Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2019

20190630. LỖ HỔNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BOT GIAO THÔNG

ĐIỂM BÁO MẠNG

BOT GIAO THÔNG Ở ĐBSCL NẰM TRONG TAY 'PHE NHÓM LỢI ÍCH'

NGUYỄN HỒNG PHÚC / VNTB/ BVN 20-6-2019

Hôm 18-6, tại dinh Độc Lập, Sài Gòn, diễn ra Hội nghị đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đây được xem là diễn đàn có quy mô lớn về phát triển ĐBSCL, tập trung bàn về 3 vấn đề trọng tâm. Đó là đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được và những khó khăn, vướng mắc; xác định được các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trọng điểm trong thời gian tới; tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong hành động của các cấp, các ngành, địa phương và người dân.

Tài xế container cho rằng ông chỉ đi 300 m mà trạm T2 thu tiền toàn tuyến là bất hợp lý nên ông chờ người có chức năng tới trả lời rõ ràng.

Nhiều câu hỏi hơn câu trả lời
Ghi nhận của phóng viên trang Việt Nam Thời Báo tại Hội nghị, đánh giá chung sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP, thì đây là một nghị quyết về nội dung được cho là mang tính lịch sử, là bước ngoặt, song lại đặt ra nhiều câu hỏi hơn câu trả lời. Các chương trình, đề án được soạn thảo, thành hình, đi cùng với nó là những hội thảo tham vấn, ý kiến; nhưng thực tế trong 2 năm qua khó có thể xác định một tác động cụ thể.
Các tuyến giao thông vẫn đang là điểm nghẽn, đặc biệt là thời gian trước chỉ vào những dịp đặc biệt thì giờ đã trở thành việc thường xuyên như nút thắt cầu Rạch Miễu, phà Đình Khao. Người dân ĐBSCL vừa vui mừng khi cầu Vàm Cống thông xe, thì vẫn mỏi mòn chờ ngày tuyến huyết mạch Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn tất.
ĐBSCL hiện là địa bàn chính sản xuất nông nghiệp của cả nước. Hàng năm miền Tây Nam bộ không chỉ chiếm hơn 90% lượng gạo xuất khẩu, mà còn chiếm sản lượng hơn 70% thủy sản, 60% trái cây của cả nước. Vùng ĐBSCL được coi là nơi đảm bảo cho an ninh lương thực quốc gia. Đặc biệt, khi nền kinh tế gặp khó khăn, thì nông nghiệp trong đó có nông nghiệp ĐBSCL luôn là trụ đỡ cho nền kinh tế.
Toàn vùng hiện có khoảng 7 trạm thu phí, trong đó Cai Lậy và T2 đang tạm dừng vì vấp phản ứng quá mạnh mẽ và kiên trì của các nhà xe. Theo tính toán của một chủ doanh nghiệp chuyên vận tải container phân bón và hàng hóa, nếu đi từ Cần Thơ lên TP.HCM qua 3 trạm Cai Lậy, Trung Lương, An Sương, xe trọng tải 4-10 tấn, phí mất 188 ngàn đồng. Xe trọng tải 15 tấn đi qua 2 trạm ở Cái Răng (Cần Thơ) - Sóc Trăng chưa đầy 120 km, mất 420 ngàn phí đi về. Do vậy để đảm bảo có lãi, các chủ phương tiện đều tính vào phí vận chuyển đối với khách hàng mà trực tiếp là nông hộ.
Nếu như trước đây, 1 tấn hàng hóa vận chuyển từ Cần Thơ- TP.HCM giá khoảng 220.000 đồng, nay do có các trạm BOT, mức thu của các nhà xe là khoảng 250.000 đồng/ tấn.
Theo tính toán quãng đường vận chuyển từ Cần Thơ - Sóc Trăng - Cần Thơ, nhà xe phải chi trả hơn 400 ngàn tiền phí, xấp xỉ bằng tiền mua xăng dầu. Do vậy để đảm bảo có lời, nhà xe sẽ tìm mọi cách chạy vào đường Nam sông Hậu; các tuyến tỉnh lộ, hương lộ để không bị thu phí. Quãng đường này tuy có dài, mất thêm thời gian nhưng chi phí xăng dầu chỉ tăng khoảng 10%. Hậu quả là các tuyến đường này đang xuống cấp trầm trọng, gây mất an toàn giao thông nhiều vùng quê. Rõ ràng các trạm thu phí BOT ở ĐBSCL đang bộc lộ nhiều bất ổn.

Những câu chuyện bên hành lang hội nghị
Trong giờ giải lao của hội nghị hôm 18-6 ở dinh Độc Lập, nhiều khách tham dự nhắc chuyện Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò và vị thế quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đối với nền kinh tế, xã hội của cả nước. Vậy mà, ở khu vực này lại nhận được sự phân bổ đầu tư thấp nhất so các tỉnh phía Bắc.
Bằng chứng là tại cuộc họp quốc hội vừa rồi, đại biểu Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau) phải la làng, đại ý: Hiện nay câu chuyện đường sá, hạ tầng giao thông cho các tỉnh ĐBSCL đang là một điểm nghẽn, bóp nghẹt sự phát triển của vựa nông sản, trái cây, lương thực lớn nhất nước. Các dự án giao thông mang tính liên vùng, liên tỉnh hiện nay chưa đạt yêu cầu, tất nhiên nguồn lực ngân khố quốc gia còn yếu, nhưng nếu cứ duy trì cách phân bổ đầu tư như hiện nay thì ĐBSCL sẽ mãi tụt hậu...
Chuyện nhiều đại biểu dự hội nghị đều chung kêu ca hạ tầng vừa thiếu vừa yếu, riết rồi chẳng còn mấy ai thấy bức xúc nữa; cứ như là ‘nước đổ lá môn’ như một ví von của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi phát biểu tại dinh Độc Lập hôm 18-6.
“Vấn đề là vì sao các ông, bà chủ trạm thu phí BOT giao thông đường bộ ở ĐBSCL đều đến từ những doanh nghiệp phía Bắc? Liệu đây phải chăng thuộc phe nhóm lợi ích trong liên Bộ Giao thông Vận tải – Tài chính?”. Một số nhà báo đặt nghi vấn ở bên lề hội nghị.
Đơn cử, trạm thu phí T2 trên Quốc lộ 91 thuộc địa bàn thành phố Cần Thơ, nơi tiếp giáp tỉnh An Giang đang tiếp tục gây nên sự bất bình của người dân lẫn chính quyền địa phương, vì thu phí của cả những phương tiện đi trên tuyến đường khác. Trạm thu phí T2 đặt cách ngã ba Lộ Tẻ - Rạch Giá chừng hơn 100 m nhưng thu luôn phương tiện đi theo Quốc lộ 80 về phà Vàm Cống trước đây và bây giờ là cầu Vàm Cống, gây bức xúc cho chủ phương tiện, khi cho rằng chỉ sử dụng hơn 100 mét đường mà phải chịu phí cho toàn tuyến với mức phí 35.000 đồng/lần đối với xe có trọng tải dưới 2 tấn (tùy tải trọng xe, mức phí trải dài từ 35.000 đồng đến 200.000 đồng).
Cuối năm 2017, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh An Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương liên quan kiểm tra, đánh giá để có đề án đặt trạm BOT T2 phù hợp nhất trước khi khánh thành cầu Vàm Cống. Ngày 19-5-2019, cầu Vàm Cống chính thức thông xe và việc đặt trạm T2 tiếp tục bị tài xế phản ứng.
Đến nay, mọi việc vẫn chưa có gì thay đổi về các trạm BOT bị dân tình phản đối lâu nay ở ĐBSCL. Đây chính là một trong những điểm nghẽn lớn nhất mà Hội nghị đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ, vẫn chưa được ra đưa hướng giải quyết nào.

Trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ?
Có một thực tế là các trạm BOT ở ĐBSCL và trên rất nhiều vùng miền khác đều không cách nhau 70 km theo quy định (Thông tư số 159/2013/TT-BTC). Đơn cử, tuyến Quốc lộ 1A đoạn từ TP Cần Thơ đến Cà Mau chỉ có chiều dài 180 km nhưng có đến 3 trạm thu phí. Trên Quốc lộ 91 đoạn từ TP Cần Thơ đến cầu Cái Sắn giáp ranh với tỉnh An Giang, có chiều dài khoảng 45 km cũng đã có đến 2 tram thu phí…
Việc đặt trạm ở một số nơi theo kiểu “đơm đó”, “lùa cá vào một giỏ”. Khi lập trạm, đưa ra mức phí đều không tham vấn cộng đồng, chưa kể thông tin về các nhà đầu tư cũng rất “ tù mù”, ít người được biết… Do vậy ở nhiều tuyến đường BOT hiện nay lái xe và người sử dụng đều tìm cách bất hợp tác và kiên trì kiến nghị lên nhiều cấp, nhiều ngành.
“Tôi nghĩ ở đây lỗi lớn nhất thuộc về chuyện điều hành của Thủ tướng trong chính nội các Chính phủ. Điều 39 và Điều 40 Nghị định 63/2018 của Chính phủ quy định nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án BOT sẽ ký kết hợp đồng với cơ quan có thẩm quyền để làm dự án.
Theo Luật Đầu tư 2014 và khoản 3 Điều 16 Nghị định 63/2018 của Chính phủ thì cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương và ký kết hợp đồng đối với dự án BOT, xây dựng hạ tầng giao thông thuộc thẩm quyền của bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Như vậy, doanh nghiệp khai thác trạm thu phí BOT chỉ được đặt trạm thu phí, quyết định giá thu theo quyết định của Bộ Giao thông Vận tải tại hợp đồng dự án.
Do đó, các chủ phương tiện tham gia giao thông bị thiệt hại có thể khởi kiện quyết định về việc xác định vị trí đặt trạm, mức phí thu của bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải bằng vụ án hành chính. Trước khi kiện, họ có thể khiếu nại Bộ Giao thông Vận tải về việc quy định mức phí, vị trí đặt trạm...”. Một chủ doanh nghiệp ngành logistics, vốn từng là luật sư, cho biết như vậy ở bên lề Hội nghị đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP.
N.H.P.
VNTB gửi BVN


NHỮNG DỰ ÁN BOT VÀ NGHỊCH LÝ 'LỜI ĂN, LỖ DÂN CHỊU'

TRẦN VĂN TƯỜNG/ TVN 27-6-2019

Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến đề xuất tăng thu phí từ 12-18% theo cam kết trong hợp đồng đối với 37 dự án BOT với lý do doanh thu thực tế giảm so với phương án tài chính trong hợp đồng, lưu lượng xe thấp hơn thực tế,…Nếu không tăng phí thì Nhà nước phải bù lỗ khoảng 3.000 tỉ đồng.
Dự luận bất ngờ, ngạc nhiên với đề xuất này cũng như nguyên nhân của nó, nhất là với những dự án “nhầm chỗ”, thiếu minh bạch, mất công bằng trong thu phí mà dư luận bất bình, búc xúc lâu nay.
Thận trọng với những dự án tai tiếng
BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ được thực hiện nâng cấp từ 2 lên 4 làn xe với tổng mức đầu tư 6.731 tỷ đồng từ năm 2014. Họ cải tạo và mở rộng thêm trên tuyến đường cũ độc đạo, đã được đầu tư nên hoàn thành trong thời gian khá nhanh, chỉ hơn 1 năm rồi tiến hành thu phí ngay trong năm 2015.
Sau khi dư luận nghi ngờ thiếu minh bạch trong thu phí, Kiểm toán Nhà nước đã vào cuộc và kết luận, mức thu phí cao hơn hẳn phương án tài chính. Cụ thể số thu bình quân 1,97 tỉ đồng/ngày trong khi nhà đầu tư báo cáo số thu chỉ 582 triệu đồng/ngày, chỉ bằng 29% so với thực tế (“Bị ép qua trạm thu phí BOT, Báo Người Lao Động ngày 16-9-2016).
Dự án này bị cơ quan chức năng yêu cầu sao lưu dữ liệu theo quy định nhiều lần nhưng họ vẫn chây lỳ, kéo dài thời gian, và chỉ thực hiện khi bị Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị dừng thu phí chậm nhất là ngày 10-6-2019.
Ngoài dự án vừa nêu, Kiểm toán Nhà nước còn chỉ ra hàng loạt dự án BOT báo doanh thu sai, yêu cầu điều chỉnh đúng theo thực tế. Dự án Quốc lộ 1 đoạn tránh thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) có doanh thu năm 2015 lên tới gần 111 tỷ đồng nhưng trong phương án tài chính xác định là hơn 90 tỷ đồng, thu vượt gần 21 tỷ đồng.
Dự án cầu Cổ Chiên (nối Trà Vinh - Bến Tre) bị kiến nghị giảm lợi nhuận hơn 433 tỉ đồng, giảm lãi vay hơn 1.000 tỉ đồng, giảm thời gian thu phí hơn 5 năm. Bên cạnh đó, cơ quan này kiến nghị giảm thời gian thu phí là 7 năm 7 tháng so với hợp đồng với một dự án BOT trên quốc lộ 19; kiến nghị giảm tới 10 năm với một dự án BOT khác ở Tây Nguyên.
Kiểm toán Nhà nước qua kiểm toán cũng đã có kết luận và yêu cầu cơ quan chức năng làm việc với nhà đầu tư điều chỉnh giảm thời gian thu phí tổng cộng tới 222 năm đối với 61 dự án BOT.

Những dự án BOT và nghịch lý ‘lời ăn, lỗ dân chịu’
Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng các dự án BOT hoạt động theo nguyên lý ‘lời ăn, lỗ dân chịu’

Câu hỏi đặt ra, những dự án được lấy ý kiến đề xuất tăng thu phí liệu có trong số này?
Nhiều dự án sau khi hoàn thành đã xuống cấp trầm trọng, gây bức xúc dư luận, chẳng hạn dự án BOT mở rộng nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Km1125 - Km1153, Km1125 - Km1265 qua Bình Định và Phú Yên được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất tăng mức thu phí. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Tổng Thanh tra Chính phủ làm rõ các nội dung phản ánh của báo chí về đoạn Quốc lộ 1 qua Bình Định, Phú Yên như “ruộng dưa” dù mới đưa vào khai thác chỉ được 3 năm.
Nguyên nhân lưu lượng xe thấp hơn thực tế mà Bộ Giao thông đưa ra là rất khó thuyết phục, khó kiểm chứng khi nhiều dự án BOT vẫn chưa thu phí tự động và sao lưu dữ liệu theo quy định.
Bên cạnh đó, đất nước ta có gần 100 triệu dân, hơn 3 triệu ô tô và đời sống xã hội ngày càng cao, nhu cầu đi lại luôn tăng, lượng ô tô đăng ký liên tục tăng cao.
Lý giải thu phí chưa thuyết phục
Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, một số trạm thu phí sử dụng lượng lớn vé tháng, vé quý làm giảm doanh thu nên phải tăng phí. Nguyên nhân này thiếu thuyết phục, không khách quan vì đây là trách nhiệm nhà đầu tư. Chủ phương tiện mua vé tháng, vé quý tuy rẻ hơn không bao nhiêu mà phải trả trước lượng tiền không nhỏ rồi mới sử dụng dịch vụ.
Thử làm phép tính, nước ta có hơn 3 triệu ôtô, nếu chỉ 1/3 ôtô trả trước từ 2-5 triệu cho mỗi tháng hoặc mỗi quý thì số tiền mặt là rất lớn, chưa kể lãi suất. Một trạm BOT trung bình mỗi ngày có thể thu vài tỉ đồng mà tổng cộng có gần trăm trạm thu phí cả nước.
Lý do “sụt giảm doanh thu” và “Nếu không có giải pháp đồng bộ, kịp thời cứu 25 dự án này thì phương án tài chính bị phá vỡ, doanh nghiệp dự án phá sản, các khoản vay nghìn tỉ từ ngân hàng để đầu tư công trình BOT trở thành nợ xấu” là rất khó thuyết phục. Nhà đầu tư khi tham gia dự án đã tính toán cẩn trọng, kiểm tra hiện trạng thực tế, thống kê mật độ giao thông trên đường mới đưa vào thiết kế, thi công, lập phương án hoàn vốn và có lợi nhuận.
Bây giờ lấy lý do “thiếu hụt lượng xe” thì chẳng khác gì bảo kê cho nhà đầu tư phương án kinh doanh kỳ cục “chỉ lời không lỗ”. Vì sao nhà đầu tư lại tính toán sai sót mà vẫn luôn được đảm bảo lợi nhuận?
Trong khi đó, nhiều tuyến đường độc đạo được mở rộng nâng cấp thành BOT và người dân không có quyền lựa chọn để đi lại.
Bộ Giao thông Vận tải cũng viện dẫn thêm rằng, nhà đầu tư vay hàng nghìn tỉ từ ngân hàng làm dự án, vì thế, cần tăng phí để không trở thành nợ xấu. Lý do này cho thấy cách làm dự án BOT ở nước ta rất nghịch lý: vốn đầu tư chủ yếu huy động từ ngân hàng và đưa cả gốc lẫn lãi vay vào phương án hoàn vốn.
Như vậy, không khác gì Nhà nước đi vay tiền làm dự án BOT, trả lãi, không giúp giảm gánh nặng ngân sách, ngoài ra còn chịu lợi nhuận cho nhà đầu tư. Chuyện nợ xấu được nêu ra như để gây áp lực, trong khi chính các ngân hàng cũng vô trách nhiệm khi cho vay.
Nhà nước không thể trích ngân sách bù lỗ 3.000 tỉ đồng vì kỷ luật ngân sách. Không thể chấp nhận phương án kinh doanh “lời ăn, lỗ dân chịu”. Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã nói: “Tôi khẳng định, dự án nằm trên đất, đất thuộc quyền sở hữu của toàn dân thì Nhà nước vẫn thực hiện quyền quản lý. Nhà nước thiếu vốn đầu tư cho hạ tầng, mời gọi anh vào và chỉ cho phép anh xây dựng khai thác, quản lý trong thời gian nhất định, khi nào hết thời hạn kinh doanh, doanh nghiệp phải trả lại hạ tầng cho Nhà nước. Nếu anh làm ẩu, gian dối từ thi công đến xây dựng thì phải chịu trách nhiệm".
Phải minh bạch rồi mới nghĩ đến tăng thu phí
Dự án BOT được chủ đầu tư thực thiện theo quy trình khép kín từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát, lập phương án hoàn vốn và thu phí... Nhiều trạm BOT đến nay vẫn còn thu phí thủ công, chây ì công nghệ tự động, chưa sao lưu dữ liệu theo quy định, không công khai doanh thu và lượng phương tiện qua lại. Dư luận hoài nghi, bất bình là có cơ sở.
Trải qua 3 năm, kể từ năm 2017, Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo triển khai thu phí không dừng đối với các dự án BOT giao thông cả nước. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện khá chậm. Thu phí tự động không dừng đến nay đạt chỉ 30% xe sử dụng. Trong 18 trạm ngoài Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, hiện vận hành chỉ 2 trạm, chạy thử nghiệm 1 trạm, 15 trạm còn lại chưa triển khai. Đến hết tháng 3-2019, chỉ khoảng 700 ngàn/3 triệu xe được dán thẻ, chưa tới 19% số xe cả nước.
Nước ta tổng cộng gần trăm trạm thu phí BOT, nếu được áp dụng thu phí tự động không dừng, ước tính tiết kiệm hơn 3.000 tỉ đồng/năm. Theo tính toán, mỗi lần dừng xe nộp phí làm chậm hành trình 2-3 phút, tiêu tốn thêm nhiên liệu khi lưu thông trên cao tốc. Thu phí không dừng tiết kiệm thời gian lưu thông cho hành khách và hàng hóa khoảng 2.800 tỷ đồng/năm, tiết kiệm nhiên liệu mỗi lần dừng đỗ và tăng tốc trở lại ở mỗi trạm thu phí khoảng 233 tỷ đồng/năm, giảm ùn tắc giao thông, giảm nhân sự trực tiếp thu phí...
Ngoài ra, cơ quan chức năng có thể quản lý các giao dịch qua trạm một cách công khai, giám sát được việc thu phí tại các trạm và minh bạch nguồn thu. Lợi vậy, sao lại chậm triển khai?
Thu phí tự động không dừng là chuyện không mới mẻ gì, rất phổ biến trên thế giới và hầu như bắt buộc. Ở nước ta tình trạng thiếu minh bạch, thiếu giải trình tại các trạm thu phí BOT được đặt ra từ lâu, cơ quan chức năng nhiều lần đốc thúc các nhà đầu tư thu phí tự động không dùng tiền mặt nhưng triển khai rất chậm.
Nếu tình trạng này kéo dài thì chắc chắn càng lãng phí, thiệt hại lớn cho xã hội, khuyến khích sử dụng tiền mặt trong khi chính quyền hướng đến chính phủ điện tử, công nghệ 4.0. Ngân hàng hay dịch vụ nước, điện, viễn thông đều có thể đóng phí trực tuyến, qua thẻ, lẽ nào không làm được cho tất cả các trạm BOT?

Những dự án BOT và nghịch lý ‘lời ăn, lỗ dân chịu’
Nhiều dự án BOT không minh bạch thông tin cho dân chúng và người sử dụng.

Chỉ bảo vệ những nhà đầu tư chân chính

Chính sách tăng phí BOT theo lộ trình nhằm thu hút nhà đầu tư, xét ở góc độ nào đó, cũng không phải là sai nhưng không thể áp dụng đại trà. Nói cách khác, không thể cho tăng mức thu phí với những dự án mà cơ quan chức năng đã yêu cầu điều chỉnh giảm thời gian thu phí, chưa tổ chức thu phí tự động, không đảm bảo các yêu cầu về sao lưu dữ liệu theo quy định, những dự án độc đạo trên các tuyến đường chỉ nâng cấp mở rộng thêm chứ không làm mới, sai sót thuộc trách nhiệm của nhà đầu tư, khắc phục do thi công kém chất lượng.
Dự án nào sau khi có kết luận từ cơ quan chức năng, nếu đúng thực tế diễn ra và đủ điều kiện, thì có thể xem xét cho tăng mức phí. Chỉ bảo vệ nhà đầu tư làm ăn chân chính, rõ ràng. Không tăng thu phí bất hợp lý dự án BOT.
Bộ GTVT với vai trò quản lý nhà nước làm đầu mối chỉ đạo, phối hợp cơ quan chức năng cùng nhà đầu tư thống nhất giải pháp sao cho phù hợp, công khai, minh bạch, công bằng, hài hòa lợi ích giữa các bên, hạn chế những mệnh lệnh hành chính một cách máy móc thì mới thiết thực và hiệu quả.
Cần có sự rà soát, kiểm tra và kết luận từ cơ quan như Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ để đảm bảo tính khách quan.
Nếu những dự án BOT gian dối, báo sai doanh thu, đang có lãi mà báo lỗ thì ngoài chuyện không cho tăng phí theo lộ trình còn phải yêu cầu giảm phí sử dụng theo đúng mức chi phí hợp lý, khấu trừ trực tiếp trong phương án tài chính qua các năm kể từ khi thu phí, xử lý nghiêm và phạt tiền dựa trên những gian lận từ lúc lập và tiến hành dự án.
Những dự án BOT sau kiểm toán, thanh tra cho thấy kinh doanh chân chính mà vẫn thua lỗ thì Nhà nước cần thực hiện các nghĩa vụ và cam kết thể hiện trong hợp đồng để còn khuyến khích thu hút đầu tư BOT.
Các trạm BOT đang là vấn đề đại sự, người dân, xã hội rất quan tâm, lo lắng; không thể để các nhà đầu tư kinh doanh theo nguyên tắc “lời ăn, còn lỗ dân chịu”.
Trần Văn Tường, Kỹ sư cầu đường

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2019

20190629. BÀN VỀ CHỐNG THAM NHŨNG TRONG LỰC LƯỢNG CHỐNG THAM NHŨNG

ĐIỂM BÁO MẠNG

TRƯỚC HẾT PHẢI CHỐNG THAM NHŨNG TRONG LỰC LƯỢNG CHỐNG THAM NHŨNG

NGUYỄN HUY VIỆN / TVN 28-6-2019

Trước hết phải chống tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng

Trước hết phải chống tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng
Trong nhiều năm qua, tình trạng tham nhũng trong các cơ quan phòng chống tham nhũng râm ran ở mọi lúc mọi nơi. Lâu dần thành quen, người ta quan niệm đó là chuyện bình thường, đến mức không ít người cho rằng, ai đó công tác trong các cơ quan phòng chống tham nhũng, bảo vệ pháp luật mà không “ăn” là loại người hâm hấp, dở hơi.
Dưới đây xin dẫn chứng một số ví dụ về tình trạng nhận hội lộ của cán bộ, công chức trong các cơ quan phòng chống tham nhũng, bảo vệ công lý đã được phanh phui.
Ngày 29/12/2015, Nguyễn Trường Duy cán bộ Đội Kiểm soát Hải quan thuộc Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, bị công an bắt tại sân bay khi y vừa từ nước ngoài về. Khám xét chỗ ở của Duy, lực lượng chức năng thu giữ 64 phong bì tổng cộng hơn 964 triệu đồng. Tháng 4/2018, TAND TP. Hồ Chí Minh tuyên bị cáo Nguyễn Trường Duy 12 năm tù về tội "Nhận hối lộ".
Tháng 12/2016, “Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk ra quyết định khởi tố vụ án hình sự nhận hối lộ đối với Trương Thị Hoa thẩm phán, Phó chánh án TAND huyện Ea Kar về hành vi nhận hối lộ 80 triệu đồng để thực hiện việc xét xử án treo cho bị cáo Nông Văn Thụt trong vụ án "Vi phạm về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ."
Ngày 1/10/2017, Hồ Minh Khiêm Trưởng phòng Thanh tra thuế Cục Thuế tỉnh Bình Định, là Trưởng đoàn thanh tra thuế đối với Công ty Cổ phần Xây dựng An Nghĩa, bị Công an tỉnh Bình Định bắt quả tang khi y nhận của chủ doanh nghiệp một túi đựng 110 triệu đồng và một túi đựng 20 triệu đồng. Theo cáo trạng túi 110 triệu đồng chủ doanh nghiệp hối lộ Khiêm, túi 20 triệu đồng chủ doanh nghiệp gửi qua Khiêm để hối lộ Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định.
Ngày 01/12/2018, Tòa sơ thẩm TAND tỉnh Đắk Lắk xử phạt Hà Văn Hưng nguyên Kiểm sát viên, Phó Viện trưởng VKSND huyện Ea Kar 7 tháng tù giam về tội nhận hối lộ.
Trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2018 ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình chính những người có trách nhiệm đảm bảo cho kỳ thi nghiêm minh, trung thực, khách quan lại là những người nằm trong đường dây sửa điểm cho thí sinh. Những người đó gồm cán bộ phòng khảo thí & kiểm định chất lượng giáo dục; giám đốc, phó giám đốc sở giáo dục & đào tạo.
Gần đây nhất ngày 18/6/2019, liên quan đến vụ Đoàn thanh tra Bộ Xây dựng "vòi tiền" tại Vĩnh Phúc, Công an tỉnh này đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 3 trong 5 thành viên của Đoàn về tội nhận hối lộ.
Điều nguy hại hơn, không chỉ cấp thấp mà hàng loạt cán bộ cấp tướng ngành Công an cũng tiếp tay, dung túng cho các quan chức thoái hóa và các doanh nghiệp tham nhũng, vi phạm phạm pháp luật. Thậm chí trở thành nhũng kẻ chống lưng cho đường dây đánh bạc gần chục nghìn tỷ đồng như Phan Văn Vĩnh nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát; Nguyễn Thanh Hóa nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Trên đây chỉ là một số ví dụ mang tính đại diện về tình trạng tham nhũng trong các cơ quan phòng chống tham nhũng, bảo vệ pháp luật. Còn nếu tìm kiếm trên Google, thì số vụ đưa và nhận hối lộ của các quan chức, viên chức thuộc các ngành này được đăng tải dài đặc trên các báo chính thống.
Dù số vụ việc bị đưa lên mặt báo nhiều là vậy thì đó cũng chỉ là một phần vô cùng nhỏ của tảng băng chìm. Vì hầu hết các vụ đưa và nhận hối lộ luôn được sự đồng thuận giữa người đưa và kẻ nhận, hơn nữa thực hiện rất “chuyên nghiệp”, đôi bên đều vui vẻ thank you, nên các cơ quan điều tra có tài giỏi mấy cũng rất khó phát hiện.
Chẳng hạn trước khi Vinashin sụp đổ có tới 11 lần thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và không phát hiện được vấn để gì nghiêm trọng, nhưng rồi một đại án tầm kỷ lục thế giới về số tiền bị thiệt hại, với 86.000 tỉ đồng tiền thuế của dân bị nhấn chìm.
Hay như 12 dại dự án đắp chiếu, làm rung động cả nước, mỗi đại án làm thất thoát của nhà nước hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ đồng. Số lượng, tần suất thanh tra, kiểm tra, kiểm toán các chủ thể của các đại án này cũng chẳng kém gì Vinashin và cũng chẳng phát hiện được vấn đề gì nghiêm trọng. Nhưng sau khi được  thanh tra, kiểm tra thì tất cả các dự án đều “đắp chiếu”.
Chẳng lẽ trình độ chuyên môn của cán bộ thanh tra, kiểm tra và thậm chí của một số cơ quan chuyên trách kém đến mức như vậy sao?
Hay là các doanh nghiệp và các đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán rất thuộc và rất biết cách vận dụng câu vè “thanh cha, thanh mẹ, thanh dì khi có phong bì là cùng thank you”.
Trong lĩnh vực xây dựng cũng vậy, hàng năm Bộ Xây dựng có ngót hàng trăm đoàn về các tỉnh thành thanh tra các mặt công tác xây dựng, nhưng quy hoạch đô thị, nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vẫn bị băm nát. Các cuộc thanh tra đó có chỉ ra được sai phạm?
Phải chăng, giữa khách và chủ đều đồng thuận, có thông đồng nên cùng vui vẻ “thank you” và đây chính là nguyên nhân làm cho quy hoạch đô thị càng ngày càng bị phá nát nghiêm trọng?
Không những vậy, ngành thanh tra còn hành chính hóa hầu hết các vụ tham nhũng. Ông Lê Như Tiến Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết: "Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, toàn ngành thanh tra chỉ chuyển điều tra chưa đến 1% còn lại xử lý hành chính. Trong khi đó, báo cáo thừa nhận thất thoát tài sản liên quan đến tham nhũng lên đến hàng nghìn hecta đất, hàng chục nghìn tỉ đồng”. Rồi ông Tiến đặt câu hỏi: “Vậy có hay không xu hướng hành chính hóa trong xử lý tham nhũng?"
Như vậy các đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán không chỉ che đậy cho các sai phạm của các chủ thể mà còn có hiện tượng hành chính hóa các vụ tham nhũng. Đây là những hành vi cố ý làm trái pháp luật rất bất thường.
Phải chăng các đoàn thanh tra, kiểm tra đã cố tình che đậy sai phạm của các chủ thể bị thanh tra, kiểm tra để cùng nhau trục lợi?
Một điều bất thường nữa là, khi các đại án tham nhũng của các doanh nghiệp bị phanh phui thì tất cả các thành viên của các đoàn thanh tra, kiểm tra đều vô can, thậm chí có người vẫn thăng quan tiến chức. Mặc dù trước đó họ thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp này không hề phát hiện ra tham nhũng và các sai phạm về quản lý kinh tế.
Hậu quả của tình trạng tham nhũng, dung túng cho tham nhũng trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng vô cùng tai hại.
Thứ nhất: Trong các cơ quan phòng chống tham nhũng, bảo vệ pháp luật thế hệ sau sẽ noi theo thế hệ trước, cấp dưới noi theo cấp trên thực hiện các hành vi tham nhũng hoặc dung túng cho tham nhũng để trục lợi, làm cho các vấn nạn tham nhũng, cố tình vi phạm pháp luật càng ngày càng trầm trọng.
Thứ hai: Dẫn đến tình trạng nhờn luật, coi thường pháp luật. Những cán bộ thoái hóa biến chất sẽ tìm mọi cách tham nhũng, những kẻ có “tay trong” sẽ ngang nhiên vi phạm pháp luật vì họ yên tâm khi đã có người trong các cơ quan bảo vệ pháp luật dung túng, bảo kê.
Thứ ba: Người dân mất niềm tin vào pháp luật và các cơ quan bảo vệ pháp luật, làm cho họ bức xúc bất bình, hành động theo ý thích, không tuân thủ pháp luật, dẫn đến một xã hội vô pháp.
Khi cán bộ, viên chức của những cơ quan này có hành vi tham nhũng thì đương nhiên họ buộc phải bao che, dung dưỡng cho tham nhũng. Vì vậy để phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả, về lâu dài phải thực hiện nhiều giải pháp như cải cách thể chế, cải cách cơ chế quản trị quốc gia, nhưng trước mắt phải chống tham nhũng quyết liệt trong các cơ quan chống tham nhũng, bảo vệ pháp luật.
Nguyễn Huy Viện 
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2019

20190628. VIẾT VỀ NHÀ GIÁO PHẠM TOÀN VỪA QUA ĐỜI

ĐIỂM BÁO MẠNG

ÔM CÁI CUỐI CÙNG

PHẠM ĐOAN TRANG/ BVN 24-6-2019

Là cái ôm này của tôi với bác - nhà giáo Phạm Toàn, người trí thức đáng kính của phong trào dân chủ Việt Nam, ông giáo già vui tính của hàng nghìn học sinh - sinh viên qua nhiều thế hệ, dịch giả tài hoa của “Nền dân trị Mỹ” và nhiều tác phẩm khác, đồng sáng lập viên - biên tập viên - nhà báo độc lập xuất sắc của Bauxite Việt Nam, nhà cải cách giáo dục tiên phong với nhóm Cánh Buồm...

Tôi chẳng bao giờ nói đủ, viết đủ về bác.
Có vài lần tôi “gạ” bác viết hồi ký, vì tôi thấy sẽ quá phí phạm nếu một con người như bác mất đi, đem theo vô vàn ký ức và trải nghiệm của dân tộc. Chẳng hạn như bác từng là một trong những học sinh ở lại thủ đô chiến đấu giáp lá cà với lính Pháp trong 60 ngày đêm của Hà Nội năm 1946. Bác có lẽ cũng là nhà văn - dịch giả duy nhất “sống sót” qua các đợt thanh trừng văn nghệ sĩ trí thức mang tên Nhân Văn Giai Phẩm và Xét Lại. Bác từng trải qua những năm tháng cô đơn tuyệt đối, khi mà “bạn bè xung quanh bị bắt đi tù sạch, còn trơ lại mỗi mình” (thập niên 1960). Chán đời, tuyệt vọng, Phạm Toàn uống thuốc ngủ tự tử nhưng không chết, có thể do thuốc ngủ... rởm. Không thể tưởng tượng một con người vui vẻ, tràn ngập tình yêu như thế lại có lúc tự tử.
Sau những năm tháng dạy học trên miền núi, Phạm Toàn trở về thủ đô, tiếp tục sự nghiệp trồng người. Thời bao cấp, “thầy Toàn” cũng làm đủ nghề để sống như ai, từ nuôi lợn, nấu sữa đậu nành, đến đọc sách thuê ở thư viện (đọc rồi tóm tắt lại, viết vào một mẩu giấy gắn vào sách để các độc giả được biết sơ nội dung sách trước khi mượn). Chiều chiều, đi làm về, ông lại cởi trần quần đùi, ôm đàn guitar chơi hết “Suối Mơ”, “Thiên Thai” đến Serenade... Cả khu tập thể trố mắt. Trong bối cảnh cả nước mặc đồng phục thì sống một cách lãng tử như nghệ sĩ thế là “dị” lắm.
Năm 2007, ở tuổi 75, ông là dịch giả của cuốn sách đồ sộ ngàn trang “Democracy in America” mà để xuất bản được, ông đã khéo léo chuyển ngữ từ “Democracy” (dân chủ) thành “dân trị”, tuy không hoàn toàn đồng nghĩa với “dân chủ” nhưng vẫn đúng bản chất của khái niệm này và mở ra nhiều hàm ý mới cho phong trào xã hội dân sự ở Việt Nam.
Ở tuổi 77, ông sáng lập nhóm Cánh Buồm. Gọi là “nhóm” nhưng tính tổ chức, nhóm hội không phải là một đặc điểm quan trọng của nó. Cánh Buồm thực chất đại diện cho một đường lối giáo dục mới, một phương pháp mới nhằm giúp học sinh tự tổ chức việc học của mình, tự học, tự tư duy và tóm lại, thoát khỏi nền giáo dục nhồi sọ để thành người.
Cũng năm ấy (2009), ông sáng lập và là một trong các biên tập viên, cây bút chính của Bauxite Việt Nam - trang web đầu tiên kết nối trí thức người Việt trong và ngoài nước trong nỗ lực phản biện chính sách, mở mang quan trí, dân trí. Thời đó ở Việt Nam, Facebook chưa phổ biến; Bauxite Việt Nam cùng với Ba Sàm là hai trang báo độc lập hiếm hoi với lượng view có lúc lên tới 1 triệu/ngày.
Bây giờ các blogger hoạt động dân chủ - nhân quyền ở Việt Nam hay nói tới chuyện “làm truyền thông” trên nền Facebook và YouTube. Ít người biết rằng thời 2009-2010, ông giáo Phạm Toàn đã là một nhà báo độc lập cực kỳ xuất sắc; một mình ông gần như dẫn dắt chiến dịch truyền thông về vụ án của TS. Luật Cù Huy Hà Vũ.
Ông luôn nhanh nhạy, đi trước thời đại, tiên phong trong nhiều lĩnh vực. Chính ông chứ không ai khác, là người nói với tôi vào cuối năm 2011 rằng “phải tìm cách quốc tế hoá cuộc chiến đấu này cháu ạ, làm báo cáo tố cáo chúng nó, gửi Liên Hợp Quốc và các tổ chức khác. Chứ nếu chỉ dựa vào nội lực trong nước, chúng nó chả sợ đâu”.
Năm 2009, tôi bị bắt giam 9 ngày.
Bây giờ nhìn lại thì thấy chuyện chẳng có gì, nhưng khi đó, với tôi, nó là một biến cố khủng khiếp, làm toàn bộ thế giới của tôi trước đó sụp đổ. Tôi cũng trải nghiệm trạng thái cô đơn tuyệt đối như bác Toàn năm nào: Nhiều đồng nghiệp nhìn thấy tôi là bỏ chạy từ xa, cắt hết liên lạc điện thoại, email... Giới hoạt động dân chủ ngày đó cũng không mấy người để ý đến tôi - một phóng viên lề phải bị công an bắt trong một vụ việc đầy mập mờ, bưng bít.
Dù sao, trong những ngày tháng đen tối ấy, vẫn có những người không bỏ rơi tôi, và một trong số đó là bác Phạm Toàn. Tôi đến gặp ông, run run, lo sợ. Sợ ông xem thường, sợ ông bận quá chẳng có thời gian tiếp tôi. Suy cho cùng thì tôi là ai chứ, chỉ là một phóng viên quèn, và giả sử có bị tù luôn chăng nữa thì cũng chỉ là một trong hàng trăm người dân thấp cổ bé họng đi tù ở đất nước này vì đã làm điều gì đó khiến nhà cầm quyền không hài lòng. (Mà điều gì thì cũng chẳng ai biết).
Nhìn thấy tôi, ông ôm choàng tôi vào lòng, xoa đầu, vỗ vào lưng mấy cái: “Con chó con. Con chó con nhé”. Trong đời, tôi chưa nghe ai nói những lời ấy một cách âu yếm, đầy yêu thương lại hóm hỉnh như vậy. Nhưng có nghĩa là ông biết tôi từ trước khi tôi tới gặp ông, và kể cả không biết thì cách đối xử của ông cũng đầy ấm áp đến mức tôi quên hết mặc cảm và sợ hãi.
Tình bạn vong niên giữa ông giáo già và “con chó con” bắt đầu từ đó, tháng 11/2009. Mười năm qua là bao nhiêu biến động, nhưng tôi luôn có bác. Hai năm ở nước ngoài, tôi luôn lo sợ có chuyện gì xảy ra với bác; có ba người khiến tôi canh cánh lo nhất suốt thời gian hai năm đó là “mẹ, bác Toàn, và chú Bạt”.
Đôi khi tôi thấy mình giống bác Toàn một cách kỳ lạ, gần như giống đủ thứ, trừ chuyện giới tính và một điểm nữa là làm gì, tôi cũng thua xa bác - một người chưa từng có bằng đại học. Tôi chỉ biết mỗi tiếng Anh, thêm chút xíu tiếng Tây Ban Nha (đủ để hát), còn bác sử dụng thành thạo cả tiếng Anh và tiếng Pháp. Tôi chật vật chơi guitar không xong trong khi bác chơi cả piano, violin, guitar và mandoline. Bác dịch, viết cả triết học, chính trị, tâm lý học lẫn thơ văn, kịch... còn “con chó con” chỉ loay hoay với những thứ kiến thức bình dân kiểu “for dummies”, chẳng bao giờ viết hay dịch nổi câu thơ nào.
Con người tài năng, tài hoa là thế nhưng vô cùng khiêm nhường. Mỗi lần tôi đề nghị bác viết hồi ký, bác lại đáp trả bằng một cái lườm: “Thôi, không có hồi ký hồi kiếc gì cả, người ta cười cho”. Bị gạ quá, bác lại thoái thác kiểu: “Ừ thì để khi nào tao làm xong hết bộ sách Cánh Buồm từ lớp 1 đến lớp 12 đã, để hết việc đã”. Mà bác thì có bao giờ hết việc. Phạm Toàn chính xác là một con nghiện công việc (workaholic); ông làm việc mười mấy tiếng mỗi ngày, với một niềm yêu thích, say mê như trẻ con xem tivi (và bây giờ là Ipad) vậy.
Đôi khi tôi phải tự hỏi, nền giáo dục thời Pháp thuộc có điều gì khiến nó tạo ra cả một thế hệ những trí thức như vậy? Và tôi cũng nhận thấy một khoảng đứt gãy rất lớn từ thế hệ của bác đến chúng tôi bây giờ...
Khi tôi phục xuống bên giường ông, ông ôm lấy tôi. Căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối khiến ông yếu quá rồi, không nhận ra tôi nữa. Mọi người nhắc: “Đoan Trang về thăm ông Toàn kìa”. Mắt ông sáng lên, rồi ông cau mặt lại: “Về làm gì. Nguy hiểm. ‘Nó’ bắt thì sao?”.
“Thì kệ nó”. Tôi ôm lấy ông và khóc nức lên. Con người mà cả đời chỉ biết thương yêu và bảo vệ, nâng đỡ người khác, con người mà cả đời làm việc và cống hiến với một niềm đam mê nồng nhiệt, con người mà cả đời đi tiên phong và không hề biết nịnh, biết sợ cường quyền... Con sư tử của một thế hệ trí thức tinh hoa cuối cùng...
Đ.T.
Nguồn: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10157650931138322&set=a.10153539242513322&type=3&theater

PHẠM TOÀN: CÁNH BUỒM VỪA RỜI BẾN

MẶC LÂM/ VOA/ BVN 27-6-2019

Phạm Đoan Trang đến thăm nhà giáo Phạm Toàn. (Hình: Trang Facebook của Phạm Đoan Trang)
Phạm Đoan Trang đến thăm nhà giáo Phạm Toàn. (Hình: Trang Facebook của Phạm Đoan Trang)
Năm 2010 tôi viết bài về bộ sách giáo khoa do nhóm Cánh Buồm chủ trương, lúc ấy tôi được biết tác giả thật sự của những cuốn sách đặc biệt này là nhà giáo Phạm Toàn và từ lần đầu tiên phỏng vấn ông tôi đã bị sức hút từ con người đặc biệt ấy hấp dẫn, đến nỗi tôi tin ông là người có kiến thức uyên bác có thể giải quyết cho tôi bao điều về Việt Nam nhất là trong thế giới của Hà Nội, nơi ông sống cả đời và làm việc không hề mệt mỏi cho tới ngày nhắm mắt.
Hai ngày trước đọc một bài viết ngắn của Đoan Trang về “cái ôm cuối cùng” với ông, tôi biết rằng ngày ra đi của ông đã tới nhưng không đủ can đảm gọi cho ông, bởi tôi sợ ông mệt trong cơn bạo bệnh và một nỗi sợ khác âm ỉ nhưng mãnh liệt hơn khiến tôi không đành lòng bấm nút, tôi sợ sẽ khóc và làm ông khóc theo như đã từng xảy ra nhiều năm trước, bởi tôi biết ông rất quý tôi qua thời gian tôi và ông chia sẻ những điều mà cho tới nay tôi tự hỏi không biết có ai thay thế được ông trong cuốn sách đời của lòng tôi hay không.
Tôi có duyên lắm mới nghe được giọng nói sang sảng hào phóng của ông qua nhiều lần trò chuyện trước các vấn đề buốt nhức của nước nhà. Từ trăn trở lẫn khó khăn khi làm Cánh Buồm, tới những bài viết, dịch của ông trên trang Bauxite. Ông trẻ lắm trong lời ăn tiếng nói mà còn trẻ cả ở nhân sinh quan, cung cách sống và quan niệm về giới tính. Với ai ông cũng mở lòng ra mà trò chuyện vì chỉ như vậy ông mới nhìn thấy chính mình. Nhà giáo Phạm Toàn được người chung quanh quý trọng không phải ở khả năng thuyết phục mà ở sự minh mẫn lồ lộ trong từng giọng cười cho tới từng cái siết tay thân thiện.
Có lần gọi về cho ông chỉ để hỏi thăm tình trạng của trang Bauxite, ông im lặng một chốc rồi hỏi tôi: Thế cậu có ý kiến gì giúp cho nó mạnh hơn lên hay không? Tôi cũng bất ngờ và hỏi lại: Nó đang mạnh như thế còn gì? Ông cười lớn: Chưa đủ mạnh để công an tránh xa.
Làm Cánh Buồm việc quan trọng nhất là kinh phí cho các bạn trẻ trong nhóm. May mắn cho ông là có khá nhiều Mạnh Thường Quân ở nhiều nước gửi về giúp đỡ, nhưng những đồng tiền nhận được vẫn không đủ trang trải. Ông thường xuyên lặn lội vào Nam nhằm kiếm thêm Mạnh Thường Quân nhưng không may, Sài Gòn tỏ ra không mặn mà lắm với chương trình mà Cánh Buồm khởi xướng ngoại trừ những người bạn thân của ông. Ông không buồn chút nào khi nói với tôi ông sẽ lại vào giới thiệu Cánh Buồm nữa cho tới khi nào “vỡ ra” mới thôi.
Ông sống một cuộc đời giản dị và khiêm tốn mặc dù cuộc sống dành cho ông khá nhiều cảm tình. Dưới mắt ông đồng tiền không là gì cả mặc dù thu nhập của ông khó ai đoán được từ nguồn nào. Tôi nhớ như in khi ông nhắn tin cho tôi bảo gọi ông gấp có chuyện quan trọng, khi gọi được thì ông cho biết: lâu quá không nghe mày gọi nên… nhớ, vậy thôi.
Thay vì bực mình, tôi xúc động như người say rượu. Tôi biết ông quý tôi mặc dù chưa hề gặp nhau. Lần tôi về Hà Nội gần nhất có yêu cầu Phạm Xuân Nguyên dẫn tôi tới thăm ông nhưng lúc ấy ông lại đi vắng, tiếc nhưng không còn cơ hội nào khác tôi chỉ biết e-mail nhắn tin cho ông vì không gọi được mặc dù đang ngồi tại Hồ Gươm. Lần duy nhất ấy vẫn làm tôi tiếc nuối không ôm được người mình yêu quý. Duyên với nhau chưa đủ để gặp mặt nhưng tôi và ông có những cuộc điện thoại dài nhiều tiếng đồng hồ bàn về những vấn đề hoặc ông hoặc tôi chăm chú.
Khi tôi cần tìm hiểu về một vấn đề giáo dục hay văn hóa Hà Nội ông sẵn sàng ngồi hàng giờ tỉ mỉ cho tôi biết những gì đã xảy ra, và hơn thế ông còn đưa ra những kết quả hết sức thuyết phục về những gì ông suy đoán. Tuy nhiên chưa bao giờ tôi thấy ông tỏ vẻ tuyệt vọng về bất cứ vấn đề gì kể cả vấn đề gai góc nhất khi ông gặp khó khăn lúc điều hành trang Bauxite. Lúc nào ông cũng cười thoải mái, không hề giả tạo hay gượng ép, nghe tiếng cười của ông người ta cảm thấy cuộc đời gần gũi và đáng sống hơn. Cũng trong tiếng cười ấy ông thường kể cho tôi nghe về những người an ninh có thời gian vây chung quanh ông đã bị tiếng cười làm cho họ bối rối ngần nào. Nếu Lão Ngoan Đồng trong tiểu thuyết của Kim Dung là có thật thì hình ảnh nụ cười của ông đáng được ghi nhận như một cốt cách, một tâm trạng thiện lương lúc nào cũng túc trực trong tâm hồn ông.
88 tuổi đáng được gọi là đại thọ cho những người bình thường nhưng với ông thì không đủ để ông làm việc. Căn nhà số 713 Lạc Long Quân tầng 7, quận Tây Hồ, Hà Nội từng chứa hàng ngàn nụ cười của ông giờ chắc nó sẽ nhớ như bạn bè thân quyến của ông từng chứng kiến. Tôi luôn cả tin rằng Phạm Toàn không bao giờ nuối tiếc cuộc đời này bởi ông thừa biết sống đến ngần ấy thời gian, chưa làm điều gì buồn lòng cho người khác ngược lại còn mang đến niềm kỳ vọng cho bao thế hệ qua bộ sách Cánh Buồm đã quá đủ cho một sĩ phu Bắc Hà mặc dù địa chỉ e-mail của ông là phamtoankhiemton.
M.L.
Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/pham-toan-canh-buom-nha-giao/4974467.html



MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ TRIẾT LÝ VÀ SÁCH GIÁO KHOA CỦA CÁNH BUỒM

NGUYỄN LAN HƯƠNG / GDVN 27-6-2019
Sách Cánh Buồm (//canhbuom.edu.vn/sach-canh-buom/). (Ảnh minh hoạ: Tác giả cung cấp)

Cảm tạ về những thành tựu Cánh Buồm và Phạm Toàn đã làm cho giáo dục Việt Nam

Những gì Cánh Buồm và Phạm Toàn đã làm và đóng góp cho giáo dục Việt nam, tôi, người thế hệ sau, không dám nói lên điều gì.
Nhưng để cho những chia sẻ bởi Quỹ Phan Chu Trinh với lời khen tặng về những thành tựu họ đã làm ở Việt Nam nói lên lời cảm ơn, thay cho tất cả. [1]
Cá nhân tôi, được biết Phạm Toàn và những con người thế hệ của ông, những bạn bè ông, qua Trần Văn Thủy và Báo Điện tử Giáo dục Việt nam.
Khác nhau về nhiều điều, nhiều quan điểm, nhưng chúng tôi tự hào về bản thân là người Việt, người Hà Nội chân chính, và cốt cánh đó, không đổi theo năm tháng!
Chỉ những ai biết yêu thương con người, mới biết làm giáo dục, là điều chúng tôi cùng chia sẻ, với Phạm Toàn và với những bạn hữu xa gần, dù có hay chưa gặp mặt, ở Việt Nam hay ở nước ngoài.
Tôi có giới thiệu sách Cánh Buồm cho những tổ chức nghiên cứu giáo dục ở nước ngoài, không phải vì tôi tin vào chất lượng của nó, mà theo quan điểm cá nhân tôi, nếu chúng ta có sách giáo khoa nhà nước làm, và nay có một bộ sách khác nữa, để tham khảo, thì chúng ta có nhiều điều để so sánh và suy ngẫm hơn.
Dẫu thú thật, với cá nhân tôi, tôi biết rõ những gì Cánh Buồm làm, cũng là những nỗ lực cá nhân vượt bậc của bao năm tháng với bao con người xa gần góp sức!
Vì điều này, tôi luôn coi Phạm Toàn như một người đáng tri ân, một người có thể rất khác mình, nhưng là bạn già, bạn để nói thật, bạn để thẳng thắn rằng, cháu không nghĩ đó là cách làm đúng, nếu đó là điều không nên làm, với giáo dục hay với con trẻ!
Giáo dục là nhân cách con người, hay như Phạm Toàn hay nêu, là cách để thanh thiếu niên trưởng thành…mà hỡi ôi, trong thế giới phù phiếm của chúng ta hiện nay, người trưởng thành có khi lại bị ai đó “gắn mác” phản động, đi ngược xu hướng.
Còn có những kẻ tiểu nhân, đê tiện và sẵn sàng dùng mọi cách ngoi lên chức nọ tước kia hay vênh vanh vinh danh chỗ nào đó, nhưng lại chỉ là vỏ rỗng tuếch, trong đầu chả có một chữ nào để nói đến “Nhân – Nghĩa”, điều cốt tử của mọi con người, mọi xã hội.
Phạm Toàn ra đi, nhưng những bài thơ dịch “Những Đêm Mất Ngủ”, bài viết về linh hồn con người, và vô số những gì bác gửi cho tôi, sẽ đi theo tôi suốt cuộc đời này.
Người bạn già vẫn luôn ở trong mỗi suy ngẫm về giáo dục và xã hội.
Xin hãy yên nghỉ, đã xong một đời con người, đã sống và đáng sống, như một con người!
(Câu này, tôi sẽ nói con tôi nhớ viết trên di ảnh của tôi, lúc nào tôi chết…bởi với tôi, cuộc sống đáng sống nhất là sống như một con người).



Nhà giáo Phạm Toàn đã sống và đáng sống, như một con người! (Ảnh :do gia đình nhà giáo cung cấp).



Suy ngẫm về triết lý của Cánh Buồm
Để nhớ đến Phạm Toàn và Cánh Buồm, xin được nhắc lại triết lý của nhóm về giáo dục:
“Giáo dục là tổ chức sự trưởng thành cho thanh thiếu niên, không phải là đào tạo, không phải là theo đường lối của ai cả. Thanh thiếu niên tự làm ra chính mình bằng cách tự trang bị cho mình một tư tưởng, một phương pháp học. Và tư tưởng phương pháp đó được dùng ngay trong một ngôi trường bình thường của người Việt, để trở thành người Việt”
Và câu ông hỏi “Giáo dục sẽ dẫn dắt dân tộc này đi đến đâu”?
Cá nhân tôi nhớ, ông luôn mong giáo dục và thay đổi giáo dục phải giản dị, dễ hiểu để đi vào cuộc sống.
Triết lý giáo dục về “tổ chức sự trưởng thành” là một triết lý tầm xa với những thế hệ lãnh đạo hiện nay về giáo dục và xã hội Việt Nam, bởi sự trưởng thành mà Phạm Toàn muốn nói, là để đối lại với tiếng lòng của Tản Đà:
"Dân hai nhăm triệu ai người lớn
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”.
Thực trạng của Việt Nam ở nhiều lĩnh vực đều nói đến tính “chưa trưởng thành” của chúng ta, trong đó có tôi, trong những công việc đã làm và đang làm, hay sẽ làm.
Nhưng đó là một quá trình, mà dẫn dắt quá trình trưởng thành đó là thế hệ trí thức ưu tú, mà có lẽ không chỉ thời đại mới này, từ lâu, chúng ta đã và vẫn tranh cãi, liệu chúng ta có những nhà tri thức thật sự hay chưa, có những thế hệ trí thức ưu tú hay chưa?
Các nhà quản lý giáo dục, xin hãy nghĩ lại!
Và họ có được lãnh đạo xã hội hay không?
Hay họ cũng chỉ cố gắng nhất như Phạm Toàn, đứng nép một bên của cánh cửa giáo dục và cố gắng làm được gì đó thì làm, rồi cũng cứ thế thôi với thời cuộc?
Có những ai đó trong xã hội này, họ mong muốn đi lên toàn cầu hóa nhanh quá, nhanh đến độ họ quên toàn bộ giá trị con người và giá trị con người Việt, văn hóa Việt là gì!
Với họ, mới là sẵn sàng đạp phá, sẵn sàng nhổ bỏ, sẵn sàng chà đạp lên nhân phẩm và cuộc đời kẻ khác, và những kẻ đó lại đang được tôn vinh, còn những kẻ mang danh sống như con người thật sự, tử tế thì thật nhỏ nhoi và tàn tệ với tư cách của những kẻ thất thế, lỗi thời và “xa xưa” rồi…và trở thành mồi ngon cho những kẻ nước ngoài “copy và paste” những giá trị “cổ điển” với danh “tích lũy tri thức thế giới”!
Trưởng thành của một dân tộc ư?
Khi chính những con trẻ của chúng ta đã và đang là miếng mồi để thử nghiệm đủ các loại giáo dục nước ngoài và trong nước, trên những năm tháng đầu đời đi học và kéo dài suốt hơn 14 năm học tập của chúng?
Liệu ai dám nói khi nào những thử nghiệm giáo dục, thử nghiệm công nghệ giáo dục, thử nghiệm dữ liệu giáo dục trên người Việt, trên học sinh Việt được chấm dứt, khi chúng ta đang nợ quá nhiều?
Sách giáo khoa Cánh Buồm
Tôi không phải là chuyên gia về giáo dục phổ thông và sách giáo khoa, nên thú thật, tôi không dám nói gì nhiều về vấn đề này.
Tuy nhiên, với trải nghiệm hơn 25 năm giáo dục con và kinh nghiệm làm trong lĩnh vực giáo dục quốc tế, với 5 năm hơn đau thương ở Mỹ về giáo dục đại học và buộc phải nhìn lại chất lượng đại học Mỹ từ giáo dục phổ thông, tôi có mấy suy ngẫm sau, nếu có đâu sai sót, xin tất cả lượng thứ bởi đây cũng chỉ là từ một kẻ không chuyên môn!
(i) Nếu so sánh sách của Cánh Buồm với sách do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, thú thật, chắc chắn ai cũng thích cách tiếp cận của Cánh Buồm. Văn minh, hiện đại và có nhiều thứ “mới, lạ”.
Mục đích của chúng tôi là thấy được một tâm hồn Việt ở từng tế bào xã hội
(ii) Tuy nhiên, nếu nhìn và đọc kỹ lại những cách thức để phát triển nội dung sách, tôi có nhận ra, chúng ta nói đến giáo dục tâm hồn Việt, thì những cách để làm thơ theo kiểu Nhật là rất hay, nhưng khi nào nên dạy, dạy ra sao, và làm sao để học trò học và cảm nhận những điều đẹp từ những bài thơ, văn từ tiếng Việt, ca dao và văn hóa Việt đủ để thấm sâu vào con người chúng và sẽ không bao giờ phai nhạt?
Cấp 2 dạy văn và có bổ sung văn hóa nước ngoài liệu là hợp lý hơn, hay cứ dạy tất cả càng sớm càng tốt?
Tương tự như vậy, với những bài văn thơ, điều nói đến nhân nghĩa, nói đến tình thương đồng loại và thiên nhiên trong Cánh Buồm rất hay, nhưng với cá nhân tôi, tôi nghĩ đến năng lực cảm thụ đó ở độ tuổi nào là hợp, bởi chúng ta phải luôn nhớ đến con người là đặc biệt, là duy nhất…và tôi rất ngại văn hóa “chuyên văn” trong giáo dục Việt Nam!
(iii) Khi nói đến trưởng thành, phương pháp học sinh học cách học (how to learn), hãy luôn nhớ đến, mỗi con người là một thực thể rất riêng biệt, và buồn thay, những đẹp đẽ chúng ta dạy chúng, lại được xã hội đo lường dưới con mắt và góc độ rất khác.
Nếu những đứa trẻ được học những điều đẹp đẽ đó, nhưng hàng ngày chúng phải đối mặt với sự thật khác: đánh nhau giữa cha mẹ, cãi vã nhau vì tiền giữa những người thân, “mua bán” danh lợi vì mưu cầu chức tước và quyền lực…


Nhà giáo Phạm Toàn, vị thuyền trưởng của nhóm Cánh Buồm, ảnh: canhbuom.edu.vn.

Chúng ta đang xây một thế giới không thật và thật cho một đứa trẻ mà nó không hiểu, nó sẽ sống ra sao giữa những gì thật đẹp trong sách và những gì thật nhưng rất tệ ở ngay trong gia đình, xã hội và các mối quan hệ, nằm ngoài khả năng và nhận thức hay thay đổi của chúng!
Còn rất nhiều điều để nói về sách, và sách giáo khoa.
Nhưng quan điểm cá nhân tôi, đó là hãy để giáo viên quyết định điều gì là phù hợp cho mỗi đứa trẻ hay mỗi lớp học. Họ và cha mẹ sẽ là người biết rõ nhất chúng cần gì.
Nhưng khó khăn cho chúng ta và Cánh Buồm muôn vàn, là giáo viên Việt, cũng như giáo viên chung của thế giới, hơn 30 năm qua sống với “cuộc sống giáo dục không phải của mình”.
Họ chỉ là thợ dạy và “thợ” thì cố lắm cũng chỉ đào tạo ra “gần giống thợ” thôi, đâu có là làm con người duy nhất và sáng tạo được!
Nói đến sách, nói đến học sinh, tất cả lại quay về với điểm xuất phát cơ bản: giáo viên và chế độ, chương trình đào tạo chất lượng ra sao, thì có sản phẩm tương ứng như vậy!
Những điều chúng ta biết, biết đến đâu…trên con đường đều chưa biết của nhân loại?
Trong thời gian qua, Cánh Buồm đã tổ chức dịch nhiều cuốn sách về tâm lý trẻ em và những sách phục vụ cho nghiên cứu giáo dục tại Việt Nam. Điều này thật đáng quý.
Duy có một ý nhỏ, rất có thể tôi chủ quan và sai, nhưng thú thật, trong hơn 25 năm đọc và học theo chương trình học các cấp ở Phương Tây, dù là tâm lý họ rất giỏi, có những điểm tôi đã nhận ra:
(i) Khi nghiên cứu và đánh giá về tâm lý học, rất nhiều nhà nghiên cứu khoa học của Phương Tây đã dựa trên “con người” là đối tượng nghiên cứu khoa học, và đâu đó không khác gì nhiều với “động vật cao cấp”, nếu có ai nhìn lại từ thời “chó và phản xạ có điều kiện”, đến thời kinh tế hành vi của R. Thaler.
Ông giáo già và chuyện nghỉ hè thời Pháp thuộc
Nó không sai, chỉ có điều, giáo dục con người thì cần nhìn con người như là một con người đúng nghĩa;
(ii) Mọi tâm lý và nghiên cứu giáo dục, ở Mỹ, Anh và nhiều nước khác, nếu xét đến hệ thống giá trị đẳng cấp xã hội và phân loại tầng lớp, nó có những hệ quy chiếu khá rõ.
Lấy ví dụ của Mỹ, những nghiên cứu hơn 70 năm hay 50 năm về phân biệt đẳng cấp, màu da, được chuyển đổi vào chính sách công nhằm hạn chế khả năng học tập và chuyển đổi tầng lớp trong xã hội là được thấy rõ.
Thế nên, những nghiên cứu khoa học, dù gì, phải lưu ý đến tính đặc thù xã hội và chính trị - kinh tế do ai muốn thống trị ai, dẫu đó là trong lĩnh vực giáo dục và xã hội;
(iii) Hiện tại, với xu thế toàn cầu hóa về kinh tế thúc đẩy, hiện tượng và dần trở thành trào lưu là “quốc tế hóa” giáo dục ngày càng nhiều.
Điều này tốt, bởi giao lưu thì tốt thôi, nhưng như chúng ta đã tự có kinh nghiệm trong bao năm về giáo dục, điều tốt thì khó học và ít ai đi dạy kẻ khác điều tốt, nhưng điều xấu thì nhập vào rất nhanh và làm biến đổi con người và xã hội sang một hình thức, mà có lẽ chính chúng ta không thể hiểu, không thể hình dung.
Lấy ví dụ, làm sao giáo dục con trẻ trưởng thành trong thế giới mà internet có thể cung cấp tất cả những gì một con người cần, nhưng nó lại hủy hoại cuộc đời của chính những ai suốt ngày chỉ gắn với internet? Và bị thông tin “giả mạo” đánh lừa?
Hay làm sao để dạy chúng biết rằng, mọi thứ trên internet và ai đó, dù có uy tín nói ra, cũng phải kiểm chứng sự thật?
Thú thật, điều tôi hiểu là cái đúng hôm qua có thể hôm nay không đúng, cái đúng hôm nay chắc gì mai đã đúng.
Vậy, nền giáo dục như thế nào trong một thế giới giữa “ảo thật”, giữa đạo đức và phi đạo đức, giữa con người và phi con người…
Tất cả, không riêng gì Việt Nam, đang quờ quạng đi vào một thời đại, mà cá nhân tôi hiểu là, nếu không dựa trên chuẩn mực về đạo đức làm người, giá trị làm người là điều quan trọng nhất, chúng ta sẽ không thể có điểm tựa để bàn và cải cách bất kỳ điều gì, không chỉ trong giáo dục, mà ở bất kỳ lĩnh vực nào.
Đây là điểm Phạm Toàn và tôi rất thống nhất.
Chúng tôi yêu con người, tin vào con người và giáo dục phải là vì con người.
Mọi thứ cải cách, mọi thứ mang màu sắc giáo dục, nhưng chà đạp lên giá trị làm người và quyền con người, dùng tham vọng của người lớn “tô vẽ” lên những thứ giáo dục mang đầy màu sắc ảo ảnh, nhưng chỉ tạo ra những con người vô hồn, sẵn sàng làm mọi thứ để mưu lợi cá nhân và nhóm lợi ích, chúng chỉ làm thế giới loài người thêm đau đớn và tan nát hơn thôi.
Thế giới này, và Việt Nam chúng ta, đã và đang trả giá cho chính nền giáo dục phi con người đó, nên hy vọng, chỉ biết hy vọng thôi, rằng sẽ có một nền giáo dục vì con người thật sự cho con trẻ Việt Nam và thế giới.
Xin Phạm Toàn hãy yên nghỉ. Giá trị con người, giá trị một cuộc đời như Phạm Toàn, tôi tin, cũng đáng để sống.
Tài liệu tham khảo:
[1]//www.quyphanchautrinh.org/giai-phan-chau-trinh/ChiTiet/858/giai-thuong-nam-2008?bc=62&nam=61
Nguyễn Lan Hương
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

PHẠM TOÀN TẠ THẾ: MỘT DÒNG SÔNG GIÁO DỤC ĐÃ QUA ĐỜI

NGUYỄN HIỀN /BVN 28-6-2019

Sáng ngày 26.06, nhà giáo Phạm Toàn, người chủ xướng nhóm Cánh Buồm, nhà dịch giả cuốn sách  Nền dân trị Mỹ đã tạ thế, hưởng thọ 88 tuổi.
Ông ra đi sau một thời gian kiên cường chống lại bệnh tật về già.
Phạm Toàn là người trí thức được phủ bởi lớp đào tạo chất lượng của Pháp, cũng như lòng yêu nước Việt nồng nàn. Ông nổi lên với sự đau đáu về vận mệnh nước nhà cũng như chất lượng sản phẩm giáo dục, ông kỳ vọng một tương lai thay đổi và biến chuyển lớn của Việt Nam, một Việt Nam “tươi đẹp hơn, đàng hoàng hơn” dựa trên những con người, những sản phẩm được xây dựng bởi nền giáo dục hiện đại, nơi “đảm bảo hạnh phúc đi học cho trẻ em”.
Facebook Hoàng Hưng, người bạn của nhà giáo Phạm Toàn trong lời vĩnh biệt được đăng tải trên trang cá nhân, đã nhận xét nhà giáo trên nhiều khía cạnh, trong đó, nhà giáo Phạm Toàn là con người rất tình cảm, yêu ghét phân minh nhưng bao dung và hồn hậu, hài hước, trẻ trung đến những ngày cuối đời, một “Lão Ngoan Đồng”.
Chuyên gia nghiên cứu quốc tế Nguyễn Quang Dy trong một bài viết tưởng nhớ nhà giáo Phạm Toàn, đã trích dẫn câu nói của triết gia Hegel, “Không thể đạt được điều gì vĩ đại trên thế gian này nếu không tâm huyết”. Và nói đến nhà giáo Phạm Toàn chính là nói đến sự miệt mài của ông đối với trường thực nghiệm, bauxite, dự án Cánh Buồm,…
Nhà giáo Phạm Toàn cho thấy sự tâm huyết của một học giả, một nhà xây dựng giáo dục đích thực. Bởi góc nhìn giáo dục hiện đại và lòng yêu thương trẻ em vô hạn. Và trong những từ khóa hiển thị trên website nhóm Cánh Buồm, đã thể hiện thuộc tính nêu trên, bởi thứ liên quan nhất đến chính trị lại là những ngôn từ thể hiện sự đau đáu và khát vọng cùng nhà nước thực hiện cải cách, như báo cáo Quốc hội, cải cách giáo dục, giáo dục hiện đại. Còn những từ khóa còn lại, là biểu hiện tinh thần giáo dục của nhóm Cánh Buồm, như giáo dục Pháp; hành trình trí tuệ; học làm thơ; học văn; Hồ Ngọc Đại; Jean Piaget; Ngô Bảo Châu; triết học; trí khôn. Nói cách khác, có vẻ như nhà giáo Phạm Toàn đã chắt lọc cái tinh túy của nền giáo dục Pháp mà ông hưởng thụ thời thơ ấu và tinh thần “dân trị Mỹ” trong giáo dục để cùng với những người bạn, người em của mình định hình một giá trị giáo dục Việt.
Nhà giáo Phạm Toàn từng đề cập một cách khái quát nhất về nền giáo dục Việt Nam, nơi mà trẻ em luôn là nạn nhân, và thực tế cho thấy, những vấn đề bất cập trong nền giáo dục hiện tại, bao gồm cả bạo lực, sự gian lận,… là hệ quả của nỗi sợ mà ông từng đề cập đến trong một tọa đàm.
“Bắt nạt ở đây tôi hiểu theo cái nghĩa là dọa bằng điểm số, dọa bằng xếp hạng, dọa bằng sổ liên lạc, dọa bằng gọi phụ huynh đến để đe nẹt, dọa bằng bài tập, dọa bằng không được lên lớp”, nhà giáo Phạm Toàn chia sẻ trong bàn tròn trực tuyến của báo VNN vào tháng 08.2014.
Người viết không đồng ý với quan điểm về một “thế hệ trí thức tinh hoa cuối cùng”, trong đó ám chỉ nhà giáo Phạm Toàn là một trong số đó. Bởi giá trị mà nhà giáo Phạm Toàn tạo ra trong suốt cuộc đời của ông, tài sản của ông để lại qua dự án Cánh Buồm, thậm chí cả “mơ ước một nhà trường không bắt nạt trẻ con” đã và sẽ tiếp tục khởi tạo một thế hệ tinh hoa tiếp nối. Cái thế hệ hưởng thụ nền giáo dục đầy nhân bản, nơi bạo lực và sự gian dối chỉ là những khái niệm đã qua. Bởi triết lý, nền tảng giáo dục hiện đại mà Phạm Toàn và những đồng nghiệp của ông miệt mài khởi tạo trong thời gian qua đã là những nền tảng cơ sở tốt nhất, nhân văn nhất, và tương lai nhất của chính tương lai Việt Nam.
Sẽ chẳng có sự thay đổi nào diễn ra, nếu như dân trí không được nâng cao. Và dân trí không thể nào nâng cao, nếu như phương pháp và môi trường giáo dục không được thay đổi theo hướng tiếp cận và hiểu được trẻ em mong muốn gì. Nhà giáo Phạm Toàn đã làm được điều đó.
“Giáo dục là tổ chức sự trưởng thành của thanh thiếu niên cả dân tộc. Giáo dục tiểu học ổn định đảm bảo chất lượng thì toàn bộ nền giáo dục mới được ổn định, từng gia đình ổn định, cả xã hội cùng ổn định”. Triết lý giáo dục của nhóm Cánh Buồm được đăng tải công khai trên website.
Nếu xã hội và tương lai bất ổn, đó là vì nền giáo dục đào tạo ra những con người xã hội chủ nghĩa. Nếu xã hội và tương lai Việt Nam ổn định, đó là vì những con người đi ra từ dự án giáo dục Cánh Buồm.
“Thầy vừa từ giã tất cả chúng ta”, sự ra đi của ông là một mất mát to lớn đối với nền giáo dục Việt Nam, nhưng điều đó không đồng nghĩa Cánh Buồm sẽ dừng lại, bởi tinh thần của ông sẽ tiếp tục tồn tại và dẫn đường, vì nền giáo dục hiện đại là khát vọng ngày càng lớn của chính những người Việt Nam.
N.H.
VNTB gửi BVN.



TƯỞNG NHỚ NHÀ GIÁO PHẠM TOÀN

TRẦN VĂN CHÁNH /BVN 28-6-2019

Sáng 26.6.2019, đọc bài “Cái ôm cuối cùng” của Đoan Trang và bài “Hẹn gặp lại bác Phạm Toàn” của NS Tuấn Khanh, do một người bạn chuyển qua email cho xem, tôi mới hay tin anh Phạm Toàn qua đời. Dù biết một người ra đi ở tuổi 88 cũng đã là thượng thọ, nhưng tôi không khỏi bần thần một lúc lâu, tiếp theo là cảm giác ân hận, vì sau lần gặp nhau ngồi lai rai tâm sự với anh cùng với một người bạn trẻ nữa, ở Hà Nội cách nay hơn 6 tháng, tôi có nghĩ đến anh nhiều lần nhưng chưa lần nào gọi thăm anh một tiếng, giờ mọi sự đã lỡ hết rồi!
Nhà giáo Phạm Toàn đáng tuổi cha chú tôi, vào khoảng năm 2015, khi lần đầu có dịp gặp thăm nhau ở TP. HCM, giữa chúng tôi đã thấy ngay có tình huynh đệ, nên không cảm thấy có sự ngăn cách về tuổi tác, trước nhất do ở tính cách vui vẻ nhũn nhặn khả ái mà lại hết sức nhiệt tình của anh trong những công việc đang theo đuổi. Lần đó, anh vào TP. HCM cùng với một người nữ trợ lý trẻ là để triển khai việc dạy thử nghiệm chương trình sách giáo khoa Cánh Buồm (SGK Cánh Buồm) do anh chủ trương, tại một trường tiểu học. Sau khi xong việc, chúng tôi hẹn với nhau ngồi nhâm nhi nói chuyện tới khuya, từ đó tôi lần lần hiểu được tâm huyết / hoài bão của anh nhiều hơn, chứ thật ra không có sự quen biết trước từ lâu.
Anh mời tôi cộng tác viết bài cho SGK Cánh Buồm, tôi đồng ý với thái độ không xác định hẳn, vì chưa biết viết với những nội dung cụ thể như thế nào. Sau đó về Hà Nội, anh có lấy một bài viết khá dài của tôi đưa vào sách môn Văn lớp 7, khi ra mắt sách, lại mời tôi ra chơi Hà Nội, nhưng vì bận rộn và nhiều lý do khác, tôi không tiện hưởng ứng lời mời gọi rất chân thành của anh, một người luôn vì mục đích chung tốt đẹp, sẵn sàng bỏ công bỏ sức vất vả đi tìm “đồng chí” để hợp tác.
Lần gặp trước Tết ở Hà Nội, anh mời tôi uống cà phê ở một quán trong khuôn viên Nhà hát chèo Trung ương, sau đó cùng vào xem một buổi học ngoại khóa có tính thực hành về nghệ thuật hát chèo Việt Nam do anh thu xếp tổ chức dành riêng cho học sinh tiểu học “Cánh Buồm”, với sự đóng góp trình diễn của rất nhiều nghệ sĩ ưu tú thiện chí, là những người đã chia sẻ / ủng hộ anh trong chương trình SGK Cánh Buồm.
Sau khi được hưởng một chương trình thú vị đầy ý nghĩa, chúng tôi lại rủ nhau ra quán tiếp tục đàm đạo. Người bạn trẻ cùng đi chung liên tục đặt câu hỏi để tìm hiểu về SGK Cánh Buồm vì lần đầu tiên nghe lạ mà hôm nay lại được gặp trực tiếp người chủ biên. Anh Phạm Toàn cho chúng tôi hay thêm về một số thành tích mới mà kế hoạch SGK Cánh Buồm đã đạt được, và những dự định sắp tới, còn bao nhiêu việc phải làm… Anh tỏ ra có chút băn khoăn về tuổi tác đã khá cao trong khi công việc trước mắt cũng còn nhiều dang dở, nhưng cho biết đã có được một hai người bạn cùng chí hướng có thể sẽ giúp anh hoàn tất nguyện vọng nếu chẳng may anh đi sớm. Chúng tôi không nói chuyện với nhau về chính trị, nhưng qua vài câu nói phơn phớt, hoặc qua một số việc làm cụ thể (như tham gia lập trang mạng bauxit.vn, dịch sách Nền dân trị Mỹ…), tôi biết anh không còn tin chút nào nữa vào cái hệ thống cầm quyền hiện có, coi nó là nguyên nhân chủ yếu của mọi sự băng hoại xã hội, nạn tham nhũng vô phương cứu chữa, và tình trạng lâm nguy văn hóa nói chung của đất nước. Nên có thể nói, anh cũng là người quan tâm nhiều đến chính trị, luôn ưu tư trăn trở đến vận hưng suy của đất nước, nhưng thuộc kiểu người chính trị không có lực lượng, không muốn lật đổ, không ham chức quyền, mà chỉ muốn đưa ra tiếng nói phản biện của người trí thức chân chính để đóng góp xây dựng, nhưng nói riết “chúng nó không nghe” thì bây giờ chẳng cần phát biểu phê bình lung tung làm chi nữa, mà quay trở lại tìm cách nâng cao dân trí bằng con đường thúc đẩy cải cách giáo dục qua việc làm tiên phong tích cực cụ thể của nhóm Cánh Buồm. Anh đã nén đi hết mọi sự bất bình để “thà đốt lên một ngọn đèn le lói còn hơn ngồi nguyền rủa mãi đêm thâu”, và việc làm của anh đã được một số người hưởng ứng, giúp đỡ, những người có cùng chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí”, trong đó phải kể có GS Chu Hảo (năm ngoái đã bị kỷ luật, xin ra khỏi ĐCSVN), nguyên Giám đốc nhà xuất bản Tri Thức, người đã chịu trách nhiệm đứng ra xuất bản tất cả các SGK của nhóm Cánh Buồm.
`Ý đồ tốt đẹp như trên của nhà giáo Phạm Toàn đã có lần được anh tuyên bố rõ trong Tờ trình tổng quát trước Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên-Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội ngày 16.7.2014: “Có một bộ phận trí thức đáng kính kiên trì phản biện và xoay xở đủ cách,… hòng xoay chuyển tư duy Giáo dục và tác động tới thực tiễn Giáo dục nước nhà… Nhóm Cánh Buồm chủ trương không ‘phản biện’, và càng không than vãn. Nhóm Cánh Buồm chủ trương cái gì làm được thì làm luôn. Sức yếu thì dồn sức vào ‘huyệt’ – làm một cái MẪU – cái ‘mẫu’ không phải như một tấm gương để ‘noi theo’, mà cái mẫu như một sự vật cụ thể vừa mang tính gợi ý và cũng vừa mang tính kích thích.
Tính gợi ý, đó là làm thực sự điều gì cần phải làm mà giới lãnh đạo Giáo dục chưa biết hoặc có thể đã biết mà chưa tổ chức làm được. Một việc quan trọng nhất Nhóm Cánh Buồm phải làm ngay là soạn lại sách giáo khoa tiểu học các môn Khoa học xã hội và Nhân văn. Tính kích thích, đó là làm thực sự và hết sức mình để đưa ra những đóng góp có thực, nhưng không coi đó là giá trị bậc nhất, mà luôn luôn hi vọng chính mình được đồng nghiệp vượt qua”.
Thì ra, trên thực tế, kết hợp xem xét từ nhiều sự kiện khác, người ta thấy những việc làm tiên phong tích cực lâu nay nhằm mục đích phá đổ những thành trì cuối cùng của sự lạc hậu, phần lớn đều được khai mở do những con người thiện chí đứng bên ngoài tổ chức chính trị chính thức, thuộc khu vực tư nhân, hoặc do một số người cũng đã và đang ở trong bộ máy cầm quyền nhưng không còn tin nó nữa! Ai còn tin (hoặc vì hoàn cảnh làm bộ phải tin) với quyền lợi vốn gắn liền với bộ máy đầy khuyết tật này thì đều trở nên rụt rè gà phải cáo không dám công khai ủng hộ những việc làm biết là tốt nhưng không hợp với lối mòn chính thống. Điều này phần nào cho thấy thái độ khá bàng quan vô tâm tất nhiên và cũng có chỗ đáng được thông cảm của Bộ Giáo dục-Đào tạo (Bộ GD-ĐT), một Bộ đã có rất nhiều tai tiếng với quốc dân, trong việc Bộ GD-ĐT không hề tạo điều kiện về vật chất hay tinh thần nào để giúp cho nhóm Cánh Buồm hoạt động hiệu quả hơn nữa. Nói “thông cảm”, vì ai cũng thừa biết, với thể chế chính trị hiện tại, Bộ nào hay ông Bộ trưởng nào ngồi vào chiếc ghế điều hành của mình thì cũng đều trở nên nếu không bị tha hóa cực kỳ cũng trở thành bất lực, tất tần tật như nhau cả!
Bởi vì, lẽ ra, nếu dám mạnh dạn ủng hộ điều lợi ích chung cho sự nghiệp giáo dục, dù quan điểm có thể chưa thống nhất, các quan chức có trách nhiệm của Bộ GD-ĐT phải nên coi sự xuất hiện độc đáo của nhóm Cánh Buồm là một cơ hội tự nhắc nhủ sự chú ý, đồng thời thúc đẩy những cuộc hội luận song phương và đa phương (giữa Bộ GD-ĐT và Nhóm Cánh Buồm) để bàn luận kỹ, nhằm tìm ra giải pháp chiết trung hợp lý nhất cho các vấn đề quan trọng đang còn tranh cãi, từ triết lý-đường lối giáo dục cho đến chương trình-SGK đi cùng với phương pháp giảng dạy các môn học cụ thể, để có sự tương tác, bổ sung, tham khảo lẫn nhau, nhằm tiến tới hoàn thiện dần các bộ SGK tương lai trong điều kiện cải cách không ngừng của nền giáo dục.
Cũng may, Bộ GD-ĐT cũng còn có chỗ coi được là biết “làm lơ” (hoặc chỉ cười trong bụng?) để cho nhà giáo Phạm Toàn tự tung tự tác, có lẽ vì thấy anh “quá tốt” hết chỗ chê, và hành động luôn đúng quy định pháp luật, nếu Bộ không tiện công khai khích lệ được thì cũng không làm điều gì để gây cản trở.
Giờ người chủ biên nhóm Cánh Buồm đã thật sự nằm xuống rồi, qua tin buồn này, tôi tin tưởng những gì anh và các đồng chí anh đã làm được sẽ là một nguồn cảm hứng kích thích vô hạn cho tất cả các nhà giáo nam nữ thế hệ trẻ hơn, luôn mong muốn cho nền giáo dục Việt Nam sớm được cải cách đúng cái mức cần thiết trong thời đại mới. Và tôi cũng tin, đối với một số quan chức cấp to còn có thiện tâm trong Bộ GD-ĐT, sự ra đi lần này của nhà giáo Phạm Toàn sẽ tạo cho họ một cảm giác giật mình giống như người đạp phải gai, từ đó đánh thức lương tâm và trách nhiệm của họ, để toàn thể quốc dân được nhờ.
27.6.2019
T.V.C.
Tác giả gửi BVN

NHỮNG GIỌT NƯỚC MẮT CỦA PHẠM TOÀN

NGUYỄN QUANG DY /BVN 28-6-2019

Không thể đạt được điều gì tốt đẹp trên thế gian này nếu thiếu tâm huyết” (Nothing great in the world has been accomplished without passion”(Hegel, 1770-1831).


Hôm qua vào IPICK tôi giật mình thấy bài của Phạm Toàn (Ngẫu hứng âm nhạc) do Phạm Xuân Nguyên Posted (25/5), cùng tấm hình do Trần Quốc Trọng chụp. Phạm Toàn đang kéo áo chùi nước mắt khi PXN đọc cho ông nghe diễn văn nhậm chức của Zelensky (tân Tổng thống Ukraine). Đây là một tấm hình biết nói đầy cảm xúc (speaks volumes).
Nếu Gallup Poll nhìn thấy tấm hình này và hiểu câu chuyện, chắc họ sẽ không đánh giá Việt Nam là “một trong những nước vô cảm nhất thế giới”. Trong danh mục 20 bài được đọc nhiều nhất trên IPICK sáng nay có nhiều bài về phim “Vợ ba”, nhưng không biết có bao nhiêu người đọc bài của Phạm Toàn và xúc động trước tấm hình ông đang lặng lẽ chùi nước mắt trước những biến chuyển khôn lường của Ukraine (chứ không phải của Việt Nam). Tranh cãi về phim “Vợ Ba” là quyền tự do ngôn luận, nhưng không thể cứu được đất nước này.
Lần trước khi chúng tôi đến thăm Phạm Toàn, ông đang ôm bụng rên vì cơn đau, nhưng vẫn nói về cuộc hội thảo sắp tới của nhóm Cánh Buồm và những việc cần làm. Dường như cả cuộc đời ông chỉ nghĩ đến trẻ em. Ngay trong bài Ngẫu hứng âm nhạc, khi thể xác đang bị đau vì bạo bệnh hành hạ, ông vẫn hồn nhiên dành phần cuối bài nói về 3 vấn đề cốt lõi của giáo dục tiểu học. Có lẽ đây là những lời cuối cùng và những giọt nước mắt cuối cùng.


Trước tấm hình ông lão 88 tuổi đang chùi nước mắt khi nghe bài diễn văn của Zelensky, và những lời tâm huyết trong Ngẫu hứng âm nhạc mà ông đọc cho học trò ghi lại như “Tiếng hát Thiên nga”, chắc ai cũng muốn khóc. Ai cũng cầu mong cho ông sống thêm vài tuổi, không phải để chúc thọ 90 tuổi, mà để ông làm nốt những gì mà cả cuộc đời tâm huyết theo đuổi. Ai cũng cầu mong cho Phạm Toàn bớt đau trước quy luật “sinh-lão-bệnh-tử”.
Trong khi ngành giáo dục chi hàng ngàn tỷ đồng cho các dự án hoành tráng nhưng vẫn không làm được bộ sách giáo khoa mới (như vẫn “chém gió”), và đang loay hoay đối phó với quốc nạn chạy điểm vào mùa thi (như “đến hẹn lại lên”), thì ông lão 88 tuổi này vẫn cặm cụi một mình làm sách giáo khoa Cánh Buồm (tuy không có kinh phí). Ngay trong lúc bị bạo bệnh hành hạ, ông vẫn không nghĩ đến chính mình, mà chỉ nghĩ đến giáo dục trẻ em.
Đến cuối đời, tài sản của Phạm Toàn không có gì khác ngoài tủ sách Cánh Buồm và tấm lòng nhân ái dành cho trẻ em. Nơi ông đang ở cũng là một căn hộ được thuê tạm làm trụ sở dự án Cánh Buồm. Bài Ngẫu hứng âm nhạc như “Tiếng hát Thiên nga”. Người ta kể rằng khi con thiên nga già biết mình sắp phải rời bỏ thế gian này, nó cố gắng hết sức bay lên thật cao và cất lên tiếng kêu cuối cùng đến não lòng, trước khi thả mình rơi xuống…
Phạm Toàn là một ông lão Nhâm Thân đã 88 tuổi, nhưng vẫn “không chịu già”. Bất chấp quy luật “sinh-lão-bệnh-tử”, ông vẫn hồn nhiên vui vẻ làm việc cùng các bạn trẻ Cánh Buồm. Từ Trường Thực nghiệm đến trang Bauxite Việt Nam, đến dự án Cánh Buồm, ông vẫn không chịu bỏ cuộc. Có thể nói Phạm Toàn là một nhà giáo “Của Dân, Do Dân, Vì Dân”!
Thế mà ông vẫn hồn nhiên và hóm hỉnh: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi!”
Lạ thay, đất nước này chẳng ai có lỗi!
Thiện tai, thiện tai!
N.Q.D.
26/5/2019

PHẠM TOÀN: CON NGƯỜI VIẾT HOA

LÊ PHÚ KHẢI / BVN 28-6-2019

Tất cả những từ ngữ tốt đẹp nhất, dù có được huy động hết lên trang giấy cũng đều không đủ để viết về con người Phạm Toàn.
Ông là nhà báo, nhà văn có tài với bút danh Châu Diên nổi tiếng, là nhà ngôn ngữ học, là dịch giả của hàng nghìn trang sách khó dịch nhất, là nhà hoạt động chính trị đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam với trang diễn đàn Bauxite Việt Nam, và trên hết, ông là nhà giáo tự tập hợp học trò và bạn bè để soạn sách giáo khoa Cánh Buồm suốt 9 năm ròng khi trong túi không có một đồng xu nhỏ! Sách giáo khoa Cánh Buồm ra đời như một thách thức của một cánh buồm nhỏ trên đại dương trước cơn sóng bạc đầu sách giáo khoa nhà nước chi hàng trăm nghìn tỷ để “soạn” ra nó! Có trường tiểu học ở Hà Nội đã dạy theo sách Cánh Buồm nhiều năm nay, và học trò nhỏ chăm chỉ đi học hàng ngày, vì đến trường… vui quá!

Một thành viên trẻ của nhóm Cánh Buồm, tác giả và Phạm Toàn.

Nghe tin bạn bè đến chơi báo tin ông Phạm Toàn ốm nặng, tôi chỉ cười. Vợ tôi mắng: Năm nào ông cũng ra Hà Nội cả tháng để soạn sách giáo khoa với ông Phạm Toàn, mà nghe tin ông ấy ốm nặng lại chỉ cười! Tôi mắng lại: Người như Phạm Toàn thì không thể chết được! Ông ấy là lực sĩ.
Sở dĩ tôi quả quyết Phạm Toàn không thể chết được, vì cách đây 2-3 tháng, ông mới gọi điện cho tôi và ra chỉ thị: Mày chọn cho tao độ 10 người trong đó, có tâm huyết với giáo dục để tao gửi email cho các vị ấy, nhờ đọc và nhận xét về cuốn sách giáo khoa nhóm Cánh Buồm mới soạn xong chưa in… Đang làm việc say sưa như thế thì làm sao mà chết được!
Sở dĩ tôi quả quyết Phạm Toàn không thể chết được, vì ông ta là lực sĩ. Chuyện thế này, cuối năm 2017, theo chỉ thị của Phạm Toàn, ông bảo tôi phải ra sớm, ở nhà ông, để đọc hết 5 tập sách giáo khoa: Lối sống 1, Lối sống 2, Lối sống 3, Lối sống 4, Lối sống 5… mà ông cùng nhóm Cánh Buồm soạn cho môn “Giáo dục đạo đức” ở bậc Tiểu học. Nửa tháng trời ở nhà Phạm Toàn, tôi đã đọc hết 5 sách Lối sống của Tiểu học. “Lối sống đồng thuận” là nguyên lý đạo đức đã được nhóm Cánh Buồm trịnh trọng triển khai thành từng bài học đạo đức cho bậc Tiểu học.
Phạm Toàn bảo tôi: “Tất cả các lời khuyên đều vô nghĩa, hãy để các em tự tìm ra lối sống!”. Với sách đạo đức mới do Cánh Buồm soạn thảo thì một lối sống mới của trẻ em Việt Nam được hình thành theo một trục chính là năng lực sống đồng thuận. Thông qua trẻ em, chúng ta mới thay đổi xã hội tương lai.
Tôi cho rằng đồng thuận từ một lớp học mà nhóm Cánh Buồm nêu lên đã mang cả đặc điểm và yêu cầu lớn lao của thời đại chúng ta. Khi con người đã chế ra cả một kho vũ khí hạt nhân đủ để tiêu diệt sạch sành sanh sự sống trên hành tinh này thì đồng thuận là yêu cầu của chính loài người. Ở trang 36 của sách Lối sống cho lớp 1, trước khi ăn trưa ở trường, cô giáo đề nghị các em mời nhau ăn cơm bằng câu ca dao: “Ai ơi bưng bát cơm đầy; Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”. Thật giản dị và vĩ đại. Vì thế, để kết luận cho tham luận mang nhan đề: “Lối sống, tên gọi mới của giáo dục đạo đức ở bậc tiểu học”, mà tôi đã đọc trong hội thảo “Hành trình 8 năm của nhóm Cánh Buồm” ngày 16-12-2017 tại Không gian Văn hoá Pháp Hà Nội, tôi đã nhấn mạnh để kết luận bài tham luận: “Cuộc sống hạnh phúc vật chất và tinh thần của nhân dân mới là chỉ tiêu đích thực của sự phát triển đất nước. Sống khiêm nhường với trời đất mới còn trời đất để mà sống! Mảnh đất chúng ta đang sống hôm nay là đất mượn của các thế hệ mai sau. Vì thế, phải trả lại cho chúng đất đai phì nhiêu và bầu trời trong sạch!”.
Người ta đã vỗ tay tán thưởng những ý tưởng mang thông điệp thời đại ấy từ những bài đạo đức của sách Lối sống Cánh Buồm.
Vậy mà, trước đó, có vị “trí thức” ở Hà Nội lại hỏi, bằng cấp gì mà nhà giáo Phạm Toàn dám soạn sách giáo khoa?! Phạm Toàn đã cười phá lên trả lời: Có ai hỏi bằng lực sĩ bao giờ? Lực sĩ thì cứ ưỡn ngực mà đi thôi!!!
Phạm Toàn là thế. Ông không thể chết vì ông là lực sĩ!
Ông còn là một người rất vui tính và rất “độc đoán” nữa. Lần đầu tiên cách đây cả 10 năm, ông vô Sài Gòn và kêu tôi đến. Ông bảo: Biết Khải đã từng 9-10 năm dạy học, cho nên mình giao cho cậu soạn bài “Vì sao viết văn phóng sự?”. Cụ thể là viết lời dẫn cho bài “Nhà văn Tam Lang và thiên phóng sự ‘Tôi kéo xe’”, cùng với 5 đoạn trích dẫn trong thiên phóng sự ‘Tôi kéo xe’ của Tam Lang cho bài đó.
Tôi đã hoàn thành công việc ông giao, và sách “Văn lớp 6” của nhóm Cánh Buồm đã in (NXB Tri Thức 2015) từ trang 216 đến trang 223. Nhưng một năm sau đó ông lại bảo tôi soạn bài “Vốn từ tiếng Việt ngày một phong phú”, trong đó có phần “Một số từ gốc Pháp trong tiếng Việt” cho sách Tiếng Việt lớp 7. Tôi ngạc nhiên bảo ông: Sao bao nhiêu người giỏi tiếng Pháp thầy không nhờ, lại bảo một tiếng Tây trình độ enfantin để làm việc này! Thầy Toàn trừng mắt và “độc đoán” ra lệnh: Quyết tâm và tự tin sẽ là làm được!
Thế là tôi đã phải bò ra tra các sách từ điển Pháp - Việt, Việt - Pháp để chọn ra hơn 100 từ tiếng Việt có gốc là từ Pháp. Và, chính tôi cũng không ngờ, có những từ tiếng Việt mà ta quen nói hàng ngày lại có gốc là Pháp, hay nói khác đi, chúng ta đã “đồng hoá” những từ đó thành Việt! Ví dụ, từ xiếc (đi xem xiếc) có gốc Pháp: cirque; từ nét (bức ảnh chụp rất nét) có gốc Pháp: net; từ xốt (xốt cà chua) có gốc Pháp là sauce…
Kể những chuyện trên, tôi chỉ muốn nói một điều rằng, hàng ngàn cuốn sách giáo khoa từ Lớp 1 đến Lớp 9 được ra đời do “tổng đạo diễn” Phạm Toàn, bằng uy tín của mình đã huy động được lực lượng trí thức trẻ trong nhóm Cánh Buồm và trí thức Việt Nam ở cả hai miền Nam Bắc, trong nước và nước ngoài để soạn ra, bằng những mệnh lệnh độc đoán của ông và không tốn một đồng xu nào là thuế của dân cả!
Ở nhà Phạm Toàn, tôi thấy ông thức thâu đêm, tiếng gõ máy vi tính của ông đều đều như ru tôi vào giấc ngủ (!).
Có lần học trò của ông đi vắng cả, không ai nấu cơm, mở tủ lạnh ra chỉ thấy có đĩa thịt gà và mấy bó miến khô. Ông ra lệnh: Mày nấu miến gà, ăn miến thay cơm! Bí quá, tôi phải gọi điện về Sài Gòn hỏi bà xã cách nấu miến gà. Lúc ăn, ông khen ngon. Thì ra tôi “có tài” nấu ăn xưa nay mà không biết (!). Ăn xong ông nói: Mày có công nấu miến, để tao rửa bát đũa cho. Người đàn ông từng viết và dịch hàng ngàn trang sách ấy còn có tài rửa bát đũa rất sạch. Tối đó, ông còn hát và đàn cho tôi nghe một bài dân ca Pháp.
Vậy mà người đàn ông lực sĩ ấy đã để cho bạn bè trong Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng gọi điện báo tin dữ về ông vào sáng sớm hôm nay, 26/6/2019, cho tôi. Ai cũng gửi gắm những điều thương xót nhất, yêu quý nhất, khâm phục nhất về ông cho cây viết của tôi. Bởi ông là Con Người Viết hoa.
Riêng tôi, nếu có ai hỏi về Phạm Toàn, tôi sẽ trả lời: Ông là con người vui tính nhất đã chết vì quá buồn!
Đất nước như thế này, đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông còn như một cái xác đang thối rữa giữa thủ đô Hà Nội, lại nhăm nhe cho Tàu làm cao tốc Bắc - Nam thì người vui tính như Phạm Toàn cũng rơi nước mắt! Và tôi đã thấy ông cảm động lau nước mắt khi người ta đọc cho ông nghe diễn văn nhậm chức của Tổng thống U-crai-na!
L.P.K. Tác giả gửi BVN.