Thứ Tư, 29 tháng 5, 2019

20190529. VIỆT NAM SẼ NHƯ THẾ NÀO ĐẾN NĂM 2045

ĐIỂM BÁO MẠNG

VIỆT NAM SẼ NHƯ THẾ NÀO ĐẾN NĂM 2045 ?

TS. ĐẶNG ĐỨC SINH / TVN 27-5-2019

Việt Nam sẽ như thế nào đến năm 2045
Rất đáng tiếc là nhiều năm trước đây, Việt Nam đã có cơ hội để cất cánh nhưng lại duy trì phương thức “dò đá qua sông”. Ảnh: Lê Anh Dũng
Câu hỏi của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước nêu lên là một trong nhiều câu hỏi được đặt ra, cần được trả lời tại Đại hội XIII, mà Ban chấp hành trung ương đang chuẩn bị ngay từ bây giờ.
Ý Đảng, Lòng Dân nếu thống nhất thì vấn đề dù khó đến đâu cũng vượt qua được. Về vấn đề này, Ý Đảng đang hình thành, còn Lòng Dân thì sao? Trăm người trăm ý kiến.
Sau đây tôi xin được góp một trong những ý kiến đó với mong muốn được trao đổi, thảo luận thêm với các ý kiến khác trên Diễn đàn của báo VietNamNet nhằm tìm ra các giải pháp giúp đất nước thịnh vượng.
Đến năm 2045, tên nước vẫn là Cộng hòa XHCN Việt Nam
Năm 1945, cuộc Cách mạng tháng Tám đã khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau 35 năm, vào năm 1980, tên nước được đổi thành Cộng hòa XHCN Việt Nam với kỳ vọng tiến nhanh, mạnh, vững chắc lên chủ nghĩa xã hội (CNXH).
Kể từ nay đến năm 2045, chặng đường quá độ lên CNXH sẽ đi thêm 26 năm nữa, đưa đất nước tiến đến gần CNXH hơn bất cứ thời điểm nào trong lịch sử. Vì vậy, tên của nước không cần thay đổi, vẫn là Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Đến năm 2045, Đảng ta đã là một Đảng cầm quyền được thể chế hóa hoàn chỉnh
Trong Di chúc để lại, Bác Hồ đã ghi “Đảng ta là một Đảng cầm quyền”. Tuy nhiên trong thực hiện, các Hiến pháp 1980, 1992, 2013 đều chỉ ghi những hiến định về Đảng lãnh đạo. Trong các văn kiện của Đảng cũng vậy, nội dung về Đảng cầm quyền chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ so với nội dung về Đảng lãnh đạo.
Cũng không loại trừ có sự ngộ nhận, cho rằng Đảng lãnh đạo tức là Đảng cầm quyền. Hệ quả là bộ máy cầm quyền của Việt Nam đã tồn tại hai hệ thống song hành, một là hệ thống Đảng, hai là hệ thống Nhà nước.
Hệ thống cầm quyền được chuyên môn hóa như vậy không tránh khỏi cồng kềnh, chi phí tốn kém, mà quan trọng hơn là cơ quan lãnh đạo lại không làm tư lệnh, còn cơ quan tư lệnh lại không làm lãnh đạo. Trên bảo dưới không nghe, dưới trình trên không thấu. Hai hệ thống luôn chờ đợi nhau, lãnh đạo chờ chỉ đạo, chỉ đạo chờ lãnh đạo, cả hai đều khó tự đột phá.
Trong dự thảo trình Đại hội XIII về xây dựng Đảng, vấn đề thực hiện Di chúc của Bác về Đảng cầm quyền chắc chắn sẽ đậm nét hơn so với các đại hội trước đó. Cho đến khi Đảng tròn 100 tuổi vào năm 2030 thì vấn đề Đảng cầm quyền chắc chắn được thể chế hóa đầy đủ.
Khi Cộng hòa XHCN Việt Nam tròn 100 tuổi thì thể chế Đảng cầm quyền đã được hoàn thiện. Với thể chế này, đất nước sẽ rộng đường đi tiếp các chặng còn lại của thời kỳ quá độ.
Đến năm 2045, nền kinh tế nước ta sẽ đứng vào vị trí 20-30 thế giới
Năm 2018, Việt Nam đứng thứ 49 trên Bảng xếp hạng các nền kinh tế thế giới của IMF, tính theo GDP với giá hiện hành của VND và được chuyển sang USD.
Tuy nhiên, trước đây 5 năm, vị trí của Việt Nam đã là 41. Việc lấy lại vị trí này trong 5 năm thuộc nhiệm kỳ Đại hội XIII hoàn toàn trong tầm tay với tăng trưởng ở mức trên dưới 7%/năm, và tỷ giá VND/USD ổn định ở mức trên dưới 23.000 đồng.
Sau Đại hội XIII là chặng đường 20 năm để đến năm 2045, tức là thời gian của 4 nhiệm kỳ Đại hội Đảng, 4 nhiệm kỳ mới của Quốc hội, Chính phủ. Mỗi nhiệm kỳ sẽ đưa đất nước có bước phát triển mới cả về lượng và chất, tiệm cận gần hơn với kỳ vọng về một quốc gia hùng cường.
Ở tuổi 100, Cộng hòa XHCN Việt Nam có thể đứng ở vị trí 20-30 các nền kinh tế thế giới, trong đó có Úc, Hà Lan, Thái Lan, Philippin, Malaysia…
Rất đáng tiếc là nhiều năm trước đây, Việt Nam đã có cơ hội để cất cánh nhưng lại duy trì phương thức “dò đá qua sông”.
Chặng đường 20 năm trước 100 tuổi, cơ hội cất cánh của đất nước lớn hơn rất nhiều so với bất cứ thời kỳ nào trước đó. Ở chặng đường này, “dò đá qua sông” chắc chắn sẽ được loại bỏ, phương thức cất cánh sẽ được lựa chọn, đưa Việt Nam đứng vào vị trí trên.
Để cất cánh, kinh tế thị trường của Việt Nam chỉ cần vận động phù hợp với những đặc điểm và các qui luật của thời kỳ quá độ, không cần mất thời gian đi tìm thêm những định hướng chưa có tiền lệ nào khác.
Đến năm 2045, thể chế về chế độ sở hữu XHCN đã trải qua 3 mô hình, và đang vận động tới mô hình hoàn thiện
Trong lịch sử lập hiến của mình, Việt Nam đã lần lượt trải qua 3 mô hình về chế độ sở hữu XHCN. Giai đoạn 21 năm (1959-1980) là mô hình không phân biệt sở hữu toàn dân với sở hữu nhà nước; Giai đoạn 33 năm sau (1980-2013) là mô hình chỉ có sở hữu toàn dân, không có sở hữu nhà nước; Và từ năm 2013 đến nay là mô hình đại diện chủ sở hữu toàn dân.
Cả 3 mô hình trên đây đều có chung một nhược điểm lớn, đó là ít phù hợp với đặc điểm của thời kỳ quá độ, đặc biệt là đặc điểm về nhiều thành phần kinh tế, nhiều loại hình sở hữu, nhiều hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh.
Trước khi nước Cộng hòa XHCN Việt Nam 100 tuổi, nhược điểm trên đây sẽ sớm muộn được khắc phục, trong đó: i/Khi Nhà nước còn cần thiết và có vị trí quan trọng đối với đất nước, khi còn có kinh tế nhà nước thì sở hữu nhà nước nhất thiết phải được khôi phục lại; ii/Đối với những tài sản không thể giao cho ai hoặc tổ chức nào sở hữu thì duy trì chế độ sở hữu toàn dân do nhà nước làm đại diện chủ sở hữu; iii/Đối với những tài sản theo luật pháp quốc tế qui định là tài sản thuộc quyền chủ quyền của quốc gia, thì nhà nước đảm nhiệm quyền này.
Do ít phù hợp với đặc điểm của thời kỳ quá độ nên 3 mô hình trên đây, đặc biệt là mô hình giai đoạn không có sở hữu nhà nước, và giai đoạn đại diện chủ sở hữu toàn dân đã tạo ra những khoảng trống “cha chung không ai khóc” ngày càng trầm trọng, dẫn đến sử dụng lãng phí tài sản công, tham nhũng tài sản công gây bất bình lớn trong xã hội, đặc biệt là về đất đai.
Luật Đất đai đã chiếm kỷ lục về số lần sửa đổi, bổ sung so với các luật khác, mà vẫn chưa đáp ứng yêu cầu cần được tiến hành tiếp trong thời gian tới. Thực trạng này chứng tỏ rằng những căn cứ để qui định, ban hành, sửa đổi, bổ sung luật này có những bất cập lớn.
Chủ tịch Quốc hội vừa qua trong khi đồng ý cho lùi sửa luật đất đai vào năm 2020 nhưng đã nhấn mạnh rằng không được lùi thêm nữa. Sự chậm trễ này có nguyên nhân từ yêu cầu cần sửa đổi, bổ sung thể chế về đất đai ở tầm hiến pháp, thậm chí ở tầm đường lối, chủ trương của Đảng.
Lòng dân đang mong muốn Đại hội XIII sẽ ưu tiên xem xét và quyết định việc này, không để tới đại hội sau. Những nhức nhối trong xã hội về đất đai đều có mẫu số chung là quyền sử dụng đất. Quyền này về thực chất là một quyền về sở hữu tài sản. Khác với cho thuê đất, những cá nhân, tổ chức được nhà nước giao quyền sử dụng thửa đất nào thì đương nhiên họ là chủ sở hữu đối với quyền sử dụng thửa đất đó.
Vì vậy, trong khi xác lập sớm chế độ sở hữu toàn dân về đất đai trong thời kỳ quá độ, thì ngay lập tức xuất hiện một nhân tố phái sinh, đó là thị trường quyền sử dụng đất.
Đây là thị trường của hàng triệu cá nhân và tổ chức đang sử dụng đất, trong đó có tới: 10 triệu hộ sản xuất nông nghiêp, 5 triệu hộ kinh tế gia đình, 715.000 doanh nghiệp tư nhân đã đăng ký và đang hoạt động, 5 tỷ phú USD, 200 tỷ phú nghìn tỷ VND, gần 900 doanh nghiệp nhà nước, hơn 20 triệu hộ gia đình có nhà ở được xây dựng trên đất thuộc sở hữu toàn dân.
Tất cả đều đang trông đợi về một thị trường quyền sử dụng đất được tổ chức và hoạt động như các thị trường khác trong thời kỳ quá độ. Ở đó, người sở hữu quyền sử dụng đất được chuyển nhượng quyền đó theo quan hệ thị trường, chứ không phải bằng mệnh lệnh hành chính.
Được như vậy thì nhức nhối trong xã hội về đất đai sẽ được giải tỏa. Thu hồi đất và giải phóng mặt bằng sẽ không còn là nỗi kinh hoàng đối với các chủ dự án đầu tư bất động sản trên đất. Những “quan ăn đất” sẽ không còn đất để ăn. Người chuyển nhượng quyền sử đất không bị trắng tay khiến phải khiếu kiện căng thẳng kéo dài từ cấp xã lên tới cấp trung ương nữa.
Thị trường phái sinh từ sở hữu toàn dân về đất đai trên đây đã và đang lộ rõ những bất cập trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội đất nước. Dù phức tạp và khó khăn đến đâu, thì những bất cập đó cũng không thể tiếp tục tồn tại đến năm 2045. Đây sẽ là một đột phá mà toàn dân đã và đang mong đợi.
Đến năm 2045, liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức đã xuất hiện một nhân tố mới tạo xung lực mới để đi tiếp thời kỳ quá độ
Một trong những đặc điểm quan trọng của thời kỳ quá độ là sự xuất hiện những nhân tố mới trong lòng và bên cạnh những nhân tố cũ.
Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển xã hội mới, xóa bỏ và cải tạo xã hội cũ từ năm 1945 đến nay, liên minh chính trị giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức đã góp phần xứng đáng vào những thành tựu lịch sử của dân tộc.
Qua hơn 30 năm Đổi mới, liên minh này từ các hoạt động thực tiễn của mình đã làm xuất hiện một nhân tố mới, đó là một tầng lớp trong xã hội, được cơ cấu từ những liên kết kinh tế giữa công nhân, nông dân và trí thức.
Tầng lớp này có tên gọi là tầng lớp trung lưu, bên cạnh tầng lớp giầu và tầng lớp nghèo. Tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển cả về lượng và chất, đến năm 2045 sẽ trở thành bộ phận đông đảo nhất trong khối đại đoàn kết toàn dân.
Tầng lớp này xuất hiện từ kết quả của nhiều thập kỷ xóa đói giảm nghèo, từ nhiều nhiệm kỳ thực hiện mục tiêu dân giầu, nước mạnh. Hiện nay, ước lượng về tỷ lệ trong toàn dân đối với các tầng lớp xã hội cho thấy: tầng lớp nghèo trên dưới 6% và thoát nghèo trên dưới 34%; tẩng lớp giầu nghìn tỷ VND và trăm tỷ VND trên dưới 15%, tầng lớp trung lưu trên dưới 45%.
Đến năm 2045, tầng lớp trung lưu sẽ tăng thêm do được bổ sung thường xuyên từ những người thoát nghèo, đồng thời tầng lớp trung lưu sẽ là lực lượng bổ sung cho tầng lớp giầu. Mỗi năm có 1,5 triệu người Việt Nam gia nhập tầng lớp trung lưu, theo Ngân hàng Thế giới.
Sự xuất hiện của Tầng lớp trung lưu khiến liên minh chính trị giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức đã lan tỏa sang liên minh kinh tế dưới các hình thức đa dạng như: liên kết 2 bên (sản xuất công - nông nghiệp); liên kết 3 nhà (doanh nhân - nhà nước - nhà khoa học); liên kết 4 hướng (sản xuất - công nghệ kỹ thuật - thể chế - cải cách hành chính)…
Sự phát triển của khối liên minh trên đây cả về chính trị và kinh tế sẽ tạo thêm một động lực quan trọng để Việt Nam đi tiếp đến thắng lợi, đặc biệt trong thực hiện mục tiêu dân giầu, kết thúc thời kỳ quá độ. 
Đến năm 2045, Việt Nam là quốc gia kiên định đi tiếp con đường XHCN. Ở thời điểm đó, Đảng xuất hiện trong định chế hoàn chỉnh về một Đảng cộng sản cầm quyền, nền kinh tế đã đứng vào vị trí 20-30 thế giới. Trên nền tảng đó, thời kỳ quá độ lên CNXH sẽ tiếp tục gặt hái những thành tựu mới trên con đường sau 100 tuổi của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Tiến sỹ Đinh Đức Sinh
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

ÔNG NGUYỄN PHÚ TRỌNG CHƯA BƯỚC QUA ĐƯỢC YẾU TỐ 'KHÓ, MỚI, NHẠY CẢM, HỆ TRỌNG'

AN VIÊN/ VNTB / BVN 28-5-2019

Ông Nguyễn Phú Trọng từng tuyên bố “về mặt chính trị, suy thoái còn nguy hiểm hơn cả kinh tế”, nhưng ông Nguyễn Phú Trọng – một Giáo sư trong lĩnh vực xây dựng đảng đã quên rằng, Đông Đức (Cộng sản) sụp đổ, không phải vì bức tường, mà vì nước cộng sản này đã “cải tổ tập trung vào các vụ việc chính trị, mà không để tâm đến khía cạnh kinh tế”.

https://1.bp.blogspot.com/-flWJhQE-haQ/XOrGG9LpG5I/AAAAAAAACOE/rvYfD3XjfU41ceL8zDKaZNiz2jMk5MMHwCLcBGAs/s640/25-BerlinWall-AFPGetty-v2.jpg
Bức tường Berline sụp đổ năm 1989.
“VN: Liệu Đại hội Đảng 13 sẽ có khác biệt?”, bài viết của PGS. TS. Phạm Quý Thọ (nguyên Chủ nhiệm khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách & Phát triển).
Có hai quan điểm của PGS.TS Phạm Quý Thọ, mà tác giả bài viết (An Viên) cho rằng đáng lưu tâm.
Một là, ‘lồng thể chế’ để nhốt quyền lực chưa rõ hình hài. Cuộc chiến này phụ thuộc vào gương sáng của lãnh đạo và sự tập trung quyền lực tuyệt đối. Hai là, đổi mới chế độ chính trị sẽ là tất yếu nhưng không phải ở Đại hội 13 tới đây, nhưng mỗi sự thay đổi đột phá, tiến bộ theo hướng dân chủ đáp ứng đòi hỏi của nhân dân đều được ghi nhận.
Cũng như quan điểm của PGS.TS Phạm Quý Thọ, tôi cho rằng, hiện thực của cái “lồng thể chế” là chưa rõ hình hài, thậm chí, nó đã chính thức bị ép chết non từ thời điểm ĐCSVN ra Quy định 102 về cấm những gì mà Đảng viên không được làm, trong đó có hai yếu tố là thể chế xã hội dân sự và tam quyền phân lập. Cái nhìn của ông Tổng Bí thư, dù có kiêm nhiệm thêm vai trò Chủ tịch nước, hay thậm chí ông từng gợi mở về một cái “lồng” để “nhốt quyền lực”, thì cái lồng đó (hay tư duy về quản lý) của ông Trọng vẫn là tư duy trong đảng, kỷ luật trong đảng và luật pháp trong đảng. Và hệ tư duy kiểu này được thiết lập trên cơ sở quy tụ quyền lực càng nhiều càng tốt hơn, để sử dụng nó như yếu tố nhằm xử lý tốt các vấn đề nằm trong tổ chức, từ đó quyền lực càng tuyệt đối, thì càng được coi là quyết định sống còn đến khâu “xử lý, kỷ luật, đốt lò”. Chính điều này đã khiến cái “lồng lập pháp” (hay lồng thể chế) bị bóp chết, thay vào đó là cái “lồng kỷ luật đảng” được thành hình, mà “lồng kỷ luật đảng” chưa bao giờ được xem là đủ rộng về phạm vi, và đủ mạnh để quản lý các vấn đề phát sinh như “lồng cơ chế”.
“Lồng của ông Nguyễn Phú Trọng” sau một thời gian tiến hành đốt lò đã hình thành một quy trình phụ thuộc như TS Phạm Quý Thọ chỉ ra, đó là “phụ thuộc vào gương sáng, và sự tập trung quyền lực tuyệt đối”. Nó đồng thời cho thấy rằng, cả hai yếu tố trên sẽ không duy trì lâu dài các thành quả của cuộc chiến đốt lò, hay nói đúng hơn, đốt lò chắc chắn mang tính giai đoạn, và mầm mống tham nhũng sẽ nổi lên lại sau ĐH 13 với phạm vi lớn hơn, tính phức tạp và tinh vi cao hơn.
Thứ hai, đổi mới chính trị là tất yếu, nhưng chính xác nó là tiến trình, xuất phát cơ bản từ “đòi hỏi của nhân dân”. Nếu không phải là từ ĐH 13 như TS Thọ nhận định, thì nó buộc phải là ĐH 14. Cơ sở để nhận định như thế xuất phát từ tính hữu hạn trong chiến dịch đốt lò, và qua một nhiệm kỳ mới, tính chất “kỷ luật đảng” được thiết lập từ thời ông Nguyễn Phú Trọng sẽ bị đẩy nhanh hao mòn, xuất phát từ chính những lợi ích nhóm len lỏi trở lại, tinh vi và đối phó với các quy định trong đảng mà ông Nguyễn Phú Trọng kỳ vọng sẽ ngăn chặn được tham nhũng và sự thoái hóa - biến chất trong đảng. Cao hơn nữa, yếu tố “tấm gương sáng” dường như là một câu trả lời khó cho đội ngũ kế cận vào ĐH 14, khi mà ông Nguyễn Phú Trọng có thể đã mất đi, và không còn điều hướng được đội ngũ của mình, và trên gương mặt chính trị có thể tiệm cận vào đội hình Bộ Chính trị, vẫn chưa thấy ai đủ sáng và đủ gương mẫu.
Ngoài ra, thực tiễn cũng cho thấy, những thành phần từng được coi là “sáng, trẻ, gương mẫu”, từng đạt vị trí ủy viên Bộ Chính trị trong kỳ ĐH trước thì giờ đây lại là những kẻ phạm tội, có sân sau… Vấn đề của cơ chế hiện tại chính là không ai đủ sáng, chỉ có quyền lực có đủ tuyệt đối đến mức chưa đủ để lột trần vai diễn chính trị và những sai phạm liên quan hay không. Ngoài ra, yêu cầu và đòi hỏi của người dân tiếp tục gia tăng dựa trên nhận thức quyền, và những trò phi lý mang tính áp đặt từ chủ trương - chính sách nhà nước (thuế phí) đang làm gia tăng khoảng cách niềm tin của người dân đối với đảng cầm quyền cũng như tiếp tục tạo áp lực lớn trong đòi hỏi cải tổ toàn diện hệ thống chính trị của quốc gia.
Khi ông Nguyễn Phú Trọng đặt vấn đề, “vậy chúng ta định hướng, hình dung ra nước ta vào năm 2030 sẽ là thế nào? Đến năm 2045, nước ta sẽ như thế nào?...”. Thực chất, đây là câu hỏi gợi mở mà chính bản thân ông Trọng còn không thể hình dung, và sẽ rất khó hình dung khi mà các lực cản mạnh nhất liên quan đến “tư duy nhiệm kỳ”, “lợi ích nhóm”, “san sẻ lợi ích chính trị tư” vẫn đã và đang tồn tại như một căn cốt nằm trong cơ chế. Và chính bản thân ông Nguyễn Phú Trọng, như cách ông biểu hiện từ khi nắm giữ chức vụ Tổng Bí thư hiện nay, là ông thiếu cái gọi là “cảm quan chính trị”, ông không hiểu được bản chất nền kinh tế trong nước liên đới trực tiếp đến khả năng cải tổ chính trị, và ngược lại, cải tổ chính trị giúp thúc đẩy thịnh vượng kinh tế.
Thiếu “cảm quan chính trị” khiến ông Trọng vẫn đặt bản thân ông vào trong sự dè dặt, ngay cả khi đề cập đối “đổi mới chính trị, cải tổ chính trị”. Và thiếu yếu tố trên cũng khiến ông Trọng đưa tư duy chính trị của mình vào trong một khuôn khổ rất chật hẹp, với quan điểm bày biện rằng, chỉ cần phát động phong trào chống tham nhũng thì đó chính là đổi mới chính trị. Đặt trong bối cảnh quốc tế hiện tại – nhất là khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra, thiếu “cảm quan chính trị” có thể khiến ông Nguyễn Phú Trọng tạo nên niềm tin giữa chừng, nhưng không ngăn nổi tiến trình tồi tệ hóa của thể chế, đánh mất đi cơ hội để cải tổ chính trị, và tạo ra một vết nứt cho sự sụp đổ của thể chế trong tương lai.
Hãy nhớ, ông Nguyễn Phú Trọng từng tuyên bố “về mặt chính trị, suy thoái còn nguy hiểm hơn cả kinh tế”, nhưng ông Nguyễn Phú Trọng – một Giáo sư trong lĩnh vực xây dựng đảng đã quên rằng, Đông Đức (Cộng sản) sụp đổ, không phải vì bức tường, mà vì nước cộng sản này đã “cải tổ tập trung vào các vụ việc chính trị, mà không để tâm đến khía cạnh kinh tế”.
Ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã “cải tổ qua vụ việc chính trị” dưới hình thức “chiến dịch đốt lò”, tương tự như giai đoạn cuối cùng của Đông Đức. Do vậy, dù làm tốt vai trò “chống tham nhũng” trong giai đoạn tuyệt đối hóa cầm quyền, nhưng ông Tổng Bí thư Trọng không phải là nhân tố giải quyết tốt các yếu tố mang tính lâu dài của quốc gia, dân tộc, ông chưa bước qua được yếu tố “khó, mới, nhạy cảm, hệ trọng” về cải tổ chính trị toàn diện để thúc đẩy sự cầm quyền chính đảng và nền kinh tế quốc gia đi lên.
A.V.
VNTB gửi BVN

ĐỔI MỚI HAY LÀ CHẾT ?

TÔ VĂN TRƯỜNG / 25-5-2019

Nhớ lại những năm đầu thập kỷ 80 thế kỷ trước, đất nước lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng. Lạm phát phi mã. Kinh tế xuống dốc không phanh. Mức sống nhân dân rơi đến đáy. Niềm tin rạn nứt. Đất nước lâm nguy. Trước tình hình đó, Ban lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Tổng Bí thư Trường Chinh - một người nổi tiếng kiên định mô hình kinh tế XHCN - đã đi tới một quyết định lịch sử: xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, tự do hóa nền kinh tế. Nói cho đúng, quyết định xóa bỏ mô hình kinh tế chỉ huy, cho phép người dân được tự do làm ăn không phải là một phát kiến hay sáng tạo gì, vì đó là điều cả thế giới đã làm từ hàng trăm năm.
Nhưng đó là quyết định của một Ban lãnh đạo dũng cảm, dám từ bỏ niềm tin vào một mô hình trước nay vẫn đinh ninh là duy nhất đúng, sửa chữa sai lầm để đưa đất nước vượt qua khủng hoảng. Quyết định dũng cảm này không chỉ tạo ra bước ngoặt trong phát triển đất nước, đem lại đời sống khá giả hơn cho nhân dân mà còn khôi phục niềm tin của nhân dân vào Đảng CSVN, và trong ý nghĩa ấy, giúp Đảng giữ vững vị trí lãnh đạo của mình.
Sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã thay da đổi thịt. Nhưng chúng ta khó mà lạc quan được khi so sánh thứ hạng của Việt Nam trong các bảng xếp hạng thế giới:
- Dân số đứng thứ 15 gồm 95,581.592 người (2017)
- Diện tích xếp thứ 66: 331.212 km2
- Tổng sản phẩm quốc nội GDP xếp thứ 48: 191,454 tỷ US$ (IMF 2015)
- GDP theo đầu người xếp thứ 132: 2.306 US$ (IMF 2017)
- PPP theo đầu người, xếp thứ 124: 7.378 US$ (IMF 2017).
Những con số “biết nói” ở trên cho thấy Việt Nam là một nước lớn về dân số, trung bình về diện tích và còn rất nghèo so với thế giới. Nghĩa là mục tiêu đặt ra trong các nghị quyết của Đảng đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp đã phá sản. Đặc biệt đáng lo ngại là ngày nay tham nhũng tràn lan; bất bình đẳng xã hội ngày càng lớn; đạo đức xã hội suy đồi; niềm tin của nhân dân vào lãnh đạo, vào lý tưởng xóa bỏ áp bức, bất công, xây dựng xã hội tự do, dân chủ đang đổ vỡ. Đất nước lại một lần nữa đứng trước câu hỏi lớn: “Đổi mới hay là chết?”
Trong bối cảnh này, qua các phương tiện truyền thông, nhiều người dân và cán bộ lão thành thật sự vui mừng nhìn thấy Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng xuất hiện với phong thái đĩnh đạc, tự tin, khỏe mạnh trong các cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt và Hội nghị TW 10 vừa qua. Đặc biệt, tất cả những người dân yêu nước đều quan tâm đến ba câu hỏi lớn trong bài phát biểu của Tổng Bí thư, mong muốn những câu trả lời thể hiện nhận thức mới, cách làm mới của Đảng để thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Suốt mấy năm qua, từ sau Đại hội XII của Đảng tới giờ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giành được sự kính trọng, niềm tin yêu của đại bộ phận nhân dân về quyết tâm chỉnh Đảng với hình tượng “đốt lò lửa chống tham nhũng”. Giờ đây, mọi người đều mong muốn ông sẽ bắt tay vào việc cải cách thể chế để xóa bỏ tận gốc tệ nạn tham nhũng, lối làm ăn vô trách nhiệm, và phát huy dân chủ, khai thác mọi tiềm năng của đất nước, con người Việt Nam để đưa đất nước cất cánh bay lên, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Tuy nhiên, nhớ lại trước Đại hội Đảng X, XI và XII, báo chí đã nêu rất nhiều ý kiến tâm huyết của nhân dân về các dự thảo văn kiện của Đại hội Đảng, nhưng thực tế không mấy ý kiến được tiếp thu cho nên thực trạng kinh tế xã hội đang đi đến những suy thoái đáng báo động. Vì thế, tuy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra ba câu hỏi lớn, gợi mở những yêu cầu đổi mới rất căn bản nhưng đa phần người dân có tâm trạng hoài nghi, không biết Đảng có thật sự mong muốn Đổi mới một lần nữa không và ý kiến của người dân sẽ được tiếp thu như thế nào.
Với nhận thức góp ý cho các văn kiện của Đại hội Đảng khóa XIII không chỉ là trách nhiệm của lãnh đạo hay đảng viên mà là của tất cả người dân Việt Nam vì đất nước này không phải của riêng ai, trong phạm vi bài viết này, tôi tập trung phân tích 3 vấn đề mà Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đặt ra ở Hội nghị Trung ương 10 vừa qua là: “Có nên xóa bỏ thành phần kinh tế nhà nước không?”, “Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không?”, “Có cần phải sửa đổi điều lệ của Đảng CSVN không?”.
1. Có nên xóa bỏ thành phần kinh tế nhà nước không?
Nếu hiểu “kinh tế nhà nước” là toàn bộ hoạt động kinh tế và nguồn thu của Nhà nước thì đương nhiên không thể nói đến chuyện xóa bỏ thành phần kinh tế nhà nước. Nhưng điều đáng nói là ở Việt Nam ta, kinh tế nhà nước trên thực tế thường được gắn với hạt nhân là các doanh nghiệp nhà nước. Ở mọi thể chế chính trị, nước nào cũng có doanh nghiệp nhà nước. Khác nhau là ở chỗ doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chủ đạo hay cạnh tranh bình đẳng với mọi thành phần kinh tế khác. Suốt những năm qua, Ban lãnh đạo Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kiên trì vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước, mặc dù Đại hội Đảng khóa XI đã biểu quyết không thừa nhận vai trò đó và TBT đã tuyên bố mình là thiểu số sẽ tuân theo đa số.
Quan điểm bảo vệ vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước xuất phát từ nhận thức CNXH dựa trên nền tảng sở hữu công cộng. Tuy nhiên, đó là một ngộ nhận. Lý luận của Mác không phải như thế. Theo Mác, cổ phần hoá mà chủ nghĩa tư bản đã làm là một hình thức của sở hữu công cộng. Trước đây, Việt Nam và tất cả các nước XHCN đều không chấp nhận kinh tế thị trường trong cơ chế kinh tế xã hội chủ nghĩa, và đó là trở lực không thể vượt qua đối với sự phát triển. Ngày nay, trong thế giới phẳng, với xu thế hợp tác rộng rãi giữa các quốc gia và sự tiến triển nhanh của khoa học và công nghệ, nhiều luận điểm kinh điển trong kinh tế chính trị đã thay đổi. Không còn sự khác biệt giữa kinh tế thị trường và kinh tế XHCN nữa. Vấn đề quan trọng là phải xây dựng được chính sách và chiến lược phát triển của mỗi quốc gia hòa nhập được với sự phát triển của thế giới và khu vực.
Những người tâm huyết với đất nước, những nhà nghiên cứu chân chính mặc dù biết hàng loạt doanh nghiệp nhà nước hoạt động lỗ nặng và hàng chục ngàn hecta đất cũng đang bị nhiều “ông lớn” sử dụng lãng phí nhưng không ai yêu cầu xóa bỏ kinh tế nhà nước. Người ta, chỉ yêu cầu chấm dứt phân biệt đối xử từ trong đường lối của Đảng đối với thành phần kinh tế tư nhân, thực hiện kiểm soát tốt và yêu cầu kinh tế nhà nước chỉ tập trung hoạt động trong ba nhóm lĩnh vực:
- Những lĩnh vực rất cần cho phát triển đất nước nhưng tư nhân không thể làm và không muốn làm;
- Những lĩnh vực ứng dụng khoa học - công nghệ đầu nguồn từ đó lan tỏa cho cả nền kinh tế, để bảo đảm sản xuất hiệu quả cao hơn, không bị thua thiệt trong cạnh tranh;
- Một số hoạt động sản xuất thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh mà ở nước ta, trước mắt, chưa thể để tư nhân làm (chứ không phải may trang phục, kinh doanh ngân hàng, bất động sản hay sân gôn cũng là quốc phòng, an ninh).
Các doanh nghiệp nhà nước cần hoạt động có hiệu quả cao, được trao quyền chủ động kèm theo cơ chế công khai, minh bạch, để người dân giám sát, đánh giá hiệu quả. Lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước được chọn lựa công khai trên cơ sở đáp ứng những tiêu chuẩn thiết thực, không nệ bằng cấp, chứng chỉ và không nhất thiết phải là đảng viên. Không nên cứ cấn cán cái đuôi XHCN, mà cần tập trung vào kết quả, hiệu quả kinh doanh với mục tiêu hiệu quả rõ ràng trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng.
Như vậy, nhiệm vụ cấp thiết đặt ra cho những người soạn thảo văn kiện Đại hội là nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý kinh tế quốc gia có cơ cấu các thành phần kinh tế phù hợp hoàn cảnh đất nước để tiếp cận được với trình độ phát triển của thế giới, chứ không phải đầu tư công sức để vẽ ra hay bảo vệ những mô hình kinh tế XHCN viển vông, xa rời thực tế, thiếu hiệu quả.
2. Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không?
Lâu nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, rất ít người công khai đề cập đến vấn đề thay đổi thể chế chính trị. Chính trị nói ở đây gồm cả đường lối phát triển đất nước và đường lối quản trị quốc gia. Trong hàng chục năm qua, Đảng lãnh đạo đã phạm quá nhiều sai lầm ở cả hai mặt này. Nhiều cán bộ lãnh đạo Đảng luôn lo sợ mất sự lãnh đạo của Đảng là mất đất nước mà không nghĩ rằng lãnh đạo yếu kém, không tiếp thu nhận thức và thành tựu mới của nhân loại là làm cho đất nước chậm phát triển, không bảo vệ được quyền lợi của dân tộc, là con đường tự đưa Đảng ra khỏi lực lượng chính trị lãnh đạo đất nước. Với hiện trạng kinh tế xã hội hiện nay, Đảng và Nhà nước phải căng hết sức cho công cuộc “đốt lò” thì còn đâu sức cho phát triển?
Có thể nói đã đến lúc không còn đường lùi. Bộ máy nhà nước dù do đảng kiểu nào lãnh đạo mà không ngăn chặn được suy thoái thì nhất thiết sẽ dẫn đến thay đổi thể chế chính trị, mà sự thay đổi bằng xung đột chính trị thường gây tổn thương lớn cho nhân dân và đất nước (như trường hợp Ucraina). Nếu không đổi mới chính trị thì không giải quyết được nạn tham nhũng, tệ con ông cháu cha, tệ tư bản thân hữu, doanh nghiệp sân sau…, không chọn lựa được những người con ưu tú nhất của dân tộc vào các vị trí lãnh đạo. Vì vậy, Đại hội Đảng khóa XIII phải khởi động cuộc cải cách chính trị như nhiều người tâm huyết với đất nước kiến nghị để tránh xung đột xã hội.
Nội dung cốt lõi của đổi mới chính trị sắp tới là đổi mới hệ thống chính trị, thiết lập cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ đất nước, quyết định đối với hệ thống chính trị, sự vận hành của hệ thống chính trị và đường lối phát triển đất nước. Thực ra, những mô hình hiệu quả đều đã có trong lý luận và hiển hiện trước mắt chúng ta. Vấn đề đặt ra cũng giống như Đổi mới năm 1986: Chúng ta có dũng cảm từ bỏ niềm tin giáo điều vào một mô hình trước nay vẫn đinh ninh là duy nhất đúng, quyết tâm sửa chữa sai lầm để làm những điều mà thế giới văn minh cả trăm năm nay đã làm không?
3. Có sửa đổi Điều lệ Đảng CSVN không?
Nếu thực hiện việc sửa đổi đường lối quản trị quốc gia thì mặc nhiên phải thay đổi Điều lệ Đảng. Thay đổi Điều lệ Đảng lãnh đạo một đất nước với nhận thức mới cho phù hợp với yêu cầu khách quan của sự phát triển, đáp ứng được nguyện vọng và quyền lợi của Đảng, của nhân dân là đòi hỏi tất yếu, sẽ là điều tốt để nâng cao uy tín của Đảng, không có gì đáng lo ngại.
Trong khi chờ sửa Điều lệ Đảng, chỉ cần Đảng hoạt động theo hiến pháp, pháp luật, làm những gì đã nói thì cũng là tốt rồi. Người dân thấy việc cần làm lúc này là ra đạo luật bảo vệ sự độc lập của tư pháp, và để có bảo đảm sự độc lập này, cần lập tòa án hiến pháp.
Lời kết
Song trùng với bài viết “Đất nước này không phải của riêng ai” (tác giả Tô Văn Trường), người viết bài này chỉ mong sao lò vẫn được đốt với tinh thần “Khó mấy cũng phải làm vì lò đã đốt lên rồi” và đi xa hơn, không chỉ chống tham nhũng mà là đổi mới thể chế để Đảng vững mạnh, đất nước phát triển bền vững, dân tộc trường tồn.
Chỉ hy vọng rằng ba câu hỏi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra tại Hội nghị Trung ương 10 là những câu hỏi lớn cần được thảo luận dân chủ để đi tới Đổi mới lần thứ 2; chứ không phải là những câu hỏi kiểu “Yes/No” để Trung ương hay Đại hội có dịp cùng nhau “No” và ai không “No” nghĩa là “suy thoái về tư tưởng”.
Xin tặng bạn đọc mấy câu văn vần để kết thúc có hậu bài viết này:
Cứ làm đi
xin đừng ngại!
Chung sức lại
vì non sông!
Muốn “hoá rồng”
”Lò” phải đốt
Ươm mầm tốt
diệt gian tà
Vượt trùng xa
tìm bến đậu
Cùng tranh đấu
ắt thành công!
T.V.T.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét