Thứ Tư, 8 tháng 5, 2019

20190508. DỰ BÁO 'TỨ TRỤ' ĐẠI HỘI XIII ĐẢNG CSVN

ĐIỂM BÁO MẠNG

NHỮNG AI SẼ VÀO 'TỨ TRỤ' TẠI ĐẠI HỘI ĐẢNG 2021 ?

TRƯƠNG XUÂN DANH /NCQT 5-5-2019


Đại hội Đại biểu Toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức Năm năm một lần, nó được ví như một ngọn hải đăng của hệ thống chính trị một Đảng tại Việt Nam. Mỗi lần Đại hội, Đảng lại nỗ lực “trình làng” một thế hệ lãnh đạo mới chất lượng mang đậm hàm ý “đổi mới”. Kể từ những ngày đầu năm trước Đại Hội cho đến những Hội nghị Trung ương cuối cùng trước khi “chốt” các nhân vật ở tầng cao nhất, chủ đề nhân sự luôn sôi động, thu hút được sự chú ý đặc biệt của dư luận.
Có thể còn quá sớm để đưa ra các nhận định hay dự đoán về giàn lãnh đạo chủ chốt mới tại Đại hội Đảng XIII, (dự kiến diễn ra vào tháng 1/2021). Nhưng ngay từ bây giờ chúng ta có thể dựa trên các dữ liệu “cứng” như các quy định “thành văn” được Đảng ban hành về lựa chọn nhân sự, cấu trúc hệ thống lựa chọn từ trên xuống theo truyền thống vẫn còn ổn định, và cuối cùng là các quy ước “bất thành văn” để đưa ra những phân tích, phán đoán cơ bản.
Không thể phủ nhận rằng các Đại hội kể từ hai thập niên trở lại đây sự dân chủ trong Đảng đã được gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt đối với vấn đề chuẩn bị nhân sự chủ chốt cho mỗi kì Đại hội. Các quy định, tiêu chí, tiêu chuẩn về các vị trí nhân sự chủ chốt của Đảng được ban hành chi tiết. Các thông tin về nhân sự chủ chốt, quy trình bỏ phiếu đều được công khai tối đa. Đó sẽ là những yếu tố quan trọng để các phân tích và phán đoán trở nên chất lượng hơn.

Bộ Chính trị và ba nhóm thế hệ

Bộ chính trị Đại hội khóa XII có 19 người nhưng hiện nay chỉ còn 16 Ủy viên làm việc. Theo các quy định về độ tuổi, chúng tôi tạm thời chia làm ba nhóm.
Nhóm thứ Nhất là những người quá tuổi tái cử Ủy viên Bộ Chính trị theo quy định, và phải rời vị trí sau Đại hội XIII (trên 65 tuổi vào ngày bầu cử Đại hội), tạm gọi là nhóm “Bộ Tám” bao gồm Tổng bí thư, Chủ tịch nước và 7 người sinh vào những năm 1953, 1954, 1955. Cụ thể, nhóm này gồm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (SN 1944), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (SN 1954), bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội (SN 1954), ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban bí thư, (SN 1953), bà Tòng Thị Phóng, phó Chủ tịch thường trực Quốc hội (SN 1954), ông Trương Hòa Bình Phó Thủ tướng thường trực (SN 1955), ông Ngô Xuân Lịch Bộ trưởng Quốc phòng (1954), và ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư TP HCM (SN 1953).
Như vậy “Bộ Tám” về nguyên tắc sẽ không tái cử Đại hội khóa XIII (chiếm 50% số lượng Ủy viên Bộ chính trị hiện nay) tương đối phù hợp với nguyên tắc kế cận.
Nhóm thứ Hai gồm Sáu Ủy viên Bộ Chính trị, là nhóm theo quy định được cơ cấu tái cử, (dưới 65 tuổi vào ngày bầu cử Đại hội XIII) sinh vào các năm 1957, 1958, 1959 tạm gọi là nhóm “Bộ Sáu”. Cụ thể bao gồm, ông Phạm Minh Chính, trưởng ban Tổ chức TƯ (SN 1958), bà Trương Thị Mai, trưởng ban Dân vận (SN 1958), ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao (SN 1959), ông Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ (SN 1957), ông Tô Lâm Bộ trưởng Công an (SN 1957), ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Hà Nội (SN 1959).
Nhóm thứ Ba là nhóm sinh từ năm 1961 trở về sau, tạm gọi là “Nhóm 2026”, tức là nhóm không những tái cử ở nhiệm kì Đại hội XIII, mà còn đủ tuổi để tái cử vào nhiệm kì Đại hội XIV (2026), bao gồm hai ông là Võ Văn Thưởng trưởng ban Tuyên giáo TƯ (SN 1970) và ông Nguyễn Văn Bình, (SN 1961) trưởng ban Kinh tế TƯ.

Ai sẽ là Tổng Bí thư?

Trong trường hợp Tổng Bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng không tái cử Đại hội XIII, chúng ta bắt đầu tiến hành “diễn dịch” của Quy định 90-QĐ/TW về “Tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban chấp hành TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lí” được ban hành ngày 4.8.2017. Đoạn quy định chức danh Tổng Bí thư ngoài các tiêu chí chung có một điều kiện đặc biệt, ứng cử viên phải “có năng lực lãnh đạo, điều hành Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư”. Trong các phiên họp của Ban chấp hành TƯ hiện nay ngoài Tổng Bí thư chỉ có Ba chức danh là Thủ tướng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, và Thường trực Ban bí thư được phép ngồi Chủ tọa và điều hành phiên họp.
Trong lịch sử và theo truyền thống kể từ thời Tổng bí thư Lê Duẩn tại Đại hội VI (1986), các nhân vật phải nắm giữ vị trí từ Thường trực ban bí thư trở lên cho đến các vị trí cao nhất mới có khả năng kế cận trở thành Tổng bí Thư.
Cụ thể ở đây, tại Đại hội VI (1986) là ông Nguyễn Văn Linh, trước đó ông là Thường trực Ban bí thư, Đại hội VII (1991) ông Đỗ Mười, trước đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tương đương Thủ tướng hiện nay), Đại hội VIII (1996) ông Đỗ Mười tiếp tục tái cử. Tại Hội nghị TƯ tháng 12/1997, Ban Chấp hành T.Ư đã bầu ông Lê Khả Phiêu làm Tổng bí thư, ông Lê Khả Phiêu lúc đó là Thường Vụ Bộ chính trị, một trong bốn vị trí cao nhất, sau Tổng bí thư Đỗ Mười. Đại hội IX (2001), là ông Nông Đức Mạnh, trước đó ông là Chủ tịch Quốc hội, Đại hội X (2006) ông Nông Đức Mạnh tiếp tục tái cử. Đại hội XI (2011) là ông Nguyễn Phú Trọng, ông lúc đó là Chủ tịch Quốc hội, Đại hội XII (2016), ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục tái cử.
Với Quy định về chức danh Tổng Bí thư, và theo lịch sử lựa chọn các vị trí quyền lực nhất từ trên xuống được “truyền thống hóa” kể từ thời Tổng bí thư Lê Duẩn, thì hiện nay các ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, và ông Trần Quốc Vượng hiện sẽ có nhiều lợi thế.
Tuy nhiên trong ba người, thì bà Nguyễn Thị Kim Ngân có vẻ như không được truyền thống hay lịch sử “ưu ái”, vì trong lịch sử cũng như theo truyền thống Đảng chưa có Tổng bí thư nào là nữ. Ngoài ra Tổng bí thư qua tất cả các thời kì cũng đều là người miền Trung và miền Bắc.
Xét trên nhưng quy ước bất thành văn đó thì hiện nay mọi cặp mắt đang đổ dồn về bộ đôi hai ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Trần Quốc Vượng.
Với các tiêu chí, “đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặctrưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên (trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định), cho thấy việc quy định ứng cử viên Tổng Bí thư phải “đi địa phương” hay tham gia trọn một nhiệm kì Bộ Chính trị đã không còn “cứng” như trước.

Nhóm “Tứ trụ” và ẩn số “miền Nam”

Việc Đảng chưa có chủ tương nhất thể hóa hai chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch nước, nên đến Đại hội XIII, khả năng cao chúng ta lại chứng kiến sự quay lại của cấu trúc bốn chức danh chủ chốt (thường gọi là “Tứ trụ”).
Vậy những ai có khả năng tiến đến những chiếc ghế còn lại trong “Tứ trụ” bao gồm Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội.
Quy định 90-QĐ/TW đối với chức danh Chủ tịch Nước đều có các tiêu chí chung cụ thể bao gồm uy tín (được hiểu là không bị các kỉ luật về Đảng, hoạc mức độ tín nhiệm cao trong Bộ chính trị đã được bỏ phiếu), năng lực nổi trội, lĩnh vực công tác. Nếu “áp” các tiêu chí chung cho nhóm “Bộ Sáu”, và “nhóm 2026” thì cả 8 vị trí tái của Bộ chính trị đều có cơ hội ngang nhau. Tuy nhiên theo tiêu chí của chức danh này là “kinh qua và nổi trội trong các lĩnh vực công tác an ninh, đối ngoại, tư pháp..,” thì ba ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, ông Tô Lâm Bộ Trưởng Công an, và ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức TƯ sẽ có lợi thế hơn.
Đối với chức danh Thủ tướng, ngoài các tiêu chí chung, theo lịch sử và truyền thống tất cả các Thủ tướng hay Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (trước đây) kể từ thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng đều trưởng thành từ Phó Thủ tướng. Đó là các ông Phạm Hùng, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Xuân Phúc. Điều này thể hiện tiêu chí cho việc chọn lựa nhân sự Thủ tướng đặt yếu tố “kinh nghiệm trong điều hành bộ máy Hành pháp” lên hàng đầu.
Như vậy các lợi thế sẽ thuộc về các Phó thủ tướng hiện nay, ông Trương Hòa Bình, ông Phạm Bình Minh, và ông Vương Đình Huệ. Hai ông Trịnh Đình Dũng và ông Vũ Đức Đam không tham gia Bộ Chính trị.
Trong Ba Phó thủ tướng thì ông Trương Hòa Bình sinh năm 1955 thì hiện nay không đủ tiêu chuẩn tuổi để tái cử Bộ Chính trị, và về lĩnh vực phụ trách ông cũng chuyên trách về mảng nội chính, tư pháp. Ông Phạm Bình Minh chủ yếu phụ trách lĩnh vực đối ngoại. Ông Vương Đình Huệ, nếu xét về tiêu chí thứ ba trong quy định chức danh Thủ tướng là cần “có khả năng hiểu biết sâu, rộng nền hành chính quốc gia, kinh tế – xã hội đất nước; kinh tế, chính trị thế giới và hội nhập quốc tế,” thì có vẻ như là người có nhiều lợi thế nhất.
Cuối cùng là chức danh Chủ tịch Quốc hội, cả hai nhóm “Bộ Sáu” và “nhóm 2026” gồm Tám Ủy viên Bộ Chính trị có thể tái cử đều có cơ hội như nhau để tiến đến chức danh đứng đầu cơ quan Lập pháp này. Tuy nhiên nếu theo tiêu chí của chức danh Chủ tịch Quốc hội như “có năng lực nổi trội, toàn diện trong các lĩnh vực công tác, xây dựng pháp luật, giám sát thực thi pháp luật…” thì bà Trương Thị Mai (SN 1958), Trưởng ban Dân Vận hiện nay đang có lợi thế hơn cả.
Bà Mai, từng là Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề của Xã hội của Quốc hội, và cũng là Ủy viên Thường vụ Quốc hội hai khóa liền từ 2007-2016.
Bà Mai hiện cũng là một trong Ba người có thâm niên tham gia Ban chấp hành TƯ chính thức lâu nhất (Ba khóa, từ Đại hội X, 2006) trong số “bộ Tám tái cử” cùng với hai người còn lại là ông Hoàng Trung Hải tham gia ban chấp hành TƯ Bốn khóa, từ Đại hội IX (2001) ông Vương Đình Huệ từ Đại hội X (2006).
Bà là đại biểu Quốc hội có thâm niên cao nhất trong nhóm “Bộ Tám” Ủy viên Bộ Chính trị có khả năng tái cử hiện nay. Nếu không có gì thay đổi Bà sẽ tham gia làm Đại biểu Quốc hội ít nhất trọn 24 năm (kể từ năm 1997 cho đến Đại hội 2021) là người tham gia sinh hoạt nghị trường hơn hai thập kỉ liên tục.
Cuối cùng cần nói thêm một truyền thống “bất thành văn” có tính chất vùng miền khó có thể bỏ qua đó là kể từ sau năm 1975, Bốn vị trí cao nhất chưa bao giờ vắng mặt một nhân vật đến từ Miền Nam. Bộ Chính trị khóa XII hiện nay có Bốn nhân vật đến từ Miền Nam bao gồm bà Nguyễn Thị Kim Ngân (Bến Tre), ông Nguyễn Thiện Nhân (Trà Vinh), ông Trương Hòa Bình (Long An), ông Võ Văn Thưởng (Vĩnh Long).
Tuy nhiên trong Bốn nhân vật trên theo quy định bà Nguyễn Thị Kim Ngân, ông Nguyễn Thiện Nhân và ông Trương Hòa Bình đã quá tuổi tái cử Bộ Chính trị. Nhân vật miền Nam theo quy định đủ tuổi tái cử là ông Võ Văn Thưởng (SN 1970), Trưởng ban Tuyên giáo TƯ trưởng thành khá trẻ, ông sinh năm 1970. Vì vậy việc “Tứ trụ” khóa XIII có “cơ cấu cứng” một nhân vật đến từ Miền Nam hay không vẫn còn là một ẩn số lớn.

Nhóm “ngoài Tứ Trụ”

Theo nguyên tắc đến hết Khóa này số lượng Ủy viên Bộ Chính trị vẫn có thể được bổ sung để đạt trở lại con số 19 như Đại hội XII đã bầu. Nếu số lượng Ủy viên Bộ Chính trị trở lại con số 19 thì các vị trị “Tứ trụ” được dự kiến cho Đại hội XIII như phân tích ở trên theo chúng tôi không bị ảnh hưởng. Nó chỉ ảnh hưởng đối với vị trí của nhóm ở dưới, nhóm “Bộ Tám” tái cử.
Đối với vị trí Thường trực Ban Bí thư, cơ hội cũng chia đều cho nhóm “Bộ Tám” Ủy viên Bộ chính trị tái cử. Tuy nhiên các nhân vật đang điều hành công tác Đảng hiện nay được chú ý hơn bao gồm các ông Phạm Minh Chính, bà Trương Thị Mai, ông Võ Văn Thưởng và ông Nguyễn Văn Bình.
Vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, nếu ông Ngô Xuân Lịch không tái cử, theo truyền thống kế cận sẽ là một nhân vật đến từ lực lượng vũ trang là Bộ Quốc phòng. Hiện nay trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư chỉ có ông Lương Cường (SN 1957) Bí thư TƯ Đảng, công tác tại Bộ Quốc phòng, ông là Đại tướng, và là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Những người ủng hộ ông đương nhiên là muốn một kịch bản lặp lại như ở Đại hội XI, lúc đó ông Ngô Xuân Lịch cũng là Bí thư TƯ Đảng và là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Vị trí Bộ trưởng Ngoại giao nếu ông Phạm Bình Minh rời đi để tiến đến một vị trí cao hơn sau hai nhiệm kì chúng ta sẽ có Tân bộ trưởng Ngoại giao. Nhân vật này theo truyền thống Bộ trưởng sẽ là người từ Bộ này, người hoạt động ngoại giao chuyên nghiệp. Duy nhất trong quá khứ tại Đại hội X (2006), Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm từ Chính phủ sang kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, do lúc đó Bộ này khủng hoảng nhân sự (chỉ bầu được một Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương, đó là Thứ trưởng Phạm Bình Minh). Bộ Ngoại giao hiện có hai thứ trưởng là Bùi Thanh Sơn và Lê Hoài Trung đều là Trung ương Ủy viên.
Các vị trí còn lại như các Trưởng các ban Đảng bao gồm, Tổ chức, Tuyên giáo, Dân vận, Kinh tế, các Bộ trưởng Công an, Bí thứ Hà Nội, TP HCM theo chúng tôi vẫn còn là ẩn số cho đến khi cấu trúc các vị trí chủ chốt bên trên ổn định.
Theo nguyên tắc việc cơ cấu các Ủy viên Bộ chính trị để bầu tại Đại hội thường nhắm vào các chức danh cụ thể, ngược lại các chức danh đó phải được cơ cấu “cứng” là Ủy viên Bộ chính trị nắm. Như vậy hai Bí thư TƯ Đảng hiện nay là ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lí luận TƯ, và ông Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ hiện nay đang có nhiều lợi thế để “ngồi vào” chiếc ghế Ủy viên Bộ chính trị kế tiếp. Vì thường hai vị trí này theo truyền thống đều được cơ cấu “cứng” phải là Ủy viên Bộ Chính trị nắm.

“Khoảng trống 6X”

Trong số 23 Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư hiện nay, chỉ có ba nhân vật sinh ở thế hệ 6X đó là ông Nguyễn Văn Bình Ủy viên Bộ Chính trị (1961), ông Trần Cẩm Tú, Bí thư TƯ Đảng (1961), và ông Trần Thanh Mẫn Bí thư TƯ Đảng (1962).
Điều đặc biệt lưu ý đó là hiện trong Bộ Chính trị chỉ có một nhân vật duy nhất ở thế hệ 6X đó là ông Nguyễn Văn Bình sinh năm 1961, điều đó cho thấy đang có một khoảng trống thế hệ cho nhóm lãnh đạo thế hệ 6X, hay sự thiếu vắng những lãnh đạo chủ chốt thế hệ 6X.
Điều đó dẫn đến việc Đại hội XIV (2026) một thế hệ lãnh đạo “6X,7X” nhiệm kì Bộ Chính trị Ban Bí thư Khóa này nếu được tái cử chỉ còn Bốn nhân vật là các ông Võ Văn Thưởng, Nguyễn Văn Bình, Trần Cẩm Tú và Trần Thanh Mẫn. Đó là một tỉ lệ kế cận 6X khá khiêm tốn.
Do vậy chúng tôi nhận định tại Đại hội XIII chủ yếu sẽ là sự bổ sung “thế hệ tuổi từ giữa cho đến cuối 6X” cho Bộ Chính trị và Ban Bí thư để đảm bảo vững chắc nguyên tắc kế thừa các thế hệ lãnh đạo.
Theo như phân tích trên đây cùng với truyền thống thâm niên và kế thừa lãnh đạo nếu không có gì thay đổi, các ông Võ Văn Thưởng, Nguyễn Văn Bình, ông Trần Cẩm Tú, và Trần Thanh Mẫn, sẽ tiến đến những vị trị cao nhất trong hệ thống quyền lực tại Đại hội XIV (2026).
Nguồn: Facebook Trương Xuân Danh

VƯỢNG NGÔI VƯƠNG VÀ NHỮNG BÓNG MA TRONG CUNG ĐÌNH VIỆT

SAO BĂNG / viet-studies 7-5-2019

Tính toán sơ bộ, có 9/16 ủy viên Bộ Chính trị ủng hộ cho Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư lên ngôi vương. Nếu không có phép mầu nào xuất hiện thì “phe đối lập” chỉ còn cách chấp nhận an bài.
Phép mầu trông chờ ở ma quỷ, hay Trời sẽ hiển linh?
Ma quỷ trong cung đình Việt là điều đã được lịch sử nghìn đời ghi nhận. Không phải tiện miệng mà Trần Bình Trọng trước khi bị giặc Tàu chém, lại nói, “ta thà làm quỷ đất Nam còn hơn làm vương đất Bắc” (?!)
Mỗi khi thời loạn, âm khí lại tràn ngập ở cái đất nước trải qua quá nhiều cuộc chiến tranh thảm khốc, đau thương.
19 ủy viên Bộ Chính trị của nhiệm kỳ Đại hội khóa 13, chưa qua nửa nhiệm kỳ đã rụng 3, rụng một cách ly kỳ chưa từng có trong lịch sử.
16 vị còn lại, mỗi khi ngồi trên chiếc ghế của mình, có lẽ đều chung  cảm giác rờn rợn vì không biết có bóng ma nào cùng ngồi trên đó hay không.
Lúc này, các ông, bà nào cứ xì xụp hương khói là tự mình hại mình, có mưu sâu kế hiểm nào sẽ đều ra lộ cả theo làn khói hương.
Cuộc chiến phe phái, từ sau cái chết của Trần Đại Quang, đã chính thức chuyển sang tổng động viên rầm rộ… âm binh. Người như ma, ma như người. Kẻ đã chết và kẻ sắp chết đều được dựng dậy xung trận.
Hãy nhìn vào “âm binh” Lê Đức Anh. Lê Đức Anh có tình cảm đặc biệt với Nguyễn Tấn Dũng, cựu Thủ tướng, quý Dũng như con. Chính Anh hồi Đại hội Đảng XI đã lăn lê khắp nơi vận động các lão thần ủng hộ cho Dũng.
Tướng chột Lê Đức Anh vừa tuyên bố chết, nói một cách chính xác là “hy sinh”, bởi nhiều năm qua, ông Anh có thể chết lúc nào cũng được, khi đã gần như chỉ sống thực vật. Nay chờ được đúng lúc để “hy sinh”.
“Hy sinh” để buộc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng  phải “lộ diện”, hay nói hữu hảo, là tạo điều kiện, như có đại biểu QH từng tán tụng Chủ tịch nước Trần Đại Quang là, “Chủ tịch nước xuất hiện rạng ngời, đập tan tin đồn xuyên tạc trên mạng xã hội”.
Ông Trọng đến cũng dở, vì tà khí ngự trị ở đám ma, lúc người đang yếu, thì sẽ càng khó gượng. Không đến, đương nhiên, dở.
Và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã không thể xuất hiện rạng ngời tại đám tang ông Anh. Tình trạng sức khỏe của ông Trọng sa sút là thực tế không thể phủ nhận.
Dù sau đây xuất hiện trở lại, vẫn tại vị, nhưng ông Trọng nói sẽ không còn đứa nào thèm nghe, nó sẽ lấy cớ, “giữ gìn long thể cho hoàng thượng”.
Nguyễn Phú Trọng, một sĩ phu Bắc Hà đích thực. Bất luận điều ong tiếng ve, trong một giai đoạn lịch sử nhất định, ông sẽ vẫn được ghi nhận là “anh hùng dân tộc” vì thành tích chống tham nhũng ấn tượng chưa từng có.
Bản thân ông là người duy nhất còn lại trong chính trường này là “sạch”.
Ông cũng là người thấu hiểu hơn hết thảy nỗi chua xót của hàng chục triệu dân Việt khi chứng kiến cảnh quân thần đề cao “miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng lộn gan lên đầu”
Nhưng, “cái tuyệt hay là tử thù của cái hay”. Ông sạch đến mức điên cuồng. Như khi nói về chuyện sắp ghế cho Đại hội 13, ông nói, “không lấy người chạy chức chạy quyền. Chạy là phải loại ngay. Cần gì phải chạy? Mình thế nào, dân biết cả, hữu xạ tự nhiên hương”.
Tấn Dũng đã có “công” dựng lên thời đại kim tiền,”rễ sâu bền gốc” đều là tiền cả, lấy đâu ra hữu xạ tự nhiên hương?
Ông Trọng cũng nghĩ ra đủ loại vòng kim cô cho cán bộ “nêu gương”. Đeo những vòng kim cô này, đứa nào cũng sẽ thành Đường Tăng sang Tây Thiên cả.
Kết quả là cả bộ máy, không ai muốn động cựa chân tay. Việc của họ giờ là chỉ nhìn ngó và nín thở nhận… đơn kiện họ, như thổ lộ công khai của Võ Văn Thưởng, Trưởng ban tuyên giáo TƯ,  gặp nhau một tay thì bắt, một mặt thì mừng nhưng tay còn lại để sau lưng cầm đơn kiện.
Dù các thành tích được tung hô cao ngất trời, cũng không che giấu được sự đình đốn của đất nước. Bao trùm đâu đâu trong bộ máy, cũng là thái độ dè chừng, cảnh giác, nghi kỵ lẫn nhau, đề phòng lẫn nhau để chờ thời khắc ăn thịt lẫn nhau.
Ông Trọng không tin thần phật hay ma quỷ. Đó là điểm yếu chết người của ông, bởi ma quỷ là thứ có thật ở cái đất nước có tới ít nhất hơn 300 nghìn người chết qua các cuộc chiến mấy thập niên gần đây, chết mà không biết vì sao mình chết, ngày đêm vật vờ ở cõi nhân gian. (Thống kê chính thức của Nhà nước, có tới hơn 300 nghìn liệt sĩ chết không tìm được mộ)
Cũng như các hoàng đế người Tàu, chỉ tin vào Trời, ông Trọng nghĩ, “mình thế nào, ông Trời biết cả”.
Và ông lẩy Kiều, “nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn; khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay”.
“Thế thiên hành đạo”, ông bất cần tất cả, chẳng hạn, trời nắng, ông không cần đội mũ, trời mưa, ông không cần che ô, “trời mưa thì mặc trời mưa; ta không có áo trời chừa ta ra”. Ông luôn cho rằng, chân mệnh thiên tử thì có cao xanh che chở.
Nhưng Trời có mà ma quỷ cũng có. Nếu không thì sao không chọn chỗ nào cho ông Trọng đột quỵ, mà lại là ở Kiên Giang, nơi công tằng tổ khảo, công tằng tổ tỷ nhà Tấn Dũng ngụ tại. Ai mà không biết nhiều tiền như Tấn Dũng sao không chiêu nạp được đủ mọi loại âm binh?
Tất nhiên, không có “thể lực thù địch” nào khiến ông Trọng đột quỵ được nếu như ông không quá ngạo mạn, coi thường tất thảy.
Nhưng “các thế lực thù địch” biết phải tận dụng ngay cơ hội Trời cho.
Tướng chột Anh có thăng thiên hay xuống địa ngục cũng lấy làm mãn nguyện.
Trần Đại Quang cũng bước đầu mãn nguyện. Vì Quang lúc chết có tâm nguyện và cũng dựng đủ thứ bùa ngải để, “đừng hòng đứa nào sống sót khi ngồi vào cái ghế của ông đây. Ông đây chết nhưng hết nhiệm kỳ này vẫn cứ là Chủ tịch”.
Có ai trong số các ủy viên Bộ Chính trị từng đến thắp hương cho Đại Quang mà không từng thấy xa xẩm mặt mũi, lông tơ ở cổ ở gáy đều dựng vì “ông đây”?
Trở lại chuyện của dương gian.
Các “thế lực thù địch” vu cho ông Trọng tham quyền cố vị, không chịu chọn người kế nhiệm, là oan cho ông.
Tâm nguyện luôn canh cánh của ông là “ngôi vương phải giữ cho người miền Bắc”.
Để giữ ổn định cục diện, ông gạt đi việc sáp nhập hai chức danh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước vào nhiệm kỳ tới.
Ông cũng đề ra các luật bất thành văn như Tổng Bí thư phải là người từ Đảng đi lên, không lấn sân, ví như, từ Chính phủ lại chòi sang Đảng.
Theo đó, Trần Quốc Vượng là lựa chọn hàng đầu của ông Trọng để nhường ngôi. Khi đã được lựa chọn thì cũng chẳng cần điều kiện “cứng” có đủ hay không, “trường hợp đặc biệt” cơ mà?
Hàng dự bị là Hoàng Trung Hải.
Giờ hãy xem khi ông Trọng “tĩnh dưỡng”, ai sẽ bị “thịt” đầu tiên?
Đó là Hoàng Trung Hải. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng khi là Bộ trưởng Công nghiệp đối với dự án gang thép Thái nguyên đã luôn là cái thòng lọng treo trên đầu ông này. Đó còn chưa kể các đại dự án bê bối khác đủ để chặn Hải không còn đường bước tiếp.
Vượng thì khác. Vượng quả thật là “ngôi sao may mắn”. Bỗng nhiên, ông này được ẵm thẳng lên ghế Thường trực Bí thư khi Đinh Thế Huynh bỗng nhiên không ra người, cũng chẳng ra ma, biến mất trong cung đình Việt.
Vượng cũng không phải “ngôi sao cô đơn”, bởi Vượng  là đại diện duy nhất khả thi cho ngôi vương miền Bắc. Hãy xem có bao nhiêu người miền Bắc trong Bộ Chính trị.
Đó là tướng Ngô Xuân Lịch, tướng Tô Lâm, Phạm Bình Minh, Nguyễn Văn Bình, Hoàng Trung Hải, Tòng Thị Phóng.
Tướng Lịch một lòng với ông Trọng.
Tướng Lâm thời trước trong ngành công an chủ yếu ở lĩnh vực đối ngoại, ít quan tâm tình hình trong nước, ký văn bản mật vụ AVG cũng do chủ quan, vị tình, được ông Trọng “nhân văn”, “để một con đường cho người ta cống hiến”.
Phạm Bình Minh không phục ai, nhưng nể Trọng là người duy nhất ở chính trường liêm khiết, “nên thôi thì em chiều theo bác”.
Tòng Thị Phóng mở miệng ra là  “anh bảy, anh bảy”, thực tế cũng chỉ để trêu ngươi cấp trưởng của mình, vì cấp trưởng ghét “anh bảy”, thì bà đây càng phải đề cao, chứ trong lòng cũng chỉ duy nhất có Tổng Bí thư.
Nguyễn Văn Bình lúc cô đơn như chưa bao giờ cô đơn đến thế, được Trần Quốc Vượng giang tay ra cho vịn vào, thử hỏi, Bình không theo Vượng, còn theo ai?
Như vậy, có thể thấy miền Bắc đã tương đối là một thể thống nhất. Đó là còn chưa kể có Nguyễn Thị Kim Ngân, tức “cấp trưởng” của Phóng, luôn ủng hộ ngôi vương cho Vượng.
Ủng hộ không phải quý hóa gì nhau, mà đơn giản Ngân cần ủng hộ ai đó để chống lại ai đó.
Ai đó cần chống, là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tức “anh bảy”, cũng là ứng viên cho ngôi vương.
Bà Ngân không ưa ông Phúc một cách rất tự nhiên, một cách rất đàn bà, bởi bà ta cũng có ông chồng hói như ông Phúc. Mà bà Ngân rất lấy làm cảm thán vì thói trăng hoa của ông chồng hói. Tất cả các anh hói, đều sẽ thuộc giới tuyến bên kia của bà ta.
Hẳn là còn rất nhiều điều khác để không ưa, nhưng không cần đi sâu. Chốt lại, nữ Chủ tịch QH không bao giờ có lá phiếu nào cho đương kim Thủ tướng.
Một số nhân tố miền Trung, miền Nam sẵn sàng quy phục  người đất Bắc như Vương Đình Huệ hay là Võ Văn Thưởng. Đơn giản, họ cơ hội và đứng về đám đông.
Một trong các thư ký của Huệ là con rể của Vượng. Hồi đại hội 12, Vượng và Huệ cùng chung chiến hào, chia nhau đi khắp các đoàn đại biểu để vận động ủng hộ loại Tấn Dũng. Chừng đó đã đủ để họ thuộc về nhau chưa?
9/16 sẽ là lá phiếu trong Bộ Chính trị ủng hộ cho Trần Quốc Vượng lên Tổng Bí thư. Nếu không có phép mầu nào cho “phe đối lập”, thì tỷ lệ này còn tăng lên và “phe đối lập” chỉ còn một lựa chọn là chấp nhận an bài.
Và nếu miền Bắc thực sự là một thể thống nhất, thì Hoàng Trung Hải sẽ bình yên.
Lại trở về chuyện của các bóng ma.
Ma quỷ sẽ ủng hộ ai?
Thủ từ ở Hoàng Thành Thăng Long thường xuyên mang vẻ mặt nhăn nhó vì ngựa nghẽo, áo mũ, võng lọng của các ông lớn, bà lớn cung tiến “nuôi quân”mấy nhà kho để không hết, không biết để cái nào lên trước, cái nào sau, để của người này sợ mất lòng người khác.
Rất nhiều nơi khác thờ tự cũng không khí “nuôi quân” như vậy.
Ma quỷ thì nhận tất cái gì mà người trong thế gian “kính biếu”.
Có phải ngẫu nhiên không mà chùa Bà Vàng hồi tháng 3 ầm ĩ, sư “giải sao” tố sư “giải vong” náo loạn cả thiên hạ?
Chẳng qua là các thế lực âm binh cũng giống như quần thần, “mất ăn một miếng lộn gan lên đầu” mà thôi.
Quần thần tranh giành vương vị thì ma quỷ tranh giành đồ cung tiến.
Còn ông Trời, sẽ ủng hộ ai?
Ông Trời không biết đến đúng, sai, chỉ biết thắng, thua. Ai thắng thì ông ta ủng hộ.
Nhưng ông Trời cũng đoái hoài đến sinh linh. Nếu không, thì ông Trọng đã không đột quỵ. Bởi ông Trọng còn, làn sóng nêu gương của ông Trọng còn. Dân không còn.
Không phải dân không ủng hộ làn sóng nêu gương. Chỉ có điều, dân ghét quan nhưng vẫn phải dựa vào quan, dựa vào bộ máy này.
Thời nay, họ không còn năng lực tự làm một cuộc cách mạng cho mình, vẫn phải dựa vào “chế độ”.
Mà “chế độ”, vì “nêu gương”, cả hệ thống, như trên đã nói, đều đóng băng. Tiếp tục kéo dài, không ai làm gì, ngắc ngoải trước hết vẫn là dân.
Nếu ông Trời đã thương dân như vậy, biết đâu, phép mầu có thể đến từ dân gian?
Hãy chờ xem.
6/5/2019
Sao Băng

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 6-5-19

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét