Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2019

20190621. NGỤY BIỆN CỦA ÔNG VÕ VĂN THƯỞNG

ĐIỂM BÁO MẠNG

THƯA ANH VÕ VĂN THƯỞNG 

MẠC VĂN TRANG / TIẾNG DÂN 19-6-2019

Ngày 17/6/2019, TTXVN và các tờ báo Nhà nước đều đăng bài viết của Anh: “Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam”. Đây là bài viết rất quan trọng, vì anh là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Xin phép anh, được chia sẻ vài điều.
1. Bài viết của anh rất công phu, có đến 13 tài liệu được tham khảo, trích dẫn. Nội dung và văn phong thể hiện tính khoa học, khách quan, chừng mực, đứng đắn. Trong đó anh khẳng định: “Truyền thông xã hội là một ‘dòng chảy thông tin’ trên nền tảng, dịch vụ công nghệ cho phép người dùng tạo ra, chia sẻ, trao đổi, thảo luận và thay đổi các nội dung, thiết lập thành các mạng lưới liên kết và tương tác xã hội”; “Truyền thông xã hội, nhất là mạng xã hội liên tục được nâng đỡ, hỗ trợ bởi những công nghệ mới, ngày càng tiện ích hơn, trở thành kênh quan trọng, thúc đẩy quá trình giao tiếp và kết nối xã hội”… Vâng, đúng vậy. Đó là “dòng chạy” tất yếu, không gì ngăn cản được!
Tuy nhiên, bài viết của anh có phần quá nhấn mạnh vào mặt tiêu cực của truyền thông xã hội, dễ gây hiểu lầm.


2. Mấy điều trao đổi

2.1. Không cần thiết phải nói dài dòng về những vi phạm, sai trái, tác hại của mạng xã hội, vì đã có “Luật an ninh mạng”, “Luật Báo chí”… Ai làm lộ bí mật quốc gia; ai che giấu sự thật, bịa đặt, tung tin giả; ai kích động bạo lực, thù hận; ai xúc phạm, bôi nhọ người khác… cứ theo Luật mà xử công khai, minh bạch, tranh tụng đàng hoàng. Đó là cách tốt nhất nâng cao nhận thức, thái độ, hành động có văn hóa, có trách nhiệm của các “công dân mạng”.
2.2. Một trong những giải pháp anh nêu ra là: “Phát huy vai trò của các tổ chức và cá nhân, nhất là những người điều hành website, blog, fanpage, các KOLs, influencers, người trẻ trong xây dựng môi trường Internet, mạng xã hội lành mạnh. Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tham gia mạng xã hội phải giữ vai trò là lực lượng nòng cốt đăng tải, chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực và xem đây là giải pháp thường xuyên, lâu dài”.
Tôi thấy mừng quá. Vậy đề nghị anh yêu cầu các quan chức, đảng viên sử dụng facebook (như Thủ tướng Campuchia Hunsen, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long…; hay dùng Twitter như Tổng thống Trump…) để công khai đưa ra ý kiến về các vấn đề nhân dân quan tâm, để dân biết, dân bàn, cùng trao đổi…
Đặc biệt đội ngũ “Dư luận viên” và “Lực lượng 47” càng phải gương mẫu, công khai danh tính, tranh luận một cách đường hoàng, dân chủ, bình đẳng, có văn hóa, văn minh. Phải chấm dứt kiểu giấu mặt, xúm vào quy kết, chụp mũ, xúc phạm, “ném đá” một ai đó, mà người ta không thể tìm ra kẻ hèn hạ, gian manh giấu mặt, để đưa ra trước công luận, công lý.
Chính cái “lực lượng” giấu mặt, tha hồ chửi bới, lăng mạ người khác lại được “bảo kê” ấy, làm vấy bẩn môi trường mạng xã hội, gây chia rẽ, hận thù trong xã hội, khiến nhân dân ta liên tưởng đến thảm cảnh khốn nạn đấu tố trong CCRĐ hay rập theo kiểu “Cách mạng văn hóa” của Mao… Anh cần chấn chỉnh lực lượng này để họ đừng “xả rác bẩn” trên mạng xã hội nữa!
2.3. Thưa anh, không phải do mạng “truyền thông xã hội” lôi kéo, kích động người dân xuống đường, dẫn đến bạo loạn. Trước đây, chưa có internet thì ở Sài Gòn cũng luôn có những cuộc xuống đường hàng ngàn, hàng vạn, chục vạn người, nhất là học sinh, sinh viên đấy thôi. Nam Hàn, Nhật, Mỹ, Pháp… vào những năm 60 – 70 thế kỷ trước, những người biểu tình đã lật đổ cả chính phủ…
Như vậy việc dân xuống đường, biểu tình là do đường lối, chính sách của nhà cầm quyền mất lòng dân, khiến dân phẫn nộ phải cùng nhau hành động đòi hỏi nhà cầm quyền phải thay đổi, cho hợp ý nguyện của dân. Còn mạng xã hội chỉ là một phương thức truyền thông nhanh, nhạy, hiệu quả hơn mà thôi. Người dân xuống đường là TỘI CỦA CHÍNH QUYỀN, chứ không phải tội của Truyền thông xã hội. Chỗ này phải minh bạch.
2.4. Không phải cứ xuống đường biểu tình là gây nên “bạo loạn”, “mất ổn định xã hội”. Hãy xem dân Hong Kong. Nếu chính quyền không nghe Trung cộng “xui dại” đem thông qua “Luật Dẫn độ”, thì dân việc gì phải kêu nhau xuống đường để phản đối? Chính cái “Luật Dẫn độ”, vi phạm vào cam kết “một nước 2 chế độ” và tạo cớ cho cảnh sát muốn coi ai là “nghi phạm” cũng được, bắt đưa về đại lục để xử theo “luật rừng”, mới làm bất ổn xã hội Hong Kong. Vì thế dân mới nổi giận xuống đường và bà Carrie Lam trưởng đặc khu hành chính Hong Kong đã phải nhận sai lầm, xin lỗi nhân dân…
Đây là sự kiện đáng để nhà cầm quyền và nhân dân toàn thế giới phải học tập. Văn hóa biểu tình của dân Hong Kong cao đến mức 2 triệu người xuống đường mà không hề gây “bạo loạn”, “bất ổn xã hội”; dân vẫn dẹp đường cho xe cứu thương đi, vẫn dọn dẹp đường phố sau cuộc biểu tình. Cuộc đại biểu tình khiến nhân dân càng đoàn kết chặt chẽ hơn, tin tưởng vào ý chí của nhân dân hơn, tạo nên sức mạnh phi thường của xã hội Hong Kong. Dân là gốc của nước. Dân mạnh thì nước mạnh, phải không anh? Vậy sao bảo, biểu tình như Hong Kong, làm xã hội “bất ổn”, “suy yếu” được?
2.5. Thưa anh, dân chủ hóa xã hội là xu hướng tất yếu; sức mạnh của thông tin xã hội là “dòng chảy” không gì ngăn cản được! Những cuộc xuống đường của nhân dân ta đòi quyền sống, quyền làm người, đòi dân chủ, nhân quyền, giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia; phản đối tham nhũng, bất công, hủy hoại môi sinh… là xu hướng tất yếu, khi nước ta ngày càng hội nhập sâu vào thế giới, dân trí ta ngày càng cao hơn…
Do đó, anh cần đề xuất: Mau có Luật Biểu tình và định hướng, nâng cao nhận thức, thái độ, hành vi biểu tình có văn hóa cho dân ta, sao được như dân Hong Kong, để tránh xảy ra bạo loạn đáng tiếc, như đã từng xảy ra. Tóm lại, chiến lược “tuyên giáo” đúng đắn không phải là tìm cách ngăn “dòng thác” tự nhiên, tất yếu, mà mở lối cho “dòng thác” chảy một cách êm xuôi, hiền hòa; cần tránh ngăn cản, áp chế, dồn nén gây ra “tức nước, vỡ bờ”, thành “lũ quét”, “lũ ống”, mới gây ra “bất ổn xã hội”.
Thưa anh Võ Văn Thưởng,
Anh từng nói: “Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý”. Vâng. Đúng vậy. Vì thế, tôi mới dành thì giờ quý báu, viết mấy điều trao đổi với anh. Rất mong anh có nhiều bài viết, để cùng nhau chia sẻ những điều bổ ích và lý thú.
Chúc anh vui, mạnh, nỗ lực đưa ngành Tuyên giáo tiến kịp với sự phát triển của xã hội, đáp ứng ý nguyện của Nhân dân.

NGỤY BIỆN CỦA ÔNG VÕ VĂN THƯỞNG

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 21-6-2019

Vừa qua ông Võ Văn Thưởng, trưởng ban tuyên giáo của ĐCSVN có bài viết “Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam”. Bài viết khá công phu, được đánh giá cao về mặt lý luận. Tuy vậy ông đã dùng một vài ngụy biện.
Trong bài “Thưa anh Võ Văn Thưởng” (Báo Tiếng Dân ngày 19/6/2019), Mạc Văn Trang đã chỉ ra vài bất đồng, đó là:
1- Ông Thưởng cố tình nhấn quá mạnh vào mặt tiêu cực của mạng xã hội (MXH), cố làm cho người ta hiểu nhầm rằng MXH mang lại lợi ít hại nhiều. Đó là một cách đánh lừa không trong sáng.
2- Theo như ông Thưởng thì người dân xuống đường biểu tình là do MXH kích động, lôi kéo.
Thử hỏi trước khi có MXH mà dân khắp thế giới đã biểu tình thì do cái gì? Thực ra nguyên nhân chủ yếu gây ra biểu tình là những việc làm không hợp lòng dân của chính quyền. MXH chỉ là nơi đưa tin.
3- Ông Thưởng ngụ ý biểu tình gây bạo loạn. Không phải như vậy. Bạo loạn chủ yếu là do đàn áp của chính quyền tạo ra trước, người biểu tình chỉ phản ứng lại (trừ một số rất ít quá khích, đó không phải là chủ trương của biểu tình).
Trong bài “Lãnh đạo Việt Nam lộ rõ lo sợ đối với mạng xã hội” (trang Boxitvn ngày 20/6/2019), Thanh Trúc chỉ ra rằng: Ông Thưởng chỉ trích vai trò của truyền thông xã hội, nói rõ hơn là các trang MXH ở Việt Nam, sau hơn 20 năm Internet có mặt với trên 60 triệu người sử dụng. Bài báo còn nêu ra ý kiến của Ông Nguyễn Khắc Mai rằng: Họ sợ cái minh bạch, cái thức tỉnh, cái hiểu biết và sợ sự thật được phơi bày. Họ đổ lỗi cho truyền thông xã hội, nói là gây ra tiêu cực, chống đối, bạo loạn… nhưng họ quên rằng ngay ông tổ sư của họ là ông Mác từng nói những vấn đề bức xúc, bất công, mâu thuẩn, bất cập và tiêu cực trong xã hội mà chính quyền gây ra đã tạo bất mãn bất bình trong xã hội... Cộng sản  luôn luôn đánh tráo khái niệm, họ đánh lừa dân, họ sợ hãi truyền thông xã hội, họ biết sức mạnh của truyền thông xã hội nó thức tỉnh lòng người, cho nên họ mới đổ riệt tội cho truyền thông xã hội như vậy.
Ngày 18/6, Báo Tiếng Dân đăng bài “Trưởng ban tuyên giáo bàn về MXH…” có đoạn: Bài viết thể hiện sự lo lắng của người đứng đầu Ban Tuyên giáo đối với MXH, cũng như báo hiệu sự đàn áp khốc liệt  thế giới mạng ở Việt Nam trong những ngày sắp tới… Nhà báo tự do Sương Quỳnh bình luận: Phải phân biệt việc xử phạt tin giả và bịt miệng sự thật.
Ông Thưởng cho rằng ở VN hiện nay các thế lực thù địch đang lợi dụng MXH để thúc đẩy các “yếu tố cách mạng sắc màu ở Việt Nam”, vì thế ĐCS và Nhà nước (gọi là bên A) phải tiến hành cuộc đấu tranh chống lại các thế lực thù địch, tự diễn biến, tự chuyển hóa (gọi là bên B). Nhà nước cần xiết chặt việc thi hành luật an ninh mạng, các cơ quan truyền thông của Đảng cần đẩy mạnh việc đấu tranh để loại bỏ tư tưởng chống đối.
Tôi xin bổ sung vài nhận xét:
1- Ông Thưởng đánh giá sai về nguyên nhân
Ông cho rằng đường lối của Đảng kiên trì Mác Lê là hoàn toàn đúng đắn. Ai chống lại nó là thù địch, là phản động. Phải chăng ông đã bị nhồi sọ đến mức không đủ trí tuệ và sự tỉnh táo để nhận ra những độc hại của Mác Lê từ gốc, ông không thấy những tai họa mà dân tộc phải gánh chịu mỗi khi ĐCS cố vận dụng Mác Lê? Ông không thể hiểu được nguyên nhân những người bên B chống lại Mác Lê. Ông quy kết họ, chụp mũ họ mà không hiểu về họ. Nếu vậy thì ông hơi bị kém về phương pháp luận. Cũng có thể ông hiểu về họ, về nguyên nhân họ chống lại Mác Lê, nhưng vì một lý do nào đó mà ông lờ đi. Nếu vậy ông mắc vào lỗi thiếu trung thực (đúng ra là lừa dối).
Biểu tình là quyền của công dân. Tự dưng vô cớ thì dân biểu tình mà làm gì. Đúng ra Luật biểu tình phải được các luật sư soạn, nhưng lại giao cho Bộ Công an, là nơi chỉ muốn ngăn cản. Thế mà Nhà nước vẫn không chịu ban hành. Nguyên nhân gây biểu tình không phải từ MXH mà là từ những chủ trương không hợp lòng dân.
2- Ông Thưởng hiểu nhầm về bên B
Hiện nay ĐCS đang cố chống lại loại đảng viên thoái hóa biến chất và loại tự diễn biến. Đó là 2 loại hoàn toàn khác nhau, nhưng vì vô minh mà Đảng đã bỏ chung vào một rọ, vì thế đã có những cách đối xử sai lầm.
Thoái hóa là bọn có chức có quyền, chúng dùng nó để tham nhũng, để mua quan bán tước. Chúng là sâu mọt, là kẻ thù của nhân dân.
Tự diễn biến là những người có hiểu biết, nhận ra sai lầm của Mác Lê và chống lại, họ là những chiến sĩ trên mặt trận đấu tranh cho dân chủ, chống lại sự độc tài Đảng trị, họ là những chiến sĩ tiên phong trong nhân dân.
Có thể phân chia những người bên B thành 2 mức:
(a) Một số trí thức, văn nghệ sĩ, họ làm nhiệm vụ chủ yếu là vạch ra những sự thật bị ẩn giấu, họ thức tỉnh nhân dân bằng việc nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí.
(b) Số đông người trong nhân dân, họ có giác ngộ về nhân quyền và dân quyền, họ không chịu quỳ gối, cúi đầu, bịt miệng. Họ trực tiếp đấu tranh, xuống đường biểu tình, v.v.
Ông Thưởng cho rằng những người bên B kém giác ngộ, bị mua chuộc. Nhận thức như thế là hoàn toàn sai. Là Trưởng ban Tuyên giáo, đã có khi nào ông nghĩ tới việc tìm hiểu tại sao có những người như Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Hữu Đang, Tống Văn Công, Lê Hiếu Đằng, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Khắc Mai, Tương Lai, Chu Hảo,  Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định… và hàng ngàn, hàng vạn người khác, họ phản biện Mác Lê hoàn toàn không phải vì quyền lợi cá nhân. Xin ông hãy cử những cán bộ có năng lực và trung thực đi điều tra xem đạo đức, tư cách, cuộc sống, quan điểm của những người đó như thế nào. Xin đừng quy kết một cách mù quáng.
ĐCS lộ rõ lo sợ đối với MXH, họ sợ cả những người (a) và (b), mà chủ yếu là (a), vì những người đó hơn hẳn những người như ông Thưởng cả về trình độ và tư cách đạo đức.
Có câu: Biết mình, biết người… Tôi có cảm tưởng rằng những người như ông Thưởng không biết rõ cả mình và người. Thế thì làm sao có thể đề ra sách lược đúng.
3- Ông Thưởng đánh tráo về ổn định
Trong bài, vài lần ông Thưởng nhắc đến sự ổn định chính trị và xã hội của VN. Ông tự hào về sự ổn định đó. Tuy không viết rõ ra nhưng ông ngụ ý rằng chính nhờ sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của ĐCS theo Mác Lê mới có sự ổn định như vậy.
Ổn định hay sự cân bằng có 3 trạng thái: thường xuyên, vững chắc và tạm thời. Trong cơ học, ổn định thường xuyên giống như vật thể quay mà trục quay đi qua trọng tâm của vật. Dù quay vật đến vị trí nào nó cũng ổn định ở vị trí đó. Ổn định vững chắc, ví như con búp bê lật đật, dưới nặng, trên nhẹ, dù có lắc nó như thế nào, nó vẫn quay về vị trí cũ. Ổn định tạm thời là loại ổn định có điều kiện bảo đảm, có chống đỡ. Khi  điều kiện và chống đỡ mất đi hoặc giảm sút mà lại có tác động bên ngoài thì nó sẽ dễ bị lật đổ. Đó là ổn định của tàu thuyền khi bị giông bão, của công trình khi bị động đất, v.v.
Ông Thưởng đã nhập nhèm giữa ổn định chính trị và ổn định xã hội. Trong 2 thứ thì ổn định xã hội quan trọng hơn, bao gồm nhiều phạm vi hơn, trong đó ổn định chính trị là một trong những điều kiện cần hàng đầu. Ổn định chính trị là một trong những điều kiện cho ổn định xã hội. Có ổn định chính trị chưa chắc đã có ổn định xã hội.
Hãy xem ổn định xã hội của VN hiện nay như thế nào?
Muốn ổn định thì thông thường dưới nặng mà trên nhẹ, nhưng ở VN trên đầu quá nặng vì 3 tổ chức chồng chéo lên nhau (Đảng, Chính quyền, Mặt trận).
Để ổn định thì trên phải giỏi hơn dưới, nhưng bên trên của VN một số không ít có trí tuệ và nhân cách  quá kém. Ổn định cái gì khi mà tệ nạn, tội phạm, trộm cướp, dân oan, sự hủy hoại môi trường... xảy ra thường xuyên và khắp nơi. Phải chăng xã hội ổn định khi từ trên xuống dưới đều sống nhờ dối trá, khi đạo đức và giáo dục xuống cấp, khi tôn giáo bị lợi dụng?
Tôi không tán thành đánh giá xã hội VN có ổn định tốt.
Sự ổn định chính trị của VN hiện nay là loại ổn định tạm thời dựa trên hai lực lượng chống đỡ: công an và tuyên giáo. Nó còn tạm ổn định vì chưa có bão tố hoặc động đất từ phía nhân dân.  Đến lúc đó thì công an và tuyên giáo sẽ mất hết tác dụng, sự sụp đổ tất yếu xẩy ra. Ông Thưởng nói riêng và lãnh đạo CS nói chung đang rất lo sợ những trận bão như thế và tìm cách ngăn chặn từ MXH. Nhưng liệu có ngăn được mãi không?
Có một cách rất đơn giản để giữ ổn định và phát triển là Minh bạch trong mọi chủ trương và hành động. Ngày xưa các cụ tiền bối đề cao 4 chữ: QUANG MINH CHÍNH ĐẠI. Chính quyền không lừa dân, không nói dối dân.
Chính quyền thực thi một chế độ dân chủ, thực sự tôn trọng QUYỀN DÂN thì ngại gì MXH? Chống lại tiêu cực của MXH, hữu hiệu nhất có 2 cách:
Cách 1- Đối với toàn dân là mở rộng tự do dân chủ, tự do ngôn luận, tổ chức đối thoại giữa A và B, xóa bỏ độc tài Đảng trị, trả quyền cho dân.
Cách 2- Tôn trọng những thông tin nói lên sự thật, trừng trị nặng những kẻ đưa ra thông tin giả, thậm chí có thể ra điều luật: “Đặt ra ngoài vòng pháp luật những kẻ đưa thông tin sai sự thật”. Nhưng những kẻ đó phải được xét xử công khai, phải được tự mình hoặc có luật sư bảo vệ để tránh việc lẫn lộn giữa vu cáo và bưng bít sự thật mà ai đó muốn che giấu.
Trong bài viết ông Thưởng đã khoa trương, trình bày nhiều thông tin quan trọng, từ phong trào Áo Vàng, vụ bê bối dữ liệu do Cambridge Analytica, đến  hiện tượng KOLs, v.v., phải chăng là để chứng tỏ sự hiểu sâu, biết rộng? Tiếc rằng đáng sau sự hiểu biết ấy ẩn giấu sự thấp kém về trí tuệ, mắc vào nhiều lỗi ngụy biện. Ông Thưởng đã có lần khuyến khích đối thoại giữa A và B. Nhân dịp này ông hãy xúc tiến các cuộc đối thoại ấy. Làm được như thế uy tín của ông sẽ được nâng lên, còn khi viết bài thì hãy tránh xa lối ngụy biện.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN


NGHĨ VỀ NGHỀ BÁO NHÂN CÂU CHUYỆN CỦA NGUYÊN BỘ TRƯỞNG LÊ DOÃN HỢP

NGUYỄN DUY XUÂN/ TVN 21-6-2019

Trong một bài viết vừa đăng trên Tuần Việt Nam/VietNamNet, ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông kể: “Một lần tôi sang Úc và hỏi Bộ trưởng Truyền thông, ai quản lý báo chí. Họ bảo không có cơ quan nhà nước nào quản lý báo chí, dân quản lý báo chí. Nhà báo viết hay, viết tốt thì dân mua; viết sai thì dân kiện. Nhà nước xử nghiêm”.
Kết thúc bài viết, ông Hợp nhắn nhủ: “Tôi mong, các nhà báo phát huy hết các lợi thế của mình, có trách nhiệm xã hội cao hơn; trong tác nghiệp luôn thấm nhuần 6 chữ: Trung thực, Khách quan, Hướng thiện”.
Tôi cứ suy nghĩ mãi về chuyện kể và lời nhắn nhủ của vị cựu Bộ trưởng nhiều duyên nợ với ngành thông tin và truyền thông.
Như vậy, ở xứ người, việc quản lý báo chí của họ thật đơn giản: Dân quản. Người dân là “khách hàng” đông đảo nhất của báo chí. Làm gì thì làm, báo chí phải thỏa mãn cơn khát thông tin diễn ra trong đời sống hằng ngày của đại đa số người dân và thông qua đó mà đạt mục đích “hướng thiện”.
“Nhà báo viết hay, viết tốt thì dân mua; viết sai thì dân kiện” – điều hiển nhiên này đôi khi chúng ta không nghĩ tới hoặc xem nhẹ.
Tất nhiên, câu chuyện của vị cựu Bộ trưởng cũng cho thấy cơ chế quản lý báo chí của Úc cũng rất đáng quan tâm: Nhà nước không quản lý báo chí. Khi báo chí sai, có người kiện thì giải quyết ở tòa án. Lúc đó vai trò của Nhà nước là “xử nghiêm”.

Nghĩ về nghề báo nhân câu chuyện của nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp

Báo chí đang đứng trước nhiều khó khăn về thị trường.
Hơn hai mươi năm trước, khi Internet chưa được phổ biến, người dân “đói” thông tin, chỉ biết có báo giấy, báo nói và báo hình nhưng khả năng tiếp cận bị hạn chế bởi số lượng xuất bản; vả lại đa số dân chúng còn phải lo cái ăn cái mặc hằng ngày, không phải ai cũng có điều kiện để mua báo, sắm đài hay ti vi. Chuyện “viết hay, viết tốt thì dân mua; viết sai thì dân kiện” chưa phải là mối quan tâm của xã hội.
Bây giờ thì khác, thông tin số đã làm thay đổi tất cả, từ diện mạo báo chí, truyền thông cho đến thị hiếu của độc giả. Người ta quan tâm đến không chỉ nội dung tin tức mà còn ở sự nhanh nhạy (đến từng giây) của việc đưa tin; ở khả năng phân tích, đánh giá vấn đề, sự kiện của nhà báo. Người đọc, người xem thời công nghệ số có điều kiện để tương tác với tác giả và tòa báo nhờ công cụ hiện đại; ai cũng có thể bày tỏ thái độ của mình thông qua việc đánh giá, bình phẩm mức độ hay dở của một bài viết hoặc chất lượng của cả tờ báo.
Bởi thế, người đọc ngày nay không khó để “thẩm định” một bài báo hay chỉ ra những lỗi sơ đẳng về dùng từ, đặt câu, diễn đạt xuất hiện hằng ngày trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là báo mạng.
Xin nêu một vài ví dụ được trích dẫn từ các báo:
- “Cửa hàng chỉ phục vụ khách đoàn của công ty lữ hành. Người Việt Nam không được vào, thăm quan cũng không được”.
Trong câu này có lỗi là dùng từ sai: “tham quan”, lại viết là “thăm quan”.
- “Việc một tuyến đê được đầu tư rất nhiều tiền của để xây dựng, lại vừa được nghiệm thu đưa vào sử dụng khoảng 3 tháng nay. Được người dân kỳ vọng sẽ là tấm lá chắn “thép” khi mùa mưa lũ năm nay”.
Cả hai câu đều thuộc loại câu cụt câu què, câu đầu không có vị ngữ và câu sau không có chủ ngữ.
- “Vì vậy, nếu bố mẹ không đăng những thông thuộc nhóm bí mật đời sống riêng tư của con lên mạng xã hội như Facebook, nếu không tìm hiểu kỹ rất có thể sẽ phạm cả 2 luật gồm: Luật Trẻ em 2016 và Luật An ninh mạng vừa có hiệu lực cách nay 2 ngày”.
- “Hỏi rằng thực sự những người như thế có nhiều qua không để tràn lan trong cả xã hội để không thể nào có biện pháp khác việc anh lên mạng than khóc kể về mẹ như một hành vi bôi do trát trấu vào người đã sinh thành ra mình?”.
Cả hai câu trên đây đều được diễn đạt luộm thuộm, rối rắm.
- “Xử lý như nào nghi can sát hại 3 bà cháu chôn xác phi tang ở Lâm Đồng?”
Tít bài bị viết lược đi (như nào) khiến tựa đề tối nghĩa.
Những lỗi như vừa dẫn hiện có rất nhiều trên báo online, báo in. Những lỗi đó trước hết là do cá nhân người viết thiếu cẩn trọng, hay hạn chế về năng lực chuyên môn cũng như ý thức trau dồi tư duy của mình. Trong chừng mực nào đó thì những khiếm khuyết đó có thể xem như là một sự thiếu tôn trọng đối với độc giả. Cũng không thể không nhắc đến trách nhiệm của tòa báo, khi đã dễ dãi với những bài viết chưa được kiểm chứng về nội dung hoặc chưa chuẩn về văn phong, chữ nghĩa.
Trong việc viết lách, không ai là không có sơ suất, nhưng nếu chúng ta luôn có ý thức “trách nhiệm xã hội cao” trong công việc của mình, thì nhất định sẽ có những tác phẩm hay, đáp ứng được kì vọng của người dân.
“Trung thực, Khách quan, Hướng thiện”. Thiên chức của người làm báo gói gọn trong 6 chữ ấy.
Không trung thực, thiếu khách quan thì không thể hướng thiện. Đấy chính là sự định hướng - định hướng từ trong cái tâm của người cầm bút.
Nguyễn Duy Xuân 

ĐỂ BÁO CHÍ TIẾN KỊP CÙNG THỜI ĐẠI BÙNG NỔ THÔNG TIN

NGUYỄN HUY VIỆN/ TVN 21-6-2019

Ngày nay, khi mạng xã hội càng ngày càng phát triển và trở nên phổ cập, mỗi người dân đều có thể là một nhà báo, vừa là phóng viên vừa là tổng biên tập trang mạng của mình, cạnh tranh với các phóng viên, nhà báo chuyên nghiệp trên mặt trận thông tin.
Vì thế, thông tin trên mạng hội rất nhanh nhạy. Trong những hoàn cảnh cụ thể, truyền thông xã hội tạo nên trào lưu dư luận mạnh mẽ và ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của quốc gia.
Truyền thông xã hội kết nối tạo ra một làn sóng biểu tình như vũ bão dẫn đến Cách mạng Hoa Nhài ở Trung Đông năm 2010 – 2011 mà các lực lượng cảnh sát hay quân đội không thể ngăn chặn, dẫn đến sự sụp đổ các chính thể ở Tunisia, Ai Cập, Libya và làm rung chuyển nhiều chính thể khác ở khu vực này.
Khách quan mà nói, truyền thông xã hội tạo được hiệu ứng xã hội mạnh mẽ như vậy là vì ở những quốc gia trên đây lâm vào tình trạng mất dân chủ kéo dài, bất công xã hội sâu sắc, làm cho người dân bất bình tột độ. Trong xã hội như vậy, chỉ cần một mồi lửa là bạo loạn bùng phát dữ dội.
Gần đây, truyền thông xã hội đã kêu gọi được hàng trăm nghìn người xuống đường tham gia các cuộc biểu tình của phe “Áo vàng” ở Pháp. Mục tiêu của những người biểu tình ở Pháp khác về bản chất so với bạo loạn ở Trung Đông, họ không hề đòi lật đổ chế độ mà là phản đối chính sách thuế khóa của chính phủ.
Biểu tình là chuyện khá bình thường ở các nước phát triển vì biểu tình là một trong những quyền cơ bản của người dân; là hình thức nhân dân bày tỏ thái độ, nguyện vọng tập thể với chính phủ. Và đây cũng là tấm gương phản chiếu về chủ trương, chính sách của nhà nước, để có sự điều chỉnh phù hợp.
Có thể khẳng định, trên thế giới có một số tờ báo hoặc một bộ phận trong các trang mạng xã hội có tư tưởng cực đoan gây chia rẽ giữa các dân tộc, tôn giáo; kích động hận thù; truyền bá lối sống trái với thuần phong mỹ tục … Song tựu trung, báo chí và truyền thông xã hội đóng vai trò nòng cốt, có vị trí vô cùng to lớn trong việc đấu tranh cho dân chủ, công bằng, tiến bộ xã hội của nhân loại.

Để báo chí tiến kịp cùng thời đại bùng nổ thông tin
Thời đại bùng nổ thông tin thì báo chí bị cạnh tranh rất nhiều.

Báo chí, với trọng trách là truyền tải thông tin sự kiện, phát hiện vấn đề, phản biện xã hội, tạo dư luận xã hội đã có tác động mạnh mẽ tới đời sống xã hội tích cực và chống tiêu cực, được xã hội yêu quý và tôn vinh như một quyền lực - Quyền lực thứ tư - Quyền lực tạo dư luận xã hội.
Hòa cùng xu thế của nhân loại, ở Việt Nam báo chí và truyền thông xã hội đóng một vai trò rất quan trọng trong trên mọi mặt của đời sống xã hội.
Điều dễ thấy nhất và được nhân dân ghi nhận là vai trò to lớn của truyền thông xã hội và báo chí là hạt nhân trong đấu tranh chống các vấn nạn tham nhũng; mua quan bán chức, cả nhà làm quan, cả họ làm quan; gian lận thi cử; tình trạng tàn phá tài nguyên, môi trường; làm hàng giả, hàng nhái; tình trạng tín dụng đen, bảo kê; suy đồi về đạo đức …
Trước tình trạng vòi tiền, đòi chung chi trong công tác thanh tra, kiểm tra thì phần lớn các vụ việc thuộc các vấn nạn nêu trên đều do báo chí, mạng xã hội phát hiện để các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, kết luận, xử lý theo pháp luật.
Ví dụ như vụ xe cá nhân của Trịnh Xuân Thanh mang biển số xanh, các nhà nhà báo đã khơi mào ra một đại án tham nhũng; việc thăng tiến thần tốc của “hot girl” ở Thanh Hóa đã lôi ra ánh sáng những quan chức nâng đỡ “không trong sáng”.
Báo chí đã phát hiện và tố cáo hàng loạt vụ ô nhiễm môi trường do doanh nghiệp gây ra, điển hình là các vụ Công ty Vedan gây ô nhiễm môi trường dòng sông Thị Vải,…
Hay như phóng sự điều tra chỉ mặt, vạch tên các ông trùm bảo kê chợ Long Biên (Hà Nội) đầu năm 2019 của Đài truyền hình Việt Nam; phóng sự điều tra những tăng ni, phật tử lợi dụng đời sống tâm linh để trục lợi ở chùa Ba Vàng (Quảng Ninh), tháng 3/2019 của Báo Lao động.
Để đấu tranh cho công bằng, lẽ phải; cho một xã hội dân chủ, văn minh; cho Việt Nam hùng cường rất nhiều nhà báo đã không ngại khó khăn, không sợ hiểm nguy đã xả thân vì nghề báo.
Tuy nhiên trong không ít sự kiện, sự việc công luận rất quan tâm nhưng báo chí chính thống nhiều lúc đi sau mạng xã hội mà nguyên nhân không phải do đội ngũ nhà báo kém nhanh nhạy mà là do cơ chế quản lý và vận hành của nó.
Thẳng thắn mà nói báo chí chính thống có mặt, có lĩnh vực, có sự kiện chưa thật sự đáp ứng được kỳ vọng của công chúng trong thời đại bùng nổ thông tin, thời đại mà thắng thua trong truyền thông được phân định bằng việc là ai cung cấp thông tin khách quan, chính xác, trung thực và nhanh nhất.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ ra những khó khăn của báo chí Việt Nam: “Báo chí hiện nay đứng trước những thách thức rất lớn, thông tin rất nhiều, chạy đua thông tin tính bằng giây, không phải chỉ trong một ngành, một địa phương mà toàn cầu. Nhiều như vậy nhưng vẫn phải kịp thời, chính xác. Thách thức đó rất lớn. Chúng ta là báo chí cách mạng, phải định hướng, trong khi các thông tin không chính thống ngoài xã hội thì rất nhiều và hấp dẫn. Trong khi đó, không ít cơ quan chính quyền, các đơn vị đúng ra phải cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho báo giới thì cũng làm chưa tốt”.
Ông Lê Doãn Hợp nguyên Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông đã phải băn khoăn, trăn trở: “Đáng tiếc là nhiều sự kiện gần đây, báo chí chúng ta đưa tin quá chậm. Nhiều sự kiện được người dân cả nước quan tâm mà được báo chí đưa tin chậm tới cả mấy ngày. Như vậy là rất không nên là thua kém trước mạng xã hội.”
Bàn về hệ lụy do sự chậm trễ của báo chí trong nước, trên trang Facebook cá nhân, ông Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng biên tập Báo Thanh niên cho rằng: "Chừng nào mà hệ thống thông tin, báo chí chính thống còn lẽo đẽo theo sau mạng xã hội thì ngày đó vẫn còn là thảm họa của sự nhiễu loạn thông tin và tất yếu, nó sẽ dẫn đến những hệ lụy của một xã hội không thể tạo được niềm tin cho dân chúng”.
Nhận định của ông Nguyễn Công Khế là có cơ sở. Trong một số sự kiện nóng, khi người dân muốn có thông tin cập nhật thì hệ thống báo chí chính thống không cung cấp kịp thời, trong khi trên mạng xã hội những thông tin đó lan tràn.
Không những thế, nhiều thông tin không đáng bí mật nhưng các báo chính thống vẫn không đăng, nên mọi người phải tìm đến mạng xã hội, vì ở đó những thông tin gọi là bí mật luôn đầy rẫy và rất cập nhật. Chỉ có điều không ít thông tin của mạng xã hội bị bóp méo, thậm chí xuyên tạc theo những dụng ý khác nhau.
Mặt khác ở Việt Nam, chức năng của báo chí được xác định vừa là tiếng nói của Đảng vừa là diễn đàn của nhân dân. Nhưng thực tế hai vế này chưa cân bằng, hài hòa. Ông Lê Doãn Hợp cho rằng, “Vế thứ hai báo chí chúng ta làm chưa tốt” và “Chúng ta cần có tỷ lệ cân bằng để thông tin đáp ứng cả hai chiều vì dân và vì Đảng”. Rồi ông đưa ra ví dụ của người để ngẫm về nền báo chí của chúng ta.
Ông kể: “Một lần tôi sang Úc và hỏi Bộ trưởng Truyền thông, ai quản lý báo chí. Họ bảo không có cơ quan nhà nước nào quản lý báo chí, dân quản lý báo chí. Nhà báo viết hay, viết tốt thì dân mua; viết sai thì dân kiện. Nhà nước xử nghiêm.
Để phát huy tối đa nhiệt huyết và tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ nhà báo và để tăng cường vai trò chủ động, tiên phong, dẫn dắt, định hướng của báo chí trong thông tin tích cực thì cơ chế quản lý, vận hành báo chí cần phù hợp hơn với thời đại. Chỉ có như vậy báo chí Việt Nam mới có thể làm chủ trên mặt trận thông tin và bắt kịp với thời đại bùng nổ thông tin trên toàn cầu.
Nguyễn Huy Viện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét