Thứ Năm, 30 tháng 5, 2019

20190530. BÌNH LUẬN VỀ VỤ ÁN GIAN LẬN ĐIỂM THI THPTQG 2018

ĐIỂM BÁO MẠNG

GIÁO DỤC VIỆT NAM VÀ BẢN GIAO HƯỞNG ĐỊNH MỆNH CỦA BEETHOVEN

XUÂN DƯƠNG 30-5-2019

Với vụ gian lận thi cử năm 2018, bóng tối của sự gian dối đã bao trùm lên giáo dục Việt Nam (Ảnh minh họa: Vietnamnet.vn)
Trong số 9 bản giao hưởng của Beethoven, bản Giao hưởng Số 5 cung Đô thứ lúc đầu được gọi là “Bản giao hưởng Số phận”.
Tên gọi "Định mệnh" được dùng ngày nay là dựa vào câu nói của Beethoven “Đó là âm thanh của Định mệnh gõ lên cánh cửa”.
Bình luận về bản giao hưởng Định mệnh, nhà soạn nhạc, nhà phê bình âm nhạc và họa sĩ người Đức Ernst Theodor Wilhelm Hoffmann (E.T.A. Hoffmann) viết:
Ánh sánh rực rỡ chiếu xuyên qua màn đêm thăm thẳm, và lúc ấy ta mới nhận ra bóng tối khổng lồ đang lắc lư tới lui đã bao trùm lên ta, huỷ diệt mọi thứ bên trong ta chỉ trừ nỗi đau của niềm khắc khoải vô tận – cái khắc khoải mà trong đó mọi sự khoái lạc ngân lên trong cung bậc hân hoan đều bị dìm xuống và chết lịm,…”. [1]
Những người hiểu biết về nhạc không lời có thể có những liên tưởng khác nhau khi nghe bản giao hưởng này, người viết không hiểu gì về giao hưởng nên liên tưởng nó với nền giáo dục nước nhà.
Với những gì đã diễn ra trong suốt thời gian hơn nửa thế kỷ, với những gì “vỡ bung” ra sau kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2018, người Việt bây giờ cảm nhận rõ ràng “bóng tối của sự gian dối đã bao trùm lên giáo dục Việt Nam, huỷ diệt mọi thành tích của giáo dục và để lại cho dân chúng nỗi đau của niềm khắc khoải vô tận”.
Không đau sao được khi người Việt hôm nay gửi gắm con em mình cho một nền giáo dục mà một lớp có 43 học sinh thì 42 cháu đạt loại giỏi, khi có tới ba Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình) dối trá một cách trơ trẽn về kết quả thi của tỉnh mình, khi hàng loạt lãnh đạo và cán bộ phòng, ban tham gia Hội đồng thi phải ngồi tù chờ ngày xử án,…
Bóng tối không lồ của sự dối trá đã che phủ những gì gọi là cao quý nhất, thuần khiết nhất mà đáng lẽ giáo dục phải có.
Sự giả dối có thể thấy không chỉ trong mấy trăm gia đình có con được nâng điểm mà còn có thể thấy trong nhiều cơ sở giáo dục phổ thông với “Bệnh thành tích”, trong hàng ngũ lãnh đạo với sự chối bỏ trách nhiệm mỗi khi xảy ra sự cố và trong những ngôn từ sáo rỗng kèm theo những lời hứa “nhận trách nhiệm” nhưng không bao giờ từ chức.
Khi người dân phẫn nộ đòi phải công khai danh tính những kẻ gian lận, phải xử lý tận gốc bọn buôn bán giáo dục thì đâu đó vẫn còn những tiếng nói hà hơi tiếp sức cho bọn “gian giáo” khi viện dẫn luật này, điều nọ về nhân thân bọn trộm cướp này nhằm trì hoãn xử lý.
Khi giáo dục trở thành nơi mua bán điểm, bằng cấp, học hàm, học vị, công trình khoa học thì chính nó đã trở thành nguyên nhân hủy diệt mọi cố gắng của bao thế hệ người Việt đã hy sinh cuộc đời và máu xương với hy vọng dân tộc có một tương lai tươi sáng.
Một Chính phủ liêm chính, kiến tạo không thể có một ngành Giáo dục chứa đầy ung nhọt.
Một đội ngũ cán bộ vì nước, vì dân không thể bao gồm những kẻ “ăn của dân không từ cái gì” nhưng thơn thớt rao giảng đạo đức mà không sợ ngượng mồm.
Niềm tin của dân chúng vào một nền giáo dục nhân bản, chân, thiện, mỹ đã bị “dìm xuống và chết lịm” không phải chỉ vì mấy chục kẻ giữ cương vị lãnh đạo ngành giáo dục địa phương mà còn là bộ phận không hề nhỏ những kẻ nhúng chàm thuộc nhiều ngành khác nhau từ cấp huyện, tỉnh đến cấp cao hơn.
Đã và đang xuất hiện các yêu cầu: “Cần phải truy cứu trách nhiệm của Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình.
Với cương vị đứng đầu ngành giáo dục địa phương, những người này không thể không liên đới trách nhiệm trong các vụ án sửa điểm ở địa phương mình”. [2]
Đề xuất như vậy không sai, thế nhưng tại sao là chừa ra vai trò của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng thi cấp tỉnh, vai trò lãnh đạo, giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh và sự chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo?
Sau khi Nghị quyết 29-NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo…” ban hành (năm 2013), nền giáo dục nước nhà đã “đổi mới” được những gì trong khoảng thời gian từ 2013 đến 2019, đặc biệt là nhiệm kỳ của ban lãnh đạo bộ hiện nay?
Kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông xấp xỉ 99%, tỷ lệ xóa mù chữ thuộc hàng đầu thế giới, một số đội tuyển thi học sinh giỏi quốc tế đạt thành tích cao,… là điều đã được quảng bá rầm rộ nên xin không nhắc thêm.
Năm 2014: Quốc hội thông qua Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, Quốc hội không duyệt tổng số kinh phí cụ thể, mà giao cho Chính phủ trình Quốc hội các khoản chi trong dự toán ngân sách hàng năm. 
Trình bày tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dự trù kinh phí cho đề án là 34.275 tỉ đồng cho các công việc:
“Đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý…
Cũng trong năm 2014, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 764/QĐ-TTg về việc thành lập Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban.
Đến năm 2017 lại thành lập Ủy ban mới thay thế ủy ban cũ.
Năm 2015: Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố “Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể”.
Theo Dự thảo này, Lịch sử được tích hợp vào các môn khác.
Cụ thể, ở lớp 1, 2, 3, Lịch sử tích hợp vào môn “Cuộc sống quanh ta”; lớp 4, 5 là môn “Tìm hiểu xã hội”; bậc trung học cơ sở là môn “Khoa học xã hội” và bậc trung học phổ thông tích hợp với môn “Công dân với Tổ quốc”. 
Ngay sau đó, nhiều giáo viên, chuyên gia, Hội Khoa học Lịch sử... đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ Dự thảo trên.
Năm 2016: “Bạo lực học đường trong năm 2016 tiếp tục gia tăng về số lượng và mức độ nghiêm trọng”. [3]
Cũng trong năm 2016, hơn 20 nữ giáo viên tỉnh Hà Tĩnh bị chính quyền điều đi tiếp khách tại nhà hàng.
Năm 2017: “Lò ấp tiến sĩ” tại Học viện Khoa học xã hội thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội bị phanh phui.
Cũng năm 2017, sau khi bị dư luận phản bác kịch liệt, 41 ứng viên giáo sư, phó giáo sư bị loại vì không đủ tiêu chuẩn.
Năm 2018: hơn 400 giáo viên hợp đồng tại huyện Thanh Oai (Hà Nội) nhận thông báo chấm dứt hợp đồng lao động từ 1/9/2018; 208 giáo viên huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) bị thông báo chấm dứt hợp đồng lao động;
Nổi bật trong năm 2018 là vụ gian lận điểm thi tại ba tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang.
Dư luận cũng đang đặt câu hỏi về chuyện tại một số địa phương (Lạng Sơn, Thái Nguyên) thí sinh tự do (trong đó có khá nhiều công an nghĩa vụ) được bố trí thi tại phòng riêng và đạt kết quả cao không bình thường.
Năm 2019, “2.700 giáo viên nguy cơ mất việc: Lương thấp tè và bản án chấm dứt hợp đồng”. [4]
“Lương thấp tè và bản án chấm dứt hợp đồng” là đặc trưng của nghề dạy học, điều trớ trêu là khi học trò đánh nhau, giáo viên chủ nhiệm lập tức bị kỷ luật trong khi tại những nơi xảy ra gian lận điểm thi năm 2018, cấp dưới mang bài thi về nhà sửa điểm thì lãnh đạo ngành giáo dục các cấp vẫn bình an vô sự?
Gửi con em vào các cơ sở giáo dục là điều mọi gia đình đều phải làm, trong khi tại không ít địa phương trường chưa ra trường, thày chưa ra thày lại cộng thêm lãnh đạo không ra lãnh đạo thì phải chăng nhiều gia đình người Việt đang buộc phải “gửi trứng cho ác”?
Không ít kẻ lừa đảo chui vào ngành giáo dục và trở thành lãnh đạo, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Phú (Cà Mau) Nguyễn Văn Dũng chưa tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng người này “Sử dụng bằng tốt nghiệp THPT không hợp pháp để lập hồ sơ dự thi tuyển, xét tuyển, học tập nâng cao trình độ văn hóa, nghiệp vụ, thi chuyển ngạch, nâng bậc... Hiện ông Dũng có bằng cử nhân tiểu học, cao cấp chính trị”. [5]
Hai Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang, một Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La và nhiều cán bộ phòng ban cấp sở bị truy tố liệu có phản ánh thực trạng đội ngũ công chức giáo dục nước nhà hay đây chỉ là hiện tượng mang tính cá biệt?
Tham nhũng trong giáo dục là dạng tham nhũng tệ hại nhất, xấu xa nhất bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành nhân cách thế hệ trẻ, cũng tức là đội ngũ lãnh đạo đất nước sau này.
Làm nhà giáo hoặc cán bộ quản lý giáo dục mà tham nhũng tức là mức độ tha hóa (của không ít nhân sự) trong hàng ngũ công chức, viên chức đã đến đỉnh điểm, đe dọa trực tiếp tới sự tồn vong của thể chế.
Nó tạo nên sự mỉa mai đối với một nghề vốn được coi là “cao quý nhất trong các nghề”.
Tham nhũng trong giáo dục làm trầm trọng thêm sự bất công về hưởng thụ thành quả tăng trưởng kinh tế khi người nhiều tiền có thể mua được mọi thứ còn người nghèo bị cướp mất cơ hội học tập, cũng có nghĩa là cướp mất tương lai, hy vọng khi họ đã cố gắng sống một cách trung thực.
Nói thẳng ra, nếu không xem các vụ tham nhũng trong giáo dục là những vụ án trọng điểm, nếu chỉ quan tâm đến kinh tế mà xem nhẹ giáo dục thì không thể xây dựng được một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, và đất nước mãi mãi sẽ chỉ là một quốc gia làm thuê cho tư bản nước ngoài.
Chừng nào ngành giáo dục còn bị lãnh đạo bởi những Giám đốc, Phó giám đốc sở như mấy người ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La hoặc một số người luôn sẵn sàng “nhận trách nhiệm” rồi để đấy thì chừng đó học sinh sẽ chỉ được dạy dỗ để trở thành bầy cừu chứ không phải những con người tự tin, sáng tạo, đủ năng lực làm chủ cuộc đời mình.
Một lần nữa, lại phải nhắc đến lời bình phẩm của E.T.A. Hoffmann về bản giao hưởng Định mệnh:
Tham nhũng trong giáo dục huỷ diệt mọi thứ trong ta, chỉ để lại nỗi đau của niềm khắc khoải vô tận – cái khắc khoải mà trong đó mọi sự kỳ vọng ngân lên trong cung bậc hân hoan đều bị dìm xuống và chết lịm.
Tài liệu tham khảo:
[1]//vi.wikipedia.org/wiki/Giao_h%C6%B0%E1%BB%9Fng_s%E1%BB%91_5_(Beethoven)
[2] //vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/de-lay-lai-niem-tin-phai-quyet-liet-hon-trong-vu-sua-diem-535339.html
[3] //www.doisongphapluat.com/giao-duc/10-su-kien-giao-duc-noi-bat-nam-2016-a175597.html
[4] //www.tienphong.vn/giao-duc/2700-giao-vien-nguy-co-mat-viec-luong-thap-te-va-ban-an-cham-dut-hop-dong-1401556.tpo
[5] //thanhnien.vn/giao-duc/ky-luat-truong-phong-gd-dt-chua-tot-nghiep-thpt-1082027.html
Xuân Dương

'GIÁ NÂNG ĐIỂM 1 TỈ' : AI CHE CHẮN ĐỂ HỌ 'MÚA GẬY VƯỜN HOANG' ?

NGUYỄN DUY XUÂN/ TVN 27-5-2019

Dư luận ngày một thêm sốc khi những thông tin về vụ gian lận thi thế kỉ cứ hé lộ dần.
Gần một năm trước sau khi kỳ thi kết thúc, từ lãnh đạo bộ cho đến lãnh đạo các sở đều hân hoan trước thành công mỹ mãn của kỳ thi theo điệp khúc quen thuộc, “năm sau tốt hơn năm trước”.
Chiều 2/7/2018, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ báo cáo: "Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức nghiêm túc tại tất cả điểm thi trên toàn quốc. Đến nay, kỳ thi đạt được mục tiêu đề ra, an toàn, nghiêm túc, khách quan và đặc biệt nhẹ nhàng, được nhân dân ở các địa phương đặc biệt ủng hộ. Kỳ thi THPT quốc gia 2018 được đánh giá thành công tốt đẹp".
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cũng đánh giá kì thi an toàn, nghiêm túc và kết quả tin cậy hơn.
Còn ông Hoàng Tiến Đức, giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La - một trong ba địa phương nổi đình đám vì vụ gian lận thi 2018, khẳng định toàn bộ quy trình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại cụm Sơn La được thực hiện rất nghiêm ngặt, không hề có bất kỳ tiêu cực nào. “Kết quả, điểm thi cao nổi bật của thí sinh so với các năm trước là nhờ sự cố gắng, nỗ lực của thầy cô giáo, các em học sinh và ngành giáo dục tỉnh nhà. Để đạt được kết quả nêu trên bản thân tôi rất vui mừng” – ông Đức không giấu được sự “sung sướng”.
Bây giờ ngẫm lại, những lời có cánh phát đi một cách chủ quan, vội vã của các vị mới bi hài làm sao!

'Giá nâng điểm 1 tỷ': ai che chắn để họ ‘múa gậy vườn hoang’?
Phải trả lại sự tôn nghiêm cho kỳ thi THPT Quốc gia. Ảnh minh họa
Sự thật về vụ gian lận thi cử dần được phơi bày. Sự thật đó khiến người giàu trí tưởng tượng nhất cũng không thể hình dung nổi.
Từ mấy năm trước, dư luận đã từng râm ran chuyện chạy thi vào các trường tốp trên (đặc biệt là các trường bao cấp học phí, ra trường có việc làm ngay), giá bèo không dưới vài ba trăm triệu. Bây giờ nghe tin, giá này ở Sơn La xấp xỉ 1 tỷ, trời đất cứ như sụp cả xuống trước “cơn địa chấn” có một không hai này.
Ai dám bỏ ra 1 tỷ để chạy trường cho con? Tiền đó dứt khoát không thể là tiền mồ hôi nước mắt của người lao động chân chính, không thể là đồng lương chắt chiu chỉ vừa đủ sống.
Sức hút của 1 tỷ mạnh đến mức nó cuốn phăng tất cả, dù là chuyên viên, trưởng phòng, trung tá công an hay giám đốc sở giáo dục-đào tạo.
Sức hút ấy cộng với quyền uy “chủ nhân” của nó, không một ai “đủ lực” dám cản đường.
Bởi thế họ mới thoải mái rút bài thi trắc nghiệm của 44 thí sinh mang về nhà riêng tẩy xóa, sửa chữa theo đáp án của Bộ. Làm xong rồi mà cảm thấy điểm số chưa đạt như “đặt hàng” lại rút bài ra tẩy xóa, nâng sửa tiếp.
Hành vi của họ, thật đúng với câu ngạn ngữ “Múa gậy vườn hoang”. Vâng, chỉ có vườn hoang thì lũ ma quỷ mới dám múa may quay cuồng đến thế.
Bởi thế, ông phó sở mới khai ra sếp của mình cũng có bản danh sách “nhờ cậy” đến 8 thí sinh.
Bởi thế bà chuyên viên Phòng khảo thí và quản lý chất lượng mới chơi trò “tàu hỏa” kéo những 16 “toa” thí sinh.
Kỳ lạ thay nơi đặt “đại bản doanh” của hội đồng chấm thi có bảo vệ vòng trong, vòng ngoài, có sĩ quan công an canh cửa ngày đêm, có tầng tầng, lớp lớp khóa, mã. Vậy mà tất cả đều bị vô hiệu hóa.
Nhưng gốc của vấn đề không nằm ở bà chuyên viên, ông phó sở hay ông giám đốc. Ai là người đã che chắn để họ “múa gậy vườn hoang”?
Dư luận còn muốn biết thêm, tại sao những học sinh “bị” nâng điểm, năng lực học tập hầu hết là yếu kém, vậy mà vào các trường đại học lớn vẫn tồn tại, vẫn tốt nghiệp ra trường có khi là loại giỏi?
Những câu hỏi ấy dư luận mong chờ ở sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng. Không truy đến tận cùng hang ổ của gian lận thì khó mà triệt tiêu được đại nạn tiêu cực đang làm băng hoại nền giáo dục đất nước này.
Nguyễn Duy Xuân

MÙA BÁN ĐIỂM ĐÃ ĐẾN

NGUYỄN HUY CƯỜNG/ TIẾNG DÂN/ BVN 27-5-2019

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2019/05/H1-37.jpg
Ông Hoàng Tiến Đức (bìa phải) - giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La - chứng kiến cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố và lệnh bắt tạm giam ông Lò Văn Huynh, trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ cắt từ clip.
Các bạn thân mến thường ghé trang FB này thấy hầu như tôi chưa “đụng” đến vụ thi cử gian lận. Trong các lý do khiến tôi “chậm chân” tham kiến về đề tài này chính là bởi tôi biết nó rõ từ lâu rồi, những hiện tượng dăm bảy tỉnh (diện bị phát hiện) kia chỉ là con tôm con tép.
Kể cả khi Bao Công xuống tay mạnh mẽ, lôi hết mấy trăm Đại phụ huynh, kể cả Bí thư tỉnh Giang Hồ hay Giám đốc sở GD tỉnh Bao La cùng cánh đồng đẳng này vào tù sạch vì tội “đưa hối lộ” rất rõ ràng, riêng tôi, cũng chẳng sung sướng gì!
Một vấn đề song hành là bấy lâu nay, dư luận cứ nằng nặc đòi trảm ông Phùng Xuân Nhạ vì sự suy sụp (chứ không còn gọi là suy thoái) của ngành giáo dục, tôi cũng không mấy vui mà chỉ thấy buồn.
Riêng với cậu này, tôi chỉ thấy một điều lạ là ở bất cứ đâu, khi ống kính truyền thông soi vào bản mặt là thấy cậu này cười rất tươi! Không hiểu là tay này mắc bệnh gì hay đang cười vào mặt quốc dân “Các vị dốt lắm, chẳng ai làm gì được tôi đâu, mọi việc đang đúng quy trình…”
Với gian lận thi cử, vì sao tôi buồn?
Ví dụ bây giờ Ban Kiểm tra Trung ương Đảng (lại phải là Ban này) làm một cú, ở dăm bảy tỉnh được một mẻ khoảng ba trăm “đại phụ huynh” đi tù, liệu có hết tiêu cực trong thi cử không? Liệu con số đó có phải toàn bộ “đương sự” hoặc toàn bộ tiềm năng tiêu cực của giáo dục không?
Nếu hạ bằng được ông Phùng Xuân Nhạ ngay đầu tuần sau, liệu vị bộ trưởng kế nhiệm có thật đáng tin cậy, có đủ trong sạch, đủ năng lực “làm sạch” nền GD không? Câu trả lời rất mong manh.
Làng mạng XH thì phần lớn phát biểu để xả bức xúc, chưa thấy mấy ai mạnh dạn đưa ra một kịch bản tổng phổ cho một tương lai giáo dục nước nhà 5 năm, 10 năm hoặc hơn.
Chưa thấy ai có một công trình KHXH nào nghiêm túc phân tích ra cái cốt lõi của sự phát triển tịnh tiến của những tiêu cực, khả năng thoát hiểm của tiêu cực hoặc khá hơn là những giải pháp thay đổi, sáng tạo cho một cơ chế đủ sức chặn đứng tiêu cực.
Hôm nay, đang trên đường thiên lý, tôi hẹn bạn đọc sẽ có một stt sâu sắc hơn về những nét trên trong một ngày gần đây.
Trước hết, tôi chỉ nêu vài gợi mở ở dạng “có thể” để ta cùng tư duy theo cái nền tôi trình bày trên đây.
Tôi nêu một ví dụ: Bây giờ, một kỳ thi được tổ chức nghiêm cẩn ở cơ sở.
Người chấm thi nghiêm túc. Bảng điểm chính xác. Đâu ra đó. Tất cả được niêm phong, gửi kết quả về trường đại học mà các thí sinh nhằm tới.
Tại đây, ở khâu ráp nối, các “thầy” ở tuyến Đại học biết được TÊN THÍ SINH. Bây giờ chúng ta đặt một giả thiết. Nếu có một liên lạc nào đó tin cậy, kín đáo, cong mềm mại với nội dung “Con tôi tên là Vạn Sự Song, sinh ngày 1 tháng 1 năm 2001, ký hiệu trong bài là viết sai chính tả tất cả những chữ X thành chữ S.
Giá đề xuất 3 tỷ “đỗ bằng mọi giá” (giá này rẻ hơn giá mỗi điểm một tỉ) ở chợ bán điểm địa phương. Có thương lượng.
Chúng ta thử đặt thẳng cương vị mình vào vị trí được “cho” hay “không cho” xem sao. Cho hay không cho? To be or not to be? Money or Danh dự?
Khi ấy, có thể trong ban giám hiệu trường đại học XYZ kia có một tiểu ban chuyên đi tìm những bài thi viết sai chính tả.
Thưa các bạn, một tiến sỹ của Học viện ngoại giao bên phương Tây đã thành công trong việc gạ bán mấy hạm tàu cho một nước châu Phi không có mét bờ biển nào.
Một tù nhân Tết đến ký sổ thưởng cho toàn bộ cán bộ một trại giam. Một tù nhân có thể dựng một kịch bản đuổi việc một CS giám thị.
Cái gì cũng có thể xảy ra.
Cho nên, nếu một mùa tuyển sinh mà phải lục tìm dăm chục thí sinh viết sai chính tả để thu về vài trăm tỉ, không phải là việc khó làm.
Năm ngoái, có thể cái chết của các hội đồng thi, chấm thi cấp cơ sở muốn “qua mặt” các trường đại học, mà lại tham nữa, chơi đến hết ga hết số, cho các cháu còn non bấy thành “thủ khoa” nên mới chết, nên mọi việc mới vỡ lở.
Nhưng nếu có sự hợp tác chặt chẽ với “đầu ra” là chính các trường, như kịch bản trên đây với Tổ chấm thi, với Đại phụ huynh thì sẽ không có những bất cập, những trúc trắc như đã thấy.
Khi ấy, khỏi phải “nâng” điểm, cứ việc thi, cứ việc công bố với mọi người là đã trúng tuyển và cứ việc đi học. (đừng cố “thủ khoa” thủ khiếc làm gì cho rách việc).
Trường đại học đã công nhận, không thắc mắc thì thôi! Mọi việc cứ ổn như bản in!
Có không ít hơn 10 cung cách để một học sinh hạng bét vào được đại học! Đó. Đừng ai trách tôi không “tham chiến” vào cái ồn ào ở chợ bán điểm kia.
Có nhiều cách khác nhau và cách làm của Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình v.v… năm ngoái là cách làm thô thiển nhất.
Hãy tập trung vào cái “cơ chế”, cái nền tảng của “Những sự có thể” để mà âu lo cho dân tộc này.
Câu chuyện buồn của mấy tỉnh miền núi hôm qua chỉ là rủi ro!

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2019/05/H2-24.jpg
Ảnh chụp bài trên báo Tuổi Trẻ. Nguồn: Mai Quốc Ấn
N.H.C.
Nguồn: https://baotiengdan.com/2019/05/25/mua-ban-diem-da-den/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét