Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2019

20190616. PHẢN ĐỐI NHÀ ĐẦU TƯ TRUNG QUỐC Ở VIỆT NAM

ĐIỂM BÁO MẠNG

118 VĂN NGHỆ SĨ HÀNG ĐẦU VIỆT NAM KIẾN NGHỊ KHÔNG ĐỂ TRUNG QUỐC ĐẦU TƯ VÀ THẦU LÀM ĐƯỜNG CAO TỐC BẮC NAM

LƯU TRỌNG VĂN/ BVN 13-6-2019

 

62540278_162475978123752_1052375267940499456_n.jpg
Chưa bao giờ làn sóng phản ứng trước nguy cơ các nhà đầu tư và thầu Trung Quốc sẽ tham gia hai đại dự án mang tính chiến lược quốc gia là Cao tốc đường bộ và Cao tốc đường sắt Bắc -Nam lại mạnh mẽ đến như vậy trong toàn dân.
Ngày 5.6.2019 một bản kiến nghị đanh thép đã được gửi đến Chủ tịch nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng 15 quan chức hàng đầu Quốc gia với hai kiến nghị chính:
– Ưu tiên huy động nguồn lực trong nước và kêu gọi lòng yêu nước của Nhân Dân để làm hai đại dự án chiến lược an ninh, kinh tế, xã hội này.
– Không được để cho Trung Quốc đất nước duy nhất hiện nay đang xâm chiếm biển đảo, lãnh thổ của Việt Nam tham gia hai đại dự án chiến lược Quốc gia này.
Bản kiến nghị được kí bởi nhiều văn nghệ sĩ hàng đầu của Quốc gia đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng nhà nước, đoạt danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ Sỹ Ưu Tú… bao gồm:
Các nhạc sĩ:
Phạm Tuyên, Phó Đức Phương, Văn Kí, Nguyễn Tài Tuệ, Doãn Nho, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Dương Thụ, Đức Trí, Jimmii Nguyễn, Lê Minh Sơn, Giáng Son…
Các nhà văn:
Vũ Tú Nam( nguyên chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam) Trần Đăng Khoa, Nguyễn Duy, Bằng Việt (nguyên chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội), Phạm Xuân Nguyên ( nguyên Chủ Tịch Hội Nhà Văn Hà Nội), Bùi Minh Quốc, Trần Ninh Hồ, Phạm Lưu Vũ…
Các nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc, sân khấu, điện ảnh;
Trà Giang, Thế Anh, Minh Châu, Thanh Quý,Lê Khanh, Trần Tiến, Thanh Hoa,Tạ Bôn, Đỗ Lộc,Chu Thuý Quỳnh,Kim Chi,Trần Lực, Tiến Hợi, Đào Anh Khánh,Hà Thế Dũng…
Các đạo diễn điện ảnh, sân khấu:
Lưu Trọng Ninh, Nguyễn Thanh Vân, Lê Hoàng,Trần Văn Thuỷ, Trần Quốc Trọng,Xuân Phượng,Doãn Hoàng Giang…
-Chủ tịch Hội Điện ảnh VN Đặng Xuân Hải
– Phó chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Nguyễn Thị Hồng Ngát.
– Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Trần Đăng Khoa
– Phó chủ tịch Hội Âm nhạc Việt Nam Nguyễn Thị Minh Châu.
– Chủ tịch Hội Văn Nghệ Dân Gian Việt Nam Tô Ngọc Thanh.
– Chủ tịch HộI Văn hóa các dân tộc Nông Quốc Bình.
– Chủ tịch Hội nghệ sỹ Múa Việt Nam Chu Thuý Quỳnh…
– Phó chủ tịch Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam Ứng Duy Thịnh.
– Nguyên Phó Chủ Tịch Hội Sân Khấu Việt Nam Ngô Thảo
– Nguyên viện trưởng Sân khấu Việt Nam Trần Đình Ngôn
-Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội Trương Ngọc Ninh
– Chủ tịch Liên hiệp Doanh nghiệp Cơ khí VN Đào Phan Long.
– Chủ tịch Hội Khảo cổ Việt Nam Lân Cường.
Các giáo sư- tiến sĩ khoa học:
Trần Ngọc Vương, Phạm Gia Minh, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Thị Trâm, Nguyễn Lân Dũng, Lê Kiên Thành ( con trai cố tổng bí thư Lê Duẩn)…
Và nhiều nhà báo tên tuổi khác…
L.T.V
Nguồn: https://nghiepdoanbaochi.org/2019/06/12/118-van-nghe-si-hang-dau-viet-nam-kien-nghi-khong-de-trung-quoc-dau-tu-va-thau-lam-duong-cao-toc-bac-nam/



TRUNG QUỐC ĐỨNG ĐẰNG SAU DỰ ÁN ĐƯỜNG SẮT CAO TỐC BẮC-NAM ?

DIỄM THI/ RFA/ BVN 13-6-2019

https://1.bp.blogspot.com/-4H5wSSvUfeg/XQBnwgzBjmI/AAAAAAAAeo8/TM7qpvcKQ10x85LcLBE_6zywn5-zoewhACLcBGAs/s640/ad00887c-3cb3-4b7d-b5bc-3ee19d7b005a.jpeg
Người lái tàu cao tốc chạy tuyến Bắc Kinh và Quảng Châu. Ảnh chụp hôm 26 tháng 12 năm 2012.
Tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa 14 diễn ra ở Hà Nội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nhiều cử tri, trong đó có những chuyên gia kinh tế, kỹ thuật rất bức xúc về thông tin chỉ có nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm đến dự án cao tốc Bắc - Nam. Quan ngại này từng được nêu ra qua Bản Tuyên bố liên quan do các tổ chức dân sự độc lập và người quan tâm tham gia ký tên.
Dự án “khủng”
Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam là dự án lớn nhất của ngành giao thông Việt Nam từ trước đến nay. Dự án được cho biết có tổng chiều dài hơn 1.560 km nối Hà Nội và TP. HCM, đi qua 20 tỉnh, thành với 27 nhà ga, khởi điểm từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và kết thúc tại ga Hòa Hưng (TP HCM). Tổng mức đầu tư dự tính khoảng 58,71 tỷ USD cho các hạng mục: Giải phóng mặt bằng, xây dựng, thiết bị, quản lý dự án, tư vấn, lãi, phí, phí dự phòng… Số tiền 58,71 tỷ USD mới chỉ là chi phí đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị. Còn khi vận hành, thời gian đầu sẽ lỗ, nhà nước phải hỗ trợ 10-12 năm qua chi phí duy tu, bảo dưỡng.
Khi được Quốc Hội thông qua, dự án sẽ được khởi động xây dựng theo hai giai đoạn: Từ năm 2020 đến 2032 đầu tư xây dựng đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP. HCM. Từ năm 2032 đến 2050 đầu tư xây dựng đoạn Vinh - Nha Trang, trong đó đoạn Vinh - Đà Nẵng hoàn thành năm 2040, đoạn Đà Nẵng - Nha Trang hoàn thành năm 2050.
Đơn vị tư vấn đề xuất thực hiện theo hình thức công - tư (PPP). Trong đó, ngân sách nhà nước không dưới 80% (gần 47 tỷ USD), chỉ 20% vốn tư nhân (gần 12 tỉ USD).
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam nói với truyền thông trong nước rằng sự cần thiết đầu tư dự án phải chứng minh bằng hiệu quả kinh tế - xã hội và hiệu quả tài chính, nhưng với dự án này, hiệu quả tài chính không đạt.
Kỹ sư xây dựng cầu đường Trần Bang từ Sài Gòn cho rằng chưa nên thực hiện dự án vì thứ nhất là không có tiền, thứ hai là không thấy được hiệu quả kinh tế.
Theo tôi thì chưa nên làm bởi hạ tầng chỉ làm khi có dư tiền. Việt Nam bây giờ phải đi vay, mà vay thì đè lên công nợ mà người dân phải gánh. Tiếp theo là hiệu quả của công trình khi hoàn tất. Làm một dự án thì phải tính đến chuyện thu hồi vốn. Khách du lịch thì không bao nhiêu, khách đi làm hàng ngày thì ai mà đi đường sắt cao tốc vì có ai ở Sài Gòn mà đi làm ở Nha Trang đâu, ví dụ thế.
Không căn cứ vào nhu cầu, không căn cứ vào nguồn vốn mà cứ để các quan chức vẽ ra dự án rồi ăn phần trăm thì rất nguy hiểm.”
Tiền ở đâu?
Dù sử dụng nguồn vốn nào cũng phải đi vay. Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh, người từng đề nghị ngừng dự án này nói với RFA:
Vốn ngân sách thì chắc chắn là không có, mà vốn huy động vay nước ngoài thì rõ ràng hiện nay Việt Nam có thu nhập trung bình nên rất khó có thể được cho vay với lãi suất ưu đãi được nên sẽ gặp rất nhiều khó khăn.”
Bộ Giao Thông-Vận Tải đã đề xuất 3 phương án huy động vốn cho giai doạn 1. Theo đó, dùng nguồn tiết kiệm ngân sách cho đầu tư tương đương 0,7% GDP/năm bằng 24,7 tỷ USD; Phương án 2, nguồn tiết kiệm ngân sách tương đương 0,3% GDP/năm bằng 10,7 tỷ USD và vay ODA 14 tỷ USD; Phương án 3, dùng nguồn tiết kiệm ngân sách 0,3% GDP/năm bằng 10,7 tỷ USD, vay ODA 13 tỷ USD và kêu gọi vốn tư nhân 1 tỷ USD.
Theo báo cáo Chính phủ gửi cho Quốc hội vào tháng 5/2019 thì nợ công Việt Nam tính đến hết ngày 31/12/2018 là 58,4% GDP, thấp nhất tính từ năm 2015 đến nay. Thời điểm đó Tiến sĩ kinh tế Ngô Trí Long nhận định với RFA rằng đây là do cách tính thôi chứ bản chất không thay đổi, vẫn tương đối cao. Ông giải thích cách tính nợ công mới mà chính phủ áp dụng cho năm 2018 là chuyển phần để trả nợ loại ra ngoài, đương nhiên nợ công thấp. Nếu tính theo phương pháp cũ, thì vẫn như vậy, không có gì thay đổi. Chỉ thấp về mặt kỹ thuật thôi.
Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng nhận định trong tình cảnh nợ công ở Việt Nam rất nguy ngập như hiện nay, không phải dưới 60% GDP nữa mà đã lên tới ít nhất là 220% GDP, tương đương 450 tỷ USD, thì khả năng vay thêm tín dụng nước ngoài đối với các dự án ‘khủng’ như thế này gần như bằng 0. Ông phân tích:
Từ năm 2014 Việt nam không còn có thể vay các nguồn vốn ODA ưu đãi nữa, và từ giữa năm 2017 Việt Nam bắt đầu tiếp nhận vay tín dụng nước ngoài với lãi suất gấp 3 lần và thời gian ân hạn gấp 2 lần. Từ năm 2018 Việt Nam không còn tiếp cận được với bất kỳ nguồn vốn vay ưu đãi nào nữa, kể cả Nhật Bản. Còn các tổ chức tín dụng quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Phát triển Á châu và một số các tổ chức khác thì Việt Nam không còn khả năng tiếp cận với lãi suất ưu đãi.”
Nếu Quốc hội thông qua…
Ngày 24/8/2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định số 1468/QĐ-TTg, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT Đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó nêu rõ đến năm 2020 tiếp tục nghiên cứu các phương án khả thi để có kế hoạch đầu tư xây dựng phù hợp tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, tuyến đường sắt hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc.
Căn cứ lộ trình phát triển tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải triển khai dự án. Dự kiến, Bộ Giao thông Vận tải sẽ trình Chính phủ để xem xét, báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2019.
Trong một lần trao đổi với RFA về dự án này, tiến sĩ Lê Đăng Doanh nêu ý kiến rằng nếu vì lý do nào đó mà dự án này được Quốc hội thông qua thì điều quan trọng nhất là phải công khai minh bạch, phải có đấu thầu và đảm bảo có sự giám sát độc lập để tránh có lợi ích nhóm và có những công ty sân sau lạm dụng việc xây dựng dự án này để thu thêm lợi nhuận.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nêu thắc mắc rằng nguồn tiền cho dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam gần như không có, tại sao Bộ GTVT vẫn trình dự án này để làm?
Tôi đang đặt ra một dấu hỏi rất lớn là khi họ không thể tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi nữa thì liệu họ có quay sang Trung Quốc hay không, và nếu quay sang Trung Quốc thì liệu có giống dự án đường sắt Cát Linh – Hà Nội hay không, tức là do Trung Quốc chỉ định thầu, Trung Quốc thầu và đội vốn lên tới hai lần rưỡi và kéo dài thời gian thi công rất lâu, chưa kể vấn đề chất lượng và vấn đề chính trị kèm theo.”
Ông Phạm Chí Dũng đặt nghi vấn liệu dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam có bàn tay của Bắc Kinh ẩn phía sau đạo diễn để cho Bộ GTVT làm hay không, bởi hôm 5/6/2019, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã trần tình trước Quốc Hội rằng “Chúng ta đã ký hiệp định với Trung Quốc nên không được chỉ định thầu. Nhà thầu là do phía Trung Quốc chỉ định”.
Hồi năm 2015, Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng chỉ đạo tiếp tục lập đề án đường sắt cao tốc Bắc - Nam để trình Quốc hội trước năm 2020. Đề án này từng bị Quốc hội Việt Nam bác bỏ trong cuộc bỏ phiếu ngày 19 tháng 6 năm 2010.
D.T.
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/china-behind-the-north-south-high-speed-rail-project-dt-06112019132229.html

LÀN SÓNG PHẢN ĐỐI NHÀ ĐẦU TƯ TRUNG QUỐC Ở VIỆT NAM VÀ YÊU CẦU BẠCH HÓA CÁC THỎA THUẬN GIỮA BẮC KINH-HÀ NỘI

NGUYỄN HỒNG PHÚC/ BVN 14-6-2019

https://1.bp.blogspot.com/-SjaWY-XlX4k/XQEnwr4prCI/AAAAAAAAChU/ZZoA0yJLakEyqas3j0gkDHcWESmfm2mNwCLcBGAs/s640/Nghe-An-no%25CC%2581i-khong-voi-thau-TC-1-800.jpeg
Giáo dân Song Ngọc, Nghệ An công khai nói lên quan điểm của mình trước một vấn đề quan trọng của đất nước. Ảnh: FB Lê Sơn

Ý dân đã rõ
Bản kiến nghị này đề ngày 05-06-2019 còn được đồng gửi đến các vị Bộ trưởng, với hai kiến nghị chính:
Một, ưu tiên huy động nguồn lực trong nước và kêu gọi lòng yêu nước của Nhân Dân để làm hai đại dự án chiến lược an ninh, kinh tế, xã hội này.
Hai, không được để cho Trung Quốc đất nước duy nhất hiện nay đang xâm chiếm biển đảo, lãnh thổ của Việt Nam tham gia hai đại dự án chiến lược quốc gia đó.
Dường như đây là lần đầu tiên có nhiều danh hiệu nghệ sĩ ưu tú/ nhân dân cùng đồng lòng phản ứng bằng văn bản gửi đến Đảng – Quốc hội – Chính phủ để phản đối Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam. Hàng loạt chủ tịch, phó chủ tịch các hội đoàn nghề nghiệp trong diện đang hưởng ‘bổng lộc triều đình’ cũng có tên trong danh sách phản đối ấy.
Nói theo ngôn ngữ tuyên giáo, xem ra lần này đúng là “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong” [trích “Dân no thì lính cũng no” thơ Thanh Tịnh, được ông Hồ Chí Minh ‘mượn ý’ trong bài nói chuyện tại Lớp cán bộ cấp huyện miền Bắc ngày 18-11-1967, http://bit.ly/31jNgJo]
Một trong những nguyên cớ đưa đến làn sóng phản đối mạnh mẽ, rộng khắp các tầng lớp xã hội qua việc Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam, xuất phát từ một trình bày tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nói rằng trong dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông sở dĩ trì trệ là vì thiếu hụt vốn vay, và tiến độ thi công ì ạch của nhà thầu Trung Quốc. Không thể thay nhà thầu, vì thỏa thuận của dự án này lúc nhận tiền vay của Trung Quốc là phải để chính họ thực hiện dự án. Việt Nam chỉ có trách nhiệm trả toàn bộ nợ, lãi và chi phí thi công cho nhà thầu.
Hiệp định thỏa thuận đó được ký kết trong các lần ‘gặp gỡ cấp cao’ giữa hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam.
Những văn kiện hợp tác cần phải ‘giải mật’
Trong một bản tin của Thông Tấn xã Việt Nam khi tường thuật về chuyến gặp gỡ cấp cao tại Trung Quốc từ ngày 12 đến 15-01-2017 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, cho biết: Hai bên đã ký kết các văn kiện: Thoả thuận hợp tác đào tạo cán bộ cấp cao giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2017-2020; Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giữa Bộ Quốc phòng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Quốc phòng nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đến năm 2025;
Hiệp định khung về hợp tác cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc giữa Bộ Quốc phòng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng cục Hải quan nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa; Công thư trao đổi về việc Trung Quốc hỗ trợ kỹ thuật lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng; ghi nhớ về hợp tác triển khai viện trợ không hoàn lại chuyên về lĩnh vực y tế công cộng giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Thương mại nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa...;
Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công thương nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch quốc gia nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa về an toàn thực phẩm trong thương mại song phương giữa Việt Nam-Trung Quốc; Bản ghi nhớ về việc hợp tác làm phim truyền hình chuyên đề giữa Đài truyền hình Việt Nam và Đài truyền hình trung ương Trung Quốc;
Ghi nhớ hợp tác giữa Ban Kinh tế Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung tâm nghiên cứu phát triển Quốc vụ viện Trung Quốc; Kế hoạch hợp tác du lịch giữa Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cục Du lịch Quốc gia nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa giai đoạn 2017-2019; Biên bản ghi nhớ giữa Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam và Ngân hàng phát triển Trung Quốc về việc hợp tác tài trợ dự án và cho vay song phương trung dài hạn giai đoạn 2017 - 2019; Thoả thuận hợp tác giữa Nhà xuất bản chính trị Quốc gia Sự thật Việt Nam và Nhà xuất bản Nhân dân Trung Quốc giai đoạn 2017 – 2021;… [http://bit.ly/2KelQiW]
Hàng loạt văn kiện kể trên có nội dung cụ thể ra sao, cho đến nay vẫn chưa thấy đăng tải. Liệu đây có phải là những thỏa thuận nằm trong diện cần phải có thời gian nhất định cho yêu cầu ‘giải mật’?
Thế nào là ‘mật’ để cần phải chờ thời gian ‘giải mật’?
Căn cứ vào các quy định ở Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước, và cả ở Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước sẽ có hiệu lực thi hành từ 01-07-2020, thì dường như các văn kiện thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Hà Nội chỉ có thể coi là “mật”, khi chứa đựng trong đó những nội dung nếu bạch hóa sẽ gây hại cho Đảng cộng sản Việt Nam.
Điều 1 của Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước, ghi: “Bí mật Nhà nước là những tin về vụ, việc, tài liệu, vật, địa điểm, thời gian, lời nói có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác mà Nhà nước không công bố hoặc chưa công bố và nếu bị tiết lộ thì gây nguy hại cho Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Điều 3.1 của Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, cho biết, “Nguyên tắc bảo vệ bí mật Nhà nước là đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phục vụ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.
“Nếu bị tiết lộ thì gây nguy hại cho Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Điều 1 của Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước, cho biết một nội dung mà khi bị tiết lộ sẽ gây hại cho Nhà nước, thì đó là “bí mật Nhà nước” cần được bảo vệ.
Như vậy, với các thỏa thuận liên quan đến việc Trung Quốc sẽ đầu tư vào Việt Nam, nằm trong số các văn kiện hợp tác được ký kết trong những lần ‘gặp gỡ cấp cao’ giữa hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam, không thuộc phạm vi chịu sự điều chỉnh của Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước. Tương tự, lãnh vực giáo dục cũng không thể đóng dấu ‘mật’ khi được ký kết giữa hai đảng cộng sản Trung - Việt.
Tháng 6 tới đây, Bộ trưởng Bộ Giao dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ sẽ có chuyến công du ở Trung Quốc, trong khuôn khổ của “Thỏa thuận hợp tác về giáo dục giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục Trung Quốc giai đoạn 2016-2020” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký với Trung Quốc.
Thỏa thuận hợp tác giáo dục giữa Trung Quốc và Việt Nam bao gồm những nội dung gì, đến nay vẫn là điều mà người dân hoàn toàn không được biết. Trong khi đó thì hiện nay Việt Nam chi 5,8% GDP cho giáo dục, nếu tính cả đóng góp của gia đình có con em đang đi học thì con số này đạt 8% GDP. [http://bit.ly/2X72ulU]
Nếu vẫn tiếp tục ‘mật’, có lẽ phải chờ đến khi nền giáo dục bị đổ vỡ trong một vài dự án hợp tác nào đó với Trung Quốc, đến lượt mình, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lại đăng đàn Quốc hội để ‘đổ thừa’ như vị đồng liêu Nguyễn Văn Thể?
N.H.P.
VNTB gửi BVN


ĐỪNG ĐỂ NHÂN DÂN PHẢI XUỐNG ĐƯỜNG  CỨU QUỐC HỘI LẦN THỨ 3

MẠC VĂN TRANG/ BVN 15-6-2019

1. LẦN THỨ NHẤT
 Vào năm 2010. Năm đó QH máu làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam lắm. Từ Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đến nhiều ĐBQH đăng đàn diễn thuyết hùng hồn phát sợ. Nào là, không có đường sắt cao tốc Bắc – Nam, sao hoàn thành CNH- HĐH vào năm 2020? Nào, tôi ra nước ngoài thấy người dân đi chợ, trẻ em đi học với tàu cao tốc vô cùng tiện lợi; nào, những nước có IQ cao đều có đường sắt cao tốc, Việt Nam không lý gì không có; rồi, có đường sắt cao tốc ta sẽ, sáng ăn phở Hà Nội, tối uống cà phê ở Sài Gòn; rồi con đường này sẽ đánh thức những “cô gái ngủ say” miền Trung, Tây nguyên bừng tỉnh… Không khí trong QH rất là náo nức, như lên đồng!
Nhưng trong Dân thì sôi sục, bức xúc. Ai cũng biết con đường này Trung cộng sẽ thầu tất, với vốn đầu tư lên đến 56 tỉ USD. Nhân sĩ, trí thức kiến nghị tới tấp, dân tình xôn xao, gây áp lực lên các ĐBQH rất căng thẳng. Nhà cháu cũng làm một bài “ẤN NÚT và ĐỘNG CƠ”, phân tích rằng, thao tác ấn nút chỉ xảy ra trong tích tắc, nhưng VÌ CÁI GÌ MÀ ẤN NÚT là sức nặng của cả sinh mệnh ĐBQH đối với nhân dân, với lịch sử… Nhà cháu vội gửi cho nhiều ĐBQH trước ngày ấn nút…
Đảng đoàn QH còn chỉ đạo, chơi trò thăm dò ý kiến trước ngày biểu quyết chính thức. Nghe nói kết quả “thăm dò” chắc ăn rồi… Nhưng sau một đêm trằn trọc (và hình như cả yếu tố thiết kế phiếu thăm dò và nút ấn thật trật nhau), nên sau khi ấn nút, báo đưa tin: “Quốc hội bác dự án đường sắt cao tốc. Chỉ với 37% số đại biểu tán thành, 41% không tán thành, chủ trương xây dựng dự án đường sắt cao tốc trị giá 56 tỷ USD do Chính phủ trình đã không được Quốc hội thông qua chiều 19/6/2010”.
Thật hú vía! Nếu lần đó không có các kiến nghị của nhân sĩ trí thức trong và ngoài nước; không có không khí sục sôi phản ứng của đông đảo nhân dân thì QH đã quyết cho làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam rồi. Và chắc rằng từ 56 tỉ USD các nhà thầu TQ sẽ cho “đội vốn” lên bao nhiêu tỉ nữa, Việt Nam sẽ sa vào “bẫy nợ” và số phận của nó chắc cũng như đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, chậm trễ vô thời hạn! Dân thì biết rõ: Trung cộng thâm hiểm, không bao giờ làm cái gì có lợi cho Việt Nam. Chỉ có Đảng và ĐBQH không biết VÌ CÁI GÌ lại u mê đến thế?! May Dân đã cứu Quốc hội thoát khỏi một SAI LẦM
2. LẦN THỨ HAI
Vào năm 2018. Nhân dân đã cứu QH không thông qua Luật về Đặc khu. Sáng 16/4/2018 trong cuộc họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, bà Ngân CTQH đã hăm dọa: “Bộ Chính trị đã kết luận rồi, dự thảo luật không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không thể không ra luật“… Đó là “Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc” cho nước ngoài thuê 99 năm với nhiều ưu đãi như là nhượng địa.
Mỗi người dân Việt ở trong nước hay hải ngoại, với sự nhạy cảm yêu nước chống ngoại xâm như bản năng sinh tồn của dân tộc, đã phản ứng dữ dội. Ai cũng biết, đó là sa vào bẫy “bán nước cho Trung cộng”. Thế mà nhiều bộ mặt gớm ghiếc, kinh tởm vẫn lẻo lẻo: Một vốn bỏ vào “đặc khu” cho lãi 7-8 lần; ta phải “dọn ổ cho đại bàng vào đẻ trứng”; Đặc khu là mô hình tối ưu đột phá phát triển kinh tế, như Thâm Quyến là ví dụ; Luật không có từ nào nói cho Trung Quốc thuê, chỉ nói “nước có chung biên giới” sẽ đầu tư thuận lợi… Một số kẻ bồi bút vô liêm sỉ cũng rống lên hòa vào bản đồng ca, mà dân gọi là “Luật bán nước”!
Trước áp lực của Dân, QH đã phải ra tuyên bố “lùi lại” việc thông qua luật Đặc khu, nhưng nhân dân không tin, cho rằng: “CS nói zậy mà không phải zậy”, họ sẽ âm thầm làm “chui”… Do vậy, những cuộc biểu tình phản đối đã nổ ra ở nhiều nơi trong nước và ở nước ngoài, đặc biệt là biểu tình đã diễn ra dữ dội ở TP Hồ Chí Minh, Bình Thuận vào ngày 10 và 11/6/2018. Đáng tiếc là một số nơi người biểu tình đã có những hành động quá khích, như ở Bình Thuận, khiến cả chính quyền và người dân đã phải trả giá đắt.
Nhưng xét cho cùng, tất cả tại Chính quyền: 1 là, vì không có Luật Biểu tình, nên nhiều người dân chưa hiểu, dẫn đến bạo lực; 2 là, lực lượng an ninh, đáng lẽ giữ trật tự cho dân biểu tình, lại đi đàn áp dã man người biểu tình; 3 là, người dân không còn tin vào lời hứa của Chính quyền cộng với rất nhiều oan ức, phẫn uất dồn nén lâu ngay, nay bùng phát ra trong một không khí cuồng nộ của đám đông, thật khó kiểm soát…

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2019/06/H5-18.jpg
Người dân xuống đường biểu tình chống luật đặc khu. Ảnh trên mạng
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2019/06/H7-28.jpg
Nhưng dù sao Luật về cho thuê 3 đặc khu Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc 99 năm đã phải đình hoãn vô thời hạn. Nếu như không có phản ứng dữ dội của Dân, cứ nghe bà Ngân mà QH thông qua Luật về 3 đặc khu cho nước ngoài thuê 99 năm, thì bây giờ ra sao rồi? Ai cũng biết, hẳn người Trung quốc đang tràn ngập Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc rồi. Quốc hội sẽ ghi một trọng tội với Nhân dân, Đất nước này, không bao giờ có thể được tha thứ!
3. ĐƯỜNG CAO TỐC BẮC – NAM
Thứ trưởng Bộ GTVT – Nguyễn Văn Nhật cho biết: “Về tiến độ đầu tư cao tốc Bắc – Nam phía Đông, theo nghị quyết 52 của Quốc hội, từ nay đến 2021 sẽ đầu tư 654 km, chia thành 11 dự án, trong đó có 3 dự án đầu tư công và 8 dự án BOT”…. “Các nhà đầu tư từ các nước phát triển như Pháp, Anh, Mỹ, Nhật… chưa thấy ai tìm hiểu (các dự án BOT của Việt Nam)”…. “duy nhất chỉ có Trung Quốc vào nhiều nhất”, ông Nhật cho biết… (Mỹ, Nhật chưa thấy đâu, chỉ Trung Quốc muốn làm cao tốc Bắc – Nam).
Hàng loạt câu hỏi đặt ra:
– Tại sao cứ phải vội vã gấp gáp làm bằng được, có phải theo nhiệm kỳ?
– Tại sao không khai thác năng lực và nguồn vốn nội lực để làm, cứ phải mời nhà thầu nước ngoài làm?
– Tại sao chỉ các nhà thầu Trung quốc quan tâm, còn các nước khác không quan tâm?
– Tại sao bao nhiêu ý kiến của các chuyên gia và các kiến nghị của các tổ chức và cá nhân “Tuyệt đối không cho nhà thầu Trung quốc làm đường Cao tốc Bắc – Nam”, mà QH, Chính phủ không nghe?
Nhất là khi điều trần tại phiên họp QH ngày 5/6/2019, ông Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, tiết lộ rằng: “Khi ký hiệp định vay, Trung Quốc chỉ định tổng thầu thực hiện dự án, không phải Việt Nam chọn“, khiến dư luận xã hội càng bức xúc, xôn xao… Ai đã ký cái Hiệp định đầy mờ ám này?
Tóm lại, về đường Cao tốc Bắc – Nam, Dân đã can ngăn hết lý, hết tình rồi, nếu QH, Chính phủ không nghe, cứ để nhà thầu Trung cộng làm, thì đừng trách Nhân dân. Đừng để Nhân dân bất đắc dĩ, lại phải cuồng nộ xuống đường ầm ầm để “cứu QH” một lần nữa! Sức chịu đựng của Dân có giới hạn. “Quá tam ba bận” là quá thể lắm rồi!
M.V.T.
Nguồn: FB Mạc Văn Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét