Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2019

20190512. DIỄN ĐÀN 'MAKE IN VIETNAM'

ĐIỂM BÁO MẠNG

XÂY DỰNG VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG, THỊNH VƯỢNG, HÓA RỒNG VÀO NĂM 2045

NGỌC QUANG/ GDVN 9-5-2019

Sáng nay (9/5), tại Diễn đàn quốc gia phát triển công nghệ Việt Nam với tinh thần "Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường", sau khi lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp và diễn giả, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu sâu sắc, đánh giá cao nỗ lực, sự sáng tạo của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.
Thủ tướng khẳng định: “Đã đến lúc chúng ta có đủ điều kiện căn bản để chuyển sang sáng tạo, làm ra các sản phẩm công nghệ. Người Việt Nam chúng ta có đủ tố chất tốt để sáng tạo công nghệ.
Chúng ta cần tuyên bố một cách dứt khoát, rõ ràng về một chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam.
Việt Nam làm chủ công nghệ và làm chủ trong lao động sản xuất đang là tuyên bố của chúng ta tại diễn đàn này”.


Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp đoàn kết để cùng nhau xây dựng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. ảnh: NQ.

Những doanh nghiệp đang phát triển trong lĩnh vực công nghệ đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình đổi mới, phát triển kinh tế của đất nước trong thời gian tới.
Doanh nghiệp cần nhận thức đúng là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thực sự nó làm thay đổi chính chúng ta. Những người đứng đầu các doanh nghiệp lớn của Việt Nam hiện nay cần đặt xứng tầm doanh nghiệp gắn liền với thương hiệu quốc gia.
Hiện nay các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp có những ý tưởng lớn, kể cả doanh nghiệp sản xuất dịch vụ đều đủ khả năng để vươn ra khu vực và toàn cầu, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất.
“Tôi nói vai trò của doanh nghiệp lớn như thế để các cấp, các ngành của chúng ta quan tâm hơn nữa để phát triển doanh nghiệp nói chung và phát triển doanh nghiệp công nghệ nói riêng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo yêu cầu của Thủ tướng, Chính phủ phải sớm ban hành chiến lược chuyển đối số quốc gia nhằm hướng tới một nền kinh tế và xã hội số để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vươn lên.
Đồng thời, Thủ tướng gợi ý, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thì những sản phẩm ấy khi được làm ra, ngay Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan nhà nước phải là những đơn vị đầu tiên sử dụng. Những động viên thiết thực ấy sẽ góp phần hỗ trợ đáng kể cho giai đoạn phát triển đầu của các doanh nghiệp.
Thủ tướng đánh giá: “Hiện nay, có các Bộ trưởng ở đây, tôi muốn nói cái này để có một thị trường tốt cho các tỉnh thì phải phẳng định không có gì lan tỏa nhanh hơn sức mạnh công nghệ.
Vì vậy để phát triển Việt Nam thành công thì đầu tiên và then chốt nhất phải là toàn diện nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, đặc biệt quan trọng đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển của từng cấp, từng ngành, từng doanh nghiệp.
Mọi doanh nghiệp, mọi ngành tham gia các mô hình kinh tế nhà nước, tất cả các địa phương đều ứng dụng công nghệ. Còn nếu như anh chỉ ứng dụng những nét cũ vào quản lý nhà nước, quản trị nhà nước vừa chậm, vừa xuống cấp vừa không có thị trường cho đổi mới công nghệ”.
Thủ tướng nhận định, trong giai đoạn vừa qua vẫn thể chế ấy, chính sách ấy nhưng nhiều lĩnh vực công nghệ có kết quả tốt. Điều đó chứng tỏ là có những chính sách tốt, với đà phát triển như vậy cần đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ phát triển.
“Tại hội nghị này chúng tôi đồng ý với chủ trương, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bằng việc thí điểm xây dựng khu công nghệ, khu đổi mới sáng tạo.
Cho nên việc hoàn thiện các chính sách pháp luật để loại bỏ những chi phí không hợp lý để tạo điều kiện không chỉ đào tạo nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài về xây dựng đất nước.
Và đặc biệt tôi nhấn mạnh càng đổi mới giáo dục, ngoại ngữ cho học sinh từ lớp 1 để nâng cao năng lực. Chúng tôi sẽ có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu việc đổi mới giáo dục việc dạy và ngoại ngữ cấp tiểu học để nâng cao trí tuệ và kỹ năng.
Chúng tôi sẽ đưa ra một số vấn đề cụ thể ví dụ như liên kết nghiên cứu những trường đại học, những doanh nghiệp có thể thương mại hóa, kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, hình thành các quỹ đầu tư công nghệ. Xây dựng quỹ quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam thông qua hình thức xã hội hóa theo nghị định số 38, năm 2018 về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
Đổi mới các môn học về khoa học công nghệ ở các cấp để nâng cao năng lực tiếp cận khoa học công nghệ.
Đặc biệt, tôi nhấn mạnh việc hôm nay chúng ta phải làm ngay, làm thực đó là có một lớp kỹ sư giỏi của các trường đại học, của các ngành học. Nghiên cứu xây dựng các chính sách để thu hút nhân lực nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài trong lĩnh vực khoa học công nghệ”, Thủ tướng cho biết.
Cơ hội và thách thức cho Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, thông qua diễn đàn này, một lần nữa khẳng định lại vai trò quan trọng của công nghệ trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước. Doanh nghiệp công nghệ là hạt nhân để thực hiện khát vọng một dân tộc “hóa rồng” vào năm 2045.
Theo số liệu thì hiện nay từ nền tảng số mang lại cho nền kinh tế Việt Nam khoảng 3,5 tỷ USD và dự báo đạt 4,2 tỷ USD vào năm 2030. Dù vậy, con số và tỷ lệ này cần phải cao hơn nữa, cần tăng theo cấp số nhân chứ không phải theo cấp số cộng.
“Qua phân tích đều thấy tiềm năng cho việc phát triển doanh nghiệp công nghệ ở Việt Nam là rất lớn, không cần phải bàn cãi.
Con người Việt Nam của chúng ta thông minh, sáng tạo, cần cù lao động, một thị trường gần 100 triệu dân, công nghệ đi vào ngõ ngách cuộc sống để tạo ra một quốc gia thông minh.
Chúng ta có những thành công bước đầu trong khởi nghiệp sáng tạo phát triển doanh nghiệp trên mọi lĩnh vực trong thời gian qua.
Trong lĩnh vực doanh nghiệp công nghệ chúng ta cần có hàng chục nghìn hàng trăm nghìn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam trong những năm tới.
Đây là bài toán đặt ra yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam nói riêng”, Thủ tướng đánh giá.
Theo Thủ tướng, chính cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 là cơ hội vàng cho những ý tưởng sáng tạo mới hay phát triển kinh doanh.
Với cuộc cách mạng số cuộc cách mạng lần thứ 4, các nền kinh tế sẽ chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào yếu tố đầu vào truyền thống như là giá rẻ, đất đai, tài nguyên… sang mô hình tăng trưởng do công nghệ và đổi mới sáng tạo, các quốc gia đang xác định những con đường tốt nhất để khai thác cơ hội và giải pháp đối phó với lợi ích đặt ra.


Diễn đàn thu hút sự quan tâm của nhiều diễn giả trong nước và quốc tế cùng hàng trăm doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. ảnh: NQ.
Tại diễn đàn, Thủ tướng đã chỉ ra cơ hội phát triển: “Cuộc cách mạng số, cuộc cách mạng lần thứ 4 cũng mang lại đầy đủ những cơ hội, thách thức cho Việt nam chúng ta.
Việt Nam trước hết cần nhận thức đầy đủ về thách thức to lớn về ngành công nghệ mang đến lợi thế cạnh tranh, thu hẹp sản xuất….
Cơ hội của chúng ta trong cuộc cách mạng này đến từ chính sự nỗ lực đó, cho nên phải tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế, chuyển đổi tăng trưởng nền kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, từ khai thác tài nguyên lao động giá rẻ, công nghiệp lạc hậu sang chủ yếu dùng công nghệ chất lượng cao, đổi mới sáng tạo.
Tôi tin tưởng rằng với không ít lợi thế về phát triển công nghệ thông tin, nguồn lực, Việt Nam dù đi sau vẫn có thể thành công nếu chúng ta nắm được cơ hội, có chiến lược đúng đắn, có những hành động cụ thể, kịp thời triển khai thực thi quyết liệt hiệu quả”.
Thủ tướng nêu thí dụ nhiều doanh nghiệp đã rất thành công khi áp dụng các công nghệ tiên tiến hiện đại như Vingroup, Trường Hải, Vinamilk, Misa, VC Corp, TH truemilk, FPT, Viettel, VNPT... tin tưởng rằng, bằng thách thức, bằng bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, khát vọng tầm nhìn, Việt Nam sẽ sớm làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất, trở thành cường quốc về công nghệ, sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển.
Muốn vậy chúng ta phải hành động với khẩu hiệu “sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất.
Các doanh nghiệp cùng nhau đoàn kết, quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Chính phủ làm hết sức mình để tạo ra môi trường tốt hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ.
Ngọc Quang

CÂU TRẢ LỜI TRĂN TRỞ NGÀN NĂM CỦA VIỆT NAM

KIẾN VĂN/ GDVN 9-5-2019


Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: "Make in Vietnam sẽ là tuyên bố của chúng ta". ảnh: NQ.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh mục tiêu này tại Diễn đàn quốc gia phát triển công nghệ Việt Nam với tinh thần "Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường" diễn ra sáng nay tại Hà Nội.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, sự có mặt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại diễn đàn này thể hiện sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam, của cá nhân Thủ tướng với việc phát triển các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
Bộ trưởng đặt vấn đề: "Tăng năng suất lao động, phát triển nhanh và bền vững, phát triển bao trùm, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam thành nước phát triển, sánh vai cường quốc năm châu, khát vọng về một Việt Nam hùng cường.
Đâu là câu trả lời chung cho những trăn trở ngàn năm đó của Việt Nam? Đó là công nghệ. Cuộc cách mạng số và đặc biệt là sự phát triển mới của nó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã tạo ra những cơ hội mới và thời cơ có một không hai cho Việt Nam.
Công nghệ có thể giải những bài toán Việt Nam một cách hiệu quả. Việt Nam với những vấn đề của mình chính là thị trường để sinh ra và phát triển các doanh nghiệp công nghệ. Việt Nam cũng là cái nôi để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đi ra toàn cầu, giải những bài toán toàn cầu”.
Theo Bộ trưởng, sử dụng công nghệ nhân loại, phát triển công nghệ mới, từ đó làm ra giải pháp và sản phẩm để thay đổi Việt Nam, thay đổi thế giới. Và cũng từ đó Việt Nam sẽ thành một nước phát triển và hùng cường.
Đây là lần đầu tiên, chúng ta tổ chức diễn đàn ở tầm quốc gia để tuyên bố một chiến lược quan trọng, liên quan đến tương lai, vận mệnh Việt Nam, đó là chiến lược về phát triển các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam.
Bộ trưởng khẳng định: "Make in Vietnam sẽ là tuyên bố của chúng ta. Sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam. Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam là để Make in Vietnam.
Nếu chúng ta tiếp tục chỉ lắp ráp thì sẽ không giải được bài toán năng suất lao động và thoát bẫy thu nhập trung bình. Make in Vietnam cũng là trách nhiệm của chúng ta như một quốc gia toàn cầu và công dân toàn cầu.
Ngoài việc sử dụng công nghệ của nhân loại thì Việt Nam cũng phải đóng góp cho nhân loại, đóng góp cho sự phát triển công nghệ của nhân loại.
Make in Vietnam sẽ không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng mà còn giúp Việt Nam có hòa bình lâu dài khi góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng hùng mạnh. Chiếc nỏ thần Việt Nam sẽ chỉ có thể do người Việt Nam làm ra. Trên thế giới, hầu hết các công ty công nghệ đều có mảng công nghiệp quốc phòng.
Báo chí gần đây có nói đến một start-up công nghệ của Trung Quốc, Công ty LinkSpace, công ty tư nhân đầu tiên sản xuất tên lửa tái sử dụng. Được thành lập năm 2014 bởi những kỹ sư trẻ dưới 30 tuổi. Tại sao các kỹ sư trẻ Việt Nam lại không thể làm điều tương tự?”.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, bất kỳ công ty nào, dù là cung cấp sản phẩm hay dịch vụ, đều liên quan đến công nghệ. Các công ty sẽ không thể sản xuất và marketing hiệu quả nếu không sử dụng công nghệ, nhất là các công nghệ mới.
Những công ty nào áp dụng công nghệ để thay đổi sản phẩm, thay đổi cách tạo ra sản phẩm, thay đổi mô hình kinh doanh thì chính họ sẽ góp phần định hình lại thế giới.
Các công ty công nghệ, dù là phát triển công nghệ hay sản xuất công nghệ hay cung cấp công nghệ như là dịch vụ, là nhân tố quan trọng nhất để đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ vào tất cả các doanh nghiệp, vào toàn bộ nền kinh tế và xã hội. Chính vì thế, phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam được coi là ưu tiên số 1.
Bộ trưởng nhấn mạnh: "Muốn có các doanh nghiệp công nghệ thì việc tạo ra thị trường có lẽ là quan trọng nhất. Chính phủ là hộ chi tiêu lớn nhất của một quốc gia. Nếu Chính phủ mua sắm hướng vào các sản phẩm công nghệ thì sẽ góp phần đáng kể, nhất là cho giai đoạn đầu để sinh ra các công ty công nghệ.
Chuyển đổi số quốc gia diễn ra nhanh và trên phạm vi toàn quốc, trong mọi lĩnh vực, từ doanh nghiệp tới Chính phủ và xã hội, cũng sẽ tạo ra thị trường vô cùng lớn cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Năm 2019 này, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia - Digital Vietnam, nhằm hướng tới một nền kinh tế và xã hội số. Đổi mới sáng tạo diễn ra thuận lợi nhất là trong môi trường số. Bởi vậy mà chuyển đổi số được coi là tiền đề cho đổi mới sáng tạo diễn ra rộng khắp”.
Việt Nam sẽ tạo điều kiện để nhân tài hội tụ
Đề cập đến yếu tố con người, nguồn nhân lực, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Nói đến công nghệ là nói đến nhân tài. Người Việt Nam chúng ta thông minh, thích nghi nhanh với sự thay đổi, có khả năng may đo sản phẩm theo nhu cầu cá thể.
Có rất nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã thành danh về công nghệ, đã đến lúc về Việt Nam hoặc hãy kết nối Việt Nam để xây nên những doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
Việt Nam chúng ta sẽ tạo ra điều kiện để nhân tài toàn cầu hội tụ về đây. Cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, các mô hình kinh doanh mới...
Cái gì chưa biết quản lý thế nào thì sẽ cho phép thử nghiệm trong một không gian và thời gian giới hạn. Những đặc khu công nghệ, đặc khu đổi mới sáng tạo với nội hàm là nơi thử nghiệm những cơ chế vượt trội dành cho doanh nghiệp công nghệ, có thể được Chính phủ xem xét. Đối với người tài xuất sắc thì đầu tiên là được sáng tạo, có thách thức, càng lớn càng lôi cuốn họ".
Bộ trưởng cũng đặt kỳ vọng vào sự góp sức của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Một số doanh nghiệp lớn ở các lĩnh vực dịch vụ, như thương mại, bất động sản, tài chính... đã thành công, có quy mô thị trường, có nguồn lực về tài chính và quản trị, có tinh thần khởi nghiệp, cần phải đầu tư vào phát triển công nghệ, công nghiệp, hình thành lên các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có quy mô lớn.
“Đây không chỉ là lời kêu gọi mà đây là trách nhiệm đối với đất nước, đối với sự hưng thịnh của đất nước, nhưng cũng là cho tương lai của chính những công ty này. Chúng ta đã từng nghe một số công ty dịch vụ của Việt Nam tuyên bố chiến lược mới về một tập đoàn công nghệ, công nghiệp, công nghệ và thương mại dịch vụ như Viettel, VinGroup, VNPT...
Nhiều quốc gia đã hóa rồng về cơ bản là trên nền tảng của một số tập đoàn công nghệ lớn. Chính phủ sẽ xem xét để tạo điều kiện phát triển một số tập đoàn công nghệ lớn Việt Nam”, Bộ trưởng cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đổi mới sáng tạo thì không thể không nói đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - những start-ups. Đó là những khởi nghiệp với sản phẩm, giải pháp thực sự mới mẻ, tạo ra sự bất ngờ đáng kinh ngạc và cực kỳ hữu dụng. Những khởi nghiệp này sẽ nhanh chóng có quy mô toàn cầu.
"Diễn đàn của chúng ta sẽ nghe những kinh nghiệm quốc tế, những kinh nghiệm của người Việt trong nước và người Việt trên toàn thế giới về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái start-ups, để từ đó có những khuyến nghị cho Việt Nam.
Việt Nam rất cần các khởi nghiệp công nghệ, những công ty khởi nghiệp, bước đầu là sử dụng công nghệ của nhân loại để phát triển các giải pháp, sản phẩm hoặc cung cấp các dịch vụ công nghệ cho các công ty khác đổi mới công nghệ, để rồi bước tiếp theo sẽ là phát triển công nghệ.
Chính những công ty công nghệ quy mô nhỏ này sẽ tạo nên một cuộc cách mạng toàn dân về phát triển và ứng dụng công nghệ tại Việt Nam. Việt Nam luôn thành công khi phát động được toàn dân. Từ hàng chục, hàng trăm ngàn những khởi nghiệp công nghệ này sẽ hình thành nên một số người khổng lồ công nghệ Việt Nam.
Chúng ta cũng cần một qũy để phát triển công nghệ Việt Nam. Sẽ tốt hơn và hiệu quả hơn khi đây là một quỹ của toàn dân Việt Nam, của người Việt Nam trên toàn cầu. Việt Nam cường thịnh là khát vọng toàn dân và quỹ phát triển công nghệ Việt Nam là để hiện thực hóa khát vọng đó, bởi vậy nên là một qũy toàn dân, do toàn dân đóng góp và do chính người dân sẽ giám sát sự vận hành của quỹ", Bộ trưởng chia sẻ.
Tư lệnh ngành thông tin và truyền thông khẳng định: "Chúng ta đang và sẽ sống trong kỷ nguyên số, kéo dài hàng trăm năm. Một đất nước hóa rồng cũng phải nhiều thập kỷ. Sự chuyển đổi lớn nhất là sự chuyển đổi của tất cả mọi người trong xã hội đó và đó là câu chuyện của giáo dục, từ giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học và đến môi trường học cả đời.
Trong số rất nhiều đổi mới giáo dục thì có lẽ dạy ICT và ngoại ngữ phải là bắt buộc từ phổ thông.
Gần đây, người ta nói đến mỗi người phải biết đến 3 ngôn ngữ: Ngôn ngữ mẹ đẻ để duy trì văn hóa, ngôn ngữ tiếng Anh để hội nhập quốc tế, và ngôn ngữ IT để giao tiếp với máy móc.
Và tất cả chúng ta đều đặt nhiều hy vọng vào những đổi mới giáo dục, mà trước mắt và đầu tiên là áp dụng công nghệ mới, công nghệ ICT vào giáo dục, nơi ứng dụng công nghệ đầu tiên nên và rất nên là giáo dục. Những doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đầu tiên cũng nên và rất nên là doanh nghiệp công nghệ giáo dục".
Kiến Văn
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:
KHÁT VỌNG, ĐỔI MỚI: TT PHÚC CẦN 'NHẬP KHẨU' TƯ DUY ĐỔI MỚI VÀ KHÁT VỌNG

NGUYỄN HIỀN / BVN 9-5-2019

Sẽ không có bất cứ khát vọng nào được khơi dậy hay niềm tin nào được đặt ra, khi con ngáo ộp “mất chế độ” luôn tồn tại và đi tắt đón đầu trước mọi chiều hướng phát triển của quốc gia.

https://2.bp.blogspot.com/-xtMiHyKXFvE/XNG49T7yQOI/AAAAAAAAB3E/Q8a8gX8pJrs37Avu1_2KU7jKv_LVzWNdwCLcBGAs/s400/4fda1-r.png
Ba ngày nữa, Thủ tướng sẽ cùng 1.000 chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ, lãnh đạo Bộ - ngành ngồi lại để bàn cách đưa Việt Nam “hóa rồng”.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm chia sẻ hai yếu tố dễ thấy tại Diễn đàn sắp tới là “Niềm tin và Khát vọng”.
Thực ra, trăn trở của ông Phan Tâm là trăn trở của hàng triệu người Việt Nam.
Chẳng lẽ mình cứ kém mãi, cứ thu nhập trung bình mãi, trong khi các nước xung quanh như Hàn Quốc đã hoá rồng trong vài thập kỷ?”, ông Phan Tâm chia sẻ với báo chí.
Nhưng, để “hóa rồng, hóa hổ” thì điều cần vẫn là Niềm tin và Khát vọng. Niềm tin vào bộ máy Nhà nước sẽ thay đổi, và khát vọng nhìn thấy cơ chế tự thay đổi theo chuyển biến của thời cuộc.
Luật An ninh mạng 2018 được giới chuyên gia đánh giá là có khả năng ngăn chặn các bước tiến công nghệ mà Việt Nam chật vật mới có được, làm suy giảm GDP và ngăn trở khả năng đầu tư của các công ty công nghệ. Nhưng kết cuộc, những góp ý mang tính “niềm tin và khát vọng” về bộ mặt công nghệ nước nhà đã không thoát khỏi vòng kim cô – “bảo vệ chế độ”. Và lá thư của Kỹ sư Việt ở Silicon Valley gửi cho Quốc Hội để góp ý về dự thảo Luật An Ninh mạng đã bị các nghị sĩ Quốc Hội vứt bỏ vào sọt rác.
Sẽ không có bất cứ khát vọng nào được khơi dậy hay niềm tin nào được đặt ra, khi con ngáo ộp “mất chế độ” luôn tồn tại và đi tắt đón đầu trước mọi chiều hướng phát triển của quốc gia.
Ông Thủ tướng “kiến tạo”, người sẽ ngồi cùng với 1.000 chuyên gia, DN công nghệ, nhưng bao nhiêu trong đó sẽ nói lời “thẳng và thật” với ông. Và bản thân ông Thủ tướng sẽ vận dụng được bao nhiêu phần trăm tư duy “kiến tạo” để tiếp nhận những lời chia sẻ của giới chuyên gia và DN công nghệ. Hay đơn thuần, chỉ là những cuộc hội họp để chụp ảnh và ra về với những món quà, như cách mà Thủ tướng và Bộ ngành về công nghệ đã từng tiếp xúc với chuyên gia trong Hội nghị về Mạng lưới oddoir mới sáng tạo Việt Nam?
“Tiếp theo là thủ tướng phát biểu. Tôi để ý từ nãy giờ thủ tướng ghi chép rất hăng say. Tôi cứ nghĩ ổng giải quyết việc khác, nhưng có vẻ như ổng ghi chép nội dung cuộc họp. Tôi cũng không nhớ rõ thủ tướng nói gì, ngoại trừ việc ông định nghĩa cách mạng 4.0 là gì và nhắc nhớ những tấm gương nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài từ bỏ cuộc sống giàu sang ở phương Tây về giúp ích đất nước trong thời chiến,”, kỹ sư CNTT làm việc tại thung lũng Silicon Valley Dương Ngọc Thái chia sẻ trên blog của mình.
Rõ ràng chúng ta cần một giá trị cụ thể, một cam kết cụ thể và thực hiện cụ thể từ chính Thủ tướng kiến tạo. Và nó phải đến từ hiểu được giá trị “kiến tạo” là gì, từ đó phải lắng nghe, lấy tiếng nói của chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ trở thành một nguồn tham khảo chính cho đường hướng, thay vì sử dụng các quan điểm chính trị từ cấp cao để tạo khuôn, và áp đặt các quan điểm, ý kiến bày tỏ về “khát vọng” của mình. Khi Thủ tướng và bản thân Nhà nước Việt Nam chưa làm được như vậy, thì sẽ không thể xuất hiện niềm tin, ngay cả niềm tin về cách “lắng nghe” của Thủ tướng, là thật hay đơn thuần là trò mị dân không hơn không kém.
GS. Trần Văn Thọ, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Chính phủ trong bài trả lời phỏng vấn Cafe biz vào tháng 01.2018, đã cho biết: "Cái đơn giản không làm, Việt Nam cứ nghĩ tới Cách mạng 4.0 cao xa”. Cái “đơn giản” mà ông nói là nhập khẩu công nghệ. Nhưng rõ ràng, nhập khẩu công nghệ không phải là nhập khẩu các trang thiết bị vào trong nước và vận hành, mà phải bao gồm nhập khẩu cả những đổi mới về tư duy – cơ chế quản lý. Bởi nếu không “nhập khẩu tư duy” quản lý, thì cơ chế nhà nước sẽ buộc những “công nghệ” nằm ở một góc bếp, không hơn không kém.
Chính “tư duy công nghệ” làm nên tính chất của cuộc cách mạng 4.0, thời điểm mà não con người buộc tư duy linh hoạt hơn để bắt kịp với sự thay đổi theo 1 centisecond (một phần trăm của giây). Nếu không có tư duy như thế này, thì mọi hô hào cách mạng 4.0, mọi hội thảo về “đổi mới, kiến tạo, sáng tạo, khát vọng” sẽ hoàn toàn chỉ là một danh hão, một thứ hội họp để nhằm giải ngân tiền nhà nước, để tô màu cho một bức tranh mà dùng trang trí hơn là tạo động lực cho sự phát triển.
Muốn Việt Nam không kém, thì tư duy lãnh đạo cần phải bỏ cái cá nhân để nỗ lực cho cái công, trong hệ sinh thái nhà nước hiện tại, cần phải đặt quyền lợi chế độ qua một bên, dốc sức cho quyền lợi quốc gia dân tộc. Và điều này, cần phải bắt nguồn từ Thủ tướng – người tự nhận mình là một người “kiến tạo” trên cơ sở Chính phủ kiến tạo.
N. H.
VNTB gửi BVN

VN 'NÍU GIỮ' HAY SẼ THAY ĐỔI 'MÔ HÌNH XÔ VIẾT' ?

PGS. TS PHẠM QUÝ THỌ/ BBC 10-5-2019

Đảng cộng sản Việt Nam đã và đang áp dụng mô hình Xô Viết trong quản lý mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế và xã hội. Có ý kiến trên Vietnamnet.vn đặt vấn đề: "Điều gì níu giữ mô hình Xô Viết trong quản trị quốc gia?", và chia sẻ quan điểm rằng do 'chọn sai' mô hình phát triển dẫn đến sự tụt hậu của đất nước.
Bài viết làm rõ thêm về bản chất và sự sụp đổ mô hình này ở Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Việt Nam theo Trung Quốc đã điều chỉnh mô hình thích ứng với tình hình và đã thành công về kinh tế. Tuy nhiên, sau một thời gian vận hành mô hình kiểu này đang ngày càng suy yếu do 'lỗi hệ thống' trước những thay đổi nhanh và phức tạp hiện nay. Liệu Việt Nam vẫn 'níu giữ' hay sẽ thay đổi mô hình phát triển?

Nguyên tắc lãnh đạo

Các quốc gia theo mô hình Xô Viết đều dựa trên nguyên tắc đảng cộng sản lãnh đạo toàn diện xã hội và, về lịch sử, do V. I. Lênin khởi xướng.




Chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác, Lênin từng mơ ước xây dựng một xã hội hoàn toàn mới, nơi không có sự bóc lột và đàn áp. Người lao động sẽ tiếp quản quyền lực. Mọi nguồn lực xã hội là tài sản chung và nền sản xuất kế hoạch hoá tập trung.
Sau Cách Mạng Tháng 10 Nga thành công năm 1917, trong hoàn cảnh mới giành chính quyền và nội chiến, Lênin coi bạo lực như một công cụ để bảo vệ ý thức hệ với quan điểm rằng bạo lực là yếu tố cần thiết để thay đổi lịch sử vì 'bọn quý tộc và giai cấp tư sản không tự nguyện từ bỏ quyền lực'. Ngoài ra, Ông cũng chỉ thị thanh toán mọi bất đồng chứng kiến và cho rằng, ai phản đối sẽ là kẻ thù cách mạng, và về lâu dài, đó là điều tốt nhất cho người dân.
Lênin đưa ra nguyên tắc lãnh đạo của đảng là dân chủ tập trung với ý nghĩa: nhân dân thảo luận và đảng quyết định… Nhưng trong thực tế nguyên tắc này vận hành theo cách khi người dân không hiểu cái gì, thì tốt nhất, không cần cho họ cơ hội để tạo ảnh hưởng. Từ đó ra đời nhà nước độc đảng với quan điểm: hoặc trung thành tuyệt đối hoặc là kẻ thù, là 'thế lực thù địch'.
Một số luận điểm cơ bản nêu trên còn ảnh hưởng đến 'quản trị quốc gia' của một số nước như Trung Quốc, Việt Nam, Cuba…
Mô hình quản trị này dựa trên ý tưởng về một vị vua vô cùng thông thái có cách hành xử luôn thể hiện ý chí cộng đồng.
Nhà triết học Pháp J. Rousseau (1712 - 1778) đã giải thích ý chí cộng đồng là cái mà mọi người thực sự muốn nhưng họ lại không hiểu đó là gì. Người ta muốn cái tốt nhất nhưng không biết cái gì là tốt nhất cho chính mình. Bở vậy, việc 'giúp' mọi người hiểu được mọi thứ kết hợp với nhau như thế nào là nhiệm vụ của nhà vua hay người lãnh đạo.

Sự sụp đổ được cảnh báo




Lênin

Lãnh tụ của Đảng Cộng sản Liên Xô, V. I. Lênin qua đời ở tuổi 52

Ra đời bằng cách mạng bạo lực, mô hình Xô Viết chỉ có thể tồn tại và phát triển khi duy trì được năng suất vượt trội so với các nước tư bản, và ngược lại. Sự sụp đổ mô hình Xô Viết được cảnh báo.
Sau Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, Lênin đã khẳng định rằng, tăng năng suất lao động là nhiệm vụ cốt yếu sau khi giành được chính quyền, là điều kiện để thiết lập chế độ xã hội mới cao hơn chế độ tư bản chủ nghĩa.
Lênin đã từng có điều chỉnh từ chính sách cộng sản thời chiến sang Chính sách kinh tế mới (NEP) để phục hồi sức dân, từ đó phục hồi kinh tế. Sự kiện này được dẫn như một gợi ý về sự linh hoạt trong điều hành.
Một số nước láng giềng hấp dẫn bởi các giá trị lý tưởng của chủ nghĩa xã hội, đã gia nhập Liên bang Xô Viết.
Ông mất sớm, thọ 54 tuổi, vào năm 1924 với những dự định dang dở và không bao giờ được biết đến.




Tuy nhiên, J. Stalin và những người kế thừa ông tiếp tục thực hiện theo những nguyên tắc cơ bản để phát triển mô hình Xô Viết.
Nhờ đó mà Liên Xô đã đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế, đã chiến thắng phát xít Đức trong đại chiến thế giới II…
Trong những thời kỳ khó khăn và thời chiến mô hình Xô Viết thích hợp để huy động tổng lực để đạt được mục đích.
Cùng với thời gian các nước trên thế giới cùng tồn tại hoà bình, mô hình Xô Viết với nền kinh tế tập trung dần mất động lực.
Các kết quả kinh tế được 'bệnh thành tích' thổi phồng và tuyên truyền bằng các sự kiện.
Đơn cử: Trong những năm cuối 1970, khái niệm xã hội chủ nghĩa phát triển đã được thảo luận.
Thanh kiếm và cành ô liu biểu trưng của danh hiệu 'Đại nguyên soái' được phong tặng cho nhiều lãnh đạo Liên bang Xô Viết và một số nước XHCN Đông Âu.
Bệnh sùng bái cá nhân không chỉ với Lênin, Stalin mà cả các lãnh đạo đảng và nhà nước đương nhiệm. Quyền lực cần được tập trung vào các lãnh tụ uy tín để lãnh đạo đất nước!
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh năng suất của các nước có chế độ xã hội chủ nghĩa đã tụt hậu ngày càng xa so với các nước tư bản chủ nghĩa phát triển.
Bức tường Béc Linh sụp đổ vào năm 1989. Các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu dần tan rã. Năm 1991 mô hình Xô Viết kết thúc, cuối cùng là ở Liên Xô.

Mô hình Trung Quốc




Trung Quốc

So với mô hình ở Trung Quốc, Việt Nam đã thay đổi theo và chậm hơn  khoảng 10 năm, theo tác giả

Khác với các nước từng là XHCN ở Đông Âu, Trung Quốc và Việt Nam tiếp tục duy trì sự lãnh đạo của đảng cộng sản và tiến hành chuyển đổi chính sách kinh tế theo hướng thị trường.
Chính sách cải cách và mở cửa do Đặng Tiểu Bình khởi xướng và sự trỗi dậy của Trung quốc từ cuối những năm 1970 đã từng được coi là mô hình phát triển mới thích ứng trước sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu và bối cảnh toàn cầu hoá. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt trên 10% trong suốt giai đoạn 30 năm.
Tuy nhiên, sự bất ổn của mô hình Trung Quốc ngày càng bộc lộ rõ: Tăng trưởng đến điểm giới hạn và đang giảm sút, khủng hoảng nợ, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nạn tham nhũng và các vấn đề xã hội.




Tình hình ngày càng nghiêm trọng trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung căng thẳng. Mỹ đang cáo buộc Trung Quốc tiến hành thương mại không công bằng gây tổn hại cho kinh tế Mỹ qua việc đánh cắp sở hữu trí tuệ, ép buộc chuyển giao công nghệ… Đồng thời Mỹ yêu cầu Trung Quốc thay đổi cấu trúc kinh tế và tuân thủ theo nguyên tắc thị trường tự do trong các cuộc đàm phám.
Hơn thế, các vấn đề an ninh hàng hải ở biển Đông, và mới đây là Bắc băng dương, những lo ngại về 'Sáng kiến Một vành đai một con đường' như một bẫy nợ của Trung Quốc đối với một số nước khiến các nhà nghiên cứu cảnh báo về một cuộc chiến tranh lạnh mới, cuộc đối đầu giữa hai siêu cường Mỹ - Trung, mà thực chất là giữa hai hệ thống chính trị khác biệt.
Việt Nam đã thay đổi theo Trung Quốc, và chậm hơn khoảng 10 năm, và đã từng đạt những kết quả ấn tượng, tăng trưởng kinh tế trung bình đạt mức trên 7% sau hơn hai thập kỷ, thành tựu xoá đói giảm nghèo và một số mục tiêu thiên niên kỷ…
Tuy nhiên, những bất ổn đang xảy ra với thể chế kinh tế và chính trị Việt Nam. Với quy mô và hình thức khác, nhưng về cơ bản, tính chất là tương tự như Trung Quốc, có nguồn gốc từ mô hình phát triển.

Căn bệnh thể chế




Việt - Trung

Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng trong một lần đón Lãnh đạo Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình

Mô hình phát triển có nguồn gốc nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin với ý thức hệ xã hội chủ nghĩa và đảng cộng sản toàn trị lãnh đạo nền kinh tế chuyển sang thị trường, sau một thời gian vận hành đã khiến căn bệnh nội sinh, bệnh thể chế, trở nên trầm trọng.
Đảng đứng trên nhà nước. Pháp luật hoặc sự diễn giải khi thực thi phụ thuộc vào ý chí của đảng, nhóm người, thậm chí là cá nhân lãnh đạo. Tập trung quyền lực tạo ra bệnh sùng bái cá nhân. Các hình thức kỷ luật nội bộ thường không kịp thời, thậm chí không tương thích với các mức phạt theo các điều luật. Sự đoàn kết thực hiện theo nguyên tắc phê bình và tự phê bình dần mang tính hình thức.
Hệ thống chính trị khép kín. Kiểm soát đầu vào chặt chẽ thông qua việc kết nạp vào đảng theo các tiêu chuẩn, về nguyên tắc, dựa trên sự tự nguyện, cống hiến và cam kết trung thành với tổ chức. Để có được quyền lực và leo cao trên thang bậc lãnh đạo, các đảng viên được yêu cầu tiếp tục hy sinh theo đuổi lý tưởng




Giữ 'ổn định' thể chế đóng sản sinh xu hướng thổi phồng, khuếch đại ưu điểm và che đậy, giấu diếm khuyết điểm, sai lầm trước công chúng. Tự điều chỉnh, tự sửa chữa lỗi hệ thống, xử lý nội bộ các lãnh đạo vi phạm pháp luật và chuẩn mực đạo đức được ưu tiên.
Trong thực tế, quyền lực bị tha hoá gây nên 'lỗi hệ thống'. Mỗi vị trí lãnh đạo đều có đặc quyền nhất định đối với các nguồn lực công. Quyền đi đôi với lợi. Phân phối đã trở thành ban phát, xin cho. Chuyển sang kinh tế thị trường khi thiếu các nguyên tắc và công cụ kiểm soát phù hợp, quyền lực có khoảng trống lớn của sự cám dỗ trục lợi.
Kiểm soát cá nhân nghiêm ngặt. Sống trong sợ hãi bị trừng phạt người dân không dám biểu lộ sự thật. Khi luôn được chỉ bảo, chăm sóc họ sẽ trở nên thụ động, triệt tiêu động lực làm việc, thiếu sáng tạo, mặc cảm và mang ơn.
Trên đây là một vài căn bệnh chủ yếu của chế độ đang cản trở sự phát triển.
Làm thế nào một nhóm người có thể nói thay cho toàn dân khi họ không được nêu ý kiến khi thế giới thay đổi ngày càng nhanh chóng và phức tạp?
Một trong những biện pháp chữa căn bệnh này là cần xây dựng nhà nước pháp quyền để phản chiếu những tâm tình của người dân thông qua một nền dân chủ, trong đó họ có quyền tự do công dân và bình đẳng về tham chính.
Việt Nam dường như đang đứng trước sự lựa chọn hoặc 'níu giữ' hoặc thay đổi 'mô hình Xô Viết'
Bài viết thể hiện lối hành văn và quan điểm của tác giả, nguyên Trưởng khoa Chính sách công, Học viện Chính sách Phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư Việt Nam.
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

'MAKE IN VIETNAM' THỰC SỰ LÀ GÌ ?

NGUYỄN QUANG DY/ BVN 16-5-2019

‘Make’ có chữ k (ca hay cờ) không phải ‘made’ chữ d (dê hay dờ) nhen các bạn.
‘Make in Vietnam’ là tiêu đề của Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) tổ chức, tại Hà Nội ngày 9/5/2019 vừa qua, với hơn 1.000 khách mời đại diện chính phủ và doanh nghiệp tham dự.
Khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng tuyên bố: “Nếu Việt Nam cứ tập trung gia công, lắp ráp, giấc mơ hưng thịnh, hùng cường của đất nước rất khó có thể trở thành hiện thực.”
Qua bài viết trên Trí Thức Trẻ “Góc nhìn lạ đằng sau ‘MAKE IN VIETNAM’ của Bộ Trưởng Nguyễn Mạnh Hùng”(*) có thể hình dung được tiêu đề này thực sự là gì.
Chiến lược mới?
Tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn xuân Phúc và Bộ trưởng Hùng cùng giải thích ‘Make in Vietnam’ như sau: “Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và sản xuất tại Việt Nam.”
Qua lời giải thích này thoáng nghĩ đến trường hợp Facebook. Với ý tưởng kết nối xã hội, chỉ sau 15 năm hoạt động, Facebook đã thống lãnh thị trường truyền thông thế giới với 2,3 tỷ người thường xuyên sử dụng, lợi ích của Facebook bạn đọc hầu như đã rõ.
Facebook do đó là sản phẩm: “Sáng tạo tại Mỹ, thiết kế tại Mỹ, Mỹ làm chủ công nghệ và chủ động trong việc phục vụ người sử dụng khắp thế giới (ngoại trừ Trung cộng)”.
Trung cộng chặn Facebook không cho người dân sử dụng, nhưng có mạng xã hội Weibo một sản phẩm: Sáng tạo tại Mỹ, thiết kế tại Trung cộng, Trung cộng làm chủ công nghệ và cho người Trung cộng sử dụng”.
Make in Vietnam’ dành cho ai?
Nhưng theo lời Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thì ‘Make in Vietnam’ được chia làm ba nhóm doanh nghiệp khác nhau: (1) sáng tạo (2) thiết kế và (3) sản xuất.
Với nhóm thứ nhất ông Hùng cho biết những doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp theo đúng nghĩa là sáng tạo, theo ông số lượng doanh nghiệp như thế tại Việt Nam không nhiều, nếu không muốn nói là rất hiếm (tương tự trường hợp Facebook).
Nhóm thứ hai gồm những doanh nghiệp dùng công nghệ đã có sẵn của nước ngoài, về thiết kế lại làm ra sản phẩm, ‘Make in Vietnam’ đa phần nhắm vào đối tượng này.
Việt Nam hiện cũng muốn bắt chước Trung cộng xây dựng mạng xã hội riêng để: “Sáng tạo tại Mỹ, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và cho người Việt Nam sử dụng”.
Còn nhóm cuối cùng là những doanh nghiệp có vai trò đầu tàu được chia thành hai nhánh gồm: doanh nghiệp công nghệ ICT truyền thống như FPT, CMC, VNG, VCCorp... và những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực khác chuyển hướng đầu tư sang công nghệ như Vingroup và Viettel.
Chiến lược công nghệ Ấn Độ
‘Make in India’ là một sáng kiến được chính phủ Ấn Độ thực hiện từ tháng 9/2014 với mục tiêu rất rõ ràng là khuyến khích các công ty nước ngoài đầu tư sản xuất tại Ấn Độ. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết:
Hãy đến và sản xuất tại Ấn Độ. Bạn có thể bán hàng ở bất kỳ nước nào trên thế giới, nhưng hãy sản xuất tại đây. Chúng tôi có kỹ năng, tài năng, kỷ luật để thực hiện điều đó".
Ấn Độ có trên 1,3 tỷ dân, nói tiếng Anh, nguồn nhân lực dồi dào, nhiều người có trình độ chuyên môn với tay nghề cao.
Ấn Độ theo kinh tế thị trường, có nhiều trường đại học và viện nghiên cứu, và với sự tích cực hỗ trợ của chính phủ nên chiến lược này đã nhanh chóng thu nhận kết quả tốt đẹp.
Năm 2013, Ấn Độ là một trong 5 nền kinh tế có nguy cơ đổ vỡ, nhờ chiến lược này hằng trăm tỷ Mỹ kim đầu tư nước ngoài nhanh chóng đổ vào vực dậy nền công nghiệp nước này.
Chỉ riêng "Tuần lễ Make in India" vào tháng 2/2016 Ấn Độ đã thu được hợp đồng cam kết đầu tư từ nước ngoài lên đến 221 tỷ Mỹ kim.
Rõ ràng chiến lược của Việt Nam không theo hướng này nên khẩu hiệu ‘Make in Vietnam’ dễ bị hiểu lầm là Việt Nam bắt chước sáng kiến và chiến lược Ấn Độ để trở thành một khu vực lắp ráp gia công.
Ấn Độ sử dụng tiếng Anh nên ‘Make in India’ là phải, các quan chức Hà Nội dùng tiêu đề tiếng Anh cho Diễn đàn không rõ để làm gì?
Tăng trưởng nhờ sáng tạo…
Do Thái là quốc gia điển hình ứng dụng sáng tạo vào nỗ lực phát triển quốc gia, biến sa mạc hoang vu thành những đồn điền trù phú làm căn bản cho việc phát triển công nông nghiệp.
Cũng chính những kinh tế gia gốc Do Thái, từ những năm cuối thời 1950, đã đưa ra những lý thuyết và mô hình kinh tế đơn giản về tăng trưởng nhờ sáng tạo.
Mãi đến những năm 1990, các lý thuyết này được phát triển thành một trường phái lý thuyết tăng trưởng kinh tế mới (new growth theory) dựa trên sáng tạo, mà có thể ‘Make in Vietnam’ muốn lấy làm mô hình phát triển.
Có nhiều điều thú vị về lý thuyết tăng trưởng này nhưng căn bản tăng trưởng kinh tế vẫn dựa trên tự do sáng tạo, tự do kinh doanh và tự do chính trị, những điều kiện chưa có tại Việt Nam.
Ưu đãi về chính sách?
Để khuyến khích tăng trưởng dựa trên sáng tạo, chính phủ các quốc gia khác đều ít nhiều hỗ trợ cho đầu tư giáo dục, xây dựng viện nghiên cứu, giảm thuế cho việc nghiên cứu, bảo vệ tài sản trí tuệ, tạo môi trường và bảo trợ sản phẩm tới tay người tiêu dùng.
Nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn mạnh Hùng: "Nhiều khi các ưu đãi về chính sách sẽ dẫn đến thất bại. Đôi khi phải tạo ra khó khăn mới là giúp đỡ doanh nghiệp".
Ông Hùng còn dẫn chứng: "Lão Tử có một câu nói rất hay là muốn sống hãy đẩy vào chỗ chết".
Thực tế tại Việt Nam các doanh nghiệp tư nhân gặp muôn vàn khó khăn nên nhiều doanh nghiệp chết không kịp ngáp.
Khu vực quốc doanh theo thống kê vẫn chiếm 27% GDP, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm trên 20% GDP, còn khu vực doanh nghiệp tư nhân sau 33 năm “đổi mới” vẫn chưa đạt được 10% GDP.
Việt Nam hiện có chừng 500 ngàn doanh nghiệp tư nhân, nhưng tới hơn 93% là doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ, 6% doanh nghiệp vừa còn chưa tới 1% doanh nghiệp lớn.
Chỉ riêng năm 2018, lên tới 48% doanh nghiệp tư nhân bị thua lỗ. Số doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh phải ngừng hoạt động lên đến 90.000.
Hai khu vực quốc doanh và có vốn đầu tư nước ngoài được ưu đãi về mọi mặt từ chính sách, hành chánh, nguồn vốn đầu tư, đất đai, thuế má… còn doanh nghiệp tư nhân bị phân biệt đối xử nên phải chịu thua thiệt mọi bề.
Không cần phát động ‘Make in Vietnam’, chỉ cần mọi doanh nghiệp đều được cạnh tranh công bằng thì các doanh nghiệp tư nhân sẽ vươn lên tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế và pháp triển xã hội.
Nhân lực đâu ra?
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng không thể ngồi chờ giáo dục đổi mới với quãng thời gian có thể kéo dài đến tận 20 năm, theo ông "con người giỏi lên là do việc" và “để tìm được người, phải nghĩ ra việc”.
Xin lấy họa sỹ, thợ vẽ và thợ sơn làm thí dụ để bạn đọc dễ hình dung ra các khoa học gia, chính trị gia, kinh tế gia, doanh nhân… những người đã và đang xây dựng một “Việt Nam hùng cường”.
Họa sỹ là người sáng tạo ý tưởng và nghệ thuật. Người được mướn vẽ tranh theo ý tưởng người khác là thợ vẽ. Người thợ vẽ khác người thợ sơn.
Cách suy nghĩ về quản lý nhân lực của Bộ trưởng Hùng khó kiếm ra thợ vẽ, thường chỉ kiếm được thợ sơn. Mà thợ sơn cho nhà nước cũng khó có tay nghề cao so với người thợ sơn trong thị trường tự do luôn phải cạnh tranh và phải học hỏi để phục vụ tốt hơn.
Thật sai lầm khi nghĩ rằng người thợ sơn là thợ vẽ. Hết sức sai lầm khi nghĩ rằng người thợ vẽ là họa sỹ.
Trớ trêu thay ở Việt Nam người thợ sơn lại được tô hồng thành họa sỹ. Khi người thợ sơn thực sự nghĩ mình là họa sỹ thì đúng là định mệnh cho cả dân tộc.
Bức tranh “Việt Nam hùng cường” hết sức nguệch ngoạc cũng chỉ vì quan niệm sai lầm nói trên.
Người Việt hải ngoại
Bộ trưởng Nguyễn mạnh Hùng cho biết: “Việt Nam còn ‘sở hữu’ 5 triệu người Việt ở nước ngoài với số lượng không nhỏ những trí thức, kỹ sư trong ngành công nghệ”.
Trang VOA vừa đưa tin Tiến sỹ Phạm Đại Khánh một khoa học gốc Việt được Đại học George Washington trao giải thưởng Arthur S. Flemming năm 2018 cho những thành tựu nghiên cứu về lý thuyết vận hành không gian và liên lạc vệ tinh quân sự.
Ông đã nhận 20 bằng sáng chế cho các công trình nghiên cứu nói trên.
Tên một người Việt Nam nay được đưa vào danh sách những khoa học gia danh tiếng thế giới như Neil Armstrong (người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng) hay cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates.
Ông năm nay 48 tuổi, sinh trưởng ở miền Nam, có cha phục vụ trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa bị tù từ năm 1975 đến năm 1984.
Ông theo cha đi Mỹ theo diện HO, theo đuổi học hành và nhận bằng Tiến sỹ Kỹ thuật Điện tại Đại học Notre Dame vào năm 2004.
Sau đó ông vào làm cho Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không quân ở Căn cứ Không quân Kirtland, bang New Mexico đến nay.
Lễ trao giải thưởng Arthur S. Flemming năm 2018 sẽ diễn ra vào ngày 3/6/2019 sắp tới tại Đại học George Washington ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ.
Xin chúc mừng Tiến sỹ Phạm Đại Khánh và chúc mừng Hoa Kỳ.
Thể chế chính trị và môi trường làm việc tại Việt Nam không thích hợp với tầng lớp trí thức khoa học, nên ngay cả những sinh viên được Hà Nội gởi đi du học đa số không về phục vụ đất nước.
Nói rõ hơn những trí thức, kỹ sư trong ngành công nghệ hiện đang sống ở nước ngoài là tài sản là vốn quý của các nước họ, không thuộc quyền sở hữu của Hà Nội như Bộ trưởng Hùng lầm tưởng.
Make in Vietnam’ thực sự là gì?
Bài viết trên trang Trí Thức Trẻ nhấn mạnh “góc nhìn lạ” của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bằng kết luận nguyên văn như sau:
Bộ trưởng cho biết có thể có rất nhiều kỳ vọng về một bước ngoặt ngay tức thì. Tuy nhiên, ông khẳng định đó là sự ảo tưởng. Thành công không thể đến một cách dễ dàng và nhanh chóng như thế. Thậm chí, nếu có sự đột phá ngay thì có thể sau đó, thoái trào cũng đến rất nhanh.
Bộ trưởng nói rằng Diễn đàn chỉ tương tự như một phát súng gợi cảm hứng cho sự thay đổi trong nhận thức từ cộng đồng doanh nghiệp lẫn cơ quan Nhà nước để từ đó hình thành chiến lược.
Ông cũng gợi ý về một sự thay đổi từ từ. Nếu Diễn đàn là tiếng súng hiệu từ vạch số 0, sự thay đổi của doanh nghiệp và các cơ quan sẽ tiến dần từng bước đến giai đoạn bước ngoặt. Bước chuyển này có thể đến chậm hơn nhưng hàm chứa sự tăng trưởng chắc chắn và bền vững”.
Trong khi thế giới công nghệ đang cạnh tranh ráo riết và biến chuyển rất nhanh thì ‘Make in Vietnam’ quả thực là một sản phẩm sáng tạo của Hà Nội.
Vì chỉ có ở Hà Nội, mới có một Diễn đàn cấp Bộ, được Thủ tướng và Bộ trưởng khai mạc, với cả ngàn viên chức được mời tham dự, tốn bao công quỹ quốc gia, tưởng chừng sẽ phát động một chiến lược nhằm thực hiện giấc mơ “Việt Nam hùng cường”, nào ngờ ‘Make in Vietnam’ chỉ là một “phát súng gợi cảm hứng”, còn đi tới, đi lui, đi lên, đi xuống ai muốn đi sao tùy cảm hứng!
Melbourne, Úc Đại Lợi
14/5/2019
N.Q.D.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét