Thứ Hai, 17 tháng 6, 2019

20190618. QUANH VỤ THANH TRA BỘ XÂY DỰNG VÒI TIỀN HỐI LỘ

ĐIỂM BÁO MẠNG

LÝ DO CÁN BỘ  HUYỆN VĨNH TƯỜNG HỐI LỘ THANH TRA BỘ XÂY DỰNG
 Cán bộ kế toán xã Tân Tiến và thị trấn Thổ Tang đưa tiền hối lộ cho thanh tra Bộ Xây dựng nhằm bưng bít các sai phạm xảy ra ở địa phương.
Kết luận điều tra ban đầu của vụ việc, Cơ quan điều tra, Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đang làm rõ hành vi nhận hối lộ đối với bà Nguyễn Thị Kim Anh và ông Đặng Hải Anh. Tổng số tiền nhận hối lộ gần 350 triệu đồng.
3 người đưa hối lộ gồm: Ông Đ.N.Y (SN 1984), Phó giám đốc công ty Đ.Tr., hối lộ Đặng Hải Anh 90 triệu đồng để không bị giảm trừ khối lượng giá trị của một số hạng mục công trình mà công ty đã thi công trên địa bàn huyện Vĩnh Tường.
Ông Trần Hanh (SN 1971), kế toán UBND xã Tân Tiến, đưa cho Nguyễn Thị Kim Anh 68 triệu đồng để không giảm trừ khối lượng giá trị của một số hạng mục công trình mà UBND xã này là chủ đầu tư.

Lý do cán bộ huyện Vĩnh Tường hối lộ thanh tra Bộ Xây dựng
Trung tâm thương mại đang có nhiều khiếu kiện, tố cáo tại xã Tân Tiến, huyện Vĩnh Tường

Ông Đỗ Mạnh Cường (SN 1979) công chức tài chính kế toán UBND thị trấn Thổ Tang đưa 91,5 triệu cho Kim Anh.
Sau khi bị bắt, các đối tượng đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Khám xét khẩn cấp nơi làm việc của đoàn thanh tra tại UBND huyện Vĩnh Tường, CQĐT thu giữ nhiều hồ sơ của các đơn vị thi công công trình trên địa bàn huyện, 335 triệu đồng trong tủ do Nguyễn Thị Kim Anh quản lý.
Vĩnh Tường dẫn đầu lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo về đất đai
Thời điểm đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng tiến hành kế hoạch thanh tra tại huyện Vĩnh Tường (từ ngày 10/4), có lịch tiếp công dân định kỳ của UBND tỉnh Vĩnh Phúc do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì chủ trì vào ngày 12/4.
Thông báo số 90 của UBND tỉnh hôm đó cho thấy, huyện Vĩnh Tường là địa phương có số lượng người gửi đơn khiếu nại, tố cáo nhiều nhất (7 đơn thư tố cáo, khiếu nại).
Số đơn thư này chủ yếu liên quan đến công tác đất đai và bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB).
Ông Phùng Văn Lý (đại diện cho hàng chục hộ dân ở khu 4, thị trấn Tứ Trưng) khiếu nại quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để xây dựng cụm công nghiệp Đồng Sóc.

Lý do cán bộ huyện Vĩnh Tường hối lộ thanh tra Bộ Xây dựng
Công trình xây dựng nhà văn hóa thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân

Người dân tố cáo, trong quá trình thực hiện dự án chưa tổ chức họp dân, chưa lấy ý kiến về thu hồi đất. Mặc dù chưa có quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ nhưng ngày 27/6/2018, UBND huyện đã tiến hành chi trả tiền bồi thường GPMB với nhiều hình thức khác nhau, ép người dân nhận tiền bồi thường, ngoài ra, không công khai các bước trong việc thu hồi đất…
Đơn khiếu nại, tố cáo của ông Trần Doãn Bộ cùng nhiều hộ dân xã Phú Đa khiếu nại về việc thu hồi đất nông nghiệp và giao cho nhân dân làm nhà ở tại khu vực Ao Sén, Cửa Ngòi, Gốc Gạo, Đồng Roi, bồi thường, hỗ trợ không đúng quy định.
Ông Hạ Văn Cấp, thôn 3 xã Vĩnh Sơn cũng có đơn thư, khiếu nại tố cáo với nhiều nội dung liên quan đến vấn đề quyết định thu hồi đất của UBND huyện Vĩnh Tường gửi tới Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc và các sở, ngành…

Lý do cán bộ huyện Vĩnh Tường hối lộ thanh tra Bộ Xây dựng
Những công trình "xây cho có" mà không cần biết đến giá trị sử dụng tại Vĩnh Tường

Ngoài ra, người dân gửi đơn thư khiếu kiện về dự án KCN Chấn Hưng (xã Chấn Hưng); tình trạng xây dựng trái phép công trình trên đất nông nghiệp tại hàng loạt xã…
Vĩnh Tường là huyện có tốc độ đô thị hóa, đầu tư xây dựng hạ tầng, công trình cơ bản với số lượng lớn, mật độ dày và quy mô lớn ở Vĩnh Phúc trong thời gian gần đây.
Đây cũng là điểm nóng về đơn thư, khiếu kiện kéo dài chủ yếu liên quan đến công tác bồi thường và GPMB. Hầu hết các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, hạ tầng, khu đô thị, KCN của địa phương này đều thu hồi, chuyển đổi đất nông nghiệp của người dân.
Ở xã Tân Tiến có tới gần 300 hộ vi phạm trật tự xây dựng. Người dân tự ý lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Sự việc kéo dài, không được xử lý và tiếp tục gia tăng theo các năm… khiến đơn thư tố cáo ngày càng nóng.

Lý do cán bộ huyện Vĩnh Tường hối lộ thanh tra Bộ Xây dựng
Vĩnh Tường là điểm nóng nhất về đơn thư khiếu nại tố cáo liên quan đến sai phạm đất đai của tỉnh
Theo báo cáo của UBND xã Tân Tiến vào tháng 5/2018, ở xã có gần 300 hộ vi phạm luật Đất đai. Không chỉ các hộ dân có diện tích đất ruộng gần mặt đường lấn chiếm, xây dựng trái phép mà rải rác ở các cánh đồng khác cũng có tình trạng tương tự.
Theo Chủ tịch UBND xã Tân Tiến Bùi Đức Hùng, tình trạng tự ý xây dựng, mua bán trái phép trên đất nông nghiệp tại xã Tân Tiến tương đối nhiều, tổng số vi phạm từ trước đến bây giờ gần 300 trường hợp.
“Chúng tôi cũng bị kiểm điểm, xã báo cáo lên huyện đã nhiều năm, năm nào cũng phát sinh lấn chiếm đất đai. Do chính quyền xã quản lý lỏng lẻo và không ngăn chặn kịp thời nên mới để xảy ra nhiều sai phạm”, ông Hùng thừa nhận.
Ngoài ra, dự án khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và khu đô thị thương mại Vĩnh Tường sử dụng đất sai mục đích, tự ý chia các lô đất bán đấu giá để dân xây nhà đã thu hồi hàng trăm ha đất nông nghiệp của người dân.
Bí thư huyện Vĩnh Tường Lê Minh Thịnh xác nhận với VietNamNet, các sai phạm liên quan tới đất đai là vấn đề nóng của huyện. Địa phương này từng đưa ra nghị quyết, xã nào để tồn tại quá 5 trường hợp vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, lãnh đạo xã sẽ bị kỷ luật, cách chức hoặc chuyển công tác.
Thái Bình
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

GS ĐẶNG HÙNG VÕ: 'THANH TRA ĐI LIỀN VỚI THANK YOU'

THU HÀ /ZING 16-6-2019

Chia sẻ về việc cảnh sát lập biên bản vi phạm đoàn thanh tra Bộ Xây dựng, GS Đặng Hùng Võ cho rằng câu chuyện “vòi tiền” khá phổ biến nhưng khó để phát hiện, phanh phui.
Chiều 13/6, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà lên tiếng trước thông tin đoàn thanh tra của Bộ bị Công an Vĩnh Phúc lập biên bản vi phạm tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Các thành viên của đoàn bị tình nghi đòi chung chi hàng tỷ đồng sau khi phát hiện dấu hiệu vi phạm trong đầu tư xây dựng ở huyện Vĩnh Tường.
Sự việc này đặt ra vấn đề ai sẽ giám sát lực lượng thanh tra và làm thế nào để chống tiêu cực ngay trong chính các cơ quan thanh tra.

Có thỏa thuận, đàm phán khi thanh tra

Trao đổi với Zing.vn, GS Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng câu chuyện thanh tra “vòi tiền” khá phổ biến trong thực tế, nhưng rất khó để phát hiện và cũng có rất ít trường hợp được phanh phui.
Điển hình, có những cái sai đã rõ mồn một, rất nhiều đoàn thanh tra vào cuộc, công trình sai phạm vẫn "sừng sững”. Từ thực tế đó, ông Võ cho rằng hiệu quả công tác thanh tra trong thực tế chưa cao.
"Dù lực lượng thanh tra luôn được quán triệt về tính liêm khiết, ở Việt Nam vẫn luôn có tình trạng 'Thanh tra đi liền với Thank you'", ông Võ nói.
GS Dang Hung Vo: 'Thanh tra di lien voi Thank you' hinh anh 1
GS Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường). Ảnh: Hoàng Hà.
Để tiêu cực xảy ra trong lực lượng thanh tra, theo ông Võ, một phần do cơ chế thực hiện, quản lý. Theo đó, quy trình thông thường là thanh tra xong sẽ ban hành dự thảo kết luận thanh tra để đơn vị bị thanh tra có ý kiến. Sau đó cả hai bên cùng đi đến thống nhất mới ban hành kết luận cuối cùng. Như vậy, điều này tạo ra kẽ hở để hai bên có thể thỏa thuận nhằm giảm nhẹ sai phạm trong kết luận.
Cách làm này có lý khi hướng tới yếu tố dân chủ, song nếu xét về cấu trúc của bộ máy hành chính thì cách này không đúng. Bộ máy hành chính phải có trên có dưới mới hiệu quả và rõ ràng trách nhiệm, tạo ra bộ lọc tham nhũng ở mức độ nhất định.
“Nhưng chúng ta lại hướng đến dân chủ, mà hành chính dân chủ thì thường gắn với rủi ro tham nhũng”, ông Võ nói.

Xử lý ở khung cao nhất để làm gương

Từ thực tế lâu nay và qua sự việc này, GS Đặng Hùng Võ góp ý thanh tra nên đi theo hướng hành chính sẽ tốt hơn. Khi cơ quan thanh tra làm việc xong, dựa trên cơ sở và chứng cứ sẽ ban hành quyết định thanh tra. Sau đó, nếu cơ quan bị thanh tra không đồng tình thì có quyền khiếu nại quyết định đó, thậm chí khởi kiện ra tòa án.
“Thanh tra là nơi dễ gắn với tham nhũng nhất. Nhưng với kiểu làm thanh tra mang tính dân chủ như chúng ta sẽ rất khó phát hiện sai phạm, lại dễ tạo cơ chế để các bên thỏa thuận, đàm phán làm sai lệch kết luận thanh tra”, ông Võ nhận xét.
Theo ông, sự việc lần này có thể là bài học, là cơ sở để chúng ta thay đổi phương pháp.

GS Dang Hung Vo: 'Thanh tra di lien voi Thank you' hinh anh 2

Đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng vừa bị lập biên bản vì yêu cầu chung chi hàng chục tỷ khi thanh tra tại Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Đông.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhìn nhận việc xảy ra với đoàn thanh tra Bộ Xây dựng là chuyện lớn, nếu cần thiết cơ quan thanh tra cấp trên của Nhà nước phải vào cuộc. Mục đích là để làm rõ sự việc trả lời công luận, nếu có sai phạm phải xử lý theo đúng quy định.
Dù nhìn nhận việc thanh tra vòi tiền có thể chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, đại biểu Hòa cho rằng phải kiên quyết xử nghiêm, thậm chí xử lý ở khung cao nhất để răn đe, làm gương.
"Thanh tra mà bao che, tiếp tay cho vi phạm để vụ lợi cá nhân sẽ có thể tạo ra những hành vi móc ngoặc mang tính chất rộng hơn, làm lũng đoạn ngân sách Nhà nước, làm mất uy tín của các cơ quan thanh tra, giám sát", đại biểu Hòa nói.
Chiều 13/6, Công an tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục làm việc các thành viên đoàn thanh tra Bộ Xây dựng liên quan tới vụ việc. Đoàn có 5 người, trưởng đoàn là bà Nguyễn Thị Kim Anh, Phó trưởng phòng Phòng chống tham nhũng thuộc Thanh tra Bộ Xây dựng.

GS Dang Hung Vo: 'Thanh tra di lien voi Thank you' hinh anh 1

GS Dang Hung Vo: 'Thanh tra di lien voi Thank you' hinh anh 3

GS Dang Hung Vo: 'Thanh tra di lien voi Thank you' hinh anh 3

Bà Nguyễn Thị Kim Anh tại buổi công bố quyết định của Thanh tra Bộ Xây dựng về việc thanh tra công tác quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch được duyệt trên địa bàn huyện Vĩnh Tường ngày 10/4. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Vĩnh Tường.

Cùng ngày, Bộ Xây dựng đã cử đoàn công tác đến Vĩnh Phúc nhưng chưa tiếp cận được các thành viên đoàn thanh tra.
Theo kế hoạch thanh tra được Bộ trưởng Xây dựng phê duyệt, đoàn thanh tra do bà Kim Anh làm trưởng đoàn có nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra công tác đầu tư xây dựng cơ bản, công tác mời thầu, đấu thầu đối với các gói dự án trọng điểm trong xây dựng giao thông, thủy lợi…
Tại huyện Vĩnh Tường, đoàn công tác đã thanh tra một số doanh nghiệp trúng các gói thầu xây dựng trên địa bàn. Trong số này có doanh nghiệp V.H. - công ty tư nhân có vốn điều lệ 3 tỷ đồng nhưng trúng nhiều gói thầu có tổng giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng.
Nêu quan điểm về sự việc, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà nói dù bộ đã có nhiều giải pháp chấn chỉnh lực lượng thanh tra nhưng sự việc này vẫn xảy ra, đây là điều rất đáng tiếc.
"Sau khi có kết luận của cơ quan chức năng, Bộ Xây dựng sẽ chỉ đạo kiên quyết xử lý và không bao che dung túng cho bất kỳ một cá nhân nào vi phạm quy định của pháp luật", Bộ trưởng Hà cam kết.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói về vụ 'thanh tra Bộ Xây dựng vòi tiền' Cho rằng việc đoàn thanh tra bị công an lập biên bản vi phạm là sự việc đáng tiếc, Bộ trưởng Xây dựng khẳng định sẽ kiên quyết xử lý, không bao che, dung túng bất cứ cá nhân nào.


'THANH CHA, THANH MẸ, THANH GÌ ...'

NGUYỄN DUY XUÂN /TVN 17-6-2019

 - Chưa thấy “tư lệnh” ngành nào chịu trách nhiệm hay thậm chí nói một lời “xin lỗi” khi lĩnh vực mình phụ trách xảy chuyện tiêu cực, tham nhũng vì liêm sỉ và lòng tự trọng trước nhân dân.
Vụ đoàn thanh tra Bộ Xây dựng vòi tiền, nhận hối lộ tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc bị bắt quả tang khiến dư luận bàng hoàng và suy sụp vì niềm tin bị đánh cắp.
Vẫn biết tiêu cực, tham nhũng là không có giới hạn nhưng với cán bộ thanh tra mà hành sự như thế thì dân không còn đủ can đảm để đặt niềm tin chống tham nhũng, tiêu cực vào cơ quan được giao trọng trách cầm cân nảy mực.
Dư luận đặt câu hỏi: Với dự án cấp huyện mà cán bộ thanh tra đã vòi tiền hàng trăm triệu thì dự án cấp tỉnh, thành phố, cấp quốc gia sẽ là bao nhiêu? Vì sao một đoàn thanh tra cấp trung ương lại có thể sục xuống tận cấp huyện?

‘Thanh cha, thanh mẹ, thanh gì…’
Mình bà Kim Anh có vòi được tiền?

Qua vụ tham nhũng động trời này có thể thấy nhiều điều.

Sai phạm trong công tác quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch; công tác cấp phép xây dựng, quản lý sau cấp phép và công tác quản lý đầu tư là vô cùng lớn, phức tạp, lộn xộn và không chỉ riêng huyện Vĩnh Tường mà đã và đang diễn ra khắp các địa phương, bộ, ngành.
Chuyện vòi vĩnh, ăn tiền của đối tượng bị thanh, kiểm tra là không hiếm đến nỗi dân gian lưu truyền câu nói sống động, kinh hoàng đến thế: “Thanh cha, thanh mẹ, thanh gì/Cứ có phong bì thì sẽ “thanh kiu”.
Chất lượng cán bộ làm thanh tra và công tác quản lý thanh tra có nhiều vấn đề bất cập. Cán bộ thanh tra hiện nay nhiều vị không xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thanh tra là tai, mắt của Đảng và Chính phủ. Tai mắt có sáng suốt thì người mới sáng suốt”; “Cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được”.
Với chất lượng đội ngũ thanh tra như thế, cùng với sự buông lỏng công tác quản lý cán bộ từ trung ương đến địa phương, lực lượng thanh tra liệu có còn là “tai, mắt của Đảng và Chính phủ”? Họ giả điếc giả mù trước sai phạm, tiêu cực đang hoành hành khắp các bộ, ngành, địa phương. Trong một chừng mực nào đó, như nhiều vụ việc đã được phát giác như Vĩnh Phúc, thanh tra đang tiếp tay, hợp thức hóa sai phạm, tham nhũng qua những bản báo cáo “đẹp”.
Vụ vòi tiền ở Vĩnh Phúc và  vụ cán bộ của Thanh tra Chính phủ nhận 400 triệu đồng của một bà mẹ liệt sĩ ở Bà Rịa-Vũng Tàu để "chạy việc" tranh chấp đất đai nhưng không thành cũng như nhiều vụ tương tự khác đã diễn ra trước đây, các đối tượng trực tiếp vi phạm đã bị xử lí. Tuy nhiên, điều khiến dư luận thắc mắc là liệu lãnh đạo của những kẻ ngang nhiên làm những việc tày trời như thế có bị xử lý hay vẫn bình an giữ ghế?
Khi vụ thanh tra vòi tiền tại Vĩnh Phúc bị lộ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định: “Sẽ kiên quyết xử lý, không bao che, dung túng cho bất kỳ một cá nhân nào vi phạm quy định của pháp luật”.
Một “tinh thần” sắt đá rất đáng hoan nghênh của vị bộ trưởng. Nhưng câu này dân đã nghe quen lắm, vị tư lệnh nào cũng nói thế khi cán bộ thuộc quyền vi phạm pháp luật. Mong cam kết “kiên quyết xử lý, không bao che, dung túng” được bộ trưởng “kiên quyết” thực hiện.
Bởi lâu nay, chưa thấy “tư lệnh” ngành nào chịu trách nhiệm hay thậm chí nói  một lời “xin lỗi” khi lĩnh vực mình phụ trách xảy chuyện tiêu cực, tham nhũng, việc đáng ra phải làm trên các giá trị của liêm sỉ và lòng tự trọng trước nhân dân.
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

QUAN THANH TRA XÂY DỰNG BỊ TẠM GIAM GIỮ VÀ ĐÔ THỊ BỊ BĂM NÁT

NGUYỄN HUY VIỆN /TVN 15-6-2019
 - Mới thanh tra mấy dự án cấp huyện mà đã đòi chung chi “hàng chục tỷ đồng” thì ở cấp độ quốc gia chung chi lớn đến nhường nào? Hệ lụy của phá vỡ quy hoạch là bao nhiêu?
Đoàn thanh tra Bộ Xây dựng tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh phúc vừa bị cơ quan Công an tỉnh Vĩnh Phúc lập biên bản về hành vi vòi tiền; một số thành viên trong đoàn bị tạm giữ để phục vụ công tác điều tra vì cáo buộc đòi chung chi lên tới “hàng chục tỷ đồng”. Đây là thông tin chấn động và thật trớ trêu. 
Không trớ trêu sao được khi những quan chức nắm cán cân công lý lại là người bị cáo buộc đầu têu phỉ báng công lý. Những người nắm pháp luật trong tay, thực thi công vụ lại trở thành những kẻ tham nhũng, vòi tiền khi thực thi công vụ. 
Hành động kiên quyết chống tiêu cực của Công an và của các cấp chính quyền, các ngành chức năng huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc thật đáng hoan nghênh. Thủ tướng đã  yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Vĩnh Phúc và các đơn vị chức năng khẩn trương xác minh, điều tra làm rõ vụ việc để “xử lý nghiêm” theo quy định của pháp luật. Bộ trưởng Xây dựng cũng khẳng định, thái độ của Bộ là chỉ đạo “kiên quyết xử lý, không bao che, dung túng” cho bất cứ cá nhân nào vi phạm. Đây là những động thái rất kịp thời.  

Quan thanh tra xây dựng bị tạm giữ và đô thị bị băm nát
Đô thị tắc nghẽn hàng ngày để lại di hại nghiêm trọng. Ảnh Zing
Năm 2019, Thanh tra Bộ Xây dựng triển khai 90 cuộc thanh tra trên các lĩnh vực: quy hoạch và quản lý quy hoạch; các công trình, dự án giao thông; nông nghiệp và phát triển nông thôn; hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản; phòng, chống tham nhũng. Có bao nhiêu vụ đã bị phát hiện sai phạm được công bố? 
Mới thanh tra mấy dự án cấp huyện mà đã đòi chung chi “hàng chục tỷ đồng” thì ở cấp độ quốc gia chung chi lớn đến nhường nào? Mà một khi đã được chung chi, thì sai phạm trong xây dựng, trong quy hoạch nghiêm trọng đến bao nhiêu? 
Vẫn biết tình trạng vòi vĩnh, chung chi trong thanh tra, kiểm tra đã có từ lâu và phổ biến ở mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực nhưng đây là một trong những vụ hiếm hoi bị Công an lập biên bản. 
Sở dĩ tình trạng chung chi trong thanh tra, kiểm tra, kiểm toán ít bị phanh phui là vì hầu hết các pháp nhân bị thanh tra, kiểm tra đã rất “biết điều” và tự nguyện lo lót chu đáo các quan thanh tra, hiếm khi để các quan gợi ý rồi bị lập biên bản như ở Vĩnh Tường. 
Đó có thể là lý do vì sao các Tập đoàn Vinashin, Vinalines, Dầu khí Việt Nam, Hóa chất Việt Nam và nhiều doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị khác đều được thanh tra, kiểm tra hàng năm và đều có những đánh giá, nhận xét rất tốt đẹp trước khi vỡ bục ra chuyện thất thoát, tham nhũng. Hẳn là các quan thanh tra đã luôn được chủ nhà “Thank you”. 
Đến khi các đại án tham nhũng vỡ lở, bung bét gây thiệt hại cho Nhà nước hàng nghìn tỷ, hàng chục nghìn tỷ đồng thì mới thấy được bản chất của những nhận xét “rất tốt đẹp” đó. 
Điều bất thường là khi điều tra, xét xử các đại án tham nhũng các cơ quan chức năng và các cơ quan pháp luật không bao giờ đề cập đến những sai phạm của các đoàn thanh tra, kiểm tra trong việc dung túng, che đậy tham nhũng. Đây là một trong những nguyên nhân góp phần làm cho vấn nạn tham nhũng càng ngày càng nghiêm trọng. 
Quay lại lĩnh vực thanh tra xây dựng và quy hoạch đô thị. Có thể khẳng định quan thanh tra xây dựng đã tham gia băm nát quy hoach đô thị. Vì rằng, trong một số lĩnh vực khác có thể mất thời gian và khó khăn để tìm và chỉ ra sai phạm nhưng trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, người bình thường cũng có thể thể biết được quy hoạch có bị điều chỉnh, bóp méo hay không. 
Chính những quan thanh tra xây dựng đã dung túng, thông đồng để các chủ đầu tư phá nát quy hoạch đô thị. 
Ở các đô thi trọng điểm như Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh một năm không dưới hàng chục đoàn thanh tra cấp bộ về thanh tra. Ấy vậy mà quy hoạch của hai thành phố lớn nhất cả nước càng ngày càng bị băm nát, nhiều khu vực không còn một không gian để sống cho ra sống nhưng rất hiếm khi được phát hiện bởi các đoàn thanh tra. 
Phải chăng các đối tác gồm các chủ đầu tư, chính quyền địa phương các cấp và thanh tra xây dựng đã ngã giá chung chi cho nên quy hoạch đô thị mới dẫn đến hệ lụy không lường như vậy? 
Nếu có cái nhìn toàn diện, thấu đáo thì hậu quả của việc băm nát quy hoạch đô thị để lại lớn hơn gấp nhiều lần so với bất kỳ đại án kinh tế nào thuộc loại lớn nhất được phát hiện ở Việt Nam từ trước đến nay. 
Về thất thoát kinh tế, xét trên phạm vi cả nước, những kẻ cấu kết phá hoại quy hoạch đô thị thu về khoản tiền hàng trăm nghìn tỷ đồng. Nhưng đó chưa phải là thiệt hại kinh tế lớn nhất, mà thiệt hại lớn nhất tình trạng ùn tắc giao thông, phá vỡ không gian phát triển cho tương lai. 
Mỗi ngày người dân Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh mất thêm một hai tiếng đồng hồ vật lộn trên các nẻo đường ùn tắc, với số lượng hàng chục triệu người từ đời này sang đời khác thì số tiền đó sẽ là một con số khổng lồ. 
Không chỉ có vậy, Nhà nước mất không biết bao nhiêu tiền để mở rộng đường, làm cầu cạn và đường trên cao, xây các công trình chống ngập lụt cho hai đô thị này. Xin đơn cử Dự án Đường Vành đai Hoàng Cầu - Voi Phục (Hà Nội), có chiều dài 2,2 km, sẽ khởi công trong quý III/2019. Với tổng mức đầu tư gần 8.000 tỉ đồng, đây sẽ là con đường đắt nhất hành tinh tính đến thời điểm hiện tại. 
Những giải pháp tình thế như thế này không khắc phục được đáng kể gì, đường tắc vẫn cứ hoàn tắc khi quy hoạch tổng thể bị phá vỡ. 
Về chính trị - xã hội, quy hoạch đô thị bị phá nát không chỉ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đối với cuộc sống, sức khỏe của hàng chục triệu người thế hệ hôm nay mà còn ảnh hưởng đến nhiều đời sau. 
Người dân không chỉ mất niềm tin mà còn bị đẩy vào tình trạng tâm lý ngột ngạt, bức bối, bất bình. Đây sẽ là một nguy cơ lớn đối với an ninh chính trị, xã hội. 
Với hệ lụy nghiêm trọng như vậy, không chỉ từng cá nhân mà chắc chắn người dân cả nước đều có chung nguyện vọng, các cơ quan chức năng cao nhất cần vào cuộc điều tra để tìm ra những ai đã băm nát quy hoạch Thủ đô Hà Nôi, TP. Hồ Chí Minh và các đô thị lớn khác. 
Nguyễn Huy Viện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét