Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2019

20190504. ĐIỀU KIỆN NÀO ĐỂ ĐẤT NƯỚC HÓA RỒNG ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
MUỐN HÓA RỒNG HAY THÀNH BÒ SÁT ?

TÔ VĂN TRƯỜNG/ BVN 1-5-2019

Kinh tế tư nhân là 'rường cột' của kinh tế Việt Nam
Nhìn vào thực trạng của đất nước, có lần tôi  đã đề cập đến 3 điều kiện để hóa thành Rồng, rút ra từ bài học thành công của các con Rồng Châu Á.
(1) Có người đứng đầu là bậc hiền tài và thể chế thuận lợi để người đứng đầu cũng như mỗi người  dân phát huy hết tài năng phát triển đất nước.
(2) Có đội ngũ cán bộ biết quản lý nhà nước pháp quyền hiện đại có hiệu lực và hiệu quả cao; có những doanh nhân biết kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế, xã hội cao cho bản thân, cho doanh nghiệp và cho đất nước; có các nhà khoa học biết lựa chọn, tiếp thu, vận dụng tốt các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trên thế giới, tiếp đó biết sáng tạo thành tựu khoa hoc và công nghệ tiên tiến của chính nước nhà.
(3)  Có một dân tộc văn minh và tài trí được đào tạo, bồi dưỡng bởi một nền giáo dục quốc dân hiện đại có chất lượng cao.
Có 3 luồng ý kiến về 3 vấn đề nêu trên. 
Luồng ý kiến thứ nhất: Tán thành quan điểm nêu trên dù rằng những người thích xét nét có thể nói nhiều hơn hoặc ít hơn 3 điều kiện hóa Rồng đó. Tiếc rằng, hiện nay, chúng ta không có cả 3 điều kiện nói trên. Vấn đề đặt ra là không phải dân tộc ta bị Trời hành, không "ban" cho các điều kiện đó. Mà là ở chỗ thể chế của chúng ta không tạo ra những mảnh đất để phát triển chúng, mà ngược lại, triệt tiêu chúng. Nếu cứ tiếp tục như thế này, thì chẳng những đất nước không bao giờ có những điều kiện đó, mà trái lại, chút ít gì còn lại cũng bị thủ tiêu. Và đương nhiên không thể thành Rồng mà chỉ có thể là bò sát. Vì vậy, vấn đề số 1 là cải cách thể chế. Có thể chế đúng – mà nội dung cốt lõi là dân chủ – thì mới có thể sản sinh ra các điều kiện hóa Rồng.
Thời Cách mạng Tháng Tám và Kháng chiến chống Pháp, chúng ta khó hơn nhiều về mọi mặt, vậy mà do cách làm dân chủ, khơi dậy được tinh thần yêu nước, giải phóng được sức sáng tạo của nhân dân... nên đã làm nẩy sinh nội năng to lớn không ngờ trong một dân tộc mù chữ vừa qua nạn đói, để giành chiến thắng. Các "chủ trương" hiện nay cũng đề cập chuyện đổi mới thể chế, cải cách, dân chủ,... nhưng thực tế chỉ là nói cho vui. Hành động thì ngược lại. Đó là vấn đề nan giải.
Luồng ý kiến thứ hai: Cho rằng không một quốc gia nào trên thế giới này có sẵn cả 3 điều kiện hóa Rồng nêu ở trên, mà đấy là 3 điều kiện phải phấn đấu tạo ra trong quá trình tranh đấu của một quốc gia, vì thế quốc gia mới cần có môt lực lượng chính tri tinh túy (đội ngũ elite của đất nước – có thể là 1 hay một số đảng phái, hay tổ chức chính trị...) lãnh đạo; minh quân chỉ có thể ra đời và trưởng thành từ quá trình phấn đấu / chiến đấu của lực lượng tinh túy này mà thôi. Ngồi chờ Chúa trời ban tặng điều kiện hóa Rồng thì không bao giờ có.
Thật ra Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay có đủ khả năng để tạo ra 3 điều kiện này, nếu Đảng Cộng sản lấy mục đích phục vụ Tổ quốc là mục đích duy nhất và trên hết. Đảng hôm nay nắm trọn vận mệnh đất nước và mọi quyền hành trong tay mà không tạo ra được 3 điều kiện này thì còn ai làm được? Nhưng cho đến nay Đảng vẫn không làm được việc này là vì Đảng không chọn làm nhiệm vụ tạo ra 3 điều kiện như tác giả Tô Văn Trường mong mỏi làm lẽ sống và làm nhiệm vụ duy nhất của mình, mà Đảng chỉ chăm lo cho địa vị của chính mình thôi, lầm lẫn và đồng nhất mình với Tổ Quốc, thậm chí Điều 4 đặt Đảng trên cả Tổ quốc!
Cứ nhìn con đường Lý Quang Diệu và Đảng Nhân dân Hành động đã đi để làm nên Singapore hôm nay từ một bãi làng chài thì rõ! Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay vẫn hoàn toàn có thể làm được như Lý Quang Diệu và Đảng Nhân dân Hành động của Singapore đã từng làm, nếu Đảng Cộng sản Việt Nam muốn, và chỉ cần ĐCSVN có ý chí này là đủ, còn thiếu trí tuệ thì dựa vào trí tuệ của dân tộc, đặc biệt là giới trí thức.
Luồng ý kiến thứ hai này cũng cho rằng trong điều kiện cụ thể hiện nay của nước ta, Đảng Cộng sản VN nắm trọn vẹn mọi quyền hành hợp lý nhất là Đảng phải chủ động phấn đấu tạo ra 3 điều kiện nói trên cho đất nước, vì lợi ích quốc gia hôm nay đòi hỏi như vậy, và mục tiêu Tổ quốc trên hết cũng đòi hỏi Đảng phải làm như vậy. Nếu Đảng Cộng sản Việt Nam không lựa chọn như vậy và cũng không cho phép ai làm như vậy là đi ngược với lợi ích quốc gia, và sẽ không coi Tổ quốc là trên hết!
Luồng ý kiến thứ ba
Luồng ý kiến thứ ba cho rằng khi một đất nước rơi vào khủng hoảng phát triển có thể có ba khả năng xẩy ra: (1) Lực lượng lãnh đạo nhìn ra vấn đề và tiến hành cải cách; (2) Những lực lượng đối lập sẽ lớn lên, đủ thông minh và trách nhiệm thực hiện việc thay đổi thể chế. (Đây là kết quả của sự phát triển, thường tạo ra bất ngờ với nhiều người quan sát "thông thái"); và (3) Cả hai lực lượng cầm quyền và đối lập đều không đủ năng lực và phẩm chất khai thông sứ mệnh cải cách, để dân tộc rơi vào vòng trầm luân kéo dài. Hai khả năng đầu tiên đều có thể xẩy ra, bất chấp ý chí chủ quan của chúng ta. Xấu nhất là khả năng thứ ba, lại chính là điều mong muốn của láng giềng phương Bắc.
Ngẫm suy:
Trước hết, mong dư luận quan tâm đến vận mệnh đất nước trao đổi về ba luồng ý kiến nói trên và góp ý vào vấn đề đang bàn này.
Nghiên cứu kinh nghiệm các con Rồng châu Á, người viết bài này (Tô Văn Trường) cho rằng 3 điều kiện nêu trên thật ra chỉ xuất phát từ một đầu mối: (1) sẽ cho ra (2) và (3). Tiếc thay, ở xứ ta không có đủ 2 yếu tố trong điều kiện (1): người đứng đầu hiền tài và thể chế dân chủ. Vậy hiền tài sinh ra thể chế hay thể chế sinh ra hiền tài ?
Các nước Âu Mỹ phải trải qua nhiều cuộc biến đổi lịch sử mới có được thể chế dân chủ, rồi thể chế này sản sinh, chọn lọc ra nhiều hiền tài trên các lĩnh vực, họ cũng cải tiến các định chế khi nền dân chủ gặp khó khăn, khủng hoảng.
Khi chỉ có 1 trong 2 yếu tố của điều kiện (1) thì cái này sẽ triệt tiêu cái kia (thể chế phi dân chủ sẽ vô hiệu hóa nhà lãnh đạo hiền tài, hoặc nhà lãnh đạo mưu mô sẽ vô hiệu hóa  thể chế dân chủ).
Dân chủ trực tiếp hay đại nghị sinh ra do điều kiện lịch sử của mỗi nước nhưng phải là dân chủ thật sự, nhà nước pháp quyền thực sự (không ai đứng trên Hiến pháp, luật pháp) ) thì đất nước mới phát triển. Nếu bầu trực tiếp mà không có cơ chế bảo đảm dân chủ thật sự thì đất nước  cũng không vượt lên được (ví dụ điển hình là nhiều trường hợp tổng thống chế ở Châu Phi, Châu Mỹ Latin) .
Như vậy, 3 điều kiện để Việt Nam hóa Rồng nêu trên chỉ có được khi có một nền dân chủ đích thực bảo đảm quyền tự do của mọi người. Đó là một quá trình nên phải có bước đi. Đã có một số ý kiến đề cập bước đi này nhưng phải tiếp tục làm rõ thêm gắn với khai dân trí, chấn dân khí.
Lời kết
Giới cầm quyền hiện nay khác với những người lãnh đạo trong thời kỳ đổi mới 1986; thêm vào đó là sự chi phối ngày càng tăng của Trung Quốc. Tuy nhiên, ngày nay cũng có một thuận lợi rất quan trọng so với cuối thế kỷ trước, đó là internet và mạng xã hội giúp cho khai dân trí, chấn dân khí mà không ai có thể ngăn chặn được.
Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam phải nghĩ lại, để dựa vào trí tuệ nhân dân thay đổi tất cả theo nguyên tắc cả nước cùng thắng trước khi quá muộn.
Từ lâu rồi, ở nước Nhật đã có một khẩu hiệu bất di bất dịch “Tất cả cho nước Nhật, nước Nhật trước đã!” Tư tưởng này, tương tự  khẩu hiệu rất cũ nhưng vô cùng thiêng liêng của Viêt Nam “Tổ quốc trên hết!”. Có lẽ ngày nay ở nước ta, tư tưởng này đã bị người ta ngấm ngầm đổi lại thành “Tất cả cho tôi, vì tôi, tôi trước đã” và cái tư tưởng suy đốn này đang lan rất nhanh sang lớp trẻ. Cầu trời, mong sao đó chỉ là một sự lây nhiễm – vì phàm giả lây nhiễm thì còn có phương phòng ngừa, chữa trị, còn nếu như đó là một sự di căn thì… vô phương cứu chữa, lúc đó Việt Nam ta không thể hiện thực hóa giấc mơ thành Rồng mà chỉ có thể thành bò sát! Đó là hệ quả nhãn tiền , nếu như chúng ta không thay đổi!
Xin có mấy vần để kết thúc bài viết này:
“Chân trời xa, giấc mơ gần
Làm sao thoát cảnh phong trần hỡi ai
Bốn nghìn năm khát vọng hoài
Triền miên chinh chiến, thiên tai, đói nghèo
Nay ta muốn cất cánh diều
Thì xin cắt sợi dây neo "vì mình".
T.V.T.
Tác giả gửi BVN


KINH TẾ TƯ NHÂN LÀ 'RƯỜNG CỘT' CỦA KINH TẾ VIỆT NAM

VŨ TIẾN LỘC */ TVN 2-5-2019

Nghị quyết 10 của Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII ngày 3/6/2017 là nghị quyết thứ hai của Đảng về kinh tế tư nhân. Nó gợi nhớ về Nghị quyết 10 về đổi mới quản lý kinh tế trong nông nghiệp (Khoán 10) của Trung ương 30 năm về trước – Nghị quyết của nguồn cảm hứng đổi mới và là hòn đá tảng đầu tiên trên con đường cải cách kinh tế ở Việt Nam.
Chúng ta hy vọng Nghị quyết 10 lần này cũng là nguồn cảm hứng và dấu ấn đột phá như vậy, góp phần thổi bùng lên ngọn lửa khởi nghiệp của khu vực kinh tế tư nhân bởi nông nghiệp và khởi nghiệp là từ khóa quan trọng nhất cho sự phát triển của đất nước này.
Ngày nay, chúng ta đã có một khu vực tư nhân đông đảo gồm hơn 700 ngàn doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và 5,2 triệu hộ kinh doanh. Đất nước cũng đã có những tỷ phú Việt đầu tiên và nhiều thương hiệu Việt được thế giới công nhận.
Mặc dù vậy, chất lượng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều điều khiến chúng ta không thể không trăn trở. Chúng ta chưa có được một thế hệ các nhà công nghiệp dân tộc, năng suất của khu vực tư nhân nói chung còn thấp, tính phi chính thức cao, nền kinh tế có quá ít các doanh nghiệp cỡ vừa và lớn, khả năng kết nối vào các chuỗi giá trị toàn cầu còn yếu,…
Để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, tôi cho rằng cần tập trung một số điểm lớn.

Kinh tế tư nhân là 'rường cột' của kinh tế Việt Nam
Việt Nam sau 30 năm đổi mới vẫn chưa có một thế hệ các nhà công nghiệp dân tộc.
Thứ nhất, xác định kinh tế tư nhân là “rường cột” của nền kinh tế nước nhà.
Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân đang là cỗ máy tạo việc làm lớn nhất trong nền kinh tế, gánh vác trọng trách chuyển dịch lực lượng lao động từ khu vực nông nghiệp năng suất thấp sang khu vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ có năng suất lao động cao hơn. Đây là khu vực mưu sinh cho hàng chục triệu gia đình.
Đóng góp cho tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân trong nước ngày càng tăng lên, hiện đã đạt tỷ lệ 40% GDP của nền kinh tế và tỷ lệ này đang tiếp tục gia tăng.
Nghị quyết 10 đã đề ra mục tiêu khu vực kinh tế tư nhân trong nước sẽ đóng góp 50% GDP vào năm 2020, 55% vào năm 2025 và 60-65% vào năm 2030. Đó là những mục tiêu hiện thực.
Với triển vọng như vậy, và giả định khu vực FDI sẽ tiếp tục đóng góp tối thiểu 20% GDP trong thời gian tới, thì khu vực kinh tế tư nhân theo thông lệ thế giới sẽ đóng góp ít nhất 80-85% GDP vào năm 2030.
Vì vậy, chúng tôi đề nghị khẳng định vai trò động lực và rường cột của khu vực kinh tế tư nhân - khu vực kinh tế của người dân và các doanh nghiệp dân tộc - trong việc xây dựng một nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập, tự cường và phát triển bền vững ở Việt Nam.
Thứ hai, chuyển trọng tâm công tác của Chính phủ từ tháo gỡ khó khăn sang tạo điều kiện thuận lợi và yểm trợ cho doanh nghiệp.
Để phát huy vai trò động lực và rường cột của khu vực kinh tế tư nhân, nhất là khu vực kinh tế tư nhân trong nước, thì điều quan trọng không phải chỉ phát triển khu vực này về số lượng mà phải nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh.
Và để làm được điều này, Đảng đã xác định 3 mũi đột phá: cải cách thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, trong đó thì cải cách thể thế giữ vai trò nền tảng.
Dù đã có nhiều thành tựu, nhưng những nỗ lực cải cách thể chế cho đến nay, vẫn đang loay hoay ở việc cởi trói, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Chúng ta chưa làm được nhiều theo hướng tạo điều kiện thuận lợi và yểm trợ cho khu vực tư nhân phát triển.
Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới và Diễn đàn Kinh tế Thế giới vẫn ở mức “thường thường bậc trung”, vẫn còn một khoảng cách khá xa so với nhóm 3-4 nền kinh tế hàng đầu ở ASEAN và càng xa so với chuẩn mực của các nền kinh tế phát triển OECD.
Thứ hạng năng lực cạnh tranh thể chế của chúng ta trong những lĩnh vực quan trọng nhất của môi trường kinh doanh như khởi sự doanh nghiệp, nộp thuế và baorhieemr xã hội, giao dịch thương mại qua biên giới, giải thể và phá sản doanh nghiệp đang xếp ở nhóm trung bình thấp của thế giới với thứ hạng trên 100 trong số 190 nền kinh tế được World Bank xếp hạng.
“Thể chế nào thì doanh nhân đó”, vì vậy, tiếp tục bứt phá về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh với quyết tâm tất cả các chỉ tiêu phải đạt TOP 50 của thế giới, và điểm số chung phải lọt vào TOP 3, TOP 4 trong ASEAN vẫn phải là những ưu tiên quan trọng nhất cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân.
Thứ ba, Luật Doanh nghiệp cần có giải pháp đột phá mở đường cho các hộ kinh doanh và các doanh nghiệp nhỏ có thể lớn lên.
10-20-30 là bức tranh tổng thể và khá bất thường của khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam. Doanh nghiệp tư nhân chính thức trong nước chỉ đóng góp chưa tới 10% GDP, 20% thuộc về FDI và 30% GDP là các hộ kinh doanh cá thể - khu vực không chính thức. Các doanh nghiệp Việt đã không thể lớn lên được như kỳ vọng trong suốt tiến trình cải cách những năm qua.
Trong số 700 ngàn doanh nghiệp đăng ký chính thức đang hoạt động, doanh nghiệp lớn chỉ chiếm 0,65%, doanh nghiệp cỡ vừa 5,85% còn lại 93,5% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Do quy mô nhỏ, không có được lợi thế về quy mô, nên chúng ta chưa có được một cộng đồng doanh nghiệp mạnh. Để khắc phục tình trạng này, Luật doanh nghiệp sửa đổi sắp tới phải hướng tới mục tiêu tạo lập khung khổ pháp lý vững chắc cho sự phát triển của khu vực hộ kinh doanh cá thể và khuyến khích họ chuyển đổi thành doanh nghiệp; đồng thời giảm mạnh các thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để doanh nghiệp có thể lớn lên.
Thứ tư, bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính như bảo vệ “tài sản quốc gia”.
Khảo sát PCI của VCCI những năm qua đã cho thấy sự yếu kém của các thiết chế pháp lý trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp đang là một trong những mối quan ngại hàng đầu.
Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ cần chủ động phối hợp với Toà án Nhân dân tối cao và các cơ quan tư pháp liên quan đẩy mạnh hơn nữa cải cách tư pháp, đảm bảo thủ tục xét xử các tranh chấp kinh doanh nhanh gọn, minh bạch và hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần có chiến lược thúc đẩy hình thức giải quyết tranh chấp dưới hình thức trọng tài và hoà giải thương mại. Kiểm soát và giảm thiểu tối đa các vụ việc hình sự hoá các quan hệ kinh tế. Thay đổi phương thức thanh tra kiểm tra doanh nghiệp hiện nay bằng phương pháp quản lý rủi ro, giảm đầu mối, giảm chồng chéo…
Những nỗ lực này sẽ giúp an lòng doanh nghiệp và động viên họ cống hiến hết mình cho sự phát triển quốc gia.
*Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

CHUẨN BỊ ĐẠI HỘI XIII VÀ CHUẨN BỊ CHO ĐẤT NƯỚC CẤT CÁNH 

ĐINH ĐỨC SINH /TVN 2-5-2019

“Sang năm là đại hội các cấp, bây giờ bắt đầu bàn nhân sự rồi”, Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu như vậy tại một hội nghị của Đảng ngày 21/3/2019. 
Không chỉ có thế, trước đó, cùng với việc lập Tiểu ban nhân sự, Trung ương đã lập  một số tiểu ban khác về kinh tế, văn kiện,…để cùng tiến hành đồng bộ các công tác chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng. 
Mỗi kỳ đại hội Đảng là mỗi kỳ nhân dân mở lòng của mình để cùng với ý Đảng tạo ra những đột phá mới cho đất nước. 
Đại hội VI đã quyết định khởi động công cuộc Đổi Mới, đưa đất nước vào đường băng phát triển. Sau đại hội này, nhân dân kỳ vọng sẽ tới ngày Việt Nam cất cánh đến hùng cường. 
Tuy nhiên, nhiều kỳ đại hội nữa của Đảng đã qua, kỳ vọng đó vẫn chưa thành. Nay, Đảng đang chuẩn bị Đại hội XIII, nhân dân lại thắp lên kỳ vọng về đất nước được cất cánh. 
Mong rằng Ý Đảng, Lòng Dân sẽ quyện lại làm một trong kỳ vọng này. Muốn vậy, ngay từ bây giờ, nhiều vấn đề thiết yếu đã lộ rõ, cần được chuẩn bị ở mức tối ưu để đi tới được quyết định cuối cùng của đại hội kỳ này. 

Chuẩn bị Đại hội XIII và chuẩn bị cho đất nước cất cánh
Chuẩn bị cho đất nước cất cánh
Trước hết, thức tỉnh những kẻ “đang ngủ quên bên vòng nguyệt quế” 
Đây là một thực tế gây nhức nhối trong niềm tin của nhân dân. Đất nước đã và sẽ không thể cất cánh được vì bộ phận đang ngủ quên này. Họ là những người có chức có quyền, là người đứng đầu nhiều tổ chức trong hệ thống chính trị. Khi họ ngủ quên thì chức quyền do họ nắm giữ chẳng những không giúp gì cho nhân dân, ngược lại còn bị lợi dụng để làm hại nhân dân. 
Trong những kẻ đang ngủ quên này, một số ít đã bị trừng trị, một số lớn hơn được thả lỏng vào “sợi dây rút kinh nghiêm”, số lớn nhất đã nhúng chàm nhưng còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. 
Nhân dân mong muốn rằng, chuẩn bị Đại hội XIII không chỉ là công việc nghiên cứu, biên soạn tài liệu, tổ chức hội thảo, hội nghị…mà còn là hành động cụ thể để thức tỉnh những bộ phận đang ngủ quên, trong đó ai đã chót nhúng chàm thì ra đầu thú, ai trong ‘sợi dây rút kinh nghiệm’ thì dứt khoát không được tái nhiệm, ai còn nhởn nhơ ngoài xã hội thì phải bị cương tỏa bởi pháp luật. 
Tất cả những kẻ đang ngủ quên này không được bén mảng vào bất cứ công đoạn nào của đại hội để gây khó dễ. 
Thứ hai, giải tỏa những khâu trì trệ 
Có những trì trệ một năm, một nhiệm kỳ và cả những trì trệ trong nhiều nhiệm kỳ. Tất cả những trì trệ đó hợp lại, đã níu kéo đất nước tụt hậu so với các nước đã tiến xa trong khu vực và trên thế giới. 
Dễ thấy nhất là trì trệ trong sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước. Trì trệ này Đảng, Nhà nước và Nhân dân đều đã nhận thấy nhưng đành bó tay từ vài nhiệm kỳ qua, nay cần phải truy cứu trách nhiệm cá nhân, không đơn thuần đổ lỗi cho tập thể. 
Nếu việc này được chuẩn bị kỹ trước đại hội cả về chủ trương và biện pháp thì Đại hội XIII sẽ mở đầu một nhiệm kỳ đủ để kết thúc quá trình sắp xếp lại khu vực doanh nghiệp nhà nước, tạo đột phá để đi vào thời kỳ thực sự phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó kinh tế tư nhân là động lực quan trọng. 
Khó thấy hơn, đó là trì trệ trong đổi mới tư duy. Tình trạng tư duy đi sau thực tiễn đã khiến không ít vấn đề từ thực tiễn đặt ra và cần được giải quyết đã phải xếp hàng chờ đợi sự đổi mới của tư duy. 
Dân gian đã có câu ví “đổi mới thì đổi mới đi, cứ tư duy mãi lấy gì mà ăn”. Tư duy là quá trình đi tìm chân lý. Nhân dân đã đúng khi coi trọng quá trình này, nhưng luôn đặt thực tiễn cao hơn chân lý, lấy thực tiễn làm thước đo chân lý. Thực trạng xếp hàng trên đây cho thấy sự đuối tầm của công tác tổng kết thực tiễn. 
Việc chuẩn bị đại hội kỳ này, nhân dân chờ đợi nhiều vào việc tổng kết thực tiễn của Việt Nam để từ đó có những phát kiến mới về tư duy lý luận, chứ không phải ngược lại. 
Một trong những vấn đề lớn cần tổng kết, đó là phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Về vấn đề này, những gì đã rõ thì quyết để làm, những gì chưa rõ thì không buộc thực tiễn phải chờ đợi.  
Những đường lối, chủ trương, chính sách, kế hoạch chớp được thời cơ, không bỏ lỡ cơ hội để Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc đến mục tiêu Dân giầu, Nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh chính là những quyết định phù hợp với phép biện chứng, không cần chờ đợi phải có tư duy gì mới, cao siêu  mới dám làm. 
Thứ ba, khởi động quá trình đổi mới bộ máy công quyền 
Nói là khởi động bởi việc này chưa từng làm; nói là đổi mới bởi từ trước đến nay, bộ máy chỉ được cải cách; nói là bộ máy công quyền bởi không chỉ là bộ máy quản lý của Nhà nước mà còn là bộ máy lãnh đạo của Đảng, bộ máy làm chủ của Nhân dân. 
Ngay từ Đại hội XII, báo cáo chính trị đã chỉ rõ “Đổi mới chính trị chưa đồng bộ với đổi mới kinh tế”. Tình trạng này vẫn kéo dài tới hiện nay. Nhân dân hy vọng việc chuẩn bị Đại hội XIII đang được tiến hành sẽ giúp có được một quyết định kết thúc sự kéo dài đó với tên gọi “khởi động đổi mới bộ máy công quyền”, trong đó: 
Về Đảng, ở trung ương, bộ máy Đảng làm đường lối, chủ trương, phương hướng, chính sách chung phát triển kinh tế - xã hội - an ninh - quốc phòng của đất nước; đồng thời thực hiện các công việc riêng của Đảng về tổ chức, kiểm tra, tuyên giáo,… 
Ở địa phương, các cấp bộ Đảng không làm các công việc giống như trung ương (về đường lối, chủ trương, phương hướng, chính sách chung trong phạm vi địa phương), chỉ tập trung vào các công việc riêng của Đảng (về tổ chức, kiểm tra, tuyên giáo…trong phạm vi đảng bộ địa phương). 
Về Nhà nước, ở trung ương, bộ máy gồm ba ngành lập pháp, hành pháp, tư pháp; còn ở địa phương chỉ có ngành hành pháp. Các tổ chức tư pháp ở địa phương đều thuộc ngành dọc cả về mặt nhà nước và đảng đoàn. Người đứng đầu ngành tư pháp có vị trí trong Đảng tương đương với người đứng đầu ngành lập pháp và hành pháp. 
Về Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, sau nhiều lần cải cách, các tổ chức này đã ngày càng cồng kềnh, hình thức, kém hiệu lực và hiệu quả. Nay cần được tổ chức lại như đã được qui định tại Điều 58, Hiến pháp năm 1946, bản Hiến pháp rất tiến bộ.
Cụ thể là “Ở tỉnh, thành phố, thị xã và xã có Hội đồng nhân dân do đầu phiếu phổ thông và trực tiếp bầu ra. Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố, thị xã hay xã cử ra Ủy ban hành chính”, “Ở huyện, chỉ có Ủy ban hành chính”, “Ủy ban hành chính huyện do Hội đồng các xã bầu ra”. Điều 59 qui định “Hội đồng nhân dân quyết nghị về những vấn đề thuộc về địa phương mình. Những nghị quyết ấy không được trái với chỉ thị của các cấp trên”. 
Về Mặt trận tổ quốc, bộ máy của hệ thống này cũng cần được đổi mới tương xứng với những đổi mới của bộ máy Đảng và Nhà nước, bớt đi tính hình thức, tăng lên tính hiệu quả, giảm đi những chi tiêu không đáng có của ngân sách nhà nước. 
Cuối cùng, hướng về Đại hội Đảng, điều dĩ bất biến của lòng dân, đó là mong Đảng thật sự vững mạnh, cán bộ lãnh đạo đồng thời là đầy tớ thật trung thành của nhân dân, đất nước được cất cánh tới hùng cường. 
Trong dĩ bất biến đó, nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước, Mặt trận luôn ứng vạn biến kể cả về tư duy và hành động để chớp được thời cơ, vượt được thách thức, sớm đưa đất nước đứng vào đội ngũ các quốc gia hàng đầu trong khu vực và trên thế giới về những gì thuộc thế mạnh và đặc sắc của Việt Nam. 
Tiến sỹ Đinh Đức Sinh

TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:
KINH TẾ VIỆT NAM SẼ HÙNG MẠNH RA SAO ?

AN NHIÊN / GDVN 3-5-2019
Ngày 2/5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019.
Diễn đàn do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì và chỉ đạo tổ chức với chủ đề "Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị TW 5 khoá XII và Nghị quyết 98-NQ/CP của Chính phủ".
Sau 7 phiên Hội thảo chuyên đề diễn ra đồng thời sáng 2/5, phiên toàn thể trong buổi chiều có sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.


Thủ tướng dự phiên toàn thể diễn đàn kinh tế tư nhân.
Phát biểu tại phiên toàn thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kinh tế tư nhân nổi lên như một trong những động lực quan trọng, dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tạo ra khoảng 42% GDP, 30% ngân sách Nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước.
Sau khi có Nghị quyết Trung ương 5, Khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân, mặc dù chưa có sự đánh giá tổng kết đầy đủ những kết quả đạt được nhưng 2 năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự lớn mạnh, tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên của khu vực tư nhân.
Tuy nhiên, những kết quả này vẫn còn thấp so với mức tiềm năng. Đúc kết thực tiễn ở các nước đã thành công trong cải cách kinh tế cũng cho thấy khu vực kinh tế tư nhân trong nước có vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển. Các ngành, các cấp cần phải tìm cách kích hoạt vai trò này tốt hơn nữa.
“Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ và cá nhân tôi trên cương vị Thủ tướng đã liên tục động viên tư nhân khởi nghiệp, nuôi dưỡng khát vọng lớn trong phát triển.
Tôi tin rằng nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể hùng mạnh khi có những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu”, Thủ tướng nói.
Diễn đàn là một cơ hội để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ban Đảng, các cơ quan Quốc hội lắng nghe, tiếp thu các góp ý, phản biện của khu vực tư nhân nhằm phục vụ cho công tác xây dựng văn kiện Đại hội Đảng XIII.
Để làm rõ hơn về định hướng này, Thủ tướng nêu một số vấn đề có tính gợi mở cho việc thảo luận, với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói sự thật” như cố Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh đã nêu.
Theo Thủ tướng, nhóm vấn đề thứ nhất là làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam đa phần có quy mô còn nhỏ, có thể vươn ra cạnh tranh quốc tế, có thương hiệu toàn cầu?
Làm thế nào để hàng triệu hộ kinh doanh cá thể có thể mở rộng quy mô, chuyển sang mô hình doanh nghiệp nhằm phát huy lợi thế, tạo nhiều của cải hơn cho bản thân mình và cho cả xã hội?
Đây là những vấn đề khó nhưng nếu có khát vọng, có sự đồng lòng và có quyết tâm cao, chúng ta sẽ thành công.


Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019.
Khát vọng vươn ra biển lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa huy động nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra nhiều của cải cho xã hội.
Theo Thủ tướng, lịch sử dựng nước và giữ nước của chúng ta cũng cho thấy nếu tính tổng các nguồn lực thì Việt Nam đều thua xa các đối thủ ở những cuộc chiến trong quá khứ.
Thế nhưng, chúng ta đã luôn chiến thắng nhờ sử dụng tài tình, sáng tạo và hiệu quả các nguồn lực và điểm mạnh của mình.
Nhóm câu hỏi thứ hai, Thủ tướng nêu rõ, là làm sao có được đột phá thực sự ở các điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh?
Chúng ta đều biết thể chế pháp luật, môi trường kinh doanh của Việt Nam tuy đã có nhiều cải tiến, tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều rào cản, vướng mắc, đôi khi thể chế chính sách còn chưa theo kịp, chưa thực sự kiến tạo cho các mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, công nghiệp chế tạo, nông nghiệp hữu cơ…
Vậy đâu thực sự là điểm nghẽn, giải pháp đột phá sắp tới là gì? Nhà nước, doanh nghiệp cần làm gì, với lộ trình ra sao?
“Còn nhiều câu hỏi quan trọng nữa mà các doanh nhân ngồi đây biết rõ hơn chúng tôi. Các vị là những người lăn lộn thực tế, thấy rõ cơ hội, thấy rõ nút thắt của doanh nghiệp, của đất nước. Chúng tôi ở đây để lắng nghe và tiếp thu ý kiến của quý vị”, Thủ tướng bày tỏ. 
Phát biểu trước đông đảo doanh nhân, Thủ tướng đã chia sẻ quan điểm về tinh thần doanh nghiệp, với 3 nội dung quan trọng.
Thứ nhất là chí tiến thủ của nhà doanh nghiệp, không bằng lòng với hoàn cảnh đang có mà xông xáo tìm kiếm và nắm bắt cho bằng được các cơ hội do công nghệ và thị trường mang lại.
Nỗ lực tìm kiếm công nghệ mới, thị trường mới, nguyên liệu mới, đổi mới tổ chức, đổi mới quản lý.
Thứ hai, doanh nhân cần kinh doanh liêm chính, tìm kiếm lợi nhuận chân chính, doanh nhân có vai trò quan trọng trong công cuộc phòng chống tham nhũng ở nước ta. 
Nội dung thứ ba là tinh thần yêu nước. Trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh - đó là những tố chất cần thiết, phổ biến của nhà doanh nghiệp của tất cả các nước.
Riêng đối với Việt Nam, một nước còn ở giai đoạn phát triển trung bình, cần thêm một yếu tố là lòng yêu nước, là ý thức góp phần làm cho dân giàu, nước mạnh.
Các doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm, các thương hiệu nổi tiếng, cạnh tranh và xác lập tên tuổi trên thị trường thế giới là góp phần làm hình ảnh đất nước của chúng ta sáng chói trên vũ đài quốc tế. Các nhà doanh nghiệp cần đề cao triết lý kinh doanh vì xã hội, vì đất nước, vì tương lai dân tộc.
Thủ tướng cho rằng, như tại mọi quốc gia trên hành tinh này, kinh tế tư nhân Việt Nam mang trong mình khát vọng mãnh liệt vào tương lai.
Một thanh niên trẻ có thể xuất thân rất bần hàn nhưng ngày mai có thể trở thành doanh nhân thành đạt, nổi tiếng, thậm chí là những con người nhiệt huyết, gánh trên vai sứ mệnh xã hội, đem lại nhiều giá trị cho cộng đồng, cho người dân.
Nhân dịp này, Thủ tướng kêu gọi tiếp tục tạo dựng và củng cố niềm tin giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền thông qua một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và công bằng; thông qua việc tiếp tục vun đắp tinh thần doanh nghiệp của doanh nhân Việt Nam.
“Một khu vực tư nhân lớn mạnh, bền vững, bên cạnh khu vực doanh nghiệp Nhà nước hiệu quả hơn, khu vực kinh tế hợp tác xã năng động hơn sẽ tạo ra một tương lai thịnh vượng, bền vững hơn cho nền kinh tế Việt Nam”. 
Khu vực kinh tế trong nước giàu tiềm lực, có tầm ảnh hưởng vượt biên giới quốc gia, sẽ góp phần lan tỏa sức mạnh mềm và ảnh hưởng của chúng ta trong khu vực và toàn cầu, không chỉ về phương diện kinh tế, mà trên tổng thể nhiều phương diện chiến lược khác.
Trên cương vị là người đứng đầu Tiểu ban kinh tế-xã hội của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, diễn ra vào năm 2021, Thủ tướng bày tỏ mong muốn nghe những tham vấn có trách nhiệm từ khu vực tư nhân, để từ đó chắt lọc, tiếp thu thỏa đáng vào hoạch định nội dung chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước trong giai đoạn tới.
Sau phát biểu khai mạc, Thủ tướng bắt đầu phiên đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp. Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là Chính phủ, Thủ tướng có quyết sách gì trong thời gian tới để tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế.
Thủ tướng cho biết, sẽ tiếp tục tạo điều kiện, kiến tạo không gian, nguồn lực, cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi hơn, với các “từ khóa”: “tạo bình đẳng” trong phát triển, được “bảo vệ”, “khích lệ” và “trao cơ hội”.
Về tạo bình đẳng, trước hết là kinh tế tư nhân bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng trong cạnh tranh, trong phân bổ nguồn lực với các thành phần kinh tế khác, nhất là tiếp cận nguồn lực.
Về từ khóa được “bảo vệ”, Thủ tướng nêu rõ là được bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp theo Hiến pháp, pháp luật.
Giảm sự chồng chéo, tầng lớp trong thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tạo môi trường thông thoáng cho kinh tế tư nhân.
Được “khích lệ” là được Nhà nước và xã hội tôn vinh hơn nữa, nhất là các doanh nghiệp làm ăn chân chính, có trách nhiệm xã hội.
Ngược lại, cần lên án, đấu tranh đối với các doanh nghiệp làm ăn chụp giật, vi phạm đạo đức kinh doanh, vi phạm pháp luật.
“Trao cơ hội” là tạo cơ hội tiếp cận nguồn lực, công nghệ, thị trường, cắt giảm chi phí kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm.
Thủ tướng đề cập đến việc đẩy mạnh cổ phần hóa, chống độc quyền cũng là mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân phát triển bình đẳng.
Câu hỏi thứ hai là trong những năm tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có quyết sách nào để những ý tưởng, sáng tạo có có hội phát triển mạnh mẽ hơn nữa?
Trước câu hỏi này, Thủ tướng cho rằng, nền kinh tế của Việt Nam có nhiều cơ hội cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ khởi nghiệp thành công.
Nền kinh tế Việt Nam đủ lớn, năng động, hội nhập sâu, tốc độ phát triển nhanh. Việc Chính phủ phải làm là tạo nên một thể chế pháp luật, nhân lực, hạ tầng và thị trường để tạo điều kiện cho khởi nghiệp.
Trước hết, về nguồn nhân lực, chú trọng số lượng, chất lượng nhân lực đáp ứng các yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là có những chính sách tốt hơn nữa để thu hút và giữ chân những nhà đầu tư “thiên thần”.
Thứ hai là về hạ tầng, Chính phủ và các bộ, ngành, các cơ quan có liên quan chú trọng hơn nữa hạ tầng viễn thông thông minh, ví dụ phát triển nhanh mạng 5G trong thời gian tới, thanh toán không dùng tiền mặt, các hạ tầng kỹ thuật công nghệ khác.
Thứ ba là tạo thị trường, theo đó, mua sắm sản phẩm đổi mới sáng tạo nhiều hơn, cho thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã phê duyệt Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, trong đó, thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia với những cơ chế thông thoáng nhất.
Năm 2019, Chính phủ sẽ phê duyệt Đề án chuyển đổi số quốc gia để tạo điều kiện cho khởi nghiệp thành công.
An Nhiên
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét