Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2019

20190510. BÌNH LUẬN VỀ ANH BA SÀM RA TÙ

ĐIỂM BÁO MẠNG
ANH BA SÀM RA TÙ

TRỊNH HỮU LONG/luatkhoa / BVN 7-5-2019

Anh Ba Sàm ra tù, bị trại giam thu giữ trên 1.000 trang ghi chép cá nhân

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người Ä‘ang đứng, cây và ngoài trời     
Ảnh: Nhà báo Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm - trái) và vợ, bà Lê Thị Minh Hà, trước Trại giam số 5, Thanh Hoá khi ông Vinh được trả tự do, ngày 5/5/2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp cho Luật Khoa
Hôm nay, 5/5, nhà báo Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm) mãn hạn tù và được trả tự do tại Trại giam số 5, Yên Định, Thanh Hoá.
Vợ ông, bà Lê Thị Minh Hà, và luật sư Trần Đình Triển đón ông tại cổng trại giam.
Trả lời phỏng vấn Luật Khoa ngay khi về đến nhà riêng tại phố Đặng Văn Ngữ, Hà Nội, nhà báo Nguyễn Hữu Vinh cho biết ông “rất vui được trở về nhà và đã gần như quên hết mọi mệt mỏi sau khi phải làm việc liên tục với trại giam trong 10 ngày qua”.
Ông Vinh cho biết, khoảng 10 ngày trước có hai sĩ quan cấp Đội phó của Cục An ninh Nội địa (Bộ Công an) tới yêu cầu làm việc với ông. Họ cho biết đến theo chỉ thị của cấp trên để tìm hiểu nguyện vọng của ông sau khi mãn án. Cuộc làm việc có hai camera ghi lại. Sau một số nội dung làm việc không chính thức, ông Vinh từ chối làm việc với cấp Đội phó và đề nghị họ nếu có làm việc thì cử người có thẩm quyền nhất định, thấp nhất là cấp Cục phó, có tuổi tác, vốn sống và hiểu biết về quá trình hoạt động của ông.
Theo ông Vinh, Phó giám thị trại giam sau đó yêu cầu miệng cho ông giao nộp các văn bản ghi chép của ông theo hình thức thống kê danh sách, đánh số, đóng thùng và niêm phong gửi về Cục An ninh Nội địa. “Tôi hỏi họ căn cứ vào đâu mà làm chuyện này thì họ nói lệnh trên như vậy, tôi hỏi lệnh trên nào thì họ không cho biết. Tổng cộng tôi có trên 1.000 trang ghi chép. Họ nói sẽ cho tôi số điện thoại của Cục để sau khi ra tù tôi liên hệ làm việc. Tôi lập tức khiếu nại lên Viện Kiểm sát Nhân dân Thanh Hoá”, nhà báo chủ trang Anh Ba Sàm cho biết.
“Hôm sau họ lại đến thuyết phục, tôi vẫn không chấp nhận. Cho đến sáng hôm qua (4/5 – PV), họ ra lệnh khám buồng giam của tôi, nói là để tạm giữ giấy tờ tài liệu để kiểm duyệt”.
“Tôi từ chối làm việc, không ký tá gì cả, và ghi vào biên bản là tôi bác bỏ toàn bộ nội dung biên bản. Tôi để kệ cho họ đóng tài liệu thành từng tập, mãi đến 6 giờ tối mới xong. Việc này là sai vì theo Luật Thi hành án Hình sự là họ phải hoàn tất mọi thủ tục mãn hạn tù cho phạm nhân trong ngày cuối cùng chấp hành án. Họ cũng không cho tôi biết là thu giữ đến khi nào, gửi đi đâu, cũng không cho tôi biết là họ sẽ liên hệ hay tôi sẽ phải liên hệ để giải quyết như thế nào”, Anh Ba Sàm cho biết.
Trong hình ảnh có thể có: 4 người, mọi người đang cười, mọi người đang đứng
Nhà báo Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm – phải) và luật sư Trần Đình Triển, ngày 5/5/2019 trước cổng Trại giam số 5, Thanh Hoá. Ảnh: Lê Thị Minh Hà/Luật Khoa
Anh Ba Sàm, tên thật là Nguyễn Hữu Vinh, thuộc về thế hệ nhà báo tiên phong trong trào lưu báo chí độc lập Việt Nam. Năm 2007, ông sáng lập trang báo mạng Ba Sàm, với chủ trương “phá vòng nô lệ”, trực tiếp thách thức hệ thống kiểm duyệt của chính quyền. Ông nhanh chóng biến nó thành trang báo có uy tín và ảnh hưởng bậc nhất Việt Nam cho tới khi ông bị bắt vào tháng 5/2014 về tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 258, Bộ luật Hình sự 1999. Ông bị kết án 5 năm tù về tội danh này trong một vụ án bị giới luật gia và các tổ chức nhân quyền lên án kịch liệt.
Quá trình trả tự do cho ông Nguyễn Hữu Vinh hôm nay diễn ra trong tình trạng an ninh trại giam và khu vực lân cận được thắt chặt. Bà Lê Thị Minh Hà, vợ ông Vinh, cho biết, xung quanh cổng trại giam có hàng trăm cảnh sát giao thông lẫn an ninh chìm, đồng thời có hai xe ô-tô đi trước và sau xe của gia đình trong suốt một chặng đường dài sau khi xe rời khỏi trại giam.
Trước đó, như Luật Khoa đã đưa tin, một cán bộ trại giam đã đe doạ ông Vinh và bà Hà rằng nếu có người ngoài gia đình tụ tập trước cổng trại giam giương biểu ngữ thì trại sẽ không trả tự do cho ông Vinh tại cổng trại mà sẽ đưa đến một nơi vắng vẻ và thả xuống. Trong nhiều trường hợp của các tù nhân chính trị khác, gia đình và những người ủng hộ thường tổ chức đi đón, có mang biểu ngữ và ghi hình.
Trong hình ảnh có thể có: 2 người
Nhà báo Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm) nói chuyện qua điện thoại với phóng viên Luật Khoa sau khi ra tù, ngày 5/5/2019, và cuốn sách về ông. Ảnh: Luật Khoa
Nhân dịp Anh Ba Sàm ra tù, Nhà xuất bản Trẻ Hà Nội và Nhà xuất bản Tự Do đã tái bản cuốn “Anh Ba Sàm” với nhiều nội dung được cập nhật, bổ sung. Theo nhà báo Phạm Đoan Trang, đây là cuốn sách đầu tiên về một tù nhân lương tâm ở Việt Nam, ra mắt chỉ 24 giờ trước phiên xét xử sơ thẩm vụ án Anh Ba Sàm.
“Đọc sách, ngoài việc hiểu thêm về blogger Ba Sàm và con đường khai dân trí nhọc nhằn của ông, các bạn cũng sẽ biết thêm nhiều điều thú vị và có ích cho bạn trong thời đại Internet, như: khái niệm chuẩn mực tố tụng, sai phạm tố tụng, chứng cứ điện tử, cách nhìn của cộng đồng quốc tế về một blogger Việt Nam, con đường “phản tỉnh” của một sĩ quan an ninh, v.v.”, nhà báo Phạm Đoan Trang viết trên trang facebook cá nhân.
Nguồn: https://www.luatkhoa.org/…/anh-ba-sam-ra-tu-bi-trai-giam-…/…

TÔI BỊ CHẶN VÌ THĂM ANH BA SÀM TRỞ VỀ !

LS TRẦN VŨ HẢI /FB Vũ Hải Trần/ BVN 7-5-2019

Tôi vừa mang hoa đến thăm bạn tôi, Nguyễn Hữu Vinh tức Anh Ba Sàm, vừa được tự do sau 5 năm tù và trở về nhà ở Hà nội. Tuy nhiên đến trước ngõ nhà anh, gần 50 người, phần lón không mặc quân phục chặn tôi. Tôi đành mất tới một giờ dạy cho các bạn này vể quyền con người, trong đó có quyền tự do đi lại và tình người, thăm bạn sau khi bạn ra tù. Tôi cũng nói, anh Vinh là bậc đàn anh, đồng môn sếp của các bạn, và lại là thân chủ của tôi. Các bạn nên tôn trọng anh Vinh và tôi. Nhưng có vẻ “nước đổ đầu vịt”.
Mấy bạn này cử một thanh niên tự nhận là “trẻ trâu” nói chuyện “to nhỏ” với tôi. Nhưng rồi cậu ta cũng đành “chuồn”, khi tôi nói “bác từng nói 4 tiếng liên tục, cháu đừng đùa”.
Tôi đề nghị một bạn có vẻ chỉ huy, xưng tên Tuấn trao đổi. Tôi nói, tôi đến đây mang hoa tặng bạn tôi, nếu các bạn chặn tôi, ít ra các bạn lịch sự đưa hoa này của tôi đến vợ chồng anh Vinh, báo Luật sư Trần Vũ Hải tặng, rồi tôi về. Cuối cùng các bạn đồng ý thoả hiệp này.
Trong hình ảnh có thể có: 1 người


Trong hình ảnh có thể có: má»™t hoặc nhiều người, mọi người Ä‘ang Ä‘i bá»™, nhà và ngoài trời 


PS: Một bạn đã gửi tôi ảnh Anh Ba Sàm ngồi trong nhà và ảnh “các lực lượng trực chiến” trước ngõ nhà ABS. ABS vừa thông báo đã nhận được hoa của tôi, chắc chắn chúng tôi sẽ sớm gặp nhau!
T.V.H. Nguồn: FB Vũ Hải Trần


TRANG WEB PHẢN ĐỘNG 

ĐỖ THÀNH NHÂN/ BVN 7-5-2019

Những nhà độc tài thì nhìn đâu cũng thấy kẻ thù; đến nỗi gian hùng Tào Tháo đang ngủ vung kiếm chém kẻ thù trong giấc mơ hay giết cả gia đình ân nhân mổ heo đãi mình.
Với bản chất độc tài, mặc dù Đảng Cộng sản độc quyền quản lý nhà nước và xã hội nhưng họ nhìn đâu cũng thấy thế lực thù địch; đến nỗi xu thế phát triển xã hội bất bạo động, diễn ra một cách hòa bình cũng bị thù địch hóa thành “thế lực diễn biến hòa bình” vô hình. Thậm chí những “khẩu hiệu”, “trang web” cũng trở thành phản động.
Trước đây tôi đã viết bài “Khẩu hiệu phản động” (1) đăng trên các trang AnhBaSam, Bauxite. Bài viết “Trang web phản động” này kỷ niệm ngày AnhBaSam ra khỏi nhà tù nhỏ để tiếp tục “PHÁ VÒNG NÔ LỆ”. AnhBaSam - Nguyễn Hữu Vinh; một hạt giống đỏ, đảng viên, sĩ quan an hinh hiếm hoi được cộng đồng kính trọng.
Ngày 15/01/2013 tôi bị Trương Quang Rân, Phó phòng PA83 công an tỉnh Quảng Ngãi bắt, thu giữ laptop và nhiều tài nguyên thông tin, tài sản trí tuệ của bản thân (2).

Công an kiểm tra trong laptop có các tài liệu, bài viết, đường link từ các trang web như RFA, BBC, Bauxite, AnhBaSam, DanLamBao, QuanLamBao, .v.v…
Vậy là cơ quan công an bắt tôi làm việc suốt 4 tháng 01 ngày với nhiều bộ phận chuyên môn khác nhau và tổ chức đấu tố để buộc tội dưới sự lãnh đạo của Bí thư Võ Văn Thưởng.
Phần dưới đây tóm tắt một “chuyên đề” làm việc với các anh an ninh (AN) và Tôi:
***
AN: Tại sao anh xem các trang báo đài phản động nước ngoài?
Tôi: trang nào phản động?
AN: chẳng hạn như RFA, BBC, …
Tôi: Tôi đâu có thấy cơ quan chức năng nào nói phản động, cấm vào xem đâu; tôi thấy báo chí trong nước thỉnh thoảng cũng trích đăng tin, bài trên đó mà.
AN: Anh thường xuyên vào các trang web như “Bauxite Việt Nam”, “AnhBaSam”,… là các trang phản động, đưa tin tức bôi nhọ, nói xấu chủ trương chính sách của đảng, nhà nước,… tại sao?
Tôi: Tôi thấy các trang này cung cấp thông tin đa dạng; không thấy họ nói xấu cái gì cả. Với lại trang “Bauxite Việt Nam” của các ông Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn và Nguyễn Thế Hùng là những nhà giáo, nhà khoa học nổi tiếng; còn trang “AnhBaSam”, thì theo tôi biết là của ông Nguyễn Hữu Vinh là một sĩ quan an ninh. Nếu các trang web này phản động (1) thì nhà nước phải có văn bản cấm và bắt những người của các trang web này chứ. Tôi là dân, cái gì nhà nước không cấm thì tôi được làm.
AN: Anh nói nếu các trang nào mà nhà nước cấm thì anh không vào xem, tham gia?
Tôi: Cái gì luật pháp cấm thì tôi không làm.
AN: (hỏi có vẻ thích thú) Vậy tại sao anh vào xem các trang "Dân làm báo", "Quan làm báo", ... những trang này nhà nước đã có văn bản 7169 (2) cấm xem, được thông báo rộng rãi trên báo đài và tivi. Anh có biết văn bản đó không ?
Tôi: Tôi có biết, nhưng tôi không quan tâm.
AN: Tại sao? Vậy là anh có thừa nhận vi phạm không?
Tôi: Thứ nhất, đây là một văn bản chỉ có giá trị trong nội bộ các bên gởi và nhận; không phải văn bản quy phạm pháp luật. Thứ hai: tôi không thuộc đối tượng áp dụng của văn bản; tôi không phải cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên. Nên tôi không quan tâm tới văn bản 7169 này và cũng không thấy vi phạm.
(hai bên nói chuyện một hồi nữa rồi chuyển qua “chuyên đề” khác)
***
Chúc mừng Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh ra tù, rất mong anh sẽ tiếp tục “PHÁ VÒNG NÔ LỆ”. Mặc dù từng là một hạt giống đỏ, đảng viên, sĩ quan an ninh nhưng “AnhBaSam” đã đưa tin đa chiều, khách quan, trung thực hướng tới một xã hội phát triển nên anh Nguyễn Hữu Vinh xứng đáng được cộng đồng tôn trọng.
Có dịp nói chuyện với các anh an ninh, tôi sẽ hỏi: nếu chỉ có 2 chọn lựa cuộc đời của mình, kết cục sẽ giống như Chủ tịch nước Trần Đại Quang hoặc Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, buộc phải chọn duy nhất một trường hợp, thì anh (chị, bạn) sẽ chọn giống ai ?.
Ghi chú:
(1) Tra Google bài viết “Khẩu hiệu phản động” đăng trên các trang:
(2) Giai đoạn này ông Võ Văn Thưởng làm Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi, nay là Ủy viên Bộ chính trị Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Cho đến nay cơ quan công an vẫn không chịu giao trả đầy đủ tài sản lại cho tôi giá trị hàng tỷ đồng. Ít nhất đã 3 lần tôi gởi đơn cho ông Võ Văn Thưởng đề nghị giải quyết nhưng vẫn không trả lời, hoặc đối thoại; mặc dù ông ta cứ hô hào chỉ đạo cấp dưới đối thoại.
(3). Lúc đó trang “Bauxite Việt Nam” chưa có ông Phạm Xuân Yêm; còn anh “AnhBaSam” Nguyễn Hữu Vinh thì chưa bị bắt.
(4) Văn bản số 7169/VPCP-NC của Văn phòng Chính phủ ký ngày ngày 12/09/2012, V/v xử lý thông tin có nội dung chống Đảng và Nhà nước. Nội dung chi tiết ở đây http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=2&mode=detail&document_id=163586
“… Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo như sau:
1. Giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng tập trung chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
2. Giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan cung cấp thông tin khách quan, đúng sự thật về tình hình các mặt của đất nước ta, nhất là các vấn đề mà dư luận quan tâm; chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý nghiêm việc thông tin, tuyên truyền không đúng sự thật. Khẩn trương trình Nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.
3. Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường cung cấp thông tin kịp thời, chính xác và chủ động phản bác các thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, chống Đảng và Nhà nước.
4. Các Bộ, ngành, các địa phương lãnh đạo cán bộ, công chức, viên chức không xem, không sử dụng, loan truyền và phổ biến các thông tin đăng tải trên các mạng phản động.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan biết, thực hiện./.”
Đ.T.N.
Tác giả gửi BVN

BA SÀM NGUYỄN HỮU VINH KỂ CHUYỆN TÙ

PV CÁT LINH/ NV 7-5-2019

‘Tù nhân chính trị bị o ép và kiểm soát về tinh thần’

LTS: Lúc 10 giờ 30 tối 7 Tháng Năm (giờ Việt Nam), Nhật Báo Người Việt thực hiện cuộc phỏng vấn trực tuyến với Nhà Báo, Blogger Basam Nguyễn Hữu Vinh, chủ trang blog Basam, trang mạng chuyên về điểm tin tình hình trong nước, thế giới, các bài viết về dân chủ, nhân quyền. Trong đó, nổi bật với các bài về Trung Quốc và Biển Đông.
Ông Nguyễn Hữu Vinh lập trang blog Basam vào năm 2007. Trang blog này không lâu sau trở nên nổi tiếng nhất và có nhiều ảnh hưởng nhất Việt Nam. Hôm 5 Tháng Năm, ông Nguyễn Hữu Vinh mãn án 5 năm tù vì cáo buộc tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích hợp pháp của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” và trở về nhà riêng ở Hà Nội. Việc bắt ông Nguyễn Hữu Vinh và người cộng sự là bà Nguyễn Thị Minh Thúy vào ngày 5 tháng Năm, 2014 đã gây ra một làn sóng rộng khắp các trang mạng trong và ngoài nước. Phiên tòa xét xử ông Nguyễn Hữu Vinh và cộng sự đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của phóng viên quốc tế.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của Người Việt tối 7 Tháng Năm, ông Nguyễn Hữu Vinh kể lại nhiều câu chuyện trong thời gian bị cầm tù, đặc biệt là sự phân biệt đối xử giữa tù nhân chính trị và tù hình sự. 
***
Tù chính trị bị giám sát nghiêm ngặt
Việc giam giữ có sự phân loại. Một số trại đại đa số là tù hình sự, là những người phạm các tội như kinh tế, gây tai nạn chết người hoặc chiếm đoạt tài sản… Một số ít thôi tạm gọi là tù chính trị như chúng tôi, bị tách ra một khu riêng. Tôi ở trại 5 (Thanh Hóa). Ở phân trại đó khoảng 700 người là tù hình sự.
So sánh một cách khách quan sự khác biệt giữa hai khu đó. Khu chính trị thì điều kiện sống, tạm gọi là điều kiện vật chất thì thuận lợi hơn khu hình sự rất nhiều. Một phòng giam lớn của khu hình sự có vài chục phạm nhân. Trong đó rất thiếu quạt mát vào mùa hè. Rất khổ.
Còn chúng tôi ở bên này, 1 phòng nhỏ thôi, 2 đến 3 phạm nhân thì có 1 cái quạt. So với bên hình sự thì nó thuận lợi hơn.
Thế nhưng, thứ nhất, điều kiện vật chất thì đáng lẽ là phải tốt hơn nữa trong phạm vi có thể nhưng người ta luôn siết chặt một cách vô nguyên tắc. Nếu như có đấu tranh mức độ nào đó thì người ta mới nới lỏng ra.
Thứ hai nữa là tinh thần. Có những cái o ép, kiểm soát mà lẽ ra phạm nhân hình sự phải chịu nhưng lại không bị. Tôi lấy ví dụ như ở trong một phòng giam của chúng tôi, chỉ có 2 hoặc 3 người thôi nhưng có đến 2 cái camera giám sát 24/24. Khi mất điện, tắt đèn tối đen nó vẫn giám sát được. Ngoài sân nhỏ cũng có 1 camera. Nghĩa là 3 người (trong phòng giam tù chính trị) có 3 camera.
Nhưng ở ngoài khu hình sự, một phòng giam rất lớn thì không có camera nào cả. Phạm nhân hình sự rất dễ có những chuyện đụng độ với nhau, và nhiều chuyện khác nữa đáng lẽ rất cần phải có camera giám sát nhưng họ lại coi như không cần.
Mấy phạm nhân chính trị thường là rất nghiêm túc trong chuyện thực hiện nội qui. Chúng tôi trong suốt mấy năm ở đây không vi phạm nội qui nhưng vẫn bị giám sát. Khi chúng tôi ra ngoài vui chơi hoặc lao động một chút thì lúc nào cũng có vài cán bộ ngồi đấy. Tôi cũng có nhiều lần gợi ý là họ không cần cẩn thận quá như thế, chỉ cần khóa cái cửa là được rồi. Tù hình sự, 50 người, 70 người mà người ta vẫn khóa cửa để cho vui chơi trong khuôn viên ấy, không cần cán bộ trông coi như chúng tôi, 10 người, 15 người cũng có cán bộ trông coi.
Hoặc là mấy ngày tôi sắp về đây thì tôi thấy ngay hiện tượng họ (trại giam) tăng cường giám sát. Mấy người qua phòng tôi chia tay, tâm sự mấy câu, họ nhìn camera họ thấy thế là có sự chỉ đạo bên ngoài vào, dùng điện đàm ra lệnh ngay ở trong là “thôi, dẹp, cho mỗi người về một phòng.” Tôi biết ngay là họ không muốn chúng tôi trao đổi với nhau nhiều.
Đấy là một cái ví dụ. Còn rất nhiều ví dụ khác nữa. Ví dụ như thư từ, gặp người nhà, viết cái gì mà hơi đụng chạm tới những cái họ cho là chính trị là bị chặn ngay. Như mấy tháng đầu tôi viết thư về nhà là bị chặn lại, không cho gửi rất nhiều thư mà không giải thích lý do gì cả. Mà tôi cho rằng giáo dục phạm nhân là rất nên để cho phạm nhân quan tâm đến thời cuộc. Đó là dạy cho người ta, để người ta thay đổi con người, hướng thiện. Đây lại ngược lại, khi tỏ ra hướng thiện thì bị ngăn chặn. Cái đó là chuyện không thể giải thích nổi.
Sự khác biệt về tinh thần giữa tù nhân hình sự và chính trị
Ví dụ, có một việc trong văn bản pháp luật qui định là giữa gia đình phạm nhân với trại phải có những sự trao đổi, phối hợp để giúp phạm nhân cải tạo. Muốn làm điều đó thì trại có làm đôi việc, trong đó có một việc mà mỗi năm chỉ làm một lần, đó là có gia đình một số phạm nhân được mời đến trại để họp hội nghị gia đình như được ăn uống cùng với gia đình. Đấy như một phần thưởng với những phạm nhân cải tạo tốt.
Nhưng chuyện đấy chỉ xảy ra với các phạm nhân tù hình sự. Còn đối với chúng tôi thì không biết gì về những việc ấy cả.
Đến một ngày, tôi để ý loa thông báo ngoài khu vực tù hình sự thì tôi ngờ ngợ có việc đó. Tôi tìm cách hỏi phạm nhân hình sự thì tôi mới biết có chuyện đó. Tôi mới đề nghị là chúng tôi cũng phải được tiêu chuẩn đó thì tại sao chúng tôi không được thông báo chuyện ấy. Dù chúng tôi không được cũng phải cho chúng tôi biết là tại sao không được. Chúng tôi hoàn toàn bị bưng bít chuyện đó.
Đề nghị này của tôi qua mấy năm, họ cứ ậm ờ, không giải đáp, không trả lời gì cả. Có năm thì họ nói là ờ vì năm nay trại bận bịu nhiều việc nên không tổ chức hội nghị gia đình hoặc là tổ chức rất là hẹp thôi. Họ không giải đáp một cách minh bạch cho chúng tôi.
Đấy là một ví dụ cho thấy phạm nhân tù chính trị và tù hình sự có sự khác biệt rất chênh lệch về tinh thần rất quan trọng. Có thể là hơn về vật chất nhưng về tinh thần thì có những cái rất thua thiệt.
Kể cả thăm nuôi, có qui định là mấy tháng thì phạm nhân được xếp loại khá, tốt sẽ được thưởng là có thêm nhiều giờ thăm nuôi từ gia đình, hoặc có người được phòng riêng để ở với gia đình 24 tiếng. Cũng như với hội nghị gia đình, chúng tôi hoàn toàn không được thông báo chuyện này cũng không ai được hưởng chế độ này. Liên tục mấy năm tôi đấu tranh cho việc này nhưng họ cũng không giải đáp và không giải quyết.
Nhưng tôi cũng được biết là họ ngấm ngầm cho vài người được hưởng cái đó.
Cái này lại là một cái tệ khác, một cái sai khác. Tôi biết tại sao họ ngấm ngầm làm như thế, tại sao họ làm sai nguyên tắc, phân biệt đối xử như thế. Những cư xử này nó chẳng phải là nghiệp vụ gì cả, nó trở thành một cái gọi là cách cư xử nhỏ mọn, không thể gọi là nghiệp vụ được. Nó sẽ là phản tác dụng, phản giáo dục và vô giáo dục.
Tôi nói thẳng trước mặt cán bộ trại, phó giám thị, tôi nói các vị là những người gọi là giáo dục phạm nhân nhưng lại làm những việc phản giáo dục. (Cát Linh)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét