Thứ Ba, 28 tháng 5, 2019

20190528. HUAWEI VÀ CUỘC CHIẾN CÔNG NGHỆ MỸ-TRUNG

ĐIỂM BÁO MẠNG

HUAWEI VÀ CUỘC CHIẾN CÔNG NGHỆ MỸ -TRUNG !

HUỲNH HOA / TBKTSG 24-5-2019

(TBKTSG) - Tập đoàn công nghệ khổng lồ của Trung Quốc Huawei vừa “thở phào nhẹ nhõm” khi Bộ Thương mại Mỹ quyết định “ân hạn” 90 ngày để Huawei thực hiện các thương vụ mua sắm cần thiết với các công ty Mỹ nhằm duy trì hoạt động của hàng triệu máy điện thoại di động Huawei, cũng như rất nhiều mạng viễn thông do Huawei thiết lập ở châu Âu và châu Á.
Sau thời gian này, mọi giao dịch của các doanh nghiệp công nghệ Mỹ với Huawei phải được chính quyền Mỹ phê chuẩn.

Huawei, tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc, có nguy cơ bị loại khỏi thị trường thế giới khi không còn tiếp cận được các linh kiện, phần mềm và dịch vụ của Mỹ theo quyết định của Washington. Ảnh: NYT.
Hôm Chủ nhật, Công ty Google thuộc tập đoàn Alphabet công bố chấm dứt hỗ trợ Huawei trong việc cập nhật hệ điều hành Android chạy trên các máy điện thoại thông minh Huawei sắp sản xuất, các ứng dụng phổ biến như Bản đồ (maps), thư điện tử Gmail, cửa hàng ứng dụng Google Play Store và trình chiếu video YouTube cũng không được cung cấp cho sản phẩm điện thoại của Huawei nữa.
Quyết định của Google giáng một đòn chí tử vào tham vọng chiếm lĩnh thị trường điện thoại thế giới của Huawei - nhà sản xuất nhiều điện thoại thứ hai, chỉ sau Samsung.
Theo sau Google trong mảng phần mềm, hai tập đoàn sản xuất chip điện tử hàng đầu thế giới là Intel và Qualcomm yêu cầu nhân viên chấm dứt mọi liên hệ với Huawei cho đến khi có lệnh mới. Không có linh kiện phần cứng của Intel và Qualcomm, Huawei không chỉ không thể tiếp tục sản xuất điện thoại mà cả các hệ thống thiết bị viễn thông của họ cũng bị đình trệ. Làn sóng “cấm cửa Huawei” bắt đầu lan rộng khi công ty Infineon của Đức hôm thứ Hai cũng thông báo bắt đầu hạn chế giao dịch với Huawei.
Bị “cấm cửa” cả phần cứng lẫn phần mềm, Huawei đứng trước một tình huống bi đát, có thể bị loại hoàn toàn khỏi thị trường viễn thông thế giới, giống như công ty thiết bị viễn thông Trung Quốc ZTE từng gặp phải hồi năm ngoái.
Chiến tranh thương mại qua thuế nhập khẩu kết hợp với chiến tranh công nghệ qua việc hạn chế các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận công nghệ cao của Mỹ thực sự là một cuộc chiến tranh lạnh mà Mỹ phát động để buộc Trung Quốc phải thay đổi cung cách thương mại, tuân thủ những luật chơi công bằng, có đi có lại thay cho việc lạm dụng lợi thế thị trường khổng lồ để chèn ép, tiến tới tiêu diệt đối thủ mà Trung Quốc thực hiện từ trước đến nay.
Trong hai thập niên qua, Trung Quốc đã nỗ lực xây dựng một bức tường thành kỹ thuật số ngăn cách thị trường Trung Quốc với phần còn lại của thế giới, nhưng đáng lưu ý đó là bức tường chỉ mở cửa một chiều. Các tập đoàn công nghệ Mỹ như Facebook, Google - và các dịch vụ của chúng - đều bị cấm hoạt động ở Trung Quốc trong khi các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc được tự do, được khuyến khích và được hỗ trợ để thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường nước ngoài.
Trung Quốc một mặt cấm doanh nghiệp công nghệ nước ngoài để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước phát triển, mặt khác buộc các doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Trung Quốc, phải tuân thủ sự kiểm duyệt của chính quyền Trung Quốc, nếu không thì bị cấm cửa. Do thị trường Trung Quốc quá lớn, khả năng sinh lợi cao, rất nhiều doanh nghiệp công nghệ Mỹ và châu Âu phải chấp nhận luật chơi không công bằng, và dần dần bị các doanh nghiệp nội địa Trung Quốc lấn lướt.
Nay gió đã bắt đầu đổi chiều, Tổng thống Trump dùng ngay chính sách “cấm cửa một chiều” của Trung Quốc để trả đũa, đòi giao thương phải “có đi có lại”: doanh nghiệp Mỹ phải được tự do làm ăn ở Trung Quốc như các doanh nghiệp Trung Quốc được tự do làm ăn ở Mỹ và các nước khác.
Nếu như Google, Facebook bị cấm ở Trung Quốc thì Huawei, ZTE cũng phải bị cấm ở Mỹ; nếu doanh nghiệp Mỹ bị hạn chế tiếp cận thị trường Trung Quốc thì doanh nghiệp Trung Quốc cũng không được tự do tiếp cận công nghệ cao của Mỹ.
Tình huống thay đổi làm lộ ra chỗ yếu chết người của Trung Quốc: Trung Quốc có thể tạo ra rất nhiều ứng dụng phục vụ những nhu cầu đa dạng của cuộc sống, nhưng lại không có công nghệ nguồn; tất cả mọi ứng dụng của họ đều phải vận hành trên những nền tảng mà người Mỹ sáng tạo ra, dù đó là hệ điều hành Windows cho máy tính, hay iOS và Android cho thiết bị di động.
Không có những nền tảng này thì những Alibaba, Tencent không hoạt động được, điện thoại Huawei, Xiaomi, Oppo... sẽ trở thành những cục chặn giấy vô tri. Ngay trong công nghệ phần cứng, Trung Quốc đã đầu tư hàng trăm tỉ đô la để xây dựng ngành bán dẫn, mời gọi nhiều kỹ sư và chuyên viên điện tử Hoa kiều từ Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc đến làm việc với chế độ đãi ngộ rất cao, nhưng đến nay sản phẩm chip của Trung Quốc vẫn còn quá thô sơ so với sản phẩm của Intel, Qualcomm, Nvidia, Broadcom và nhiều tập đoàn Mỹ khác.
Có những dự báo cho rằng, cuộc chiến tranh công nghệ với Mỹ sẽ thúc đẩy Trung Quốc đi nhanh hơn trong việc tạo ra những nền tảng công nghệ riêng của mình, giống như vụ Liên xô phóng vệ tinh Sputnik thôi thúc người Mỹ phải lao lên chinh phục không gian hồi thế kỷ trước.
Có thể rồi đây người Trung Quốc sẽ sử dụng những chiếc điện thoại Huawei do họ thiết kế và chế tạo toàn bộ, chạy hệ điều hành HongMeng OS do Huawei phát triển từ năm 2012, nhưng những sản phẩm công nghệ như vậy có chinh phục được một thị trường thế giới đã quen với Android, Google Search, Facebook, YouTube... hay không là một câu hỏi không khó trả lời.
Báo chí Trung Quốc cho biết hôm thứ Hai 20-5, ông Tập Cận Bình đã đi thăm một số cơ sở khai thác và chế biến đất hiếm - loại nguyên liệu tối cần thiết cho các thiết bị công nghệ cao mà Trung Quốc gần như độc quyền nhờ trữ lượng rất lớn. Đất hiếm và xuất khẩu đất hiếm từng được Bắc Kinh sử dụng làm vũ khí trong tranh chấp chủ quyền biển đảo với Nhật Bản, có khả năng lại được sử dụng để gây khó cho ngành công nghệ Mỹ. Hãy chờ xem!
H.H
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

HỆ ĐIỀU HÀNH HONGMENG CỦA HUAWEI CÓ ĐỦ SỨC THAY THẾ ANDROID ?

CHÁNH TÀI/ TBKTSG 25-5-2019

(TBKTSG Online) - Hãng thiết bị viễn thông và smartphone Huawei đã tự xây dựng hệ điều hành riêng cho smartphone và laptop để thay thế Android của Google nhưng nỗ lực này rất khó thành công, theo nhận định của giới phân tích.
Tuần trước, Huawei đã được văn phòng nhãn hiệu của Cục Quản lý tài sản sở hữu trí tuệ quốc gia Trung Quốc cấp bản quyền nhãn hiệu “Hongmeng” cho hệ điều hành di động. Huawei đã phát triển hệ điều hành Hongmeng trong một dự án có mật danh “Dự án Z” như một chính sách phòng ngừa trường hợp bị cắt tiếp cận công nghệ Mỹ như hệ điều hành Android của Google vốn đang được Huawei sử dụng làm nền tảng vận hành smartphone.
Huawei dự kiến triển khai hệ điều hành Hongmeng vào cuối năm nay nếu Google chính thức ngưng cung cấp và hỗ trợ phần mềm Android cho Huawei sau khi hãng này bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách đen vì các lo ngại an ninh quốc gia. Các công ty Mỹ bị cấm bán công nghệ và linh kiện cho các công ty trong danh sách đen này nếu chưa có giấy phép.
Song thuyết phục người dùng smartphone hiện nay chuyển sang các hệ điều hành khác là điều cực kỳ khó khăn. Nhiều công ty công nghệ bao gồm Samsung, Microsoft đã tự phát triển hệ điều hành để thay thế Android nhưng chúng chưa bao giờ được đón nhận rộng rãi. Cách đây vài năm, Samsung ra mắt hệ điều hành di động Tizen nhưng không thu hút người dùng. Microsoft cũng bán các smartphone sử dụng một phiên bản của hệ điều hành Windows dành cho di động nhưng kết quả không khả quan.

Huawei dự định triển khai sử dụng hệ điều hành Hongmeng cho các smartphone của hãng này ở thị trường Trung Quốc vào cuối năm nay. Ảnh: TechNave
Trên thực tế, thị trường đang ở thế độc quyền “song mã” với Android được cài đặt trong 87% doanh số smartphone toàn cầu trong quí 1-2019 và hệ điều hành iOS của Apple chay gần như ở tất cả smartphone còn lại được bán trong cùng quí, theo công ty nghiên cứu thị trường Canalys.
“Bạn đang cung cấp cho người dùng một hệ sinh thái hoàn toàn mới, các ứng dụng cơ bản hoàn toàn mới và bạn cần phải thuyết phục người dùng thử chúng. Thật lòng mà nói, đó là một điều rất khó cho Huawei”, Mo Jia, nhà phân tích ở công ty nghiên cứu thị trường Canalys. nhận định.
Các hoạt động của Huawei chắc chắn sẽ đối mặt với nhiều tổn thất do lệnh cấm vận của Mỹ dù hãng này đã đầu tư lớn trong những năm gần đây để phát triển các linh kiện và phần mềm riêng nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp ở Mỹ.
Các nhà sản xuất công nghệ khác của Trung Quốc thậm chí còn phụ thuộc lớn hơn vào các nhà cung cấp Mỹ, khiến cho một động thái của Mỹ nhằm gây gián đoạn chuỗi cung ứng như chip và hệ điều hành di động trở thành một vũ khí lợi hại trong cuộc chiến tranh thương mại trên bình diện rộng lớn hơn giữa Washington và Bắc Kinh.
Các thông tin chi tiết về hệ điều hành Hongmeng vẫn chưa được tiết lộ nhiều. Một nguồn tin cho biết cái tên Hongmeng không nhất thiết là tên cuối cùng sử dụng cho hệ điều hành tự phát triển của Huawei.

Một cửa hàng của Huawei sắp khai trương ở Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: AP
Huawei có thể mất ít nhất từ 2-3 để vận hành các ứng dụng được sử dụng phổ biến nhất, tương thích với hệ điều hành mới.
Nhà phân tích Mo Jia cho rằng các khách hàng smartphone của Huawei bên ngoài Trung Quốc, vốn đã quen sử dụng các ứng dụng của Google, ít khả năng chuyển sang sử dụng hệ điều hành mới hơn người dùng Trung Quốc.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin CNBC hôm 22-5, Richard Yu, Giám đốc mảng kinh doanh tiêu dùng của Huawei cho biết, hệ điều hành tự phát triển của hãng này có thể được triển khai sử dụng ở Trung Quốc vào cuối năm nay và ở các thị trường quốc tế vào đầu năm sau.
Android là phần mềm mã nguồn mở, nghĩa là Huawei có thể tiếp tục sử dụng phiên bản cộng đồng của nó có tên gọi Dự án mã nguồn mở Android (AOSP) cho các smartphone của hãng này trong trường hợp Google ngưng hợp tác. Tuy nhiên, các dòng smartphone trong tương lai của Huawei có thể sẽ không được Google cấp phép sử dụng các ứng dụng thông dụng như Gmail, Google Maps, Google Play.
Ngoài ra, người dùng smartphone của Huawei hiện tại có thể sẽ không được Google cung cấp các bản cập nhật an ninh và phần mềm sau khi thời gian 90 ngày tạm hoãn thi hành lệnh cấm vận với Huawei kết thúc vào ngày 19-8 tới.
Mất quyền tiếp cận hệ điều hành Android là một đòn giáng mạnh cho mảng kinh doanh smartphone đang thành công rực rỡ của Huawei. Doanh số xuất khẩu smartphone của Huawei trong quí 1 tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái, đi ngược lại với xu hướng suy giảm của thị trường chung, theo hãng nghiên cứu thị trường IDC.
Trong một báo cáo chung công bố hôm 24-5, các nhà phân tích ở hai công ty Fubon Research và Strategy Analytics dự báo lệnh cấm vận của Mỹ có thể khiến doanh số smartphone của Huawei trong năm nay giảm từ 4% đến 24%.
Cho đến nay, ngoài Google, nhiều hãng chip khác của Mỹ như Intel, Qualcomm, Xilinx và  Broadcom cũng đã tuyên bố ngưng cung cấp linh kiện cho Huawei.
“Huawei có thể bị xóa sổ tại thị trường smartphone Tây Âu vào năm sau nếu không được tiếp cận dịch vụ phần mềm và phần cứng của Google”, Linda Sui, Giám đốc chiến lược smarphone ở công ty Strategy Analytics, nhận định. Theo hãng nghiên cứu thị trường IDC, Huawei nắm giữ 30% thị phần smartphone ở châu Âu vào năm ngoái.
Linda Sui dự báo doanh số smartphone có thể tiếp tục sụt giảm 23% vào năm sau nhưng hãng này vẫn sống sót nhờ quy mô khổng lồ của thị trường Trung Quốc.
Trước đây, Fubon Research dự báo Huawei có thể bán 258 triệu smartphone trong năm 2019 nhưng giờ đây công ty điều chỉnh con số dự báo này về mức 200 triệu trong kịch bản xấu nhất.
Stewart Randall, nhà phân tích ngành công nghiệp chip ở công ty tư vấn Intralink, có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết Huawei có thể phải sa thải hàng ngàn nhân sự và biến mất khỏi danh sách dẫn đầu thị trường smartphone toàn cầu trong một thời gian. Các nhà phân tíchk khác cho rằng các khách hàng tiềm năng của Huawei sẽ chuyển sang mua các smartphone cao cấp của Samsung, Apple hoặc các smartphone tầm trung của các đối thủ OPPO và Vivo.
Theo Wall Street Journa

HUAWEI 'LẬN ĐẬN' Ở VIỆT NAM, HÃNG NÀO HƯỞNG LỢI ?

GIA HƯNG /DÂN TRÍ 24-5-2019

(Dân trí) Nếu tình hình không được cải thiện, mảng kinh doanh smartphone của Huawei ở Việt nam sẽ gặp nhiều bất lợi và có thể đánh mất số thị phần đang nắm vào tay các nhà sản xuất khác. Vậy ai sẽ được hưởng lợi từ "cuộc chiến" này?

Huawei đang đứng ở đâu tại Việt Nam?
Trong vài năm trở lại đây, Huawei đã cho thấy sự ảnh hưởng của mình tại đất nước hình chữ S. Hãng này liên tiếp tung ra nhiều sản phẩm với mức giá rẻ để hòng chiếm lấy thị phần. 
Rõ nét nhất là từ năm 2017, họ vẫn dẫm châm tại chỗ với mức dưới 3% nhưng đến năm 2018, những chiến lược kinh doanh mới cũng như những khoản đầu tư mạnh mẽ vào marketing, 9 tháng đầu năm 2018 họ chiếm được 4,2% thị phần. Đến đầu năm 2019, Huawei tiếp tục tăng trưởng mạnh, chiếm đến 5,6% thị phần tại thị trường Việt. 
Dẫn báo cáo mới nhất từ GFK tháng 4 năm 2019, thị phần của Huawei vẫn đang giữ vững ở mức 5,1%, đứng vị trí thứ 4 tại Việt Nam sau Samsung (46,6%), Oppo (22,3) và Apple (7,5%). 
Một thương hiệu con khác cũng thuộc Huawei đó là Honor, hãng này cũng cho thấy là một tay chơi không kém "đàn anh". Honor đang nắm giữ 3,8% thị phần di động tại Việt Nam, xếp vị trí thứ 5 theo báo cáo của GFK tháng 4/2019. 

Huawei lận đận ở Việt Nam, hãng nào hưởng lợi? - 1
Huawei đang tạo ra sức ép ở nhiều phân khúc smartphone tại Việt Nam
Tổng hai thương hiệu này cộng lại đã lớn hơn con số 7,5% thị phần của hãng đang nắm thị phần số 3 tại Việt Nam là Apple. "Với những con bài chiến lược về giá, công nghệ từ dòng cao cấp đưa xuống dòng phổ thông, Huawei thực sự là một "tay chơi" đủ tầm để đe dọa các thương hiệu khác trong thời gian tới nếu như không có chuyện xảy ra vừa qua", Ông Nguyễn Đạt, đại diện Di động Việt nhận định. 
Ông này cũng cho rằng, nhu cầu mua sắm của người dùng Việt đã thay đổi khá nhiều trong vòng 2 năm trở lại đây. Họ không còn chi tiêu số tiền lớn dành cho smartphone. Họ lựa chọn sản phẩm hợp túi tiền, công nghệ tốt và đó cũng là 2 điểm mạnh mà Huawei đang có khi so với các thương hiệu Trung Quốc khác. Công ty này cũng đã chứng tỏ vị thế "con nhà giàu" khi chịu chi hơn các công ty Trung Quốc khác trong việc làm marketing để quảng bá sản phẩm và thương hiệu tại thị trường Việt. "Họ có thể giành lấy vị trí thứ 3, thậm chí là thứ 2 ở Việt Nam trong vài năm tới là điều có thể nhìn thấy được với tiềm lực kinh tế mạnh", ông Đạt nói thêm. 
Theo thống kê mới từ Thế giới Di động, quý I năm nay, Huawei tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ tại hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam. Mức tăng trưởng quý I năm nay lên đến 125% so với cùng kỳ năm ngoái. Đại diện này cũng cho rằng, nếu không có sự việc vừa qua, mức tăng trưởng này sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới. 
Ai được hưởng lợi?
Nếu như mọi chuyện vẫn không có lối thoát, các lệnh cấm không được dỡ bỏ, đó sẽ là đòn giáng rất mạnh vào nỗ lực của Huawei tại Việt Nam. 
Thực tế, khi xảy ra chiều hướng xấu nhất, Huawei sẽ khó tiếp cận đến những khách hàng tiềm năng của hãng ở Việt Nam, bởi rào cản đó là Google. Hầu như người dùng Việt khi đến với Android bởi sự ràng buộc của các dịch vụ độc quyền hãng này, từ Youtube, Gmail, Photos... Và nếu không có, dù có rẻ, có tốt đến cách mấy đi chăng nữa thì người dùng cũng khó mà chi tiền mua sắm.

Huawei lận đận ở Việt Nam, hãng nào hưởng lợi? - 2
Ở trường hợp xấu nhất, xét về mặt thị trường, người được hưởng lợi nhất ở Việt Nam đó là Samsung và Oppo. Một nhà bán lẻ nhận định, Samsung và Oppo đang nắm giữ thị phần lớn ở Việt Nam trong nhiều năm liền. Đặc biệt từ năm 2108 đến nay, thị phần của hai ông lớn này vẫn đang tiếp tục gia tăng mạnh mẽ với hàng loạt sản phẩm đánh đúng vào thị hiếu người dùng Việt. 
Điều đó thể hiện khá rõ ràng trong các báo cáo hiện nay, chẳng hạn theo GFK tháng 4 năm nay, Samsung đã gia tăng cách biệt với các đối thủ khi nắm giữ đến 46,6% thị phần, cao hơn 41,5% của năm 2018. Oppo cũng tăng lên 22,3% khi so với năm 2018 là 21,5% thị phần. 
Đối với Apple, có chăng chỉ được hưởng lợi đôi chút vì Huawei không đấu với hãng này ở các phân khúc mà Táo khuyết đang tấn công. Các báo cáo cũng chỉ rõ, Apple đã có những quý sụt giảm liên tiếp, thị phần 9,4% của năm 2018 cũng đã tụt xuống chỉ còn 7,5% thị phần trong những tháng đầu năm 2019. Sự sụt giảm nghiêm trọng này đến từ việc định vị sản phẩm của hãng này ở mức giá quá cao, đắt đỏ, vượt xa mức chi tiêu của đại đa số người dùng Việt. 
Còn đối với các thương hiệu còn lại, thị phần của các thương hiệu này vẫn mãi dẫm chân tại chỗ, thậm chí sụt giảm thê thảm trong 2 năm trở lại đây. Điển hình Nokia từ 3,8% thị phần của năm 2018 xuống còn 2,8% thị phần của những tháng đầu năm 2019. Vivo từ 3,5% thị phần của năm 2018 cũng sụt giảm thê thảm biến khỏi top 10 nhà sản xuất smartphone tại Việt Nam. Có chăng, Realme, một thương hiệu đang lên khác đang tăng nhanh gần đây khi chiếm 2,4% thị phần di động Việt. Do đó, bước sảy chân của Huawei cũng sẽ đem đến lợi thế cho các thương hiệu nhỏ biết chuyển biến phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dùng Việt để hòng giành giật thị phần từ các ông lớn khác. 
Tuy vậy, ông Trần Viết Quân, giám đốc công ty Ứng dụng di động xanh cũng có nhận định rằng, câu chuyện của Huawei nếu diễn biến theo chiều hướng xấu cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý mua sắm của người dùng hiện nay đối với các thương hiệu Trung Quốc trong thời gian tới, chẳng hạn như Xiaomi, Realme, Oppo hay Vivo. Tất nhiên, tác động của thị trường không thể thể hiện rõ nét trong ngày một ngày hai và có lẽ tất cả đều đang "nín thở" chờ đợi động thái tiếp theo của Mỹ dành cho Huawei. 
Thị trường sẽ không xáo trộn, người dùng thiệt thòi
Phía đại diện Thế giới Di động cũng chia sẻ, Huawei đang chiếm khoảng 6% thị phần của hệ thống này. Nếu tình huống xấu nhất của Huawei có xảy ra thì nó cũng sẽ không ảnh hưởng đến tổng thị trường và không tạo ra nhiều xáo trộn. 
Nhận định này nhận được sự đồng thuận của các hệ thống bán lẻ khác tại Việt Nam. "Hiện tại chiếm tỉ lệ không cao, nên việc ngừng kinh doanh hoặc thậm chí rút khỏi Việt Nam của Huawei, tôi nghĩ không ảnh hưởng lớn đến thị trường di động Việt", ông Nguyễn Đạt, điều hành chuỗi Di động Việt chia sẻ.
"Thị phần ở mức 5-6% của Huawei tại Việt Nam thì không đủ sức gây ra tác động lớn cho toàn thị trường và chắc chắn sẽ không có sự xáo trộn lớn", ông Trần Viết Quân nhận định. 
Tuy nhiên, các nhà bán lẻ này cũng cho rằng, tình huống xấu nhất có xảy ra thị đó cũng là một thiệt thòi cho người dùng. "Nếu Huawei ngừng kinh doanh smartphone, đó là một mất mát nhẹ về việc thiếu mất một sự lựa chọn cho khách hàng, vì những sản phẩm của Huawei đã và đang dần chứng mình cho người dùng biết được chất lượng và sự trải nghiệm khá tốt", ông Đạt nói thêm.
Góc nhìn khác, ông Quân cũng cho biết, người dùng sẽ thiệt thòi rất nhiều nếu lệnh cấm không được dỡ bỏ, đặc biệt là người dùng đang sử dụng điện thoại Huawei. Họ sẽ bị ảnh hưởng vì lệnh cấm khi đã lỡ bỏ tiền ra mua sản phẩm, thiệt thòi trăm bề.
"Nếu thị trường thiếu đi "tay chơi" đầy tiềm lực như Huawei sẽ thiếu đi đối thủ xứng tầm với các ông lớn khác, tạo ra thế cân bằng cho thị trường cũng như lợi ích về giá cho người mua", ông Nguyễn Đạt nhận định thêm. 
Gia Hưng
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

>>Huawei gặp biến cố - Samsung hưởng lợi? 
>>Thị trường smartphone cao cấp tại Việt Nam: Samsung "đè bẹp" Apple? 
>>Cảnh giác chiêu lừa đảo rao bán smartphone Huawei giá rẻ mạt 
>>Nhà bán lẻ Việt "choáng váng" khi Google ngừng hợp tác với Huawei 
>>Mỹ “xoa dịu” lệnh cấm với Huawei?


HUAWEI : THỬ NHÌN NGƯỢC LẠI LUẬT AN NINH MẠNG VIỆT NAM

AN VIÊN/ VNTB/BVN 27-5-2019

Chiếc bánh Trung Quốc từng bị xâu xé bởi các cường quốc vào thế kỷ XIX, nay lại tái lặp vào thế kỷ XXI qua cuộc chiến tranh thương mại. Và Việt Nam sẽ sớm cũng phải trả giá trong tương lai, nếu tiếp tục nương theo hoặc theo đuổi cách ứng xử giống như Trung Quốc đã làm trong thời gian qua, trong đó có cả thi hành Luật An ninh mạng.

https://1.bp.blogspot.com/-_lRZ4K_PL7U/XOlutAGfJgI/AAAAAAAACMM/9aO1D9EBTYAGEINQ8a5lvLcg8ySji0nVwCLcBGAs/s640/Unknown.jpeg
Huawei tiếp tục hứng chịu những tác dụng phụ của lệnh cấm từ Mỹ, khi mới đây nhất, doanh nghiệp này tiếp tục bị gạch tên ra khỏi Android Enterprise (danh sách thiết bị bảo mật cho doanh nghiệp).
Huawei - một tập đoàn tư nhân, nhưng là sân sau của đế chế công nghiệp quốc phòng Trung Quốc. Sự kết hợp giữa “quân sự - dân sự” được coi là chiến lược cấp quốc gia của Tập Cận Bình nhằm hiện đại hóa quân đội theo hướng tinh gọn, tiến tới hoàn thành “cơ bản việc hiện đại hóa quân đội vào năm 2035” như tuyên bố của Tập Cận Bình tại ĐH XIX của ĐCSTQ.
Huawei bị “đánh” toàn diện trên các mặt trận, gián tiếp tác động đến chiến lược của nhà lãnh đạo họ Tập.
Trong cuộc chiến lần này, theo một báo cáo mới nhất từ Reuters, 3/4 trong tổng số 250 doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc dự định sẽ rời nước này để chuyển hướng hoạt động sang Mexico và các nước Đông Nam Á, trong số đó có không ít doanh nghiệp công nghệ.
Mặc dù, trong một tweeter trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng Trung Quốc đang chết dần vì bị đánh thuế và các doanh nghiệp sẽ rời sản xuất sang Việt Nam và các quốc gia Châu Á khác. Nhưng Việt Nam vẫn là một trong số nhiều lựa chọn được đặt ra, không phải là duy nhất.
Việt Nam có thể hưởng lợi từ cuộc chiến, tuy nhiên, nếu cơ chế của Việt Nam đủ để hấp dẫn các doanh nghiệp Mỹ.
Một trong những đối tác lắp ráp sản phẩm lớn của Apple, Pegatron sẽ dời dây chuyền sản xuất sang Indonesia, thay vì Việt Nam. Câu chuyện nhân công, hạ tầng cơ sở được cho là trở ngại lớn trong việc lựa chọn Việt Nam của các doanh nghiệp sản xuất - công nghệ. Tuy nhiên, nếu thuần về công nghệ, thì trở ngại lớn nhất lại đến từ… Luật An ninh mạng.
Không phải ngẫu nhiên, các doanh nghiệp công nghệ lớn bao gồm Google, Facebook và Twitter đã bày tỏ mối quan ngại lớn sau khi chính phủ Việt Nam thông qua một đạo luật hứa hẹn sẽ đưa ra những hạn chế chặt chẽ hơn đối với quyền tự do ngôn luận.
Các quy định về nội địa hóa dữ liệu, kiểm soát nội dung ảnh hưởng đến tự do ngôn luận và các yêu cầu đặt văn phòng nội địa đã được cho là cản trở tham vọng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của quốc gia nhằm đạt được tăng trưởng GDP và công việc. Nói đúng hơn, những điều khoản mà nhiều chuyên gia đã chỉ ra trong thời điểm còn là dự Luật An ninh mạng được cho là sẽ đưa đến những hạn chế nghiêm trọng đối với nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam, làm giảm môi trường đầu tư nước ngoài và làm tổn thương cơ hội cho các doanh nghiệp địa phương và các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển trong và ngoài Việt Nam.
Giới “tinh hoa Việt Nam” đã bỏ ngoài tai những lời cảnh báo, kể cả cảnh báo của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, khi bày tỏ luật này sẽ gây tổn hại kinh tế vì không phù hợp với các cam kết thương mại quốc tế của Việt Nam và kìm hãm quyền con người.
Giới “tinh hoa Việt Nam” cũng bỏ qua cả lời cảnh báo của Hiệp hội truyền thông kỹ thuật số Việt Nam (VCDA) khi tổ chức này nhấn mạnh, Luật An ninh mạng sẽ làm giảm 1,7% tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam và xóa sạch 3,1% đầu tư nước ngoài nếu nó có hiệu lực.
Giới “tinh hoa Việt Nam” nhấn mạnh: bảo vệ chế độ, và chính giới tinh hoa Việt Nam dường như sai lầm khi nghĩ rằng, Mỹ sẽ giống như thời kỳ Obama, thời kỳ mà Trung Quốc đã loại bỏ Cisco, Apple,IBM ra khỏi doanh sách mua sắm chính phủ, cấm các phần mềm của Mỹ như Symantec, Windows XP, McAfee, Micron,…
“Trà Trung Quốc ngon hơn Trà Việt Nam”, và Việt Nam đã tìm cách học hỏi cách pha trà của Trung Quốc, bằng cách bắt chước ra Luật An ninh mạng trong đó tìm cách ngăn chặn tiếng nói bất đồng chính kiến trên internet và “quản lý chặt” doanh nghiệp công nghệ.
Việt Nam đang phải trả giá vì điều này. Khi những doanh nghiệp công nghệ Mỹ đã không tìm đến Việt Nam trong cuộc di tản khỏi Trung Quốc vì cuộc chiến thương mại.
Tại Ấn Độ, các doanh nghiệp công nghệ Mỹ (Facebook, Paypal, Microsoft, Google) cũng đang tìm cách rời bỏ quốc gia này khi mà một dự luật tương tự như Việt Nam và Trung Quốc có khả năng tác động tiêu cực đến dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Việt Nam, Trung Quốc, hay Ấn Độ ảo tưởng rằng, một thị trường nội địa đủ lớn sẽ đủ hấp dẫn các công ty công nghệ, buộc họ phải tuân thủ thay vì bỏ đi. Nhưng câu chuyện Huawei và sự thiết lập trật tự Mỹ trong thương mại của Tổng thống Donald Trump đã chứng minh ngược lại, bất kỳ một quốc gia gây thiệt hại cho doanh nghiệp Mỹ đều phải trả giá.
Huawei đang cho thấy điều đó, và bản thân Trung Quốc cũng cho thấy, đang trở thành nạn nhân của chính những gì mà quốc gia này (dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình) ảo tưởng có thể khống chế, đe dọa, và chèn ép doanh nghiệp Mỹ.
Chiếc bánh Trung Quốc từng bị xâu xé bởi các cường quốc vào thế kỷ XIX, nay lại tái lặp vào thế kỷ XXI qua cuộc chiến tranh thương mại. Và Việt Nam sẽ sớm cũng phải trả giá trong tương lai, nếu tiếp tục nương theo hoặc theo đuổi cách ứng xử giống như Trung Quốc đã làm trong thời gian qua, trong đó có cả thi hành Luật An ninh mạng.
A.V.
VNTB gửi BVN

LỆNH CẤM TỪ GOOGLE: CHUYỆN TÌNH HUAWEI- VIETTEL SẼ ĐI VỀ ĐÂU ?

KIỀU PHONG/VNTB/ BVN 27-5-2019

Viettel - tập đoàn viễn thông quân đội được biết là đối tác lớn nhất của Huawei ở Việt Nam. Huawei sập tiệm ở toàn thế giới, chỉ còn hai đất sống là ở Trung Quốc và Việt Nam, cho nên tập đoàn “búa, liềm” của người Hoa bằng mọi cách sẽ ve vãn cho được đối tác Việt đừng từ bỏ mình.

https://1.bp.blogspot.com/-QM0eM3y2pYM/XOgl4rsMkRI/AAAAAAAACL0/2PjKdx_PuD0t0bAID5z5cKvVf5KSzr0TACLcBGAs/s640/5g-network-body-image.jpg
Viettel không lộ liễu nhập các thiết bị di động Huawei. Hình ảnh điện thoại Huawei bị tẩy chay khắp thế giới, Thế giới di động tê liệt với Huawei còn Viettel thì chưa. Viettel không chú trọng kinh doanh điện thoại smartphone, nhưng Viettel đã ưu ái Huawei với các đơn đặt hàng thiết bị 5G của hãng này. Một nước như Mỹ có bảo Huawei xấu thì không sao, khi mọi nước đều nghe theo nước Mỹ bảo Huawei xấu thì vấn đề đã là rất khác. Do tính liên đới giữa các sản phẩm của cùng một hãng, Viettel không thể tránh được tiếng xấu là đi chơi với kẻ xấu.
VietNamNet vừa có bài, Mỹ sẽ trừng phạt thêm 5 công ty Trung Quốc. Trung Quốc đã cấm hàng tá công ty công nghệ Mỹ lâu nay. Trong một thời gian dài, các nhà chính trị Mỹ không lên tiếng thì Trung Quốc tưởng Mỹ không để ý, cứ tiếp tục làm tới. Trung cộng tự thể hiện bản chất dã man nhất thế giới, đòi làm đại ca của thế giới, hàng thì hàng dỏm, các thứ điều dỏm cái gì cũng nhái. Đại ca hàng giả là Trung Quốc, bất kỳ hãng liu-riu nào chơi với đại ca ấy thì cũng lây các chứng bệnh của đại ca, trong đó có Viettel của Việt Nam.
Biết nó xấu rồi mà sao vẫn chơi với nó, vẫn hợp đồng với nó? Vì thấy cái lời trước mắt. Những người như Võ Kim Cự hay các quan cấp cao thừa biết Formosa là Trung Cộng đội lốt Đài Loan, họ cũng thừa biết Formosa cố tình xả thải để giết hại môi sinh con người và biển cả, tại sao vẫn rước vào Hà Tĩnh? Do được cái lời trước mắt. Hoàn toàn tương tự, Viettel thừa biết Huawei là đồ gián điệp, nhưng vì lợi nhuận cao quá, nên đành nhắm mắt rước Huawei về nhà mình. Nói đúng hơn là rước nó vào nước mình, bởi nước của toàn dân chứ không phải của riêng gì nhà Viettel.
Nối gót Google, cả Qualcomm, Intel cũng nghỉ chơi với Huawei, nghỉ chơi với hầu hết các hãng Trung Quốc. Amazon cũng có App store, Microsoft, Blackberry cũng có hệ điều hành OS riêng nhưng đều rớt đài với IOS của Apple, Android của Google... Tàu vẫn rất mạnh công nghệ, nhưng đột ngột thay đổi như vậy chỉ có từ ngáp tới ngủm. Thị trường Việt Nam quá bé không đủ sức để cứu Trung Quốc, Viettel cũng không thể giúp được Huawei. Bản thân Viettel cũng không vá nổi những ổ gà do mình gây ra trên đường Bắc tiến công nghệ. Chạy đua công nghệ, tiền bạc thuộc về chỉ một tỉ lệ nhỏ trùm công nghệ, danh tiếng thuộc về chỉ một số ít quan chức, còn nghèo đói và bất công xã hội thì dành cho phần lớn những người dân không theo được cuộc đua. Sao lại lấy ngân khố để bù lỗ cho Viettel mà không lấy ngân khố để trợ giá nông sản? Tại vì những người nông dân học ít hơn các kỹ sư Viettel nên phải ưu tiên tiền vét tiền người học ít để nuôi người học nhiều? Bất công xã hội do chạy đua kỹ thuật càng ngày càng lớn, dù biện minh kiểu gì thì cũng lòi ra đó.
Trong cuộc đi đêm với Huawei, tập đoàn Viettel không tránh khỏi đánh mất bản sắc người lính. Để chạy đua kinh tế, chạy đua công nghệ, Viettel đã mắc tai tiếng không gì gột rửa được. Việc cơ quan công quyền Hà Nội đánh gẫy xương đùi của cụ Lê Đình Kình để dâng đất cho Viettel chỉ là một ví dụ. Công nghệ máy móc đánh gãy cây lúa, và do đó là công nghệ đã đánh gẫy nguồn sống của người nông dân. Đến đây, đã có những gia đình người miền Bắc sống khá giả phải thốt lên rằng: “Việt Nam chỉ nên làm nông nghiệp, thiếu ti-vi thì bán lúa để mua ti-vi chứ đừng học đòi sản xuất ti-vi”.
Các quan lớn hô hào phát triển kinh tế, phát triển kỹ thuật, thử hỏi thực tế có ngành nào làm mũi nhọn và làm nên bản sắc của Việt Nam để không lẫn lộn với các nước? Thưa rằng không hề. Sân chơi nào Việt Nam cũng ghi danh tham gia nhưng không làm ông lớn được ở bất cứ một sân chơi cụ thể nào. Tốt nhất, theo lời những người già, đó là trở về với truyền thống lúa nước và nông nghiệp, chăm chút cho thế mạnh duy nhất đó cho đến khi nào đủ tiền đề để nhảy sang các lĩnh vực khác.
Tin cho biết, các ký giả quốc tế, châu Âu và Hoa Kỳ đang điều tra các vi phạm lao động của Huawei. Bằng chứng về cưỡng bức lao động của tù nhân để tạo ra sản phẩm giá rẻ như điện thoại Huawei, thiết bị Huawei đang được thu thập càng ngày càng dày. Các nước mua thiết bị Huawei rồi cũng bị điều tra, các quan chức ký giấy tờ nhập khẩu đồ Huawei sớm muộn sẽ ra ánh sáng công luận. Viettel mua hàng của Huawei mà không thúc đẩy cải tiến quyền lợi cho người lao động Tàu là tiếp tay cho Huawei bóc lột người dân Tàu.
Nếu nghỉ giao thương với Huawei, liệu Viettel có thể tự lực về công nghệ được không? Có lẽ là không, trong bối cảnh chương trình đào tạo sinh viên ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam vẫn chú trọng lượng hơn phẩm. Viettel hay tìm người đã tốt nghiệp sẵn từ các trường công nghệ thông tin bên ngoài rồi mua vào làm trong doanh trại. Nói cách khác là Viettel chưa đào tạo từ gốc được nhân viên kỹ thuật, họ chỉ có kinh doanh phần ngọn. Về triết lý kinh doanh, Viettel chưa có triết lý kinh doanh nội khởi của mình, còn cái hiện tại của hai ông rậm râu bên Nga hay bên Đức nào đó thì không phải triết lý kinh doanh.
K.P.
VNTB gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét