Thứ Ba, 14 tháng 5, 2019

20190514. CHỐNG THAM NHŨNG CÓ 'VÙNG CẤM' ?

ĐIỂM BÁO MẠNG

DÂN GIAN CÓ CÂU: 'ĐÁNH RẮN PHẢI ĐÁNH DẬP ĐẦU' 

NGUYỄN DUY XUÂN /TVN 11-5-2019

Dân gian có câu: 'Đánh rắn phải đánh dập đầu'
Lực lượng nhận trọng trách phòng chống tham nhũng lại nhận hối lộ thì hậu quả càng nghiêm trọng. Ảnh minh họa
Gần mười năm trước, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong một lần tiếp xúc cử tri đã nói về  nạn tham nhũng: “Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là 'chết' cái đất nước này". 
Thời gian gần đây, hàng loạt vụ tham nhũng khủng bị phanh phui, hàng trăm cán bộ “hóa củi” nhờ những nỗ lực phi thường của các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Sâu tham nhũng giờ đã hóa bầy, kéo thành bè; tham nhũng theo kiểu “tập thể, đồng thuận”, “đúng quy trình”. Và càng nguy hiểm hơn khi “bầy sâu” lại nằm ngay trong lực lượng bảo vệ pháp luật, thậm chí lực lượng phòng chống tham nhũng. 
Vừa mới cuối tháng 4 vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố, bắt tạm giam cả 5 thành viên của đoàn thanh tra thuộc Thanh tra tỉnh Thanh Hóa về tội nhận hối lộ. Cụ thể là trưởng đoàn Lê Mạnh Hà; phó đoàn Nguyễn Thị Cúc và 3 thành viên Nguyễn Hưng, Dương Văn Bằng, Nguyễn Qúy Diễn. 
Trước đó, ông Nguyễn Quý Diễn đã bị bắt quả tang khi đang nhận tiền của một đối tượng bị thanh tra tại huyện Thiệu Hóa. Trong quá trình thi hành nhiệm vụ, ông Diễn đã có hành vi đe dọa đối tượng và ép buộc phải đưa tiền để bỏ qua sai phạm. 
Tại hiện trường, cơ quan điều tra thu được nhiều tài liệu và tờ giấy A4 ghi chi tiết số tiền và tên các đơn vị đã đến "chung chi" cho đoàn thanh tra; khám nhà riêng và phòng làm việc của các thành viên trong đoàn thanh tra, thu giữ được nhiều phong bì chứa tiền được cho là có liên quan công tác thanh tra về ngân sách và đầu tư, xây dựng cơ bản nhiều cơ quan, doanh nghiệp tại huyện Thiệu Hóa. 
Quả đúng là “một bầy sâu” và cực kỳ nguy hiểm là nó lại nằm trong cơ quan được cho là đáng tin cậy nhất trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Thật bi hài khi những cá nhân thuộc cơ quan được trao nhiệm vụ “thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật” (Điều 5 Luật Thanh tra) lại chính là kẻ tiêu cực, tham nhũng. 
Là cán bộ thanh tra, họ không thể không hiểu pháp luật nói chung, càng không thể không nắm vững Luật Thanh tra, đặc biệt là điều Điều 13, nghiêm cấm các hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra” và “Đưa, nhận, môi giới hối lộ”. 
Cán bộ thanh tra mà lại nhận hối lộ của đối tượng bị thanh tra, hệ quả vô cùng nguy hiểm mà nó để lại: Tham nhũng, tiêu cực mặc sức tác oai tác quái vì đã được thanh tra hợp thức hóa và gắn mác “trong sạch”; tài sản, ngân sách nhà nước, tiền thuế của dân lại tiếp tục chảy vào túi cá nhân trong nhóm lợi ích. 
Tham nhũng kiểu này không còn hoạt động nhỏ lẻ nữa mà đã thành tập thể và hẳn phải có sự thỏa thuận, có kế hoạch, có chỉ đạo? Trong vụ nhận hối lộ tập thể này, ngoài 5 cán bộ trong đoàn thanh tra, điều dư luận trông đợi là cần làm rõ có hay không sự liên can của người chỉ huy trực tiếp, người được giao nhiệm vụ giám sát đoàn. 
Cán bộ thanh tra như thế, dân còn biết tin vào ai, chính quyền còn cậy nhờ được gì trong bối cảnh công cuộc chống tham nhũng đang sục sôi? 
Sinh thời, Bác Hồ là người rất quan tâm đến hoạt động thanh tra và phẩm chất người cán bộ thanh tra. Người nói, “thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”, “cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được”. 
5 vị trong đoàn thanh tra vừa bị bắt thuộc vanh vách lời răn dạy của Bác, nhưng học là một chuyện còn “hành” lại là chuyện khác. Họ đã buông “vũ khí” là “tai mắt của trên”, sẵn sàng “đầu hàng” giặc tham nhũng để gia nhập “bầy sâu” không chỉ đe dọa mà nguy hiểm hơn, làm “chết cái đất nước này”. 
Còn nhớ, năm 2016, có 7 cán bộ, lãnh đạo thanh tra giao thông thuộc Sở Giao thông vân tải Cần Thơ đã bị bắt do liên quan đến vụ án hối lộ lên đến 3,5 tỷ đồng. 
Trên truyền thông, không bao lâu lại có một vài vụ tiêu cực, tham nhũng bị phanh phui hay một số cán bộ lãnh đạo “vi phạm tới mức phải xem xét thi hành kỷ luật”. Khi những thông tin này được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, dư luận rất hoan nghênh và tin tưởng vào cuộc chiến chống tham nhũng bởi việc xử lý sai phạm không còn chuyện “tắm từ vai trở xuống”. 
Dân gian có câu, đánh rắn phải đánh dập đầu. Chống tham nhũng cũng vậy, phải truy cho đến tận cùng sào huyệt, hang ổ của những bầy sâu tham nhũng mà lôi kẻ cầm đầu ra. Đó là ước vọng của nhân dân hiện nay vì sự tồn vong của chế độ, vì tương lai của đất nước và hạnh phúc của giống nòi. 
Nguyễn Duy Xuân
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

NHỮNG 'CỦI' NÀO KHÔNG THỂ 'ĐỐT LÒ' ?

THẢO VY / VNTB/ BVN 11-5-2019

Trả lời: đó là những ‘rừng củi gộc’ trong cướp đất đai của người dân. Lâu nay, ‘củi’ dùng để ‘đốt lò’ là ‘củi’ trong ‘cướp bóc’ lẫn nhau ở các tập đoàn quốc doanh, những doanh nghiệp nhà nước. Còn cướp đất của dân chúng như ở Thủ Thiêm, ở vườn rau Lộc Hưng… thì không sao cả

https://2.bp.blogspot.com/-brQM0Fp4EjQ/XNRasRk896I/AAAAAAAAB5c/ru5o691qqHwFi-1f5fGH4i3OHVf39R2LACLcBGAs/s640/Unknown-2.jpeg

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được coi là ‘người đốt lò’. Ông còn giữ chức vụ Trưởng ban Cải cách Tư pháp Trung ương, thế nhưng với những sai phạm rất rõ ràng về việc Đảng bộ cùng chính quyền thành phố Hồ Chí Minh cướp đất đai của người dân ở quận 2, quận 9, quận Tân Bình…, ông Nguyễn Phú Trọng đã chọn giải pháp ngậm tăm.
Ở đây, trên cương vị Chủ tịch nước, lẽ ra ông Nguyễn Phú Trọng hiểu nên giải quyết căn cơ chuyện tham nhũng chính sách về đất đai, bằng việc đề nghị Quốc hội sửa đổi, thừa nhận về quyền sử dụng đất của tư nhân, chấm dứt cách hiểu vốn chỉ thích hợp trong thời chiến ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, là “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”.
Thủ Thiêm - món nợ về niềm tin vào công lý
Tin rằng dẫu đang trên giường bệnh, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn được thư ký báo chí tóm tắt đầy đủ các tin tức ‘nóng’, trong đó có việc cử tri từ quận 2 Sài Gòn yêu cầu hôm 07-05 về “đại án Thủ Thiêm”.
Hôm 07-05, đơn vị số 7, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM gồm bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (nguyên Chủ tịch HĐND thành phố), ông Phan Nguyễn Như Khuê (Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố) và bà Trịnh Ngọc Thúy (Phó chánh án TAND TP.HCM) đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 2 trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Theo tường thuật của báo chí, cầm đơn kiến nghị có chữ ký của 708 hộ dân Thủ Thiêm, ông Nguyễn Hồng Quang cho rằng chính sách đền bù tại Thủ Thiêm là không đúng theo quy định của pháp luật. “Đề nghị đưa vụ việc ra nghị trường Quốc hội, Thanh tra chính phủ lập đoàn thanh tra toàn diện mới giải quyết được. Vì một năm đã trôi qua từ lần chị Quyết Tâm, anh Nhân hứa sẽ giải quyết cho bằng được vấn đề Thủ Thiêm nhưng chưa có tiến triển”, ông Quang nói và cho biết có đầy đủ bằng chứng chứng minh kiến nghị của tất cả hộ dân là đúng. Người dân đồng loạt vỗ tay.
Đến lượt mình, ông Cao Thăng Ca giọng rành rọt: “Tôi không nói về các sai phạm ở Thủ Thiêm nữa, vì điều này đã quá rõ ràng. Còn về hướng giải quyết của thành phố, sau một năm lãnh đạo thành phố gặp bà con nghe khiếu nại, kết quả là: làm bà con bức xúc hơn”. Ông đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội đưa ‘đại án Thủ Thiêm’ (từ của ông Cao Thăng Ca) ra hội trường Quốc hội lần này để thảo luận và khởi tố vụ án sai phạm tại Thủ Thiêm.
Kết thúc buổi tiếp xúc cử tri, một lần nữa người dân lại nghe câu hứa hẹn quen thuộc của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm: “Chúng tôi nói là làm, không phải hứa cho có với bà con đâu. Không phải tự nhiên mà Bí thư Thành ủy TP.HCM xuống gặp bà con đâu. Sau khi mọi việc được thanh tra, việc gì chính quyền làm sai thì phải sửa và ai làm sai phải bị xử lý. Đó là quan điểm nhất quán của thành phố”.
Để xác định có phải là ‘củi’ hay không, với tư cách là Trưởng ban cải cách Tư pháp Trung ương, ông Nguyễn Phú Trọng ngay trên giường bệnh đã có thể bút phê đề xuất chuyển cơ quan điều tra xem xét vụ việc này, giống như chuyện trên giường bệnh, ông vẫn đủ sức ký các văn bản ngoại giao chúc tụng, chia buồn mà báo chí đăng hổm rày.
Vườn rau Lộc Hưng: phiên bản ‘bá đạo’ của Thủ Thiêm
Gọi là ‘bá đạo’ vì sai phạm mà chính quyền TP.HCM cố tình gây ra ở khu phường 6, quận Tân Bình, hay còn gọi với tên quen thuộc “vườn rau Lộc Hưng” là rất rõ ràng và mang tính thách thức vào nền pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Đất đai ở khu vườn rau Lộc Hưng được khai phá, canh tác từ năm 1954 với cư dân đến từ cuộc di cư của gần một triệu người Việt từ miền Bắc Việt Nam đến miền Nam Việt Nam trong những năm 1954–1955. Ước tính có khoảng 800 ngàn dân di cư là theo đạo Công giáo. Khu vườn rau Lộc Hưng còn được xem là vùng đất Thánh của người miền Bắc di cư nghèo khó.
Theo các quy định ở Bộ Luật Dân sự của chính nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thì việc sinh sống, mưu sinh, thừa kế, chuyển nhượng của cư dân Lộc Hưng được pháp luật bảo hộ. Mọi việc di dời, cưỡng chế vì mục đích quy hoạch đều bắt buộc phải tuân thủ theo những bước quy trình luật định.
Nếu như ở Thủ Thiêm, chính quyền TP.HCM còn chịu khó bỏ công sức, thời gian để ban hành các nội dung văn bản mà sau này được cho là trái thẩm quyền, trong việc chiếm đất đai của người dân, thì ở khu vườn rau Lộc Hưng, chính quyền thẳng tay theo đúng nghĩa đen, cho xe xúc cơ giới cùng lực lượng sắc phục đến đây để đập phá nhà cửa của dân chúng, san bằng hoa màu đang canh tác. Và sự việc diễn ra trong tháng cận kề Tết cổ truyền Kỷ Hợi 2019.
Người dân bàng hoàng. Giới luật sư cả nước sửng sốt và chính quyền TP.HCM tiếp tục ‘đổ’ các lực lượng thường phục cùng sắc phục cắm chốt, và sẳn sàng sử dụng sức mạnh cơ bắp để trấn áp người dân trên khu đất vườn rau Lộc Hưng.
Bốn tháng đi qua. Tập hồ sơ vụ việc ngày càng dày đã được nhóm luật sư đệ trình nhiều cấp chính quyền và cả Thanh tra chính phủ. Bất chấp, Đảng bộ và chính quyền vẫn chọn sự im lặng như một sự công khai thỏa hiệp với cái ác, cái côn đồ giờ đây đã trở thành bản chất của những người cầm quyền.
Không có bất kỳ ‘khúc củi’ nào trong ‘rừng cây’ đó được ông chủ đốt lò để mắt tới.
T.V.
VNTB gửi BVN

THƯ GỬI ĐỒNG CHÍ NGUYỄN PHÚ TRỌNG

TRÚC GIANG/VNTB /BVN 13-5-2019

Dùng từ ‘đồng chí’, vì các ý kiến ở đây đến từ các đảng viên là cư dân Thủ Thiêm và vườn rau Lộc Hưng.

https://1.bp.blogspot.com/-dEor158i-So/XNb8k9M64uI/AAAAAAAAB68/P8iUzOOdsuQvGxPPoFVE4xzXpHRy5fCWQCLcBGAs/s640/Unknown.jpeg

Đồng chí Tổng Bí thư nghĩ sao khi những đồng chí của chúng tôi trước đây đương chức còn mạnh tay chỉ đạo thu hồi đất, cưỡng chế nay lại ngồi trong ban giải quyết khiếu kiện, thì sự khách quan có đáng đặt dấu hỏi?”. Đảng viên Nguyễn Văn Thạch, cư dân bị các đồng chí thuộc Đảng bộ TP.HCM cướp đất ở khu Thủ Thiêm, nêu câu hỏi với người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam.
Ông Thạch nói rằng đau đớn hơn, có những đảng viên đột tử ngay trong cuộc họp đòi công lý như bà Lê Thị Chức, hay bức xúc dẫn đến bạo bệnh và qua đời như thượng tá công an Phan Thanh Nghị. Những đồng chí kiên trung với Đảng này đã không còn cơ hội để giãi bày oan khiên, hay nghe lời xin lỗi từ lãnh đạo đương quyền.
Chúng tôi yêu cầu trừng trị đích đáng những người nào phá hoại Đảng, những người nào không tuân theo nghị quyết của Đảng, chà đạp luật pháp”. Đảng viên Nguyễn Đức, cựu sĩ quan Quân đội, một người thuê trọ ở khu vườn rau Lộc Hưng, sau khi nhà cửa của gia đình ông ở Thủ Thiêm bị chính quyền nhân danh quy hoạch để cưỡng chiếm, bức xúc lên tiếng.
“Lúc đó, là đảng viên nên tôi phải gương mẫu chấp hành các quyết định nhân danh quy hoạch của chính quyền, để rồi sau này nhận ra những sai phạm cố tình của chính quyền, và tôi phải ấm ức gia nhập vào hàng ngũ quần chúng mất đất.
Đảng đã xa rời quần chúng, đã đứng bên ngoài và dửng dưng với nỗi đau bị chính các đồng chí của mình cướp đất đó của chúng tôi. Tại sao đồng chí Tổng bí thư không mạnh dạn, tự tin xử lý những đảng viên lãnh đạo thoái hóa ấy để giữ gìn sự trong sạch, sự liêm chính của đảng cộng sản?”. Ông Nguyễn Đức thắc mắc.
Đảng viên Trần Thành nói rằng ông có người thân ở Thủ Thiêm và cả Lộc Hưng. Ông nhìn nhận việc đấu tranh của bà con không đơn thuần chỉ là thửa ruộng mảnh vườn, mà đang góp phần vào việc làm trong sạch bộ máy công quyền.
Những cán bộ sai phạm cần phải loại ra khỏi bộ máy, phải bị trừng trị một cách nghiêm minh. Những đảng viên được người dân chỉ thẳng mặt như Lê Thanh Hải, Tất Thành Cang, Nguyễn Văn Đua, Lê Hoàng Quân trong vụ việc Thủ Thiêm, phải được tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng 'đốt lò'.
Đồng chí bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đang dung dưỡng để Bí thư Quận uỷ Kiều Bình Chung sai phạm trong việc đập phá nhà cửa, đất đai của người dân Lộc Hưng, quận Tân Bình. Tôi nghĩ rằng cần xem xét trách nhiệm toàn diện của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, như Đảng đã từng xử lý cựu bí thư Thành ủy Đinh La Thăng. Nếu đồng chí Tổng bí thư tiếp tục im lặng, không chỉ người dân, mà ngay cả đảng viên một lòng trung kiên đi theo Đảng như chúng tôi cũng sẽ mất niềm tin vào đồng chí, vào Đảng cộng sản.
Nếu đồng chí Tổng Bí thư tiếp tục chọn sự thỏa hiệp thì viễn cảnh sụp đổ của Đảng cộng sản lại càng đến thêm gần. Mong đồng chí Tổng Bí thư tỉnh táo xem xét để có những phương sách thích hợp!”.
Một đảng viên không muốn nêu tên, đề nghị như vậy.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng nghĩ sao khi quần chúng Nguyễn Thị Kim Phượng đã chia sẻ bên lề phiên tiếp xúc cử tri Thủ Thiêm, rằng: “Chồng tôi mất vì ung thư năm 2016. Tôi đưa ổng về thờ ở cái chòi tạm vì đó là cơ nghiệp của chúng tôi. Tôi phải nhờ người ta quây ít tấm tôn vì thờ chồng để trống lổng, mưa gió quấy quả đâu có đành. Mỗi lần đi như thế này tôi mang di ảnh ổng theo. Để ổng đồng hành. Trước khi nhắm mắt ổng chưa thấy công lý, hy vọng ngày đó sẽ sớm thôi. Phải hông chú?”.
Tại sao đồng chí Bí thư Nguyễn Thiện Nhân không đau nỗi đau ấy? Đó còn là điều mà thiết nghĩ đồng chí Tổng Bí thư cần rà soát lại về cách lựa chọn và bổ nhiệm nhân sự trong bộ máy Đảng”- Đảng viên N.H.D, biên tập viên một tờ báo có tòa soạn ở TP.HCM, nói. Ông cũng là nạn nhân bị cướp đất từ Quyết định 1997/QĐ-UB của UBND TP.HCM ban hành ngày 10-5-2002 về việc thu hồi và giao đất xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Mong rằng trên giường bệnh, đồng chí Tổng Bí thư được đội ngũ thư ký báo chí của Văn phòng Chủ tịch nước đọc, hoặc tóm lược lá thư đăng trên trang Việt Nam Thời Báo này.
T.G.
VNTB gửi BVN



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét