Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2019

20190524. BÀN VỀ ĐỔI MỚI CHÍNH TRỊ Ở VIỆT NAM

ĐIỂM BÁO MẠNG

TƯƠNG LAI VIỆT NAM VẪN TOÀN LÀ CÂU HỎI

CHÂU ĐOAN /BBC 19-5-2019

Việt Nam
Ảnh: CHAU DOAN - Xã hội Việt Nam nay có đông thanh thiếu niên với suy nghĩ khác xa thế hệ 'cách mạng' và ngưỡng mộ những nhân vật không thuộc hệ thống chính trị
Phát biểu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi khai mạc Hội nghị Trung ương 10 của ĐCSVN hôm 16/05 ở Hà Nội, nêu ra một loạt câu hỏi về đất nước từ nay đến 2045.
Đầu tiên là về định hướng cho quốc gia.
TBT Nguyễn Phú Trọng đặt câu hỏi:
- Chiến lược là thế nào? Chúng ta định hướng mốc là đến năm 2026 là mốc, năm 2030 là mốc rất quan trọng (100 năm thành lập Đảng) và đến năm 2045 (100 năm thành lập nước).
- Vậy chúng ta định hướng, hình dung ra nước ta vào năm 2030 sẽ là thế nào?
- Đến năm 2045 nước ta sẽ hình dung như thế nào?
- Thời kỳ quá độ là thế nào?
- Đổi mới Chính trị và đổi mới kinh tế là thế nào?
- Đổi mới Chính trị có phải là Đổi mới chế độ chính trị không?
Rồi ông bình luận: "Lâu nay cứ nói ào ào. Đổi mới chính trị là đổi mới hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy, nhân lực, phương thức, lề lối làm việc… hiểu cho đúng những cái đó.
Cứ nói đổi mới kinh tế đồng thời đổi mới chính trị. Vừa rồi nói ta đổi mới kinh tế không chịu đổi mới chính trị.
Bên ngoài người ta hiểu theo nghĩa là: chắc đổi mới thể chế chính trị đây, như vậy có được không?"
Sau đó là về tình hình thế giới...
Với nhiều diễn biến xảy ra dồn dập trong một tháng ông Trọng vắng mặt vì lý do sức khoẻ, ông đã tự cập nhật các chủ đề quốc tế bằng nhiều câu hỏi.
- Từ nay đến năm 2045, tình hình thế giới sẽ thế nào?
Rồi ông điểm ra, "Mỹ thế này, Trung Quốc thế này, EU thế này, Anh - Brexit như thế, khủng hoảng mãi, ra không ra được, vào không vào được, Triều Tiên thế này, Nhật thế nào, Hàn Quốc rồi là Bắc Triều Tiên, Trung Quốc với Mỹ bây giờ đang tình hình thế nào?"
- Khu vực Đông Nam Á, dự báo tình hình sắp tới sẽ thế nào, trên cơ sở đó xác định mục tiêu từ đây đến đó phải được đến cái gì?
Về một số đô thị lớn đang muốn vươn lên thành 'thông minh', TBT hỏi:
- Tôi nói ví dụ Thành phố Hồ Chí Minh, mươi năm nữa, 15 năm nữa sẽ là thế nào?
- Có hình dung được hết không? Hà Nội sẽ là thế nào?
- Cứ nói thành phố thông minh, thành phố xanh, đấy là cách nói về một khía cạnh đi vào cuộc cách mạng công nghiệp mới này thôi, còn nước ta đến 2030 sẽ là nước gì?
- Nước công nghiệp phát triển hay là một nước phát triển, hay là một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nội hàm của nó là cái gì?
TBT Trọng, người có chức danh Giáo sư ngành xây dựng Đảng theo mô hình Liên Xô đã cho rằng một số khái niệm mà hệ thống tuyên giáo Việt Nam nói liên tục những năm qua đã không còn phù hợp:
"Năm 2001 chúng ta đã xác định đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, giờ đã trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa? Phải thay đổi rồi, không dùng cái từ ấy nữa rồi".

TPHCM
Ảnh: STR - TP HCM 'thông minh là thông minh thế nào'? - Ảnh chụp một công ty IT ở TPHCM chỉ có tính minh họa
Rồi ông lại tự hỏi:
- Sắp tới nó sẽ là cái gì?
Và ông nhận xét, "Khó lắm các đồng chí ạ, cả lý luận và thực tiễn, phải hiểu biết rất sâu sắc thực tế, cả trong nước và quốc tế."
Ông cũng nêu vấn đề bất bình đẳng trong đối xử kinh tế tư nhân:
"Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng, tôi đề nghị sắp tới nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân..."
Khi tôi nói hăng lên, có gì sai thì các đồng chí điều chỉnh cho… TBT Nguyễn Phú Trọng
Sự trở lại tương đối mạnh khoẻ của ông Nguyễn Phú Trọng, người vừa tròn 75 tuổi, đã khiến những người ủng hộ ông vui mừng.
Họ hy vọng ông tiếp tục công cuộc chống tham nhũng, còn gọi là 'đốt lò'.
Nhưng có những ý kiến khác tin rằng tình hình Việt Nam đã thay đổi quá xa, những lý luận cũ kỹ của Đảng Cộng sản Việt Nam và nhãn quan cầm quyền của họ, dù có ý định tốt của TBT Trọng chỉ đạo, cũng khó tạo được đột phá gì.
Có vẻ như sự khác biệt quan điểm về rất nhiều vấn đề nay được thể hiện khá công khai.
TBT Trọng nêu ví dụ rằng chỉ riêng về tên của văn kiện cho Hội nghị 10 lần này, "khi đưa ra Trung ương thảo luận còn đưa ra dự kiến 112 tên gọi khác nhau".
Ông tiết lộ, "riêng cái đó đã cãi nhau rồi".
Và ông đặt ra thách thức cho các cấp: "Phải sắp xếp trước sau như thế nào? Khó lắm không dễ".
Cuối cùng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước, GS Nguyễn Phú Trọng chúc cho Hội nghị "thành công... không được 10 phần mà được 5 phần cũng là tốt".

trọng
C.Đ.
ĐÃ ĐẾN LÚC PHẢI ĐƯA NHỮNG YÊU SÁCH CỤ THỂ, THIẾT THỰC HƠN
NGUYỄN KIỀU DUNG /FB Nguyễn Kiều Dung/ BVN 21-5-2019
Hôm nay tôi nghe thấy trên Tivi, Nguyễn Phú Trọng nhắc đến Đổi mới Chính trị. Mặc dù không rõ ông ta định ám chỉ điều gì. Đổi mới Chính trị, giống như Đổi mới Kinh tế, là một khái niệm rất rộng, có thể là cả một quá trình kéo dài nhiều năm. Tôi và có lẽ tất cả mọi người đều không tin ông Trọng nói đến Đổi mới Chính trị hàm nghĩa đa nguyên đa đảng triệt để như phương Tây. Tuy nhiên, bây giờ là lúc TW đang nghe ngóng tình hình, thăm dò ý kiến của công dân.
Bao nhiêu năm nay, đã có rất nhiều các hội nhóm, cá nhân đề ra các yêu sách rất to tát (ví dụ đa nguyên đa đảng, luật biểu tình, báo chí tư nhân, trung lập quân đội....). Nếu tôi là lãnh đạo Đảng, tôi cũng sẽ rất băn khoăn với những yêu sách đó, bởi vì 2 lý do: (i) Lý thuyết của chủ nghĩa cộng sản đã sai từ đầu, dẫn đến nhiều tội lỗi đối với dân tộc. Thực hiện những yêu sách đó ngay có thể sẽ gây ra hỗn loạn, dễ mất chính quyền, dễ dẫn đến trả thù; Đấy là điều rất khác đổi giữa chế độ ngày nay với các thể chế trong quá khứ chẳng hạn như Việt nam Cộng hòa (ii) Đảng cộng sản vẫn đang có vị thế mạnh, không dễ gì để họ tự dưng nhả quyền lực ra như vậy.
Đấy là chưa kể những yêu sách đó cũng không được lòng đa số công dân Việt nam ở thời điểm này, bởi người dân cũng rất lo sợ bất ổn. (Theo kết quả điều tra của Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, có đến 90% sinh viên và giảng viên trẻ ủng hộ chế độ độc đảng hiện nay). Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng những người yêu nước cần hình dung Đổi mới Chính trị ở Việt nam là một quá trình có thể kéo dài trong nhiều năm, qua nhiều bước, chứ không phải chỉ là một vài hành động diễn ra trong 1, 2 năm.
Bây giờ là lúc những người yêu nước cần đưa ra những yêu sách cụ thể, thiết thực hơn. Họ cần phải tự đề ra yêu sách, bởi giống như Dự thảo Luật Công đoàn Độc lập, nếu để cho Đảng tự xây dựng thì kết quả không ra gì như đã thấy. Hơn nữa, cho dù không được Đảng chấp thuận thì cũng là một lần thu hút sự quan tâm của người dân, thuyết phục công chúng rằng họ là những người rất có trách nhiệm với quốc gia. Những yêu sách đó hoàn toàn hợp lý, không có gì đáng sợ.
Một số ví dụ thử nghiệm là như sau:
1. BIỂU TÌNH: Chính phủ phải cho phép dân tổ chức biểu tình ở những khu vực có tường bao, hàng rào (v.d. sân vận động, trường học), hoặc những khu vực có công an chăng dây bao quanh. Tuy nhiên, sẽ cần kiểm soát số lượng người tham gia. Ví dụ tổ chức ở sân vận động, không quá 1000 người tham gia. Các nơi khác có thể không quá 200 người. Kiểm soát có thể bằng 2 cách: (i) 30 phút trước khi biểu tình diễn ra, ban tổ chức nộp danh sách những người tham gia cho công an thực địa. Người tham gia muốn vào phải mang thẻ định danh hoặc phải có sự bảo lãnh của ban tổ chức. (ii) Ban tổ chức phát hành 200 phiếu tham dự và tự phân phối (giống như đi xem hòa nhạc miễn phí cũng phải có vé mời).
2. QUỐC HỘI: Yêu cầu 30%-50% số ghế là do dân bầu cử trực tiếp (không thông qua hiệp thương).
3. BÁO CHÍ TƯ NHÂN: Thử nghiệm cho phép 2-3 tờ báo tư nhân. Mỗi tờ báo được thời hạn 5 năm. Các hội viên của hội nhà báo Việt nam sẽ tổ chức bình chọn các hồ sơ đăng ký theo đợt để chọn ra 1, 2 hồ sơ tốt nhất để cấp phép. Vi dụ 2019 là đợt đầu tiên. Sauk hi kết thúc 5 năm sẽ bình chọn lại.
4. ĐA NGUYÊN CHÍNH TRỊ: Cho phép thành lập 1, 2 đảng đối lập, tuy nhiên sẽ khống chế số lượng mỗi đảng không quá 500 đảng viên. Mỗi nhiệm kỳ kéo dài 5 năm, và mỗi đảng không quá 2 nhiệm kỳ. Việc bình chọn cho phép các đảng này hoạt động sẽ được thực hiện trùng với bầu cử Hội đồng Nhân dân hoặc bầu cử Quốc hội. Các thành viên của Hội luật gia Việt Nam sẽ đứng ra nhận đơn đăng ký thành lập/hoạt động của các đảng, và bình chọn 10-20 hồ sơ. Sau đó dân sẽ trực tiếp bình chọn 1, 2 đảng đó cùng đợt bầu cử Quốc hội hoặc Hội đồng Nhân dân. Nếu đợt bầu chọn đó không quyết định được đảng chiến thắng thì Hội luật gia sẽ bình chọn. Các đảng này sẽ có một số quyền chẳng hạn như tự do hội họp, có tờ báo riêng.v.v…
Hi vọng những người khác sẽ đưa ra thêm những yêu sách khác.
Các bạn nghĩ thế nào?
Những đề nghị này của tôi dựa trên kinh nghiệm là hiện giờ bầu cử vào các thành viên của Hội đồng Quỹ Khoa học Quốc gia Nafosted của mỗi chuyên ngành đã theo nguyên tắc dân chủ, nghĩa là do cộng đồng các nhà nghiên cứu của ngành đó bình chọn. Và bắt đầu từ năm nay, bình chọn vào Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước cũng sẽ theo nguyên tắc dân chủ đấy.
Dĩ nhiên, đấy là những thứ không dính đến chính trị và có thể chính quyền muốn xoa dịu bức xúc của giới khoa học nên họ cho phép làm như vậy.
N.K.D.
Nguồn: FB Nguyễn Kiều Dung


HƯỞNG ỨNG KIỀU DUNG

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 23-5-2019

Về việc đổi mới chính trị để dân chủ hóa đất nước, vừa qua Kiều Dung công bố bài Đã đến lúc phải đưa ra những yêu sách cụ thể, thiết thực hơn với đề nghị: “Cần hình dung Đổi mới Chính trị ở Việt nam là một quá trình có thể kéo dài trong nhiều năm, qua nhiều bước, chứ không phải chỉ là một vài hành động diễn ra trong vòng 1, 2 năm”. Phải đưa ra những việc làm cụ thể mà ĐCS có thể chấp nhận. Những người đấu tranh cho dân chủ nên đặt mình vào vị trí lãnh đạo Nhà nước để xem xét vấn đề. Trước mắt, Kiều Dung đề nghị một số thử nghiệm:
1. Tổ chức biểu tình có đăng ký, có giấy phép, có phạm vi, có kiểm soát.
2. Quốc hội phải có 30-50% đại biểu do dân bầu trực tiếp (không qua hiệp thương)
3. Báo chí tư nhân được chấp nhận, nhưng hạn chế vài tờ, có sự lựa chọn của xã hội dân sự.
4. Đa nguyên chính trị. Chấp nhận cho 2 đảng chính trị với số đảng viên hạn chế (dưới 500).
Theo tôi, đấu tranh cho dân chủ xẩy ra khi xã hội phân chia rõ ràng thành tầng lớp thống trị (trên) và bị trị (dưới). Giữa 2 tầng lớp này phát sinh mâu thuẫn. Nhu cầu dân chủ hóa xuất phát từ tầng lớp dưới. Họ có những đấu tranh, từ ngấm ngầm, trong phạm vi hẹp, đến công khai trong phạm vi rộng. Sự đấu tranh ấy được tầng lớp thống trị tiếp nhận và xử lý theo các cách khác nhau.
Khi tầng lớp thống trị có lương tâm, biết liêm sĩ, có văn hóa, có đạo đức, họ sẽ hiểu ra, bỏ áp bức, giảm bóc lột, tôn trọng nhân quyền, làm giảm nhẹ, tiến tới xóa bỏ được mâu thuẫn.
Khi tầng lớp thống trị là loại vừa ngu vừa tham, sẽ tìm cách củng cố quyền lực, vơ vét tài sản và tăng cường lừa bịp, làm cho mâu thuẫn càng tăng thêm. Lúc này nếu bị trị hèn yếu sẽ biến thành đàn cừu, đàn vịt. Nếu bị trị có dũng khí, được tập hợp và lãnh đạo tốt sẽ tiến hành đấu tranh, buộc thống trị phải nhượng bộ hoặc bị lật đổ.
Vậy đấu tranh cho dân chủ bắt đầu từ dưới và tốt nhất là được trên tiếp nhận. Hai bên sẽ thương lượng, đấu tranh trong hòa bình để tìm giải pháp tối ưu. Kiều Dung và nhiều người Việt đang mong ước như vậy. Tuy có nhiều nhận xét rằng đó là mong ước hão huyền, vì bản chất của ĐCS là ngoan cố. Ừ thì CS ngoan cố, nhưng ở Liên xô, các nước Đông Âu và đặc biệt là Mông Cổ đã xẩy ra những việc đáng cho chúng ta khảo sát. Tôi xin nêu vài suy nghĩ về việc làm từ dưới và từ trên.
Cơ bản nhất là tăng cường hoạt động các tổ chức xã hội dân sự. Hiện nay, vì để ký được các hiệp ước về kinh tế mà Chính phủ và Quốc hội VN bắt buộc công nhận điều: “Người lao động có quyền lập ra Công đoàn độc lập của họ”. Đấu tranh để lập Công đoàn độc lập là hợp pháp. Nhờ có tổ chức này người lao động mới có điều kiện đấu tranh cho dân chủ. Đảng muốn mọi tổ chức phải do họ kiểm soát vì thế mà ra sức ngăn cản Công đoàn độc lập. Nhưng Chính phủ và Quốc hội đã buộc phải chấp nhận. Tình thế này buộc Đảng phải nới lỏng sự ngăn cản.
Trước tiên lập Công đoàn độc lập tại các xí nghiệp, tiến tới lập Công đoàn độc lập cho nhiều ngành nghề. Công đoàn của người lao động chứ không riêng gì cho công nhân. Các nhà lao động trí óc, nông dân, chủ trang trại, người làm thương nghiệp đều có thể lập công đoàn. Và rồi các Công đoàn độc lập liên kết với nhau thành Tổng Công đoàn độc lập, nó như là một Mặt trận.
Về bên trên, thuộc tầng lớp thống trị. Quan trọng nhất là lập ra được Quốc hội có vai trò chứ không phải bù nhìn. Đó là cơ quan lập pháp vừa của Đảng, vừa của Dân, thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất. Khi thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyền quyết định các vấn đề quan trọng ĐB QH cần thể hiện được ý chí và nguyện vọng của nhân dân, những người đã tin cậy cử họ làm đại diện.
Hiện nay thành phần không chuyên trách trong QH toàn là người của cơ quan hành pháp và cán bộ cấp cao của Đảng. Để số này trong QH vừa lãng phí vừa tạo nên sự thiếu nghiêm túc. Đề nghị ĐBQH không thể đồng thời là cán bộ chính quyền. Điều này đưa vào chương 2 Luật Tổ chức QH cũng tốt, mà không đưa vào cũng không sao, vì rằng luật đó không thật chặt chẽ.
Luật Tổ chức Quốc hội, Chương 2: Đại biểu Quốc hội có 23 điều (từ 21 đến 43) nhưng không có điều nào viết về việc ứng cử, bầu cử và tiêu chuẩn trúng cử ĐBQH. Ngay cả việc Mặt trận có đặc quyền lập danh sách ứng viên cũng không có trong luật, có thể chỉ là một quy định nào đó của Ban bầu cử. Vậy có thể bổ sung hoặc không bổ sung vào chương 2 điều quy định: “ĐBQH không được đồng thời là người thuộc cơ quan hành pháp” (nếu không bổ sung vào Luật thì cho là quy định của Ban bầu cử).
Phải bãi bỏ đặc quyền của Mặt trận khống chế danh sách do Đảng cử. Phải tổ chức bầu cử thật sự tự do dân chủ. Chắc Đảng sợ rằng làm như thế dân ít bầu cho đảng viên. Thế thì cứ để cho Đảng cử 50% ĐB QH mà dân không phải bầu số đó. Còn lại 50% hãy để cho dân ứng cử, giới thiệu, tranh cử, bầu ra đúng đại biểu của họ. Việc làm này cũng không trái với điều nào của Luật. Như vậy QH là cơ quan lập pháp của cả Đảng và của Dân. Khi Đảng đề ra được chủ trương, chính sách gì thì không trực tiếp chỉ thị cho QH mà phải thông qua các đảng viên là ĐBQH đệ trình ra. Những ĐBQH của dân cũng có toàn quyền đệ trình các điều luật.
Chủ tịch QH phải được bầu bằng tranh cử của ít nhất 2 người chứ không phải do Bộ Chính trị lựa chọn.
Tôi hình dung, nếu tổ chức được một QH không bù nhìn thì nó có thể trở thành đối trọng với BCH TƯ Đảng, gần gần giống như 2 viện của Mỹ. Có được QH như thế mới có điều kiện để ĐBQH thực hành điều 29 của Luật TCQH (ĐBQH có quyền đệ trình dự án luật-một việc quan trọng mà hầu như chưa xẩy ra). QH phải ra được các luật về quyền tự do, dân chủ thì các tổ chức xã hội dân sự mới có đủ pháp lý để hoạt động.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN
NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 24-5-2019
Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, nơi lập pháp, nơi quyết định những việc quan trọng nhất của quốc gia. Như vậy những thành viên của QH phải là những chính khách giỏi giang, được chọn lựa thật gắt gao thông qua tranh cử quyết liệt, xứng đáng là tinh hoa, đại biểu cho một lực lượng đông đảo cử tri. Ở nhiều nước người ta gọi các thành viên QH là Nghị sĩ, còn ở ta gọi là Đại biểu Quốc hội (ĐBQH)
Ghi rằng QH là cơ quan quyền lực cao nhất chỉ là tuyên bố cho vui để mị dân chứ thực chất nó là bù nhìn của Đảng. Mà để làm bù nhìn thì cần gì đến tinh hoa, chỉ đại biểu là được. Vì vậy bầu QH phải theo cơ cấu để có đủ già trẻ, nam nữ, dân tộc, tôn giáo v.v… Ở tỉnh nọ, tỉnh kia, nhận một ông sư, một linh mục về để bầu, vị ấy mang danh là ĐBQH của tỉnh ấy, nhưng thật ra chẳng phải. Mà vị ấy cũng chẳng đại diện cho tôn giáo, vị ấy nếu đúng là người tu hành thì không thể làm tốt vai trò chính khách. Vừa tu hành, vừa chính khách sẽ trở thành kẻ dở dơi, dở chuột.
Đại diện cho dân tộc ít người là cần, nhưng không nhất thiết phải bầu theo cơ cấu. Phải chọn được người tinh hoa. Thí dụ, để đại diện cho các dân tộc Tây Nguyên, nếu có một chính khách người Gia Rai, Ê Đê thì quá tốt, nhưng nếu không có thì một chính khách giỏi người Kinh, sống nhiều năm ở Tây Nguyên, có thể được bầu. Như vậy tốt hơn nhiều khi đưa vào QH một cô gái người dân tộc thiểu số còn quá non nớt về chính trị.
Điều 22 Luật tổ chức Quốc hội (LTCQH) kể ra các tiêu chuẩn của ĐBQH, tóm tắt như sau: 1- Trung thành với TQ, ND; 2- Có đạo đức tốt, cần kiệm liêm chính, gương mẫu chấp hành pháp luật; 3- Có trình độ văn hóa, chuyên môn, sức khỏe; 4- Liên hệ chặt chẽ với nhân dân; 5- Có điều kiện tham gia hoạt động QH.
Đề ra cho nhiều tiêu chuẩn, nhưng toàn là tiêu chuẩn phụ, không khác gì mấy tiêu chuẩn để bầu trưởng thôn, tổ trưởng dân phố hoặc kết nạp đảng viên. Tiêu chuẩn rất quan trọng của thành viên cơ quan quyền lực cao nhất đã bị bỏ qua. Đó là: Chính trị gia tài năng, được tín nhiệm cao của cử tri (ở nhiều nước người ta chỉ cần 2 tiêu chuẩn là người có quốc tịch mấy năm trở lên và tuổi tối thiểu).
Mà tôi nghĩ, chẳng cần đề ra các tiêu chuẩn từ 1 đến 5 làm gì. Trong cuộc bầu cử thật sự dân chủ, có tranh cử, cử tri sẽ đánh giá ứng viên về mọi mặt. Còn trong cuộc “Đảng cử Dân bầu” thì 5 tiêu chuẩn chỉ đề ra cho vui, cho có cớ mà thôi.
Một số đông ĐBQH là loại bán chuyên trách. Họ là cán bộ cao cấp của chính quyền hành pháp và của ĐCS. Số ĐBQH này vừa gây lãng phí vừa tạo nên sự mất uy nghiêm, sự nhàm chán trong QH. Tại sao vậy?
Lãng phí chủ yếu là về trí tuệ. Các vị này có trí tuệ gì đã đem ra dùng ở vai trò chính của họ trong Đảng hoặc chính quyền, đến họp QH họ chú tâm vào việc khác. Đáng lẽ chỗ mà họ chiếm trong QH phải để cho những tinh hoa của dân, có như thế trí tuệ của QH mới được nâng cao.
Sự mất uy nghiêm và nhàm chán thể hiện ở chỗ các vị này tự xem mình là loại ĐB đặc biệt, cao hơn các ĐB theo cơ cấu, mọi thứ đưa ra QH họ đã biết, đã thảo luận ở nơi khác, đến họp QH chỉ là dịp xả hơi, một số tranh thủ ngủ gật. Việc này trái với muc 3, điều 21 của LTCQH, ghi rằng: “Đại biểu Quốc hội bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội”.
Ở những nước theo thể chế tam quyền phân lập thì nghị sĩ không được đồng thời là thành viên cơ quan hành pháp. Ở VN cũng nên như vậy. Trong Luật tổ chức Quốc hội (LTCQH) không có quy định chuyện này.
ĐCSVN cố tình tạo ra QH bù nhìn, bày ra trò Đảng cử Dân bầu, đó là lừa dối. Khi biết bị lừa thường người ta tìm cách tránh. Nhưng trong trường hợp này rất khó tránh vì tầng lớp thống trị kết hợp được sự lừa dối với sự cướp đoạt. Đó là việc Đảng cướp quyền của Dân. Kết hợp lừa và cướp là thủ đoạn quá cao cường, quá thâm độc, làm cho số đông cử tri trở nên hèn yếu, biến thành vịt, thành cừu, luôn luôn lo sợ bị đàn áp hoặc bị phân biệt đối xử. Họ cầm lá phiếu bầu QH mà lòng thờ ơ, vô cảm, mà trí trống rỗng, chẳng hề biết người bị gạc tên cũng như người được bầu có tài năng và quan điểm như thế nào.
Điều 29 LTCQH có câu: “Đại biểu Quốc hội có quyền trình dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh trước Quốc hội”. Hình như chưa có ĐBQH nào làm tốt việc trình dự án luật. Vì sao vậy? Phải chăng vì thiếu trình độ, kém trách nhiệm hoặc nhận thức nhầm, cho rằng trình dự án luật là việc của các Bộ, các Ngành thuộc cơ quan hành pháp?
Nhân kỳ họp QH lần này (tháng 5/2019) tôi kêu gọi các ĐBQH hãy nghĩ đến điều sau đây: Xin đừng tự hào đã là ĐBQH, đừng tự hào đã mấy lần bấm nút thông qua những điều mình chỉ hiểu lơ mơ hoặc đã thảo luận ở nơi khac. Hãy tự hào rằng trong thời gian ĐBQH đã làm được gì có ích cho dân, cho nước. Khi chưa làm được gì ngoài việc ngồi nghe và bấm nút như một cái máy thì phải biết xấu hổ, phải biết sám hối.
Tôi xin vận động các vị ĐBQH có lương tri, có dũng cảm hày đệ trình một vài điều khoản để áp dụng cho lần bầu cử QH sắp tới. Đó là các điều sau:
+ ĐBQH không thể đồng thời là cán bộ của cơ quan hành pháp
+ Bãi bỏ cách Đảng cử dân bầu, bỏ đặc quyền làm hiệp thương, chốt danh sách của Mặt trận. Bãi bỏ việc đưa ứng viên tự ứng cử ra đấu tố ở cơ sở.
+ Bãi bỏ việc hạn chế số ứng viên trong một danh sách (thí dụ được bầu 4 thì danh sách không quá 6 hoặc 7). Phải tôn trọng quyền ứng cử và tranh cử của công dân. Nếu bầu 1 lần chưa đủ số thì có thể tổ chức bầu lần 2 với danh sách hạn chế.
+ Bầu Chủ tịch QH phải qua tranh cử công khai với danh sách tối thiểu 2 ứng viên. Tốt nhất là không hạn chế số lượng ứng viên. Bãi bỏ việc Bộ chính trị ĐCS quyết định cho ai được làm.
Đó chỉ là vài gợi ý. Khi các ĐBQH biết xấu hổ, biết suy nghĩ sẽ tìm ra được nhiều ý tưởng hay, sẽ đủ dũng khí để thực hiện điều 29 của LTCQH.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN

BÀN VỀ CẢI CÁCH CHÍNH TRỊ

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 25-5-2019

Trong Hội nghị 10 của BCH TƯ ĐCSVN, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu 3 câu hỏi, trong đó có vần đề: “Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không? Đổi mới chính trị là đổi mới hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy, nhân lực, phương thức, lề lối làm việc… hiểu cho đúng những cái đó”.
Tuy ông rào trước rằng: “Có tính chất gợi mở”, nhưng nhiều người thông qua đó mà đoán già đoán non về thâm ý của ông.
Đảng Cộng sản rất thích dùng từ “đổi mới”, trong khi có nhiều việc thực ra là sửa sai. Với nền chính trị của VN hiện nay nên dùng từ cải cách có lẽ sát đúng hơn.
Gần đây cải cách (hoặc đổi mới) chính trị (hoặc thể chế) đã được các nguồn tin Lề Dân và Lề Đảng bàn nhiều. Đó là việc đổi mới chính trị cùng với đổi mới kinh tế. Phải chăng mọi người đã thầm nhuần được rằng sự phát triển hoặc thất bại của quốc gia phụ thuộc vào thể chế chính trị và thể chế kinh tế. Mỗi thể chế có 2 trạng thái chính là dung hợp và chiếm đoạt (sách Tại sao các quốc gia thất bại).
Chế độ nhà nước có nhiều kiểu khác nhau, nhưng chế độ hoặc thể chế chính trị thường quy về 2 nhóm là dân chủ và độc tài. Dân chủ ứng với trạng thái dung hợp, độc tài ứng với trạng thái chiếm đoạt. Mỗi nhóm có các mức độ cao thấp khác nhau.
Độc tài nói chung là xấu, nhưng không hẳn hoàn toàn xấu, vì một số nước nhờ có độc tài trong thời gian ngắn, do người đứng đầu có đạo đức và tài năng mà ngăn được rối loạn, củng cố được quyền lực để phát triển. Đó là Singapore thời kỳ đầu của Lý Quang Diệu, Nam Hàn thời Pắc Chung Hy, nước Nga thời Pie Đại đế, Trung Hoa thời Khang Hy v.v… Dân chủ nói chung là tốt, nhưng không hoàn toàn tốt, vì có lúc cũng xẩy ra rối loạn.
Vấn đề quan trọng là phẩm chất của những người cầm quyền. Đất nước sẽ phát triển tốt đẹp khi chính quyền được những người có tài năng và đạo đức quản lý. Họ là những tinh hoa của dân tộc. Khi chính quyền lọt vào tay những kẻ vừa ngu vừa tham, nhưng có nhiều thủ đoạn, có nhiều âm mưu thì bọn thống trị vừa củng cố quyền lực và vơ vét tài sản, vừa phá nát đất nước và khống chế nhân dân.
Khi chính quyền lỡ bị rơi vào tay bọn ngu và tham, nếu là thể chế dân chủ thì chúng chỉ có thể gây tai họa cho đất nước trong thời gian ngắn, chúng sẽ nhanh chóng bị dân loại bỏ.. Nhưng nếu bọn thống trị tạo lập được độc tài rồi trở nên ngu và tham thì rất nguy cho dân tộc, chúng kéo dài chưa biết đến bao lâu.
Thông thường cải cách từ thể chế độc tài, chiếm đoạt trở thành thể chế dân chủ, dung hợp, nhưng cũng có khi ngược lại. Đó là lúc nền dân chủ rơi vào tay bọn ngu dôt, huênh hoang, chúng không quản lý được, để cho xã hội bị hỗn loạn lâu dài. Cần phải tạm thời có bàn tay cứng rắn để xiết chặt kỷ cương.
Khi đặt ra việc cải cách, trước hết cần có đánh giá thực trạng xã hội tương đối chính xác, phải nhìn thẳng vào sự thật chứ không chỉ dựa vào các báo cáo một chiều. Hiện nay Lề Đảng và Lề Dân có những đánh giá rất khác nhau về xã hội VN. Khác nhau về mức độ, về nguyên nhân. Từ đó hai Lề đề ra những biện pháp và bước đi hoàn toàn khác nhau.
Để có được đánh giá tương đối đúng thì hay nhất là tổ chức đối thoại giữa 2 Lề. Nếu chỉ nghe một Lề thì có khả năng chỉ mới biết được một phần sự thật. Mà một phần bánh mỳ là bánh mỳ, còn một phần sự thật nhiều khi là dối trá.
Ông Trọng đưa ra câu hỏi thăm dò, định tìm ý tưởng trong các UV BCH TƯ, trong Hội đồng lý luận, trong các trí thức của Đảng. Nếu vậy thì có nhiều khả năng ông chẳng tìm được gì hết. Phần lớn họ là những người thích và chỉ có thể nói theo. Nếu thực sự ông muốn tìm con đường mới cho Đảng, muốn cải cách (hoặc đổi mới) chính trị thì rất nên mời các nhà hoạt động Lề Dân để các nhà lý luận của Đảng đối thoại với họ.
Tốt nhất là ông chủ tọa các buổi đối thoại để nếu cần thì đặt câu hỏi cho cả 2 bên, hoặc ông ngại xuất đầu lộ diện thì cứ cho thu hình toàn bộ để xem. Hay nhất là đối thoại công khai, nhưng chắc rằng các nhà lý luận của Đảng chưa dám nhận. Vậy cứ tổ chức đối thoại kín cũng được, nhưng phải trên cơ sở bình đẳng, thiện chí. Mục đích của đối thoại là hợp tác để cùng nhau tìm sự thật. Nên đối thoại theo từng vấn để, thí dụ các vấn đề sau: Thực trạng xã hội; Chủ nghĩa Mác Lê; Vai trò cầm quyền của Đảng; Viết lại Điều lệ Đảng; Vai trò kinh tế quốc doanh v.v… Mỗi vấn đề có thế cần đối thoại trong nhiều buổi. Có thể tổ chức đối thoại đồng thời một số vấn đề ở những địa điểm khác nhau.
Một câu hỏi vô cùng gay cấn là: Phải chăng Đảng đã chiếm đoạt quyền của dân và rõ nhất là tạo ra một Quốc hội bị lệ thuộc? Việc đầu tiên của cải cách nên từ Quốc hội. Hãy để cho dân bầu ra một Quốc hội xứng đáng theo một số tiêu chí sau:
+ Bỏ cách Đảng cử dân bầu, bỏ đặc quyền của Mặt trận lập danh sách ứng viên, bỏ việc đưa ứng viên tự do ra truy hỏi ở cơ sở, bỏ việc hạn chế số ứng viên tại mỗi đơn vị bầu cử, bỏ việc vận động bầu theo cơ cấu (cho đủ thành phần đại diện).
+ Đại biểu QH phải là những chính khách, phải có tranh cử. Đại biểu QH không thể đồng thời là cán bộ của cơ quan hành pháp hoặc là chủ đích thực của doanh nghiệp.
+ QH phải hoạt động độc lập, tuân theo Hiến pháp, không bị chi phối bởi Trung ương Đảng hoặc Bộ Chính trị.
+ Chủ tịch QH phải được bầu trên cơ sở tranh cử. Bãi bỏ việc Bộ Chính trị cử Chủ tịch QH.
Việc quan trọng tiếp theo (nhưng cũng nên làm ngay) là chuyển đổi từ một đảng lãnh đạo cách mạng và nắm giữ chính quyền theo lối toàn trị thành một đảng chính trị cầm quyền. Việc này nên tham khảo Đảng Hành động nhân dân của Singapore.
Trước mắt, nếu ông Trọng quả thật có thiện chí thì đừng xem những người ở Lề Dân là thế lực thù địch, là phần tử thoái hóa biến chất. Ông hãy cho điều tra kỹ những người như Hà Sĩ Phu, Tương Lai, Nguyễn Trung, Chu Hảo, Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang A, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Đình Cống v.v.. xem thực chất họ là người thế nào. Ông hãy tiếp xúc và nghe trực tiếp từ họ xem. Riêng tôi có thể nói chuyện với ông hoặc với Hội đồng lý luận về lĩnh vực xây dựng Đảng, về những sai lầm của Mác Lê.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét