải quyết và còn đầy rủi ro, vấn đề bảo tồn văn hóa dân tộc, sức khỏe nhân dân trước nạn phá rừng và nhiễm dộc môi trường, thì dường như hoàn toàn không được chú ý.
Hãy kể ra một số thí dụ:
Về an ninh, quốc phòng, Tây nguyên được coi là có vị trí chiến lược quan trọng không chỉ riêng với Việt Nam mà luôn cà Lào và Cam-bốt. Các chiến lươc gia người Pháp từng nhân xét là ai làm chủ được Tây Nguyên thì cũng kiểm soát được toàn thể Đông Dương. Đó cũng là thông điệp của các tướng Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Trọng Vĩnh gửi đến các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, ám chỉ ý đồ nguy hiểm của Trung Quốc.
Về môi trường sinh thái, ngày 8 tháng 10 năm 2014, tại nhà máy alumin Tân Rai, hồ thải quặng đuôi số 5 bị vỡ đê, làm tràn ra ngoài 5 ngàn mét khối nước và bùn đỏ. Ngày 13 tháng 2 năm 2016, cũng tại nhà máy Tân Rai, ống dẫn nước có chứa chất xút độc hại từ hồ bùn đỏ bị vỡ lại khiến nước chảy tràn ra ngoài. Sau khi tiến hành kiểm tra, Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Lâm Đồng kết luận: nguyên nhân dẫn đến sự cố vỡ đường ống được xác định là do khớp nối bị “lão hóa” dẫn tới bục đường ống. Đánh giá việc đường ống bị lão hóa chỉ sau 4 năm sử dụng, ông Nguyễn Văn Ban, nguyên Trưởng ban Nhôm-Titan, Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam, cho rằng đó là "hệ quả công nghệ Trung Quốc".
Khi được nhắc đến sự cố vỡ hồ bùn đỏ ở nhà máy alumin Ajka, Hungary năm 2010 đã bị Chính phủ Hungary coi là thảm họa hóa chất thảm khốc nhất trong lịch sử quốc gia này, lãnh đạo Tập đoàn TKV tuyên bố rằng "ta theo mô hình của Brazil và Úc chứ không theo mô hình của Hungary", hay "công nghệ xử lý bùn đỏ của Việt Nam và công nghệ của Hungary khác nhau hoàn toàn.” Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án than đồng bằng sông Hồng của Tập đoàn TKV, mạnh mẽ phàn bác: "Nói như vậy là lừa bịp dư luận, chứng tỏ người nói chẳng hiểu gì. Thực chất là ta đang áp dụng công nghệ thải "ướt" tức là rất giống với công nghệ Hungary đã và đang áp dụng hàng chục năm nay”.
Sáng 23-7-2016, đường ống Nhà máy Alumin Nhân Cơ bị vỡ khiến hóa chất tràn ra bên ngoài, một phần chất kiềm thẩm thấu xuống lòng đất trong phạm vi 600m2, phần còn lại chảy theo đường ống đổ về suối Đắk Dao, gây ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt của hàng trăm hộ dân địa phương và họ phải bỏ tiền mỗi nhà hàng triệu đồng để mua máy lọc nước về sử dụng. Cũng trong năm 2016, vào cuối tháng 7, Nhà máy Alumin Nhân Cơ ở Đắk Nông bị xảy ra sự cố tràn hóa chất, dẫn đến cá chết và người dân bị bệnh ngoài da khi tiếp xúc với nước ở suối Đắk Dao. Trao đổi với báo chí, PGS. TS. Nguyễn Văn Phổ, Viện Công nghệ địa chất và Khoáng sản, (Hội Địa chất Việt Nam) cho biết, nếu không cẩn trọng trong khai thác bauxite ở Nhân Cơ sẽ có nguy cơ thảm họa môi trường giống Formosa ở Tây Nguyên. Ông bày tỏ lo lắng “Quả thực đây là điều báo động cực kỳ nguy hiểm đối với quá trình sản xuất alumin ở khu vực Nhân Cơ… Tây Nguyên là khu vực nằm ở vị trí đầu nguồn các con sông, suối chảy về Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường liên quan đến bauxite thì hậu họa sẽ khôn lường”.
Với lượng nhôm sản xuất hàng năm từ năm 2015 mỗi năm cụm dự án này thải ra 10 triệu tấn bùn đỏ và hết đời của dự án này là thải ra 1,5 tỷ tấn, như những quả bom bùn treo trên cao, thượng nguồn đồng bằng Nam Bộ và Nam Trung Bộ.
Việt Nam có khí hậu nhiệt đới, thường xuyên có những trận mưa rất lớn, nước vẫn có thể tràn qua đập, cuốn theo nó những chất thải độc hại xuống những vùng đất, sông, suối ở hạ du, gây ô nhiễm môi trường trên diện rộng. Theo báo VnExpress, thì "Thà đền tiền đầu tư còn hơn làm mà ngay ngáy thảm họa".
Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu IDS,  cho rằng không thể tiếp tục những dự án hủy hoại môi trường của Việt Nam:
Tôi chỉ nhắc lại những tính toán của các chuyên gia từ 10 năm về trước, nếu tính đến những chi phí về môi trường; có nghĩa là phải tính đến 50 năm, 100 năm nữa thì sẽ thế nào mà lúc đó mình sẽ chiết khấu về chi phí của ngày hôm nay. Rất đáng tiếc là những khoản đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và nhất là của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã hủy hoại và sẽ còn hủy hoại môi trường của Việt Nam một cách khủng khiếp và tôi nghĩ rằng khi tính đến những tác động về môi trường có thể ảnh hưởng đến đời con, đời cháu chúng ta thì những dự án kiểu khai thác tài nguyên như thế là phải chấm dứt”.
Còn Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ kêu gọi Việt Nam thay vì đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp nặng ảnh hưởng mạnh đến môi trường thì nên dành số tiền đó đầu tư vào những dự án của các ngành công nghiệp thông minh, cần nhiều chất xám hiện nay, nếu muốn nhanh chóng trở thành một nước công nghiệp hiện đại.
Tới đây, xin tạm ngưng việc liệt kê các nguy cơ về môi trường sinh thái do công trình khai thác bô-xít Tây nguyên phát simh ra.
Vắn đề hiệu quả kinh tế. Cốt lõi của vấn đề này là kết quả lỗ hay lãi của công trình khai thác bô-xít Tây Nguyên, được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tuyên bố là thành công nhất, thì cũng chính là vấn đề còn đang được tranh cãi, nhất là về các chi phí gia tăng hoặc bất ngờ, tăng vốn đầu tư gấp mấy lần khi chưa có lời, tình trạng thiếu minh bạch về quản lý.
Theo quyết định năm 2006 của Tập đoàn TKV, tổng mức đầu tư cho dự án Tân Rai là 7.787,5 tỉ đồng (khoảng 342 triệu USD) với công suất 600.000 tấn/năm, thời gian thực hiện 2006-2009. Tuy nhiên, qua 4 lần điều chỉnh, đến tháng 10.2013, tổng mức đầu tư cho dự án này đã tăng vọt lên đến 15.414,4 tỉ đồng (tương đương 648 triệu USD), thời gian thực hiện dự án bị chậm 4 năm so với quyết định phê duyệt lần đầu.
Vốn đầu tư cho dự án Nhân Cơ tăng rất mạnh so với dự kiến ban đầu. Năm 2007, tổng vốn đầu tư cho dự án này được quyết định là 3.285 tỉ đồng (144,3 triệu USD). Tuy nhiên, đến năm 2014, tổng vốn đầu tư cho dự án đã tăng lên đến 16.821 tỉ đồng (740 triệu USD), gấp hơn 5 lần vốn đầu tư dự kiến ban đầu do thay đổi công suất của nhà máy từ 300.000 tấn/năm lên đến 650.000 tấn/năm. Dự án này đưa vào sản xuất chậm 6 năm so với quyết định ban đầu.
Về tiền lãi, sau 5 năm hoạt động của nhà máy Tân Rai, Tập đoàn TKV và Bộ Công Thương đã công bố kết quả tính đến cuối năm 2018 là tích cực và có triển vọng thành công. Báo Người Lao động ngày 10/5/2019 loan tin tại nhà máy Tân Rai, doanh thu ba năm đầu, dự án bị lỗ theo kế hoạch nhưng từ năm 2017 chuyển sang có lãi, riêng năm 2018 lãi trên 1,700 tỉ đồng (74 triệu USD). Tại nhà máy Nhân Cơ, sản xuất alumin cao hơn Tân Rai nên “mặc dù theo kế hoạch dự án lỗ trong 5 năm đầu đi vào hoạt động, nhưng ngay năm đầu tiên đã có lãi”. Theo báo Dân trí ngày 12.02.2018, số lợi nhuận được công bố là 60 tỷ đồng (2,64 triệu USD), rất không đáng kể.
Đáng chú ý là chỉ hai năm trước (2016), Bộ Công Thương cho hay “Dự án Bauxite Nhân Cơ sẽ tiếp tục lỗ 4-5 năm nữa, thời gian thu hồi vốn phải kéo dài 11-12 năm, nên đề nghị Chính phủ hỗ trợ 4900 tỉ (215 triệu USD) trong 10 năm (2016-2025). Tuy nhiên số tiền hỗ trợ được tính theo giá điện nên có thể sẽ phải lên tới 1.2 tỉ USD” (báo Tiền phong ngày 11.3.2016). Về nhà máy Tân Rai, theo báo Người Lao động ngày 13.3.2017, thì “Đến tháng 9 năm 2016, sau 3 năm hoạt động, Tổ hợp Bauxite-Nhôm Lâm Đồng đã thua lỗ 3.696 tỉ đồng (162,8 triệu USD). Mức lỗ này  gồm lỗ do hoạt động sản xuất, kinh doanh là 2.520 tỉ đồng (110,88 triệu USD) và lỗ do chênh lệch trị giá khoảng 1.176 tỉ đồng (51,74 triệu USD), đã vượt xa so với mức lỗ dự kiến theo kế hoạch là 1.660 tỉ đồng (73 triệu USD)” (Xin lưu ý: các con số USD để trong ngoặc đơn là do người viết tính theo hối suất 1 tỉ VNĐ = 44.000 USD).
Ông Nguyễn Văn Ban, nguyên Trưởng Ban Dự án Nhôm, Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam cho biết ông đã cảnh báo nhiều lần về việc triển khai các dự án bauxite Tây Nguyên. Quy mô công suất của dự án nhôm nhỏ hơn rất nhiều so với công suất thiết kế của thế giới nên rủi ro là tất nhiên. Ngoài ra, đã phát sinh thêm nhiều hạng mục trong quá trình thực hiện (như đường vận chuyển bô-xít, đường tránh khu dân cư). Theo ông Ban, “việc xây dựng dự án trong điều kiện không tính đến việc vận chuyển bằng ô tô sẽ rất tốn kém nên đây thực sự là cách làm liều lĩnh”.
Một số ý kiến cho rằng việc khai thàc bauxite tại Tây Nguyên, không có lợi bằng, nếu dùng cùng diện tích đất để trồng cây công nghiệp (cây cao su, cây cà phê, trà,...). Theo lời TS. Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, thì "dự án bô-xít Tây Nguyên vừa lỗ nặng, vừa gây ô nhiễm đến môi trường cả trước mắt và lâu dài". Cũng theo ông Trường thì "Nhà đầu tư TKV, đã được Bộ Tài nguyên & Môi trường "bao cấp" không tính phí tài nguyên môi trường, Bộ GTVT "hỗ trợ" tuyến đường vận chuyển (bằng tiền ngân sách), Bộ Công Thương dự trù "biếu không" nhà máy thủy điện Đồng Nai 5 để phục vụ cho dự án bô-xit... Tất cả các công trình nói trên là tiền ngân sách, thực chất là tiền thuế của dân, cần phải hết sức thận trọng, suy tính sử dụng cho có hiệu quả vì nợ công đã đến mức báo động đỏ".
Trong khi đó, biên tập viên Hòa Ái của đài RFA cho hay Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, từ Na Uy,  phân tích với RFA rằng số liệu mà Tập đoàn TKV báo cáo có lãi là con số không chính xác. Qua ứng dụng messenger, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ ghi rõ:
“Thông tin chỉ nói về con số mức lãi của nhà máy Tân Rai mà không nói về mức lãi của nhà máy Nhân Cơ. Nhà máy Tân Rai với tổng mức đầu tư trên 15.000 tỷ, sau 3 năm lỗ cho ra mức lời 1.700 tỷ năm đầu tiên, theo như tường thuật của báo giới, thì thực ra không có lời nếu tính thêm các chi phí khác. Thứ nhất, mức lời 1.700 tỷ đồng cho trên 15.000 tỷ đồng chỉ tương đương mức lợi nhuận 11% mỗi năm. Số tiền này xấp xỉ mức lãi suất trả tiền vay hàng năm. Thứ hai, mức lợi nhuận này còn phải tính đến giá trị của các quặng nhôm, chi phí phát sinh xử lý môi trường, chi phí hạ tầng, chi phí đền bù cho người dân... Và nếu tính đủ thêm các chi phí này vào dự án thì thực ra là lỗ chứ không có lời” (RFA, 08.04.2019).
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một trong hơn 100 vị nhân sĩ trí thức hồi năm 2010 viết thư gửi lên Bộ Chính trị và Nhà nước Việt Nam khẩn thiết yêu cầu tạm hủy dự án bauxite Tây Nguyên để tổ chức nghiên cứu lại một cách nghiêm túc và khoa học, lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do rằng con số báo cáo đạt lợi nhuận của Tập đoàn TKV rất đáng ngờ vực vì ông cho rằng có thể vì mục đích chính trị ẩn phía sau. Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhấn mạnh:
“Trong hai năm tới, sắp sửa Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra thì tôi nghĩ rằng những người điều hành đất nước sẽ rất muốn chạy theo số lượng để được những số liệu rất đẹp, bởi vì số liệu đẹp thì nó sẽ củng cố vị thế của người này người kia. Tôi nghĩ rằng ông Thủ tướng nên rất cần xóa đi những sự ngờ vực có thể có này bằng cách cho Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) hay chính những nhà máy đấy phải công bố chi tiết các thông tin ra, là đầu tư bao nhiêu, vay bao nhiêu, chi phí như thế nào, bán ra sao… Nếu có những dữ liệu đấy thì trong nửa tiếng đồng hồ mà một người không hiểu biết gì lắm như tôi cũng có thể tính toán ra một cách tương đối chính xác thực hư như thế nào”.
Cũng cần nói thêm rằng việc khai thác bauxite tiêu hao rất lớn điện năng, gây trầm trọng thêm tình trạng thiếu điện hiện nay, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và các ngành kinh tế khác. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại mới tăng giá điện khiến dân chúng phải trả gấp đôi trong khi dự án bô-xít vẫn được hưởng giá ưu đãi. Giá điện tăng khiến mọi thứ đều tăng theo. Rốt cuộc, người dân lại phải còng lưng chịu thêm gánh nặng của dự án bô-xít. EVN đã có những giải thích kỳ lạ về lý do tăng giá điện như số ngày trong tháng Ba dài hơn tháng Hai, hay giá điện ở Việt Nam còn thấp hơn giá điện trên thế giới.
Ngày 27.05.2019, báo Tiếng Dân cho hay trên báo Người Đô thị, Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, chủ trương phải giải quyết vấn đề tại gốc là Tập đoàn Điện lực: “Đại phẫu EVN là lối thoát duy nhất cho giá điện quốc gia – nghĩa là cho an sinh toàn xã hội trên bình diện vĩ mô lẫn sức khỏe của cả nền kinh tế. Chính phủ phải có trách nhiệm đó vì siêu con nợ vay vốn nước ngoài to nhất quốc gia (gần 10 tỉ đô) là EVN được Chính phủ bảo lãnh vay. Chính phủ bảo lãnh nhưng có lời thì EVN đút túi, lỗ thì toàn dân trả nợ thông qua giá điện. Và Chính phủ, Quốc hội cứ thử hỏi xem những cá nhân chuyên gia (với tôi là học phiệt), tập thể EVN và Bộ Công thương – những người luôn mồm muốn giá điện bằng với thế giới; xem cụ thể tiền đền bù đất, hoa màu cho dân rẻ mạt của các dự án điện cùng công suất có bằng với thế giới không? Lương công nhân ngành điện có bằng thế giới không? Chi phí bảo trì và quy chuẩn kỹ thuật an toàn có bằng thế giới không? Các dự án điện của thế giới có bị biểu tình phản đối nhiều như tại Việt Nam không? v.v. Mổ xẻ ngành điện mà không có đại án thì tôi mạnh dạn dự đoán một “đại án” khác cho quốc gia này trong tương lai. Mà dấu hiệu của nó chính là sự rên xiết của nhân dân… Chẳng ai vô can cả!” (dẫn bởi báo Tiếng Dân, 27/05/2019, bài “Giá điện bình quân” của Mai Quốc Ấn).
Kết luận
Vì không đủ kiến thức chuyên môn, tôi không có thể đánh giá đúng mức các thành quả của dự án và đề nghị các giải pháp cần thiết. Tuy nhiên, khi đối chiếu những thành quả này với những quan tâm của những nhà phản biện, tôi vẫn có thể nhận định tổng quát vể mức độ thành công của dự án và thử tìm phương cách thích hợp có thể dẫn đến quyết định nên chấm dứt hay tiếp tục dự án. Trong trường hợp tiếp tục thì cần phải làm gì để có thể đạt được kết quả thật sự có lợi ích cho đất nước và dân tộc.
Bản tổng kết sơ khởi của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho thấy dự án khai thác bauxite Tây Nguyên, sau 6 năm đi vào hoạt động, đã đạt được hiệu qua rõ rệt về kinh tế:
  1. Nắm vững kỹ thuật công nghệ tân tiến, do đó quá trình vận hành sản xuất đạt được công suất thiết kế, sản phẩm có chất lượng được thị trường tiêu thụ chấp nhận tốt. Các sự cố kỹ thuật được xử lý mau chóng và ổn định.
  2. Giá bán alumin trên thị trường cao hơn mức dự liệu, sản xuất tới đâu bán hết tới đó, thậm chí chưa đáp ứng hết nhu cầu của khách hàng; do đó dự án đã có lãi và có triển vọng rút ngắn thời gian hoàn vốn đầu tư. Bộ Công Thương đang nghiên cứu kế hoạch tăng vốn đầu tư để trình lên Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ xin chấp thuận.
Đối với các quan tâm lớn khác về an ninh, quốc phòng, môi trường, văn hóa, xã hội đã được các trí thức phản biện nêu ra suốt 10 năm qua, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chỉ tóm tắt trong một câu khẳng định mơ hồ rằng các vấn đề này “… được bảo đảm theo mục tiêu đề ra”.  Lẽ ra, dù chỉ tổng kết sơ khởi, Bộ trưởng cũng không thể làm ngơ trước những quan tâm chính đáng của các nhà cách mạng lão thành, các trí thức và khoa học gia nổi tiếng về uy tín và kiến thức chuyên môn. Ít nhất ông cũng phải chia sẻ ý thức về những quan tâm chính đáng đó và chứng tỏ Bộ Công Thương đang có những nỗ lực giải quyết các tai họa trước mắt, thí dụ tình trạng ô nhiễm môi trường do bô-xít gây ra đang tác hại đến sức khoẻ và cuộc sống kinh tế của hàng triệu người dân qua nhiều thế hệ, hiện tại và tương lai. Nên nhớ rằng chính Bộ Tài nguyên và Môi trường một đồng minh của Bộ Công Thương, trong báo cáo mới nhất đánh giá về hai dự án bô-xít Tân Rai và Nhân Cơ, cũng đã lên tiếng cảnh báo, “trong tương lai, dự án vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ô nhiễm và sự cố môi trường có thể xảy ra” (Dân trí, 12.02.2018).
Tôi không rõ Bộ Chính trị có nêu lên mối quan tâm nào trong buổi báo cáo của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh vào cuối tháng 10/2018 hay không, nhưng tôi không khỏi ngạc nhiên và thất vọng đối với Quốc hội trong buổi “chất vấn” ông Bộ trưởng cùng khoảng thời gian đó. Bản tường thuật của Bộ Công Thương cũng như thông tin báo chí trong nước chi nói đến một Đại biểu duy nhất là bà Nguyễn Thị Kim Thúy đứng ra chất vấn (thực chất là “hỏi thăm”) ông Bộ trưởng về hiệu quả kinh tế của dự án và khi nào thì có bản tổng kết chính thức thí điểm khai thác bauxite Tây Nguyên. Điều này cho thấy Quốc hội không tha thiết gì đến “chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta” và cũng không chú ý hay biết đến những mối quan tâm sâu xa của nhân dân trước những nguy cơ đe dọa sự sống còn của đất nước.
Tới đây, cần phải trở lại vai trò của các trí thức phản biện trước xu hướng gia tăng đầu tư vào dự án khai thác bauxite của những lãnh đạo chỉ chăm lo cho lợi ích phe nhóm chứ không cho lợi ích quốc gia. Đã đến lúc cần phải “tạo được một phong trào xã hội rộng rãi, kiên trì, thực sự thực hiện một cuộc đánh thức xã hội mà ta cần có từ sau 1975” như nhà văn Nguyên Ngọc vừa lên tiếng trong dịp kỷ niệm 10 năm bauxite Vietnam. Tôi hoàn toàn đồng ý với anh Nguyên Ngọc nhưng muốn bàn thêm rằng muốn thành công trong việc gây dựng phong trào có ảnh hưởng đến những thay đổi chính sách một cách ôn hòa, trước hết phải có tổ chức và (những) người lãnh đạo có uy tín và khả năng thuyết phục trong đối thoại và lề lối làm việc dân chủ. Tôi đã trình bày những ý nghĩ này trong một số bài viết trên các trang mạng và email trên diễn đàn xã hội dân sự. Gần dây tôi lại được đọc bài thuyết trình của TS Nguyễn Quang A về bài học cho dân chủ hóa ở Việt Nam từ phong trào phản kháng Thiên An Môn ở Trung Quốc 30 năm trước, tại một cuộc hội thảo ở Đài Bắc ngày 18.05 vừa qua. Trong phần cuối bài thuyết trình, TS Quang A trình bày Chiến lược cho dân chủ hóa ở Việt Nam gồm 5 chính sách dựa trên triết lý chính trị của nhà cách mạng ôn hòa Phan Chu Trinh và 9 nguyên tắc hành động như một nội quy của các thành viên Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự (DĐXHDS). Như vậy DĐXHDS thành lập ngày 23/09/2013 từ nay đã chính thức trở thành một tổ chức gây dựng phong trào dân chủ hóa Việt Nam. Tôi hoàn toàn tâm đắc với TS Nguyễn Quang A về Chiến lược này vì đây cũng là khái niệm về tổ chức một Mạng Lưới các tổ chức xã hội dân sự và lề lối sinh hoạt dân chủ giữa các thành viên của Mạng Lưới (sau gọi là Liên Minh hàng ngang) mà tôi đề nghị với các bạn ở trong nước qua các bài viết và email từ năm 2013. TS Nguyễn Quang A, một trí thức và nhà hoạt động có tầm nhìn và tư duy chiến lược, đã hoàn chỉnh khái niệm này thành một hình thức tổ chức chính trị hoàn hảo, hợp hiến và hợp pháp của diễn đàn XHDS.
Dịp kỷ niệm 10 năm Diễn đàn Bauxite Việt Nam tình cờ lại là thời điểm thích hợp cho sự tái xác định vai trò phản biện xã hội toàn diện của trí thức chân chính, đồng thời tham gia vào những nỗ lực chung nhằm cải thiện chế độ chính trị xã hội, đem lại tự do, hạnh phúc cho toàn dân. BVN sẽ còn nhiều việc phải làm trong những ngày tháng tới.
Tôi xin tạm kết thúc bài viết này bằng một đề nghị là BVN đứng ra tổ chức một cuộc hội thảo đánh giá kết quả giai đoạn sáu (06) năm đầu hoạt động (2013-2019) của Dự án khai thác bauxite Tây Nguyên. Mục đích chính là để cho các nhà trí thức phản biện có dịp trao đổi với các nhà quản lý, điều hành Dự án, để có những thông tin chính xác về kết quả hoạt động tại hai thí điểm Tân Rai và Nhân Cơ, thẩm định kết quả thực của những vấn đề đã và đang được giải quyết, và kế hoạch giải quyết những vấn đề còn tồn tại. Mục đích cuối cùng của cuộc hội thảo là quyết định về Dự án một cách thực sự cầu thị xem nên tiếp tục hay chấm dứt hoạt động. Nếu buổi hội thảo được Chính phủ cho phép Bộ Công Thương cùng hợp tác tổ chức với BVN thì tốt nhất, bằng không thì BVN sẽ tự lo liệu lấy, với sự hợp tác của các trí thức phản biện từ mọi ngành chuyên môn và được sự bảo trợ của những cá nhân và cơ quan thiện chí.
28.05.2019
L.X.K.
Tham khảo:
1. Wikipedia, “Dự án khai thác Bô-xít Tây Nguyên”, tổng hợp và trích dẫn các nguồn tin báo chí trong và ngoài nước.
2. RFA, 08.04.2019, “Dự án Bauxite Tây Nguyên thực sự có lợi nhuận và cần mở rộng đầu tư?”, bình luận của BTV Hòa Ái dẫn chứng các trí thức phản biện sau bài trả lời của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trước QH ngày 31.10.2018.
3. Các trang báo điện tử BVNTiếng DânViệt Nam Thời báo, Văn Việt.
Tác giả gửi BVN


MƯỜI NĂM, BAUXITE VIỆT NAM VỮNG TIẾN

NGÔ NHÂN DỤNG / BVN 30-5-2019

Image result for Hình nhà văn Ngô Nhân Dụng  
Dionysius I (c. 432-367 TCN) là một bạo chúa ở Syracuse, một thành phố Hy Lạp trên đảo Sicily. Ông cũng là một người thích làm thơ, không khác gì các ông Stalin và Hồ Chí Minh. Một hôm Dionysius đưa cho thi sĩ Philoxenus coi một tác phẩm mới của ông. Nhà thơ Philoxenus người đảo Cythera, đã từng bị quân Hy Lạp bắt khi họ đánh chiếm đảo. Bị bán làm nô lệ cho một thi sĩ phú hào rất rộng lượng ở Athenes, Philoxenus được ông chủ dạy làm thơ, soạn nhạc. Ông chủ yêu tài, trả tự do cho Philoxenus. Philoxenus tới sống ở Syracuse lập ra một trường phái “Nhạc Mới”.
Nhưng Philoxenus có tánh hay nói thật. Nghe thơ của Dionysius, thấy ngửi không được, ông nói ngay rằng thơ của nhà vua chẳng ra gì cả. Ông còn thành thật khuyên nhà vua đừng bao giờ làm thơ nữa. Việc viết khẩu hiệu nên để cho các thi sĩ hạng hai, hạng ba, họ có nghề múa mép, không nên bắt họ thất nghiệp.
Lập tức, Dionysius ra lệnh bắt giam Philoxenus, cho đi học tập cải tạo ở một công trường khai thác đá.
Ngày hôm sau, không hiểu sao Dionysius lại hối hận, mời nhà thơ vào triều dự tiệc. Dạ yến chiêu đãi văn nghệ sĩ tất nhiên là vui lắm, đại khái quý vị có thể tưởng tượng được, đủ các thứ sơn hào hải vị, có văn công giúp vui, vũ nữ ra múa. Sau khi đã uống rượu khá nhiều, thi hứng của nhà vua lại nổi lên. Ông đứng dậy ngâm một bài thơ của mình, thứ thơ kiểu “Ta nhất định thắng, địch nhất định thua.” Đọc thơ xong, Dionysius quay lại nhìn thi sĩ Philoxenus, hỏi: “Đồng chí thấy bài thơ mới thế nào? Đồng chí đã thay đổi ý kiến về tài thơ của trẫm chưa?”
Philoxenus đứng dậy, nghiêng mình, cung kính cúi chào ông vua. Rồi ông lững thững đi ra cửa, bảo tên lính đeo gươm hầu phụ trách an ninh nội chính: Chú làm ơn cho tôi trở về hầm đá!
Các văn nghệ sĩ và các nhà trí thức muốn nói thẳng, nói thật, rất khó sống dưới ách độc tài, dù là chế độ quân chủ chuyên chế ngày xưa hay là chế độ độc đảng chuyên chính ngày nay.
Cho nên, phải vui mừng khi thấy Mạng Bauxite Việt Nam do các nhà trí thức Việt Nam chủ trương đã sống được mười năm dù giữ vững thói quen “nói thẳng những lời trái tai” (trung ngôn nghịch nhĩ).
Ra đời năm 2009, Bauxite Việt Nam may mắn hơn những người trí thức, văn nghệ thời Nhân văn - Giai phẩm hơn 50 năm trước. Thời thế đã thay đổi. Một đảng cầm quyền mang tên “cộng sản” nhưng chỉ lo làm ăn chung để chia phần với tư bản trong nước và tư bản quốc tế thì không thể dùng còng số 8 bịt miệng người dân như trong thế kỷ trước.
Khác với Nhân văn, Giai phẩm, do các nhà văn nghệ khởi xướng nhằm đòi quyền tự do phát biểu, Bauxite Việt Nam xuất hiện vì những vấn đề chính trị: Dân Việt đứng lên bảo vệ môi trường sống đang bị các công ty khai thác ngoại quốc đe dọa; do đó cũng chống cảnh chính quyền Việt Nam quá lệ thuộc Bắc Kinh.
Từ cuối năm 2007 chính quyền Cộng sản Việt Nam đã cho các công ty Trung Quốc khai thác nhiều hầm mỏ ở nước ta. Việc khai mỏ bauxite ở cao nguyên miền Trung đã tàn phá nhiều vùng đất trồng cà phê, nhiều hồ “bùn đỏ” chứa chất độc hình thành, các nhà vườn không đủ nước tưới.
Khi dư luận lên tiếng phản đối, Nguyễn Tấn Dũng, là Thủ tướng lúc đó, đã thách thức nói rằng cho người Trung Quốc khai thác bauxite là một “chủ trương quan trọng của đảng và nhà nước”. Mặc dù trước đó Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã cam đoan với các nhà khoa học môi trường rằng sẽ không cho ai khai thác bauxite.
Cái gọi là “chủ trương quan trọng của đảng và nhà nước” là kiếm tiền. Họ đặt hy vọng vào lời hứa Trung Cộng sẽ đem tiền từ bên Tàu đầu tư vào nước ta.
Việt Nam chịu cảnh thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc thường xuyên. Không thể giảm bớt thâm thủng, phải có tiền đầu tư ngược chiều vào để bù lại. Trong ba tháng đầu năm 2009, số đầu tư ngoại quốc vào Việt Nam lại giảm bớt 40 phần trăm, càng thấy cần tiền của Trung Cộng. Ông Nguyễn Tấn Dũng qua Tàu gặp Thủ tướng Ôn Gia Bảo để bàn chuyện gia tăng giao thương từ $20 tỷ tới $25 tỷ mỹ kim.
Mua bán nhiều hơn có nghĩa là sẽ thâm thủng nhiều hơn. Dự án khai thác bauxite hứa hẹn đầu tư $15 tỷ trong 15 năm. Lúc đó thì công ty Trung Quốc Chinalco đã bắt đầu khai phá khu mỏ thứ nhất, và nhờ Alcoa, một công ty Mỹ, nghiên cứu khả năng khai mỏ thứ nhì.
Người Việt Nam vốn không ưa Trung Cộng. Chúng ta đã lo cảnh hủy hoại môi trường sống, lại thêm lo khi các công ty Trung Cộng đến tàn phá rừng núi nước mình, làm cho bao nhiêu đồng bào miền núi mất đất sinh sống! Dân Việt Nam còn căm phẫn trước làn sóng những công nhân Trung Cộng sang Việt Nam làm việc, quây quần riêng với nhau ở những địa điểm chiến lược, như Nhật báo Anh quốc, tờ Financial Times, ghi nhận “Chinese workers flooding into the strategically sensitive region”.
Trong hoàn cảnh đó, một nhóm nhà trí thức đã cùng Giáo sư Nguyễn Huệ Chi lập một mạng lưới thông tin cho đồng bào cùng lên tiếng. Ngay lập tức, mạng Bauxite Việt Nam đã bị chính quyền cộng sản hai nước, Việt Nam và Trung Quốc, cùng tấn công. Báo chí quốc tế như những tờ New York Times, Financial Times, Wall Street Journal năm 2010 cùng loan tin Bauxite Việt Nam bị ‘tin tặc” tấn công, khi thấy hai công ty Google và McAfee tiết lộ.
Công ty McAfee, chuyên về chống tin tặc, vào tháng Giêng năm 2010 đã khám phá ra âm mưu dùng “malware” từ Trung Cộng len lỏi vào một website nhu liệu viết tiếng Việt của Hội Chuyên gia Việt Nam. Rồi cả thế giới biết “Google cho thấy vụ tấn công trên mạng liên quan đến tranh chấp về khai mỏ ở Việt Nam”.
Bauxite Việt Nam đã đứng đầu sóng ngọn gió suốt mười năm qua. Bắt đầu như một trang mạng nhắm vào một mục đích cụ thể, là chống Trung Cộng khai thác bauxite ở nước ta, sau mười năm Bauxite Việt Nam đã trở thành một diễn đàn của các công dân nước Việt. Với tư cách công dân, các nhà trí thức bày tỏ ý kiến về vận mệnh đất nước. Với tiếng nói dõng dạc đường hoàng Bauxite Việt Nam đã thể hiện quyền công dân, đi bước đầu trong việc xây dựng một xã hội công dân độc lập với những người nắm quyền.
Nhờ có diễn đàn này, các tin tức “trái chiều” được phổ biến, các ý kiến vận động và xây dựng tự do dân chủ được trao đổi trong tinh thần tương dung, tương kính, trong đó có đóng góp của nhiều người Việt sống ở nước ngoài.
Một diễn đàn độc lập do các công dân tự dựng lên và tham dự, như Bauxite Việt Nam, là nền tảng cho việc tranh đấu, xây dựng cũng như duy trì, bảo vệ chế độ dân chủ. Những nhà “trí thức tự do” cố gắng đưa ra những thông tin và lý luận để các công dân khác, dù họ không chia sẻ quan điểm và lý tưởng của mình, cũng có cơ hội “biết thêm” về cuộc sống chung quanh.
Sự thật trong cuộc sống chung quanh chúng ta có thể hiện lên qua muôn vàn hình thức khác nhau. Mỗi câu chuyện có thể đem kể với những văn bản, màu sắc khác nhau. Những điều được coi là “chân lý” ngày hôm qua đến ngày mai có thể lộ nguyên hình là giả mạo.
Vì vậy xã hội loài người phải lập nên nhiều diễn đàn tự do để công khai chạy đua, cạnh tranh với nhau trong dư luận. Đó là một mắt xích không thể thiếu của xã hội công dân. Đi đôi với kinh tế thị trường, các xã hội muốn tiến bộ cần những thị trường thông tin, thị trường ý kiến. Mỗi người trong đó có thể canh chừng không để một người, một đảng đưa dân tộc vào những con đường sai lầm quá lâu, khi biết ra thì trễ quá, sinh bao tai hại. Trước hết, là những kẻ nắm quyền hành trong tay.
Các chế độ độc tài quân phiệt, phát xít và cộng sản, khi họ ngăn cấm thông tin, đều bắt dân chúng sống chìm đắm trong lạc hậu, lùi bước, chạy ngược chiều với lịch sử nhân loại. Bauxite Việt Nam đang đi hàng đầu để ngăn cản chính sách ngu dân đó. Từng bước một, từng bước một, ước mong Bauxite Việt Nam sẽ vững chân tiến tới.
Mười năm qua đã có nhiều nhà báo tự do xuất hiện, nhờ các tiến bộ kỹ thuật thông tin, các mạng xã hội. Các blogger của dân Việt đã bị đàn áp, trù dập. Nhiều người hiện đang sống trong tù. Như người ta nói, “Tự do không ai đem cho không” (Freedom isn’t free). Nhưng làn sóng tự do đã nổi lên trong mười năm qua vẫn là một bước đi lớn.
Đền đài của các bạo chúa như Dionysius đã biến trong cát bụi. Nhưng các bài thơ của Philoxenus vẫn còn khi còn người nói tiếng Hy Lạp. Trí thức con người vượt lên trên các chế độ chính trị. Những blogger, nhà báo, nhà trí thức tự do hôm nay có thể vững lòng vì họ đang tranh đấu cho tương lai nước Việt Nam dân chủ. Họ đang góp gió thành bão.
Sẽ có ngày “Ngọn gió lạ thường sẽ thổi tới” như tựa một bài thơ của Tô Thùy Yên, một thi sĩ mới qua đời. Một ngày, ngọn gió lạ thường sẽ thổi tới Ngoài biển khơi, trên lục địa… Ngọn gió lạ thường sẽ thổi tới Quật ngã những bức tượng, xô sập những đền đài…  Một ngày, một ngày, Ngọn gió lạ thường sẽ thổi tới Thổi tới (Tô Thùy Yên, Tuyển Tập Thơ, 2018)
N.N.D.
Tác giả gửi BVN
Bài đọc tham khảo do tác giả Ngô Nhân Dụng viết 10 năm trước:

Nguyễn Huệ Chi, McAfee và Google

Ngô Nhân Dụng

D:\Pictures\HC 3.jpg

Khi học giả Nguyễn Huệ Chi và một số bạn bè đứng ra lập mạng lưới thông tin cho đồng bào biết về việc Trung Cộng khai thác bô xít ở nước ta, các nhà trí thức này chắc không ngờ có ngày báo chí khắp thế giới nói đến họ. Những tờ báo lớn nhất ở Âu Châu như Financial Times, Le Monde, ở Mỹ như New York Times, Wall Street Journal trong ngày Thứ Ba, 31 Tháng Ba, 2010, đều nhắc nhở đến phong trào phản đối chính quyền cộng sản cho Trung Cộng khai thác bô xít, và những xung đột khác giữa hai nước Việt Hoa. Trong một sớm một chiều, cả thế giới biết tin các nhà trí thức Việt Nam đang chống lại việc Trung Cộng khai thác bô xít. Họ còn biết nguyên do chống đối là vì những ảnh hưởng tai hại cho môi trường, làm cạn kiệt tài nguyên, vân vân. Công ty khai thác nhôm Chinalco được nhắc đến như là nguồn gốc gây ra cuộc đối kháng của người dân Việt. Tiếng xấu về công ty Trung Cộng này sẽ còn lâu mới rửa được. New York Times viết tựa đề: “Googgle nối kết vụ tấn công mạng lưới với cuộc tranh chấp mỏ ở Việt Nam” (“Google Links Web Attacks to Vietnam Mine Dispute”). Financial Times viết tựa đề: “Các nhà phản kháng Việt Nam bị tin tặc tấn công” (Vietnam dissidents targeted by cyberattacks”). Cả hai đều nhắc đến nhóm các nhà trí thức chống Trung Cộng khai thác bô xít qua mạng lưới được hàng chục ngàn người vào tham dự.
Nhật báo Financial Times đã giới thiệu bản tin về vấn đề này hai lần trên hai mục khác nhau, trên mạng lưới, một là mục tin thế giới, hai là các tin tức về kỹ thuật. Trong bản tin này, tờ báo còn vạch rõ một mối lo ngại của người Việt Nam trong vụ khai thác bô xít này, là cơn sóng những người dân Trung Cộng sang Việt Nam làm việc, ở những địa điểm chiến lược trong việc phòng thủ quốc gia (Chinese workers flooding into the strategically sensitive region).
Nhật báo Wall Street Journal mở rộng mối quan tâm sang các doanh nhân Mỹ. Họ liên kết cuộc tấn công của tin tặc trên các nhà trí thức phản kháng ở Việt Nam với các vụ đột nhập vào mạng lưới các công ty Mỹ, do Bộ Quốc phòng Trung Quốc chủ trương, với mục đích gián điệp kinh tế. Tác giả bài báo cảnh cáo: An ninh của giới doanh nghiệp Mỹ bị đe dọa!
Cả hai tờ báo quốc tế Financial Times và New York Times, cũng như bản tin AP đều không quên nhắc lại Việt Nam và Trung Hoa đã trải qua hàng ngàn năm thù nghịch, cuộc chiến tranh gần đây nhất mới hồi 1979, và tâm lý người Việt Nam lúc nào cũng nghi ngờ tham vọng của các chính quyền phía Bắc. Nhân dịp này, họ cũng nêu lên mối tranh chấp về các quần đảo, đặc biệt là đã ghi nhận Hoàng Sa mới bị Trung Cộng chiếm của Miền Nam Việt Nam năm 1974.
***
Tất cả các tin tức trên đều lợi cho cuộc tranh đấu của người Việt Nam. Chúng sẽ nhắc nhở dư luận thế giới về những cuộc tranh chấp giữa hai nước Việt Nam và Trung Hoa hiện nay. Quan trong nhất là các bản tin đã giới thiệu cho mọi người biết một phong trào tranh đấu cho môi trường sống, cho chủ quyền quốc gia và đòi công lý của người dân Việt Nam. Phong trào tranh đấu này đã bị bọn “tin tặc” tấn công, hai công ty quốc tế Google và McAfee đã loan báo tin tức đó để các thân chủ của họ đề phòng; chính bản tin đó đã bùng nổ trên mặt báo chí khắp thế giới.
Tất cả các tổ chức đấu tranh chỉ mong “thắng” được một trận như vậy trong cuộc chiến vận động, tuyên truyền của mình. Có khi họ bỏ ra hàng triệu Mỹ kim để gây nên những tiếng vang như thế này. Nhưng học giả Nguyễn Huệ Chi và Mạng lưới Bô xít Việt Namkhông phải trả đồng tiền nào cả. Lý do, chỉ vì họ đang đứng về phía những lực lượng tiến bộ và đứng về phía lẽ phải. Không phải chỉ trong môi trường giữa người Việt Nam với nhau, mà lẽ phải và sự tiến bộ của chung nhân loại. Hai công ty Google và McFee tự nhiên đứng về phía Mạng lưới Bô xít Việt Nam!
Bản tin trên các báo và của hãng thông tấn AP đều nêu tin chính từ những lời tố cáo của công ty Google và vị Trưởng kỹ thuật công ty McAfee chuyên về chống tin tặc.
***
Khi có một đại công ty như Google để mắt tới, câu chuyện trở thành quốc tế! Công ty McAfee cho biết họ tìm thấy “nhu liệu phá hoại, malware” từ Tháng Giêng 2010 khi nó lẻn vào một nhu liệu viết tiếng Việt trong mạng www.vps.org, đó là Web site của Hội Chuyên gia Việt Nam, Vietnamese Professionals Society (VPS). Công ty McAfee cho biết họ đã khám phá ra “malware Việt Nam” này trong khi đang điều tra những vụ tấn công vào mạng lưới của Google trong lục địa Trung Hoa. Google bị chính quyền Trung Cộng tấn công với mục đích đột nhập và ăn trộm các dữ kiện trong hộp thư của các nhà dân chủ Trung Quốc. Cuộc tấn công thô bạo đã khiến công ty Google chấm dứt không hợp tác với Bắc Kinh trong việc kiểm duyệt mạng lưới; và hai tháng sau, công ty này đã rút khỏi Trung Hoa mặc dù sẽ bị thiệt hại về thương mại.
Sự kiện công ty McAfee tìm ra các con virus Việt Nam trong khi đang điều tra ở Trung Quốc cho thấy hai cuộc “hành quân ăn trộm và phá hoại” các mạng lưới ở Việt Nam và ở Trung Hoa có thể bắt nguồn từ cùng một đầu não, nếu không thì cũng được phối hợp chặt chẽ ít nhất về kỹ thuật.
Ðiều này rất dễ giải thích. Không phải chỉ riêng Cộng Sản Việt Nam lo lắng trước phong trào giới trí thức phản kháng vụ khai thác bô xít. Cộng Sản Trung Hoa cũng quan tâm vì quyền lợi kinh tế của họ. Cả hai đảng cộng sản đều muốn phá hoại không cho người Việt Nam vào mạng Bô Xít của học giả Nguyễn Huệ Chi và các nhà tranh đấu tự do dân chủ khác. Cho nên, nếu Đảng Cộng sản Việt Nam nhờ các cố vấn Trung Quốc giúp trong việc phá hoại này thì cũng dễ hiểu, không khác gì các cố vấn trong vụ cải cách ruộng đất, cố vấn các cuộc chỉnh quân, chỉnh đảng nửa thế kỷ trước
***
Nhưng khi hai đảng cộng sản thi hành chính sách này là họ đã khai chiến với cả loài người tiến bộ. Tiến bộ đây không phải là trên mặt kỹ thuật, kinh tế, mà tiến bộ về xã hội. Loài người đã tiến đến thế kỷ này, mọi người đều công nhận quyền được trao đổi thông tin, quyền được biết sự thật là một quyền thiêng liêng của mỗi con người. Ðó cũng là một động lực cần thiết giúp xã hội phát triển về kinh tế và văn hóa. Ngăn chặn quyền tự do đó, phá phách không cho người dân được thi hành những quyền đó, là phản tiến bộ, là chống lại cả loài người.
Chuyên viên Neel Mehta thuộc công ty Google giải thích tại sao công ty đã công bố tin tức những vụ tin tặc do các Chính phủ Trung Cộng và Việt Nam chủ mưu. Ông viết rằng công ty nêu lên các sự kiện này để đánh thức “cộng đồng quốc tế chú ý đến vấn đề an toàn mạng lưới một cách nghiêm chỉnh. Vì mục đích là bảo vệ việc trao đổi ý kiến và quan điểm một cách tự do (free opinion flowing)”.
Các nhà trí thức Việt Nam chủ trương Mạng lưới Bô xít Việt Nam cũng nhắm cùng một mục đích: Trao đổi thông tin và quan điểm một cách tự do. Con người chỉ làm được việc thông tin tự do khi biết kính trọng người khác và tự bảo vệ phẩm giá của mình. Cấm đoán thông tin, cấm các quan điểm khác mình không cho phát biểu, đều là những thái độ và hành động hèn nhát, làm giảm giá trị của chính người cấm lẫn những người bị cấm.
***
Các chế độ độc tài phát xít và cộng sản, khi họ ngăn cấm thông tin, đều bắt dân chúng sống chìm đắm trong lạc hậu, lùi nhiều bước ngược chiều với lịch sử nhân loại. Ở nước Trung Hoa nhiều người đã than thở là khi vào Google hay Baidu tra tìm một chữ như “cà rốt” cũng gặp khó khăn, mặc dù mục đích chỉ để tìm hiểu về thức ăn hay cách trồng rau. Có lúc mạng lưới tra tìm không cho kết quả nào, vì chữ “cà rốt” mà người Trung Hoa gọi là “hồ la bặc” có chữ Hồ trong đó, các mạng lưới đã kiểm duyệt vì tránh tiết lộ các “bí mật quốc gia” về ông Chủ tịch Hồ Cẩm Ðào! Cũng giống như vậy, người tra tìm một chữ “ấm áp” (ôn) cũng gặp khó khăn vì chính quyền cộng sản muốn ngăn cản các “gián điệp” không cho dò tin tức về Thủ tướng Ôn Gia Bảo!
Cái thói quen bưng bít đó còn đọng lại ngay cả sau khi chế độ cộng sản đã sụp đổ. Mấy bữa trước, có hai vụ nổ bom trong hệ thống xe điện ngầm ở Matxcơva từ sáng sớm khiến 39 người chết. Nhưng ba hệ thống truyền hình lớn nhất ở thủ đô nước Nga giữ lại không loan tin này. Sau đó, từ nửa giờ đến hai giờ, họ loan tin vắn tắt. Và mãi đến trưa, mới có một đoàn phóng viên đến quay phim tại hiện trường, sau khi đã dọn dẹp!
Cuộc cách mạng thông tin khiến cho chính sách bưng bít đó không những thất bại mà còn trở thành lố bịch. Trong nước Việt Nam hiện nay cũng rất ít người biết đến Mạng lưới Bô xít Việt Nam, khiến người dân không những chán ghét mà còn khinh bỉ bọn cầm quyền. Nhờ Google, hôm nay cả thế giới được biết dân Việt Nam chống Chinalco khai thác bô xít, và các báo đều nêu rõ những lý do chính đáng. Người ta cũng biết nhiều hơn về các cuộc tranh chấp ở Hoàng Sa, Trường Sa.
***
Bởi vì chúng ta, những người tranh đấu cho nước Việt Nam tự do dân chủ đang đứng cùng phía với những người tiến bộ trên thế giới. Cộng sản đang đứng về phía những kẻ cản đường không cho dân tiến bộ. Dân chủ đang lên, độc tài đang xuống, từ nửa thế kỷ nay. Trước đây 40 năm, các Chính phủ Ðài Loan, Ðại Hàn, Indonesia, Thái Lan cũng đứng về phía phản tiến bộ như cộng sản bây giờ. Nhưng khi người dân các nước trên ý thức được các quyền lợi vật chất và tinh thần của họ sẽ chỉ được bảo đảm khi mọi người cùng được tự do, quan trọng nhất là tự do thông tin, thì cuối cùng các chế độ độc tài sẽ sụp đổ.
Trong công cuộc tranh đấu này, ở Việt Nam, các nhà trí thức phản kháng đang đi tiên phong. Trước đây không ai ngờ học giả Nguyễn Huệ Chi và các bạn ông lại có khi liên hệ với các công ty McAfee và Google. Các công ty quốc tế lớn về truyền thông đang đứng về phía họ. Vì tất cả đều thuộc những lực lượng tiến bộ trong nhân loại.
N.N.D. Nguồn: báo  Người Việt, ngày 01/04/2010. Đăng lại trên các mạng talawasTrúc lâm Yên TửDân chủ - nhân quyền cho Việt NamDân lên tiếng...



NHỮNG KỶ NIỆM VÀ NHỮNG ĐIỀU ĐIỀU CẦN BIẾT SAU 10 NĂM KHAI THÁC BAUXITE TÂY NGUYÊN

LÊ PHÚ KHẢI/ BVN 30-5-2019

D:\Pictures\Lê Phú Khải.jpg

Một buổi chiều oi bức giữa tháng 3 năm 2009, nhà văn Phạm Đình Trọng đến tôi và nói: Tôi vừa viết lên mạng internet gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phản đối cho Trung Quốc vào khai thác bauxite ở Tây Nguyên, nhưng chỉ có mình tôi lên tiếng… cô đơn quá!!!
Tôi bảo anh Trọng: Ông đã kiến nghị Thủ tướng rồi, thì tôi phải phản đối lên Tổng Bí thư mà thôi…
Đêm hôm đó (19.3. 2009), tôi viết bài Thư ngỏ của một công dân ngoài đảng. Trang mạng BBC tiếng Việt đã đăng trang trọng bài viết đó vào ngày 23.3.2009.
Trong thư ngỏ gửi Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đó, tôi đã nhắc đến các ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nhà văn Nguyên Ngọc, nhà văn Phạm Đình Trọng về vấn đề khai thác bauxite, và đặc biệt nhấn mạnh đến việc Trung Quốc đã ra lệnh đóng cửa các mỏ bauxite ở nước mình trên toàn quốc từ 2008 vì tính chất độc hại tàn khốc đối với môi trường sinh thái. Vì nhân đạo mà trước đây Liên Xô cũng đã khuyên ta không nên khai thác bauxite ở Tây Nguyên…
Sau khi trang mạng BBC tiếng Việt đăng bài Thư ngỏ của một công dân ngoài đảng, biên tập viên của BBC là nhà báo Lê Quỳnh cho biết, BBC nhận được rất nhiều comment về bài đó. Nhà báo Lê Quỳnh là con trai của nhà văn Trần Hoài Dương, nguyên biên tập viên Tạp chí Cộng sản, người đã hướng dẫn nghiệp vụ và kết nạp đảng viên dự bị Nguyễn Phú Trọng chính thức vào đảng ngày 19.12.1968.
Trước làn sóng phản đối việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên ngày một dữ dội, Bộ Chính trị đảng CS Việt Nam đã có một phiên họp đặc biệt về vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên.
Có một câu chuyện hay có thể gọi là một kỷ niệm nhiều chất humour đối với tôi sau đó. Và trước đó, tôi cũng đã nhận được nhiều chuyện đầy chất humour như thế trong cuộc đời làm báo của mình.
Số là, sau cuộc họp của Bộ Chính trị về bauxite, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có bảo người thư ký riêng của ông gọi điện đến Tiến sỹ Tô Văn Trường, người khá thân thiết với ông, để hỏi anh Tô Văn Trường vì sao Lê Phú Khải là đảng viên mà lại viết thư qua BBC nhan đề “Thư ngỏ của một công dân ngoài đảng” (!)?
Khi tôi còn là phóng viên thường trú của Đài Tiếng nói Việt Nam tại Đồng bằng sông Cửu Long nhiều năm, có nhà riêng tại Mỹ Tho và đặt “bureau” ngay tại nhà, một lần Chủ tịch tỉnh Tiền Giang là ông Nguyễn Công Bình đến bảo tôi: Thường vụ (tỉnh) mới họp, quyết định kỳ này giới thiệu đồng chí tham gia cấp uỷ (phường) để đồng chí giúp đỡ địa phương (phường) và để hằng tháng đồng chí khỏi lên thành phố Hồ Chí Minh họp chi bộ (!). Tôi chưa kịp nói gì, nhưng nhìn vẻ ngạc nhiên của tôi, ông Chủ tịch tỉnh vốn nghiêm nghị và quyết đoán đã nghiêm nét mặt nói: Đồng chí không được khiêm tốn! Nói xong, ông lên xe ra về.
Tôi than với vợ tôi rằng: Kỳ này có lẽ tôi “tới số” rồi, vì “không được khiêm tốn”!
Chưa hết, sau hơn 10 năm có lẻ thường trú cho Đài Tiếng nói Việt Nam tại Đồng bằng sông Cửu Long, tôi về làm việc tại cơ quan thường trú của Đài tại thành phố Hồ Chí Minh, một hôm, hai cán bộ lãnh đạo cấp trưởng - phó ban của báo Sài Gòn giải phóng tranh luận với nhau về việc Lê Phú Khải có phải là đảng viên hay không? Người bảo có, người bảo không. Cuối cùng người ta cá cược nhau một thùng bia! Họ gọi điện về nhà hỏi vợ tôi… Khi tôi về đến nhà, vợ tôi kể lại chuyện này và bảo: Đến bây giờ mà mấy ông Sài Gòn giải phóng còn… nặng về lý lịch! Tôi bảo với bả: Dù sao thì tôi cũng mừng cho đảng, vì người ta thấy tôi tử tế nên nghĩ tôi là đảng viên (!).
Ít ngày sau khi ông Tư Sang hỏi ông Tô Văn Trường về tôi thì diễn đàn Bauxite Việt Nam ra đời do Giáo sư Huệ Chi làm tổng biên tập. Ngay lập tức, cả một rừng phản biện về khai thác bauxite ở Tây Nguyên được đăng tải trên diễn đàn Bauxite Việt Nam. Phản biện toàn diện, từ xử lý môi trường đến vận chuyển thành phẩm ra biển, hạch toán lỗ lãi…
Tác dụng của trang mạng này mạnh mẽ đến mức Tổng biên tập Huệ Chi bị công an mời lên chất vấn dài dài… Cũng từ đó mở đầu cho một giai đoạn các tổ chức xã hội dân sự cùng với các trang mạng của họ ra đời. Các kiến nghị lấy chữ ký, thư thỉnh cầu, các tuyên bố dân sự xuất hiện ngày một nhiều.
Lịch sử đấu tranh ôn hoà để dân chủ hoá đất nước trong lòng chế độ độc tài toàn trị ghi công những người đầu tiên lập nên diễn đàn Bauxite Việt Nam.
Như một tất yếu, khi xã hội Việt Nam quyết không cải cách chính trị, chỉ cải cách kinh tế, với kinh tế thị trường “định hướng xã hội chủ nghĩa” thì cái quái thai này đã tàn phá dữ dội toàn diện đất nước.
Với 10 năm cầm quyền, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bật đèn xanh cho cả hệ thống chính trị ăn cướp đất đai, tài sản của dân để xây dựng phe cánh, tạo thế lực riêng cho mình, với hy vọng tranh giành quyền lực ở đại hội 12. Dũng đổ, kinh tế, đạo đức xã hội cũng đến hồi sụp đổ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn củng cố đảng, chống tham nhũng và “đốt lò”, nhưng lại thù ghét tam quyền phân lập, luôn miệng chống “các thế lực thù địch”… thì chỉ là một trò hề, một tấn tuồng lố bịch! Hơn nữa, Trung Quốc cũng không bao giờ cho ông Trọng chống tham nhũng thật sự. Họ luôn duy trì một Việt Nam hèn yếu và hỗn loạn… Tham nhũng ngày một lan tràn, vì cái gốc của nó là thể chế độc tài đảng trị vẫn giữ nguyên, thậm chí còn xiết chặt đàn áp dân chủ, đàn áp báo chí hơn bất cứ lúc nào.
Như một lẽ tự nhiên, diễn đàn Bauxite Việt Nam từ chỗ chỉ phản biện về vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên, đã trở thành một trang mạng xã hội của trí thức trong và ngoài nước phản biện về tất cả những chính sách kinh tế, xã hội, chính trị của nhà nước đảng trị, công an trị. Trung Quốc đưa giàn khoan khủng vào Biển Đông, tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam, vụ làm tàu cao tốc, dự luật đặc khu, vấn nạn cướp đất ở Đồng Tâm, Thủ Thiêm, vườn rau Lộc Hưng, nạn gian lận thi cử, nạn bạo hành ở trường học… tất cả những vấn nạn kinh hoàng ấy của đất nước đều được Bauxite Việt Nam phanh phui, phê phán không khoan nhượng. Vì thế, cho đến nay, sau 10 năm tồn tại, mặc dù cả một rừng các trang mạng khác, các blog cá nhân ra đời như măng mọc sau ngày mưa, diễn đàn Bauxite Việt Nam vẫn là “tờ báo” được đông đảo bạn đọc đón nhận từng ngày. Sức sống của trang Bauxite Việt Nam mãnh liệt và không một luật an ninh mạng nào xoá bỏ được nó ở thời đại công nghệ 4.0 này.
Ngay từ những ngày đầu, tôi đã phản đối quyết liệt việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên, tham gia viết bài cho diễn đàn Bauxite Việt Nam và là bạn đọc thường xuyên của trang, vì thế tôi theo dõi từng diễn biến lớn nhỏ suốt 10 năm qua về đề tài bauxite Tây Nguyên.
Với tất cả vốn liếng và kinh nghiệm nghề nghiệp hơn 40 năm theo đuổi công việc của “người trinh thám cuộc sống” - như người đời đã gọi các nhà báo, tôi gắng sức điều tra và thấy cần thông báo về tình hình khai thác bauxite Tây Nguyên như sau:
Như các cụ ta xưa có câu: Trong cái rủi có cái may, Trung Quốc cấm khai thác bauxite ở nước họ, nhưng lại bắt chư hầu Việt Nam khai thác cho bằng được để bán cho họ, bắt Việt Nam mua các thiết bị khai thác kém chất lượng của họ (!). Nhưng với tinh thần sáng tạo, ý chí của mình, các kỹ sư Việt Nam đã giải quyết được tất cả những trục trặc trong dây chuyền công nghệ do thiết bị kém chất lượng của Trung Quốc. Việt Nam đã làm chủ được công nghệ. Từ năm 2016 sản xuất đã ổn định và có lãi. Năm 2018 nhà máy Tân Rai sản xuất được 670.000 tấn alumin (nhôm oxit), lãi 2.000 tỷ, trong khi phải đầu tư 15.000 tỷ. Nhân Cơ sản xuất được 650.000 tấn alumin (nhôm oxit), lãi 1.700 tỷ, trong khi phải đầu tư 17.000 tỷ.
Khi nói về vấn đề lãi, các nhà kinh tế sẽ đặt câu hỏi, bán tài nguyên của đất nước đi thì có thể gọi là lãi được không? Có người lại nêu vấn đề, các nhà máy bauxite nằm trong Tổng công ty Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty đang báo lỗ thì lãi của hai nhà máy Tân Rai, Nhân Cơ vẫn nằm trong lợi ích nhóm, ngân sách quốc gia không được hưởng gì.
Hiện nay Trung Quốc không mua nhôm oxit của Việt Nam để sản xuất nhôm nữa, họ chủ yếu mua của Brazil. Trung Quốc không mua nữa, ta lại bán cho Nhật và Ấn Độ với giá cao hơn, 360 USD một tấn.
Sau nhiều bầm dập, sau nhiều bất cập, đến bây giờ các kỹ sư Việt Nam có thể lắp đặt toàn bộ dây chuyền công nghệ, từ làm tổng công trình sư đến thiết kế, mua sắm thiết bị… cho một nhà máy tuyển bauxite, phát triển lên thành một công nghệ mạnh mang thương hiệu Việt Nam. Các lãnh đạo ở Nhân Cơ và Tân Rai cho hay: Nếu làm nhà máy mới, tất nhiên là mua sắm thiết bị của G7, không đời nào mua của Tàu. Hiện các kỹ sư của Tàu đã về nước hết.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học môi trường, hiệu quả thực sự của dự án Bauxite Tây Nguyên vẫn là một bài toán rủi ro khó lường, nó bất cập ngay từ đầu, vì chỉ dựa vào quyết tâm chính trị của nhà nước.
Thông thường làm dự án thí điểm thì dự án không lớn. Nhưng Việt Nam làm luôn hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ, lại sử dụng cùng một nhà thầu và sử dụng công nghệ của nhà thầu này luôn là một sai lầm ai cũng thấy. Về chất lượng sản phẩm cần phải có so sánh với alumina (nhôm oxit) của một số nước khác, không thể nói chung chung là đạt chất lượng thế giới. Nếu chất lượng thấp thì dùng vào các mục đích khác như trong lĩnh vực chất mài, chất đánh bóng, chất chịu lửa, thuỷ tinh, gốm… Về lâu dài thì phải đầu tư công nghệ thải bùn đỏ khô, không thể bỏ qua chi phí này.
Hồ bùn đỏ là vấn đề rất lớn về môi trường. Hiện VN chỉ mới giải quyết chống chảy tràn giữa hai ô chứa bùn đỏ (block – khoang). Vấn đề chống tràn toàn hồ chưa có, và tháo nước tràn này đi đâu, trong khi mưa ở Tây Nguyên rất lớn? Kinh nghiệm cho thấy thảm họa vỡ hồ bùn đỏ ở Hungari xảy ra vào mùa mưa.
Nhìn bằng mắt thường, hồ bùn đỏ được xây dựng khá vững chãi. Nhưng quan ngại nhất đối với hồ bùn đỏ ở Tân Rai và Nhân Cơ là rò rỉ kiềm vào nước ngầm và nước mưa tràn.
Nhiều chuyên gia khuyên không nên dùng màng chống thấm thông thường với môi trường kiềm, hoặc nếu có sử dụng thì chỉ dùng trong thời gian ngắn.
Vấn đề chọn nhà thầu Trung Quốc với những điều khoản hợp đồng tù mù, bất lợi mà không ít người đã nhìn thấy và can ngăn không được. Nay “việc đã rồi” này phải được giải quyết thật minh bạch trong thời gian tới.
Cần xem xét thật thận trọng kiến nghị của TKV về khả năng mở rộng công suất của dự án. Nếu có công ty tư nhân nào muốn đầu tư thì phải tạo điều kiện cho họ, nhưng phải là công nghệ tiên tiến.
Cuối cùng, Bộ Công Thương phải báo cáo Quốc hội về hiệu quả thực sự của dự án   bauxite 10 năm qua về các mặt kinh tế, xã hội và môi trường.
Chính vì thế mà diễn đàn Bauxite Việt Nam còn nguyên giá trị phản biện, giá trị thời sự của nó sau 10 năm tồn tại.
Người viết bài này có một đề nghị: Nhân kỷ niệm 10 năm trang mạng Bauxite Việt Nam, thiết nghĩ có nên lập một Ban giám khảo, xét trao giải cho những cây viết đã tham gia diễn đàn Bauxite Việt Nam 10 năm qua? Một giải Nhất trị giá 500.000 VN đồng, giải Nhì 300.000 VN đồng và một giải Khuyến khích 100.000 VN đồng. Là độc giả chăm chỉ của diễn đàn Bauxite Việt Nam, tôi đề nghị trao giải Nhất cho Tiến sĩ Tô Văn Trường, người đã phản biện rất hiệu quả những bất cập trong dự án làm đường tàu cao tốc năm 2010, góp phần cho dự án phản dân hại nước này phải hủy bỏ vĩnh viễn.
TP HCM, 4.2019
L.P.K.
Tác giả gửi BVN

CHÚC MỪNG TRANG 'BAUXITE VIỆT NAM' MƯỜI NĂM

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 31-5-2019

D:\Pictures\Nguyễn Đình Cống.jpg

Đã từ lâu tôi phát hiện ra những nhầm lẫn của Mác và những độc hại của Chủ nghĩa Mác Lê, cũng như những sai lầm, thiếu sót trong các chủ trương, nghị quyết của ĐCSVN. Vào cuối thể kỷ 20, đầu thế kỷ 21, sau khi Hà Sĩ Phu tạo được tiếng vang và bị bỏ tù, tôi ước ao được công bố những phát hiện của mình, dù có bị tù đày hoặc  tử hình cũng vui lòng. Loay hoay chưa biết công bố thế nào  thì Trang Bauxite Việt Nam đã giúp tôi có điều kiện mở miệng. Tôi cảm phục các vị đã tạo ra và duy trì được  sự hoạt động giữa muôn vàn khó khăn và sự cản trở của chính quyền cộng sản, Tôi biết ơn trang Bauxite Việt Nam vì đã giúp tôi công bố những suy nghĩ và kết quả nghiên cứu, cũng như là diễn đàn để  trao đổi ý kiến. Thông qua trang Bauxite Việt Nam mà tôi kết bạn được với nhiều người cùng chí hướng.
Ở VN cũng như trên thế giới đã có nhiều ý kiến phê phán chủ nghĩa Mác Lê, nhưng có  ít người phê phán trực tiếp Mác. Rất nhiều người, từ kẻ cuồng tín đến người bình thường không hề dám có ý kiến nhận xét gì về Mác ngoài việc ca ngợi suông. Có một số người dám phê phàn Mác, nhưng lại cho rằng trước đây Mác vẫn đúng, các quan điểm của ông chỉ không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Tôi cho rằng đó là nhận xét tương đối hời hợt.  Kết quả nghiên cứu của tôi cho thấy Mác đã nhầm lẫn  ngay từ đầu, chủ nghĩa Mác sai ngay từ gốc.
Tôi rất phấn khởi khi Bauxite Việt Nam đăng bài của tôi: “Một số nhầm lẫn của Mác”, và sau đó đăng tiếp các bài “Ngụy biện của chủ nghĩa Mác Lê”, “Chất đất sét trong các hòn đá tảng của Mác”. Những bài đó vạch ra bản chất sai lầm được che phủ bằng bề ngoài hào nhoáng và có vẻ hợp lý của chủ nghĩa Mác.
Wikipedia viết về tôi có quan hệ đên Bauxite Việt Nam như sau : “Gần đây, ông (Cống) còn kêu gọi thực hiện đa nguyên, dân chủ trên trang mạng Bauxite”. Xem lại trên trăm bài gửi cho Bauxite Việt Nam tôi chủ yếu vạch ra những sai lầm của Mác, của Chủ nghĩa Mác Lê, phản biện một số nghị quyết, chỉ thị của ĐCS và chính quyền, việc kêu gọi đa nguyên là có, nhưng không phải là chính. Phải chăng Wikipeddia chỉ mới dám viết ra một phần sự thật.
Vì công khai phê phán Mác Lê mà tôi từ bỏ ĐCS. Có câu hỏi của bạn bè, tôi được gì, mất gì khi làm việc đó. Tôi trả lời rằng tuy có mất chút ít nhưng được nhiều hơn với những phẩm chất tinh thần quý giá. Thì ra những băn khoăn, lo sợ của tôi  về ảnh hưởng đến con cháu do việc làm của mình chỉ là suy đoán. Từ ngày tuyên bố từ bỏ ĐCS đến giờ tôi tự tin hơn, sống thoải mái hơn.
Nhân kỷ niêm 10 năm hoạt động của Trang Bauxite Việt Nam, tôi cầu mong và kính chúc  các nhà sáng lập, các cộng sự được mọi điều tốt lành, như ý.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN



10 NĂM NÂNG CAO DÂN TRÍ CHẤN HƯNG DÂN KHÍ

TÔ VĂN TRƯỜNG/ BVN 31-5-2019

Thời gian trôi rất nhanh, thấm thoát đã đến kỷ niệm 10 năm ngày thành lập trang mạng Bauxite Việt Nam (BVN). BVN xuất hiện vào thời điểm chuẩn bị triển khai dự án khai thác Bauxite ở Tây Nguyên với nhiều ý kiến bức xúc trái chiều với chủ trương này. Đến nay, thực tế cho thấy đó là những phản biện khoa học thực tiễn quý giá, nếu được lựa chọn tiếp thu sẽ không dẫn đến tình trạng “bỏ thì thương, vương thì tội” như dự án bauxite cũng như nhiều đại dự án hiện nay. Phản biện khoa học hữu hiệu góp phần bảo đảm tăng trưởng kinh tế, an toàn về môi trường và an ninh cho đất nước ta.
Diễn đàn của người dân và giới trí thức
Tính đa dạng, đa chiều trong tự nhiên và xã hội là sự tồn tại tất yếu. Theo thời gian trang Bauxite Việt Nam trở thành diễn đàn của nhiều người dân, đặc biệt là giới trí thức trong và ngoài nước về nhiều nội dung hơn, chủ yếu là những ý kiến riêng phản ánh & bình luận về các vấn đề thời sự, thực trạng kinh tế xã hội và lý luận của Đảng và Nhà nước... ; phần lớn là  ý kiến trái chiều, có ý kiến sâu sắc, có ý kiến cực đoan, nhưng đều phản ánh cách nhìn đa chiều về chính trị - xã hội và là những thông tin hữu ích để đánh giá những điều tích cực cũng như yếu tố tiêu cực của đời sống chính trị - xã hội mà không phải lúc nào các cơ quan tư tưởng văn hóa của Đảng và Nhà nước muốn mà có được.
Cùng với vai trò của nhà nước pháp quyền và kinh tế thị trường, tự do thông tin cũng là một trong những yếu tố trụ cột của xã hội dân sự, là điều kiện để tạo ra sự phát triển của đất nước tiến kịp văn minh nhân loại. Vì vậy, từ trang thông tin Bauxite Việt Nam, có thể chọn ra được những bài viết nghiêm túc dù có trái với một số quan điểm của Đảng nhưng vẫn là những thông tin tham khảo hữu ích rất đáng trân trọng.
Người đời thường nói khi “sơn hà nguy biến” trước giặc ngoại xâm thì phải bằng súng gươm để hóa giải, “nước dơ lấy máu làm sạch” nhưng khi đất nước đối diện với nghèo nàn và lạc hậu, với tham nhũng và thoái hóa của một bộ phận không nhỏ đang có quyền lực thì phải bằng bản lĩnh và trí tuệ của người trí thức để cứu nước.
Có thể nói 10 năm kỷ niệm của trang mạng Bauxite Việt Nam ra đời cũng là 10 năm chúng ta chứng kiến những sự kiện to lớn, diễn ra trên tất cả các lĩnh vực của đất nước và trên thế giới. Những vụ việc tày đình làm thất thoát, tham nhũng tài sản Nhà nước, những quan chức cao cấp hàng đầu, tướng lĩnh quân đội, công an vi phạm pháp luật đã bị xử không còn là chuyện đồn thổi, “bôi nhọ chế độ” nhưng giới truyền thông cũng phải đối mặt với rất nhiều thử thách khắc nghiệt để có thể tồn tại dù biết trước cũng không dám lên tiếng khi chưa được phép của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Trong bối cảnh  báo chí truyền thông “lề phải” bị vướng vào “vòng kim cô”, thì BVN có thể tự hào rằng là một trong những trang mạng đã sớm có những phân tích về hậu quả khó tránh của hầu hết các sự kiện nổi cộm  trong đời sống chính trị - xã hội, thực hiện khá tốt chức năng phản biện xã hội mặc dù không được công nhận chính thức – thẳng thắn và có giá trị hơn nhiều so với các diễn đàn “chính thống” khác như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội khác.
Vì vậy, BVN nhận được sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng người Việt Nam, đặc biệt nhiều trí thức trong và ngoài nước, đã tồn tại một cách đàng hoàng và uy tín trong làng truyền thông. Hay nói cách khác, BVN đã lớn lên từng ngày trong công chúng.
Mười năm không phải là dài nhưng là chặng đường đáng nhớ.  Bauxite Việt Nam đã tập hợp được đội ngũ các cộng tác viên cùng nhau chia sẻ quan điểm phản biện  trên cơ sở thực tế và khoa học, có tác dụng thực sự trong việc nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí, vốn là một yếu tố quan trọng làm nên thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ  năm 1945.
Khoa học không có tình thương, mà cũng không có hận thù. Khoa học không có vị nể, mà cũng không có bôi bác. Khoa học là thẳng thắn, trung thực, và chính xác. Mạng Bauxite Việt Nam ngay từ khi mới ra đời, phản ánh đúng tâm tư của giới trí thức, ngoài vấn đề liên quan đến dự án bauxite còn đề cập nhiều vấn đề về kinh tế, chính trị, triết học, quan hệ quốc tế, khoa học công nghệ,… với tầm nhìn sâu sắc, nhân văn, có lý có tình và rất thuyết phục. Nhiều bài phản ánh bức xúc ở trong nước như về dự án đồi Vọng Cảnh (Huế), dự án xây đô thị lấy đất của nhà thờ Cồn Dầu (Đà Nẵng), v.v... đã có tác dụng sớm ngăn chặn những chủ trương sai trái, làm giảm sự phẫn nộ của các tầng lớp xã hội. Nhiều bạn đọc thích mạng BVN vì mang tính chất “think tank” phân tích sâu hơn những mạng khác chỉ có ý nghĩa “thông tấn” khi sự việc đã rồi.
Phải nói Bauxite Việt Nam mở đầu phong trào trí thức phản biện ở VN, nếu không bị ngăn cản thì đây đã có thể trở thành nơi tập hợp của giới trí thức tinh hoa tạo đà xây dựng xã hội dân sự thúc đẩy Việt Nam phát triển và hòa nhập xu hướng dân chủ tiến bộ trên thế giới.
Suy ngẫm
Tuy nhiên, cũng có thể nhặt ra một số “hạt sạn” trên mạng Bauxite Việt Nam. Những năm gần đây, không biết có phải vì bị ngăn cản cấm đoán từ phía chính quyền hay vì lý do nào đó, mà xu hướng phản biện phần nào cực đoan xuất hiện trên BVN ngày càng nhiều.
Tôn chỉ, mục đích của BVN là đấu tranh vì tiến bộ xã hội, vì sự phát triển đất nước, chấp nhận đa dạng quan điểm chính trị, nhưng không nên vô tình hay hữu ý để người đọc nhận lầm đây là một “cuộc chiến một mất, một còn”. Và trong cuộc chiến ấy, mục tiêu, con đường, quan trọng nhất vẫn là phải tự lực, không thể dựa vào bất cứ thế lực nào bên ngoài vì không hợp xu thế thời đại. Có một số bài viết mặc định VN chỉ có thể phát triển nếu dựa vào Hoa Kỳ, EU, đả phá, phủ định con đường hiện thực của đất nước một cách chủ quan, bởi cho rằng tất cả  những gì có liên hệ với chủ nghĩa cộng sản đều thiếu luận cứ khoa học, thực tiễn, thậm chí còn tranh luận những vấn đề không đáng có, làm mất đi tiếng nói khách quan, đôi khi làm nản lòng một số bạn đọc.
Độc giả cũng mong BVN bên cạnh những vấn đề “quốc kế” (như bảo vệ độc lập, chủ quyền; thực hiện dân chủ; phát triển kinh tế; các dự án hợp tác với nước ngoài; ứng phó biến đổi khí hậu,...), quan tâm hơn đến các vấn đề “dân sinh”. Ví dụ, về vấn đề nhân quyền, cần quan tâm từ những vấn đề lớn như quyền bầu cử, quyền tự do cho đến những quyền thiết thân hằng ngày như quyền được sống trong môi trường an toàn, con cháu ra đường không lo bị tấn công tình dục, bị đánh hội đồng hay bị chó không đeo rọ mõm cắn chết... Vấn đề là làm sao hài hòa giữa tính “hàn lâm” và “thông tấn” đó là nghệ thuật quản trị của Ban biên tập BVN.
Sau 10 năm nhìn lại, bạn đọc không quên sự dấn thân, dũng cảm, vượt khó với biết bao trở ngại, phiền toái trong cuộc sống của những người sáng lập trang mạng Bauxite Việt Nam  – GS Nguyễn Huệ Chi, nhà giáo Phạm Toàn, GS Nguyễn Thế Hùng. Do xã hội ta không có thói quen phản biện từ ngàn đời, nên họ bị khó dễ là đương nhiên. Nhưng trong mắt bạn đọc, những người sáng lập trang BVN không phải chỉ là những người đã tập hợp được đội ngũ các cộng tác viên cùng nhau chia sẻ quan điểm phản biện vì lợi ích của đất nước và dân tộc mà còn là những người giàu lòng nhân ái, biết cảm thông, chia sẻ với những nỗi đau thương, mất mát của đồng bào. Các chuyến đi cứu trợ năm 2009 từ Quảng Nam vào đến tận Phú Yên, ra tận đảo Lý Sơn và lên đến Tumơrông (Tây Nguyên) đã thu được nhiều kết quả thiết thực, trao tận tay tiền, tôn lợp nhà... đến các gia đình cùng cực nhất, chứ không phải chỉ là những thứ có tính chất "tượng trưng"!
Thay cho lời kết
Nhân kỷ niệm 10 năm sinh nhật của trang mạng BVN sắp đến, xin có mấy vần thơ để kết luận cho bài viết này:
Tây Nguyên đỏ, tô màu cờ thêm đỏ
  Tây Nguyên xanh cho đất mẹ càng xanh
  “Bauxit Việt Nam” của chị, của anh
  Son sắt niềm tin
                      luyện ý chí thành gang thép
   Cho non nước ngày mai thêm đẹp
   Cho em tôi tươi trẻ

                             thắm môi hồng.
Mười năm rồi, độc giả mãi thêm đông
Kết thành hoa mừng ngày sinh nhật
Bauxit Việt Nam lời thì thầm của đất
Đỏ tươi màu sự thật
                              máu trong tim
T.V.T.
Tác giẩ gửi BVN

'BAUXITE VIỆT NAM', MỘT HIỆN TƯỢNG LỊCH SỬ

HOÀNG HƯNG/ BVN 31-5-2019

D:\Pictures\Hoàng Hưng.jpg
1. Thư ngỏ Phản đối Khai thác Bauxite năm 2009: Cuộc “biểu tình trên mạng” quan trọng đầu tiên.
Tôi gọi phong trào phản đối trên mạng đối với vụ Khai thác Bauxite Tây Nguyên Việt Nam cuối thập niên 2000 là “hiện tượng lịch sử” (nằm trong “sự kiện lịch sử” là toàn bộ vụ khai thác này còn kéo dài đến tận bây giờ và chưa chấm dứt, với mọi hậu quả chưa lường hết đối với tài nguyên, môi trường, văn hoá dân tộc và an ninh quốc gia).
“Hiện tượng” này chỉ xuất hiện với việc phổ biến Internet ở Việt Nam vào đầu thế kỷ 21 đem lại những lợi ích chưa từng có cho đất nước và nhân dân Việt Nam, trong đó có những bất ngờ-bất lợi cho chế độ toàn trị mang tên “Cộng sản” – đó là sự bất lực của họ trong việc kiểm soát thông tin liên lạc trước hệ thống thư điện tử (email) và các trang mạng (website, blog) của người Việt xuyên biên giới quốc gia (và sau đó là mạng xã hội Facebook, Youtube). Chỉ cần so sánh việc bức Thư ngỏ viết tay năm 1989 của nhóm Văn nghệ Đà Lạt phản đối cách chức Tổng biên tập báo Văn nghệ của nhà văn Nguyên Ngọc dễ dàng bị an ninh chặn đứng, với việc lá Thư ngỏ phản đối tịch thu tập Thơ Trần Dần năm 2008 của nhóm văn nghệ Hà Nội chỉ sau 3 ngày đã có 134 chữ ký của các trí thức văn nghệ sĩ nổi tiếng trong-ngoài nước và lan truyền khắp thế giới mạng khiến an ninh không kịp trở tay và Cục Xuất bản phải thu hồi lệnh thu hồi, thay bằng “phạt vạ” NXB Đà Nẵng!
Thư ngỏ phản đối Cục Xuất bản thu hồi tập Thơ Trần Dần là cuộc “biểu tình trên mạng” đầu tiên của người Việt Nam. Đó cũng là cuộc “tập dượt” để có Kiến nghị dừng khai thác Bauxite một năm sau đó (tháng 4/2009), một kiến nghị online có tầm quan trọng lớn đầu tiên của người Việt. Một số người chủ chốt trong vụ “Thơ Trần Dần” tiếp tục vai trò trong vụ Bauxite: nhà giáo dục-nhà văn Phạm Toàn, người khởi thảo đầu tiên Thư ngỏ về Thơ Trần Dần cũng là người khởi thảo Kiến nghị Bauxite. GS Nguyễn Huệ Chi là người được anh em cử ra đứng đầu danh sách ký tên Thư ngỏ Thơ Trần Dần cũng là người được tín nhiệm cử làm nhân vật cầm cờ trong ba người đứng tên khởi xướng Kiến nghị Bauxite (Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn, GS TS Nguyễn Thế Hùng).
Bản thân tôi, trước đó đã vinh dự đóng góp vào việc hoàn chỉnh Thư ngỏ Thơ Trần Dần và chịu trách nhiệm lan truyền để xin chữ ký (qua khoảng 1000 email cá nhân và 2 mạng talawas.org của Phạm Thị Hoài ở Berlin mà bấy giờ tôi đang tham gia Ban biên tập, và diendan.org của nhóm trí thức bạn bè ở Paris – các anh Nguyễn Ngọc Giao, Hà Dương Tường,…), đến lúc này cũng tự động lãnh việc lan truyền Kiến nghị Bauxite theo cách giống như thế (talawas lúc đó vừa đổi qua hình thức blog). Kiến nghị đã thu được hàng trăm chữ ký ngay vài ngày đầu và kết thúc với vài ba ngàn chữ ký!
Trong vụ này, do sự cẩn trọng tính toán hiệu quả của Kiến nghị – và cũng là do ngây thơ buổi đầu –, tên một số nhân vật “nhạy cảm” ở hải ngoại do tôi trực tiếp xin chữ ký (như nhà văn Vũ Thư Hiên ở Pháp) đã bị… loại! (Tôi đã phải gửi email xin lỗi họ, tuy danh sách do tôi gửi đăng trên hai mạng hải ngoại và vài trang mạng cá nhân của nhà văn trong nước thì vẫn đầy đủ).
Đến tháng 10/2010, nhân vụ hồ bùn đỏ bauxite ở Hungary bị vỡ gây ô nhiễm trầm trọng trên một diện tích lớn làm cho dư luận thế giới kinh hoàng, một kiến nghị thứ hai về Bauxite lại được những nhân vật chủ chốt lần trước, các anh Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn, Nguyễn Thế Hùng tiếp tục khởi xướng và phát động lấy chữ ký trên trang BVN, được hưởng ứng sôi nổi lập tức, không kém gì lần trước. Nhưng lần này có chuyện hơi oái oăm, nằm ngoài ý muốn của Nhóm soạn thảo, là bản Kiến nghị về sau bị/được “đoạt thai hoán cốt” để trình lên cấp có thẩm quyền, ngay sau đó học giả Hà Sĩ Phu gửi bài viết đến BVN tỏ ý không đồng tình, một trí thức khác có tham gia ký tên vào bản Kiến nghị cũng đưa chuyện lạ này ra chất vấn trước công luận, trong một bài đăng ở talawas blog. Xin trích: “Bản khởi thảo đợt ký Kiến nghị 2010 được đăng ngày 10-10-2010 trên trang BVN, Ban Khởi thảo gồm 13 người (đứng đầu là Giáo sư Hoàng Tụy), trong đó có đủ 3 thành viên của trang BVN. Ngay cuối lời giới thiệu còn ghi rõ: “Thay mặt Nhóm khởi thảo: Nguyễn Huệ Chi”; địa chỉ liên lạc cũng ghi rõ: “Bauxite Vietnam: bauxitevn@gmail.com”. Mọi người ký tên ai cũng nghĩ là mình ký vào văn bản ấy. Nay đột nhiên đem ngần ấy chữ ký đánh tráo vào một văn bản do “BAN ĐẠI DIỆN” với 16 chữ ký tay do bà Nguyễn Thị Bình đứng đầu (điều này rất tốt), song không hiểu vì sao hoàn toàn không có các đại diện của trang BVN” (nguồn: http://www.talawas.org/?p=26434)(1).
Mặc dù trong bài trả lời, GS Nguyễn Huệ Chi có thiện chí làm “nhẹ chuyện” việc không có tên ba người chủ chốt BVN và cả TS Nguyễn Quang A trong văn bản được coi là “chính thức” gửi lên “các cấp tối cao” để khỏi phát sinh những hiểu lầm không đáng có giữa anh em cùng chí hướng (nguồn: http://www.talawas.org/?p=26484), nhưng tôi thực sự không thể tán thành những cách thức tuỳ tiện sửa đổi (thậm chí bịa đặt) các chi tiết lịch sử “cho được việc” vốn lâu nay đã thành thói quen xấu của nước ta! (2).
Hai bản Kiến nghị Bauxite cùng với 3 Thư ngỏ tung ra trong năm 2009 và 2019, có tiếng vang lớn, có công lớn chặn được việc mở rộng “thí điểm” khai thác Bauxite mà ngày càng được thực tế chứng minh là không hiệu quả, ngược lại đã tàn phá môi sinh và đưa hiểm hoạ Tàu Cộng xâm nhập sâu vùng chiến lược quốc gia (Tây Nguyên) thành nguy cơ nhãn tiền!
Vèo một cái, đã qua 10 năm, các cuộc “biểu tình trên mạng” ngày càng phổ biến, lan rộng, thành “chuyện thường ngày ở huyện”, tưởng cũng có thể sơ kết lịch sử của hiện tượng này với Kiến nghị Bauxite là tiêu biểu cùng với những kiến nghị, tuyên bố quan trọng kế tiếp sau này như Góp ý Hiến pháp 2013, Phản đối Formosa, Phản đối Dự luật Đặc khu và Yêu cầu sửa Dự luật An ninh mạng.
2. Từ Kiến nghị Bauxite đến trang mạng Bauxite Việt Nam (BVN), tờ báo mạng phản biện chính trị xã hội lớn thứ hai ở trong nước vào năm 2009.
Trước đó, có 2 trang mạng nổi tiếng của trí thức người Việt bàn luận về mọi mặt tình hình Việt Nam có trụ sở nằm ở nước ngoài (diendan.org ở Paris và talawas.org ở Berlin). Trong nước thì có 2 tập san, “Tự do ngôn luận” của Linh mục Chân Tín và “Tổ quốc” của TS Nguyễn Thanh Giang ra đời năm 2006; tờ “báo mạng” hằng ngày đầu tiên là Blog anhbasam (TTX Vỉa hè) lừng lẫy của cựu sĩ quan an ninh Nguyễn Hữu Vinh năm 2007.
Sau khi talawas đăng Kiến nghị Bauxite, nhà văn Phạm Thị Hoài, Chủ biên talawas gửi email cho tôi, góp ý: Nếu ta dừng ở Kiến nghị, thì sự việc sẽ sớm chấm dứt không còn tiếng vang; các anh nên nhân đây ra một tờ báo mạng để tiếp tục nuôi dưỡng việc phản đối.
Tôi chuyển ngay thư cho các anh Phạm Toàn, Nguyễn Huệ Chi. Sau này tôi được biết ý kiến của nhà văn Phạm Thị Hoài trùng hợp với ý kiến của PGS TS Hoàng Dũng trao đổi với GS Nguyễn Huệ Chi.
Vậy là Bauxite Việt Nam và các phiên bản blog của nó (boxitvn.net / boxitvn.info / boxitvn.com) ra đời ở Hà Nội. Nó nhanh chóng vượt ra khỏi phạm vi vụ khai thác bauxite để trở thành tờ báo mạng chính trị xã hội, phản biện về mọi lĩnh vực đầu tiên, có “đại bản doanh” trong nước, với sự đóng góp của nhiều cây bút cả trong lẫn ngoài nước. Tuy nó vẫn giữ nguyên “thương hiệu” Bauxite!
Điều đáng ghi nhận là sau khi bị “khủng bố” nhiều lần: GS Chủ biên Nguyễn Huệ Chi bị an ninh khám nhà, tịch thu ổ cứng máy tính, bắt “làm việc” liên tục 22 ngày; một số bạn trẻ cộng tác bị “truy sát” buộc phải bỏ cuộc hoặc không hiểu vì sao “biến mất”; báo bị đánh sập ba bốn phen; GS Nguyễn Huệ Chi bị ngăn xuất cảnh; PGS TS Hoàng Dũng thường xuyên được “thăm hỏi” và gần đây thường xuyên bị “cấm xuất gia” trong những ngày “nhạy cảm”… thì đến nay, sau 10 năm kiên trì bám trụ, tờ báo mạng này vẫn sống và không ngừng cất tiếng về những vấn đề sinh tử của đất nước!
Tôi rất vinh dự là một trong những cây bút đầu tiên tham gia bài vở, và có một thời gian làm Biên tập viên cho báo (khoảng 2013-2014), trước khi xin rút vào tháng 4/2014 để tập trung vào tờ báo mạng mới ra đời của Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam (vanviet.info) và làm Tủ sách Tâm lý học Giáo dục Cánh Buồm.

D:\Pictures\Gặp mặt BVN 2013 2.jpg
Mười năm ấy biết bao nhiêu tình! Nhưng có hai kỷ niệm không thể quên với Bauxite Việt Nam.
Một là việc tổ chức những cuộc “biểu tình trên mạng” đầu tiên, trước khi ra đời các nhóm lớn khác như Diễn đàn Xã hội Dân sự, Ban Vận động Văn đoàn Độc lập, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng (Hình như có “duyên” viết loại “văn” này, tôi không ít lần chủ động, hoặc được các nhóm xã hội dân sự uỷ thác khởi thảo).
Trong đó, Vụ Tuyên bố Văn Giang là khá gay cấn.
Khi nhận được thư đề nghị của GS Nguyễn Huệ Chi TBT Bauxite Việt Nam, tôi rất băn khoăn vì không rành về lĩnh vực kinh tế, đất đai, lại không có thông tin chuẩn xác về vụ này (tôi chỉ viết khi mình nắm vững vấn đề, để một khi cất tiếng thì đối tượng bị đặt vấn đề không cãi vào đâu được!). Nhưng đồng cảm với ý nguyện của Bauxite Việt Nam và tình cảnh của bà con nông dân ở cái tỉnh nơi tôi ra đời và mang tên, tôi để gần một tuần lễ tìm hiểu, gọi điện thoại cho những nơi, những người nắm thông tin… Nhưng vẫn không đủ tự tin để viết.
Đến sáng ngày 1/5/2012, mở mạng, đập vào mắt tôi là hình ảnh hài cốt trong những ngôi mộ của dân Văn Giang bị bọn tay sai của Ecopark xới tung, những mảnh xương trắng vương vãi tứ tung! Một nỗi căm giận bốc lên bừng bừng, trong đầu tôi cứ vang lên câu “Trời không dung, đất không tha” lặp đi lặp lại. Hình như những mảnh xương kia ra lệnh khẩn cho tôi! Tôi lập tức bắt tay viết, với câu trên là cảm hứng chủ đạo. Và sự căm giận khiến cho lần đầu tiên, tôi dùng hình thức Tuyên bố thay cho những hình thức “khiêm tốn” như Thỉnh nguyện (như trong vụ “Tu viện Bát Nhã”) hay Kiến nghị (như trong vụ Cù Huy Hà Vũ). Chỉ khoảng hai tiếng đồng hồ, bản Tuyên bố Văn Giang hoàn thành, được chuyển ngay cho GS Nguyễn Huệ Chi.
Bauxite Việt Nam tung bản tuyên bố ấy lên, tôi tiếp tay lan truyền qua những kênh chuyển quen thuộc, chỉ sau 1 ngày đã có mấy trăm chữ ký. Hôm sau nữa, tôi nhận được từ GS Nguyễn Huệ Chi khoảng chục tấm ảnh chụp vài trăm chữ ký “tươi” của bà con nông dân Văn Giang. Mừng quá! Lần đầu tiên cuộc “biểu tình trên mạng” không chỉ hạn chế với giới “cổ xanh” quen dùng internet, mà đến tận tay bà con nông dân áo nâu! Tôi và vợ tôi mất cả một ngày chuyển các tấm ảnh chụp thành danh sách ký tên điện tử, mệt mà lòng rất vui!  Chỉ sau 3-4 ngày, Tuyên bố Văn Giang thu được gần 3.000 chữ ký. Tôi còn được tin, vài hôm nữa sẽ có người đem Tuyên bố về cho bà con nông dân Nam Định cũng có đất đai đang bị “giải toả” (ăn cướp có môn bài).
Nhưng… một tin xấu lan đi nhanh chóng: Bà Lê Hiền Đức và TS Nguyễn Xuân Diện bị khủng bố tại Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội và Viện Hán Nôm! Chúng nhốt bà Đức một mình trong toà nhà của Sở, chúng cho “thương binh” vào tận phòng làm việc của TS Diện ở cơ quan! Thì ra, một trong những lý do: chính họ đã giúp chuyển Tuyên bố Văn Giang đến từng nhà bà con nông dân Văn Giang, và đang chuẩn bị đem tiếp về Nam Định!
Hai là chuyện từ Bauxite Việt Nam mà dẫn đến các quan hệ sau này của tôi, trong đó có một nhân vật khá đặc biệt: Luật gia Lê Hiếu Đằng.
Thật tình, bình sinh tôi không “khoái” giao du với những vị “đương” hoặc “cựu” quan chức (trong đó có cả những bạn học cũ làm to và rất to, không hiểu tại sao, hihi). Nhưng tháng 11/2010, PGS Hoàng Dũng trong BBT Bauxite Việt Nam nhờ tôi đến phỏng vấn ông Lê về Kiến nghị Bauxite. Cuộc phỏng vấn biến thành chuyện trò, từ bauxite lan man sang đủ chuyện. Về nhà mở máy ghi âm nghe lại, tự nhiên tôi nảy ra ý: ông này nhiều ý hay, vậy ta viết giùm thành bài văn (có thêm dấm ớt cho “dậy mùi”) rồi gửi ông xem lại, ông OK thì đăng coi như bài ông viết. Thế là trên Bauxite Việt Nam xuất hiện hai bài viết liền của vị Luật gia cấp tiến (đó là những bài đầu tiên của ông trên báo “lề trái”), gây ấn tượng khá mạnh.
Giao lưu giữa tôi với ông bắt đầu từ đấy, cũng từ đấy, với những “đồng chí” thân thiết của ông như Kha Lương Ngãi (nguyên Phó TBT báo Sài Gòn Giải phóng), và những vị sau này lập nên “Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng” mà tôi cộng tác thân thiết. Tôi quý họ vì họ vẫn rất nhiệt huyết và vẫn giữ cái chân chất có phần “ngây thơ” của những thanh niên sinh viên đô thị miền Nam một thời dễ tin theo “Việt Cộng” cũng như nay thẳng thắn nhận sai và dấn thân vào con đường sửa sai.
Năm 2013, giữa lúc Lê Hiếu Đằng bạo bệnh, tôi lại thay mặt Bauxite Việt Nam đến phỏng vấn ông hai lần, lần đầu ở nhà riêng, lần cuối trong bệnh viện 115 chỉ ít ngày trước khi ông từ giã cõi trần. Giữa hai lần, khi vào thăm ông ở bệnh viện, tôi linh cảm số ngày của ông không còn nhiều. Vậy mà sau khi đã tuyên bố cần thành lập một đảng mới đối trọng với ĐCS, ông vẫn… chơi với nhiều đảng viên… nhưng mà tốt. Tôi rất hiểu tâm trạng “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” của họ, nhưng thế này thì thật không ổn! Hôm sau, nhân mời cơm anh Kha Lương Ngãi và nhà báo Lê Phú Khải, tôi nhờ anh Ngãi khẩn thiết nhắn với ông: Giờ là lúc ông nên tuyên bố ra khỏi ĐCS, nếu không kịp, sẽ nhắm mắt mà vẫn mang tư cách thành viên của một tổ chức mà ông đã hết lời phê phán! Lần phỏng vấn thứ hai và cũng là sau cùng, chủ đề của nó chính là việc ông vừa tuyên bố ra khỏi ĐCSVN ngay trước đó mấy tiếng đồng hồ!

***
Bauxite Việt Nam là một thời đẹp đẽ của tôi. Tôi yêu mến và tự hào được đứng bên những trí thức như GS Nguyễn Huệ Chi, PGS TS Hoàng Dũng và các bạn khác – những nhân vật chủ chốt của tờ báo mạng (nhà giáo dục Phạm Toàn ít lâu sau trên thực tế đã rút khỏi các công việc của báo để tập trung cho chương trình giáo dục Cánh Buồm)! Kiên trì làm việc hằng ngày và không công suốt hơn ba ngàn sáu trăm ngày, chủ yếu là thức đêm ngoài giờ làm công việc chuyên môn và lo đủ chuyện vặt vãnh của cuộc sống, nhất là trong tình trạng sức khoẻ và tuổi tác, lại luôn căng thẳng vì sự khủng bố thường trực, các anh các chị là những người anh hùng! Những nhà báo đích thực của nhân dân, những trí thức Độc lập làm nên “nguyên khí” của quốc gia này!
5/2019
H.H.
Tác giả gửi BVN
  1. Xin xem thêm thư thứ hai của cùng tác giả trả lời GS Nguyễn Huệ Chi:  http://www.talawas.org/?p=26484&cpage=1#comment-19014.
  2. Xin xem một số ý kiến của những người khác xung quanh việc bớt và thêm tên vào bản Kiến nghị khi chuyển lên Quốc hội:  http://www.talawas.org/?p=26484&cpage=1#comment-19045