Thứ Hai, 17 tháng 6, 2019

20190617. VỀ CUỘC KHỦNG HOẢNG CHÍNH TRỊ Ở HỒNG KÔNG

ĐIỂM BÁO MẠNG

HỒNG KÔNG KHỦNG HOẢNG, VÌ SAO ?

HUỲNH HOA / TBKTSG 13-6-2019

(TBKTSG) - Người Hồng Kông muốn bảo vệ dân quyền và tự do, chính quyền Trung Quốc thì đòi kiểm soát và tuân phục - mâu thuẫn giữa hai ý chí này là cội nguồn cuộc khủng hoảng chính trị ở Hồng Kông suốt hai thập niên qua và còn tiếp tục kéo dài.

Hàng trăm ngàn người Hồng Kông xuống đường phản đối dự luật dẫn độ với Trung Quốc hôm Chủ nhật 9-6. Ảnh: Bloomberg

Hôm Chủ nhật 9-6 hàng trăm ngàn người Hồng Kông đã xuống đường tuần hành phản đối một dự luật về dẫn độ, theo đó người cư trú ở Hồng Kông có thể bị giải giao cho Trung Quốc xét xử theo yêu cầu của Bắc Kinh. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất của người dân kể từ khi Hồng Kông được Anh quốc trao trả cho Trung Quốc năm 1997.
Theo thỏa thuận năm 1984 giữa London và Bắc Kinh, Hồng Kông được tiếp tục tự trị trong 50 năm (đến năm 2047), được duy trì chế độ tư bản thị trường về kinh tế, người dân được bảo đảm các quyền như quyền nhân thân, quyền tự do biểu đạt, tự do lập hội, tự do biểu tình - tất cả được thể chế hóa trong Luật Căn bản (Basic Law).
Theo quan điểm của Trung Quốc, Hồng Kông là một “đặc khu hành chính” (SAR) dưới quyền lãnh đạo toàn diện của Bắc Kinh, nhưng Hồng Kông vẫn cho mình là một khu tự trị, có chính quyền riêng, đồng tiền riêng (đô la Hồng Kông); người Trung Quốc muốn ra vào Hồng Kông phải có giấy phép đặc biệt như một kiểu thị thực, và ngược lại.
Xung khắc lộ ra khi Bắc Kinh bắt đầu can thiệp sâu vào nội tình Hồng Kông, làm cho người dân cảm thấy lo sợ một ngày Hồng Kông sẽ trở thành bản sao của Thượng Hải hay Thẩm Quyến, nơi kinh tế phát triển nhưng nhiều quyền của người dân bị hạn chế.
Vì sao người Hồng Kông phản đối?
Dự luật về dẫn độ đã được thảo luận từ lâu trong hội đồng lập pháp và ngay cả các thành viên hội đồng lập pháp cũng ẩu đả với nhau trong nghị viện về dự luật này. Hồng Kông đã có hiệp định về dẫn độ tội phạm với khoảng 20 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng không có hiệp định với Đài Loan và Trung Quốc. Việc sửa đổi và ban hành luật mới về dẫn độ được chính quyền cho là bổ sung vào chỗ thiếu này, nhằm ngăn chặn tình trạng biến Hồng Kông thành “nơi trú ẩn” an toàn của giới tội phạm.
Dự luật còn cho phép Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông được quyền phê chuẩn yêu cầu dẫn độ của nhà cầm quyền Trung Quốc, thay cho quy định hiện hành là việc dẫn độ phải do tòa án cấp cao đề nghị và hội đồng lập pháp phê chuẩn. Người dân lo sợ, nếu được ban hành, luật về dẫn độ sẽ xóa bỏ quyền nhân thân của họ, ai cũng có nguy cơ bị bắt và giải giao cho Trung Quốc.
Tờ Bloomberg cho biết, cơ quan an ninh Trung Quốc đã lập sẵn danh sách hơn 300 người ở Hồng Kông mà họ sẽ yêu cầu dẫn độ ngay sau khi luật này được ban hành.
Những người biểu tình không hy vọng tiếng nói của họ sẽ được lắng nghe và chính quyền Hồng Kông cũng khẳng định không nhượng bộ người dân, hội đồng lập pháp vẫn đưa dự luật dẫn độ ra thảo luận lần thứ hai vào ngày 12-6 và cố gắng ban hành thành luật trước cuối tháng 7, trước khi kết thúc nhiệm kỳ của hội đồng hiện hành.
Tác động kinh tế
Chưa biết cuộc đối đầu giữa ý chí của chính quyền và người dân Hồng Kông sẽ được giải quyết như thế nào, song về mặt kinh tế, nhiều chuyên gia cho rằng việc Hồng Kông ban hành luật về dẫn độ với nội dung như hiện nay sẽ gây nguy hiểm cho thành phố này với vai trò trung tâm thương mại và tài chính hàng đầu khu vực Đông Á.
Trường hợp nổi bật là quan hệ giữa Hồng Kông với thị trường Mỹ. Mỹ có đạo luật Chính sách Mỹ - Hồng Kông 1992, theo đó Hồng Kông có một “quy chế đặc biệt” (special status) trong quan hệ với Mỹ, được đối xử như một thực thể không chủ quyền về kinh tế và thương mại, được hưởng nhiều ưu đãi về thuế quan, thị thực (visa), quan hệ thanh toán... mà Trung Quốc lục địa không có được.
Nhờ quy chế đặc biệt với Mỹ mà Hồng Kông tiếp tục là điểm sáng thu hút đầu tư, kinh doanh; hầu hết các tập đoàn kinh tế lớn đều mở văn phòng hoạt động tại đây kể cả sau khi Hồng Kông đã trở thành đặc khu hành chính của Trung Quốc.
Chính phủ Mỹ cảnh báo quy chế đặc biệt đó có thể bị phương hại nếu Hồng Kông ban hành luật về dẫn độ với nội dung như hiện nay, vì điều đó gây nguy hiểm cho môi trường kinh doanh và doanh nhân nước ngoài. Một ủy ban của Quốc hội Mỹ yêu cầu xem xét lại một số điều khoản của luật Chính sách Mỹ-Hồng Kông 1992 nếu Hồng Kông vẫn nhất quyết thông qua luật về dẫn độ.
Năm 2018, Mỹ có 85.000 công dân và 1.300 doanh nghiệp hoạt động ở Hồng Kông. Tại cuộc họp báo sáng 10-6, Morgan Ortagus, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, nói rằng Mỹ quan ngại sâu sắc trước động thái của chính quyền Hồng Kông, cuộc biểu tình hôm Chủ nhật “biểu thị rõ ràng sự phản đối của công chúng đối với dự luật” và bày tỏ lo ngại luật dẫn độ “sẽ đặt công dân của chúng tôi, cư trú hoặc chỉ viếng thăm Hồng Kông, vào guồng máy tư pháp thất thường của Trung Quốc”.
Theo chân Mỹ, Liên hiệp châu Âu và nhiều nước khác như Nhật Bản cũng có những hiệp định đối xử đặc biệt với Hồng Kông và những ưu đãi này có thể bị xét lại nếu môi trường kinh doanh ở Hồng Kông không còn được an toàn và thân thiện nữa.
Nếu điều đó xảy ra Trung Quốc cũng bị thiệt hại. Hồng Kông, nhờ có đồng tiền riêng ngoài sự kiểm soát của Trung Quốc và gắn (peg) với đô la Mỹ, là một kênh kết nối thị trường Trung Quốc nội địa với thị trường thế giới bên ngoài tốt hơn rất nhiều so với Thượng Hải hoặc Thẩm Quyến.
Năm ngoái, giao thương giữa Trung Quốc với thế giới qua ngả Hồng Kông đã vượt quá 1.000 tỉ đô la Mỹ, trong đó xuất khẩu của Trung Quốc là 468 tỉ đô la. Qua chương trình kết nối chứng khoán Stock Connect của Hồng Kông, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã đưa vào thị trường chứng khoán Trung Quốc hơn 126 tỉ đô la tiền vốn.
Biến Hồng Kông thành một thành phố Trung Quốc lục địa, nhường vai trò trung tâm tài chính khu vực cho Singapore, sẽ có ngày Bắc Kinh phải hối tiếc, hãng tin Reuters nhận định.

MỘT SỐ GHI CHÉP VỀ CUỘC BIỂU TÌNH NGÀY 12 THÁNG 06 CỦA NGƯỜI HỒNG KÔNG

KIỀU PHONG / BVN 15-6-2019

https://1.bp.blogspot.com/-80SrBFXP2nk/XQJKJPx9siI/AAAAAAAACis/dffLUTcoCk07BsSAmTh34MTbbtxe2KZqQCLcBGAs/s640/hong-kong-7194-1560224850.jpg
Biểu tình chống dự luật dẫn độ ở Hongkong.

Cần phân biệt giữa thống nhất và đồng nhất. Thống nhất là khi các bang làm một việc chung trong liên bang nhưng mỗi bang vẫn được giữ riêng bản sắc của mình, còn đồng nhất là mọi bang phải nắn làm sao cho giống hệt bang ở trung tâm quyền lực. Người Hồng Kông, với nòng cốt là giới trẻ, tuần hành ngày 12 tháng 06 năm 2019 để khỏi rơi vào cảnh bị Trung Quốc đồng nhất.
Giết hại đồng bào, biến đổi khí hậu, đẩy hết cho tư bản, tranh thủ kiếm lợi cho bản thân...Những tội ác đó của quan chức chính quyền trung ương Trung Quốc làm cho người Hồng Kông không còn muốn là thành phần của đại lục chút nào. Các học giả gần gũi dân chúng còn muốn chứng minh cho được rằng, người Hồng Kông gần với Nhật Bản, Hàn Quốc hơn. Dầu vậy, nền độc lập thực sự của Hồng Kông vẫn khó xảy ra hơn nền độc lập của Đài Loan, bởi Đài Loan ngày nay đã tìm được nhiều bằng chứng cho thấy có tộc bản địa Đài Loan ở đó sẵn trên 6000 năm, trong khi các manh mối tự chủ của Hồng Kông khá mờ nhạt. Tuy không ưa chính quyền Trung Quốc nhưng một số người ngoài cuộc cũng phải nói là người Hồng Kông “mất gốc”, tức chưa tìm lại được lịch sử của mình.
Phong Trào Dù Vàng - Hồng Kông vẫn có thế mạnh hơn Đài Loan và Việt Nam. Đầu tiên, do điều kiện địa lý thuận tiện, và giao thông vuông vức. Tiếp theo là có sẵn kinh tế khấm khá, là một trung tâm tài chính không hề nhỏ của thế giới, con nhà trung bình ở Hồng Kông cũng dám đấu tranh. Hơn thế nữa, lòng tự tín nơi giới trẻ nước này có thừa. So sánh những thuộc địa do Anh và Pháp cai trị ở thế kỷ XX thì có thể thấy, các xứ thuộc Anh dân chúng giàu hơn và văn minh hơn các xứ thuộc Pháp.
Hồng Kông được Anh trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997, chấp nhận điều kiện bảo tồn các thành quả lập pháp mà Anh đã gây dựng. 80 năm Việt Nam do Pháp đô hộ có nhiều bất công về kinh tế, nhưng 100 năm Hồng Kông thuộc Anh làm cho dân xứ này có đời sống thỏa thuê, ít nhất là về vật chất. Người Pháp bóc lột khai thác thuộc địa, người Anh cũng làm điều đó nhưng kèm theo khai phá văn minh, đặt nền tảng cho dân chủ. Hãy nhìn xem các quốc gia thuộc liên hiệp Anh đều phát triển bền vững thịnh vượng.
Xe tăng và binh đoàn sát nhân mù chữ, trên lý thuyết, vẫn có thể sắp tiến về Hương Cảng ( tên Hồng Kông phiên âm sang tiếng Việt) để viết tiếp tập 2 của Thiên Ân Môn. Nhưng thời đại đã khác, những biện pháp man rợ như biến cố năm 1989 không thể xảy ra được nữa. Trí thức Hồng Kông cũng lường được những gì giới chức Trung Nam Hải toan tính, trình độ hai phe tương tự nhau, chỉ khác nhau ở lực lượng.
Hồng Kông tổ chức giới đấu tranh khá tốt. Bên trong, các nghị sĩ ủng hộ dân chủ (gọi tạm là phe đối lập) yêu cầu bà Carrie Lam phủ quyết ngay luật dẫn độ với Trung Quốc. Bên ngoài các nhà hoạt động cúi đầu cảm tạ quốc dân đồng bào đã đến gây áp lực, phải cứu Hồng Kông. Đường đã bị các bác tài phong toả. Người dân vẫn ùn ùn chiếm trung tâm, ra thời hạn phải bãi bỏ luật này, nếu không không thì sẽ đẩy mạnh hoạt động. Trước sức ép lớn như vậy từ dân chúng, bà Carrie Lam đã phải thông báo tạm hoãn ban hành luật, tức là tìm kế hoãn binh và chờ chỉ đạo thêm từ Bắc Kinh.
Một nhà quan sát phong trào sinh viên quốc tế, giáo sư Nguyễn Đăng Hưng từ Bỉ nhận định: “Chúng (những kẻ đang cai trị Hồng Kông do Bắc Kinh chỉ định xuống, chú thích của phóng viên) đang hoãn cuộc họp, bước lùi chiến thuật chứ chưa hẳn bỏ cuộc! Chiến thắng chiến lược quan trọng là dân Hồng Kông đã vạch mặt cho toàn dân già trẻ, thương nhân, công nhân... thành phần ít quan tâm đến chính trị, bộ mặt lật lọng của Bắc Kinh, thời Tập Cận Bình! Lời hứa hẹn một quốc gia hai chế độ của Bắc Kinh chỉ là lừa mỵ, gian trá! Chiêu bài thống nhất Trung Hoa bị lộ tẩy: Chỉ là tham lam bá quyền thôi!”
Thời Việt Nam Cộng Hòa, du học sinh Miền Nam đến Anh quốc du học được đặc biệt dân Anh ( một giống dân cao sang khó tính) quý mến hơn các sắc dân khác bởi nhân cách được giáo dục tốt từ gia đình, và sau năm 1975, chính Nữ hoàng Anh và Thủ tướng đề nghị tiếp nhận người Việt Nam sang xứ mình để tị nạn.
K.P.
VNTB gửi BVN

GIỚI TÀI CHÍNH HỒNG KÔNG THẤP THỎM VỀ CÁC CUỘC BIỂU TÌNH

CHÁNH TÀI / TBKTSG 15-6-2019

(TBKTSG Online) - Căng thẳng giữa người dân với chính quyền đặc khu Hồng Kông tăng cao liên quan đến dự luật dẫn độ gây tranh cãi, khiến giới lãnh đạo và đầu tư trong lĩnh vực tài chính ở đặc khu này lo lắng về tương lai của một thành phố được ví là trung tâm tài chính của châu Á và toàn cầu.
Hôm 12-6, khi lực lượng cảnh sát bắn đạn hơi cay và cao su vào những người biểu tình phản đối dự luật dẫn độ ở khu Kim Chung, quận Trung Tây, Hồng Kông, các cuộc thảo luận của các lãnh đạo và nhà đầu tư tài chính ở các cao ốc chọc trời trong khu vực chuyển hướng sang những tác động lây lan từ các căng thẳng xung quanh dự luật dẫn độ mà những người chỉ trích cho rằng sẽ làm xói mòn tính độc lập tư pháp quý giá của Hồng Kông.
Dự luật dẫn độ, đang được giới thiệu tại Hội đồng lập pháp Hồng Kông, cho phép dẫn độ tội phạm từ Hồng Kông sang các quốc gia và vùng lãnh thổ chưa có hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông, trong đó có Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Macau, để xét xử. Sau khi được Anh trao trả về Trung Quốc vào năm 1997 theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ", Hong Kong được phép duy trì hệ thống pháp lý và tiền tệ độc lập với Trung Quốc đại lục và hai bên chưa ký bất cứ thỏa thuận dẫn độ nào.
Việc dự luật được giới thiệu khiến người dân Hồng Kông lo ngại “các nghi phạm Hồng Kông” có thể bị dẫn độ sang Trung Quốc và bị xét xử theo một hệ thống pháp lý khác mà họ nghi ngờ về tính công bằng và minh bạch.
Một lãnh đạo cấp cao giấu tên ở chi nhánh của một ngân hàng đầu tư toàn cầu tại Hồng Kông cho biết giới tài chính đang đặt câu hỏi liệu thành phố này có còn là nơi an toàn để sống và làm việc không?
“Mọi người cảm thấy mùi khí cay trên đường về nhà. Tất cả chúng tôi đều đã lên các kế hoạch dự phòng trong trường hợp môi trường kinh doanh thay đổi mạnh mẽ”, ông này nói.
Đối với các công ty quốc tế đặt trụ sở khu vực và sử dụng hàng ngàn nhân viên ở Hồng Kông, câu hỏi đặt ra là liệu các rủi ro chính trị đang gia tăng có thể đe dọa sức hấp dẫn của Hồng Kông với vai trò là cửa ngỏ của Trung Quốc?
Tuy nhiên, chỉ một số ít công ty được phóng viên Bloomberg phỏng vấn trong những ngày qua cho biết, họ thực sự nghiêm túc cân nhắc kế hoạch rời khỏi Hồng Kông. Dù lo lắng dự luật dẫn độ, nếu được thông qua, có thể làm suy yếu mô hình “một quốc gia, hai chế độ”, vốn là trụ cột cho vị thế trung tâm thương mại và tài chính toàn cầu của Hồng Kông, rất ít công ty cho rằng sẽ có cuộc tháo chạy sắp diễn ra ở Hồng Kông.
Trong khi một số nhân viên của chi nhánh các ngân hàng toàn cầu gồm Barclays và Goldman Sachs ở Hồng Kông phải làm việc ở nhà trong tuần qua do tình hình biểu tình căng thẳng, không có dấu hiệu nào hoạt động của các ngân hàng này bị ảnh hưởng lớn bởi các cuộc biểu tình.
Ngân hàng HSBC cho biết các hoạt động của ngân hàng này tại Hồng Kông vẫn diễn ra bình thường. Cơ quan quản lý tiền tệ Hồng Kông cho biết ngoài một số chi nhánh ngân hàng gần các địa điểm biểu tình phải đóng cửa, hệ thống tài chính của Hồng Kông vẫn vận hành suôn sẻ.
Louis Tse, Giám đốc công ty VC Brokerage, cho rằng thời điểm căng thẳng nhất của các cuộc biểu tình đã qua. Ông cho biết lượng người biểu tình ở khu trung tâm thương mại của Hồng Kông hôm 13-6 đã giảm đi rất nhiều.
Cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ lên cao trào hôm 9-6 khi có đến hơn một triệu người tuần hành trên các đường phố Hồng Kông, theo các nhà tổ chức biểu tình. Đây được xem là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi Hồng Kông được trao trả về Trung Quốc năm 1997. Tuy nhiên, cảnh sát Hồng Kông nói rằng số người biểu tình vào lúc đỉnh điểm trong ngày hôm đó chỉ là 270.000 người.
Louis Tse nhận đình nếu biểu tình bùng lên trở lại, các nhà đầu tư cũng không quá lo lắng vì trước đây, phong trào biểu tình “Chiếm lĩnh Trung hoàn” năm 2014 nhằm đấu tranh cho quyền đề cử người lãnh đạo của người dân ở Hồng Kông, cuối cùng cũng tan rã mà không gây thiệt hại quá nhiều cho môi trường kinh doanh và thị trường chứng khoán của Hồng Kông.

Nhờ nằm ở vị trí cửa ngỏ của Trung Quốc và mô hình “một quốc gia, hai chế độ”, Hồng Kông trở thành một trung tâm tài chính của khu vực và toàn cầu. Ảnh: AFP
Một số ý kiến khác cho rằng dự luật dẫn sẽ dẫn đến những rủi ro lớn. Nó có thể dọn đường để bất cứ ai chống chính phủ Trung Quốc sẽ bị bắt giữ dựa trên cáo buộc ngụy tạo ở Hồng Kông và bị dẫn độ sang Trung Quốc đại lục để xét xử. Dự luật dẫn độ áp dụng cho những người mang hộ chiếu Hồng Kông, người công dân nước ngoài sinh sống và làm việc ở Hồng Kông và ngay cả những người nước ngoài đi công tác hay du lịch ở Hồng Kông.
“Đó là một lo ngại. Nếu dự luật này được thông qua, tôi có thể dễ dàng hình dung rằng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ sẽ muốn chuyển trụ sở của công ty họ sang Singapore”, Andrew Sullivan, một lãnh đạo ở công ty dịch vụ tài chính Pearl Bridge Partners, có trụ sở tại Hồng Kông, nói.
Carson Block, một nhà đầu tư bán khống nổi tiếng ở Mỹ với những báo cáo chê bai các công ty Trung Quốc, cho biết, ông sẽ suy nghĩ kỹ về việc đi đến thăm Hồng Kông nếu dự luật dẫn độ được thông qua. Ông cho rằng thành phố này đang thay đổi theo chiều hướng tồi tệ hơn khi Trung Quốc tìm cách siết chặt quản lý Hồng Kông.
“Phương Tây từng hy vọng rằng Trung Quốc đại lục sẽ trở thành giống như Hồng Kông hơn. Nhưng rõ ràng điều ngược lại đã xảy ra và đó là điều không may đối với pháp quyền và các quyền tự do cá nhân ở Hồng Kông”, Block, người sáng lập công ty đầu tư Muddy Waters Capital, nói.
Một số ý kiến lo ngại Hồng Kông, thường được xếp hạng ở các vị trí dẫn đầu trong các cuộc khảo sát toàn cầu về môi trường kinh doanh, có thể trở thành nơi bất ổn khi các căng thẳng chính trị leo thang.
Công ty đầu tư PineBridge Investments (Mỹ), đang quản lý số tài sản 93 tỉ đô la Mỹ, là một trong một số công ty hủy hoặc hoãn các sự kiện ở Hồng Kông trong tuần này vì các cuộc biểu tình. Hôm 13-6, chính quyền Hồng Kông cũng hoãn cuộc đấu giá một khu vực đất vàng có thể thu về 1,7 tỉ đô la Mỹ.  Hôm 14-6, sự kiện đua thuyền rồng ở Hồng Kông với lượng khách xem dự kiến 60.000 người, cũng bị hủy bỏ.
“Hồng Kông như thể đang ngày càng cực đoan hơn. Tôi cho rằng những cuộc xô xát bạo lực giữa người biểu tình và cảnh sát sẽ tiếp tục xảy ra trong 10 năm mới, nếu không muốn nói là ngày càng gay gắt hơn”, lãnh đạo của một quỹ đầu tư phòng hộ nói khi đi bộ qua màn khí cay trên một đường phố Hồng Kông hôm 12-6.
Giới phân tích cho rằng các cuộc biểu tình rầm rộ ở Hồng Kông trong tuần qua chỉ tác động hạn chế đến triển vọng kinh tế Hồng Kông trong ngắn hạn nhưng có nguy cơ gây tổn thương nghiêm trọng cho các triển vọng dài hạn.
Gareth Leather, nhà kinh tế châu Á ở  công ty Capital Economics (Anh) nói: “Hồng Kông là một thành phố với các định chế theo kiểu phương Tây và một chế độ pháp quyền. Nếu các giá trị này bị đe dọa, Hồng Kông còn lợi thế gì so với các thành phố khác ở Trung Quốc?”
Theo Bloomberg
Tờ South China Morning Post cho biết tại cuộc họp báo chiều 15-6, trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam thông báo “tạm dừng” xem xét dự luật dẫn độ nhưng không đặt ra khung thời gian để tái giới thiệu dự luật.
“Tôi cảm thấy buồn lòng và hối tiếc sâu sắc rằng những thiếu sót trong công việc của chúng tôi và nhiều yếu tố khác đã khơi dậy những tranh cãi lớn”, bà Carrie Lam nói khi ám chỉ đến việc dự luật dẫn độ bị người dân phản đối.
Mặc dù dự luật dẫn độ đã bị tạm gác lại, các nhà tổ chức biểu tình cho biết họ vẫn kêu gọi người dân Hồng Kông tham gia cuộc tuần hành vào ngày 16-6 để tiếp tục bày tỏ thái độ phản đối dự luật


KHI NÀO TRIỆU NGƯỜI VIỆT SẼ XUỐNG ĐƯỜNG ?

MAI V. PHẠM / TD/ BVN 16-6-2019

Tuần trước, hơn một triệu người Hồng Kông biểu tình ôn hòa phản đối dự luật cho phép dẫn độ tình nghi sang Trung Quốc. Theo dõi các cuộc biểu tình khổng lồ của Hồng Kông, khá nhiều người Việt đặt câu hỏi: “Khi nào triệu người Việt Nam cũng xuống đường như thế?

Rất đông người Hồng Kông xuống đường phản đối dự luật dẫn độ về TQ. Ảnh: Reuters chụp ngày 9/6/2019
Câu hỏi này cũng dễ hiểu, vì nó xuất phát từ sự chán chường và thù ghét đối với Đảng cầm quyền hung bạo. Sau hơn 87 năm áp đặt ách độc tài, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chà đạp các quyền tự do, trong khi tham nhũng hoành hành, ô nhiễm tăng cao, giáo dục nhồi sọ, y tế kém cỏi, và đạo đức suy đồi.
Lịch sử đã chứng minh chế độ cộng sản không thể nào cải tiến được, mà phải được thay thế bằng dân chủ đa nguyên. Do đó, mong mỏi hàng triệu người Việt xuống đường ôn hòa, yêu sách dân chủ là một nguyện vọng chính đáng. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu vì sao hiện tại Việt Nam không thể có các cuộc biểu tình triệu người như Hồng Kông và tại sao Hồng Kông có thể vận động cả triệu người tham biểu tình ôn hòa.
Sự khác biệt cơ bản giữa Hồng Kông và Việt Nam
Sự khác biệt lớn nhất giữa người Hồng Kông và Việt Nam chính là kinh nghiệm dân chủ và văn hóa tổ chức.
Hãy nhìn toàn diện lịch sử Việt Nam để thấy được dân tộc chúng ta không hề có kinh nghiệm tranh đấu dân chủ. Vào khoảng năm 179 TCN Triệu Đà chiếm Âu Lạc đến khi Ngô Quyền giành thắng lợi Bạch Đằng lịch sử vào mùa thu năm 938, tổ tiên của chúng ta đã bị các vương triều phong kiến Trung Quốc đô hộ trong khoảng 1117 năm. Sau đó là các giai đoạn:
– Từ thời Ngô Quyền đến nhà Minh năm 939 – 1407;
– Từ nhà Minh đến Gia Long (Nguyễn Ánh) năm 1407 – 1802;
– Từ Gia Long đến Minh Mạng năm 1802 – 1838;
– Minh Mạng đến Cách Mạng Tháng Tám năm 1838 – 1945;
– Từ năm 1945 cho tới ngày nay: dưới sự cai trị của chế độ độc tài cộng sản.
Rõ ràng, từ lúc hình thành cho đến nay, dân tộc Việt Nam luôn bị cai trị bởi các nhà cầm quyền chuyên chế. Thật đau xót khi chúng ta gần như không có trải nghiệm dân chủ nào xuyên suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển.
Ngược lại, Hồng Kông lại có gần 100 năm kinh nghiệm dân chủ. Năm 1842, Vương quốc Anh tiếp quản đảo Hồng Kông sau khi đánh bại Trung Quốc trong Chiến tranh Nha phiến Thứ Nhất (First Opium War). Năm 1898, Anh đã chấp nhận thuê Hồng Kông với cam kết sẽ trả lại cho Trung Quốc sau 99 năm. Dưới quyền kiểm soát của Anh, Hồng Kông phát triển nhanh chóng và trở thành một trong những trung tâm tài chính và kinh doanh lớn nhất thế giới.
Anh là một trong những quốc gia dân chủ lâu đời nhất thế giới, được đặt nền móng từ Đại Hiến chương Magna Carta về quyền tự do vào năm 1215. Bởi thế, khi kiểm soát Hồng Kông, Anh cũng thiết lập và áp dụng chế độ dân chủ tại hòn đảo này. Cũng xin nhắc lại nhờ nền dân chủ và tinh thần “thượng tôn pháp luật” của Anh tại Hồng Kông mà Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) đã không bị chính quyền Hương Cảng (Hồng Kông) bàn giao cho Pháp. Lịch sử đã hoàn toàn khác nếu chính quyền Hương Cảng hành xử côn đồ và tùy tiện giống nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam hiện tại.
Nhờ sinh hoạt trong môi trường dân chủ hơn 90 năm, phần lớn người Hồng Kông được tiếp cận với nền giáo dục nhân bản, các giá trị dân chủ, trong đó có nhân quyền, hợp tác, và bao dung. Họ ý thức được các quyền tự do cơ bản, ý thức cộng đồng, và trách nhiệm công dân. Họ cũng hiểu rằng quyền lực cai trị của chính quyền đến từ dân, không phải từ “mệnh trời”. Nhìn chung, môi trường dân chủ mà nước Anh thiết lập, đã giúp người Hồng Kông có trải nghiệm về các giá trị dân chủ quý giá, cũng như ý thức được tầm quan trọng của tổ chức và liên đới xã hội.
Quan trọng hơn, môi trường dân chủ đã đào tạo cho người Hồng Kông kỹ năng và phương pháp làm việc chung hiệu quả. Bởi thế, Hồng Kông có các tổ chức chính trị và dân sự lớn mạnh. Ví dụ các chính đảng đối lập: Civic Party (Đảng Công dân), Labour Party (Đảng Lao động) và Democratic Party (Đảng Dân Chủ); các tổ chức xã hội dân sự: Federation of Students (Liên đoàn Sinh Viên), Confederation of Trade Unions (Liên đoàn Công đoàn), Journalists Association (Hiệp hội Nhà báo). Chính các tổ chức này dẫn dắt các cuộc biểu tình bất bạo động có quy mô và kỷ luật.
Ngược lại, trừ khoảng 10 năm dưới thời Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam, đại đa số người Việt không có kinh nghiệm về dân chủ và cũng không văn hóa tổ chức.
Khi nào triệu người Việt sẽ xuống đường?
Lịch sử thế giới và bài học xuống đường của Hồng Kông, Venezuala đã chứng minh rằng, để huy động được đông đảo người dân xuống đường yêu sách dân chủ, cần 2 điều kiện.
1.- Phải có tổ chức
Khi một dân tộc không có trải nghiệm dân chủ, được một số người kêu gọi biểu tình, nhưng lại không đưa ra được kế hoạch cụ thể nào, thì số người tham gia sẽ rất ít ỏi. Người dân rất thực tế. Họ chỉ đồng loạt xuống đường khi tin rằng các cuộc biểu tình sẽ có hy vọng và kết quả. Muốn xây một ngôi nhà đẹp và chắc chắn, chúng ta cần bản thiết kế và kế hoạch cụ thể. Tương tự, muốn huy động nhiều người dân tham gia bất bạo động, phải có các tổ chức vạch cho họ thấy phương pháp và chiến lược (có lịch trình, mục tiêu, và khả năng thực hiện).
Nên nhớ, đặc tính dễ thấy của đám đông là tính nhất thời và dễ bỏ cuộc. Chỉ sau vài ngày nếu các cuộc biểu tình không có kết quả, thì sự chán nản, hoặc tệ hơn là bạo loạn sẽ thay thế tinh thần phấn khởi của việc xuống đường. Lịch sử thế giới đã chứng minh các cuộc biểu tình yêu sách dân chủ có thể kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng, không phải vài ngày là có được những thứ mà mọi người tranh đấu.
Hãy nhìn sang Venezuela: Đảng đối lập đã lãnh đạo hàng chục ngàn người dân Venezuela liên tiếp biểu tình, yêu cầu tổng thống Maduro từ chức. Nhiều người phải thiệt mạng vì bạo lực leo thang, nhưng dân chủ đúng nghĩa vẫn chưa xuất hiện tại Venezuela. Huống chi ở Việt Nam, người dân không có kinh nghiệm tranh đấu dân chủ, không có văn hóa tổ chức, ý thức cộng đồng kém, liên đới xã hội rất yếu, lại thiếu vắng các tổ chức chính trị lẫn dân sự có tầm vóc.
Cách đây gần 100 năm khi An Nam đang bị Pháp đô hộ, cụ Phan Châu Trinh đã nhấn mạnh vai trò thiết yếu của tổ chức: “Nay muốn một ngày kia nước Việt Nam được tự do độc lập, thì trước hết dân Việt Nam phải có đoàn thể đã”.
2.- Nói không với bạo lực và vô cảm
Đảng Cộng sản ngang nhiên tồn tại bằng vũ lực. Tuy nhiên, chính nhiều người Việt, từ vô tình đến cố ý, cũng góp phần duy trì ách cai trị hung bạo của chế độ bằng văn hóa “sống chết mặc bay” và tôn sùng bạo lực.
Triết lý “Người trong một nước, phải thương nhau cùng” được thay thế bằng bạo lực (lời nói và hành động). Ngày nay đông đảo người Việt dùng bạo lực để giải quyết mọi xung đột. Các cuộc thảo luận trên tinh thần tôn trọng nhau là khá hiếm. Miệt thị và thóa mạ do khác biệt chính kiến là phổ biến. Bạo lực xã hội tăng “ổn định” từ học sinh đánh nhau, hàng xóm đánh nhau, đến công an đánh chết dân… trở thành bình thường, với lời bào chữa quen thuộc đến khó chịu: “Việt Nam mà”.
Không dừng lại ở đó, nhiều người Việt còn sẵn sàng hãm hại nhau qua các hình thức kinh doanh gian trá: bán sản phẩm độc hại, cho vay cắt cổ… Một dân tộc mà phần lớn người dân xem nặng lợi ích tư, không có ý thức cộng đồng, vô cảm, ích kỷ, và nghi kỵ nhau, thì hỏi tại sao chế độ độc tài không ngang nhiên tồn tại?! Cụ Phan Bội Châu viết về tính xấu của người Việt trong Việt Nam Quốc Sử Khảo, cách đây hơn 110 năm nhưng vẫn còn nguyên giá trị:
“Hay nghi kỵ lẫn nhau, không làm nên việc gì cả, đó là điều rất ngu thứ nhất. Tôn sùng những điều xa hoa vô ích, bỏ bê những sự nghiệp đáng làm, đó là điều rất ngu thứ hai. Chỉ biết lợi mình mà không biết hợp quần, đó là điều rất ngu thứ ba. Thương tiếc của riêng, không tưởng đến việc ích chung, đó là điều rất ngu thứ tư. Biết có thân mình,nhà mình, mà không biết có nước, đó là điều rất ngu thứ năm.”.
Thay Lời kết
Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang thất bại trên mọi phương diện, nhưng vẫn quyết tâm đánh đổi sự hưng thịnh của quốc gia và hạnh phúc của dân tộc để duy trì quyền lực cai trị. Chế độ cộng sản không cần người dân yêu thích nó, mà chỉ cần người dân căm ghét nhau để không thể liên kết thành nhiều khối mạnh. Không có gì thỏa mãn chế độ độc tài bằng một dân tộc chia rẽ.
Mặc dù Việt Nam có hơn 90 triệu dân, nhưng là 90 triệu người cô đơn, lẻ loi, “mạnh ai nấy sống”. Như cụ Phan Bội Châu đã chỉ ra trong Cao Đẳng Quốc Dân năm 1928: “Người ngoại quốc coi thường dân ta, họ nói rằng ‘không có nổi một đoàn một nhóm nào từ ba người trở lên’. Câu nói đó thoạt mới nghe tưởng là quá đáng, nhưng xét cho đến tình hình xã hội, tinh thần dân chúng thì thấy tan tan tác tác, rạc rạc rời rời, ghét nhau, ngờ nhau, ai lo thân nấy, bảo rằng không có nổi một đoàn một nhóm ba người thật bụng với nhau, thật cũng chẳng oan.”.
Ngày triệu người Việt biểu tình ôn hòa phản đối độc tài sẽ có, nếu người Việt xem trọng đạo đức luân lý, cũng như học và hành lòng bao dung, đối thoại, và hợp tác để nắm tay nhau tạo thành nhiều đoàn thể lớn mạnh. Nói cách khác, khi nào hơn nửa dân tộc biết lắng nghe nhau, quý mến nhau, giúp đỡ nhau, và gắn bó cùng nhau trong tương lai dân chủ, thì ngày vài triệu người Việt xuống đường như Hồng Kông chắc chắn sẽ có.
M.V. P.

LÃNH ĐẠO HONG KONG XIN LỖI, 'BIỂN NGƯỜI BIỂU TÌNH' KHÔNG BUÔNG

THANH HẢO /VNN 17-6-2019

Hàng triệu người tham gia vào cuộc biểu tình rầm rộ ở Hong Kong ngày 16/6 bất chấp chính quyền đặc khu hành chính của Trung Quốc này hoãn vô thời hạn việc thông qua dự luật dẫn độ.
BBC dẫn thông tin từ các nhà tổ chức rằng gần 2 triệu người đã tham gia; nếu được xác nhận thì đây là cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử Hong Kong. Cảnh sát ước tính con số này lúc đỉnh điểm chỉ khoảng 338.000 người.

Lãnh đạo Hong Kong xin lỗi, 'biển người biểu tình' không buông
Biển người ở Hong Kong phản đối dự luật dẫn độ và đòi trưởng đặc khu Carrie Lam từ chức. 
Trước đó trong ngày, trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam đã công khai xin lỗi vì đề xuất dự luật. Nhiều người biểu tình kêu gọi bà từ chức và họ còn đòi hủy dự luật chứ không chỉ hoãn thông qua.

Lãnh đạo Hong Kong xin lỗi, 'biển người biểu tình' không buông
Carrie Lam xin lỗi người dân Hong Kong.
Trong khi đó, những người ủng hộ Joshua Wong – thủ lĩnh sinh viên đi đầu làn sóng biểu tình "Phong trào Ô" cách đây 5 năm – cho biết thanh niên này sẽ được trả tự do trong hôm nay (17/6).
"Cuộc biểu tình hôm nay, chúng tôi có gần 2 triệu người", BBC dẫn lời Jimmy Sham thuộc nhóm biểu tình Mặt trận Nhân quyền Dân sự ở Hong Kong nói tối qua.

Lãnh đạo Hong Kong xin lỗi, 'biển người biểu tình' không buông
Ảnh: The Guardian
Biểu tình bắt đầu sớm vào chiều 16/6 ở Quảng trường Victoria, và diễn ra tương đối ôn hòa. Cảnh sát cho phép đàm đông dân chúng di chuyển từ từ qua thành phố. Cảnh tượng này trái ngược với những lần trước khi đụng độ xảy ra giữa hai bên khiến hàng chục người bị thương.

Lãnh đạo Hong Kong xin lỗi, 'biển người biểu tình' không buông
Người biểu tình nghỉ ở gần tòa nhà Hội đồng Lập pháp Hong Kong sớm nay (17/6)
Khi màn đêm buông xuống, người biểu tình kéo tới một số tuyến đường và giao lộ chính, bao vây tòa nhà hội đồng lập pháp. Họ mang theo các tấm bảng ghi "Sinh viên không bạo loạn", phản ứng trước cáo buộc của cảnh sát tuần trước rằng sinh viên đã dấy loạn – một tội có thể lĩnh án phạt 10 năm tù giam.
Thanh Hảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét