Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2019

20190519. ẢNH HƯỞNG CỦA THƯƠNG CHIẾN MỸ-TRUNG ĐẾN VIỆT NAM

ĐIỂM BÁO MẠNG

THƯƠNG CHIẾN MỸ -TRUNG VÀ CƠ HỘI 'NGÀN NĂM MỘT THUỞ' CHO VIỆT NAM

TS ĐINH TƯỜNG HINH /BBC/ BVN 16-5-2019

Công nhân Trung Quốc làm việc tại một xưởng chế biến sản phẩm tre nứa. Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES
Những ngày gần đây, cuộc chiến Mỹ - Trung đã lên đến cao điểm sau khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc nuốt lời hứa đối với những gì họ đã đưa ra trong cuộc đàm phán thương mại, đó là sẽ ban hành các đạo luật nhằm thực thi những cam kết đạt được.
Do đó, Tổng thống Trump đã cho tăng thuế nhập cảng trên 5.700 loại hàng hoá có trị giá 200 tỷ Mỹ kim từ Trung Quốc đến Mỹ, từ 10% lên 25%.
Hôm thứ Hai, 13/04, Trung Quốc trả đũa để giữ thể diện bằng cách tăng thuế nhập cảnh của một số hàng hoá Mỹ trị giá 60 tỷ Mỹ kim lên 25%.
Chắc chắn Trung Quốc sẽ bị thiệt thòi nhiều hơn Mỹ nhiều trong cuộc chiến này.
Hầu hết tất cả các chuyên viên kinh tế trên thế giới đều cho rằng dù cho đàm phán Mỹ - Trung sẽ xảy ra với kết quả tốt đi chăng nữa, hay dù Tổng thống Trump có được thay bằng một tổng thống Đảng Dân chủ đi chăng nữa, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ không bao giờ quay lùi lại cao điểm như ba thập niên qua.
Về phía Mỹ, họ nhận ra rằng Trung Quốc đã tận dụng sự cởi mở của các nước Âu Mỹ cũng như toàn cầu hoá để hiện đại hóa nền kinh tế và để bắt kịp các nước tân tiến.

Tham vọng của Bắc Kinh

Nếu mục đích của Trung Quốc dừng lại ở đây thì cũng không có gì đáng nói.
Nhưng mà cùng lúc, càng ngày Trung Quốc càng lộ rõ bá đồ muốn thống trị cả thế giới về kinh tế cũng như về quân sự. Điển hình là chương trình 2025, trong đó Bắc Kinh muốn trở thành lãnh đạo thế giới về kỹ nghệ năm 2049; và hành động quân sự cũng như thái độ thách thức của họ trên Biển Đông, nhất là đối với các nước láng giềng và đối với Nhật Bản.
Các nước Âu Mỹ nay đều đã tỉnh ngộ và thấy rằng Trung Quốc sẽ là mối hiểm họa lớn về kinh tế cũng như về quân sự trong Thế kỷ 21.
Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES
Thế nhưng cho đến khi ông Trump lên làm tổng thống, hầu như các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đều né tránh việc đối diện với sự thật, và đều dùng các phương pháp gián tiếp, thay vì trực tiếp, trong việc đối đầu với những thách thức của Trung Quốc.
Tòa Bạch Ốc của ông Trump đã thẳng thắn gọi hành động kinh tế hung hãn của Trung Quốc là mối đe dọa cho công nghệ và sở hữu trí tuệ của Mỹ và của thế giới.
Tác động của cuộc thương chiến đối với kinh tế Việt Nam
Nếu viễn ảnh tương lai giữa Mỹ và Trung Quốc không còn sáng lạn như trước đây và sự cạnh tranh Mỹ - Trung càng ngày càng gắt gao, thì điều này sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam như thế nào?
Thứ nhất, các công ty phi quốc gia lớn trên thế giới (đa số là của Âu Mỹ) sẽ tìm cách giảm thiểu rủi ro bằng cách đa dạng hoá các hoạt động đầu tư ở Trung Quốc, và sẽ chuyển một số các cơ số sản xuất hay thương mại đi các nước khác, chẳng hạn như Việt Nam.
Chính Tổng thống Trump đã nói hôm 13/05: "... Ngoài ra, thuế quan của Mỹ hoàn toàn có thể tránh được nếu bạn mua từ một quốc gia không bị áp thuế, hoặc bạn mua sản phẩm bên trong Hoa Kỳ (ý tưởng này là tốt nhất). Đó là mức thuế Zero. Nhiều công ty bị đánh thuế sẽ rời Trung Quốc sang Việt Nam và các nước khác ở châu Á. Đó là lý do vì sao Trung Quốc cấp thiết muốn đạt được thỏa thuận này!".
Tổng thống Donald Trump: "Nhiều công ty bị đánh thuế sẽ rời Trung Quốc sang Việt Nam và các nước khác ở châu Á. Đó là lý do vì sao Trung Quốc cấp thiết muốn đạt được thỏa thuận này!". Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES
Việt Nam đang là một nước có tiềm năng lớn có thể thay thế sản xuất của Trung Quốc, cho nên các công ty đa quốc gia sẽ dò xét xem Việt Nam có làm vậy được hay không.
Theo so sánh thế giới thì Việt Nam có tiềm năng về năng lực rất khá so với các nước khác ở Á châu.
Thứ hai, xuất khẩu của Trung Quốc hiện vẫn còn đang tuỳ thuộc rất nhiều vào thị trường Mỹ (do công nghiệp tích hợp dọc – 'vertically integrated industries'), cho nên các công ty công nghệ Trung Quốc cũng sẽ kiếm cách dọn qua Việt Nam sản xuất, hầu có thể dùng cái nhãn hiệu "Made in Vietnam" để quay lại thị trường Mỹ và tránh thuế nhập cảng của Mỹ.
Thứ ba, những chính sách kinh tế của Trung Quốc nhằm đương đầu với những thách thức mới về kinh tế cũng sẽ có ảnh hưởng đến Việt Nam, chẳng hạn như hối đoái hay tiền tệ. Do đó các chính sách kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới cũng phải thật là linh động để có thể đem lại quyền tự chủ cho quốc gia.
Cơ hội và thách thức
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung do đó sẽ tạo cho Việt Nam cơ hội độc nhất vô nhị, mà nếu nắm bắt được thì nó sẽ giúp Việt Nam tiến lên rất mạnh và rất xa trong kỹ nghệ hóa, trở thành một nước tân tiến trong 20-30 năm.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung
Mặt khác, nếu không biết nắm lấy cơ hội này và không giải quyết được những thách thức mới thì Việt Nam sẽ suy sụp và không vươn lên nổi trong một thế giới cạnh tranh mãnh liệt này.
Do đó, kết quả tốt hay xấu đều tuỳ thuộc vào các chính sách kinh tế mà Việt Nam cần phải xác định rõ ràng.
Muốn nắm lấy cơ hội để tiến lên, chuyện đầu tiên Việt Nam phải làm là duyệt xét lại luật đầu tư hầu có thể kiểm soát chặt chẽ các đầu tư từ nước ngoài, nhằm tránh tình trạng bị các nước lạ lợi dụng để bán sang Mỹ.
Chính phủ phải giới hạn các khuyến khích về đầu tư trong những lãnh vực có thể làm hoàn thiện chuỗi khâu sản xuất hiện nay, và ưu tiên cho các nhà máy dùng những máy móc tối tân (như máy sợi cho ngành dệt), đầu tư vào các ngành công nghệ và trí tuệ cao, và nhất là phải tạo cơ hội để huấn luyện công nhân Việt Nam có thể hấp thụ công nghiệp mới.
Chính phủ cần phải nhận dạng các ngành công nghiệp phụ trội quan trọng có nhiều liên kết ngược (backward linkages) với các công kỹ nghệ trong nước cũng như có lợi thế so sánh xuất cảng.
Thứ hai, chính phủ cần phải cấp tốc cải tổ và hoàn chuẩn nền giáo dục đại học và các chương trình dạy nghề.
Việt Nam cần phải có cơ cấu về nghiên cứu (R&D), trong đó có ba cơ quan nghiên cứu nằm trong khu vực công, khu vực hãng xưởng tư nhân, và khu vực đại học.
Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES
Chính phủ phải giúp tạo ra cơ cấu này và thắt chặt mối liên hệ giữa ba lãnh vực này, nhằm nâng cao khả năng sáng tạo một cách hữu hiệu.
Để thu hút nhân tài, chính phủ cần đi mọi nơi thuyết phục các sinh viên Việt Nam tốt nghiệp ở nước ngoài về cũng như để tạo điều kiện cho họ làm việc trong nước.
Thứ ba, cần phải xét lại vai trò của nhà nước: Có những lãnh vực nhà nước cần phải giữ một vài trò quan trọng, chẳng hạn như bảo vệ môi trường, an ninh thực phẩm, bảo vệ quyền công nhân, lập một hệ thống phân xử minh bạch giữa chủ và thợ khi có các tranh chấp, đầu tư vào hạ tầng cơ sở để giúp đỡ các xí nghiệp tư, v.v. Ngược lại, có những lãnh vực về sản xuất, nhất là công nghiệp, thì chính phủ cần phải đi ra khỏi 100% để tư nhân có thể hoàn toàn vượt lên.
Quan trọng hơn hết là phải biết nếu Việt Nam muốn tiến lên thì phải tạo điều kiện cho "Made by Vietnam" chứ không phải "Made in Vietnam", tức là phải tạo cơ hội cho các công ty Việt Nam sản xuất đi từ giai đoạn lắp ráp đến sản xuất kỹ thuật riêng (OEM – own engineering manufacturing), đến giai đoạn sản xuất thiết kế riêng (ODM– own design manufacturing), đến sản xuất thương hiệu riêng (OBM – own brand manufacturing).
Việt Nam được nhiều hãng đa quốc gia chọn đầu tư một phần nhờ có lực lượng lao động giá rẻ. Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES
Một thí dụ dễ hiểu là mặc dù hiện giờ điện thoại Samsung của Nam Hàn làm ở Việt Nam (Made in Việt Nam) rất nhiều (Việt Nam xuất cảng trên 25 tỷ đô la điện thoại mỗi năm), nhưng tuyệt đại đa số các thành phần trong điện thoại là nhập cảng từ các nước khác và Nam Hàn chỉ dùng công nhân Việt Nam giá rẻ để lắp ráp mà thôi. Vì vậy mà 99% giá trị của điện thoại là không phải do Việt Nam làm (Made by Vietnam).
Nếu không làm được điều này thì cả đời Việt Nam chỉ làm công nhân lắp ráp. Và muốn làm được điều này thì chính phủ phải đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo nên một nền kinh tế dựa trên trí tuệ con người.
Làm sao kỹ nghệ Việt Nam có thể cạnh tranh với Trung Quốc, nhất là về giá cả đầu vào, nhiên liệu…?
Tôi đã trình bày những yếu tố để Việt Nam có thể cạnh tranh với Trung Quốc trong cuốn sách "Phát triển công nghiệp nhẹ tại Việt Nam" do Ngân hàng Thế giới xuất bản năm 2013.
Nói tóm lại, không có gì người dân Việt Nam không làm được nếu có được sự hỗ trợ đắc lực và khéo léo của chính phủ. Đây cũng là cơ hội ngàn năm một thuở.
Nếu Việt Nam không nắm lấy thì chắc chắn các nước cạnh tranh sẽ lấy đi mất.
Đ.T.H.
***

Tiến sĩ Đinh Trường Hinh hiện là Chủ tịch Công ty EGAT tại Hoa Kỳ. Ông nguyên là Chuyên gia kinh tế chính, Văn phòng Phó chủ tịch, và là Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới ở Washington, D.C. (1978-2014).
Hiện sống tạ̣i bang Virginia, Hoa Kỳ, ông đã đăng tải các tác phẩm Công nghiệp nhẹ châu Phi (2012), Các câu chuyện kể từ mặt trận phát triển kinh tế (2013), Phát triển công nghiệp nhẹ tại Việt Nam (2013), và Công việc làm, kỹ nghệ hoá, và toàn cầu hoá (2017).
Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/forum-48269918

HỆ LỤY NÀO CHO VIỆT NAM TRONG CUỘC CHIẾN THƯƠNG MẠI MỸ-TRUNG ?

THÀNH ĐỖ /DLB/ BVN 15-5-2019


(Danlambao) - Cũng có lúc, giới thạo tin nghĩ rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tạo ra một cục diện khá tồi tệ cho kinh tế thế giới từ hơn 1 năm nay. Từ 21/01/2018 đến nay đã quá lâu, cuộc chiến này phải chấm dứt và hy vọng nó đang đi vào giai đoạn chót để kết thúc.
Bất ngờ ngày 05/05/2019, vị tổng thống thứ 45 của Mỹ đã tung ra quyết định tăng thuế lên 25% cho 200 tỷ hàng nhập cảng từ Trung cộng, đồng thời tố cáo Trung cộng tráo trở và nuốt lời những cam kết đã hứa trước đó làm ông Trump nổi cơn thịnh nộ.
Đòn tráo trở của Trung cộng được các chuyên gia phương Tây đánh giá như là một cách nắn gân truyền thống của anh Tập, một ván cờ chiếu bí khá quen thuộc của chung các quốc gia cộng sản trong mọi cuộc đàm phán.
Họ kéo dài, họ cù cưa, họ hứa rồi lại nuốt lời, muốn đàm phán lại, làm cho các đối thủ mệt mỏi và thiếu kiên nhẫn.
Họ dư sức biết thời gian của giới chính trị phương Tây và Mỹ là có giới hạn 4 hoặc 5 năm thôi và thời gian của Tập tại Trung cộng là vĩnh viễn.
Họ thừa biết là sắp đến ông Trump lại phải đi vào mùa tranh cử nhiệm kỳ II, mọi sự thất bại hay không đạt được kết quả với hơn 10 lần đàm phán của ông Trump sẽ bị cử tri Mỹ phán xét và cũng như bị các đối thủ chính trị của ông Trump lợi dụng và khai thác triệt để.
Vì thế nên họ lại tiếp tục cù cưa.
Ngoài ra, còn thêm 3 lần thượng đỉnh Mỹ - Triều hoàn toàn không một kết quả nào khả quan cũng đã được ghi vào sổ như một thất bại của cá nhân ông Trump và ê kíp nhà Trắng của ông ta.
Tập biết rõ là ông Trump đang ngồi trên lửa và Tập đang muốn giữ vai trò người ngồi quạt lửa cho nóng bên dưới đít ông Trump.
Nhưng đây là một sai lầm chiến lược của ông Tập, vì các chuyên gia Mỹ và Âu Châu từ lâu đã thấy và biết chiêu trò này và giới cầm quyền cũng được cảnh báo.
Này nhé, với chiêu trò cù cưa này, Trung cộng có thể lừa và thắng bọn da trắng rất nhiều lần, họ giật dây cho cú lừa thế kỷ trong cuộc chiến Việt Nam qua hiệp ước Paris 1972, họ cũng thắng và đẩy bọn Âu Châu ra khỏi lục địa đen Phi châu, họ đẩy Mỹ ra khỏi một số nước tại Nam Mỹ, Trung cộng ghi bàn thắng ngoạn mục tại Úc Châu, một đồng minh lâu đời của Mỹ và khối Thịnh Vượng chung Anh quốc khi nuốt trọn cảng biển tại Darwing trong 99 năm qua chiến lược toàn cầu của họ, họ cũng ghi bàn thắng cả với Mỹ, với sự mền dẻo cố hữu của chính quyền Barack Obama, và lấn lướt Mỹ trên toàn cầu, nhưng cục diện nay đã khác, họ không thể tiếp tục thành công khi mà đối thủ của họ là Donald Trump, là một cáo già trên thương trường và cộm cán về chiến thuật đàm phán, người biết rõ lá bài tẩy này của Bắc kinh, và cũng đã xài đi xài lại quá nhiều lần với các đối thủ thương mại của ông ta.
Kết quả là Trung cộng vừa thủng lưới với 25% thuế đánh trên 200 tỷ đã nói ở trên và thị trường chứng khoán Sanghai thì toàn một màu đỏ trong những ngày kế tiếp tại Thượng Hải, bốc hơi hơn 345 tỷ trong 1 ngày sau đó và tiếp tục lao dốc. Tiếp đó, Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố số liệu xuất nhập khẩu cho thấy xuất khẩu tháng 2 của nước này sụt gần 21% và nhập khẩu giảm 5%, đều là những con số xấu hơn nhiều so với dự báo.
Sự mất mát lớn nhất cho Trung cộng có lẽ là bộ mặt gian xảo của nước này đã bị Trump phơi bày ra cho thế giới thấy và cảnh giác khi giao tiếp buôn bán với Trung cộng.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta hãy cùng nhau hướng tầm nhìn đến những hệ lụy cho kinh tế Việt Nam qua những sự kiện nêu trên và cùng nhau xem con đường nào, lối nào thoát cho một nền kinh tế vốn đã quá phụ thuộc vào Trung cộng.
Có lẽ đây là lúc mà những nhà hoạch định về chính trị và kinh tế cho Việt Nam nên thẳng thắn nhìn thẳng, nói thật và can đảm thú nhận với người dân là cái mà gọi là kinh tế thị trường có cái đuôi định hướng XHCN chỉ là cái bánh vẽ mà lâu nay, trên dưới 20 năm, do Trung cộng đút cho đảng CS và nhân dân VN phải "nuốt".
Trong danh sách 7 nước có thâm thụt cán cân thương mại với Mỹ có Việt Nam, người Mỹ họ thừa biết VN là cánh tay nối dài của hàng hóa Trung cộng tuồn vô Việt Nam và dán cái mác "Made in Vietnam" để hưởng một số nhân nhượng về thuế của thị trường Mỹ. Nay nếu người Mỹ đã nhìn ra sự dối trá này của phía Việt Nam, thì số phận những mặt hàng như: thép, nhôm, hàng công nghệ, quần áo, giầy dép, da, sản phẩm nông nghiệp của VN sẽ ra sao, số phận nào dành cho cuộc sống đã quá bấp bênh của người nông dân Việt, trước đã quá đen với lái buôn Trung cộng được đảng tiếp tay để bóp cổ họ, nay Mỹ sắp cho thêm một búa qua cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung...
Hiện nay thuế trên một số mặt hàng Việt đã được tăng thuế từ 150% đến 250%. Hay là đảng ta sắp cấm vận kinh tế Mỹ?
Tiếp theo là Liên hiệp Châu Âu gần như không muốn làm ăn với Việt Nam sau vụ lùm xùm Trịnh Xuân Thanh và qua kỳ phân giải nhân quyền định kỳ UPR tại Geneve 01/2019 với một thành quả nhân quyền thảm hại.
Sau đó, rất nhiều hàng hóa Việt Nam bị trả lại vì nhiều lý do, kém chất lượng và hải sản không đủ tiêu chuẩn an toàn. Hay là đảng ta sắp cấm vận kinh tế Âu châu luôn thể?
Trong bản báo cáo "Tù nhân lương tâm tại Việt Nam" được công bố hôm nay, 13/05/2019, tổ chức Ân Xá Quốc Tế cho biết, hiện tại có 128 tù nhân bất đồng chính kiến đang bị bắt giữ tại Việt Nam, thay vì 97 người như trong bản nghiên cứu một năm trước đây. Nhưng con số bán chính thức về tù nhân lương tâm do các ONG cung cấp thì đã ngoài 250 người, cộng thêm các người đấu tranh cho môi trường, chống tham nhũng, BOT bẩn bị bắt, bị đánh đập và tra tấn dã man cũng như giam giữ tùy tiện và khắc nghiệt, bệnh hoạn không thuốc men, thiếu ăn và thiếu nước sạch.
Kết luận
Vì vậy kinh tế của Việt Nam đã tệ sẽ càng thê thảm hơn. Chắc chắn cộng sản Việt Nam sẽ thiếu hụt ngân sách rất nhiều. Sắp đến, họ sẽ tạo ra thêm nhiều loại thuế, nâng mức điện xăng, và mọi thứ sẽ tăng mạnh.
Nhiều nguồn tiền giả do Trung cộng tung vào thị trường Việt từ hơn 5 năm nay và các cuộc di dân khá ồ ạt, gây bất ổn kinh tế và lạm phát mạnh từ 1 năm nay.
Được dự đoán là các ngoại tệ và vàng sẽ tiếp tục tăng mạnh vào cuối tháng 6, khi cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập bên lề cuộc họp thượng đỉnh tại Nhật đi vào bế tắc.
Không còn lối thoát cho người dân Việt Nam, ngoại trừ con đường phải "đổi mới chính trị" cấp bách và đi theo trào lưu tiến bộ của nhân loại về dân chủ và tạo dựng lại một nhà nước pháp quyền đúng nghĩa.
Chưa bao giờ trong lịch sử, sự tồn vong của dân tộc bị đe dọa đến mức này và cũng chưa bao giờ, cơ hội thoát Trung, thoát cộng gần gũi với dân tộc như lúc này.

Paris 13/05/2019
T.Đ.

CĂNG THẲNG THƯƠNG MẠI MỸ-TRUNG LEO THANG: CƠ HỘI CHO VIỆT NAM ?

VOV/GDVN 18-5-2019
Vòng đàm phán thương mại cuối cùng giữa Mỹ và Trung Quốc vừa kết thúc mà không đạt được bất cứ thỏa thuận nào.
Tổng thống Donald Trump quyết định tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc, và tuyên bố sẽ đánh thuế đối với hàng nhập khẩu còn lại (khoảng 325 tỷ USD).
Đáp trả, Trung Quốc khẳng định sẽ có những động thái “trả đũa” xứng đáng. Từ ngày 1/6, Trung Quốc đưa ra các mức thuế trả đũa đối với 5.000 loại hàng hóa do Mỹ sản xuất.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng. (Ảnh minh họa: KT)
Theo các nhà phân tích, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã đến hồi nghiêm trọng, nếu các bên không đạt được thỏa thuận có thể dẫn đến khủng hoảng toàn cầu.
Thất bại của cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sẽ dẫn đến suy giảm trong thương mại và làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới.
Mỹ và Trung Quốc sẽ giảm tốc nhanh hơn Việt Nam 
Tiến sĩ Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là vấn đề liên quan sát sườn. Chưa biết ai thắng ai, nhưng theo tính toán của ông Sang thì Trung Quốc thặng dư thương mại tăng mạnh.
“Nhiều khi khủng hoảng ở ngoài lại là cơ hội cho Việt Nam, nên không nên quá lo ngại”, Tiến sĩ Lê Xuân Sang nêu quan điểm.

Kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh và ổn định. (Ảnh minh họa)
Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể khiến kinh tế thế giới khủng hoảng.
Tuy nhiên, trong khủng hoảng của thế giới thì vĩ mô Việt Nam đang ổn định. Nền kinh tế Việt Nam có độ trễ so với tình hình thế giới, độ trễ này có thể từ 6 tháng đến 1 năm.
“Ví dụ, như năm 2008 khi Mỹ khủng hoảng kinh tế thì Việt Nam vẫn an toàn và Việt Nam cho rằng chúng ta miễn nhiễm với khủng hoảng thế giới. Nhưng sang năm 2009 thì sự ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế là rất lớn”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
Theo đánh giá của Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, thế giới đang thay đổi, trong đó có nhiều thay đổi gắn với doanh nghiệp.
Hội nhập và toàn cầu hóa không chỉ là câu chuyện FTA và CPTPP. Kinh tế tương lai không phải là kéo dài quá khứ, sự phát triển của thế giới không phải là hình sin mà có nhiều điểm gẫy kỳ dị.
Tình hình thế giới bất định, và trong bất định đó có 2 điểm chắc chắn là Mỹ và Trung Quốc sẽ giảm tốc nhanh hơn Việt Nam, Tiến sĩ Thành chỉ rõ.
“Thế giới này biến đổi rất nhanh với nhiều điều chúng ta không biết được sẽ thế nào, như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là sự giật cục của chính sách… và hiện rất lo là quản trị rủi ro kém”, ông Thành nói.
Không hoàn toàn xấu với Việt Nam
Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên đây có thể không phải là tin xấu hoàn toàn với Việt Nam và ASEAN.
Với mức thuế ngày càng tăng, hàng hoá sản xuất ở Đông Nam Á giờ hấp dẫn hơn với người tiêu dùng Mỹ.

Việt Nam đang trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn với những nhà đầu tư nước ngoài. (Ảnh minh họa)
Nền kinh tế Việt Nam đã bùng nổ ngay cả trước khi diễn ra cuộc chiến thương mại, và được thúc đẩy bởi lĩnh vực sản xuất yêu cầu lực lượng lớn nhân công, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7% trong năm 2018 - mức tăng nhanh nhất trong hơn 1 thập kỷ.
Ông Adam McCarty, kinh tế gia trưởng của Mekong Economics tại Hà Nội, lưu ý rằng Việt Nam đang trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn với những nhà đầu tư đang rời khỏi Trung Quốc do chi phí lao động tăng cao và mối đe doạ tăng thuế.
Dữ liệu của chính phủ trong tháng 4/2019 cho thấy các khoản đầu tư mới đăng ký vào Việt Nam đã tăng 81% và nguồn vốn cho các cơ sở mới tăng 215%.
Nhà phân tích Nick Marro của Economist Intelligence Unit (EIU) cho hay, Việt Nam và Malaysia là hai nước có thể hưởng lợi nhiều nhất khi chiến tranh thương mại leo thang, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cấp thấp như linh kiện trung gian và sản xuất hàng tiêu dùng như điện thoại di động, laptop.
Lĩnh vực công nghệ đóng vai trò lớn trong chiến tranh thương mại bởi hàng điện tử và linh kiện liên quan chiếm lượng lớn nhất trong danh mục nhập khẩu vào Mỹ từ Trung Quốc.
Theo VOV.VN
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

THƯƠNG CHIẾN MỸ-TRUNG: VIỆT NAM CÓ THỂ CHỦ ĐỘNG ... HƯỞNG LỢI ?

KHÁNH NGUYÊN/ ĐẤT VIỆT 18-5-2019

(Doanh nghiệp) - Các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn đầu tư hay di chuyển nhà máy từ Trung Quốc về Việt Nam có thể mới chỉ là một nửa niềm vui…

Thêm nhiều tín hiệu không mấy tích cực trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Sau khi Mỹ chính thức quyết định áp thuế thêm 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc từ ngày 10/5, Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ đáp trả tương xứng và họ không đời nào chấp nhận nuốt trái đắng làm tổn hại ích cốt lõi của mình. Trong một động thái mới nhất, Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế từ 5% - 25% lên khoảng 5000 sản phẩm đến từ Mỹ với giá trị ước tính 60 tỷ USD bắt đầu từ 1/6, đúng như những gì họ từng nói.
Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể diễn ra bên lề Thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản vào cuối tháng 6/2019, tuy nhiên chưa có cơ sở để đưa ra những dự đoán khả quan. Điều chắc chắn nhất là khi các ông lớn thương mại đụng độ, các nền kinh tế trên thế giới sẽ chịu ảnh hưởng.

Thuong chien My - Trung: Viet Nam co the chu dong… huong loi?
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang trong giai đoạn căng thẳng nhất từ trước tới nay.
May thay, Việt Nam đang ở trong một tình thế lạc quan. Báo cáo của các tổ chức kinh tế, tài chính trên thế giới đều nhận định, Việt Nam có cơ hội hưởng lợi cao nhất trong rủi ro chung của nền kinh tế toàn thế giới. Diễn biến mới đây cho thấy, Việt Nam là lựa chọn hấp dẫn khi các nhà đầu tư nước ngoài muốn rời khỏi Trung Quốc, tránh chịu vạ lây từ cuộc đụng độ giữa hai ông lớn. Còn Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói thẳng, nỗi sợ của Trung Quốc là việc khách hàng chọn mua của nước khác, còn các công ty thì chuyển sản xuất về Việt Nam và các nước khác.
Ở một chiều kích khác, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2019 ghi nhận dấu ấn đặc biệt của các nhà đầu tư Trung Quốc (Hồng Kông, Đài Loan và Trung Quốc đại lục) với tổng số vốn đăng ký lên tới hơn 6 tỷ USD. Trong bối cảnh nhu cầu thu hút đầu tư của Việt Nam còn rất cao, nếu tỉnh táo lựa chọn và có hàng rào kiểm soát chắc chắn, cơ hội của chúng ta là không hề nhỏ. Quả thật, Việt Nam đang có nhiều quyền để lựa chọn.
Tất nhiên, bức tranh không chỉ toàn những mảng màu tươi sáng. Dư luận không ngần ngại chỉ thẳng những nguy cơ khi Việt Nam lạm dụng nguồn đầu tư nước ngoài nói chung và đầu tư từ Trung Quốc nói riêng. Trăn trở về thảm đỏ mời chào doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sẽ chèn ép cơ hội tồn tại của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn luôn thường trực. Quan trọng hơn, nếu cuộc đụng độ giữa hai nền kinh tế có thể trở thành một cuộc thương chiến khốc liệt, việc đong đếm thiệt hơn phải được thực hiện một cách toàn diện và đa chiều.
Thứ nhất, về dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc, chúng ta vẫn chưa giải được bài toán dùng tiền từ Trung Quốc thế nào cho có lợi. Khi các nhà máy Trung Quốc đổ bộ, nguy cơ phải hứng công nghệ lạc hậu và các ngành sản xuất không thân thiện với môi trường… hiển hiện trước mắt. Ngoài ra, xét về quy mô, dù số vốn đăng ký lớn, Trung Quốc cũng luôn dẫn top đầu trong số lượng các dự án đăng ký, đồng nghĩa, quy mô của đa phần các dự án ở mức nhỏ và vừa, cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp cùng loại của Việt Nam. Nếu không có sự hỗ trợ tương xứng cho doanh nghiệp Việt, có thể họ lại là người thua cuộc trên chính địa bàn của mình.
Ở một dạng thức khác, các công trình đầu tư dùng vốn của người bạn láng giềng vẫn đang vướng mắc trong vòng luẩn quẩn chậm tiến độ, đội vốn, chất lượng kém. Bài học đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, dự án mở rộng nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 và rất nhiều rắc rối từ các dự án lựa chọn tổng thầu EPC Trung Quốc thuyết phục dư luận rằng, lợi bất cập hại. Nói như chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, cái được có thể là mức tăng trưởng GDP, nhưng FDI nói chung và FDI từ Trung Quốc nói riêng không mang lại lợi ích gì thực sự cho nền kinh tế và người dân Việt Nam, thậm chí “càng mê cuồng tăng trưởng GDP thì nguồn lực của nền kinh tế càng yếu đi”.
Thứ hai, bản thân sự biến động trong xu hướng đầu tư vào Việt Nam nói trên cũng đang nói lên một sự thật, ngành sản xuất trong nước chưa đủ tiềm lực. Về nguyên tắc, khi Trung Quốc và Mỹ hạn chế hàng hóa của nhau, cơ hội cho hàng hóa các nước, trong đó có Việt Nam rộng mở hơn. Thế nhưng, chính các doanh nghiệp nước ngoài đang tỏ ra hào hứng và sốt sắng hơn với cơ hội này. Không thể cáo buộc đây là một suy luận bi quan khi chính Việt Nam đã phải thừa nhận, doanh nghiệp Việt không tham gia được vào chuỗi công nghiệp phụ trợ cho đầu tư FDI sở tại. Sau nhiều năm chào đón và ưu ái Samsung, người Việt mới chỉ bán được bao bì cho họ.
Thực trạng này làm nảy sinh một lo ngại khác. Từ năm 2016, thép carbon chống ăn mòn (CORE) và thép cán nguội (CRS) nhập khẩu từ Việt Nam đã bị Mỹ cáo buộc là lẩn tránh thuế từ Trung Quốc qua Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ. Điều này hoàn toàn có thể lặp lại ở quy mô lớn hơn, nếu Việt Nam tiếp tục chỉ giữ vai xuất khẩu hộ. Đáng nói, những sản phẩm thuần Việt cũng có khả năng bị vạ lây bởi sự trừng phạt này. Nếu vậy, doanh nghiệp Việt đã khó sẽ lại càng khó.
Việc giữ thị trường trong nước cũng sẽ là một thách thức, đặc biệt nếu cuộc thương chiến kéo dài. Khi đó, quy mô thị trường 100 triệu dân của Việt Nam sẽ là đích đến của cả Mỹ và Trung Quốc. Mỹ, với ưu thế về đẳng cấp và thương hiệu, chắc chắn sẽ thu hút được phân khúc khách hàng trung lưu và cao cấp. Trung Quốc, với khả năng tạo ra các nhóm sản phẩm phù hợp với mọi túi tiền, sẽ chiếm các chỗ đứng còn lại.
Đối với Việt Nam, đó còn là mối nguy từ nguyên liệu đầu vào của các ngành sản xuất từ Trung Quốc sẽ tràn ngập thị trường, đánh bại những nỗ lực chen chân vào mảng miếng của doanh nghiệp nội. Số liệu 4 tháng đầu năm 2019 cho thấy, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 22,3 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Cân đối với phần xuất khẩu, nhập siêu của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc vẫn ở mức 4,5 tỷ USD, một con số không thể nói là đáng vui.
Như vậy có thể thấy, những tác động có lợi từ thương chiến Mỹ - Trung với Việt Nam chỉ ở trong ngắn hạn. Và để tận dụng được cơ hội này, bản thân nền kinh tế Việt Nam phải có đủ nội lực. Đây cũng là lời giải cho tình huống các tác động trở nên tiêu cực hơn. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, việc có thể và cần làm ngay là tạo điều kiện để nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường thực thụ, nơi các doanh nghiệp được cạnh tranh lành mạnh về cơ hội và nguồn lực. Và đây là một giải pháp đang nằm trong tầm tay.
Khánh Nguyên
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

XOAY XỞ CHÍNH SÁCH TRONG VÒNG XOÁY THƯƠNG CHIẾN MỸ -TRUNG

PHAN MINH NGỌC/ TBKTSG 18-5-2019

(TBKTSG) - Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tăng mạnh thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc gần đây là chỉ dấu về một cuộc chiến tranh thương mại có khả năng sẽ kéo dài đầy bất trắc và kịch tính, gây ra tác động tiêu cực trên toàn cầu ở nhiều khía cạnh. Câu hỏi đặt ra là từ góc độ chính sách, Việt Nam cần phải làm gì để hóa giải tối đa trong khả năng có thể những tác động tiêu cực, đồng thời không làm ảnh hưởng đến những lợi ích tiềm năng mà cuộc chiến này có thể mang đến?

Với Việt Nam, chính sách nới lỏng tiền tệ tại thời điểm này là rất rủi ro. Ảnh: NGỌC LINH
Phản ứng thường thấy trước tiên là nới lỏng tiền tệ
Về cơ bản, cuộc chiến thương mại có tầm vóc toàn cầu như đang xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc, nếu tiếp tục leo thang và kéo dài, sẽ gây ra những tác động tiêu cực gồm: (1) giảm tăng trưởng toàn cầu, theo đó là kim ngạch thương mại; (2) khủng hoảng trên các thị trường nợ, vốn, chứng khoán, và ngoại hối; (3) gián đoạn và thay đổi các dòng chảy thương mại, suy sụp và đổ vỡ các chuỗi cung ứng toàn cầu; (4) trừng phạt và trả đũa lẫn nhau giữa các đối tác thương mại thậm chí là đồng minh và ban đầu không có liên quan gì đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, khoét sâu thêm và/hoặc làm nảy nở những mâu thuẫn và đối kháng trên các phương diện khác theo các chiều song phương và đa phương.
Như là một phần của gói giải pháp để đối phó với những tác động trên, phản ứng chính sách thông thường và tiêu chuẩn của các nước, nhất là các nước đang phát triển, trước hết thường là nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích nhu cầu nội địa nhằm bù đắp tổn thất tăng trưởng từ sụt giảm xuất khẩu do nhu cầu thị trường thế giới co hẹp lại. Nới lỏng tiền tệ cũng sẽ dẫn đến làm suy yếu nội tệ, góp phần duy trì năng lực cạnh tranh xuất khẩu trong khi hạn chế nhập khẩu. Nới lỏng tiền tệ làm giảm lãi suất nên sẽ hỗ trợ đầu tư, nắm giữ trái phiếu, chứng khoán và các giấy tờ có giá bằng nội tệ. Chính phủ cũng sẽ dễ dàng hơn khi huy động các loại vốn, quỹ để cứu trợ nền kinh tế và doanh nghiệp khi cần.
Lạm phát thấp, ổn định trong tầm kiểm soát sẽ giúp cho các nhà đầu tư tiềm năng thấy rõ hơn bài toán chi phí, hiệu quả khi chuyển dịch cơ sở sản xuất từ Trung Quốc hay những nơi khác chịu ảnh hưởng của chiến tranh thương mại sang Việt Nam để tận dụng lợi thế về thuế quan áp lên hàng hóa xuất đi từ Việt Nam.
Do nới lỏng tiền tệ dẫn đến mất giá nội tệ nên thường cũng sẽ dẫn đến sự tháo chạy của các dòng vốn ngoại khi sự mất giá nội tệ là đáng kể trở lên. Để hạn chế khả năng này, các nước thường phải áp đặt và thắt chặt các biện pháp kiểm soát vốn (capital control) theo hướng “có vào mà không có ra”. Dù biện pháp này có tác dụng mang lại sự ổn định tức thời, ngắn hạn nhưng điều này sẽ làm nhụt chí nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng và do đó có hại cho tăng trưởng trong dài hạn hơn.
Với Việt Nam, ưu tiên chính sách sẽ phải là ổn định và ổn định
Với Việt Nam, chính sách nới lỏng tiền tệ tại thời điểm này là rất rủi ro. Lạm phát đang chịu áp lực gia tăng mạnh bởi những đợt điều chỉnh dồn dập giá điện, xăng dầu, nhiều loại phí, thuế nên nới lỏng tiền tệ sẽ làm tăng hơn nữa áp lực lạm phát. Nếu lựa chọn nới lỏng tiền tệ thì Chính phủ phải sẵn sàng chuẩn bị giải trình và thuyết phục dân chúng chấp nhận một tốc độ tăng trưởng “đẹp” đi kèm với sự leo thang của vật giá mà từ tầng lớp trung lưu trở xuống sẽ cảm nhận được rõ cái vị của “món trộn” này ra sao.
Ngược lại, sự “khôn khéo” trong điều hành chính sách thể hiện ở việc đóng băng giá cả hàng hóa và dịch vụ bằng các biện pháp hành chính nhằm chặn đà tăng lạm phát sẽ tỏ ra chỉ là sự chủ quan về chính sách, bởi giá cả sẽ bật tung khi không còn có thể bị kìm hãm được nữa, như minh họa về diễn tiến của giá xăng dầu vừa qua cho thấy.
Chiến thuật “linh hoạt” quen thuộc trong chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ chỉ có tác dụng nhất thời, theo tình huống, nhằm “bịt” chỗ nọ, “vá” chỗ kia mà không thể thoát được tình cảnh phải đối mặt với mối xung đột: nới lỏng nhiều thì rủi ro cao. Bởi nới lỏng ở thời điểm này, chỗ này, sẽ buộc phải thắt lại tại thời điểm khác, chỗ khác nhằm đạt được xu hướng ổn định trong trung và dài hạn.
Trong bối cảnh trên, đặc biệt là khi cuộc chiến thương mại trở nên gay gắt và khó lường hơn, với hậu quả cảm nhận rõ hơn, ưu tiên chính sách sẽ phải là ổn định và ổn định, làm bệ đỡ cho các lợi ích tiềm năng mang lại bởi cuộc chiến thương mại được hiện thực hóa, giúp bù đắp suy giảm tăng trưởng, nếu có.
Lạm phát thấp, ổn định trong tầm kiểm soát sẽ giúp cho các nhà đầu tư tiềm năng thấy rõ hơn bài toán chi phí, hiệu quả khi chuyển dịch cơ sở sản xuất từ Trung Quốc hay những nơi khác chịu ảnh hưởng của chiến tranh thương mại sang Việt Nam để tận dụng lợi thế về thuế quan áp lên hàng hóa xuất đi từ Việt Nam.
Lạm phát được kiểm soát cũng sẽ giúp cho một sự phá giá nhỏ của tiền đồng trở nên có ý nghĩa lớn hơn mà không gây ra những tác động tiêu cực đáng kể liên quan thường thấy khi có sự phá giá bản tệ lớn. Trên góc độ này, NHNN cần chủ động, sẵn sàng cho những bước điều chỉnh tỷ giá nhỏ mỗi khi sức nặng của rổ ngoại tệ tham chiếu làm cơ sở cho tỷ giá tiền đồng thay đổi đáng kể. Để vừa “linh hoạt” với tỷ giá, vừa giảm áp lực lên lạm phát từ sự suy yếu của tỷ giá tiền đồng, NHNN phải đóng tròn vai người mua bán ngoại tệ cuối cùng, một mặt sẵn sàng mua vào ngoại tệ với giá cao hơn nhằm làm yếu tiền đồng, mặt khác phải tăng cường hút tiền đồng về qua kênh thị trường mở và phát hành tín phiếu. Điều hành chính sách hiện tại của NHNN dường như thể hiện rõ định hướng chính sách này khi một mặt liên tục mua vào ngoại tệ, nâng giá mua ngoại tệ, đồng thời tăng cường trung hòa cung tiền đồng tăng lên thông qua phát hành tín phiếu, kiên quyết với mục tiêu tăng trưởng tín dụng chặt chẽ hơn đặt ra từ đầu năm.
Các giải pháp chính sách hỗ trợ khác có thể áp dụng gồm có phòng chống gian lận thương mại, minh bạch và đơn giản hóa chính sách đầu tư, thương mại, mở cửa và tự do hóa thị trường lao động có kỹ năng, thắt chặt và giám sát các tiêu chuẩn vệ sinh, môi trường... Các chính sách này có tác dụng biến Việt Nam nhanh chóng thành một cứ điểm sản xuất cung ứng mới đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của nhà đầu tư, có hàm lượng giá trị gia tăng nội địa lớn để tránh được nguy cơ bị áp đặt các biện pháp trừng phạt gian lận thương mại (xuất xứ) của nước đối tác, đồng thời tránh được nguy cơ bị biến thành một cứ điểm sản xuất “bẩn”, ô nhiễm do phải đón nhận những công nghệ lạc hậu, thải loại (và do đó kém cạnh tranh, càng phải tìm cách “xuất” sang nước thứ ba) từ các nước nguồn đầu tư. 
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét